Tin Việt Nam – 30/11/2018

Tin Việt Nam – 30/11/2018

Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy

bị tuyên án 2 năm tù, quốc tế phản đối

Nhà hoạt động nữ Huỳnh Thục Vy vào ngày 30 tháng 11 bị tòa án tại Buôn Hồ, tỉnh Dak Lak tuyên án 2 năm 9 tháng tù giam với cáo buộc ‘xúc phạm quốc kỳ’.
Hiện cô này đang có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên bản án sẽ có hiệu lực khi con của cô tròn 3 tuổi; tuy nhiên hiện nay cô không được phép rời khỏi nơi cư trú.
Đài Á Châu Tự Do liên lạc với cô Huỳnh Thục Vy sau phiên xử vào ngày 30 tháng 11 và được cô thuật lại một số thông tin liên quan:
Tất cả mọi cáo buộc đều xoay quanh điều 276 của BLHS là “xúc phạm quốc kỳ” đó. Tòa án bình thường chỉ là một bản án bỏ túi đã được quyết định sẵn rồi là đập thôi. Nhưng cái quan trọng, cái nổi bật, hay nhất và tiêu biểu nhất đó là phần tranh biện của luật sư Đặng Đình Mạnh. Luật sư nói có 3 điều. Điều thứ nhất là không có lá cờ nào màu đỏ có ngôi sao vàng nào cũng được gọi là quốc kỳ, bởi vì muốn gọi là quốc kỳ thì lá cờ đỏ có ngôi sao vàng ở giữa phải đúng với kích thước đã được quy định trong hiến pháp và hai lá cờ mà Thục Vy đã xịt sơn lên, một lá bị dôi lên 2 phân, một lá bị dôi lên 4 phân không đúng quy định của hiến pháp nên lá cờ đó không phải là của quốc kỳ. Điểm thứ hai mà luật sư Mạnh nói là cái điều mà Thục Vy nhắm vào thể chế chính trị chứ không nhằm vào danh dự quốc gia. Bởi vì theo luật quy định là xúc phạm quốc kỳ là xúc phạm danh dự quốc gia mà điều Thục Vy làm không phải là xúc phạm đất nước mà là bày tỏ sự phản khán chế độ độc tài và điều đó cho thấy Thục Vy là một người yêu nước, nhưng Thục Vy có một quan điểm khác với chế độ đang cai trị. Khoảng cách yêu nước của Thục Vy khác với những người thông thường. Điều thứ ba là điều 276 của BLHS Việt Nam nó không phù hợp với công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị được quy định trong điều 19 là cho phép người dân có quyền xúc phạm quốc kỳ bởi vì quốc kỳ chỉ là biểu tượng của thể chế công thôi nên người dân có quyền đả kích nó. Trong trường hợp luật pháp của một quốc gia đi ngược lại với công ước quốc tế thì lấy công ước quốc tế làm chuẩn. Nhưng tất cả mọi tranh biện của luật sư Mạnh đều bị tòa bác bỏ hết dù luật sư tranh biện rất có lý và hay. Ngoài những điều Thục Vy nói luật sư Mạnh còn nói hay nhiều vấn đề khác nữa nhưng chỉ tóm tắt như vậy thôi.”
Ngay sau khi có bản án đối với nhà hoạt động nữ Huỳnh Thục Vy, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch ra thông cáo nêu rõ quyết định bỏ tù cô Huỳnh Thục Vy chỉ vì hoạt động xịt sơn lên cờ đỏ sao vàng cho thấy mức độ cực đoan của biện pháp tấn công vào các nhà hoạt động và giới bloggers.
Human Rights Watch nêu rõ Việt Nam thực sự đứng ở cuối bảng những quốc gia Đông Nam Á trong vấn đề tôn trọng nhân quyền.
Vào ngày 29 tháng 11, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế- Amnesty International vào ngày 29 tháng 11 ra thông cáo kêu gọi chính phủ Việt Nam bãi bỏ cáo buộc ‘xúc phạm quốc kỳ’ đối với nhà hoạt động nữ Huỳnh Thục Vy mà tổ chức này cho là một cáo buộc lố bịch.
Đây là một biện pháp truy tố mang động cơ chính trị mà cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành nhằm đối lại hoạt động không ngưng nghỉ của cô Huỳnh Thục Vy trong nỗ lực phơi bày những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và buộc giới cầm quyền phải chịu trách nhiệm. – Ân Xá Quốc Tế
Cũng theo Ân Xá Quốc Tế thì cáo buộc như thế lên đến mức tấn công vào quyền tự do bày tỏ ý kiến của người dân.
Ông Nicholas Bequelin, Giám Đốc Khu Vực Đông và Đông Nam Á- Thái Bình Dương của Amnesty International, nói rõ rằng cáo buộc như thế chỉ nhằm bịt miệng một nhà hoạt động nhân quyền ôn hòa và nhiệt tâm. Đây là một biện pháp truy tố mang động cơ chính trị mà cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành nhằm đối lại hoạt động không ngưng nghỉ của cô Huỳnh Thục Vy trong nỗ lực phơi bày những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và buộc giới cầm quyền phải chịu trách nhiệm.
Biện pháp sử dụng cáo buộc ‘xúc phạm quốc kỳ’ nhằm hạn chế chỉ trích ôn hòa cho thấy rõ tình trạng đàn áp quyền tự do biểu đạt ngày càng tồi tệ tại Việt Nam.
Ân Xá Quốc Tế cho rằng sự xúc phạm thật sự ở đây là cơ quan chức năng thiếu tôn trọng đối với nhân quyền, luật pháp và các chuẩn mực quốc tế.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/activist-huynh-thuc-vy-sentenced-2-years-in-prison-for-insulting-national-flag-11302018080130.html

Thêm 9 người biểu tình

chống luật Đặc khu bị kết án tù

Một tòa án ở Bình Thuận vừa kết án thêm 9 người từng tham gia biểu tình phản đối dự luật Đặc khu hồi tháng 6, theo truyền thông trong nước.
Chín người này, cùng ngụ tại huyện Tuy Phong, bị tòa án huyện Bắc Bình kết án hôm 29/11 vì tội “gây rối trật tự công cộng.”
Đây là phiên tòa thứ ba liên quan đến việc gây rối ở khu vực Phan Rí. Trước đó, 25 người đã nhận án tù cùng tội danh trên.
Theo cáo trạng, vào sáng ngày 11/6, nhiều người dân lấy cớ phản đối dự thảo Luật Đặc khu đã tập trung trên Quốc lộ 1 qua xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Bản tin của VNExpress và ZingNews trích dẫn cáo trạng cho biết “lực lượng cảnh sát cơ động và chính quyền đã triển khai bảo vệ an ninh trật tự, kêu gọi đám đông giải tán, tránh ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, các bị cáo cùng một số người quá khích đã dùng gậy, gạch đá, bom xăng tấn công lực lượng làm nhiệm vụ.” Họ bị kết tội “dùng bom xăng đốt xe chuyên dụng của cảnh sát phòng cháy chữa cháy, đập phá làm hư hỏng nhiều tài sản” của trụ sở đội cảnh sát PCCC của công an tỉnh Bình Thuận đóng tại xã Phan Rí Thành.
Tuy nhiên, vẫn theo cáo trạng, các bị cáo do “chưa có tiền án, tiền sự, thành khẩn khai báo nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ.”
Bị cáo Dương Văn Ngoan, 40 tuổi, nhận mức án cao nhất với 5 năm tù và những người còn lại, tuổi từ 18 đến 46, bị kết án tù từ 3 năm cho đến 3 năm 6 tháng tù với cùng tội danh “gây rối trật tự công cộng.”
Hồi cuối tháng 9, cũng tòa án huyện Bình Thuận tuyên phạt mức án 50 năm tù đối với 15 người với cáo buộc tương tự vì tham gia biểu tình hồi tháng 6.
Trước đó hai tháng, mười người khác cũng đã bị tuyên án tù vì tham gia bạo động tại thị trấn Phan Rí Cửa.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) hôm 15/6 kêu gọi Việt Nam chấm dứt các vụ bắt giữ không hợp pháp và sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình trong các vụ biểu tình trên toàn quốc nhằm phản đối việc cho thuê đất dài hạn trong các đặc khu kinh tế.
Hàng ngàn người đã tham gia các cuộc biểu tình tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, tỉnh Bình Thuận và một số khu vực khác. Kể từ khi cuộc biểu tình đầu tiên bắt đầu vào ngày 9/6/2018, cảnh sát đã đánh đập và bắt giữ hàng trăm người biểu tình.
https://www.voatiengviet.com/a/them-9-nguoi-bieu-tinh-chong-luat-dac-khu-bi-ket-an-tu/4681540.html

Hai bản án đã tuyên trong vụ tai nạn

do xe đi lùi trên cao tốc bị hủy

Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, vào sáng ngày 30 tháng 11 ra quyết định hủy hai bản án hình sự cấp sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án xe container tông vào xe Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên khiến 4 người tử vong.
Truyền thông quốc nội loan tin vừa nêu trong cùng ngày, dẫn lời của Chánh án Toàn án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, ông Phạm Văn Hà cho biết Ủy ban Thẩm phán của tòa án này ra quyết định trên sau khi xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm và sẽ điều tra lại hồ sơ vụ án. Nói với báo giới, ông Hà nhấn mạnh rằng nếu điều tra lại mà xác định không có tội thì đình chỉ vụ án, còn ngược lại có tội thì đưa vụ án ra xét xử.
Theo hồ sơ vụ án, vụ việc xảy ra vào ngày 19/11/2016, tài xế Lê Ngọc Hoàng đang điều khiển xe container trên cao tốc với tốc độ khoảng 60 km/h thì thấy chiếc xe khách Innova do tài xế Ngô Văn Sơn đang đi lùi để tránh nút giao thông. Anh Lê Ngọc Hoàng không thể chuyển làn vì có ô tô phía sau vượt lên nên tông thẳng vào xe Innova từ phía sau khiến 4 người thiệt mạng tại chỗ.
Tòa án tỉnh Thái Nguyên, trong phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào ngày 2 tháng 11, tuyên bản án đối với tài xế Lê Ngọc Hoàng 6 năm tù và phải bồi thường 400 triệu đồng.
Giới tài xế và dư luận tại Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ bản án phúc thẩm này. Vợ của tài xế Lê Ngọc Hoàng đã làm đơn kháng cáo gửi các cơ quan chức năng vì cho rằng chồng mình không vi phạm luật giao thông.
Một đơn Kêu cứu khẩn cấp kèm theo hơn 13 ngàn chữ ký trên trang mạng hope.com gửi đến các lãnh đạo Nhà nước Việt Nam kiến nghị cần xem xét chấp nhận đơn kháng án của bị cáo Hoàng để đảm bảo sự công bằng, nhân văn của pháp luật, củng cố niềm tin của người dân vào cơ quan luật pháp.
Nội dung đơn này nhận định: “Việc kết án hành vi giao thông đúng luật sẽ vô cùng nguy hại, tạo ra một tiền lệ xấu: tạo tâm lý coi thường tính mạng người khác và luật lệ giao thông (Ví như thấy xe lùi trên cao tốc thì mình cũng lùi theo hay đánh lái gây tai nạn cho xe khác?)”
Vụ án trải qua 8 lần xét xử cấp sơ thẩm và 4 phiên tòa cấp phúc thẩm.
Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết Ủy ban Thẩm phán sẽ giao cho Công an tỉnh Thái Nguyên điều tra bổ sung vụ án và sẽ tiến hành xét xử lại từ đầu sau khi có kết luận điều tra bổ sung.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/higher-court-canceled-the-sentences-to-case-of-car-accident-driving-backard-11302018074018.html

Tướng Phan Văn Vĩnh

nhận án cao hơn VKS đề nghị

Sáng 30/11, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ đọc bản án đối với tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, cùng tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên cục trưởng C50 và những “đồng phạm” trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ.
Theo bản án, ông Vĩnh bị tuyên phạt 9 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”còn ông Hóa bị phạt 10 năm tù với cùng tội danh, theo trang nVnExpress.
Khung hình phạt theo quy định cho loại tội này là từ 5-10 năm tù.
Đánh bạc nghìn tỷ: Tướng CA nói về ‘tổ ong’ và ‘não bé’
Phan Văn Vĩnh: Từ anh hùng thành bị can
Bình luận diễn biến về phiên tòa xử tướng Vĩnh
Ngoài ra, hai ông còn chịu hình phạt bổ sung mỗi người 100 triệu đồng nộp phạt.
Tuy nhiên, ông Vĩnh không có mặt tại phiên tòa vì lý do sức khỏe.
Hai bị cáo khác được coi là chủ mưu trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ là Nguyễn Văn Dương (nguyên Chủ tịch HĐTV công ty CNC) và Phan Sào Nam (nguyên chủ tịch VTC Online) bị xét xử các tội “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền”.
Với hai tội danh trên, ông Dương bị tuyên án 10 năm tù và phải nộp lại toàn bộ 1.700 tỷ đồng, trong khi ông Nam bị phạt 5 năm tù và nộp lại 1.500 tỷ đồng, cũng theo báo vnexpress.
Những bị cáo còn lại bị phạt từ tù treo hoặc cải tạo không giam giữ đến ba năm tù về các tội “Tổ chức đánh bạc”, “Rửa tiền”, “Sử dụng mạng internet chiếm đoạt tài sản”. Với các bị cáo có tội danh “Mua bán trái phép hóa đơn” và “Đánh bạc” thì không bị phạt tù.
Trái với Viện Kiểm sát Nhân dân
Trước đó, trong phiên tòa hôm 21/11, VKSND tỉnh Phú Thọ đề nghị HĐXX tuyên mức án từ 7 năm 6 tháng đến 8 năm tù cho ông Hóa, cũng theo báo vVnExpress.
Mức án được VKS đề nghị cho ông Vĩnh là 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù, theo báo Zing.
Phan Sào Nam bị VKSND đề nghị mức án 6-7 năm tù và nộp phạt hơn 1.475 tỷ đồng, còn Nguyễn Văn Dương bị đề nghị tuyên phạt 11-13 năm tù.
Như vậy, ông Vĩnh chịu bản án cao hơn so với đề nghị của VKSND trong khi bị cáo Nam và Dương chịu tù thấp hơn.
Vẫn còn cần làm nhiều hơn nữa
Giới bình luận ngay tại Việt Nam phần đông ca ngợi nỗ lực chống và bài trừ tham nhũng của TBT Nguyễn Phú Trọng từ mấy năm qua.
Tuy nhiên, có ý kiến nói việc điều tra Đảng viên cộng sản Việt Nam ‘sai phạm’ và xử tù một số cán bộ cao cấp rất đáng khích lệ nhưng “còn chưa đủ” nhất là khi số Đảng viên lên tới gần 5 triệu.
Trong năm 2018, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS thì “thiên về quan điểm cho rằng đó chỉ là một phần nhỏ của tảng băng chìm”.
“Có một thực tế phải là tất cả số liệu trên do phía chính quyền công bố mà không có bất kỳ một tổ chức nào có thể đứng ra kiểm chứng một cách độc lập, hầu hết chỉ mang tính chất tham khảo.
“Với một hệ thống tương đối là đóng và không có trách nhiệm giải trình, không minh bạch về con số báo cáo, con số hệ thống, thì rất khó để định giá xem là liệu con số Đảng viên bị kỷ luật là lớn hay nhỏ,” ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách VERP nói.
Tuy nhiên cần phải chỉ ra rằng nhiều Đảng viên không nắm giữ vị trí lãnh đạo, tức ít cơ hội cũng như điều kiện để tham nhũng, hoặc cố ý làm trái.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46400092

Vũ Nhôm tiếp tục kêu oan tại tòa

Ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ Nhôm vào ngày 30/11/2018 tiếp tục kêu oan tại phiên xử đang diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh về cáo buộc “lạm dụng chức vụ, quyền hạn và cố ý làm trái quy định của Nhà nước” tại Ngân hàng Đông Á (DAB).
Theo truyền thông trong nước, ông Vũ nói tại phiên tòa rằng cáo trạng truy tố ông với tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là hoàn toàn oan, cáo trạng cáo buộc những điều không đúng sự thật.
Ông nói thêm rằng từ khi nhận được kết luận điều tra thì ông đã làm rất nhiều đơn kêu oan gửi tới Viện trưởng VKSND Tối cao, lãnh đạo Bộ Công an, Trưởng ban nội chính, tuy nhiên không nhận được câu trả lời.
Theo cáo trạng, ông Trần Phương Bình (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc DAB) và ông Phan Văn Anh Vũ đã bàn bạc, thống nhất để ông Vũ mua 60 triệu cổ phần của DAB với giá hơn 600 tỷ đồng nhằm biến ông Vũ trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại ngân hàng này. Do đó ông Vũ đã thế chấp 220 lô đất tại Đà Nẵng để vay DAB 400 tỷ đồng, còn lại 200 tỷ đồng thì ông Bình đã chỉ đạo xuất quỹ chi cho ông Vũ bằng cách ông Vũ phải ký chứng từ nộp khống 200 tỷ đồng tại ngân hàng.
Tại tòa, ông Vũ khẳng định việc ông Trần Phương Bình chuyển cho ông 200 tỷ đồng hoàn toàn là giao dịch dân sự nên ông không phạm tội chiếm đoạt. Ông giải thích trước tòa rằng ban đầu ông chỉ đồng ý mua số cổ phần trị giá 400 tỷ bởi tài sản công ty chỉ có từng đó, ông Bình nói sẽ cho ông Vũ vay thêm 200 tỷ.
Trước đó, ngày 28/11, ông Bình khai ông chỉ đạo nhân viên DAB xuất quỹ cho ông Vũ và Vũ ký khống chứng từ nộp 200 tỉ vào DAB để Vũ có được 203 tỉ đồng tham gia mua cổ phần của DAB chứ không phải tiền ông cho vay cá nhân.
Đây là phiên tòa thứ hai xét xử ông Phan Văn Anh Vũ. Phiên xử đầu tiên diễn ra vào ngày 30/7/2018 tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội. Sau một ngày xét xử, toà tuyên phạt Phan Văn Anh Vũ mức án 9 năm tù về tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” theo quy định tại Điều 337 – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Phiên phúc thẩm vào cuối tháng 10, giảm cho ông Phan Văn Anh Vũ 1 năm xuống còn 8 năm về tội ‘cố ý làm lộ bí mật nhà nước’.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vu-nhom-continues-to-plead-innocent-11302018074556.html

Vụ Trần Bắc Hà và tham nhũng ngân hàng ‘từ lâu’

Việc ông Trần Bắc Hà bị bắt chỉ thể hiện “sự yếu kém, vấn nạn từ lâu của ngành ngân hàng với khối nợ xấu khổng lồ” ở Việt Nam, một ý kiến từ Hoa Kỳ cho BBC biệt hôm 29/11.
Nếu mà ngày nào ra ánh sáng sự thật thì có lẽ còn cả chục nhân vật như ông Trần Bắc Hà sẽ bị khui ra trước ánh sáng.Phạm Đỗ Chí, Tiến sỹ
Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí từ Florida, tham gia Chương trình Bàn tròn Thứ Năm trong studio của BBC Tiếng Việt ở London, bình luận:
“Việt Nam sau 40 năm vẫn chưa đạt được thế kinh tế hùng mạnh, độc lập và tự chủ chỉ vì sự yếu kém của những cải cách, thực sự chưa cải cách ra khỏi guồng máy bộ máy xã hội chủ nghĩa.”
Ông Trần Bắc Hà chính thức bị khởi tố
Ông Trần Bắc Hà bị bắt ở Campuchia?
Việt Nam xác nhận đã bắt ông Trần Bắc Hà
Sau năm 1986, Việt Nam tuyên bố thoát khỏi nền kinh tế bao cấp; tuy vậy, ông Chí cho rằng “sức sản xuất vẫn rất yếu ớt và chưa nắm được những mối lợi của kinh tế thị trường vì Việt Nam chưa bao giờ chính thức trở thành nền kinh tế thị trường.”
Giải thích cho những yếu kém lâu nay của ngành ngân hàng, theo ông là vì “những hành động của giới lãnh đạo ngân hàng” dẫn đến chỉ trong vòng 2-3 năm nay liên tiếp nhiều nhân vật nổi cộm bị bắt.
Và những nhân vật nổi cộm nhất, như trường hợp mới đây nhất là ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng BIDV bị cơ quan cảnh sát điều tra Việt Nam khởi tố hôm 29/11 chỉ là “những câu chuyện rất cũ mà chúng tôi được biết từ lâu”, ông Phạm Đỗ Chí, cựu quan chức cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói thêm.
Rất nhiều những vụ việc còn đang trong bóng tối mà tới đây nếu khám phá ra thì mới thấy hậu quả nó lớn như thế nào.Lê Mạnh Hùng, Nhà báo tự do
“Ngay từ hồi tôi có thời gian về Việt Nam làm việc từ năm 2003 đến 2014, trong suốt thời gian dài này tôi đã chứng kiến trong ngành ngân hàng rất nhiều chuyện xấu được lấp liếm, cất lại nhờ các thế lực, nhóm lợi ích.
“Bây giờ, từ từ những vụ này bị khui ra thì đây không phải là chuyện gì mới mà là hình phạt tất phải đến.”
Do đó, thời điểm này chính là lúc “Việt Nam phải dứt khoát hơn để cải tổ hệ thống ngân hàng”, ông Chí nhận xét.
Trước đó trong một cuộc phỏng vấn khác với BBC, Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí nói về hệ lụy tiêu cực thuộc về di sản thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
“Tôi phải thành thật mà nói là nếu người ta có nghe là kinh tế và tài chính Việt Nam bây giờ sắp sụp đổ thì cũng không ngoa vì đó là kết quả của 7 năm thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng.
“Trong những năm gần đây thì họ cố gắng gỡ rối những vấn đề của thời ông Dũng như nợ xấu ngân hàng, nợ công quốc gia. Chuyện mà không ai có thể phủ nhận khiến kinh tế Việt Nam không thể có bước nhảy vọt là vấn đề tham nhũng”.
Tiến sỹ Chí nói về những vấn đề rất nghiêm trọng như chuyện thất thoát tài sản quốc gia hay chuyện làm ăn sai trái:
“Các chuyện ngân hàng này thật ra là bắt đầu từ mười mấy năm trước và kéo dài dai dẳng và những lợi dụng quá nhiều.”
“Nếu mà ngày nào ra ánh sáng sự thật thì có lẽ còn cả chục nhân vật như ông Trần Bắc Hà sẽ bị khui ra trước ánh sáng và khối tài sản nằm về tay những nhân vật này hay một khối nhân vật đằng sau sẽ là một câu chuyện khổng lồ.”
Cùng tham gia chương trình trong studio của BBC ở London hôm 29/11, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng từ Berlin đồng tình với những nhận định của ông Chí.
Tuy nhiên, từ góc độ vĩ mô, ông Hùng cho rằng những vụ việc như trên của ngành ngân hàng là “hậu quả tất yếu của một quá trình phát triển Việt Nam hiện nay”.
“Có nghĩa là chính trị phát triển với kinh tế không đồng bộ, cải cách về chính trị không theo kịp cải cách về kinh tế, mở cửa với tốc độ quá nhanh trong khi bộ máy quản lí không theo kịp thì ắt dẫn tới,” ông giải thích.
Nhà báo Lê Mạnh Hùng cũng cho rằng: “Còn rất nhiều những vụ việc còn đang trong bóng tối mà tới đây nếu khám phá ra thì mới thấy hậu quả nó lớn như thế nào.”
Bộ Công an Việt Nam hôm 29/11 xác nhận đã bắt tạm giam ông Trần Bắc Hà, 61 tuổi, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đồng thời, ông Trần Lục Lang, cựu phó tổng giám đốc BIDV và Kiều Đình Hòa, cựu giám đốc BIDV Hà Tĩnh, cũng bị bắt.
Con số các sai phạm này được báo chí Việt Nam đưa là lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46400087

Chính phủ Việt Nam yêu cầu

thanh tra toàn diện đất rừng Sóc Sơn

Chính phủ Việt Nam yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thanh tra toàn diện việc quản lý và sử dụng đất rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 30/11 dẫn yêu cầu vừa nêu của ông Phó Thủ Tướng Trương Hòa Bình.
Theo đó, ông Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cùng với các bộ- ngành khẩn trương báo cáo kết quả việc xử lý sau thanh tra đất rừng phòng hộ huyện Sóc Sơn trước ngày 15/12/2018.
Đồng thời, ông phó thủ tướng chính phủ Việt Nam còn yêu cầu thành phố Hà Nội đảm bảo kết luận đầy đủ, chính xác và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật cũng như báo cáo Thủ tướng chính phủ trước ngày 1/2/2019.
Trước đó, vào hôm 29/11 tại buổi trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoài Nam trưởng ban pháp chế Hội đồng nhân dân Hà Nội thừa nhận rằng việc khắc phục vi pham xây dựng tại đất rừng Sóc Sơn chưa đến nơi đến chốn, việc xử lý còn chậm trễ và nhiều diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, ông còn cho biết hiện Hà Nội đang điều tra làm rõ, xem xét các sai phạm mới và xử lý sai phạm cũ đồng thời xem xét các trách nhiệm thuộc về ai nhưng ông khẳng định rằng điều này đang chờ kết luận của thanh tra thành phố Hà Nội.
Vào năm 2006, thanh tra chính phủ phát hiện nhiều sai phạm sau khi kiểm tra việc quản lý sử dụng đất rừng tại Sóc Sơn và 9 xã khác. Tại Sóc Sơn, cơ quan chức năng phát hiện hơn 650 hộ xây dựng công trình sai phạm trên đất lâm nghiệp với diện tích 11 ha. Trong số này có 80 nhà kiên cố, 26 công trình theo mô hình trang trại sản xuất và rất nhiều trường hợp vi phạm khác.
Một trong những công trình bị phát hiện có vi phạm ở rừng phòng hộ Sóc Sơn là căn biệt thự của nữ ca sĩ Mỹ Linh được xây dựng từ 12 năm trước. Nhưng cho đến khi nữ ca sĩ lên tiếng ủng hộ việc xây nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm thì những người phản đối đã khơi lại vụ việc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-government-orders-a-comprehensive-inspection-of-soc-son-forest-land-11302018072935.html

Ban Tuyên giáo lại nhắc

phải loan chủ yếu tin “tốt”

Hòa Ái, phóng viên RFA
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng yêu cầu cần thiết phải tăng cường thông tin tích cực trên mạng xã hội và internet. Đó phải là “dòng chủ lưu, chủ đạo” trong thời gian tới. Cư dân mạng tại Việt Nam nói gì trước thông tin vừa nêu?
Tăng cường biện pháp kiểm duyệt
Phát biểu tại hội nghị giao ban công tác tuyên giáo 6 tháng cuối năm 2018 khu vực miền Đông Nam Bộ, diễn ra vào sáng ngày 28 tháng 11, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh rằng ngành tuyên giáo khi muốn đẩy mạnh công tác chống lại các quan điểm sai trái, thù địch thì trước hết phải tăng cường thông tin tích cực trên mạng xã hội, trở thành dòng chủ lưu, chủ đạo.
Trước nhắc nhở mới nhất của ông Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, cư dân mạng tại Việt Nam nhận định có thêm bằng cho thấy Chính quyền Hà Nội ngày càng hà khắc hơn trong việc tăng cường biện pháp kiểm duyệt thông tin; đặc biệt là trên mạng xã hội.
Đài RFA ghi nhận không ít người dân ở Việt Nam thường xuyên theo dõi thông tin qua mạng xã hội thắc mắc thế nào là thông tin tích cực và thế nào là thông tin xấu độc theo yêu cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương. Đối với đa số các cư dân mạng mà Đài RFA tiếp xúc cho biết thông qua tin tức trên các báo đài lề phải thì họ hiểu rằng bất cứ những thông tin nào không có lợi cho Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đều là những tin độc hại, chẳng hạn như Chính phủ Việt Nam hô hào chống tham nhũng, nhưng những ai chia sẻ thông tin về quan chức tham nhũng thì bị quy chụp cho là “nói xấu và bôi nhọ lãnh đạo”; hay kêu gọi bảo vệ môi trường, nhưng không phải mỗi một Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị tuyên án tù 10 năm với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” do phản đối nhà máy Formosa mà còn rất nhiều người khác bị những hệ lụy nặng nề vì lên tiếng liên quan thảm họa môi trường biển ở khu vực Bắc Trung Bộ hồi tháng 4 năm 2016.
Một số facebooker và blogger ở Việt Nam khẳng định với RFA rằng khi Luật An ninh mạng có hiệu lực vào đầu năm 2019, Chính quyền Hà Nội sẽ còn sử dụng kết hợp nhiều biện pháp để kiểm duyệt thông tin tại Việt Nam. Nhà báo tự do Đỗ Cao Cường nêu lên quan điểm của anh:
Đây không chỉ là việc kiểm soát thông tin nữa, mà là việc giữ vững chế độ, bảo vệ chế độ này. Vì sự tồn vong của chế độ cho nên họ sẽ làm mọi cách để thắt chặt quyền tự do báo chí
-Nhà báo Đỗ Cao Cường

“Đây không chỉ là việc kiểm soát thông tin nữa, mà là việc giữ vững chế độ, bảo vệ chế độ này. Vì sự tồn vong của chế độ cho nên họ sẽ làm mọi cách để thắt chặt quyền tự do báo chí và một trong những biện pháp của họ là dùng lực lượng dư luận viên 47, Ban tuyên giáo cho đến hàng loạt phóng viên, những cây bút mà người ta gọi là ‘bồi bút’ theo ý kiến chỉ đạo của họ; đồng thời sử dụng các biện pháp quản lý như họ sẽ hợp tác với lãnh đạo Facebook Việt Nam và lãnh đạo của các doanh nghiệp truyền thông, thậm chí họ sẽ có những hợp tác ngầm với bên Trung Quốc để thắt chặt thông tin, yêu cầu Facebook và Google xóa các bài viết gây ra tiêu cực cho họ. Thêm nữa là những hình thức xử phạt rất mạnh như dùng phương thức kỷ luật, đình bản cho đến việc bắt bớ những tiếng nói phản biện, kể cả người làm báo.”
Truyền thông quốc nội cho biết hiện tại có khoảng 55 triệu người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam. Hồi đầu tháng 11, tân Bộ trưởng Thông Tin-Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn tuyên bố rằng mạng xã hội không còn ảo nữa mà là thật và người dân, chính quyền phải sống nhiều hơn trên không gian mạng để cái tốt lớn lên và cái xấu sẽ giảm đi; đồng thời ông Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng còn cho biết, Bộ Thông Tin-Truyền Thông đã hoàn thiện dự thảo Bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn.
Với lời phát biểu mới nhất liên quan truyền thông mạng xã hội của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng rằng thông tin tích cực trên mạng xã hội phải là chủ đạo, thì dư luận đặt vấn đề xã hội Việt Nam sẽ thế nào khi tin tức trên các kênh truyền thông chính thống lẫn mạng xã hội chỉ tràn ngập những điều “đẹp lòng” Đảng và Nhà nước?
Nhưng bất lực trong kiểm soát?
Cư dân mạng Võ Phương Thuận, một bạn trẻ thường xuyên theo dõi tin tức qua mạng xã hội và chia sẻ những thông tin từ báo chí chính thống đăng tải các vấn đề tiêu cực xảy ra hàng ngày, với mong muốn cộng đồng quan tâm nhiều hơn cũng như cùng góp sức làm thay đổi xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, bạn trẻ Võ Phương Thuận bị công an địa phương nhiều lần gửi giấy mời lên làm việc và yêu cầu cô không chuyển tải những thông tin bị cho “tiêu cực” như thế nữa mà hãy chuyển sang các thông tin như về lãnh vực làm từ thiện. Cô Võ Phương Thuận nói với RFA:
“Mấy ngày qua, công an đi vòng vòng và nói rằng em bị khùng. Ngày hôm kia thì xuống ủy ban chỗ khu mình ở hỏi xem tiếp xúc với em có thấy tinh thần có bị khùng hay không. Họ đi phao tin là mình bị này, bị kia. Dư luận viên của Long An có viết blog và lên mạng nói em bị khùng.”
Mấy ngày qua, công an đi vòng vòng và nói rằng em bị khùng. Ngày hôm kia thì xuống ủy ban chỗ khu mình ở hỏi xem tiếp xúc với em có thấy tinh thần có bị khùng hay không. Họ đi phao tin là mình bị này, bị kia. Dư luận viên của Long An có viết blog và lên mạng nói em bị khùng
-Cư dân mạng Võ Phương Thuận

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do xoay quanh những biện pháp Chính quyền Việt Nam đang sử dụng để kiểm soát truyền thông mạng xã hội, cư dân mạng Võ Phương Thuận chia sẻ cho dù sắp tới đây Luật An ninh mạng có hiệu lực, cho dù những thông tin tích cực tràn ngập mạng xã hội, cho dù những tin tức của người dân đăng tải bị cho là xấu độc và bị gỡ bỏ thì cô vẫn tìm kiếm sự thật về xã hội mà mình đang sống và vẫn tiếp tục chia sẻ thông tin bị cho là tiêu cực vì theo cô một xã hội không có sự phản biện thì xã hội đó không thể tiến bộ và phát triển.
Nhà báo tự do Đỗ Cao Cường khẳng định với RFA rằng anh sẽ không từ bỏ lý tưởng truyền tải thông tin trung thực đến cộng đồng cho dù Nhà nước sử dụng các biện pháp kiểm duyệt thông tin đến mức độ tuyệt đối như thế nào đi nữa.
Trong khi đó, một số cư dân mạng khẳng khái cho rằng Chính quyền Việt Nam rõ ràng đang bất lực trong việc quản lý thông tin truyền thông mạng xã hội và với “mệnh lệnh” mới nhất của Ban Tuyên giáo Trung ương vi phạm Hiếp pháp về quyền tự do truyền thông và tự do ngôn luận của người dân. Vì thế, họ tuyên bố với RFA rằng họ vẫn tiếp tục những việc làm của một công dân được quy định trong luật pháp Việt Nam, trong đó họ có quyền thể hiện quan điểm của mình về các vấn đề xã hội cũng như chia sẻ thông tin liên quan.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-plans-to-control-social-media-with-positive-news-11292018130655.html

Bằng cấp cao hơn, thu nhập ít hơn

Tin Sài Gòn, Việt Nam – Tại Việt Nam, người có trình độ sơ cấp có thu nhập cao hơn những người có trình độ trung cấp và cao đẳng, mặc dù những người này được xem là có bằng cấp cao hơn những người có bằng sơ cấp.
Báo Thanh Niên ngày 30 tháng 11 năm 2018 loan tin, Thống kê của Bộ Lao động- Thương Binh- Xã hội cho biết, quý 2 năm 2018, dân số từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là 72,51 triệu người, tăng 0,93% so với cùng kì năm ngoái. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,12 triệu người.
Thu nhập của lao động làm công hưởng lương có trình độ đại học là cao nhất với số tiền 7,87 triệu đồng/tháng, tiếp đến là nhóm có trình độ sơ cấp với 6,51 triệu đồng/tháng; người có trình độ trung cấp thấp hơn cả trình độ sơ cấp với 5,5 triệu đồng/tháng; người có trình độ cao đẳng dù cao hơn trung cấp nhưng vẫn thấp hơn trình độ sơ cấp với 6,1 triệu đồng/tháng; lao động làm công hưởng lương không có chuyên môn kỹ thuật thu nhập ở mức 4,8 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, thu nhập của tất cả các nhóm chuyên môn kỹ thuật đều giảm so với quý 1 năm 2018, trong đó giảm cao nhất là nhóm có trình độ sơ cấp và nhóm có trình độ đại học trở lên.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/bang-cap-cao-hon-thu-nhap-it-hon/

Luật An ninh mạng:

chỗ nào bảo vệ riêng tư cho người dân?

Dương Ngọc Thái
Theo VnExpress, trong cuộc họp báo ngày 3/11/2018, thiếu tướng Lương Tam Quang – Chánh văn phòng Bộ Công an đã nói :
[...] có 18 quốc gia trên thế giới đã có văn bản luật quy định các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu quan trọng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, như Mỹ, Canada, Trung Quốc.
Ngày 25/5, quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của liên minh châu Âu cũng chính thức có hiệu lực, cho phép cá nhân kiểm soát dữ liệu của mình khi tham gia các diễn đàn, mạng xã hội. Các công ty phải cam kết không chuyển dữ liệu cá nhân cho bên thứ 3; nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20 triệu euro hay 4% doanh số toàn cầu.
GDPR không giống gì với Luật An ninh mạng Việt Nam, đặt hai bộ Luật này vào cùng một câu giống như ăn hủ tíu mà cho mắm tôm.
- Kỹ sư Dương Ngọc Thái
Về con số 18 quốc gia tôi đã phân tích trong bài về dự thảo 03/10/2018, chỉ nhắc lại ở đây là ông Quang nhắc đến “dữ liệu quan trọng” nên chắc ông cũng đã tìm hiểu để thấy rằng Mỹ chỉ yêu cầu lưu trữ dữ liệu tài chính và thuế, còn Canada chỉ yêu cầu lưu trữ dữ liệu của những tổ chức hành chính công như trường học công, bệnh viện công hay cơ quan nhà nước (nguồn). Giả sử như người Mỹ hay người Canda sử dụng Zalo, chính phủ Mỹ và chính phủ Canada không yêu cầu Zalo phải lưu dữ liệu ở Mỹ hay Canada. Do đó tôi thấy thật khó hiểu khi ông Quang đem hai quốc gia này ra làm ví dụ.
Đến khi ông Quang nhắc đến General Data Protection Regulation (GDPR) của Châu Âu tôi chuyển từ khó hiểu sang khó ở. GDPR không giống gì với Luật An ninh mạng Việt Nam, đặt hai bộ Luật này vào cùng một câu giống như ăn hủ tíu mà cho mắm tôm.
Thứ nhất, luật An ninh mạng Việt Nam yêu cầu các công ty phải lưu dữ liệu ở Việt Nam, nhưng GDPR không bắt buộc phải lưu dữ liệu ở Châu Âu, miễn sao dữ liệu được lưu ở một quốc gia đạt tiêu chuẩn an toàn dữ liệu.
Hiện tại có 13 quốc gia nằm trong danh sách này, trong đó có Mỹ, nếu bên nhận dữ liệu đảm bảo được tiêu chuẩn Privacy Shield. Các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Amazon, Facebook, Google, Microsoft, v.v. đều đạt chuẩn Privacy Shield. Tóm lại, Châu Âu không yêu cầu các công ty này phải lưu dữ liệu ở Châu Âu, mà họ có thể lưu ở Mỹ hoặc ở các nước khác đạt chuẩn. Ở Việt Nam đến cái bồn cầu còn theo tiêu chuẩn Châu Âu, vậy mà Luật An ninh mạng lại không theo.
Thứ hai, GDPR không có bất kỳ điều luật nào yêu cầu các công ty phải cung cấp dữ liệu của người dân Châu Âu cho Nghị viện Châu Âu hay chính phủ các nước thành viên, vì bảo vệ riêng tư của người dân, trước tiên, là không chuyển dữ liệu cho chính phủ, nếu không có lệnh của tòa án.
Trách nhiệm của chính phủ là giúp người dân bảo vệ dữ liệu, nhưng dữ liệu vẫn thuộc sở hữu của người dân, chứ chính phủ không có quyền tự ý quốc hữu hóa dữ liệu của dân chúng. Trong khi GDPR yêu cầu các công ty phải có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của người dân Châu Âu và cung cấp công cụ để người dân kiểm soát dữ liệu của chính họ, Luật An ninh mạng Việt Nam yêu cầu các công ty phải cung cấp dữ liệu cho Bộ Công an, mà không có sự kiểm soát của tòa án hay bất kỳ thể chế độc lập nào.
Thứ ba, Luật An ninh mạng và dự thảo 31/10/2018 tước đi quyền ẩn danh trên Internet, tức là cản trở người dân tự bảo vệ và thực thi quyền riêng tư, vì ẩn danh chính là cách bảo vệ riêng tư tốt nhất. Các công nghệ riêng tư phổ biến như Tor hay VPN chẳng làm gì khác ngoài việc che dấu danh tính của người dùng.
Thay vì giúp người dân che dấu danh tính khi sử dụng Internet, Bộ Công an lại bắt buộc người dân phải tiết lộ danh tính, yêu cầu những công ty Internet phải thu thập, xác minh và cung cấp cho Bộ Công an họ tên, ngày tháng năm sinh cho đến số chứng minh thư, số thẻ tín dụng, tình trạng sức khỏe, v.v.
Thử tưởng tượng mỗi khi đi ăn hủ tíu bà bán hủ tíu yêu cầu bạn phải cung cấp đầy đủ họ tên, địa chỉ, số chứng minh thư, sau đó bả chuyển qua cho Bộ Công an khi họ yêu cầu. Rõ ràng chuyện này không thể xảy ra ở ngoài đời. Vậy cơ sở pháp lý nào cho phép Bộ Công an bắt buộc người dân phải khai báo danh tính khi tham gia Internet?
Về mặt kỹ thuật, mạng Internet không hề yêu cầu chúng ta phải dùng danh tính thật. Bản chất của Internet là ẩn danh. Ai cũng có thể vào blog này hoặc email cho tôi mà không cần phải báo cho tôi biết họ là ai. Tiết lộ danh tính hay không là một lựa chọn của người dân, chính phủ không có quyền ép buộc.
Tôi đoán chính phủ muốn biết danh tính của người dùng Internet để dễ bắt tội phạm. Nhưng có lẽ nào vì những trang blog không do dân chúng tạo ra như Chân Dung Quyền Lực hay Quan Làm Báo mà phải hi sinh riêng tư của tất cả dân chúng và cả hệ thống chính trị?
Dân chúng lên tiếng phê phán chính quyền và các quan chức là phúc chứ không phải họa. Sợ là sợ dân giàu và giỏi bỏ đi hết, chứ sợ gì chuyện người ta bức xúc. Phàm đã là quan chức chính phủ, tức đã là người của công chúng, hãy để cho công luận quyết định công và tội. Cây ngay không sợ chết đứng, nếu có ai đó nói sai về mình, thay vì dùng quyền lực để bịt miệng người ta, hãy để công chúng lên tiếng bảo vệ. Người dân luôn biết rõ ai làm được việc cho họ, đừng sợ làm tốt mà người ta không biết đến.
Nhưng có lẽ nào vì những trang blog không do dân chúng tạo ra như Chân Dung Quyền Lực hay Quan Làm Báo mà phải hi sinh riêng tư của tất cả dân chúng và cả hệ thống chính trị?
-Kỹ sư Dương Ngọc Thái

Cuối cùng, còn gì mỉa mai và cay đắng bằng khi bộ luật tước đi quyền ẩn danh của dân chúng lại được Quốc hội bỏ phiếu ẩn danh. Ngoại trừ lác đác vài ba vị đại biểu đã lên tiếng, cho đến nay dân chúng hoàn toàn không biết ai đã bỏ phiếu thuận, ai đã bỏ phiếu chống Luật An ninh mạng.
Đất nước mình lạ quá phải không em? Những người quyền cao chức trọng cần phải tuyệt đối rõ ràng minh bạch lại được quyền ẩn danh hèn nhát, còn người dân thấp cổ bé họng lại sắp bị tước đi cả cái quyền lẩn mình vào đám đông để tự vệ trước cường quyền.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/cybersecurity-law/cyber-security-law-where-to-protect-peoples-privacy-11282018114710.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện