Tin khắp nơi – 27/02/2019

Tin khắp nơi – 27/02/2019

Hạ viện Mỹ bỏ phiếu chặn tuyên bố khẩn cấp

 của Trump để xây tường

Hạ viện Hoa Kỳ bỏ phiếu hủy bỏ tuyên bố khẩn cấp của Tổng thống Donald Trump về việc xây tường biên giới.
Dự luật đảo ngược tuyên bố khẩn cấp giờ được chuyển lên Thượng viện có đa số thuộc đảng Cộng hòa, nơi một số người bảo thủ cho biết họ sẽ bỏ phiếu cùng đảng Dân chủ.
Ông Trump, người tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi Quốc hội từ chối cấp ngân sách cho bức tường, cho biết ông sẽ phủ quyết dự luật.
Trump tuyên bố ‘khẩn cấp’ để xây tường
Mỹ: 16 tiểu bang kiện Trump vì bức tường biên giới
Ông Trump đi thăm biên giới để gây áp lực xây tường
Dự luật được Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát thông qua với tỷ lệ 245-182.
13 dân biểu đảng Cộng hòa đứng về phía đảng Dân chủ trong việc bác tình trạng khẩn cấp quốc gia của ông Trump, điều này cho thấy Quốc hội sẽ không có 2/3 đa số phiếu cần thiết để gạt quyền phủ quyết của tổng thống.
Các nhà lập pháp đang dùng một điều khoản từ Đạo luật Khẩn cấp Quốc gia để bài bác tổng thống, nhưng cần cả Hạ viện và Thượng viện bỏ phiếu trong vòng 18 ngày.
Tổng thống mô tả tình hình ở biên giới phía Nam là “cuộc khủng hoảng” và vào ngày 15/2, ban hành tuyên bố khẩn cấp để qua mặt Quốc hội nhằm xây tường với ngân sách của quân đội.
Đảng Dân chủ cho rằng tuyên bố này vi hiến và ông Trump đã tạo dựng lên tình trạng khẩn cấp biên giới.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hôm 25/2 nói: “Đây không phải là vấn đề biên giới mà là hiến pháp Hoa Kỳ. Đây không phải là chính trị hay đảng phái, mà là lòng yêu nước.”
Sự lật ngược thế cờ của chính trị Mỹ
Nhận định của Anthony Zurcher, phóng viên BBC về Bắc Mỹ
“Một chính quyền tổng thống mới đã tạo ra sự khác biệt chỉ trong vòng vài năm.
Năm 2014, khi Barack Obama sử dụng quyền hành pháp của mình để trì hoãn việc trục xuất nhóm di dân không có giấy tờ, đảng Dân chủ ủng hộ ông, trong khi đảng Cộng hòa la ó về việc lạm dụng quyền lực tổng thống.
Còn bây giờ, chính đảng Cộng hòa đang cố gắng giải thích việc Tổng thống Trump sử dụng tuyên bố khẩn cấp để chuyển hướng ngân quỹ về phía bức tường biên giới, trong khi đảng Dân chủ đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng về việc Nhà Trắng lạm quyền.
Đó là sự dễ dàng của việc lật ngược thế cờ trong chính trị Mỹ.
Phe Dân chủ kiểm soát Hạ viện, cùng với một số ít dân biểu Cộng hòa, chỉ trích ông Trump vì tuyên bố khẩn cấp.
Điều này tạo ra một cuộc đối đầu tại Thượng viện, nơi một số người bảo thủ – nhất là những người tái tranh cử năm 2020 – cảm thấy băn khoăn về việc tán đồng những gì họ coi là tiền lệ nguy hiểm.
Họ có thể khiến ông Trump phải bối rối đối diện với một cản trở, buộc ông Trump phải sử dụng quyền phủ quyết lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông. Sau đó – vì quyền phủ quyết của Quốc hội dường như không thể xảy ra – cuộc chiến pháp lý sẽ chuyển sang các tòa án.
Cuộc chiến dành ủng hộ của công luận đương nhiên thuộc phạm trù của các chính trị gia, đương nhiên.
Trước đó, liên minh gồm 16 tiểu bang Hoa Kỳ do California đứng đầu đang kiện chính quyền của Tổng thống Trump về quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp để gây quỹ cho một bức tường biên giới Mexico.
Ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp hôm thứ Sáu để không phải thông qua Quốc hội sau khi Quốc hội từ chối không tài trợ 5,7 tỷ đôla cho bức tường.
Đảng Dân chủ phản đối việc tài trợ cho bức tường, một cam kết tranh cử quan trọng của ông Trump, và tuyên bố sẽ phản đối kế hoạch của ông “bằng mọi biện pháp có thể”.
Thông báo của tổng thống được đưa ra sau khi ông ký một dự luật chi tiêu để tránh việc đóng cửa của chính phủ. Dự luật này chỉ cấp cho ông 1.375 tỷ đôla cho các rào cản mới.
Ông Trump nói rằng ông không cần phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhưng đã làm như vậy với hy vọng có được tiền cho bức tường nhanh hơn. Giới phân tích nói rằng tuyên bố này có thể làm suy yếu các lập luận pháp lý của ông.
Chưởng lý bang California Xavier Becerra nói rằng họ đang đưa Tổng thống Trump ra tòa “để ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực của tổng thống”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi đang kiện Tổng thống Trump để ngăn ông ta đơn phương cướp tiền của người đóng thuế mà Quốc hội đã dành riêng cho người dân của chúng tôi. Đối với hầu hết chúng ta, văn phòng của tổng thống không phải là nơi diễn kịch”.
Mỹ: 7 điều nên biết về bức tường của Trump qua biểu đồ
Trump đã làm được gì sau nửa nhiệm kỳ?
Vụ kiện được đệ trình hôm thứ Hai nhắm đến một lệnh cấm sơ bộ ngăn ông Trump hành động theo tuyên bố tinh trạng khẩn cấp của mình trong khi một cuộc chiến pháp lý diễn ra tại các tòa án, Washington Post đưa tin.
Trump: “Tôi đã ký quyết đinh – giờ chúng ta sẽ bị kiện”
Ông Trump tuyên bố kế hoạch sau khi Quốc hội từ chối tài trợ cho bức tường.
Thách thức pháp lý đầu tiên nhanh chóng xuất hiện hôm thứ Sáu. Một nhóm vận động tự do, Public Citizen, đã kiện thay mặt cho một khu bảo tồn thiên nhiên và ba chủ đất ở Texas, người được cho biết bức tường có thể được xây dựng trên tài sản của họ.
Thống đốc Gavin Newsom của California đã bác bỏ quyết định của tổng thống, coi đó là “vở kịch chính trị” trong khi tổng chưởng lý của đảng Dân chủ bang New York, Letitia James, hứa sẽ “chống trả bằng mọi công cụ pháp lý có được”.
Tham gia cùng California trong vụ kiện có Colorado, Connecticut, Delaware, Hawaii, Illinois, Maine, Maryland, Minnesota, Nevada, New Jersey, New Mexico, New York, Oregon, Virginia và Michigan.
Các bang cho rằng lệnh của Tổng thống Trump chuyển hướng các khoản tiền để trả cho bức tường sẽ tiêu tốn của họ hàng triệu đôla, gây tổn hại cho nền kinh tế của họ.
Ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp như thế nào?
Trong thông báo tại Vườn hồng Nhà Trắng vào thứ Sáu, tổng thống cho biết tuyên bố tinh trạng khẩn cấp sẽ cho phép ông có gần 8 tỷ đôla cho bức tường.
Nhưng vẫn còn thiếu khá nhiều với khoản ước tính 23 tỷ đôla chi phí của các bức tường dọc theo 3.200km của biên giới.
Ông Trump chấp nhận rằng ông sẽ bị kiện vì hành động này và dự đoán rằng lệnh khẩn cấp sẽ dẫn đến hành động pháp lý có khả năng kết thúc tại Tòa án Tối cao.
“Chúng ta sẽ đối đầu với cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia ở biên giới phía Nam”, ông nói.
“Mọi người đều biết rằng bức tường sẽ công hiệu.”
Tuy nhiên, tổng thống cũng nói rằng ông không cần phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp mà làm như vậy với hy vọng có được tiền cho bức tường nhanh hơn, nhưng các nhà phân tích nói rằng những bình luận này có thể làm suy yếu các lập luận pháp lý của ông.
Tình trạng khẩn cấp quốc gia là gì?
Đạo luật khẩn cấp quốc gia là để dành cho thời kỳ khủng hoảng quốc gia. Ông Trump đã tuyên bố rằng có một cuộc khủng hoảng di cư tại biên giới phía nam của quốc gia – điều bị bác bỏ mạnh mẽ bởi các chuyên gia di trú.
Số lượng lớn nhất những người nhập cư bấp hợp pháp ở Mỹ mỗi năm tới từ những người ở lại quá hạn thị thực.
Giới chuyên gia nói rằng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ giúp tổng thống tiếp cận với các quyền lực đặc biệt cho phép ông bỏ qua tiến trình chính trị thông thường.
Ông ta sẽ có thể chuyển tiền từ ngân sách quân sự hoặc cứu trợ thiên tai hiện có để trả tiền cho bức tường.
Tuyên bố khẩn cấp của các tổng thống trước đây đã được sử dụng rất nhiều lần để giải quyết các cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại – bao gồm ngăn chặn các đối tượng liên quan đến khủng bố tiếp cận nguồn tiền hoặc cấm đầu tư vào các quốc gia liên quan đến vi phạm nhân quyền.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47347507

Điều Trump muốn từ cuộc gặp với Kim

Jon SopelBiên tập viên Bắc Mỹ
Trong một nhiệm kỳ tổng thống đầy chấn động, có khoảnh khắc nào chấn động hơn lúc Trump và Kim trước ra từ hai phía, nắm tay nhau tươi cười trong tiết trời ấm áp tháng Sáu năm ngoái ở Singapore không?
Hai kẻ liều lĩnh, một siêu nhân hỏa tiễn (như Trump đã gọi là Kim) tí hon và một lão già thần kinh lẩm cẩm (như Kim đã gọi Trump) vừa bước vào vòng đàm phán.
Và nó đã diễn ra một cách phi thường, không chỉ vì sự thiếu khả thi của nó mà có lẽ bởi vì chưa bao giờ trong lịch sử có một hội nghị thượng đỉnh được chuẩn bị tồi tệ đến thế.
Thậm chí cho đến phút chót, đã có rất nhiều quan chức hối thúc trì hoãn cuộc hội nghị.
Chẳng có một chương trình nghị sự nào, hay bất kỳ dự thảo thông cáo nào, cũng không có phương thức thống nhất nào.
Vì sao ông Kim Jong-un đi tàu hỏa tới Việt Nam?
‘Cẩm nang’ thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội
Chủ tịch Hà Nội nói ‘nỗ lực cao nhất’ cho hội nghị Trump-Kim
Họ đã đang cố đạt được cái gì vậy?
Tại sao lại đi cho một tên lãnh đạo của một chế độ độc tài tàn bạo luôn lờ đi các quy tắc của Liên Hợp Quốc về hạt nhân được vinh danh trên chính trường quốc tế?
Tư duy chính trị và ngoại giao thông thuờng đều la lên rằng “đừng đến gần đó”.
Nhưng Donald Trump không phải là nhà lãnh đạo thông thường. Ông ta muốn tung xúc xắc và xem chuyện gì sẽ xảy ra.
Như tôi đã được bảo trên chiếc Air Force One, Donald Trump chỉ tập trung vào một điều.
Không, điều đó không phải là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, cũng không phải là về gói hỗ trợ kinh tế mà ông sẽ cung cấp như một sự khích lệ.
Không, ông ta bị ám ảnh bởi cái khoảnh khắc ông và Kim Jong-un sẽ gặp nhau – tràn ngập máy ảnh; phông nền là gì; lối đi vào của cả hai sẽ được trang hoàng như thế nào.
Nếu cuộc họp đầu tiên này là một sân khấu, nó phải là một sân khấu tốt.
Một điều khác khiến các quan chức khó chịu sâu sắc là tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên bắt đầu cuộc gặp gỡ một mình.
Liệu ông Donald Trump chuyên làm việc theo hứng có vô tình đồng ý với bất cứ điều gì không thì không một ai có thể biết.
Ngay chính trong cuộc họp báo, báo giới chúng tôi – và cả giới lãnh đạo Hàn Quốc và Lầu năm góc – mới sửng sốt biết rằng Mỹ sẽ tạm dừng tất cả các cuộc tập trận quân sự trên bán đảo, sau khi ngài tổng thống đột nhiên thông báo.
Ông Trump cũng mô tả các cuộc tập trận này là một “sự khiêu khích” – một từ chỉ có thể rơi ra từ môi giới lãnh đạo Trung Quốc hoặc Bắc Triều Tiên.
Vâng, Triều Tiên sẽ trả lại hài cốt cho quân nhân Mỹ bị giết trong Chiến tranh Triều Tiên, vâng, sẽ không còn các vụ thử tên lửa đạn đạo nữa – nhưng đó chỉ là về phía Bắc Triều Tiên.
Hầu như tất cả mọi người đều chấm điểm cuộc hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, và thông báo đó về việc dừng các cuộc tập trận quân sự nói riêng là một chiến thắng to lớn đối với Kim Jong-un.
Không cần phải nói, Donald Trump không hề nhìn nhận nó như thế và tâm trạng của ông ta tối sầm lại khi quay trở lại Mỹ và nhìn thấy tựa những bài báo.
Đăng trên Twitter, vị tổng thống viết: “Vừa hạ cánh – một chuyến đi dài, nhưng mọi người giờ đây có thể cảm thấy an toàn hơn nhiều so với ngày tôi nhậm chức. Không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên nữa.”
Ngoại trừ việc, không có bất cứ điều gì thay đổi trong kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và không có lời hứa nào được thực hiện – vì vậy cuối tuần trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo đã bị truy hỏi về điều này.
Ông Pompeo tìm cách lý giải rằng đó không phải là những gì tổng thống đã nói, và tìm cách nói đó là mong muốn của ông Trump.
Và mặc dù mục tiêu vẫn là sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, các quan chức Mỹ đã phải thừa nhận với báo giới vào tuần trước rằng thậm chí còn không có một thỏa thuận về việc định nghĩa phi hạt nhân hóa, chứ đừng nói đến việc làm việc đó như thế nào.
Nói cách khác, tám tháng kể từ Singapore, họ vẫn chưa xác định được các điều khoản. Các quan chức này cũng từ chối tham vấn bất kỳ đề nghị nào từ Hà Nội.
Điều này có mục đích làm suy giảm sự kỳ vọng.
Vì vậy có thể nên thực tế về những gì có thể hy vọng từ Hà Nội.
Có thể sẽ có một số thỏa thuận trong đó Triều Tiên hứa sẽ tạm dừng tất cả các công việc tại cơ sở hạt nhân của họ tại Yongbyon, và cho phép kiểm tra để gỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt?
Liệu Mỹ có sẵn sàng tuyên bố rằng Chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc – một yêu cầu lâu dài của phía Triều Tiên?
Ngoài ra, làm thế nào để xác minh một thứ mà chúng ta còn không biết chính xác Triều Tiên có những gì?
Tất nhiên là đã có những ước tính về kho vũ khí hạt nhân của Kim nhưng có ai biết rõ con số thực sự không?
Trên đường phố ở Hà Nội, đang có những tiếng rầm rì về thành phố này, với một bề dày lịch sử phức tạp sẽ là trung tâm của hội nghị thượng đỉnh thứ hai.
Thậm chí là một mô hình kinh tế mà Triều Tiên có thể trở thành. Nhưng những điều lớn lao này liệu có được quyết định trong những ngày tới và có thể định hình địa chính trị trong tương lai của bán đảo hay không, hay đây sẽ là một sân khấu kịch tính khác?
Lần trước, có lẽ là tuyệt vời thật – và cũng đủ rồi- để cho thấy hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều mỉm cười và bắt tay nhau.
Nhưng có lẽ một bước tiến nhỏ sẽ được thực hiện ở đây.
Và có lẽ sẽ cần phải có nhiều hội nghị thượng đỉnh nữa giữa hai nhà ‘hòa giải hòa bình’ này.
Donald Trump được biết là không vội vàng gì. Cũng tốt thôi. Chuyện này cũng phải thực hiện một cách cẩn thận chậm rãi tương tự như lúc chúng ta kẹt trong làn giao thông giờ cao điểm của Hà Nội vậy.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47367503

Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Donald Trump

tìm một dấu ấn trên trường quốc tế

Anh Vũ
Hôm nay, 27/02/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 với chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội. Không còn là cuộc gặp mang tính biểu tượng lịch sử như lần đầu cách đây 8 tháng tại Singapore, thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 đang mở ra một hướng mới cho chính sách quốc tế của tổng thống Trump trong nửa cuối nhiệm kỳ.
Hai năm lãnh đạo cường quốc Hoa Kỳ với chủ trương « nước Mỹ trước tiên », ông Donald Trump tập trung chủ yếu vào các công việc đối nội cùng lúc phải đối phó với những công kích trong các hồ sơ nội bộ. Các chính sách đối ngoại Mỹ thường gây bất ngờ bởi các quyết định mang đậm tính cách cá nhân của ông Trump. Tổng thống Mỹ thường xuyên bị chỉ trích đã bỏ rơi vai trò cường quốc thế giới và thích thể hiện sức mạnh của nước theo kiểu vô nguyên tắc hay phi ngoại giao.
Tổng thống Mỹ khởi đầu hai năm sau của nhiệm kỳ bằng các hồ sơ quốc tế trọng điểm là Venezuela và hạt nhân Bắc Triều Tiên. Trước mắt là cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 với lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Đây có thể được xem như là phép thử về vị thế và vai trò của cường quốc Hoa Kỳ trong giải quyết các vấn đề quốc tế.
Theo ông Aaron David Miller, một nhà ngoại giao kỳ cựu từng cố vấn cho 6 ngoại trưởng Mỹ, hai năm đầu nhiệm kỳ của ông Donald Trump thể hiện « lỗi chuyên môn ngoại giao ». Về mặt đối ngoại, chính quyền Trump không có những quyết định rõ ràng và được dự liệu trước. Tuy nhiên ông Miller nhận thấy tổng thống Trump đã khá khôn khéo để hạ nhiệt căng thẳng với Bắc Triều Tiên và ông thể hiện được ý tưởng rõ ràng về vai trò của Hoa Kỳ trong các cuộc chiến ở Afghanistan hay Syria. Các quyết định rút quân của tổng thống Trump đã dứt nước Mỹ ra khỏi các cuộc xung đột dai dẳng và bất phân thắng bại. Duy chỉ có hồ sơ hạt nhân Iran, quyết định của ông Donald Trump đang làm cho nước Mỹ trở nên lẻ loi.
Theo các nhà quan sát chính trường Mỹ, thì tất cả các đời tổng thống Mỹ khi bước chân vào Nhà Trắng đều không có kinh nghiệm gì về chính sách đối ngoại, nhưng hầu hết đều quan tâm đặc biệt đến các vấn đề quốc tế lớn ở cuối nhiệm kỳ, với hy vọng để lại một dấu ấn lịch sử nào đó. Tổng thống Trump lúc này cũng đang có cơ hội làm như vậy.
Với ông Donald Trump, trường quốc tế là nơi để xả bớt sức ép từ các hồ sơ vụ việc trong nước đang nhắm vào ông, đặc biệt từ khi đảng Dân Chủ nắm Hạ Viện. Chuyên gia Jordan Tamam, giáo sư American University cho rằng chính sách đối ngoại là lĩnh vực có biên độ hoạt động rộng hơn, tổng thống không bị ràng buộc nhiều bởi Quốc Hội.
Còn trên hồ sơ Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ trong cuộc gặp lần thứ 2 với Kim Jong Un sẽ phải làm sao đạt được kết quả cụ thể xung quanh khái niệm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và những điều kiện cho tiến trình đó. Các nội dung trên mới chỉ được đề cập đến một cách chung chung và còn nhiều khác biệt sau cuộc gặp lần trước. Cho dù trước khi đến Hà Nội lần này, ông Trump từng tuyên bố không vội vã trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng hơn bao giờ hết ông Trump không muốn trở về Washington tay không.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh Hà Nội, có thể sẽ chưa có được những quyết định mang tính đột phá lớn, thì ông Trump cũng phải mang về những kết quả cụ thể mở hướng đi cho tiến trình giải trừ hạt nhân và cho phép hy vọng vào một nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên.
Một thành công cụ thể ở thượng đỉnh Hà Nội, sẽ còn là cú hích cho ông Trump trong cách điều hành chính quyền trong nước, vốn đang bị đối lập bủa vây tấn công từ nhiều hướng và nhất là ông có thể tự tin nghĩ đến nhiệm kỳ tổng thống thứ hai khi mà chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đang rậm rạp khởi động.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190227-thuong-dinh-my-trieu-ong-donald-trump-tim-mot-dau-an-tren-truong-quoc-te

Tình Báo Mỹ Thắng Kim

Vi Anh
Tin vui trước ngày đàm phán Trump-Kim, VOA 22-02-19 loan tải Viet Jet dự trù bên lề hội nghị sẽ dàn xếp mua thêm 100 máy bay Boeing 737 MAX trị giá gần 13 tỷ USD, ngoài số máy bay đã mua hồi năm ngoái.
Thế là tiền sắp vào túi Mỹ nhờ cuộc họp thượng đỉnh ở Hà nội. Nhưng an ninh quốc phòng Mỹ là quốc gia đại sự, một chuyện khác tối quan trọng. Tin VOA 23-02, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/2 loan báo chuyện giảm quân số của Mỹ tại Hàn Quốc không được đưa lên bàn thảo luận trong cuộc họp
tới đây giữa ông với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Và Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Guy Roberts, đặc trách các chương trình hoả tiễn, hóa học và sinh học, ngày 14/2 cho biết cộng đồng tình báo Mỹ tin rằng có rất ít cơ hội Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng như hệ thống phân phối và khả năng sản xuất chúng, ngay cả khi Washington và Bình Nhưỡng đạt được một thỏa thuận phi  nguyên tử hóa quốc gia Đông Bắc Á này. Mới thấy tin từ tình báo quân sự Mỹ. Chưa thấy tin của tình báo CIA là cơ quan đặc trách tình báo quốc ngoại của Mỹ. Kim Jong un đã hơn một lần lo sợ bị CIA và Tình báo Hàn Quốc tổ chức ám sát.
Bộ An ninh của CS Bắc Hàn ngày 5 tháng 5, 2017 đã tố cáo CIA Mỹ và NIS tình báo quốc gia của Nam Hàn mưu toan ám sát  Kim Jong un. Bộ An ninh CS Bắc Hàn ra thông báo nói CIA và NIS đã “cài nhóm khủng bố mưu sát” xâm nhập Triều Tiên để tiến hành tấn công bằng hóa chất.
Những tin tức này tạo cho Kim Jong un nỗi sợ bị ám sát chết. Báo cáo của tình báo Nam Hàn cho Quốc Hội còn nói Kim Jong-un đang sợ, nỗi sợ bị ám sát không rời y. Y hạn chế xuất hiện 32% dù tánh y rất thích xuất hiện khoa trương với cả đám tướng lãnh đi theo mỗi người phải cầm một cuốn sổ tay để ghi chép chỉ đạo của y. Y không đi chiếc xe Mercedes-Benz S600 duy nhứt dành cho y mà liên tục đổi xe, đổi giờ khởi hành, lộ trình di chuyển. Y chúi mũi vào tin tức “tuyệt mật” đặc trách theo dõi chiến dịch theo dõi âm mưu này. Nỗi lo sợ của y làm “tê liệt hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Triều Tiên” vì y dành thì giờ theo dõi chiến dịch âm mưu ám sát y. Y cấm không cho máy bay không người lái làm công tác trinh sát, y sợ quân đội CS Bắc Hàn tổ chức sát hại y. Hạn chế ra ngoài, y thường thay đổi chỗ ở trong những tư dinh bí mật có hầm trú ẩn kiên cố được phòng vệ cẩn mật của y. Y dư thì giờ, ít làm việc nên ăn uống nhiều bữa, nhiều sơn hào hải vị bổ dưỡng và lên cân đáng sợ. Theo báo chí ở Nam Hàn khai thác báo cáo của NIS, Kim Jong Un triền miên sống trong nỗi lo sợ bị ám sát và dư giờ nên ăn uống quá đà tới mức đã tăng cân nặng từ 90 kg khi bắt đầu nắm quyền năm 2012 mới 33 tuổi, lên 130 kg như hiện nay, tướng tá như bao gạo chỉ xanh của VN vậy.
Nếu không có những chuẩn bị cho cuộc hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim, với những phái đoàn tiền trạm qua lại lo chương trình nghị sự, nơi ăn chốn ở, lộ trình đi lại của nhau thì tình báo Mỹ và Hàn Quốc khó có thể xâm nhập vào chế độ gia đình trị của CS Bắc Hàn là một chế độ khép kín nhứt hành tinh này. Và dù Mỹ chưa thuyết phục được CS Bắc Hàn giải trừ hoả tiễn và nguyên tử, nhưng xuyên qua những chuyến đi của phái đoàn đại diện ngoại giao của Mỹ trong vấn đề chuẩn bị và tổ chức hội nghị hay trong các hội nghị, dù một người Mỹ bình dân thế mấy cũng không thể không nghĩ các cơ quan tình báo Mỹ và Bắc Hàn không có mặt và làm công tác chuyên môn. Dĩ nhiên là những chiến sĩ thầm lặng này phải giả dạng, giả danh là chuyên gia, chuyên viên, báo chí, v.v…
Thắng lợi rõ rệt của tình báo Mỹ và Hàn quốc gây ra một cách xuất sắc là tạo sự nghi ngờ của Kim Jong un đối với những tướng tá kể cả chồng của cô ruột y và nhiều giới chức nhiều quyền lực từ cha của y thừa kế lại cho y. Bất cứ quân nhân, cán bộ, đảng viên Kim Jong un nghi ngờ có thể ám hại, mưu ám sát, âm mưu lật đổ y là y giết chết một cách thê thảm và tàn bạo.
Thành quả của tình báo không phải như của quân đội, đếm xác địch chết ngoài chiến trường, mà làm cho hàng ngũ lãnh đạo đối phương nghi ngờ, lo sợ, giết hại cán bộ tín cẩn.
Ai có dịp xem tấm hình của phái đoàn tiền trạm của CS Bắc Hàn sang Hà nội lo cho Chủ Tịch Kim hội nghị với TT Trump, thì thấy nỗi lo sợ của những chuyên viên, tuỳ viên của CS Bắc Hàn bộc lộ ra ngoài, mắt chỉ ngó xuống, lo âu hằn trên mặt, không một hở môi.
Trong thời gian chuẩn bị và củng cố lên ngôi như vua CS đời thứ ba, Kim Jong un đã tỏ ra là người gian ác tận cùng cây số của gian ác. Cha y chết có trối nhờ người dượng rể của y vốn là nhơn vật số hai quyền thế sau cha y, cố giúp y nằm giữ guồng máy Đảng Nhà Nước, Quân đội CS Bắc Hàn. Sau một cuộc họp phê bình kiểm điểm dàn dựng, y ra lịnh lôi cổ ra xử bắn hồi tháng 12-2013; y còn cho chó ăn thịt vị tướng bị banh thây nát thịt này. Cô y sợ quá không bao lâu sau chết một cách âm thầm do y thuốc chết hay bịnh chết không ai biết.
Trong thời gian chuẩn bị cho Chủ Tich Kim đàm phán lần hai này có tin trên VOA ngày 20-2-19 dẫn nguồn từ Reuters của Anh cho biết, Kim Jong un đã cho “ra rìa” một số cán bộ đảng viên bị cáo buộc đào tẩu, gián điệp, đã làm xói mòn sự tin cẩn của lãnh tụ Kim Jong Un.
Ngoài sự ngờ vực đối với các nhà ngoại giao kỳ cựu, Kim Jong Un còn thanh trừng ông Han Song Ryol, phó bộ trưởng ngoại giao phụ trách quan hệ với Hoa Kỳ, về tội làm gián điệp cho Washington, theo hai nguồn tin thân cận cho Reuters biết. Một nguồn tin ngoại giao tại Seoul nói với Reuters rằng ông Han đã bị thanh trừng vào năm ngoái sau khi bị buộc tội làm gián điệp cho Hoa Kỳ và từ túi công quỹ nhà nước. Ông Thae cho biết ông Han đã bị thanh trừng, điều đó có nghĩa là ông có khả năng đã bị đưa đến một trại cải tạo lao động hoặc có thể bị xử tử.
Ông Thae cho biết ít nhất 10 nhà ngoại giao Triều Tiên đã bị xử tử dưới thời Kim Jong Un, và được thay thế bởi các trợ lý trẻ hơn và những người trung thành. Nhiều nhà ngoại giao và quan chức khác đã phải “ra rìa.”
Còn trong thời kỳ chuẩn bị cuộc đàm phán thứ nhứt  ở Singapore, Chủ Tịch Kim vẫn ngựa quen đường cũ, trảm tướng trước khi xuất chinh.
Trước khi lên đường đi Singapore tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump,  vào 12 tháng 6 Kim Jong-un bất thần thay đổi ba vị tướng chủ chốt của Quân Đội CS Bắc Hàn. Tướng quân đội Kim Su-gil đã được bổ nhiệm làm Cục trưởng Tổng cục Chính trị thay cho Kim Jong-gak. Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Ri Myong-su được thay thế bởi cấp phó của mình là Ri Yong-gil,  và No Kwang-chol trở thành Bộ trưởng Quốc phòng thay cho Pak Yong-sik.
Nhiều dư luận cho rằng Kim bất thần thay 3 tướng then chốt  của quân đội là nhằm ngăn ngừa một cuộc đảo chính khi Kim Jong-un rời khỏi Bắc Hàn trong nhiều ngày.
Nếu quan niệm chống khủng bố, chống độc tài CS, chống quân phiệt ít tốn kém nhân tài vật lực là làm cho chúng sợ chết, sợ bị ám sát, sanh nghi ngờ lẫn nhau, khiến chúng thanh toán lẫn nhau; nếu thế thì phải nói CIA đã thắng Kim Jong un./.(VA)
https://vietbao.com/p123a291260/tinh-bao-my-thang-kim

Quan hệ Mỹ-Việt có ấm lên sau gặp gỡ Trump-Kim ở Hà Nội?

Tina Hà GiangBBCvietnamese.com
Việc thượng đỉnh Trump-Kim lần hai được tổ chức tại Hà Nội được cho là thắng lợi tốt cho Việt Nam về nhiều mặt, nhưng quan tâm chính của nhiều người vẫn là kết quả của hội nghị và triển vọng của quan hệ Việt-Mỹ sau sự kiện này.
Trả lời phỏng vấn của BBC từ 23 đến 26/2, giới quan sát người Mỹ gốc Việt gồm kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, luật sư Trần Thái Văn và Tiến sĩ Lê Minh Nguyên chia sẻ nhận định của họ.
‘Một thắng lợi ngoại giao’
Cho rằng việc thượng đỉnh Trump-Kim lần này được tổ chức tại Hà Nội là một thắng lợi của Việt Nam, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nói:
“Đây là một thắng lợi ngoại giao cho Việt Nam khi thủ đô Hà Nội được Hoa Kỳ và Bắc Hàn chọn là nơi tổ chức thượng đỉnh giữa hai lãnh tụ của họ. Yếu tố tiện dụng có thể là then chốt cho hai quốc gia đang muốn giải quyết nhiều mâu thuẫn trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á. Nhưng Hà Nội có thể khai thác thắng lợi ngoại giao đó như thế nào thì chúng ta chưa biết.”
‘Cẩm nang’ thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội
Giới nhân quyền nghĩ gì về hội nghị Trump-Kim?
VN trục xuất người ‘đóng giả’ ông Kim Jong-un
Luật sư Trần Thái Văn, cựu dân biểu tiểu bang California, thì nói rằng về khía cạnh tuyên truyền, sự lựa chọn Hà Nội cho biến cố lịch sử này sẽ đem lại một vài cơ hội tốt cho Việt Nam trên diễn đàn quốc tế, nhất là về lãnh vực ngoại giao, an ninh, và kể cả du lịch.
Nhưng ông Văn nhấn mạnh:
“Tuy nhiên, vấn đề chính yếu và tối quan trọng mà toàn thế giới đang chờ đợi vẫn là kết quả của cuộc họp thượng đỉnh giữa hai ông Trump, Kim về chương trình từ bỏ vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn cũng như an ninh của vùng Bắc châu Á, nếu không muốn nói đến toàn cầu. Hà Nội chỉ được dùng làm sân khấu cho một cuộc trình diễn chính trị quốc tế cho hai nhân vật chính, đó là ông Trump và Kim về một đề tài cả thế giới đều quan tâm đến.”
Tiến sĩ Lê Minh Nguyên phân tích:
“Trong cơ hội này, Hà Nội được lợi nhiều, được Mỹ coi là mô hình tốt mà Bắc Hàn nên noi theo để phát triển, nên nó củng cố thế vị thế quốc tế của chế độ, bảo đảm được quyền lực của đảng CSVN, tạo được lòng tin của Mỹ và có thể được Mỹ ưu đãi hơn trong thương mại và trong các viện trợ không điều kiện.
“Nhưng cả ba đều có lợi. Tổng thống Trump có được uy tín là đã vì hoà bình thế giới, nó hữu ích cho ông trong việc vận động tranh cử 2020 và cho việc xét giải Nobel Hoà Bình. Kim Jong-un được nới lỏng cấm vận kinh tế, và cũng như CSVN, cũng cố được thế vị thế quốc tế.”
Ông lưu ý:
“Trong chuyện này Hà Nội không ở thế chủ động ngồi tay lái mà chỉ là may mắn được chọn, ông Trump nói sẽ gặp Kim lần thứ ba và phần chắc là không phải ở Việt Nam. Mỗi chọn lựa là một tín hiệu riêng mà Mỹ muốn gửi tới Bắc Hàn.”
Một thông điệp cho Bắc Kinh?
Ngoài những thắng lợi nói trên, liệu Việt Nam, qua dịp này, có thể gửi được một thông điệp tế nhị đến Bắc Kinh rằng Hà Nội có được sự hỗ trợ chiến lược của Washington trong tranh chấp Biển Đông không?
Về điểm này, kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa nhận định:
“Để chuẩn bị tổ chức thượng đỉnh lần hai, hai phái bộ của Washington và Bình Nhưỡng đã có nhiều cuộc gặp gỡ và họ quyết định chọn Việt Nam. Sau cùng phía Hoa Kỳ chiều lòng Bắc Hàn mà chọn Hà Nội thay Đà Nẵng. Hà Nội sốt sắng nhận lời vì được cơ hội nâng cao thế giá của mình, nhưng đây là sự chọn lựa của người khác.”
“Một cách gián tiếp và nhẹ nhàng, Hà Nội có thể cho Bắc Kinh thấy quan hệ đang cải tiến giữa Việt Nam và Hoa Kỳ do hồ sơ Biển Đông, vốn là việc lãnh đạo Trung Quốc đã theo dõi và thấy từ lâu. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Hà Nội đã dám lấy rủi ro mà nghiêng hẳn về phía Mỹ.”
Luật sư Trần Thái Văn lập luận:
“Chính sách Hoa Kỳ về tranh chấp Biển Đông đã được thông báo rất rõ ràng từ thời Tổng thống Obama và vẫn được duy trì đến ngày hôm nay, chứ không phải mới bây giờ. Còn về phía Việt Nam, Hà Nội vẫn tiếp tục trò chơi “đu dây” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong nhiều năm nay, dù nhà cầm quyền Việt Nam hiểu rõ sự bành trướng và đe dọa quân sự của Bắc Kinh tại vùng Biển Đông.”
“Vậy câu hỏi nên được đặt ra là, liệu Việt Nam có dám gửi một thông điệp, trực tiếp hoặc gián tiếp cho Bắc Kinh trong kỳ họp này không? Tiếc thay, qua hành xử từ nhà cầm quyền Hà Nội về nhiều vấn đề liên quan đến Trung Quốc trong quá khứ cũng như hiện tại, người dân Việt Nam đã biết khá rõ câu trả lời.” Ông Văn nói.
Tiến sĩ Lê Minh Nguyên phân tích:
“Mỹ luôn hỗ trợ Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông, dù không thể nói ra trên bình diện pháp lý hay chủ quyền. Chính thức thì lập trường của Mỹ là tự do hàng hải theo luật biển quốc tế, Trung Quốc không được bồi đắp các đảo nhân tạo, không được đe dọa các đường vận chuyển quốc tế.”
“Mỹ hỗ trợ Việt Nam đơn giản vì Việt Nam là con cờ trong bàn cờ tướng vĩ đại mà Mỹ và Trung Quốc đang chơi, vấn đề là CSVN không dám làm đồng minh của Mỹ, do vừa sợ Trung Quốc nổi cơn thịnh nộ vừa sợ Mỹ sẽ bỏ rơi đồng minh để thành con tốt thí.”
“Nếu có một thông điệp tế nhị đến Bắc Kinh thì đó là: bây giờ Việt Nam có một vị thế quốc tế tốt, đang được Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới giúp để tự chủ và tự bảo vệ, về địa chính trị và ý thức hệ thì chúng ta là đồng minh nhưng xin đừng lấn sân.”
Thắt chặt thêm quan hệ với Mỹ?
Trước suy đoán là việc Tổng thống Trump đến thăm Việt Nam nhân dịp này sẽ mang đến thêm cho đôi bên một cơ hội đối thoại song phương, qua đó Việt Nam có thể thắt chặt thêm quan hệ với Mỹ về nhiều mặt, luật sư Trần Thái Văn nói:
“Đúng như vậy! Từ khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương với 11 quốc gia liên hệ trong vùng châu Á (TPP), chính phủ Hoa Kỳ có ý định sẽ điều đình trực tiếp, song phương với từng quốc gia về vấn đề trao đổi mậu dịch kinh tế, thay vì bị ràng buộc vào một quy lệ tổng quát liên hệ đến nhiều quốc gia tham dự vào TPP.”
Ông lý giải:
“Chuyến đến Việt Nam lần thứ nhì chỉ trong vòng 15 tháng của Tổng thống Trump sẽ tạo thêm một cơ hội tốt cho Hà Nội trực tiếp bàn thảo với các viên chức Hoa Kỳ. Không riêng với ông Trump, phía Việt Nam sẽ có các buổi làm việc với các viên chức ngoại giao và an ninh cao cấp tháp tùng. Hai phía sẽ có cơ hội làm việc trong nhiều lãnh vực khác nhau như an ninh vùng Biển Đông, giao thương quốc tế, di trú, giáo dục, và hy vọng nhân quyền, v.v..”
Tiến sĩ Lê Minh Nguyên nói:
“Theo một nghiên cứu mới đây của RAND Corp, trên bình diện địa kinh tế thì Trung Quốc đã sút chuồng, Mỹ không còn ngăn chận được, còn trên bình diện địa chính trị thì Mỹ chỉ còn khả năng kềm chế sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong một thời gian nữa thôi, rồi sau đó cũng sẽ sút chuồng, tức ảnh hưởng của Mỹ sẽ bị đẩy lùi ra khỏi Tây Thái Bình Dương. Cho nên cửa sổ cơ hội để các quốc gia trong vùng như Việt Nam, là nên tận dụng thời gian mà Mỹ còn kềm chế được này để xây dựng nội lực, phát triển sức mạnh quân sự hầu có khả năng tự bảo vệ, nhất là xây dựng được khu vực ‘không cho tiếp cận, cấm vào vùng’ hay A2/AD chung quanh nước mình.”
Ông lập luận:
“Và đúng ra, Mỹ mới là nước muốn thắt chặt thêm mối quan hệ với Việt Nam, Mỹ muốn thương mại đầu tư, và muốn làm vững mạnh hơn vai trò đối trọng chiến lược của Việt Nam với Trung Quốc, trong khi CSVN chủ yếu là muốn thương mại đầu tư và muốn dùng Mỹ để kềm chế bớt Trung Quốc ở Biển Đông, chứ dứt khoát không theo mô hình Mỹ mà là theo mô hình phát triển của Trung Quốc.”
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa có nhận định tương tự:
“Chúng ta chưa biết ông Trump có nói gì với lãnh đạo Hà Nội hay không, ngoài lời cảm tạ hàm ý xã giao với quốc gia đăng cai tổ chức thượng đỉnh. Trong các cuộc gặp gỡ song phương, ông Trump hay vuốt ve tự ái của lãnh tụ xứ khác khi bốc họ lên mây xanh, có lẽ như một thuật đàm phán, nhưng lại thiếu thuần nhất vì ưu tiên từng lúc trong nội tình chính trị Hoa Kỳ. Tuy nhiên, rõ ràng là chính quyền Mỹ đang tăng cường quan hệ mọi mặt với Việt Nam vì mối nguy Trung Quốc lù lù trên vùng biển Đông Nam Á.”
Ông kết luận:
“Kết cục, tôi thiển nghĩ không phải ông Trump mà chính Hà Nội mới cần bật tín hiệu tích cực, nhất là về quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ trong bối cảnh của trận thương chiến giữa Mỹ với Trung Quốc và nếu Hà Nội nêu quyết tâm cải cách sau Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương với 10 nước còn lại ngoài Hoa Kỳ.”
“Đây mới là cơ hội cho Việt Nam thoát dần khỏi sự lệ thuộc vào kinh tế của xứ láng giềng nhiều tham vọng mà lại ít tôn trọng luật lệ quốc tế. Nghịch lý ở đây: ưu tiên của ông Trump là hồ sơ Bắc Hàn, ưu tiên của Hà Nội là hồ sơ Bắc Kinh!” Ông nhấn mạnh.
Vui buồn lẫn lộn
Được hỏi về cảm nhận trước sự kiện Việt Nam được chọn là nước chủ nhà trong thượng đỉnh Trump-Kim lần này, Tiến sĩ Lê Minh Nguyên giải bày:
“Cảm nhận của tôi là một sự vui buồn lẫn lộn.”
“Tôi vui vì trên bình diện quốc gia, thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn nên Trung Quốc xem Việt Nam nặng ký hơn mà bớt đi sự hà hiếp. Tôi buồn vì Mỹ xem chính quyền CSVN là mô hình mà Bắc Hàn nên theo, mô hình chính trị độc tài độc đảng, kinh tế tư bản nhà nước. Tôi còn lo là sau thượng đỉnh này, CSVN có thêm chính danh để gia tăng đàn áp anh em dân chủ trong nước.”
Cựu dân biểu Trần Thái Văn chia sẻ:
“Trong chuyến Tổng thống Trump đi Việt Nam kỳ này, sự mong muốn và yêu cầu của nhiều vì dân cử Hoa Kỳ, kể cả các vị dân cử Mỹ gốc Việt, là muốn thấy chính quyền Trump đặt vấn đề mạnh hơn với Việt Nam về vi phạm nhân quyền và những chiến dịch bắt bớ rất nhiều các nhà hoạt động bất bạo động trong những năm qua. Đối với Hoa Kỳ, sự quan tâm về nhân quyền và dân quyền với một quốc gia đối tác, kể cả Việt Nam, vẫn là một yếu tố thuần tuý, căn bản, để xây lên một nên tảng bang giao tốt và vững chắc.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47354134

Cựu quan chức ngoại giao Mỹ:

5 ‘bài toán’ tại thượng đỉnh Mỹ – Triều

Cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ Robert Joellick cho rằng các bên liên quan cần chung tay giải quyết mối hiểm họa tên lửa và vũ khí hạt nhân, song song với việc xây dựng lòng tin.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên tại Hà Nội, cựu đại diện thương mại và thứ trưởng ngoại giao Mỹ Robert Joellick cho rằng cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại hội nghị lần này cần thực tế và dựa trên những thỏa thuận đã đạt được ở hội nghị lần đầu tiên.
Ông Joellick – từng đảm nhiệm cương vị chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng hội nghị thượng đỉnh lần này cần giải quyết 5 vấn đề.
Trước tiên, đó là “tháo ngòi” nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Việc đình chiến năm 1953 đã dẫn tới mối quan hệ căng thẳng 66 năm nay giữa Triều Tiên và Hàn Quốc và giờ cả hai bên phải từng bước chấm dứt sự đối đầu dai dẳng này. Nếu nguy cơ bùng nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên không còn hiện hữu, Mỹ có thể giảm số binh sĩ của mình đang đồn trú tại khu vực.
Thứ hai, Triều Tiên và Hàn Quốc cần có một chương trình nghị sự xây dựng lòng tin trong mối quan hệ song phương. Những bước đầu tiên nên tập trung vào các mục tiêu nhân đạo, đoàn tụ gia đình, giao lưu thể thao và kết nối quan hệ cá nhân giữa người với người để dần dần mở cửa xã hội Triều Tiên ra với Hàn Quốc và với cả thế giới.
Các dự án kinh tế cần khuyến khích những cải tổ đơn giản nhằm nâng cao đời sống của người dân, phát triển thị trường.
Tiếp đến, theo ông Joellick, các bên phải đàm phán vấn đề an ninh khu vực. Bán đảo Triều Tiên từ lâu đã là nơi diễn ra việc tranh giành quyền lực ở Đông Bắc Á kể từ cuộc chiến Nhật – Trung những năm 1894-1895 và cuộc chiến Nhật – Nga thời kỳ 1904-1905.
Để có được an ninh và hòa bình lâu dài, cả hai miền Triều Tiên cần phải hợp tác với các nước châu Á khác và Mỹ trong những vấn đề như hạn chế số tên lửa tầm ngắn hay vấn đề Triều Tiên trao trả những công dân Nhật Bản bị bắt cóc.
Thứ tư, cả Washington và Seoul cần hướng Bình Nhưỡng tới những mô hình cải tổ kinh tế. Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc, cũng như các quốc gia khác có thể hỗ trợ lương thực, thuốc men cho Triều Tiên khi những lệnh trừng phạt vẫn đang có hiệu lực.
Nếu Triều Tiên hướng tới cơ chế thị trường thì các nước nhất là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cần mở cửa với quốc gia Đông Bắc Á này.
Cuối cùng, tất cả các bên liên quan đều cần chung tay giải quyết mối hiểm họa tên lửa và vũ khí hạt nhân và quá trình này cần được tiến hành từng bước song song với việc xây dựng lòng tin.
Triều Tiên cần thực sự ngừng thử và phổ biến tên lửa và vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) kiểm tra theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Robert Zoellick cũng cho rằng những đề xuất của chính quyền Tổng thống Trump như ký Hiệp ước hòa bình hay mở các văn phòng liên lạc điều phối sẽ không đạt hiệu quả nếu không được kết nối với các mục tiêu về chính sách.
Theo kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ sẽ diễn ra trong các ngày 27 và 28-2 tại Hà Nội.
Tại hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên được tổ chức tại Singapore tháng 6 năm ngoái, hai bên nhất trí Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh lần 2 dự kiến sẽ tập trung đàm phán về các bước phi hạt nhân hóa cụ thể của Bình Nhưỡng và các biện pháp tương ứng mà Triều Tiên yêu cầu Mỹ thực hiện như nới lỏng các lệnh trừng phạt và cải thiện quan hệ.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/26502-cuu-quan-chuc-ngoai-giao-my-5-bai-toan-tai-thuong-dinh-my-trieu.html

Lục quân Mỹ: Năng lực quân sự Nga

đạt đỉnh vào năm 2028, TQ năm 2030

Lục quân Hoa Kỳ ước tính năng lực quân sự của quân đội Nga sẽ đạt đỉnh vào năm 2028 và theo sát là Trung Quốc vào khoảng năm 2030, cho Mỹ gần một thập niên để chuẩn bị cho những mối đe dọa đó, một quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc nói trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai.
Bộ trưởng Lục quân Mark Esper, quan chức dân sự hàng đầu lãnh đạo binh chủng này, nói Lục quân sẽ giảm, loại bỏ hoặc trì hoãn gần 200 chương trình vũ khí và tái tập trung ngân quỹ vào việc đầu tư vào năng lực của Mỹ để vượt qua quân đội của Nga và Trung Quốc đang trỗi dậy.
“Chúng tôi dự đoán là năm 2028 và xa hơn nữa, bởi vì chúng tôi nghĩ đó là thời điểm mà người Nga sẽ đạt đến đỉnh điểm.” Ông nói thêm, “Trung Quốc theo sau đó” trong khung thời gian 2030.
Nga và Trung Quốc đang hiện đại hóa lực lượng quân sự của họ từ nhiều năm qua trong khi Mỹ vẫn còn chiến đấu với quân nổi dậy ở Trung Đông.
Ông Esper cho biết chi phí cho các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan đang hạn chế tính sẵn sàng của Mỹ chống lại các nước như Trung Quốc và Nga. Do đó, Lục quân hiện cần nâng cấp trang thiết bị đã hoạt động được 40 năm qua, ông Esper nói.
Trong năm tài khóa 2019, Lục quân Hoa Kỳ yêu cầu 182 tỉ đôla ngân quỹ cấp cho các chương trình và trả tiền lương cũng như tài trợ các cuộc chiến đang diễn tiến. Trong đó, 22 tỉ đôla dự kiến được dành để mua các hệ thống vũ khí.
Ông Esper cho biết ông muốn tập trung kinh phí vào sáu ưu tiên để hiện đại hóa Lục quân, bao gồm cách tốt hơn để bắn vũ khí chính xác qua một khoảng cách xa, một xe chiến đấu mới, một máy bay trực thăng mới và các hệ thống phòng thủ tên lửa tốt hơn cho Lục quân.
Ông Esper nói ông hi vọng việc tái phân bổ ngân quỹ sẽ đem về ích lợi trong những thập niên về sau. “Nếu chúng ta sẽ chiến đấu và giành chiến thắng trước người Nga và người Trung Quốc vào năm 2030, 2040 và 2050, tôi phải bắt đầu xây dựng thế hệ tiếp theo ngay bây giờ,” ông nói.
https://www.voatiengviet.com/a/luc-quan-my-nang-luc-quan-su-nga-dat-dinh-vao-nam-2028-trung-quoc-nam-2030/4805505.html

Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã điện đàm riêng rẽ với các nhà ngoại giao hàng đầu của Ấn Độ và Pakistan.
Ông cũng đồng thời thúc giục đôi bên “tránh hành động quân sự” sau khi Ấn Độ mở một cuộc không kích bên trong lãnh thổ Pakistan.
Reuters dẫn lời ông Pompeo nói trong một thông cáo phát đi tại Washington hôm 26/2 rằng ông đã kêu gọi cả Ấn Độ và Pakistan “kiềm chế” và “tránh leo thang bằng mọi giá”.
XEM THÊM:
Ấn Độ không kích các phần tử chủ chiến bên Pakistan
“Tôi cũng kêu gọi hai ngoại trưởng ưu tiên trao đổi trực tiếp và tránh gây thêm các hành động quân sự”, ông Pompeo nói.
Ấn Độ hôm 26/2 cho biết đã thực hiện các cuộc không kích lúc rạng sáng nhắm vào một doanh trại của nhóm chiến binh Hồi giáo Jaish-e-Mohammad ở Pakistan.
Nhóm này tuyên bố đã đánh bom xe tự sát giết chết 40 binh sĩ bán quân sự của Ấn Độ ở Kashmir cách đây gần hai tuần.
https://www.voatiengviet.com/a/ngo%E1%BA%A1i-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-m%E1%BB%B9-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-v%C3%A0-pakistan-ki%E1%BB%81m-ch%E1%BA%BF/4805649.html

Tướng Mỹ nói không có mối đe dọa quân sự

ở biên giới phía nam

Trước những chất vấn dồn dập của các thượng nghị sĩ, vị tướng hàng đầu của Mỹ đặc trách an ninh nội địa hôm thứ Ba nói rằng ông không thấy mối đe dọa quân sự nào đến từ biên giới phía nam với Mexico, nhưng ông tập trung vào các mối đe dọa “rất thật” từ Trung Quốc và Nga ở phía bắc.
Tướng Không quân Terrence O’Shaughnessy, chỉ huy Bộ Tư lệnh Phương Bắc Hoa Kỳ và Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ, nói với một ủy ban của Thượng viện rằng hàng rào được đề xuất dọc biên giới Mỹ-Mexico có thể tăng cường an ninh chống lại bất kì mối đe dọa quân sự tiềm tàng nào từ phía nam. Nhưng ông nói những tiến bộ về huấn luyện và năng lực của Nga, và ý định của họ đề ra nguy cơ cho Mỹ, mới là mối đe dọa khẩn cấp.
Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia dọc biên giới phía nam để tài trợ cho bức tường được đề xuất của ông và ông định dùng tiền của Bộ Quốc phòng từ các chương trình xây cất quân sự và chống ma túy để chi trả. Các thành viên của Quốc hội đang thách thức điều đó.
Các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện đã dồn dập chất vấn ông O’Shaughnessy về sự cần thiết phải chuyển tiền từ các dự án hiện có và đặt nghi vấn về tính hợp pháp của tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Ông O’Shaughnessy, người đã đến thăm biên giới phía nam vào ngày thứ Bảy với Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan, cẩn trọng nói rằng mọi thẩm định về mối đe dọa ở phía nam là do Bộ An ninh Nội địa và Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới đưa ra. Ông nói rằng các cơ quan này cho rằng dựng thêm hàng rào có thể tác động đến dòng ma túy đổ qua biên giới.
Ông O’Shaughnessy nói ông sẽ để cho Bộ An ninh Nội địa xác định “bản chất của mối đe dọa,” nói thêm rằng Bộ Tư lệnh Phương Bắc đang cố gắng làm “một đối tác tốt” trong khi các cơ quan khác đương đầu với thách thức buôn lậu ma túy. Khi được hỏi liệu đây có phải là một tình trạng khẩn cấp quốc gia hay không, ông nói đó là một “vấn đề quốc gia” đòi hỏi một đối sách bao gồm sự tham gia của toàn bộ chính phủ.
https://www.voatiengviet.com/a/tuong–my-noi-khong-co-moi-de-doa-quan-su-o-bien-gioi-phia-nam/4805122.html

Thủ lĩnh đối lập Venezuela về nước,

thách thức TT Maduro

Tổng thống tự phong của Venezuela, ông Juan Guaido, hôm 26/2, tuyên bố sẽ về nước trong tuần này, một động thái được cho là tiếp tục thách thức Tổng thống Nicolas Maduro.
Nhân vật được phần lớn các quốc gia phương Tây hậu thuẫn đã sang nước láng giềng Colombia tuần trước để lãnh đạo một chiến dịch đưa hàng cứu trợ nhân đạo vào Venezuela nhưng bất thành.
Sau khi gặp các lãnh đạo khu vực, trong đó có Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ở Bogota, ông Guaido dự kiến sẽ quay lại Venezuela trong những ngày tới, qua tuyến biên giới có an ninh lỏng lẻo, và tiếp tục các hoạt động chính trị, công khai thách thức lệnh cấm của Tòa án Tối cao, theo Reuters.
“Tôi sẽ trở về Caracas trong tuần này”, ông Guaido nói trong cuộc phỏng vấn với kênh NTN24 hôm 26/2. “Vai trò và nhiệm vụ của tôi là ở Caracas dù có nhiều rủi ro”.
XEM THÊM:
Venezuela trục xuất nhà báo vì video trẻ em ‘ăn rác’?
Các đại diện của ông Guaido từ chối tiết lộ thời gian cụ thể cũng như cách thức ông sẽ trở về.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh ABC News, phát sóng hôm 26/2, ông Maduro nói rằng số phận của ông Guaido phụ thuộc vào hệ thống tư pháp.
“Ông ta không thể đến rồi đi. Ông ta sẽ phải đối mặt với công lý và luật pháp đã cấm ông ta rời đất nước. Tôi sẽ tôn trọng luật pháp”, Tổng thống Maduro nói, theo Reuters.
Trong khi đó, ông Guaido cho biết rằng nhóm của công đã có chiến lược, trong trường hợp ông bị bắt, dù không cho biết cụ thể là gì.
“Một tù nhân thì không giúp ích được gì cho ai và một tổng thống lưu vong cũng vậy, vì thế chúng tôi hiện chưa rõ”, ông nói.
https://www.voatiengviet.com/a/th%E1%BB%A7-l%C4%A9nh-%C4%91%E1%BB%91i-l%E1%BA%ADp-venezuela-v%E1%BB%81-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-th%C3%A1ch-th%E1%BB%A9c-tt-maduro/4805581.html

Liên Hợp Quốc hoan nghênh

thượng đỉnh Trump – Kim ở Việt Nam

Người phát ngôn Liên Hợp Quốc không đưa ra dự đoán về kết quả của hội nghị song bày tỏ sự ủng hộ đối với thượng đỉnh Trump – Kim lần hai.
“Chúng tôi hoan nghênh cuộc đàm phán này giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên”, Stephane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, ngày 26/2 nói tại một cuộc họp báo thường kỳ, Xinhua đưa tin.
Ông Guterres hồi tháng một nhấn mạnh đã đến lúc đảm bảo rằng các cuộc thảo luận Mỹ – Triều phải bắt đầu một cách nghiêm túc và xây dựng được một lộ trình rõ ràng hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Người phát ngôn Liên Hợp Quốc cho biết ông không muốn “dự đoán về kết quả của hội nghị thượng đỉnh” song sẽ phản ứng “dựa trên tuyên bố mà hội nghị đưa ra”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến gặp thượng đỉnh tại Hà Nội vào ngày 27-28/2. Các vấn đề như lộ trình phi hạt nhân hóa, khả năng nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên hay một tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ là những điểm nhấn đáng chú ý trong chương trình nghị sự.
Chủ tịch Triều Tiên sáng qua tới Việt Nam sau khoảng 60 tiếng đi tàu từ thủ đô Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tối qua đã đáp chuyên cơ Không lực Một xuống Hà Nội. Trên mạng xã hội Twitter, ông chia sẻ thông điệp cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của người dân Việt Nam.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/26499-lien-hop-quoc-hoan-nghenh-thuong-dinh-trump-kim-o-viet-nam.html

Cơ hội vàng cho hòa bình

Nhiều chuyên gia nhận định cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên lần này là cơ hội tốt cho hòa bình của khu vực và thế giới.
Tương tự cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Singapore cách đây tám tháng, trước cuộc gặp lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un ở Hà Nội, vẫn có người lạc quan, có người nghi ngờ về kết quả sự kiện này.
Một cuộc khảo sát của Đài CBS News cho thấy trong khi hầu hết các thành viên Đảng Cộng hòa không biết chắc chắn Triều Tiên sẽ từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân hay không, nhưng họ hoàn toàn ủng hộ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 ở Hà Nội.
Theo đó, 70% thành viên Đảng Cộng hòa cho biết cuộc gặp lần này nên diễn ra. Trong khi đó, 77% thành viên Đảng Dân chủ có ý kiến ngược lại.
Tuy nhiên, căn cứ vào những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên thời gian qua, nhiều chuyên gia nhận định việc tổ chức cuộc gặp lần 2 là một điều đúng đắn dù kết quả có đáp ứng hoàn toàn mục đích của hai bên hay không.
“Đối thoại dĩ nhiên tốt hơn xung đột. Thượng đỉnh tổ chức được ở Hà Nội chắc chắn là một điều tốt” – ông Mark Fitzpatrick, chuyên gia giải trừ hạt nhân thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh), nhận định.
Còn ông Harry J. Kazianis, giám đốc bộ phận nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm Lợi ích quốc gia (Mỹ), đánh giá việc ông Trump và ông Kim gặp nhau lần 2 tại Hà Nội là bước tiến lớn của hai nhà lãnh đạo.
“Đã không còn những lời nói gây tổn thương, ông Trump và ông Kim đã cùng ngồi vào một căn phòng, nói chuyện, hiểu về nhau và gieo những hạt giống được gọi là niềm tin” – ông Harry J. Kazianis phân tích.
Trong khi đó ông Victor Cha, cựu giám đốc đặc trách các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nhận định cuộc gặp ở Hà Nội sẽ trao “cơ hội vàng” cho Triều Tiên có được hòa bình lâu dài. Vị chuyên gia này hi vọng hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều sẽ ra một tuyên bố hòa bình chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) ngay sau cuộc gặp tại Hà Nội.
Một số nhà phân tích cho rằng việc tạm dừng thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên không đồng nghĩa sẽ ngăn chặn nước này phát triển hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Mỹ nhận định nếu mọi thứ tiến triển tốt, cuộc gặp ở Hà Nội sẽ mở đầu cho tiến trình loại bỏ kho vũ khí và năng lực hạt nhân của Triều Tiên, theo Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc.
Bà Duyeon Kim, chuyên gia tại Trung tâm an ninh Mỹ mới, cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Hà Nội có thể sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận sơ bộ, theo đó có các biện pháp ban đầu giúp xử lý Trung tâm hạt nhân Yongbyon cùng nhiều cơ sở hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Chính ông Trump cũng nói rằng ông “không vội” để thúc Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn ngay. Trong cuộc phỏng vấn trên Đài Fox News mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn thừa nhận quá trình giải giáp hạt nhân Triều Tiên đòi hỏi nhiều thời gian và rằng có thể ông Trump và ông Kim sẽ gặp nhau lần nữa sau sự kiện ở Hà Nội.
Hi vọng Mỹ – Triều sẽ có bước tiến mới hướng tới phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu ngày 26-2 từ Bắc Kinh
Tổng thống Donald Trump gặp lãnh đạo cấp cao Việt Nam
Tối 26-2, chuyên cơ Air Force 1 chở Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài, bắt đầu chương trình tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần 2 với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28-2.
Trưa nay (27-2), theo lịch trình dự kiến, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp Tổng thống Donald Trump tại Phủ chủ tịch. Ông Trump sau đó sẽ có cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Sẽ gặp mặt ít nhất 5 lần ở Hà Nội
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 26-2 cho biết Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un dự kiến gặp mặt ít nhất 5 lần trong cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 vào hai ngày 27 và 28-2.
Theo Yonhap, so với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 1 ở Singapore hồi tháng 6-2018, cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim tại Hà Nội dự kiến kéo dài lâu hơn để hai nhà lãnh đạo thảo luận nhiều vấn đề quan trọng. Hãng tin Yonhap dẫn tiết lộ của một quan chức Chính phủ Mỹ cho biết lịch trình cuộc gặp lần này ở Hà Nội sẽ tương tự với lịch trình tại Singapore.
Theo đó, sẽ có cuộc gặp riêng, các cuộc gặp mở rộng, dùng bữa tối chung vào tối 27-2 (đã được xác nhận trên trang web của Nhà Trắng) và tham gia lễ ký tuyên bố chung.
Năm ngoái tại Singapore, ông Trump và ông Kim chỉ có cuộc gặp kéo dài 5 giờ đồng hồ, trong đó gồm một cuộc gặp riêng và các cuộc gặp mở rộng với sự tham gia của các quan chức hai bên.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/26501-co-hoi-vang-cho-hoa-binh.html

Sinh viên Anh giảm,

nước ngoài tăng ở Oxford và Cambridge

Số liệu chính thức cho thấy, số lượng sinh viên người Anh tại hai trường Đại học Oxford và Cambridge giảm hơn 1,000 người so với thập niên trước.
Kẻ thất thu – người kiếm bộn với tấm bằng Đại học Anh
Dân Anh cổ bị thay 90% gene 4500 năm trước
Theo Cơ quan Thống kê Giáo dục Đại học và từ các trường đại học, số lượng sinh viên bản địa giảm lần lượt 7% tại Oxford và 5% tại Cambridge, so với năm học 2007-2008.
Trong khi đó, số lượng sinh viên quốc tế hiện chiếm 51% tại Oxford và 65% tại Cambridge.
Đại học Oxford nói rằng, họ chiêu sinh “những tài năng tốt nhất trên khắp thế giới”.
Thông thường, sinh viên ngoài EU phải trả mức học phí cao hơn, và đối với những trường đại học và khóa học danh tiếng con số này có thể lên tới 30,000 bảng Anh mỗi năm.
Tuy nhiên, đại diện Oxford cho biết, việc tuyển các sinh viên quốc tế tại đây không được tuyển vào bị ảnh hưởng vì “mức học phí mà họ phải trả”.
Tuyển sinh công bằng
Để được nhận vào học tại Oxford và Cambridge, sinh viên phải cạnh tranh rất khốc liệt, và đã có nhiều tranh cãi nổ ra xung quanh vấn đề tuyển sinh công bằng và thay đổi vị trí xã hội.
Thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên dân tộc thiểu số và thanh niên đến từ tầng lớp lao động da trắng là các đối tượng được kêu gọi xem xét ưu tiên.
Trong khi những cuộc tranh luận về mở rộng tuyển sinh vẫn đang diễn ra, số lượng sinh viên Anh được nhận vào học tại Oxford và Cambridge lại giảm đi đáng kể.
Trong năm học 2017-2018, chỉ có lần lượt khoảng 11,300 và 12,150 sinh viên người Anh theo học đại học tại Oxford và Cambridge, dù số lượng hồ sơ xin nhập học vào hai trường này tăng lên.
So với 10 năm trước, con số này đã giảm khoảng 1,200 sinh viên, trong đó Oxford giảm 720 và Cambridge giảm 480 sinh viên.
Tuy nhiên, theo số liệu từ Hesa – cơ quan thống kê chính thức về giáo dục đại học, số lượng sinh viên quốc tế từ Châu Âu và ngoài Châu Âu lại tăng.
Tại các khóa cao học ở Cambridge, số lượng lượng sinh viên quốc tế thậm chí còn nhiều hơn sinh viên bản địa.
‘Khả năng chi trả’
Sir Peter Lampl, Chủ tịch tổ chức Sutton Trust nói, các số liệu cho thấy các trường đại học cần đặt “việc tuyển sinh mở rộng ở vị trí trung tâm của chính sách tuyển sinh”.
“Oxford và Cambridge thu hút rất nhiều sinh viên quốc tế, nhưng cần đảm bảo được sự cân bằng về thành phần sinh viên.”
“Điều này có nghĩa là, việc tiếp nhận sinh viên bản đại hay quốc tế vào trường phải dựa trên yếu tố học lực, chứ không phải là khả năng chi trả của họ”, Sir Peter nói.
Một đại diện trường Oxford cho biết, tiêu chuẩn tuyển sinh áp dụng cho sinh viên bản địa và sinh viên quốc tế của Oxford là giống nhau. Tất cả đều chỉ dựa trên “tài năng và khả năng học tập” của sinh viên, và thông thường tỉ lệ sinh viên người Anh đạt được tiêu chí này cao hơn sinh viên quốc tế.
“Sinh viên chỉ được nhận vào trường khi chứng minh được tiềm năng học tập của mình thông qua cạnh tranh mở, theo quy trình tuyển sinh nghiêm ngặt”, đại diện này nói thêm.
‘Thực tế đáng buồn nhưng khó tránh khỏi’
Một phát ngôn viên trường Đại học Cambridge nói:
“Hồ sơ nhập học đại học từ sinh viên quốc tế đã tăng 56% trong thời gian qua, điều này có nghĩa là sinh viên bản địa phải chịu cự canh tranh rất lớn.”
Nick Hillman, Giám đốc Viện Chính sách Giáo dục Đại học cho biết, việc giảm số lượng sinh viên bản địa tại Oxford và Cambridge là “kết quả đáng buồn nhưng khó tránh khỏi” cho thực tế quốc tế hóa, dù tổng số lượng sinh viên theo học tại đây vẫn giữ nguyên.
“Trong trường hợp này, cần phải tiếp nhận thêm sinh viên bản địa vào trường”, ông Hillman nói.
Ông Hillman cũng cho hay nếu Oxford và Cambridge không muốn “mất đi” sinh viên người Anh, thì họ buộc phải “đối mặt với sự thật và mở rộng tuyển sinh”.
Gấp đôi số lượng sinh viên
Văn phòng sinh viên (OFS), cơ quan quản lý giáo dục đại học, mong muốn nhiều thanh niên có hoàn cảnh khó khăn theo học đại học.
Tuy nhiên, cơ quan giám sát này cũng cho biết điều này đồng nghĩa với việc tổng số sinh viên theo học tại các trường đại học sẽ phải tăng lên.
Theo OFS, nếu tỉ lệ người trẻ theo học đại học tăng tối đa 20%, thì các trường đại học của nhóm Russell ở Anh sẽ phải nhận vào số lượng sinh viên tăng gấp đôi.
Các số liệu của Hesa cũng chỉ ra rằng, tỉ lệ người lớn bỏ học rồi sau đó quay lại sụt giảm đáng kể.
Tại Cambridge, nếu gộp cả những người tham gia các khóa học để nhận chứng chỉ cùng với sinh viên đại học, thì tổng số sinh viên bản địa đã giảm khoảng 29% trong suốt 10 năm qua.
‘Cởi mở và đa dạng hơn’
Cả Oxford và Cambridge đều đã thực hiện nhiều chương trình tuyển sinh để thu hút sinh viên hơn.
Một đại diện Đại học Oxford nói rằng, Oxford cam kết trở thành một trường đại học “cởi mở và đa dạng hơn”, thông qua tuyển sinh sinh viên là dân tộc thiểu số và sinh viên đến từ vùng khó khăn.
“Để duy trì vị trí dẫn đầu của mình chúng tôi cần cam kết đạt được sự cân bằng về thành phần sinh viên. Chúng tôi mong muốn Oxford sẽ trở thành tấm gương phản chiếu xã hội hiện đại, bao gồm cả việc tuyển sinh các tài năng trên khắp thế giới”, người này nói.
Trong khi đó, đại diện Cambridge cho biết dù chịu áp lực tăng tổng số sinh viên, kể cả sinh viên quốc tế, Cambridge đã mở rộng tuyển sinh, bao gồm việc tiếp nhận học sinh từ các trường công.
Đại diện Cambridge nói:
“So với các năm trước, chúng tôi đã đạt được những tiến bộ đáng kể về cách thức tuyển sinh mở rộng. Cambridge tiếp nhận sinh viên dựa trên năng lực, dù cho hoàn cảnh của họ có như thế nào.”
https://www.bbc.com/vietnamese/business-47386647

Thủ tướng Anh chấp nhận khả năng dời ngày Brexit

Thanh Phương
Hôm nay, 27/02/2019, thủ tướng Anh Theresa May đệ trình lên Quốc Hội một kiến nghị để kéo dài đàm phán với Bruxelles về thỏa thuận Brexit, nhưng bà đề nghị với các dân biểu một cơ chế dời lại ngày Luân Đôn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, trong trường hợp đàm phán thất bại. Đây là một nhân nhượng quan trọng của thủ tướng May, vì cho tới nay bà vẫn loại trừ khả năng dời lại thời điểm Brexit, dự kiến vào ngày 29/03.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix tường trình :
« Khi mở đường cho khả năng dời lại ngày Brexit, bà Theresa May dường như muốn tránh một cuộc nổi loạn từ những thành phần ủng hộ châu Âu trong đảng của bà. Màn xiếc đi thăng bằng trên dây này là để cho thủ tướng Anh có thêm ít thời gian và giảm bớt tầm quan trọng của cuộc bỏ phiếu hôm nay.
Trong khi chờ đến thời hạn mới vào giữa tháng 4, các dân biểu Anh chỉ có thể đưa ra những điểm sửa đổi về diễn tiến của Brexit theo mong muốn của họ. Điểm sửa đổi được nhiều người ủng hộ nhất và đã khiến bà Theresa May phải đổi ý, đó là đề nghị của nữ dân biểu Công Đảng Yvette Cooper và dân biểu bảo thủ Oliver Letwin. Hai nghị sĩ này muốn dùng luật để buộc thủ tướng Anh mở rộng điều 50 và hoãn ngày Brexit, nếu thỏa thuận của bà với Bruxelles lại bị bác bỏ.
Nhưng điểm sửa đổi này nay đã bị xem là thừa và bị gác sang một bên, do bà Theresa May đã đưa ra đề nghị tương tự. Tuy nhiên, dân biểu Yvette Cooper vẫn không chịu thua và bà cho biết đang chuẩn bị một bản dự thảo khác để bảo đảm là thủ tướng Anh không đổi ý.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190227-thu-tuong-anh-buoc-phai-chap-nhan-kha-nang-doi-ngay-brexit

Nga bỏ tù cựu nhân viên FSB,

chuyên gia mạng vì chuyển bí mật cho Mỹ

Một tòa án ở Nga hôm thứ Ba tuyên án tù nhiều năm cho một cựu nhân viên an ninh nhà nước và một chuyên gia an ninh mạng sau khi phát hiện hai người đàn ông này phạm tội phản quốc vì lợi ích của Mỹ.
Hai người bị bắt vào tháng 12 năm 2016 ngay sau khi Mỹ cáo buộc Nga tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống của mình bằng cách xâm nhập máy tính, một cáo buộc mà Moscow phủ nhận.
Một trong hai người đàn ông, Sergei Mikhailov, từng làm việc tại trung tâm an ninh của Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB), trong khi người còn lại, Ruslan Stoyanov, từng là trưởng nhóm điều tra sự cố máy tính tại công ty bảo mật không gian mạng Kaspersky Lab ở Nga.
Một tòa án quân sự ở Moscow hôm thứ Ba đã tuyên ông Mikhailov 22 năm trong nhà tù an ninh tối đa và Stoyanov 14 năm trong một cơ sở tương tự, các cơ quan thông tấn của Nga đưa tin.
Cả hai đều bị kết tội chuyển thông tin bí mật cho các cơ quan tình báo nước ngoài, các hãng tin cho biết. Reuters cho hay Ivan Pavlov, một luật sư tham gia trong vụ án, trước đây nói với hãng tin này rằng hai người đàn ông bị buộc tội hợp tác với các cơ quan tình báo của Mỹ.
Vụ án được xếp vào diện bí mật và phiên tòa diễn ra trong phòng kín. FSB từ chối bình luận, trong khi Kaspersky nói các cáo buộc liên quan đến khoảng thời gian trước khi ông Stoyanov gia nhập công ty vào năm 2012, theo Reuters.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-bo-tu-cuu-nhan-vien-fsb-chuyen-gia-mang-vi-chuyen-bi-mat-cho-my/4805116.html

Ngoại trưởng Zarif từ chức

dưới sức ép của hiệp ước hạt nhân Iran

Sức ép từ những người bảo thủ lên hiệp ước hạt nhân Iran với các cường quốc thế giới đã buộc Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif phải từ chức, một nguồn tin thân cận với ông Zarif cho biết hôm 26/2.
Ông Zarif – một người được đào tạo ở Mỹ và là kiến trúc sư của hiệp ước hạt nhân năm 2015 nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc giảm nhẹ các chế tài – không đưa ra lý do khi ông công bố quyết định từ chức hôm 25/2. Việc này đã làm cho chứng khoán của Iran giảm giá.
“Đã có các cuộc họp kín được tổ chức hàng tuần, trong đó các quan chức cao nhất tấn công tới tấp ông (Zarif) với những câu hỏi về hiệp ước này và những gì sẽ xảy ra tiếp theo và sau đó,” nguồn tin cho Reuters biết trong điều kiện giấu tên.
Theo nguồn tin này, “ông ấy và xếp của ông ấy (Tổng thống Hassan Rouhani) chịu một sức ép vô cùng lớn.”
Các phe phái chống phương Tây ở Iran chỉ trích Tổng thống Rouhani và Ngoại trưởng Zarif sau khi Mỹ rút lui khỏi hiệp ước hạt nhân hồi tháng 5 vừa qua và tái áp đặt các chế tài lên nền kinh tế Iran cũng như nền công nghiệp dầu mỏ huyết mạch của nước này vốn phát triển lại sau thỏa thuận hạt nhân.
Tổng thống Rouhani hôm 26/2 chưa quyết định chấp nhận đơn từ chức của ông Zarif. Và phần đông các nhà lập pháp đã gửi tới ông Rouhani một bức thư đề nghị giữ ông Zarif lại, theo Hãng thông tấn Cộng hòa Hồi giáo (IRNA).
https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-zarif-tu-chuc-truoc-suc-ep-cua-hiep-uoc-hat-nhan-iran/4804961.html

TQ chế tạo vũ khí vi sóng gây đau đớn dữ dội

Các chuyên gia phát triển vũ khí Trung Quốc đã sáng chế thứ vũ khí lợi hại dù không gây chết người trên cơ sở các hạt vi sóng, – theo phản ánh của Hoàn cầu Thời báo.
Các chuyên gia từ Viện Đo lường vô tuyến Bắc Kinh và Tập đoàn Khoa học về Công nghiệp Hàng không-Vũ trụ Trung Quốc đã tìm ra cách sử dụng radar vi sóng để đấu tranh chống kẻ thù. Dự án mag tên là: “Microwave Active Denial System” (Hệ thống vi sóng kiềm chế tích cực).
Những đợt sóng milimet chạm vào da của người, tác động vào các đầu dây thần kinh khắp trên bề mặt cơ thể từ đó gây ra đau đớn không thể chịu nổi.
Theo phản ánh của truyền thông Trung Quốc, thứ vũ khí như vậy có thể sử dụng cả trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như khi bảo vệ yếu nhân trong các sự kiện đại chúng. Trong đó, vũ khí vi sóng có thể tập trung để tấn công vào từng cá nhân riêng rẽ, có thể “bắn” vào một khu vực để vô hiệu hóa lập tức cả nhóm người.
Các chuyên gia khẳng định rằng, chùm tia chỉ 0,4 mm, về nguyên tắc là an toàn đối với sức khỏe con người: không gây vết thương, không kích hoạt ung thư. Nhưng đồng thời có thể đẩy lùi cuộc tấn công của đối phương hoặc chặn đứng đối tượng tội phạm.
http://biendong.net/diem-tin/26515-tq-che-tao-vu-khi-vi-song-gay-dau-don-du-doi.html

Ảnh hưởng của TQ với thượng đỉnh Mỹ – Triều

Có một điều chắc chắn là Triều Tiên vẫn cần sự hỗ trợ của Trung Quốc để gia tăng ảnh hưởng đòn bẩy trong những cuộc đàm phán.
Điều chưa chắc chắn là liệu trong dài hạn, Triều Tiên lựa chọn nghiêng về phía Trung Quốc hay Mỹ, hay sẽ vận dụng chiến lược ngoại giao nước bé theo truyền thống là khích nước này cạnh tranh nước kia.
Nhưng có một điều chắc chắn là Triều Tiên vẫn cần sự hỗ trợ của Trung Quốc để gia tăng ảnh hưởng đòn bẩy trong những cuộc đàm phán.
Động lực thúc đẩy quan hệ Trung-Triều
Mặc dù không đóng vai trò chính trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim nhưng nỗ lực và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên trong tương lai là rất lớn.
Nếu cuộc gặp thượng đỉnh và hoạt động ngoại giao tiếp theo tỏ ra là một bước ngoặt trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên thì vai trò của Trung Quốc trong việc đạt được mục tiêu lịch sử này chắc chắn sẽ thay đổi.
Động lực chủ yếu thúc đẩy chính sách của Trung Quốc đối với Triều Tiên là các lợi ích kinh tế và an ninh.
Trên mặt trận kinh tế, mặc dù cán cân thương mại hai bên nghiêng về phía Triều Tiên, nhưng một thị trường khu vực cởi mở và ổn định vẫn có lợi cho Trung Quốc, đặc biệt là các tỉnh Đông Bắc.
Quyền tiếp cận cảng biển không bị đóng băng ở Rason, nơi có cảng Rajin, có thể rút ngắn các tuyến vận tải biển từ Trung Quốc đến Nhật Bản, các thành phố ở phía nam Trung Quốc và các nước khác ở Đông Nam Á.
Hàng hóa được vận chuyển qua Rajin chủ yếu là gỗ xẻ, than đá và các vật liệu thô dùng trong xây dựng mà phần lớn đang chịu lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.
Do đó, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh ngắn hạn giữa khu vực đông bắc Trung Quốc và Triều Tiên.
Mối quan ngại hàng đầu của Trung Quốc là sự ổn định trong khu vực, trong đó có việc đảm bảo sự an toàn thực sự của các thành phố biên giới nước này và việc duy trì sự cân bằng chiến lược ở Đông Bắc Á.
Điều này có nghĩa là Bắc Kinh và Mỹ chia sẻ lợi ích và ủng hộ việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Do Triều Tiên bị cô lập khỏi cộng đồng quốc tế nên các mối quan ngại đã gia tăng về khả năng thiếu hụt công nghệ hạt nhân ở Triều Tiên, đặc biệt là trong lĩnh vực an toàn và quản lý tai nạn hạt nhân.
Sự quan ngại như vậy đã trở nên rõ ràng vào tháng 9/2017, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6, khi các báo cáo về việc một địa điểm thử hạt nhân bị sụp đổ làm dấy lên những quan ngại về khả năng tràn phóng xạ.
An ninh của Triều Tiên đang lệ thuộc vào Trung Quốc?
Trung Quốc và Triều Tiên đã ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau năm 1961.
Hiệp ước này quy định rằng hai nước có thể thực hiện mọi biện pháp cần thiết, kể cả hỗ trợ quân sự để chống lại bất kỳ quốc gia hay liên minh nào có thể tấn công một trong hai nước.
Điều đó có nghĩa là nếu rơi vào tình trạng chiến tranh, Trung Quốc được Triều Tiên trao cho quyền can dự vào bán đảo Triều Tiên.
Quyền này cực kỳ quan trọng đối với Trung Quốc nhằm đảm bảo chính sách “3 không”: không chiến tranh, không bất ổn và không vũ khí hạt nhân.
Đồng thời, sự chuyển biến của Triều Tiên sẽ đóng vai trò đáng kể, quyết định thành công của Trung Quốc trong việc duy trì sự cân bằng chiến lược ở Đông Bắc Á và có lẽ ngay kể cả trong việc thay thế vai trò lãnh đạo của Mỹ đối với trật tự khu vực trong tương lai.
Mặc dù đã có Hiệp ước nhưng Trung Quốc vẫn không tin rằng họ buộc phải bảo vệ Triều Tiên trong bất kỳ cuộc xung đột nào do Bình Nhưỡng khởi xướng.
Dù Trung Quốc có phủ nhận quan hệ liên minh chính thức với Triều Tiên nhưng cộng đồng quốc tế nói chung vẫn nhìn nhận quan hệ Trung-Triều theo cách này.
Sự trỗi dậy và môi trường an ninh luôn thay đổi của Trung Quốc đã gây ra những cuộc tranh cãi trong giới học thuật Trung Quốc về việc liệu Trung Quốc có nên từ bỏ nguyên tắc không liên kết hay không.
Thực tế, Trung Quốc đã tăng cường trao đổi và hợp tác quân sự với một số nước đối tác của mình. Tuy nhiên, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết quan hệ Trung-Triều không phải là quan hệ đối tác mà thay vào đó là quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống.
Nhận định này cho thấy vị trí độc nhất vô nhị của Triều Tiên trong các mối quan hệ song phương của Trung Quốc nhưng cũng cho thấy sự mơ hồ, không rõ ràng của Bắc Kinh trong quan hệ với Bình Nhưỡng.
Điều này có thể làm xói mòn lòng tin của Triều Tiên vào Trung Quốc với tư cách là bên đảm bảo an ninh.
Triều Tiên hầu như không có lựa chọn thay thế về an ninh. Triển vọng ký kết về một hiệp ước hòa bình với Mỹ trong tương lai gần là điều Triều Tiên mong muốn.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lần 2 sắp tới, các chuyên gia dự đoán Washington sẵn sàng đưa ra tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên với những điều kiện nhất định, trong đó chắc chắn có việc xây dựng lộ trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Mặc dù vậy, Triều Tiên chắc chắn vẫn cần sự hỗ trợ của Trung Quốc để gia tăng ảnh hưởng đòn bẩy trong những cuộc đàm phán.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 3/2018, cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều thừa nhận việc phát triển quan hệ Trung-Triều là một sự lựa chọn chiến lược.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/26516-anh-huong-cua-tq-voi-thuong-dinh-my-trieu.html

Trung Quốc phong tỏa biển Hoàng Hải

để chạy thử tàu sân bay

Trung Quốc loan báo phong tỏa một khu vực trong Hoàng Hải để chạy thử tàu Liêu Ninh, sau khi tàu này được nâng cấp.
Bản tin của Tân Hoa xã cho biết Cơ quan Cảng vụ Hàng hải Liêu Ninh hôm 27.2 đã viện “mục đích quân sự” để loan báo lệnh cấm tàu bè qua lại ngoài khơi bờ biển đông bắc TQ từ ngày 25/2 tới ngày 6/3.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết tàu Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, đã rời cảng Đại Liên hôm 25/2 sau 9 tháng được bảo trì và nâng cấp. Ảnh chụp tại điểm neo tàu cho thấy một băng rôn trên đó có dòng chữ “Chúc mừng Liêu Ninh với sứ mạng mới”.
Dự kiến tàu sân bay này sẽ trải qua các đợt thử nghiệm quan trọng trên biển, trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng trước khi được đưa vào biên chế. Bản tin của South China Morning Post dẫn lời chuyên gia hàng hải Li Jie nói:
“Tàu sân bay Liêu Ninh có thể chạy thử trong thời gian đóng hải phận, tuy nhiên Trung Quốc đóng cửa vùng biển trên Hoàng Hải chủ yếu để chạy thử Type 001A, đặc biệt là hệ thống bay.
Type 001A là tàu sân bay nội địa đầu tiên do Trung Quốc tự đóng dựa trên tàu sân bay Liêu Ninh, với kích thước lớn hơn và công nghệ hiện đại hơn.
Chuyên gia Li Jie nói trước khi Type 001A đi vào biên chế, Trung Quốc phải huấn luyện phi công về kỹ năng cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay”.
Trang mạng Guancha.cn nhận định, tàu chiến này hình như đang trong tư thế sẵn sàng được đưa vào hoạt động, sau khi trải qua 4 chuyến thử nghiệm trên biển kể từ khi được hạ thủy vào tháng 4/2017.
Theo báo South China Morning Post, có nhiều khả năng chương trình diễn tập của tàu Liêu Ninh sẽ bao gồm thử nghiệm máy bay chiến đấu J-15, để bảo đảm máy bay chiến đấu này có thể sẵn sàng tác chiến.
Liêu Ninh và Type 001A sẽ tham gia cuộc duyệt binh ngày 23/4 ngoài khơi Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-phong-toa-hoang-hai-de-chay-thu-tau-san-bay/4806341.html

BTT ngừng thử hạt nhân :

 TT Mỹ “hài lòng”, chuyên gia lo ngại

Trọng Thành
Trước khi lên đường đến Hà Nội, dự thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, hôm thứ Hai 25/02/2019, tổng thống Mỹ tuyên bố ông không vội vã trong các thương thuyết giải trừ hạt nhân với Bắc Triều Tiên, và Hoa Kỳ « hài lòng » chừng nào mà Bình Nhưỡng không tiến hành các vụ thử hạt nhân mới. Phát biểu của tổng thống Trump khiến nhiều chuyên gia và nhà hoạt động trong lĩnh vực phi hạt nhân hóa lo ngại.
Trả lời RFI, ông Akira Kawasaki, thành viên của Ican (Chương trình vận động quốc tế hủy bỏ vũ khí hạt nhân), ghi nhận là, kể từ thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore tháng 6/2018 đến nay, chưa có « bất cứ một tiến bộ thực sự nào » trong các đàm phán Mỹ-Bắc Triều Tiên về phi hạt nhân hóa, và các chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh lần thứ hai này dường như không có nhiều tiến triển. Thành viên Ican nhấn mạnh :
« Với kiểu ứng xử này của ông Donald Trump, người ta có thể đặt câu hỏi là chính quyền Mỹ có thực sự dấn thân cho việc giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên hay không. Việc ngừng các vụ thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo chỉ có thể coi là bước đi đầu tiên hướng đến việc giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Chính vì vậy, chúng ta không thể chấp nhận một hiệp ước hòa bình, cho phép Bắc Triều Tiên tiếp tục sở hữu vũ khí hạt nhân. Một nền hòa bình với vũ khí hạt nhân là điều không thể chấp nhận được ».
Về phần mình, nhà địa chính trị học Olivier Guillard, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS) không chờ đợi việc Washington và Bình Nhưỡng đạt được các cam kết cụ thể về giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên tại thượng đỉnh lần này. Tuy nhiên, nhà địa chính trị học Viện IRIS đánh giá là việc Bắc Triều Tiên ngừng thử hạt nhân, cùng với một số cam kết khác từ phía Bình Nhưỡng, có thể dẫn đến việc Hoa Kỳ tuyên bố chấm dứt chiến tranh với Bắc Triều Tiên:
« Việc Bắc Triều Tiên đơn phương ngừng các vụ thử hạt nhân là một trong những điều rất được chính quyền Washington hoan nghênh. Điều này có thể dẫn đến việc Hoa Kỳ giảm nhẹ một số trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, đưa Bắc Triều Tiên trở lại nhóm các quốc gia có thể giao hảo. Trong thượng đỉnh lần này, một trong số những điều mà Bình Nhưỡng có thể đưa ra để thương lượng, và cũng chính là một trong những đòi hỏi chủ yếu của Washington, đó là cung cấp một bức tranh toàn cảnh, tương đối ít mơ hồ hơn và cởi mở hơn, đối với toàn bộ hoặc ít nhất là một phần các cơ sở hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Đồng thời hứa hẹn để ngỏ cửa cho việc trở lại của thanh tra quốc tế đối với các cơ sở này. Bắc Triều Tiên cũng có thể cam kết sẽ đình chỉ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Với các cam kết này từ phía Bình Nhưỡng, Washington có thể chấp nhận như một thứ đánh đổi cho một tuyên bố chấm dứt chiến tranh chính thức giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên ».
Theo nhiều nhà quan sát, nếu đàm phán về phi hạt nhân hóa thất bại, tổng thống Mỹ có thể sẽ đưa ra một tuyên bố chính trị, mở ra khả năng có được một thỏa thuận hòa bình với Bắc Triều Tiên, hơn là có một tuyên bố chấm dứt chiến tranh chính thức, bởi nếu tuyên bố chấm dứt chiến tranh được đưa ra mà không có cam kết phi hạt nhân hóa cụ thể, thì Washington sẽ mất đi một phương tiện gây áp lực.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190227-btt-ngung-thu-hat-nhan-tt-my-tuyen-bo-hai-long-chuyen-gia-lo-ngai

Kim Jong Un thăm chính thức Việt Nam

sau thượng đỉnh với Trump

Thanh Phương
Hãng tin chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA hôm nay, 27/02/2019, vừa thông báo là sau cuộc họp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ Donald Trump, chủ tịch Kim Jong Un sẽ mở chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 1 và 2/03.
Trước đó, hãng tin KCNA đã loan báo là lãnh đạo Bắc Triều Tiên dự trù viếng thăm chính thức Việt Nam, để gặp và hội đàm với các lãnh đạo chế độ Hà Nội. Bộ Ngoại Giao Việt Nam từ thứ bảy tuần trước cũng đã thông báo là ông Kim Jong Un sẽ viếng thăm Việt Nam « trong những ngày tới », nhưng không nói rõ là lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ thăm Việt Nam trước hay sau thượng đỉnh.
Bình Nhưỡng và Hà Nội đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức từ năm 1950. Trong chiến tranh Việt Nam, Bắc Triều Tiên đã từng cung cấp thiết bị quân sự và điều động không quân đến hỗ trợ quân miền Bắc. Thế nhưng, sau chiến tranh, quan hệ giữa hai nước đã có nhiều giai đoạn thăng trầm.
Kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền vào cuối năm 2011, quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và Việt Nam được thắt chặt trở lại. Nhân chuyến viếng thăm chính thức lần này, chủ tịch Bắc Triều Tiên được cho là sẽ học hỏi một số kinh nghiệm của Việt Nam về cải tổ kinh tế. Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, hôm nay, tờ nhật báo chính thức Rodong Sinmun đã có một bài báo dài về phát triển kinh tế của Việt Nam.
Vào tháng 12 năm ngoái, khi đi thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho cũng đã trao đổi các kinh nghiệm về cải tổ kinh tế với lãnh đạo chế độ Hà Nội.
Ông Kim Jong Un đã rời Bình Nhưỡng từ thứ bảy tuần trước, đi bằng xe lửa xuyên qua Trung Quốc suốt hai ngày rưỡi đến ga Đồng Đăng ở biên giới Việt –Trung sáng hôm qua, và từ đó đi xe đến Hà Nội. Như vậy, đây sẽ là chuyến công du ngoại quốc dài ngày nhất của Kim Jong Un kể từ khi ông lên cầm quyền. Các chuyến đi Trung Quốc của ông trước đây tổng cộng chỉ có 4 ngày, kể cả thời gian di chuyển bằng xe lửa. Hiếm khi nào một lãnh đạo Bắc Triều Tiên vắng mặt trong nước lâu như thế, do họ vẫn sợ nguy cơ bị lật đổ.
Theo các chuyên gia được hãng tin Yonhap trích dẫn hôm nay, việc báo chí chính thức Bắc Triều Tiên nhanh chóng loan tin và đưa chi tiết về chuyến đi Việt Nam của chủ tịch Kim Jong Un cho thấy là Bình Nhưỡng muốn chứng tỏ Bắc Triều Tiên nay là một quốc gia « bình thường » mà cộng đồng quốc tế có thể tin tưởng.
Cho tới nay, truyền thông Bắc Triều Tiên không hề loan tin hoặc chỉ loan tin sau khi lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng đã kết thúc một chuyến công du ngoại quốc, thường là sang Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190227-kim-jong-un-tham-chinh-thuc-viet-nam-sau-thuong-dinh-voi-trump

Hàn Quốc được gì và mất gì từ thượng đỉnh Trump–Kim ?

Mai Vân
Là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các diễn biến trên bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc dĩ nhiên là nước phải theo dõi nhất cử nhất động của hai lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên nhân hội nghị thượng đỉnh mở ra hôm nay, 27/02/2019 tại Hà Nội. Trong bài phân tích ngày 23/02 vừa qua mang tựa đề « Hàn Quốc được gì và mất gì từ thượng đỉnh Trump–Kim », trang mạng đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera đã cho rằng : « Dù đã góp phần cải thiện quan hệ Seoul–Bình Nhưỡng, cuộc gặp Trump-Kim ở Việt Nam có thể khiến Hàn Quốc lo lắng ».
Bài viết trên trang Al Jazeera mở đầu với mối quan tâm của So Seung Lee, một người Seoul 78 tuổi, trước cuộc gặp “đầy ý nghĩa” giữa Donald Trump và Kim Jong Un tại Singapore năm ngoái. Ông Lee đã chăm chú theo dõi những đoạn trích trên truyền hình, trong đó có cái bắt tay ngoạn mục giữa hai lãnh đạo.
Nhưng từ đó đến nay, ông đã cảm thấy thất vọng : « Từ Singapore đến nay không thấy chuyển biến gì trên vấn đề phi hạt nhân hóa hay hiệp định hòa bình. Tôi cho rằng đó chỉ là một cuộc gặp mang tính biểu tượng mà thôi và vô dụng. Lần này hy vọng là họ sẽ đạt được một cái gì đó mang lại thay đổi thật sự. »
Hy vọng một kết quả cụ thể
Đối với tác giả bài viết, không chỉ có ông Lee là mong muốn mọi việc tiến triển với cuộc gặp Trump-Kim lần thứ hai. Sau khi phá được băng giá trong quan hệ với Bình Nhưỡng vào năm 2018, Seoul cũng hy vọng là đàm phán Mỹ-Triều lần này đạt được một cái gì đấy quan trọng.
Phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc, Kim Eui Kyeom cho rằng : « Hai lãnh đạo Mỹ-Triều đã có những bước đi đầu tiên để kết thúc lịch sử 70 năm thù nghịch. Lần này chúng tôi hy vọng họ có những hành động cụ thể hơn ở Việt Nam… Chúng tôi chờ đợi là Việt Nam sẽ là bối cảnh để Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ viết nên trang sử mới ».
Cách đây 3 năm quan hệ hai miền Triều Tiên xuống mức thấp nhất kể từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Bắc Triều Tiên đã năm lần thử nghiệm hạt nhân, đe dọa bắn hỏa tiễn sang đảo Guam của Mỹ và cho nổ một quả bom mà họ gọi là khinh khí.
Thế nhưng vào năm ngoái diễn ra những bước tiến ngoạn mục : vào tháng Tư năm 2018, Kim Jong Un đã băng qua biên giới để gặp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ở Bàn Môn Điếm. Trước đó vận động viên Bắc Triều Tiên đã tham gia Thế Vận Hội mùa đông, tổ chức ở Pyeongchang, Hàn Quốc. Trong phái đoàn Bắc Triều Tiên, có nhiều quan chức cao cấp, đặc biệt là có cô em của lãnh đạo Kim Jong Un.
Hàn Quốc cũng hy vọng thời kỳ hòa bình được kéo dài, và nhất là hy vọng chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo, bởi vì cuộc chiến Triều Tiên chỉ kết thúc với một lệnh ngưng bắn.
Trong cuộc gặp với viên chức cao cấp Hàn Quốc vào thượng tuần tháng 2 này, tổng thống Moon Jae In đánh giá : « Đối với chúng ta thời kỳ hòa bình và thịnh vượng của bán đảo đang đến gần hơn. Tôi hy vọng là thượng đỉnh sắp tới sẽ là một thượng đỉnh lịch sử, sẽ biến bán đảo Triều Tiên từ một vùng còn vết tích chiến tranh lạnh, còn mang dấu ấn của thù hằn, tranh chấp, thành một vùng hòa bình trù phú. »
Với quan hệ Seoul-Bình Nhưỡng được cải thiện, viễn cảnh về một Hàn Quốc thống nhất một lần nữa đã khiến Kyung Hee Lee, một thanh niên 27 tuổi phấn khởi trước cuộc đàm phán mới giữa hai ông Trump và Kim.
Thanh niên này khẳng định : « Tôi rất thích việc họ gặp lại nhau. Họ đang làm những điều chưa từng được thực hiện trước đây… Mặc dù còn quá sớm để nghĩ đến việc thống nhất đất nước, nhưng tôi nghĩ rằng hội nghị thượng đỉnh có thể là bước đầu tiên để biến điều đó thành hiện thực. Nếu là như vậy, thì các con tôi có thể sống trên một đất nước Triều Tiên thống nhất.»
Lá bài kinh tế
Ông Moon được dân chúng ủng hộ đáng kể sau cuộc gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Với cuộc bầu lại Quốc Hội vào năm tới, tỏng thống Hàn Quốc rất mong muốn một kết quả tốt ở cuộc gặp ở Hà Nội, có thể dẫn đến những cuộc đàm phán tiếp theo trong tương lại giữa Seoul và Bình Nhưỡng.
Tại Singapore vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo là ưu tiên hàng đầu. Nhưng vào tuần qua, ông Trump cho biết rằng ông không vội thực hiện mục tiêu này. Thay vào đó, ông tìm cách ngăn Bắc Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Ông Moon thì đã nói với ông Trump là Seoul muốn hợp tác kinh tế với Bắc Triều Tiên, xem đó là một động thái “nhượng bộ” nếu nó có thể thúc đẩy Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa.
Ông Moon cho là ông sẵn sàng thực hiện bất kỳ đề án mới nào về đường sắt hay đường lộ nối liền hai miền, cũng như những đề án hợp tác kinh tế liên Triều khác.
Nhiều người ở Hàn Quốc cũng hy vọng phục hồi lại quan hệ kinh tế với Bắc Triều Tiên, đặc biệt là mở lại khu công nghiệp Kaesong mà hoạt động bị ngưng từ 3 năm nay.
Kim Hak Gwon, một chủ nhà máy ở Kaesong giải thích: “ Mở lại khu công nghiệp, tạo môi trường cho các công ty tại chỗ sản xuất sản phẩm thô hay sản phẩm phụ có thể có lợi… và đồng thời giúp tạo công việc làm ở Hàn Quốc. Đã có 54.000 người Bắc Triều Tiên lao động ở Kaesong, nhưng có đến 300.000 nhân công ở phía Nam tham gia vào dây chuyền sản xuất.”
Mở lại Kaesong sẽ giúp Hàn Quốc nhiều hơn là bất kỳ hợp tác kinh tế nào khác với Bắc Triều Tiên, theo đánh giá của ông Park Jee Hyeong, giáo sư kinh tế Đại Học Quốc Gia Seoul.
Theo giáo sư Park: “Nếu không có ‘đầu tư trực tiếp’vào Bắc Triều Tiên, tác động kinh tế trên nền kinh tế Hàn Quốc từ việc khởi động lại thương mại dự kiến sẽ rất ít và giới hạn, nhưng sẽ giúp Bắc Triều Tiên rất nhiều về kinh tế và sẽ có tác động tích cực lớn. Nếu đề án hợp tác như Khu Phức Hợp Công Nghiệp Gaesung được tiến hành, điều đó có thể mang lại lợi ích cho miền Nam nhiều hơn.”
Kỳ vọng vào Thượng đỉnh nhưng cũng lo ngại cho Liên minh Mỹ- Hàn
Theo Al Jazeera, dân Hàn Quốc đặt rất nhiều kỳ vọng vào Thượng Đỉnh Hà Nội. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện hồi đầu tháng Hai này, hơn 62% người được hỏi tỏ ý lạc quan về một kết quả tích cực.
Giáo sư chính trị Yul Shin tại Đại Học Myongji ở Seoul nhận xét: “Quan hệ liên Triều là điều duy nhất có lợi cho chính phủ Moon Jae In… Tuy nhiên, sự phấn khởi sẽ nhanh chóng tan biến nếu người ta chỉ thấy hết thượng đỉnh này đến thượng đỉnh khác mà không thấy bất kỳ thay đổi thực sự nào về phi hạt nhân hóa.”
Bên cạnh đó, cũng có những chỉ trích về việc chính phủ bỏ bê các vấn đề trong nước, trong khi lại tập trung quá nhiều vào Bắc Triều Tiên.
Với 1,22 triệu người Hàn Quốc thất nghiệp vào tháng Giêng – con số cao nhất trong 19 năm qua – Min Jung Ahn, một thanh niên 23 tuổi cho rằng cho rằng đó là điều mà chính quyền nên tập trung thời gian và nỗ lực để giải quyết thay vì chỉ chú ý đến Kim Jong Un.
Thanh niên này cho biết “không mong đợi gì nhiều” từ Thượng Đỉnh Hà Nội và xác định: “Tôi không nói là vấn đề Bắc Triều Tiên không quan trọng nhưng cuộc sống hàng ngày của tôi quan trọng hơn nhiều.”
Giới phân tích cũng lo ngại rằng, sau hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, liên minh quân sự Washington-Seoul có thể bị đe dọa, trong đó có vấn đề số lượng gần 28.500 lính Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc.
Vào đầu tháng Hai này, Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận mới với Hoa Kỳ về việc Seoul phải chi phí bao nhiêu cho sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc trong bối cảnh tổng thống Mỹ Doanald Trump đòi Hàn Quốc phải trả thêm.
Ông Trump đã nhiều lần nói rằng việc triển khai lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc quá tốn kém. Sau cuộc hội đàm Trump-Kim ở Singapore, một số cuộc tập trận Mỹ-Hàn đã bất ngờ bị đình chỉ, điều được coi là hành động nhượng bộ của ông Trump đối với ông Kim.
Kim Taewoo, nguyên lãnh đạo Viện Thống Nhất Quốc Gia Hàn Quốc, một định chế do chính phủ tài trợ, nhận định bi quan: “Liên minh Hàn Quốc-Hoa Kỳ hiện đang bị bệnh nặng”.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết là không có kế hoạch giảm quân nào, nhưng một số người đã cho biết là họ sẽ không ngạc nhiên nếu ông Trump đặt vấn đề giảm quân tại Hàn Quốc lên bàn đàm phán với ông Kim.
Ngoài ra, thái độ hoài nghi ngày càng tăng trong dân chúng Hàn Quốc, đặc biệt là thế hệ lớn tuổi, về quyết tâm từ bỏ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190227-han-quoc-duoc-gi-va-mat-gi-tu-thuong-dinh-trump%E2%80%93kim

Nghị sỹ Philippine cảnh báo

‘tiền của TQ’ tác động đến bầu cử

Dân biểu Hạ viện Gary Alejano hôm Chủ nhật (24/2) cảnh báo về khả năng can thiệp của Trung Quốc vào những cuộc bầu cử của Philippine, khi Bắc Kinh tìm cách gần gũi với Manila sau khi có Tổng thống Rodrigo Duterte làm đồng minh, theo Abs-cbn.
Nghị sỹ Alejano, đại diện của đảng Magdalo Party-list, cũng là một nhà phê bình những chính sách của Tổng thống Rodrigo Duterte, cho biết: “có một khả năng rõ ràng rằng tiền của Trung Quốc sẽ đổ vào đất nước và ảnh hưởng đến cuộc bầu cử [Philippine]”.
Kể từ khi nhậm chức tổng thống, ông Duterte đã chọn cách củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc, mặc dù hai quốc gia có mối tranh chấp “cay đắng” trên Biển Đông. Sự tan băng của mối quan giữa hai nước láng giềng cũng đã làm “lung lay” mối liên minh lâu đời của Washington với Manila.
Nhà lập pháp Alejano cho hay, một cuộc tranh cử tổng thống tiềm năng của con gái của ông Duterte, bà Sara Duterte-Carpio, thị trưởng thành phố Davao, rất có thể sẽ nhận được sự hậu thuẫn của Trung Quốc.
Bà Duterte-Carpio đã để mở cho một khả năng tranh cử tổng thống có thể diễn ra. Con gái của tổng thống Duterte nói rằng sẽ quyết định vào tháng 1 năm 2021. Nhưng bà thị trưởng nói bà không muốn được gọi là “tổng thống kế tiếp” bởi điều này có thể khiến bà trở thành chủ đề của các “chiến dịch bôi nhọ”, theo Abs-cbn.
Cựu quân nhân Alejano đã chỉ trích sự gần gũi của Duterte với Trung Quốc, và nói rằng điều này đã làm tổn hại lợi ích của Philippine ở Biển Đông.
Ngoài chỉ trích chính sách Biển Đông của tổng thống Duterte, ông Alejano cũng chỉ trích gay gắt “sự khoan dung” của Tổng thống Duterte cho sự gia tăng công nhân của Trung Quốc ở Philippine, và Manila ngày phụ thuộc càng nhiều vào các khoản vay của Trung Quốc.
“Rõ ràng là, chủ quyền của chúng ta đã bị xâm phạm”, ông Alejano bổ sung, và: “Tổng thống nên đi đầu trong việc giải quyết nạn tham nhũng ở đất nước”.
Nhà lập pháp cho biết, ông và các thành viên của nhóm đối lập Otso Diretso đang hy vọng giành chiến thắng tại Thượng viện để làm vô hiệu hóa các chính sách của Tổng thống gây bất lợi cho người dân Philippine.
“Tôi tin rằng ngay bây giờ, tôi có thấy Otso Diretso có được nơi bám vào. Cuộc bầu cử quan trọng sẽ diễn ra vào tháng 5/2019. Nó sẽ mở đường cho bất kỳ kế hoạch nào Duterte có trong những năm tới”.
http://biendong.net/bi-n-nong/26503-nghi-sy-philippine-canh-bao-tien-cua-tq-tac-dong-den-bau-cu.html

Pakistan nói đã bắn rơi hai máy bay Ấn Độ

trong lúc căng thẳng lên cao

Pakistan tuyên bố đã bắn rơi hai chiến đấu cơ của Ấn Độ, bắt giữ phi công trong diễn biến gây gia tăng căng thẳng.
Ấn Độ-Pakistan thù địch từ ngày lập quốc
Ấn Độ xác nhận bị mất một máy bay MiG21 và rằng phi công mất tích.
Ấn Độ và Pakistan đều đòi chủ quyền vùng Kashmir, và mỗi nước đang kiểm soát một phần khu vực này.
Tin mới nhất cho hay trong ngày 27/02, có thêm một trực thăng của Ấn Độ “đâm xuống” vùng Kashmir.
Hai nước đều có vũ khí hạt nhân, đã đánh nhau ba lần – trong đó hai lần là vì Kashmir – từ khi độc lập khỏi Anh năm 1947.
Diễn biến mới nhất theo sau một vụ tấn công của dân quân ở Kashmir làm chết 40 lính Ấn Độ.
Một nhóm ở Pakistan nhận trách nhiệm vụ này.
Ấn Độ và Pakistan đưa ra thông tin mâu thuẫn quanh vụ đụng độ mới nhất.
Pakistan nói họ tiến hành sáu vụ không kích vào khu Kashmir do Ấn kiểm soát, sau khi máy bay Ấn xâm phạm không phận.
Ấn Độ bác bỏ, nói Pakistan khiêu khích trước.
Đại diện quân đội Pakistan nói một máy bay Ấn bị bắn rơi ở phần Kashmir của Ấn, còn máy bay thứ hai rơi xuống vùng Kashmir do Pakistan nắm giữ, và hai phi công bị bắt.
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Mike Pompeo, đang có mặt ở Hà Nội, cho hay ông đã nói chuyện riêng với hai người tương nhiệm Ấn Độ và Pakistan, yêu cầu họ tránh “tăng hoạt động quân sự”.
Hoa Kỳ, qua lời ông Pompeo, mong muốn hai nước Nam Á “kiềm chế”.
Trung Quốc và Liên hiệp châu Âu cũng bày tỏ ý kiến tương tự.
Tin mới nhất cho hay Hàng không Thái Lan, Thai Airways hủy các chuyến bay đi châu Âu bay qua vùng trời Kashmir, và mọi chuyến đến Pakistan trong hai ngày.
Lý do là, theo một thông báo của Islamabad, không phận của Pakistan bị đóng do xung đột với Ấn Độ.
Ba chuyến bay của Thai Airways sang London, một số chuyến sang Nga và Đức trong ngày 27/02 và 28/02 bị hủy.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47386717

Xung đột tại Nam Á: Ấn Độ, Pakistan

bắn hạ chiến đấu cơ của nhau

Ấn Độ và Pakistan đều nói họ đã bắn hạ phi cơ quân sự của nước kia hôm thứ Tư, một ngày sau khi chiến đấu cơ Ấn Độ thực hiện một cuộc tấn công vào lãnh thổ Pakistan, lần đầu kể từ sau chiến tranh năm 1971, khiến các cường quốc thế giới phải lên tiếng hối thúc hai bên hãy tự chế.
Hãng tin Reuters tường thuật rằng trong hai ngày qua, cả hai nước đã ra lệnh thực hiện các cuộc không kích, lần đầu tiên trong lịch sử hai nước đều trang bị hạt nhân làm như vậy, giữa lúc các lực lượng trên bộ chạm súng tại hơn một chục địa điểm.
Căng thẳng đã tăng cao kể từ khi xảy ra vụ đánh bom tự sát do các phần tử chủ chiến có căn cứ ở Pakistan thực hiện trên vùng lãnh thổ Kashmir nằm dưới quyền kiểm soát của Ấn Độ, giết chết ít nhất 40 cảnh sát bán quân sự Ấn hôm 14/2. Tuy nhiên nguy cơ xung đột tăng cao hôm 26/2 sau khi Ấn Độ tiến hành một cuộc không kích, tấn công một mục tiêu mà phía Ấn Độ nói là một cơ sở huấn luyện của các phần tử chủ chiến.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan kêu gọi đàm phán với Ấn Độ. Ông nói ông hy vọng hai bên sẽ có nhận thức đúng đắn để “xuống thang” các hành động thù nghịch.
Ông Khan phát biểu:
“Lịch sử đã dạy chúng ta rằng các cuộc chiến tranh thường đầy dẫy những tính toán sai lầm. Câu hỏi của tôi là, với những vũ khí mà chúng ta đang có trong tay, liệu chúng ta có thể hứng chịu hậu quả của những tính toán sai lầm hay không?
Lên tiếng trong một chương trình truyền hình phát đi trên toàn quốc, Thủ Tướng Imran Khan nói: “Chúng ta hãy ngồi xuống thảo luận với nhau”.
Theo Reuters, cuộc tấn công do Ấn Độ thực hiện hôm thứ ba 26/2 nhắm vào Jaish-e-Mohammed (JeM), nhóm chủ chiến đã lên tiếng nhận trách nhiệm trong vụ tấn công tự sát. Sau đó, Ấn Độ cho biết nhiều phần tử JeM đã bị giết, nhưng các quan chức Pakistan nói cuộc tấn công là một sự thất bại và không gây thương vong.
Pakistan và Ấn Độ đã đối đấu nhau trong ba cuộc chiến tranh từ khi giành được độc lập vào năm 1947, thoát chế độ thực dân Anh, trong đó hai cuộc chiến xảy ra ở khu vực Kashmir, vùng lãnh thổ đang trong vòng tranh chấp giữa hai bên trên dãy Himalaya. Năm 2002 một lần nữa hai nước đã tiến gần tới bờ vực một cuộc chiến tranh thứ 4 sau khi phiến quân Pakistan tấn công vào quốc hội Ấn Độ.
Vụ leo thang mới nhất đánh dấu một bước ngoặt bất ngờ trong quan hệ giữa hai nước Nam Á, cả hai đều tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ vùng Kashmir mặc dù mỗi bên chỉ kiểm soát một phần khu vực này. Mới gần đây, vào tháng 11, Thủ Tướng Pakistan Imran Khan còn đề cập tới việc “hàn gắn quan hệ” với Ấn Độ.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã thảo luận với các vị đồng cấp Ấn Độ và Pakistan và kêu gọi hai bên hãy đỉnh chỉ mọi hoạt động quân sự có thể làm tình hình xấu đi hơn nữa.
Reuters dẫn lời Ngoại Trưởng Mỹ cho biết là trong cuộc trao đổi riêng rẽ, ông nói “Hoa Kỳ khuyến khích Ấn Độ và Pakistan tự chế, tránh leo thang “bằng bất cứ giá nào.”
Trung Quốc và Liên minh châu Âu cũng góp tiếng, kêu gọi hai nước Nam Á đều sở hữu vũ khí hạt nhân, hãy tự chế.
https://www.voatiengviet.com/a/xung-dot-tai-nam-a-an-do-pakistan-ban-ha-chien-dau-co-cua-nhau/4805912.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?