Tin khắp nơi – 30/09/2017

Tin khắp nơi – 30/09/2017

Tillerson: Bắc Hàn và Mỹ có ‘tiếp xúc trực tiếp’

Hoa Kỳ đang có các “tiếp xúc trực tiếp” với Bắc Hàn qua các kênh giữa hai bên, Ngoại trưởng Rex Tillerson cho hay.
Ông Tillerson nói Washington đang “thăm dò” khả năng đàm phán với Bình Nhưỡng, “nên hãy theo dõi”.
“Chúng tôi có các đường dây giao tiếp với Bình Nhưỡng”, ông nói.
Chúng tôi có các đường dây giao tiếp với Bình Nhưỡng. Chúng tôi không ở trong một tình huống tối tăm.”Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson
“Chúng tôi không ở trong một tình huống tối tăm.”
Bắc Hàn và Hoa Kỳ đã có những lời lẽ trao đổi qua lại nóng bỏng trong những tháng gần đây, nhưng việc hai bên có các kênh giao tiếp là điều vẫn chưa được biết.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đe dọa hủy diệt Bắc Hàn, và nói về nhà lãnh đạo nước này, ông Kim Jong-un là một ‘người tên lửa’ và ‘đang trong một sứ mệnh/hành trình tự sát’, điều đã dẫn ông Kim tới việc đưa ra những lời lẽ đáp trả trở lại đầy tính chất mạ lị, trong đó ông cho rằng lãnh đạo Mỹ có vấn đề về ‘tâm thần’.
Ông Kim cũng tuyên bố chính phía Mỹ đã có phát ngôn khiêu khích kiểu ‘khai chiến’ trước mà không phải là Bắc Hàn.
Cuộc khẩu chiến diễn ra sau khi Bình Nhưỡng liên tiếp thử nghiệm hỏa tiễn, trong đó nước này tuyên bố hôm 03/9/2017 là đã thử thành công một trái bom H loại thu nhỏ mà có thể được lắp vào một hỏa tiễn tầm xa.
‘Diễn ra đều đặn’
Các vụ thử nghiệm đã bị quốc tế lên án, với Liên Hiệp Quốc đưa ra thêm các biện pháp trừng phạt, chế tài nhắm vào Bắc Hàn trong nỗ lực gây áp lực buộc quốc gia ‘bí hiểm’ này chấm dứt chương trình vũ khí.
Các cuộc thảo luận lặng lẽ trong nhiều tháng với liên hệ ngoại giao… diễn ra đều đặn giữa đặc sứ về chính sách Bắc Hàn của Mỹ và một nhà ngoại giao cao cấp Bắc Hàn trong đoàn ngoại giao tại LHQ của nước nàyHãng tin AP
Ông Tillerson đang ở thăm Trung Quốc nơi ông có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình và nhiều quan chức khác, với hy vọng hối thúc Trung Quốc thực thi các biện pháp chế tài.
Tuần này, Trung Quốc đã yêu cầu nhiều doanh nghiệp Bắc Hàn đang hoạt động trên lãnh thổ Trung Quốc đóng cửa.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn muốn thấy có các cuộc đàm phán với Bắc Hàn.
Ông Trump tháng trước nói rằng “nói chuyện không phải là câu trả lời”.
Nhưng có tin nói đã có những kênh trao đổi giữa hai chính quyền Mỹ và Bắc Hàn.
Theo hãng tin AP, hai nước đã có các cuộc thảo luận lặng lẽ trong nhiều tháng, với “liên hệ ngoại giao… diễn ra đều đặn” giữa đặc sứ về chính sách Bắc Hàn của Mỹ và “một nhà ngoại giao cao cấp Bắc Hàn trong đoàn ngoại giao tại LHQ của nước này”.
Ông Tillerson đã từng ám chỉ rằng có những kênh tồn tại giữa hai nước, AP cho biết thêm hôm thứ Bảy.

Hàn Quốc: Triều Tiên sẽ tăng cường khiêu khích

Hàn Quốc dự kiến Triều Tiên sẽ có thêm hành động khiêu khích vào tháng sau trùng với dịp kỷ niệm ngày thành lập đảng cộng sản Triều Tiên.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Moon Jae-in hôm 28/9, cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui-yong dự đoán Bình Nhưỡng sẽ hành động trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 18 tháng 10.
Báo cáo của ông Chung cũng chỉ ra nguy cơ xảy ra xung đột quân sự xuất phát từ những ‘sự cố vô tình,’ nhà lập pháp Park Wan-ju, trưởng phát ngôn nhân của đảng Dân chủ cầm quyền.
Ông Park cho biết Tổng thống Hàn Quốc nói Seoul không thể trả qua chiến tranh lần nữa dù Tổng thống Mỹ gần đây nhiều lần nhắc tới phương án quân sự với Triều Tiên.
Bình Nhưỡng tố cáo Mỹ tuyên chiến sau khi Tổng thống Trump cảnh báo rằng chế độ Kim Jong Un sẽ không tồn tại được lâu nếu cứ tiếp tục đe dọa Mỹ và các đồng minh và rằng nếu để xung đột xảy ra, Triều Tiên sẽ hoàn toàn bị hủy diệt.
Theo lời ông Park, Tổng thống Hàn Quốc cho hay Washington và Seoul nhất trí phải áp lực Bình Nhưỡng, nhưng vẫn mở ngỏ cơ hội đàm phán.
Tổng thống Hàn Quốc nói hợp tác với cộng đồng quốc tế để kìm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng đang ở mức cao nhất và kêu gọi củng cố quốc phòng Mỹ-Hàn để chế ngự Triều Tiên.
Trục xuất các nhà ngoại giao Triều Tiên là một trong những biện pháp mà các nước đang thực hiện chống lại Triều Tiên vì các vụ thử phi đạn và hạt nhân.
Malaysia đã cấm công dân du hành tới Triều Tiên viện dẫn lý do căng thẳng leo thang tại bán đảo Triều Tiên.

Mỹ: Bộ trưởng Y tế từ chức vì bay phi cơ đắt tiền

Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Tom Price đã từ chức sau bê bối đáp phi cơ tư nhân đắt tiền khi thực hiện các chuyến công cán chính thức.
Trước đó, ông Price đã xin lỗi về 26 lần sử dụng phi cơ tư nhân từ tháng 5/2017 với mức chi lên tới 400.000 đô la gây tổn phí cho người đóng thuế.
Các quan chức chính phủ, trừ những người có liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia, phải sử dụng các chuyến bay thương mại để đi công cán.
Những người đóng thuế sẽ không trả một xu cho ghế của tôi trên những chuyến bay đóBộ trưởng Y tế Tom Price
Ba thành viên khác trong nội các của Donald Trump cũng đang bị điều tra về sử dụng máy bay riêng đắt tiền trong khi làm việc.
Một tuyên bố của Nhà Trắng cho hay Tổng thống Trump đã chấp nhận việc từ chức của ông Price, và cho biết thêm ông Don J Wright đã được chỉ định làm quyền Bộ trưởng Y tế.
Ông Wright ngay trước đó nắm chức vụ Thứ trưởng Y tế.
Trong thư xin từ chức được tờ New York Times đưa tin, ông Price nói ông lấy làm tiếc rằng “những sự kiện gần đây đã tạo ra sự phân tâm” trong công việc ở Bộ Y tế.
Một cuộc điều tra của trang mạng tin tức chính trị được nhiều người biết đế, Politico, nhận thấy rằng các chuyến đi lại, công cán của ông Price có tổn phí hơn một triệu đô la.
Cùng với khoản phí tổn là 400,000 đô la khi đáp các chuyến bay tư nhân, con số ở trên bao gồm chi phí các chuyến bay bằng phi cơ quân sự mà ông Price sử dụng khi ra nước ngoài, Politico cho hay thêm.
‘Không vui’
Tổng thống Trump trước đó nói ông “không vui” về các chi phí.
Ông Price đã hứa hoàn trả chi phí cho các chuyến bay bằng phi cơ tư nhân của ông và nói:
“Những người đóng thuế sẽ không trả một xu cho ghế của tôi trên những chuyến bay đó.”
Nhiều giờ trước khi ông Price từ chức, ông Trump nói với các phóng viên Nhà Trắng: “Ông ấy (Tom Price) là một người tốt. Chúng tôi sắp ra một quyết định vào một thời điểm nào đó, tối nay.”
Nhiều nhân vật thành viên hiện diện trong nội các Trump đã biến chính phủ của đương kim tổng thống là nơi có nhiều tỷ phú và triệu phú nhất từ trong lịch sử lập quốcTruyền thông Mỹ
Các ứng viên có thể thay thế ông Price bao gồm Scott Gottlieb, hiện là Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm và Seema Verma, nhà quản trị các Trung tâm Medicare và Medicaid Services.
Ba thành viên khác trong nội các của ông Trump đang bị xem xét kỹ lưỡng về việc sử dụng các phi cơ tư nhân trong khi làm việc, đó là:
Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke, người đã bay từ Las Vegas đến Montana vào tháng 6 năm ngoái trên chiếc phi cơ tư nhân, gây tổn phí cho người đóng thuế hơn 12.000 đô la, theo Politico và Washington Post.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin bị cáo buộc bay cùng vợ để mục kích nhật thực vào tháng trước.
Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường, Scott Pruitt, đã chi hơn 58.000 đô la cho một chuyến bay phi thương mại.
Cùng với chuyến bay Vegas-Montana, một chặng bay được các chuyến bay thương mại phục vụ, Bộ trưởng Nội vụ Zinke cũng được cho là đã sử dụng các phi cơ tư nhân bay giữa St Croix và St Thomas ở đảo US Virgin Islands hồi tháng 3/2017 và một phí cơ quân sự để bay tới Na-uy hồi tháng Năm.
Đầu năm nay, nhiều báo Mỹ cho hay nhiều nhân vật thành viên hiện diện trong nội các Trump đã biến chính phủ của đương kim Tổng thống Mỹ là nơi có nhiều tỷ phú và triệu phú nhất từ trong lịch sử lập quốc của nước Mỹ tới nay.

Bên trong đất nước ‘bí ẩn’ nhất thế giới

Trong khi các đầu báo trên thế giới gần như bị chi phối bởi những lời đe dọa hủy diệt lẫn nhau giữa Donald Trump và Kim Jong-un, cuộc sống hàng ngày ở Bắc Hàn vẫn tiếp tục diễn ra một cách bình thường.
Tất cả các hình ảnh đều đến từ NK News, một ấn phẩm chuyên ngành về Bắc Hàn. Trong bất kỳ chuyến đi nào đến đất nước cô lập này, các hình ảnh chỉ có thể được chụp với sự cho phép của hướng dẫn viên chính phủ.
Ảnh chụp vào tháng Chín trong chuyến thăm của nhóm NK News cho thấy người dân ở đây vẫn tiếp tục cuộc sống thường nhật như mọi ngày.
Bàn tròn Điểm tin tức cuối tuần (từ 24-30/9/2017)
Các công ty Bắc Hàn ở TQ phải đóng cửa
9 điều khác biệt Nam-Bắc Hàn
Những người Bắc Hàn đang đi dã ngoại gần thác Ullim gần thành phố cảng Wonsan. Với thức ăn, bia và karaoke, không có gì cho thấy căng thẳng đang có ảnh hưởng đến tâm trạng của họ.
Học sinh ở một buổi cắm trại mặc những bộ đồ thể thao sáng bóng – nếu để ý kỹ thì tất cả đều mang biểu tượng của các thương hiệu phương Tây như Nike hoặc Adidas.
Có lẽ đây là hàng nhái và hầu hết lũ trẻ đều không nhận diện được các thương hiệu này.
Phà chở khách lớn này từng được sử dụng để kết nối Wonsan với cảng Niigata của Nhật Bản. Tuy nhiên, do các lệnh trừng phạt từ năm 2006, dịch vụ phà đã bị đóng cửa. Điều đó có nghĩa là chiếc tàu đã đậu neo ở Wonsan nhiều năm qua, nhưng vẫn có phi hành đoàn.
Ngao là một đặc sản rất được yêu thích, đặc biệt là ở các thành phố biển. Hầu hết đều bị đánh bắt để xuất khẩu chứ không được tiêu thụ nội địa. Kể từ đợt trừng phạt mới nhất của LHQ vào đầu tháng Tám với việc cấm tất cả các mặt hàng xuất khẩu thủy sản, ngao xuất hiện trở lại ở thị trường nội địa.
Trong một thời gian dài, xe đạp điện từ Nhật Bản hoặc Trung Quốc chỉ được thấy ở thủ đô. Nhưng ngày càng xuất hiện nhiều ở các thành phố nhỏ hơn, cho thấy sự phát triển kinh tế bên ngoài Bình Nhưỡng đang dần dần xuất hiện.
Tuy nhiên, vận tải thông thường vẫn rất cơ bản. Nhiều thành phố có vô số xe đạp và ở đây, một người đàn ông đang dùng một con bò để kéo xe chở rác phế liệu ở thành phố Hamhung.
Người phụ nữ ở giữa trong bức ảnh kế tiếp có một túi nhựa từ thương hiệu Miniso của Nhật – Trung. Theo các nhà quan sát Bắc Hàn, NK News, người cung cấp ảnh, Miniso đã mở cửa hàng thương hiệu nước ngoài đầu tiên ở thủ đô Bình Nhưỡng đầu năm nay. Tuy nhiên, do các biện pháp trừng phạt, cửa hàng đã đổi tên.
NEWS
Trong khi cuộc sống dường như vẫn tiếp diễn như bình thường, vẫn có những dấu hiệu của sự ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt kéo dài. Một số trạm xăng đã bị đóng cửa và tình trạng thiếu điện dẫn đến việc người ta lắp đặt các tấm pin mặt trời nhỏ bên ngoài cửa sổ căn hộ của họ – như một khu căn hộ gần phía nam thành phố Kaesong.
Bất chấp những khó khăn kinh tế, bộ máy tuyên truyền vẫn tiếp tục vận hành. Mỗi năm, Ngày Quốc Khánh được tổ chức với một điệu múa tập thể ở thủ đô. Người phụ nữ trẻ này đang chuẩn bị cho buổi trình diễn.
Sự đe dọa từ các thế lực từ bên ngoài luôn hiện diện. Có những khẩu hiệu chống Mỹ cùng với khẩu hiệu yêu nước, và các hướng dẫn viên chính phủ thường đưa du khách tới nơi gọi là Bảo tàng Giải phóng Tổ quốc Chiến thắng. Mặc cho tình hình căng thẳng, vẫn có những nụ cười xuất hiện đâu đó.
Bắc Hàn khẳng định luôn sẵn sàng cho chiến tranh bất cứ lúc nào. Dưới đây, một trong nhiều bẫy xe tăng bên cạnh đường cao tốc. Cấu trúc bê tông này có chất nổ ở phía dưới, trong trường hợp của một cuộc xâm lược, sẽ làm cho các cấu trúc bê tông lớn đổ xuống đường để chặn xe tăng của đối phương. Ngày nay với tên lửa xuyên lục địa và các cuộc thử hạt nhân, những cái bẫy này trông quá lỗi thời, nhưng có lẽ chúng đóng vài trò như một lời nhắc nhở về khả năng chiến tranh.

Nhật – Trung hy vọng cải thiện quan hệ hai nước

Tại thủ đô Bắc Kinh, cũng vào dịp này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với Đại sứ Nhật Bản Yutaka Yokoi ở Hoa Lục rằng ông hy vọng sẽ có sự cải thiện tốt hơn giữa hai nước. Và trong tuyên bố được Bộ Ngoại Giao Trung Quốc phổ biến ngày 29 tháng 9, Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh Trung Quốc mong muốn Tokyo có thể theo đuổi một chính sách tích cực hơn với bắc Kinh.
Vào hôm thứ Sáu, ngày 29 tháng 9, Thủ tướng Abe và Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng đã trao đổi những thông điệp với nhau. Tân Hoa Xã trích dẫn nội dung thông điệp của thủ tướng Trung Quốc nêu rõ hai nước cần xử lý và kiểm soát đúng đắn những xung đột và bất đồng.
Mối quan hệ Trung- Nhật diễn tiến phức tạp suốt nhiều thập niên do hệ quả thời kỳ chiếm đóng Hoa Lục của Quân Đội Thiên Hoàng trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến, cũng như tranh chấp lãnh hải giữa hai phía tại chuỗi đảo ở biển Hoa Đông mà Nhật đang quản lý.
Nhật Bản gọi tên những đảo này là Senkaku, còn Trung Quốc đặt tên là Điếu Ngư.

TT Nhật tham gia kỷ niệm thiết lập ngoại giao với TQ

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tối ngày 28 tháng 9 đến Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo tham dự buổi lễ kỷ niệm 45 năm tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tokyo và Bắc Kinh, cũng như nhân dịp quốc khánh Trung Quốc. Động thái này được cho nhằm thể hiện thiện chí muốn cải thiện tình hình căng thẳng với quốc gia láng giềng Hoa Lục.
Thủ tướng Shinzo Abe là vị thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản tham dự dịp kỷ niệm hằng năm như vừa nêu trong hơn một thập niên qua. Tại buổi lễ, Thủ tướng Abe nói rằng ông hy vọng Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sắp xếp để sang thăm Nhật Bản vào một thời điểm sớm nhất.
Kênh thông tin NHK của Nhật Bản dẫn lời phát biểu của Thủ tướng Abe rằng mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc càng thắt chặt thì càng mang lại lợi ích cho hai nước và cũng là điều cần thiết cho hòa bình và ổn định ở vùng Đông Bắc Á “với tình hình hiện tại” trong khu vực, liên quan mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn.
Thủ tướng Shinzo Abe còn cho biết ông hy vọng sẽ đến thăm Trung Quốc và sẽ chủ trì một cuộc họp thượng đỉnh ba bên Nhật Bản-Trung Quốc và Nam Hàn chậm nhất vào cuối năm 2017, như là một phần của kế hoạch làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Bắc Kinh.

Trump đả kích thị trưởng San Juan

sau khi bà cầu xin trợ giúp sau bão

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Bảy quay sang đả kích thị trưởng thành phố San Juan và các quan chức khác ở hòn đảo Puerto Rico bị bão tàn phá, dè bỉu những phát biểu của họ về sự ứng phó chậm chạp của Mỹ trước thiên tai gây nên tình cảnh khốn đốn cho người dân trên lãnh thổ thuộc Mỹ này.
“Họ muốn mọi thứ làm sẵn cho họ trong khi đó là một nỗ lực của cộng đồng,” ông Trump nói trong một loạt những dòng tweet một ngày sau khi nhà lãnh đạo của thành phố thủ phủ khẩn nài sự giúp đỡ “để cứu chúng tôi khỏi chết.”
“Sự lãnh đạo kém cỏi của Thị trưởng San Juan, và những người khác ở Puerto Rico, những người không thể đưa nhân viên của họ tới giúp,” ông Trump nói.
Những dòng tweet này là lời đáp trả gay gắt đối với thị trưởng San Juan Carmen Yulin Cruz, người đã nói rằng chính quyền Trump “đang giết chết chúng tôi bằng sự kém hiệu quả” sau cơn Bão Maria. Bà kêu gọi Tổng thống, người sẽ tới lãnh thổ này của Mỹ vào ngày thứ Ba, “đảm bảo rằng ai đó đang đảm trách [nhiệm vụ cứu trợ] đủ sức cứu được mạng người.”
Ông Trump đã cam kết sẽ không từ bất cứ nỗ lực nào để giúp Puerto Rico hồi phục sau thảm họa Maria gây tàn phá, và tweet rằng các nhân viên quân sự và những nhân viên ứng cứu đầu tiên đã làm việc “rất tuyệt vời” dù “không có điện, đường sá, điện thoại…”
Ông nói Puerto Rico “bị phá hủy hoàn toàn” và “10.000 nhân viên liên bang đang có mặt trên đảo đang làm việc rất tuyệt vời.”
Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa của ông Trump, Elaine Duke đã thị sát quang cảnh ở Puerto Rico bằng máy bay trực thăng trong chuyến thăm hôm thứ Sáu. Bà cũng lái xe ngang qua những con đường ngập nước, những tấm bảng quảng cáo bị bóp méo và những mái nhà bị thủng to, và động viên một số nhân viên khẩn cấp mà chính phủ Mỹ điều tới.
Bà Duke hôm thứ Năm vấp phải chỉ trích của thị trưởng Cruz khi bà gọi nỗ lực cứu trợ của liên bang là “một câu chuyện tin tức tốt lành.”
“Đây là câu chuyện ‘người ta đang chết dần,’” bà Cruz nói với đài CNN hôm thứ Sáu. “Đây là câu chuyện về sự sống và cái chết.”
“Chúng tôi đang chết dần, và quý vị đang giết chết chúng tôi bằng sự kém hiệu quả,” bà Cruz nói trong một cuộc họp báo. “Tôi cầu xin, cầu xin bất cứ ai có thể nghe chúng tôi, cứu chúng tôi khỏi chết.”
Ông Trump, từ câu lạc bộ golf của ông ở bang New Jersey, lên Twitter cáo buộc bà Cruz lợi dụng chính trị đảng phái.
“Thị trưởng San Juan, người đã khen lấy khen để chỉ cách đây mấy ngày, giờ được phe Dân chủ bảo rằng phải nói xấu Trump,” Tổng thống nói mà không đưa ra chứng cứ.
Sau những dòng tweet của ông Trump, bà Cruz đăng lên Twitter những hình ảnh bà đi cứu trợ và nói rằng bà chỉ có một mục tiêu duy nhất là cứu mạng người và không thể để bất cứ điều gì khác gây phân tâm.
Thêm hàng ngàn người Puerto Rico đã nhận được nước và thức ăn hạn chế theo khẩu phần trong khi nút thắt viện trợ đã bắt đầu nới lỏng. Hãng tin AP cho biết tính đến nay, viễn thông đã được khôi phục cho khoảng 30 phần trăm hòn đảo, gần một nửa số siêu thị đã mở cửa trở lại dù trong khoảng thời gian hạn hẹp, và khoảng 60 phần trăm trạm xăng đang bơm. Nhưng nhiều người vẫn còn đang hết sức cần các nhu yếu phẩm, nhất là nước, sau cơn Mão Maria quét qua 10 ngày trước.

Bang Texas hỗ trợ nạn nhân bão Harvey 50 triệu đô la

Thống đốc Texas, Greg Abbott, ngày 29/9 trao cho thành phố Houston 50 triệu đô la phụ giúp các phí tổn liên quan đến trận bão Harvey.
Thị trưởng Sylvester Turner nhận khoản tiền hỗ trợ từ Thống đốc Abbott cho biết sẽ rút lại đề nghị tăng thuế có thời hạn 1 năm để trang trải chi phí dọn dẹp và chi trả cho bảo hiểm.
Nhiều phần của Houston bị cuồng phong và lũ lụt tàn phá sau khi Harvey quét qua thành phố này hôm 25/8. Đây là trận bão mạnh nhất ập vào Texas trong hơn 50 năm nay.
Mấy ngày trước, Thống đốc Texas bác đề nghị của Thị trưởng Turner yêu cầu tiểu bang lập tức vận dụng nguồn quỹ 10 tỷ đô la dự phòng khi hữu sự hỗ trợ cho Houston.
Hôm nay, Thống đốc nói ông có thể linh động rút 50 triệu đô la từ một nguồn quỹ cứu trợ thiên tai của tiểu bang trao cho Houston.
Ông Abbott nói ‘Tại thời điểm này, dường như đây là giải pháp tốt nhất.’
Thống đốc Texas cho biết một khi tiểu bang xử lý tổng phí tổn trong bão Harvey, cơ quan lập pháp của Texas sẽ tính tới việc đụng tới quỹ dự phòng tại kỳ họp thường kỳ vào đầu năm sau hay sớm hơn trong một kỳ họp đặc biệt.

Nga tố CNN International vi phạm luật truyền thông Nga

Cơ quan giám sát viễn thông của Nga hôm thứ Sáu 29/9 tố cáo kênh truyền hình CNN International là vi phạm luật truyền thông Nga, và cho biết đã vời các đại diện của CNN lên liên quan tới đề tài này.
Bộ Ngoại giao Nga hôm 28/9 tố cáo Washington là tăng sức ép không hợp lý đối với các hoạt động ở Mỹ của Russia Today, cơ sở truyền thông được điện Kremlin hậu thuẫn, đồng thời cảnh cáo phía Mỹ rằng Moscow có thể có các biện pháp trả đũa.
Phát ngôn viên của Tổng thống Putin, Dmitry Peskov, dẫn lời ông Putin nói trước một buổi họp của Hội đồng An ninh Nga hôm 29/9, rằng các cơ sở truyền thông Nga hoạt động ở nước ngoài đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng và điều này không thể được chấp nhận.
Trang web của Roskomnadzor, Cơ quan giám sát viễn thông Nga, nói cơ quan này sẽ xem xét giải pháp cảnh cáo CNN về những vụ hành vi mà theo cơ quan giám sát Nga, đã vi phạm các điều kiện của giấy phép hoạt động.
Cơ quan này không xác định rõ đài truyền hình của Mỹ vi phạm những điều khoản cụ thể nào trong luật pháp Nga, mà chỉ nói rằng Roskomnadzor sẽ “giám sát một cách có hệ thống” các phương tiện truyền thông đại chúng đăng ký hoạt động ở Nga.
Trả lời câu hỏi liệu cơ quan giám sát viễn thông Nga có hành động vì động cơ chính trị? người đứng đầu cơ quan, ông Alexander Zharov, nói:
“Tôi không có làm việc cho một tổ chức chính trị, mà làm việc cho một cơ quan giám sát truyền thông.”
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova hôm thứ Năm nói chính quyền Mỹ đòi Russia Today (RT), do nhà nước Nga kiểm soát, phải đăng ký như một “đại diện của nước ngoài” tại Hoa Kỳ.
Trong một buổi họp với những thành viên thường trực của Hội đồng An ninh quốc gia Nga, ông Putin “có đề cập tới vấn đề đang diễn ra và sức ép ngày càng tăng mà các hãng truyền thông đại chúng Nga phải đối mặt tại một số nước ngoài.”
Ông nhấn mạnh rằng áp lực như vậy đối với truyền thông Nga là “không chấp nhận được”. Ông không nêu tên các nước nơi mà điện Kremlin lo ngại cho truyền thông Nga.
Trong cuộc họp báo hàng tuần hôm thứ Năm, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga cảnh cáo rằng bất cứ động thái nào chống lại truyền thông Nga hoạt động tại Hoa Kỳ, cũng sẽ đối mặt với các biện pháp trả đũa.
“Cơ sở nào sẽ trở thành mục tiêu? Điều này thật là dễ dễ để Washington tìm hiểu. Thời gian không còn bao nhiêu.”

Mỹ rút viên chức ngoại giao khỏi Cuba vì ‘các cuộc tấn công’

Washington đang rút hơn một nửa số viên chức của đại sứ quán Mỹ khỏi Cuba sau khi có các cuộc tấn công bí ẩn gây hại đến sức khỏe các nhà ngoại giao Mỹ.
Chính quyền Mỹ cũng cảnh báo người dân không đến Cuba vì một số cuộc tấn công diễn ra ở các khách sạn.
Ít nhất 21 viên chức báo cáo họ có các vấn đề sức khoẻ, từ chấn thương não nhẹ, điếc cho đến chóng mặt, buồn nôn. Ít nhất hai người Canada cũng bị ảnh hưởng.
Có những báo cáo trước đó cho rằng các cuộc tấn công bằng âm thanh đã gây ra vấn đề. Cuba phủ nhận có bất kỳ dính líu gì đến việc này.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cho biết Mỹ sẽ duy trì quan hệ ngoại giao với Cuba và hai nước sẽ tiếp tục hợp tác để điều tra các vụ tấn công.
Hoa Kỳ đang yêu cầu tất cả các nhân viên không thiết yếu tại đại sứ quán ở Havana phải rời đi, cùng với tất cả người nhà. Chỉ “các nhân viên khẩn cấp” sẽ ở lại. Hoa Kỳ đã đình chỉ vô thời hạn việc xử lý thị thực tại Cuba.
Một quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay: “Chúng tôi sẽ giảm xuống chỉ còn các nhân viên khẩn cấp cho đến khi nào chính phủ Cuba có thể đảm bảo an toàn cho người của chúng tôi”.
Mặc dù có một cuộc điều tra với sự tham gia của FBI, Cảnh sát Hoàng gia Quốc gia Canada và chính quyền Cuba, vẫn chưa có lời giải thích đầy đủ về nguyên nhân của những vụ việc này kể từ cuối năm 2016.
Quan chức Mỹ nói hôm 29/9: “Chúng tôi không biết các phương tiện, phương pháp hay cách thức các cuộc tấn công đang được tiến hành”.
Tuy nhiên, các báo cáo trước đây phỏng đoán chúng là những cuộc tấn công bằng siêu âm, trong đó các nhân viên ở Havana bị tấn công bằng các sóng âm, làm họ gặp một số vấn đề kinh niên về thính giác.
Denis Bedat, một chuyên gia về điện từ sinh học, nói với hãng thông tấn AFP rằng việc sử dụng thiết bị âm thanh ngoài dải nghe được để tấn công âm thầm là điều “hoàn toàn có thể làm được về mặt kỹ thuật”.
Hoa Kỳ chưa quy trách nhiệm cho Cuba về những vụ này. Cả chính phủ Hoa Kỳ và Cuba “vẫn chưa xác định được bên có tội”, quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
“Chúng tôi chưa loại trừ khả năng một quốc gia thứ ba trong cuộc điều tra. Cuộc điều tra vẫn tiếp diễn”, quan chức nói thêm.
Có tin Chủ tịch Raul Castro đã đích thân đảm bảo với các quan chức Mỹ ở Havana rằng Cuba không đứng đằng sau các vụ tấn công này.
Hoa Kỳ mở cửa trở lại đại sứ quán ở Havana vào năm 2015, sau nhiều thập kỷ ngưng trệ quan hệ hai nước .
Năm 2016, Tổng thống Barack Obama đã trở thành vị tổng thống đầu tiên của Mỹ đến thăm Cuba kể từ thời ông Calvin Coolidge năm 1928.
Tháng 6, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút lại một phần các chính sách về Cuba của ông Obama, nhưng ông Trump nói sẽ không đóng cửa đại sứ quán Hoa Kỳ ở Havana.
(theo BBC, CNN, Washington Post)

Quản thủ thư viện từ chối quà tặng

của Đệ nhất Phu nhân Melania

Quản thủ thư viện trường Cambridgeport, bang Massachusetts, đã khước từ, không nhận những quyển sách Dr. Seuss do Đệ nhất Phu nhân Melania Trump tặng, nói rằng trường học của bà không có nhu cầu. Bà đề nghị Toà Bạch Ốc hãy tập trung giúp đỡ “các cộng đồng không được tài trợ đúng mức, thuộc thành phần thua thiệt vẫn tiếp tục bị gạt ra ngoài lề và bị tổn hại vì những chính sách của Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos.”
Theo Washington Post tường thuật rằng quản thủ thư viện Liz Phipps Soeiro đã viết một bức thư cho bà Melania Trump và đăng tải trên trang web The Horn Book, nói rằng bà không muốn nhận sách, bởi vì trường của bà được tài trợ đầy đủ, trong khi nhiều trường học khác không may mắn như vậy.
Thư của bà Soeiro có đoạn viết:
“Nhiều thư viện trên khắp nước đã bị đóng cửa. Các thành phố như Philadelphia, Chicago, và Detroit gặp nhiều khó khăn vì những chương trình phát triển, tư hữu hóa, và những lựa chọn trường học không thiết gì đến lợi ích của học sinh, gia đình các em, thầy cô giáo và trường học của các em. Có phải các em học sinh đó không xứng đáng được tặng sách chỉ vì những tình huống ngoài tầm kiểm soát của các em? Tại sao không tặng sách cho các cộng đồng thiếu tài trợ, bị thua thiệt đang bị gạt ra ngoài lề vì những chính sách do Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos đề ra?”
Bà Soeiro cho rằng sách của Dr. Seuss đã lỗi thời, có tính kỳ thị, và không còn giúp ích mà còn có hại cho trẻ em. Bà viết thêm:
“Trong cương vị Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ, bà có một diễn đàn tuyệt vời và những tài nguyên đẳng cấp thế giới trong tầm tay. Cách Toà Bạch Ốc không xa, bà có thể tiếp xúc với một quản thủ thư viện sách trẻ em tài năng, Tiến sĩ Carla Hayden, quản thủ thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Tôi chắc chắn Tiến sĩ Hayden sẽ có những đề nghị tốt nhất nếu được hội ý.”
Tường thuật về lời khước từ của quản thủ thư viện Soeiro, tạp chí Fortune trích một email gửi tới tạp chí này từ văn phòng Đệ nhất Phu nhân:
“Phu nhân Tổng thống có ý định dùng diễn đàn trong cương vị Đệ nhất Phu nhân để giúp càng nhiều trẻ em càng tốt. Từ khi chồng bà lên nhậm chức, bà đã chứng minh cả bằng hành động lẫn lời nói qua việc gửi sách tới các trường học trên toàn quốc, đó chỉ là một thí dụ. Dùng việc gửi sách cho các em học sinh nhỏ tuổi thành một vấn đề gây chia rẽ là điều đáng tiếc, nhưng Đệ nhất Phu nhân vẫn quyết tâm theo đuổi các nỗ lực của mình để giúp trẻ em ở khắp mọi nơi.”
Đài CBS tường thuật rằng một số người đã dùng trang mạng Twitter, nhanh chóng lên tiếng chỉ trích bà Soeiro, nhưng đài CBS ở Boston nói rằng một số phụ huynh đến đón con bên ngoài trường tiểu học hôm thứ Tư ủng hộ quản thủ thư viện của trường Cambridgeport, nói rằng bức thư của bà Soeiro “có lập luận, khúc chiết, và đưa ra những đề nghị có tính xây dựng”.
Hệ thống Trường Công lập Cambridge nói bài viết của quản thủ thư viện nói lên quan điểm riêng của bà, chứ không đại diện cho quan điểm của học khu này.
Đệ nhất Phu nhân Melania đã tặng sách cho một trường học tại mỗi tiểu bang trong khuôn khổ Ngày Đọc Sách Toàn Quốc 2017.
Trang web của Toà Bạch Ốc cho biết các trường học được chọn với sự góp ý của Bộ Giáo dục, dựa trên tiêu chuẩn “có thành tích xuất sắc” được công nhận qua các giải thưởng cấp tiểu bang và liên bang.

Mỹ không thừa nhận trưng cầu dân ý Kurdistan

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Washington « không công nhận » cuộc trưng cầu dân ý « đơn phương » về nền độc lập của vùng Kurdistan Irak, đồng thời kêu gọi các bên kềm chế và đối thoại để tìm ra giải pháp.
Trong một thông cáo đề ngày 29/09/2017, ngoại trưởng Mỹ đánh giá cuộc trưng cầu dân ý về của người Kurdistan tại Irak đòi độc lập với Bagdad là một « cuộc bỏ phiếu và kết quả thiếu tính chính đáng. Hoa Kỳ ủng hộ một nước Irak thống nhất, dân chủ và phồn thịnh (…) Washington đề nghị các bên, kể cả các nước láng giềng của Irak, hãy từ bỏ mọi biện pháp đơn phương, tránh dùng vũ lực ».
Lãnh đạo ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi chính quyền của người Kurdistan tại Irak tôn trọng vai trò hợp hiến của chính phủ trung ương, và đề nghị Bagdad từ bỏ đe dọa dùng vũ lực.
Về phần Paris, trong thông cáo ngày 29/09/2017, phủ tổng thống Pháp nhấn mạnh tầm quan trọng phải duy trì thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Irak, đồng thời tôn trọng các quyền của nhân dân Kurdistan.
Phản ứng về cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của người Kurdistan tại Irak, Iran ngày 30/09/2017 đã ra lệnh cấm tất cả các hãng vận tải chuyên chở các sản phẩm dầu mỏ ra vào vùng của người Kurdistan tại Irak, cho đến khi có lệnh mới.

Tây Ban Nha: Phe đòi độc lập Catalunya chiếm trường học

Một ngày trước cuộc trưng cầu dân ý bị chính quyền trung ương Tây Ban Nha cấm, không khí tại Catalunya thêm căng thẳng. Từ chiều ngày 29/09/2017, trong vùng Catalunya, những người ủng hộ độc lập đã tràn vào chiếm giữ hàng chục trường học là nơi dự kiến làm địa điểm bỏ phiếu.
Bất chấp chính quyền trung ương đang cố gắng bằng mọi giá để ngăn chặn cuộc bỏ phiếu như dọa phạt tiền, thu giữ phương tiện bầu cử hay khởi tố, những người chủ trương độc lập vẫn bám giữ mục tiêu của họ.
Tối hôm qua trước hàng chục nghìn người biểu tình tại Barcelona, ông Carles Puigdemont chủ tịch vùng Catalunya khẳng định quyết tâm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý.
Từ hôm thứ Tư (27/09) tư pháp Tây Ban Nha ra lệnh cho cảnh sát đóng cửa các địa điểm có thể được sử dụng làm nơi bỏ phiếu trưng cầu dân ý. Chiều tối qua người dân Catalunya ở nhiều nơi đã tràn vào chiếm giữ một cách ôn hòa các trường học để chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu ngày 01/10/2017.
Các lãnh đạo phe chủ trương Catalunya tự trị cho biết có thể họ sẽ có được 2315 phòng phiếu, trong đó có 207 địa điểm tại Barcelona, cho cuộc trưng cầu dân ý. Trong khi đó, khắp nơi trong vùng Catalunya, các cuộc biểu tình của đủ các tầng lớp xã hội đòi được bỏ phiếu về quyền tự trị của Catalunya vẫn diễn ra liên tiếp từ hôm qua.
Thông tín viên François Musseau tại Barcelona, ghi nhận không khí bất tuân dân sự đang dấy lên khắp nơi trong vùng Catalunya :
“Công đoàn nông dân lái máy cầy có cắm cờ của phe đòi độc lập. Sinh viên phát tờ rơi kêu gọi người dân tham gia đông đảo cuộc trưng cầu dân ý. Giới giáo viên chiếm giữ trường học. Cảnh sát vùng Catalunya thì chưa biết sẽ phản ứng ra sao với cuộc bỏ phiếu ngày mai… Có rất nhiều hình thức phản kháng trước ngày trưng cầu dân ý được báo hiệu rất bất ổn.
Đành rằng chính quyền trung ương cấm 5 triệu người Catalunya đến phòng phiếu, thế nhưng một phần lớn trong xã hội không chấp nhận sự áp đặt đó và họ sẵn sàng ồ ạt đến các phòng phiếu là những trường học mà chính quyền vùng lấy làm địa điểm bầu cử.
Các phương tiện truyền thông ủng hộ phe đòi ly khai khẳng định, « không một sức mạnh nào có thể cưỡng lại quyết tâm mãnh liệt của cả một dân tộc được tự do bày tỏ nguyện vọng nên hay không tiếp tục thuộc về Tây Ban Nha ». Điều tối thiểu chúng ta có thể nói là kết cục của cuộc trưng cầu dân ý lần này đầy bất trắc”.

Tấn công “thính giác” :

Mỹ triệu hồi nhân viên ngoại giao tại Cuba

Ngày 29/09/2017, Washington thông báo triệu hồi “hơn phân nửa ” nhân viên ngoại giao Mỹ tại sứ quán Cuba sau khi phát hiện nhiều ca bị “tấn công thính giác”. Tuy nhiên, ngoại trưởng Tillerson trong thông cáo cùng ngày khẳng định duy trì quan hệ ngoại giao với La Habana.
Sau nửa thế kỷ bị gián đoạn, năm 2015 Hoa Kỳ và Cuba tái lập bang giao. Nhưng quan hệ song phương xấu đi kể từ khi tổng thống Trump lên cầm quyền và nhất là sau khi phát hiện nhiều ngân viên ngoại giao Mỹ bị tấn công “thính giác”.
La Habana chỉ trích Washington “vội vã” rút một phần lớn nhân viên tại sứ quán và cho rằng hành động này làm phương hại đến quan hệ song phương.
Từ thủ đô Washington, thông tín viên Anne Corpet trở lại vụ “tấn công thính giác” nhắm vào một số nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ đang làm việc tại La Habana. Tới nay, còn nhiều nghi vấn chưa được làm sáng tỏ :
” Vụ việc với nhiều tình tiết này đã được phơi bày ra ánh sáng cuối tháng 8/2017 : 21 nhân viên sứ quán Mỹ tại La Habana từ cuối năm 2016 đã có những triệu chứng kỳ lạ như là bị nhức đầu, nôn mửa, chóng mặt, mất ngủ. Khi đó chính quyền Mỹ nói tới những ‘sự cố’ .
Từ đó tới nay, phía Hoa Kỳ đã thay đổi ngôn ngữ. Trong thông cáo hôm qua, bộ Ngoại giao Mỹ dùng từ ‘tấn công’ khi nói về vụ việc này. Tất cả những nhân viên trong tòa đại sứ mà sự hiện diện không cần thiết đều được lệnh trở về Mỹ.
Thông cáo của Mỹ giải thích là sức khỏe, an ninh và sinh hoạt bình thường của nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ tại Cuba cần phải được bảo đảm.
Cũng văn bản nói trên nhấn mạnh là Washington không biết rõ về nguồn gốc và phương thức của các vụ tấn công vừa nêu. Phía Cuba thì xác nhận với Mỹ là đang trong tiến trình điều tra.
Cùng lúc, chính phủ Mỹ kêu gọi công dân nước này tránh đến Cuba. Các quan chức Mỹ cũng được lệnh cấm đến Cuba ngoại trừ trường hợp liên quan đến cuộc điều tra về hồ sơ đầy bí ẩn này”.

Donald Trump nhận lời

đến Philippines dự thượng đỉnh ASEAN

Ngày 29/09/2017, Nhà Trắng thông báo tổng thống Mỹ công du châu Á lần đầu tiên từ ngày 03 đến 14/11/2017. Ông Donald Trump sẽ tới Việt Nam dự thượng đỉnh APEC, sau đó qua Philippines dự thượng đỉnh ASEAN và có thể gặp tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Các đây ít tuần, khi thông báo về chuyến công du châu Á sắp tới đây, ông Trump đã úp mở về khả năng đến Manila tham dự thượng đỉnh ASEAN theo lời mời của người đồng nhiệm Philippines Duterte.
Trong một cuộc điện đàm với tổng thống Philippines hồi cuối tháng Tư vừa qua, tổng thống Trump đã ngỏ lời mời ông Duterte thăm Washington. Ngoài ra tổng thống Mỹ đã có những phát biểu khen ngợi cuộc chiến chống ma túy đầy bạo lực và chết chóc của tổng thống Duterte, khiến các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế phẫn nộ. Tuy nhiên sau đó, tổng thống Philippines đã từ chối lời mời thăm Mỹ, vì lý do “không xếp được lịch”.
Trong khi đó nhiều dân biểu Mỹ vẫn nhấn mạnh Hoa Kỳ cần phải hiện diện trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và cần phải tiếp tục các nỗ lực của chính quyền Obama trong chiến lược xoay trục sang châu Á. Đa số chính giới Mỹ cho rằng nếu quan hệ với Manila một đồng minh lâu đời cửa Mỹ tại châu Á gặp bế tắc, thì Mỹ sẽ bị thua thiệt rất nhiều trong bối cảnh Trung Quốc đang muốn làm bá chủ khu vực châu Á.
Lộ trình chuyến công du châu Á từ ngày 3 đến 14/11 của tổng thống Donald Trump còn có 3 chặng thăm viếng chính thức khác là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Trong khuôn khổ chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 tới, hôm nay ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tới Bắc Kinh.
Tại Bắc Kinh, ngoài hội đàm với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ông Tillerson sẽ gặp chủ tịch Tập Cận Bình và ủy viên Quốc vụ đặc trách đối ngoại Dương Khiết Trì. Một mục tiêu khác trong chuyến đi của lãnh đạo ngoại giao Mỹ đó là hồ sơ Bắc Triều Tiên, đang căng thẳng tới mức có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát do những lời thách thức và đe dọa nhau giữa Kim Jong Un và Donald Trump. Hoa kỳ luôn muốn Bắc Kinh gây sức ép mạnh hơn nữa để chế độ Bình Nhưỡng từ bỏ các tham vọng hạt nhân và tên lửa.
Nga hứa giúp đỡ Bắc Triều Tiên
Vẫn trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, ngày 29/09/2017 bộ Ngoại Giao Nga thông báo, một vụ trưởng của bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên đã tới Matxcova để « tham khảo » ý kiến về tình hình căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Washington hiện nay. Sau các cuộc tiếp xúc, Matxcơva khẳng định sẵn sàng phối hợp với Bình Nhưỡng giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình thông qua con đường ngoại giao.

Trung Quốc : Một lãnh đạo cao cấp bị khai trừ khỏi Đảng

Ngày 29/09/2017, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã khai trừ khỏi đảng một lãnh đạo cao cấp bị xem là đã « vi phạm kỷ luật trầm trọng ». Vụ khai trừ này diễn ra vào lúc Đại Hội Đảng lần thứ 19 chuẩn bị khai mạc.
Cựu bí thư Trùng Khánh Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai) đã bị khai trừ khỏi đảng và hồ sơ của ông sẽ được chuyển cho cơ quan tố tụng để truy tố, theo tin của Tân Hoa Xã. Ông Tôn Chính Tài từng là một ủy viên Bộ Chính trị, tức là một trong 25 người có thế lực nhất ở Trung Quốc.
Trước khi bị cách chức vào mùa hè năm nay, ông đã được xem là một trong những ứng viên có triển vọng nhất trở thành một trong bảy ủy viên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị, thậm chí có thể kế nhiệm chủ tịch Tập Cận Bình.
Theo kết quả cuộc điều tra mà ủy ban kỷ luật Đảng tiến hành từ tháng 7/2017, ông Tôn Chính Tài bị cáo buộc « làm giàu bất chính, nhận các món quà đắt tiền, chà đạp nghiêm trọng kỷ luật và các quy định chính trị của đảng ». Cựu bí thư Trùng Khánh còn bị xem là « vi phạm đạo đức một cách trầm trọng, tha hóa, suy thoái ».
Vụ khai trừ ông Tôn Chính Tài diễn ra vào lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị khai mạc Đại Hội lần thứ 19 vào ngày 18/10/2017. Trên nguyên tắc, tại Đại Hội này, chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp tục được bầu làm tổng bí thư đảng thêm một nhiệm kỳ 5 năm. Nhưng các phe phái trong đảng đang đấu đá nhau để đưa người của mình ra tranh chức lãnh đạo tối cao.
Thay thế ông Tôn Chính Tài làm bí thư Trùng Khánh là ông Trần Mẫn Nhĩ (Chen Miner), một nhân vật thân cận với ông Tập Cận Bình.

“Ngoại giao thịt nướng”

giúp hạ nhiệt khủng hoảng Bắc Triều Tiên ?

Khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên chưa thấy lối ra. Bất chấp quốc tế gia tăng trừng phạt siết chặt hầu bao, giới lãnh đạo Bình Nhưỡng quyết không từ bỏ vũ khí hạt nhân, lá bùa hộ mệnh của chế độ. Khẩu chiến giữa Donald Trump và Kim Jong Un chẳng khác nào đối thoại giữa hai người điếc. Tuy nhiên, người ta vẫn nuôi hy vọng vào một giải pháp ngoại giao. Chủ một hiệu bán thịt nướng tại tiểu bang New Jersey, nước Mỹ, tuyên bố có thể làm trung gian đàm phán. Thông tín viên của RFI Marie Bourreau tiếp xúc với nhân vật đặc biệt này.
Ông Bobby Egan, chủ quán ăn, từng được mệnh danh là « người Bình Nhưỡng » ở New York, chứng minh cho câu chuyện có vẻ rất khó tin này bằng các bức ảnh trưng đầy tường. Ông Bobby Egan từng năm lần đến Bắc Triều Tiên, quốc gia được coi là khép kín nhất hành tinh.
« Đây là một trong các vị tướng Bắc Triều Tiên… và tôi, khi họ mời tôi đến Bắc Triều Tiên…. Còn bức ảnh kia là khi họ tặng tôi huân chương trước hơn 250.000 người, đón mừng tôi đến Bắc Triều Tiên »…
Sở dĩ Bobby có được mối quan hệ thân tình với giới quan chức Bắc Triều Tiên bởi trong thời gian hơn chục năm trời, ông làm đầu bếp tại một quán thịt nướng, chuyên phục vụ phái bộ Bắc Triều Tiên ở Hackensack, một thị trấn nhỏ cách New York khoảng 20 cây số.
Ông Bobby Egan giải thích : « Đây là một vỏ bọc, hiệu ăn này là vỏ bọc của chúng tôi… Họ đến Bobby để ăn… Tuy nhiên không phải chỉ có thế… Quán ăn này cũng là một địa điểm trung lập, nơi họ có thể gặp gỡ các thành viên của chính phủ Mỹ hay giới chức Hàn Quốc… Mỗi lần một phái đoàn mới muốn gặp gỡ giới quan chức Bắc Triều Tiên để thảo luận về bất kể chuyện gì… họ lại gặp nhau ở hiệu ăn của tôi, và nếu như họ không thoải mái với nhau, họ cũng có thể dùng bữa tại đây, mỗi bên một góc, trước khi trở về nhà ».
Trong lúc căng thẳng Hoa Kỳ – Bắc Triều Tiên ngày thêm trầm trọng, một số khách ăn biết rõ đường đời của chủ quán Bobby coi đây là một kịch bản nghiêm túc. Steve Mona, một cựu thám tử từng làm việc cho cảnh sát New York, nhận xét :
« Cho đến nay không có biện pháp nào thành công … Vậy tại sao lại không ? Tất cả những gì có thể giúp giải quyết được vấn đề và giúp chúng ta tránh phải gửi người ra chiến trường, tất cả đều đáng làm… Nếu người ta có thể thỏa thuận được khi cùng nhau thưởng thức một món ăn ngon, thì tại sao lại không ! ».
Ông Bobby khẳng định đã nhận được một số tín hiệu tích cực từ Bình Nhưỡng. Theo người chủ quán thịt nướng, hiện chỉ còn đợi tín hiệu từ phía chính quyền Mỹ, để một lần nữa ông lại vào vai « người Bình Nhưỡng » New York năm xưa, nhằm góp phần hạ nhiệt khủng hoảng.
Viện Thế Giới Ả Rập – Paris : Kênh đối thoại « Đông – Tây » quý giá
Mọi kênh đối thoại giữa các chế độ xã hội khác biệt đều quí, nhất là trong cái thời nguy cơ xung đột, khủng hoảng tăng vọt. Khoảng ba năm trở lại đây, sau một thời gian bị lơ là, Viện Thế Giới Ả Rập (LIMA) ở Paris - chiếc cầu văn hóa nối kết nước Pháp với các quốc gia Ả Rập – được đầu tư mạnh trở lại. Kỳ nghỉ tuần này, thứ Bảy 30/09 và Chủ nhật 01/10/2017, nhân kỷ niệm dịp 30 năm ra đời, Viện Thế Giới Ả Rập mở rộng cửa đón khách thăm quan miễn phí các trưng bày, dự biểu diễn âm nhạc và nhiều hoạt động văn hóa khác.
Viện Thế Giới Ả Rập là dự án văn hóa lớn đầu tiên được khởi sự dưới thời cố tổng thống François Mitterand, trong những năm 80. Tọa lạc tại một trung tâm đại học bên bờ sông Seine, không xa Thánh đường Hồi Giáo Paris. Thoạt tiên, cơ sở này được Pháp và 21 quốc gia Liên Đoàn Ả Rập thỏa thuận đồng chi trả, nhưng đóng góp chủ yếu là từ phía Pháp, cùng Ả Rập Xê Út và một số nước như Qatar, Koweit.
Chương trình Orient Hebdo RFI có cuộc phỏng vấn cựu bộ trưởng Văn Hóa Jack Lang, chủ tịch Viện Thế Giới Ả Rập, về sứ mạng văn hóa của cơ sở này.
« Thế giới Ả Rập thường để lại một hình ảnh đáng ghét, hay lạc điệu. Tất nhiên, không thể phủ nhận bạo lực tại Syria hay Irak hiện nay. Tôi muốn nhấn mạnh là sứ mạng của LIMA chính là để ngăn chặn, đúng hơn là đẩy lùi sự cuồng tín, chính sách ngu dân, những định kiến. LIMA chính là nơi kháng cự lại sự mê muội, tuyên truyền tẩy não, bạo lực, thái độ bất khoan dung.
Tôi hy vọng bạo lực tại đây sẽ chấm dứt, hòa bình được thiết lập.Thế nhưng, thế giới Ả Rập nói chung là một thế giới đang vận động, sáng tạo, cải cách trong mọi lĩnh vực : khoa học, nghệ thuật, văn hóa. Tất cả những điều đó cần được tôn vinh.
Chúng ta cũng cần nhớ là thế giới Ả Rập có cả một lịch sử phi thường, với nhiều thời kỳ vàng son và có thể là trong mỗi con người chúng ta đều có một phương Đông trong mình. Đặc biệt là nước Pháp có mối liên hệ mật thiết với ‘‘phương Đông’’, với thế giới Ả Rập. Chúng ta phải chịu ơn các nền văn hóa Ả Rập về một phần của những hiểu biết, tài năng của chúng ta ».
Chủ tịch Viện Thế Giới Ả Rập Jack Lang muốn lưu ý công chúng là trong thế giới Ả Rập không chỉ có đạo Hồi, mà còn nhiều tôn giáo cùng tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử, như đạo Thiên Chúa, đạo Do Thái và nhiều tôn giáo khác, cho dù có những khi xung đột dữ dội. Kể từ ngày 26/09 cho đến tháng Giêng 2018, LIMA mở một triển lãm về lịch sử 2.000 năm những người Thiên Chúa phương Đông, với nhiều hiện vật quý, có từ thế kỷ thứ 2, thứ 3 sau Công nguyên, chưa từng được công bố.
Tuy nhiên, LIMA không chỉ là nơi trưng bày các triển lãm lớn, tổ chức trình diễn âm nhạc, trao đổi văn chương, cựu bộ trưởng Văn Hóa Jack Lang khẳng định những nỗ lực của ông và các cộng sự để Viện Thế Giới Ả Rập trở thành một viện nghiên cứu, một cơ sở đào tạo mở rộng, nơi tổ chức các diễn đàn, gặp gỡ giao lưu thường xuyên giữa các học giả, chuyên gia, người quan tâm, về những vấn đề lịch sử, cũng như đương đại. Mọi vấn đề gai góc, như phụ nữ thánh chiến, quyền tự do, chính trị… đều được đề cập. Các quan điểm khác biệt được tôn trọng.
Lần đầu tiên toàn Paris không xe hơi
Vẫn tại Paris, Chủ nhật mùng 1 tháng 10 này, lần đầu tiên toàn bộ thủ đô nước Pháp, xe cộ các loại bao gồm cả mô tô, xe máy, sẽ không được phép lưu thông, kể từ 11 giờ đến 18 giờ chiều. Chỉ duy có các phương tiện dịch vụ công công, như cấp cứu, xe cảnh sát, xe buýt, taxi được phép hoạt động, nhưng với tốc độ tối đa là 30 km/giờ.
Sau hai năm thử nghiệm ở một phần thành phố, lần đầu tiên chính quyền thủ đô quyết định cấm xe hơi trên toàn nội thành. Quyết định hiển nhiên được giới bảo vệ môi trường hoan nghênh, bởi ô nhiễm là nguyên nhân tử vong thứ ba tại Pháp, với khoảng 50.000 người chết sớm hàng năm, chưa kể nhiều bệnh tật nặng nề.
Tuy nhiên, một bộ phận giới sử dụng xe cơ giới phản đối mạnh. UDELCIM – hiệp hội bảo vệ quyền giao thông bình đẳng, với hàng ngàn thành viên – tuyên bố sẽ tuần hành bằng xe ở một số tuyến đường vành đai ngoại thành.
Theo một phân tích trên La Croix, đã qua rồi cái thời mà xe hơi là biểu tượng của văn minh, thịnh vượng. Kể từ đỉnh điểm xe hơi những năm 80, phần đường xá dành cho phương tiện cơ giới đã giảm phân nửa. Chính sách được khởi sự với đô trưởng cánh hữu Jacques Chirac, được cánh tả thúc đẩy trong những năm 2000.
Hiện tại, theo các chuyên gia, việc bỏ xe hơi chuyển sang các phương tiện khác đối với người dân nội thành không còn là vấn đề, vì chỉ có khoảng 7% di chuyển bằng xe hơi. Đối với người dân vùng thủ đô Ile-de-France, tiềm năng chuyển sang các phương tiện khác là rất lớn, với tỉ lệ 66% di chuyển dưới 3 cây số. Tuy nhiên, xe hơi vẫn sẽ còn là phương tiện hiệu quả, tiện nghi không thể từ bỏ, đặc biệt là đối với những người khả năng di chuyển hạn chế.
Để hướng tới một thành phố ít xe hơi, hàng loạt biện pháp đang được xúc tiến, như cải thiện hệ thống giao thông công cộng, mạng lưới xe đạp điện, phát triển thói quen sử dụng xe chung… Thay đổi thói quen là một điều quan trọng hàng đầu. Đầu tháng 9 này, Tòa đô chính kêu gọi 50 cư dân Paris và ngoại thành tình nguyện không dùng xe hơi trong ba tuần, để chuyển sang các phương tiện khác, để thực nghiệm.
Cấm xe hơi không nhằm trừng phạt những người dùng xe, mà chủ yếu để đánh thức mong muốn thay đổi. Đối với lệnh cấm hôm nay, những ai quay trở về Paris bằng xe hơi có thể vào nội thành trước 11 giờ sáng, hoặc thậm chí ngay trong khoảng thời gian nói trên, chỉ cần trình với cảnh sát giấy tờ chứng nhận nơi cư trú, và chọn con đường ngắn nhất đến parking.
Khí hậu : Cựu tổng thống Mỹ Al Gore tái xuất với « Thời của hành động »
Vẫn về môi trường, một bộ phim rất được trông đợi vừa ra rạp tại Pháp, kể từ hôm thứ Tư 27/09. Cách đây mười năm, trong bộ phim tài liệu « Một sự thật gây sốc », Al Gore đã cảnh báo về các hậu quả của biến đổi khí hậu. Với « Phần tiếp theo gây sốc : Thời của hành động » (bản gốc tiếng Anh : An Inconvenient Sequel : Truth to Power), cựu phó tổng thống Mỹ – giải Nobel Hòa Bình – trở lại đánh động công chúng trước đòi hỏi phải hành động khẩn cấp.
Tiểu bang Florida sẽ ra sao ? Trong 30 năm nữa, vùng đất này sẽ chìm dưới nước. Băng hà tưởng như vĩnh cửu ở các địa cực sẽ giống hình miếng phó mát lỗ chỗ. Còn tại Trung Quốc, tuổi thọ trung bình sẽ giảm xuống 5 năm do ô nhiễm không khí… Loài gấu trắng Bắc Cực lâm vào cảnh đói khát, phải sống trôi dạt trên những băng sơn, trong khi từng đàn cá nheo bơi lượn trên các vỉa hè thành phố Miami, Florida. Vận mạng hàng tỉ cư dân trên địa cầu bị đe dọa.
Vào năm 2006, rất ít ai tin vào lời tiên đoán của Al Gore về việc trung tâm New York bị ngập nước. Sáu năm sau, bất hạnh đã đến, siêu bão Sandy nhấn chìm khu vực này trong nước. Bất chấp sự thờ ơ của một bộ phận công chúng, Al Gore tiếp tục đi khắp thế giới để vận động cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ông đã có mặt tại thượng đỉnh Paris đúng vào giờ phút cam go nhất, vận động được Ấn Độ, một trong những quốc gia dè dặt nhất, chấp nhận nhập cuộc với cộng đồng quốc tế. Được thực hiện đúng vào lúc Donald Trump – một người phản đối các nỗ lực chống biến đổi khí hậu – trở thành tổng thống Mỹ, bộ phim sáng tỏ, hấp dẫn, đầy ắp thông tin, hình ảnh này chắc chắn sẽ giúp công chúng hiểu rõ hơn về tính khẩn cấp của cuộc chiến khí hậu.
Nhiều số liệu, hình ảnh, đồ thị gây sốc, khiến người xem choáng váng khi xem phần tiếp theo của « Một sự thật gây sốc ». Thông điệp của phim gây chấn động, nhưng phim cũng đưa ra các giải thích, và hướng đến các giải pháp.
Giải Nobel Hòa Bình Al Gore báo hiệu với công chúng : « Chúng ta đang ở rất gần ngưỡng cửa thay đổi lớn. Giống như các phong trào hủy bỏ chế độ nô lệ, đòi quyền bầu cử cho phụ nữ, vì các quyền dân sự, chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, vì quyền của những người đồng tính trước đây. Phải lựa chọn giữa cái ác và cái thiện. Đó là điều không thể tránh khỏi.
Bảo vệ sự sống còn của nhân loại là thiện ! Làm ô nhiễm Trái đất, hủy hoại cân bằng khí hậu là ác ! … Tương lai thế giới phụ thuộc vào quyết định hành động của chúng ta ».

Phong trào cầu thủ NFL phản đối quốc ca trước trận đấu

khiến doanh số sụt giảm

Washington DC. (Reuters) – Theo các nhà phân tích của 2 mạng bán vé NFL trên toàn quốc, họ đang chứng kiến sự sụt giảm trong doanh số của NFL, giữa bối cảnh có nhiều tranh cãi quanh việc cầu thủ quỳ gối khi bài quốc ca trỗi lên.
Tại chợ TickPick, trong tuần này doanh số NFL giảm 17.9% so với tuần trước. Đây là tuần sụt giảm nhiều nhất kể từ năm 2014, lúc đó doanh số NFL giảm 31% tại chợ TickPick.
Tại chợ TicketCity, doanh số bán vé trong tuần này giảm 16%. Tuy nhiên theo các nhà phân tích của chợ TickPick, doanh số năm nay có tăng chút đỉnh so với doanh số năm 2015.
Việc bán vé sụt giảm khiến chủ nhân các câu lạc bộ NFL bị áp lực trước những cuộc biểu tình, được cựu quarterback Colin Kaepernick của câu lạc bộ San Francisco 49ers khởi xướng vào năm ngoái. Tỷ lệ xếp hạng truyền hình các trận đấu của NFL cũng bị ảnh hưởng, với lượng khán giả giảm 11% cho tới thời điểm hiện tại. Đồng thời người hâm mộ kêu gọi tẩy chay xem các trận đấu của NFL.
Một khảo sát mới của CBS News cho thấy người Mỹ không vui trước việc cầu thủ phản đối bài quốc ca, cũng như trước phát biểu chỉ trích của Tổng Thống Trump. 60% người Mỹ cho rằng việc cầu thủ quỳ gối trong bài quốc ca là để kêu gọi sự chú ý tới chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên thành viên Cộng Hòa cho rằng hành động của cầu thủ NFL là bất kính đối với lá cờ cũng như quân đội Hoa Kỳ.
Giá vé xem NFL không rẻ. Giá thấp nhất cho mùa tranh giải năm nay là 172 Mỹ Kim một vé. (Mai Đức)

ĐH Đảng CSTQ: Tập Cận Bình Được Vinh Danh

Ngang Mao, Đặng; Lý Khắc Cường Trung Thành Với Tập

Sẽ Tiếp Tục Giữ Ghế Thủ Tướng

BEIJING  -    Các nguồn tin đáng tin cậy xác nhận: Thủ Tướng Lý Khắc Cường đuợc lưu nhiệm và chủ tịch Tập Cận Bình đuợc vinh danh ngang hàng các lãnh tụ Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình khi đại hội đảng CS cầm quyền họp giữa Tháng 10, theo thông lệ mỗi 5 năm.
Gần 3 tuần trước ngày họp, đồn đoán về các quyết định của đại hội đảng CS gia tăng – các đại hội truớc chứng kiến “thay ngựa” và kỳ này đuợc tin là không căng thẳng dưới quyền chủ tọa của ông Tập, lãnh tụ mạnh nhất từ nhiều thập niên.
Theo các nguồn tin, lãnh tụ Tập cần cân nhắc cẩn trọng các phương án để quyết định định hướng trong ít nhất 5 năm tới.
1 số quan sát viên nghĩ rằng Thủ Tướng Lý có bằng PhD kinh tế có thể nổi lên – nhưng, các nguồn tin thông thạo cho hay lãnh tụ Tập đã hoàn toàn tự tin về quyền kiểm soát kinh tế tài chính, định lưu nhiệm ông Lý ở trọng trách Thủ Tướng. Ông Lý cũng tiếp tục là thành viên của Ban thường vụ tại Bộ chính trị, là đầu não của đảng cầm quyền. Tuy khác ông Tập về xuất thân, ông Lý đã tỏ ra là người thừa hành trung thành mọi quyết định của chủ tịch Tập. Lưu nhiệm Thủ Tướng Lý cũng có nghĩa là lãnh tụ Tập muốn nắm chắc quyền kiểm soát mọi mặt của tiến trình hoạch định chính sách thông qua các tổ công tác mà ông đã thiết lập từ 5 năm qua.
Trong khi đó một bản tin khác cho biết 1 nhân vật muốn tranh chức lãnh đạo thượng đỉnh trong hệ thống chính quyền Trung Cộng đã bị loại hơn nửa tháng trước ngày khai mạc đại hội của đảng CS cầm quyền – lý do là phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Ông Du Chí Thanh là thành viên Bộ chính trị bị giải nhiệm sau khi Bộ chính trị của ủy ban trung ương đảng biểu quyết chấp thuận 1 phúc trình điều tra, theo tin từ thông tấn chính thức Xinhua.
Hồ sơ về Du đã đuợc giao cho hệ thống tư pháp để truy tố. Bản tin ngắn của Xinhua không cung cấp chi tiết.
Sun bị cơ quan chống tham nhũng của đảng CS điều tra từ khi mất chức bí thư của thành phố Chongqing tại vùng tây nam từ Tháng 7.
Người thay thế Du là Chen Miner, 1 cựu phụ tá của chủ tịch Tập Cận Bình.
Giới phân tích ngờ rằng vụ thanh trừng này có ảnh hưởng với đại hội đảng CS sắp họp ngày 18-10.
Sun là thành viên trẻ nhất tại Bộ chính trị 25 thành viên với tuổi 53, từng đuợc đề nghị tham gia Ban thường vụ của Bộ chính trị gồm 7 người. Thậm chí, 1 số nguồn tin đánh giá Du về tiềm năng thay thế lãnh tụ Tập. Vai trò bí thư thành ủy Chongqing tại thành phố lớn hạng 4 toàn quốc và là 1 trung tâm kỹ nghệ quan trọng là mục tiêu của 1 số đảng viên tham vọng.
Xinhua báo tin: 2287 đảng viên đuợc cử làm đại diện dự đại hội đảng kỳ thứ 19.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?