Trực tiếp Việt Nam: 'sẵn sàng' cho ngày 30/4

Tường thuật trực tiếp của BBC Tiếng Việt từ Việt Nam và từ Hoa Kỳ nhân kỷ niệm tròn 40 năm kết thúc chiến tranh ở Việt Nam.

Sự kiện đang được tường thuật                              

18:04

Viết trên New York Times hôm nay, nhà báo Nguyễn Quí Đức, đang sống ở Hà Nội, nhận xét:
“Con người ở đây, đặc biệt giới trẻ, có những quan tâm khác – nhiều điều tầm thường, mang tính tiêu thụ vật chất, nhưng không chỉ có vậy.
Trong khi chính phủ nói về chiến thắng trong cuộc chiến chống Mỹ, người dân nói về những thất bại hôm nay, như tham nhũng và lạm dụng quyền lực.
Khi thanh niên Việt Nam nhìn về quá khứ, họ không ngưỡng mộ sự hy sinh của người Cộng sản; họ ngưỡng mộ phong cách của kẻ thù người Cộng sản. Nhiều trang web mới đã đăng lại các tấm hình thập niên 1960 và đầu 1970 từ tạp chí như Life, cho thấy người dân miền Nam khéo ăn mặc thời trang. Phong cách “retro thời chiến” đang thịnh hành hôm nay.
Chính phủ đã chuẩn bị sân khấu lớn tại Dinh Thống Nhất. Các buổi lễ và duyệt binh sẽ diễn ra ở đó hôm thứ Năm, được truyền hình trực tiếp. Các bạn tôi bảo họ sẽ không xem. Buổi lễ diễn ra trước ngày Lễ Lao động, và họ sẽ có cuối tuần nghỉ xả hơi xa nhà.”

 


 

 

 

BREAKING 17:57 tin mới nhất

Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên ở Việt Nam sau năm 1975 nói ông và nhiều người đều bị sốc trước các diễn biến ở Nam Việt Nam hồi tháng Tư năm 1975.
Ông Douglas Pete Peterson từng là phi công trong Cuộc chiến Việt Nam, bị bắt và đưa đi diễu quanh các làng ở Hải Dương khi máy bay của ông bị bắn rơi và sau đó bị tù hơn ba năm cho tới 1973.
Đại sứ nói với Nguyễn Hùng của BBC rằng giờ quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã đủ mạnh để có thể tiếp tục phát triển mà không nhất thiết phải có sự tham gia của những người có liên hệ đặc biệt với Việt Nam như ông và các cựu binh có tiếng khác trong đó có các ông John McCain, John Kerry, Chuck Hagel và Jim Webb.
Ông Peterson nói chuyến thăm tới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy sự tiến triển của quan hệ.
Cựu Đại sứ cũng khẳng định Hoa Kỳ chưa bao giờ nghĩ tới chuyện gây tác động để phế bỏ chế độ ở Việt Nam.

 


 

 

 

16:54


Hình của nhà báo Thành Tín, tức Đại tá Bùi Tín (bên phải) gửi cho BBC chụp ảnh ông đứng trong sân của Dinh Độc Lập ngày 30/04/1975 với Thiếu tướng Nam Long. Tác giả Mỹ, Stanley Karnow trong cuốn 'The Peace That Never Was (1985) viết ở trang 669 rằng ông Bùi Tín là người ' trực tiếp chấp nhận tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh'. Nhưng sau này một số báo Việt Nam cho rằng Đại úy Phạm Xuân Thệ bắt Tổng thống Dương Văn Minh và Trung tá Bùi Văn Tùng tiếp nhận đầu hàng tại Đài phát thanh Sài Gòn.

 


 

 

 

16:51

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nói về “ba bài học lịch sử của chiến thắng 30/4”.
Nói với Báo điện tử Chính phủ, ông Nhân nhận định:
“Thứ nhất, nếu trong chiến tranh, nhân dân tiến bộ trên thế giới giúp chúng ta giành lại độc lập, hòa bình thì ngày nay là khả năng đồng thuận với các quốc gia. Mỗi quốc gia đều phải lo lợi ích của chính mình, lo độc lập, chủ quyền, lo hạnh phúc của người dân nhưng không được xâm phạm lợi ích, quyền lợi của người khác. Như vậy thì mới có thể kết hợp được với nhau về mặt chính trị, tư tưởng.
“Thứ hai, trong thời đại hiện nay, chúng ta phải biết tận dụng thời cơ của toàn cầu hóa về thị trường, công nghệ, vốn, nhân lực cũng như gắn kết khu vực. Đây là thời cơ rất đặc biệt, mở ra cơ hội cho một nước dù xuất phát có thể thấp hơn nhiều nước khác thì vẫn có thể vươn lên nhanh chóng.
“Và cuối cùng là phát huy được khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngay cả bây giờ, dù GDP đầu người đã đạt hơn 2.000 USD thì bài học này vẫn hết sức quan trọng và rất cần nhân rộng trong điều kiện hiện nay.”

 


 

 

 

BREAKING 15:58 tin mới nhất

Lấy cảm hứng từ bộ phim tài liệu được đề cử giải Oscar, Last Days in Vietnam (Những Ngày Cuối Cùng ở Việt Nam), mạng truyền thông Mỹ PBS cùng StoryCorps thực hiện Dự Án Câu Chuyện Những Ngày Đầu Tiên.
Đây là nỗ lực nhằm thu thập, gìn giữ, và vinh danh những câu chuyện của người tị nạn người Mỹ gốc Việt và các cựu quân nhân của cuộc chiến tranh Việt Nam.
Dự án mời hơn 200 người tham gia có một cuộc trò chuyện không gián đoạn kéo dài 40 phút với một người thân hay người bạn, nhằm ghi lại những trải nghiệm của người tị nạn người Mỹ gốc Việt qua tiếng nói của chính những người đã trải qua thời điểm đó.
Nội dung được trưng bày trên trang web của PBS và lưu trữ tại Trung Tâm Đời Sống Dân Tộc Hoa Kỳ tại Thư Viện Quốc Hội.

 


 

 

 

15:45

Trang web SBS của Úc hôm thứ Tư giới thiệu truyện tranh tương tác, The Boat, dựa theo tác phẩm của nhà văn người Úc gốc Việt Nam Le.
Nội dung truyện nói về số phận thuyền nhân chạy khỏi Việt Nam sau chiến tranh.
Họa sĩ Matt Huynh, sống ở New York, là người minh họa truyện. Họa sĩ, cũng như nhà văn, đều có cha mẹ chạy khỏi Việt Nam sau 1975.

 


 

 

 

15:18

Về số nạn nhân Chiến tranh Đông Dương lần 2 mà Hoa Kỳ gọi là Cuộc chiến Việt Nam tại Lào, John Tirman từng viết trên Washington Post 06/01/2012:
"Số binh sỹ và thường dân Việt Nam thiệt mạng là khoảng từ .25 đến 3.8 triệu, và riêng số người chết vì trận Hoa Kỳ ném bom Campuchia đã là 600,000 đến 800,000, và số người Lào bị chết trong cuộc chiến là khoảng 1 triệu."
Trong hình là lực lượng cộng sản hành quân tại Lào thời gian cuộc chiến.

 


 

 

 

15:18

Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng, người đã có mặt tại Gia Định, Sài Gòn vào đúng ngày 30/4/1975, nói rằng trong hành trình đi cùng Chiến dịch Hồ Chí Minh, từ Huế tới Đà Nẵng, Nha Trang tới Sài Gòn, nhóm của bà đã chứng kiến và quay được những thước phim “không thể nào độc đáo hơn trong một cuộc chiến tranh”.
“Ngày 23/3/1975, tôi cùng năm người quay phim và một chiếc xe ô tô lên đường,” cựu phóng viên chiến trường kể với BBC Tiếng Việt.
“[Chúng tôi] ở Huế được ba ngày thì Bộ Chỉ huy Quân sự bảo cấp tốc vào Đà Nẵng để quay cảnh giải phóng Đà Nẵng.”
“Khi qua đèo Hải Vân, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng ghê gớm chưa từng thấy. Xác người la liệt dọc đường lên trên đèo cao. Xác người nằm vòng quanh, cả rơi xuống vực… Xe quân sự, xe dân sự rải rác trên đường đi."
"Một bên là xác xe hơi dân sự, xe hơi quân sự, xác người chồng chất. Một bên là dòng người đi bộ từ đèo Hải Vân đi xuống. Nghe nói Huế đã giải phóng, một dòng người dân khi đó chạy về Huế.”
“Chúng tôi ở Đà Nẵng ba ngày. Ra bãi Tiên Sa thấy va li quần áo đồ đạc, nhất là quần áo quân đội của Sài Gòn cũ, vứt la liệt. Cảnh tượng rất đau lòng. Qua cầu tàu đi ra biển, chỗ ra Hạm Đội 7 ngày xưa, [thấy] rất nhiều xác trẻ em, phụ nữ.”
"Hỏi ra thì được biết những người đó chạy mong ra được Hạm Đội 7 để di tản. Được nửa chừng có thể chìm tàu hoặc vì lý do gì khác mà rớt xuống, xác chết la liệt.”
Bà cũng kể về cảm xúc cá nhân khi về tới thành phố quê hương và được gặp người thân tại Huế sau hàng chục năm xa cách, về những ấn tượng đầu tiên của một người đã trải qua nhiều năm sống ở miền Bắc thiếu thốn trước một thành phố Sài Gòn văn minh, thịnh vượng.
Ngày 30/4/1975, nhóm phóng viên của bà Nguyễn Thị Xuân Phượng cùng một số phóng viên từ miền Bắc vào đã tiếp quản Đài Truyền hình Sài Gòn.
Video do phóng viên Hồng Nga của BBC Tiếng Việt thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng Tư 2015.

 


 

 

 

14:52

Vẫn theo cuốn 'Khi đồng minh tháo chạy, tác giả, Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Phụ tá Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, nguyên Tổng trưởng Kế hoạch (1973), thì có một số "Nguyên nhân chính Mỹ bỏ rơi Miền Nam".
Tác giả viết:
"Tại sao Mỹ lại dứt khoát bỏ rơi Miền Nam? Câu trả lời ngắn gọn là vì quyền lợi của Mỹ ở Việt nam đã không còn nữa. Sau Thế chiến thứ 2, Hoa kỳ giúp thành lập hai quốc gia: Do Thái và Việt nam cộng hoà. Ngày 14 tháng 5, 1947, Do Thái trở thành một nước độc lập. Ngay sau đó, quân đội của năm nước A Rập (Ai cập, Syria, Jordan, Lebanon và Iraq) tấn công Do Thái. Hoa kỳ vội vàng yểm trợ, chính thức công nhận Quốc Gia Do Thái. Ngày 26 tháng 10, 1955, nước Việt nam cộng hoà được thành lập. Hà nội nhất quyết đòi hỏi phải tổ chức tổng tuyển cử toàn quốc (vào tháng 7, 1956) để đi tới thống nhất, theo như quy định của Hiệp định Genève. Tổng thống Diệm, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa kỳ, tiếp tục bác bỏ. Tổng thống Eisenhower tuyên bố ông có thể "trỏ tay vào quốc gia Việt nam Tự do với niềm hãnh diện "; Nghị sĩ John F. Kennedy (sau này kế vị Eisenhower) còn bình thêm: "Tự do chính trị ở Miền Nam là một nguồn cảm hứng" cho ông."
Tác giả phân tích tiếp trong cuốn sách xuất bản từ năm 2005:
"Ngày nay, VNCH đã mai một 30 năm rồi, nhưng Do Thái vẫn còn trường tồn, lại còn mạnh mẽ hơn. Lý do chính là vì Mỹ vẫn còn cần đến Do Thái làm tiền đồn để trấn giữ túi dầu ở Trung Đông. Vì nhu cầu đó, ngày nay dù đang phải gánh chịu biết bao nhiêu hậu quả của chính sách đối với Do Thái, Mỹ vẫn kiên cường. Đã rõ ràng là những khủng hoảng hiện tại như chiến tranh Iraq, biến cố 9/11, Ai Qaeda, căng thẳng với Iran, nó đã không ít thì nhiều, có dính líu tới chính sách này. Thực ra, nếu Do Thái không có Mỹ yểm trợ thì với chỉ vỏn vẹn chưa tới 6 triệu dân, quân đội Do Thái dù có tài giỏi, lãnh đạo dù có sáng suốt, trong sạch, dân chủ, gấp mấy lần Miền Nam đi nữa thì chắc cũng đã bị toàn khối A Rập áp đảo rồi. Chả cứ chờ đến khi nào thế giới không còn cần nhiều đến dầu lửa nữa vì có được những nguồn năng lượng quan trọng khác như ánh sáng mặt trời hay kỹ nghệ nguyên tử lực, thì lúc đó mới biết Do phái có còn trường tồn được hay không?
"Nếu tiền đồn dầu lửa ở Trung Đông còn cần thiết thì tiền đồn của "thế giới tự do " bên Á châu lại không còn cần thiết nữa. Kể từ ngày Tổng thống Nixon bắt tay được với Trung Quốc thì giá trị của Miền Nam để " ngăn chặn làn sóng đỏ " đã không còn là bao nhiêu trong những tính toán của Mỹ về hơn-thiệt ( cost-benefít ). Dần dần, Miền Nam đã hết vai trò một tiền đồn của "thế giới tự do". Và như vậy, vấn đề còn lại đối với Mỹ thì chỉ là làm sao rút ra được cho êm thắm, ít bị tổn hại về uy tín là được rồi," Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng viết.

 


 

 

 

14:09


Sách 'Bên Thắng cuộc', (cuốn I - Giải Phóng) của tác giả nhà báo Huy Đức viết về một chi tiết ngay sau 30/4/1975 liên quan tới lãnh đạo tân chính quyền vào 'giải phóng' Sài Gòn.
Huy Đức, trong chương 'Cải tạo' viết:
"Ngày 6-5-1975, ông Võ Văn Kiệt đi cắt tóc chuẩn bị lễ ra mắt Ủy Ban Quân quản. Người thợ cắt tóc thấy một ông đứng tuổi đi xe U-oát tới, trong khi cắt tóc có bộ đội đứng chờ, tuy không biết rõ ông là ai, nhưng cắt tóc cho ông xong, đã lễ phép cúi chào, ông trả tiền thế nào cũng không chịu lấy.
"Xe U-oát của ông Kiệt đi tới đâu, người dân tránh ra nhường chỗ rộng rãi cho đi. Những xe khác của “Quân Giải Phóng” cũng được cư xử như vậy.
"Nhiều tuần sau đó, “các chú bộ đội” đi xe buýt không phải trả tiền và người dân bắt đầu làm quen với những chiếc xe quân sự chạy vô đường cấm.
"Ông Võ Văn Kiệt nhớ lại:
“Lúc đó, uy thế của cách mạng trùm lên tất cả”. Ngay cả những “tên ác ôn”, kẻ cướp giật, các băng nhóm cũng chỉ lo giữ thân hoặc xem xét, theo dõi," cuốn Bên Thắng cuộc viết.

 


 

 

 


 

 

 

                       

           
 
 
 
        

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện