Đọc báo Pháp – 29/09/2017

Đọc báo Pháp – 29/09/2017

Bắc Triều Tiên không thiếu cách kiếm tiền

Báo chí Pháp ngày 29/09/2017 tập trung nhiều vào thời sự nội tình nước Pháp với các đề tài liên quan đến các cải cách kinh tế xã hội của chính phủ hay ngân sách chi tiêu của Pháp cho năm 2018 vừa được công bố. Riêng nhật báo Công giáo La Croix đặt Bắc Triều Tiên vào trọng tâm sự kiện của tờ báo. Trang nhất của La Croix đặt câu hỏi lớn thể hiện thắc mắc chung của dư luận quốc tế : « Bắc Triều Tiên kiếm tiền từ đâu ? » để chi phí cho chương trình hạt nhân.
Theo La Croix, Bắc Triều Tiên có thể cầm cự được với các trừng phạt của quốc tế, bởi từ lâu nay đất nước này đã dựng được một mạng lưới công ty bình phong để che giấu phần lớn nguồn thu từ buôn bán. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên còn một nguồn thu khác đó là bán sức lao động của hàng nghìn kiều dân của họ ở nước ngoài.
Vì phát triển chương trình hạt nhân, Bắc Triều Tiên bị quốc tế liên tiếp trừng phạt, mỗi ngày thêm nặng hơn. Câu hỏi mà La Croix đặt ra là : Liệu các trừng phạt đó có làm cho Bình Nhưỡng phải chùn bước ? Câu trả lời là ít có khả năng. Theo tờ báo, « Bắc Triều Tiên sẽ phải gặp khó khăn, nhưng sẽ không nhanh chóng chịu khuất phục do nền kinh tế của nước này vững chãi hơn nhiều như người ta tưởng .»
Từ nhiều năm qua, chế độ Bình Nhưỡng đã khuyến khích phát triển các doanh nghiệp tư nhân loại nhỏ nằm trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp nhỏ đóng góp từ 30 đến 50% tổng thu nhập của Bắc Triều Tiên và trong năm 2016 có mức tăng trưởng 4%. Theo số liệu của Ngân hàng Quốc gia Hàn Quốc.
La Croix trích dẫn chuyên gia Bắc Triều Tiên, bà Juliette Morillot, cho biết: « Các doanh nhân đó tạo thành một tầng lớp xã hội mới. Đó là những chủ nhà hàng, tài xế taxi hay các nhà xuất nhập khẩu. Họ hoạt động trong khắp vùng Đông Nam Á và kiếm được cũng khá. Cần phải thoát khỏi suy nghĩ về một Bắc Triều Tiên đói khổ… »
La Croix hệ thống lại những nguồn thu nhập chủ yếu của đất nước vẫn bị đánh giá là khép kín, cô lập nhất thế giới này :
Về thương mại :
Năm 2016, xuất khẩu của Bắc Triều Tiên đạt doanh số khoảng 5,5 tỷ euro.Trong đó đa số xuất sang Trung Quốc với các mặt hàng như than đá, sản phẩm dệt may, các thiết bị gia dụng nhỏ, hải sản…Theo tờ báo, trong số các đối tác thương mại của Bình Nhưỡng, người ta còn thấy có Ấn Độ, Pakistan hay thậm chí cả Pháp.
Số liệu của hải quan năm 2016 cho thấy nhiều mặt hàng như tôm cá, xe nâng hàng với giá trị 10 triệu euro đã được nhập vào Pháp. Các nước như Ấn Độ, Sri Lanka hay Pakistan, bất chấp lệnh cấm vận quốc tế, vẫn nhập các kim loại quý hiếm từ Bắc Triều Tiên trong thời gian từ 2016-2017. Ngoài hàng tiêu dùng, báo cáo của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho biết Bắc Triều Tiên còn xuất khẩu vũ khí, khí tài sang hàng chục nước châu Phi.
Về xuất khẩu lao động :
Đây là nguồn thu không hề nhỏ của chế độ Bình Nhưỡng. Theo các báo cáo điều tra về các hoạt động xuất khẩu lao động của Bắc Triều Tiên, nhân công xuất khẩu Bắc Triều Tiên phải làm việc 16 giờ mỗi ngày, hơn 6 ngày mỗi tuần, 80% thu nhập của họ phải nộp cho Nhà nước.
Chủ yếu lao động Bắc Triều Tiên làm việc trong các ngành xây dựng, nông nghiệp, công nghiệp… Họ được thuê qua các công ty trung gian. Hiện có khoảng từ 50 đến 200 nghìn người Bắc Triều Tiên đang lao động ở nước ngoài. Trong đó khoảng 20 nghìn người đang làm việc tại các công trình xây dựng ở Nga hay trong ngành khai thác gỗ tại Siberia.
Ngoài ra người ta có thể thấy lao động xuất khẩu Bắc Triều Tiên ở Trung Quốc, Trung Đông hay cả ngay trong Liên Hiệp Châu Âu, như Ba Lan hoặc Malta. Mỗi năm nguồn lao động này mang về cho ngân sách Nhà nước khoảng 200 triệu euro.
Đường dây ngầm và hoạt động tội phạm mạng
Không chỉ có làm ăn buôn bán, nhật báo công giáo cho rằng chế độ Bắc Triều Tiên còn tìm kiếm nguồn thu từ các mạng lưới ngầm được xây dựng từ lâu nay. Bình Nhưỡng đã tập trung đào tạo các chuyên gia tin học hàng đầu thế giới. Đội quân này đang bị nghi ngờ đã tham gia tấn các hệ thống mạng đánh cắp tiền của nhiều ngân hàng trong vùng Đông Nam Á.
La Croix kết luận : Những hoạt động kiếm tiền như vậy đã « phác họa hình ảnh một đất nước đã tổ chức một nền kinh tế riêng để không bị lệ thuộc vào ai, đồng thời tận dụng đầy đủ lợi thế quá trình toàn cầu hóa bằng các phương pháp che đậy tinh vi ».
Những lao động bán hợp pháp Bắc Triều Tiên ở Ba Lan
Để minh họa thêm cho chủ đề nguồn thu của chế độ Bình Nhưỡng. Thông tín viên của La Croix tại Vacxava có bài viết « Tại Ba Lan, những người bị bóc lột vô hình một các hoàn toàn hợp pháp ».
Bài báo cho biết « Hiện ở Ba Lan có khoảng 500 lao động Bắc Triều Tiên. Được trả lương rẻ mạt, tuy nhiên họ có giấy phép lao động và Công Đoàn Đoàn Kết công nhận sự có mặt của họ ».Những người Bắc Triều Tiên đó làm việc trên các công trường xây dựng hoặc khai thác nông nghiệp, nhưng không mấy ai thấy họ.
Những lao động này được tổ chức ăn ở theo nhóm, được vận chuyển đến nơi làm việc dưới sự giám sát chặt chẽ của bảo vệ và phiên dịch. Họ không dám ăn tiêu gì, bởi Nhà nước Bắc Triều Tiên, qua các công ty trung gian, đã chiết khấu phần lớn mức lương khoảng 500 đô la mỗi tháng của họ.

Nhật Bản : Shinzo Abe phá bài chơi lại

Vẫn liên quan đến châu Á, nhật báo le Figaro trở lại sự kiện thủ tướng Nhật Shinzo Abe, hôm 28/09 tuyên bố giải tán Quốc Hội để bầu lại vào ngày 22/10 tới.
Bài viết nhận định : Ông Shinzo Abe « toan tính lợi dụng sự suy yếu của đối lập, mối đe dọa Bắc Triều Tiên để khẳng định lại quyền lực của mình với đa số ». Trong khi đó, Nghị Viện Nhật đang bị tê liệt vì những cuộc tranh luận không ngớt về những vụ bê bối trong chính phủ.
Le Figaro trích dẫn các chuyên gia về Nhật cho rằng « người Nhật không đánh giá cao Shinzo Abe nhưng họ thấy bằng lòng với ông, bởi ông hiện thân cho sự ổn định ».
Tuy nhiên theo bài báo, ông Shinzo Abe cũng đang đứng trước không ít thách thức chính trị do sự chống đối nhân dịp này sẽ bùng lên. Điển hình là thống đốc vùng Tokyo, Yuriko Koike đã đứng ra thành lập đảng mới lấy tên Đảng Hy Vọng và ngay lập tức đã thu hút đông đảo lực lượng từ Đảng Dân Chủ, đang là đối lập chính với đảng cầm quyền Đảng Dân Chủ Tự Do.
Bàn cờ chính trị của Nhật Bản đang được phá đi, chơi lại và cuộc chơi sẽ rất căng thẳng, nhất là từ sau ngày bầu lại Quốc Hội 22/10 tới đây.

Ukraina : Cuộc chiến ngôn ngữ

Le Monde có bài viết mang hàng tựa đáng chú ý : « Kiev chọc giận các láng giềng về các ngôn ngữ thiểu số ». Lý do là vì bộ luật gây nhiều tranh cãi, theo đó bắt buộc sử dụng tiếng Ukraina trong trường học từ nay đến năm 2020.
Le Monde ghi nhận : « Vấn đề ngôn ngữ ở Ukraina là nguồn cội của một cuộc khủng hoảng chưa từng có giữa Kiev với nhiều láng giềng của họ », vượt ra khỏi khuôn khổ cuộc chiến chống tuyên truyền Nga. Khởi nguồn của vấn đề đó là hôm 5 tháng 9, Quốc Hội Ukraina đã thông qua một bộ luật giáo dục và đã được tổng thống Petro Porochenko ký ban hành ngày 26/9. Trong bộ luật này, phần nhậy cảm nằm ở chương về ngôn ngữ.
Theo văn kiện luật mới, các trường học ở Ukraina từ nay đến năm 2020 sẽ chỉ được sử dụng ngôn ngữ chính thức quốc gia là tiếng Ukraina. Trong khi đó pháp luật hiện hành vẫn cho phép trẻ em của các cộng đồng thiểu số được theo học bằng tiếng mẹ đẻ.
Theo Le Monde, chính quyền hiện nay ở Kiev cam kết thực thi chính sách « Ukraina hóa » để củng cố bản sắc dân tộc nhằm xóa bỏ những dấu tích của nước Nga cũng như của chế độ Xô Viết do lịch sử để lại.
Ngay từ khi được bỏ phiếu ở Quốc Hội, bộ luật cải cách giáo dục này đã làm dấy lên những chỉ trích mạnh mẽ, không chỉ từ phía Nga mà cả từ nhiều quốc gia châu Âu khác, trong đó có cộng đồng thiểu số dân của mình sống tại Ukraina như Bulgari, Hy lạp, Rumani, Hungary hay Moldavia.
Nhiều nước đã lên tiếng chính thức bằng con đường ngoại giao để tỏ bất bình với Kiev. Quan hệ giữa Ukraina với các nước láng giềng có nguy cơ sứt mẻ với bộ luật giáo dục mang nặng tư tưởng dân tộc.

Tây Ban Nha : Khủng hoảng Catalunya, nguy hiểm khó lường

Cũng liên quan đến châu Âu, các báo Pháp theo dõi với sự quan tâm đặc biệt cuộc đọ sức giữa những người chủ trương ly khai vùng Catalunya với chính quyền Tây Ban Nha, trước ngày 1/10, ngày chính quyền vùng tổ chức trưng cầu dân ý về nền độc lập của Catalunya, vốn dĩ bị Madrid quyết tâm chống.
Với hàng tựa: « Tại Catalunya, « mọi kịch bản đều có thể », La Croix ghi nhận không khí căng thẳng tại Catalunya, khi chỉ còn hơn 2 ngày nữa đến thời điểm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý. Chưa biết điều gì sẽ xảy ra trong ngày Chủ Nhật 01/10 tới ?
Giới quan sát dự đoán mọi chuyện có thể xảy ra, kể cả bạo lực, hay chuyện bắt giữ lãnh đạo phe chủ trương độc lập Puigdemont. Các báo ở Tây Ban Nha thì dự đoán, dân Catalunya sẽ ồ ạt xuống đường, nhưng sẽ không có trưng cầu dân ý. Nhưng dù vậy câu hỏi chính vẫn là quan hệ giữa chính quyền vùng, giữa người Catalunya với trung ương sẽ ra sao ?

Tin đọc nhanh

(AFP) – Người Trung Quốc mang cơn sốt ngà voi vào Lào. Báo cáo của Tổ chức Phi chính phủ Bảo tồn loài voi, ngày 28/09/2017, cho biết, việc mua bán ngà voi bùng nổ ở Lào do nhu cầu ngày càng gia tăng ở Trung Quốc, mặc dù chính quyền Bắc Kinh đã cam kết cấm buôn bán ngà voi từ giờ đến cuối năm 2017. Việc mua bán ngà voi tăng mạnh ở Lào do giá thành rẻ, dù nước này đã kí Công ước cấm buôn bán các loài sinh vật bị đe dọa. Ngà voi buôn lậu từ châu Phi được coi là biểu tượng của xã hội thượng lưu ở Trung Quốc, và rất đắt đỏ, có giá khoảng 1100 dollar/kg.
(AFP) – Các chỉ số kinh tế tốt, tạo thuận lợi cho thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nhật Bản tổ chức bầu cử Quốc Hội trước thời hạn vào ngày 22/10. Hôm nay, một loạt chỉ số kinh tế được công bố, tạo thuận lợi cho thủ tướng mãn nhiệm Shinzo Abe vì ông lấy hồ sơ kinh tế làm trọng tâm trong chiến dịch vận động tranh cử. Cụ thể, trong tháng Tám, mức tiêu thụ của các hộ gia đình tăng 0,6%, tính theo tỷ lệ cả năm. Thất nghiệp ở mức ổn định, 2,8%, sản xuất công nghiệp tăng 2,1%.
(AFP) – Malaisie : Vụ ám sát mờ ám anh trai của Kim Jong-un sẽ được xét xử vào thứ hai tuần tới. Chính quyền Kuala Lumpur, hôm nay 29/09/2017 cho biết, hai người phụ nữ Indonesia và Việt Nam, bị cáo buộc đã ám sát Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ của nhà độc tài Bắc Triều Tiên, bằng chất độc thần kinh VX, sẽ bị đưa ra xét xử vào thứ hai tuần tới. Kể từ khi bị bắt tới nay, hai cô gái này hầu như chưa lên tiếng trước truyền thông.
(AFP) – Núi lửa ở Bali, Indonesia nhả khói đậm đặc, chính quyền gia tăng di tản người dân.Theo các chuyên gia Indonesia, khói trắng tuôn ra từ núi lửa Agung, ở Bali ngày càng đậm đặc, gây lo ngại là núi lửa có thể bùng phát, do vậy, chính quyền đã gia tăng di tản người dân. Khói chứa axit sulfuric được quan sát thấy ở độ cao từ 50 đến 200 mét trên núi Agmont. Núi lửa đã đi vào hoạt động từ tháng Tám vừa qua. Tính cho đến hôm nay, hơn 144 ngàn người dân đã được đưa đi di tán. Chính quyền khuyến cáo người dân phải cách xa khu núi lửa hơn 9 km.
(AFP) – Ấn Độ : Ít nhất 22 người chết trong một vụ chen lấn ở Bombay. Giới chức Ấn Độ, hôm nay 29/09/2017 cho biết, có ít nhất 22 người chết trong đám đông hỗn loạn vào giờ cao điểm tại nhà ga Elphinstone, thành phố Bombay. Theo Phát ngôn viên Cơ quan đường sắt Ấn Độ, nguyên nhân của vụ chen lấn là do hành khách tìm chỗ trú mưa. Thủ tướng Narendra Modi đã gửi lời chia buồn tới các nạn nhân và người thân của họ.
(AFP) – Nhà đối lập Nga Alexei Navalny lại bị câu lưu. Trên mạng xã hội, ông Navalny cho biết, sáng nay, 29/09/2017, ông đã bị bắt giữ tại sảnh tòa nhà nơi ông ở. Phát ngôn viên của ông Navalny cho biết là nhà đối lập chuẩn bị đến Nijni Novogod, cách Matxcơva khoảng 400 km để dự một cuộc mít tinh vận động tranh cử tổng thống 2018, và cuộc mít tinh này đã được chính quyền địa phương cho phép. Ông Navalny đã bị bắt giữ nhiều lần. Hồi tháng Sáu, ông đã bị giam giữ hành chính nhiều ngày. Nhà đối lập cho biết ông sẽ ra ứng cử tổng thống vào năm 2018, cho dù theo ủy ban bầu cử Nga thì ông không đủ điều kiện vì đã từng bị tư pháp kết án với tội danh biển thủ công quỹ.
(AFP) – Thượng Viện Mỹ thông qua bổ nhiệm tân đại sứ tại Nga. Thượng Viện Mỹ hôm qua 28/09/2017 bỏ phiếu bổ nhiệm ông Jon Huntsman làm đại sứ Hoa Kỳ tại Nga. Ông Jon Huntsman, 57 tuổi, là một doanh nhân và một nhà ngoại giao có kinh nghiệm, cựu thống đốc bang Utah, miền tây Hoa Kỳ. Ông Jon Huntsman đã từng làm đại sứ tại Trung Quốc dưới thời tổng thống Mỹ Barack Obama.
(AFP) – Mỹ đề ra các biện pháp mới gia tăng trợ giúp các nạn nhân thiên tai ở Porto Rico.Washington hôm qua, 28/09/2017, thông báo tạm thời ngừng áp dụng trong vòng 10 ngày một đạo luật có từ năm 1920, để chuyển nhanh hàng cứu trợ cho 3,4 triệu dân ở Porto Rico bị bão Maria tàn phá. Đạo luật « Jones Act » quy định là chỉ có tàu bè của Mỹ được quyền chuyên chở hàng hóa giữa các cảng của Mỹ. Thị trưởng thành phố San Juan cho biết là hiện có khoảng 3000 container hàng cứu trợ tồn đọng tại cảng Porto Rico cho bất đồng trong việc phân phối viện trợ. Bộ Tài Chính thông báo là trong những ngày vừa qua, đã chuyển một khối lượng lớn tiền mặt đến Porto Rico để giúp cho nền kinh tế tại đây hoạt động trở lại. Bão Maria đổ vào đảo Porto Rico ngày 20/09. Theo thống kê sơ bộ, 42% người dân trên đảo không có nước sạch và chỉ còn 21 trong tổng số 69 bệnh viện hoạt động.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?