Đối sách với Trung Quốc : Pháp thiếu chiến lược, châu Âu vất vả tìm tiếng nói chung ?

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

RFI

Phần âm thanh 09:29

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas (P) và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị tại buổi họp báo ở Berlin, ngày 01/09/2020.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas (P) và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị tại buổi họp báo ở Berlin, ngày 01/09/2020. REUTERS - POOL
Minh Anh
22 phút
Càng gần đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ, căng thẳng Mỹ - Trung càng tăng cường độ. Châu Âu ngày càng hoài nghi và tỏ ra cứng rắn hơn trước một chính sách ngoại giao « chiến lang » hung hăng từ Trung Quốc.
Trong bối cảnh này, Bắc Kinh cùng lúc gởi hai quan chức ngoại giao cao cấp đến thăm một số nước châu Âu nhằm ngăn chận những chỉ trích về cách xử lý dịch Covid-19 và những hồ sơ nhậy cảm như Đài Loan, Hồng Kông hay Tân Cương. Đâu là những chính sách ngoại giao của Pháp và Liên Hiệp Châu Âu đối với Trung Quốc ?
Dương Khiết Trì, lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, công du Hy Lạp và Tây Ban Nha. Ngoại trưởng Vương Nghị đến thăm Ý, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức. Đáng ngạc nhiên là cả hai nhân vật quan trọng này không đặt chân đến một nước Đông – Trung Âu nào, những nước thành viên trong khuôn khổ 16+1. Và nhất là hai đặc sứ của Trung Quốc cũng không buồn ghé qua Bruxelles và không gặp một lãnh đạo nào của Liên Hiệp Châu Âu, kể cả ông Josep Borrell, đại diện ngành ngoại giao của Liên Hiệp.
Pháp thiếu một chiến lược đối ngoại rõ ràng
Tại Pháp, chuyến đi của ông Vương Nghị vừa kết thúc, tranh cãi đã dấy lên. Tấm ảnh tổng thống Macron tươi cười bên cạnh Vương Nghị khiến nhiều chuyên gia về Trung Quốc cảm thấy bất bình, cho rằng một bộ phận chính khách Pháp thiếu hiểu biết về bộ máy ngoại giao Trung Quốc. Ông Antoine Bondaz, chuyên gia về Trung Quốc, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) trên đài RFI giải thích rằng nguyên tắc đối đẳng trong quan hệ Pháp – Trung đã không được phía Bắc Kinh tôn trọng.
« Tổng thống Pháp đã bốn lần liên tiếp đón ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từ năm 2017. Ngược lại, mỗi khi ngoại trưởng Pháp đến Bắc Kinh chưa bao giờ được tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp cả và chỉ một lần duy nhất được ông Dương Khiết Trì tiếp đón.
Xin nói rõ là ông Dương Khiết Trì là trưởng Ban Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, ủy viên Bộ Chính Trị. Trái với ông Vương Nghị, Dương Khiết Trì mới chính là nhân vật quan trọng nhất trong lĩnh vực ngoại giao. Người này chỉ đến thăm Hy Lạp và Tây Ban Nha nhưng lại không đến Pháp.
Theo quan điểm của chúng tôi, ở đây thiếu sự đối đẳng. Đương nhiên đó là sự ʺcó qua có lạiʺ ở cấp cao. Điều đó không có nghĩa là không có đối thoại với Trung Quốc. Nước này là một đối tác không thể thiếu, điều này ai cũng công nhận, việc đối thoại với Trung Quốc là điều cần thiết. Ẩn sau đó có một câu hỏi : Phải chăng là đã đến lúc tại Pháp phải có một cuộc tranh luận thật sự về Trung Quốc, một cuộc tranh luận công khai, một cuộc thảo luận chính trị ? »
Ông Gerard Araud, cựu đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ, lưu ý nguyên tắc đối đẳng này chưa bao giờ được áp dụng trong quan hệ Pháp – Mỹ. Do vậy, cuộc tranh luận này chưa phải là điều thích hợp. Một quan điểm không mấy được ông Jean Maurice Ripert, cựu đại sứ Pháp tại Bắc Kinh, đồng tình. Việc tổng thống Pháp tiếp đón Vương Nghị một cách « có hệ thống » và thiếu sự « đối đẳng » là điều đáng lo ngại.
« Đây chính là bằng chứng cho một thái độ của một nước có xu hướng bá quyền, về cách thức nước này nhìn nước Pháp. Câu hỏi đặt ra liệu chúng ta có nên chấp nhận hay không ? Bởi vì bà Merkel không tiếp Vương Nghị. Ông Giuseppe Conte, thủ tướng nước Ý cũng không tiếp Vương Nghị (…) Thế nên, việc liên tục đón ông Vương Nghị cần phải được tranh luận (…)
Khó khăn trong mối tương quan lực lượng với một quốc gia như Trung Quốc đều phải được cân đong đo đếm như khi tôi là đại sứ tại Trung Quốc. Chính khi chúng ta tự đặt mình vào vị thế ʺnước yếuʺ, các biểu tượng, cử chỉ, mọi dấu hiệu đều được đánh giá, nhất là đối với người dân và công luận Trung Quốc.
Thực tế là chúng ta đang tự đặt mình trong tình trạng ʺnhược tiểuʺ đối với Trung Quốc. Tôi không tin rằng chính trong thế này mà chúng ta phải nói chuyện với Trung Quốc ».
Giới chuyên gia Pháp đặc biệt còn phê phán mạnh mẽ việc tổ chức cuộc gặp giữa ngoại trưởng Trung Quốc với ông Laurent Fabius, chủ tịch Hội Đồng Bảo Hiến. Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz giải thích :
« Mục tiêu chuyến công du 5 nước châu Âu của ông Vương Nghị không mang tính nội dung, chỉ có mục tiêu lễ tân. Do vậy các thông tin truyền đạt phải có cấu trúc, phải được suy nghĩ và soạn thảo kỹ. Chẳng hạn như hình ảnh cho thấy Vương Nghị gặp gỡ ông Laurent Fabius, cựu ngoại trưởng Pháp, và có một mối quan hệ cá nhân với Vương Nghị là một điểm tốt thôi.
Nhưng việc ông Fabius có thể phát biểu với tư cách là chủ tịch Hội Đồng Bảo Hiến, cho rằng Trung Quốc và Pháp là những nước bảo vệ, bảo đảm cơ chế đa phương, các hệ thống quốc tế dĩ nhiên đã bị truyền thông Trung Quốc loan tải lại không chỉ để chỉ trích Hoa Kỳ mà còn trưng bày nước Pháp như là một đối tác quan trọng đi theo các chính sách của Trung Quốc.
Ông Laurent Fabius, với tư cách là chủ tịch Hội Đồng Bảo Hiến, bảo đảm các cuộc bầu cử tự do công bằng, bảo vệ Hiến Pháp. Nghịch lý thay, mỉa mai thay, ông ấy lại gặp Vương Nghị và nhất là khi chúng ta đã thấy những gì xảy ra ở Hồng Kông, nhất là về bầu cử và còn nhiều chủ đề khác nữa. »
Chuyên gia Antoine Bondaz, trả lời phỏng vấn tờ Challenges thẳng thừng nhận xét rằng chiến lược đối với Trung Quốc của chính phủ Pháp hiện nay là không rõ ràng và thiếu cấu trúc. Chính sách đối ngoại của Pháp với Trung Quốc còn trong một « tư duy hơi chút lãng mạn » ở thượng tầng Nhà nước. Paris sẵn sàng có những nhượng bộ về mặt hình thức với Bắc Kinh trong hy vọng đạt được chút nhượng bộ về nội dung.
Nhưng đáng tiếc là những nỗ lực này của Pháp đã không mang lại những kết quả như mong muốn. Không những Trung Quốc không còn là một thị trường tràn đầy hy vọng cho các doanh nghiệp Pháp như cách nay vài năm, mà Trung Quốc giờ còn là mối đe dọa ngày càng lớn đến các lợi ích của nước Pháp.
Một tiếng nói chung cho Liên Hiệp Châu Âu trước Trung Quốc ?
Nhưng nếu nhìn rộng ra toàn khối Liên Hiệp Châu Âu, hầu hết giới chuyên gia Pháp đều đánh giá là có những cải thiện đáng kể trong cách ứng xử của Liên Hiệp Châu Âu đối với Trung Quốc. Vẫn theo nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, thái độ của Bruxelles trong những thời gian gần đây có phần cứng rắn hơn với Bắc Kinh nhất là sau kỳ đại dịch Covid-19.
« Ở đây rõ ràng là có một xu hướng cải thiện. Bởi vì có nhiều vấn đề trước đây chưa bao giờ được nhắc đến, giờ được đưa ra nói công khai. Chẳng hạn như việc lập một cơ chế giám sát đầu tư nước ngoài do Pháp, Ý, rồi Đức đề xuất nhằm theo dõi các hoạt động đầu tư không chỉ riêng đối với Trung Quốc. Rồi chúng ta còn thấy là trong những tháng qua, Liên Hiệp Châu Âu còn xem Trung Quốc như là một đối tác cạnh tranh và một đối thủ mang tính hệ thống. Đúng là có một sự thay đổi tại châu Âu, một cuộc tranh luận thực sự về Trung Quốc nhưng đương nhiên, việc có được một đồng thuận chung giữa 27 nước thành viên là điều không phải dễ, bởi vì lợi ích của Trung Quốc là làm sao tránh được một đồng thuận chung châu Âu. »
Do vậy, theo giới quan sát, trong một chừng mực nào đó, chuyến Âu du của ông Vương Nghị lần này có thể xem như là một thất bại. Bắc Kinh không những không đạt được một bước đột phá quan trọng nào, mà còn vấp phải một sự phản đối tại những nước châu Âu nào ông ghé chân qua, trong nhiều hồ sơ lớn từ việc triển khai mạng 5G cho đến Biển Đông, đi qua cả hồ sơ Tân Cương, Hồng Kông và nhất là vấn đề nhân quyền.
Đương nhiên, mục tiêu của Bắc Kinh qua chuyến công du châu Âu của các lãnh đạo ngành ngoại giao là còn nhằm phân ly quan hệ hợp tác giữa Liên Hiệp Châu Âu với Hoa Kỳ. Nhưng theo quan điểm của cựu đại sứ Pháp tại Mỹ, ông Gérard Araud, cũng trên đài RFI, trong bối cảnh đối đầu chiến lược Mỹ - Trung hiện nay, ngoài việc phải đoàn kết thống nhất, nỗ lực có một tiếng nói chung, châu Âu nên có một lập trường riêng của chính mình.
« Tôi cho rằng việc Trung Quốc tìm cách chia rẽ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương cũng là lẽ thường tình. Bất kể là nước nào, nếu họ ở cương vị của Trung Quốc, đương nhiên cũng sẽ tìm cách chia rẽ những gì đối thủ trước mặt đang làm. Do vậy, không nên trông đợi điều gì khác từ Trung Quốc.
Một điều chắc chắn là từ phía Hoa Kỳ, và điều này không hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả bầu cử, vẫn có một mặt trận chung chống Trung Quốc. Hoa Kỳ luôn trong thế chuẩn bị ʺxông trậnʺ cho một trận đối đầu chiến lược chống Trung Quốc. Bất kể là Joe Biden hay Donald Trump, phương pháp có thể khác nhau, nhưng về mặt cơ bản vẫn giống nhau. (…)
Do vậy, những gì châu Âu phải làm chính là phải có lập trường của mình. Bởi vì, nếu châu Âu không có một quan điểm riêng, châu Âu sẽ lại gặp rắc rối với Mỹ, họ sẽ đến gặp chúng ta và châu Âu sẽ lại bị chia rẽ : Nước này theo Mỹ, nước khác thì không… Do vậy, trong bất kỳ trường hợp nào, châu Âu phải xác định rõ một lập trường, một lập trường cơ bản với Trung Quốc, nghĩa là thiết lập một mối tương quan lực lượng với Trung Quốc và mối tương quan đó phải được lập dựa trên nền tảng các lợi ích của châu Âu. Bằng không, chúng ta có nguy cơ có một mối tương quan lực lượng trên cơ sở các lợi ích của Mỹ. »
Về điểm này, ông Jean Marc Ripert, cựu đại sứ Pháp tại Bắc Kinh, nhấn mạnh rằng Liên Hiệp Châu Âu đã đánh giá thấp sức mạnh của mình. Ông nhắc lại rằng Liên Hiệp Châu Âu là một cường quốc kinh tế và thương mại. Tuy không đồng tình với cách thức đối xử của chính quyền Donald Trump, nhưng châu Âu chia sẻ cùng mối bận tâm của Mỹ về Trung Quốc : Đánh cắp công nghệ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, không tôn trọng nguyên tắc đối đẳng, đóng cửa thị trường (trái với những tuyên bố của Bắc Kinh là bảo vệ chủ nghĩa đa phương)…
Nhất là theo quan điểm của ông Ripert, Liên Hiệp Châu Âu nên khẳng định các giá trị rất riêng của mình trước một nước tự cho là cường quốc thứ hai thế giới nhưng không tôn trọng các quyền phổ quát của nhân loại.
« Một điều cơ bản cần phải nói với Trung Quốc là chúng ta sẽ không thay đổi quan điểm của chúng ta trên phương diện nhân quyền. Quý vị có thể nói tất cả những gì quý vị muốn : Phát triển theo mô hình Trung Quốc, quyền của Trung Quốc, tính chất Trung Quốc… Quý vị có quyền nói như thế.
Và chúng tôi cũng có quyền nói rằng chúng tôi không muốn những điều đó. Chúng tôi có quyền nói rằng chúng tôi công nhận quyền của người dân Hồng Kông, chúng ta nói rằng họ không muốn những điều trên, rằng người dân Đài Loan cũng không muốn điều đó, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và nhất là những ngày gần đây người dân vùng Nội Mông cũng không chấp nhận những điều trên. Họ cần phải mở mắt. Chúng ta biết tất cả những gì đang diễn ra tại Trung Quốc. »
Câu hỏi đặt ra : Thái độ cứng rắn này của Liên Hiệp Châu Âu sẽ kéo dài được bao lâu ? Hai mươi bảy nước thành viên sẽ có cùng nhịp chèo đến chừng nào khi quyền lợi mỗi nước mỗi khác ? Mọi cặp mắt giờ đang trông chờ vào phản ứng của ông Tập Cận Bình, nhân thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc bất thường qua video hội nghị vào ngày 14/09/2020.


                                                                        

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?