Tin Biển Đông – 29/09/2017

Tin Biển Đông – 29/09/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories
Tin Biển Đông – 29/09/2017

Sau tập trận, Trung Quốc đàm phán với Việt Nam

về vùng ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ

Vòng 8 Nhóm Công Tác Về Vùng Biển Ngoài Cửa Vịnh Bắc Bộ Việt Nam- Trung Quốc vừa diễn ra từ ngày 25 đến 27 tháng 9 tại Bắc Kinh.
Theo truyền thông nhà nước, hai phía trao đổi kỹ về các công tác liên quan vùng biển ngoài khơi cửa Vịnh Bắc Bộ; thẳng thắn bàn bạc về việc kiểm soát thỏa đáng các bất đồng trên biển; kiềm chế không có những hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình và mở rộng tranh chấp. Hai phía nói sẽ tuần tự, tiệm tiến thúc đẩy đàm phán về phân định và hợp tác cùng phát triển tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Một trong những căn cứ cho hành xử được nhắc lại tại vòng họp là “thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển’ mà lãnh đạo cấp cao Hà Nội và Bắc Kinh đồng ý với nhau.
Hai phía cho biết sẽ sớm tiến hành vòng đàm phán thứ 9 của Nhóm Công tác Về Vùng Biển Ngoài Cửa Vịnh Bắc Bộ.
Trước đó, vào ngày 31 tháng 8 vừa qua, Cục Hải Sự Trung Quốc ra thông báo là Bắc Kinh đang cho tiến hành cuộc diễn tập quân sự trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, từ ngày 29 tháng 8 đến 4 tháng 9.
Theo tọa độ mà Cục Hải Sự công bố thì khu vực diễn tập chồng lấn lên một vùng biển rộng lớn của Việt Nam phía ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Điểm gần nhất chỉ cách thành phố Đà Nẵng 75 hải lý về phía đông. Cơ quan chức năng Trung Quốc còn ra lệnh cấm tàu bè đi vào vùng biển đang có tập trận.
Bộ Ngoại giao Việt Nam lúc đó lên tiếng bày tỏ quan ngại về thông báo tập trận của Trung Quốc tại vùng biển của Việt Nam; đồng thời đại diện bộ này có giao thiệp với đại diện Đại sứ Quán Trung Quốc ở Hà Nội nhằm nêu rõ lập trường của Việt  Nam đối với chủ quyền tại Biển Đông.
Vừa qua trong phát biểu ở Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phạm Bình Minh, cũng nhắc đến vấn đề tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông. Ông này lặp lại phát biểu lâu nay của Hà Nội là cần phải tôn trọng luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế; đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Trung Quốc hiện tuyên bố chủ quyền đến 90% Biển Đông nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Bắc Kinh tự vạch ra; tuy nhiên theo phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế PCA ở La Haye thì đường đứt khúc đó không có giá trị cả về mặt pháp lý lẫn lịch sử.
Trung Quốc mới đây đã chuyển sang chiến lược ‘Tứ Sa’ để thực hiện âm mưu chiếm hữu Biển Đông, thay vì đường đứt khúc 9 đoạn.
Ngoài Trung Quốc, các bên có tuyên bố chủ quyền tại khu vực Biển Đông gồm Đài Loan, Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Philippines nâng cấp phi đạo trên đảo Thị Tứ,

củng cố chủ quyền tại Trường Sa

Philippines đã tìm được nguồn tài trợ cho dự án lớn nhất trong loạt dự án nâng cấp cấu trúc hạ tầng đã đến lúc phải thực hiện trên những đảo nhỏ hoặc bãi cạn mà nước này kiểm soát trong vùng biển đang trong vòng tranh chấp ở Biển Đông. Đây là một cử chỉ được Manila coi như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng với các nước, kể cả Trung Quốc, về những tuyên bố chủ quyền của Manila trên một số thực thể trong Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana trong tháng này nói rằng Chương trình Hiện đại hóa các Lực lượng Vũ trang Philippines vào năm tới sẽ tài trợ để lát một phi đạo dài 1,300 mét, giờ là một đường băng đầy đá và đất trên đảo Thị Tứ, một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa do Manila kiểm soát, nhưng chủ quyền đang trong vòng tranh chấp với Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam.
Dự án tân trang đường băng theo dự kiến sẽ dẫn tới việc sửa chữa các doanh trại, hệ thống nước và cấu trúc hạ tầng khác trên 9 đảo nhỏ ở Trường Sa hiện do Philippines kiểm soát, điều mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã cam kết hồi tháng Tư năm nay.
Chương trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang kéo dài 15 năm đã được đề xuất vào năm 2012 và năm nay, có môt ngân sách lên tới 2,56 triệu đôla.
Những công trình nâng cấp cơ sở hạ tầng của Manila được coi như một nhắc nhở rằng Manila có ý định giữ quyền kiểm soát trên 9 thực thể của mình trong Biển Đông, tuy nhiên kế hoạch này ít có khả năng gây phẫn nộ cho các nước có tuyên bố chủ quyền chồng chéo trong cùng vùng biển này.
Là bên đòi chủ quyền hung hăng nhất và từng tuyên bố chủ quyền tại hơn 100 đảo ở Trường Sa và các vùng biển chung quanh, Bắc Kinh đã kết thân với Manila trong năm qua, nhưng chỉ sau một thời kỳ đối đầu ngoại giao kéo dài nhiều năm, mà giờ một số người Philippines lo sợ có thể lại tái diễn.
Ông Jonathan Spangler, Giám Đốc của một think tank về Biển Đông ở Đài Bắc, nhận định:
“Tôi nghĩ nhiều người có cảm giác là đã tới lúc nên cân nhắc những sự lựa chọn khác. Theo tôi, nó cũng giống như mua một loại bảo hiểm vậy, để đảm bảo mình không chỉ đi về một hướng, và đi tới cùng.”
TQ thách thức lòng kiên nhẫn của Philippines
Sau khi Trung Quốc điều tàu thăm dò tới trấn đóng trước một bãi cạn ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Philippines, ông Duterte bị công chúng áp lực phải cưỡng lại Bắc Kinh một lần nữa.
Tháng Tư 2017, ông Duterte cam kết sẽ nâng cấp các hòn đảo do Philippines kiểm soát ở Trường Sa.
Cách đây khoảng hai tháng, một chiếc tàu Trung Quốc đã đến cắm cờ của nước này tại Sandy Cay –Việt Nam gọi là đá Tri Lễ, nằm trong khu vực do Philippines kiểm soát tại quần đảo Trường Sa, gây thêm lo ngại cho người Philippines. Cả hai nước đều đặt nặng tầm quan trọng của Sandy Cay trong tư cách là một ngư trường và có trữ lượng nhiên liệu hóa thạch phong phú.
Tham vọng tại quần đảo Trường Sa
Ông Jonathan Spangler lưu ý rằng Philippines có thể củng cố tuyên bố chủ quyền của mình tại quần đảo Trường Sa bằng cách chứng minh những thực thể mà họ kiểm soát là có người ở và có hoạt động kinh tế. Khoảng 100 thường dân sinh sống trên đảo Thị Tứ, nhiều người liên quan tới hoạt động quân sự tại đây. Thị Tứ là hòn đảo lớn thứ nhì tại quần đảo Trường Sa với diện tích 37 ha. Một số người Philippines kêu gọi nên đẩy mạnh hoạt động du lịch tới nơi này.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã đến thăm Thị Tứ hồi tháng Tư để “kiểm tra các điều kiện sống của cư dân”, theo Bộ Quốc phòng Philippines.
Giới phân tích nói phi đạo không tráng nhựa chỉ có thể được dùng cho máy bay quân sự, hạn chế việc lui tới hải đảo này.
Kế hoạch nâng cấp các cơ sở hạ tầng tại Trường Sa phù hợp với “trật tự tự nhiên” mà bất cứ nước nào muốn cải thiện quốc phòng cũng sẽ làm, theo ông Eduardo Araral, Giáo sư môn Chính sách Công tại Đại học Quốc gia Singapore. Giáo sư Araral nói thêm rằng Philippines phải dùng ngân sách dành riêng cho việc hiện đại hóa quân đội.
“Rõ ràng là động thái này có tính cách tự vệ. Đây chỉ là một phần của chương trình hiện đại hóa.”
Quân đội Philippines xếp hạng thứ 50 trên thế giới trên một danh sách gồm 133 quốc gia được tổ chức nghiên cứu dữ kiện quốc phòng GlobalFirePower theo dõi.
Kế hoạch nâng cấp hạ tầng không vấp phản ứng mạnh
Về mặt chính thức, Trung Quốc đã giữ im lặng về việc tân trang đường băng trên đảo Thị Tứ, và các dự án nâng cấp khác trên các đảo, đá do Philippines kiểm soát. Các kế hoạch đó cũng đánh dấu một bước lùi, so với kế hoạch ban đầu của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, theo đó đích thân ông sẽ đến đảo Thị Tứ để cắm cờ.
Đài Loan và Việt Nam đôi khi ra thông báo phản đối khi hai nước này cảm thấy tuyên bố chủ quyền của mình bị đe dọa, nhưng hiếm khi xúc tiến những bước tiếp theo có tính cách quyết liệt hơn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?