Biển Đông và sự thật phía sau chiếc mặt nạ hữu nghị
Vùng đảo Gạc Ma nhìn từ trên cao, ảnh minh họa chụp hôm 15/5/2014. AFP PHOTO |
Trong những ngày gần đây, Trung Quốc ngang nhiên xây dựng căn cứ quân sự trên vùng đảo Gạc Ma mà Bắc Kinh đã chiếm của Việt Nam vào năm 1988. Vệ tinh xác định diện tích xây dựng gấp hai trăm lần nếu so với năm 2004. Trước tình hình nghiêm trọng như vậy nhưng Việt Nam vẫn giữ phản ứng yếu ớt như từ trước tới nay thường làm. Mặc Lâm phỏng vấn Phó GSTS Hoàng Ngọc Giao, nguyên Vụ trưởng Ban biên giới Chính phủ để tìm hiểu thêm lý do tại sao Việt Nam tiếp tục gần như im lặng.
Đe dọa chủ quyền Việt Nam
Trước tiên Phó giáo sư Hoàng Ngọc Giao chia sẻ:
PGS Hoàng Ngọc Giao: Rõ ràng đây là vấn đề có thể nói rằng rất nghiêm trọng đang đe dọa toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo, thế nhưng tôi cũng như người dân và các đồng nghiệp khác cảm thấy rất là thất vọng, đang ngóng chờ xem không biết là chính phủ Việt Nam sẽ có những động thái gì.
Cho đến bây giờ thì chưa thấy có một động thái nào cả và điều này theo tôi nó rất là không bình thường, nhất là chính phủ là người chịu trách nhiệm về việc quản lý đất nước bảo vệ chủ quyền là lãnh thổ của đất nước mà lại chưa có động thái gì rõ rệt thì đây là điều đang gây nên băn khoăn và lo lắng trong giới trí thức cũng như nhiều người dân Việt Nam.
Mặc Lâm: Như GS cũng đã biết hiện nay Malaysia và Philippines đang rất lo ngại việc bành trướng của Trung Quốc qua các động thái xây dựng các nơi mà họ chiếm dụng trái phép. Theo GS Việt Nam có nên liên kết với các nước có cùng quan ngại tại Biển Đông với mục đích bảo vệ chủ quyền của mình hay không?
PGS Hoàng Ngọc Giao: Vâng, theo tôi việc liên kết với các nước có cùng lợi ích trong khu vực Biển Đông là sự cần thiết. Có lẽ sự cần thiết này không phải bây giờ nó mới đặt ra mà ngay từ khi những động thái đầu tiên của Trung Quốc khi đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển của chúng ta thì nó đặt ra sự cần thiết là ngoài nỗ lực đấu tranh bằng ngoại giao, đấu tranh bằng pháp lý thì Việt Nam cần phải có sự liên kết hợp pháp với các nước khác như Philippines, Malaysia hay các nước trong ASEAN để làm sao thúc đẩy tiếng nói của các nước nhỏ trong vùng Biển Đông để hạn chế, kiềm chế chính sách bành trướng xâm lược xuống phía Nam của Trung Quốc.
Tuy nhiên những bước đi của Việt Nam cho đến ngày hôm nay trong sự liên kết đó thì mới chỉ thể hiện ở việc liên kết về mặt chính trị ngoại giao trong khối ASEAN nhằm thúc đẩy việc xây dựng COC (Code of Conduct) chứ còn về mặt đấu tranh pháp lý thì có thể nói Việt Nam, mặc dù theo tôi được biết về mặt hồ sơ pháp lý cũng như các căn cứ pháp lý của Việt Nam rất tự tin và có thể lập hồ sơ một cách đầy đủ để mà thực hiện những hành động pháp lý, thế nhưng rất tiếc cho tới bây giờ thì Việt Nam vẫn chưa thể hiện một chính sách đối ngoại hòa bình bằng con đường pháp luật để giải quyết vấn đề này mà cũng chỉ là dừng lại ở những tuyên bố khẳng định chủ quyền rất là chung chung. Theo tôi thì điều này nó chưa giải quyết được vấn đề và trong bối cảnh hiện nay chính phủ Việt Nam cần phải mạnh mẽ hơn nữa.
Mặc Lâm: Thế nhưng có những ý kiến cho rằng Việt Nam nên mềm mỏng chờ đợi thời cơ khi đất nước mạnh hơn thì việc đối phó với Trung Quốc sẽ hiệu quả và có lợi hơn là tích cực chống lại Bắc Kinh trong tình thế bây giờ?
PGS Hoàng Ngọc Giao: Chúng ta gìn giữ quan hệ mềm mỏng với Trung Quốc nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải để cho Trung Quốc lấn tới như thế này. Trên thực tế Trung Quốc đang lấn tới và những hành vi xây dựng như thế của họ trên biển trực tiếp đe dọa chủ quyền của Việt Nam. Cụ thể đường đi ra Biển Đông của chúng ta ở các đảo Trường Sa bây giờ họ đã san lấp và lập ra các trạm và sau này nó sẽ trở thành các căn cứ quân sự của họ. Họ kiểm soát mở rộng ra toàn bộ vùng biển và như vậy Việt Nam dường như vào cái thế rất kẹt.
Nếu ngay từ bây giờ chính phủ Việt Nam không quyết định ngay có những hành động pháp lý mạnh mẽ hơn nữa, một mình đơn phương hay kết hợp cùng với các nước trong khu vực, đặc biệt cùng với Philippines thì theo tôi tình hình nó sẽ diễn biến ngày càng xấu đi và nguy cơ chúng ta bị mất cả vùng biển ở Biển Đông nó đang hiện hữu, nó đang ngày càng rõ rệt hơn.
Đã khởi kiện thì phải khởi kiện toàn bộ
Mặc Lâm: Thưa GS quần đảo Gạc Ma là của Việt Nam và bị Trung Quốc đánh chiếm vào năm 1988 với các bằng chứng thuyết phục không thể chối cãi qua sự hy sinh của các bộ đội vẫn còn danh sách tử vong, vậy có nên chăng bắt đầu khởi kiện Trung Quốc ngay tại thời điểm này khi Trung Quốc tăng tốc xây dựng và mở rộng đảo Gạc Ma?
PGS Hoàng Ngọc Giao: Theo tôi việc kiện Trung Quốc không phải chỉ đơn thuần chỉ có một cái đảo Gạc Ma. Nếu nói về hồ sơ pháp lý thì Hoàng Sa là của chúng ta đó là chắc chắn, rất mạnh mẽ. Trường Sa thì có một số đảo, bãi đá các thứ thì chúng ta sau này mới tiếp quản và nó cũng chỉ là những cái đảo không có người ở tức là những bãi đá không được thừa nhận trong công ước luật biển năm 82. Do đó nếu chúng ta khởi kiện Trung Quốc là chúng ta khởi kiện về vấn đề danh nghĩa chủ quyền đối với các đảo và bãi đá trên Biển Đông.
Tôi nghĩ rằng đấy mới là đầy đủ, chứ còn có một bãi Gạc Ma thì chưa phải là một nội dung lớn để chúng ta có đầy đủ tất cả các căn cứ pháp lý. Bởi vì nó liên quan với nhau mà, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nó liên quan rất nhiều. Chúng ta có nhiều bằng chứng về lịch sử, pháp lý liên quan đến cả Hoàng Sa và Trường Sa từ thời Chúa Nguyễn, do đó nếu như khởi kiện thì chúng ta cần phải lập một hồ sơ về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và khởi kiện trong nghĩa chủ quyền đối với các đảo và bãi đá này.
Nếu bây giờ chúng ta chỉ đi kiện mỗi cái đảo Gạc Ma thì dường như được hiểu là chúng ta mặc nhiên công nhận Hoàng Sa là của họ. Cho nên đã khởi kiện thì phải khởi kiện toàn bộ danh nghĩa chủ quyền của chúng ta đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ở đây tôi muốn nói “danh nghĩa chủ quyền” và việc này phải để cho tòa xác định. Chúng ta luôn luôn khẳng định rằng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của chúng ta nhưng về mặt căn cứ pháp lý cũng như mặt địa lý, địa mạo rồi hàng hải thì phải để cho quốc tế phân định.
Tôi không nghĩ rằng chúng ta yêu sách đòi tất cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì chúng ta sẽ được ngần đó, thế nhưng đã là một hồ sơ pháp lý thì phải đầy đủ tất cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mặc Lâm: Vâng, thưa GS Trung Quốc tỏ ra rất lo ngại dư luận của người dân Việt Nam. Khi dân chúng tổ chức các cuộc biểu tình chống Trung Quốc thì Bắc Kinh luôn luôn yêu cầu nhà nước Việt Nam can thiệp. Ông có nghĩ rằng đến một thời điểm nào đó thì nhà nước sẽ tổ chức hay khuyến khích các cuộc biểu tình chống Trung Quốc nhằm hỗ trợ các chính sách đối phó của nhà nước hay không?
PGS Hoàng Ngọc Giao: Theo tôi ở một nền dân chủ thì tiếng nói người dân rất quan trọng và chính sách đối ngoại của nhà nước phải dựa trên lòng dân. Ở đây tôi không muốn nói nhà nước phải khuyến khích hay cho phép. Ở đây phải khẳng định cái quyền có được tiếng nói để bảo vệ chủ quyền của đất nước, đó là quyền của nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên điều đáng tiếc là quan hệ chính trị cho nên chính phủ Việt Nam nhiều lúc cân nhắc đến chuyện quan hệ đối ngoại đối với Trung Quốc, giữ lấy khẩu hiệu 16 chữ vàng và 4 tốt. Trong khi đó nhận thức của nhân dân, công chúng thì người ta thừa thấy rằng cái 16 chữ vàng và 4 tốt nó chả có ý nghĩa gì cả và người ta thấy đường lối đối ngoại của phía Trung Quốc theo kiểu bành trướng đã xé toạc cái khẩu hiệu 16 chữ vàng và 4 tốt do họ nêu ra. Họ nêu ra như thế nhưng họ áp đặt chính phủ Việt Nam theo đường lối gọi là hữu hảo.
Đây là một âm mưu một sách lược vừa đánh vừa trói buộc đối phương của Trung Quốc.
Mặc Lâm: Xin cám ơn giáo sư.
Nhận xét
Đăng nhận xét