Đọc báo Pháp – 27/09/2017

Đọc báo Pháp – 27/09/2017

Đánh Bắc Triều Tiên : “Chậm lắm là trong sáu tháng ?”

Báo chí Pháp hôm nay tập trung vào hai chủ đề quốc tế : Tổng thống Macron và đề án cải cách sâu rộng Châu Âu, giải pháp quân sự của Mỹ trừng phạt Kim Jong Un trước khi Bắc Triều Tiên xua quân nam tiến.
Nguy cơ chiến tranh Mỹ-Bắc Triều Tiên được Le Figaro trình bày dưới hai góc cạnh : Nhìn từ Washington, xu hướng dùng vũ lực đang được củng cố tại Nhà Trắng. Nhìn từ bán đảo Triều Tiên, Kim Jong Un đùa với lửa.
Thái độ cường điệu của tổng thống Mỹ là phản hồi của xu hướng đồng điệu ủng hộ giải pháp tấn công phòng ngừa. Cho dù phát ngôn viên Nhà Trắng bác bỏ quy buộc của Bình Nhưỡng « Mỹ tuyên chiến với Bắc Triều Tiên », cho dù khẳng định « ưu tiên cho biện pháp áp lực tối đa về kinh tế và ngoại giao » nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy Washington ngày càng nghiêng về  « quân sự ».
Trước hết là cố vấn an ninh quốc gia, tướng H.R McMaster  nói: “Chúng tôi hy vọng tránh chiến tranh với Bắc Triều Tiên nhưng không thể loại trừ khả năng này”. Một tướng lĩnh khác, bộ trưởng quốc phòng James Mattis tiết lộ, trong số các kế hoạch quân sự, có phương án « đánh Bắc Bắc Triều Tiên mà không đặt Seoul vào tình trạng hiểm nguy ».
Giới doanh nghiệp như Christopher Ruddy, lãnh đạo tập đoàn truyền thông bảo thủ Newsmax, nhận định « Trump rất bình tĩnh vì nghĩ rằng Kim Jong Un là một thằng điên. Tuy tổng thống Mỹ phản ứng chiến thuật nhiều hơn là chiến lược, nhưng tại Nhà Trắng, xu hướng chung là tấn công phòng ngừa ».
Chủ nhân tập đoàn truyền thông Newsmax dự báo là « Donald Trump sẽ đánh trong vòng sáu tháng tới để giải quyết cuộc khủng hoảng này ». Lý do thứ hai buộc Trump phải hành động. Đó là để khuyến cáo Iran, và bất kỳ một nước nào khác, không nên thách thức Mỹ.
Kim Jong Un đùa với lửa
Trong bài « Kim Jong Un đùa với lửa », từ Seoul, đặc phái viên Sebastien Falletti của Le Figaro cho biết một nguyên nhân khác có thể làm Donald Trump không thể nhượng bộ như người tiền nhiệm Richard Nixon vào năm 1969. Vào thời điểm đó, một máy bay trinh sát của Mỹ bị bắn hạ làm 31 quân nhân Mỹ tử vong khi áp sát lãnh thổ Bắc Triều Tiên, như trường hợp chiếc oanh tạc cơ B-1 hồi tuần trước.
Lần này, tình thế đã đổi khác. Ra-đa của Bắc Triều Tiên không phát hiện được máy bay tàng hình của Mỹ. Theo phân tích của chuyên gia Hàn Quốc Cheong Seong Chang, bên cạnh thực lực quân sự quá yếu kém so với Mỹ, Kim Jong Un còn tính toán sai lầm khi đùa với lửa.
Biết rõ không thể chiến thắng, Kim Jong Un chạy đua trang bị tên lửa và hạt nhân để « đẩy Mỹ ra xa » bán đảo Triều Tiên. Để làm gì ? Để thực hiện mục tiêu sau cùng là xua quân tấn công Hàn Quốc, thống nhất bán đảo. Lo ngại Mỹ đặt Hàn Quốc trước chuyện đã rồi với hệ quả tái diễn chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, cho dù đắc cử với cương lĩnh đối thoại, cũng phải tăng cường hệ thống tên lửa và lá chắn chống tên lửa. Thái độ bốc đồng của Trump và Kim đều nguy hiểm như nhau, đối với Seoul.
Cùng nhận định, nhật báo kinh tế Les Echos « bắt mạch » khủng hoảng Washington-Bình Nhưỡng qua phản ứng thị trường chứng khoán châu Á. Giới đầu tư trong khu vực « tương đối hóa » những tuyên bố bốc lửa của Bình Nhưỡng, bởi vì chế độ họ Kim từ mấy chục năm nay vẫn lớn lối như thế và lần nào tổng thống Mỹ cũng nhượng bộ, kể cả khi bị bắn hạ máy bay trinh sát vào năm 1969.
Tuy nhiên, Les Echos cảnh báo : Tổng thống Mỹ hiện nay dường như « nghe sao hiểu vậy ». Bình Nhưỡng coi chừng. Donald Trump đã hăm dọa : Kim Jong Un sẽ không còn quanh quẩn trong xóm được bao lâu nữa đâu.
Điều thay đổi làm giới chuyên gia lo ngại nhất không phải là lời đe dọa quá trớn của ngoại trưởng Bắc Triều Tiên « giành quyền bắn hạ máy bay Mỹ », mà là cách tiếp cận của Nhà Trắng như thế nào. Trong vòng mấy thập kỷ, nhà họ Kim liên tục lên gân rồi xoa dịu và được Mỹ nhượng bộ. Nhưng lần này, đụng một tổng thống thích trò leo thang. Nếu cảm thấy bị đe dọa, Trump có thể ra tay trước với hệ quả tai hại cho Bắc Triều Tiên lẫn toàn khu vực.

Cứu rỗi châu Âu theo…Macron

Về thời sự Châu Âu, an ninh và chính trị vẫn là hai vấn đề nổi bật nhất. Le Figaro dành hai trang để báo động : Trước mối đe dọa của khủng bố, các thành phố lớn kêu gọi châu Âu trợ giúp tài chính. Berlin, Luân Đôn, Barcelona, Nice, Liège… vào thứ sáu tới, hơn 30 thị trưởng kéo về Nice để ký một dự án hợp tác chống khủng bố Hồi giáo. 57 % dân Pháp còn tỏ ra ủng hộ những biện pháp an ninh tăng cường, tức là giới hạn bớt tự do, hiện đang được quốc hội bàn thảo.
Trái lại, dự án cải cách châu Âu của tổng thống Pháp long trọng thông báo hôm qua tại đại học Sorbonne gây tranh luận mạnh mẽ. Tỏ ý đồng thuận, nhật báo Le Figaro chạy tựa lớn : Kế hoạch đầy cao vọng của Emmanuel Macron để cải cách Châu Âu, trong đó Pháp và Đức tiếp tục đóng vai trò trung tâm. Tổng thống Pháp không quên « dành một chổ đứng quan trọng cho Anh Quốc và các nước Balkan ».
Trong bài xã luận « cuộc tranh luận về tương lai châu Âu đã được Pháp khởi động », nhật báo cánh hữu nhắc lại lập trường thiếu dứt khoát của một loạt tổng thống Pháp từ J.Chirac cho đến F.Hollande trên các hồ sơ nhiều tham vọng từ quốc phòng cho đến di dân nhập cư, nông nghiệp. Các đề nghị không đủ mạnh để thu hút công luận ủng hộ. Từ nay, Macron « đảo ngược » tình thế này, đưa ra một mô hình phát triển nhiều vận tốc, trong đó ai cũng có chổ đứng.
Trong khi đó, Le Monde thận trọng hơn, nhấn mạnh đến những khác biệt quan điểm và ưu tiên của Pháp và Đức. Tổng thống Pháp muốn củng cố đồng tiền chung, lập ngân sách chung với một bộ trưởng tài chính và một nghị viện. Trái lại Berlin đang ưu tư về vấn đề di dân nhập cư, mới làm cho bà Angela Merkel mất một số cử tri, và chuyện Anh Quốc ra đi.
Nhật báo Libération, đưa lên trang bìa chân dung tổng thống Macron và chơi chữ : “Người hùng của nhà giàu, sứ thần của châu Âu“. Tuy nhiên, trung thành với vai trò của nhật báo độc lập, Libération dành hai cột báo để phân tích « 5 hướng để kích thích châu Âu đang hụt hơi ».
Nhật báo La Croix, mượn ý kinh thánh, chạy tựa dí dỏm : “Châu Âu theo thánh Macron“. Vấn đề nghiêm trọng nhất, đáng chăm lo nhất, theo La Croix, là số phận di dân và thuyền nhân : Vì sao Đức Giáo hoàng khăng khăng ủng hộ và kêu gọi ủng hộ đón tiếp di dân tị nạn một cách nhân đạo ?
Bài xã luận « Những khuôn mặt » giải thích : Tín đồ Thiên Chúa Giáo biết rõ, một mình họ đóng góp thì không thể nào đủ sức đối phó với thảm nạn quy mô này. Chiến dịch toàn cầu của tổ chức thiện nguyện Công giáo Caritas đang được phát động, đi đúng hướng đánh thức lương tâm nhân loại, giúp đỡ cho di dân hai lần bất hạnh, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, người già, phụ nữ , trẻ em, vừa thoát thảm cảnh chiến tranh, áp bức lại rơi vào nghịch cảnh phân biệt đối xử.
Trong lĩnh vực kinh tế, hai thông tin được báo chí Pháp tường thuật và bình luận nhiều là chuyện hai tập đoàn công nghệ cao cấp Alstom của Pháp và Siemens của Đức sáp nhập và do Đức lãnh đạo. Nguyên nhân chính là để đối phó với cạnh tranh của Trung Quốc nhưng thêm một ngôi sao kỹ nghệ Pháp lọt vào tay nước ngoài. Tin thứ hai phấn khởi hơn : Chủ tịch nghiệp đoàn chủ nhân Pháp, hướng dẫn một phái đoàn doanh nhân hùng hậu, sang Ấn Độ chinh phục thị trường.

Con người có thể thoát khỏi tình trạng hôn mê sâu ?

Một thông tin phấn khởi khác là một nhóm nghiên cứu Y khoa Pháp, đại học Lyon, thành công vực dậy một bệnh nhân từ trạng thái hôn mê thực vật suốt 15 năm nay trở về trạng thái ý thức tối thiểu. Phương pháp này là dùng điện kích thích thần kinh phế vị từ một máy phát tín hiệu gắn trong thân thể.

Tin đọc nhanh

(AFP) – Indonesia chuẩn bị cho đổi hướng máy bay đến Bali, nếu núi lửa phun. Chính quyền Indonesia ngày 27/09/2017 cho biết sẵn sàng chuyển hướng các chuyến bay đến địa điểm du lịch nổi tiếng Bali, nơi một ngọn núi lửa có thể phun trào bất kỳ lúc nào. Trên 100 chiếc xe ca chuẩn bị sơ tán các du khách và trên 80.000 người dân sống gần núi lửa nhất đã được di tản.
(AFP) – Boeing lập trung tâm hoàn thiện sản phẩm phi cơ B 737 tại Trung Quốc. Cơ sở được đặt tại tỉnh Chiết Giang (Zhejiang) đã chính thức khai trương ngày 26/09/2017. Công ty Comac là đối tác Trung Quốc của Boeing. Boeing đầu tư 33 triệu đô la cho dự án. Toàn bộ phi cơ B 737 sẽ vẫn được lắp ráp tại Mỹ, nhưng các trang thiết bị nội thất hay phần sơn bên trong khoang sẽ được thực hiện tại Trung Quốc.
(AFP) – Hoa Kỳ tăng thuế 220% với phi cơ chở khách của hãng Bombardier Canada. Theo Washington, hôm qua, 26/09/2017, loại máy bay CSeries chở 100 đến 150 khách của Bombardier đã được chính quyền Canada trợ giá, để được bán với giá thấp hơn giá thành. Canada và Anh quốc, quốc gia sản xuất các bộ phận của phi cơ nói trên, báo động là biện pháp nói trên nếu được thực thi sẽ để lại nhiều hậu quả. Quyết định còn phải được khẳng định chính thức vào ngày 12/12 tới.
(AFP) – Cháy kho đạn ở Ukraina. Hỏa hoạn tối qua 26/09/2017 đã xảy ra tại một kho đạn lớn ở Ukraina, khiến chính quyền phải đóng cửa không phận trong bán kính 50 km và sơ tán dân cư. Đây là vụ cháy kho đạn thứ hai tại Ukraina kể từ đầu năm nay, nhưng chính quyền vẫn chưa cho biết lý do.
(AFP) – Biến đổi khí hậu khiến mùa hè châu Âu nóng dữ dội. Theo một báo cáo của tổ chức phi chính phủ Climate Central công bố hôm nay, 27/09/2017, các đợt nóng khác thường tại miền nam châu Âu trong mùa hè vừa qua rõ ràng là do biến đổi khí hậu. Theo các nhà nghiên cứu, biến đổi khí hậu do các hoạt động của con người làm tăng gấp 10 lần khả năng xảy ra một mùa hè nóng tương tự.
(AFP) – Băng Nam Cực co lại ở mức kỷ lục. Giới khoa học về khí hậu và môi trường có cuộc họp đầu tuần này tại Tasmania, lãnh thổ tự trị thuộc Úc. Trong hội thảo này, các nhà khoa học thông báo diện tích băng Nam Cực đã thu hẹp ở mức kỷ lục kể từ năm 1979, cả trong mùa hè lẫn mùa đông, theo các hình ảnh vệ tinh. Biến đổi băng ở Nam Cực rất khó lường, ảnh hưởng lớn đến việc di chuyển của tàu thuyền. Cách nay ba năm, lượng băng lại tăng lên đến mức kỷ lục. Các nhà khoa học đang tìm cách làm sáng tỏ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến băng Nam Cực.
(AFP) – Hàng triệu trẻ em không biết đọc biết viết sau nhiều năm đến trườngNgân hàng Thế giới ngày 26/09/2017 báo động tình trạng hàng triệu trẻ em tại các nước thu nhập thấp, sau nhiều năm đi học, vẫn gần như mù chữ, không làm được những phép tính cơ bản. Với nhịp độ hiện nay, phải chờ 75 năm nữa, các học sinh Brazil 15 tuổi mới đạt mức trung bình về toán so với các nước giàu, còn về ngữ văn thì đến 263 năm. Ngược lại, Việt Nam là một trường hợp đáng cổ vũ : Học sinh người Việt 15 tuổi có trình độ các môn toán, khoa học và ngữ văn tương đương với Đức, dù Việt Nam nghèo hơn hẳn.
(AFP) – Palestine được gia nhập Interpol. Nhà nước Palestine hôm nay 27/09/2017 đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol, với trên 75% phiếu ủng hộ tại hội nghị toàn thể tổ chức ở Bắc Kinh, dù Israel phản đối. Đây là chiến thắng ngoại giao mới của Palestine, sau khi giành được một ghế quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc năm 2012, và tham gia trên 50 thỏa thuận, tổ chức quốc tế.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?