Tin Việt Nam – 25/02/2019

Tin Việt Nam – 25/02/2019

Việt Nam đóng cửa ga Đồng Đăng,

chuẩn bị đón Kim Jong Un

Thanh Phương
Hôm nay, 25/02/2019, Việt Nam đóng cửa và bảo vệ an ninh chặt chẽ ga Đồng Đăng, ở vùng biên giới Việt-Trung, nơi mà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sẽ đến bằng xe lửa.
Đoàn tàu bọc thép của ông Kim Jong Un đã khởi hành từ Bình Nhưỡng thứ Bảy vừa qua đi xuyên qua lãnh thổ Trung Quốc về hướng Việt Nam.
Theo các nguồn tin ở Việt Nam được hãng tin AFP trích dẫn, lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ đến ga Đồng Đăng vào sáng sớm mai sau một chuyến đi kéo dài hai ngày rưỡi.
Lực lượng bảo vệ có trang bị vũ khí đã được triển khai ở ga Đồng Đăng từ sáng nay. Sau khi đoàn tàu đến ga Đồng Đăng, theo dự kiến, ông Kim Jong Un sẽ tới Hà Nội bằng xe hơi. Lần đầu tiên, chính quyền đã ra lệnh cấm toàn bộ lưu thông ngày mai từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều trên đoạn đường quốc lộ 1 từ Đồng Đăng đến Hà Nội, dài 160 km.
Thứ bảy tuần trước, Hà Nội loan báo là lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ viếng thăm Việt Nam «trong những ngày tới », nhưng không nói rõ là ông sẽ thăm trước hay sau cuộc họp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ Donald Trump trong 2 ngày 27-28/02.
Hai nguồn tin cho AFP biết là ông Kim Jong Un sẽ ở tại khách sạn Melia nằm cách Nhà Khách Chính Phủ khoảng 1 km. Nhà Khách Chính Phủ được cho là nơi sẽ diễn ra thượng đỉnh Trump-Kim.
Trong khi đó, người đóng giả Kim Jong Un đã bị câu lưu và trục xuất khỏi Việt Nam hôm nay. Howard X, dân Hồng Kông và người đóng giả tổng thống Trump, Russell White, gốc Canada, hôm thứ Sáu tuần trước đã dàn cảnh « thượng đỉnh Trump-Kim » tại Hà Nội. Hàng chục công an đã ập đến một đài truyền hình địa phương để yêu cầu hai người ngưng cuộc phỏng vấn và không được xuất hiện trước công chúng nữa.
Trong cuộc họp báo tại khách sạn trước khi bị công an áp tải ra sân bay, Howard X cho biết, ông bị trục xuất không phải vì lý do visa không có giá trị như khẳng định của chính quyền Hà Nội, mà là vì ông có gương mặt giống lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Người đóng giả tổng thống Mỹ thì vẫn được ở lại Việt Nam với điều kiện không xuất hiện trước công chúng như Donald Trump giả.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190225-viet-nam-dong-cua-ga-dong-dang-chuan-bi-don-kim-jong-un

BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại trong tháng 3/2019

Sau một năm bị buộc phải tạm dừng thu phí và nhiều lần trì hoãn, BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại vào tháng 3 năm 2019.
Thông tin vừa nêu được đưa ra tại buổi họp báo về Trạm thu phí BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, do Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức hôm 25/2/2019.
Tại buổi họp báo, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy như hiện nay và giảm tối đa phí qua trạm, tổ chức thu giá dịch vụ với công nghệ thu tự động không dừng và một dừng tức thu kết hợp không dừng và dừng ở 2 làn hỗn hợp phía ngoài cùng. Trong tương lai sẽ thu tự động không dừng cho tất cả các làn xe.
Đại diện Bộ Giao thông- Vận tải cũng cho biết sẽ giảm tối đa phí cho các phương tiện qua trạm thu phí Cai Lậy. Theo đó xe nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt, giảm tương đương 57%… và mở rộng phạm vi miễn, giảm giá vùng lân cận lên đến khoảng 10km.
Sau khi bắt đầu hoạt động từ ngày 1/8/2017, BOT Cai Lậy vấp phải sự phản đối của giới tài xế và nhiều người dân với lý do không sử dụng tuyến tránh mà bị thu phí. Các tài xế phản đối bằng cách dùng tiền lẻ để mua vé gây ùn tắc giao thông. Chủ đầu tư đã phải liên tục nhiều lần xả trạm để giải quyết nạn ùn tắc. Một số tài xế bị cho là quá khích đã bị bắt vì tranh luận với nhân viên thu phí và cảnh sát.
BOT Cai Lậy bị buộc tạm dừng thu phí vào hôm 14/12/2017.
BOT Cai Lậy với tuyến tránh thị xã Cai Lậy xây mới dài 12 km gồm 7 cầu với vốn đầu tư được nói khoảng 1000 tỷ đồng và phần sửa chữa Quốc lộ 1 dài 26,5 km có vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/cai-lay-bot-will-resume-toll-fee-collection-in-mar-2019-02252019081208.html

Việt Nam: Xây chùa ‘hoành tráng’ là tốt hay xấu?

Ben NgôBBC Tiếng Việt
Gần đây xuất hiện một số ý kiến ở Việt Nam cho rằng có hiện tượng xây quá nhiều chùa to, công trình tâm linh kết hợp du lịch.
Hiện tượng này nên được nhìn nhận ra sao?
Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam hiện có khoảng 18 nghìn ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất…
Chủ tịch Quang thăm chùa Mahabodhi
Nhà chùa nói về vụ phóng sinh cá
Lễ hội VN mất giá trị nhân văn?
Chùa Liên Trì bị cưỡng chế
‘Hoành tráng nhưng vô hồn’
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi nói với BBC từ Hà Nội: “Hôm Tết vừa rồi tôi có đi cùng đoàn của Trung tâm Minh Triết đến xã Lưu Xá, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên để thăm hai ngôi chùa cổ và nhỏ là chùa Văn và chùa Vũ.”
“Khi đến viếng các chùa này, người ta vẫn có thể cảm nhận được không khí thanh tịnh của Phật giáo từ thế kỷ 18.”
“Các vị tu hành ở đây dường như còn xa lạ với mùi tiền.”
“Từ hai ngôi chùa ấy, tôi bỗng nghĩ về bàn tay của những nhóm lợi ích đổ tiền vào tạo nên những ngôi chùa hoành tráng nhưng vô hồn, văn hóa dân tộc không còn mà lại mang dáng dấp chùa Trung Quốc như chùa Bái Đính và chùa Tam Chúc.”
“Tôi đoán là có nhiều nguyên nhân cho việc xây chùa to.”
“Hình như trong tính cách lâu đời của người Việt có tâm lý muốn cầu phúc lộc, muốn bỏ ra ít tiền ở cửa Phật thì thu được cái lợi ngay trước mắt.”
“Cho nên có người dựa vào tâm lý ấy nên bỏ tiền xây chùa thật hoành tráng, rồi sau đó thu lại tiền cầu phúc của Phật tử.”
“Tôi sợ rằng rồi đây cái sự tích lũy tư bản chủ nghĩa trong xã hội Việt Nam hiện nay sẽ ảnh hưởng đến những ngôi chùa cổ ngày xưa.”
“Ở rất nhiều nơi tại Việt Nam, tôi thấy có sự kinh doanh tâm linh, khiến tôi ghê sợ rằng tính trong sáng nguyên thủy của Phật giáo đang dần mất đi.”
‘Chùa thì to, nhưng đạo đức xã hội xuống cấp’
Hôm 25/2, Hòa thượng Thích Không Tánh, trụ trì tại chùa Liên Trì (đã bị cưỡng chế hồi 2016) nói với BBC: “Tôi thấy rằng tính chất Phật giáo và sự hành đạo cốt không phải ở những ngôi chùa hoành tráng.”
“Nhất là khi ngày càng có thêm những ngôi chùa to lớn nhưng tương phản với thực trạng đạo đức xã hội xuống cấp mà không được chấn chỉnh.”
“Phải chăng họ xây những ngôi chùa ngày càng to lớn là để cho thế giới thấy Việt Nam có tự do tôn giáo và phủ nhận cáo buộc đàn áp tôn giáo?”
“Người ta sẽ nghĩ gì khi đọc tin về những ngôi chùa to trong lúc các cơ sở tôn giáo độc lập bị cưỡng chế như chùa An Cư ở Đà Nẵng, chùa Liên Trì ở Sài Gòn, chùa Sơn Linh ở Kon Tum…”
“Phải nói là những người tu hành chân chính rất đau khổ khi các cơ sở tôn giáo chính thống bị trấn áp trong lúc các ngôi chùa bề thế mọc lên như một hình thức kinh doanh tâm linh.”
Tuyển sinh thạc sĩ Phật học với môn Mác-Lênin
Chùa thiêng Tây Tạng chìm trong lửa
Người Việt có thực sự tin vào nhân quả?
Hôm 21/2, BBC đã liên hệ ông Bùi Thanh Hà, Phó Ban Ban Tôn giáo Chính phủ để hỏi nhận định của ông về việc có thêm nhiều ngôi chùa hoành tráng ở Việt Nam nhưng ông từ chối trả lời.
Giáo sư Trương Quốc Bình, cựu Cục phó Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch được báo Dân Việt dẫn lời: “Việc xây dựng các khu chùa đồ sộ là chưa từng có trong lịch sử phát triển của Phật giáo ở Việt Nam. Từ thời Lý, Trần đến thời Nguyễn, chúng ta không có các chùa với quy mô hàng hécta, kỷ lục nọ kia như thế. Các ngôi chùa của ta là các công trình tôn giáo, tín ngưỡng hòa nhập với thiên nhiên, là bao gồm sông, núi, đất đai và con người ở trong công trình đó, với cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên chứ không phải ở trước một thứ đồ sộ và cảm thấy mình thật nhỏ bé.”
“Nguyên nhân của việc này là khủng hoảng niềm tin. Trong số những người đi thờ cúng, cổ vũ xây dựng những cơ sở tôn giáo, cấp đất cho chùa, duyệt dự án có cả các lãnh đạo. Tôi kiến nghị các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước phải xem lại việc cho phép và ủng hộ những dự án này.”
Một bài báo hôm 24/2 trên trang baophapluat.vn hỏi Thượng tọa Thích Nhật Từ – Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM.
Thượng tọa Thích Nhật Từ nêu quan điểm: “Xây chùa to, hoành tráng rồi có đúng tinh thần Phật pháp không, có Phật ở đấy không, về bản chất, nó cũng như những nghi vấn kiểu như: Vì sao Việt Nam phải phấn đấu trở thành nước giàu, rồi giàu thì có đánh mất bản sắc hay không, còn trái tim nhân ái hay không?
“Theo tôi đó là những câu hỏi mang tính hoài nghi, không có lợi gì cho sự phát triển các phương diện từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần. Tất cả các quốc gia đang phấn đấu trở thành nước giàu. Việt Nam chúng ta vừa thoát khỏi nước nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình 2600 USD cho đầu người mỗi năm, đó là một bước tiến lớn sau 4 thập kỉ vừa qua.”
Thượng tọa Thích Nhật Từ nói thêm: “Trong mấy ngày đầu năm 2019, báo chí Việt Nam phản ánh sự kiện khu vực Tam Chúc, tỉnh Hà Nam có ngôi chùa 5.500m2 quang cảnh tổng thể. Ngôi chùa đó được xem là lớn nhất Đông nam Á.”
“Tôi rất mong những người đặt câu hỏi như thế hãy nghĩ đến các công trình tôn giáo ở nhiều quốc gia khác để đặt câu hỏi rằng nếu như trước đây, những người xây dựng nên các kiến trúc tôn giáo ấy không có tầm nhìn, dám nghĩ dám làm thì làm sao đất nước họ có những công trình văn hóa nổi tiếng thế giới như hiện nay?”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47301899

Chủ tịch Hà Nội nói về ‘nỗ lực cao nhất’

cho Thượng đỉnh Mỹ -Triều

Chủ tịch thành phố Hà Nội, Nguyễn Đức Chung, nói với BBC chính quyền Hà Nội sẽ làm việc tốt nhất để hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều Tiên thành công.
Trả lời phóng viên BBC NewsTiếng Việt tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội, nói việc Hà Nội chính thức được nguyên thủ hai nước Hoa Kỳ và Triều Tiên lựa chọn là điểm đến cho hội nghị thượng đỉnh có nghĩa là chính quyền thủ đô đang làm hết sức mình phục vụ tốt nhất cho hội nghị thượng đỉnh này thành công.
“Với những nhiệm vụ cụ thể mà chúng tôi được giao, công tác liên quan đến trang trí, vệ sinh môi trường, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như đáp ứng về hậu cần cho trung tâm báo chí và những hoạt động bên lề thì chúng tôi đang làm tất cả với nỗ lực cao nhất nhằm đưa đến hội nghị này kết quả thành công cao nhất.
Thượng đỉnh Mỹ Triều trước giờ Trump và Kim tới Hà Nội
VN ‘một vốn bốn lời’ từ hội nghị Trump-Kim
‘Quản gia’ của Kim Jong-un khảo sát Hà Nội
Gặp gỡ Trump-Kim lần 2: ‘VN khẳng định vai trò quốc tế’
“Điều thứ hai là đây cũng là dịp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng quảng bá hình ảnh của Hà Nội, ra thế giới. Để thế giới biết đến Hà Nội là thủ đô hòa bình, văn hiến, văn minh, hiện đại. Đặc biệt năm nay là năm Hà Nội kỷ niệm 20 năm UNESCO công nhận là thành phố vì hòa bình.
Đây cũng là dịp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng quảng bá hình ảnh của Hà Nội, ra thế giớiChủ tịch thành phố Hà Nội, Nguyễn Đức Chung
“Chính vì vậy đây là vinh dự của đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô. Với trách nhiệm của mình thì chúng tôi sẽ làm việc tốt nhất để hội nghị thượng đỉnh này thành công với một kết quả tốt nhất,” ông Chung cho biết thêm.
Trả lời câu hỏi của BBC rằng công tác phân luồng giao thông những ngày diễn ra hội nghị tại thành phố khá đông dân này được tính tới thế nào? Ông Chung nói:
“Trong các nhiệm vụ được giao có giữ gìn trật tự giao thông, đô thị phục vụ hoạt động tác nghiệp báo chí.
“Chúng tôi đã có đầy đủ các phương án đảm bảo tốt nhất cho phóng viên và hoạt động bình thường của người dân, du khách và đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đoàn hai nguyên thủ, cũng như hoạt động bên lề.”
Ông Donald Trump và Kim Jong-un dự kiến gặp nhau ở Hà Nội thứ Tư và thứ Năm tuần này.
Cuộc gặp tới tại Hà Nội diễn ra tám tháng sau hội nghị lịch sử ở Singapore tháng 6/2018, khi lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương nhiệm gặp lãnh đạo Bắc Hàn.
Trước khi đi Hà Nội, Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng Bắc Hàn có thể sẽ trở thành một trong những “cường quốc kinh tế” thế giới nếu như từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng nói rằng nước này có “nhiều tiềm năng để phát triển nhanh chóng hơn bất kỳ nước nào”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47361424

Giới nhân quyền nghĩ gì

về hội nghị Trump-Kim ở Hà Nội?

Tina Hà GiangBBCvietnamese.com
Việc hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần hai được tổ chức tại Hà Nội vào hai ngày 27 và 28/2 khiến Việt Nam thu hút nhiều chú ý và phản ứng từ mọi giới.
Đa số cho rằng đây là một cơ hội rất tốt cho Việt Nam về nhiều mặt. Tuy nhiên giới quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam có những nhận định riêng.
Hôm 19/2, ba dân biểu liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal (Dân Chủ), Chris Smith (Cộng Hòa), và Zoe Lofgren (Dân Chủ) cùng gửi một lá thư đến Tổng Thống Donald Trump, kêu gọi ông đặt vấn đề nhân quyền và tù nhân lương tâm với chính quyền Việt Nam, khi ông đến Hà Nội dự cuộc họp thượng đỉnh thứ nhì với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un.
“Địa điểm được chọn làm nơi tổ chức buổi họp thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn là một vinh dự cho quốc gia chủ nhà,” một vinh dự mà “chính quyền Việt Nam không xứng đáng” vì ”hồ sơ nhân quyền tồi tệ” của nước này, một đoạn trong thư nói trên viết.
HRW: Nhân quyền VN ‘xuống cấp nghiêm trọng’
Về việc kêu gọi EU ‘hoãn FTA’ vì nhân quyền ở VN
Quan chức Anh bị chỉ trích vì không lên án Luật ANM của VN
Nhưng có phải ai cũng đồng ý với ba vị dân biểu này?
Liệu việc Hà Nội được chọn là nơi tổ chức hội nghị Trump-Kim liệu có cho thế giới thấy là hồ sơ nhân quyền của một nước (bị cho là tồi tệ) không ngăn cản Việt Nam có được những bước tiến đáng kể trong hoạt động kinh doanh và diễn đàn quốc tế, và điều này khiến cho Việt Nam thấy không cần phải cải thiện nhân quyền không?
BBC phỏng vấn một số người trong giới đấu tranh cho để tìm hiểu nhận định của họ.
Trả lời phỏng vấn hôm 22/2, ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động cho khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), nói:
“Tôi không nghĩ rằng việc Việt Nam trở thành chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần này thì có nghĩa là cộng đồng quốc tế đã bỏ qua các vi phạm nhân quyền diễn ra trong thời gian vừa qua.”
“Việc chọn Việt Nam là địa điểm của hội nghị thì cần phải có sự đồng thuận của cả Mỹ và Triều Tiên. Về phía Triều Tiên thì chúng ta biết rằng họ là quốc gia có rất ít đồng minh, đồng minh quan trọng nhất là Trung Quốc thì luôn bị cáo buộc là chống lưng và bao che, lại còn đang có chiến tranh thương mại với Mỹ, thế nên chắc chắn là hội nghị không thể diễn ra ở Trung Quốc được. Trong khi đó quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ vẫn không ngừng tiến triển trong các năm vừa qua. Và Việt Nam vốn là quốc gia đồng minh truyền thống của Triều Tiên. Thế nên, rõ ràng Việt Nam là nơi lý tưởng để tổ chức hội nghị này.”
Ông Sơn vạch ra:
”Có thể nhiều người lầm tưởng rằng chỉ trừng phạt, chỉ trích, cấm vận thì mới được coi là các động thái phản đối vi phạm nhân quyền. Trên thực tế, bảo vệ nhân quyền có thể được thực thi qua rất nhiều cách, và thường thì các chính phủ vẫn chọn cách mềm dẻo trước tiên, khi tiếp cận các chính phủ nước khác trong vấn đề nhân quyền. Việc Việt Nam được bầu vào hội đồng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 2013 là một ví dụ, cộng đồng quốc tế muốn Việt Nam tham gia tích cực hơn vào các định chế nhân quyền quốc tế, để giúp chính phủ Việt Nam hiểu hơn và giảm thiếu ác cảm đối với nhân quyền.”
”Việc chỉ trích, trừng phạt hay cấm vận thì có thể mang lại sự thỏa mãn tức thì, thế nhưng nó cũng có tác dụng ngược là đẩy chính quyền bị trừng phạt vào thế thù ghét và hiểu sai về nhân quyền. Trong khi việc khuyến khích và tiếp cận mềm dẻo lại mất nhiều thời gian hơn và phải rất kiên nhẫn cùng với thiện chí thì mới đạt được kết quả. ‘
Cùng ngày, ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách Châu Á của Human Rights Watch bình luận:
“Việt Nam khá sắc sảo trong việc ngoại giao, và họ sẽ sử dụng bất kỳ lợi thế nào có thể để theo đuổi chính sách tránh bị chỉ trích về hồ sơ nhân quyền của mình. Các nhà lãnh đạo Việt Nam vi phạm nhân quyền chính vì họ tập trung cao độ vào việc làm câm lặng mọi thách thức đối với quyền lực của họ bằng cách đảm bảo rằng phần lớn người dân Việt Nam tiếp tục sợ hãi việc chỉ trích công khai chính phủ.”
“Trong khi có nhiều nhà hoạt động can đảm đã từ chối không để bị đe dọa, thì thực tế là chính phủ Việt Nam sẽ chỉ thay đổi nếu họ nhận được áp lực liên tục là phải tôn trọng quyền con người. Thật khó để mong đợi bất cứ điều gì tích cực từ ông Trump, người không quan tâm đến nhân quyền, nhưng Liên minh châu Âu và các quốc gia ủng hộ nhân quyền có cùng chí hướng khác cần phải đứng lên bảo vệ nhân quyền của Việt Nam.”
“Tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên sẽ giúp Hà Nội tạm thời trông sáng lên trên sân khấu toàn cầu nhưng chúng ta phải tập trung hơn vào việc yêu cầu các loại cải cách sẽ đảm bảo Việt Nam công nhận và tôn trọng nhân quyền trong dài hạn.”
Ông Nguyễn Anh Tuấn, một nhà đấu tranh tại Việt Nam, hôm 24/2, nói với BBC ông không nghĩ việc Hà Nội được chọn là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần hai, tự nó, là điều khiến cho giới nhân quyền phải e ngại:
” Mỹ và Bắc Hàn không có quá nhiều lựa chọn ngoài Việt Nam để gặp mặt, xét các yếu tố hậu cần đi lại và những hậu ý chính trị mang tính biểu tượng. Chẳng ai giàu trí tưởng tượng tới mức nghĩ rằng thành tích nhân quyền là một trong những yếu tố cân nhắc để lựa chọn địa điểm cho những buổi gặp mặt như thế này, vậy nên bảo rằng vì thế mà đáng lo cho giới bảo vệ nhân quyền thì tôi e là hơi lo xa quá.”
“Nói vậy không có nghĩa là không có gì đáng quan ngại về tình hình nhân quyền Việt Nam mà trái lại, dù có hay không có hội nghị thượng đỉnh này thì chúng ta đều thấy là tình hình nhân quyền mấy năm qua đang xấu đi với nhiều người bị bắt bớ hơn, tiến trình cải cách pháp luật cho phù hợp với các cam kết quốc tế cũng đang bị trì hoãn lại. Tuy nhiên nói rằng nhân quyền thời nay không còn quan trọng nữa thì cũng không phải bởi lẽ ngay cả những chính quyền vi phạm nghiêm trọng nhân quyền nhất vẫn không dám phủ nhận nhân quyền, mà chỉ diễn giải nó theo một cách khác.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47329984

Người dân Hà Nội nói với BBC

về Thượng đỉnh Trump-Kim

Thượng đỉnh Trump – Kim lần 2 đang tới rất gần, và người dân Hà Nội đang cảm nhận rõ thành phố thay đổi từng ngày.
Anh Thành, tài xế xe buýt cho biết mình thấy rất tự hào tuy rằng “cũng không hiểu sao trên thế giới có bao nhiêu nước mà các ông ấy lại chọn đất nước Việt Nam làm Hội nghị Thượng đỉnh”.
Việc cầm lái của anh có bị ảnh hưởng đôi chút do công tác chỉnh trang đường phố nhưng với anh “nó là chuyện quá nhỏ” so với niềm vui được phục vụ các nhà lãnh đạo thế giới.
Với những người nhanh nhạy thì chắc chắn không thể bỏ qua cơ hội kinh doanh như thế này.
Chị Thanh Bình, chủ một cửa hàng bán cờ tại phố Hàng Bông cho biết từ hai tuần trước đã thiết kế và in cờ Triều Tiên và Hoa Kỳ cùng với áo hình Kim và Trump.
Tất nhiên luôn có người nắm rõ tin tức bằng cách rất Việt Nam…
Đó là các quán trà đá vỉa hè.
Tại đó, người dân bàn tán sôi nổi về các nội dung của cuộc gặp này và đặc biệt thích thù với những biện pháp an ninh, an toàn xung quanh hai vị lãnh đạo.
Anh Minh Khuê – ở Gia Lâm, Hà Nội cho biết ‘hội trà đá vỉa hè’ của mình thường xuyên bàn tán về Thượng đỉnh Trump – Kim và rất thắc mắc về lựa chọn ẩm thực của ông Kim tại Việt Nam do biết được: “ở Hàn Quốc người ta có ăn thịt chó, còn không biết ông Kim ở Triều Tiên thì sao?”…
https://www.bbc.com/vietnamese/media-47355307

VN trục xuất Howard X, người đóng Kim Jong-un

 trước thượng đỉnh Mỹ-Triều

Một Kim Jong-un ‘giả’ vừa bị trục xuất khỏi Việt Nam trước khi nhà lãnh đạo thực sự của Bắc Hàn có cuộc họp với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Hà Nội trong tuần này.
Howard X, hiện sống tại Hong Kong, hồi tuần trước đã cùng Russell White, người chuyên đóng giả Trump, giả làm một cuộc họp thượng đỉnh với nhau.
Người đóng giả Trump, Kim ‘bị yêu cầu ngừng diễn’
Chủ tịch Kim và TT Trump ‘đóng giả’ đã tới HN’
Thế giới kỳ quặc của những Kim Jong-un giả
Hai người sau đó đã bị cảnh sát Việt Nam giữ để thẩm vấn, và được yêu cầu dừng toàn bộ các trò đùa mang nội dung chính trị.
Howard X nói giới chức sau đó nói với ông rằng visa của ông là “không có giá trị”, nhưng nói ông không nhận được thêm bất kỳ giải thích nào.
“Châm biếm là một vũ khí mạnh mẽ chống lại bất kỳ chế độ độc tài nào. Họ sợ hãi một vài người trông giống họ,” Howard X, trong trang phục bộ vest đen và đeo kính đen kiểu Kim Jong-un, nói với với các phóng viên.
Ông và ông White đã tham gia cuộc họp thượng đỉnh giả tại Hà Nội, và nói với các phóng viên rằng họ muốn làm giảm bớt tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn.
“Chúng tôi muốn hướng tới hòa bình. Thông qua đàm phán, đối thoại, chúng tôi tất nhiên là muốn giúp Bắc Hàn,” ông White, sinh ra tại Canada, khi đó đang ăn mặc như ông Donald Trump, nói với các phóng viên.
“Hy vọng là ông ấy có thể bỏ qua cho toàn bộ các tên lửa hạt nhân của tôi, và gỡ bỏ các lệnh trừng phạt,” Howard X, người dành toàn bộ thời gian để đóng giả Kim Jong-un và là người đã tới Singapore trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất, trả lời.
Vua của Bình Nhưỡng
Bia rượu và ẩm thực của người Bắc Triều Tiê
Kim Jong-nam từng ‘mặc quân phục nguyên soái’
Hai người sau đó bị cảnh sát bắt giữ khi đang trả lời phỏng vấn một đài truyền hình địa phương.
Cảnh sát Việt Nam yêu cầu hai người chấm dứt việc giả dạng, và nói họ chỉ có thể đi lại trong thành phố theo lịch trình được duyệt trước và phải có người đi kèm, hãng tin AFP tường thuật.
“Lý do thực sự là bởi tôi sinh ra đã có gương mặt giống với Kim Jong-un, đó thực sự là cái tội,” Howard X nói.
Ông nói thêm rằng ông tin là mình bị trục xuất bởi nhà lãnh đạo Bắc Hàn “không có chút hài hước nào”.
Gương mặt trông giống ông Kim này đã tham dự nhiều buổi diễn trào phúng tương tự trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ nhất tại Singapore hồi năm ngoái.
Ông cũng bị lực lượng an ninh áp giải đi trong kỳ Thế vận hội Mùa đông 2018 tại Nam Hàn sau khi nhảy nhót phía trước đội hoạt náo viên Bắc Hàn.
Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un sẽ gặp nhau tại Hà Nội trong ngày 27-28/2 để có các cuộc thảo luận được cho là nhằm thuyết phục Bắc Hàn từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai ông tại Singapore hồi tháng 6/2018 được đưa tin dồn dập và chứa đựng nhiều hy vọng, lạc quan. Tuy nhiên, cuối cùng hai bên đã không đưa ra được mấy tiến độ cụ thể.
Cả hai bên nói rằng họ cam kết giải trừ hạt nhân, nhưng không nêu chi tiết về việc thực hiện cũng như cơ chế xác minh kết quả đã thực hiện.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47351520

Hà Nội giữ bí mật nơi ở của hai ông Trump và Kim

Giới chức Chính phủ Việt Nam và Thủ đô Hà Nội cho biết mọi việc chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un đã sẵn sàng.
Sáng 25/2/2019, Chủ tịch Hà Nội là ông Nguyễn Đức Chung, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã tổ chức một cuộc họp báo để cho báo chí biết những chi tiết xung quanh cuộc gặp thượng đỉnh này.
Tuy nhiên có những điều mà giới chức vẫn chưa tiết lộ đó là nơi ở của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Bắc Hàn, cũng như chí phí tổ chức cho cuộc gặp thượng đỉnh, thời gian diễn ra cuộc thăm viếng chính phức của ông Kim ở Việt Nam.
Trước đây vài ngày thông tin chính thức có nói cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra tại Nhà khách Chính phủ, toạ lạc tại đường Ngô Quyền, trung tâm Hà Nội.
Chổ ở của ông Kim Jong Un được đồn đoán là khách sạn Melia trên đường Lý Thường Kiệt. Theo các một số hãng tin quốc tế phát đi vào chiều ngày 25 giờ Việt Nam, người ta đã thấy một số mật vụ của Bắc Hàn có mặt tại khách sạn này.
Tin cho biết vào chiều ngày 25 tháng 2, đoàn do Ông Bộ trưởng Văn Phòng Chính Phủ Việt Nam đến tại ga Đồng Đăng ở Lạng Sơn để thị sát công tác bảo vệ an ninh tại đó. Theo truyền thông Việt Nam thì các xe bọc thép biển 80 được triển khai tại khu vực nhà ga.
Bộ trưởng Thông tin- Truyền thông Việt Nam tại cuộc họp báo cho biết số lượng phóng viên cả trong và ngoài nước tham gia đưa tin sự kiện thượng đỉnh Trump-Kim đông đến 3000 người. Số này sẽ làm việc tại Trung tâm báo chí ở Cung Hữu nghị Việt Xô, với phương tiện đi lại và ăn uống miễn phí.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng thông báo là tối ngày 26/2 Tổng thống Trump sẽ đáp Hà Nội. Nơi ở của ông cũng không được thông báo.
Tuy không phải là chuyến thăm viếng cấp quốc gia, nhưng Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết ông Trump sẽ gặp gỡ một số nhà lãnh đạo Việt Nam để bàn một số công việc quan trọng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hanoi-tight-lips-kim-trump-02252019081120.html

Vì sao khách quý tới, chủ nhà đi vắng?

Gió Bấc
Sự kiện Việt Nam được chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa TT Trump và Chủ tịch Kim Jong Un đang là tâm điểm của dư luận thế giới. Con số hơn 3000 nhà báo quốc tế đăng ký tham dự theo dõi sự kiện này đã chứng minh điều đó.
Sự kiện quốc tế, cơ hội lớn cho quốc gia
Nếu so sánh với các cuộc gặp cấp cao APEC hay các hội nghị quốc tế mang tính thường niên thì cuộc gặp tay đôi này không lớn về quy mô số lượng nguyên thủ quốc gia tham dự nhưng xét về giá trị lịch sử và tác động đến quan hệ ngoại giao chính trị Châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung hội nghi thượng đỉnh Mỹ – Triều mở ra nhiều khả năng lớn chấm dứt một nguy cơ hạt nhân ở Châu Á, chấm dứt cuộc chiến tranh hai miền Triều Tiên- Hàn Quốc, đảo ngược 180 độ quan hệ căng thẳng Mỹ – Triều hơn nửa thế kỷ qua…
Với Việt Nam, việc được chấp nhận đăng cai hội nghị đã là thành công lớn về ngoại giao. Báo Sputnik của Nga đã dự báo: Nếu quả thực hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai được tổ chức tại VN một cách suôn sẻ, VN sẽ nhận được nhiều lợi ích về mặt song phương và đa phương. Cụ thể, về mặt song phương, việc thúc đẩy đối thoại Mỹ-Triều một cách tích cực thông qua vai trò chủ nhà cuộc gặp sẽ giúp VN trở thành đối tác tin cậy hơn nữa đối với không chỉ Mỹ và Triều Tiên mà còn cả Hàn Quốc. Trong bối cảnh VN đang rất cần những đối tác chiến lược thực sự tin cậy để đối phó với các thách thức về kinh tế, về vấn đề biển Đông, có được sự tin tưởng từ Mỹ và Hàn Quốc sẽ là sự khích lệ rất quan trọng đối với ngoại giao VN.{1}
Chiều 19/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp kiểm tra công tác chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai nhấn mạnh đây là sự kiện quốc tế quan trọng, được thế giới đặc biệt quan tâm. “Tiếp nối thành công của các sự kiện quốc tế do Việt Nam tổ chức như Hội nghị Cấp cao APEC 2017, WEF ASEAN 2018, việc Việt Nam được chọn đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ – Triều Tiên (lần hai) tiếp tục khẳng định vị thế ngày càng cao của đất nước, đồng thời thể hiện vai trò và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế” {2}
 Thăm hữu nghị láng giềng, không có gì cấp bách!
Việc tổ chức chuẩn bị cho hội nghị, đón tiếp khách quốc tế được báo chí thông tin rầm rộ, long trọng. nhưng thật bất ngờ ngay sát ngay hội nghị lại có tin Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trong đi công cán ở nước ngoài. “Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounnhang Vorachith và lời mời của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ 24 – 25/2/2019 và thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia từ 25 -26/2/2019./” {3}
Theo thông tin báo chí, nội dung chương trính làm việc tại Lào và Campuchia của ông Trọng chỉ là những vấn đề hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước không có vấn đề nào cấp bách hoàn toàn có thể sắp xếp chủ động, nhưng không rỏ vì sao lịch thời gian của chuyến đi này lại rất sít sao với thời điểm hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Hà Nội diễn ra vào ngày 27-28 tháng 2.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam trưa 23-2 xác nhận Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ thăm hữu nghị chính thức Việt Nam trong những ngày sắp tới. theo lời mời của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ông Kim Jong Un hiện là chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên (từ năm 2012) và chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên (từ 2011) {4}
Ngày 24, đoàn tàu hỏa của ông Kim đã rời Triều Tiên, Việt Nam đã thông báo cấm dân đi trên tuyến đường ông Kim sẽ đi qua từ ngày 25-26. Như vậy, chắc chắn ngày 26 ông Kim đã có mặt tại Việt Nam.
 Lẽ nào phải sáng đưa chiều đón?
Bàn về thời gian vì có liên quan đến nghi tiết đón đưa. Trong quan hệ ngoại giao nghi tiết đón đưa các nguyên thủ quốc gia là rất quan trọng thể hiện mức độ, cấp độ thân thiết tôn trong giữa hai đất nước.
Đối chiếu thời gian giữa hai đoàn ông Trong với ông Kim dễ nhận ra rằng nếu tham dự tiếp đón ông Kim, ngày 26-2 này ông Trọng phải làm cuộc chạy marathon dự lễ tiễn đưa của nhà nước Campuchia và bay về nước dự ít nhất là một lễ đón tiếp ông Kim. Xét về ý thức hệ thì cùng với Việt Nam, Triều Tiên là đất nước XHCN hiếm hoi còn lại trên thế giới. Triều Tiên đã đóng góp ít nhất là 14 liệt sĩ nằm lại Việt Nam trong cuộc chiến 1954-1975. Xét về vai vế chức vụ, Việt Nam chỉ có ông Trọng, Tổng Bí thư, Chủ Tịch nước mới xứng tầm với ông Kim Chủ tịch đảng, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên những nhân vật kế cận ông Trọng dù là ông Phúc hay bà Ngân đều bất tương xứng về cả chức vụ chính quyền lẫn chức vụ đảng.

Rồi còn ông Trump thì sao? Trong lần đến Việt Nam trước đây nhân hội nghị APEC, thông tin ngoại giao ông Trump đến thăm Việt Nam được công bố trước gần một tuần. Không chỉ báo chí chính trị mà ngay những báo ngành cũng thông tin chi tiết. Ngày 6-10, báo Dân Trí đã đăng “Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trumpp sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 11 – 12/11/2017. Trước khi tới Hà Nội làm việc song phương, ngày 10/11, Tổng thống Donald Trumpp sẽ tham dự Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng”.{5}
Nhưng lần này, chỉ còn 3 ngày nữa là khai mạc hội nghị, xe khủng, máy bay khủng đã chạy ầm ầm ở Hà Nội nhưng chỉ nghe thấy thông tin TT Trump đến gặp Kim mà chưa thấy thông báo ngoại giao nào về việc Trump thăm và làm việc với Việt Nam. Quái lạ! Chẳng lẽ tay TT cao bồi này xem Việt Nam như cái khách sạn, y ngang nhiên tới tò tí với Kim xong rồi cắp đít đi mà không cần chào hỏi chủ nhà? Và nếu như vậy việc tiếp đón Trump sẽ tổ chức thế nào? Ai sẽ là người tiếp đón? Phải chăng đó là vấn đề tế nhị mà ông Trọng phải công du nước ngoài ngay sát ngày hội nghị?
 Đón rước tên “diễn biến hòa bình” nguy hiểm nhất thế giới?
Trong thực tế, có nhiều lý do mà ông Trọng có thể thấy khó khăn nếu phải long trọng tiếp đón ông Trump. Trước hết về ý thức hệ, ông Trọng là thầy giáo đảng, là nhà lý luận kinh điển và trung thành nhất với chủ nghĩa Mác -Lenin, là người lãnh đạo kiên định đưa đất nước đi lên XHCN dù chưa biết được bao giờ mới tới. Âm mưu của các thế lực thù địch mà ông Trọng lo ngại nhất là diễn biến hòa bình. Nhiều người dân bị quy là đối tượng dân chủ diễn biến hòa bình đã bị bắt, danh sách này ngày càng dài. Ngay trong đảng, những trí thức, đảng viên cao cấp như ông Chu Hảo, cán bộ lão thành trực tiếp kháng chiến ở miền Nam như Lê Hiếu Đằng cũng bị khai trừ cũng vì lệch lạc tư tưởng theo âm mưu diễn biến hòa bình.
Ngược lại, ông Trump nhiều lần tuyên bố không chấp nhận XHCN, mới đây, tai Quốc Hội Mỹ ông Trump tuyên bố “Chúng ta lo ngại trước những lời kêu gọi mới về chủ nghĩa xã hội ở nước mình… Chúng ta được sinh ra tự do và vẫn là những người tự do. Chúng ta nhắc lại quyết định của mình: Mỹ sẽ không bao giờ là một quốc gia xã hội chủ nghĩa”.{6} Không chỉ nói, mà ông Trump còn làm rất tích cực và xem chừng rất có hiệu quả. Những gì đang diễn ra ở Cuba, Venezuela và ngay cả Triều Tiên này cho thấy ông Trump đang là tên diễn biến hòa bình đáng sợ nhất. Tình thế hiện nay cho thấy thành trì XHCN Cu Ba đã sụp đổ không cần tiếng súng. Số phận chế độ độc tài ở Venezuela chỉ còn tính bằng giờ. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều chỉ bàn về vũ khí hạt nhân nhưng ai cũng biết rằng sau khi tháo bỏ vũ khí hạt nhân thì XHCN ở Triều Tiên sẽ tự tan như bọt nước
Tiếp đón Trump, ông Trọng sẽ phải trả lời sao với 3 triệu đảng viên trung kiên của ông? Phải chăng ông đón tên diễn biến hòa bình nguy hiểm nhất vào nhà và tiếp tay cho y nuốt chửng người bạn đồng minh ý thức hệ của mình?
Làm mất lòng anh Tập?
Vấn đề tế nhị quan trọng hơn nữa mà ông Trọng sẽ cảm thấy khó khăn khi phải tiếp Trump đó là mối quan hệ với người đàn anh Trung Quốc. Từ sau chiến tranh Triều Tiên đến nay, Triều Tiên luôn là vũ khí lợi hại của Trung Quốc để thọc vào sườn người Mỹ. Việc Mỹ – Triều ngồi với nhau bàn chuyện giải giới vũ khí hạt nhân là điều ông Tập khó thể vui lòng. Nếu Mỹ – Triều đạt được thỏa thuận, Hàn Quốc và Triều Tiên thống nhất thì bao nhiêu tiền của, xương máu đầu tư cho Triều Tiên hơn 60 năm qua sẽ biến thành mây khói. Hàng trăm cây số phên dậu đã dày công tạo dựng sẽ sụp đổ. Tai mắt mủi của Mỹ sẽ áp sát biên giới Trung- Triều. Từ Nhà Trắng, Trump có thể nghe tiếng thở, mùi thơm của từng căn phòng trong Trung Nam Hải.
Hơn ai hết trong các Tổng Bí Thư và trong toàn đảng hiện nay, ông Trọng là người trung thành với 16 chữ vàng, nên chắc chắn ông Trọng không cam lòng để mất lòng ông Tập.
Thế nhưng hiện nay, không chỉ chuyện Triều Tiên, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang vào giai đoạn quyết liệt. Ngay sau hội nghị Mỹ – Triều, Trump sẽ đáp máy bay đi gặp Tập để thương lượng sau 90 ngày ân hạn. Nếu đạt được bước tiến bộ nào đó với Kim, Trump sẽ có thêm lợi thế ít nhất về tinh thần để áp chế Tập.
Trong tình anh em ruột thịt, lẽ nào Trọng cam lòng tiếp tay Trump để đâm sau lưng người cùng chí hướng. Mặt khác, với những bài học “đả hổ” mà Tập truyền dạy qua cách hành xử với Bạc Hy Lai, Giang Trạch Dân thì Trọng thừa thông minh để hiểu hậu quả sẽ ra sao khi (dù là vô tình) làm viên đá ngáng đường của Tập.
Chưa phải đã hết, vị Tổng thống ‘lái buôn’ đang bao vây bạn Tập không chỉ bằng áp lực thuế má mà còn về công nghệ, về cáo buộc an ninh. “Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 21/2 cảnh báo Hoa Kỳ không thể hợp tác hoặc chia sẻ thông tin với các quốc gia sử dụng các hệ thống của Huawei, công ty công nghệ Trung Quốc vì lý do an ninh. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business Network được Reuters dẫn lại, ông Pompeo nói các nước Châu Âu và các nơi khác cần hiểu những rủi ro khi triển khai thiết bị viễn thông của Huawei, và một khi biết được, họ sẽ không sử dụng các hệ thống của Huawei.
Ngoại Trưởng Pompeo cảnh báo “Nếu một quốc gia sử dụng và đưa vào các hệ thống đó những thông tin quan trọng, chúng tôi sẽ không thể chia sẻ thông tin với họ, chúng tôi không thể làm việc với họ.” {7}
Nhiều nước trên thế giới đã hưởng ứng lời kêu gọi này, riêng Việt Nam vẫn trung thành với láng giềng và mở cửa tiếp nhận công nghệ 5 G cho Huawei triển khai thiết bị thông tin. Nếu gặp nhau, Trump cắc cớ hỏi vụ này thì liệu Tập sẽ trả lời sao?
Theo tam thập lục kế, thì khi yếu “tẩu vị thượng sách”. Vắng mặt, với khách Trọng có cách trả lời là do hẹn trước với láng giềng, không thể đổi dời. Với đàn anh và đàn em Trọng sẽ đường hoàng đỏng đảnh như từng nói “người ta phải thế nào đó thì mình mới tiếp chứ?”
Đây chỉ là suy đoán hạn hẹp của kẻ dân đen. Chắc hẳn người đốt lò vĩ đại sẽ có mưu chước cao thâm hơn. Xin hãy chờ xem.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/tr-abs-ki-tr-vi-02252019083537.html

Huawei: Công văn có giả, ác mộng vẫn thật

Thiên Hạ Luận
Công an tỉnh Gia Lai vừa tuyên bố, Phòng An ninh kinh tế của công an tỉnh này không phải là nơi soạn – phát hành công văn mang số 42/PA04 (1).
Trong vài ngày gần đây, người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đã chuyển cho nhau xem công văn được cho là của Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Gia Lai gửi lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh, cho biết, khi kiểm tra các thiết bị điện tử mà nước ngoài tặng, Bộ Công an Việt Nam phát giác một số yếu tố gây mất an ninh, an toàn thông tin, đặc biệt là một số điện thoại di động có nguồn gốc từ Trung Quốc do Tập đoàn Hoa Vĩ (Huawei) sản xuất có thể thu thập toàn bộ thông tin của người sử dụng cũng như thông tin trong điện thoại di động của họ, bí mật ghi âm,… rồi tự động chuyển cho máy chủ ở Trung Quốc, Singapore.
Đó cũng là lý do Phòng An ninh kinh tế của Công an tỉnh Gia Lai yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp ở tỉnh này loan báo rộng rãi cho nhân viên cảnh giác khi sử dụng điện thoại di động, các thiết bị viễn thông có xuất xứ từ Trung Quốc, các thiết bị kỹ thuật thông tin, liên lạc được nước ngoài tài trợ, tặng,… Không sử dụng micro vô tuyến, điện thoại di động, thiết bị có tính năng ghi âm, thu phát tín hiệu (nhất là các thiết bị có nguồn gốc từ Trung Quốc) trong các cuộc họp có nội dung cần bảo mật. Không trao đổi thông tin có nội dung cần bảo mật qua bộ đàm, điện thoại di động, máy fax, trên Internet dưới bất kỳ loại hình dịch vụ nào (2).
Cho dù Công an tỉnh Gia Lai khẳng định công văn mang số 42/PA04 là giả nhưng nguy cơ tiệm cận vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc vẫn thật và còn nguyên vẹn…
***
Tuần trước, nhiều người Việt ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam choáng váng khi Nikkei Asian Review – một tờ báo ở Nhật, công bố nội dung cuộc phỏng vấn ông Fine Fan, Giám đốc Điều hành Chi nhánh Việt Nam của Huawei. Cho dù tẩy chay Huawei đang là phong trào lan rộng trên toàn cầu nhưng ông Fan nhấn mạnh niềm tin, Huawei sẽ được Việt Nam chọn để cung cấp nền tảng cho mạng 5G. Theo ông Fan, Huawei sẽ thắng tại Việt Nam vì sẽ cung cấp cả công nghệ lẫn tài chính cho các công ty viễn thông Việt Nam.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã loan lại tin này kèm một cuộc thăm dò ý kiến: Bạn có muốn Huawei thắng thầu cung cấp thiết bị 5G ở Việt Nam hay không? 95% trả lời không (3).
Đó là phản ứng trên hệ thống truyền thông chính thức do hệ thống công quyền Việt Nam kiểm soát, còn trên mạng xã hội, khá nhiều người giải thích cặn kẽ tại sao. Chẳng hạn Nguyen Tien Bao gọi đó là “giao trứng cho ác, giao quốc gia cho giặc” chỉ vì Huawei bỏ thầu giá rẻ và giao “phong bì dày cho các cụ” (4). Vu Kim Hanh thì liên tưởng giữa tuyên bố của ông Fan với thời điểm kỷ niệm tròn 40 năm cuộc chiến ở biên giới Việt – Trung. Bà đặt vấn đề, tại sao Hoa Kỳ, Cộng đồng châu Âu, Úc, New Zealand,… lần lượt chặn Huawei vì sợ bị trộm cắp thông tin, bí mật, kèm nhận định, sau 40 năm, cần phải nghĩ khác về cách thức bảo vệ tổ quốc (5)…
Giang Công Thế – một chuyên gia về công nghệ thông tin, viễn thông – nhấn mạnh lý do khiến Huawei đang gặp đại nạn: Chính phủ nhiều quốc gia nghi ngờ Huawei là gián điệp của chính phủ Trung Quốc. Ông Thế nhắc thêm, Trong 12 năm qua, Huawei và ZTE (một tập đoàn công nghệ khác cũng của Trung Quốc) nổi tiếng toàn cầu vì hối lộ hoặc cung cấp tài chính có màu sắc chính trị. Ông Thế lưu ý, cục diện hiện nay không cần xua 600 ngàn quân tràn qua biên giới mà chỉ là một cái ngắt giữa bít 0 và 1. Đó là lý do thiên hạ thà “giét nhầm còn hơn là bỏ sót” Huawei nhất là khi điều đó liên quan tới an ninh quốc gia. Chọn Huawei hay không giờ là quyết định chính trị/quân sự (6).
Ông Thế thì chừng mực nhưng nhiều thân hữu thì không. Nguyen Hoang bỡn cợt đầy đau đớn, dùng công nghệ và thiết bị của Huawei thì Việt Nam không cần phải lo về hiểm họa “hậu môn” (back door) nữa bởi “bạn” sẽ đường hoàng đi vào bằng cửa trước. Danh Nguyen ví von Huawei là Mỵ Châu hiện đại, không rắc lông ngỗng mà rải IP packages nên An Dương Vương chạy đàng trời. Đó cũng là lý do Son Do Hoai bảo rằng, giang đang trong tình trạng nguy cấp hơn hơn bao giờ hết. Còn Vũ Sự thì buồn bã vì với thể chế này và vì “anh em quan lại” quen với thoả thuận %, Huawei sẽ không gặp khó trong việc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
***
Trong bối cảnh như hiện nay – khi các thiết bị liên quan tới kỹ thuật thông tin, viễn thông có xuất xứ từ Trung Quốc, đặc biệt là của Huawei tràn lan tại Việt Nam – ông Nguyễn Đăng Hưng, nêu ra hàng loạt câu hỏi: Ai đã rước Huawei, tòng phòng với gián điệp Tàu? Nên làm gì ngay và nhanh? Ngoại trưởng Mỹ vừa tuyên bố Mỹ sẽ không hợp tác, chia sẻ thông tin với các quốc gia dùng thiết bị Huawei, một nửa Cộng đồng châu Âu, Úc, Ấn, Nhật,… đã có quyết định tương tự! Chẳng nhẽ chọn Huawei chỉ để chơi với Tàu ư (7)?
Lam Hồng Nguyễn – facebooker từng nhận định Huawei là “họng súng vô hình” – đã dẫn công văn số 42/PA04 như một bằng chứng để chứng minh Lam hoàn toàn không quá lời về một nguy cơ hão huyền. Một số người chỉ trích Lam từng khẳng định, thiết bị của Huawei không chỉ phổ biến mà còn rất… an toàn. Nên xem Huawei như một nhà cung cấp thiết bị và điều duy nhất cần bận tâm là chất lượng cũng như giá cả. Đẩy Huawei lên thành nguy cơ với an ninh quốc gia là hài hước vì quá giàu trí tưởng tượng… Cho dù công văn số 42/PA04 bị xem là giả nhưng những lời kêu gọi của Lam: Thôi nhé, không 5G, không 4 tốt, 16 chữ vàng….gì với Huawei nữa – chẳng lẽ vô giá trị (8)?
Song có một điều đáng tiếc là Việt Nam… còn có gì với Huawei hay không (?) không nằm trong khả năng của những cá nhân như Giang Công Thế, Vũ Kim Hạnh, Nguyễn Đăng Hưng, Nguyễn Hồng Lam,… Ngay cả khi thiên hạ thi nhau cảnh báo thì cũng như không. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Viettel, giờ là Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông, đã khẳng định, Việt Nam phải là một trong những quốc gia đầu tiên phát triển mạng 5G. Hạ tầng của Viettel, vốn của Viettel dựa vào đâu để thành hàng đầu? Hãy tra google, tra thêm cả tiến trình phát triển của Viettel bên ngoài Việt Nam nữa
Về lý thuyết, Huawei phải cạnh tranh với Ericsson, Nokia, Samsung nhưng tại sao ông Fan không lo mà khẳng định như đinh đóng cột Huawei sẽ thắng trong cuộc đua cung cấp công nghệ, thiết bị tại Việt Nam? Trong bối cảnh như hiện nay, có quốc gia nào mà Thủ tướng tha thiết mời gọi Huawei gia tăng hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ thông tin về… an toàn thông tin và thề hứa, sắp tới, chính phủ “sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác này” như… Việt Nam (9). Có một chính phủ như thế phía sau, Huawei muốn thua cũng… khó! Trở ngại có thể là lớn nhất – cộng đồng sử dụng dịch vụ viễn thông – đang và sẽ được hệ thống truyền thông chính thức dẫn dắt từ vụ án mạng này đến vụ ly hôn khác! Đâu còn gì đáng phải bận tâm.
Chú thích
(1) https://vtc.vn/cong-an-gia-lai-van-ban-canh-bao-dien-thoai-huawei-tren-mang-la-gia-mao-d459032.html
(2) https://nghiepdoanbaochi.org/2019/02/22/giam-doc-cong-an-tinh-gia-lai-to-cao-huawei-hoat-dong-gian-diep/
(3) https://www.thesaigontimes.vn/285258/huawei-tu-tin-se-thang-thau-cung-cap-thiet-bi-5g-o-viet-nam.html
(4) https://www.facebook.com/TienBao0301/posts/1055953684591705
(5) https://www.facebook.com/vu.k.hanh.52/posts/10157328326331122
(6) https://www.facebook.com/congthe.giang.1/posts/117525369366206
(7) https://www.facebook.com/h.nguyendang/posts/10157226078959736
(8) https://www.facebook.com/NguoiCuaGiangHo04/posts/10211025835361874
(9) https://baodautu.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-muon-huawei-hop-tac-voi-cac-doanh-nghiep-viet-trong-linh-vuc-an-toan-thong-tin-d58935.html
https://www.voatiengviet.com/a/gia-lai-hoa-vi-huawei-cong-van/4803053.html

Những dấu hỏi từ vụ bắt Son – Tuấn

Có những điểm giống nhau ‘chết người’ giữa vụ cựu bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn ‘nhập kho’ vào tháng 2 năm 2019 với vụ hình ảnh cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng phải ngậm ngùi tra tay vào còng hơn một năm trước đó: cả hai đều còn giữ cương vị ủy viên trung ương khi bị khởi tố và bắt giam; và cả hai đều có ‘độ trễ’ từ lần mất chức gần nhất đến lúc bị bắt là 7 tháng.
Sau khi bị cách lột chức vụ ủy viên bộ chính trị vào tháng 5 năm 2017, Đinh La Thăng được Bộ Chính trị ‘phân công’ về làm phó trưởng ban kinh tế trung ương như một thủ thuật ‘nhốt quyền lực vào lồng’, sau đó đến tháng 12 năm 2017 thì bị bắt; còn Tương Minh Tuấn sau khi bị cách chức bộ trưởng thông tin và truyền thông vào tháng 7 năm 2018, 7 tháng sau cũng bị bắt nốt.
Tại sao Tuấn ‘thoát’ tại Hội nghị trung ương 9?
Vụ hai cựu bộ trưởng thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị tống giam vào ngày 23/2 – hai tuần sau tết nguyên đán năm 2019 có thể xem là tương đương với sự kiện hai tướng
Phan Văn Vĩnh – cựu Tổng cục trưởng cảnh sát nhân dân và Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao – cả hai đều thuộc Bộ Công an – bị khởi tố và bắt giam sau tết nguyên đán năm 2018 vì bảo kê cho đường dây đánh bạc công nghệ cao.
Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 – 15% trong số 7000 tỷ.
Một dẫn chứng phát lộ gần nhất về ‘tỷ lệ ăn chia’ là Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa được chính thức công bố đã ‘ăn’ 15% trong hợp đồng chia phần lợi nhuận của đường dây đánh bạc công nghệ cao.
Trong khi đó, Trương Minh Tuấn là quan chức bị nghi ngờ rất lớn về ‘âm mưu chia chác’ bởi nhân vật này đã trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho đàn anh Nguyễn Bắc Son, để Lê Nam Trà của Công ty Mobifone ký hợp đồng mua Công ty AVG.
Dường như ý chỉ của ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng là khá rõ ràng: cứ để cho ‘hai ông’ Son và Tuấn ăn tết nguyên đán Kỷ Hợi với gia đình lần cuối rồi mới bắt, theo đúng một tư tưởng mới nhen nhóm của ông Trọng: ‘chống tham nhũng phải nhân văn’.
Nhưng một dấu hỏi lớn vẫn chằn chặn là tại sao tại Hội nghị trung ương 9 vào tháng 12 năm 2018, ‘Tổng chủ’ lại không cách chức ủy viên trung ương của Trương Minh Tuấn mà chỉ làm động tác này đối với Nguyễn Bắc Son và một ‘chuột cống’ khác là Tất Thành Cang – khi đó giữ chức Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM và có nhiều dấu hiệu dính đậm tham nhũng trong hai vụ khu đô thị mới Thủ Thiêm và Nhà Bè?
Trọng thực hành ‘công bằng và đối ứng’ hay sự biến khác?
Từ giữa năm 2018 và đặc biệt sau vụ Trương Minh Tuấn bị mất chức bí thư ban cán sự đảng bộ thông tin và truyền thông cho đến thời điểm diễn ra Hội nghị trung ương 9, đã ồn ào tin tức về khả năng Tuấn sẽ bị bắt. Tuy nhiên sau đó bầu không khí hăm hở này lắng dần theo thời gian, chỉ còn loáng thoáng một ít tin tức ngoài lề về việc Son và Tuấn bị giám sát, câu lưu và hàng ngày phải ‘phục vụ ‘ cơ quan điều tra. Cũng có tin cho rằng cả Son và Tuấn đều ‘thoát’, hoặc Son bị bắt nhưng Tuấn vẫn được cho ‘hạ cánh an toàn’.
Trong năm 2018, Trương Minh Tuấn đã thoát hiểm đến hai lần. Đặc biệt lần thoát hiểm thứ hai của Tuấn trùng với thời điểm cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với Lê Nam Trà – cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty MobiFone và Phạm Đình Trọng – Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ TT-TT vào ngày 10/7/2018. Vào lúc đó, đã không hiện ra cái tên Trương Minh Tuấn trong danh sách khởi tố bắt giam.
Nhưng hiện tượng Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son ‘thoát’ mà chỉ có Lê Nam Trà và Phạm Đình Trọng bị khởi tố và bắt giam đã khiến dậy lên dư luận xã hội, giới cách mạng lão thành, cựu chiến binh và cả dư luận trong nội bộ đảng cho rằng Trà và Trọng chỉ là kẻ thừa hành, trong khi cựu bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son mới là kẻ chủ mưu, cùng một kẻ chủ mưu khác và thừa hành đắc lực là Trương Minh Tuấn thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, cho dù cả Son và Tuấn đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận vi phạm là ‘rất nghiêm trọng’.
Khi đó, cũng có nhiều dư luận cho rằng tình cảm ưu ái của Nguyễn Phú Trọng dành cho Trương Minh Tuấn là khá rõ, khác hẳn với trường hợp Đinh La Thăng.
Vậy phải chăng từ sau Hội nghị trung ương 9 đến nay đã xảy ra những động thái đủ lớn trong nội bộ mà đã khiến Trương Minh Tuấn cuối cùng đã không thể ‘thoát’?
Cho tới giờ thì đã rõ: dù được gấp rút và đặc cách chỉ định ngồi vào ghế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương khi âm mưu ăn cắp tiền ‘MobiFone mua AVG’ còn chưa hoàn tất cái bi kịch lịch sử của nó, số phận của Trương Minh Tuấn không chỉ phụ thuộc vào ý chỉ của Nguyễn Phú Trọng mà vẫn rất bấp bênh.
Một yếu tố tâm lý quan trọng cần xét đến là sự thay đổi bất thường trong quan điểm Nguyễn Phú Trọng, trong trường hợp ông Trọng bị những cựu thần và tướng lĩnh lão thành – giới mà ông Trọng dành cho nhiều tình cảm về ý chủ nghĩa ý thức hệ cộng sản và nhiệm vụ bảo vệ đảng và do đó thường tham khảo ý kiến – chỉ trích nặng nề vì đã không xử nghiêm Trương Minh Tuấn để công bằng với các vụ xử ‘phe Nguyễn Tấn Dũng’, vô hình trung sẽ khiến ‘uy tín của tổng bí thư bị ảnh hưởng’, chưa kể ước mơ tái hiện hình ảnh cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với ‘Đổi Mới’ ba chục năm về trước và ‘lưu truyền sử xanh’ của Nguyễn Phú Trọng trong tương lai có thể bị tan vỡ như bong bóng xà phòng.
Vụ hai cựu bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son và đặc biệt là Trương Minh Tuấn bị tống giam vào cuối tháng 2 năm 2019 chỉ xảy ra ít ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong Un tại Hà Nội.
Nếu quả thật Nguyễn Phú Trọng muốn xử Son và Tuấn như một liệu pháp công bằng giữa ‘củi nhà’ với ‘củi rừng’, sẽ có một điểm tương ứng giữa ông ta với Donald Trump: vào đầu năm 2017 và chỉ vài tháng sau khi nhậm chức tổng thống nước Mỹ, Trump đã liệt kê Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia ‘gây hại’ cho Mỹ, trong đó Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nước đầu bảng khiến Mỹ phải nhập siêu nặng nề. Không bao lâu sau đó, Trump đã đề ra nguyên tắc ‘công bằng và đối ứng’ đối với hàng hóa Việt Nam, nghĩa là bắt buộc Việt Nam phải giảm giá trị xất siêu hàng năm vào Mỹ và phải nhập khẩu nhiều hơn hàng hóa từ Mỹ.
Phải chăng Nguyễn Phú Trọng cũng đang thực hành nguyên tắc ‘công bằng và đối ứng’, có qua có lại đầy đủ giữa ‘phe ta’ và phe đối phương’?
Nếu đúng thế, vụ tống giam hai người được xem là là ‘phe ta’ – Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn – đang phát đi thông điệp rằng ‘Minh quân’ sẽ có thể không nương tay với ‘củi rừng’ – chẳng hạn như nhóm lợi ích Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Tất Thành Cang… và có thể còn ‘máu lửa’ hơn nữa trong năm 2019 này.
Nhưng cũng còn một dấu hỏi khác: vụ bắt Son – Tuấn xảy ra khi Nguyễn Phú Trọng có một chuyến công du đến Campuchia và Lào, tức có thể ông Trọng không hẳn là người trực tiếp chỉ đạo đối với vụ bắt bớ này, thậm chí ông ta ‘không biết’. Nếu giả thiết này là đúng, dù chỉ với xác suất nhỏ, chóp bu nào mới là người ra lệnh bắt Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn? Liệu có xảy ra một sự biến gì trong nội bộ giới lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam khi Trọng vắng mặt?
https://www.voatiengviet.com/a/avg-mobifone-nguyen-bac-son-truong-minh-tuan/4803045.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?