ĐIỂM BÁO PHÁP NGÀY 26-2-2015

Nguyên nhân thất bại của chính sách tái lập quan hệ Mỹ-Nga

Hai nguyên thủ Nga-Mỹ, Vladimir Putin và Barack Obama, Los Cabos, Mehico, 18/06/2012, bên lề thượng đỉnh G20.REUTERS/Jason Reed

Nguyên nhân thất bại của chính sách tái lập quan hệ Mỹ-Nga

Theo RFI
Trọng Thành
ngày 26-2-2015
Để lý giải xung đột tại Ukraina và căng thẳng hiện nay giữa Nga và  Phương Tây, báo Le Monde có bài phân tích đáng chú ý của thông tín viên  Gilles Paris, từ Washington, với tựa đề « Thất bại của chính sách tái  lập quan hệ Mỹ-Nga » (L’échec du « reset » américano-russe).
 
Gilles Paris nhận định « cuộc tấn công của Nga tại Ukraina là đỉnh cao thất bại » của sáng kiến hòa giải Mỹ, mà « một phần lớn nguyên nhân là do các phân tích sai lầm của ngoại giao Hoa Kỳ ». Bài viết giới thiệu cuốn tiểu sử của Tổng thống Nga Vladimir Putin, mà đồng tác giả là chuyên gia về Nga Fiona Hill. Tác phẩm « Mr Putin, Operative in Kremlin » (tạm dịch « Ông Putin. Tay gián điệp tại Kremlin »), vừa được tái bản với nhiều bổ sung.
Fiona Hill phụ trách ban Châu Âu tại viện tư vấn Brookings, bà từng là cố vấn về Nga và khối Âu-Á cho Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ.
Theo Fiona Hill, ngay trước thời Tổng thống Obama, Hoa Kỳ dưới chính quyền Bush đã thực sự mong muốn cải thiện quan hệ với Nga. Tuy nhiên, một trong những sai lầm lớn được Fiona Hill nhắc đến trong cuốn sách là người Nga « cảm thấy bị sỉ nhục với việc người Mỹ không ngừng nhắc lại với họ rằng biện pháp này (tức hệ thống lá chắn tên lửa mà Hoa Kỳ muốn xây dựng tại Châu Âu để chống lại các lực lượng thù địch) không nhằm vào Nga ». Chuyên gia về Nga giải thích, điều này tương đương với việc cho rằng Nga không được coi trọng, ngược lại với Trung Quốc, « quốc gia vừa được coi là mối đe dọa, vừa là một đối tác kinh tế không thể bỏ qua ».
Theo chuyên gia Mỹ, trong một thời kỳ rất dài cho đến gần đây, Hoa Kỳ vẫn nhìn nhận nước Nga của Putin giống như dưới thời Boris Eltsin, với nền kinh tế kém phát triển, trong khi đó trên thực tế, Nga đã bước sang một giai đoạn thịnh vượng dưới thời Putin. Và bên cạnh đó Washington cũng không thấy được rằng Vladimir Putin đã tập trung quyền lực chưa từng có trong tay, kể cả về chính trị, kinh tế và quân sự, ngay khi còn đảm nhiệm chức Thủ tướng.
Chuyên gia  Fiona Hill nhận xét chính sách của Mỹ với Nga khiến hai nước như « sống trong các thế giới hoàn toàn khác biệt ». Có thể thấy được điều này qua hình ảnh cuộc hội kiến đầu tiên giữa hai nguyên thủ năm 2012, tại Los Cabos, Mehico. Một hình ảnh không toát lên mối liên hệ nào giữa hai bên.
Cuốn sách của Fiona Hill mang lại nhiều thông tin thú vị về quan hệ ngoại giao Nga-Mỹ trong những năm gần đây.
Donbass : « Nhà hát múa bóng » của các thủ lĩnh ly khai
Trong khi Libération giới thiệu kế hoạch làm tan hoang Ukraina của Tổng thống Nga cách nay một năm (qua bài « Ukraina : một cuộc xâm lăng được Kremlin tính toán kỹ »), được một tờ báo đối lập tại Nga công bố, Le Figaro có bài « Nhà hát múa bóng của các thủ lĩnh ly khai ». Bài do đặc phái viên Regis Gente gửi về từ Donetsk vạch rõ bàn tay nước Nga đằng sau các hoạt động của phe ly khai miền Donbass. Nhà báo Le Figaro đặc biệt chú ý đến sự kiện lãnh đạo phe ly khai quyết định lấy ngày 23/02 hàng năm làm ngày lễ chính thức của « nước cộng hòa tự phong ». 23/02 là ngày thành lập Hồng quân Liên Xô (năm 1918). Nghi thức được cử hành trên nền nhạc Xô viết và các biểu tượng của đạo Chính thống
Le Figaro dẫn lời chuyên gia chính trị học Ukraina, gốc Donbass, ông Alexandre Nikonorov, theo đó, cuộc nổi dậy vũ trang tại miền đông Ukraina thoạt tiên do các thủ lĩnh người Nga chỉ huy, như A. Borodai, người từng làm thủ tướng nước Cộng hòa tự phong Donestk. Khó có thể khẳng định ông ta làm việc trước tiếp dưới sự chỉ đạo của Nga, nhưng việc thủ lĩnh này và nhiều người khác đã từng làm việc cho các cơ quan gián điệp Nga cho phép khẳng định mối ngờ vực.
Một đoạn camera quay được ngày 11/02 tại Minsk cho thấy lãnh đạo ly khai Ukraina đi cùng xe hơi với ông Vladislav Sourkov – cố vấn thân cận của Tổng thống Nga – bị tình nghi nhúng tay vào vụ hạ sát nhiều người tình tại quảng trường Maidan. Một lãnh đạo phe nổi dậy biện minh, phe ly khai có quyền trao đổi với « những người bạn Nga », giống như phía Ukraina với người Mỹ. Vẫn theo nhà chính trị học Alexandre Nikonorov, chính quyền Nga đã có rất nhiều nỗ lực tuyên truyền để làm mọi người tin rằng các thủ lĩnh Donbass thực sự là những nhà cầm quân.
Tổng thống Chyprus thăm Nga, Putin phân hóa Châu Âu
Le Figaro còn có một bài đáng chú ý khác. Bài « Putin tìm cách phân hóa Châu Âu » nhắc đến sự kiện lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia thuộc Liên Hiệp Châu Âu công du chính thức nước Nga, kể từ khi khủng hoảng Ukraina bùng lên. Quốc gia được nói đến là Chyprus, một tiểu quốc Nam Âu.
Chuyến công du của lãnh đạo Chyprus tới Nga không phải là ngẫu nhiên. Le Figaro nhận xét : « Đối với thủ lĩnh điện Kremlin, người chính thức cam kết ủng hộ quá trình hòa bình tại Ukraina, thì sự xuất hiện của một đồng minh như vậy rơi đúng lúc. Các thủ lĩnh Donbass vừa thông báo rút vũ khí hạng nặng, trong khi đó, theo tổng kết của quân đội Ukraina, trong một ngày qua không có thêm binh sĩ nào thiệt mạng ».
Tại Bruxelles, có nhiều lo ngại trước xu hướng Nga thắt chặt quan hệ với một số thành viên của Liên Hiệp Châu Âu như Hungari, Hy Lạp hay Chyprus. Trong kế hoạch công du của Tổng thống Chyprus có chương trình tăng cường hợp tác quân sự.
Pháp muốn đóng góp cho sự cất cánh kinh tế của Philippines
Liên quan đến Châu Á, chuyến công du của Tổng thống Pháp tới Philippines hôm nay và ngày mai, là chủ đề rất được quan tâm. Le Monde có hồ sơ « Hollande trong chuyến công du vì khí hậu tại Philippines ». Bài viết mở đầu với ghi nhận : « đối với (Tổng thống) François Hollande, con đường dài đi tới một thỏa thuận toàn cầu với tháng 12 tới tại Paris, trước hết phải qua ngả Philippines ». Pháp và Philippines dự kiến sẽ ra « tuyên bố Manila », kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Philippines sở dĩ được lựa chọn vì hai lý do : thứ nhất đây là quốc gia có tiềm năng phát triển rất lớn, bên cạnh đó đây là quốc gia xếp thứ hai thế giới về nguy cơ bị tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, theo xếp hạng của World Risk Index 2014 (sau quần đảo Vanuatu). Thế giới trong thời gian đặc biệt chấn động trước các siêu bão kinh hoàng tàn phá quần đảo. Cơn cuồng phong Haiyan năm 2013 khiến 7.350 người thiệt mạng, hàng triệu người phải lánh nạn, và làm thiệt hại ước tính 5% GDP Philippines.
Đối với nước Pháp quan hệ với Philippines – quốc gia với khoảng 100 triệu dân, và dự báo dân số sẽ lên tới 150 triệu trong ít năm tới, có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ổn định đứng hàng đầu Đông Nam Á – hiện nay mới chỉ ở điểm khởi đầu. Les Echos nhấn mạnh : « Pháp muốn đóng góp vào sự cất cánh kinh tế của Philippines ».
Cũng về chuyến công du của Tổng thống Pháp tới Philippines, tờ báo thiên hữu Le Figaro có lời giễu cợt : « Holland chăm chút vẻ ngoài ‘‘bảo vệ môi trường’’ », với nhận xét Tổng thống Pháp mới chuyển sang quan tâm đến môi trường sau này, trước khi nhậm chức, môi trường chưa bao giờ nằm trong số các chủ đề ưu tiên của nguyên thủ Pháp.
L’Humanité nhấn mạnh tới sự trông đợi của các tổ chức phi chính phủ trong các cam kết của Paris. Theo Oxfam, nỗ lực chi ra 2% ngân sách quốc gia của Philippines để phòng ngừa hậu quả thiên tai cần nhận phải được sự hậu thuẫn bổ sung về tài chính của cộng đồng quốc tế.
Chuyến thăm bất ngờ của các nghị sĩ Pháp tới Syria
Thời sự Trung Cận Đông tiếp tục thu hút sự chú ý với chuyến đi bất ngờ của bốn nghị sĩ Pháp tới Syria. Xã luận Le Monde có hàng tựa : « Dân biểu Pháp gặp Assad tại Damas ». Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2012, tức từ khi chế độ Damas bị lên án là đồ tể khi dùng bạo lực đàn áp các công dân nước mình, một số nhà chính trị Pháp đã có các tiếp xúc với chính quyền Bachar al-Assad. Rất ít thông tin lọt ra từ chuyến đi được tổ chức rất kín đáo này, được một số dân biểu cho là « mang tính cá nhân ».
« Sự sa lầy của cuộc nổi dậy vũ trang và sự xâm nhập của các nhóm cực đoan vào hàng ngũ nổi dậy, cùng sự bành trướng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo » đã thách thức chính sách của Pháp đối với Syria. Chuyến đi của bốn dân biểu đến Syria nói trên nằm trong bối cảnh « ngày càng nhiều tiếng nói trong giới ngoại giao cũng như tình báo kêu gọi xem lại chính sách » với chính quyền Assad. Một số nước Liên Hiệp Châu Âu cũng có quan điểm mở đối thoại với Assad. Mới đây, Ngoại trưởng Pháp nhắc lại quan điểm chính thức của Paris là chế độ Assad xét về mức độ tàn bạo không kém gì Daech (tức tổ chức Nhà nước Hồi giáo), việc nhờ cậy vào Assad để tái lập hòa bình tại Syria là một ý tưởng « sai lầm ».
Vị khách Israel khiến nước Mỹ bối rối
Vẫn liên quan đến Cận Đông, một chuyến viếng thăm bất ngờ khác được Libération đặc biệt chú ý. « Vị khách Netanyahou khiến nước Mỹ bối rối ». Libération cho hay, việc Hạ viện Mỹ mời Thủ tướng Israel không thông qua Tổng thống, gây lo ngại về triển vọng thỏa thuận hạt nhân với Iran, mà thương lượng giữa Teheran với nhóm 5+1 đang diễn ra căng thẳng. Một thỏa thuận về vấn đề này sẽ phải được ký trước ngày 31/03.
Chuyến công du của lãnh đạo Israel gây « bão táp ngoại giao » tại Washington. Thoạt tiên ông Netanyahou là khách mời của lãnh đạo đảng Cộng hòa của Hạ viện. Bài phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ, dự kiến vào thứ Ba tới, của Thủ tướng Israel được coi là một thách thức trực tiếp đối với chính sách Iran của Tổng thống Obama. Lãnh đạo Israel sẽ kêu gọi các dân biểu Mỹ thông qua nhanh nhất loạt trừng phạt mới với Teheran, quyết định mà chắc chắn Tổng thống Mỹ sẽ phủ quyết.
Phát biểu trước Quốc hội Mỹ là một sự kiện long trọng dành cho những đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ. Nhiều dân biểu đảng Dân chủ tuyên bố tẩy chay sự kiện này, một số khác kêu gọi Thủ tướng Israel hoãn bài phát biểu. Nhiều công dân Mỹ gốc Do Thái hết sức lo ngại về hành động này. Nhiêu tờ báo Do Thái lên tiếng chỉ trích Thủ tướng Israel đã vượt quá giới hạn.
Đường ống dầu Keystone : Lần phủ quyết thứ ba của Obama
Hai sự kiện quan trọng khác liên quan đến Hoa Kỳ được báo Pháp chú ý. Thứ nhất là việc Tổng thống Mỹ ra quyết định ngày 24/02 bác bỏ dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL, nối liền Nam Canada với miền Trung nước Mỹ, sau khi Hạ viện thông qua dự án trị giá 8 tỷ đô la này. Dự án dẫn dầu, được khai thác từ cát có chứa dầu, gây nhiều bất đồng, vì được cho là làm ô nhiễm hơn rất nhiều so với dầu thông thường. Đây là lần thứ ba Tổng thống Obama ra phủ quyết kể từ khi ông nhậm chức khóa trước, năm 2008. Quyết định của Tổng thống Mỹ có hệ quả quan trọng với Canada, vì đối với chính quyền Canada, dự án này là một yếu tố trung tâm trong quan hệ song phương với Mỹ. Trong khi đó, đối với giới bảo vệ môi trường dự án Keystone nói trên là một biểu tượng của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, với lý do khí gây hiệu ứng nhà kính được xả ra với khối lượng lớn trong quá trình chiết xuất dầu từ các mỏ cát dầu.
Barack Obama đe dọa Obamacare
Sự kiến lớn thứ hai liên quan đến nước Mỹ được Les Echos chú ý là : cải cách y tế Obamacare bị đe dọa, với bài phân tích của Joseph Stiglitz, « Khi Barack Obama đe dọa Obamacare ». Giải Nobel kinh tế nhận xét cuộc cải cách y tế quan trọng của Obama, có hiệu lực từ năm 2010, khiến thêm hàng triệu người Mỹ được hưởng bảo hiểm, mà không khiến giá thuốc tăng lên. Tuy nhiên, gần đây, trước áp lực của các lobby dược phẩm hùng mạnh tại Hoa Kỳ dường như Obama đang nhượng bộ. Cụ thể là Mỹ và Ấn Độ đang bàn cách để siết chặt luật bản quyền sản xuất thuốc, khiến giá dược phẩm có khả năng tăng vọt, đe dọa không chỉ các nước nghèo, mà ngay cả Hoa Kỳ.
Trang nhất các báo Pháp
Thời sự trong nước là tâm điểm của báo chí Pháp hôm nay. Nhiều báo đưa lên trang nhất tin Châu Âu triển hạn cho Paris thêm hai năm để thực hiện cam kết thâm hụt ngân sách xuống dưới 3%. « Thâm hụt ngân sách, Bruxelles nhân nhượng cho Pháp thêm hai năm » là tựa đề chính của Le Figaro, Les Echos : « Thâm hụt : án treo với nước Pháp đến hết nhiệm kỳ 5 năm (tức năm 2017) ».
Thất nghiệp giảm bớt ngờ trong tháng 1/2015 cũng là một tin vui khác. Trang nhất Le Figaro chạy tựa « Thất nghiệp tháng 1 hạ đáng kể ». Thất nghiệp toàn phần (thuộc nhóm A) giảm 19.100 người là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2007. Đây cũng là đợt giảm đầu tiên kể từ tháng 8/2014. Tuy nhiên, số lượng người thất nghiệp một phần lại tăng lên, còn số người thất nghiệp dài hạn đạt đến mức kỷ lục. Trên đây là một số ghi nhận về tình trạng thất nghiệp tại Pháp hiện nay, theo Le Figaro.
Tâm điểm thời sự thứ hai là những thay đổi trong quan hệ giữa Nhà nước với đạo Hồi. « Đạo Hồi : Cazeneuve (Bộ trưởng Nội vụ) yêu cầu người Hồi giáo tự tổ chức » là tựa lớn của Le Monde trên trang nhất. Về chủ đề này, La Croix có hồ sơ chính « Đạo Hồi của nước Pháp trước thách thức cải cách ».
Tựa lớn trang nhất của Libération « Airbnb : Tôi cho thuê, bạn cho thuê, ai hưởng lợi ? », với nhận định hệ thống cho thuê căn hộ du lịch, với dịch vụ mạng Airbne, được đánh giá rất thành công, nhưng đang đe dọa thế cân bằng đô thị và thị trường địa ốc. Cũng về chủ đề này, trang nhất Les Echos có hồ sơ ghi nhận « Paris, thành phố tiên phong của dịch vụ môi giới Airbnb ».
Cũng liên quan đến kinh tế, tựa lớn của l’Humanité hôm nay bày tỏ lo ngại : « 500 nghìn người thất nghiệp bị thiệt do cải cách », để nói về các tác động tiêu cực của những chính sách về bảo hiểm thất nghiệp mới đây của chính phủ, được nhiều công đoàn ký kết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?