Người Việt trong niềm tin mê muội

Võ Ngọc Ánh (Danlambao) – Rất nhiều người Việt đang chạy đến Phật, thần không phải với tấm lòng hướng thiện, niềm tin cứu rỗi, giải thoát… mà đầy sự mê muội, toan tính. Tại chùa Phúc Khánh, Hà Nội hàng chục ngàn người đến đăng ký để được cúng sao giải hạn cho gia đình, người thân. Chi phí cho một lần đăng ký 150 tiền Hồ. Không đủ tiền việc đăng ký cúng sẽ không thành, xin mời về cho.
Tiền Mua Được Thần Thánh!?
Giải thích về việc cúng sao giải hạn, Thượng tọa Thích Thiện Phúc, trụ trì chùa An Cư tại Đà Nẵng chia sẻ:
“Cúng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật. Đây không phải là bản sắc hay lễ hội của tâm linh. Nó là những biến dạng và ảnh hưởng không nhỏ đến chân lý của đạo Phật. 
 
Không ít sư sãi lợi dụng lòng tin chưa đúng để thu lợi cho bản thân. Tuy nhiên nói chính xác hơn tín đồ phật tử không hiểu rõ về giáo lý, tin vào sự ban ơn giáng họa của thần thánh. Họ cúng kiểu đút lót để được tai qua nạn khỏi theo quan điểm cá nhân.
 
Phật tử chân chính phải tháo gỡ những tư tưởng này ra khỏi dòng suy nghĩ của mình.”
Có không ít người Việt hiện nay đến chùa, đền cầu xin được giàu có trên sự cướp bóc, lừa dối. Họ hối lộ Phật, thần, thánh bằng việc nhét tiền vào tượng, bỏ của xây chùa, đền, trả công cho thầy… Chỉ với mong muốn Phật thần phù hộ cho việc trong đầu nghĩ toàn sự dữ.
Khi sự gian dối, thiếu đức công bằng bị đưa ra ánh sáng, họ cho đó do sao xấu chiếu mạng, lại lên chùa cầu xin, mời thầy về cúng “giải hạn”. Chỉ với mục đích, niềm tin sự làm ăn lừa dối, cướp bóc kia không bị phanh phui. Họ mặc cả với Phật, thần, thánh… ‘tai qua nạn khỏi’ sẽ làm cái này, cái kia báo đáp.
Chẳng có Phật hay thánh, thần nào chấp nhận kiểu làm giàu theo kiểu này cả. Nhưng nhiều người Việt vẫn đang cứ tin.
Đã hơn 30 năm nay nhiều người Việt Nam sống trong suy nghĩ đồng tiền của họ mua được quan chức, mua được mọi thứ hữu hình, vô hình… Hôm nay, họ nghĩ đồng tiền cũng mua được cả thánh thần.
Rửa Tiền Qua Việc Xây Chùa?
Chùa chiền được rầm rộ xây dựng đủ kiểu từ Bắc chí Nam, nhìn ngang cứ tưởng đất nước này chắc hẳn có đầy tự do tôn giáo, hoặc đạo Phật đang trở thành quốc giáo.
Xin thưa, không phải vậy. Chỉ chùa nằm trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam chịu sự lãnh đạo của đảng vô thần mới được xây mới thôi. Ngược lại, các chùa theo Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, các sư không thuần phục đảng bị làm khó trăm bề, bị phá như Liên Trì ở Sài Gòn, An Cư tại Đà Nẵng, hay đầu năm 2019 là chùa Linh Sơn Tự tại thị trấn Plei Kần, tỉnh Kon Tum…
‘Giáo lý’ của đảng cộng sản không tin vào Chúa, Phật, thần, tuy nhiên họ lại thành lập các tổ chức để quản lý, chi phối về giáo lý, bổ nhiệm chức sắc của các tôn giáo. Chỉ với mục đích các tôn giáo phải thần phục, tuân chỉ ý đảng chứ không phải để loan truyền giáo lý chánh đạo, niềm tin, sự hy vọng.
Gần 40 năm dưới sự quản lý, chi phối của đảng nhiều chùa chiền, đến việc thờ cúng kính trở nên như một thứ dịch vụ tiền bạc, có giá hẳn hoi. Đền, chùa đứng ra tổ chức ghi danh, bán vé… cúng, ban ấn…như một món hàng, “show” diễn.
Trong một đất nước có diện tích nhỏ, bình quân đất trên đầu người càng ít… nhưng người ta sẵn sàng lấy hàng ngàn ha để có được cái danh chùa lớn nhất khu vực, lớn nhất thế giới.
Thật không quá khi nhà báo Hoàng Hải Vân, cựu tổng thư ký toàn soạn báo Thanh Niên nhìn nhận, quan chức đang rửa tiền tham nhũng, phạm pháp qua việc xây chùa.
Niềm Tin Mê Muội
Cứ rằm tháng giêng từ quan chức đến thứ dân lại đổ nhau về thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định để chen lấn, giẫm đạp lên nhau chỉ với mục đích duy nhất có được lá ấn từ đền Trần.
Người ta tin rằng có được lá ấn trong tay sẽ dễ dàng thăng quan, tiến chức, làm ăn thuận lợi, giàu có hơn người. Niềm tin vào lá ấn chẳngcó căn cứ nào ngoài sự u mê như niềm tin vào con đường XHCN.
Đến heo, con vật mà xưa nay người ta vẫn dùng để chửi nhau, “ngu như heo”. Thiên hạ ăn chẳng chừa thứ gì trừ mỗi lông, năm nay lại được hô hào trong một niềm tinmê muội mới để đã nâng lên hàng “linh vật”.
Họ giành giựt nhau để nhổ được lông heo trong niềm tin đem lại sự may mắn.
Họ giẫm đạp, tranh giành chỉ để tờ tiền Hồ họ cầm trên tay quẹt được vào máu lợn bị chém trong một lễ hội tại thôn Ném Thượng, thành phố Bắc Ninh mang lại tốt tươi.
Thiết nghĩ rằng, có một thế lực nào đó đang khéo léo kéo người Việt tin theo những chuyện dị đoan, mê muội nhưng cứ nghĩ đó là giáo lý, là văn hóa.
Chưa có thời nào thiên hạ truyền miệng nhau, đưa lên mạng, khuyến khích qua báo chí chuyện xem quẻ, coi ngày, bói toán, đồng bóng… lại nhiều như bây giờ.
Từ bà nội trợ, chị văn phòng, mấy cô cậu không rõ giới tính… đến chàng diễn viên hề vô cùng nổi tiếng ở xứ Việt đang trở thành ‘sứ giả’ của những chuyện “đồng cô bóng cậu”.
Đa phần người dân Việt Nam vẫn đang bị nỗi sợ hãi đè nén ước muốn tươi đẹp trong mê muội niềm tin.
21.02.2019

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện