Ukraine chia rẽ và lo cho tương lai

Quảng trường Độc lập ở Ukraine đã trở thành một trung tâm tưởng niệm khổng lồ.


Cập nhật: 12:34 GMT - thứ hai, 24 tháng 2, 2014
Hàng chục điểm tưởng niệm những người người biểu tình chống chính phủ bị bắn chết được dựng lên xung quanh trung tâm chính trị và các rào chắn.
Chủ Nhật vừa qua người dân đã đổ về khu vực quảng trường, biến nơi đây thành một núi hoa và biển nến để tưởng niệm những người đã mất.
Người dân đứng lặng trước những điểm tưởng niệm với cảm xúc dồn nén, bởi có lẽ sự mất mát là quá lớn.
Vào thời điểm hiện tại, Ukraine giống như một khúc xương với nhiều vết rạn nứt.
Sự ủng hộ và quan tâm của cộng đồng quốc tế có thể tạm thời hàn gắn nó lại, thậm chí làm cho cơ thể phần nào đó trở lại bình thường. Nhưng thêm nhiều áp lực sẽ càng làm cho vết rạn lớn hơn.

Nghị trình khác nhau

Vấn đề là liệu chính phủ mới có đủ khả năng để bắt đầu tiến trình hòa giải hay không. Vitaly Klitschko, cựu vô địch quyền anh thế giới hạng nặng và bây giờ là chính trị gia, thừa nhận sự cấp thiết của tình hình.
“Chúng ta không có nhiều thời gian,” ông này nói.
Vào thời điểm hiện tại, lãnh đạo phe đối lập đang có cùng tiếng nói. Nhưng có lẽ đó chỉ là tạm thời.
Những mục tiêu và tham vọng chính trị khác nhau của họ sẽ lộ diện sau khi mục tiêu chung là lật đổ Yanukovych hoàn thành.
Thêm vào đó là câu chuyện của bà Tymoshenko.
Bài diễn thuyết đầy sức mạnh tại quảng trưởng Độc Lập vào tối thứ Bảy cho thấy tầm ảnh hưởng của bà không hề suy giảm sau hai năm rưỡi chịu án tù.

Chưa rõ tương lai Ukraine đi về đâu
Bà vẫn là một chính trị gia có sức hút lớn mà nếu muốn, chắc chắn sẽ trở thành một quyền lực chính trị ở Ukraine thêm một lần nữa.
Nhưng Tymoshenko cũng là một nhân vật gây nhiều tranh cãi. Với nhiều người ở Maidan, bà đại diện tiêu biểu cho tầng lớp chính trị của Ukraine: nhiều tham vọng nhưng thiếu ‎ ý tưởng, khả năng và cả trung thực.

Nga thận trọng

Người ta đã đồn đoán nhiều về sự chia rẽ Đông-Tây ở Ukraine. Đúng là có. Ngay cả nếu chia cắt đất nước không phải là mối họa trong tương lai gần, miền Đông và Nam có những vấn đề kinh tế và văn hóa riêng, vốn đã gây ra tình trạng bất ổn chính trị kéo dài.
Cần phải nhớ rằng các phe phái từ vùng công nghiệp phía Đông từng lo ngại về những hậu quả kinh tế của kế hoạch hợp tác với Liên minh Châu Âu.
Mặc dù sự ủng hộ của họ dành cho Yanukovych đã giảm đi nhiều, điều đó không có nghĩa rằng họ sẽ đi theo lực lượng lãnh đạo hiện nay, vốn là phe đối lập cho đến thứ Bảy vừa qua.
Đã có những vụ biểu tình phản đối chính phủ lâm thời. Ở thành phố Sevastopol, Crimea vào thứ Bảy, hàng nghìn người đã xuống đường mang theo tranh cổ động kêu gọi “nước mẹ Nga” ra tay.

Kremlin đã trì hoãn khoản viện trợ cho Ukraine để chờ xem tình hình ra sao
Nhiều người ở phía Đông và Nam có rất ít niềm tin vào phong trào Maidan và lãnh đạo của nó. Dù bây giờ họ không chống đối, điều đó không có nghĩa là những tháng sắp tới sẽ yên ổn.
Hiện tại, người dân Ukraine đang chờ xem những động thái tiếp theo của hai nhân vật, ông Viktor Yanukovych và ông Vladimir Putin.
Ông Yanukovych tuyên bố mình vẫn là tổng thống của đất nước, dù không rõ ông sẽ thực hiện quyền đó như thế nào.
Thậm chí người ta cũng không biết hiện ông này đang ở đâu.
Những quan chức xung quanh ông Putin đã bày tỏ sự bất an với tình hình đang diễn ra, nhưng chưa có các động thái cụ thể.
Kremlin vừa ám chỉ rằng khoản viện trợ cấp thiết 2 tỷ đôla có thể sẽ bị trì hoãn để chờ xem “quan điểm của chính quyền mới ra sao.” Tuy vậy, họ cũng để ngỏ khả năng thay thế khoản đó bằng viện trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Moscow có đủ cà rốt, và rất nhiều gậy, để sử dụng. Nếu nước Nga lựa chọn các giải pháp cứng rắn, họ sẽ dễ dàng gia tăng thêm áp lực cho một khúc xương đã có nhiều rạn nứt.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?