Con Đường Baltic : Ca Hát và Tự Do
Published on February 24, 2015 · No Comments
Hơn 2 triệu người nối tay dài 600 cây số vì tự do, độc lập
Mùa hè năm 2013 ngay trước khi xảy ra những biến cố giữa Nga và Ukraine, ngay trước những căng thẳng quốc tế về Biển Đông, chúng tôi có «duyên » thực hiện được chuyến du hành tử Moscow, St. Peterberg đến Warsaw đi dọc theo biển Baltic, xuyên qua các quốc gia Baltic.
Cuộc du hành thú vị xuyên qua ba quốc gia, Estonia, Latvia và Lithuania , ba quốc gia nhỏ bé đã giành được độc lập bằng lời ca quê hương bằng tiếng hát đồng lòng gợi cho chúng tôi lòng cảm thông về một quá khứ đau thương của họ. Những quốc gia nhỏ bé này đã từng bị ảnh hưởng cuả Đức, Thụy Điển, Nga và Ba Lan, giờ đây còn để lại những di sản kiến trúc và danh lam thắng cảnh rất đặc biệt đáng yêu, đáng chiêm ngưỡng. Cuộc hành trình sẽ làm thỏa thích những ai yêu nghệ thuật, lịch sử và thiên nhiên.
Chuyến xe bus chạy tử St. Peterburg qua Estonia không quá xa, băng qua những vùng quê nghèo nàn, những căn nhà xập xệ không ai có thể tưởng tượng đây là ngoại ô của thành phố đẹp nhất nhì xứ Nga. Khi đến biên giới, chúng tôi phải lấy tất cả hành lý, xuống xe du lịch của Nga, qua trạm kiểm soát để đổi xe vào Estonia. Trạm kiểm soát đơn sơ với những nhân viên kiểm soát lạnh lùng. Họ xem cặn kẻ giấy thông hành, nhìn kỹ vào khuôn mặt bạn như một người tội phạm. Chúng tôi ai nấy bỗng nhiên nghiêm trang hẳn. Một anh bạn thấy tôi vụng về khệ nệ kéo hành lý qua đoạn đường gập ghềnh sỏi đá, đã bỏ phiên của anh đế trở lại giúp. Phải mất một lúc lâu mới thấy anh ta ra khỏi khu kiểm soát làm ai nấy lo không biết số phận anh chàng « hào hiệp » ra sao. Qua khỏi biên giới, vào địa phận Estonia chúng tôi cảm thấy như đang thở một thứ không khí khác, nhìn một khung trời khác. Người hướng dẫn cao lớn lịch sự tươi cười đứng cạnh xe bus tân thời, không thô thiển như ở Nga, đưa tay chỉ hướng có phòng vệ sinh. Một anh bạn vẫn còn thấp thỏm vấn đề thủ tục qua ranh giới, giương mắt hỏi «còn phải vào đó kiểm soát nữa à ?», mọi người cười ầm. Không ai muốn ở lại khu đó nữa, chỉ muốn lên xe tiến về thành phố.
Thủ đô của Estonia, Tallinn được độc lập sau khi Liên Bang Sô Viết tan rã. Tallinn hoàn toàn không có dấu vết gì của Moscow hoặc St Peterburg mà chúng tôi vừa mới đi qua. Tallinn niềm nở vui vẻ đón chào. Tallinn cũng không giống Prague của Tiệp Khắc, đẹp, rộng nhưng cảnh tăm tối nghèo nàn còn vương vất. Tallinn bừng sáng, không có nhiều lâu đài thơ mộng như Prague nhưng hoàn toàn không có dấu vết hậu Sô Viết. Nhất là không có những thủ tục di trú ruờm rà dưới cặp mắt không thân thiện và tuyệt nhiên không thấy cảnh sát công an đi ngoài đường. Chỉ thấy dân chúng vui tươi, cởi mở.
Từ năm 1869, Estonia đã có truyền thống tổ chức lễ hội ca hát hằng năm gọi là Laulupidu,
Trước khi đến Estonia tôi chỉ mong có thì giờ để có thề tỉm được sách vở, tài liệu, tiểu thuyết hoặc bất cứ thứ gì nói về cuộc tranh đấu cho tự do bằng ca hát : « Con Đường Baltic ». Đi vào nhiều tiệm sách nhỏ và tiệm chuyên môn về âm nhạc trong khu phố cổ ở Tallinn tôi chỉ có thể tìm được một vài tài liệu bằng tiếng Nga hoặc tiếng bản xứ. Thấy ở góc bên kia đường có thêm một tiệm sách. Tôi băng qua khu phố, nghe tiếng bước chân mình trên những phiến đá lót đường, tưởng như đang dạo chơi giữa quá khứ và tương lai trên một quãng trường rộng với những tiệm ăn xinh đẹp tân thời bên những nhà tháp ngày xưa, mái đỏ cao vút rất bắt mắt. Tiệm sách xếp đặt gọn ghẽ. Tôi gợi chuyện với một người đàn bà lớn tuổi về khu phố quá xinh. Tôi khen thành phố đẹp sau mới hơn hai mươi năm khôi phục độc lập. Rồi từ đó chúng tôi nói về cách hòa giải dân tộc một cách hòa bình của các quốc gia này, sự thán phục của tôi và muốn tìm hiểu về cuộc cách mạng ca hát (The Singing Revolution). Bà nói :
-Cuộc sống hôm nay khác hẳn với thời xưa, chúng tôi phải trả giá rất đắt cho tự do một cách thầm lặng. Bây giờ chúng tôi còn phải nổ lực làm việc nhiều hơn, phải sáng tạo, làm ra tiền.
Rồi bà trầm ngâm :
-Nhưng phải chấp nhận thôi, để thế hệ sau có thể tiến tới.
Tôi nghĩ bà có thể là một trong những thành phần của cách mạng ca hát hơn 20 năm về trước. Bà yên lặng nhưng cái vẻ sung mãn còn trong đôi mắt, «mới chỉ hơn 20 năm, Estonia đã thay đổi hoàn toàn và ta đang còn làm việc cho thế hệ sau ». Chắc hẳn bà còn đang nghĩ như thế. Đó cũng là những phát biểu mà tôi thường nghe khi đến thăm và nói chuyện với nhiều bạn đã và đang sống ở những xứ hậu Sô Viết.
Estonia là một quốc gia rất nhỏ, cùng với Latvia và Lithuania nằm giáp giới biển Baltic. Ngay cạnh Nga, mặc dù là một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới Estonia có một kho tàng các bài hát dân gian lớn nhất thế giới. Qua nhiều thế kỷ lịch sử, dân chúng Estonia đã sử dụng âm nhạc của họ như là một vũ khí chính trị. Các bài hát được dùng để phản đối Đức quốc xâm lược từ thế kỷ 13, cũng dùng để phản kháng chống lại quân đội chiếm đóng của người Nga trong thế kỷ 18 và mới đây trong Cánh Mạng giành độc lập năm 1989 .
Trước đây, từ năm 1869, Estonia đã tổ chức lễ hội ca hát hằng năm gọi là Laulupidu để các ca đoàn từ khắp nơi trên đất nước đến với nhau cùng hợp xướng, có khi tới 25,000 người hát trên sân khấu cùng một lúc . Những buổi họp mặt đó đã thu hút hàng trăm ngàn người với mong muốn phổ biến những bản nhạc về quyền dân tộc tự quyết. Laulupidu đã trở thành nền tảng của cuộc kháng chiến chống sự chiếm đóng của Liên Sô. Trong các chương trình trình diễm công cọng, ngoài việc hát các bài ca ngợi nhà nước và Đảng Cộng Sản , ban tổ chức đã khôn khéo qua mặt các quan chức Liên Sô bằng cách bao gồm các bài hát dân tộc và các bản nhạc bị cấm vào chương trình .
Hiệp ước Sô-Đức (hay còn gọi là Hiệp ước Molotov-Ribbentrop) được ký kết vào năm 1939 giữa Liên Sô và Đức nhằm phân chia ảnh hưởng của Sô-Đức đối với các nước Đông Âu và Baltic. Theo hiệp ước đó Đức nhường cho Liên Sô miền Đông Ba Lan và 3 nước Baltic, Estonia, Latvia và Lithuania. Trong 2 năm 1939 và 1940 Đức đã đưa những người Đức ở Estonia và Latvia về nước. Vào ngày 16 tháng 6 năm 1940, Liên Sô xâm lược Estonia, Latvia và Lithuania. Để tránh đổ máu, chính phủ Estonia quyết định không phản ứng lại và quân đội Estonia được lệnh không chống lại Hồng quân Liên Sô.
Tháng 7 năm 1940, một cuộc bầu cử được tổ chức với kết quả Estonia trở thành một nước cộng hòa Sô viết thuộc Liên Sô với tên gọi Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Sô viết Estonia. Hoa Kỳ và nhiều quốc gia phương Tây không công nhận kết quả cuộc bầu cử này mặc dù vào thời điểm đó Nga khẳng định là dân Estonia đã tình nguyện gia nhập Liên Sô. Tuy nhiên sau đó chính phủ Liên Sô đã giết hoặc gửi nhiều chính trị gia và trí thức người Estonia đi đến những vùng xa xôi. Hơn 34.000 thanh niên Estonia bị bắt phải gia nhập Hồng quân Liên Sô vào thế chiến thứ hai, và chỉ có hơn 10 ngàn thanh niên sống sót.
Năm 1941, phát xít Đức tấn công Liên Sô, lúc đó người Estonia tin tưởng rằng quân đội Đức là những người giải phóng cho đất nước họ khỏi sự cai trị của Liên Sô, thậm chí họ đã tham chiến cho phe phát xít. Sau đó, khi Đức Quốc xã sáp nhập Estonia vào một tỉnh của Đức gọi là Ostland. Họ thành lập trại tập trung trên lãnh thổ Estonia với những vụ thảm sát đẫm máu. Thanh niên Estonia dù không muốn tham gia phe phát xít cũng bị bắt phải tham chiến chống lại Liên Sô. Mùa thu năm 1944, Hồng quân Liên Sô phản công và chiếm lại Estonia, lúc đó người dân nơi đây lại tiếp tục bị trả thù.
Sau khi Estonia được Hồng quân Liên Sô giải phóng (theo quan điểm của Nga và người Estonia gốc Nga) hoặc tái chiếm (theo quan điểm của phương Tây và người Estonia bản địa), dân Estonia đã rời bỏ đất nước sang tị nạn ở Thụy Điển và Phần Lan. Ở trong nước, hàng ngàn người Estonia đã bị giết hại và hàng chục ngàn người khác bị đưa đi cải tạo lao động tại những vùng xa xôi hẻo lánh của Liên Sô. Sự việc này kéo dài cho đến năm 1953, khi Stalin chết. Chỉ một nửa số người Estonia bị lưu đày còn sống sót và được chấp nhận trở về Estonia vào khoảng đầu thập niên 1960.
Estonia, Latvia và Lithuania, với vị trí địa lý chiến lược rất quan trọng đã bị quân sự hóa cao độ và rất ít người dân của ba xứ này được phép sống tại những vùng đó. Hàng trăm ngàn người từ các vùng khác nhau của Liên Sô đã đến định cư để tiến hành các chính sách công nghiệp hóa và quân sự hóa vùng đất này.
Trong Thế chiến II, Liên Sô xâm lược Estonia, Latvia, Lithuania và Cộng sản cai trị các nước Baltic này một cách cứng rắn. Đến năm1988, tình hình chính trị thay đổi khi lãnh đạo Liên Sô Mikhail Gorbachev nới lỏng sự kiểm soát dưới perestroika và glasnost, Estonia và nhiều nước Đông Âu vẫn còn nằm dưới sự thống trị của Liên Sô .
Vào tháng 6 năm 1988 người biểu tình tụ tập về đêm, thành từng nhóm nhỏ ở các nơi gần Tallinn Song Festival. Họ hát những bài hát quê hương, những bài hát chống đối và phẩn nộ chính phủ đã tiềm ẩn trong lòng sau gần năm mươi năm cai trị của Liên Sô . Khi không thấy chính phủ đàn áp, họ tiếp tục tham gia ngày một đông hơn trong những đêm tiếp theo, và nhiều đêm sau đó. Phong trào tự phát này được gọi là cuộc Cách mạng Ca hát.
Có khi cả quảng trường biến thành sân khấu, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người cùng hát. Và bài hát thành vũ khí tranh đấu.
Ngày 28 Tháng 8 năm 1988, lễ hội mùa hè được tổ chức, và các bài hát yêu nước được sáng tác bởi Alo Mattiisen và nhiều nhạc sĩ được thực hiện trong lễ hội này. Mọi người nắm tay nhau ca hát, từ đó một truyền thống « cùng nắm tay ca hát cho tự do » bắt đầu.
Ngày 11 Tháng 9 năm 1988, một lễ hội hát lớn, gọi là “Song of Estonia”, được tổ chức tại Tallinn Song Festival Arena. Hơn 300.000, một phần tư dân số Estonia đã đến với nhau . Các nhà lãnh đạo chính trị đã tham gia tích cực, công chúng đã bắt đầu góp phần vào ngọn lửa khơi mào cho việc khôi phục nền độc lập của đất nước.
Cách mạng Ca Hát (The Singing Revolution) kéo dài hơn bốn năm, với những cuộc biểu tình khác nhau với nhiều hành vi thách thức. Năm 1991, khi xe tăng của Liên Sô đã không thể ngăn chặn tiến trình hướng tới sự độc lập,vì người người (human chain) đã làm những lá chắn sống để bảo vệ các đài phát thanh và truyền hình, Estonia giành được độc lập mà không đổ máu.
‘Con đường Baltic’ (The Baltic Way) còn được gọi bằng nhiều tên khác như ‘Chuỗi Người’ (The Human Chain), ‘Cách Mạng Ca Hát’ (The Singing Revolution) thường được sử dụng cho các sự kiện xảy ra từ năm 1987 đến1991 để đưa đến sự phục hồi nền độc lập của Estonia, Latvia và Lithuania. Danh từ này được một nhà hoạt động của Estonia và nghệ sĩ, Heinz Valk dùng trong một bài báo công bố một tuần sau ngày 10-ngày 11 tháng 6, 1988. Bài báo viết về cuộc biểu tình ca hát tại Festival Grounds Tallinn Song vào ngày 23 tháng 8 năm 1989. Gần hai triệu người cùng nắm tay nhau tạo thành một chuỗi người dài hơn sáu trăm cây số trải qua ba nước vùng Baltic là Estonia, Latvia, và Lithuania để phản đối chế độ Sô Viết. Cuộc biểu tình chưa từng có này đã gây tiếng vang trong dư luận quốc tế. Nó đánh dấu 50 năm ngày Liên bang Sô Viết và Đức Quốc Xã bí mật ký Hiệp ước Molotov-Ribbentrop phân chia quyền lực ở Đông Âu, mở đầu cho thời kỳ ba quốc gia trên bị chiếm đóng bởi Liên bang Sô Viết.
Ngày 23 tháng 8 năm 1986, cuộc biểu tình với tên Ruy băng Đen ( Black Ribbon) được tổ chức tại 21 thành phố lớn, New York, Stockholm, London, Toronto…. Hàng chục ngàn người biểu tình với mục đích khơi dây nhận thức cộng đồng quốc tế về hiệp ước bí mật Sô-Đức. Một tuần trước cuộc biểu tình, chính quyền Sô Viết thừa nhận hiệp ước bí mật có thật, nhưng vẫn khẳng định rằng ba nước Baltic tự nguyện xáp nhập vào Liên bang.
Chuỗi người kéo dài, kết nối ba thủ đô Baltic – Vilnius, Riga, và Tallinn. Chạy từ Vilnius dọc theo đường cao tốc A2 theo Via Baltica qua Pasvalys đển Latvia và qua Iecava và Kekava đến Riga, sau đó dọc theo đường A2, đến Turi và Rapla để đến Tallinn.
Những thành phần tham gia ngày Human Chain mang theo radio để có thể cho biết chính xác thời gian và địa điểm kết hợp chuỗi người từ Tallinn qua Riga đến Vilnius. Họ chuẩn bị kỹ càng để giòng người không bị gián đoạn. Mỗi địa phương trên đoạn đường có dòng người nắm tay nhau “chạy” qua đều dùng phương tiện công cộng miễn phí để đưa nhân dân đến chổ hẹn trong thành phố, thị trấn đã chỉ định. Những người biểu tình cùng nhau nắm tay vào lúc 7 giờ tối giờ địa phương. Các chương trình radio đặc biệt góp phần giúp đỡ cho nỗ lực này. Tại Vilnius, hàng ngàn người tập trung tại Quảng trường Nhà thờ Lớn, tay cầm nến hát vang lên các khúc ca quê hương yêu dấu. Tại các nhà thờ, thánh lễ được tổ chức cùng giờ và chuông rung liên hồi.
Họ nắm tay ca những bài quốc ca đã bị cấm, như quốc ca của Lithuania «Tình yêu của quốc gia Lithuania cháy rực trong trái tim chúng ta để rồi sự độc lập của Lithuania sẽ khởi sắc mãi mãi (May our love for Lithuania burn in our hearts, so Lithuania unity will blossom forvever…). Quốc ca của Estonia mang tên « Tổ quốc của tôi. Đất nước của tôi. Niềm tự hào và sung sướng của tôi (My fatherland. My Native land. My Price and Joy). Dân chúng bất kể những đàn áp của Sô viết, vài tháng trước khi phong trào nổi dậy, 3 nhạc trưởng cuả Estonia bị bắt cầm tù 25 năm, cả ngàn ngưởi Estonia, Latvia và Lithuania cũng bị giam cầm.
Những người biểu tình thắp nến và cờ quốc gia để tưởng nhớ đến các nạn nhân đã bị Liên Sô khủng bố như Forest Brothers, những người bị trục xuất tới Siberia, các tù nhân chính trị, và nhiều nhân vật khác.
Cuộc biểu tình diễn ra hoàn toàn không bạo động. Tuy nhiên, dân chúng tham gia không khỏi lo ngại bị đàn áp. Trong thực tế, chủ tịch Đông Đức Erich Honecker và chủ tịch Rumani Nicolae Ceauşescu đã đồng ý hỗ trợ quân sự trong trường hợp Liên bang Sô Viết quyết định dùng vũ lực phá vỡ cuộc biểu tình.
Cuộc biểu tình gây chấn động lớn trong cộng đồng các quốc gia phương Tây. Hãng tin Reuters ngày hôm sau ước lượng có khoảng 700 ngàn người Estonia trong 1 triệu 600 ngàn dân, 500 ngàn người Latvia trong 2 triệu 700 ngàn dân và gần 1 triệu người Lithuania trong 3 triệu 700 ngàn dân. Nói một cách khác, có 2 triệu người trong tổng số 8 triệu người dân ở cả ba nước đã tham gia sự kiện này.
Chuỗi người cùng nhau nắm tay đã tượng trưng cho tình tương trợ giữa các quốc gia Baltic trong đấu tranh giành độc lập và tự chủ. Nó đã thiết lập ý tưởng về sự đoàn kết của khối các “quốc gia Baltic” cùng hợp tác để phát triển. Sự kiện này cũng đã chứng tỏ sức mạnh quần chúng trong ôn hòa, giúp cổ vỏ sự đứng lên của những ai còn nghi hoặc hay còn lo sợ bị đàn áp.
Tháng11năm1989, khi bức tường Bá Linh sụp đổ. Tháng 12, Gorbachev ký tuyên bố lên án Hiệp ước bí mật Xô-Đức. Trong vòng sáu tháng sau, Lithuania trở thành nước Cộng hòa Xô Viết đầu tiên tuyên bố độc lập.
Cuộc biểu tình đã được ghi vào sách kỷ lục thế giới về hàng người dài nhất trong lịch sử. Sách kỷ lục Litva cũng ghi nhận đây là vụ kẹt xe dài nhất lịch sử do gần 150 cây số đường cao tốc Vilnius-Kaunas bị tắc nghẽn.
Tháng 12 năm 1989, khi Mikhail Gorbachev ký báo cáo của Ủy ban công nhận có giao ước bí mật trong Hiệp ước Molotov-Ribbentrop giũa Đức và Liên Sô, vào tháng Hai năm 1990, các ứng cử viên ủng hộ độc lập giành được đa số ghế trong các cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở ba nước Baltic. Ngày 11 tháng 3 1990, trong vòng bảy tháng sau “Con đường Baltic”, Lithuania trở thành quốc gia đầu tiên của Liên Sô tuyên bố độc lập. Sự độc lập của cả ba nước Baltic đã được công nhận bởi hầu hết các nước phương Tây vào cuối năm 1991. Tài liệu ghi lại Con Đường Baltic (Baltic Way) đã được bổ sung vào bộ nhớ của UNESCO năm 2009 công nhận những giá trị của họ trong tài liệu lịch sử.
Trong năm 1986, công chúng đã biết Liên Sô có kế hoạch xây dựng một nhà máy thủy điện trên sông lớn nhất Daugava của Latvia, và quyết định xây dựng tàu điện ngầm ở Riga. Cả hai dự án đều cần phá hủy quan cảnh và di sản văn hóa lịch sử của Latvia. Cộng đồng báo chí kêu gọi công chúng đứng lên phản đối những quyết định này. Công chúng đã phản ứng ngay lập tức, và đáp ứng bằng cách thành lập câu lạc bộ bảo vệ môi trường vào ngày 28 tháng 2, 1987. Trong những năm sau, Câu lạc bộ bảo vệ môi trường đã trở thành một trong những phong trào quần chúng có ảnh hưởng nhất trong khu vực và từ đó tạo ra nhu cầu phục hồi độc lập của Latvia.
Ngày 14 tháng sáu năm 1987, các nhóm nhân quyền “Helsinki-86″ tổ chức cho mọi người đặt hoa tại Đài tưởng niệm Tự do, biểu tượng nền độc lập của Latvia. Những sự kiện đó bắt đầu khơi giậy khát vọng tự do của dân chúng cùng với lễ hội Ca Hát Nhảy Múa tại Latvia (Latvia Song và Dance Festival) năm 1985. Trong lễ hội ngoài những tiết mục chính, ban tổ chức dù biết chính quyền Liên Sô sẽ phản đối, cũng đã để cho ca đoàn thực hiện Ca khúc nói về sự tái sinh của quốc gia Latvia ngoài những tiết mục khác.
Vào ngày1 và 2, năm 1988, Hội “Liên hiệp Nhà văn” đã tổ chức Đại hội đòi dân chủ hóa xã hội, tăng chủ quyền kinh tế của Latvia. Họ đòi hạn chế người nhập cư từ Liên Sô, giảm sự chuyển đổi của ngành công nghiệp và vấn đề bảo vệ các quyền của Latvia đã được các đại biểu thảo luận. Đại hội Nhà văn khuấy động dư luận và kích thích kinh tế bổ sung cho sự phục hưng quốc gia.
Vào mùa hè năm 1988, hai trong số những tổ chức quan trọng nhất của thời kỳ phục hưng bắt đầu : Mặt trận nhân dân và phong trào Độc lập Quốc gia Latvia (LNIM). Ngay sau đó Đại hội triệt để nghiêng về công chúng và có nhiều đòi hỏi hoàn toàn không phù hợp với các đại diện của chế độ Sô viết. Tất cả các tổ chức này đã có một mục tiêu chung:. Sự phục hồi của nền dân chủ và độc lập. Ngày 7 Tháng 10 1988, đã có một cuộc biểu tình công cộng, đòi độc lập của Latvia và thiết lập trật tự pháp lý. Vào ngày 8 và 9 Đại hội đầu tiên của Mặt trận nhân dân Latvia đã được tổ chức. Tổ chức này đã thu hút 200.000 thành viên, trở thành nhóm đại diện chính của phong trào phục hồi độc lập.
Ngày 23 tháng 8 năm 1989, kỷ niệm lần thứ năm mươi của Hiệp ước Molotov-Ribbentrop, Mặt trận nhân dân của cả ba nước Baltic tổ chức một cuộc biểu tình lớn của sự đoàn kết – Con Đường Baltic “Baltic Way”. Một con đường dài hơn 600 km (373 dặm) của “chuỗi con người” (Human Chain) nắm tay nhau từ Tallinn qua Riga đến Vilnius được thực hiện. Đây là một cuộc biểu tình mang tính biểu tượng của nhân dân kêu gọi độc lập từ Liên bang Sô viết. Nước Cộng hòa Latvia công bố độc lập vào ngày 21 Tháng Tám năm 1991.
Tại Lithuania hàng ngàn người dân thường tụ tập ở những nơi công cộng hát các bài hát quốc gia và thánh ca Công giáo La Mã. Các bài hát yêu nước được phổ biến rộng rãi và tăng lên đáng kể trong thời gian này. Nhiều ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng đã sử dụng các bài thơ của những nhà thơ dân tộc, chẳng hạn như Bernardas Brazdžionis hoặc Justinas Marcinkevičius phổ thành nhạc để hát .
Ngày 3 tháng 6 năm 1988, Sąjūdis, một phong trào chính trị và xã hội để lãnh đạo phong trào độc lập và dân chủ, được thành lập. Họ sử dụng các nhà thờ cho cộng đồng Công Giáo chứ không để dùng như bảo tàng mỹ thuật trước đây. Họ phục hồi dần dần các biểu tượng quốc gia, trong đó bao gồm việc lắp đặt hoặc phục hồi của nền độc lập di tích trong cả nước. Quốc ca nước Lithuania và Tricolore cổ truyền dân tộc đã được hợp pháp hóa tại Lithuania vào ngày 18 Tháng 11 năm 1988. Năm mươi năm sau khi Lithuania đã bị chiếm và sát nhập vào Liên Xô, Lithuania trở thành nước cộng hòa đầu tiên tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô vào ngày 11 tháng 3 năm 1990, theo sau là Latvia và Estonia.
Người Lithuanian không chỉ tỏ ra họ đã cố gắng đi tìm tự do, những cuộc biểu tình của họ thường bị nghiêm trị ở Liên Sô trong suốt những năm cuối thập niên tám mươi. Nhưng người Lithuanian đã không nản chí, các nhà văn ước tính 200,000 người đã mạo hiểm cuộc sống của họ để hoạt động cho con đường tìm tự do. Các cuộc biểu tình ở thủ đô Vilnius của Lithuania đánh dấu sự thành lập Sajudis. Họ yêu nước, ca hát những bài ca quê hương và rất yêu thơ. Họ ngang nhiên viết lên những tội ác của Stalin được dân chúng hổ trợ nhưng đã bị đàn áp.
Tách ra khỏi Liên Sô dân tộc Lithuania như được hồi sinh. Chủ nghĩa dân tộc, lòng dũng cảm là niềm tự hào, hân hoan của họ trong công cuộc dành độc lập.
Sự thành công của “Chuỗi người “, “Cách Mạng Ca Hát” đã cho toàn thế giới thấy biểu tượng đoàn kết giữa các dân tộc Baltic. Hình ảnh tích cực của cuộc Cách mạng Ca hát lan rộng trong giới truyền thông phương Tây cho quần chúng thấy một sự kiện thật xúc động: không những một dân tộc mà cả 3 dân tộc láng giềng cùng quyết tâm tìm kiếm độc lập. Cuộc biểu tình cho thấy rằng các phong trào đòi độc lập có thể trở thành quyết đoán và triệt để hơn khi có sự đồng lòng. Dân chúng đã chuyển từ đòi hỏi Moscow cho nhiều quyền tự do hơn đưa đến việc dành độc lập hoàn toàn.
Năm 1991 cả ba nước đều tuyên bố độc lập. Mặc dù là nước đầu tiên trong Liên bang Sô Viết tuyên bố độc lập vào năm 1990, ngày 1/1/2015 vừa qua, Lithuania là thành viên cuối cùng của ba nước vùng Baltic gia nhập khu vực sử dụng EU, đồng tiền chung châu Âu (eurozone) sau Estonia, gia nhập năm 2011 và Latvia năm 2014. Tất cả ba quốc gia Baltic gia nhập Liên minh châu Âu và NATO vào năm 2004.
Đài kỷ niệm tại Riga, thủ đô Lasvia, 2009, hai hàng nến tượng trưng Baltic Way
Sau khi trở thành một quốc gia độc lập, Estonia đã thắt chặt quan hệ ngoại giao với các nước phương Tây. Do có những mối quan hệ về lịch sử và văn hóa, người Estonia có mối liên hệ về mặt dân tộc gần gũi với các nước Bắc Âu như Thụy Điển và Phần Lan hơn là với các nước cùng nằm trong khu vực Baltic với mình là Latvia và Lithuania. Hiện nay quan hệ kinh tế giữa Estonia với các Bắc Âu ngày càng được đẩy mạnh với hơn 3/4 đầu tư nước ngoài vào Estonia là đến từ các nước Bắc Âu.
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Estonia và Nga lại khá lạnh nhạt, nhiều lúc lên đến căng thẳng. Những mâu thuẫn chủ yếu giữa hai nước là vấn đề lãnh thổ kể từ sau khi Liên Sô tan rã hay những quan điểm khác nhau giữa hai nước về vấn đề lịch sử trước đây. Người Estonia coi người Nga là một lực lượng cai trị đất nước họ còn người Nga lại cho rằng họ đã giải phóng Estonia thoát khỏi chủ nghĩa phát xít. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi chính quyền Estonia quyết định dời bức tượng đài chiến sĩ Hồng quân tại thủ đô Tallinn hồi tháng 4 năm 2007 vì lý do tượng đài này gợi nhớ lại thời kỳ đau thương khi bị Liên Sô chiếm đóng. Tuy nhiên người Estonia gốc Nga đã vô cùng phẫn nộ và coi đây là một hành động thóa mạ lịch sử. Mối quan hệ giữa Estonia với Nga trở nên căng thẳng chưa từng thấy.
Các cơ quan lập pháp của Estonia ban hành bản Tuyên Bố Chủ Quyền của Estonia. Độc lập được công bố vào tối ngày 20 tháng 8, 1991. Ngày 22 tháng 8 1991, Iceland là quốc gia đầu tiên công nhận nền độc lập mới được phục hồi của Estonia.
Sau khi trở thành một quốc gia độc lập, Estonia đã thắt chặt mối quan hệ ngoại giao với các nước phương Tây. Năm 2004, Estonia gia nhập NATO và Liên minh Châu Âu – EU. Trong khi đó, mối quan hệ giữa nước này với Nga lại xấu đi nhanh chóng và lên đến căng thẳng cực độ trong vụ Estonia di dời tượng đài Chiến sĩ đồng thiếc.
Sau khi được độc lập, Estonia hủy bỏ tiền Sô viết ngay và lập ra đồng Kroon. Latvia cũng vậy, họ tạo ra tiền mới cho riêng họ là đồng Lats và Lithuania có tiền mới là đồng Litas năm 1993.
Sau khi được độc lập đời sống xã hội của ba nước Baltic thay đổi lớn mặc dù sự độc lập mang lại nhiều cơ hội mới. Dân chúng gặp khó khăn khi giá cả nhảy vọt theo mức sống Tây phương, tuy nhiên cơ hội và tương lai của tuổi trẻ tốt hơn nhiều nên họ sẵn sàng trả mọi giá cho sự độc lập trên quê hương.
Tượng đài Baltic Way tại Estonia khánh thành năm 2000. Hình tượng người đứng nối tay đục qua tường.
Lithuania có nhiều bảo tàng lớn và danh tiếng, trong đó có bảo tàng “ Ngân hàng tiền tệ” được mở cửa năm 2010. Ở đây bạn có thể hiểu được lịch sử, hệ thống ngân hàng tiền tệ thế giới. Một bảo tàng lạ nữa là “Bảo tàng ngoài trời Rumiskes” như tên gọi, đây là bảo tàng nằm ở ngoài trời lớn nhất Âu châu, trưng bày những biểu tượng của dân tộc Lithuania. Lithuania còn có rất nhiều công viên đẹp. Nếu bạn là người yêu chuyện cổ tích và lâu đài thì Lithuania là nơi để khám phá nhiều công trình kiến trúc mang đậm màu sắc châu Âu này. Trên đảo Trakai – tòa lâu đài nằm trên đảo duy nhất ở Đông Âu, do Vua Vytautus Đại đế xây dựng đã bị phá hủy trong Thế chiến thứ hai, nhưng đã được xây dựng lại. Hiện lâu đài này được sử dụng làm bảo tàng lịch sử và là một địa điểm tổ chức đám cưới được yêu thích.
Nếu đi tới Kaunas, thành phố lớn thứ hai của Lithuania, đừng bỏ qua lâu đài đá cổ nhất ở Lithuania mang tên Kaunas. Công trình được xây dựng vào giữa thế kỷ 14 theo lối kiến trúc Gothic với mục đích bảo vệ thành phố. Ngày nay, lâu đài Kaunas nằm bên dòng sông Nemunas thơ mộng này là một điểm đến thu hút rất nhiều khách du lịch.
Khi đến Riga, thủ đô của Latvia, bạn không thể nào không để ý đến sông Daugava, một dòng sông có chiều dài 1,020 km, chia khá đều với 325 km nằm ở phía Nga, 328 km ở Belarusse và 367 km vào địa phận Latvia. Từ tháp truyền hình Riga bạn có thể ngắm nhìn quang cảnh hai bên dòng sông và vịnh Riga, mùa hè như một tấm thảm đan màu xanh lá cây xa tận chân trời. Từ đó bạn cũng có thể thấy nhà thờ Duome có chiếc chuông khổng lồ , khi mới đúc năm 1883-1884 cao ba tầng nhà, là chiếc chuông lớn nhất thế giới thời đó. Những năm gần đây, chính quyền cố gắng giữ gìn những di tích cổ xưa của thành phố. Đây là một trong những khu phố nhỏ xinh xắn sau khi được trùng tu.
Cả ba xứ Baltic đều còn có những pháo đài cổ chắc chắn, những lâu đài cổ kính giữa những rừng cây xanh biếc từ thế kỷ 13 như lâu đài Turaida từng là một pháo đài quan trọng vào thời Trung cổ và thời kỳ thống trị của Thụy Điển, Ba Lan, Nga. Sau khi được trùng tu lại, lâu đài Turaida đã trở thành một thắng cảnh được rất nhiều người biết đến ở Latvia.
Tôi bị mê hoặc bởi Tallinn từ khi chưa được đến đó, có thể tôi đã bị thu hút bởi « Con đường Baltic ». Tuy nhiên khi đứng ngay trong phố cổ, nhìn thành phố từ trên cao tôi mới thấy Tallinn đáng được chinh phục. Thủ đô của Estonia nằm trên phía nam của vịnh Phần Lan, hiện ra như một bức tranh kỳ diệu trong ánh sáng vàng nhạt. Tallinn là một hỗn hợp đủ màu sắc của nhiều nền văn hóa, là một kết hợp của những lâu đài, pháo đài, nhà thờ, thiên hình vạn trạng mà hòa hợp hiền lành với nhau trong màu cam đỏ rất đẹp. Đứng ở trên cao nhìn những tháp chuông, những dome những nhà lớn nhỏ nối đuôi nhau ra đến tận vịnh Phần Lan ở cuối chân trời như một tuyệt tác của đời sống, của chiến tranh, của lãng mạn của đau buồn và vươn lên.
Phố cổ Tallinn lôi cuốn du khách bằng nhiều triễn lãm đồ cổ và nghệ thuật. Góc phố nào cũng có một nhà thờ nhỏ mời gọi mình bước vào chiêm ngưỡng, khám phá. Quá khứ và hiện tại nối đuôi nhau trong rất nhiều gian hàng trưng bày nghệ thuật. Có không biết bao nhiêu là bảo tàng lớn nhỏ, mỗi bảo tàng kể một chuyện, trưng bày nhiều sự kiện lịch sử đáng nhớ của một quốc gia mang một chiều sâu đáng kể.
Đó là chưa kể bạn có thể đi hằng giờ quanh những bức tường thành, ngắm những lâu đài bao quanh từ thời Trung cổ đến nay. Ở đâu cũng có những biểu hiện của một thời kỳ lịch sử. Gần nhất là nhà thờ Alexander Nevski, từ thế kỷ 19 của Nga Hoàng…
Kể mãi không hết…
Ủy ban Du lịch Châu Âu cho biết, nhiều khách du lịch đến thăm các nước ở Trung Âu và Đông Âu để tiết kiệm chi phí và để hiểu rõ hơn về các “xứ lạ” mà từ lâu nay họ chưa hề được đặt chân đến. Nếu bạn chưa có dịp đến thăm các quốc gia Đông Âu xinh đẹp này, hãy làm một chuyến du hành vì phong cảnh, sắc thái dân tộc và lịch sử của họ có những điểm thật khác nhưng cũng có những tâm tình hoàn toàn giống chúng ta. Nhất là ở thời đại ‘internet” và “jet set” này không nơi chốn nào rất xa, không còn phải sợ “ngăn sông cách núi” mà chỉ vì “lòng người ngại núi e sông” mà thôi.
Nhắc đến internet, bạn có biết ba nước Baltic là những quốc gia tiên tiến nhất về vấn đề internet. Cái nôi của Skype, một nhu liệu có thể truyền âm thanh, chữ viết và video qua máy điện toán nằm tại Estonia do hai nhà sáng chế nổi tiếng là Nikklas Zennstrom, người Thụy Điển và Janus Friis người Đan Mạch. Bạn có thể dùng Wifi miễn phí ở Estonia. Năm 2005, Estonia là nơi đầu tiên dân chúng có thể bầu chính quyền địa phương qua internet, năm 2007 họ có thể bầu cử quốc hội qua internet. Tuy nhiên dân chúng nếu muốn vẫn có thể bỏ phiếu theo cách truyền thống.
Lithuania là một trong những quốc gia có tốc độ truy cập internet nhanh nhất thế giới. Là một quốc gia nhỏ bé với hơn 3 triệu dân, Lithuania là một trong những quốc gia có tỷ lệ dân cư sử dụng dịch vụ internet và công nghệ cao nhất thế giới.
Gần đây, hành động xâm lấn của Nga ở Ukraine khiến ba nước Baltic tưởng như có sự lập lại của lịch sử, dù ngân sách quốc phòng không nhiều họ cũng phải gia tăng chi tiêu quân sự vì sợ tham vọng chủ quyền của Nga. Chỉ trong 6 tháng vừa qua, 3 quốc gia này với dân số chỉ hơn 6 triệu đã chi ra 300 triệu Euro cho thiết bị quân sự. Vào đầu tháng 12 , 2014 thủ tướng Estonia Taavi Roivaas đã so sánh những sự kiện chính trị vừa qua của Nga như là “thay đổi thời tiết” tức là trong nhiều năm nữa, tình trạng an ninh sẽ thay đổi như hiện nay.
Mối lo của ba nước ngày càng tăng khi thấy những hoạt động quân sự Nga ngay sát biên giới của họ. Ngày nào phi cơ quân sự của Nga cũng bay gần quốc gia họ. Trong hai ngày cuối tuần đầu tháng 12 phi cơ của khối NATO đã nhiều lần phải cât cánh để kèm sát các phi cơ oanh tạc của Nga.
Chúng ta chỉ biết cầu nguyện sao cho Estonia, Latvia và Lithuania không còn phải đi vào “Con Đường Baltic” một lần nữa.
Lê Thị Hàn
New York, Tháng Giêng, 2015
(Trong “Xuyên Qua Xứ Lạ)
Theo ERCT
Nhận xét
Đăng nhận xét