Tin Biển Đông – 29/11/2018


Tin Biển Đông – 29/11/2018

Căn cứ trí tuệ nhân tạo dưới Biển Đông:

Nước cờ đầy toan tính lãnh thổ của TQ

Cách tiếp cận của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn khác với các quốc gia khác. Nhiều quốc gia khác chỉ thuần túy vì mục đích khoa học hay phát triển khu vực nhưng Trung Quốc mang nhiều tham vọng về lãnh thổ, bài phân tích trên báo Đất Việt.
Ngày 26/11, tờ SCMP dẫn nguồn tin từ các quan chức và nhà khoa học Trung Quốc cho biết, nước này đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ dưới đáy biển với các tàu ngầm không người lái nhằm phục vụ hoạt động khoa học và quân sự tại Biển Đông. Trung tâm này có thể trở thành căn cứ trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới.
Khu vực đặt căn cứ dự kiến nằm trong vùng sâu nhất của đại dương, thường là vực thẳm hình chữ V, ở độ sâu 6.000 tới 11.000 mét. Dự án sẽ tốn 1,1 tỷ nhân dân tệ (160 triệu USD).
Bình luận về thông tin đăng tải trên tờ SCMP, Ths Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cho biết, tại hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 vừa tổ chức hồi đầu tháng 11 tại Đà Nẵng, các học giả đều tỏ ý lo ngại về khả năng thời gian tới phương tiện không người lái sẽ xuất hiện ở khu vực Biển Đông cả trên không và dưới đáy biển. Trong khi đó, cho đến nay  luật pháp quốc tế vẫn chưa có nhiều quy định cụ thể về vấn đề này.
Đặc biệt, Trung Quốc đang là một trong những quốc gia sử dụng trí tuệ nhân tạo rất lớn trên thế giới. Dù công nghệ phát triển của Trung Quốc vẫn còn nhiều hạn chế nhưng rõ ràng nó là một thành tựu của nước này.
Cách tiếp cận của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn khác với các quốc gia khác. Nhiều quốc gia khác chỉ thuần túy vì mục đích khoa học hay phát triển khu vực nhưng Trung Quốc mang nhiều tham vọng về lãnh thổ.
Cho nên, hành động của Trung Quốc cộng với tham vọng lãnh thổ của họ khiến các quốc gia liên quan và có tranh chấp trên Biển Đông lo ngại thực sự”, Ths Hoàng Việt chỉ rõ.
Cũng theo vị chuyên gia, với những thông tin đăng tải trên SCMP, chưa biết căn cứ trí tuệ nhân tạo mà Trung Quốc dự định xây dựng sẽ nằm ở vị trí nào dưới đáy Biển Đông.
Đối với thông tin một số nhà khoa học Trung Quốc dự đoán rằng, căn cứ này có thể được xây dựng ở khu vực rãnh Manila, gần bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và
Philippines từ nhiều năm nay cũng mới chỉ là thông tin ban đầu chưa được xác định rõ và cần phải xem xét kỹ càng hơn.
Tuy nhiên, cần lưu ý một chủ trương xuyên suốt của Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình đến nay, đó là “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác” và Trung Quốc dùng nhiều cách để ép các nước thực hiện điều này.
Chẳng hạn, đối với Philippines, gần đây, nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang Philippines, Trung Quốc và Philippines muốn có một thỏa thuận khai thác chung dầu mỏ giữa hai nước nhưng dưới sức ép của nội bộ Philippines, họ chưa làm được điều đó. Ban đầu, Chủ tịch Trung Quốc mang món quà 40 tỷ USD viện trợ cho Philippines phát triển kinh tế nhưng vì không ký kết được thỏa thuận nên họ không nhắc đến khoản viện trợ đó nữa”, Ths Hoàng Việt phân tích.
Ông cũng lưu ý, rất có thể thông tin trên SCMP mang tính chất tung hỏa mù như nhiều bài báo trước đây từng đăng tải trên tờ báo này.
Chẳng hạn, đầu tháng 4/2018, SCMP đăng tải thông tin cho biết Trung Quốc đã thành lập nhóm nghiên cứu về đường lưỡi bò vẽ liền nét thay vì 9 đoạn đứt khúc như trước đây.
Theo SCMP, các nhà khoa học Trung Quốc đã nỗ lực tìm kiếm và tự tin cho rằng “bằng chứng không thể chối cãi khẳng định chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc” là một bản đồ phụ nằm ở góc của một bản đồ mang tên “Bản đồ phân khu hành chính toàn quốc” xuất bản năm 1951 bởi Quang Hoa và Hội Khoa học Địa chất.
Điều đó sẽ rất nguy hại cho các quốc gia nếu ký kết thỏa thuận hợp tác như vậy với Trung Quốc.
Đối với giả thuyết của các học giả Trung Quốc cho rằng vị trí tiềm năng cho căn cứ của Trung Quốc là khu vực rãnh Manila, có thể chúng nằm trong chiến lược của Trung Quốc để ép Philippines để ép quốc gia này phải chấp thuận hợp tác. Nhưng dù sao vẫn phải chờ xem vì Trung Quốc có rất nhiều chiêu”, Ths Hoàng Việt nhấn mạnh.
Theo ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, thời gian qua Biển Đông đã có sự thay đổi cơ bản, phức tạp hơn nhiều so với giai đoạn trước và dễ xảy ra xung đột.
Việt Nam phải tiếp tục theo dõi sát sao bởi nếu xảy ra đụng độ giữa các nước lớn thì những nước bị ảnh hưởng, thiệt hại nhiều nhất có khi lại chính là các nước có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia ở Biển Đông như Việt Nam và một số quốc gia khác.
Nếu tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp thì có thể ảnh hưởng đến hiện trạng hiện nay. Chúng ta phải tính toán để lường trước kịch bản từ đó có hành động phù hợp, đồng thời phải kiên trì đấu tranh về ngoại giao và pháp lý để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội lưu ý.
Một vấn đề khác mà ông Lê Việt Trường lưu ý, đó là Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Cho đến nay, giữa Trung Quốc và ASEAN đã có những tiến bộ nhất định trong đàm phán COC nhưng như các chuyên gia nhận định, đây vẫn còn là một con đường dài vì Trung Quốc vẫn chưa ngừng những hành động của họ trên Biển Đông và bản thân ASEAN chưa thống nhất lập trường về Biển Đông.

TQ sẽ xây căn cứ ngầm dùng AI ở Biển Đông

Trung Quốc đang lên kế hoạch để xây dựng một căn cứ khoa học và quân sự ngầm ở Biển Đông. Căn cứ này sẽ được vận hành bằng trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo South China Morning Post (SCMP), dự án Hades vừa được lập tại Viện Khoa học Trung Quốc trong tháng 11, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm một viện nghiên cứu tại thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam.
Ông Tập đã khuyến khích những nhà khoa học và kỹ sư ở đây làm một điều chưa từng có. Các nhà khoa học tại dự án Hades dự định xây dựng một căn cứ tại vùng sâu nhất của đại dương, ở độ sâu từ 6.000-11.000 m.
Nguồn tin của SCMP cho hay ngân sách cho dự án này lên tới 1,1 tỷ NDT, tương đương 160 triệu USD. Ngân sách này tương đương một nửa ngân sách của FAST, kính thiên văn lớn nhất thế giới của TQ.
Căn cứ nằm sâu dưới biển này cũng sẽ có bến để kết nối với tàu ngầm. Những tàu ngầm robot sẽ được đưa xuống để thăm dò nền biển, ghi lại các sinh vật tồn tại ở biển và tìm khoáng thạch. Do không cần người vận hành, các mẫu vật sẽ được tự động phân tích và gửi dữ liệu về trung tâm.
Mặc dù trạm tàu ngầm này có kết nối với tàu trên mặt nước để lấy điện và truyền dữ liệu, những nhiệm vụ tìm kiếm, phân tích sẽ được vận hành tự động.
“Đây giống như thử thách xây dựng một căn cứ ở hành tinh khác cho robot và trí tuệ nhân tạo sử dụng”, một nhà khoa học tham gia dự án này cho biết.
Theo nhiều chuyên gia, thử thách lớn nhất là tìm ra được vật liệu có khả năng chống lại áp lực nước ở độ sâu hàng nghìn mét. Vật liệu này vừa phải cứng, vững chắc, vừa phải đủ độ linh hoạt để có thể kết nối với tàu điện ngầm. Ngoài ra, Trung Quốc cũng phải tìm được một địa điểm đủ sâu để đặt căn cứ này.
Giáo sư Yan Pin của Đại học Khoa học Quảng Châu cho biết vùng duy nhất đạt độ sâu trên 5.000 m là rãnh Manila gần Philippines. Rãnh này có độ sâu 5.400 m. Đây là vùng biển thường xuyên gặp động đất, có núi lửa hoạt động. Rãnh này cũng nằm gần bãi cạn Scarborough, vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.
Khoảng 99% thềm đại dương chưa được con người khám phá, tương đương với 70% diện tích bề mặt Trái Đất, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ. Vào năm 2016, Trung Quốc đã xây dựng một trung tâm nghiên cứu nằm ở độ sâu 3 km dưới Biển Đông.
Theo Tiến sĩ Du Qinghai, Đại học Hải dương Thượng Hải, đây là một thử thách rất lớn với ngành khoa học Trung Quốc.
“Dự án này khó hơn cả xây dựng một trạm vũ trụ. Chưa có quốc gia nào từng làm được điều tương tự. Nó sẽ biến Trung Quốc thành nước đi đầu ở nhiều lĩnh vực quan trọng”, ông Du Qinghai nói.
Cách đây ít tuần, Trung Quốc cũng gây ngạc nhiên khi tuyển học sinh giỏi để phát triển AI. 27 nam sinh và 4 nữ sinh, tất cả đều từ 18 tuổi trở xuống, đã được lựa chọn cho một chương trình 4 năm về “thí nghiệm lập trình cho hệ thống vũ khí trí tuệ nhân tạo” tại Đại học Công nghệ Bắc Kinh (BIT) từ hơn 5.000 ứng cử viên.
Chương trình mới này là bằng chứng cho thấy sự quan tâm của chính phủ Trung Quốc trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quân sự.Sau khi hoàn thành khóa học, các sinh viên sẽ được học tiếp PhD và trở thành các chuyên gia đầu ngành của Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển vũ khí trí tuệ nhân tạo.
Eleonore Pauwels, nghiên cứu sinh ngành công nghệ máy tính tại Viện Nghiên cứu Chính sách, thuộc Đại học của Liên Hợp Quốc tại New York cho biết cô rất lấy làm lo ngại về việc BIT triển khai chương trình này.
“Đây là chương trình đại học đầu tiên trên thế giới được thiết kế một cách hung hăng và có chiến lược rạch ròi nhằm khuyến khích giới trẻ suy nghĩ, thiết kế và phát triển trí tuệ nhân tạo cho mục đích quân sự”, cô nói.

Canada tăng “tuần tra hiện diện” ở Biển Đông

Giới quan sát cho rằng Canada sẵn sàng tham gia chương trình tự do hoạt động hàng hải do Mỹ tiến hành ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Hoạt động của hải quân Canada ở Tây Thái Bình Dương đã gia tăng đáng kể trong 2 năm qua. Những tàu chiến mang lá cờ in hình chiếc lá phong đang trở thành hình ảnh quen thuộc trong khu vực này.
Báo Asia Times (Hồng Kông) ngày 25-11 dẫn lời ông Blair Saltel, sĩ quan chỉ huy tàu khu trục Canada HMCS Calgary – gần đây tham gia một số hoạt động ở Đông Á, cho biết Canada dự kiến sẽ phái 1 hoặc 2 tàu chiến đến khu vực nêu trên mỗi năm. Giới quan sát cho rằng Canada sẵn sàng tham gia chương trình tự do hoạt động hàng hải do Mỹ tiến hành ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Nói về quy mô cam kết của hải quân Canada với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng Canada tuyên bố lực lượng này được điều động đến toàn cầu – phù hợp với chính sách quốc phòng của quốc gia. Lực lượng này hoạt động độc lập và hỗ trợ đồng minh cũng như các đối tác để cải thiện an ninh khu vực và ổn định khắp thế giới.
Bộ Quốc phòng Canada tỏ ra thận trọng đối với biển Đông và biển Hoa Đông – nơi Bắc Kinh tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và một số quốc gia Đông Nam Á. Phía Canada gọi những cuộc điều động lực lượng ở châu Á – Thái Bình Dương là “tuần tra hiện diện”, không sử dụng thuật ngữ tự do hoạt động hàng hải.
Giới chức quốc phòng Canada thừa nhận hải quân nước này duy trì sự hiện diện liên tục ở châu Á – Thái Bình Dương nhưng nhấn mạnh Ottawa nhằm mục đích phát triển mối quan hệ quốc phòng với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Canada sau Mỹ. Gần đây, sau khi gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường ở Singapore, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định chính phủ của ông sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận mang tính thăm dò hướng tới thỏa thuận thương mại toàn diện với Trung Quốc.
Có thể nói, mối quan hệ của Canada với Trung Quốc nhiều khả năng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định và thực hiện chiến lược hàng hải của chính phủ ông Trudeau. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đối với các kế hoạch của Ottawa vẫn là tiềm lực hải quân giới hạn của nước này và sự cần thiết phải cân bằng lực lượng giữa các khu vực Đại Tây Dương – Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Mỹ và Úc đang nỗ lực hợp tác để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc trên biển Đông giữa lúc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có dấu hiệu lùi bước. Hai quốc gia này đang hợp sức phát triển căn cứ hải quân Lombrum trên đảo Manus ở Papua New Guinea.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã dùng bài phát biểu của mình tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở thủ đô Port Moresby – Papua New Guinea hôm 17-11 để xác nhận rằng Mỹ sẽ trợ giúp căn cứ hải quân trên đảo Manus, một căn cứ có thể đồn trú nhiều tàu chiến hơn ở Thái Bình Dương. Theo tạp chí Forbes, căn cứ này nằm trong kế hoạch nhằm duy trì liên tục một lối đi quan trọng đến biển Đông.
“Động thái của Mỹ chẳng phải là chuyện đáng ngạc nhiên. Trung Quốc có quyền lợi quân sự ở Vanuatu. Còn ASEAN thiếu một tầm nhìn gắn kết. Vì thế, Mỹ cần một hành lang ở phía Nam để đến biển Đông” – chiến lược gia toàn cầu Jeffrey Borda nhận định.
Thế nhưng, một căn cứ hải quân có thể là không đủ để đương đầu với chiến lược của Trung Quốc nhằm kiểm soát tuyến đường phía Nam dẫn đến biển Đông. Theo ông Borda, chiến lược của Trung Quốc là lâu dài, tập trung cả vào việc sử dụng đầu tư và thương mại làm công cụ thể hiện sức mạnh. Vì thế, nếu Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc, quân sự chỉ là một vế của phương trình.

Biển Đông: ‘Cảnh giác TQ sau sự cố Nga-Ukraine’

Một nhà báo người Mỹ nói vụ Nga bắt tàu Ukraine ngoài khơi Crimea có thể là tiền lệ xấu ở Biển Đông.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt tại London hôm 27/11/2018, nhà báo Greg Rushford cũng nói về tham vọng quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc là có từ lâu.
Tuần này Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã tuyên bố thiết quân luật trong vòng 30 ngày sau cuộc khủng hoảng Nga bắt giữ ba tàu của Ukraine hôm Chủ Nhật ở eo biển Kerch, nơi nối Biển Đen với Biển Azov, ngoài khơi Crimea.
“Nếu người ta không để mắt tới những gì mà Nga đã và đang làm tại Ukraine thì nó sẽ gửi đi một tín hiệu ngay lập tức cho Bắc Kinh rằng Trung Quốc có thể làm điều tương tự tại Biển Đông.
“Và tôi không hiểu sao Tổng thống Mỹ lại có điều gì khó khăn đến vậy trong việc chỉ trích Nga và bày tỏ quan điểm thật về việc này”.
Được biết các nhà lãnh đạo quốc tế gồm các ông Donald Trump, Vladimir Putin, Tập Cận Bình, bà Angela Merkel…sẽ có mặt tại Hội nghị G20 cuối tuần này ở Argentina.
Khi được hỏi về khả năng Hoa Kỳ có sẵn sàng tham chiến với tranh chấp ở Biển Đông hay không, nhà báo Rushford nói:
“Chẳng ai muốn có chiến tranh cả nhưng cũng chẳng ai muốn Trung Quốc muốn làm gì thì làm trong khu vực.
“Nếu câu hỏi là Hải quân Mỹ sẵn sàng cho chiến tranh vì vấn đề này hay không thì rõ ràng là không. Nhưng chiến dịch tự do đi lại trên biển hay các biện pháp khác là cần thiết để tạo áp lực.
“Tôi là một trong số ít các phóng viên vào hồi giữa thập niên 90 chứng kiến việc Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn như thế nào. Trung Quốc chiếm phần lãnh thổ này và ngay lập tức họ triển khai súng ống tại đây và rõ ràng ngay từ lúc đầu Bắc Kinh đã có tham vọng quân sự hóa Đá Vành Khăn.
“Bill Clinton lúc đó là tổng thống Mỹ vào lúc đó đã trì hoãn việc xử l‎y hành động này và tỏ quan điểm rằng không cần thiết phải quá lo ngại về Trung Quốc vì họ quá nhỏ bé.
“Chính các quan chức Trung Quốc bác bỏ việc Bắc Kinh quân sự hóa Đá Vành Khăn giữa thập niên 90 là các quan chức tham gia vào vụ việc Trung Quốc đưa tàu tới bãi cạn Scarborough là thuộc chủ quyền Philippines và Hải quân Philippines đã phải rời đây.
“Do đó hành động xâm lấn là rõ ràng và Trung Quốc có lâp trường bất cần và Bắc Kinh hành xử như các lãnh chúa thời thế kỷ 18 và nay vấn đề trở nên rất khó xử.
“Và nếu chúng ta trở lại vấn đề Nga đang làm tại Ukraine thì chúng ta thấy giới hoạch định chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ phải hiểu rằng nếu ta gửi đi một tín hiệu yếu thế tại một nơi nào đó trên thế giới với Nga thì Trung Quốc sẽ cảm nhận và tận dụng nó,” nhà báo Greg Rushford, chủ bút trang The Rushford Reportở Hoa Kỳ nói.

TQ ngang nhiên xây dựng và đưa vào sử dụng phi pháp

các trạm khí tượng ở Trường Sa

Theo báo Đài Loan Taiwan News, Tổng cục Khí tượng Trung Quốc (CMA – 01/11/2018) thông báo Bắc Kinh đã đưa vào sử dụng các trạm khí tượng thủy văn phi pháp tại Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo thông báo của CMA, các trạm khí tượng thủy văn trên là “một cơ sở quan trọng để nâng cao khả năng quan sát khí tượng thủy văn trên biển ở vùng Biển Đông, nhất là giúp dự báo sớm những hiện tượng thời tiết”. Trong khi đó, Bộ Môi Trường Trung Quốc thông báo là công trình xây dựng trạm quan sát khí quyển “ Nam Sa” ( Trường Sa ) đã hoàn tất. Trạm này được trang bị các công cụ để đo các loại khí phát thải gây hiệu ứng lồng kính trong khu vực. Các trạm quan sát khí tượng sẽ cung cấp những “thông tin kịp thời và đáng tin cậy” về chất lượng không khí cho toàn bộ các quốc gia ven Biển Đông.
Theo nhận định của Taiwan News, mặc dù Bắc Kinh khẳng định những trạm quan sát nói trên là nhằm phục vụ cho việc bảo vệ môi trường, những hành động của Trung Quốc trên thực tế cho thấy bảo vệ hệ sinh thái ở Biển Đông không phải là mối quan tâm hàng đầu của họ. Taiwan News nhắc lại rằng trong phán quyết năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực (12/7/2016) đã cáo buộc quá trình xây các đảo nhân tạo nhằm mục đích quân sự của Trung Quốc đã phá hủy các rạn san hô ở Biển Đông. Mặt khác, việc quan sát khí tượng, nhất là tại một khu vực mà thời tiết thay đổi thất thường như Biển Đông, là một thành tố quan trọng của quốc phòng, tức là các trạm quan sát khí tượng nói trên cũng sẽ phục vụ cho các chiến dịch quân sự của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa nói riêng và khu vực Biển Đông nói chung.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (1/11) cho rằng “các trạm khí tượng này sẽ được sử dụng nhằm đảm bảo an toàn hàng hải trên Biển Đông”, song nhiều ý kiến cho rằng các trạm khí tượng này có thể dùng cho mục đích quân sự của Bắc Kinh. Các trạm khí tượng bao gồm các thiết bị mặt đất cơ bản và thiết bị quan sát khí quyển cũng như các radar thời tiết nhằm theo dõi các chỉ số liên quan tới khí tượng.
Âm mưu, ý đồ của Trung Quốc khi xây dựng và đưa vào sử dụng phi pháp các trạm khí tượng trên Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Trung Quốc xây dựng và đưa vào sử dụng phi pháp các trạm khí tượng trên Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn nhằm tăng cường năng lực tác chiến; thăm dò, thử phản ứng của cộng đồng quốc tế trước khi tiến hành rầm rộ các hoạt động quân sự hóa; tuyên truyền, quảng bá khả năng kiểm soát Biển Đông và quyết tâm bảo vệ “chủ quyền” biển đảo cho người dân Trung Quốc, để từ đó khích lệ tinh thần dân tộc và lòng trung thành của người dân đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thứ nhất, xây dựng và đưa vào sử dụng phi pháp các trạm khí tượng trên Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn nhằm thăm dò, thử phản ứng của các nước liên quan và khích lệ tinh thần dân tộc của người dân trong nước.
Thứ hai, lợi dụng việc cộng đồng quốc tế đang tập trung, theo dõi vào những điểm nóng trên thế giới, nhất là vấn đề hạt nhân Triều Tiên, bất ổn tại khu vực Trung Đông – châu Phi, cạnh tranh thương mại Trung – Mỹ… không đủ “sức lực” quan tâm, theo dõi, giám sát các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông để tiến hành các hoạt động phi pháp tại các đảo nhân tạo để đánh lạc hướng dư luận, hạn chế tối đa sự chỉ trích, lên án của các nước.
Thứ ba, tạo thế “sự đã rồi” khi xây dựng và đưa vào sử dụng phi pháp các trạm khí tượng trên Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn. Sau khi đưa vào sử dụng phi pháp các trạm khí tượng, dù có gặp phải sự phản đối, chỉ trích của các nước, Trung Quốc sẽ lại viện những lý do hết sức nực cười như “đây là công việc nội bộ của Trung Quốc”, hay “việc đưa vào sử dụng các trạm khí tượng ở Trường Sa nhằm đảm bảo an ninh hàng hải, cung cấp dịch vụ cho các nước ven biển, không nhằm vào nước khác” để biện minh cho các hoạt động phi pháp của mình.
Thứ tư, giành quyền chủ động trong việc kiểm soát toàn bộ Biển Đông, nhất là kiểm soát giao thông hàng hải, hàng không cùng nguồn tài nguyên dầu khí và hải sản ở Biển Đông; từng bước áp đặt luật chơi của Trung Quốc đối với khu vực này.
Thứ năm, Trung Quốc thông qua hành động trên nhằm tuyên truyền về việc nước này đang “đóng góp” cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông; quá trình “kiểm soát và quản lý” (phi pháp) các đảo nhân tạo ở Trường Sa được diễn ra một cách liên tục, để từ đó bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài (12/7/2016), từng bước khẳng định “chủ quyền” của Trung Quốc đối với toàn bộ khu vực Biển Đông.
Hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật quốc tế và các thỏa thuận song phương
Hành vi xây dựng và đưa vào sử dụng phi pháp các trạm khí tượng trên Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn là hoàn toàn trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), trái với các cam kết chính trị giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN với Trung Quốc, đặc biệt là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002; xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực.
Không những vậy, Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của LHQ về Luật Biển trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc ra Phán quyết rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để nêu yêu sách đối với vùng nước trong “Đường 9 đoạn” và Trung Quốc không có đảo nào ở khu vực này, 7 đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép không được công nhận là đảo và vì thế Trung Quốc không có quyền thiết lập khu vực 200 hải lý đặc quyền kinh tế tại đây. Chính vì vậy, việc xây dựng và đưa vào sử dụng phi pháp các trạm khí tượng trên Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn hoàn toàn đi ngược lại UNCLOS. Trung Quốc cũng đã phớt lờ Điều 123 UNCLOS về trách nhiệm của các quốc gia ven biển hợp tác với nhau trong việc sử dụng các quyền và thực hiện nghĩa vụ của họ; vi phạm Điều 129, Điều 193, Điều 196 UNCLOS về nghĩa vụ chung cho tất cả các quốc gia trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Vi phạm quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không.
Và đương nhiên, hành vi của Trung Quốc vi phạm các Thỏa thuận, tuyên bố chung giữa Trung Quốc với các nước: Việc Trung Quốc xây dựng và đưa vào sử dụng phi pháp các trạm khí tượng trên Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vi phạm DOC, cản trở tiến trình xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), cụ thể: Vi phạm Điều 2 (Trung Quốc đã phá vỡ lòng tin và tín nhiệm với các nước ASEAN), Điều 5 (Hành động xây dựng và đưa vào sử dụng phi pháp các trạm khí tượng trên Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn gây phức tạp, leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định trong khu vực). Không những vậy, hành động của Trung Quốc cũng đi ngược lại “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” ký tháng 10/2011 và mới nhất là Thông cáo chung giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc đưa ra nhân dịp Chủ tịch nước Trần Đại Quang có chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc tháng 5/2017, trong đó nêu rõ hai nước tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC, sớm xây dựng COC, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn là một phần lãnh thổ của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép
Đá Chữ Thập là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá này nằm ở phía Tây Nam của bãi san hô Tizard (Tizard Bank) thuộc cụm Nam Yết và về phía Đông Bắc của cụm Trường Sa. Nó có chiều dài tính theo trục Đông Bắc-Tây Nam là 14 hải lý (25,93 km) và chiều rộng là 4 hải lý (7,4 km); tổng diện tích đạt 110 km². Trước đây, trừ một tảng đá cao 1 m nổi lên ở phần đuôi phía Tây Nam thì nhìn chung đá này chìm dưới nước khi thuỷ triều lên. Năm
1988, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng phi pháp đá Chữ Thập của Việt Nam. Từ năm 2014, Trung Quốc bắt đầu cải tạo mở rộng phi pháp đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thành đảo nhân tạo lớn nhất quần đảo Trường Sa có diện tích 2,74 km2 (tính đến tháng 7/2015) với tổng kinh phí hơn 73 tỉ nhân dân tệ (11,5 tỉ USD). Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập 9 cầu tàu, 2 bãi đáp trực thăng, 10 ăng ten liên lạc qua vệ tinh và một trạm radar. Đặc biệt là việc xây dựng một đường băng dài 3.125m và rộng 60m, là đường băng duy nhất đủ lớn cho máy bay ném bom chiến lược tại Trường Sa, cho phép quân đội Trung Quốc bao quát không phận rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương gồm cả Guam (nơi có các căn cứ Mỹ) đến Ấn Độ Dương.
Đá Su Bi là một rạn san hô vòng thuộc quần đảo Trường Sa, dài khoảng 6,5km, rộng 3,7km; bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1988. Trước đây, Trung Quốc đã cho xây dựng một bãi đáp trực thăng, một đồn gác nhỏ làm bằng bê tông để quân đội luân phiên đóng dân tàu hải quân tiến vào vùng biển bên trong. Đến tháng 5/2012, Trung Quốc cho xây thêm một radar hình vòm đặt trên đỉnh của tòa nhà bốn tầng được xây kiên cố tại đây. Phần đất cải tạo trên đảo được mở rộng đáng kể từ tháng 7/2014. Tới ngày 17/4/2015, hoạt động bồi đắp ở đá Su Bi đã mở rộng lên tới 2,27km2 (2.270.000m2); truyền thông Trung Quốc đã khẳng định, kích thước của đá Su Bi đã tăng thêm 1,8km2 (1.800.000m2). Trung Quốc hiện đã xây dựng trên đá Su Bi các công trình gồm có: kênh tiếp cận, cầu cảng, các thiết bị thông tin liên lạc, radar, đê chắn sóng gia cố, bãi đáp trực thăng, cơ sở quân sự và có khả năng Trung Quốc sẽ xây một đường băng dài khoảng 3.300m, có thể tiếp nhận được hầu hết các loại máy bay chiến đấu của lực lượng Trung Quốc.
Đá Vành Khăn nằm ở phía Đông quần đảo Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm năm 1995. Cho tới cuối năm 2014, các công trình nhân tạo duy nhất tại bãi đá này chỉ gồm một trạm gác, một đồn quân sự với các tàu chiến và các tàu tuần tra biển của Trung Quốc. Ngày 05/02/2015, Trung Quốc bắt đầu cho tàu nạo vét các đảo. Chỉ sau vài tháng, Trung Quốc đã biến đá Vành Khăn trở thành một đảo nhân tạo có diện tích 2,42 km2 (2.420.000m2), tính đến ngày 13/4/2015. Hiện Trung Quốc vẫn đang đẩy nhanh tốc độ mở rộng đảo nhân tạo trên đá Vành Khăn, với sự hiện diện của tàu chiến đổ bộ, có khả năng chứa 500-800 quân tuần tra quanh đó.
Trước những hành động phi pháp của Trung Quốc, Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối những hành động trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế; đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp. Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế; đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), chấm dứt ngay việc cải tạo, xây dựng công trình, phá vỡ nguyên trạng tại quần đảo Trưởng Sa và không để tái diễn những hành động sai trái tương tự.

Quan chức cấp cao SOM ASEAN

 lo ngại căng thẳng ở Biển Đông

Từ 25 – 26/10, tại Manila, Philippines, các quan chức cấp cao (SOM) ASEAN – Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp lần thứ 16 về thực hiện Tuyên bố DOC. Tại cuộc họp, các bên liên quan đã bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông có nguy cơ dẫn đến xung đột trên biển.
SOM ASEAN – Trung Quốc lần thứ 16 quan ngại về căng thẳng ở Biển Đông
Tại cuộc họp, quan chức các nước bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng quân sự hóa, các hoạt động đơn phương và nhất là nguy cơ xảy ra va chạm giữa lực lượng vũ trang trên biển của các nước. Trong bối cảnh đó, hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông thông qua đối thoại và hợp tác, đẩy mạnh thực hiện đầy đủ DOC và nỗ lực hơn nữa trong xây dựng một COC thực chất, hiệu quả, có hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.
Nhân dịp này, SOM ASEAN-Trung Quốc nhất trí gia hạn Kế hoạch hành động thực hiện DOC (giai đoạn 2016-2021). Về xây dựng COC, các nước ghi nhận những nỗ lực của Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc trong đàm phán văn kiện này, nhất trí Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc cần duy trì đà trao đổi, tích cực thảo luận, tạo cơ sở tiếp tục đàm phán hiệu quả thời gian tới.
Trước đó, tại cuộc họp SOM ASEAN – Trung Quốc lần thứ 15 (27/6/2018) ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, Nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc cũng đã trao đổi về tình hình Biển Đông và đàm phán về văn kiện COC. Với ý nghĩa là hoạt động tiếp theo của Nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc về thực hiện DOC lần thứ 23 (Nha Trang, Việt Nam ), ASEAN và Trung Quốc đã bước đầu trao đổi về các nội dung cụ thể của văn kiện, xác định lại các nguyên tắc và bước đi tiếp theo của Nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc về thực hiện DOC. Theo đó, kết quả làm việc của Nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc về thực hiện DOC thường xuyên được báo cáo lên SOM-DOC và các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Trung Quốc tại cuộc họp thường niên ASEAN – Trung Quốc (PMC). Trong đó, SOM – DOC đã trao đổi về tiến trình thực hiện DOC, tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả văn kiện này trong duy trì đối thoại hợp tác vì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Các nước cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải tiếp tục thúc đẩy và mở rộng các biện pháp xây dựng lòng tin trong khuôn khổ thực hiện DOC, kể cả trên thực địa lẫn trong triển khai các hoạt động hợp tác, coi đây là những đóng góp thực chất của cả hai bên cho khu vực. Các nước cũng xem xét và hoan nghênh kết quả của Nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc về thực hiện DOC, cho ý kiến chỉ đạo về các bước đi tiếp theo cũng như báo cáo các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN – Trung Quốc (8/2018) tại Singapore.
ASEAN đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông
Tuyên bố chính thức đầu tiên về vấn đề Biển Đông “Tuyên bố ASEAN về Biển Đông” năm 1992 là dấu mốc thể hiện sự quan tâm của ASEAN. Kể từ đó, vấn đề Biển Đông trở thành chủ đề trọng tâm trong các chương trình nghị sự của ASEAN như xây dựng quan niệm giá trị và chuẩn mực, an ninh trên biển, hợp tác quốc phòng và ngăn ngừa xung đột. Biển Đông cũng là chủ đề nóng được ASEAN triển khai đối thoại về vấn đề an ninh khu vực với các nước như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Vấn đề Biển Đông đã trở thành một phần quan trọng trong các cuộc đối thoại và tham vấn giữa ASEAN và Trung Quốc.
Năm 2002, với sự cố gắng, nỗ lực giữa ASEAN và Trung Quốc, hai bên đã thống nhất ký “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC). Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được liên quan đến vấn đề Biển Đông và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc góp phần quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Năm 2010, ASEAN đã đưa ra tuyên bố chung bao gồm 56 điểm trên tất cả các lĩnh vực hợp tác, trong đó đề cập đến DOC.
Năm 2012, ASEAN đưa ra tuyên bố riêng 6 điểm về vấn đề Biển Đông, trong đó gồm: (1) Thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông – DOC năm 2002; (2) Nguyên tắc chỉ đạo thực hiện DOC năm 2011; (3) Sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); (4) Tôn trọng hoàn toàn các nguyên tắc cơ bản của Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); (5) Tất cả các bên tiếp tục tự kiềm chế và không sử dụng bạo lực; (6) Giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Năm 2017, vấn đề Biển Đông được đề cập trong tuyên bố chung của ASEAN dưới góc nhìn về tình hình quân sự hoá và cải tạo gia tăng tại khu vực này. Đồng thời, Chủ tịch ASEAN Phlippines cam kết, các tranh chấp hàng hải, việc phác thảo bộ khung cho COC sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh giữa các nước thành viên ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc. Đến cuối năm 2017, ASEAN và Trung Quốc thống nhất thông qua Khung COC.
Năm 2018, ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất một bản COC duy nhất tại cuộc gặp cấp cao về việc thực hiện DOC tổ chức ở Trường Sa, Hồ Nam – Trung Quốc.
Vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông
Trong những năm qua, ASEAN đã, đang nổ lực tham gia ngày càng tích cực trong việc giải quyết những căng thẳng tại Biển Đông, góp phần đảm bảo lợi ích chung của toàn khu vực, xây dựng đoàn kết, củng cố lòng tin lẫn nhau trong ASEAN. Vì vậy, ASEAN hiện được coi là một tổ chức trung gian tham gia giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN. Các thỏa thuận giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc bao gồm các cam kết thông báo cho nhau về bất kỳ động thái quân sự tại khu vực tranh chấp, và tránh xây dựng thêm công trình mới trên các đảo. Trung Quốc và ASEAN cũng đã tiến hành các cuộc đàm phán tạo ra một quy tắc ứng xử
nhằm giảm bớt căng thẳng đối với quần đảo tranh chấp, thống nhất DOC. ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Khung COC và đang tiến tới đàm phán để đạt được COC ràng buộc về pháp lý.
Tuy nhiên, vai trò của ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông còn nhiều hạn chế, sự thiếu nhất quán từ quan điểm đến hành động của một số nước do vấn đề lợi ích quốc gia. Có nhiều ý kiến cho rằng, các hoạt động của ASEAN trên nguyên tắc đồng thuận và thương lượng không đối đầu đang là một điểm yếu chết người. Nguyên tắc này khiến ASEAN thời gian qua bị chia thành ba nhóm chính liên quan tới vấn đề Biển Đông, đó là: các nước tích cực phản đối Trung Quốc: Philippines và Việt Nam; các nước có thái độ trung lập hơn: Singapore, Malaysia và Indonesia và các nước có thái độ đồng thuận với Trung Quốc: Campuchia và Thái Lan. Không những vậy, một vài nước ASEAN vì lợi ích cá nhân vẫn công khai khẳng định “Biển Đông không phải là vấn đề của ASEAN, chỉ là vấn đề song phương” và bảo lưu rằng tranh chấp Biển Đông “nên do các bên liên quan tự dàn xếp”.
Để thúc đẩy giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, ASEAN cần: (1) ASEAN phải tiếp tục tham vấn với Trung Quốc về COC. (2) Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường xây dựng công trình trên các đảo nhân tạo, ASEAN không nên chỉ giới hạn trong việc đàm phán COC mà cần thúc đẩy việc hình thành Cộng đồng  Chính trị – An ninh ASEAN, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác chiến lược của khối. (3) ASEAN đóng vai trò quan trọng to lớn trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Nhưng vai trò này chỉ có được khi có sự đoàn kết của các nước thành viên ASEAN trong thống nhất hành động trước thách thức từ phía Trung Quốc. Bởi, khi ASEAN đoàn kết đưa ra lập trường chung, thì tiếng nói của tổ chức khu vực này sẽ có trọng lượng, được lắng nghe, được xem trọng; và ngược lại, nếu ASEAN bị li gián và bị phân hóa, thì tiếng nói của ASEAN sẽ bị suy yếu, bị nước lớn chi phối. (4) ASEAN nhất thiết phải thống nhất hành động. Bởi với khả năng huy động, triệu tập lực lượng dưới lá cờ chung ASEAN, đồng thời dựa vào sự đồng bộ tương đối về lợi ích chính trị (cùng có chủ quyền trên Biển Đông), kinh tế (thế mạnh lúa gạo, nông sản…) và môi trường (sở hữu chung sông Mê Kông), ASEAN mới có thể xây dựng được sức mạnh tập thể nhằm giành lại “thế cân bằng” trước hành động ngang ngược cá lớn nuốt cá bé và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
COC tiếp tục là điểm nóng trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc
Các nước liên tục kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm thông qua COC: Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen (6/8) đã kêu gọi các nước ASEAN và Trung Quốc cần thúc đẩy và nhanh chóng thông qua COC ở Biển Đông nhằm duy trì ổn định trên biển và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, cụ thể là duy trì “tính trung lập, toàn diện và cởi mở”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cũng khẳng định Dự thảo duy nhất về nội dung đàm phán COC được đạt được nhất trí bởi Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc “sẽ là một văn kiện sống và tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán COC”. Xác nhận rằng các bên cũng đã nhất trí về “các phương thức then chốt” cho các cuộc đàm phán trong tương lai, ông cho rằng việc các bên nhất trí về Dự thảo duy nhất này không có nghĩa rằng các cuộc đàm phán đã kết thúc, hay các yêu sách lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông đã được giải quyết vì COC “không nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ”. Ông Balakrishnan cũng lưu ý rằng, sẽ là quá sớm để đặt ra thời hạn cho các cuộc đàm phán về COC bởi còn liên quan tới tình hình đang diễn biến nhanh chóng; và sẽ là tốt hơn nếu các bên “đảm bảo tính linh hoạt để các cuộc đàm phán không đi vào bế tắc”. Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cho rằng việc Bắc Kinh xây dựng trái phép và triển khai vũ khí trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông khiến các nước ASEAN lo ngại; nhấn mạnh tất cả các bên cần tránh những bước đi khiêu khích, có thể gây căng thẳng trong lúc tự kiềm chế và tránh các hành động quân sự; đồng thời nhận định COC hiệu quả hơn DOC trong việc bảo đảm hòa bình tại vùng biển quan trọng với hoạt động thương mại toàn cầu này. Trước đó, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano (30/7) cho rằng các cuộc đàm phán về COC có thể được kết thúc trong năm nay hoặc năm tới. Trước đó, ông Saifuddin Abdullah cho biết Malaysia hy vọng COC phải thật sắc bén để giải quyết các tranh chấp ở khu vực này.
Tuy nhiên, giới chuyên gia, học giả quốc tế nhận định Trung Quốc và ASEAN có thể đạt được tiến triển thông qua đàm phán COC, song sẽ phải mất một thời gian dài để ký kết COC. Chuyên gia Koh Swee Lean Collin, Nghiên cứu viên tại Đại học Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nhận định Trung Quốc và ASEAN đều có những lợi ích nhất định trong việc đạt được Dự thảo duy nhất về văn kiện đàm phán COC. Đối với Trung Quốc, vào thời điểm này Bắc Kinh cần khuyến khích những tiến triển trong đàm phán COC để tiếp tục củng cố hơn nữa những hoạt động xây dựng đảo cũng như những lợi ích của họ ở Biển Đông, nâng cao lập trường, xoa dịu những chỉ trích của báo chí, dư luận nhằm vào mình từ trước tới nay. Trong
khi đó, ASEAN cũng được xem là có một số động cơ thúc đẩy để đạt được nhất trí với Trung Quốc về bản dự thảo, nhất là việc phải đối mặt với nguy cơ leo thang căng thẳng khu vực do Trung Quốc vẫn không ngừng quân sự hoá các vùng biển tranh chấp, đồng thời ASEAN cũng cần đảm bảo sự tham gia của mình vào tiến trình này và tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán tiếp theo mà vẫn có thể bảo toàn lập trường của mình. Tuy nhiên, vẫn chưa thể nói trước được điều gì về khả năng có thể đạt được văn kiện cuối cùng của COC bởi vẫn có nhiều thách thức đằng sau những ngôn từ và tinh thần của một văn bản cuối cùng mà tất cả các bên có thể cho là phù hợp và cùng nhất trí. Giáo sư Aileen S P Baviera, Đại học Philippines cho rằng, tuy vẫn chưa có sự rõ ràng về việc liệu văn kiện COC có thể mang tính “ràng buộc về mặt pháp lý” như ban đầu dự kiến hay không do khó khăn trong việc thiết lập các cơ chế xác minh và thực thi giữa các bên trong khi có sự bất đối xứng cao về năng lực của mỗi bên; COC chỉ giới hạn với các bên đàm phán là Trung Quốc và ASEAN trong khi vấn đề Biển Đông đã nổi lên từ đầu những năm 1990 trong một cuộc cạnh tranh chiến lược địa lý lớn hơn giữa Trung Quốc và Mỹ, với ASEAN bị kẹt ở giữa, Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng những tiến triển về COC cũng có thể có lợi cho Trung Quốc, giúp nước này khẳng định mong muốn duy trì hòa bình và ổn định của mình nhưng đồng thời cũng nhằm loại bỏ sự can thiệp của các nước ngoài khu vực vào Biển Đông. Ông Greg Poling, Trưởng Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết việc dự thảo COC tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN sẽ mang tính chất chính trị nhiều hơn là về nội dung thực chất vào thời điểm này và Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động nhằm củng cố các yêu sách lãnh thổ phi lý mà nước này áp đặt lên gần như toàn bộ Biển Đông.

Trung Quốc mưu tính gì khi xây dựng ở bãi Bông Bay?

Công trình xây dựng mới của Trung Quốc ở một bãi san hô ngoài Biển Đông đã gây căng thẳng trong quan hệ với Việt Nam sau một giai đoạn yên ắng và cũng có thể sẽ khiến Philippines phải lo lắng.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy mới đây Trung Quốc đã dựng một cấu trúc mới khiêm tốn trên bãi đá Bông Bay (Bombay Reef) vốn trước đây hầu như không xây dựng gì nhiều. Bãi đá này thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington cho biết trên trang web của họ.
Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc xây dựng trên Đá Bông Bay. Việt Nam ‘yêu cầu Trung Quốc dừng ngay lập tức và không lặp lại những hành động tương tự và có đóng góp thực tế phát triển quan hệ hữu nghị,’ phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà được dẫn lời nói.
Hai nước láng giềng Việt Nam và Trung Quốc đã có xung đột về lãnh thổ trong hàng trăm năm qua và gần nhất là tranh chấp chủ quyền đối với Biển Đông. Bắc Kinh đã giành lấy quyền kiểm soát thực tế đối với quần đảo Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa kể từ những năm 1970 mặc dù Việt Nam tuyên bố họ có chủ quyền với quần đảo này.
“Trung Quốc và Việt Nam đã giằng co xung quanh nhiều thực thể trên biển, cho nên tôi nghĩ rằng chúng ta nên xem đây là dấu hiệu mới nhất trong loạt giằng co giữa hai nước,” Oh Ei Sun, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Quan hệ Quốc tế Singapore, nói.
Hà Nội lo lắng rằng Trung Quốc có thể mở rộng việc xây dựng từ Đảo Bông Bay ra các đảo đá và bãi san hô khác, do đó càng củng cố hơn quyền kiểm soát của họ, các học giả nhận định.
“Điều đặc biệt ở đây là chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy Trung Quốc có kiểu xây dựng nhanh chóng và ít tác động như vậy,” ông Gregory Poling, giám đốc AMTI, cho biết.
Cấu trúc này, nhiều khả năng sẽ trợ giúp việc đi lại của tàu bè trên biển, chiếm diện tích 124 mét vuông, CSIS cho biết.
Bãi Bông Bay có chiều dài 17,6 km và chiều ngang gần 6 km. Ở giữa có một phá, theo dữ liệu của AMTI. Công trình duy nhất ở đây trước khi cấu trúc mới này được xây dựng là một ngọn hải đăng cũ kỹ.
Trung Quốc cũng đã xây dựng các cơ sở quân sự và cơ sở hạ tầng đô thị ở nơi khác trên quần đảo Hoàng Sa mà hồi đầu năm họ nói rằng họ sẽ cho phép kinh doanh du lịch ra đảo. Các quan chức Trung Quốc đã làm tất cả những công việc này để đảm bảo cho tuyên bố chủ quyền của họ, các phân tích gia cho biết.
“Từ những gì mà chúng ta có thể thấy ở đây, Trung Quốc trước đây đã làm việc này và chúng ta phải chờ xem liệu nó có trở thành một đi trong một chuỗi các hành động hay không,” ông Tôn Vân, chuyên viên cao cấp Chương trình Đông Á tại Viện nghiên cứu Stimson ở Washington nhận định.
Việt Nam và Trung Quốc có lịch sử thách thức sự nhẫn nại của nhau trên biển, nhất là khi mỗi bên thăm dò khí đốt ở những vùng biển mà bên kia tuyên bố có chủ quyền. Khi mối quan hệ xấu đi, họ thường làm giảm căng thẳng bằng cách gặp nhau trước hết qua kênh liên lạc của hai đảng Cộng sản, sau đó mới đến các quan chức gặp nhau.
Theo ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Australia, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người mới vừa trở thành Chủ tịch nước hồi tháng 10, thường sử dụng kênh liên lạc trong đảng và kênh liên lạc nhà nước để làm việc với Trung Quốc khi cần thiết.
Nếu như việc xây dựng trên Bãi Bông Bay là một chỉ dấu thì Philippines có thể sẽ là nước kế tiếp đối đầu với việc mở rộng đảo của Trung Quốc, ông Poling ở CSIS nhận định. Bắc Kinh có thể sẽ áp dụng hình thức xây dựng này lên bãi cạn Scarborough mà Manila tuyên bố có chủ quyền nhưng hiện đang do Bắc Kinh kiểm soát.
“Hình thức xây dựng này có thể sẽ được lặp lại ở nơi khác như bãi cạn Scarborough chẳng hạn mà không phải quá tốn kém hay làm tổn hại danh tiếng nếu như Trung Quốc cho bồi đắp đảo ở quy mô lớn,” ông nói thêm.







Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện