Tin khắp nơi – 28/10/2019

Tin khắp nơi – 28/10/2019

Abu Bakr al-Baghdadi: Kẻ cầm đầu IS chết

 ’sau cuộc tấn công của Mỹ’ ở Syria

Kẻ cầm đầu Nhà nước Hồi giáo (IS) đã tự sát trong một chiến dịch của quân đội Mỹ ở tây bắc Syria, Tổng thống Donald Trump cho biết.
Phát biểu từ Nhà Trắng, ông Trump cho biết Abu Bakr al-Baghdadi đã kích nổ áo vest tự sát sau khi chạy trốn vào một đường hầm và bị chó nghiệp vụ của quân đội Mỹ truy đuổi.
Baghdadi trở nên nổi tiếng vào năm 2014, khi tuyên bố tạo ra một “nhà nước Hồi giáo” (caliphate) ở các khu vực của Iraq và Syria.
IS thực hiện nhiều hành động tàn bạo khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Nhóm thánh chiến áp đặt một quy tắc tàn bạo cho các khu vực chịu sự kiểm soát của họ và đứng sau nhiều cuộc tấn công trên khắp thế giới. Mặc dù Mỹ tuyên bố “nhà nước Hồi giáo” đã bị đánh bại đầu năm nay, phiến quân IS vẫn hoạt động trong khu vực và các nơi khác.
Cái chết của Baghdadi là một chiến thắng lớn cho ông Trump khi phải đối mặt với những chỉ trích nặng nề vì quyết định rút quân đội Hoa Kỳ ra khỏi miền bắc Syria và đang ở trong ột cuộc điều tra luận tội do đảng Dân chủ đưa ra.
Quan điểm: Syria có thể là khởi đầu cho kết thúc của Trump
Thổ Nhĩ Kỳ không kích Syria để chặn người Kurd
Bộ tư pháp Mỹ điều tra hình sự nguồn gốc cuộc điều tra Nga-Trump
Trong một tuyên bố bất thường vào sáng Chủ nhật, ông Trump đã mô tả hoạt động ban đêm rất chi tiết, rằng Baghdadi chạy vào một đường hầm cụt, “thút thít, khóc và la hét”, trong khi bị chó nghiệp vụ Mỹ đuổi theo.
Baghdadi tự sát cùng với ba người con bằng cách đốt cháy chiếc vest gài bom đang mặc trên người, khiến đường hầm sụp đổ, ông Trump nói. Không binh lính Mỹ nào bị thiệt mạng, nhưng một chú chó bị thương nặng trong vụ nổ.
Vụ nổ đã phá hủy cơ thể của Baghdadi nhưng, theo tổng thống, một xét nghiệm DNA tại chỗ đã xác nhận danh tính của ông ta. Các lực lượng đặc nhiệm đã dành hai giờ trong khu vực và thu thập “tài liệu rất nhạy cảm”.
Ông Trump nói: “Kẻ côn đồ cố gắng hết sức để đe dọa người khác đã dành những giây phút cuối cùng của mình trong nỗi sợ hãi tột cùng, hoảng loạn và sợ hãi trước lực lượng Mỹ”.
Những gì chúng ta được biết
Địa điểm – ngôi làng Barisha ở tỉnh Idlib gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – cách xa nơi Baghdadi được cho là đang ẩn náu dọc biên giới Syria-Iraq. Nhiều phần của Idlib nằm dưới sự kiểm soát của các chiến binh thánh chiến chống lại IS nhưng các nhóm đối thủ bị nghi ngờ bao bọc cho thành viên của IS.
Baghdadi đã bị theo dõi trong “một vài tuần” và “hai hay ba” cuộc tấn công đã bị hủy vì sự di chuyển của ông ta. Ông Trump nói thêm rằng việc lãnh đạo IS chuyển đến Idlib là một phần trong kế hoạch tái thiết nhóm.
Một lực lượng tấn công không rõ con số sử dụng tám máy bay trực thăng đã nhắm vào khu căn cứ và bị bắn trả, ông Trump nói. Các biệt kích đã tìm cách hạ cánh an toàn và vào tòa nhà bằng cách làm cho nổ tường, tránh cánh cửa chính được cho là có gài bẫy. “Ông ta là một người đàn ông bệnh hoạn và đồi trụy”, ông Trump nói. “Ông ta chết như một con chó, ông ta chết như một kẻ hèn nhát.”
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien nói rằng hài cốt của Baghdadi nên được xử lý tương tự như hài cốt của cựu lãnh đạo al-Qaeda Osama bin Laden, được chôn cất trên biển sau khi bị giết trong một cuộc đột kích năm 2011.
Một “số lượng lớn” tín đồ của Baghdadi cũng chết trong khi những người khác bị bắt, tổng thống nói. Người chết bao gồm hai vợ của Baghdadi, cả hai đều được thấy mặc áo nổ nhưng không phát nổ.
Mười một đứa trẻ không bị thương được đưa ra khỏi khu vực.
Phó Tổng thống Mike Pence: ‘Mỹ ủng hộ người biểu tình Hong Kong’
‘Kim Jong Un và Donald Trump có mối quan hệ đặc biệt’
Trung Đông: Quân Nga vượt sông Euphrates
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo – một trong những đồng minh chính của Mỹ ở miền bắc Syria cho đến khi ông Trump rút quân đội Mỹ khỏi khu vực trong tháng này – cho biết họ đã chia sẻ chi tiết về vị trí của các thành viên IS cấp cao, bao gồm cả Baghdadi. Giới chức Iraq cũng cho biết họ đã cung cấp “thông tin chính xác”.
Ông Trump ca ngợi tất cả, kể cả Nga – phía đã cho mở không phận họ kiểm soát cho cuộc tấn công – Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã dành “sự hỗ trợ nhất định” cho hoạt động này. Ông nói phía Nga không biết bản chất cuộc tấn công của Hoa Kỳ.
Sau lời tuyên bố của tổng thống, Nhà Trắng công bố những bức ảnh được cho là của ông Trump đang theo dõi hoạt động từ Phòng Tình huống bao quanh bởi Phó Tổng thống Mike Pence và các quan chức an ninh hàng đầu.
Trên Twitter, Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson nói rằng cái chết của Baghdadi là “thời khắc quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố của chúng ta nhưng cuộc chiến chống lại cái ác của IS vẫn chưa kết thúc”.
Trong khi IS mất lãnh thổ ở Syria và Iraq sau chiến dịch chết chóc kéo dài nhiều năm, các chuyên gia cho rằng nhóm này vẫn là mối đe dọa, với các chi nhánh hoạt động ở nhiều quốc gia khác nhau.
Cũng trong ngày Chủ nhật, SDF cho biết người phát ngôn của IS, Abu al-Hassan al-Muhajir, được mô tả là cánh tay phải của Baghdadi, đã bị giết trong một chiến dịch chung với quân đội Mỹ gần thị trấn Jarablus của miền bắc Syria.
Chiến lược ngoại giao thành công cho Trump
Phân tích của BBC Anthony Zurcher, phóng viên Bắc Mỹ
Ý nghĩa chiến lược của cái chết của Abu Bakr al-Baghdadi rất rõ ràng. Việc loại bỏ một thủ lĩnh tài giỏi và tàn bạo khỏi chiến trường chắc chắn sẽ khiến nỗ lực của các đồng minh nhằm tiêu diệt lực lượng IS dễ dàng hơn. Những lợi ích chính trị lâu dài cho Donald Trump thì còn phải đợi xem.
Baghdadi không phải là một cái tên quen thuộc ở Hoa Kỳ, mặc dù IS là một kẻ thù nổi tiếng với những màn hành quyết tàn bạo và xâm lấn, vốn chiếm các mặt báo kể từ 2014. Cái chết của Baghdadi sẽ cho ông Trump một khoảnh khắc đặc biệt để dẫn chứng về khả năng lãnh đạo của ông dẫn đến sự lụi bại của lực lượng IS.
Nó cũng sẽ giúp đánh lạc hướng sau nhiều tuần bị chỉ trích của lưỡng đảng về quyết định rút lực lượng Hoa Kỳ của ông khỏi miền bắc Syria, ngầm cho phép một cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ đánh đuổi người Kurd – đồng minh của Hoa Kỳ.
Mặc dù đúng là hầu hết người Mỹ chỉ chú ý đến chính sách đối ngoại trong thời chiến, hầu hết những cơn đau đầu chính trị hiện tại của ông Trump đều xuất phát từ các động thái ở nước ngoài – cho dù đó là quyết định về Syria hay cuộc điều tra luận tội đang nhanh chóng diễn ra về hành vi với Ukraine của ông.
Bây giờ tổng thống đã có một chính sách đối ngoại thành công rõ ràng để khoe khoang. Nó sẽ không giải quyết tất cả các vấn đề chính trị của ông, nhưng đó là một khởi đầu.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50205931

Tổng thống Trump thuật lại cuộc bố ráp

của quân đội Hoa Kỳ

tại Syria để tiêu diệt thủ lĩnh ISIS Baghdadi

Tin từ Washington, D.C. — Hôm Chủ Nhật (27 tháng 10), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra tuyên bố rằng Abu Bakr al-Baghdadi, lãnh đạo nhóm Nhà nước Hồi giáo ISIS, đã chết trong một cuộc bố ráp trong đêm do lực lượng quân đội Hoa Kỳ tại Syria dẫn đầu.
Trong một tuyên bố được đưa ra từ Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Trump đã thuật lại toàn bộ nhiệm vụ một cách chi tiết. Tổng Thống Trump nói rằng Hoa Kỳ bắt đầu nhận được thông tin tình báo về nơi ẩn náo của ông Baghdadi khoảng một tháng trước, bao gồm một số thông tin hữu ích từ người Kurd, và các viên chức tình báo Hoa Kỳ đã tìm được chính xác vị trí của ông Baghdadi 2 tuần trước. Cố vấn an ninh Robert O’Brien cho biết chính phủ Hoa Kỳ đã xin  phép Nga, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ để bay qua không phận của họ và tiến hành cuộc bố ráp.
Vào 5 giờ chiều thứ bảy (ngày 26 tháng 10), Tổng Thống Trump cùng Phó Tổng Thống  Mike Pence, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và ông O’Brien cùng các viên chức tình báo khác đã tập trung ở Situation Room của Tòa Bạch Ốc để theo dõi cuộc bố ráp diễn ra. Theo Tổng Thống Trump, sau khi đổ bộ vào căn cứ của ông Baghdadi, các lực lượng Hoa Kỳ đã nhanh chóng khống chế tình hình, và nhiều người tại khu căn cứ đã “đầu hàng hoặc bị bắn chết.” Trong đó, các binh lính Hoa Kỳ đã tìm được 11 đứa trẻ và bắt giữ một vài chiến binh ISIS.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN vào Chủ Nhật, ông Mark Esper cho biết các lực lượng Hoa Kỳ đã yêu cầu ông Baghdadi đầu hàng, nhưng ông ta đã từ chối và tự kích nổ áo bom để tự sát. Ông cùng 3 người con thiệt mạng trong một đường hầm. Sau đó, các binh lính đã lục soát khu căn cứ và tìm được “các thông tin bí mật”, bao gồm thông tin về nguồn gốc của ISIS và các kế hoạch tương lai của nhóm. Ông O’Brien cho biết thi thể của ông Baghdadi có khả năng sẽ được chôn cất dưới biển như Osama bin Laden. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-thuat-lai-cuoc-bo-rap-cua-quan-doi-hoa-ky-tai-syria-de-tieu-diet-thu-linh-isis-baghdadi/

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ:

Hoa Kỳ muốn bắt sống thủ lĩnh của IS

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 27/10 nói rằng Mỹ tìm cách bắt sống Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo, trong cuộc đột kích của biệt kích Mỹ vào vùng tây bắc của Syria, theo Reuters.
Quan chức quốc phòng hàng đầu của Hoa Kỳ được trích lời nói thêm rằng lực lượng biệt kích có thể triệt hạ Baghdadi, nếu cần.
“Chúng tôi tìm cách gọi Baghdadi ra và yêu cầu ông ta đầu hàng”, ông Esper nói với CNN.
XEM THÊM:
TT Trump: Thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo đã chết
Ông nói thêm rằng thủ lĩnh nhà nước Hồi giáo “từ chối” rồi bỏ chạy xuống một đường ngầm rồi sau đó tự làm nổ tung mình.
Ông Esper nói rằng hai thành viên của lực lượng biệt kích bị thương nhẹ trong chiến dịch này, nhưng đã trở lại làm nhiệm vụ.
Quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng Tổng thống Trump ra lệnh thực hiện chiến dịch trên vào cuối tuần trước.
“Tổng thống đã có các lựa chọn đầu tuần trước… Ông ấy đã chọn điều mà chúng tôi nghĩ đã trao cho chúng tôi khả năng thành công cao nhất”, ông Esper nói.
https://www.voatiengviet.com/a/b%E1%BB%99-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng-m%E1%BB%B9-hoa-k%E1%BB%B3-mu%E1%BB%91n-b%E1%BA%AFt-s%E1%BB%91ng-th%E1%BB%A7-l%C4%A9nh-c%E1%BB%A7a-is/5141429.html

Tổng thống Trump bị chỉ trích

vì muốn khai thác dầu ở Syria

Vào hôm chủ nhật (27 tháng 10), Tổng Thống Trump phải đổi mặt với nhiều chỉ trích từ các chuyên gia pháp lý và năng lượng, sau khi đề nghị công ty dầu hỏa ExxonMobil hoặc một công  ty dầu hỏa khác của Hoa Kỳ điều hành các mỏ dầu của Syria.
Bà Laurie Blank, giáo sư luật trường Emory Law School và là giám đốc của Center for International and Comparative Law tại trường, cho biết luật pháp quốc tế cấm những hành động “bóc lột” như lời đề nghị của Tổng Thống Trump. Theo cựu cố vấn an ninh quốc gia Bruce Riedel, lời đề nghị nói trên không chỉ là một hành động pháp lý đáng ngờ, mà còn gửi đi một thông điệp tới toàn bộ Syria và thế giới rằng Hoa Kỳ muốn cướp dầu tại khu vực.
Theo Reuters, Syria đã sản xuất khoảng 380,000 thùng dầu mỗi ngày trước khi đất nước này xảy ra nội chiến. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 2016 ước tính rằng sản lượng này đã giảm xuống chỉ còn 40,000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, ông Alex Cranberg, chủ tịch công ty năng lượng Aspect Holdings, lại có ý kiến khác với những chuyên gia trên. Ông Cranberg cho rằng dầu không phải là vấn đề quan trọng đối với Hoa Kỳ. Nhưng nếu số dầu này rơi vào tay kẻ xấu thì thế giới sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trong tương lai.
Trong khi đó, ông Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng Thống Trump, cho biết cần có sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ để bảo vệ các mỏ dầu của Syria. Nhưng ông cũng tin rằng Syria cần phải đưa ra ý kiến riêng của họ trong vấn đề này. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-bi-chi-trich-vi-muon-khai-thac-dau-o-syria/

Mỹ, Úc lo ngại

việc TQ tăng cường đầu tư vào Thái Bình Dương

Solomon, một đảo quốc Thái Bình Dương, hôm 24/10, bất ngờ tuyên bố, sẽ hủy việc cho Trung Quốc thuê một hòn đảo ở nước này vì “trái luật.”
Động thái này diễn ra sau khi có nhiều lo ngại về việc Bắc Kinh phát triển quân sự tại hòn đảo trên, theo hãng tin Reuters.
Thông tin về hợp đồng cho với công ty Trung Quốc China Sam Enterprise Group thuê đảo Tulagi ở miền Trung Solomon rộ lên một thời gian ngắn sau khi đảo quốc này tuyên bố cắt đứt quan hệ với Đài Loan.
Hãng tin này dẫn lời khẳng định hợp đồng cho thuê nói trên không đúng luật.
“Thỏa thuận không được văn phòng tổng công tố xem xét trước khi ký- tổng công tố John Muria của Solomon khẳng định hôm 24/10.
“Thỏa thuận này là trái luật, không khả thi và phải bị hủy ngay lập tức,” ông Muria nói.
Tulagi từng là nơi đặt các căn cứ của Hoa Kỳ trong Đệ nhị Thế chiến, cũng là cố đô của Solomons, trước khi chuyển đến đảo Guadalcanal.
Thỏa thuận với Tập đoàn Sam Group, ký‎ ngày 22/9, cho phép công ty Trung Quốc phát triển cơ sở hạ tầng trên Tulagi và các đảo xung quanh.
Có trụ sở tại Bắc Kinh, Sam Group là một tập đoàn của nhà nước được thành lập năm 1985; chuyên đầu tư vào công nghệ và năng lượng.
Trong một tuyên bố đưa trên trang mạng, Sam Group cho biết, đại diện của họ đã gặp Thủ tướng Solomons, Manasseh Sogavare đầu tháng 10, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc.
Hợp đồng nói trên đã khiến Đài Loan và Hoa Kỳ chỉ trích, khi cho rằng Bắc Kinh sẽ khiến đảo quốc này lâm vào các khoản nợ.
Yao Ming, phó trưởng phái đoàn ngoại giao Đại sứ quán Trung Quốc tại Papua New Guinea, cho biết trong một cuộc họp tại thủ đô Honomara rằng, họ sẽ đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng, gồm sân vận động thể thao, như một món quà của nước này.
Ông Yao Ming cho rằng, chính Hoa Kỳ và Anh mới có trách nhiệm lịch sử trong việc đưa đảo quốc này lâm vào cảnh khó khăn tài chính.
Mối lo ‘bẫy nợ’ Trung Quốc
Lâu nay, việc Trung Quốc tăng cường đầu tư cũng như viện trợ cho các đảo quốc Thái Bình Dương đã khiến nhiều quốc gia thấy lo ngại.
Các đảo quốc Thái Bình Dương luôn nằm trong ưu tiên chiến lược của các cường quốc, muốn liên minh với các nước này nhằm kiểm soát các vùng biển rộng lớn và giàu về tài nguyên.
Nhiều thập kỷ qua, Úc vẫn là nước viện trợ cho khu vực này nhiều nhất.
Tuy nhiên, những năm gần đây, Trung Quốc cũng nổi lên như một nhà đầu tư lớn trong khu vực này.
Nếu Úc viện trợ cho các đảo quốc này thông qua các khoản tài trợ không kèm nghĩa vụ hoàn trả, phần lớn khoản chi của Trung Quốc dưới dạng các khoản cho vay.
Viện Lowy, một tổ chức phân tích chính sách quốc tế độc lập đặt tại Sydney, Úc, từng cảnh báo rằng, 6 đảo quốc Nam Thái Bình Dương bao gồm Quần đảo Cook, Fiji, Papua New Guinea, Samoa, Tonga và Vanuatu đang là con nợ của Trung Quốc.
Theo đó, từ năm 2011 đến năm 2018, Trung Quốc cho các nước này vay 6 tỷ USD, tương đương 21% GDP khu vực.
Báo cáo của viện này đưa ra hôm 21/10 mang tên ‘Ocean of Debt?’ (Đại dương của nợ nần?), nêu rõ rằng, “Quy mô cho vay của Trung Quốc và tình trạng thiếu cơ chế đảm bảo khả năng trả nợ dẫn tới nhiều nguy cơ lớn.”
Viện này kêu gọi Bắc Kinh điều chỉnh lại việc cho vay tại Thái Bình Dương.
Mục tiêu quân sự và ngoại giao của Trung Quốc
Trung Quốc cũng sử dụng đàm phán các khoản vay để thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối nội và đối ngoại.
Năm ngoái, có tin Trung Quốc cân nhắc đưa thiết bị quân sự đến một cảng lớn mà nước này đang xây, ở đảo quốc Vanuatu cũng tại Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, khi đó, cả Trung Quốc và Vanuatu đều bác bỏ tin tức trên.
Một báo cáo của Ủy ban đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung năm 2018 cho thấy, một căn cứ hoặc cơ sở quân sự của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương sẽ kiềm chế quân đội Mỹ tiếp cận khu vực, và tăng cường ảnh hưởng đến các đối tác quan trọng của Mỹ, New Zealand và Úc.
Hơn thế, tuy dân số nhỏ nhoi, nhưng mỗi đảo quốc ở Thái Bình Dương cũng là một lá phiếu tại các diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên hiệp quốc.
Úc, Mỹ cũng ‘tiến vào Thái Bình Dương’
Ông James Borton, nhà nghiên cứu từ Trung tâm Khoa học ngoại giao thuộc Đại học Tufts (Hoa Kỳ), trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 20/10, cho rằng, các hành động chiến lược của Bắc Kinh tại các đảo quốc Thái Bình Dương là rất đáng lo ngại.
“Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã củng cố đáng kể các mối quan hệ kinh tế với các đảo Thái Bình Dương thông qua thương mại, đầu tư trực tiếp, hỗ trợ phát triển và du lịch. Sự tham gia của Trung Quốc tại các đảo quốc ở Thái Bình Dương có thể đe dọa các lợi ích của Mỹ trong Thỏa ước Hiệp hội tự do được Hoa Kỳ k‎ý với Palau, Quần đảo Marshall và Liên bang Micronesia,” ông nói.
Có thể, bởi những lo ngại như vậy, mà hồi tháng 8 năm nay, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã tới ba đảo quốc Thái Bình Dương – còn gọi là Các quốc gia liên kết tự do (FAS), khu vực có tầm quan trọng chiến lược hơn với Mỹ trong những năm gần đây, nhằm gia hạn thỏa ước chung nói trên nhằm ngăn ảnh hưởng của Trung Quốc.
Theo thỏa ước này, quân đội Mỹ có quyền truy cập độc quyền vào không phận và lãnh hải của FAS; đổi lại, ba đảo quốc sẽ nhận được sự hỗ trợ kinh tế từ Washington.
Cũng trong tháng 8, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố, nước này sẽ nâng chính sách tiếp cận khu vực “lên một cấp độ mới,” với việc công bố hàng loạt gói đầu tư và cho vay hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương nhằm đẩy mạnh hợp tác an ninh và kinh tế.
Canberra tuyên bố sẽ lập một quỹ hỗ trợ phát triển trị giá hơn 1,45 tỷ USD để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tại Đông Timor cùng các quốc gia Thái Bình Dương khác.
Úc cũng lập tạo ra một gói cho vay xuất khẩu trị giá hơn 729 triệu USD để hỗ trợ các hoạt động đầu tư trong khu vực.
Ngoài ra, Canberra sẽ hỗ trợ tàu tuần tra và hợp tác xây căn cứ quân sự với Papua New Guinea.
Ông Derek Grossman, chuyên gia cao cấp Trung tâm Chính sách Châu Á – Thái Bình Dương, RAND Corporation, nhận định với BBC News Tiếng Việt hôm 20/10:
“Úc đã gia tăng ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương thông qua chương trình ‘Pacific Step Up’ (tạm dịch Bước vào Thái Bình Dương) và chúng ta có thể thấy, những nỗ lực này sẽ còn được gia tăng liên tục; cũng như sẽ có cả những nỗ lực từ Hoa Kỳ để cạnh tranh, và khi có thể, chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.”
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31144-my-uc-lo-ngai-viec-tq-tang-cuong-dau-tu-vao-thai-binh-duong.html

Ông Trump sẽ tiếp tục nhắm vào TQ

nếu tái đắc cử

Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich hôm thứ Sáu (25/10) cho biết ông tin rằng cuộc đối đầu của Tổng thống Donald Trump nhắm vào Trung Quốc còn xa mới kết thúc.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình với Hill TV, ông Gingrich thừa nhận rằng ông đã sai lầm khi ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Cũng như nhiều quan chức phương Tây đương thời, ông tưởng rằng chính quyền Trung Quốc sẽ nới lỏng tự do, dân chủ khi nền kinh tế trở nên giàu mạnh hơn.
Tuy nhiên, giờ ông đã nhận ra rằng Bắc Kinh không những không cải cách chính trị, không tuân thủ các quy định của WTO mà còn làm mục ruỗng tổ chức quốc tế này.
“Chúng tôi tưởng rằng việc đưa họ vào một hệ thống có quy tắc sẽ dần dần thẩm thấu vào văn hóa của họ và đó sẽ là một bước tiến lớn theo đúng hướng – Suy nghĩ đó là hoàn toàn sai lầm”, ông Gingrich, người giữ chức Chủ tịch Hạ viện trong những năm 90 nói với Hill TV. “Thật ra, người Trung Quốc đã quyết định làm mục ruỗng WTO chứ không phải là bị thay đổi bởi tổ chức này”.
Ông Gingrich cho biết, việc nhận ra cách tiếp cận của Trung Quốc về thương mại đã khiến ông viết cuốn sách: “Trump vs. China: America’s Greatest Challenge” (tạm dịch: Trump đấu với Trung Quốc: Thử thách vĩ đại nhất của nước Mỹ).
Theo The Hill, ông Gingrich cũng bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng của Tổng thống Trump trong thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, đồng thời dự đoán rằng Tổng thống sẽ tiếp tục tập trung vào Trung Quốc nếu tái đắc cử.
Các bình luận của ông Gingrich được đưa ra sau khi ông Trump tuyên bố hồi đầu tháng này rằng Hoa Kỳ đã đạt được một “thỏa thuận giai đoạn một rất quan trọng” với Trung Quốc về thương mại sau nhiều tháng đàm phán giữa hai nước.
Tổng thống Trump coi thỏa thuận này là một chiến thắng, ông viết trên Twitter hồi đầu tháng rằng đó là một “thỏa thuận tuyệt vời nhất và lớn nhất từng được thực hiện cho những người nông dân yêu nước vĩ đại của chúng ta”.
Bloomberg đưa tin hôm 24/10 rằng Trung Quốc có kế hoạch mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ trị giá ít nhất 20 tỷ USD mỗi năm nếu nước này ký kết thỏa thuận thương mại một phần với Washington.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31131-ong-trump-se-tiep-tuc-nham-vao-tq-neu-tai-dac-cu.html

Thời TQ trục lợi từ mô hình kinh tế ‘ăn xổi’ đã qua rồi

Trong một bài viết được đăng trên tờ Washington Examiner (WE) vào ngày 30/9, nhà báo Jason Orestes cho hay, các biện pháp được chính quyền Trump sử dụng để “khóa chặt” Bắc Kinh bao gồm thuế quan, ngăn chặn các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc, và loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, là một đòn giáng mạnh vào mô hình kinh tế “ăn xổi” lỗi thời của Trung Quốc.
Theo cây viết của WE, đáng lẽ ra cuộc tấn công này phải được thực hiện từ lâu cho dù có hay không có thương chiến. Có thể thấy, ý kiến của nhà báo Orestes tương đồng với ý của Tổng thống Trump rằng, các chính quyền trước đây của Mỹ đã để cho Trung Quốc hưởng lợi quá nhiều từ mối quan hệ thương mại không công bằng mà Mỹ là bên chịu thiệt. Theo đó, Mỹ đã mở cửa tối đa và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ở Hoa Kỳ, trong khi Bắc Kinh tìm cách đóng cửa thị trường trong nước, bảo trợ thái quá doanh nghiệp nội địa và đánh cắp cũng như ép buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ.
Sau khi Nhà Trắng áp dụng các biện pháp mới nhất để đẩy lùi Trung Quốc trong cuộc thương chiến, cổ phiếu niêm yết tại Hoa Kỳ của Alibaba và Baidu (được xem như Amazon và Google của Trung Quốc) đã lao dốc, đồng thời đồng nhân dân tệ cũng đã suy yếu rõ rệt so với đô la Mỹ.
Các công ty Trung Quốc đã kiếm được một lượng tiền không nhỏ từ các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, với số tiền khoảng 1,2 nghìn tỷ đô la trong tổng số 43 nghìn tỷ đô la vốn của thị trường này. Rõ ràng, việc xâm nhập thị trường chứng khoán Mỹ là một kế hoạch đã có từ lâu đối với chính quyền của một quốc gia từ chối minh bạch và công bằng, và không ngạc nhiên khi các công ty của Trung Quốc cũng thừa kế “tính cách” của nhà nước Trung Quốc làm hành trang để “tung hoành” thu lợi ở thị trường Mỹ, theo ý nhà báo Orestes.
Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã điều tra và cáo buộc các công ty Trung Quốc làm ăn gian lận trong hàng chục năm qua. Lừa đảo sáp nhập, giao dịch tài chính mờ ám, hồ sơ kế toán sai lệch với thực tế là những điều thường thấy ở các công ty Trung Quốc, trong đó gã khổng lồ Alibaba, “niềm tự hào” của Trung Quốc, là một ví dụ điển hình.
Theo nhà báo từng là chuyên gia phân tích của phố Wall, sự lừa dối của các công ty Trung Quốc đã tác động tới cả các nhà đầu tư quỹ phòng hộ và bán lẻ. Ngay cả các công ty lớn của Hoa Kỳ cũng trở thành nạn nhân bởi các chiêu trò tài chính gian dối của họ.
Bắc Kinh đã lặp đi lặp lại hành động từ chối thực thi các tiêu chuẩn quy định đối với hồ sơ tài chính và không chấp thuận để cho các kiểm soát viên quốc tế thanh tra công việc kế toán của các công ty Trung Quốc mà họ bảo trợ.
Không yêu cầu quyền truy cập mở đối ứng giữa hai thị trường Mỹ-Trung, bao gồm quyền truy cập thông tin là một sai lầm. Ông Orestes nhìn nhận, điều này cũng tương tự như việc phê phán chính sách thuế đối với Trung Quốc của chính quyền Trump bằng một ngụy biện rằng, dùng thương mại tự do làm “mồi nhử” đối với Bắc Kinh sẽ buộc chính quyền Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán.
Bắc Kinh cho thấy họ coi nhẹ những lời đe dọa suông, vì thế Hoa Kỳ đã thực hiện các bước đi đủ mạnh để buộc nước này phải hành xử đúng với tư cách nền kinh tế lớn thứ hai trong thế kỷ 21. Dự luật do các nghị viên lưỡng đảng giới thiệu nhằm mục đích ngăn cản các công ty Trung Quốc, không tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán cơ bản tham gia thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, là một bước đi đúng hướng, ông Orestes nêu quan điểm.
Tổng thống Trump có quyền thực hiện các bước để từ chối đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc như là một chiến lược nhằm giành lợi thế trong cuộc thương chiến và tạo ra tấm lá chắn để bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ. Thời Trung Quốc dùng mô hình kinh tế “ăn xổi” để thủ lợi đã qua rồi, nhà báo Orestes kết luận.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31130-thoi-tq-truc-loi-tu-mo-hinh-kinh-te-an-xoi-da-qua-roi.html

Thương chiến Mỹ-Trung:

Cuộc chiến giữa dân chủ và toàn trị

Ông Robert Spalding là nhà nghiên cứu cao cấp và chuyên gia Trung Quốc tại Viện Hudson (Mỹ), vào ngày đầu tiên của vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung diễn ra hôm 10/10, ông đã công bố bài viết trên tờ The Hill với nhận định rằng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thực chất là cuộc chiến giữa hai mô hình kinh tế – chính trị: dân chủ và toàn trị.
Ông Spalding là Chuẩn tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu, từng là Giám đốc chiến lược của Nhà Trắng, cũng đã là sĩ quan quốc phòng cấp cao của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh. Ông là tác giả của sách “Cuộc chiến vô hình: Cách Trung Quốc nổi lên trong khi giới ưu tú Mỹ đang ngủ” (Stealth War: How China Took Over While America’s Elite Slept).
Trong tác phẩm này, ông Spalding tiết lộ rằng sự xâm nhập của ĐCSTQ vào các tổ chức của Mỹ đã đạt đến mức báo động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ; sách cũng tiết lộ động cơ cùng các đợt tấn công bí mật của ĐCSTQ nhằm chống lại phương Tây. Spalding nhận định, giới truyền thông quốc tế thường cảnh báo Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia Mỹ, nhưng thực tế nguy cơ lại nằm ở phương Đông xa xôi. ĐCSTQ đã phát động cuộc chiến chống lại Mỹ trên sáu mặt trận gồm kinh tế, quân sự, ngoại giao, công nghệ, giáo dục, cơ sở hạ tầng.
Trong  bài viết đăng trên tờ The Hill hôm 10/10, ông Spalding đã đề cập đến vụ ồn ào về tweet của Tổng giám đốc Đội Bóng rổ Houston là Daryl Morey. Ngày 4/10, ông Morey đã đăng một bức ảnh lên Twitter
cùng dòng trạng thái “Chiến đấu vì tự do/đồng hành cùng Hồng Kông” (Fight For Freedom/Stand With Hong Kong). Hệ quả đã gây làn sóng tẩy chay tập thể của hệ thống ĐCSTQ nhắm vào NBA, bao gồm các hãng truyền thông, tổ chức thể thao, công ty Trung Quốc.
Mặc dù ông Morey đã nhanh chóng xóa bài viết và chia sẻ một tweet khác để xin lỗi, làm rõ tweet đó là ý kiến ​​cá nhân chứ không liên quan đến đội bóng rổ Houston hay NBA, nhưng cơn bão dư luận này vẫn không ngừng nóng lên tại Đại Lục.
Trong bài viết, ông Spalding cho biết thật không may là những chuyện tương tự như trường hợp của Morey lại xảy ra hàng ngày.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31128-thuong-chien-my-trung-cuoc-chien-giua-dan-chu-va-toan-tri.html

Thống đốc Gavin Newsom ban hành

báo động khẩn cấp trên toàn California do cháy rừng

Hôm Chủ Nhật (27 tháng 10), thống đốc Gavin Newsom ban hành báo động khẩn cấp trên toàn tiểu bang, do gió lớn gây cháy rừng và ra lệnh di tản khắp California.
Hãng KTLA cho biết, tính đến ngày Chủ Nhật 27 tháng 10, đám cháy Tick Fire ở khu vực Sand Canyon thuộc Santa Clarita lan rộng đến 4,615 acres, phá hủy 22 công trình. Các viên chức cho biết, hơn 900 lính cứu hỏa được điều động đến hiện trường cháy Tick Fire, và nhiều lực lượng trong trạng thái sẵn sàng nếu cần thêm sự hỗ trợ. Chính quyền cho biết đám cháy Kincade Fire ở quận Sonoma cũng lan rộng hơn 30,000 acres và gần 200,000 người được lệnh buộc phải di tản. Có hơn 3,000 nhân viên địa phương, tiểu bang và liên bang, kể cả lính cứu hỏa tham gia giải quyết ngọn lửa đã phá hủy 79 công trình.
Đầu tuần này, Thống đốc Newsom bảo đảm Khoản tài trợ Quản trị Hỏa hoạn có sẵn cho các nguồn lực để chiến đấu với ngọn lửa Tick Fire ở Nam California và Kincade Fire ở Bắc California. Thống đốc đã gặp những cơ quan phản ứng đầu tiên, các cơ quan y tế và cư dân của Los Angeles, Napa và Geyserville trong tuần này để thảo luận về các mối đe dọa hỏa hoạn đang diễn ra, và các hậu quả gây ra của quyết định cắt điện trên toàn tiểu bang của các công ty điện lực.
Các viên chức cho biết, lệnh di tản mới nhất đối với gần 200,000 người ở bắc California được đưa ra sau khi công ty điện lực lớn nhất tiểu bang, Pacific Gas & Electric đã bắt đầu cắt điện của 2.3 triệu người ở 36 quận từ tối thứ Bảy (26/10/2019). (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/thong-doc-gavin-newsom-ban-hanh-bao-dong-khan-cap-tren-toan-california-do-chay-rung/

Nữ dân biểu Katie Hill từ chức khỏi Hạ Viện

giữa cuộc điều tra đạo đức

Hôm Chủ Nhật (27 tháng 10), ngôi sao đang nổi của đảng Dân chủ, dân biểu Katie Hill, đưa ra thông báo từ chức giữa những cuộc điều tra đạo đức, cho rằng chồng cũ của cô và các nhóm chính trị đối nghịch đã biến những hình ảnh riêng tư giữa cô và một nhân viên làm việc trong chiến dịch tranh cử thành vũ khí chống lại cô.
Theo KTLA, dân biểu Dân chủ từ Santa Clarita, California, 32 tuổi đã được chọn lọc kỹ lưỡng cho chiếc ghế lãnh đạo. Nhưng những ngày gần đây, các tờ báo trên mạng của phe cực hữu, và một tờ báo lá cải của Anh đăng những bức ảnh và những dòng tin nhắn giữa cô và một nhân viên của chiến dịch. Ủy ban đạo đức Hạ viện đã mở cuộc điều tra về việc bà Hill có mối quan hệ không phù hợp với một phụ tá trong văn phòng Hạ viện của cô hay không, điều bị cấm theo quy định của Hạ viện.
Bà Hill là một trong số ít những người công khai lưỡng tính trong Hạ viện, đã phủ nhận các cáo buộc và thề sẽ chiến đấu chống lại chiến dịch “bôi nhọ” cô do người chồng cũ mà cô gọi là bạo hành đang thực hiện. Những mối quan hệ của bà với các phụ tá chiến dịch đã trở thành mối quan tâm đối với Hạ
viện Dân chủ, khi họ luôn chủ trương sự bình đẳng ở nơi làm việc. Hôm Chủ Nhật (27 tháng 10), sau khi xin lỗi về mối quan hệ với cấp dưới, bà Hill tuyên bố sẽ từ chức. Tuyên bố của dân biểu Hill không nói rõ thông tin chi tiết về sự việc hay khi nào bà sẽ từ chức. Văn phòng và chiến dịch của Katie Hill cũng không cung cấp thêm bình luận nào. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/nu-dan-bieu-katie-hill-tu-chuc-khoi-ha-vien-giua-cuoc-dieu-tra-dao-duc/

Hình ảnh cậu bé phủ đầy dầu

khiến vụ tràn dầu ở Brazil thành tâm điểm chú ý

Tin từ CABO DE SANTO AGOSTINHO, Brazil – Hiện nay, bức ảnh ghi lại cảnh một cậu bé đi bộ trên bờ biển Brazil trong làn nước bẩn cao đến eo với vẻ mặt bực tức và cơ thể lấm lem trong dầu đang trở thành tâm điểm chú ý.
Vào hôm Thứ Hai tuần trước, một nhiếp ảnh gia tự do của AFP tại bãi biển Itapuama ở Cabo de Santo Agostinho, tiểu bang Pernambuco, chụp bức ảnh khi đứa trẻ trồi lên từ lượng dầu ô nhiễm đang lan dọc bờ biển phía đông bắc Brazil trong gần hai tháng. Vào ngày hôm đó, cậu bé Everton Miguel dos Anjos, 13 tuổi, cùng với bốn anh em và một số anh em họ, cùng hàng trăm tình nguyện viên đang cố gắng làm sạch bãi biển và cọ rửa dầu khỏi các tảng đá trên bờ. Cậu bé này mặc áo phông lội xuống nước, nhưng lại cởi áo ra khi nhận thấy thân thể bẩn đến mức nào. Sau đó, cậu bé tự chế một chiếc áo tay ngắn từ túi rác bằng nhựa.
Khi trò chuyện với nhiếp ảnh gia, bé Everton cho biết bé bị mẹ mắng khi bà nhìn thấy những bức ảnh được các tổ chức tin tức lớn trên thế giới công bố. Bốn ngày sau khi bức ảnh được chụp, bãi biển không còn quá nhiều dầu. Phía quân đội tiếp quản chiến dịch dọn dẹp, và trẻ em không còn được phép tham gia. Theo hải quân Brazil, hơn 1,000 tấn dầu được thu hồi kể từ khi vụ tràn dầu này bắt đầu.
Vụ tràn dầu được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 30 tháng 8 ngoài khơi bờ biển phía đông bắc tiểu bang Paraiba, và giờ đây hiện lan dọc theo 2,250km bờ biển, và hủy hoại những bãi biển đẹp ở một khu vực nghèo nàn phụ thuộc nhiều vào du lịch. Khoảng 200 thị trấn chịu thiệt hại trong sự việc này. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hinh-anh-cau-be-phu-day-dau-khien-vu-tran-dau-o-brazil-thanh-tam-diem-chu-y/

Achentina:

Ứng viên cánh tả đắc cử tổng thống ngay vòng đầu

Trọng Nghĩa
Theo kết quả kiểm phiếu gần như đầy đủ, ứng cử viên thuộc cánh trung tả Alberto Fernandez đã giành chiến thắng ngay vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống vào hôm qua, 27/10/2019, đánh bại tổng thống mãn nhiệm cánh hữu Mauricio Macri.
Với 95,31% số phiếu đã kiểm, ông Fernandez đã giành được 47,99% phiếu bầu, so với 40,48% cho ông Macri. Theo luật lệ Achentina, để chiến thắng trong vòng đầu tiên, một ứng của viên phải giành được hơn 45% số phiếu, hoặc được hơn 40% số phiếu và một khoảng cách hơn 10 điểm so với đối thủ đứng thứ hai.
Như vậy, ông Fernandez đã đắc cử và sẽ trở thành tổng thống của đất nước 44 triệu dân tại Nam Mỹ này.
Điểm đáng chú ý là người đứng chung liên danh với ông Fernandez trong cương vị phó tổng thống là bà Cristina Kirchner, từng làm tổng thống Achentina từ năm 2007 đến năm 2015.
Theo nhận định của thông tín viên RFI Jean-Louis Buchet, kết quả cuộc bầu cử tổng thống hôm qua cho thấy là người dân đã quyết định trở lại với chủ nghĩa Peron thiên tả, dân túy. Vấn đề là phải làm sao cho việc chuyển giao quyền hạn từ một chính quyền cánh hữu qua chính quyền cánh tả diễn ra suôn sẻ:
Kể từ hôm nay, thứ Hai, chế độ kiểm soát hối đoái bắt đầu được tăng cường, nhằm tránh nạn chảy máu ngoại tệ từng khiến cho Ngân Hàng Trung Ương Achentina mất đi 23 tỉ đô la từ khi mở ra các cuộc bầu
cử sơ bộ ngày 11 tháng 8 vừa qua. Mục tiêu là không để cho đất nước này rơi vào tình thế không còn dự trữ tiền tệ vào ngày 10 tháng 12, tức là ngày tân tổng thống nhậm chức.
Một tiến trình bàn giao quyền hành kéo dài sáu tuần như vậy đã bắt đầu. Vấn đề trở nên tế nhị vì lẽ trong thời gian gần đây, hai đối thủ Mauricio Macri và Alberto Fernandez hầu không nói chuyện với nhau. Thế nhưng hai nước bị bắt buộc phải phối hợp với nhau và bắt đầu làm việc cùng nhau để trấn an, không chỉ thị trường, mà cả đường phố Achentina, luôn sẵn sàng bùng nổ khi thấy tình hình bấp bênh.
Và nếu quá trình chuyển tiếp không quá tệ, tổng thống vừa được bầu sẽ phải chuẩn bị tốt nhiệm kỳ của ông. Alberto Fernandez đã hứa là sẽ vực dậy một nền kinh tế đã suy thoái từ mười tám tháng qua, giảm dần lạm phát trong khi cải thiện sức mua ,và đàm phán lại ổn thỏa các khoản nợ với IMF và các nhà đầu tư tư nhân.
Mọi thứ sẽ khó khăn đối với tân tổng thống vì ông sẽ không nắm trọn trong tay một chính phủ, nơi mà cựu tổng thống Cristina Kirchner và một số lãnh đạo theo chủ nghĩa Peron khác vẫn có ảnh hưởng.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191028-achentina-ung-vien-canh-ta-dac-cu-tong-thong-ngay-vong-dau

Brexit :

Liên Hiệp Châu Âu cho Anh Quốc thêm ba tháng

Tú Anh
Còn ba hôm nữa đến kỳ hạn Brexit 31/10/2019, Liên Hiệp Châu Âu bật đèn xanh cho Anh Quốc thêm ba tháng để chuẩn bị. Đây là lần thứ ba, Bruxelles đồng ý dời ngày ly dị với Luân Đôn. Thủ tướng Boris Johnson tận dụng thời gian để vận động bầu lại Quốc Hội trước hạn kỳ.
Quyết định triển hạn ngày Brexit được 27 nước đồng ý sau khi điều kiện của Pháp được thỏa mãn : Liên Hiệp Châu Âu không thương thuyết lại thỏa thuận đã đạt được với Boris Johnson.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk cho biết thêm nếu trong ba tháng này, Quốc Hội Anh Quốc biểu quyết chấp nhận thỏa thuận Brexit thì Luân Đôn có thể ra đi trước ngày 31/01/2020 nếu muốn.
Chính thủ tướng Anh xin triển hạn vì không đủ thời gian và đa số tại Nghị Viện để biểu quyết.
Tương quan lực lượng tại Quốc Hội hoàn toàn bất lợi cho thủ tướng Anh : 21 nghị viên bảo thủ bỏ đảng, đồng minh DUP, Bắc Ailen đồng ý Brexit nhưng không đồng ý văn kiện thỏa thuận.
Được thêm ba tháng, Boris Johnson hy vọng thuyết phục được hai phần ba dân biểu, trong cuộc họp trưa thứ Hai 28/10, đồng ý bầu lại Quốc Hội. Được đa số ở viện lập pháp sẽ cho phép hành pháp dễ hành động hơn.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191028-brexit-lien-hiep-chau-au-cho-anh-quoc-them-ba-thang

Vụ 39 tử thi trên xe tải: Tài xế ra tòa vì tội ngộ sát

Công tố viên ở Anh cho rằng tài xế Maurice Robinson là thành viên “mạng lưới toàn cầu” về đưa lậu người, trong vụ 39 nạn nhân chết trong xe tải.
Người lái chiếc xe tải định mệnh ra tòa sáng thứ Hai 28/10 với tội án ngộ sát 39 người được tìm thấy đã chết trên thùng xe đông lạnh ở Essex.
Các thi thể được tìm thấy trong container vào sáng sớm thứ Tư tại một khu cung nghiệp ở thị trấn Grays của hạt này.
Maurice tức Mo Robinson, từ Bắc Ireland, bị giam giữ tại Tòa án Chelmsford.
Công tố viên Ogheneruona Iguyovwe mô tả có “mạng lưới toàn cầu” đưa nhiều người “di dân bất hợp pháp vào Anh quốc”.
Ngày 25/11, Maurice Robinson sẽ ra tòa lần nữa.
Ông Robinson, địa chỉ ở Laurel Drive, Craigavon, ra trước tòa qua kết nối video và bị truy tố 39 tội ngộ sát, tội âm mưu buôn người, thông đồng hỗ trợ nhập cư trái phép và rửa tiền.
Hiện nay số liệu về thân nhân đang được thu thập tại Việt Nam để hỗ trợ việc nhận dạng các tử thi.
Viết trong sổ chia buồn, Thủ tướng Boris Johnson nói thế giới đã “sốc vì bi kịch” này.
Xem tường thuật video:Từ hiện trường vụ án ở Grays.
Đi cùng ông Johnson có Bộ trưởng Nội vụ bà Priti Patel và nhân viên các lực lượng khẩn cấp.
Ông viết trong sổ chia buồn: “Cả nước, và đúng là cả thế giới đã sốc trước bi kịch này và sự nghiệt ngã của số phận mà những con người vô tội đã phải chịu khi mong muốn có một cuộc sống tốt hơn ở đất nước này.
Để lên án sự nhẫn tâm của những kẻ gây ra tội ác này, chính phủ Vương quốc Anh chúng tôi quyết tâm làm tất cả trong khả năng của mình để đưa những kẻ phạm tội ra công lý”.
Ba người khác bị bắt hồi tuần trước đã được tạm tha hôm chủ Nhật.
Một người lái xe khác, người chở container tới cảng Zeebrugge trước khi xe này lên đường qua eo biển nối Pháp và Anh, đã bị bắt tại cảng Dublin hôm thứ Bảy, văn phòng của công tố viên Bỉ cho biết.
Cảnh sát Essex nói người này bị bắt vì một vấn đề không có liên quan, nhưng là “một người được quan tâm” trong cuộc điều tra của họ.
Các thám tử hiện đang làm việc tích cực để nhận dạng nạn nhân trong một vụ việc lớn nhất trong lịch sử của lực lượng cảnh sát Essex.
Reuters đưa tin chính phủ Anh đã gửi tài liệu cho Bộ An ninh Việt Nam nhằm giúp nhận dạng bốn trong số 39 nạn nhân.
Các thám tử cũng đang điều tra tin tức nói chuyến xe này là một trong đoàn ba chuyến chở chừng 100 người.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50208155

Giới chuyên gia Bỉ và Pháp tổ chức hội thảo về EU,

ASEAN và tranh chấp chủ quyền Biển Đông

Ngày 22/10, Viện Quan hệ quốc tế Hoàng gia Vương quốc Bỉ (Egmont), Truyền thông châu Á-Thái Bình Dương và Trung tâm châu Á tại Pháp đã tổ chức hội thảo với chủ đề “EU-ASEAN và Biển Đông, các tranh chấp lãnh thổ, sự cạnh tranh quyền lực và lợi ích kinh tế”. Đây là dịp để giới chuyên gia Bỉ, Pháp nói riêng và châu Âu nói chung thể hiện sự quan tâm và tiếng nói trong vấn đềBiển Đông.
Thành phần buổi hội thảo
Hội thảo “EU-ASEAN và Biển Đông, các tranh chấp lãnh thổ, sự cạnh tranh quyền lực và lợi ích kinh tế” thu hút sự tham gia của gần 70 diễn giả là chuyên gia trong các lĩnh vực luật pháp và quan hệ quốc tế đến từ Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS), Viện Nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House), Viện Egmont của Bỉ, Quỹ Nghiên cứu chiến lược (FRS) và Trường Khoa học chính trị của Pháp.
Nội dung chính của buổi hội thảo
Tại hội thảo, các diễn giả đã phân tích thực trạng Trung Quốc tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo phá vỡ nguyên trạng của khu vực Biển Đông cũng như các hành động đơn phương của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Các diễn giả nhất trí cho rằng giao thông hàng hải tại Biển Đông là huyết mạch quan trọng của thương mại thế giới và thực sự quan trọng đối với Liên minh châu Âu (EU). EU có thể hiện diện nhiều hơn trong khu vực với việc tập trung vào thương mại, tăng cường kết nối và giữ gìn an ninh, an toàn hàng hải. Nhiều ý kiến cho rằng EU cần hợp tác với ASEAN thông qua Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), khuyến khích đa phương, tìm kiếm các giải pháp phù hợp để giải quyết tranh chấp.
Quan điểm của EU về vấn đề Biển Đông cũng được tái khẳng định tại hội thảo, trong đó nhấn mạnh bảo vệ quyền tự do hàng hải, kiên quyết tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm luật biển và các phán quyết của tòa trọng tài, đồng thời khuyến khích giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình, phản đối các hành động đơn phương có thể làm thay đổi hiện trạng dẫn tới làm gia tăng căng thẳng. Thông qua hội thảo tại Brussels, các nhà tổ chức muốn thu hút sự chú ý của công luận châu Âu về tình hình căng thẳng thời gian gần đây ở Biển Đông do Trung Quốc có các hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán cũng như cản trở các hoạt động dầu khí hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và một số quốc gia ven biển khác trong khu vực.
Các diễn giả cũng thể hiện sự ủng hộ đối với những nỗ lực của Việt Nam và các nước trong đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Nhiều ý kiến đánh giá cao việc Việt Nam về giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ
luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Nhấn mạnh cần phải có nhiều nỗ lực cũng như đóng góp mang tính xây dựng của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này; ủng hộ các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phù hợp với luật pháp quốc tế, triển khai thực hiện đầy đủ DOC và khuyến khích các bên xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
http://biendong.net/bien-dong/31136-gioi-chuyen-gia-bi-va-phap-to-chuc-hoi-thao-ve-eu-asean-va-tranh-chap-chu-quyen-bien-dong.html

Thủ lĩnh Daech bị tiêu diệt,

nguy cơ khủng bố vẫn nguyên vẹn

Thanh Hà
Sau Oussama Ben Laden năm 2011 đến lượt Abou Bakr Al Baghdadi, chỉ huy tổ chức tự xưng là một Nhà Nước Hồi Giáo (Daech) bị triệt hạ. Theo giới phân tích, giống như Al Qaeda, Daech có thể tiếp tục sống sót và vẫn là mối đe dọa đối với an ninh thế giới.
Mỹ đã nhanh chóng tuyên bố ngày tàn của nhóm thánh chiến tự nhận là tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, nhưng các đối tác châu Âu thận trọng cho rằng, cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa tới hồi kết. Nga thậm chí hoài nghi khi nhắc lại trong quá khứ cộng đồng quốc tế đã nhiều lần loan báo về cái chết của trùm khủng bố Al Baghdadi.
Nhìn từ phía các chuyên gia, giáo sư Jean Piere Filiu giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Paris cho rằng, cái chết của thủ lĩnh Daech, Abou Bakr Al Baghdadi là một “thất bại mang tính tượng trưng nhưng sẽ không ảnh hưởng sâu rộng tới cách vận hành và chiến lược của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo” bởi vì Daech có nhiều lá chủ bài khác trong tay.
Thứ nhất, từ lâu nay “vương quốc Hồi giáo” (califa) được hình thành từ năm 2014 trải rộng trên một phần lãnh thổ giữa biên giới Irak và Syria đã thực sự do một toán rất chuyên nghiệp quản lý. Ngoài hai nhân vật số 1 và số 2 của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, danh tánh của những thành phần trong ban lãnh đạo đó hoàn toàn được giữ trong vòng bí mật nhưng các chuyên gia đều biết rằng, Daech do những thành phần từng phục vụ trong quân đội và tình báo Irak dưới thời Saddam Hussein.
Thứ hai là kể từ khi Daech để mất các thành trì tại Syria và Irak như Palmyra hay Mossoul, thủ lĩnh Abou Bakr Al Baghdadi không còn thực sự điều hành tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Một số nhà quan sát về tình hình ở Trung Đông nói rõ hơn : Daech hiện còn có rất nhiều ổ nằm vùng tại Irak, và một trong những điểm tựa của mạng lưới khủng bố này là cộng đồng Hồi Giáo theo thệ phái Sunni. Số này bất mãn với chính sách của Bagdad được đặt trong tay hệ phái Shia, thân Iran.
Lợi thế thứ nhì của Daech là tổ chức tội phạm này có cả một mạng lưới yểm trợ – đặc biệt là về mặt tài chính- quan trọng ở khắp khu vực, từ Liban, đến Thổ Nhĩ Kỳ hay Jordani. Điển hình là vào lúc giới quan sát chờ đợi Al Baghdadi ẩn náu đâu đó tại Irak, thì cuối cùng, đặc nhiệm Mỹ đã phát hiện ông ta trên lãnh thổ Syria. Điều đó có nghĩa là, như chính tổng thống Hoa Kỳ đã xác nhận, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đang tìm cách “tổ chức lại” và có thể là chọn Syria làm địa bàn hoạt động để chuẩn bị các đợt phản công.
Yếu tố thứ ba khiến giới phân tích quả quyết rằng, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo còn sức công phá rất lợi hại đó “cửa ngõ Thổ Nhĩ Kỳ”. Đành rằng Ankara đóng một vai trò quan trọng cho phép “vô hiệu hóa” thủ lĩnh tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại một khu vực chỉ cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ có 5 cây số, nhưng theo phân tích của nhà báo Pháp trên tờ Le Figaro, Georges Malbrunot : “tất cả mọi người đều biết rằng, Thổ Nhĩ Kỳ luôn là cửa ngõ của Daech” mở ra với thế giới bên ngoài. Chẳng vậy mà một số các công dân của châu Âu tham gia thánh chiến bên hàng ngũ Daech tại Syria và Irak đều phải đi ngang qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuối cùng, việc Mỹ rút quân khỏi khu vực miền bắc Syria làm suy yếu lực lượng FDS của người Kurdistan tại Syria, luôn trên tuyến đầu chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Quyết định của Washington đã nới lỏng vòng vây cho Daech. Đó là chưa kể từ hơn một năm qua, quân thánh chiến tại Syria và Irak đã đào thoát sang được các vùng bất ổn từ Libya đến miền bắc bán đảo Sinai của Ai Cập.
Trong những điều kiện đó giới nghiên cứu về khủng bố quốc tế cho rằng, tựa như Al Qaeda, tổ chức khủng bố Daech vẫn tồn tại. Có thể là sau cái chết của thủ lĩnh Al Baghdadi, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo sẽ “im hơi lặng tiếng” và sẽ khai thác cái chết đó để tuyển mộ thêm các chiến binh. Các vụ khủng bố tự sát trên thế giới vẫn sẽ tiếp diễn, bởi mục tiêu sau cùng của những phần tử cuồng tín này là chết như những người “tử vì đạo”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191028-thu-linh-daech-bi-tieu-diet-nguy-co-khung-bo-van-nguyen-ven

Thiếu lao động: Rumani, Hungary

mở cửa cho nhân công Việt và châu Á

Thụy My
Vụ 39 người trong đó có thể có nhiều người Việt bị chết trong chiếc xe tải được phát hiện ở hạt Essex (Anh) cuối tuần qua, đã khiến truyền thông châu Âu rúng động. Mạng xã hội ở Việt Nam dày đặc những thông tin chia sẻ, ý kiến nhiều chiều về những may rủi của việc vượt biên, giấc mơ châu Âu và những ảo vọng…
Con đường nhập cư lậu thường là sang Trung Quốc hoặc Nga rồi qua các nước Đông Âu, sau đó vào Tây Âu, và hướng đến ưa thích là Anh quốc. Nhiều gia đình đã vay mượn những số tiền lớn, đóng cho các đường dây để cho con ra đi, hy vọng được đổi đời, đặc biệt ở những vùng nông thôn nghèo miền Trung như Hà Tĩnh, Nghệ An…
Tuy nhiên có một điều mà người dân ít biết, và tất nhiên những kẻ buôn người không tiết lộ, là nhiều nước Đông Âu đang rất thiếu nhân công, đang mở cửa cho lao động từ châu Á. Hãng tin Pháp AFP trong bài phóng sự hôm nay 28/10/2019 mang tên « Do thiếu lao động, Rumani và Hungary tuyển mộ tận châu Á », đã mô tả rõ hơn tình hình này.
Có ngân sách nhưng thiếu nhân công
Nón bảo hộ màu vàng đội trên đầu, khoảng ba chục công nhân làm việc tại một công trường ở phía nam Bucarest, trao đổi với nhau bằng tiếng Việt. Đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng đang đe dọa làm cho nền kinh tế sa sút, Rumani đã trải thảm đỏ cho nhân công từ châu Á.
« Bạn ơi, bạn ơi ! » - Costel, một công nhân người Rumani gọi một « anh bạn » Việt, trong nỗ lực phá vỡ hàng rào ngôn ngữ trên công trường xây dựng do tòa thị chính quận 4 của thủ đô Bucarest quản lý.
Ngoài giờ làm việc, khoảng thời gian giao lưu giữa hai nhóm chỉ hạn chế ở giờ nghỉ giải lao. Công nhân Việt thích hút thuốc bằng ống điếu được chế ra từ một ống nhựa PVC, và vào giờ ăn trưa, họ dùng bữa trưa trong gian phòng ăn với những món ăn Việt, do một đầu bếp người Việt Nam chế biến.
« Chúng tôi có tiền để cải tạo khoảng mấy chục tòa nhà xã hội, nhưng lại không có đủ nhân công ». Thị trưởng Daniel Baluta, người đã quyết định tuyển người ở những nước xa xôi ngoài biên giới Liên Hiệp Châu Âu, giải thích với AFP như trên. Vốn là miền đất có nhiều người di cư sang Tây Âu trong khi tỉ lệ sinh sản thấp, toàn thể các nước ở phía đông châu Âu đều phải đối mặt với nạn thiếu lao động.
Nước Hungary láng giềng dự kiến cấp 75.000 giấy phép lao động trong năm 2019 cho nhân công ngoài Liên Hiệp Châu Âu, tức gấp ba lần so với năm 2017. Đa số người lao động từ Ukraina tiếp tục đến, nhưng ngày càng có nhiều người từ Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ. Chính quyền của thủ tướng dân tộc chủ nghĩa Viktor Orban ít khi thông tin về chủ đề này, do việc từ chối nhận người nhập cư vẫn là « sợi chỉ đỏ » xuyên suốt trong chính sách ông Orban từ năm 2010.
Kẻ di cư, người nhập cư
Là đất nước có bốn triệu dân nhưng cư dân lại thích di cư sang các nước phương Tây làm việc để có tiền lương cao hơn, chỉ trong quý I năm 2019 Rumani đã cấp hơn 11.000 giấy phép lao động, trong khi con số này trong cả năm 2018 là 10.500. Người Việt Nam, Moldova, và Sri Lanka là những quốc tịch được tuyển dụng nhiều nhất.
Đa số được tuyển mộ thông qua các công ty chuyên về nhân sự người châu Á, mà số lượng đã bùng nổ trong thời gian gần đây.
Bà Corina Constantin, giám đốc công ty Multi Professional Solutions của Rumani cho biết : « Ban đầu chúng tôi chỉ được những dự án nhỏ yêu cầu cung cấp người, nhưng từ ba năm qua, nhu cầu nhân công cho những dự án lớn đã tăng lên rất cao ».
Theo một công trinh nghiên cứu mới đây của công ty cung ứng lao động thời vụ Mỹ Manpower, có đến 4/5 chủ sử dụng lao động Rumani gặp khó khăn trong việc tuyển người. Tại Hungary, người ta ước tính chỉ riêng trong lãnh vực kỹ nghệ đã thiếu từ 40.000 đến 50.000 công nhân.
Eva Toth, thuộc nghiệp đoàn kỹ nghệ hóa học của Hungary giải thích : « Không thể tiến hành những dự án quy mô mà không có lao động nước ngoài » ».
Để xây dựng một nhà máy sản xuất chất polyol tại Tiszaujvaros ở miền đông Hungary, một trong những công trường lớn nhất nước hiện nay, MOL, tập đoàn dầu khí chủ chốt của Hungary dự kiến tuyển dụng 2.500 lao động ngoại quốc, tương đương 25% quân số, vào thời điểm hoạt động dồn dập nhất.
Các nghiệp đoàn nghi ngờ lao động nước ngoài bị bóc lột
Theo thị trưởng Daniel Baluta, khoảng 500 người Việt Nam làm việc tại công trường ở quận của ông được trả lương 900 euro một tháng, đã trừ đi các khoản đóng góp ; tức cao hơn 1/3 so với lương trung bình ở Rumani.
Nhưng nhà hoạt động công đoàn Dumitru Costin, người chịu trách nhiệm một trong các liên đoàn chính của Rumani (BNS), đả kích « thái độ lạm dụng » của nhiều chủ sử dụng lao động đối với người nhập cư. Theo ông, các thanh tra lao động không thể kiểm tra được « các tiêu chuẩn tối thiểu về lao động » có được tôn trọng hay không, do không thể trao đổi trực tiếp với các công nhân.
Ông Costin nhận định : « Khi những người lao động này đi xa nhiều ngàn cây số để tìm việc, đương nhiên là họ phải tuân lệnh mà không dám hó hé, và làm thêm nhiều giờ phụ trội mà không được trả lương để không bị gởi trả về nước ».
Còn ông Zoltan Laszlo, người đứng đầu nghiệp đoàn ngành luyện kim (VSZSZ) khẳng định, các nhân viên người Hungary chịu áp lực của những người quản lý, thường « nói rằng có thể thay thế họ một cách dễ dàng » bằng công nhân người Ukraina, Mông Cổ hay Việt Nam.
Nhà chuyên trách nghiệp đoàn Hungary Eva Toth nói với AFP : « Chúng tôi không chống đối việc tuyển dụng lao động người nước ngoài, vì nếu không công ty sẽ phải đóng cửa. Tuy nhiên nếu công nhân bản xứ được trả lương khá hơn, thì họ đâu phải rời đất nước ra đi ».
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20191028-thieu-lao-dong-rumani-va-hungary-mo-cua-cho-nhan-cong-viet-va-chau-a

Lực lượng người Kurd Syria

hỗ trợ Hoa Kỳ trong việc tiêu diệt lãnh đạo ISIS

Chỉ huy của lực lượng người Kurd Syria cho biết sau năm tháng hợp tác tình báo chung với liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo đã dẫn đến việc tiêu diệt Baghdadi- nhà lãnh đạo của nhóm Nhà nước Hồi giáo ISIS.
Trong một bài đăng trên Twitter vào hôm Chủ nhật (27/10), ông Mazloum Abdi cho biết rằng vụ tấn công ông Abu Bakr al-Baghdadi diễn ra trong một chiến dịch chung sau “cuộc hợp tác trên trận địa và theo dõi chính xác” trong 5 tháng. Ông gọi đây là nỗ lực tình báo chung “thành công và mang tính lịch sử” với Hoa Kỳ.
Cuộc đột kích bằng máy bay trực thăng của Hoa Kỳ diễn ra ở khu vực Barisha phía bắc thành phố Idlib, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vài cây số. Các lực lượng do người Kurd lãnh đạo hợp tác với liên minh Hoa Kỳ trong ít nhất bốn năm để chiến đấu với ISIS ở Syria, cho đến khi họ tuyên bố chiến thắng quân sự trước nhóm này vào tháng 3.
Trong bài phát biểu của mình, tổng thống Trump cũng đã gởi lời cảm ơn sự hỗ trợ của người Kurd trong chiến dịch. Đây là một hành động cho thấy ông Trump đã phải thay đổi chính sách đối với người Kurd, sau khi bị chỉ trích dữ dội từ lưỡng đảng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/luc-luong-nguoi-kurd-syria-ho-tro-hoa-ky-trong-viec-tieu-diet-lanh-dao-isis/

Hội nghị Bộ trưởng Phong trào Không liên kết

đề cập đến vấn đề Biển Đông và nhấn mạnh

tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế

Ngày 23/10, tại Thủ đô Ba-cu của Azerbaijan đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Phong trào Không liên kết. Hội nghị do Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Elmar Mammadyarov chủ trì và sự tham gia của đại hiện 120 thành viên và quan sát viên. Hội nghị năm nay đặc biệt nhấn mạnh tinh thần thượng tôn pháp luật trên thế giới và trong đó có khu vực Biển Đông.
Hội nghị tập trung trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, cũng như hoàn tất công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Không liên kết lần thứ 18. Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan đề cao vai trò quan trọng của Phong trào trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời nhấn mạnh Phong trào cần tiếp tục đổi mới để đáp ứng nguyện vọng và yêu cầu của các nước thành viên. Bộ trưởng Mammadyarov nhấn mạnh việc tôn trọng luật pháp quốc tế và các “Nguyên tắc Bangdung” là điều kiện tiên quyết để Phong trào Không liên kết tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của mình. Là một tập hợp của các nước đang phát triển, Phong trào cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, năng lượng, môi trường, phát triển bền vững, tăng cường hợp tác theo các trục Đông-Tây và Bắc-Nam và dành ưu tiên cho thế hệ trẻ.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại diện Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định Phong trào Không liên kết, với 120 quốc gia thành viên, là một lực lượng chính trị quan trọng và tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển. Để ứng phó với những thách thức đặt ra và phát huy vai trò to lớn của mình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh Phong trào cần tăng cường đoàn kết, tuân thủ các nguyên tắc Bangdung, những nền tảng quan trọng giúp Phong trào tiếp tục khẳng định là ngọn cờ đầu thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đề cao luật pháp quốc tế; đồng thời các nước cần cùng nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cải tổ về thể chế và phương pháp làm việc nhằm tang cường hiệu quả hợp tác của Không liên kết.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, cùng với các nước ASEAN, Việt Nam nỗ lực xây dựng một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và phát triển. Tuy nhiên, những nỗ lực này bị đe dọa nghiêm trọng bởi những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, đặc biệt là việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo Công ước luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS). Trong bối cảnh đó, Việt Nam kêu gọi các nước thành viên Không liên kết ủng hộ nỗ lực chung của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Hội nghị Bộ trưởng Phong trào Không liên kết chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 18 sẽ diễn ra trong các ngày 25-26/10 tại Bacu.
Phong trào không liên kết (Non-Aligned Movement – NAM) là một tập hợp bao gồm các quốc gia tự xem là không liên kết với hay chống lại khối xã hội chủ nghĩa lẫn khối tư bản chủ nghĩa trong Chiến tranh Lạnh. Những nhà lãnh đạo được coi là đồng sáng lập Phong trào không liên kết bao gồm Thủ tướng Jawaharlal Nehru của Ấn Độ, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdul Nasser, Thống chế Josip Broz Tito của Nam Tư, Tổng thống Sukarno của Indonesia, và Tổng thống Kwame Nkrumah của Ghana. Năm nguyên tắc chung sống hòa bình được coi là nền tảng của Phong trào không liên kết bao gồm: (1) tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; (2) không xâm lược lẫn nhau; (3) không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; (4) bình đẳng và cùng có lợi; (5) cùng tồn tại hòa bình.
Mục tiêu của Phong trào được ghi rõ trong Tuyên bố Havana 1979, bao gồm việc bảo đảm “độc lập và chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của các quốc gia không liên kết” trong “cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa thực dân mới, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và tất cả hình thức xâm lược, chiếm đóng, thống trị, can thiệp hay bá quyền nước ngoài.” Tính trung lập của các quốc gia không liên kết có thể tạo cho họ sức ảnh hưởng về mặt ngoại giao trong Chiến tranh Lạnh khi họ có thể đóng vai trò hòa giải giữa các cường quốc và đóng góp trực tiếp cho mục đích hòa bình. Phần lớn thành viên của tổ chức này là các quốc gia nằm ở châu Phi và châu Á, và chiếm đa số trong Liên hợp quốc. Từ khi thành lập, Phong trào không liên kết cố gắng tạo ra một con đường độc lập trên vũ đài chính trị thế giới, tránh trở thành con tốt trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn. Điều này đã dẫn đến một giai đoạn dài trong lịch sử Chiến tranh Lạnh Phong trào bị ảnh hưởng bởi căng thẳng toàn cầu gây nên bởi thế đối đầu giữa hai siêu cường. Tuy nhiên, Chiến tranh Lạnh không phải là vấn đề duy nhất trong chương trình nghị sự của Phong trào. Một cái nhìn sơ lược về lịch sử Phong trào cho thấy có ba yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến cách tiếp cận của Phong trào đối với các vấn đề quốc tế. Đó là quyền tự quyết, cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân mới, và việc duy trì chính sách trung lập trong quan hệ với tất cả các nước lớn.
Hiện nay thành viên của Phong trào không liên kết chiếm gần 2/3 thành viên Liên Hiệp Quốc và 55% dân số thế giới. Tính đến năm 2011, Phong trào có 118 quốc gia thành viên và 20 quốc gia mang tư cách quan sát viên. Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, dẫn đến việc kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhiều nhà chỉ trích đã đặt dấu hỏi về mục đích tồn tại và sự vững bền của Phong trào không liên kết. Chính vì vậy Phong trào đã buộc phải tự điều chỉnh mình và đề ra mục tiêu mới trong hệ thống thế giới hiện tại.
http://biendong.net/bien-dong/31123-hoi-nghi-bo-truong-phong-trao-khong-lien-ket-de-cap-den-van-de-bien-dong-va-nhan-manh-tinh-than-thuong-ton-phap-luat-quoc-te.html

Biển Đông có thể là vấn đề trọng tâm

tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á

Các nguồn tin cho hay ASEAN và các nước Đông Á sẽ thảo luận về vấn đề Biển Đông tại hội nghị quan trọng sắp diễn ra ở Thái Lan.
Tờ The Economic Times ngày 27.10 đưa tin Thái Lan và ASEAN có thể sẽ đề cập đến vấn đề Biển Đông trong tuyên bố chung dự kiến được đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 14 tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 2-4.11.
Theo đó, tình hình liên quan đến sự hung hăng của Trung Quốc tại bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam sẽ là một trọng tâm thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS).
Bài báo nhắc lại tình hình căng thẳng kể từ tháng 7 do thái độ hung hăng của Trung Quốc khiến các nước trong khu vực lo ngại.
“Ngày càng có nhiều kỳ vọng rằng các lãnh đạo tại EAS có thể nêu tình trạng hiện thời và kêu gọi kiềm chế, tôn trọng UNCLOS (Công ước LHQ về luật Biển năm 1982) và tự do hàng hải. Được biết, một số lãnh đạo tại EAS cũng có thể nêu ảnh hưởng của Trung Quốc đối với tài sản năng lượng của họ trong khu vực”, theo bài báo.
Theo các nguồn thạo tin, vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ nằm trong chương trình nghị sự tại EAS. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo các nước Đông Á cũng sẽ nêu bật tầm quan trọng của trật tự dựa trên luật pháp và sự cần thiết phải có giải pháp hòa bình đối với tranh chấp, cũng như tự do hàng hải trong khu vực.
Các chuyên gia cho rằng Ấn Độ nên kêu gọi Trung Quốc và ASEAN xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông thành một công cụ hiệu quả nhằm đề phòng xung đột trong khu vực, yêu cầu công nhận phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA), kêu gọi đoàn kết với ASEAN và nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong toàn bộ tiến trình.
Dự kiến tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ diễn ra lễ trao chức chủ tịch ASEAN năm 2020 cho Việt Nam.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31137-bien-dong-co-the-la-van-de-trong-tam-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-dong-a.html

Sự can dự của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông

năm 2019 và triển vọng thời gian tới

Trong năm 2019, Nhật Bản đã tích cực đưa ra các tuyên bố, hành động cụ thể lên án, chỉ trích các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Hành động của Nhât Bản đã trực tiếp góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông, cũng như lợi ích của Tokyo trong khu vực.
Thể hiện sự quan ngại về diễn biến tình hình và chỉ trích, lên án hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông
Trong năm 2019, Chính giới Nhật Bản tích cực đưa ra các tuyên bố thể hiện sự quan ngại về diễn biến tình hình căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời lên án, chỉ trích Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tại Hội nghị Tham vấn An ninh Mỹ – Nhật Bản (2+2), Nhật Bản và Mỹ đã cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, an ninh mạng, không gian vũ trụ, đồng thời tuyên bố phản đối các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông và Hoa Đông; phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông; cam kết tăng cường phối hợp, cả song phương lẫn đa phương, trong việc thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở; đồng thời hối thúc tất cả các bên tôn trọng đầy đủ tiến trình luật pháp và ngoại giao, theo đuổi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp biển mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; cho rằng tất cả các bên phải tôn trọng Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS).
Tại Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 7 (3/6) ở Hà Nội, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, có hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Phát biểu trong cuộc hội đàm với Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, Thủ tướng Abe Shinzo (23/10) đã yêu cầu Trung Quốc kiềm chế các hành vi phi pháp gần đây tại Biển Đông và Hoa Đông. Theo đó, Thủ tướng Abe mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc kiềm chế những hành vi gần đây tại khu vực Biển Đông gây ảnh hưởng tới an ninh biển của khu vực; đồng thời thể hiện sự quan ngại trước việc tàu Trung Quốc liên tục nhiều ngày đã xâm nhập vùng biển Senkaku/Điếu Ngư.
Liên quan việc Trung Quốc điều nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 hoạt động trái phép trong vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố “mạnh mẽ phản đối bất kỳ hành động nào gây căng thẳng ở Biển Đông”; khẳng định Nhật Bản “sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc liên quan tới vấn đề này”. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng cho biết, “nói chung, chính phủ Nhật Bản tin rằng vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp tới hòa bình và ổn định của khu vực và là một mối quan tâm chính đáng của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản. Nhật Bản luôn ủng hộ việc tuân thủ hoàn toàn luật pháp trên biển và muốn nhấn mạnh với tất cả các nước liên quan về tầm quan trọng của các nỗ lực tiến tới giải pháp hòa bình dựa trên luật lệ quốc tế nhằm giải quyết các tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép”. Trước đó, nguyên Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsuhito Asano cho biết, Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam Biển Đông của Việt Nam là “hành vi xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam, cần được cộng đồng quốc tế phê phán”; khẳng định hành vi của Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS, gây ảnh hưởng tới an ninh của Biển Đông và khu vực; nhấn mạnh Nhật Bản luôn tôn trọng Luật pháp quốc tế trong những vấn đề liên quan đến Biển Đông, do vậy, Trung Quốc là thành viên của Liên Hợp Quốc phải tôn trọng UNCLOS. Ngoài ra, ông Katsuhito Asano cho rằng Trung Quốc không những xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà gần đây đang gia tăng những hành động quân sự hóa tại Biển Đông. Điều này kích động chiến tranh, coi thường luật pháp và dư luận quốc tế. Việt Nam có đủ chứng cớ và năng lực để kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế như Philippines đã từng làm trước đó. Đáng chú ý, Trong cuộc họp giữa Ngoại trưởng của Nhật Bản và các nước ASEAN (1/8), hai bên nhấn mạnh các bên cùng chia sẻ lo ngại về tình hình Biển Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đánh giá tình hình Biển Đông “đang xấu đi qua từng năm” và Nhật Bản chia sẻ những lo ngại của ASEAN; đề nghị các bên liên quan cần đảm bảo tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp, kêu gọi phi quân sự hóa vùng biển trong khu vực; khẳng định Tokyo muốn cùng hiệp hội khu vực thúc đẩy một tầm nhìn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở, dựa trên luật pháp. Ông Taro Kono (27/8) cũng cho biết Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng đối với Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, nó liên quan trực tiếp tới sự ổn định và hòa bình của khu vực; khẳng định phản đối bất cứ hành động nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết, “Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng đối với Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, và có liên quan trực tiếp tới sự ổn định và hòa bình của khu vực. Cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản, quan tâm sâu sắc tới tình hình trên Biển Đông. Nhật Bản phản đối bất cứ hành động của nước nào làm gia tăng căng thẳng trong vùng biển này”. Ông Taro Kono cũng cho rằng “cộng đồng quốc tế cần phản đối bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và bất cứ hành động nghiêm trọng mang tính cưỡng ép của bất cứ quốc gia nào; đồng thời đề nghị tất cả các bên liên quan cần phi quân sự hóa các cơ sở hoặc thực thể trên Biển Đông, và bất cứ tranh chấp nào cũng cần phải được giải
quyết theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS”; nhấn manh “chúng ta cần tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và bất cứ nơi nào khác”.
Thúc đẩy các hoạt động quân sự trong khu vực
Về chính sách, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro (29/7) công bố Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản 2019, trong đó đề cập hoạt động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng Bắc Kinh đang là nguyên nhân đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực. Sách Trắng nhấn mạnh Trung Quốc có những hoạt động đơn phương mới nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông. Hơn thế nữa, nước này còn phái rất nhiều tàu trong đó có tàu Liêu Ninh tham gia tập trận, bố trí binh lực ở khu vực Biển Đông và mở rộng hoạt động sang khu vực Thái Bình Dương. Tháng 6/2019, tàu Liêu Ninh cùng với tàu hỗ trợ chiến đấu đi qua khu vực biển Okinawa của Nhật Bản, tiến sâu vào Thái Bình Dương. Sách Trắng lo ngại rằng thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục mở rộng hoạt động của lực lượng trên biển, cho không quân tiến sâu vào khu vực Biển Đông và Thái Bình Dương. Động thái này đáng lo ngại và tập trung sự chú ý của dư luận quốc tế. Với tình huống trên, Nhật Bản tập trung thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, Philippines, Indonesia…trong việc tăng cường năng lực của lực lượng hải quân trên biển, duy trì, phát triển tự do hàng hải dựa trên Luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh hàng hải trên quan hệ song phương, đa phương.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản (13/3) công bố kế hoạch đóng mới 12 tàu tuần tra hạng nhẹ cho Lực lượng phòng vệ trên biển (JMSDF) vào năm 2020. Mỗi chiếc dự kiến có lượng giãn nước 1.000 tấn và thủy thủ đoàn 30 người, giúp tăng cường khả năng tuần tra và trinh sát trên biển của nước này. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, các tàu tuần tra thế hệ mới sẽ đảm đương nhiệm vụ cho đội tàu khu trục cỡ lớn đang được Nhật sử dụng để tuần tra gần nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Về hoạt động trên thực địa, Bộ Quốc phòng Nhật Bản (18/4) cho biết, từ ngày 30/4 – 10/7, Nhật Bản điều tàu khu trục hạm trực thăng JS Izumo và tàu khu trục đa dụng JS Murasame huấn luyện tại Biển Đông và Ấn Độ Dương. Biên đội tàu chiến Nhật đã cập cảng, thăm một số quốc gia Đông Nam Á gồm Việt Nam, Singapore, Philippines và Brunei. Tư lệnh Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) Hiroshi Yamamura cho biết, chuyến huấn luyện này giúp cải thiện trình độ chiến thuật của binh sĩ, cũng như tăng cường hợp tác giữa hải quân các nước. Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) và hải quân Canada đã tiến hành hàng loạt cuộc diễn tập chung ở Biển Đông nhằm nâng cao khả năng phối hợp giữa hai lực lượng. Hải quân Hoàng gia Canada (RCN) và Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản (JMSDF) đã hoàn thành một loạt cuộc tập trận ở Biển Đông, với mục đích cải thiện khả năng tương tác và làm quen giữa hải quân hai nước. Theo đó, cuộc tập trận “KAEDEX” năm 2019 (13-15/6) là hoạt động trên biển song phương được Nhật Bản và Canada tiến hành từ năm 2017. Các lần lặp lại trước đây của cuộc tập trận đã diễn ra ở và ngoài vùng biển ngoài khơi Sasebo, Nhật Bản. Tuy nhiên, cuộc tập trận lần này được tổ chức tại vùng trời và vùng biển ngoài khơi Việt Nam ở Biển Đông.
Không những vậy, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (21/9) cho biết đã cử tàu khu trục Asagiri tham gia cuộc tập trận chung với Hải quân Malaysia nhằm tăng cường hiện diện tại khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Theo đó, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chống cướp biển ngoài khơi Somalia, tàu khu trục Asagiri (18/9) của Nhật Bản đã cập bến Kuantan, phía Đông Malaysia. Trong chuyến thăm Malaysia lần này, tàu khu trục Asagiri sẽ tiến hành tập trận chung trên biển với Hải quân Malaysia. Theo thuyền trưởng tàu Asagiri Yuichi Haeno, hoạt động chung với Hải quân Malaysia có ý nghĩa quan trọng, giúp đóng góp vào ổn định ở Biển Đông và khu vực lân cận; nhấn mạnh Nhật Bản kỳ vọng những hoạt động nhằm tăng cường quan hệ tương tự trong tương lai.
Mới đây nhất, Nhật Bản, Mỹ và Philippines (16/10) đã điều nhiều tàu chiến tập trận bảo vệ lực lượng trên biển, vô hiệu hóa thiết bị nổ, tác chiến chống phục kích trên cạn, trên không và theo dõi tàu đối phương ở vùng biển sát quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Xu hướng chính sách của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông
Quan điểm và mục tiêu xuyên suốt của Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông là duy trì hòa bình, đảm bảo an ninh và tự do hàng hải quốc tế, trên nguyên tắc mọi bất đồng tranh chấp chủ quyền và tranh chấp biển phải được giải quyết dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật biển quốc tế bằng các biện pháp hòa bình. Mục tiêu quan trọng của Nhật Bản khi can dự vào vấn đề Biển Đông là tăng cường sự ảnh hưởng của nước này tại khu vực Biển Đông, tích cực can dự đối với cục diện an ninh khu vực, xây dựng hình ảnh nước lớn ở khu vực. Về chính thống, Nhật Bản luôn tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ và vùng biển; Nhật Bản chủ trương các tranh chấp phải giải quyết một cách hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp; Nhật Bản cũng lo việc đảm bảo
một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương (trong đó bao gồm Biển Đông) tự do và mở, các nước tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, thương mại biển không bị cản trở ảnh hưởng đến thịnh vượng của Nhật Bản; Nhật Bản giúp nâng cao năng lực tuần tra hàng hải cho một số nước liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì chính sách Biển Đông như hiện nay, song sẽ có một số điều chỉnh nhỏ nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Cụ thể: Tiếp tục thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông: Nhật Bản tiếp tục kêu gọi các bên tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, ủng hộ các nước ASEAN đấu tranh chống việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa, thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông tại các diễn đang quốc tế. Đồng thời, Nhật Bản tiếp tục lên tiếng yêu cầu các nước liên quan xác định rõ quyền lợi biển của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ việc nhanh chóng xây dựng bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), phê phán hoạt động bồi lấp và xây dựng hạ tầng của Trung Quốc tại một số đảo đá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhật Bản sẽ thúc đẩy hỗ trợ một số nước ASEAN nâng cao năng lực tuần tra, kiểm soát trên biển. Một mặt, Nhật Bản sẽ hỗ trợ trang bị cho các nước liên quan trực tiếp tranh chấp ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines nhằm tăng cường khả năng cảnh báo trên biển và củng cố lực lượng tiền duyên của các nước này để đối phó với Trung Quốc. Mặt khác, Nhật Bản sẽ thông qua các hình thức huấn luyện, diễn tập quân sự chung với các nước ASEAN để nâng cao khả năng quân sự của các nước này và giúp cho quân đội Nhật Bản thông thạo tình hình thực tế trong khu vực Biển Đông, nhằm thử nghiệm cho việc tuần tra, giám sát của Nhật Bản tại khu vực biển này.
Không những vậy, Nhật Bản sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ: Nhật Bản coi quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ là khuôn khổ cơ chế hợp pháp cho việc can dự vào  Biển Đông. Chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia của Nhật Bản chỉ rõ là những nước có mạng lưới thương mại toàn cầu phụ thuộc vào đường biển, Mỹ và Nhật Bản luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự trên biển dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không.
Ngoài ra, Nhật Bản tiếp tục thông qua việc hỗ trợ một số nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông, để đổi lại sự ủng hộ của các nước này đối với Nhật Bản trong vấn đề Biển Hoa Đông; từng bước tạo mối liên kết giữa Nhật Bản với một số nước Đông Nam Á trong vấn đề tranh chấp trên biển nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Nhật Bản cũng tiếp tục duy trì sự hiện diện trong khu vực thông qua hoạt động thăm viếng quân sự của tàu hải quân đến các nước kết hợp diễn tập chung nâng cao năng lực; hỗ trợ ODA mua sắm trang thiết bị cho lực lượng chấp pháp biển của các nước ven Biển Đông.
http://biendong.net/bien-dong/31138-su-can-du-cua-nhat-ban-trong-van-de-bien-dong-nam-2019-va-trien-vong-thoi-gian-toi.html

Nhà báo Hong Kong cáo buộc

cảnh sát đàn áp các phóng viên

Một nhà báo tự do người Hong Kong hôm 28/10 đã làm gián đoạn một họp báo của cảnh sát và đọc một tuyên bố phản đối hành động đàn áp của cảnh sát đối với các phóng viên.
Theo trang tin hongkongfp, nhà báo có tên Amy Ip đã đọc tuyên bố chỉ trích cảnh sát Hong Kong đã sử dụng vũ lực đối với báo chí, ngăn cản phóng viên thực hiện nhiệm vụ. Cô Ip đã sử dụng đèn pin có độ sáng mạnh rọi thẳng vào mặt những sĩ quan cảnh sát trong cuộc họp báo và nói rằng đó chính là cách mà cảnh sát đã làm với các phóng viên để họ không thể nhìn thấy những sai trái mà cảnh sát đang làm.
Đêm qua, nhiều cảnh sát chống bạo động đã ngăn cản chúng tôi đưa tin, đẩy chúng tôi ra một cách vô lý và gỡ mặt nạ chống hơi cay của chúng tôi, xịt hơi cay và bắn đạn cao su vào chúng tôi, khiến nhiều phóng viên bị thương. Một phóng viên đã bị tạm giữ suốt 7 giờ đồng hồ..”, cô Ip cho biết.
Cuộc họp báo đã phải tạm ngưng khi những sĩ quan cảnh sát rời họp báo. Cô Ip sau đó bị dẫn ra khỏi phòng họp báo. Một số phóng viên đã thực hiện một cuộc tuần hành sau đó để phản đối.
Những cuộc biểu tình đòi dân chủ và phản đối sự can thiệp của Bắc Kinh đã kéo dài suốt hơn 4 tháng qua và hiện vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Tính đến ngày 10/10, cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ gần 2.400 người liên quan đến những cuộc biểu tình.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/hong-kong-reporter-accuses-police-of-violence-against-media-10282019090655.html

Người biểu tình Hong Kong tiếp tục đụng độ cảnh sát

Tin từ Hong Kong — Cảnh sát Hong Kong cho biết, những người biểu tình chống chính phủ đốt các cửa hàng và ném bom xăng vào hôm Chủ nhật (27/10), sau khi cảnh sát chống bạo động bắn hơi cay, súng nước và đạn cao su để giải tán hàng ngàn người ở Tsim Sha Tsui.
Những người biểu tình tập hợp để tố cáo sự tàn bạo của cảnh sát trong suốt hơn bốn tháng bất ổn ở Hong Kong. Họ vẫn mặc trang phục toàn màu đen và đeo mặt nạ dù pháp luật hiện tại của Hong Kong cấm người biểu tình mặc như vậy.
Đây là cuộc biểu tình cuối tuần thứ 21 liên tiếp. Những cuộc truy đuổi giữa cảnh sát và người bạo động diễn ra trong đêm. Những người biểu tình chạy trốn khỏi vòi rồng và hơi cay, và xuất hiện lại chỉ vài giây hoặc vài phút sau đó. Cảnh sát chống bạo động đứng bên ngoài tòa nhà cao tầng Chungking Mansions với khiên và dùi cui luôn sẵn sàng. Người biểu tình hét lên bằng tiếng Quảng Đông vào cảnh sát, đề cập đến việc cánh sát sử dụng vũ lực quá mức. Cảnh sát cho hay, sau đó những người biểu tình còn ném bom xăng vào một đồn cảnh sát ở Sham Shui Po, thuộc phía tây bắc Tsim Sha Tsui. Họ đốt cháy các cửa hàng ở Jordan, phía bắc dọc theo đường Nathan từ hải cảng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/nguoi-bieu-tinh-hong-kong-tiep-tuc-dung-do-canh-sat/

Chính phủ Hồng Kông :

Biểu tình làm kinh tế rơi vào suy thoái

Tú Anh
Kinh tế Hồng Kông không thể tránh được suy thoái nếu biểu tình tiếp diễn. Trên đây là cảnh báo của bộ trưởng Tài Chính đặc khu Trần Mậu Ba (Paul Chan) ngày Chủ nhật 27/10/2019, trong khi cảnh sát Hồng Kông được sử dụng để trấn áp phong trào dân chủ.
Theo AFP, trong tuyên bố đăng trên blog, bộ trưởng Tài Chính Hồng Kông khẳng định là phong trào biểu tình có thể làm cho kinh tế đặc khu rơi xuống số âm.
Theo bộ trưởng Trần Mậu Ba, GDP của Hồng Kông bị giảm trong quý hai và quý ba, tức là hai quý liên tiếp, chứng tỏ kinh tế đặc khu đã bước vào suy thoái. Ngay chỉ tiêu từ 0% đến 1% cũng khó có thể đạt được nếu khủng hoảng kéo dài.
Bình luận về tuyên bố này, AFP cho rằng trách nhiệm là của chính quyền trong thời gian 21 tuần qua. Thay vì tìm giải pháp hòa giải với dân chúng « chính quyền địa phương không đưa ra một đề nghị gì thỏa đáng, trái lại, còn để cho cảnh sát đàn áp mà hệ quả là ngày càng đụng độ mạnh với các nhóm cực đoan ».
Trấn áp là giải pháp
Cuộc tuần hành mỗi cuối tuần hôm Chủ nhật 27/10 ở đảo Cửu Long, bắt đầu trong ôn hòa, nhưng khi bị cảnh sát dựng rào cản, khám xét người tham gia thì xung đột xảy ra. Cảnh sát dùng lựu đạn cay, đạn cao su tấn công thì bị đáp trả bằng bom xăng. Nhiều cửa hàng của người Hoa lục bị đốt phá, những người phản đối biểu tình bị xỉ vả. Hành động bạo lực của cảnh sát Hồng Kông bị so sánh với « xã hội đen » Trung Quốc.
Một nữ phóng viên truyền hình Hồng Kông cho dù mặc áo thun ký giả, vẫn bị cảnh sát tấn công, lột mặt nạ chống hơi cay. Một phóng viên nhiếp ảnh bị bắt.
Trước các vụ việc thô bạo này, Câu lạc bộ Báo chí nước ngoài tại Hồng Kông ra thông cáo lên án cảnh sát vi phạm luật pháp bảo vệ quyền tự do thông tin của Hồng Kông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191028-chinh-phu-hong-kong-bieu-tinh-lam-kinh-te-roi-vao-suy-thoai

Philippines sẽ gia tăng mua gạo từ nông dân trong nước,

 bỏ đề nghị thuế an toàn lên gạo nhập khẩu

Chính phủ Philippines sẽ tăng mua gạo từ nông dân trong nước lên thêm gần gấp 3 lần trong năm nay sau khi bỏ đề nghị đánh thuế an toàn vào gạo nhập khẩu hồi tuần trước. Reuters trích lời giới chức cơ quan Thực phẩm Quốc gia của Philippines (NFA) cho biết như vậy hôm 28/10.
Theo NFA, chính phủ Philippines sẽ mua cao nhất đến 1,14 triệu tấn gạo chưa xay từ nông dân địa phương, những người đang chịu nhiều thiệt hại sau khi chính phủ bỏ giới hạn nhập khẩu gạo từ nước ngoài.
Trước đó chính phủ Philippines xác định chỉ mua 389.000 tấn gạo từ nông dân trong nước.
Ngoài ra, chính phủ Philippines cũng tăng giá mua gạo từ 17 pesos 1 kg lên 19 pesos 1 kg. Giá bán cho người buôn lẻ sẽ là 25 pesos 1 kg.
Trước đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines William Dar đã đề nghị áp thuế an toàn bên cạnh các thuế hiện có đối với gạo nhập khẩu vào Philippines để giảm những thiệt hại cho người nông dân. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Philippines Ernesto Pernia cho rằng việc áp thêm thuế như vậy với gạo nhập khẩu sẽ làm tăng lạm phát.
Philippines hiện là một trong những nước nhập khẩu nhiều gạo nhất thế giới. Các nước xuất khẩu gạo chính vào Philippines bao gồm Việt Nam và Thái Lan. Hồi đầu năm nay, Philippines đã bỏ giới hạn mua gạo nhập khẩu  vốn tồn tại suốt 2 thập niên qua và thay bằng thuế. Việc thay đổi chính sách này đã dẫn đến việc các nhà nhập khẩu thoải mái nhập gạo và con số gạo nhập khẩu trong năm đã vượt hơn 3 triệu tấn, vượt qua mức mà Philippines cần để bù đắp vào phần thiếu hụt trong nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/philippines-to-nearly-triple-local-rice-purchases-10282019090157.html

Miến Điện : Nhiều con tin quân nhân,

cảnh sát tử thương trong cuộc giải cứu

Tú Anh
Trong số 43 binh sĩ và cảnh sát Miến Điện bị du kích Arakan bắt cóc hôm Chủ nhật 27/10/2019, nhiều người đã chết khi quân đội chính phủ đột kích giải cứu. Quân đội và phe nổi dậy cáo buộc lẫn nhau đã giết con tin.
Theo AFP, vụ việc bắt đầu hôm thứ Bảy 26/10/2019 tại bang Rakhine, miền tây Miến Điện.Một toán du kích của Quân đội Arakan tấn công một chiếc phà chở cảnh sát và quân nhân Miến Điện, bắt 43 người làm con tin.
Ngày hôm sau, quân đội chính phủ mở cuộc đột kích, huy động trực thăng võ trang truy đuổi phe nổi dậy trên đường rút lui bằng ba chiếc đò máy cùng với con tin.
Hai bên cùng loan báo có nhiều con tin thiệt mạng nhưng không nói rõ bao nhiêu.
Theo thông báo của lực lượng du kích, trực thăng võ trang bắn nát hai trong số ba chiếc đò. Trái lại, quân đội chính phủ cáo buộc phe du kích hạ sát con tin trước khi trực thăng can thiệp.
Cho dù quân đội Miến Điện đưa hàng ngàn quân lên vùng xa xôi này để tiêu diệt lực lượng võ trang ly khai, nhưng không thành công. Phe du kích, được giới phật tử ủng hộ, thường phản công bất ngờ bằng bom mìn, bắt cóc và phục kích. Cách nay hai tuần, họ giả trang là lính cứu hỏa, bắt cóc một loạt hàng chục nhân viên chữa lửa của bang Rakhine.
Rakhine cũng là bang có cộng đồng Hồi giáo Rohingya. Cộng đồng này bị quân đội đàn áp làm hơn 800 ngàn người chạy sang Bangladesh lánh nạn từ hai năm nay.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191028-mien-dien-nhieu-con-tin-quan-nhan-canh-sat-tu-thuong-trong-cuoc-giai-cuu

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?