Tin Việt Nam – 28/01/2017


Tin Việt Nam – 28/01/2017

Nga bàn giao tàu ngầm ‘tàng hình’ thứ sáu cho Việt Nam

Việt Nam vừa nhận chiếc tàu ngầm thứ 6 và cũng là tàu ngầm cuối cùng trong hợp đồng đóng 6 chiếc mà Nga và Việt Nam đã ký vào năm 2009. Cuộc bàn giao diễn ra giữa lúc Trung Quốc đang có những động thái quyết liệt hơn để củng cố yêu sách chủ quyền của nước này trên Biển Đông.
Tin cho hay chiếc tàu ngầm lớp Varshavyanka, NATO gọi là tàu ngầm lớp Kilo, đã được công ty Rosoboronexport vận chuyển từ St. Petersburg, Nga, đến Vịnh Cam Ranh bằng tàu vận tải hạng nặng của Hà Lan hôm thứ Sáu.
Chiếc tàu được Việt Nam đặt tên là HQ-187 Bà Rịa-Vũng Tàu. Dự kiến tàu này sẽ được bàn giao cho hải quân Việt Nam vào thứ Hai tuần tới.
Cùng với 5 chiếc đã giao trước đó, tàu ngầm mới được hải quân Mỹ đặc biệt danh là “lỗ đen” vì khả năng tàng hình của chúng.
Tàu ngầm lớp Varshavyanka có trọng tải 3.950 tấn khi chở đủ tải trọng và vận hành dưới biển. Tàu dài gần 243 feet (74 m), di chuyển với tốc độ lên đến khoảng 25 hải lý, tương đương với 37km/h.
HQ-187 có thể lặn sâu tối đa 300 mét và hoạt động trên biển liên tục 45 ngày mà không cần tiếp nhiên liệu. Tàu có khả năng đánh chìm hoặc vô hiệu các tàu lớn hơn bằng vũ khí chống tàu được trang bị.
Hợp đồng đặt mua 6 chiếc tàu ngầm giữa Việt Nam và Nga được ký năm 2009 với tổng giá trị lên đến 2,1 tỷ đôla. Tàu ngầm cuối cùng, chiếc thứ 6, đã được chuyển giao trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang ở Biển Đông.
Trước đó một ngày (26/1), tin cho hay Trung Quốc có thể đang phát triển tên lửa không-đối-không tầm xa, có khả năng tiêu diệt máy bay do thám và máy bay tiếp liệu trên không. Bắc Kinh cũng đang xúc tiến kế hoạch hiện đại hóa quân đội với nhiều kế hoạch xây thêm hàng không mẫu hạm và các vũ khí tiên tiến.
Với việc hoàn tất hợp đồng tàu ngầm với Nga, Việt Nam được cho là đã tiến lên một bước trong nỗ lực hiện đại hóa đầy tham vọng của Hà nội, để nâng cao sức mạnh quân sự hầu có thể chuẩn bị cho một cuộc chiến chống Trung Quốc có nguy cơ xảy ra trong tương lai.

Đông Yên, Mùa Xuân của người ở lại

Giáo xứ Đông Yên tọa lạc bên bờ biển Kỳ Anh, Hà Tĩnh hàng trăm năm nay. Bà con giáo dân luôn thấy đời sống bình yên cho cả ngư nghiệp lẫn nông nghiệp. Thế nhưng, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Đông Yên chỉ còn lại một đống đổ nát. Mọi sự đổi thay, 158 gia đình bám trụ cùng giáo đường với hàng trăm nỗi khó khăn, vất vả trước sức ép di dời.
Ngày hết Tết đến, những con tàu nằm đắp khăn tang và bắt đầu rệu rã, cũ mục do mưa nắng, do lâu ngày không hoạt động, phải nằm bờ liên tục.
Biển chết, đời sống tứ tán, Tết về… Đông Yên vẫn cứ trầm buồn trong vũ điệu của đổ nát và tuyệt vọng.
Masour Thuyết Mai – người tình nguyện ở lại để chăm sóc thuốc men cho bà con Đông Yên chia sẻ: “Họ đập phá ở chỗ này nên con được Bề trên giao nhiệm vụ ở lại đây, phục vụ bà con hết sức mình.”
Đời sống của 158 gia đình tại Đông Yên luôn gặp khó khăn bởi từ lúc biển nhiễm độc đến nay, các ngư dân không dám đi đánh bắt mặc dù các nơi khác đã bắt tay vào, nhưng lương tâm Công Giáo đã nhắc các giáo dân không được tự cho phép mình đánh bắt để bán cho người khác một khi mình thấy biển chưa sạch, hải sản còn nguy hiểm.
Ông Quan – Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Xứ Đông Yên, Hà Tĩnh cho hay: “Ở đây là xứ đạo toàn tòng, có khoảng 1400 gia đình ở đây. Nhưng thời gian khoảng năm 2012-2013, thì khoảng 1200 gia đình đã đến khu tái định cư. Nhưng còn 158 gia đình này không nhận tiền đền bù, không di dời vì họ nhìn thấy không có tương lai ở khu tái định cư. Bởi họ tìm hiểu thì thấy không có dự án gì ở khu tái định cư cả, không có ai đứng ra đầu tư hay nhà nước cũng không có chính sách gì, vậy nên họ tìm cách bám trụ. Chính quyền cũng tìm mọi cách đập phá, di dời họ đi, không để họ yên.”
Có thể nói rằng hiếm nơi nào mà sức sống của con người lại trở nên phi thường như Đông Yên. Bởi chung quanh là những đống đổ nát chất cao như núi. Hầu hết các ngôi nhà bị đập bỏ đều là nhà cao tầng, xây dựng chỉn chu, cuộc sống luôn bất an vì nhiều thứ, trong đó, nỗi lo một buổi sáng nào đó thức dậy, lại phải bị đàn áp, tách ra khỏi ngôi nhà thân yêu của mình là nỗi lo thường trực của mọi người.
Masour Thuyết Mai chia sẻ thêm: “Con ở lại đây phục vụ chỗ này trước khi có thảm họa cá chết. Đời sống của bà con ở đây rất vất vả, bệnh tật nhiều và nặng hơn. Cho nên là con cũng cố gắng hết sức phục vụ cho bà con để họ có sức khỏe để họ vượt lên.”
Trẻ con Đông Yên không đến lớp một cách thoải mái như bao trẻ khác, bệnh tật, thiếu thốn và nỗi bất an thường trực, ở gần biển mà không dám ra biển. Muốn đến giáo đường cầu nguyện cũng không có chỗ bởi nhà nguyện đã bị chính quyền đập bỏ, giải tỏa. Tượng thánh Gioan đứng cô đơn nhìn ra biển Đông, con chiên kẻ ở người đi, Tết về như một khúc thánh ca buồn.
Ông Quan – Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Xứ Đông Yên, Hà Tĩnh chia sẻ thêm: “Ở nhà giờ không biết làm gì nên đánh bài quỳ, chơi bóng chứ làm gì giờ. Bụng đói nhưng cũng phải giải trí chút chứ biết sao, biển còn thì họ đi biển chứ ai ở nhà làm gì.”
Mùa Xuân về, một mùa Xuân buồn, hiu quạnh với những người còn bám trụ trên đất Đông Yên, và cả với những người đi vào khu tái định cư. Đời sống nơi tái định cư cũng chật vật, ngột ngạt và thiếu đói bởi thất nghiệp, bởi không có đất canh tác và bởi nhiều yếu tố khác.
Tết về, không có khu vui chơi cho trẻ nhỏ, không có nơi sinh hoạt cho người lớn. Xóm làng là những bãi đổ nát chất cao như núi. Biển là một cái ao độc mà người Đông Yên ở lại chỉ còn biết ra trước quảng trường Thánh Gioan nhìn sang Hòn Sơn Dương cho đỡ nhớ. Biển gần gũi bao đời nay trở nên xa lạ, dữ tợn với con người.
Một mùa xuân mọc lên giữa những đổ nát, hoang tàn và đâu đó, những hạt mầm yêu thương lại khởi sự đâm chồi trên nền đổ nát…

Đón Tết Âm lịch tại một số nước Á Châu

Nhiều dân tộc tại vùng Thái Bình Dương hôm nay ăn mừng ngày đầu năm Âm lịch- Tết Đinh Dậu 2017.
Tại Việt Nam, sau giao thừa, hàng trăm người dân ở thủ đô Hà nội đổ về chùa Quán Sứ để cầu nguyện cho năm mới nhiều may mắn. Trang mạng Vietnamnet tường thuật Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nhiều quan chức đã đến thăm, chúc Tết lực lượng công an thành phố kể cả Cảnh sát Giao Thông Hà nội.
Ở miền Nam, dân Sài gòn kéo nhau đến phố đi bộ để chiêm ngưỡng dường hoa Tết Đinh Dậu. Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng dự cơm tất niên với các công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết.
Tại Trung Quốc, hàng ngàn người tụ tập tại các đền chùa để thắp hương cầu nguyện những điều may mắn và sức khoẻ cho mình và cho người thân.
Một số cư dân Bắc Kinh du hành tới Công viên Bát Phật để gõ vào một chiếc chuông đã có từ triều đại nhà Minh cách đây 200 năm về trước từ đầu thể kỷ 14.
Tại Đài Loan, người dân cầu nguyện cho may mắn và tài lộc ở chùa Long Sơn.
Hàng trăm người Indonesia gốc Hoa thì kéo nhau đến lễ tại đền Hok Tek Tjeng Sin để cầu nguyện trong ngày đầu năm Âm lịch.
Tết Nguyên Đán năm nay đánh dấu năm Đinh Dậu, được nhiều người Hoa tin là một năm thuận lợi để đạt thành công và thắng lợi.
Ngoài Châu Á, cộng đồng người Hoa ở thành phố Rio de Janeiro của Brazil bên Nam Mỹ cũng mừng Tết Âm lịch với những buổi trình diễn ca nhạc. Đây là lần đầu tiên Tết Âm lịch được ăn mừng như một sự kiện công cộng ở Brazil. Để đánh dấu sự kiện này đỉnh Núi Corcovado và Tượng Chúa Giêsu Cứu thế thắp sáng với màu đỏ.
Ở Hàn Quốc, Tết âm lịch là một thời điểm để tưởng nhớ đến những thân nhân đã bị cách ly với gia đình từ nhiều thập niên về trước. Theo truyền thống người con trai trưởng trong gia đình sẽ thắp hương dâng bánh, trái cây và cá lên bàn thờ những người đã khuất.
Bên giòng sông Imjin đông giá, tại buổi lễ đón năm mới, nhiều người đàn ông luống tuổi ra về, mắt lưng tròng vì thương nhớ những người thân đã xa cách khi bán đảo Triều Tiên chia đôi.

Gói bánh chưng gia đình đón Tết

Nhiều ý kiến cho rằng ngày nay, công việc bận bịu, nhịp sống cứ ào ào trôi qua, chẳng mấy ai còn nhớ đến cách gói bánh chưng sao cho chặt, cách luộc bánh sao cho ngon. Có đúng vậy không?
Nhắc đến phong vị Tết, là nhớ cái mùi hăng hắc, cay cay tỏa ra từ chiếc bếp đốt toàn củi gộc nấu bánh chưng. Để có một nồi bánh chưng thơm ngon dâng lên ông bà tổ tiên thì các nguyên liệu cũng phải được chuẩn bị vô cùng kỹ càng. Gạo nếp phải mua đúng chuẩn nếp cái hoa vàng, ngâm qua đêm, ướp nước lá giềng. Thịt phải chọn thịt vai sấn nửa nạc nửa mỡ, vừa mềm vừa thơm thịt, đậu xanh phải chọn loại bở, bùi thì bánh mới ngon. Lá dong cũng được rửa sạch, tước sống và để ráo nước từ mấy hôm trước rồi mới đem gói.
Ông Bình nói với VOA rằng gia đình ông đã nhiều đời gói bánh như vậy ở những ngày giáp Tết.
Ông Bình khoe: “Truyền thống của gia đình em cũng là lâu lắm rồi, từ ông bà tới giờ rồi. Em sau này cũng được gói và gói cũng được gần hơn 20 năm. Bánh chưng nó có nhiều ý nghĩa lắm à. Một năm cả gia đình quây quần lại gói bánh chưng. Rồi tập họp lại kể chuyện một năm đã qua. Xong, làm biếu cho những bạn bè, biếu cho người thân mình nữa, cảm thấy mình vui lắm, hạnh phúc lắm.”
Anh Minh, một người trẻ chia sẻ: “Mình rất hạnh phúc khi mà gia đình được sum vầy lại, mọi người sum vầy lại làm một bánh chưng để cho nó có một cái không khí Tết.”
Cách đơn giản nhất là gói bánh chưng bằng khuôn, giúp cho ra những chiếc bánh vuông vức, đều nhau. Người ta chỉ cần cho nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn vào khuôn gói bánh chưng đã lót lá dong. Đầu tiên là đổ gạo nếp vào trước, dàn đều ra khắp khuôn, bằng phẳng. Sau đó cho một nắm đậu xanh lên, dàn ra cho đều. Tiếp đó là một miếng thịt đã ướp gia vị để ở giữa, rồi một nắm đậu xanh. Cuối cùng là đổ tiếp gạo nếp lên trên cùng, rồi gói các lá thừa lại thật gọn gàng, kín đều. Nhớ là cần gói chặt và đều tay các mối lạt.
Còn nếu tự tin vào tay nghề của mình thì cũng có thể gói bánh mà không cần khuôn. Trong lúc gói luôn phải chắc tay thì chuyện gói bánh chưng tại nhà mà không cần khuôn mới đẹp mắt và vuông vắn. Nhớ là giấu các mép gấp lại bên trong. Cuối cùng là gấp phần đầu lá dưới lên, và gấp phần lá thừa bên trên lại tạo thành hình vuông cho bánh.
Cái khéo của tay người gói và chuyện ngon dở của chiếc bánh còn tùy vào chữ tình của người gói bánh.
Anh Minh nói: “Mình chủ yếu làm cái bánh chưng này để tặng biếu bạn bè, để trong gia đình thưởng thức với nhau thôi, quây quần lại, chứ không hề có kinh doanh”.
Ông Bình cho rằng tự tay mình làm nên chiếc bánh nặng chở nặng chữ tình: “Mình vui lắm chứ. Một cái bánh chưng do bàn tay mình nấu ra, của truyền thống gia đình mình thì người ta cũng quý, những người mà mình biếu, người ta quý lắm. Bánh chưng ở nhà làm, nó vui hơn, kỷ niệm hơn nhiều. Xuân về thì cũng chúc trong gia đình một mùa xuân tràn đầy hạnh phúc, và chúc cho tất cả người Việt một mùa xuân ấm no và hạnh phúc”.
Ông Bình nhắc là lúc nấu bánh, hãy nhớ đem các sống lá dong xếp xuống đáy nồi để tránh cháy bánh và cũng để nước luộc xanh hơn. Người ta xếp bánh lên trên, có thể thành nhiều lớp bánh, và lá dong sẽ là lớp đệm giữa. Đổ nước ngập toàn bộ phần bánh, rồi đun lửa to đến khi sôi thì giảm bớt lửa. Cứ khoảng 1 tiếng đồng hồ kiểm tra bánh 1 lần để xem mực nước. Nước hụt bớt thì cho thêm nước đun sôi vào, chứ không được dùng nước lạnh vì sẽ làm sượng nếp. Thời gian luộc bánh trong khoảng từ 8 đến 10 tiếng thì vớt bánh ra. Kinh nghiệm cho biết nấu bánh chưng bằng củi, nồi làm bằng tôn thì chiếc bánh có màu xanh tự nhiên rất đẹp.
Khi vớt bánh ra cho vào thau nước nguội, dùng khăn sạch để lau bên ngoài bánh, sau đó xếp bánh ra chỗ thoáng mát. Dùng một miếng ván mỏng đè lên bánh, sau đó dùng vật nặng đè lên trên. Làm như vậy để bánh săn chắc cho tới khi nguội.
Những ngày cận Tết, nhiều gia đình thức trắng đêm canh nồi bánh chưng, bánh tét được nhóm lửa, bắt nồi ngay trước nhà. Ở Sài Gòn thời khắc này, Tết đang gần lắm rồi.

Chợ nổi hoa kiểng ở Sài Gòn

Cứ đến gần Tết, bến Bình Đông lại nhộn nhịp, cảnh mua bán trên bến dưới thuyền mang đậm chất Nam Bộ của người dân nơi đây.
Hàng năm, cứ vào tuần lễ cuối của tháng Chạp là có hàng trăm ghe xuồng từ miền tây nhộn nhịp chở hoa kiểng cập dọc kênh Tàu Hủ, tạo thành chợ hoa xuân trên bến dưới thuyền rất thú vị tại bến Bình Đông này. Phần lớn ghe hoa kiểng ở đây là của nông dân xứ Cái Mơn, Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
Nét chân chất, quê mùa của người bán thể hiện ngay trong cách trò chuyện với khách, khi mà anh thanh niên xứ Cái Mơn than đi ghe cực do con nước bị cạn, nhưng khuôn mặt luôn tươi roi rói với nụ cười.
“Cái quảng đường từ ở dưới đi lên đây có cái trở ngại là nước. Thì nước cũng hơi bị cạn nên đi nó hơi trễ, thì rồi vô bến thì ghe nhiều quá thì mấy ghe trễ vô bến cực dữ lắm. Ghe năm nay, ghe tắc nó lớn quá, ghe em vô khó vô dữ lắm vô. Bị ghe lô, thì lô mua có bề ngang có 3 mét, mà đi ghe tới 6 mét hoặc 7 mét lận…”.
“Nói thì phải cực rồi, rất là cực luôn. Công đoạn cây mai làm ra cái sản phẩm thì phải để từ 3 năm đến 4 năm mới được thành phẩm một cây mai. Năm rồi thì cũng có được như em muốn, nhưng năm nay thì chưa biết ra sao. Thì giá thành hiện nay ở đây thì giá so mọi năm chắc hổng hơn nỗi”.
Ông chủ ghe tên Khanh, cũng cười roi rói khi thấy người mua đông đúc: “Tăng, tăng hơn mọi năm. Thấy người ta mua hơn mọi năm đó!”.
Chẳng ai rõ chợ hoa Tết ở bến Bình Đông có từ khi nào, chỉ biết rằng từ khi tàu thuyền trên kênh Tàu Hủ lưu thông vào Chợ Lớn, dịp Tết đến là hoa trái khoe sắc trên bến lẫn dưới thuyền. Công bằng mà nói thì bến Bình Đông ngày Tết không hẳn là chợ nổi trên sông, nhưng nó lại vừa mang vẻ đẹp của một chợ hoa truyền thống ở đồng bằng Nam Bộ, vừa mang nét đẹp dung dị của khu chợ nổi trên vùng sông nước miền Tây thân thuộc được hòa vào trong không gian nhộn nhịp và chật chội của đô thị Sài Gòn.
Thương hồ hoa kiểng chia sẻ với VOA rằng miệt Bến Tre vừa rồi chịu cảnh hạn mặn kéo dài, nên mấy chủ ghe cứ sợ khách chê, khi nhiều loại cây kiểng bày bán có phần không ưng ý lắm.
Ông Khanh, than: “Nước mặn, nước nổi quá nên hổng làm được suông sẻ, chị. Khó khăn nhất là nước mặn mà nhà nước chưa có đê bao nên mình làm hổng được suông sẻ.”
Ông chủ ghe xứ Cái Mơn, tình thiệt nói rằng, “Cái khó đó là năm nay thời tiết nó hơi nghịch. Mưa gió quá, mai cũng hổng được đạt gì mấy so với mọi năm trước. Mong muốn làm sao cây mai nó rất đẹp, và nở hoa đúng tết cho bà con ở năm sau em cũng lên bán tiếp tục vậy đó”.
Đêm cuối ở chợ hoa kiểng bến Bình Đông, ông Khanh mong mỏi: “Yêu cầu cái sản phẩm của mình làm ra thì yêu cầu làm sao mình bán được hết là mình mừng rồi”.
29 Tết là đêm cuối cùng của mùa hoa kiểng bán Tết Đinh Dậu ở bến Bình Đông. Cây kiểng vẫn còn tràn ngập chợ. Mấy năm gần đây do tiền bạc không còn được rộng rãi như trước, nên người Sài Gòn thường để đến sáng 30 khi hoa kiểng đại hạ giá, người ta mới tranh nhau mua. Thế nhưng năm nào cũng vậy, dân thương hồ vẫn cứ ước mong mùa Tết tới sẽ đông khách chơi hoa kiểng hơn. Và trong niềm hy vọng đó, trưa 30 Tết, các chủ ghe bắt đầu rời kênh Tàu Hủ, tạm biệt Sài Gòn để xuôi con nước về quê chuẩn bị cho cúng giao thừa.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?