Đọc báo Pháp – 31/10/2020

 Đọc báo Pháp – 31/10/2020

Bầu cử Mỹ 2020: The Economist kêu gọi bầu cho Joe Biden – Mai Vân

Diễn biến mới nhất trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 dĩ nhiên là đề tài không thể thiếu vắng đối với các tuần báo ra vào cuối tháng 10/2020 này. Đây chính là chủ đề số một được tuần báo Anh The Economist nêu bật trên trang bìa, với tuyên bố ủng hộ ứng cử viên đảng Dân Chủ Joe Biden.

Các chủ đề tài khác được các báo chú ý là những vấn đề liên quan đến làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 đang đánh vào châu Âu. Trên hồ sơ này, các tuần san tuy nhiên lại khai thác mỗi tờ một khía cạnh.

Vào lúc Courrier International hoài niệm về cuộc sống về đêm sinh động đang bị Covid-19 xóa bỏ, thì L’Express lo ngại trước nguy cơ phá sản đang rình rập các ngân hàng truyền thống, còn L’Obs thì giải mã hiện tượng các đại đô thị Pháp đang mất dần cư dân.

Gắn chặt nhất với vấn đề y tế là tạp chí Le Point, đã công bố “Bảng vàng 2020” của các bệnh viện công và tư tại Pháp, tổng hợp đánh giá của 80 chuyên gia về tổng cộng 1.400 cơ sở y tế lớn nhỏ. Đứng đầu bảng xếp hạng này vẫn là Bệnh Viện-Đại Học CHU Bordeaux, theo sau là CHU Lille và xếp thứ 3 là CHU Toulouse.   

Bầu cử Mỹ: The Economist ủng hộ Joe Biden

Trang bìa The Economist dành cho cuộc bầu cử Mỹ với lời ủng hộ ứng cử viên đảng Dân Chủ: “Tại sao phải là Biden”. Tuần báo Anh rất có uy tín giải thích ngay: Đó là vì “Donald Trump đã làm vấy bẩn các giá trị từng biến nước Mỹ thành ngọn hải đăng của thế giới”.

PUBLICITÉ

Trong bài xã luận giải thích lời kêu gọi của mình, The Economist khẳng định rằng tình hình xã hội Mỹ dưới thời ông Trump đã xấu đi đáng kể, với tình trạng chia rẽ ngày càng nặng nề hơn. Trong bối cảnh đó, cuộc sống hàng ngày của người dân Mỹ lại bị dịch bệnh Covid-19 tác hại, một đại dịch đã cướp đi sinh mạng của khoảng 230.000 người.

Đối với The Economist, ông Donald Trump có đa phần trách nhiệm trong việc để xẩy ra tình trạng nêu trên và chiến thắng của ông sắp tới đây vào ngày 03/11 sẽ mang ý nghĩa công nhận rằng ông đã làm đúng.

Theo tuần báo Anh, “Joe Biden không phải là phương thuốc thần kỳ để chữa trị bệnh tình của nước Mỹ, nhưng ông là một người tốt, sẽ khôi phục lại sự ổn định và phong thái văn minh cho Nhà Trắng”, một người “có đủ hành trang để bắt đầu nhiệm vụ dài lâu và khó khăn là hàn gắn một đất nước bị rạn nứt”.

Và The Economist nhấn mạnh: “Đó là lý do tại sao, nếu chúng tôi có quyền bỏ phiếu, thì lá phiếu đó sẽ thuộc về Joe.”

Theo The Economist, ưu điểm của Biden là nằm ở chỗ ông có lập trường trung dung, một người tôn trọng thể chế, biết xây dựng đồng thuận. Đây là những đặc điểm khiến ông trở thành “một người chống Trump được trang bị để sửa chữa một số thiệt hại trong bốn năm qua.”

Còn về ông Trump, The Economist nhắc lại rằng ngay chính những người phê phán ông trong đảng Cộng Hòa cũng thấy rằng “chủ nghĩa Trump” đã phá sản về mặt đạo đức. Đối với tạp chí Anh, ông Trump “chưa bao giờ tìm cách đại diện cho đa số những người Mỹ đã không bỏ phiếu cho ông… Trước làn sóng phản đối ôn hòa sau cái chết của George Floyd, bản năng của ông không phải là xoa dịu bất bình, mà là mô tả sự kiện như là những hành vi cướp bóc và bạo lực cánh tả – một cách phản ứng nằm trong mô hình gây căng thẳng chủng tộc.”

The Economist cho rằng: “Trong lần bầu cử này, nước Mỹ phải đối mặt với một lựa chọn có tính chất định mệnh (vì) bản chất dân chủ của Mỹ đang bị đe dọa. Một bên là con đường dẫn đến cách cai trị mang tính chất cá nhân, ngang ngược, của một nguyên thủ quốc gia coi thường phép tắc và sự thật, và bên kia là con đường dẫn đến một điều gì đó tốt đẹp hơn, sát với những gì mà The Economist coi là các giá trị vốn đã biến nước Mỹ thành nguồn cảm hứng cho khắp thế giới.”

Courrier International: Tối Cao Pháp Viện Mỹ sẽ là công cụ của đảng Cộng Hòa?

Các tuần báo Pháp không mạnh dạn tuyên bố lập trường dứt khoát như The Economist, nhưng cũng dành nhiều trang, bài cho cuộc đua vào Nhà Trắng Mỹ đã đến giai đoạn nước rút. Rất đáng chú ý là bài phân tích trên Courrier International về một diễn biến quan trọng: Nữ thẩm phán do tổng thống Trump đề cử được Thượng Viện trong tay đảng Cộng Hòa bầu vào Tối Cao Pháp Viện Mỹ.

Courrier International đã trích dịch một bài bình luận trên tờ báo Mỹ New York Times và chạy hàng tựa: “Tối Cao Pháp Viện Mỹ hơn bao giờ hết đã trở thành công cụ của đảng Cộng Hòa”.

Theo bài báo, vào lúc chỉ còn mấy ngày nữa là nước Mỹ sẽ bầu ra  tổng thống mới, sự kiện thẩm phán vô cùng bảo thủ Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện đã củng cố sự thống trị của đảng Cộng Hòa trên định chế tư pháp cao nhất nước Mỹ trong hàng thập niên tới.

Cuộc bỏ phiếu ở Thượng Viện Mỹ ngày 26/10, là một thủ tục thông thường, đã có từ lâu đời trong Hiến Pháp Mỹ. Thế nhưng các thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Mỹ, chỉ đại diện cho một thiểu số trong dân chúng Mỹ, bằng hành động của họ, đã ảnh hưởng đến tính chính đáng của Tối Cao Pháp Viện.

Cùng với hai thẩm phán Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh mà ông Trump đã đề cử, bà Amy Coney Barrett nằm trong dự án biến các tòa án Mỹ, không phải là thành lá chắn bảo vệ quyền của giới thiểu số, mà là một lưỡi gươm phi dân chủ đe dọa những đạo luật tiến bộ như luật cải cách bảo hiểm y tế Obamacare chẳng hạn.

Theo bài báo, việc đề cử bà Barrett mang nặng tính chất đạo đức giả, vì đảng Cộng Hòa đã làm mọi cách để vội vã phê chuẩn đề nghị của ông Trump, chỉ một tuần trước cuộc bầu cử tổng thống 03/11, đi ngược lại nguyên tắc mà họ khăng khăng bám giữ vào năm 2016.

Courrier International: Covid-19 xóa bỏ cuộc sống về đêm

Courrier International đã có nhiều bài về thời sự nhưng tuần này lại dành trang nhất cho một chủ đề mang tính chất hoài niệm, nói về một quá khứ không xa đã bị dịch Covid-19 xóa bỏ.

Dưới tựa lớn trang bìa “Đêm ơi, hãy trở về”, tạp chí Pháp giải thích: “Với lệnh giới nghiêm được ban hành, kể như không còn cuộc sống về đêm, không còn không gian cho kết giao xã hội, cho sáng tạo, cho sự phá cách”. Trên báo chí quốc tế, bàng bạc những nỗi luyến tiếc về một thời kỳ đã qua.

Trong bài xã luận của mình, Courrier International ghi nhận tâm trạng hụt hẫng, thiếu vắng mà nhiều người cảm nhận sau khi lệnh giới nghiêm được thiết lập vào giữa tháng 10, rồi  sau đó là thông báo tái phong tỏa để chống Covid-19. Hụt hẫng là vì cuộc sống xã hội về đêm đã bị mất đi, không còn bất kỳ hình thức hòa đồng xã hội nào, không còn khả năng gặp gỡ, đi chơi…

Đối với tạp chí Pháp, cuộc sống về đêm là cả một mảng hoạt động kinh tế, với các quán ba, nhà hàng, nhưng cũng là những sinh hoạt văn hóa với các nhà hát, rạp chiếu phim. Bên cạnh đó, đối với mỗi người, cuộc sống về đêm còn là một nơi thử nghiệm, đôi khi là một lối thoát, một phần không nhỏ trong cuộc sống thường nhật của chúng ta.

Dịch bệnh bùng phát trở lại quá mạnh đã làm mất đi tất cả những thứ đó, không chỉ ở Pháp, mà ở cả những nơi khác như ở Ý (nơi một số cuộc biểu tình đã nổ ra sau khi công bố các hạn chế mới), ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland, Vương Quốc Anh, thậm chí cả ở Đức.

Theo nhật báo Bồ Đào Nha Pùblico mà Courrier International trích dịch, nghe qua thì cuộc sống về đêm có vẻ không là gì, nhưng đó là không gian sống quan trọng mà chúng ta không tiếp cận được nữa. Vấn đề mà tờ báo đặt ra không phải là xem xét lại sự cần thiết phải có các biện pháp mạnh mẽ để hạn chế sự lây lan của virus, mà chỉ là tìm hiểu xem việc mất đi cuộc sống về đêm sẽ ảnh hưởng thế nào đến trạng thái tâm lý con người và sự năng động của các thành phố.

Nhật báo Bồ Đào Nha đã phỏng vấn không chỉ những “con cú đêm”, mà cũng gặp gỡ các triết gia, các nhà xã hội học, nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, và tất cả đều nói về tầm quan trọng của đêm trong sự cân bằng của chúng ta, trong việc hình thành nhân cách của mỗi người. Publico viết: “Ban đêm là nơi thảo luận, chung sống, sáng tạo, phá bỏ giới hạn, quyến rũ và gặp gỡ bất ngờ, là nơi đối chọi ý tưởng và thích nghi với sự khác biệt và với những thực tế mới.

“Không có đêm, Paris không còn là Paris nữa”

Nhìn dưới một lăng kính khác, phóng viên tại Paris của nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung đã đi dạo vào đêm cuối cùng ở thủ đô Pháp, một hôm trước khi bị giới nghiêm.

Đối với nữ ký giả Đức, quả là thật đau lòng khi thấy “một nửa thành phố bị mất đi, một nửa với màn đêm, một nửa với trăng”. Nếu không còn cuộc sống về đêm, Paris không còn là Paris nữa, và đấy cũng là trường hợp của mọi thành phố: Berlin, Luân Đôn, Madrid, và cả Marseille, Rennes, Toulouse…

L’Express: Covid-19 khuynh đảo hệ thống ngân hàng

Tạp chí L’Express cũng tập trung nói về hậu quả của đại dịch Covid-19 nhưng trong lãnh vực kinh tế, với hệ thống các ngân hàng truyền thống có nguy cơ bị điều mà tờ báo gọi là “trận sóng thần kỹ thuật số” cuốn trôi.

Tựa lớn trang bìa L’Express ghi nhận “Ngân Hàng, ngày tàn của một thế giới”, bên dưới tiểu tựa “Sóng thần kỹ thuật số và nỗi lo về một thảm họa xã hôi”.

L’Express dành một hồ sơ 6 trang cho sư kiện này với nhận định tổng quát: “Bị khủng hoảng xô đẩy và bị những tác nhân kỹ thuật số mới tấn công, các ngân hàng liên tục thấy lợi nhuận giảm sút. Họ bị bắt buộc phải tự tái tạo bản thân, để tiếp tục tồn tại”. Đối với tạp chí Pháp, các ngân hàng truyền thống hiện nay giống như loài “khủng long” thời tiền sử.

L’Express so sánh: Số khách hàng đến các chi nhánh ngân hàng đã giảm sụt một cách lịch sử, ở một số ngân hàng tại Pháp, mức giảm xuống đến hơn 30%. Trong cùng thời kỳ thì gần một trăm ngân hàng 100% kỹ thuật số và hoàn toàn trực tuyến “đã mọc lên như nấm trên hành tinh, với những ưu đãi có tính chất cực kỳ cạnh tranh”.

Ra mắt vào năm 2013, ngân hàng trực tuyến Nubank của Brazil chẳng hạn, dù không có bất kỳ chi nhánh nào, mới đây đã vượt qua mức 30 triệu khách hàng. Còn tại châu Âu, Revolut, vừa kỷ niệm 5 năm thành lập, đã có hơn 12 triệu khách và vừa khoe những số liệu cho thấy đà phát tiển không ngừng.

Để so sánh, đại ngân hàng truyền thống Pháp Société Générale chỉ có khoảng 30 triệu khách. Số lượng tài khoản ngân hàng được mở trong các ngân hàng kỹ thuật số ở Pháp đã tăng từ 3,5 lên 4,5 triệu vào năm 2020.

Nguy cơ đối với các ngân hàng truyền thống là họ sẽ bị buộc phải sa thải nhân viên để có thể đứng vững, gây nên điều mà L’Express gọi là “một cuộc tắm máu xã hội”.

L’Obs: Covid-19 đuổi dân ra khỏi các đại đô thị

Trên trang bìa tạp chí L’Obs, cũng là một tựa đề gợi lên một hệ quả của dịch Covid-19. Đó là hiện tượng ngày càng có nhiều người chuyển nơi ở về các thành phố nhỏ hay trung bình. Tạp chí chạy tựa lớn “Rời bỏ các đô thị” và kèm theo ghi chú “Bảng xếp hạng của chúng tôi về các thành phố trung bình nơi người ta có thể sống tốt”.

L’Obs đã dành trọn 14 trang cho đề tài này và nêu rõ nguyên nhân: “Đối mặt với các đô thị lớn có đời sống quá đắt đỏ, lại bị Covid-19 đe dọa và trở nên không thể sống được nữa, người Pháp thích đến cư ngụ ở các thị trấn nhỏ hơn”.

Tạp chí trích dẫn một nghiên cứu của Cevipof và Hiệp Hội Các Thị Trưởng Pháp (AMF) hồi tháng 9 năm 2019, theo đó chỉ có 13% người Pháp muốn sống trong một đô thị lớn. Trước câu hỏi: “Nếu bạn có quyền lựa chọn, thì bạn muốn sống ở đâu?”, 41% trả lời: “Ở một thành phố trung bình”.

Theo L’Obs, đây không phải là một hiện tượng mới: Đầu năm 2014, một cuộc khảo sát của OpinionWay đã thiết lập một hình mẫu về nơi sinh sống có thể khiến nhân viên thay đổi chỗ ở: Một thành phố “có quy mô con người”, gần biển, với “chi phí sinh hoạt thấp hơn”. Kể từ đó, một số lượng lớn công dân đã biến điều mơ tưởng thành hiện thực. Dân số thủ đô Pháp đang giảm: Từ cuộc điều tra dân số năm 2011 đến năm 2016, 59.000 người Paris trong tổng số 2,249 triệu người đã biến mất. Một thế kỷ trước đó, thủ đô Pháp có đến 2,9 triệu dân.

Theo Đài Quan Sát các Thành Phố Trung Bình, mỗi năm có khoảng 200.000 người rời vùng Ile-de-France, tức là vùng Paris và ngoại ô gần, và dân Paris là thành phần “ngủ” bên ngoài thành phố của họ nhiều nhất căn cứ vào số lần lưu trú qua đêm mỗi năm.

Đây là dấu hiệu cho thấy họ sẽ chỉ có một mong muốn: Rời bỏ thủ đô. Xu hướng này quả là một nghịch lý, vì lợi thế số một của một thành phố lớn là cư dân có thể dễ dàng rời đi bằng xe lửa hay máy bay.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201031-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-m%E1%BB%B9-tu%E1%BA%A7n-b%C3%A1o-anh-the-economist-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-b%E1%BA%A7u-cho-joe-biden

Tin tổng hợp

(Hoàn Cầu Thời Báo) – Báo Trung Quốc chê bai vòng công du châu Á của ngoại trưởng Mỹ, cảnh báo Hà Nội không đứng về phía Washington.

Hôm nay, 31/10/2020, Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo dân tộc chủ nghĩa, cứng rắn gọi chuyến công du của ông Mike Pompeo là « chuyến đi chào tạm biệt, không có tác dụng gì » trong việc kéo thêm một số quốc gia châu Á vào khối chống Trung Quốc. « Tạm biệt » vì diễn ra chỉ ít ngày trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.  « Không có tác dụng », vì, theo báo Trung Quốc, Indonesia không có ý định lập liên minh về an ninh với Mỹ, và « có thể đây cũng là thái độ ngầm của Việt Nam ». Tựa đề của bài viết trên ấn bản Anh ngữ của Hoàn Cầu Thời Báo là « Việt Nam không có lợi gì khi theo Mỹ chống Trung : Ý kiến chuyên gia ».

(Reuters) – Philippines sơ tán gần 1 triệu dân trước cơn bão lớn nhất năm.

Bão Goni dự kiến ập vào Philippines ngày mai, 01/11.  Cơn bão, với vận tốc 215 km / giờ, với sức gió có thể lên tới 265 km/ giờ, có nguy cơ gây tổn thất ghê gớm về nhân mạng. Năm 2013, bão Haiyan từng khiến hơn 6.300 người thiệt mạng. Bão Haiyan gây chấn động lớn trong công luận quốc tế vào thời điểm đó, khiến nhiều người hiểu rằng việc khí hậu bị hâm nóng khiến thiên tai bất thường xảy ra ngày càng nhiều hơn, với quy mô ngày một lớn hơn.

(VNExpress) – Trung Quốc chia sẽ dữ liệu nước với vùng Mêkông từ 01/11. 

Theo thông báo của đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam ngày 31/10, Trung Quốc sẽ cung cấp thông tin cho 5 nước hạ nguồn sông Mêkông về mực nước và lượng mưa tại hai trạm thủy văn Doãn Cảnh Hồng và Mãn An, mỗi ngày hai lần váo sáng và tối. Đây là bước tiếp theo sau tuyên bố của thủ tướng Lý Khắc Cường tại hội nghị trực tuyến lãnh đạo cấp cao hợp tác Lan Thương – Mêkông ngày 24/08.

(AFP) – Irak : Nổ một đường ống dẫn dầu. 

Đường ống bị tấn công nằm ở tỉnh Mouthanna, miền nam Irak, do người Kurdistan xây dựng và có năng suất 600.000 thùng mỗi ngày. Vụ nổ ngày 31/10/2020 đã làm hai người thiệt mạng và 28 người bị thương. Đây là vụ nổ thứ hai, sau một vụ tấn công vào đầu tuần, cũng nhằm vào một đường ống dẫn dầu để buộc vùng tự trị Kurdistan ngừng xuất khẩu dầu lửa.

(Reuters) – Tin tặc Nga tấn công đảng Dân Chủ ở bang California và Indiana. 

Reuters ngày 31/10/2020 trích nhiều nguồn tin cho biết nhóm tin tặc Fancy Bear đã tấn công nhiều tài khoản email của đảng Dân Chủ ở hai bang California và Indiana, cũng như nhiều tổ chức tư nhân có ảnh hưởng ở Washington và New York (Trung tâm vì Tiến bộ Mỹ (Center for American Progress), Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations) và Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace)…). Fancy Bear là nhóm tin tặc Nga từng bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016 và vào đầu năm 2020.

(AFP) –  Hội Đồng Bảo An không thông qua dự thảo nghị quyết của Nga về phụ nữ.

Hôm qua, 30/10, dự thảo nghị quyết do Nga đề xuất chỉ được 5 trên 15 thành viên Hội Đồng Bảo An ủng hộ. Theo đa số các thành viên Hội Đồng Bảo An, các đề xuất của Nga không cho phép cải thiện đáng kể vị trí của phụ nữ, mà ngược lại, có nguy cơ kéo lùi nỗ lực cải thiện vị trí của phụ nữ, so với các văn bản của Liên Hiệp Quốc từ 20 năm nay. Nga hiện đang là chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An trong tháng 10. Cổ vũ cho việc tăng cường vị trí của phụ nữ trong các định chế quyền lực  là nội dung chính của dự thảo nghị quyết.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201031-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 31/10:

Động đất rung chuyển Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ;

Chính quyền Kim tra tấn tàn bạo tín đồ Cơ Đốc

Hải Lam

Mục lục bài viết          

Động đất rung chuyển Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ

Báo cáo: Chính quyền Kim Jung Un tra tấn tàn bạo tín đồ Cơ Đốc

Quan chức Mỹ xác nhận cáo buộc của Bobulinski về Hunter Biden ‘dường như đúng’

3 máy bay của Bắc Kinh xâm phạm Đài Loan

Sinh viên Thái kêu gọi tẩy chay lễ trao bằng của Quốc vương

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy (31/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Động đất rung chuyển Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ

Reuters đưa tin, một trận động đất 7 độ xảy ra ở khu vực biển Aegean hôm 30/10 khiến cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp rung chuyển, ít nhất 14 người thiệt mạng, nhiều tòa nhà sụp đổ, sóng thủy triều đổ ập vào các khu vực ven biển và hải đảo.

Cơ quan Kiểm soát Thảm họa và Tình trạng khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) cho biết trận động đất mạnh khoảng 6,6 độ, tâm chấn nằm ở độ sâu 16 km, cách bờ biển tỉnh Izmir, phía tây nước này khoảng 17 km. Trong khi đó, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) thông báo cường độ động đất là 7, độ sâu tâm chấn là 10 km, cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ 33,5 km và nằm gần đảo Samos của Hy Lạp.

Chủ tịch AFAD cho biết 12 người chết và 419 người bị thương ở nước này. Trên hòn đảo Samos của Hy Lạp, hai thiếu niên, một nam, một nữ, đã thiệt mạng trong khu vực có một bức tường bị sập.

AFAD thông tin, các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ vẫn tiếp tục tại 17 tòa nhà bị sập hoặc bị hư hại.

Báo cáo: Chính quyền Kim Jung Un tra tấn tàn bạo tín đồ Cơ Đốc

Một báo cáo mới đây của Tổ chức Sáng kiến ​​Tương lai Triều Tiên (KFI) có trụ sở tại London, Anh tiết lộ cách đối xử tàn bạo của chính quyền họ Kim đối với các tín đồ Cơ Đốc giáo. KFI đã phỏng vấn 117 người bị đàn áp còn sống sót sau quá trình điều trị, trải dài từ năm 1990 đến năm 2019.

Một người đàn ông đã kể về việc anh đã bị nhốt trong một chiếc lồng điện vì tín ngưỡng của mình. Thậm chí, sau khi bị nhốt trong lồng hàng giờ đồng hồ rồi lăn ra ngất xỉu, lính canh liên tục đánh người tù.

Báo cáo của KFI cũng tiết lộ rằng nhiều người đã bị giết vì sở hữu kinh thánh, trong đó có trường hợp của một thành viên Đảng Công nhân Triều Tiên. Người này đã bị bắt vì sở hữu một cuốn kinh thánh và sau đó bị bắn trước mặt 3.000 cư dân. Các nữ tín đồ Cơ Đốc bị đối xử đặc biệt tồi tệ, nhiều người buộc phải phá thai khi ở trong trại tù. Cuộc điều tra cho biết 78 người đã bị bức hại vì sở hữu các vật phẩm tôn giáo.

Một người bình luận: “Nếu may mắn, bạn sẽ bị bắn. Nếu bạn không may mắn, bạn sẽ bị đưa vào trại tù chính trị”. Dưới triều đại Kim, tôn giáo, đặc biệt là Cơ đốc giáo đã bị loại bỏ ở Bắc Triều Tiên vì lãnh tụ tối cao được coi là Thượng đế, không có tôn giáo nào khác có thể tồn tại.

Quan chức Mỹ xác nhận cáo buộc của Bobulinski về Hunter Biden ‘dường như đúng’

Chủ tịch Bộ An ninh Nội địa Thượng viện Ron Johnson, người đã điều tra các email và tài liệu liên quan đến các giao dịch kinh doanh của Hunter Biden ở nước ngoài, khẳng định rằng tuyên bố của cựu cộng sự kinh doanh của Hunter là Tony Bobulinski hồi đầu tuần “dường như là xác thực”.

“Tất cả quá trình xác minh mà chúng tôi đang thực hiện cho thấy chúng tôi không đưa ra bất kỳ sự khác biệt nào (với tuyên bố của Bobulinski). Với những gì chúng tôi đã xem xét cho đến nay, mọi thứ dường như là xác thực”, ông Johnson nói với Fox News vào tối thứ Năm (29/10) khi được hỏi về những tuyên bố của Tony Bobulinski, một cựu cộng sự kinh doanh của Hunter Biden.

Bobulinski, đầu tuần này, đã nói với Fox News và cho biết trong một cuộc họp báo tuần trước rằng Hunter Biden và một số cộng sự hồi 2017 đã đưa ông vào một thỏa thuận với công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Trung Quốc CEFC, thương vụ này có liên quan đến một tỷ phú thuộc Đảng Cộng sản

Trung Quốc . Bobulinski cho biết ông đã gặp Joe Biden vào tháng 5 năm đó và dành một giờ để nói về thương vụ này.

3 máy bay của Bắc Kinh xâm phạm Đài Loan

Taiwan News dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, ba máy bay chiến đấu Y-8 của Bắc Kinh đã tiến vào Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của hòn đảo hôm thứ Sáu (30/10).

Không quân Đài Loan đã điều khiển máy bay phản lực, phát cảnh báo vô tuyến để ngăn chặn máy bay Trung Quốc. Ngoài ra, các hệ thống tên lửa phòng không đã được triển khai để giám sát hoạt động của ba máy bay Trung Quốc trong khu vực.

Các hành vi khiêu kích của Trung Quốc với Đài Loan có dấu hiệu không suy giảm trong vài tháng qua, mặc dù Không quân Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần điều máy bay tới gần Đài Loan, một động thái được coi là cảnh báo Bắc Kinh nhưng cũng nhằm thu thập thông tin về các cuộc diễn tập của quân đội Trung Quốc trong khu vực. Kể từ ngày 16/9, máy bay Trung Quốc đã xâm phạm Đài Loan 29 lần.

Sinh viên Thái kêu gọi tẩy chay lễ trao bằng của Quốc vương

Reuters đưa tin, hôm thứ Sáu (30/10), một số sinh viên ủng hộ biểu tình Thái Lan tuyên bố không tham dự lễ tốt nghiệp do Vua Vajiralongkorn chủ trì tại Đại học Thammasat, thể hiện sự bất bình đối với chế độ quân chủ trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi cải cách.

“Chúng tôi muốn số người có mặt trong hội trường ít nhất có thể, nhằm gián tiếp truyền đi thông điệp rằng nhiều người trong chúng tôi không hài lòng với chế độ quân chủ, và chúng tôi muốn thay đổi”, sinh viên Suppanat Kingkaew, 23 tuổi, nói với Reuters, đề cập tới lễ tốt nghiệp hoàng gia được tổ chức tại Đại học Thammasat ở thủ đô Bangkok ngày 30-31/10.

Lễ tốt nghiệp với sự trao bằng từ Quốc vương là một sự kiện trọng đại đối với các sinh viên sắp ra trường và gia đình họ. Các bức ảnh chụp tại buổi lễ thường được nhiều gia đình Thái Lan tự hào treo trong nhà. Tuy nhiên, cải cách chế độ quân chủ lại là một trong những yêu sách người biểu tình đưa ra trong làn sóng phản đối chính quyền bùng phát từ hồi tháng 7. Người dân cho rằng quyền lực của Quốc vương Vajiralongkorn nên được giảm bớt, đồng thời đề nghị thay đổi những điều luật giúp ông nắm quyền kiểm soát trực tiếp với một số đơn vị quân đội và khối tài sản hoàng gia khổng lồ.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-31-10-dong-dat-rung-chuyen-hy-lap-va-tho-nhi-ky-chinh-quyen-kim-tra-tan-tan-bao-tin-do-co-doc.html

Điểm tin thế giới tối 31/10:

Cố vấn Nhà Trắng: Hollywood và NBA

là ‘kẻ ngốc hữu dụng’ của ĐCSTQ

Hải Lam

Mục lục bài viết          

Cố vấn Nhà Trắng: Hollywood và NBA là ‘kẻ ngốc hữu dụng’ của ĐCSTQ

TT Trump chạy đua nước rút ở bang chiến trường Trung Tây

Indonesia trục xuất ba người Duy Ngô Nhĩ đến Trung Quốc trước chuyến thăm của ông Pompeo

Armenia và Azerbaijan nhất trí các biện pháp tháo gỡ xung đột

Anh có thể sắp phong tỏa toàn quốc lần hai

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Bảy (31/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Cố vấn Nhà Trắng: Hollywood và NBA là ‘kẻ ngốc hữu dụng’ của ĐCSTQ

Ngày 30/10, nhà kinh tế và Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro nói rằng các vận động viên Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia (NBA) và những người nổi tiếng ở Hollywood là “những kẻ ngốc hữu dụng” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Trong chương trình “American Thought Leaders (Nhà lãnh đạo tư tưởng Mỹ)” của The Epoch Times, Cố vấn Nhà trắng cho biết, các vận động viên bóng rổ đều không dám lên tiếng về chế độ Trung Quốc vì họ đều bị trói buộc vào lợi ích với chế độ độc tài này.

Cố vấn Navarro nói: “Họ câm lặng và tránh né khi nói về chủ đề Trung Quốc”. Ông cũng nói thêm rằng, “các cơ sở sản xuất bóc lột lao động ở Trung Quốc” thậm chí còn “sản xuất giày thể thao cho các ngôi sao của họ” và “bán [chúng] lại cho trẻ em Mỹ”.

Nhưng “vấn đề lớn hơn”, theo ông Navarro, là “họ liên tục tuyên truyền rằng bằng cách nào đó, chính phủ độc tài và hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa của [ĐCSTQ] vượt trội hơn chúng ta”.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Navarro cho biết, Hollywood cũng đang “khấu đầu” trước ĐCSTQ. Ông cũng nhấn mạnh rằng, đã có sự thúc đẩy các hãng phim loại để bỏ đi những nội dung “nhạy cảm”, khiến bộ phim phù hợp hơn với thị hiếu của khán giả Trung Quốc và những người kiểm duyệt phim của chế độ.

TT Trump chạy đua nước rút ở bang chiến trường Trung Tây

The Epoch Times đưa tin, Tổng thống Trump hôm 30/10 tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri ở miền Trung Tây, khi còn 4 ngày đến cuộc bầu cử.

Ông Trump đã tổ chức sự kiện vận động tranh cử ở Michigan trước các điểm dừng chân tiếp theo được lên kế hoạch ​​ở Wisconsin và Minnesota.

“Một lá phiếu bầu cho tôi đồng nghĩa với việc giữ và tạo việc làm trong ngành ô tô và tất cả các loại công việc ở Michigan”, Tổng thống Trump nói tại thị trấn Waterford. Ông cũng cảnh báo công nhân trong ngành sản xuất ô tô của bang rằng các chính sách của đối thủ Joe Biden sẽ đe dọa việc làm của họ.

Phát biểu trước các cử tri, ông Trump cho rằng đối thủ Joe Biden đã đứng về phía Trung Quốc.

Theo Breitbart, Tổng thống Trump cho rằng rằng ông Biden đã khiến các ngành công nghiệp của Michigan “tài trợ cho sự trỗi dậy của Trung Quốc”, loại bỏ “một nửa tổng số việc làm trong ngành sản xuất ô tô ở Michigan”.

Indonesia trục xuất ba người Duy Ngô Nhĩ đến Trung Quốc trước chuyến thăm của ông Pompeo

Tờ South China Morning Post hôm 30/10 dẫn một nguồn tin an ninh cấp cao của Indonesia, cho biết nước này đã trục xuất ba người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc sau khi họ ra tù vào tuần này.

Nguồn tin giấu tên nói rằng: “Họ đã được đưa về Trung Quốc trên một chuyến bay đặc biệt do chính phủ [Trung Quốc] thuê”.

Nguồn tin cho biết động thái này xảy ra “hai đến ba ngày trước” – trước khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có chuyến thăm Indonesia, nơi ông  gặp Tổng thống Joko Widodo. Trong thời gian dừng chân ở Jakarta, ông Pompeo kêu gọi người Hồi giáo Indonesia và các nhà lãnh đạo tôn giáo không “ngoảnh mặt” trước những đau khổ của người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết ba người Duy Ngô Nhĩ gần như chắc chắn sẽ bị ngược đãi khi trở về Trung Quốc.

Brad Adams, giám đốc điều hành khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng: “Thực tiễn trong quá khứ cho thấy những người này có nguy cơ bị kết án nghiêm khắc, bao gồm cả án tử hình. Chính phủ Indonesia biết rằng chính phủ Trung Quốc thường xuyên bắt bớ người Duy Ngô Nhĩ nhưng dường như nó đã đưa ra một quyết định vô tâm khi đối mặt với trách nhiệm pháp lý củaình để bảo vệ người dân khỏi sự đàn áp”.

Armenia và Azerbaijan nhất trí các biện pháp tháo gỡ xung đột

Theo DW, Ngoại trưởng hai nước Armenia và Azerbaijan hôm 30/10 đã nhất trí các biện pháp nhằm tháo gỡ xung đột tại khu vực Nagorny-Karabakh, song không đề cập cam kết ngừng bắn mới.

Theo một tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp, Armenia và Azerbaijan nhất trí không nhằm vào dân thường hoặc các mục tiêu phi quân sự ở Nagorny-Karabakh, phù hợp với luật nhân đạo quốc tế.

Hai bên cũng đồng ý tìm kiếm và trao đổi thi thể những người thiệt mạng trên chiến trường; đồng thời trong vòng một tuần sẽ cung cấp danh sách tù binh cho Tổ chức Chữ thập Đỏ để tiến hành trao đổi.

Anh có thể sắp phong tỏa toàn quốc lần hai

Reuters dẫn tin từ The Times hôm 30/10 cho biết, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang xem xét áp dụng các biện pháp phong tỏa toàn quốc vào tuần tới, trong bối cảnh các ca nhiễm virus Vũ Hán đang tăng mạnh ở quốc gia này.

Tờ báo Anh cho biết thêm, các hạn chế mới có thể được áp dụng từ thứ Tư (4/11) đến ngày 1/12.

Ông Johnson dự kiến ​​sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào thứ Hai (2/11) để công bố các biện pháp hạn chế mới, theo đó mọi cơ sở đều có thể bị đóng cửa, trừ các cửa hàng thiết yếu và “cơ sở giáo dục”.

Anh hiện ghi nhận gần 990.000 ca nhiễm và hơn 46.000 ca tử vong. Một số quốc gia châu Âu như Pháp, Bỉ, Đức đã công bố lệnh phong tỏa lần hai khi các ca nhiễm tăng nhanh.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-31-10-co-van-nha-trang-hollywood-va-nba-la-ke-ngoc-huu-dung-cua-dcstq.html

Tạp chí đặc biệt

Người Việt tại Mỹ cũng bị chia rẽ vì bầu cử tổng thống

Thanh Phương

Theo thẩm định, hiện nay tổng số người Việt sống ở nước ngoài là khoảng 4,5 triệu, trong đó cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ là chiếm số đông nhất, với khoảng 1,3 triệu người. Cho tới nay, cử tri Mỹ gốc Việt nói chung vẫn có truyền thống ủng hộ đảng Cộng Hòa hơn đảng Dân Chủ.

Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm nay cũng không ra ngoài thông lệ đó. Thế nhưng, giống như xã hội Mỹ nói chung, cộng đồng người Việt cũng bị chia rẽ nặng nề giữa một bên là những người ủng hộ Trump, chiếm đa số và bên kia là những người theo ứng cử viên Dân Chủ Joe Biden.

Một cuộc thăm dò do các tổ chức APIAVote, AAPI Data and Asian Americans Advancing Justice thực hiện, kết quả được công bố vào tháng 9, cho thấy là trong số những người Mỹ gốc Á, người Mỹ gốc Việt có vẻ ủng hộ Trump nhiều hơn cả. Cụ thể là có đến 48% cử tri Mỹ gốc Việt cho biết sẽ bỏ phiếu cho tổng thống Trump, và chỉ có 36% ủng hộ ứng cử viên Dân Chủ Joe Biden. Trong khi đó, những người Mỹ gốc Á khác ( gốc Hoa, Ấn, Hàn, Nhật, Phi ) thì lại ủng hộ ông Biden nhiều hơn ( 54% so với 30% ủng hộ ông Trump ).

Kết quả một cuộc thăm dò tương tự do hai tổ chức APIAVote và AAPI Data thực hiện năm 2018 cũng cho thấy người Mỹ gốc Việt là cộng đồng gốc Á duy nhất khen ngợi thành tích về kinh tế của tổng thống Trump ( 64% ).

Đối với những người ủng hộ Trump, có hai lý do chính. Thứ nhất, vị tổng thống tỷ phú là lãnh đạo Hoa Kỳ chống Trung Quốc quyết liệt nhất. Thứ hai, dưới thời tổng thống Trump, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trở lại, cho đến khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Trả lời RFI Việt ngữ, ông Hà Ngọc Cư, giám đốc điều hành trung tâm CISS chuyên về di dân và tị nạn, Houston, Texas, trước hết nhắc lại xu hướng bỏ phiếu của cử tri gốc Việt tại Mỹ trong những năm qua:

Ông Hà Ngọc Cư:  Kể từ năm 1980 cho đến năm 2000, số người Việt Nam theo đảng Cộng Hòa đông hơn bên phía ủng hộ Dân Chủ, nhưng kể từ năm 2010 cho đến bây giờ, thì phía người Việt nghiêng về đảng Dân Chủ thì cao hơn bên phía ủng hộ Cộng Hòa một chút.

Lý do là vì 60% người Việt có bằng cử nhân và những người học đại học Mỹ, hội nhập với xã hội Mỹ, thì thường nghiêng về phía đảng Dân Chủ. Còn những người ủng hộ đảng Cộng Hòa và riêng về những người ủng hộ Trump thì nghĩ rằng đảng Cộng Hòa chống cộng mạnh hơn đảng Dân Chủ. Cũng có những người nghĩ rằng đảng Dân Chủ có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa và không chống cộng như đảng Cộng Hòa.

Thứ hai là có những người chống chuyện phá thai, cho nên họ nghiêng về phía đảng Cộng Hòa. Rồi có những người nghiêng về phía Cộng Hòa là vì họ muốn bảo vệ truyền thống văn hóa Việt Nam, chống hôn nhân giữa những người đồng tính, chuyển giới, cho đó là phản văn hóa.

Thứ ba là vấn đề những người Mỹ gốc Phi Châu xuống đường, phong trào Black Lives Matter. Họ cho là người da đen “quậy” xã hội Mỹ và cái đó là do đảng Dân Chủ tạo ra. Cho nên, họ chống đảng Dân Chủ. Họ sinh ra ở nước Mỹ, chỉ có nước Mỹ là tổ quốc của họ, cho nên họ nhìn tương lai của nước Mỹ là tương lai của họ. Họ quan tâm về vấn đề học phí đại học, y tế, biến đổi khí hậu, môi trường. Họ có cái nhìn thoáng hơn về văn hóa.

Ngay cả con cháu chúng tôi, sinh ra ở đây, chúng nó không phân biệt da trắng, da đen, da màu. Giới trẻ đó có khuynh hướng chống bất công về kinh tế, bất công về pháp luật. Những người ủng hộ ông Biden còn đặt vấn đề về nhân cách lãnh đạo. Lãnh đạo nào trung thực hơn, nhân đạo hơn thì họ nghiêng về phía đó.

Phe ủng hộ ông Trump thì rất hăng hái xuống đường, trong khi phe theo Biden thì có vẻ thầm lặng hơn, cũng biểu lộ sự ủng hộ nhưng một cách kín đáo hơn, không rầm rộ như phe ông Trump.”

Cũng là một cư dân gốc Việt sống tại bang Texas, luật gia Võ Đăng Khoa giải thích lý do vì sao ông sẽ bầu cho tổng thống Cộng Hòa Donald Trump.

Ông Võ Đăng Khoa :Tôi sống tại Houston, Texas, mà Texas là thành trì của đảng Cộng Hòa. Lý do mà tôi chọn bầu cho ông Trump không phải là vì tôi là người của đảng Cộng Hòa, mà thật sự tôi là người theo đảng Dân Chủ. Tôi không đồng ý với ông Trump về một số chính sách, như chính sách về di dân, về xây tường rào ở phía nam nước Mỹ. Mặc dù vậy, những chính sách khác lại đúng hơn, cho nên tôi sẽ chọn bầu cho ông Trump.

Thứ nhất, trong khi bên đảng Dân Chủ không hề dám đụng đến nguyên nhân của Covid-19, thì ông Trump đã thẳng thẳng vạch mặt vai trò của Trung Quốc trong việc phát tán virus corona. Đảng Dân Chủ chỉ chĩa mũi dùi vào phía ông Trump. Thật sự đó là sai lầm lớn của đảng Dân Chủ. Thứ nhất, nước Mỹ theo thể chế liên bang, có những quyền hạn của tiểu bang mà liên bang không được đụng tới, ví dụ như những vấn đề về đời sống thường nhật của người dân. Mỗi tiểu bang được quyền quyết định đeo khẩu trang hay không đeo, được ra đường hay không được ra đường, được tụ tập hay không.

Thứ nhì, nếu như liên bang có quyền đó, thì Quốc Hội phải làm ra luật, vì theo cơ chế của nước Mỹ, tổng thống chỉ là người thi hành, chứ không phải là người làm ra luật. Cho nên, không thể nói là ông Trump đã không làm gì hết để ngăn ngừa dịch Covid-19, vì Quốc Hội không đưa luật lên để ông Trump ký phê chuẩn.

Lý do thứ hai: thái độ của ông Trump đối với Trung Quốc rất là thẳng thắn, rất quyết liệt. Là một người Việt Nam, tôi nghĩ điều đó rất là đúng, vì trong khi cả thế giới không ai dám đụng đến Trung Quốc thì chỉ có một mình tổng thống Trump vạch mặt Trung Quốc về các chiêu trò, về những chuyện không được trong sạch.

Lý do thứ ba là về vấn đề người da đen. Trong cái chết của George Floyd thì cảnh sát Minesota hoàn toàn có lỗi, nhưng không thể vì chuyện đó mà dấy lên một phong trào để mà phá đi những heritage ( di sản ), đi đập phá các bức tượng, ngay cả tượng của Abraham Lincoln, người đã khở xướng phong trào giải phóng nô lệ, hoặc đập phá tượng của tổng thống Washington, người cha của nước Mỹ.

Đó là những lý do tại sao tôi bầu cho tổng thống Trump, thật sự thì tôi bầu cho các chính sách của đảng Cộng Hòa hơn là bầu cho tổng thống Trump.”

Theo luật sư Võ Đăng Khoa, đa số người Việt ở Texas cũng sẽ bầu cho tổng thống Donald Trump:

Do việc tổng thống Trump chống Trung Quốc, cho nên người Việt ở Texas nói chung và ở Houston nói riêng ủng hộ ông rất nhiều. Tại vì, nói nôm na là nếu ủng hộ ông Trump chống Trung Quốc thì Việt Nam sẽ được ăn theo. Nhưng điều đó thì cũng không nói được, vì nước Mỹ chỉ làm những gì có lợi cho nước Mỹ. Họ có thể chống Trung Quốc, nhưng chưa chắc là Việt Nam có lợi.

Người Việt ở Houston và vùng phụ cận, thì sự ủng hộ của người Việt đối với tổng thống Trump sôi nổi hơn là sự ủng hộ ông Biden. Ví dụ như có những rally, những cuộc tụ tập, những đoàn xe ủng hộ có số người tham gia hơn hẳn số người ủng hộ phó tổng thống Biden.

Khác với Texas, California là bang mà từ nhiều năm qua vẫn có truyền thống bầu cho đảng Dân Chủ. Nhưng quận Cam, Orange County, nơi tập trung cộng đồng người Việt, thì ủng hộ tổng thống Trump nhiều hơn. Tuy vậy, tại California, cũng có không ít người Việt chọn Joe Biden, trong đó có bà Lý Kim Khoa, hiện làm việc trong ngành bảo hiểm:

Bà Lý Kim Khoa: Thứ nhất, chủ trương của đảng Dân Chủ là theo chủ nghĩa nhân bản, vì con người, chứ không phải là vì mục đích show off ( phô trương ) nước Mỹ hay bản thân mình. Joe Biden là người rất khiêm nhường, nói ít làm nhiều.

Thứ hai, Joe Biden hứa sẽ trở lại hiệp ước TPP ( hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương ) để loại Trung Quốc ra khỏi hiệp ước thương mại thế giới, tức là đánh về kinh tế. Muốn đánh tàu về kinh tế thì phải có đồng minh. Joe Biden hứa sẽ nối lại các liên minh của Mỹ như WHO, Liên Minh Châu Âu.

Joe Biden hứa sẽ duy trì Obamacare ( bảo hiểm y tế phổ quát ) cho người dân Mỹ, giúp cho những người thuộc thành phần trung lưu có bảo hiểm. Tôi thấy những lời hứa của Joe Biden rất thực tế. Những điều mà Trump đã phá hoại, như hiệp ước TPP, làm cho Trung Quốc lớn mạnh, rồi lại làm cho Mỹ lệ thuộc Trung Quốc trong thời đại dịch, khiến không có đủ thiết bị y tế.

Chưa kể là từ thời tổng thống George W. Bush, mỗi năm ông ấy dành ra 7 tỷ đôla để đối phó với đại địch, vì theo ông, 100 năm đại dịch sẽ trở lại một lần, thành ra chúng ta phải chuẩn bị. Khi ông bàn giao cho Obama kế thừa chương trình này. Vào thời Obama, vẫn có dịch, 60 triệu người nhiễm, mà chỉ có 12 ngàn người chết.

Đến thời Donald Trump, ông Trump không quan tâm đến healthcare, không quan tâm đến chương trình này, vì vậy khi dịch tới trở tay không kịp, giấu thiết bị y tế rồi đổ thừa cho đảng Dân chủ. Tôi thấy điều này không có fair. Ông tổng thống Trump nói láo nhiều quá, làm sao mà chọn được!”

Theo cái nhìn của bà Lý Kim Khoa, chính sách kinh tế của tổng thống Trump cũng không có hiệu quả gì trong việc tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ:

 Bà Lý Kim Khoa: Nếu nói về các lợi thế kinh tế, việc đem công ăn việc làm về Mỹ lầ một cái chuyện không hợp lý, do đó tới giờ này đâu có đem được công ăn việc là về nước Mỹ. Thứ nhất, giá nhân công ở nước Mỹ rất cao, đội giá thành lên. Sản phẩm cung ứng của Mỹ, nếu đem về đây rồi khi xuất cảng trở lại thì chi phí vận chuyển và các chi phí khác lại cao.

Trong khi nếu chúng ta sử dụng hiệp ước TPP của Obama hồi trước, ví dụ như người dân bên đó sản xuất một cái áo, một giờ họ có thể sản xuất 10 cái, trong khi công nhân bên Mỹ tay nghề không thạo thì sản xuất chừng một cái thôi. Công nhân Mỹ giỏi về điện tử hơn.

Trump nói như thế vì ông mà một người buôn bán, chứ không phải là một nhà kinh tế và một nhà chính trị. Thành ra ông ấy hứa rồi cố gắng thực hiện. Đâu phải chính trị nào đắc cử cũng giữ được lời hứa, tại vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Ông ấy hứa là hứa bừa, không có một chính sách nào hết. Nói đánh kinh tế Tàu, ai là người chịu? Người dân Mỹ phải trả thuế, chứ ai chịu? Giá thành đội lên cao mà không có lợi lộc gì cả.

Thật ra, cũng như nhiều cộng đồng gốc nước ngoài khác ở Mỹ, thế hệ trẻ trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt có quan điểm xã hội và chính trị khác với những người lớn tuổi. Rất nhiều gia đình người Mỹ gốc Việt gặp tình trạng bố mẹ theo Trump, nhưng con cái chỉ thích Biden, hay nói chung là nghiêng về phía đảng Dân Chủ. Cho nên, nhiều khi trong gia đình rất khó nói chuyện với nhau về bầu cử tổng thống Mỹ, như nhận xét của ông Hà Ngọc Cư:

Ông Hà Ngọc Cư: Trong gia đình bạn bè tôi và ngay cả trong gia đình tôi, giới trẻ có suy nghĩ độc lập. Học ở đại học, nên tư duy của nó là tư duy của giới trẻ Mỹ, độc lập, cho nên bố mẹ nghĩ thế nào là chuyện của bố mẹ, còn nó nghĩ thế nào là chuyện của nó, bố mẹ không thể tác động lên tư duy của con cháu mình. Cho nên, trong nhiều gia đình, có khi bố mẹ ủng hộ ông Trump, con cái lại ủng hộ Biden. Trong nhiều gia đình, để giữ hòa khí, không ai dám nói chuyện chính trị.”Theo ông Hà Ngọc Cư thì sự khác biệt quan điểm này chính là do ảnh hưởng của các trường đại học ở Mỹ nói chung và ở Texas nói riêng:

Đa số các giáo sư đại học có tinh thần dân chủ là tại vì họ cho rằng xã hội liberal là để bảo vệ quyền tham dự của mọi sắc tộc. Ví dụ như tại Houston, nhất là quận Harris County, 45% là người gốc Mỹ Latinh, thành thử tại Houston, đảng Dân Chủ luôn luôn thắng, nhưng ở vùng ngoại ô, thì đảng Cộng Hòa thắng. Cho nên, Texas vẫn được coi là tiểu bang “đỏ rực”. Lần này, theo các cuộc thăm dò, ông Trump vẫn được nhiều phiếu hơn đảng Dân Chủ.”

Luật sư Võ Đăng Khoa cũng đưa ra một giải thích tương tự về lý do tại sao giới trẻ trong các gia đình người Việt có xu hướng thiên tả hơn.

Ông Võ Đăng Khoa :Tôi thấy giới trẻ trong các trường đại học có vẻ thiên tả hơn một chút. Giới khoa bảng bên Mỹ là giới rất là thiên tả, trong đó có các trường đại học nổi tiếng như Yale, Stanford, Berkeley  hay University of Texas, là những trường mà sinh viên và giáo sư rất là thiên tả. Trong khi đó Houston thật sự là một thành phố Dân Chủ trong một tiểu bang Cộng Hòa, nhưng người Việt tại Houston ủng hộ đảng Cộng Hòa. Có những cái khúc mắc như vậy.

Mặc dù là khoa bảng, nhưng thế hệ trước, thế hệ một hay một rưỡi trong cộng đồng người Việt ở đây thì lúc nào cũng ủng hộ đảng Cộng Hòa vì những quyết định rất là cứng rắn đối với các đảng độc tài. Trong khi đó, phe Dân Chủ đúng ra phải là những người ủng hộ người dân nhiều hơn, nhưng tôi không biết tại sao trong các trường đại học lớn ở đây, người ta lại cỗ võ cho mác-xít. Đó là nguyên nhân tại sao thế hệ trẻ hơn thế hệ cha anh.”

Dầu sao, thì như đã nói ở phần dẫn nhập, có lẽ chưa bao giờ mà cộng đồng người Việt lại bị phân hóa mạnh như trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ lần này. Càng gần đến ngày bầu cử, mâu thuẫn giữa hai phe ủng hộ Trump và ủng hộ Biden càng thêm gay gắt, đến mức một số người ngại công khai bày tỏ quan điểm, nhất là bên phía ủng hộ Biden tại quận Cam, có người thậm chí không dám trả lời phỏng vấn RFI, sợ ảnh hưởng đến việc làm của mình, vì tại nơi đây số người ủng hộ Donald Trump chiếm đa số!

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20201031-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-vi%E1%BB%87t-t%E1%BA%A1i-m%E1%BB%B9-c%C5%A9ng-b%E1%BB%8B-chia-r%E1%BA%BD-v%C3%AC-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?