Chi tiêu tiêu dùng - Điểm tích cực của kinh tế Mỹ

14:47 | 30-11-2018


BNEWS.VN Theo báo cáo công bố ngày 29/11 của Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu tiêu dùng tại nước này trong tháng 10 tăng với nhịp độ nhanh nhất kể từ tháng Ba.


Trong khi đó, thu nhập của người tiêu dùng Mỹ tăng mạnh nhất trong chín tháng. Đây là những dấu hiệu tích cực về tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ tăng. Ảnh minh họa: Reuters
Trong tháng 10, chi tiêu tiêu dùng tăng 0,6%, mức tăng lớn nhất trong bảy tháng và nhanh gấp ba lần so với mức tăng của tháng Chín.
Trong khi đó, thu nhập tăng 0,5%, cao hơn đáng kể so với mức tăng 0,2% trong tháng Chín. Cả chi tiêu tiêu dùng và thu nhập đều tăng mạnh so với dự báo của giới phân tích.

Chi tiêu tiêu dùng được theo dõi sát sao bởi đây là yếu tố chiếm 70% hoạt động của nền kinh tế Mỹ. Theo báo cáo ngày 28/11 của chính quyền Mỹ, nền kinh tế nước này tăng trưởng 3,5% trong quý III/2018. Các nhà kinh tế nhận định nhịp độ tăng trưởng sẽ giảm xuống khoảng 2,5% trong quý IV. Tuy nhiên, dự báo GDP sẽ tăng 3% cả năm, mức cao nhất trong 13 năm.

Trong tháng trước, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), một chỉ số giá cả chủ chốt được gắn với chi tiêu tiêu dùng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, chạm mức mục tiêu mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đề ra.
PCE lõi (không tính giá lương thực và nhiên liệu thường biến động) tăng 1,8%, giảm so với con số 1,9% của tháng Chín và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng Hai. PCE lõi là chỉ số mà Fed cũng đặc biệt quan tâm.

Chi tiêu tiêu dùng mạnh có thể cho phép Fed tăng lãi suất lần thứ tư trong năm nay vào tháng tới, nhưng nếu xu hướng giảm của lạm phát kéo dài, dự báo về số lần tăng lãi suất trong năm tới sẽ được điều chỉnh giảm xuống.
Theo biên bản cuộc họp tháng 11 vừa được công bố ngày 29/11, gần như toàn bộ các quan chức Fed nhất trí rằng có thể sớm tiếp tục tăng lãi suất, dù cũng sẽ bàn đến việc khi nào thì dừng tăng.

Và dù số liệu về chi tiêu tiêu dùng khả quan, có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang chậm lại. Số liệu của tháng 11 cho thấy chi tiêu của doanh nghiệp cho trang thiết bị yếu đi, và thị trường nhà ở cũng kém sáng hơn nhiều.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 10 là 77,2 tỷ USD, tăng 1,3% so với tháng Chín và tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà kinh tế cho rằng việc nước này bị thâm hụt thương mại lâu nay là do các chính sách kinh tế vĩ mô và việc tăng thuế nhập khẩu không phải là cách thức đúng đắn để giảm thâm hụt.

Hiệp hội bất động sản Mỹ cho biết, số hợp đồng mua nhà được ký trong tháng 10 giảm, khi lãi suất thế chấp tăng đã ảnh hưởng đến khả năng tài chính và sự nhiệt tình của người mua. Chỉ số doanh số bán dựa trên số hợp đồng đã ký là 102,1, giảm 2,6% so với tháng Chín và 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở nước này trong tuần trước tăng lên mức cao nhất kể từ tháng Năm.
Trong tuần kết thúc ngày 24/11, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng 10.000 đơn so với tuần trước đó, lên mức 234.000 đơn. Dù vẫn dưới ngưỡng 300.000, con số này tăng có thể là dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm đang chững lại.

>>>Kinh tế - Lực cản hay lực đẩy cho bầu cử tổng thống?


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện