Khả năng xảy ra cuộc Chiến tranh Lạnh mới ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương?

Tác giả: Carl Thayer
Dịch giả: Châu Minh Dũng
27-11-2018
Chúng tôi mong ngài trả lời hai vấn đề sau:
Câu hỏi 1: Liệu có khả năng xảy ra cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong tương lai gần không?
Trả lời: Đang có cuộc tranh luận diễn ra tại Hoa Kỳ, Úc và châu Âu về chuyện liệu có nên mô tả tiến trình gia tăng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc như một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”. Cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề xác định xem thế nào là Chiến tranh Lạnh và tính hữu ích của thao tác phân tích diễn biến hiện tại qua lăng kính của sự tương đồng lịch sử.
Có hai định nghĩa rộng về Chiến tranh Lạnh. Định nghĩa đầu tiên dựa trên lịch sử. Theo định nghĩa này, Chiến tranh Lạnh là cuộc xung đột kéo dài giữa Liên Xô và cái gọi là Thế giới Tự do (Hoa Kỳ, Tây Âu) được khởi sự từ quá trình tan rã của liên minh chống phát xít sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1946 – 1947) đến đầu thập niên 1990. Trong Chiến tranh Lạnh không có xung đột vũ trang trực tiếp giữa Liên Xô và phương Tây, nhưng giai đoạn đó đã chứng kiến ​​một loạt các cuộc khủng hoảng như cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), cuộc Khủng hoảng Berlin (1959 và 1961), cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba (1962) và tiến trình chạy đua vũ trang liên quan đến vũ khí hạt nhân. Bản chất của Chiến tranh Lạnh lịch sử là cuộc cạnh tranh về chính trị, tư tưởng và quân sự toàn cầu giữa các nước trong Khối hiệp ước Warsaw và các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Định nghĩa thứ hai về Chiến tranh Lạnh có tính phân tích để mô tả bản chất cuộc đối đầu giữa các hệ thống cộng sản/xã hội chủ nghĩa với các hệ thống tư bản, được đặc trưng bởi những cuộc cạnh tranh và mâu thuẫn khốc liệt mang tính toàn cầu, mà không cần tham chiếu đến một giai đoạn lịch sử cụ thể nào cả. Đôi khi, các nhà phân tích sử dụng thuật ngữ Chiến tranh Lạnh thứ hai để chỉ cuộc cạnh tranh giữa hai khối sau khi sự tan vỡ của nỗ lực xoa dịu căng thẳng trong thập niên 1970.
Nói chung, người ta thống nhất rằng, Chiến tranh Lạnh lịch sử và Chiến tranh Lạnh bản chất đã kết thúc trong giai đoạn 1985 – 1989. Vào tháng 12/1990, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tuyên bố, Chiến tranh Lạnh đã chính thức kết thúc.
Giờ chúng ta xét đến các sự kiện gần đây: Một số nhà phân tích cho rằng, bài phát biểu của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence vào ngày 4/10 năm nay về chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc báo hiệu sự khởi đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Nhà văn Walter Russell Mead, trong khi lưu ý mâu thuẫn chính trị gay gắt ở Washington, DC quanh sự kiện ông Brett Kavanaugh được đề cử làm Thẩm phán Tòa án tối cao Hoa Kỳ cùng lúc với bài phát biểu của ông Pence, đã phải thốt ra câu hỏi: “Phải chăng Chiến tranh Lạnh thứ hai đã bùng nổ… vào lúc không ai để ý?”
Thế đối đầu hiện tại và sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có giống như một cuộc Chiến tranh Lạnh mới không? Nếu câu trả lời là “có” thì thuật ngữ Chiến tranh Lạnh mới chỉ có thể được áp dụng theo nghĩa chung nhất của nó. Vẫn có sự khác biệt lớn giữa hiện tại và quá khứ.
Thứ nhất, không có sự cạnh tranh giữa hai nhóm quốc gia cùng chung tư tưởng trong ngày hôm nay. Trung Quốc không có đồng minh, còn ông Trump thì một mực từ chối vai trò của các hiệp ước quốc phòng giữa Hoa Kỳ với đồng minh. Trục chính của sự cạnh tranh và thế đối đầu chỉ xoay quanh quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Thứ hai, yếu tố đối đầu tư tưởng gần như vắng mặt. Liệu có nên cho rằng Trung Quốc đang tìm cách áp đặt mô hình phát triển kinh tế chính trị của mình lên phần còn lại của thế giới hay không.
Thứ ba, Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn có sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau. Cuộc chiến thương mại hiện tại do ông Trump phát động để khắc phục tình trạng thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ vẫn quá lớn và chuyện ăn cắp tài sản trí tuệ (và các vấn đề khác như xâm nhập giao dịch thương mại trực tuyến). Chính quyền Trump không cố gắng cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc mà chỉ muốn tái định hình những quan hệ này.
Thứ tư, bất chấp căng thẳng tiếp tục gia tăng, Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn có những cuộc tiếp xúc ở cấp lãnh đạo chính phủ và các cấp khác để giải quyết các vấn đề kinh tế và mục tiêu chấm dứt phổ biến vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Thay vì cố gắng kìm hãm Trung Quốc, Hoa Kỳ hiện có khoảng 360.000 sinh viên Trung Quốc ở các trường đại học.
Chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ xác định rõ, Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh ngang hàng và là quyền lực đang thách thức Hoa Kỳ. Nhưng bài phát biểu hồi tháng 10/2018 của ông Mike Pence có phải là một phiên bản hiện đại của Học thuyết Truman không?
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ tháng 5/1947, Tổng thống Truman tuyên bố: “Chính sách của Hoa Kỳ là hỗ trợ những dân tộc tự do đang cố gắng chống lại các nhóm thiểu số vũ trang hoặc áp lực từ bên ngoài”. Trong lời phát biểu của ông Pence không hề có ý nào tương tự. Ông tuyên bố: “Thông điệp của chúng tôi đối với các nhà cầm quyền của Trung Quốc là: Tổng thống của chúng tôi sẽ không lùi bước – và dân chúng Hoa Kỳ sẽ không bị ảnh hưởng. Chúng tôi sẽ tiếp tục đứng vững vì an ninh và nền kinh tế của chúng tôi, ngay cả khi chúng tôi vẫn hy vọng cải thiện quan hệ với Bắc Kinh”. Bài phát biểu của ông Pence chỉ nói về nước Mỹ chứ không đề cập đến các đồng minh và quan hệ đối tác chiến lược.
Đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, ông Pence đã đề xuất các thỏa thuận thương mại song phương mới và giải pháp hợp lý hóa các chương trình phát triển và tài chính quốc tế để cung cấp cho “các nước một lựa chọn thay thế hoàn toàn mới và minh bạch bên cạnh cánh cửa ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc”. Một tháng sau, ông Pence phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Port Moresby: “Hôm nay, tôi có vinh hạnh được công bố Sáng kiến Minh bạch Ấn Độ – Thái Bình Dương mới của chúng tôi. Cùng với hơn 400 triệu Mỹ kim do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, chương trình này sẽ giúp trao quyền cho những công dân trong khu vực, hỗ trợ chống tham nhũng và tăng cường bảo vệ chủ quyền”. Hồi năm 1947, Tổng thống Truman đã yêu cầu Quốc hội Hoa Kỳ chi 400 triệu Mỹ kim (khoảng 4,6 tỷ Mỹ kim theo thời giá hiện tại) để hỗ trợ chính phủ Hy Lạp chống lại quân nổi dậy cộng sản.
Để kết thúc vấn đề này, trong cả hai bài phát biểu của mình, Phó Tổng thống Pence đã trích dẫn lời của Tổng thống Donald Trump bày tỏ quan điểm rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể kiểm soát được sự khác biệt và phát triển cùng nhau. Trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh APEC, ông Pence đã nói: “Và hãy để tôi nhấn mạnh lại rằng: Trung Quốc luôn có một vị trí vinh dự trong viễn cảnh của chúng tôi về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở nếu họ tôn trọng chủ quyền các nước láng giềng của họ; nếu họ tôn trọng thương mại tự do, công bằng và đối ứng; duy trì quyền con người và tự do. Người Mỹ không mong muốn gì hơn; người dân Trung Quốc và các nước trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng xứng đáng có nhiều hơn thế”.
Tựu trung, thuật ngữ “Chiến tranh Lạnh mới” đáng được lưu ý trong khi chúng ta nhìn nhận diễn biến đối đầu và cạnh tranh ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nhưng mối quan hệ hiện tại giữa hai nước này hoàn toàn khác với cuộc Chiến tranh Lạnh lịch sử trước đó giữa phương Đông và phương Tây. Thuật ngữ “Chiến tranh Lạnh mới” cần nhiều hơn thế để có thể được sử dụng như một công cụ phân tích nhằm giải thích động cơ hiện tại cho quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Câu hỏi 2: Việt Nam nên làm gì nếu cuộc Chiến tranh Lạnh mới bùng nổ?
Trả lời: Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh lịch sử giai đoạn 1947 – 1989, các quốc gia mới giành được độc lập đã chịu áp lực phải chọn phe. Về cơ bản họ đã có ba lựa chọn: Liên kết, không liên kết hoặc trung lập. Ngày nay, động lực cho sự đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ lại ở dạng lỏng. Nghĩa là Hoa Kỳ không có chính sách ngăn chặn hoặc “hoàn tác”. Các quốc gia mới độc lập ngày trước giờ đã là các nhà nước hoàn chỉnh.
Hệ thống quốc tế ngày nay đa dạng và phức tạp hơn thời kỳ Chiến tranh Lạnh lịch sử. Việt Nam nên tiếp tục theo đuổi chính sách hiện tại về “đa dạng hóa và đa phương hóa” (“diversification and multilateralizaton”), đồng thời “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” (“cooperation and struggle”) trong quan hệ với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. Việt Nam phải duy trì sự độc lập và tự chủ của họ bằng cách duy trì sự thống nhất quốc gia nhằm chống lại sự can thiệp từ bên ngoài vào các vấn đề nội bộ của họ, dù phía can thiệp là Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Việt Nam phải tiếp tục phát triển, tiếp tục hiện đại hoá và nâng cao năng lực quốc phòng để đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ. Cuối cùng, Việt Nam cũng nên đóng góp vào tiến trình củng cố sự thống nhất và trung lập của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
https://baotiengdan.com/2018/11/28/kha-nang-xay-ra-cuoc-chien-tranh-lanh-moi-o-khu-vuc-an-do-thai-binh-duong/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện