Mỹ ngày càng yếu thế đàm phán hơn so với trước Thượng đỉnh Trump-Kim?


Với việc Ngoại trưởng Pompeo hủy thăm Bình Nhưỡng, Mỹ đang tự đẩy mình vào thế đàm phán yếu hơn so với trước Thượng đỉnh Trump – Kim.
Truyền hình CNBC ngày 27/8 dẫn ý kiến chuyên gia cho rằng Mỹ đang ở vị thế yếu hơn Triều Tiên trên bàn đàm phán so với trước khi Tổng thống Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở Singapore ngày 12/6/2018.
Lời cảnh báo đưa ra trong bối cảnh truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 26/8 cáo buộc Mỹ “đàm phán 2 mặt” và đang “ấp ủ một âm mưu tội ác” chống lại Bình Nhưỡng sau khi Washington đột ngột hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo đến Triều Tiên.
Trục trặc trong chính Nhà Trắng
“Chúng ta đang ở vị thế tệ hơn trước khi Thượng đỉnh xảy ra bởi vì trong thời gian vừa qua, Trung Quốc và Nga đã dỡ bỏ bớt các áp lực trừng phạt với Triều Tiên” – Sean King, Phó Chủ tịch công ty chính sách công và phát triển kinh tế Park Strategies nhận định.
“Chúng ta cũng đã đơn phương hủy tập trận với Hàn Quốc, kèm với đó, chính Tổng thống của chúng ta thậm chí còn gán cho những cuộc tập trận này cái mác ‘gây hấn’ và điều đó chắc chắn khiến Nhật Bản lo lắng” - ông Sean King chỉ rõ.
Ông King cho rằng cả 2 bên dường như đã hiểu lầm về việc bên kia đồng ý với điều gì tại Thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng 6.
“Ông Trump nghĩ rằng ông Kim đã nói sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân và sau đó đôi bên có thể thảo luận về một dạng thỏa thuận hòa bình nào đó. Nhưng trong suy nghĩ của ông Kim, Mỹ - Hàn phải chấm dứt liên minh trước rồi sau đó ông ấy có thể sẽ phi hạt nhân hóa” – chuyên gia này nhận định.
Theo ông King, một phần của vấn đề trên cũng là do sự khác biệt về quan điểm chiến lược trong chính Nhà Trắng.
Ông Trump “có một đội ngũ chuyên gia luôn nói về việc phải cứng rắn [với Triều Tiên – ND]” nhưng bản thân Tổng thống lại cảm thấy “ông ấy có thể tự mình đàm phán dựa trên sức hút của bản thân” – chuyên gia Sean King chỉ rõ. “Chuyện này giống như là chúng ta đang có 2 chính quyền song song và Triều Tiên đang cố gắng lợi dụng điều đó”.
Liên minh Mỹ - Hàn chuệch choạc
Triều Tiên cũng đã tận dụng việc Mỹ và Hàn Quốc thiếu nỗ lực theo đuổi một chiến lược thống nhất hơn trong việc đàm phán với nước này.
Ông Kim Jong-un đột ngột quay sang giải pháp ngoại giao trước hết là để đảo ngược ý định sử dụng vũ lực của Mỹ, đồng thời ngăn chặn làn sóng trừng phạt từ cộng đồng quốc tế có thể vắt kiệt nền kinh tế này và cuối cùng là có thời gian củng cố những thành quả của chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên. Rõ ràng, từ khi khởi động chiến lược ngoại giao, Bình Nhưỡng đã khiến “thanh gươm báu” mang tên vũ khí hạt nhân ngày càng sắc bén hơn.
Cùng với đó, việc Bình Nhưỡng mới đây nối lại hoạt động đoàn tụ các gia đình bị li tán vì chiến tranh liên Triều (1950 – 1953) sau 3 năm gián đoạn cũng cho thấy, giữa lúc đàm phán với Mỹ tiến triển chậm chạp, ông Kim Jong-un giờ đây cho rằng cần phải tiếp tục thúc đẩy chính sách cởi mở của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in dường như cũng ủng hộ mô hình mà Trung Quốc gợi ý, đó là cần phải có biện pháp khích lệ Triều Tiên trước khi Bình Nhưỡng có những bước tiến phi hạt nhân hóa thực sự. Trong bài phát biểu nhân Ngày Giải phóng của Hàn Quốc (15/8), ông Moon Jae-in đã để ngỏ phương án từ bỏ chính sách của Mỹ là duy trì áp lực trừng phạt kinh tế, đồng thời úp mở rằng, tháng sau, ở Bình Nhưỡng, ông sẽ có “một bước tiến táo bạo để tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên”.
Cùng với đó, Tổng thống Moon Jae-in cũng đang đàm phán với Bình Nhưỡng về việc giảm quân số dọc Khu phi quân sự (DMZ) bất chấp những quan ngại rằng điều này làm suy yếu tuyến đầu phòng thủ cho Seoul.
Hàn Quốc dường như “đồng lòng” với Triều Tiên về việc cần phải có một tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh trước trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thấy những bước phi hạt nhân hóa rõ ràng từ Bình Nhưỡng rồi mới dỡ bỏ trừng phạt và xây dựng hòa bình.
Mỹ thất thế, Hàn Quốc tự làm chủ?
Tình hình hiện nay có thể gói gọn trong 3 khả năng: một là Mỹ có thể đạt được đột phá với Triều Tiên; hai là những nỗ lực ngoại giao với Bình Nhưỡng thất bại hoàn toàn; ba là các bên mắc kẹt trong bế tắc vĩnh viễn. Nếu một trong 2 khả năng sau xảy ra, Mỹ sẽ phải tính đến khả năng chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vươn lên “làm chủ” thế cuộc để đạt được thỏa thuận hòa bình với Bình Nhưỡng.
Muốn tiếp tục “cầm lái” trong vấn đề Triều Tiên, Mỹ phải tìm cách kết hợp được mục đích cơ bản của Hàn Quốc là hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên với ưu tiên của Washington là bảo đảm Bình Nhưỡng không có vũ khí hạt nhân.
Những bước tiến của các bên theo từng giai đoạn có lẽ là mô hình khả dụng nhất. Nhưng vấn đề chính nằm ở chỗ Mỹ và Hàn Quốc cần phải nhất trí về việc họ sẵn sàng đáp lại Triều Tiên những gì khi ông Kim Jong-un thực sự có những bước tiến rõ ràng nhằm phi hạt nhân hóa.
Nhưng điều đó quả là nan giải khi mà chính sách về Triều Tiên của chính Tổng thống Donald Trump vẫn còn khá “ngoắt nghéo”.
Việc ông Trump đột ngột hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo đến Bình Nhưỡng đã tố cáo Tổng thống Mỹ ngày càng mất kiên nhân với tiến trình phi hạt nhân hóa chậm chạp của Triều Tiên và cho thấy chính quyền của ông rất có thể lại thay đổi quyết định về vấn đề này.
Một bộ phận người Hàn Quốc muốn tin rằng vấn đề chỉ nằm ở chỗ ông Trump thiếu kiên nhẫn trong việc đàm phán với Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ quả là có thiếu kiến nhẫn, nhưng kiên nhẫn không phải là điều duy nhất thuyết phục Triều Tiên dỡ bỏ chương trình hạt nhân của nước này

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?