Tin Việt Nam – 30/01/2017

Tin Việt Nam – 30/01/2017

Phong trào dân chủ bị đe dọa

Kính Hòa, phóng viên RFA
Cuộc trấn áp vẫn tiếp tục
Thêm một người phụ nữ hoạt động dân sự nữa bị bắt. Bà Trần Thị Nga bị công an ập vào nhà bắt giữ vào ngày 21 tháng giêng, chỉ vài ngày trước Tết nguyên đán để lại hai con còn nhỏ.
Bà Nga được biết đến là người đấu tranh chống những sai trái trong việc đưa công nhân ra nước ngoài đi làm thuê, và đấu tranh cho những nông dân bị mất đất.
Blogger Châu Đoàn đặt ra câu hỏi tại sao nhà cầm quyền lại bắt giam một người phụ nữ không một tấc sắt trong tay:
Bắt để đe doạ những người đấu tranh khác? Có thể đấy là tư duy của những người đưa ra quyết định nhưng đấy là một sai lầm. Những người đã tham gia vào đấu tranh, nếu sợ họ đã không làm từ đầu. Việc bắt bớ một người với lý do thiếu thuyết phục sẽ chỉ khiến họ phẫn nộ hơn và có thể sẽ khiến cả những người không quan tâm tới chính trị sẽ ít thiện cảm hơn với chính quyền.
Những người đã có đủ dũng khí để đấu tranh đều hiểu một điều đơn giản là đời chỉ có một lần, thời gian sống thực ra cũng không là bao nhiêu, sống làm sao cho có ý nghĩa nhất và để được thế thì họ cần phải sống đúng là mình. Nỗi sợ, nếu có chỉ là thoáng qua và sẽ bị chôn vùi bởi khát vọng đẹp đẽ. Do vậy mà càng sống, nỗi sợ trong họ càng ít đi, và nếu đã đấu tranh, họ sẽ ngày càng quyết liệt hơn mà thôi.
Bắt để đe doạ những người đấu tranh khác? Có thể đấy là tư duy của những người đưa ra quyết định nhưng đấy là một sai lầm. 
- Blogger Châu Đoàn 
Hình ảnh gương mặt không sợ hãi của bà Nga được lan truyền khắp các trang blog và mạng xã hội, bên cạnh những nét mặt mà blogger Cánh Cò mô tả là hoàn toàn thiếu tự tin, đầy tự ti của các nhân viên công an, điều mà Cánh Cò cho rằng thể hiện rõ ràng sự nhỏ mọn của nhà cầm quyền:
Sự nhỏ mọn mà chính quyền Việt Nam dung dưỡng cho công an các cấp biểu hiện trên từng khuôn mặt của những cán bộ thi hành lệnh bắt giam chị. Mỗi ánh mắt hay từng cái nhếch mép, hành động đều toát lên vẻ ác độc và đầy tự ti. Chiếc còng số 8 tra vào tay chị trong khi kẻ cầm nó lại không dám nhìn vào mắt người mà chúng cho là phản động. Chị Nga đúng là phản động theo ngữ nghĩa tích cực nhất: Thay đổi tư duy nhỏ mọn của bọn cầm quyền.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh nhìn thấy trong cuộc bố ráp vây bắt bà Nga của lực lượng an ninh, có một điều gì đó mỉa mai khi so với những cuộc tìm kiếm vô vọng, cũng của cơ quan an ninh, đối với các quan chức cao cấp của nhà nước phạm tội tham nhũng,
Cuộc vây bắt rầm rập và quá chuyên nghiệp đến mức người ta nhớ đến các cuộc ra đi khỏi Việt Nam một cách thư thả, của các quan tham nhũng như Trịnh Xuân Thanh, mà tiếng hô vang truy tìm giống như một trò chơi trốn tìm của trẻ con.
Thật dễ nhận ra, ở đâu cũng vậy, khi một nhà nước kinh sợ công lý và sự thật, tìm cách trấn áp, thì chắc chắn đó là một nhà nước tăm tối và vô luân.
Đề cập tới công lý, Thiên Luân nhắc lại câu chuyện một quyển sách về pháp luật Việt Nam in hình một diễn viên hài mặc quần ngắn cách đây đã lâu, tác giả viết trên trang Dân Luận về sự bế tắc của ngành tư pháp Việt Nam dưới sự lãnh đạo tòan diện của đảng cộng sản Việt Nam:
Tòa án theo nghĩa là biểu tượng của Công lý, là nơi công dân gửi gắm niềm tin rằng bất kỳ vi phạm pháp luật nào cũng bị xử lý nghiêm minh. Nhưng tòa án ở nước ta không làm được như vậy. Các tranh tụng tại tòa không được coi trọng, vai trò luật sư thì mờ nhạt – phiên tòa như “đấu tố”. Nên nói không ngoa rằng, tòa án chỉ là cơ quan hợp thức hóa các khâu trước của cơ quan điều tra và viện kiểm sát.
Chiếc còng số 8 tra vào tay chị trong khi kẻ cầm nó lại không dám nhìn vào mắt người mà chúng cho là phản động. 
- Blogger Cánh Cò 
Nói thêm rằng, với cơ chế hiện nay, tòa án khó mà độc lập khi xét xử và người thẩm phán khó có thể có đủ bản lĩnh để độc lập. Tòa án như một cơ quan hành chính và người thẩm phán như là một công chức trong hệ thống hành chính và họ điều là Đảng viên mà Đảng viên phải chịu sự chỉ đạo cấp ủy. Cho nên chỉ có ở xứ ta mới những quy tắc “bất thành văn” như báo cáo án, thỉnh thị án, duyệt án… Nhà văn Vũ Thư Hiên nhận xét: “Cái này thì rõ ràng, rằng là những gì tôi biết tới nay thì đảng đều có sự can thiệp vào công việc của tòa án.”
Trở lại với vụ bắt giữ bà Trần Thị Nga, đây là vụ mới nhất trong một loạt vụ bắt bớ các nhà hoạt động xã hội dân sự và bất đồng chính kiến trong một thời gian rất ngắn. Giải thích hiện tượng này, tác giả Trương Nhân Tuấn nhắc lại nhận định của ông cách đây không lâu rằng bây giờ giới đấu tranh dân chủ ở Việt Nam rất đơn độc, vì các quốc gia dân chủ phương Tây vốn chống lưng cho phong trào dân chủ khắp nơi trên thế giới đang phải lo toan những việc khác trong đất nước của họ.
Xã hội công an trị bị tháo ra từng mảnh
Những hành động trấn áp bất đồng chính kiến được blogger Nguyễn Anh Tuấn cho là nằm trong cách hành xử của những kẻ chưa kịp khôn lớn nhưng đã lên cầm quyền. Những người cầm quyền này áp dụng một tiêu chuẩn đạo đức mà Nguyễn Anh Tuấn gọi lại là một thói quen đạo đức nước đôi:
Liên tục dẫn lời tiền bối cách mạng của chính họ: ‘Dân chủ là để cho dân được mở miệng ra’, song họ lại thường xuyên xuyên tạc ý nghĩa câu nói này bằng cách thêm thắt, phân loại lời nói của dân lúc thì ‘mang tính xây dựng’, khi thì ‘có ý phá hoại’, tùy vào ý thích chủ quan của họ. Dán nhãn ‘phá hoại’ xong thì cứ theo đó mà trấn áp người dân, họ như đứa trẻ ngông cuồng hành xử theo cảm tính yêu ghét cá nhân nhưng lại được giao quá nhiều quyền lực nên bỗng dưng trở thành mối đe dọa đối với ổn định xã hội.
Nếu chúng ta trung thực với chính mình thì chúng ta sẽ phải nói thật rằng: hiện nay dân chủ hoá chưa phải là nhu cầu của đa số chúng ta. 
- Blogger Nguyễn Thị Từ Huy 
Nhưng cũng xin nhắc lại rằng những người cộng sản luôn quan niệm rằng cơ quan công an là một công cụ trấn áp của họ chống lại những lực lượng đối lập trong xã hội, tạo nên một xã hội mà nhiều người trong đó có blogger Đoan Trang gọi là xã hội công an trị.
Đoan Trang viết rằng lực lượng này sử dụng những biện pháp lừa đảo và khủng bố để gieo rắc nỗi sợ trong dân chúng, từ đó trấn áp, cô lập những người đối lập trong xã hội.
Nhưng những biện pháp như vậy được cho là đã tạo nên một xã hội chia rẽ, bị tháo rời ra từng mảnh, theo lời của blogger Viết Từ Sài Gòn:
Lẽ ra, Việt Nam đã tốt đẹp hơn nhiều và dân chủ hơn nhiều nếu như không có sự can thiệp thô bạo bằng những chính sách xóa bỏ dân tộc, xóa bỏ văn hóa và tâm linh nhằm sáp nhập vào cái giáo điều gọi là “quốc tế Cộng sản”. Nhưng không, đất nước đã không được như thế, dân tộc không những không đoàn kết, tình yêu thương bị mất mà qua thời gian, những chính sách gắt máu, công an trị và bóp chết tự do của người dân, để giới cán bộ, quan chức lộng hành đã nhanh chóng đẩy xã hội Việt Nam đến vực thẳm của lòng thù hận, sự mạt sát và máu lạnh.
Tác giả viết thêm rằng sự chia rẽ đó có cả trong nội bộ những người mong muốn có một xã hội Việt Nam dân chủ hơn.
Sự chia rẽ đó lại càng trầm trọng hơn khi số đông người Việt Nam hiện nay vẫn chưa có một nhu cầu về một xã hội dân chủ. Blogger Nguyễn Thị Từ Huy viết rằng:
Nếu chúng ta trung thực với chính mình thì chúng ta sẽ phải nói thật rằng: hiện nay dân chủ hoá chưa phải là nhu cầu của đa số chúng ta. Đa số vẫn chỉ đang dừng lại ở nhu cầu thoát nghèo và nhu cầu tiêu dùng. Tầng lớp trung lưu chủ yếu vẫn đang bị cuốn vào lô gic của xã hội tiêu thụ, và đặt mục tiêu kiếm tiền, nhưng chưa tự đặt cho mình nỗi băn khoăn về việc kiếm tiền theo cách nào và kiếm tiền để làm gì.
Đoạn văn trên đây được bà viết trong bài cảm ơn Giáo sư người Mỹ Jonathan London khi ông vừa công bố một bức thư giửi cho tất cả những người Việt Nam, và tự nhận mình là một người bạn thân. Bức thư vạch ra những khó khăn của tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam trên nhiều lãnh vực, trong tình hình thế giới biến động nhiều bất an, mà cả một nền dân chủ lớn như nước Mỹ cũng bị đe dọa.
Tuy nhiên ông London vẫn cho rằng dân chủ vẫn là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người, trong đó có người Việt Nam:
Muốn Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn, hãy chọn con đường chính đại. Hãy dũng cảm và sáng suốt để bảo vệ người lao động Việt Nam. 
- Jonathan London 
Muốn Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn, hãy chọn con đường chính đại. Hãy dũng cảm và sáng suốt để bảo vệ người lao động Việt Nam. Hãy dứt khoát nói không với những dự án không đảm bảo môi trường. Hãy hiểu và biết quý trọng giá trị câu “dân cần nước sạch”. Làm như thế thì Việt Nam mới có lực để ‘chịu phát triển’ bền vững, và có chất lượng hơn so với những năm gần đây.
Tinh thần sẵn sàng đầu tư cho giáo dục của con cái sẽ vô cùng lãng phí nếu chúng ta (tức là cộng đồng nhà giáo và người dân) không đòi hỏi và xây dựng được một hệ thống giáo dục thực sự phản ánh tinh thần cởi mở, phản biện khoa học. Nếu không thế, chúng ta không có cơ sở gì để kỳ vọng đất nước Việt Nam cất cánh.
Hiện nay người dân Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến số phận của đất nước mình. Và đây chính là lúc để cởi trói cho những giá trị chính trị quan trọng nhất đối với người dân Việt Nam từ thời Pháp đến nay: tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do tư duy chính trị. Nếu bạn hỏi tại sao tôi lại lạc quan khi những giá trị này chưa được tôn trọng đúng mức? Bởi vì tôi thấy ngày càng nhiều người Việt nhìn nhận rằng những quyền này là cần thiết hơn bao giờ hết.
Trong tình trạng bất an hôm nay, tôi tin rằng người dân Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực học hỏi, tham gia đóng góp và ra sức thúc đẩy một xã hội dân chủ hơn, văn minh, minh bạch, công bằng, và có trật tự. Tôi nghĩ rằng dù ở Việt Nam hay ở Mỹ hay bất cứ ở nơi nào trên trái đất, những nỗ lực phát triển xã hội thể theo nguyện vọng dân chủ và nhân dân vẫn là vấn đề cốt lõi và cần được khuyến khích hơn bao giờ hết.
Nhà báo Trần Phong Vũ nhận xét bức thư của Giáo sư London:
Đấy là sự đồng nhất trong quan điểm của một trí thức luôn tỏ ra quân bình trong mọi phê phán, nhận định về đường lối, chính sách của đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam cũng như khát vọng sâu xa của người dân, các nhà đấu tranh cho dân chủ và các tổ chức Xã hội Dân sự ở Việt Nam lâu nay.
Ông Trần Phong Vũ cho rằng đây là một bức thư thẳng thắn và đầy thiện chí, một cái phao để đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam tìm ra một sinh lộ, tránh điều mà blogger Nguyễn Anh Tuấn lo ngại rằng Bất ổn xã hội như một lẽ tự nhiên nếu không có gì thay đổi.

Thủ tướng Canada chúc ‘Tết Việt Nam,’ ca ngợi di dân Việt

Thủ tướng Canada Justin Trudeau dành nhiều lời tốt đẹp cho người tị nạn Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên đán, giữa lúc ông tuyên bố mở rộng vòng tay đối với các di dân và người tị nạn bị chặn không thể nhập cảnh vào Mỹ vì sắc lệnh hành pháp gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump.
Thay vì dùng chữ “Chinese New Year” [Tết Trung Hoa] như nhiều người nước ngoài hay gọi, ông Trudeau viết “Vietnamese New Year” [Tết Việt Nam], Tết Nguyên Đán, trong lời chúc mừng năm mới gửi tới người gốc Việt định cư tại Canada hôm 28/1.
Nhà lãnh đạo Canada nói: “Năm nay, trong khi chúng ta ăn mừng 150 năm ngày lập quốc, đây là dịp để chúng ta tôn vinh nhiều nền văn hóa, truyền thống và đức tin đã khiến Canada trở thành một nơi tuyệt vời để sinh sống”.
Ông Trudeau được trích lời nói tiếp: “Người Canada gốc Việt đã có các đóng góp rất lớn đối với Canada và đã giúp biến nó trở thành một nơi vững mạnh và đa dạng như ngày nay”.
Trả lời VOA Việt Ngữ, ông Nguyễn Xuân Thạch, Chủ tịch Hội người Việt ở thành phố Calgary, cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông “rất phấn khởi” khi nghe lời chúc của ông Trudeau.
Ông nói thêm:
“Ông Trudeau rất hiểu cộng đồng người Việt ở Canada này và đồng thời ông cũng hiểu rằng đối với cộng đồng người Việt và đối với hiện trạng người Trung Hoa xâm chiếm biển đảo của Việt Nam mình. Mình rất là khâm phục ông tại vì ông coi trọng vấn đề người Việt Nam ở Canada này. Ông rất quý mình cho nên ông dùng danh từ thế cho “Chinese New Year” là “Vietnamese New Year”.
Theo con số thống kê không chính thức, ước tính có hơn 200 nghìn người Việt hiện sinh sống và làm việc tại Canada, và nhiều người trong số đó tới quốc gia Bắc Mỹ này sau Chiến tranh Việt Nam.
Lời ca ngợi của Thủ tướng Canada đối với di dân Việt được đưa ra trong bối cảnh ông cam kết “sẽ chào đón những người chạy trốn khỏi sự đàn áp, khủng bố và chiến tranh”, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra sắc lệnh hành pháp gây tranh cãi về di dân.
Ông Thạch nói với VOA Việt Ngữ rằng “chúng tôi rất là ‘support’ [ủng hộ] ông Trudeau nói như vậy” vì cộng động người Việt tị nạn cũng từng được Canada cho phép tới định cư.
Vị chủ tịch cộng đồng nói thêm:
“Cái policy [chính sách] của Canada từ hồi nào tới bây giờ rất là bao dung và rõ ràng là không có kỳ thị một quốc gia, một dân tộc nào hết. Khi mà ông nói như vậy, khác hơn ông Trump, vì Canada lúc nào cũng “open arms” [mở rộng vòng tay] tất cả mọi dân tộc xin vô Canada này tị nạn. Ông không có khó khăn như ông Trump tổng thống Mỹ bây giờ”.
Ông Thạch cho rằng “đâu phải tất cả mọi công dân của những nước mà ông Tổng thống Trump cấm đều là khủng bố hết”, nên “cấm như vậy cũng không có đúng lắm”.
Trong tuyên bố hôm 29/1, Nhà Trắng dẫn lời ông Trump nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục “cho thấy lòng trắc ẩn đối với những người bỏ chạy sự áp chế”, nhưng đồng thời “vẫn phải bảo vệ các công dân và biên giới của chính chúng ta”.

Đầu xuân bàn về dân chủ hóa cho Việt Nam

Trước tình hình thế giới diễn biến phức tạp, Trung Quốc ngày càng khuếch trương chủ nghĩa bá quyền, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa nhậm chức với những chính sách ngoại giao cứng rắn và khó lường, giáo sư Tương Lai cho rằng dân chủ hóa là vấn đề cốt lõi để tạo sức mạnh cho Việt Nam.
Giáo sư Tương Lai nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, từng là thành viên của Tổ Tư vấn của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, nói với VOA rằng chưa lúc nào các trí thức Việt Nam lại ưu tư về vận nước như hiện nay. Giáo sư nói chưa lúc nào mà ý tưởng “cùng tắc biến, biến tắc thông” (có nghĩa là sự vật phát triển tới cực điểm, khi cùng tận, thì tất phải biến hóa) lại có tác động đến ông như hiện nay và nhất là không nên biến Việt Nam thành quân cờ giữa các nước lớn:
“Chưa lúc nào mà ý tưởng ‘cùng tắc biến, biến tắc thông’ có tác động đến tư duy của tôi bằng lúc này. Lúc mà thế giới đứng trước những chuyển biến dữ dội, trong đó có sự kiện ông Trump. Chính trong những cảnh khó lường trong quốc sách của ông Trump, nhất là đối với Trung Quốc, để Việt Nam không là quân cờ mạt trong cuộc chơi giữa các nước lớn, mà nước nào trước hết cũng vì dân tộc của họ. Tôi không muốn Việt Nam một lần nữa trở thành quân cờ trong cuộc chơi giữa các nước lớn.”
Điều quan trọng nhất, theo giáo sư Tương Lai, giới lãnh đạo Hà Nội phải chớp lấy thời cơ này để thực hiện nhanh quá trình dân chủ hóa:
“Dân chủ hóa để tạo sức mạnh cho đất nước. Đây là một điểm tựa vững chắc cho một thế đứng mới. Tất nhiên là một điều mà ông Nguyễn Phú Trọng khó nghĩ tới lắm. Song, tôi chắc chắn rằng những người biết rõ diễn biến của thời cuộc ngay trong giới cầm quyền chóp bu và nhiều người khác nữa không thể không thấy.”
Vì sao phải thực hiện quá trình dân chủ hóa? Theo giáo sư Tương Lai, trong mấy thập niên qua, Việt Nam đã lún sâu vào sự lệ thuộc với Trung Quốc vì giới lãnh đạo Hà Nội đã chọn sai mô hình phát triển đất nước:
“Do những người lãnh đạo đã chọn sai mô hình phát triển. Một mô hình đã sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu. Với nhiệm kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, do sự thiển cận và mù tối, với mớ giáo điều cũ mốc. Thế hệ lãnh đạo từ ông Linh về sau đã chui vào cáo thòng lọng Thành Đô (Hội nghị Thành Đô giữa lãnh đạo Việt Nam và lãnh đạo Trung Quốc năm 1991), khiến Việt Nam bây giờ trở thành một nước lạc hậu quá nhục nhã.”
Theo giáo sư Tương Lai, thoát trung không phải là bài Hoa. Vị trí địa lý của Việt Nam buộc Việt Nam phải chung sống với nước láng giềng đông dân nhất thế giới. Nhưng Việt Nam phải khẳng định thế đứng của mình dựa trên lợi thế về địa chính trị để được coi trọng trong “thế cờ” giữa Mỹ và Trung Quốc. Giáo sư Tương Lai khuyên Việt Nam nên học hỏi quá trình dân chủ hóa của Myanmar:
“Hãy nhìn sang Myanmar, Tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi đã tạo cho đất nước mình một thế đứng như thế nào. Biên giới Myanmar-Trung Quốc dài gấp đôi biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Đó là tấm gương để chúng ta thấy. Việt Nam và Myanmar có nhiều quan hệ tương đồng. Vì sao bây giờ Mynamar ở một thế đứng khác với Việt Nam? Vì ông Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi đã dám dân chủ hóa đất nước Myanmar.”
Theo định nghĩa triết học phương Tây, Dân chủ hóa là quá trình chuyển đổi từ các thể chế quân chủ, độc tài, toàn trị sang thể chế dân chủ. Chúng ta cũng không cần nhiều bằng chứng để chứng minh dân chủ hóa là tất yếu, một phần bởi dân chủ hóa đang ngày càng trở thành khuynh hướng chính trị chủ đạo của toàn thế giới.
“Theo tôi, những ai có tầm nhìn mới và đủ bản lĩnh hành động, người đó sẽ đi vào lịch sử. Nếu không, họ sẽ trở thành tội đồ của lịch sử.”
Theo giáo sư Tương Lai, Việt Nam không nên trì hoãn hay né tránh vấn đề này, bởi nếu một nhà nước không tự dân chủ hóa mình thì thế giới, hay nói đúng hơn là những đòi hỏi chính trị toàn cầu, sẽ buộc nhà nước đó phải tiến hành dân chủ hoá. Đó cũng chính là bối cảnh hiện nay, như lời giáo sư nói ‘cùng tắc biến, biến tắc thông’ – Việt Nam đang gặp sức ép từ bên ngoài và nếu Việt Nam không phát triển thông qua dân chủ hóa thì không còn cơ hội tồn tại.

Trao giải ‘giấy mời’ làm việc với công an VN

Cuộc triển lãm được tổ chức và bình chọn trên mạng từ cuối tháng 12 và vừa được trao giải vào dịp Tết Đinh Dậu.
Trả lời BBC hôm 30/01/2017, ông Huỳnh Ngọc Chênh, cựu nhà báo của tờ Thanh Niên, nói đây là triển lãm lần đầu và ông dự định sẽ tiếp tục thực hiện hình thức này.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh cho biết ý tưởng triển lãm này xuất phát từ việc một số thành viên tham gia hoạt động xã hội dân sự liên tục bị công an mời gặp.
Ông nói nhiều người trong số họ nhận giấy nhưng không đi vì cho rằng kiểu mời hay triệu tập của công an như vậy là vi phạm pháp luật.
Ông cho biết trong đợt trao giải đầu tiên này có nhiều giải, được chia làm ba nhóm, gồm người nhận nhiều giấy mời nhất, người có giấy mời độc đáo nhất và người có giấy mời bất hợp lý nhất.
BBC: Ông có thể sơ lược về các giải?
Chị Dương Thị Tân, vợ anh Điếu Cày nằm trong số nhóm người nhiều giấy mời nhất với gần 50 giấy mời, giấy triệu tập.
Giải độc đáo nhất thuộc về nhà hoạt động xã hội Huỳnh Công Thuận, hội viên Hội Nhà báo Độc lập. Anh có cái giấy gọi là “lệnh mời” từ năm 1979. Tức là mời theo lệnh, tức là phải có mặt.
Giải giấy mời bất hợp lý nhất lúc đầu định chỉ trao một giải nhưng sau đó bạn đọc bình chọn tới bốn giải, trong đó có luật sư Hà Huy Sơn được mời đi bào chữa cho một nạn nhân bị đánh chết. Tòa ở quận Cầu Giấy, anh ấy cũng ở đúng quận đó nhưng sau khi tòa xử một tháng sau thì giấy mời mới đến.
Trường hợp của chị Đặng Bích Phượng thì sau khi chị đi biểu tình thị có lệnh bắt chị phải đi học tập ở phường 60 ngày. Chị Phượng không chấp hành nhưng sau 60 ngày người ta vẫn gửi giấy công nhận chị học tập tốt.
Luật sư Nguyễn Văn Đài cũng nằm trong nhóm “độc đáo” vì có giấy triệu tập của công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) buộc anh đến làm việc về vấn đề nhân quyền sau khi anh đã bị Bộ Công an bắt tạm giam.
BBC: Giải thưởng này là gì và họ đón nhận thế nào, thưa ông?
Hầu hết những người tham gia triển lãm này cũng là để trưng bày những cái bất hợp lý mà chính quyền gây ra cho mình bấy lâu nay. Có những người bị mời đi mà không đi còn bị công an chặn đường bắt cóc rồi đưa đi làm việc.
Do đó việc trao giải, đa số với số tiền không lớn lắm cũng chỉ là tượng trưng nhưng mọi người đều rất vui. Giải cũng trong khoảng 2-4 triệu đồng mà thôi.
Và có những người cũng nhường giải thưởng họ được trao cho gia đình có người thân mới bị bắt. Chẳng hạn trường hợp anh Phạm Bá Hải, người đứng thứ nhì trong nhóm người nhận nhiều giấy mời nhất, đã nhường giải thưởng của mình cho các con bà Trần Thị Nga bị bắt gần đây. Hay chị Phạm Thanh Nghiên đã nhường số tiền giải thưởng cho gia đình em Nguyễn Văn Hóa, bị bắt trước Tết.
BBC: Cá nhân ông từng viết blog, tham gia biểu tình, tọa kháng…, ông nhận được bao nhiêu giấy mời?
Hồi tôi viết blog thì tôi nhận tới 6 giấy mời lên làm việc ở Sở Văn hóa Truyền thông (Tp HCM) để làm việc. Nhưng thực tế là khi tới đó đều có an ninh làm việc với mình.
Thì tôi có đi một hai lần thôi, còn hầu hết các lần tôi đi biểu tình hay tọa kháng thì không có giấy mời. Sau này khi từ Sài Gòn ra Hà Nội biểu tình thì tôi liên tục bị mời, mời tới ba lần ra làm việc. Dĩ nhiên là cả ba lần đó tôi đều không đi.
Còn những lần tôi tới thì từ năm 2013 về blog của tôi, tới đó thì tranh luận bài này bài kia, họ có quan điểm của họ, mình có quan điểm của mình nói rõ việc mình làm hoàn toàn đúng pháp luật và do đó các lần sau tôi không đi. Còn nếu tôi đi biểu tình mà bắt tôi lên xe đi làm việc thì đi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?