Các nhà lập pháp Dân chủ tham gia phản đối sắc lệnh di trú của TT Mỹ

VOA
31/01/2017


Từ trái: Dân biểu Sheila Jackson Lee, lãnh tụ khối thiểu số ở Hạ viện Nancy Pelosi, Farah Amer Kamal từ Iraq cùng lãnh tụ khối thiểu số ở Thượng viện Chuck Schumer và các nhà lập pháp khác đứng trước Tối cao Pháp viện phản đối sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump, 30/1/2017.
Từ trái: Dân biểu Sheila Jackson Lee, lãnh tụ khối thiểu số ở Hạ viện Nancy Pelosi, Farah Amer Kamal từ Iraq cùng lãnh tụ khối thiểu số ở Thượng viện Chuck Schumer và các nhà lập pháp khác đứng trước Tối cao Pháp viện phản đối sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump, 30/1/2017.



Các nhà lập pháp thuộc Ðảng Dân chủ Mỹ hôm thứ Hai cực lực phản đối sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump, tạm thời cấm công dân của 7 nước Hồi giáo nhập cảnh Hoa Kỳ. Vụ phản đối của các nhà lập pháp Mỹ tại các bậc thềm của Tối cao Pháp viện là đỉnh điểm của làn sóng chống đối sắc lệnh di trú của ông Trump, đã bắt đầu từ cuối tuần qua trước Tòa Bạch Ốc và tại các phi trường trên khắp nước.
Các nhà lập pháp Dân chủ phản đối sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump trước tiền đình Tòa án Tối cao của Hoa Kỳ. Họ tuyên bố sẽ không lùi bước trong cuộc chiến đầu tiên với tân tổng thống vừa nhậm chức.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh tụ khối thiểu số ở Thượng viện, phát biểu:
"Chúng tôi sẽ không để cho sắc lệnh xấu xa này làm xói mòn các giá trị Mỹ của chúng ta. Chúng tôi sẽ chống đối cho tới cùng, và chúng tôi sẽ thắng."
Các nhà lập pháp đã tập trung ở Điện Capitol một ngày sau khi xảy ra các cuộc biểu tình làm tê liệt giao thông trên đoạn đường từ Tòa Bạch Ốc đến Quốc hội. Những người biểu tình cho rằng lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump không phản ảnh các giá trị của Mỹ.
Dân biểu Nancy Pelosi, lãnh tụ khối thiểu số ở Hạ viện, nói đây là khởi điểm của tiến trình dỡ bỏ sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump:
"Điều tổng thống Trump làm là vi hiến. Quả vậy, đối với rất nhiều người trong chúng ta, hành động đó trái với đạo đức."
Nhiều đại biểu Dân chủ đã tham gia các cuộc tập họp của những người biểu tình hồi cuối tuần. Và họ đã lên tiếng trên mạng truyền thông xã hội.
Sáu Thượng nghị sĩ Ðảng Cộng hòa và 9 đại biểu Quốc hội cũng công khai chỉ trích sắc lệnh của tổng thống.
Nhưng đa số các nghị sĩ Cộng hòa vẫn giữ im lặng hoặc, nói rằng lệnh cấm này là những biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia.
Ông Clay Higgins, dân biểu Cộng hòa đại diện bang Louisiana, phát biểu: 
"Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump, nói một cách đơn giản, đã vãn hồi lối nhận thức lành mạnh về chính sách di trú của Mỹ."
Chủ tịch Quốc hội Paul Ryan trước đây đã chỉ trích đề nghị của ông Trump về lệnh cấm này khi ông Trump còn vận động tranh cử. Chủ tịch Paul Ryan:
"Một số đồng minh lớn nhất của chúng ta trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo là người Hồi giáo."
Nhưng sau khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp, ông Ryan đã lên tiếng ủng hộ ông Trump.
Sau khi Tổng thống Trump lên tiếng bênh vực quyết định của mình, Tòa Bạch Ốc không nhượng bộ hôm thứ Hai trong cuộc tiếp xúc đầu tiên với truyền thông báo chí kể từ khi sắc lệnh được ban hành.

Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Sean Spicer nói: 
"Tôi lấy làm tiếc là có một số người sẽ phải chờ đợi khá lâu, nhưng tôi nghĩ rằng tổng thống không muốn phải điện thoại cho ai đó bị sát hại bởi vì một người nào đó đã được phép nhập cảnh vào nước này để thực hiện một cuộc tấn công khủng bố."
Nhưng Phe Dân chủ, hiện vẫn mang một vết thương chưa lành vì thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử, đang tìm một lý do để chống lại chính phủ mới của Đảng Cộng hoà, và sẽ cùng những người ủng hộ giận dữ đã rủ nhau tham gia các cuộc xuống đường để phản đối.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?