Tin khắp nơi – 30/08/2018


Tin khắp nơi – 30/08/2018

Tướng Mỹ gốc Việt đầu tiên

nắm quyền chỉ huy Lục quân Mỹ ở Nhật

Tướng người Mỹ gốc Việt đầu tiên của quân đội Hoa Kỳ mới đây đã chính thức nhận nhiệm vụ Tư lệnh Lục quân Mỹ ở Nhật Bản.
Thiếu tướng Lương Xuân Việt, cựu Phó Tư lệnh hành quân tại Quân đoàn 8 của Mỹ ở Hàn Quốc, lên kế nhiệm Thiếu tướng James Pasquarette trong một buổi lễ chuyển giao quyền chỉ huy vào sáng hôm 28/8 tại Trại Zama.
Tướng Lương Xuân Việt sẽ chịu trách nhiệm về 2.500 binh sĩ, dân thường và người nhà của các binh sĩ trong toàn bộ 16 cơ sở ở Nhật Bản và đảo Okinawa.
Trước hàng trăm người dự lễ, Tân Tư lệnh Lục quân Hoa Kỳ ở Nhật Bản phát biểu:
“Thưa các vị chỉ huy và binh sĩ Lục quân Mỹ ở Nhật Bản, tôi sẵn sàng gia nhập gia đình của quý vị, và thật là một vinh dự được chiến đấu bên cạnh quý vị”.
Đây là một dấu mốc trong cuộc hành trình dài đối với con trai của một cựu Thiếu Tá Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa, từ một cậu bé 9 tuổi di tản khỏi Sài Gòn cùng cha mẹ và bảy anh chị em, chỉ một ngày trước khi thành phố Saigon rơi vào tay của các lực lượng Bắc Việt.
Ông bày tỏ cảm kích đối với cha, là người “đã truyền cảm hứng” để ông để phục vụ cho đất nước đã cưu mang gia đình mình. Tướng Việt từng được Quỹ Carnegie vinh danh là “Di dân Tuyệt vời” vào năm 2016.
Ông Lương Xuân Việt trở thành tướng lãnh Mỹ gốc Việt đầu tiên sau khi nắm những vai trò chỉ huy từ cấp trung đội chiến đấu trở lên. Ông được vinh thăng chuẩn tướng vào Tháng Tám năm 2014, và được Thượng Viện Hoa Kỳ chấp thuận thăng cấp thiếu tướng vào Tháng Tư năm 2017.
Từ cấp Thiếu tá, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 505, Lữ Đoàn 3, Sư Đoàn 82 Nhảy Dù, ông được triển khai tới Iraq từ năm 2005 đến 2006, và sau đó thăng cấp Đại Tá, Lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 3, Sư Đoàn 101 Nhảy Dùở Afghanistan trong giai đoạn 2010-2011. Ông cũng từng là tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ đặc trách miền trung.
Đại tướng Robert Brown, chỉ huy Lục quân Hoa Kỳ đặc trách Thái Bình Dương, nói với Tướng Việt rằng ông sẽ chịu áp lực từ danh tiếng do người tiền nhiệm để lại.
Ông Brown phát biểu: “Chỉ huy Lục quân Hoa Kỳ ở Nhật Bản là một nhiệm vụ vĩ đại và trách nhiệm nặng nề, và ông Jim Pasquarette thực sự đã làm được một việc vô cùng lớn lao khi lãnh đạo lực lượng này đi qua một số thời điểm khó khăn. Một số chỉ huy [của Lực lượng Phòng vệ Trên bộ của Nhật Bản] nói với tôi rằng họ nghĩ rằng ông ấy là viên chỉ huy Lục quân Hoa Kỳ tốt nhất ở Nhật Bản mà họ từng làm việc cùng”.
Ông Pasquarette nay mai sẽ được gắn lon Tướng 3 sao và trở thành Phó Tổng Tư lệnh Lục quân Hoa Kỳ, Bộ phận G8, phụ trách giám sát ngân quỹ và phân bổ các chương trình của lục quân để đáp ứng các nhu cầu của lực lượng này.
(STARS AND STRIPES, Army.mil)
https://www.voatiengviet.com/a/tuong-my-goc-viet-dau-tien-nam-quyen-chi-huy-luc-quan-my-o-nhat/4550671.html

Canada và Hoa Kỳ tìm cách cứu vãn NAFTA

Các cuộc đàm phán giữa Canada và Hoa Kỳ đang tăng tốc và cả hai bên đều tỏ ra lạc quan về những tiến bộ đạt được hướng tới một phiên bản mới của Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trước thời hạn ngày 31/8.
Theo hãng tin Reuters, tuần này các cuộc đàm phán bước vào một giai đoạn quan trọng sau khi Hoa Kỳ và Mexico công bố một thỏa thuận song phương hôm 27/8, mở đường cho Canada tham gia đàm phán để cứu vãn hiệp định NAFTA, bao gồm một khu vực giao dịch thương mại trị giá hơn 1 nghìn tỷ đôla hàng năm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra hạn chót là ngày 31/8 phải đạt được thỏa thuận 3 bên gồm Mỹ, Canada và Mexico. Nếu thực hiện được mục tiêu này thì Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto có thể ký hiệp định trước khi ông rời chức vụ vào cuối tháng 11.
Tổng thống Mỹ đã cảnh báo ông có thể xúc tiến một thỏa thuận riêng với Mexico và áp thuế quan đối với xe ô tô do Canada sản xuất nếu Ottawa không đàm phán, mặc dù các nhà lập pháp Mỹ cho biết việc phê chuẩn một thỏa thuận song phương sẽ không dễ dàng.
Các nhà đàm phán dự kiến sẽ làm việc xuyên đêm trước khi Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đàm phán với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer vào sáng ngày 30/8.
Hôm 29/8, Tổng thống Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau bày tỏ lạc quan về triển vọng đạt được thỏa thuận vào ngày 31/8, mặc dù hai bên còn phải cố gắng nhiều để giải quyết các vấn đề cụ thể.
https://www.voatiengviet.com/a/canada-va-hoa-ky-tim-cach-cuu-van-nafta/4550653.html

Mỹ khiếu nại thuế quan trả đũa của Nga lên WTO

Mỹ đệ đơn khiếu nại Nga lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thách thức thuế quan trả đũa của nước này với hàng nhập khẩu Mỹ trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng.
Đây là động thái mới nhất của Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại ‘ăn miếng trả miếng’ nổ ra từ hồi tháng Ba khi Hoa Kỳ áp thuế nhôm và thép.
Đồng minh ‘thất vọng’ vì Mỹ áp thuế thép, nhôm
Thuế của EU lên hàng hóa Mỹ có hiệu lực
Trump đánh thuế hàng TQ ‘tăng hai’ là 25%
Mỹ chỉ trích việc Trung Quốc áp thuế mới
Mỹ nói các biện pháp bảo hộ được phép thực thi vì mục đích an ninh quốc gia.
Nước này cho rằng các biện pháp trả đũa của Nga vi phạm luật thương mại bởi vì đánh thuế quá cao và chỉ áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Mỹ cũng nộp đơn khiếu nại tương tự với EU, Canada, Trung Quốc, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ, là những quốc gia đã áp dụng biện pháp trả đũa với thuế quan kim loại của Mỹ.
Ngược lại, những nước này cũng đưa ra khiếu nại đối với thuế nhập khẩu của Mỹ.
Hồi tháng Ba, Mỹ đánh thuế 25% lên thép nhập khẩu, và 10% lên nhôm nhập khẩu vào Mỹ, nhưng cũng có một số trường hợp ngoại lệ.
Các hàng kim loại chiếm khoảng 48 tỷ USD giá trị nhập khẩu của Hoa Kỳ.
EU, Canada và Mexico ban đầu được miễn áp thuế, nhưng sau đó bị hủy bỏ vào tháng Sáu.
Các quốc gia này trả đũa bằng cách tăng thuế lên một số hàng hóa Mỹ nhất định. Việc trả đũa cho đến nay được thực hiện với khoảng 24 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Biện pháp trả đũa của Nga, có hiệu lực vào tháng này, ảnh hưởng lên khoảng 90 triệu USD hàng hóa Mỹ, bao gồm các mặt hàng như vật liệu xây dựng.
Mới đây nhất, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã tăng lên một mức với vòng hai của đợt thuế 25% đánh vào hàng nhập từ Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/8.
An ninh quốc gia Mỹ?
Không rõ WTO sẽ phán quyết như thế nào với các trường hợp khác nhau.
Về lý thuyết, quy tắc của WTO cho phép áp dụng với một số trường hợp ngoại lệ nhất định liên quan đến an ninh quốc gia, nhưng cho đến nay việc bào chữa này hiếm khi được viện dẫn.
Ngoài thuế quan kim loại, chính quyền Trump cũng sử dụng an ninh quốc gia để tiến hành điều tra xe hơi nhập khẩu, mà có thể dẫn đến việc áp dụng thuế quan.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng nếu Mỹ thành công trong vụ khiếu nại vì lý do an ninh quốc gia, nó có thể khuyến khích các quốc gia khác sử dụng an ninh quốc gia để biện minh cho các biện pháp bảo hộ của mình.
Tuy nhiên, ngay trong nội bộ Hoa Kỳ, các chính trị gia và chuyên gia lập luận rằng thuế quan đánh lên kim loại nhập từ các đồng minh thân cận như Canada, rất ít ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45354447

TT Trump ca ngợi ông Kim, nói

không cần nối lại tập trận Mỹ-Hàn

Vài ngày sau khi hủy chuyến đi thăm Triều Tiên của Ngoại trưởng Pompeo vì lý do chưa có đủ tiến bộ trong đàm phán hạt nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29/8 ca ngợi mối quan hệ cá nhân giữa ông với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un. Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm “không có lý do gì để mở lại cuộc tập trận với Hàn Quốc”.
Tuyên bố của ông Trump được đưa ra một ngày sau khi bộ trưởng quốc phòng dưới quyền ông ra dấu hiệu cho thấy các cuộc tập trận có thể tiếp tục.
Ông Trump đăng lên Twitter một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, trong đó một lần nữa ông đặt câu hỏi về vai trò của Trung Quốc trong việc giúp giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân có thể đe dọa Hoa Kỳ.
Tuyên bố nói ông Trump tin rằng Triều Tiên đang chịu áp lực lớn từ Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh cũng đang cung cấp cho Bình Nhưỡng “khoản viện trợ đáng kể”, bao gồm nhiên liệu, phân bón và hàng hóa.
“Điều này không hữu ích!”, tuyên bố viết.
“Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ tin rằng mối quan hệ giữa ông với ông Kim Jong Un là một mối quan hệ rất tốt đẹp và ấm áp, và tại thời điểm này, ông cho là không có lý do để chi một số tiền lớn vào các cuộc tập trận Mỹ-Hàn”, tuyên bố cho biết thêm.
“Bên cạnh đó, Tổng thống có thể ngay lập tức khởi động lại cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản, nếu ông chọn làm như vậy. Nếu ông làm thế, các cuộc tập trận sẽ lớn hơn bao giờ hết. ”
Tuyên bố cũng nói rằng tranh chấp thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và những khác biệt khác “sẽ được Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc giải quyết khi tới lúc. Mối quan hệ và sự gắn bó giữa hai nhà lãnh đạo vẫn mạnh”, theo tuyên bố.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh chỉ trích những nhận xét về vai trò của Trung Quốc đối với vấn đề Triều Tiên là “vô trách nhiệm”.
Tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm 30/8 ở Bắc Kinh, khi được hỏi về dòng tweet của ông Trump, bà Hoa mỉa mai rằng: “Khả năng của phía Mỹ bóp méo một cách vô trách nhiệm các dữ kiện và logic là ‘nhất thế giới’ và thực sự là điều mà một người bình thường không sao hiểu nổi”.
Ông Trump đã gây bất ngờ cho nhiều nhà hoạch định quân sự Mỹ khi ông tuyên bố sau cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có với ông Kim hôm 12/6, loan báo Hoa Kỳ đã đình chỉ cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc ngay vào mùa hè này.
Động thái này đã bị nhiều người chỉ trích là một nhượng bộ quá sớm đối với Triều Tiên, nước từng chống lại các nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-ca-ngoi-ong-kim-noi-khong-can-noi-l%E1%BA%A1i-tap-tran-my-han/4550718.html

Tổng thống Mỹ thông báo

luật sư của Nhà Trắng từ chức

Thanh Phương
Trên mạng Twitter hôm qua, 29/08/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo là luật sư của Nhà Trắng, Don McGahn sắp từ chức vào mùa thu tới. Vụ từ chức này diễn ra vào lúc Nhà Trắng tiếp tục bị công tố viên đặc biệt Robert Mueller điều tra về nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016.”

Từ Washnington, thông tín viên Anne Corpet gởi về bài tường trình :
« Ông Don McGahn dường như đã báo trước cho những người thân cận là ông sẽ rời khỏi Nhà Trắng sau cuộc bầu cử giữa kỳ, nhưng tổng thống Trump đã thông báo ngay trên mạng Twitter mà không thèm báo cho ông McGahn.
Luật sư của Nhà Trắng và ông Donald Trump vẫn có quan hệ không lấy gì là êm thắm : Don McGahn đã nhiều lần dọa từ chức, nhất là khi tổng thống Mỹ muốn cách chức công tố viên Robert Mueller. Mặt khác, luật sư của Nhà Trắng đã hợp tác trong cuộc điều tra của công tố viên Mueller về nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Theo tờ New York Times, ông Mc Gahn đã ba lần trả lời thẩm vấn, với tổng công trên 3 tiếng đồng hồ. Nhưng tổng thống Trump có vẻ không trách ông McGahn về chuyện đó. Ông nói : « Don McGahn quả là một người rất giỏi. Ông ấy đã làm việc với tôi từ lâu và trước đây là luật sư đại diện cho tôi với tư cách cá nhân. Ông ấy đã ở Nhà Trắng từ gần hai năm nay và tôi có rất nhiều cảm tình với ông ấy. Chắc là ông ấy sẽ chuyển qua khu vực tư nhân và sẽ rất thành công. Ông ấy đã làm việc rất tốt.
Luật sư của Nhà Trắng đóng một vai trò quan trọng trong nhiệm kỳ tổng thống Trump. Don McGahn đã góp phần lớn vào việc bổ nhiệm một con số kỷ lục các thẩm phán bảo thủ vào những chức vụ chủ chốt. Ông cũng đã là một trong những người kiến tạo các chính sách của chính quyền Trump trong nhiều lĩnh vực từ môi trường đến ngân hàng. Hiện chưa biết là ai sẽ thay thế luật sư Don McGahn.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180830-tong-thong-my-thong-bao-luat-su-cua-nha-trang-tu-chuc

Tang lễ : Trận chiến cuối cùng

của người hùng John McCain

Thụy My
Arizona hôm qua 29/08/2018 nói lời vĩnh biệt với thượng nghị sĩ John McCain, chính khách nổi tiếng qua đời hôm thứ Bảy tuần trước, chỉ vài ngày trước khi bước qua tuổi 82. Chiếc xe tang đen được bốn cảnh sát hộ tống, chở quan tài phủ quốc kỳ Mỹ được chào đón bởi một hàng quân danh dự gồm các quân nhân, lính cứu hỏa và cảnh sát.
Tiễn biệt người anh hùng John McCain
Khoảng 1.500 người dân đủ mọi khuynh hướng, tuổi tác, địa vị khác nhau, xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ dưới ánh nắng gay gắt, trước tòa nhà Capitol ở Arizona để viếng vị thượng nghị sĩ cương trực được cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ nể trọng. Hãng tin AP ghi nhận có một nhóm khoảng 80 người Việt từ Nam California đến, họ mặc những chiếc áo thun màu vàng mang dòng chữ « We salute our hero Senator John McCain » (Tiễn chào người anh hùng của chúng tôi, thượng nghị sĩ John McCain).
Luật sư Derrick Nguyen, 55 tuổi cho biết một đài phát thanh ở Little Saigon đã loan báo thuê xe cho những ai muốn đến viếng John McCain. Nhà hoạt động cộng đồng này thổ lộ : « Chúng tôi đều rất xúc động, muốn nhân dịp này đến chào vĩnh biệt thượng nghị sĩ ». Ông Nguyen nói rằng trong thập niên 90, John McCain đã xúc tiến một tu chính án, cho phép con cái của các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa bị cầm tù được sang Mỹ. « Rất nhiều gia đình nhờ đó đã trở thành những công dân tốt của Hoa Kỳ ».
Sau lễ viếng ở Arizona, tiểu bang ở miền tây nam mà John McCain là đại diện ở Thượng Viện trong suốt 35 năm qua, tang lễ sẽ diễn ra ở Nhà thờ chính tòa Washington vào thứ Bảy 1/9 tới, và đến Chủ nhật 2/9, ông sẽ được an táng tại nghĩa trang của Học viện Hải quân ở Annapolis, thuộc tiểu bang Maryland, gần mộ của đô đốc Chuck Larson, bạn ông. Các cựu tổng thống Barack Obama (Dân Chủ) và George W. Bush (Cộng Hòa) được mời đọc điếu văn trong lễ tang. Ngược lại John McCain « cấm cửa » đương kim tổng thống Donald Trump, dự kiến phó tổng thống Mike Pence sẽ thay mặt.
Theo đài CNN, đây là một bài học văn minh mà thượng nghị sĩ John McCain để lại, khi chọn lựa khách mời cho tang lễ.
Mời Obama và Bush : Thông điệp đoàn kết và dân chủ
…Vào một ngày đầu tháng Tư, ông Obama nhận được một cuộc gọi bất ngờ của John McCain. Trước đề nghị đọc diễn văn trong lễ tang, Barack Obama, người đã đánh bại McCain trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, chấp nhận ngay. Ông cảm thấy choáng váng trước lời mời, cũng như ông George W. Bush.
Quyết định mời Obama phát biểu, theo tác giả bài viết là hết sức độc đáo, nếu biết được sự thô bạo trong cuộc bầu cử tổng thống lần ấy. Tác giả Jeff Zeleny lúc đó theo dõi hàng ngày để viết cho New York Times. Cuộc tranh cãi giữa hai ứng cử viên chủ yếu xung quanh chiến tranh Irak và kinh tế. Về hai chủ đề này, ông John McCain cho rằng ông Obama khá ngây thơ và chưa chuẩn bị kỹ cho vai trò tổng thống, đặc biệt về mặt an ninh quốc gia. Liệu sau này khi Obama hết nhiệm kỳ, hai ông đã thân thiết với nhau hơn chăng ?
Nhưng kiểm tra lại, thì quan hệ giữa hai nhân vật này chỉ là sự tương kính lẫn nhau, và cùng chia sẻ mối quan tâm về khí hậu. Từ khi Obama rời Nhà Trắng, hai ông chỉ nói chuyện điện thoại có vài lần. Ông Obama không nằm trong số đông đảo những người đến thăm ông McCain trong trang trại của ông ở Arizona, lúc căn bệnh ung thư não vừa được phát hiện. Ông George Bush và bà Laura, hay ông Joe Biden cũng thế.
Steve Duprey, người bạn lâu năm của John McCain nhận định, qua việc mời hai cựu tổng thống Cộng Hòa và Dân Chủ – từng chiến thắng ông trong hai cuộc tranh cử – đọc diễn văn, McCain muốn chứng tỏ sự khác biệt chính kiến không quan trọng, và đây là một phần của nền dân chủ Mỹ. David Axelrod, cố vấn tranh cử của Obama nói : « Đây thực sự là thông điệp đoàn kết quốc gia. Thật đẹp như một bài thơ, khi John McCain mời hai địch thủ cũ tham dự ».
Quân tử không hẹp dạ vì « Đất nước trên hết »
« Country First », đó là khẩu hiệu tranh cử của John McCain trước đây. Ông đã đặt Tổ quốc lên trên đảng phái, đặt lợi ích chung lên trên hiềm khích cá nhân.
Trong một cuộc mít-tinh tranh cử năm 2008, một phụ nữ lớn tuổi nói với ứng cử viên Cộng Hòa rằng bà không thể tin được ứng cử viên Dân Chủ Barack Obama, vì « đó là một người Ả Rập ».« Không, thưa bà » - thượng nghị sĩ tiểu bang Arizona nghiêm giọng trả lời. « Đó là một người cha đáng tôn trọng trong gia đình, và là một công dân tốt mà tôi chỉ có những bất đồng về các chủ đề căn bản ».
Khi bày tỏ sự ngưỡng mộ đối thủ một cách quân tử như thế, ông đã bị những người ủng hộ mình la ó phản đối. Ngược lại ông Obama, lợi dụng tâm lý phản chiến sau chiến tranh Irak, luôn cố tình buộc ông John McCain vào ông Bush để kéo các lá phiếu về mình.
Còn trước đó trong chiến dịch sơ bộ trong đảng Cộng Hòa hồi năm 2000, dù đối thủ George W. Bush sử dụng những đòn tranh cử có khi không được đàng hoàng lắm, John McCain sau đó vẫn ủng hộ đa số các quyết định của địch thủ cũ, sau khi ông Bush trở thành tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ.
Nhưng có những nguyên tắc mà John McCain luôn trung thành và dành cả cuộc đời để đấu tranh. Như ông đã viết trong lá thư vĩnh biệt : « …Tôi đã được sinh ra và chết đi với niềm hãnh diện là một người Mỹ. Chúng ta là công dân của nước cộng hòa lớn nhất thế giới, một quốc gia của lý tưởng, chứ không phải về huyết thống hay lãnh thổ. Chúng ta được hồng ân đấu tranh vì nhân loại, khi bảo vệ và xúc tiến các ý tưởng này trong nước và trên thế giới. Chúng ta đã giúp giải phóng nhiều người khỏi các chế độ độc tài và nạn nghèo đói, hơn bao giờ hết trong lịch sử… »
Khiêng quan tài : Một nhà ly khai Nga
Trang Politico nhấn mạnh, ngay cả khi khuất núi, John McCain vẫn còn giáng một đòn cuối cùng cho hai kẻ thù quan trọng nhất : Donald Trump và Vladimir Putin.
Ông đã chọn lựa một nhà ly khai Nga 36 tuổi là Vladimir Kara-Murza làm một trong những người khiêng quan tài mình. Thời điểm linh cữu được khiêng đi là lúc các ống kính nhiếp ảnh, truyền hình tập trung vào nhiều nhất trong các chương trình tang lễ.
John McCain cũng mời cựu phó tổng thống Dân Chủ Joe Biden, cựu thượng nghị sĩ Russ Feingold – đại diện cho thời gian ông phục vụ ở Thượng Viện, cựu bộ trưởng Quốc Phòng William Cohen – tượng trưng cho thời kỳ ông là phi công Hải quân, tù binh chiến tranh, và một số người bạn như tài tử Warren Beatty.
Sự chọn lựa Vladimir Kara-Murza, người hai lần suýt chết vì bị đầu độc, dường như là một thông điệp gởi đến Putin và Trump – người bị McCain chỉ trích là có thái độ quỵ lụy trước ông chủ điện Kremlin.
Politico cho biết, hồi tháng Tư, một người bạn chung đã mang đến cho Kara-Murza một tin nhắn riêng từ John McCain. Thượng nghị sĩ bang Arizona đã được chẩn đoán bị một dạng ung thư não rất ác chín tháng trước đó, ngỏ ý với nhà ly khai trẻ tuổi người Nga, liệu anh có thể khiêng giúp quan tài ông trong tang lễ hay không.
Kara-Murza thổ lộ : « Tôi lặng cả người, trái tim tan nát, nước mắt cứ tuôn rơi vào lúc ấy. Tôi trả lời vâng, dĩ nhiên, và đó là vinh dự đau xé lòng nhất mà một con người có thể nghĩ đến ». Anh viết trên Washington Post : « Tất cả chúng ta đều biết ngày ấy rồi sẽ đến, nhưng vẫn hy vọng rằng nó không đến sớm như thế ».
Là phó chủ tịch phong trào Open Russia, chủ tịch quỹ Boris Nemtsov vì hòa bình, Kara-Murza quen biết vị thượng nghị sĩ nổi tiếng từ năm 2010, khi nhà đối lập Nemtsov bị bắt vì tham gia cuộc biểu tình quy mô đòi tự do. Anh cho biết John McCain đã nhìn ra mối nguy hiểm từ Putin từ những năm 2000, và đã đấu tranh tích cực để cho ra đời đạo luật Magnitsky. « Ông ấy không phải là chính khách, mà là một người suốt đời phụng sự cho Tổ quốc ».
Facebook Việt khóc thương một người Mỹ xa lạ đáng kính
Mẹ của John McCain, bà Roberta Wright là một phụ nữ có cá tính rất mạnh. Ở tuổi 90, bà vẫn tự mình lái xe đi xuyên nước Mỹ, và nay đã 106 tuổi, dù chậm chạp hơn vì di chứng đột quỵ, rất có thể bà sẽ dự tang lễ ở Washington và Maryland.
Bà kể, « Johnny » (John McCain), con trai trưởng của bà từng nói hy vọng sẽ sống thọ như mẹ. Nhưng nay ông đã ra đi trước người mẹ đã truyền cho con cái lòng can đảm, một cách sống tử tế. Tại đất nước cựu thù là Việt Nam, Facebook tràn ngập những lời thương tiếc trong ngày John McCain qua đời. Một nhà báo viết : « Một người Mỹ xa lạ đáng kính vừa chết, rất nhiều người Việt đã lên tiếng khóc thương ông. Đó là sự biết điều của dân tộc này! »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180830-tang-le-tran-chien-dau-cuoi-cung-cua-nguoi-hung-john-mccain

FBI phản bác tuyên bố của Trump

về email của Clinton

FBI hôm thứ Tư cho biết họ không tìm thấy bằng chứng củng cố tuyên bố của Tổng thống Donald Trump nói rằng máy chủ email riêng tư của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã bị các tin tặc làm việc cho chính phủ Trung Quốc xâm nhập.
Trong một tuyên bố ngắn gọn, FBI nói: “FBI không tìm thấy bất kì bằng chứng nào cho thấy các máy chủ đã bị xâm nhập.”
Tuyên bố này được đưa ra sau khi tổng thống tuyên bố trên Twitter trước đó, mà không đưa ra bằng chứng, rằng các email của bà Clinton đã bị Trung Quốc tấn công tin tặc.
Không đưa ra chứng cứ, Trump nói TQ tấn công tin tặc email Clinton
“Email của Hillary Clinton, nhiều trong số đó là Thông tin Bảo mật, đã bị Trung Quốc tấn công tin tặc. FBI & DOJ [Bộ Tư pháp] nên có hành động kế tiếp, sau tất cả những sai sót khác của họ (Comey, McCabe, Strzok, Page, Ohr, FISA, Tập hồ sơ bẩn, v.v), nếu không uy tín của họ sẽ mất sạch!” Ông tweet không lâu sau nửa đêm ngày thứ Tư.
Ông Trump nói trong một tweet trước đó vào tối thứ Ba: “Trung Quốc đã tấn công tin tặc Máy chủ Email riêng tư của Hillary Clinton. Họ có chắc không phải là Nga làm không (đùa thôi!)? FBI và DOJ xử lí vụ này tới đâu ta? Chuyện này lớn lắm chứ chẳng chơi. Rất nhiều thông tin bảo mật!”
Không rõ ngay tức thì ông Trump lúc đó đang dẫn ra bản tin nào. Báo The Washington Post cho hay những dòng tweet này được viết sau một bài báo của The Daily Caller dẫn các nguồn tin ẩn danh trong giới chấp pháp.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ những tuyên bố của ông Trump.
Ông Trump từng nói vào tháng 4 năm 2017 rằng Trung Quốc có thể đã tấn công tin tặc các email của các quan chức Đảng Dân chủ để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Ông cũng không cung cấp bất kì bằng chứng nào củng cố cáo buộc của mình vào thời điểm đó.
Các quan chức tình báo Mỹ nói Nga đã dàn dựng vụ tấn công tin tặc nhắm vào các quan chức Đảng Dân chủ để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Một đại bồi thẩm đoàn liên bang của Mỹ đã khởi tố 12 sĩ quan tình báo Nga vào tháng 7 về cáo buộc tấn công các mạng máy tính của bà Clinton và Đảng Dân chủ.
https://www.voatiengviet.com/a/fbi-phan-bac-tuyen-bo-cua-trump-ve-email-cua-clinton/4549586.html

Bầu cử sơ bộ ở Florida và Arizona

‘hút’ dân chúng Mỹ

Tối 28/8, khi phe Cộng hòa ở Thượng viện bang Arizona dự kiến sẽ thu hút sự chú ý của công chúng Mỹ trong cuộc bầu cử sơ bộ, thì chiến thắng choáng ngợp của ứng cử viên da màu của phe Dân chủ trong cuộc đua cho chức thống đốc Florida đã kéo ngược sự quan tâm của công luận, theo tường thuật của CNN.
Đảng Dân chủ đã chọn một ứng cử viên được xem là cấp tiến và là người duy nhất không giàu có là Thị trưởng thành phố Tallahassee Andrew Gillum.
Là ứng cử viên người Mỹ gốc Phi đầu tiên của bang Florida cho chức thống đốc, ông Gillum sắp tới sẽ đối đầu với ứng cử viên của đảng Cộng hòa Ron DeSantis, người được Tổng thống Donald Trump ủng hộ, trong cuộc bầu cử vào tháng 11.
Chiến thắng của ông Gillum diễn ra vào thời điểm đảng Dân chủ đang mở rộng tính đa dạng của các ứng cử viên, bao gồm phụ nữ, người Mỹ gốc Phi và người Hồi giáo. Theo hãng tin AP, việc đảng Dân chủ đưa các ứng cử viên này tham gia vào chiến dịch tranh cử là một biểu hiện của sự kháng cự của đảng này trong bầu không khí “phân biệt chủng tộc” của thời đại Tổng thống Trump.
Cuộc bầu cử sơ bộ ở Florida và Arizona được theo dõi sát sao tại Mỹ, khi cư dân người thiểu số ngày càng tăng ủng hộ cho các ứng cử viên đảng Dân chủ, trong khi các cử tri ủng hộ cho đảng Cộng hòa ngày càng lớn tuổi và bảo thủ hơn. AP cho rằng đây có thể là một tín hiệu dự báo sự đảo chiều trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Kết quả bầu cử sơ bộ tại Florida cho thấy ông Gillum giành chiến thắng với 34% số phiếu ủng hộ, chỉ nhỉnh hơn một chút so với ứng viên về nhì là Gwen Graham, người nhận được 31% ủng hộ.
Trong khi bên đảng Cộng hòa, ứng cử viên DeSantis, 39 tuổi, giành được tỷ lệ ủng hộ vượt trội 56%, bỏ xa ứng viên tiếp theo là Adam Putnam chỉ nhận được 37%.
Sau chiến thắng dễ dàng trên, ông Ron DeSantis đã lên tiếng “ghi công” Tổng thống Trump bằng dòng tweet nói rằng Tổng thống đã “đưa tôi vào bản đồ”.
Trên dòng tweet sáng thứ Tư, Tổng thống Hoa Kỳ nói “Dân biểu Ron DeSantis không chỉ dễ dàng giành chiến thắng trong bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa, mà cả đối thủ của ông vào tháng 11 trong giấc mơ lớn nhất của ông… một thị trưởng xã hội chủ nghĩa thất bại tên Andrew Gillum”.
CNN nói rằng cuộc đua cho thấy ảnh hưởng của Tổng thống Trump trên các cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử sơ bộ.
Tại Arizona, Dân biểu Martha McSally đã vượt qua các đối thủ trong cuộc bầu cử sơ bộ, đạt tỷ lệ ủng hộ 53%, để vào vị trí ứng cử viên của đảng Cộng hòa cho chiếc ghế thượng nghị sỹ đại diện cho tiểu bang, đối đầu với ửng cử viên của đảng Dân chủ Kyrsten Sinema, người giành được ủng hộ đến 80%. Cuộc tranh đua ở bang Arizona đầu tuần này được cho là kém phần sôi động vì cái chết của Thượng nghị sĩ John McCain, một nghị sĩ danh tiếng đại diện cho bang Arizona ở Thượng viện Hoa Kỳ trong suốt sáu nhiệm kỳ.
Hiện Đảng Dân chủ đang cần nắm lấy các vị trí trong quốc hội tiểu bang để có thể đảo ngược tình thế và giành lại quyền kiểm soát trong Quốc hội Hoa Kỳ.
https://www.voatiengviet.com/a/bau-cu-so-bo-o-florida-va-aizona-hut-dan-chung-my/4549386.html

Duy Ngô Nhĩ: Nghị sĩ Mỹ

thúc giục trừng phạt Trung Quốc

Thanh Phương
Một nhóm nghị sĩ thuộc cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ vào hôm qua, 29/08/2018, đã kêu gọi chính quyền Mỹ áp đặt trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Trong một bức thư gởi đến ngoại trưởng Mike Pompeo và bộ trưởng Tài Chánh Steve Mnuchin, nhóm nghị sĩ do thượng nghị sĩ Marco Rubio và dân biểu Chris Smith, đồng chủ tịch một ủy ban lưỡng đảng về Trung Quốc của Quốc Hội Mỹ, đã yêu cầu chính quyền dựa vào đạo luật Global Magnitsky Act, mạnh tay trừng phạt những kẻ phạm tội. Đạo luật này cho phép Hoa Kỳ trừng phạt bất cứ ai trên thế giới bị cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Bức thư do 9 nghị sĩ Cộng Hòa, 7 nghị sĩ Dân Chủ và 1 nghị sĩ độc lập ký tên, đã nêu bật tình trạng người Hồi Giáo ở Tân Cương “bị giam cầm tùy tiện, bị tra tấn, quyền tôn giáo và văn hóa bị giới hạn”. Bức thư còn nêu bật sự tồn tại của một hệ thống theo dõi giám sát được số hóa, soi mói mọi khía cạnh trong đời sống hàng ngày của người dân.
Đối với với các nghị sĩ Mỹ, chính quyền Bắc Kinh đang thành lập cả một Nhà nước công an trị tối tân tại Tân Cương, “vi phạm thô bạo cả đời sống cá nhân, lẫn nhân quyền quốc tế”. Theo các nghị sĩ Mỹ có cả triệu người Hồi Giáo, thậm chí nhiều hơn nữa, bị chính quyền giam cầm ở Tân Cương.
Các nghị sĩ Mỹ yêu cầu trừng phạt các quan chức cao cấp trong chính quyền cũng như trong đảng Cộng Sản Trung Quốc đã phê duyệt các chính sách, trong đó có ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), lãnh đạo đảng Cộng Sản ở Tân Cương.
Bức thư đề nghị không cho quan chức và doanh nhân Trung Quốc có liên can đến những vụ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, được tiếp cận với Mỹ hay hệ thống tài chính Mỹ.
Bộ Ngoại Giao Mỹ tuyên bố rất quan ngại về tình hình đàn áp ở Tân Cương, nhưng không bình luận về khả năng trừng phạt đối với ông Trần Toàn Quốc hay những người khác.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180830-nghi-si-my-thuc-giuc-trung-phat-trung-quoc-ve-tan-cuong

FIFA Gate : cựu chủ tịch

Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ lĩnh án 9 năm tù

Thùy Dương
Juan Angel Napout, cựu chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ, hôm qua 29/08/2018 bị tư pháp Hoa Kỳ kết án 9 năm tù giam. Đây được coi là một bản án nặng, mang tính răn đe đối với các quan chức bóng đá có ý đồ tham nhũng.
Cũng giống như cựu chủ tịch Liên đoàn bóng đá Brazil, người tuần trước bị kết án 4 năm tù, ông Napout, 60 tuổi, người Paraguay, hồi cuối tháng 12/2017 trong một phiên tòa ở New York, thú nhận là ông đã tham nhũng, nhận hối lộ nhiều triệu đô la. Tòa án ra phán quyết buộc ông Napout nộp phạt 1 triệu đô la và bồi hoàn 3,3 triệu đô la tiền đã tham nhũng.
Theo AFP, thẩm phán Pamela Chen, người thụ lý hồ sơ của FIFA, phát biểu : « Cần một bản án mang tính răn đe bởi vì nạn tham nhũng đã, và có thể là vẫn đang hoành hành trong làng bóng đá thế giới (…) và người ta không thể ăn hối lộ hàng triệu đô la của các liên đoàn bóng đá mà không bị trừng phạt ».
Hồi cuối năm 2017, phiên xét xử kéo dài 6 tuần lễ tại New York cho thấy các quan chức lãnh đạo bóng đá Nam Mỹ đã nhận hối lộ nhiều triệu đô la của các công ty marketing trong lĩnh vực thể thao. Đổi lại các doanh nghiệp này được mua bản quyền truyền hình và tiếp thị cho các trận bóng ở châu Mỹ Latinh, trong đó có giải Copa America và Copa Libertadores.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180830-fifa-gate-9-nam-tu-cho-cuu-chu-tich-lien-doan-bong-da-nam-my

Nông dân Pháp biểu tình phản đối bán đất cho Trung Quốc

Thanh Phương
Theo hãng tin AFP, hôm qua 29/08/2018, hơn 100 nông dân đến từ khắp nước Pháp đã kéo đến làng Murs, miền trung nước Pháp, chiếm đóng một khu đất canh tác mà các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua tại đây, để phản đối nạn « đầu cơ » đất đai của Pháp.
Vào năm 2016, Hong Yang, một tập đoàn của Trung Quốc đã mua 1.700 hecta đất tại vùng này để trồng lúa mì xuất khẩu ra thị trường thế giới. Tập đoàn này cũng đã mua 900 hecta đất tại tỉnh Allier.
Phát ngôn viên của Tổng liên đoàn Nông dân Laurent Pinatel bày tỏ sự phẫn nộ : « Các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua đất của nhiều sở hữu chủ, mua các cổ phần, lập các công ty một cách hoàn toàn hợp pháp, trong khi có một cơ chế kiểm soát việc mua bán, thuê đất ở Pháp. Cơ chế này đã tỏ ra không hiệu quả ».
Về phần bộ trưởng Nông Nghiệp Pháp Stéphane Travert, ông cho hãng tin AFP biết là một nhóm nghị sĩ Quốc Hội đang làm việc trên vấn đề này và ông đang chờ họ báo cáo kết quả để từ đó đưa ra những đề nghị cụ thể nhằm hạn chế việc Trung Quốc mua đất canh tác.
Tuy hiện giờ chỉ chiếm thiểu số, việc những công ty châu Á, trong đó có Trung Quốc, mua đất canh tác đã gây lo ngại cho giới nông gia Pháp. Tháng Hai vừa qua, tổng thống Emmanuel Macron đã loan báo đề ra những quy định để kiểm soát chặt chẽ việc người nước ngoài mua đất canh tác ở Pháp.
Theo các số liệu của hai viện nghiên cứu Mỹ, được công bố đầu năm này, đầu tư của Trung Quốc vào nông nghiệp ở nước ngoài tính từ năm 2010 đã lên đến ít nhất 76 tỉ euro. Trước đây các nhà đầu tư Trung Quốc chủ yếu nhắm đến Đông Nam Á, châu Mỹ La tinh và châu Phi, nhưng vài năm trở lại đây, họ chuyển sang mua đất ngày càng nhiều ở Mỹ, Úc và châu Âu.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180830-nong-dan-phap-bieu-tinh-phan-doi-ban-dat-cho-trung-quoc

Đức : Dân nước ngoài lại bị tấn công,

cực hữu vẫn biểu tình ở Chemnitz

Thanh Phương
Tối hôm qua, 29/08/2018, một thanh niên ngoại quốc ở thành phố Wismar, miền bắc Đức lại vô cớ bị tấn công dã man. Sự vụ đã thu hút sự chú ý trong bối cảnh nước Đức đang bị chấn động với các cuộc biểu tình bạo động của các thành phần cực hữu ở thành phố Chemnitz ở bang Saxe (Đông Đức cũ).
Theo hãng tin Pháp AFP, người bị tấn công tại Wismar, là một thanh niên 20 tuổi mà cảnh sát không cho biết quốc tịch. Người này đang đi bộ về nhà thì bị 3 kẻ lạ mặt nói tiếng Đức chặn lại và mắng chửi với lời lẽ kỳ thị. Sau đó cả ba đã xúm vào đấm đá, và dùng cả dây xích bằng sắt đánh vào nạn nhân trước khi tẩu thoát. Thanh niên nước ngoài đã bị gẫy mũi, trên mặt và ngực mang nhiều vết bầm. Cảnh sát đang mở điều tra.
Vụ tấn công mang tính chất kỳ thị người nước ngoài này tại thành phố ở ven biển Baltic này xẩy ra trong lúc nước Đức đang bị chấn động với các cuộc biểu tình bạo động do cánh cực hữu dẫn đầu tại Chemnitz, thành phố Đông Đức, nơi mà hai người tị nạn, một người Syria và một người Irak, bị nghi là đã đâm chết một người Đức, trong một vụ xô xát.
Vào hôm qua, 29/08/, tư pháp Đức đã cho mở điều tra về vụ tiết lộ ảnh chụp của lệnh truy nã đối với người Irak 22 tuổi tình nghi gây ra cái chết của người Đức nói trên. Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer, tuyên bố là ngành tư pháp phải sử dụng tất cả mọi biện pháp nắm trong tay để xử lý vụ thất thoát tài liệu mật này.
Chính cảnh sát ở Chemnitz bị cáo buộc là đã chuyển cho các thành phần cực hữu tài liệu nói trên, kích động hận thù nhắm vào người nhập cư.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180830-duc-dan-nuoc-ngoai-lai-bi-tan-cong-cuc-huu-van-bieu-tinh-o-chemnitz

Iran thông báo bắt giữ hàng chục « gián điệp »

Thanh Phương
Hôm qua, 29/08/2018, bộ trưởng bộ Tình Báo Iran Mahmoud Alavi thông báo là hàng chục « gián điệp » đã bị bắt giữ tại nước này và Teheran đã tiến hành một chiến dịch nhằm ngăn cản những người mang hai quốc tịch nắm giữ các chức vụ chính thức.
Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi tường trình :
Bộ trưởng bộ Tình Báo Iran không nói rõ là những « gián điệp » đó đã bị bắt khi nào và họ làm việc cho những nước nào. Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình nhà nước, ông Mahmoud Alavi tuyên bố: Chúng tôi đã bắt giữ nhiều gián điệp và kẻ phản bội làm việc tại những cơ quan nhạy cảm, và chúng tôi đang theo dõi những người khác. Bằng tài chính và những phương tiện khác, kẻ thù của chúng ta đang cố thu thập những thông tin về đất nước chúng ta.
Trong những năm gần đây, Iran đã hành quyết nhiều người bị kết án vì tội làm gián điệp cho Israel và Hoa Kỳ. Bộ trưởng Alavi khẳng định: Rất may là bộ phận phản gián của chúng ta thuộc loại giỏi nhất trong bộ Tình Báo Iran.
Bộ trưởng Tình Báo Iran cũng cho biết là chính quyền Teheran đã tiến hành một chiến dịch để ngăn chận những công dân mang hai quốc tịch nắm giữ những chức vụ chính thức nữa, một hành động mà luật pháp cấm.
Ông nói thêm là 230 tổ khủng bố, dự định tiến hành các chiến dịch vũ trang, đã bị nhà chức trách phá vỡ từ một năm qua. Bộ trưởng Tình Báo Iran tuyên bố chính quyền ngăn chận được những cuộc tấn công nhắm vào các trường đại học và đường tàu điện ngầm ở Teheran, nhưng vào lúc đó các cơ quan tình báo đã không cung cấp thông tin về các mưu toan này. Cuối cùng ông cho biết tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo vẫn là một mối đe dọa đối với Iran.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180830-iran-thong-bao-bat-giu-hang-chuc-%C2%AB-gian-diep-%C2%BB

Thủ tướng Lại Thanh Đức nêu tham vọng

tiếng Anh của Đài Loan

Đài Loan đang hướng đến chính sách “quốc gia song ngữ”, theo đó tiếng Quan Thoại và tiếng Anh sẽ được sử dụng làm ngôn ngữ chính thức vào năm 2019.
Hiện tại, tiếng Quan Thoại đang là ngôn ngữ chính duy nhất ở đảo quốc này.
Đài Bắc muốn tăng trao đổi quân sự với Mỹ
Dân TQ ghét cả quán cà phê đón bà Thái Anh Văn
Bà Thái Anh Văn: ‘Không ai ‘xóa bỏ’ được Đài Loan’
Mục đích đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thứ hai là để tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế của Đài Loan, ông Lại cho biết.
Ông cũng đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Giáo dục thành lập “Ủy ban Thúc đẩy tiếng Anh thành Ngôn ngữ chính” để nghiên cứu và lên kế hoạch cho chính sách song ngữ này vào năm 2019, theo Taiwan News (28/8).
Trong thư gửi Tổng thống Thái Anh văn, ông Lại trích dẫn một nhóm học giả từ Academia Sinica đề nghị áp dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai, như bằng chứng cho thấy “xã hội rất quan tâm đến chính sách ‘quốc gia song ngữ’”.
Ông Lại nói rằng ông hy vọng chính sách mới này sẽ được áp dụng ngay trong năm tới với việc “học tiếng Anh bắt đầu từ tiểu học” là nền tảng của kế hoạch, theo Taiwan News.
Nếu chính sách “quốc gia song ngữ” được thực thi, cùng với tiếng Quan Thoại, tiếng Anh sẽ được các trường học ở Đài Loan đưa vào dạy cho học sinh ngay từ rất sớm.
Đài Loan luôn là một trong những vấn đề ‘nhạy cảm’ với chính quyền Trung Quốc.
Những năm gần đây, Bắc Kinh gia tăng áp lực đòi các quốc gia trên thế giới coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc.
Hồi tháng Bảy, Trung Quốc đã yêu cầu các công ty, đặc biệt là hãng hàng không, phải ghi rõ Đài Loan là lãnh thổ Trung Quốc trên trang web của họ.
Chính phủ của bà Thái Anh Văn, thuộc Dân Tiến Đảng từng đề cao xu hướng độc lập, tuy không nói thẳng ra nhưng đang nỗ lực thúc đẩy việc tạo ra bản sắc Đài Loan.
Một số đông đảo người Đài Loan dù dùng tiếng Trung và chữ Hán hàng ngày, cũng ủng hộ việc dùng thêm các tiếng Mân Nam và tiếng của của người bản địa.
Họ cũng ngày càng tin vào định nghĩa mới rằng người Đài Loan (Taiwanese) không phải người gốc Trung Quốc nữa mà chỉ là người dùng chữ Hán.
Có tin nói vì di dân gốc Việt đến Đài Loan ngày càng đông, tiếng Việt cũng được dạy trong trường học ở Đài Loan một cách chính thức.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45354446

TQ chuẩn bị dẹp chính sách hai con

Nam Hàn không phải là quốc gia duy nhất phải giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh sản thấp. Trung Quốc đang loay hoay tìm cách tháo gỡ hạn chế của chính sách hai con.
Hiện các cặp vợ chồng Trung Quốc chỉ được phép có hai con, sau khi chính sách một con nổi tiếng có hiệu lực từ năm 1979 đến năm 2016 được nới lỏng.
Trung Quốc thay đổi chính sách một con
Bùng nổ nạn béo phì tại Trung Quốc
Nhưng Bắc Kinh, với tỷ lệ sinh sản ngày càng thấp, và viễn ảnh một dân số ngày càng già, hiện đang sẵn sàng ban hành một bộ luật dân sự chấm dứt chính sách hai con buộc người dân phải thi hành bằng cách nộp phạt nặng, cùng nhiều trường hợp cưỡng bức phá thai và giải phẫu để vĩnh viễn không có con trong quốc gia đông dân nhất thế giới, theo The Guardian.
Bản dự thảo của luật này, được phổ biến hôm thứ Ba, đã bỏ hết bất kỳ tham chiếu nào về “kế hoạch hóa gia đình” – chính sách hiện không cho phép mỗi gia đình có nhiều hơn hai con. Không rõ chính sách mới này sẽ đưa ra một giới hạn mới hay cho phép các gia đình tự quyết định số con mình muốn có, The Guardian cho biết.
Mối quan tâm ngày càng lớn của Trung Quốc là một lực lượng lao động già cỗi và ngày càng nhỏ lại có thể làm chậm nền kinh tế, trong khi đó tình trạng trai thừa gái thiếu có thể dẫn đến các vấn đề xã hội.
Liên quan đến đề tài này, CNN trích lời bà Mary Gallagher, giáo sư môn chính trị tại University of Michigan:
“[Chính phủ] hiện đang phải đối mặt với một vách đá nhân khẩu khổng lồ, khi dân số lao động co rút còn dân số già thì phát triển nhanh chóng. Trung Quốc cũng thiếu một chương trình bảo hiểm xã hội có thể hỗ trợ đúng mức cho những người già.”
Trong số 1,4 tỷ cư dân, Trung Quốc có 34 triệu đàn ông nhiều hơn số phụ nữ, hậu qủa của chính sách một con khét tiếng được giới thiệu vào năm 1979 khi đảng Cộng sản Trung Quốc lo lắng về nạn nhân mãn.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45351530

Cô gái Hong Kong bị lừa cưới người lạ ở TQ

Một phụ nữ 21 tuổi người Hong Kong nói cô đã bị lừa để kết hôn với một người hoàn toàn xa lạ ở đại lục trong khi cô chỉ tham dự một đám cưới “giả”.
Cô nói cô được cho biết là cô cần phải vào vai cô dâu trong một đám cưới giả, và đó là một phần trong chương trình đào tạo để cô trở thành chuyên gia hoạch định đám cưới.
Trong buổi lễ, cô và người đàn ông xa lạ đã ký vào cùng một giấy đăng ký kết hôn thật.
Cưới giả để ở lại nước Anh
Đám cưới giả cho người đồng tính ở Trung Quốc
‘Hôn nhân giả để giữ người yêu’
Cô chỉ nhận ra là mình thực sự đã kết hôn sau khi trở về Hong Kong, nơi cô đi cầu cứu trợ giúp pháp lý.
Cảnh sát địa phương đã không thể giúp gì do thiếu chứng cứ để coi đó là hành vi tội phạm, cho nên cô đã tìm đến Liên hiệp các Nghiệp đoàn Hong Kong (FTU).
“Đây là một dạng lừa đảo hôn nhân mới,” ông Tong Kamgyiu, giám đốc Ủy ban Quyền và Quyền lợi của FTU nói với BBC.
“Tôi thấy thất vọng và không thể tin rằng điều đó lại có thể xảy ra ở Hong Kong hiện đại.”
‘Bị lợi dụng’
Hồi tháng Năm, người phụ nữ 21 tuổi, hiện được giữ kín danh tính, nhìn thấy trên Facebook một tin quảng cáo tuyển nhân viên học việc cho nghề trang điểm chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, sau khi nộp đơn, cô được công ty đó thuyết phục chuyển sang làm ở vị trí chuyên gia hoạch định đám cưới.
Cô được đào tạo miễn phí một tuần tại Hong Kong, và được thông báo rằng cô cần tham dự một đám cưới giả tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, để hoàn thành khóa huấn luyện.
Trong tháng Bảy, cô đã ký giấy tờ kết hôn tại một trụ sở chính quyền địa phương.
Theo tờ South China Morning Post thì công ty tuyển dụng nói với cô rằng cuộc hôn nhân sẽ bị “vô hiệu” sau đám cưới.
Tuy nhiên, sau khi trở về Hong Kong, một trong các bạn học nói với cô rằng đó là một cú lừa đảo. Cô trở thành người đã kết hôn và sẽ phải nộp đơn xin ly dị.
Không rõ cô đã kết hôn với ai, và liệu người đàn ông đó có vào Hong Kong sau đám cưới hay không.
“Cô gái 21 tuổi này đã bị lợi dụng khi cô ấy không biết gì cả,” ông Tong nói.
“Sự mất mát lớn nhất của cô là bị ghi hồ sơ đã kết hôn, và điều đó khiến cô bị tổn thương tâm lý.”
Mỗi năm, cảnh sát Hong Kong nói trung bình có 1.000 trường hợp kết hôn giả để đi lại qua biên giới.
Người Trung Quốc nếu kết hôn với cư dân Hong Kong sẽ quyền nộp đơn xin cư trú tại đặc khu hành chính này.
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-45349049

Trung Quốc bác tin

định mở căn cứ quân sự ở Afghanistan

Trung Quốc hôm thứ Tư bác tin họ dự định xây một căn cứ quân sự ở Afghanistan, sau khi một tờ báo Hong Kong tường thuật rằng Bắc Kinh đang dựng một trại huấn luyện cho binh sĩ Afghanistan, nơi mà họ cũng có thể gửi binh sĩ của mình tới.
Báo The South China Morning Post, dẫn các nguồn tin không xác định danh tính có liên hệ với quân đội Trung Quốc, cho biết Trung Quốc đang xây dựng trại lính trong Hành lang Wakhan hẹp nối liền hai nước.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh bác bỏ bản tin này.
“Sau khi tìm hiểu vấn đề, bài báo này đưa tin không đúng,” bà nói trong một cuộc họp báo hàng ngày.
“Vì việc xây dựng và huấn luyện không hề tồn tại, bất cứ gì liên quan đến chuyện đó đương nhiên là không đúng sự thật,” bà Hoa nói thêm, bác bỏ tuyên bố Trung Quốc cuối cùng sẽ gửi binh sĩ của mình tới.
Bà không giải thích gì thêm. Reuters cho biết Bộ Quốc phòng không trả lời một yêu cầu bình luận của hãng tin này.
Đây không phải là lần đầu tiên tin tức cho hay Trung Quốc đang tìm kiếm sự hiện diện quân sự ở Afghanistan, dù nước này đã phủ nhận tất cả các bản tin.
Vào tháng 1, Bộ Quốc phòng phủ nhận một bản tin tương tự nói rằng Trung Quốc dự định xây dựng một căn cứ quân sự ở Afghanistan.
Trung Quốc trước đó cũng đã bác bỏ những bản tin nói rằng các xe quân sự Trung Quốc đang tuần tra ở quốc gia Nam Á này.
Trung Quốc từ lâu đã lo lắng rằng bất ổn ở Afghanistan có thể tràn vào khu vực Tân Cương, quê hương của người Hồi giáo Uighur.
Trong những năm gần đây, hàng trăm người đã thiệt mạng ở khu vực phía tây trong những vụ bất ổn mà Trung Quốc qui trách cho thành phần chủ chiến Hồi giáo.
Trung Quốc cũng đã hợp tác với Pakistan và Mỹ để làm trung gian điều giải các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt cuộc nổi dậy của Taliban ở Afghanistan vốn đã dai dẳng kể từ khi nhóm chủ chiến này bị các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn lật đổ vào năm 2001.
Năm ngoái, Trung Quốc mở căn cứ quân sự đầu tiên của mình ở nước ngoài tại Djibouti thuộc vùng Sừng Châu Phi. Trung Quốc trước đó đã phủ nhận có kế hoạch cho các căn cứ khác ở nước ngoài, nhưng Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ xây thêm nữa, có thể là ở Pakistan.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-bac-tin-dinh-mo-can-cu-quan-su-o-afghanistan/4549819.html

Bắc Hàn: Giấc mơ tàu cao tốc hồi sinh

Gia tộc ông Kim từ lâu mơ ước có được hệ thống đường sắt hiện đại kết nối các thành phố lớn và thế giới bên ngoài, theo Reuters.Nhân tình trạng căng thẳng quốc tế với chế độ bị cô lập đã giảm bớt, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hiện đang tìm cách thúc đẩy kế hoạch xây dựng mạng lưới đường sắt tốc độ cao và đặt mục tiêu cạnh tranh với đường sắt ở miền Nam và châu Âu.
Reuters dẫn nguồn một nhà môi giới Nam Hàn và một nhà ngoại giao cấp cao của Bắc Hàn nói ông Kim chỉ thị các quan chức tìm kiếm quan hệ đối tác với Nam Hàn và Pháp.
Tổng thống Syria ‘sẽ thăm Bắc Hàn’
Mỹ thúc giục Bắc Hàn chọn ‘cách thức VN’
Bắc Hàn nói Mỹ hành xử ‘như gangster’
‘Hai Đảng CS dẫn dắt quan hệ phát triển tốt đẹp’
Đảng CS TQ và VN ‘cam kết tăng cường hợp tác’
Các kỹ sư và chuyên gia tư vấn tại Nam Hàn cho biết họ cũng đang lên kế hoạch cho các dự án đường sắt khả dĩ với miền Bắc.
Cả hai miền đều thấy các tuyến đường sắt mới là giải pháp thúc đẩy thương mại và du lịch trong khu vực, kết nối bán đảo Triều Tiên với Nga, Trung Quốc và xa hơn nữa.
Triển vọng này làm tăng giá cổ phiếu Hyundai Rotem và các công ty vận tải đường sắt Nam Hàn khác kể từ hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên trong hơn một thập kỷ vào tháng 4/2018.
Nhưng các kế hoạch này phải đối mặt với nhiều trở ngại, nhất là các biện pháp trừng phạt làm ăn với Bắc Hàn vì nước này theo đuổi vũ khí hạt nhân thách thức lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra là cơ sở hạ tầng, nguồn điện không ổn định của nước này.
‘Miễn trừ’
Các quan chức ở cả hai miền hy vọng các dự án đường sắt có thể được miễn trừ khỏi các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc theo một điều khoản về việc xây dựng “cơ sở hạ tầng tiện ích công cộng phi thương mại”.
Một nhà ngoại giao cấp cao Bắc Hàn nói với thượng nghị sĩ Pháp vào tháng 6/2018 rằng nước này muốn hợp tác với Pháp về xây dựng đường sắt, cụ thể là Alstom, tập đoàn sản xuất tàu cao tốc TGV và Công ty đường sắt quốc gia Pháp SNCF như là đối tác tiềm năng.
“Có những lĩnh vực không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt”, Kim Yong Il, người đứng đầu phái đoàn Bắc Hàn tại Unesco ở Paris cho biết.
Nam Hàn đã áp dụng công nghệ của Alstom cho tàu cao tốc KTX được vận hành vào năm 2004. Hệ thống này có vận tốc nhanh gấp sáu lần tuyến đường sắt cũ kỹ của miền Bắc.
Nhưng không rõ “cơ sở hạ tầng” được giải nghĩa thế nào theo lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, và các nhà khai thác đường sắt Pháp nói với Reuters rằng họ không có kế hoạch hợp tác với Bắc Hàn.
“Trong bối cảnh quốc tế xung quanh Bắc Hàn, một sự hợp tác như vậy chưa thể tính đến, đó là những gì SNCF muốn chia sẻ,” người phát ngôn nói.
Asian Games: Triều Tiên giành chiến thắng lịch sử
Triều Tiên: những câu chuyện biệt ly đẫm lệ
Kỷ nguyên hòa bình cho bán đảo Triều Tiên?
Bắc Hàn ‘bắt đầu tháo dỡ’ cơ sở thử vũ khí
Hồi tháng 7/2018, Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói Bình Nhưỡng có thể đi theo con đường giống Việt Nam khi bình thường hóa quan hệ với Washington.
Nhưng để có được điều này, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cần chớp được cơ hội.
Phát biểu trong buổi Diễn đàn Doanh nghiệp Mỹ Việt tại thủ đô Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam hai ngày, ông Pompeo nói ông hy vọng Hoa Kỳ có thể có ngày chia sẻ cùng mức độ hợp tác với Bắc Hàn như đã có với Việt Nam.
Bình luận được ông đưa ra sau hai ngày hội đàm không mấy sáng sủa tại Bình Nhưỡng nhằm thuyết phục ông Kim từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Ông Pompeo dẫn chiếu tới cuộc hội đàm này và nói Tổng thống Trump tin rằng Bình Nhưỡng có thể đi theo con đường giống Việt Nam nơi giới lãnh đạo từng nhận ra rằng đất nước họ có thể cải cách và xây dựng các mối quan hệ mà không bị đe dọa tới chủ quyền và mô hình chính phủ.
Ông Pompeo cho biết, trong hai thập niên qua, mậu dịch song phương của Hoa Kỳ với Việt Nam đã tăng 8.000 phần trăm, và các công ty Mỹ đã đầu tư hàng tỷ đô la.
“Thực tế chúng ta đang hợp tác – và không giao tranh – là bằng chứng cho thấy chúng ta sẽ có một tương lai tươi sáng hơn với Hoa Kỳ, và chúng tôi thực hiện các cam kết của Mỹ”, ông Pompeo nhắc lại cam kết của Donald Trump giúp cải thiện kinh tế Bắc Hàn để đổi lại việc ông Kim Jong Un từ bỏ vũ khí hạt nhân.
“Với sự thịnh vượng và hợp tác từng có lúc ngoài sức tưởng tượng mà chúng ta có với Việt Nam hôm nay, tôi có một thông điệp cho Chủ tịch Kim Jong-un: Tổng thống Trump tin rằng đất nước của ông có thể tái tạo cách thức này”.
“Phép màu này có thể là sự kỳ diệu đến với ông. Nó cũng có thể là phép màu cho Bắc Hàn, ông Pompeo nói.
“Hoa Kỳ đã rõ ràng với những gì chúng tôi tìm kiếm từ Bắc Hàn. Sự lựa chọn nay nằm trong tay Bắc Hàn và người dân Bắc Hàn.
“Nếu họ có thể làm được điều này, họ sẽ được nhớ đến, và Chủ tịch Kim sẽ được nhớ đến như anh hùng dân tộc”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45339549

Pakistan: Biểu tình phản đối Hà Lan tổ chức

thi vẽ tranh biếm họa nhà tiên tri

Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra ở Pakistan trong ngày hôm qua 29/08/2018 để phản đối cuộc thi vẽ tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohamed dự kiến được tổ chức tại Hà Lan vào tháng 11/2018. Cuộc thi này xuất phát từ ý tưởng của dân biểu cực hữu Geert Wilders. Những người cầm đầu phong trào phản đối dữ dội ở Pakistan thuộc hệ phái Sufi. Đây là hệ phái đã gây ra nhiều hành vi bạo lực trong những tháng qua. Họ thông báo sẽ tiếp tục phong trào phản đối cho đến khi nào Hà Lan hủy bỏ cuộc thi.
Từ Islamabad, thông tín viên RFI Solène Fioriti tường trình:
Labbaik ya rasool Allah, dịch sát nghĩa từng từ: Chúng con ở đây vì ngài, thưa nhà tiên tri. Biểu ngữ này, vốn rất nổi tiếng đối với người Pakistan, lúc này vang lên trên xa lộ nối từ Lahore tới thủ đô Islamabad. Lời kêu gọi xung trận này là của hệ phái Sufi vốn rất quá khích. Cách nay mười ngày, các tín đồ của hệ phái này đã tấn công đền thờ của một nhóm Hồi Giáo thiểu số … Giờ đây, Hà Lan là kẻ thù mới của hệ phái Sufi.
Đây là một hệ phái rất được lòng dân ở Pakistan, theo lời giải thích của bà Azeema Chemma, một nhà phân tích chính trị: Đúng là họ có được sự ủng hộ của đông đảo dân chúng thuộc mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp xã hội, cứ như là có một sự liên kết về quan điểm. Đa phần những người dân đó muốn Nhà nước Pakistan phản ánh luồng tư tưởng trên.
Khadim Rizvi, người đứng đầu hệ phái Sufi, với bộ râu trắng và ánh mắt dữ dằn, thậm chí đã khẳng định nếu ông lên nắm quyền, ông sẽ cho ném bom nguyên tử và cho tiến hành thánh chiến tại Hà Lan.
Nhà phân tích chính trị Azeema Chemma giải thích tiếp: Các đảng phái tôn giáo từng tìm cách để luật Hồi Giáo Sharia trở thành luật chính thức chưa bao giờ lại có được sự hưởng ứng trong công luận nhiều như vậy. Vì dường như luật Hồi Giáo Sharia tác động rất nhiều tới cuộc sống của người dân. Nhưng đó cũng là vì mối liên hệ của người dân với luật Hồi Giáo Sharia mang ít tính cảm xúc hơn là việc phỉ báng. Đó là điều ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm xúc của người dân.
Trong khi các đại diện ngoại giao vẫn đang nín thở chờ đợi, thì thủ tướng Imran Khan lên tiếng chỉ trích việc vẽ tranh biếm họa nhà tiên tri. Thậm chí thủ tướng Pakistan còn thông báo sẽ kêu gọi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc kỳ tới xem xét đưa ra một luật chung về vấn đề phỉ báng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180830-pakistan-bieu-tinh-phan-doi-ha-lan-to-chuc-thi-ve-tranh-biem-hoa-nha-tien-tri

Vụ Rohingya: Aung San Suu Kyi ‘lẽ ra nên từ chức’

Thủ lĩnh nhân quyền Liên Hiệp Quốc, người sắp mãn nhiệm, nói rằng lãnh đạo của Myanmar Aung San Suu Kyi lẽ ra đã nên từ chức trước chiến dịch bạo hành của quân đội với người thiểu số Hồi giáo Rohingya vào năm ngoái.
Ông Zeid Ra’ad al Hussein nói với BBC rằng nỗ lực bào chữa cho hành động này của phụ nữ đoạt giải Nobel Hòa bình Suu Kyi “thật đáng tiếc”.
Bình luận của ông Zeid Ra’ad được đưa ra một ngày sau bản tường trình của Liên Hiệp Quốc nói rằng lãnh đạo quân đội Myanmar nên bị truy tố vì tội diệt chủng.
Myanmar phản bác điều này, nói rằng họ không khoan dung trước các vi phạm nhân quyền.
Quân đội của quốc gia, mà đa số theo Phật giáo – từng bị buộc tội thanh lọc sắc tộc có hệ thống – đã trước đây đã phủ nhận mọi dính dáng đến những việc làm sai trái này.
Bản tường trình của Liên Hiệp Quốc, được công bố hôm thứ Hai, đổ lỗi cho bà Suu Kyi, lãnh đạo lâu dài của phong trào ủng hộ dân chủ, là đã không ngăn chặn được bạo lực.
LHQ: Khủng hoảng Rohingya là ‘thảm họa nhân đạo’
Bà Aung San Suu Kyi không dự họp Đại Hội đồng LHQ
Aung San Suu Kyi: Anh hùng nhân quyền nay bị chỉ trích
“Bà ấy ở một vị trí có thể can thiệp.” Ông Zeid Ra’ad nói trong một cuộc phỏng vấn với Imogen Foulkes của đài BBC: “Bà ấy có thể giữ im lặng, thậm chí tốt hơn, có thể từ chức.”
“Bà không cần phải là người phát ngôn của quân đội Miến Điện. Không cần phải nói đây là một tảng băng của thông tin sai lạc. Đây là những điềungụy tạo”, ông Zeid Ra’ad nói.
“Bà ấy có thể đã nói này, quý vị biết đấy, tôi sẵn sàng trở thành nhà lãnh đạo trên danh nghĩa của đất nước nhưng không phải trong những điều kiện này.”
Hôm thứ Tư, ủy ban Nobel cho biết bà Suu Kyi không thể bị tước Giải thưởng Hòa bình mà bà được trao vào năm 1991.
Aung Sun Suu Kyi đã nói gì?
Trong khi thế giới thừa nhận rằng bà Aung San Suu Kyi, 73 tuổi, không kiểm soát quân đội, bà vẫn phải đối mặt với áp lực quốc tế là phải lên án những hành vi bạo lực mà quân đội Myanmar bị cáo buộc.
Trong nhiều thập niên, bà được ca ngợi là nữ anh hùng của cộng đồng nhân quyền – nhất là trong thời gian 16 bị năm quản thúc tại gia vì hoạt động ủng hộ dân chủ trong một chế độ độc tài quân sự tàn bạo.
Khi bạo lực bùng nổ vào năm 2012 khiến hơn 100.000 người Rohingya phải di tản, bà Suu Kyi tìm cách trấn an cộng đồng quốc tế và cam kết “tuân thủ cam kết của chúng tôi về quyền con người và giá trị dân chủ”.
Khủng hoảng Rohingya: Myanmar ‘đặt mìn dọc biên giới’
Quân đội Arkan chống chính phủ Myanmar là gì?
Myanmar: Hàng ngàn bỏ chạy đến biên giới Bangladesh
“Người Hồi giáo là mục tiêu của những bạo hành, nhưng nhiều Phật tử cũng chịu chung số phận” bà nói với BBC vào thời điểm đó. “Nỗi sợ hãi này là những gì đang dẫn đầu tất cả mọi rắc rối.”
Bà nói rằng chấm dứt bạo lực là trách nhiệm của chính phủ, giải thích: “Đây là kết quả của sự đau khổ của chúng ta dưới chế độ độc tài”.
Vào năm 2015, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử lở đất và bà trở thành lãnh đạo thực tế của Myanmar.
Khi cuộc khủng hoảng Rohingya tiếp diễn, những nhận xét của bà Suu Kyi về tình hình có xu hướng làm giảm nhẹ hoặc cho rằng mọi người đang phóng đại mức độ nghiêm trọng của bạo lực.
Lần cuối cùng nói chuyện với BBC vào tháng 4 năm 2017, bà Suu Kyi nói: “Tôi không nghĩ rằng việc thanh lọc sắc tộc đang diễn ra. Tôi nghĩ rằng thanh lọc sắc tộc là cụm quá mạnh để sử mô tả những gì đang xảy ra”.
Phim Thái làm Myanmar tức giận
Lính Myanmar giết 25 người Rohingya
Cáo buộc thanh lọc sắc tộc tại Myanmar
Kể từ khi bạo lực bùng phát và lan rộng bắt đầu vào tháng 8 năm 2017, bà Suu Kyi đã bỏ lỡ một số cơ hội để công khai nói về vấn đề này, bao gồm cả buổi họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York vào tháng 9 năm ngoái.
Sau đó, bà tuyên bố cuộc khủng hoảng đã bị bóp méo bởi một “tảng băng khổng lồ của thông tin sai lạc” – nhưng sau đó cũng nói bà cảm thông “sâu sắc” với sự đau khổ của “tất cả mọi người” trong cuộc xung đột.
Myanmar, bà nói, đã “cam kết một giải pháp bền vững… cho tất cả mọi cộng đồng trong quốc gia này.”
Những lời gay gắt và chỉ trích cay đắng
Imogen Foulkes, phóng viên BBC Geneva
Zeid Ra’ad al Hussein được biết đến với sự thẳng thừng và những bình luận của ông về Aung San Suu Kyi cũng không là ngoại lệ: Ông cay đắng chỉ trích những nỗ lực bào chữa cho quân đội Myanmar của bà.
Ít nhất bà nên giữ im lặng, ông Zeid Ra’ad nói, tốt hơn là nên từ chức và trở về thời bị quản thúc tại gia.
Những lời gay gắt, và một dấu hiệu khác cho thấy bà Aung San Suu Kyi có thể sẽ không đi vào lịch sử như một người đoạt giải Nobel Hòa bình và nhà lãnh đạo ủng hộ dân chủ, mà là một người phụ nữ không hành động trước những vi phạm nhân quyền không thể chấp nhận được.
Cuộc khủng hoảng Rohingya là gì?
Người Rohingya là người thiểu số Hồi giáo ở Miến Điện, nơi họ bị từ chối quyền công dân và được coi là người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh mặc dù họ đã ở đây qua nhiều thế hệ.
Quân đội Myanmar đã phát động một cuộc đàn áp ở Rakhine năm ngoái sau khi các chiến binh Rohingya thực hiện các cuộc tấn công chết người tại các đồn cảnh sát.
Aung San Suu Kyi bác việc thanh lọc sắc tộc
‘Tội ác chống loài người’ ở Myanmar
Hàng ngàn người đã thiệt mạng và hơn 700.000 người Rohingya đã chạy sang nước láng giềng Bangladesh kể từ tháng 8 năm 2017.
Cũng có những cáo buộc lan rộng về việc những người Rohingya bị đàn áp nhân quyền, kể cả bị sát hại tùy tiện, hãm hiếp và đốt đất trong nhiều năm qua.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45352235

Bà Aung San Suu Kyi không bị

tước Giải Nobel Hòa bình

Giải Nobel Hòa bình trao cho bà Aung San Suu Kyi sẽ không bị lấy lại sau khi một báo cáo của Liên Hiệp Quốc kết luận quân đội Myanmar đã thực hiện các vụ giết người hàng loạt nhắm vào người Hồi giáo Rohingya, Ủy ban Nobel Na Uy cho biết hôm thứ Tư.
Hôm thứ Hai, các điều tra viên của Liên Hiệp Quốc nói quân đội Myanmar đã thực hiện các vụ giết người hàng loạt và cưỡng hiếp tập thể với “ý đồ diệt chủng,” và tổng tư lệnh và năm tướng lĩnh phải bị truy tố vì những tội ác trầm trọng nhất theo luật pháp quốc tế.
Bà Aung San Suu Kyi, người lãnh đạo chính phủ Myanmar và từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1991 vì vận động cho dân chủ, đã bị chỉ trích vì không lên tiếng chống lại cuộc đàn áp của quân đội ở bang Rakhine.
“Điều quan trọng cần nhớ là một giải Nobel, dù trong lĩnh vực Vật lí, Văn học hay Hòa bình, được trao cho nỗ lực hay thành tựu đáng được tưởng thưởng trong quá khứ,” Olav Njoelstad, thư ký của Ủy ban Nobel Na Uy nói.
“Bà Aung San Suu Kyi đoạt giải Nobel Hòa bình vì đấu tranh cho dân chủ và tự do cho đến năm 1991, năm bà được trao giải,” ông nói.
Và những điều lệ qui định Giải thưởng Nobel không cho phép giải thưởng bị lấy lại, ông nói thêm.
Ủy ban Nobel Na Uy bao gồm một hội đồng gồm năm người Na Uy, chủ yếu là các cựu chính trị gia và học giả, phản ánh các thế lực khác nhau trong Quốc hội Na Uy. Các giải Nobel khác được trao ở Thụy Điển.
Năm ngoái, người đứng đầu Ủy ban, Berit Reiss-Andersen, cũng nói họ sẽ không tước giải thưởng này sau những chỉ trích trước đó về vai trò của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc khủng hoảng người Rohingya.
https://www.voatiengviet.com/a/ba-aung-san-suu-kyi-khong-bi-tuoc-giai-nobel-hoa-binh/4549850.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?