Tin Việt Nam – 29/10/2019

Tin Việt Nam – 29/10/2019

8 năm tù cho cựu hiệu trưởng

dâm ô 7 nam sinh ở Phú Thọ

Cựu Hiệu trưởng Đinh Bằng My bị Toà án nhân dân tỉnh Phú Thọ hôm 29/10, tuyên 8 năm tù giam vì phạm tội dâm ô và thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi.
Ông Đinh Bằng My, cựu Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn, người bị hàng loạt nam sinh tố cáo có hành vi ép quan hệ tình dục, từng gây chấn động dư luận vào tháng 12 năm 2018.
Sau phiên xử kín gần 3 giờ đồng hồ trong ngày 29/10, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tuyên án ông My 3 năm 6 tháng tù về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi và 4 năm 6 tháng tù về tội thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Tổng mức hình phạt là 8 năm tù. Hình phạt bổ sung là cấm hành nghề trong hai năm.
Tin cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ cũng công nhận sự thỏa thuận giữa ông My và phía bị hại: bồi thường cho 4 nạn nhân mỗi người 20 triệu đồng, 5 người còn lại mỗi người 17 triệu đồng.
Vì là phiên xử kín nên chỉ luật sư và đại diện gia đình các bị hại được tham dự. Tuy nhiên, các gia đình bị hại đều có đơn xin xử vắng mặt. Ông My được xác định là bị cáo duy nhất, không có đồng phạm trong vụ án này.
Theo kết luận điều tra ban đầu, ông My trong thời gian từ cuối năm 2016 đến tháng 12/2018, khi làm hiệu trưởng đã nhiều lần gọi nam sinh các khối 7,8 và 9 lên phòng riêng với lý do hỏi thăm tình hình học tập, nhưng thật ra là để xâm hại tình dục.
Sau mỗi lần thực hiện hành vi đồi bại như vậy, ông My cho các nạn nhân bánh kẹo, hoặc tiền từ 20.000 đến 50.000 đồng. Trong số 7 học sinh bị ông Đinh Bằng My dâm ô, nạn nhân nhỏ tuổi nhất sinh năm 2005.
Vào ngày 15/12/2018, Công an huyện Thanh Sơn đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Đinh Bằng My. Tuy nhiên, sau đó, ông My lại được cho tại ngoại tại địa phương cư trú.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/eight-years-of-imprisonment-for-former-principal-of-sex-offenses-in-phu-tho-10292019084820.html

Công an thành phố Đà Nẵng thông tin

vụ 5 người Trung Quốc

dụ dỗ trẻ em quay phim khiêu dâm

Tại cuộc họp báo quý III/2019 vào sáng ngày 29/10, Công an Thành phố Đà Nẵng đã thông tin về việc điều tra, xử lý 5 người mang quốc tịch Trung Quốc và 1 người phiên dịch Việt thuê trẻ em để sản xuất phim khiêu dâm.
Theo Mạng báo Infonet tại cuộc họp, thượng tá Trần Nam Hải trưởng phòng cảnh sát hình sự công an Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm 2019 giám đốc công an Đà Nẵng đã tiến hành 2 chuyên đề số 525 và 669 về công tác theo dõi, nắm tình hình, quản lý và phòng ngừa các loại tội phạm người nước ngoài trên địa bàn thành phố.
Qua đó, công an thành phố đã điều tra, phá án và bắt giữ 5 đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc và 1 phiên dịch là người Việt Nam có hành vi giao cấu với trẻ em dưới 16 tuổi.
Công an thành phố đã quyết định khởi tố vụ án, bị can và ra lệnh bắt tạm giam 6 người này. Hiện nay phía công an thành phố Đà Nẵng vẫn đang tiếp tục xác minh làm rõ nhóm người này để điều tra thêm đồng bọn đồng thời kiểm tra và ngăn chặn phát tán các phim khiêu dâm trên mạng.
Công an điều tra thành phố khẳng định vẫn đang tiếp tục làm rõ một số vấn đề liên quan.
Trước đó, vào ngày 14/9 cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Đà Nẵng đã tiến hành bắt khẩn cấp và tạm giam 5 người Trung Quốc và 1 người Việt Nam vì có hành vi lôi kéo các cô gái trẻ dưới 16 tuổi để quan hệ tình dục và quay phim khiêu dâm bán trên mạng xã hội. Công an Đà Nẵng xác định có ít nhất 4 cô gái trẻ đã bị lôi kéo và đường dây này, trong đó có một bé gái mới 15 tuổi 3 tháng.
Cũng trong cuộc họp, công an Đà Nẵng cho biết từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 7/2019, Đà Nẵng đã xảy ra 5 vụ đục két sắt trộm cắp tài sản của các doanh nghiệp. Đến ngày 16/10, Công an Đà Nẵng đã phá án, bắt 2 đối tượng người Trung Quốc và đã làm rõ được 4 vụ đục két trên địa bàn thành phố.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/danang-police-notify-the-development-of-the-chinese-making-sex-film-case-10292019110543.html

Mất chức quyền cục trưởng điện ảnh

vì để lọt phim có đường lưỡi bò Trung Cộng

Tin từ Hà Nội, ngày 29/10/2019: Bộ văn hoá, thể thao và du lịch đã ra văn bản tước bỏ chức vụ quyền cục trưởng Cục điện ảnh của bà Nguyễn Thị Thu Hà, người bị cho là có trách nhiệm chính trong việc để lọt phim Everest: Người tuyết bé nhỏ (Abominable) có đường lưỡi bò của Trung Cộng ở Biển Đông.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 28/10. Tuy nhiên, bà Hà vẫn còn chức cục phó của đơn vị này.
Theo truyền thông nhà nước, bộ này cũng quyết định phạt Công ty CJ CGV Việt Nam số tiền 170 triệu đồng vì đã đưa bộ phim vào Việt Nam, buộc đơn vị này phải tiêu huỷ bộ phim này.
Báo chí viết việc để lọt hình ảnh đường lưỡi bò trong phim trên khiến khán giả đặt câu hỏi về khả năng làm việc của Cục điện ảnh nói chung và Hội đồng duyệt phim quốc gia nói riêng. Năm 2018, Hội đồng duyệt phim quốc gia cũng đã để lọt phim Điệp vụ Biển Đỏ- là phim mà nhà cầm quyền cố tình truyền thông điệp Biển Đông là của Trung Quốc. Tuy nhiên, không có tập thể hay cá nhân nào bị kỷ luật trong vụ này.
Sau khi bị phát hiện để lọt hình ảnh đường lưỡi bò trong phim, bà Hà đã nhận trách nhiệm. Còn Nguyễn Thị Hồng Ngát, thành viên của Hội đồng duyệt phim thì lấp liếm với câu nói  “Có mấy giây thôi, mọi người cứ làm quá lên.”
Trong khi Trung Cộng tìm mọi cách để tuyên truyền chủ quyền phi pháp ở Biển Đông thì nhiều viên chức trong bộ máy cầm quyền ở Việt Nam lại tỏ ra ngây thơ, tảng lờ sự vi phạm của Bắc Kinh hoặc tiếp tay cho chúng. Tệ hơn nữa cộng sản ở Việt Nam còn đàn áp những người lên tiếng phản đối Trung Cộng, giam cầm nhiều người với những bản án nặng nề kéo dài nhiều năm tù giam. Việc kỷ luật bà Hà có thể chỉ là đấu đá nội bộ.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/mat-chuc-quyen-cuc-truong-dien-anh-vi-de-lot-phim-co-duong-luoi-bo-trung-cong/

Nhà cầm quyền Nghệ An trục xuất

phái bộ Anh Quốc gặp thân nhân người chết ở Essex

Tin từ Nghệ An, ngày 29/10/2019: Ngày 28/10, nhà cầm quyền xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc,  tỉnh Hà Tĩnh đã trục xuất một đoàn công tác của chính phủ Anh đến xã này để gặp thân nhân những người được cho là mất tích trên đường sang Anh Quốc.
Theo một số nguồn tin từ người dân địa phương, khi xe của đoàn mới đến địa phận xã, lực lượng công an bắt xe của đoàn đi vào uỷ ban xã để làm việc. Khoảng 1 giờ sau, nhà cầm quyền xã yêu cầu đoàn phải rời địa phương, và không được gặp những gia đình đang mất liên lạc với thân nhân của họ. Sau đó, đoàn có đến gặp linh mục Anton Đặng Hữu Nam ở giáo xứ Mỹ Khánh để lấy thông tin.
Như đã đưa tin, ngày 19/10, cảnh sát Anh tìm thấy một xe container có chứa 39 xác người và dường như những người này bị chết vì ngạt và lạnh. Trong khi nhà chức trách Anh đang xác định danh tính của những người này thì nhiều gia đình ở huyện Can Lộc và Yên Thành (tỉnh Nghệ An) thông báo họ mất liên lạc với thân nhân của họ, những người có kế hoạch nhập cảnh lậu vào Anh từ Pháp và Bỉ trong thời gian trùng với lịch trình của chiếc xe container trên. Nhiều thông tin cho rằng trong 39 người bị chết trong xe container kia có 25 người từ Yên Thành, khoảng 10 người từ huyện Can Lộc, và vài người ở Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế.
Cảnh sát Anh đang xác định danh tính bằng phương pháp ADN và họ cần thu thập ADN từ gia đình người bị mất tích ở Việt Nam để so sánh. Việc nhà cầm quyền xã Vĩnh Lộc trục xuất phái đoàn của Anh sẽ làm khó việc xác định danh tính những người đã chết, và đây có thể là chủ trương của nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh trong việc che giấu người trong địa phương mình đi lậu vào Anh Quốc.
Trong khi tham dự họp quốc hội cộng sản ở Hà Nội, bí thư tỉnh uỷ Nghệ Anh Nguyễn Đắc Vinh nói việc những người dân ở huyện Yên Thành nhập cảnh lậu vào Anh và bị chết là “một điều đáng tiếc.” Phát ngôn này của ông bị cộng đồng mạng xã hội chỉ trích kịch liệt.
Ngày 28/10, thủ tướng Anh Boris Johnson đã đến nơi quàn thi thể của 39 người và viết lời chia buồn sâu sắc đến các nạn nhân và gia đình của họ. Nhiều người dân Anh cũng đã thắp nến cầu nguyện cho những người xấu số.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/nha-cam-quyen-nghe-an-truc-xuat-phai-bo-anh-quoc-gap-than-nhan-nguoi-chet-o-essex/

Lời kể của phụ nữ Việt ‘mua vé xe tải’ vào Anh

Bình KhuêBBC News Tiếng Việt
Di dân lậu: Câu chuyện đằng sau ‘tấm vé xe tải’
Cái chết thương tâm của 39 di dân trong chiếc xe tải đông lạnh khiến dư luận Anh bàng hoàng.
Người dân địa phương tại Grays, Essex, nơi vụ việc được phát hiện, nói với BBC News Tiếng Việt rằng họ không thể hiểu nổi làm sao chuyện đó có thể xảy ra.
Nhưng những di dân, trong đó có người Việt, khi quyết định tìm cách vào Anh bất hợp pháp, họ có biết sẽ phải đối diện với một hành trình kiểu như thế không?
Người Việt di cư bất hợp pháp: Những giấc mơ không thành
Vụ 39 người chết: Dư luận tiếc thương nhưng tranh cãi
‘Giao dịch hoàn tất khi tôi tới Anh’
Lan (không phải là tên thật), từ Việt Nam tới Anh vào năm ngoái.
Nói chuyện với BBC News Tiếng Việt qua điện thoại internet, cô nói cô quyết định ra đi tuy “đã biết đây là con đường bất hợp pháp”, và may mắn là hành trình của cô kéo dài một tháng, “khá là nhanh so với những người khác”.
Kể về quá trình từ lúc rời nhà, một tỉnh thuộc miền bắc Việt Nam, đến khi tới Anh, Lan nói cô phải đi thành nhiều chặng, với “hai hoặc ba điểm dừng chân”.
Không tiết lộ đó là những điểm nào, nhưng Lan cho biết tại mỗi nơi, cô phải ở lại chờ trong khoảng một tuần.
Hành trình của những người đi từ Việt Nam “thường thì phải trải qua một quãng đường khá dài, khá là gian nan”, Lan nói, và người đi “ngay từ đầu đã xác định là rất khó khăn”.
Giai đoạn đầu thực sự là khó khăn…đến một đất nước mới, mọi thứ đều mới, khi ra đường họ dùng ngôn ngữ khác mình, mọi người đều khác mình. Tôi cảm thấy lạc lõng, cô đơnLan
Đây rất có thể là lý do khiến các di dân người Việt thường cố mua ‘vé VIP’, giá cao hơn giá ‘vé thường’, để hy vọng chuyến đi sẽ an toàn, trót lọt hơn, Lan giải thích, tuy không nói cô đi theo dạng vé nào.
Cô cho biết trong trường hợp của cô, người môi giới “chỉ là người tạo điều kiện cho mình đi” an toàn, chứ không hứa hẹn gì về cơ hội kiếm tiền hay công ăn việc làm sau đó.
Lý do lựa chọn ra đi
Các di dân bất hợp pháp thường được cho là ra đi vì kinh tế, nhưng Lan nói trường hợp của cô không phải vậy.
Người Việt di cư bất hợp pháp: Những giấc mơ không thành
Vụ 39 người chết: Đại sứ Anh làm việc với Bộ Công an VN
Vụ 39 người chết: Anh – Việt ‘đang chắp nối thông tin’
“Tôi có rất nhiều lý do riêng để có mặt ở đây vào lúc này,” cô nói. “Khi ở Việt Nam, gia đình tôi cũng được coi là một gia đình khá giả.”
“Tuy nhiên, đến một giai đoạn nào đấy, tôi gặp phải rất nhiều khó khăn, khó khăn về nhiều chuyện, mọi thứ không được trôi chảy. Đột nhiên có một lựa chọn là sang đây.”
“Ngay từ lúc ở nhà tôi đã biết đây là con đường bất hợp pháp và sẽ có rất nhiều khó khăn, rủi ro. Tất nhiên là tôi biết, nhưng rồi tôi vẫn lựa chọn sang đây. Đó cũng là một sự đánh đổi rất lớn.”
“Lúc quyết định ra đi, tôi không xác định quá nhiều về việc sang đây để làm cái gì. Cuộc sống của tôi ở Việt Nam khá nhiều áp lực, khó khăn, cho nên tôi muốn chọn một cuộc sống mới.”
Nguyễn Giang và Bình Khuê tường thuật từ hiện trường vụ 39 nạn nhân trong xe đông lạnh ở phố Eastern Avenue, khu nhà kho Grays, Essex, Anh
‘Cuộc sống ở Anh không phải như người ta vẫn mơ’
“Việc sang bên này làm gì hay sống thế nào, [người môi giới] chưa từng đề cập đến với tôi. Tất cả đều phải dựa vào mối quan hệ của mình từ Việt Nam, hoặc sang đây rồi nhờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng,” Lan giải thích.
Nếu như đường dây giúp đưa ra nước ngoài không hứa hẹn gì về công ăn việc làm thì liệu có phải những người như Lan đã có những mối quan hệ hoặc có sự hiểu biết nhất định về thị trường công ăn việc làm hoặc cơ hội kiếm việc làm ở Anh rồi mới đi?
Lan không trả lời trực tiếp câu hỏi này, chỉ nói “nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng mà tôi cố gắng sống sót, bám trụ đến bây giờ”.
Kể về cuộc sống một năm qua, Lan nói khi mới sang, cô “khá sốc”.
“Giai đoạn đầu thực sự là khó khăn. Mình đến một đất nước mới, mọi thứ đều mới, khi ra đường họ dùng ngôn ngữ khác mình, mọi người đều khác mình. Tôi cảm thấy lạc lõng, cô đơn giữa thế giới này.”
“Nhưng đây là cuộc sống mà mình đã lựa chọn cho nên tôi phải sống tiếp.”
Lan cũng muốn chia sẻ tâm sự với những ai đang định đi như mình:
“Con đường các bạn chuẩn bị đi hoặc mong muốn đi là bất hợp pháp. Dù mục đích có là gì thì đó vẫn là con đường sai lầm.”
“Tuy nhiên, tất cả mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó. Có những người thông cảm được cho lý do của các bạn, và sẽ có những người không chấp nhận được lý do đấy.”
“Nhưng nói một cách ích kỷ một chút thì cuộc sống của mình là của mình, không ai có thể sống thay cho mình, không ai có thể quyết định thay cho mình được. Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định gì thì cũng mong các bạn suy xét thật kỹ.”
“Thực sự, Anh Quốc không phải giống như người ta vẫn từng mơ. Người ta vẫn nghĩ rằng đi ra nước ngoài mọi sự dễ dàng hơn, kiếm tiền dễ, có thể gửi được nhiều tiền về để giúp đỡ gia đình, để xây nhà to cho bố mẹ, để giúp nuôi các em ăn học…”
“Thực ra không phải thế. Đằng sau đó có rất nhiều góc khuất. Đằng sau những đồng tiền đó là mồ hôi, nước mắt, là những ngày làm việc rất dài, là những bữa ăn rất vội, là những cuộc sống khó khăn, là sự cô đơn mỗi khi đêm về, rất nhiều thứ phải đánh đổi.”
“Tôi cũng mong những người đang ở Việt Nam có cái nhìn cảm thông hơn, nhân hậu hơn đối với các nạn nhân và những người Việt Nam đang còn ở nước ngoài, đang phải sống cuộc sống theo tôi là khá khó khăn.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50222688

Vụ 39 người chết:

Nhiều người tiếc thương nhưng cũng tranh cãi

Nhiều người bày tỏ sự thương xót đau đót khi biết tin có khả năng có người Việt trong 39 nạn nhân trong chiếc xe tải đi đến Essex, Anh Quốc.
Vụ việc 39 thi thể được phát hiện chết ngạt trong một chiếc xe tải ở Anh Quốc cùng với ngày càng nhiều gia đình Việt nghi ngờ người thân của họ trong danh sách nạn nhân xấu số, khiến cho dư luận Việt Nam thương xót, đau đớn, và vô cùng bối rối trong nhiều ngày qua.
Cộng đồng thế giới bàng hoàng khi vào ngày 23/10, báo chí đưa tin cảnh sát Anh đã phát hiện 39 thi thể nằm chồng chéo lên nhau trong một chiếc xe tải chạy đi vào khu vực Essex của Anh.
Ban đầu cảnh sát cho rằng 39 người này là người Trung Quốc, nhưng sau đó họ cho rằng thông tin đã thay đổi và hiện vẫn đang điều tra danh tính nạn nhân và chưa đưa thêm bất kỳ thông tin nào về quốc tịch của họ.
Tuy nhiên, nhiều ngày qua nhiều gia đình Việt Nam ở khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh đã vô cùng lo lắng, đau đớn khi họ mất liên lạc với người thân được biết đang đi lao động ở nước ngoài.
Tin nhắn của cô gái Phạm Thị Trà My ở thị trấn Nghèn, Nghệ An “Con xin lỗi bố mẹ. Con không thở được” trước khi mất liên lạc hoàn toàn vào ngày cảnh sát Anh phát hiện ra chiếc xe đã làm gây sốc và ám ảnh dư luận Việt Nam.
Thương xót, đau đớn
Chín Ngả: Nói gì thì nói nhưng cái chết của các nạn nhân là sự đau xót của văn minh nhân loại; cầu xin linh hồn các nạn nhân bi thương này sớm đc siêu thoát; họ đã bỏ lại phía sau cõi sân si trần tục này!
Trung Tiến Nguyễn: Không biết sau vụ này sẽ có ai tỉnh ngộ. Âu cũng là số phận, mong gia đình sớm có thông tin chính thức và vượt qua nỗi buồn này!
Nguyen Huu Tho: Ra đi không phải sai lầm mà nguy hiểm tính mạng nhiều hơn ! Tuy nhiên vì cuộc sống thực tại họ không cam chịu nên phải đánh đổi . Đây mới là vấn đề chung của người có thu nhập trung bình và thấp ở xứ ta .
Chu Thắng: Nên chia sẻ nỗi buồn hơn là dạy khôn và lên án điều đã mất và nhất là nghĩa tử là nghĩa tận. Xin chia buồn đến gia đình có con em không may bị mất mong sớm về với gia đình.
Hằng Nguyễn: Vẫn ko dám tin là người Việt Nam! Mình cứ kiểu khi nào có tin tức chính thức mới dám chấp nhận, vì mình nghĩ thời này mà lại còn đi vượt biên sao?
Nhiều người chỉ trích, đặt câu hỏi
Lão Hạc Ngu thì chết bệnh tật gì là có thật. Trong nước tài nguyên phong phú đất rộng ao sâu vườn rộng chịu khó kinh doanh làm ăn lương thiện nhà cổ nhà tầng kiểu gì chẳng có, thời bình mà vẫn nghèo thì đúng là ngu.
Bachhue Nguyen: Tại sao không dùng số tiền vài chục bảng Anh mà đi xuất khẩu lao động thì đâu có đau lòng như thế. Mong mọi người yên nghĩ. Cũng mong dân mình bớt mộng cao. Đánh đổi cả tính mạng để làm giàu như thế thì có đáng chăng. Thiếu hiểu biết cũng là một trong những nguyên nhân, cần nhìn sâu vào gia đình. Và còn cả tá công việc mà Việt Nam cần nhìn nhận để phát triển và thay đổi. Còn sống là còn tất cả, mất đi cuộc sống là mất tất cả mọi người ạ.
Rễ Tre: Dưới 30.000 Bảng thì qua Anh làm gì cho bận người. Chi phí mọi thứ quá đắt đỏ mà chắc chắn áp lực công việc khủng khiếp.
Phuong My Nguyen: Không hiểu sao cha mẹ lại chấp nhận cho con gái đi bôn ba hết lần này đến lần khác vậy, vừa mới hết hợp đồng lao động về nước, thì lại lăng xăng tìm đường qua An. Các bậc cha mẹ nghĩ sao vậy, biết con là thân gái mà sao lại đẩy con vào con đường nguy hiểm như vậy, thật đáng trách vô cùng, biết con mình ra đi như vậy là phạm pháp vậy mà cũng ủng hộ, lòng tham của cha mẹ đã góp phần làm nên sự rối ren, phức tạp cho xã hội ….
Cường Trần: Con nhà giàu sẽ đc ba mẹ chu cấp tiền du học. Con nhà hơi khá tí xíu sẽ chọn xuất khẩu lao động, ba mẹ có ruộng vườn canh đất để cầm cố. Con nhà nghèo thì phải học giỏi mới có học bổng mà du học. Còn những bạn kia dù sao cũng bỏ tiền chục ngàn đô rồi mà sao đi nhập cư trái phép khó hiểu, phải trốn ko tốn đồng nào thì đi kiểu này tiền mất tật mang.
Linh Nùn: Đừng lấy lí do ngoại cảnh. Tất cả đều ở bản thân. Không ai ép ai cái gì. Đừng bao giờ đổ tại nhà nước nơi chôn rau cắt rốn. Nơi mà xương máu cha ông đổ xuống để có ngày nay. Ai cũng có lựa chọn của mỗi người và từng người phải có trách nghiệm với quyết định của bản thân mình.
Vụ 39 người chết tại Anh: Làng quê Việt Nam chuẩn bị cho tình huống xấu nhất
Tay chân có, học tập kiến thực kinh nghiệm thực tế sẽ luôn có việc. Chứ đừng nghĩ giàu nhanh. Đó là rủi ro khi bạn chọn con đường đấy.
Nguyên nhân do đâu?
Hai Phan: Phần nhiều trong so đó là người Nghệ An, Hà Tĩnh do ảnh hưởng Formosa. Hệ luỵ đó càng ngày càng thấy rõ! Ở Quảng Bình 2018 cũng có 17 thuyền nhân vượt biên qua Úc, bị bắt về đó. Họ cũng trải qua bao nhiêu nguy hiểm, đối diện với cái chết.
Trần Quý Quốc: Khi sinh ra và lớn lên ở một đất nước mà họ thấy không có tương lai thì con người phải tự tìm cho mình một lối thoát đó là bỏ xứ ra đi. Đó là mưu sinh, có người được thành công, có người bị thất bại như một ván bài. Không phải ai đi chui cũng đều thất bại cả. Nếu không thì chả ai phải đánh đổi số phận của mình với tử thần và nợ nần chồng chất cho gia đình mình.
Thanhhong Nguyen: Với số tiền đóng để được đến Anh quốc đây hoàn toàn không phải là số tiền nhỏ , họ chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn như vậy cũng như dám chấp nhận nguy hiểm ra đi bất hợp pháp thì họ đã phải tìm hiểu những rủi ro có thể xảy ra với họ. Tôi nghĩ họ ra đi như vậy đa phần không chỉ vì bản thân họ mà còn vì tương lai gia đình họ, còn tại sao là tương lai của bản thân và gia đình thì có rất nhiều nguyên nhân kinh tế, chính trị, giáo dục, an toàn xã hội mỗi người một hoàn cảnh và suy nghĩ khác nhau, nhưng điều đáng nói nhất là các vị hữu trách có dám nhìn nhận sự thật về tình hình chính trị xã hội mà họ đang nắm trong tay mình đã gián tiếp trực tiếp đẩy đến hậu quả này. E rằng họ chỉ có một kết luận đây là những người hám tiền là có thể đóng lại hồ sơ điều tra. Nếu vậy thì lòng tin về tương lai tốt đẹp của chúng tôi phải làm sao đây.
Cảm thông, chia sẻ
Nhiều người thì bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với những người mạo hiểm ra nước ngoài.
Ginkgo Biloba: Nếu các bạn sống trong hoàn cảnh của những người cần phải đi trong container như vậy thì mới hiểu. Họ biết kết quả hên xui và chấp nhận đánh đổi và thử thách. Đừng nói chuyện phạm luật với người muốn thay đổi cái nghèo đã theo họ mấy đời rồi.
Văn Kiếm: Công bằng mà nói, vụ 39 người bị mất thương tâm kia là vì họ muốn thay đổi đời sống kinh tế cho bản thân và gia đình. Tất nhiên về mặt xã hội và an sinh, chính quyền cũng cần xem lại một số mặt nào đó còn tồn đọng, như giải quyết việc làm, tạo ra cơ hội nhiều hơn v.v… Việc di cư bấy hợp pháp này không riêng Việt Nam đâu, nhiều nước như ngay Hàn Quốc cũng có (nô lệ tình dục) vào Mỹ là nhiều nhất đấy, rồi Tàu, Bangladesh, Pakistan cũng vào Mỹ. Trước đây còn có Nhật Bản nữa kia nhưng giờ thì hết. Việt Nam nằm trong vùng” thế giới thứ ba” nên việc ra đi kiếm cơ hội mới là điều dễ hiểu.
Không có gì ầm ĩ!
Vụ 39 người chết trong xe tải trên đường đi vào Anh gây xôn xao dư luận ở Việt Nam.
Cảm thương những số phận không may và xin chia buồn cùng gia đình các nạn nhân.
Nga Nguyen: Nói thật. Những người này họ đi lậu thế này thì họ xác định 1 sống 2 chết rồi. Tôi chả thương xót gì đâu vì luật chơi cả. Nhưng một số ng chửi rủa miệt thị thì quá đáng rồi. Nếu bạn đã từng gặp người mà làm đầu tắt mặt tối mà vẫn không đủ ăn thì những chuyến đi thế này là điều dễ hiểu. Đó là chọn lựa. Thật xót xa cho cuộc sống này.
Ng Kent: Họ chấp nhận rủi ro cao để qua được Anh quốc đi làm nghề trồng cỏ “weed” là chính vì làm giàu nhanh, trả nợ nhanh. Do đó, cho dù có bị bắt ở tù vài năm không sao, vì cái được là gởi được tiền tỷ về VN.
Lê Văn Vượng: Tình hình ở Việt Nam là giá VND so với các ngoại tệ chính ngày càng bèo hơn. Cơ hội kiếm tiền bị chủ nghia thân hữu và con ông cháu cha, tham nhũng… tước đoạt thô bạo. Cho nên con em chúng ta đành cắn răng ra nước ngoài kiếm tiền thôi. Chứ ai mà không muốn ở quê hương mà vẫn làm ăn tốt. Nghiệt ngã lắm!
Dân Nguyễn: Nói thẳng và thật là trong nước nếu đi làm công nhân từ sáng đến đêm cũng không mua được cái nhà mà ở. Đấy là tính ở Hải Phòng thành phố đang trên đà phát triển. Chưa kể là chi phí sinh hoạt cái gì cũng tăng. Đi nước ngoài hi vọng kiếm được tiền để về quê có cái nhà cái cửa có ít vốn làm ăn. Đơn giản thế thôi, đi nước ngoài là 50/50 biết đấy nhưng liều thôi.
Kim Lưu: Có vẻ bản thân những người vượt biên không lường hết được sự nguy hiểm và mức độ nghiêm trọng, khi mà nhóm cò mồi đưa ra những kế hoạch nghe chừng như đúng rồi.
Chu Thắng: Nên chia sẻ nỗi buồn hơn là dạy khôn và lên án điều đã mất và nhất là nghĩa tử là nghĩa tận. Xin chia buồn đến gia đình có con em kg may bị mất mong sớm về với gia đình.
Một số người đề ra giải pháp, lời khuyên.
Phuong Nghiêm: Tăng lương công nhân Việt Nam lên. Để họ đầu từ kiến thức năng lực con người. Để họ có thể làm ăn cống hiến cho gia đình và xã hội ngay trên đất nước của mình. Khỏi phải đi đâu.
Minh Hanh Do: Sống bất hợp pháp ở bất kỳ đất nước nào họ cũng phải đối mặt với những vấn đề ở trên không riêng gì nước Anh, giáo dục con cái rất quan trọng, thay vì đầu tư cho con 1 tỷ để lưu vong, thì có thể làm đc nhiều thứ có lãi ở VN và nuôi dạy con cái thành đạt, rất nhiều cánh cửa mở ra cho các bạn trẻ….
Vinh Nguyen: Xuất khẩu mới về ít nhiều cũng có tiền làm vốn, đi tốn gần tỷ vẩn chấp nhận vậy không phải là khó khăn túng quẩn. Mình phải biết mình là ai, đang đứng ở vị trí nào để lao động cho phù hợp. Không nên liều lĩnh đánh cược mạng sống của mình để kím lấy đồng tiền.
Đây là chia sẻ của các độc giả BBC trên mạng xã hội trong nhiều ngày qua. Phần lớn đều cho rằng có người Việt trong số 39 nạn nhân xấu số. Tuy nhiên, hiện BBC vẫn chưa nhận được xác minh chính thức về danh tính của những người này từ phía cảnh sát Anh.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50216834

Đại sứ Anh:

“Chúng tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc”

Anh muốn hợp tác với Việt Nam để nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của nạn mua bán người.
Thông cáo của Đại sứ Gareth Ward về vụ việc 39 người người chết tại Essex Anh mô tả việc ông có cuộc gặp với Bộ Công an Việt Nam hôm 28/10 để thảo luận về thảm kịch mới xảy ra.
“Hiện giờ, chúng tôi vẫn chưa có thông tin chính xác về việc những người này là ai và họ đến từ đâu. Nhưng dù bất kể quốc tịch của họ là gì, chúng tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình và người thân của họ.
“Chúng tôi biết cộng đồng người Việt ở trong nước và ở Anh đều đang rất lo lắng. Tôi và Bộ Công an đã bàn luận về cách hai chính phủ có thể hợp tác chặt chẽ hơn trong quá trình xác định danh tính nạn nhân”.
Đại sứ Anh cho biết thêm quá trình xác minh nạn nhân sẽ mất nhiều thời gian vì “nhằm đảm bảo nhân phẩm của các nạn nhân và sự chính xác trong quy trình giám định pháp y, đồng thời bảo mật thông tin cho cuộc điều tra vẫn còn đang tiếp diễn”.
“Chúng tôi sẽ hợp tác để nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của nạn mua bán người, để truy tố những kẻ tội phạm liên quan, và để bảo vệ những người dễ bị tổn thương,” Đại sứ Gareth Ward nói trong thông cáo hôm 28/10.
Cũng trong hôm 28/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo trên trang web bộ này nói họ đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, các địa phương để nắm thông tin, hỗ trợ xác minh danh tính đối với các trường hợp được cho là mất tích tại Anh.
Vụ 39 người chết: Anh – Việt ‘đang chắp nối thông tin’
Vụ 39 người chết: Dư luận tiếc thương nhưng tranh cãi
Vụ 39 người chết: Nỗi đau tột cùng của những gia đình Việt Nam
Vụ 39 người chết ở Anh: Nhiều gia đình Việt lo lắng
“Cho tới nay, Tổng đài Bảo hộ công dân đã tiếp nhận thông tin của 14 gia đình đề nghị hỗ trợ xác minh, tìm kiếm người thân bị mất tích tại Anh. Cục Lãnh sự đã liên hệ trực tiếp và hướng dẫn gia đình các thông tin cần cung cấp để đẩy nhanh việc xác minh, đồng thời cũng đề nghị các gia đình phối hợp, cung cấp các thông tin cập nhật về người thân (nếu có) tại Anh để kịp thời xử lý.
“Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Anh thường xuyên giữ liên lạc với cảnh sát Essex và các cơ quan hữu quan của Anh để nắm thông tin, kịp thời chuyển các dữ liệu do phía Anh cung cấp về trong nước nhằm thực hiện việc xác minh, đối chiếu sinh trắc học để xác minh danh tính nạn nhân; đồng thời chủ động thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết trong trường hợp xác nhận có công dân Việt Nam trong số các nạn nhân nêu trên”.
Trước đó, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết “phía Anh hiện mới làm được 4 trường hợp trong tổng số 39 nạn nhân tử vong”.
Buôn bán người mà bằng con đường qua biên giới, bằng tàu biển hay hình thức khác thì phải có đường dây, không phải tự nhiên mà đi đượcThiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội
“Cũng chưa phải là xác định danh tính những nạn nhân này mà họ mới gửi hồ sơ sang để chắp nối các thông tin xác định. Họ sẽ còn làm rất kỹ vì phía Anh không chấp nhận nhận diện mà chỉ dựa trên kết quả xét nghiệm ADN.
“Hồ sơ được hai bên trao đổi và phối hợp với nhau. Nghĩa là, họ cũng có nghi ngờ nên phải xác minh. Mỗi ngày họ chỉ làm được 5-6 trường hợp, bắt đầu từ ngày thứ Hai”.
Bản tin trên trang web Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn lời Thiếu tướng, Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội nói về điều ông gọi là hoạt động của doanh nghiệp lách luật bằng nhiều hình thức để đưa người đi các đường tiểu ngạch qua “các nước láng giềng”.
“Hiện nay, số lượng đó khá lớn, đã có hậu quả và dẫn đến hậu quả buôn người”.
Trả lời về việc liệu có một đường dây đưa người di cư bất hợp pháp hay không, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh nói:
“Theo tôi, kể cả buôn bán người mà bằng con đường qua biên giới, bằng tàu biển hay hình thức khác thì phải có đường dây, không phải tự nhiên mà đi được. Chúng ta phải tăng cường quản lý chặt hơn nữa. Đặc biệt là phải khuyến cáo cho người dân chúng ta ở vùng nông thôn, vùng sâu, xa nơi mà các nhóm người lợi dụng sơ hở để tổ chức người đi xuất khẩu lao động bất hợp pháp”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50217025

Người Việt di cư bất hợp pháp:

Những giấc mơ không thành

Lê Viết ThọBBC News Tiếng Việt, Bangkok
Vụ phát hiện 39 thi thể trong chiếc container ở Essex (Anh) mà trong đó có nhiều người Việt Nam đang dấy lên những hồi chuông báo động về tình trạng lao động di cư bất hợp pháp từ Việt Nam ra nước ngoài.
Số liệu trong báo cáo ‘Precarious Journey‘ (tạm dịch: ‘Hành trình chông gai’) của Ecpat UK, Anti-Slavery International và Pacific Links Foundation cho thấy, các năm từ 2009-2018, riêng tại Anh, đã có 3.187 người lớn và trẻ em Việt Nam được xác định là nạn nhân của nạn buôn người.
Trong vài năm qua, người mang quốc tịch Việt Nam được xác định là nằm trong nhóm ba nước đứng đầu về số lượng nạn nhân của nạn buôn người ở Anh.
Còn năm nay, Việt Nam tụt xuống bậc thứ hai, trên danh sách các nước cần được theo dõi về tình trạng buôn người, trong hệ thống ba bậc của phúc trình thường niên về tình trạng buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Theo báo cáo ‘Precarious Journey’ nói trên, có nhiều mạng lưới với những tuyến đường khác nhau để đến Anh. Một số qua ngả Trung Quốc và Nga, một ít người khác có thể đi máy bay trực tiếp đến Paris nếu họ có được thị thực Schengen qua Séc hoặc Hungary. Họ sẽ đến Hunary, Ba Lan và Cộng hòa Séc, nơi có cộng đồng người Việt ở đó và sau đó, tìm đường sang Anh. Nếu bay đến Nga, họ sẽ qua Belarus bằng xe tải rồi đi bộ qua các khu rừng để đến biên giới Ba Lan. Ở đó, một chiếc xe tải đang đợi và họ sẽ tiếp tục đến Warsaw, trước khi đi qua Đức và Bỉ để đến Paris.
Vụ 39 người chết: Dư luận tiếc thương nhưng tranh cãi
Nén hương cho 39 người ở Grays
Đại sứ Anh làm việc với Bộ Công an
Vụ 39 người chết: Nỗi đau tột cùng của những gia đình Việt Nam
Tại Paris, những lao động di cư phải chờ đợi trước khi chuyển đến một trại gần khu vực xe tải đậu trên đường cao ở Angres. Họ chờ ở đó để rồi náu mình trong những chiếc xe tải đi đến Calais và sau đó là qua Anh theo các gói, với giá khác nhau, tuỳ vào mức độ an toàn và sự hỗ trợ của những kẻ trong đường dây buôn người.
Điều kiện của hành trình vô cùng khó khăn, nhất là chặng từ Nga đến Ba Lan, vì họ phải chịu đói và lạnh, báo cáo cho biết thêm.
Nhưng không chỉ có một con đường sang Anh bằng cách qua Trung Quốc và Nga. Trên thực tế, nhiều nước khác đã được giới buôn người chọn làm điểm chuyển tuyến, thậm chí ngay cả các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan hay Malaysia.
Chị Hoa Nguyen-Adam, chuyên gia với 25 năm kinh nghiệm tư vấn cho các tổ chức phi chính phủ hành động chống tệ nạn buôn người cho BBC News Tiếng Việt biết qua điện thoại hôm 28/10 rằng, Malaysia – nơi chị đang làm việc – cũng là một điểm chuyển tuyến được nhiều đường dây lựa chọn. Từ Malaysia, người lao động sẽ mua vé sang Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và từ đấy bắt đầu vào châu Âu, Đức, Hà lan, Bỉ. Nhưng Trung Quốc vẫn là tuyến phổ biến hơn, để từ đó làm giấy tờ vào châu Âu.
Cũng theo báo cáo ‘Precarious Journey,’ bên cạnh các tuyến nói trên, gần đây, còn có một tuyến vận chuyển mới đi qua Peru (Lima), Brazil hoặc Cộng hòa Dominican ở Nam Mỹ sau đó sẽ đến châu Âu, nhất là Pháp.
Chẳng hạn, tháng 12/2018, cảnh sát Tây Ban Nha với sự hỗ trợ EUROPOL, đã bắt giữ 37 thành viên của một tổ chức buôn người quốc tế bị cáo buộc đưa 730 người Việt Nam vào Tây Ban Nha qua điểm chuyển tuyến Nam Mỹ. Mỗi người phải trả 18 ngàn Euro và được đưa đi theo nhóm từ 6 đến 12 người.
Chị Hoa Nguyen nhận xét:
“Chưa nói đến những nguy hiểm của những người từ châu Âu sang Anh như trường hợp 39 nạn nhân vừa phát hiện mà ngay cả với những người đi du lịch sang Malaysia, để từ đó, kiếm đường sang nước khác cũng đã rất nguy hiểm rồi. Không có ngoại ngữ, đường đi nước bước thì không biết, họ sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào những kẻ buôn người. Tôi đã gặp những trường hợp qua Malaysia, sau đó bị lừa bán vào các điểm mại dâm ở đây. Để rồi khi không còn làm được việc cho chúng thì bị chúng vất ra đường, không có giấy tờ gì cả. Có trường hợp đã học đại học mà vẫn bị lừa sang đây, rồi bị bắt và ra toà.”
Giấc mơ đổi đời
Nghiên cứu ‘En route to the United Kingdom‘ (Tạm dịch ‘Đường đến Anh’) của Viện nghiên cứu Đông Nam Á đương đại ở Bangkok và France terre d’asile (Pháp) thực hiện trong năm 2017 cho thấy, rất nhiều trong số những lao động di cư đến Anh xuất phát từ tỉnh Nghệ An, đa số họ sống ở vùng nông thôn.
Những người di cư Việt Nam này mơ ước có một cuộc sống tốt hơn ở châu Âu, nhất là Anh được họ coi như ‘miền đất hứa.’
Ở Anh vốn đã có một cộng đồng người Việt và những kẻ buôn người hứa hẹn, họ sẽ dễ dàng tìm được việc trong các tiệm nail hay các nhà hàng. Hơn nữa, lao động di cư hy vọng, người quen của họ đã sang Anh từ trước sẽ giúp họ tìm việc.
Vụ 39 người chết ở Anh: Nhiều gia đình Việt lo lắng
Thêm thông tin về vụ 39 người chết trong xe tải
Phát hiện 39 thi thể trong xe thùng ở Anh Quốc
Mục tiêu của họ là làm việc vài năm, trả hết nợ vay để làm lộ phí, gửi tiền về cho gia đình ở Việt Nam để giúp con cái học hành, xây nhà và tiết kiệm một khoản để nay mai trở về, bắt mở đầu cuộc sống mới.
Thừa nhận không phải tất cả những người ra đi đều là những người có hoàn cảnh quá khó khăn, kể cả khi hầu hết họ đều xuất phát từ các khu vực nghèo ở Việt Nam như miền Trung hoặc miền núi phía Bắc, chị Hoa Nguyen nhận xét:
“Có những người ở TP Hồ Chí Minh nữa chứ có phải chỉ toàn vùng sâu, vùng xa. Trên thực tế, để kiếm được ngần ấy tiền bỏ ra chi phí cho chuyến đi, nhiều người trong họ không nghèo. Thậm chí có những bạn mà tôi gặp ở Malaysia, bị bắt và đưa về Việt Nam, khi gửi ảnh qua cho tôi, ngôi nhà của họ rất khang trang. Có những bạn xài những chiếc iphone xịn,” chị Hoa Nguyen nói.
Các nghiên cứu về lao động Việt Nam di cư xác nhận nhận xét này.
Những người di cư Việt Nam phải bỏ ra một khoản tiền lớn để có thể đến Anh, có thể lên tới 33 ngàn bảng Anh. Khảo sát của AAT (tổ chức phi chính phủ quốc tế hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ và có hoàn cảnh khó khăn) cho thấy, những người di cư bị bắt quay về Việt Nam có mức sống trung bình, thậm chí một số gia đình có thể được coi là giàu có. Họ có nhà cửa khang trang, thậm chí ô tô hay sở hữu một doanh nghiệp, và có thể bỏ tiền ra cho con đi học ở Úc. Chỉ 10% hộ gia đình thực sự nghèo ở khía cạnh, họ không có nhà, sống cùng các thành viên khác trong gia đình hoặc nhà của họ đã bị chủ nợ xiết.
Có phải ‘miền đất hứa’?
Dễ dàng tìm công việc lương cao, ít khi bị cảnh sát kiểm tra và dễ dàng tìm kiếm con đường ở lại hơn so với các nước châu Âu khác là những hứa hẹn, hy vọng và cũng là động lực chính khiến họ chọn Anh thay vì các quốc gia châu Âu khác.
Chị Hoa Nguyen nói: “Nếu họ sống ở các vùng xa của Việt Nam, thu nhập của họ sẽ rất thấp hoặc khó kiếm được việc làm. Nhưng sang Anh, ngay cả đi làm nail thì họ cũng có thể kiếm hàng trăm ngàn mỗi ngày. Đấy là sự khác biệt rất lớn và là động cơ chính thôi thúc họ tìm đường ra đi.
“Hơn nữa, tâm lý của người Việt Nam là họ chỉ thấy nước Anh qua tấm ảnh hào nhoáng, còn những người đã đi thành công khi về, toàn kể về những mặt tốt đẹp của đời sống ở nước ngoài, chứ không ai nói về những ngày trốn chui trốn lủi, về những chuyến đi băng rừng trong đói khát để tìm miền đất hứa, về nỗi cơ cực của nghề làm móng hay cảnh bị ép sống trong những căn nhà trồng cần… Những kẻ buôn người thì chỉ toàn vẽ nên những viễn cảnh tươi đẹp.
“Ngay cả như sự việc 39 người này, có ảnh và những lời kể của gia đình trên các phương tiện truyền thông, nhưng nhiều người vẫn không tin đó là sự thật, và đi Anh là giấc mơ với nhiều người. Thường họ đi cả gia đình, trong đó có cả trẻ em sang trồng cần sa. Khi ở Anh, tôi đã từng gặp các em như vậy. Có em bảo, cả nhà sang, từ trẻ đến già còn đi được là kiếm tiền đưa sang,” chị Hoa kể.
Nhưng thực tế luôn khác với mơ mộng. Theo khảo sát của AAT, 80% trong số họ đã không có được công việc như đã được hứa hẹn. Không biết tiếng Anh, không được giúp đỡ, họ chấp nhận làm bất kỳ công việc nào, ngay cả công việc có rủi ro cao nhất, như trồng cần sa, vì họ còn phải trả nợ.
Chiêu thức của những kẻ buôn người
“Thực sự là những kẻ buôn người rất khôn, chúng tận dụng các mối quan hệ quen biết, qua người thân hay làm quen trên Facebook, rồi gửi vé qua Zalo… Hầu hết giúp các trường hợp mà chúng tôi giúp đỡ đều môi giới với bọn buôn người qua quan hệ thân quen.
“Một cô gái mà tôi từng tham gia hỗ trợ để đưa về nước còn bảo, ôi bạn trai em sẽ cứu em, tức những kẻ môi giới thậm chí còn làm giả dạng làm bạn trai của các nạn nhân nữa. Có những trường hợp ra toà ở Malaysia, nhưng sau cả 6 tháng đến 1 năm chúng tôi tiếp xúc để hỗ trợ, họ vẫn một mực tin vào những người đã đưa mình đi.
“Có những bạn thất bại, ra toà rồi được hỗ trợ để về tái hoà nhập ở Việt Nam, nhưng rồi lại quay lại. Họ lại đi với hy vọng là sẽ không gặp thất bại như lần trước. Lại có những bạn ra đi thất bại nhưng lại được chính đường dây đã đưa đi huấn luyện để trở về chiêu dụ những con mồi mới,” chị Hoa cho biết tiếp.
Chống một tội ác
Bất chấp những nỗ lực của các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ khác, khoản tiền khổng lồ kiếm được từ việc buôn người khiến nó trở thành một ngành kinh doanh béo bở và tiếp tục phát triển mạnh ở Việt Nam.
Rất khó để các hoạt động tầm soát hay truy quét những kẻ buôn người hiệu qủa nếu không có sự phối hợp của cộng đồng.
Trong khi, theo như chị Hoa nhận xét, các hoạt động tuyên truyền vẫn chưa tới được với nhiều người ở các khu vực có nguy cơ cao.
Mặt khác, trong khi bọn buôn bán người đang săn mồi và tận dụng các phương tiện truyền thông xã hội để hoạt động; còn những nạn nhân bị lôi kéo hay dụ dỗ qua mạng, thì các hoạt động nâng cao nhận thức vẫn theo kiểu cũ mà chưa tận dụng loại hình truyền thông này, theo chị Hoa.
Mặt khác, chính phủ ở nhiều nước châu Âu trên đường trung chuyển có xu hướng xem nạn nhân của bọn buôn người như tội phạm hoặc không xem đó là chuyện của nước mình, theo báo cáo ‘Precarious Journey,’ cũng là điều khiến việc phòng chống trở nên khó khăn.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là cải thiện đời sống, tạo cơ hội phát triển và giảm bất bình đẳng xã hội ngay tại Việt Nam. Mà điều này đòi hỏi chính quyền nhận lãnh trách nhiệm của mình.
Không thể mãi xem những bi kịch như vụ 39 người tử nạn trên xe tải ở Anh là một “chuyện đáng tiếc.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50218875

Công an Nghệ An ‘canh nhà người nghi là nạn nhân

trong xe container ở Anh’

Ben Ngo
Hôm 29/10, Linh mục JB Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, đi thăm gia đình anh Nguyễn Đình Tứ, chị Bùi Thị Nhung, cùng ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An và gia đình anh Nguyễn Văn Hùng và anh Hoàng Văn Tiếp cùng ở xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Đây là bốn trong số các gia đình đang lo ngại con mình có mặt trên chuyến xe định mệnh ở Anh Quốc.
Sau chuyến thăm, trả lời RFA, Linh mục JB Nguyễn Đình Thục nói:
“Khi tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Đình Tứ ở xóm Phú Xuân thì thấy một vị công an đang ở đó cùng mấy đoàn nhà báo Báo Lao Động cùng một số khách đến thăm. Tôi thấy vị công an này đem máy điện thoại ra quay, chụp ảnh từng người. Khi mà tôi hỏi tại sao anh lại quay và chụp ảnh, thì anh ấy nói ‘tôi là công an thì tôi có quyền’. Anh ấy nói với giọng rất là hách dịch.”
“Khi đến một gia đình khác, của chị Nhung, ngồi một lúc thì cũng thấy hai anh công an đến. Ở đây bởi vì là gia đình Công giáo, nên khi tôi đến thì mấy anh công an đấy không vào quay phim, chụp ảnh thôi, nhưng họ đến ngồi ở bên ngoài. Xem ra họ muốn quản lý tất cả những người đến thăm hay sao ấy”.
“Khi đến thăm gia đình Hoàng Văn Tiếp ở xã Diễn Thịnh thì cũng vậy, khoảng hai ba phút sau thì thấy công an đến đó. Tôi nghĩ rằng chắc có sự quản lý, hay gây khó khăn cách nào đó từ phía chính quyền đối với người đến thăm. Tôi là người Việt Nam thì họ không gây khó khăn, nhưng nếu là người nước ngoài thì có lẽ họ sẽ gây khó khăn hay là như thế nào đó. Đây cũng chỉ là sự suy đoán của tôi mà thôi.”
Hôm 29/10, báo Nghệ An dẫn nguồn nhà chức trách xác nhận, có ít nhất 14 thi thể phát hiện trong container ở Anh là người Nghệ An. Tờ báo viết: “Cả 14 thi thể đều là công dân Nghệ An, trong số đó phần lớn là ở Yên Thành và Diễn Châu. Nhà chức trách Anh xác nhận được danh tính sau khi nhận các dữ liệu từ phía Việt Nam gửi qua như vân tay, mẫu ADN….
Báo Tiền Phong cũng đăng tải cùng lúc trong chiều 29/10 nhưng sau đó đã gỡ bỏ và thay bằng nội dung khác. Về chi tiết này, báo Dân Việt vào cuối ngày 29/10 cho biết: “Lãnh đạo tỉnh Nghệ An bác bỏ thông tin 14/39 người tử vong trong container tại Anh là người địa phương. Đồng thời khẳng định chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào liên quan đến người Nghệ An tử vong tại Anh.
“Bốn gia đình mà tôi đến thăm là có con đi Anh trong thời gian vừa rồi mất liên lạc mà họ suy đoán là nằm trong chiếc xe định mệnh đó. Tôi hỏi là gia đình ta có thông tin nào chính xác hay chưa. Họ đều nói là họ không có thông tin chính xác mà chỉ là suy đoán vì các em ra đi trong thời gian đó mà mất liên lạc. Họ suy đoán con cái họ nằm trong danh sách đó mà thôi, chứ mà nói chính xác thì không biết báo Nghệ An căn cứ vào đâu.” Linh mục JB Nguyễn Đình Thục
Bình luận về tin báo Nghệ An loan đi xác nhận 14 thi thể phát hiện trong container ở Anh là người Nghệ An, Linh mục JB Nguyễn Đình Thục cho biết:
“Bốn gia đình mà tôi đến thăm là có con đi Anh trong thời gian vừa rồi mất liên lạc mà họ suy đoán là nằm trong chiếc xe định mệnh đó. Tôi hỏi là gia đình ta có thông tin nào chính xác hay chưa. Họ đều nói là họ không có thông tin chính xác mà chỉ là suy đoán vì các em ra đi trong thời gian đó mà mất
liên lạc. Họ suy đoán con cái họ nằm trong danh sách đó mà thôi, chứ mà nói chính xác thì không biết báo Nghệ An căn cứ vào đâu.”
“Còn việc nói 14 người ở trong địa bàn Nghệ An thì tôi nghĩ là chắc có. Vì tôi tìm hiểu, lâu nay, không chỉ một chuyến này mà nhiều đoàn, nhiều lớp khác là người Nghệ An đã đi sang bên nước Anh bằng con đường này. Một trong bốn gia đình đã làm bàn thờ cho con của họ, còn ba gia đình khác thì chưa làm bàn thờ. Khi tôi hỏi về việc con cái ra đi thế nào, thì họ không trả lời. Có người bảo rằng con họ cũng lớn, các em tự tìm đường dây để đi và nhờ gia đình vay mượn tiền cho em đi.”
Trong chuyến thăm, Linh mục JB Nguyễn Đình Thục đã tìm hiểu gia cảnh khiến những người nghi là nạn nhân trên xe container phải đi sang nước Anh bằng mọi giá. Ông kể tiếp:
Trong số này có gia đình của em Nhung, bố bị ung thư mất cách đây hai năm, lúc em mới học lớp 9 phải bỏ học ở nhà chăm bố và sau đó vì hoàn cảnh khó khăn nên bỏ học luôn. Sau khi bố mất, em không có việc làm, nên tìm đường dây để đi, nhờ mẹ và các anh vay mượn tiền. Gia đình đó rất là khó khăn, vì nhà nghèo, vay mượn để lo cho bố chữa bệnh, nhà rách nát nên vay mượn tiền làm nhà, làm nhà chưa xong thì bố mất, gia cảnh rất khó khăn. Thành ra em đi là mong giúp cho gia đình để trả nợ nần nhưng mà ai ngờ lại gánh thêm. Nếu em đi trên chuyến xe đó thì chẳng những em không giúp được mẹ mà còn để lại cho mẹ thêm một khoản nợ rất là lớn.”
“Còn một gia đình khác mà tôi đến thì họ bảo rằng mấy hôm nay họ rất mệt mỏi, một phần vì lo lắng cho con, một phần vì rất nhiều người đến hỏi thăm nên họ mệt mỏi, không muốn trả lời. Còn một gia đình khác khi tôi đến thấy gia cảnh nghèo nàn, tôi không hỏi sâu nhưng nghĩ rằng cả bốn gia đình chắc là vì hoàn cảnh khó khăn, ở nhà không có công ăn việc làm nên tìm cách cho con họ đi nước ngoài.”
Linh mục JB Nguyễn Đình Thục cũng khẳng định là không chỉ là bốn gia đình nêu trên mà ở tỉnh Nghệ An, do hoàn cảnh khó khăn chung, người dân phải vất vả rời quê đi mưu sinh ở nơi khác.
Ông nói thêm:
“Chính quyền họ lấy đất ruộng của dân để làm đường, bán cho các công ty xí nghiệp. Trước thì người dân sống nhờ ruộng, thì bây giờ đất ruộng ngày càng thu hẹp, mà người càng ngày càng đông. Cho nên nếu ruộng không có mà làm, nếu làm ruộng thì thu nhập từ đồng ruộng không đủ nuôi sống gia đình. Rồi công ty xí nghiệp ở Nghệ An thì không có, thời tiết lại khắc nghiệt, bão lũ quanh năm. Vấn đề khác là Công ty Formosa gây ảnh hưởng, ô nhiễm biển, cướp đi hàng ngàn, hàng vạn công ăn việc làm cho người dân miền Trung. Cho nên, họ đã khổ thì càng khổ hơn, đã mất việc thì càng mất việc hơn. Có thể nói điểm chung của vùng Nghệ An Hà Tĩnh này là như thế. Còn nếu nhìn bề ngoài thấy có những gia đình khá giả ở vùng này thì cũng chỉ là nhờ đi xuất khẩu lao động ở nước này nước khác thì mới có đồng tiền làm nhà làm cửa. Cuộc sống của vùng Nghệ An Hà Tĩnh nhìn chung rất là khó khăn.”
Hôm 26/10, tại Giáo xứ Song Ngọc, Linh mục JB Nguyễn Đình Thục cũng là người tổ chức buổi thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân vụ 39 thi thể bị phát hiện trong xe container.
Hiện tại, Bộ Công an cũng đã cử đoàn công tác sang Anh để phối hợp liên quan đến vụ việc này. Trong đoàn công tác có một số cán bộ thuộc Công an tỉnh Nghệ An.”
Trong ngày 29/10, phóng viên RFA gọi điện đến tổng đài Công an tỉnh Nghệ An và Ủy ban nhân dân huyện Yên Thành và Diễn Châu nhiều lần nhưng không nhận được phản hồi.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/police-in-province-nghean-watching-home-of-suspected-truck-victims-10292019100605.html

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao thông tin

về việc xác minh nạn nhân Việt chết ở Anh

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh vào sáng ngày 29 tháng 10, cũng cho báo giới biết rằng Bộ Ngoại giao Hà Nội đã tiếp nhận và trao đổi thông tin 14 gia đình trình báo để phía Anh kiểm tra xem có trùng khớp với hồ sơ 39 nạn nhân trong chiếc container đông lạnh hay không.
Theo tin từ truyền thông Nhà nước Việt Nam thì Tổng Đài bảo hộ công dân thuộc Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao của Chính phủ Hà Nội đã tiếp nhận thông tin phản ánh của 14 gia đình đề nghị tìm kiếm, xác minh việc người thân mất tích tại Anh Quốc.
Ông Phạm Bình Minh cho rằng hiện vẫn chưa thể khẳng định điều gì mà phải gửi cho phía Anh Quốc các mẫu vật cần thiết để đối chiếu. Sau khi các thông tin hai phía đưa ra trùng khớp với nhau thì mới xác định được danh tính các nạn nhân. Theo lời ông Phạm Bình Minh thì công tác này cần rất nhiều nhiều thời gian.
Theo lời của ông Phạm Bình Minh thì các thông tin đối chiếu bao gồm cả yếu tố sinh trắc học, kiểm tra bằng ADN.
Đối với hồ sơ 4 trường hợp đầu tiên mà phía Anh chuyển cho cơ quan chức năng Việt Nam vào ngày 28 tháng 10 thì lãnh đạo Bộ Ngoại giao phải kiểm chứng, đối chứng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/minh-39-deaths-10292019092734.html

Dự thảo Luật xuất nhập cảnh bổ sung:

Để giúp dân hay gây khó cho dân?

Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn việc người đó chạy trốn ra nước ngoài.
Có luật cũng như không…
Đó là kiến nghị bổ sung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh báo cáo trong phiên giải trình Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam hôm 28/10.
Phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cùng ngày, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, Luật xuất, nhập cảnh của công dân VN được ban hành sẽ khắc phục những khó khăn bất cập trong việc quản lý xuất, nhập cảnh của công dân VN trong thời gian qua. Bên cạnh đó cũng đảm bảo quyền và trách nhiệm của công dân, trách nhiệm bảo hộ công dân, bảo đảm an toàn cho công dân và các hoạt động công vụ khác.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người cũng từng bị gây khó khăn, cản trở khi xuất cảnh, nhận định với RFA hôm 28/10, liên quan vấn đề này:
“Thật ra đây là sửa đổi dựa trên luật cũ, bản thân luật cũ có quy định rõ như thế nào thì bị tạm ngừng, ví dụ về y tế thì do Bộ trưởng y tế quyết định, về thuế thì Bộ trưởng tài chính… hay an ninh quốc gia thì do Bộ trưởng công an quyết định từng trường hợp một. Nhưng rất đáng tiếc là có đến hàng trăm người bị thu hộ chiếu, bị khó dễ khi xuất cảnh nhưng không có trường hợp nào là do Bộ trưởng quyết định. Có luật nhưng họ vi phạm liên tục, đấy là vi phạm trắng trợn quyền của công dân.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, chính quyền đang muốn sửa luật cũ, muốn mở rộng phạm vi tạm dừng xuất nhập cảnh, nhưng một số Đại biểu quốc hội (ĐBQH) cho rằng việc này phải hết sức cẩn trọng, vì đây là quyền của công dân đã được hiến pháp quy định, nên cần quan tâm để không mở rộng một cách tùy tiện, và thực thi một cách tùy tiện như thời gian vừa qua.
ĐBQH Đinh Công Sỹ thuộc đoàn Sơn La kiến nghị bổ sung nghiêm cấm nhóm hành vi “từ chối hoặc không giải quyết thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh mà không có lý do chính đáng”. Ông cho rằng, hành vi này có thể gây ra thiệt hại vật chất, tinh thần cho công dân, đồng thời vi phạm quyền xuất cảnh, nhập cảnh của công dân như quy định tại Điều 5 của dự thảo luật.
Lo lắng của ĐBQH Đinh Công Sỹ không phải là vô căn cứ khi thời gian qua, nhiều công dân Việt Nam bị gây khó khăn khi xuất nhập cảnh với lý do không rõ ràng. Như trường hợp của Cô Cao Vĩnh Thịnh, thành viên của nhóm dân sự độc lập Green Trees khi vào ngày 13 tháng 6 năm 2019, cô bị cơ quan chức năng Việt Nam cấm xuất cảnh với lý do “giữ lại để làm việc”.
Hay trường hợp của Linh mục Giuse Nguyễn Duy Tân, chánh xứ Thọ Hòa tỉnh Đồng Nai, người được biết đến vì những phát biểu phản đối lại các sai trái của chính phủ Việt Nam, cũng bị cấm xuất cảnh khi đi du lịch theo tour đến Malaysia chỉ với lý do “làm theo lệnh”.
Tương tự trường hợp Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ của tù nhân lương tâm Trương Minh Đức, ngay khi đáp máy bay từ Đức về Sài Gòn vào sáng ngày 21/2/2019, bà đã bị công an xuất nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất câu lưu gần 5 giờ đồng hồ và tịch thu hộ chiếu với lý do ghi trong biên bản rằng “là người thuộc diện chưa được xuất cảnh nay nhập cảnh”…
Từ một số những ví dụ đương cử như trên đủ để thấy rằng chính quyền Việt Nam đã và đang xử lý công việc quá tắc trách; xâm phạm quyền riêng tư của công dân.
Từ Sài Gòn hôm 28/10, Nhà báo Sương Quỳnh nhận định với RFA:
“Không biết luật xuất nhập cảnh mới của ông Tô Lâm có tạo điều kiện gì mới cho công dân không? Chứ từ trước đến nay, các nhà hoạt động khi ra nước ngoài và trở về đều gặp khó khăn, bị tạm giữ, có người  bị thu luôn hộ chiếu, có người được cho đi nhưng rất khó khăn, điển hình như trường hợp nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh ngày xưa đi Mỹ từng bị. Có trường hợp khác thì bị thu luôn hộ chiếu, ngay cả các linh mục cũng bị thu hộ chiếu và cấm xuất cảnh ra nước khác. Thành ra luật mới theo tôi cũng ít hy vọng cải thiện đối với anh em tranh đấu.”
Không áp dụng vào thực tế
Theo Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh, các kiến nghị bổ sung dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sẽ căn cứ tình hình thực tiễn để quy định chi tiết trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh vì lý do quốc phòng, an ninh…
Quy định cấm xuất cảnh với “lý do quốc phòng an ninh” lâu nay cũng được cho là đã được áp dụng thường xuyên với một số nhà hoạt động tại VN. Mặc dù, ai cũng biết đó cũng chỉ là cái cớ của chính phủ VN đưa ra khi thực hiện biện pháp ngăn cấm việc đi lại của các nhà hoạt động, tuy nhiên cũng có thể thấy rằng cái cớ đó được áp dụng “rất có hiệu quả”.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, khi trao đổi với RFA hôm 28/10, nhận định:
“Theo ý kiến của tôi thì luật xuất nhập cảnh này không có giá trị lắm, bởi vì luật chỉ có giá trị khi nó được khai triển trên thực tế.  Nhiều năm qua, họ sử dụng những nghị định, thông tư, mang tính chất đối phó, để cản trở quyền đi lại của người dân đã được quy định trong hiến pháp. Như trường hợp luật sư Lê Công Định, dù xong án tù và án quản chế từ rất lâu, nhưng vẫn bị cản trở đi lại, muốn đi nước ngoài không được.
Vì vậy theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, luật xuất nhập cảnh không có giá trị thực tế mà chỉ mang tính hình thức, để cho thấy rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có luật, nhưng tất cả các luật của họ đều không có giá trị để khai triển trong thực tế.
Để tìm hiểu thêm, hôm 28/10 RFA liên lạc Luật sư Lê Công Định qua tin nhắn, và được ông cho biết về việc mình bị ngăn cản đi nước ngoài như thế nào:
“Đầu tiên sau khi ra tù vào tháng 2/2013, tôi bị “quản chế” không ra khỏi nơi cư trú (tức là phường) trong 3 năm.
Sau 3 năm “quản chế”, hộ chiếu của tôi vẫn còn hiệu lực, nhưng khi xuất cảnh tôi vẫn bị chặn lại với lý do “an ninh quốc gia” tạm thời chưa được xuất cảnh.
Vào năm 2018, hộ chiếu hết hiệu lực, tôi làm thủ tục cấp lại hộ chiếu thì không được nhận hồ sơ. Tôi ngạc nhiên, yêu cầu Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an ghi rõ văn bản vì sao không nhận đơn của tôi, thì họ từ chối và trả lời rằng nếu tôi muốn khiếu nại thì đến Cục quản lý xuất nhập cảnh mà khiếu nại.
Tôi thông báo cho Đại sứ quán Mỹ và Đức, vốn là hai nơi vận động cho các nhà tranh đấu bị cấm xuất cảnh, họ liền liên lạc với phía Bộ ngoại giao VN hỏi lý do từ chối cấp hộ chiếu cho tôi.
Bộ Ngoại giao VN nói phải hỏi ý kiến Bộ Công an, sau đó trả lời Đại sứ quán Mỹ và Đức rằng do tôi “không” nộp đơn xin hộ chiếu nên họ không có cơ sở cấp hộ chiếu cho tôi.”
Luật sư Lê Công Định cho rằng họ từ chối nhận đơn bằng miệng nhưng không chịu đưa văn bản trả lời vì sao không nhận đơn, rồi cuối cùng trả lời không nộp đơn thì lấy gì để xét cấp hộ chiếu. Cách hành xử và phản hồi như thế theo Luật sư Lê Công Định là hoàn toàn dối trá!
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa bình luận về điều luật bổ sung lần này cho rằng, tạm hoãn xuất, nhập cảnh là điều rất nhạy cảm, chẳng những đối với VN mà đây là thước đo của cộng đồng quốc tế trong quá trình hội nhập. Ông cũng lưu ý, công dân phải có quyền khởi kiện nếu bị hoãn xuất cảnh không đúng.
Luật sư Đặng Đình Mạnh khi trao đổi với RFA qua tin nhắn hôm 28/10 cũng cho biết, xuất nhập cảnh là một quyền được Hiến pháp năm 2013 công nhận tại điều 23. Cấm xuất nhập cảnh đối với một công dân là một biện pháp để bảo đảm thủ tục tố tụng, bảo đảm thi hành nghĩa vụ dân sự cũng như trách nhiệm hình sự.
Là một thủ tục hạn chế quyền công dân, lẽ ra nó phải do Quốc hội quy định và giao cho các cơ quan tố tụng và thi hành án tiến hành. Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có quyền lập hiến và công nhận các quyền công dân nên cũng phải là nơi có quyền quy định trường hợp nào thì quyền công dân bị hạn chế hay tước bỏ vì mục đích bảo vệ xã hội, trật tự chung.
Tuy nhiên theo Luật sư Mạnh, nhiều người trước đây bị cấm xuất nhập cảnh chỉ dựa trên một văn bản do cơ quan hành pháp ban hành: Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ. Nghịch lý ở đây là một nghị định của nhánh hành pháp lại mặc nhiên có thẩm quyền tương đương với một đạo luật do nhánh lập pháp ban hành.
Ngoài ra theo Luật sư Mạnh, Nghị định 136 trước đây còn trao cho Bộ Công an một thẩm quyền đặc biệt: cấm xuất nhập cảnh đối với một người “có liên quan đến công tác điều tra tội phạm”. Với một phạm vi thẩm quyền rộng và không rõ ràng như vậy, đôi khi “công tác điều tra tội phạm” chỉ khởi đầu bằng một tin tố giác tội phạm.(!?)
Vì vậy nhiều người lo ngại, Dự thảo bổ sung một số quy định Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, có phải tạo điều kiện cho những nghị định như Nghị định 136 được luật hóa?
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-draft-law-of-immigration-aims-to-help-people-or-create-more-difficulties-10282019143106.html

Quốc hội CSVN

loại tham nhũng ra khỏi chủ đề chất vấn

Tin Vietnam.- Báo Tuổi Trẻ ngày 28 tháng 10 năm 2019 loan tin, ông Nguyễn Hạnh Phúc, tổng thư ký quốc hội CSVN cho biết, do chỉ có 70% số lượng đại biểu quốc hội đồng ý đưa các vấn đề về tham nhũng vào danh sách dự trù chất vấn, nên phía Quốc hội đã loại vấn đề này khỏi danh sách chất vấn trong kỳ họp thứ 8 quốc hội.
Theo dự trù, ông Lê Minh Khái, Tổng thanh tra Chính phủ là người sẽ trả lời chất vấn các vấn đề liên quan đến tham nhũng như: kết quả thanh tra, phát hiện và giải quyết tham nhũng, thực hiện sau kết luận thanh tra, tài sản thu hồi được, việc tiếp công dân, giải quyết các khiếu nại tố cáo. Tuy nhiên, do có ít đại biểu lựa chọn vấn đề này nên nó đã bị loại khỏi danh sách chất vấn.
Ngoài ra, có một vấn đề đặc biệt quan trọng là chủ quyền quốc gia ở Biển Đông cũng không hề được quốc hội đề cập đến. Ông Phúc cho biết, có 4 vấn đề sẽ được Quốc hội chất vấn ở kỳ này: một là lĩnh vực nội vụ như sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nhân sự. Thứ hai là lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn như hiệu quả về chương trình xây dựng nông thôn mới, công tác quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi. Thứ 3 là lĩnh vực công thương như, cai quản, điều tiết điện lực, quy hoạch năng lượng mới. Và cuối cùng là lĩnh vực thông tin- truyền thông như cai quản báo chí, giấy phép trong lĩnh vực báo chí.
Ông Phúc cho biết thêm, phương thức chất vấn lần này là “hỏi nhanh đáp gọn”. Mỗi đại biểu có 1 phút để hỏi, và người trả lời chỉ tối đa trong 3 phút.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/quoc-hoi-csvn-loai-tham-nhung-ra-khoi-chu-de-chat-van/

Việt Nam lập trung đoàn kỵ binh: Chuyện khôi hài!

Diễm Thi, RFA
Bộ công an đề xuất thành lập trung đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Với cơ sở hạ tầng giao thông cũng như tình hình nhân sự ở Việt Nam hiện nay thì điều này có hợp lý hay không?
Đề xuất cho vui?
Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) thay thế cho Pháp lệnh Cảnh sát cơ động hiện nay, trong đó đề cập đến việc thành lập Trung đoàn Không quân CAND, Trung đoàn CSCĐ Kỵ binh.
Theo Bộ Công an, tình hình chính trị thế giới và khu vực đang diễn ra phức tạp, khó lường, đặc biệt tình hình khủng bố có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến lợi ích, an ninh trật tự tại nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam. Do đó, để phù hợp với yêu cầu tình hình thực tế, góp phần nâng cao vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CSCĐ trong hoạt động bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội thì Việt Nam cần có trung đoàn kỵ binh.
Với đề xuất thành lập trung đoàn CSCĐ kỵ binh, blogger Nguyễn Ngọc Già, từng làm việc tại Đài truyền hình TP.HCM cho rằng, khó có thể thực hiện được ở Việt Nam nếu không muốn nói là không thể. Ông giải thích:
“Với từ “kỵ binh” thì tất cả mọi người đều hiểu là cưỡi ngựa, tôi nhấn mạnh là cưỡi ngựa, đó là từ chính thức của các nước họ dùng. Cái thứ hai, kỵ binh là một nét đặc trưng của thời xưa. Sau này tôi có dịp đi nhiều quốc gia, liên hệ với tình hình Việt Nam thì thú thật tôi cảm thấy nó như câu chuyện hài, vì lực lượng kỵ binh đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Người lính cưỡi ngựa phải được huấn luyện thuần thục, phải đạt được những tiêu chuẩn để được dạy cưỡi ngựa; bắn súng; sử dụng võ thuật… Ngoài ra còn phải chăm sóc ngựa (ăn uống, vệ sinh, sức khỏe).”
Với từ “kỵ binh” thì tất cả mọi người đều hiểu là cưỡi ngựa, tôi nhấn mạnh là cưỡi ngựa, đó là từ chính thức của các nước họ dùng.  – Ông nGuyễn Ngọc Già
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh thì cho rằng trong tình hình cơ sở hạ tầng hiện nay, lập trung đoàn kỵ binh chỉ để làm cảnh chứ hoàn toàn không phù hợp. Hơn nữa ở thành phố thì làm sao dùng ngựa vào việc săn đuổi tội phạm. Nếu ở miền núi thì còn có thể phù hợp. Ông cũng nhắc lại đề xuất cảnh sát đi xe đạp của Hà Nội trước đây, giờ cũng đã bị phá sản.
Sự việc diễn ra vào tháng 7 năm 2015, lãnh đạo UBND Hà Nội thống nhất với đề xuất của Công an TP về việc thí điểm mô hình Cảnh sát trật tự cấp phường sử dụng xe đạp tuần tra kiểm soát, kết hợp công tác vận động, tuyên truyền về trật tự đô thị. Tháng 8 năm 2015, Công an TP Hà Nội bắt đầu thí điểm mô hình tuần tra bằng xe đạp.
Sau vài năm “thí điểm” tốn không ít tiền của của dân, Trung tá Hà Quyết Thắng, Trưởng Công an phường Tràng Tiền trả lời với báo chí trong nước về số xe đạp xếp xó phủ bụi ở phường rằng, “Xe đạp thì thỉnh thoảng mới sử dụng. Có lúc phải sử dụng những phương tiện khác, phải dùng ô tô đi bắt giữ hàng. Cơ bản dùng ô tô nhiều hơn…”
Trong thể chế chính trị của một nước cộng sản như Việt Nam hiện nay, ngành công an được cho là ngành có quyền lực rất lớn, tuy nhiên hầu hết những đề xuất của ngành này thời gian gần đây luôn gặp sự phản ứng của dư luận. Có thể kể ra như việc trang bị cho cảnh sát giao thông súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên và súng bắn đạn cao su khi làm nhiệm vụ; hay việc phòng CSGT đường bộ – đường sắt sẽ kiểm tra tất cả các xe lưu thông trên đường vào ban đêm, từ 7 giờ tối đến 2 giờ sáng hôm sau đối với tất cả các xe tham gia giao thông từ giữa tháng 10 cho đến cuối năm với lý do nhằm giảm tai nạn giao thông.
Giờ thêm đề xuất thành lập trung đoàn kỵ binh. Nhà báo Phạm Thành, cựu phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam nhận định:
“Việt Nam bây giờ không những loạn 12 sứ quân như ngày xưa mà nó loạn tới mấy chục sứ quân cho nên mới có người nghĩ ra chuyện thành lập đội cảnh sát kỵ binh. Làm gì có truyền thống dùng kỵ binh. Đó là cái trò hề, một sự ngu dốt, sự quẫn trí trong cơn giãy chết của chúng nó mà thôi.”
Ông nhấn mạnh, quyền lực chỉ đạo tập trung bây giờ không còn vững mạnh cho nên bộ nào cũng muốn thò “bàn tay sắt” của mình để thực hiện nhiệm vụ, đồng thời để bảo vệ chính họ.
Ngựa dùng như thế nào?
Với dân số Việt Nam tính đến nay đã hơn 97 triệu người. Gần 3.400.000 chiếc xe máy được bán ra trong năm 2018, theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), trong khi diện tích Việt Nam không hề “nở” ra chút nào, thử hỏi đường đâu cho đoàn kỵ binh lưu thông? Blogger Nguyễn Ngọc Già đặt câu hỏi:
“Đường xá Việt Nam bây giờ nó kinh hoàng. Ngập lụt, kẹt xe, thậm chí con người đi còn không có chỗ, ngựa còn không có chỗ đứng, thử hỏi nó xoay sở làm sao đây?”
Nhà báo Phạm Thành cũng cùng ý kiến khi cho rằng đề xuất này không phù hợp chút nào khi các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh người thì đông như kiến cỏ, nhà nọ chồng nhà kia, quỹ đất cho giao thông rất chật hẹp. Ông nói thêm:
“Xe máy chen chả đi nổi, người đi bộ chả có chỗ đi thì lấy đâu ra đường đi cho đội kỵ binh. Bây giờ cứ tưởng tượng ngành công an có đội kỵ binh trên đường thì…nó không thể đi nổi!”
Chắc chắn các vị lãnh đạo trong Bộ Công an cũng biết, cũng nhìn thấy tình hình đường xá chật hẹp, xe cộ đông đúc như thế nào. Vậy tại sao Bộ Công an vẫn đưa ra những đề xuất để rồi bị người dân phản bác như thế? Theo Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh thì:
“Tôi không hiểu thành ý của mấy ông lãnh đạo như thế nào, nhưng nếu mình suy diễn ra thì họ đặt ra cho nhiều để kiếm ăn, kiểu như đặt ra dự án này dự án kia để kiếm chác.”
Làm gì có truyền thống dùng kỵ binh. Đó là cái trò hề, một sự ngu dốt, sự quẫn trí trong cơn giãy chết của chúng nó mà thôi. – Ông Phạm Thành
Còn ông Nguyễn Ngọc Già thì cho rằng đó là do tính “trưởng giả học làm sang” của người cộng sản. Ông nói thêm rằng trong thời gian làm Đài truyền hình, ông có dịp đi nhiều nước và thấy những đoàn
kỵ binh ở các nước như Tây Ban Nha, Malaysia… rất đẹp, nhưng theo ông biết thì những đoàn kỵ binh như vậy chỉ để làm cảnh nhằm giữ lại nét văn hóa truyền thống chứ không ai đưa vào sử dụng trong thực tế cả.
Tại Hoa Kỳ, vào dịp Lễ hội Hoa Anh Đào hàng năm tại thủ đô Washington, DC, người ta thấy hình ảnh một vài cảnh sát cưỡi trên lưng những chú ngựa tuyệt đẹp đi dạo như để tăng thêm nét đẹp cho lễ hội; hay sự kiện thể thao Marathon hay Half – Marathon hàng năm của lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ (United States Marine Corps), người ta cũng thấy một vị tướng cưỡi ngựa đi vòng vòng, nhưng thật ra cũng chỉ để làm cảnh.
Dù không muốn “chửi” thì cư dân mạng lại được dịp “chửi” khi một đề xuất được cho là “không giống ai” cứ xuất hiện nhan nhản trong các cuộc họp hội của các giới chức. Nhiều người dân đặt câu hỏi: “Tại sao ngành Công an không đề xuất các phương án đúng chuyên môn như làm sao để giảm bớt tội phạm cướp giật, tội phạm lừa đảo, buôn người… mà lại đi đề xuất những việc làm không khả thi như vậy?” Đúng là chuyện khôi hài!
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-create-a-cavalry-regiment-a-joke-dt-10282019144149.html

Bộ Nội An Hoa Kỳ có mặt ở Việt Nam

để điều tra lô nhôm 4,3 tỷ Mỹ kim

Tin Vietnam.- Báo Nông nghiệp Việt Nam loan tin, ngày 28 tháng 10 năm 2019, ông Nguyễn Văn Cẩn, Trưởng cơ quan Hải quan cộng sản Việt Nam cho biết, bộ Nội An Hoa Kỳ đang có mặt ở Việt Nam.
Nguyên nhân được ông Cẩn giải thích, do hải quan Vũng Tàu đang tạm giữ lô hàng nhôm có giá trị lên đến 4,3 tỷ Mỹ kim. Lô hàng này chuẩn bị được xuất cảng sang Mỹ. Theo ông Cẩn, lô hàng trên do một tập đoàn có công nghệ, có dây chuyền, nhưng lại không tự sản xuất mà đi nhập cảng nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm từ Trung Cộng về để giả thành hàng Việt Nam để xuất cảng đi Mỹ và một số nước khác. Bởi vì nhôm Việt Nam xuất sang Mỹ chỉ phải chịu mức thuế 15%, nhưng nhôm Trung Cộng phải chịu thuế lên đến 374%.
Trong thời gian qua nhiều công ty Việt tìm cách qua mặt Mỹ, tiếp tay cho Trung Cộng xuất cảng nhôm sang Mỹ để cùng nhau hưởng lợi. Sự việc liên tục bị phía Mỹ phát hiện và thực hiện các cuộc điều tra, và áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Điều này đã buộc CSVN không thể khoanh tay đứng nhìn.
Theo ông Cẩn, hiện tại Tổng cơ quan Hải quan đã phối hợp với Hải quan Mỹ xác minh về sự việc; đặc vụ của bộ An ninh nội địa Mỹ đã đến Việt Nam để cùng phối hợp điều tra. Ông Cẩn thừa nhận, hiện đang có rất nhiều công ty Việt hoạt động theo dạng nhập hàng ngoại quốc về ghi nguồn gốc xuất xứ Việt Nam để xuất sang nước thứ 3.
Ngoài lô hàng trên, phía hải quan Hải Phòng cho biết cũng đang tạm giữ 10 container xe đạp chuẩn bị xuất cảng đi ngoại quốc với nhãn mác ghi là Việt Nam, nhưng điều tra thì phát hiện 100% số xe đạp này được sản xuất ở ngoại quốc. Dù Hải quan không dám nhắc đến “ngoại quốc” là nước nào, nhưng dư luận đều hiểu đó là Trung Cộng.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/bo-noi-an-hoa-ky-co-mat-o-viet-nam-de-dieu-tra-lo-nhom-43-ty-my-kim/

Quốc hội Việt Nam có dám hé răng

về nghị quyết Biển Đông?

Phạm Chí Dũng
Vào kỳ họp tháng 10 – 11 của Quốc hội Việt Nam, một bộ phận dư luận xã hội đang lay lắt hy vọng về thái độ của cơ quan được xem là ‘dân cử tối cao’ này đối với Trung Quốc, rằng gần 500 ‘nghị gật’ sẽ được ‘hoan nghênh’ hay đáng bị dân chúng nguyền rủa nếu một lần nữa không dám mở miệng mà cũng chẳng dám hé răng về một nghị quyết Biển Đông.
Và cũng đừng lấy việc tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc vừa rút về nước để né tránh nghĩa vụ chính trị của Quốc hội.
Trục hoành và trục tung
Khung đồ thị với trục hoành biểu thị mức hèn nhát và trục tung biểu thị độ can đảm, hoặc chính xác là đỡ hèn hơn, đã lần đầu tiên, sau rất nhiều năm trời, ghi nhận đường biểu diễn ‘can đảm’ có một chút ngóc đầu khỏi trục hoành để hướng lên trục tung. Lần đầu tiên, sau rất nhiều năm, vấn đề Biển Đông được đưa vào nghị trình làm việc của Quốc hội.
Vào ngày 21/10 khi khai mạc kỳ họp quốc hội, cơ quan thẩm tra của Quốc hội lần đầu tiên lên tiếng công khai: “việc xảy ra vi phạm của các tàu Trung Quốc hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thời gian qua là nghiêm trọng”.
Thế nhưng đó chỉ là cú ngóc đầu lên một chút, khỏi cái trục hoành mà đã từ quá lâu úp mặt xuống đó.
Người ta có thể nghi ngờ rằng tại sao sự lên tiếng trên lại dồn vào cơ quan thẩm tra của Quốc hội chứ không phải được phát ngôn thẳng xương sống bởi chính Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Cũng chẳng người dân nào quên rằng nếu trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014 đã xông thẳng vào Biển Đông như một cái tát nổ đom đóm vào mặt Bộ Chính trị đảng Việt Nam, Quốc hội và Nguyễn Thị Kim Ngân đã không há nổi miệng và cũng chẳng hé ra được nghị quyết nào về Biển Đông, thì 2019 còn tồi tệ hơn: trong khi bà Ngân ‘mắt liếc mày cong’ với Tập Cận Bình ở Bắc Kinh về ‘làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện’ và cả một khái niệm cực kỳ trừu tượng và bỉ bôi là ‘đại cục’, cái bóng ma Hải Dương 981 lại hiện hình trên Biển Đông. Nhưng ngay cả thế, từ khi chia tay Tập đến nay, Nguyễn Thị Kim ngân vẫn không thốt nổi một lời về phản đối Trung Quốc.
Trong khi đó, Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc chỉ lặp lại trơn tuột cụm từ “không bao giờ nhân nhượng” đối với vấn đề độc lập, chủ quyền khi ông ta cúi mặt đọc báo cáo trước nghị trường.
Vào đầu tháng 10 năm 2019, mạng xã hội từng sôi lên khi Thủ tướng Phúc, dù đã dám hé răng về ‘căng thẳng Biển Đông’, nhưng lại không đủ can đảm nêu tên Trung Quốc.
Song những con cừu Việt lại thật đồng lòng trước nỗi sợ Trung Quốc, và chẳng có con cừu nào bị rơi vào trạng thái tuyệt đối cô đơn.
Tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ vào cuối tháng 9 năm 2019, đã có một cơ hội dành cho tân thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc là Việt Nam để cầu cứu cộng đồng quốc tế hỗ trợ vụ khủng hoảng Bãi Tư Chính. Thế nhưng Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh lại chỉ ấp úng ‘các bên liên quan’ về căng thẳng ở Biển Đông mà không một lần dám nhắc đến cái tên tàu Hải Dương 8 hay kẻ nào đứng sau hoạt động thách thức của tàu này. Và cũng rất đồng điệu với Nguyễn Xuân Phúc, không một lần Minh dám nhắc đến cái tên Trung Quốc. Thái độ cúi đầu cam chịu ấy đã khiến Minh cùng sếp của ông ta là Nguyễn Phú Trọng bị mạng xã hội chỉ trích và lên án dữ dội.
Toàn bộ chứng tự kỷ chính trị câm nín ấy diễn ra trong bối cảnh đã gần bốn tháng kể từ ngày Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ vệ cho tàu này xâm phạm Bãi Tư Chính như vào chốn vô chủ quyền, nhưng lực lượng cảnh sát biển và hải quân Việt Nam vẫn chưa một lần dám nổ súng cảnh cáo. Trong khi đó, toàn bộ chóp bu Việt Nam từ Nguyễn Phú Trọng trở xuống vẫn kiên định ‘câm như hến’ mà không một lần dám nêu tên Trung Quốc, càng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giới ‘văn dốt, võ dát’ này dám kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Sẽ ‘chống giặc bằng cờ’ thay cho nghị quyết Biển Đông?
Dù kéo dài trong suốt một tuần lễ, Hội nghị trung ương 11 vào tháng 10 năm 2019 đã chỉ như mê nhảm khi Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn bế mạc hội nghị với sự lồng ghép câu ‘thần chú’: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế”, sau khi đã phát biểu khai mạc Hội nghị 11 bằng cách thập thò ‘phân tích dự báo tình hình Biển Đông’.
Cử động thập thò trên đã chỉ hiện ra sau một làn sóng chỉ trích Trọng xuất hiện trong nội bộ đảng và càng sôi sục hơn về ý chí ‘hèn với giặc, ác với dân’ trong dư luận xã hội.
Thế nhưng “độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ’ và “không bao giờ nhân nhượng” là tất cả sáo ngữ hiếm hoi mà Nguyễn Phú Trọng dám mở miệng, trong khi tuyệt đối khép miệng về hai cái tên Bãi Tư Chính và Trung Quốc.
Chủ nào tớ nấy. Đến giờ thì người ta có thể hiểu vì sao cả Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân cùng một lô lốc tướng quân đội – mà theo mô tả của tướng Lê Mã Lương là ‘chỉ giỏi nhiều tiền’ và ‘không biết đọc bản đồ thực địa’ – đã chỉ biết lặp tới lặp lui những cụm sáo ngữ của Trọng, hệt như học sinh lớp cơm nát mở miệng tập nói.
Và không biết vô tình hay hữu ý, đúng vào ngày khai mạc kỳ họp quốc hội 21/10, lại có “đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu tham dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 khai mạc tại Bắc Kinh, Trung Quốc” như không có chuyện gì xảy ra!
Trong lúc 6 tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Việt Nam được cho là còn phải đi chống ngập ở Hà Nội và Sài Gòn, còn các tàu chiến khác, kể cả ‘tàu buồm hiện đại nhất thế giới’ mang tên Lê Quý Đôn tuyệt đối mất dạng, phần lớn lực lượng hải quân Việt Nam vẫn phủ phục trong tư thế bất lực và kiên định… bám bờ, còn viên đô đốc hải quân Nguyễn Văn Hiến vừa bị khởi tố bởi tội ‘ăn đất’, các tàu Trung Quốc đã thả giàn tung hoành ở Biển Đông và ngay trong ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi’ của Việt Nam.
Vậy nếu nổ ra ‘tình huống xấu nhất’ với Trung Quốc, hải quân Việt Nam sẽ đánh chác ra sao? Sẽ tiếp tục phát cờ cho ngư dân để “thuyền ra biển lớn” và lại khiến rộ lên câu vè dân gian “Chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu, đứa nào nói đảng ngu là thằng phản động”?
Ngay trước mắt, động tác cho đoàn của ‘bộ trưởng không biết đọc bản đồ thực điịa’ Ngô Xuân Lịch đi Trung Quốc tham dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 đã gián tiếp trả lời cho câu hỏi ‘Quốc hội liệu có ra nghị quyết về Biển Đông hay không?’.
Thậm chí ngay cả trong trường hợp lòng can đảm nhích lên một chút theo trục tung để Quốc hội Việt Nam trưng ra một nghị quyết về Biển Đông trong kỳ họp tháng 10 – 11 năm 2019, cũng chẳng có gì bảo đảm là trong tờ giấy đó có được cụm từ ‘Bãi Tư Chính’, càng không hy vọng nào rằng tờ giấy ấy sẽ dám đả động cái tên Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/bien-dong-tu-chinh-quoc-hoi-nghi-quyet/5143767.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?