Tin khắp nơi – 15/09/2020

Tin khắp nơi – 15/09/2020

Ứng cử viên Biden cam kết hủy mọi chính sách di trú của Tổng Thống Trump

Tin Washington DC – Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ, ông Joe Biden, đã cam kết sẽ đảo ngược mọi sự thay đổi mà Tổng Thống Trump đã thực hiện đối với hệ thống di trú Hoa Kỳ, nếu ông chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc ông Biden muốn hủy các chính sách di trú của Tổng Thống Trump trong vòng 4 năm là điều không thực tế.
Chính phủ Trump đã ban hành hơn 400 lệnh hành pháp về di trú, bao gồm tăng an ninh biên giới, hạn chế di dân, thu hồi chương trình DACA, giảm visa tị nạn, giám sát tòa án di trú, và yêu cầu người xin tị nạn phải chờ tại Mexico.
Trong văn bản giới thiệu các chính sách dự kiến, ông Joe Biden đã cam kết sẽ đảo ngược mọi mệnh lệnh của Tổng Thống Trump, và tái áp dụng các chính sách di trú thời Obama. Theo ông Biden, trong vòng 100 ngày đầu tiên sau khi nhậm chức, ông sẽ thực hiện một loạt nhiệm vụ, như ngừng xây tường biên giới, đình chỉ chính sách chia rẽ các gia đình, ngừng giam giữ người vô gia cư dài hạn và không trục xuất di dân lậu.
Ông Biden cũng hứa sẽ khôi phục các hỗ trợ cho di dân lậu, như cho phép di dân lậu sống và làm việc tại Hoa Kỳ trong lúc hồ sơ xin tị nạn của họ chờ được duyệt bởi tòa di trú. Tuy nhiên, nếu đắc cử, ông Biden sẽ đối mặt nhiều trở ngại với các mục tiêu di trú của ông.
Vào năm ngoái, hàng ngàn di dân Trung Mỹ đã đổ xô đến biên giới để xin tị nạn, và phe chống di dân cho rằng ông Biden sẽ mở cửa để di dân lậu tràn vào Hoa Kỳ. Ngoài ra, các viên chức liên bang cũng lo ngại rằng, ông Biden có thể sẽ hủy thỏa thuận song phương với Mexico, vốn đã làm chậm đáng kể dòng chảy di dân vào Hoa Kỳ. (Ngô Bảo)

Biden nhất trí với Trump về cuộc ‘so găng’ giữa họ

Triệu Hằng
Ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden hôm thứ Hai (14/9) dường như thừa nhận một cuộc so găng giữa ông với Tổng thống Trump, khi chỉ còn 50 ngày nữa là diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2020.
Fox News cho hay, khi được một phóng viên hỏi sau khi kết thúc bài phát biểu hôm thứ Hai tại bang Delaware về các trận cháy rừng hoành hành ở miền Tây liệu có dẫn đến một “cuộc so găng”, vị cựu phó tổng thống nói “có”.
Bình luận của ông Biden được đưa ra sau một ngày Tổng thống Trump nhấn mạnh tại một cuộc vận động tranh cử gần Las Vegas, Nevada về một “cuộc so găng” khi ông tuyên bố quyết liệt rằng Biden không đủ năng lực cho nhiệm kỳ tổng thống.
Một đêm trước đó, tại một điểm tổ chức chiến dịch ở bắc Nevada, ông Trump tuyên bố, giai đoạn cuối của chiến dịch tranh cử tổng thống “rất khắc nghiệt”.
Cả hai ứng viên đã chỉ trích nhau nặng nề kể từ tháng Tư, khi ông Biden trở thành ứng cử viên tổng thống giả định của đảng ông và chiến dịch tổng tuyển cử bắt đầu thành hình.
Cựu phó tổng thống dẫn trước Trump 7.4 điểm phần trăm, theo mức trung bình của cuộc thăm dò quốc gia mới nhất do trang tin Real Clear Politcs tổng hợp. Con số này giảm so với 7.7 điểm phần trăm tháng trước và 8.8 điểm hai tháng trước.
Điểm trung bình của cuộc thăm dò ý kiến toàn quốc do Real Clear Politics cung cấp vào ngày này 4 năm trước cho thấy ứng cử viên tổng thống năm 2016 của đảng Dân chủ Hillary Clinton dẫn trước ông Trump 2.3 điểm. Bà Clinton cũng đã dẫn trước ông Trump 3.2 điểm trước cuộc tổng tuyển cử và kết thúc cuộc bầu cử phổ thông toàn quốc với 2%.
Nhưng cuộc đua vào Nhà Trắng không phải là cuộc chiến giành lá phiếu phổ thông (popular vote) toàn quốc. Ông Trump thu hẹp khoảng cách soán ngôi bà Clinton ở nhiều bang chiến trường quan trọng, điều này đã giúp ông vượt qua bà trong tất cả số phiếu Đại cử tri đoàn (electoral college vote) để giành chiến thắng bước vào Tòa Bạch Ốc.
Theo Fox News,
Triệu Hằng dịch và biên tập

235 cựu lãnh đạo quân đội ủng hộ ông Trump,

cảnh báo nước Mỹ đang đối mặt với nguy hiểm

Tâm Thanh
Mới đây, 235 cựu tướng lĩnh Hoa Kỳ đã cùng ký một lá thư bày tỏ sự ủng hộ Tổng Thống Donald Trump tái đắc cử. Bức thư gọi cuộc bầu cử năm 2020 là “lần tổng tuyển cử quan trọng nhất kể từ khi thành lập đất nước đến nay“.
Theo Fox News, đội ngũ vận động tranh cử của Tổng Thống Trump đã công bố bức thư vào hôm qua (14/9), những người ký tên bao gồm các tướng lĩnh lục quân và không quân, cùng với thượng tướng hải quân đã về hưu. Các cựu tướng lĩnh này cũng cảnh báo về những mối nguy hiểm mà Hoa Kỳ đang phải đối mặt và bày tỏ niềm tin của họ rằng, Tổng thống Trump có khả năng ứng phó với những nguy hiểm này hơn các đối thủ cạnh tranh của đảng Dân chủ.
“Với tư cách là các nhà lãnh đạo cấp cao của quân đội Hoa Kỳ, tất cả chúng tôi đều từng tuyên thệ sẽ bảo vệ Hoa Kỳ khỏi bất cứ kẻ thù nào, dù là trong hay ngoài nước“, trong thư nói.
“Hiện nước ta đang phải đối mặt với thù trong giặc ngoài và cả đại dịch viêm phổi Vũ Hán chưa từng có. Là một sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, chúng tôi cho rằng Tổng thống Trump đã trải qua những thử thách mà các đời tổng thống khác hiếm khi phải đối mặt, và những hành động của ông đã chứng tỏ ông là một nhà lãnh đạo có khả năng ứng phó với những mối đe dọa này“.
Trong thư cảnh báo rằng những mối đe dọa này bao gồm cả việc người dân ngày càng chấp nhận các hệ tư tưởng cấp tiến của cánh tả.
Trong thư viết: “Kể từ khi Đảng Dân chủ hoan nghênh những người theo chủ nghĩa xã hội và những người theo chủ nghĩa Marx, lối sống truyền thống của chúng ta đang bị đe dọa“.
Các nhà lãnh đạo quân đội đã nghỉ hưu này cũng tuyên bố rằng, lập trường của Đảng Dân chủ về an ninh biên giới, thỏa thuận hạt nhân Iran và trật tự an ninh cũng đang đe dọa an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Ngoài ra, bức thư cũng đề cập đến việc cắt giảm ngân sách quân sự dưới thời chính quyền Obama-Biden, đồng thời cảnh báo: “Bây giờ, đảng Dân chủ lại chấp thuận việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng, điều này sẽ làm suy yếu thực lực quân sự Mỹ“.
Đội ngũ tranh cử của Tổng Thống Trump cho biết: “Sau nhiều năm bị chính quyền Obama-Biden coi nhẹ, các quân nhân và cựu chiến binh của chúng tôi cuối cùng đã tìm thấy sự ủng hộ mạnh mẽ từ Tổng Thống Trump“.
“Chính quyền Trump đã xây dựng lại quân đội và cải cách hoàn toàn Bộ Cựu chiến binh (US Veterans Affairs Department). Đồng thời, đưa ra các hành động mang tính ​​đột phá để giúp đỡ các gia đình quân nhân và ngăn chặn các cựu chiến binh tự sát. Về phần ông Joe Biden, hồ sơ công việc của ông về các vấn đề quân sự và cựu chiến binh là một thất bại: Việc cắt giảm ngân sách, các quyết định chính sách đối ngoại không thành công, cũng như không thể đem đến cho những người anh hùng của đất nước chúng ta sự chăm sóc sức khỏe chất lượng cao mà họ xứng đáng được hưởng“.
Trước khi bức thư này được xuất bản, một báo cáo trên The Atlantic đã nói rằng, trong chuyến thăm Pháp trước đây của Tổng Thống Trump, ông đã chê bai các cựu chiến binh và những binh lính tử trận Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ngay sau đó, một số quan chức tòa Bạch Ốc đi cùng chuyến thăm với ông đã làm chứng và bác bỏ những cáo buộc này. Bản thân Tổng thống Trump đã phủ nhận điều này và nói rằng “chỉ động vật mới có thể nói những lời như vậy”, theo The Hill.
Theo Fox News
Tâm Thanh biên dịch

Tổng Thống tổ chức vận động chiến dịch trong nhà

bất chấp những lo sợ về coronavirus

Tin từ HENDERSON, Nevada – Vào hôm Chủ nhật (13/9), tổng thống Trump tổ chức một cuộc vận động chiến dịch Nevada tại một địa điểm trong nhà, bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia y tế công cộng về việc tụ tập đông người trong nhà trong đại dịch coronavirus.
Tổng thống Trump,  chỉ trích đối thủ Đảng Dân chủ của ông, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, cho rằng ông ta đang sử dụng ma túy và mềm mỏng với tội phạm. Những người trong đám đông ngồi gần nhau và nhiều người không đeo khẩu trang.
Ông Biden chỉ trích tổng thống Trump về hành vi tổ chức các sự kiện tranh cử khiến mọi người có nguy cơ nhiễm coronavirus, loại virus giết chết hơn 19,.000 người ở Hoa Kỳ. Tổng thống Trump tỏ ý xem nhẹ virus này trong giai đoạn đầu và luân phiên phớt lờ lời khuyên từ các chuyên gia y tế công cộng, những người khuyến khích đeo khẩu trang và duy trì cách ly xã hội để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Chiến dịch của tổng thống mô tả cuộc vận động tại một nhà kho lớn ở Henderson là cơ hội để những người ủng hộ thực hiện quyền hội họp ôn hòa của họ theo Tu chính án I Hiến pháp Hoa Kỳ. Chiến dịch này cho biết những người tham gia phải được đo nhiệt độ trước khi vào trong và được phát một chiếc khẩu trang mà họ sẽ được khuyến khích đeo.
Tổng thống Trump, người đang thất thế trước ông Biden trong các cuộc thăm dò quốc gia và ở Nevada, tăng cường các cuộc vận động của ông trong những tuần gần đây, nhưng đa phần tổ chức chúng tại các địa điểm ngoài trời hoặc trong các nhà chứa máy bay lớn để giúp giảm thiểu rủi ro. (BBT)

TikTok từ chối đề nghị của Microsoft vào phút chót

Microsoft nói lời đề nghị mua lại mảng hoạt động tại Mỹ của ứng dụng chia sẻ video Tik Tok rất phổ biến đã bị khước từ, mở đường cho Oracle giành được thỏa thuận vào phút chót.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ra hạn chót là ngày 15/9 để công ty Trung Quốc sở hữu ứng dụng này phải bán, nếu không sẽ bị đóng cửa hoạt động tại Mỹ.
Chính quyền ông Trump nói rằng Tik Tok và các các ứng dụng khác của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Microsoft và Oracle dẫn đầu trong cuộc đua mua Tik Tok từ hãng Trung Quốc ByteDance.
Tik Tok là ứng dụng chia sẻ video vô cùng phổ biến với người dùng. App này – đã được tải về 2 tỷ lượt trên toàn cầu – cho phép người dùng làm và đăng tải các video video clip dài 15 giây.
Tạp chí Wall Street Journal và hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin tường thuật rằng Oracle, hãng chuyên bán công nghệ cơ sở dữ liệu và hệ thống điện toán đám mây cho doanh nghiệp đã thắng trong cuộc đua giành mua Tik Tok.
Các tường thuật trước đó nói rằng Oracle rất nghiêm túc trong việc cân nhắc mua mảng hoạt động của Tik Tok tại Mỹ, Canada, Úc và New Zealand cùng với các hãng đầu tư trong đó có General Atlantic và Sequoia Capital.
Phát ngôn viên của Tik Tok nói với BBC rằng hãng “không bình luận về những diễn biến với Microsoft cũng như những đồn đoán liên quan tới Oracle”.
Microsoft nói gì?
Hôm Chủ Nhật, Microsoft công bố rằng “ByteDance cho chúng tôi biết rằng họ không bán mảng hoạt động tại Mỹ của Tik Tok cho Microsoft. Chúng tôi tin tưởng rằng đề nghị của chúng tôi là có lợi cho người dùng Tik Tok trong lúc bảo vệ được các lợi ích an ninh quốc gia.”
Điều này mở đường cho Oracle, hãng mà ông Trump hồi tháng trước nói là “một công ty vĩ đại”, mua lại hoạt động của Tik Tok tại Mỹ.
Chủ tịch của Oracle Larry Ellison là người ủng hộ ông Trump và đã tổ chức một sự kiện gây quỹ cho ông hồi tháng Hai.
Tuy nhiên, đã có những thông tin gây bối rối liên quan tới hạn chót.
Sắc lệnh của ông Trump nêu ra hạn chót là 20/9. Tuy nhiên, Tổng thống Hoa Kỳ lặp đi lặp lại rằng hạn chót là ngày 15/9.
Tại sao phải bán?
Ông Trump ra lệnh cho chủ sở hữu Tik Tok phải bán mảng hoạt động tại Mỹ trong vòng 90 ngày, nếu không sẽ bị đóng cửa.
Việc buộc phải bán là một phần trong chiến dịch trấn áp đối với các hãng công nghệ Trung Quốc tại Mỹ.
Ông Trump nói rằng các app như Tik Tok, Wechat, và nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei tạo nên mối đe dọa an ninh quốc gia, bởi các dữ liệu về người dùng thu thập được từ các dịch vụ này có thể sẽ bị chia sẻ với chính phủ Trung Quốc. Các hãng Trung Quốc bác bỏ cáo buộc.
Huawei cũng đối diện với lệnh cấm vào ngày 15/9, là lệnh có tác động tới các nhà cung ứng không phải là công ty Mỹ của hãng.
Các công ty sẽ phải ngưng việc vận chuyển hàng cho Huawei nếu như sản phẩm của họ có sử dụng công nghệ Hoa Kỳ. Để có thể cung ứng cho Huawei, các hãng sẽ cần xin giấy phép từ Bộ Thương Mại Hoa Kỳ.
Trung Quốc nói gì về việc này?
Hai tuần trước, Trung Quốc công bố các hạn chế mới của chính phủ đối với việc xuất khẩu công nghệ. Quy định mới được cho là nhằm trì hoãn việc bán Tik Tok.
Các hạn chế mà Bắc Kinh đưa ra khiến những công nghệ như trí tuệ nhân tạo sẽ cần có sự chuẩn thuận của chính phủ trước khi xuất ra nước ngoài.
Tik Tok đã trở nên rất phổ biến bởi ứng dụng này dùng thuật toán cao cấp để có thể đoán được ý người dùng muốn xem kiểu video nào.
Dạng công nghệ này nay sẽ chịu sự kiểm tra của chính phủ Trung Quốc.
Các thuật toán rất có giá trị này sẽ không được đem bán hoặc chuyển nhượng, theo một tường thuật của South China Morning Post.
Việc buộc phải bán có ý nghĩa gì đối với người dùng Tik Tok?
Hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra đối với ứng dụng chia sẻ video hiện đang có chừng 100 triệu người dùng tích cực tại Mỹ.
Cả Oracle lẫn Microsoft đều không được coi là những hãng thích hợp nhất cho Tik Tok, bởi đối tượng sử dụng ứng dụng này chủ yếu là giới trẻ những người chia sẻ rất nhiều video ngắn dạng lip-synch.
Bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ cần có sự chấp thuận từ các bên có quyền và lợi ích liên quan, gồm chính phủ Trung Quốc, chính phủ Hoa Kỳ, ByteDance và các nhà đầu tư.
Hồi tháng Tám, Tik Tok đã đệ đơn kiện chính phủ Hoa Kỳ nhằm đáp trả sắc lệnh của ông Trump, theo đó buộc ứng dụng này phải bị đem bán đối với mảng hoạt động ở Mỹ.

Tân Cương: Mỹ chặn hàng xuất khẩu vì TQ vi phạm nhân quyền

Mỹ sẽ cấm một số mặt hàng xuất khẩu từ vùng Tân Cương của Trung Quốc liên qua tới các cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Uighur (Duy Ngô Nhĩ) theo đạo Hồi.
Cáo buộc cho biết có tình trạng sử dụng “lao động cưỡng bức” để tạo ra sản phẩm, trong đó có một trung tâm “dạy nghề” mà báo cáo của Mỹ gọi là “trại tập trung”.
Lệnh cấm xuất khẩu bao gồm hàng may mặc, bông, linh kiện máy tính và các sản phẩm chăm sóc tóc từ 5 vùng ở Tân Cương cũng như tỉnh An Huy.
Điều này gần như là một lệnh cấm toàn khu vực.
Kenneth Cuccinelli, quyền Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ nói với các phóng viên: “Những vi phạm nhân quyền đặc biệt này đòi hỏi một phản ứng đặc biệt”.
“Đây là hình thức nô lệ thời hiện đại.”
Đây là động thái mới nhất của chính quyền Trump nhằm gây áp lực lên Trung Quốc về tình trạng tại Tân Cương.
Bắc Kinh được cho rằng đã giam giữ hơn một triệu người ở Tân Cương những năm gần đây, viện dẫn mối đe dọa an ninh.
Trung Quốc luôn nói rằng các trại giam giữ nhằm cung cấp đào tạo nghề và giáo dục, và cần thiết để chống lại các mối đe dọa khủng bố và ly khai.
Hàng ngàn trẻ em đã bị buộc rời khỏi cha mẹ của chúng và nghiên cứu gần đây cho thấy, phụ nữ đã bị cưỡng bức sử dụng các biện pháp tránh thai.
Mark A.Morgan, quyền Ủy viên Cục Bảo vệ Biên giới và Hải quan Hoa Kỳ, nói rằng sắc lệnh hôm thứ Hai “gửi một thông điệp rõ ràng đến cộng đồng quốc tế rằng chúng tôi sẽ không dung thứ cho các hoạt động cưỡng bức lao động bất hợp pháp, vô nhân đạo và bóc lột trong các chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ”.
“Lao động cưỡng bức là một hành vi lạm dụng nhân quyền tàn bạo, hoàn toàn đi ngược lại các giá trị mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ.”
Ông Morgan nói: “Chính quyền Trump sẽ không đứng yên và cho phép các công ty nước ngoài bắt những người công nhân yếu thế tham gia lao động cưỡng ép trong khi cùng lúc gây tổn hại cho các doanh nghiệp Mỹ vốn tôn trọng nhân quyền và pháp quyền”.
Các lệnh cấm được công bố hôm thứ Hai nhắm vào bốn công ty và một khu sản xuất.
Lệnh cấm này gần như bao gồm toàn khu vực vốn đã được cân nhắc. Tuy nhiên, các quan chức cho biết họ vẫn đang xem xét khả năng đó.
Ông Cuccinelli giải thích: “Do tính chất độc nhất, áp dụng cho một khu vực chứ không phải một công ty hoặc cơ sở, nên chúng tôi đang có thêm những phân tích pháp lý.
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng một khi chúng tôi tiến hành, nó sẽ thành công, có thể nói như vậy.”
Trung Quốc sản xuất khoảng 20% ​​lượng bông trên thế giới với phần lớn bắt nguồn từ Tân Cương. Khu vực này cũng là nguồn cung cấp hóa dầu chính và các hàng hóa khác cho các nhà máy của Trung Quốc.
Trong tháng này, hãng giải trí khổng lồ Disney của Mỹ đã bị chỉ trích vì quay các cảnh của bộ phim Mulan mới tại Tân Cương.
Các công ty khác cũng đối mặt với các lời kêu gọi tẩy chay của khách hàng do bị cáo buộc có mối liên hệ với khu vực này.

Bài hát ‘Đà đảo ĐCSTQ’ của tỷ phú Quách Văn Quý

 từng lên đầu bảng xếp hạng iTunes

Lục Du
Tỷ phú gốc Hoa Quách Văn Quý đã cho ra mắt đĩa đơn âm nhạc đầu tiên của mình với tên “Đà đảo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)” vào tuần trước. Sau khi phát hành, bài hát của ông Quách đã tăng vọt trên các bảng xếp hạng âm nhạc khắp thế giới, thậm chí có thời điểm đứng đầu bảng xếp hạng iTunes Hoa Kỳ.
Tính đến sáng thứ Ba (15/9), bài hát rap của ông Quách vẫn ở vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng iTunes ở Hồng Kông và thứ 3 ở Đài Loan.
Trong lời bài hát, ông Quách nhấn mạnh việc Bắc Kinh luôn cố gắng bịt miệng những người bất đồng chính kiến, bản ráp cũng nói rằng tự do ngôn luận là kẻ thù lớn nhất của chính quyền Trung Quốc, và lưu ý rằng ĐCSTQ đã phá hủy các gia đình và đã đến lúc người Trung Quốc phải “đứng lên” đòi lại ngôi nhà của mình.
Trong một lần livestream, ông Quách đã tặng đĩa đơn của mình cho một nhóm nghệ sĩ 12 thành viên hoạt động tại Hoa Kỳ, bao gồm cả nhạc sĩ người Trung Quốc Tang Ping. Ông cho biết Bắc Kinh đã kiểm duyệt bài hát của ông ở Trung Quốc nhưng không thể kiểm duyệt nó trên thế giới.
Ông Quách lần đầu tiên phát hành “Đả đảo ĐCSTQ” vào ngày 8/9 trên Gnews, một nền tảng truyền thông do ông sáng lập. Theo CNA, tỷ phú Quách hứa sắp tới sẽ tung ra nhiều bài hát hơn nữa và những bài hát này tiếp tục phơi bày bản chất thực sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông Quách chỉ ra rằng chính quyền Trung Quốc đã tẩy não người dân Đại lục thông qua các bài hát, nhưng giờ đây ông mong muốn sử dụng âm nhạc để nâng cao nhận thức toàn cầu về “cái ác” của thế lực này. Ông cho biết âm nhạc của mình phục vụ như một bài ca cho những người bị Bắc Kinh truy tố và đàn áp cũng như mong rằng nó khả năng châm ngòi cho một “cuộc cách mạng dân chủ”, New Talk đưa tin.
Theo Taiwan News

Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc từ chức

để gia nhập chiến dịch tái tranh cử của ông Trump

Quý Khải
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad vừa rời chức vụ để tham gia chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump, một quan chức Mỹ trong cuộc cho biết hôm thứ Hai (14/9). Ông đã rời Bắc Kinh vào thời điểm mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, theo Reuters.
Ông Branstad, trước từng là thống đốc tại vị lâu nhất của Iowa, một bang nằm trong Vành đai Nông nghiệp Mỹ, nơi đã giúp tổng thống Trump tái đắc cử hồi năm 2016, sẽ rời Trung Quốc vào đầu tháng 10 tới, Đại sứ quán Mỹ nói trong một tuyên bố.
“Tôi cảm ơn Đại sứ Terry Branstad vì hơn ba năm phục vụ người dân Mỹ với tư cách Đại sứ Hoa Kỳ tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” Ngoại trưởng Mỹ  Mike Pompeo viết trên Twitter cá nhân. “Đại sứ Branstad đã góp phần tái cân bằng mối quan hệ Trung-Mỹ theo hướng mang lại kết quả, có đi có lại và công bằng”.
Hôm thứ Bảy, Tổng thống Trump ám chỉ Branstad có thể sẽ tham gia chiến dịch tái tranh cử của ông. Trong một video đăng trên Twitter bởi thượng nghị sĩ Iowa Joni Ernst, ông Trump cho biết ông Branstad sẽ trở về nhà.
Sự ra đi của ông Branstad khiến phái bộ Mỹ tại Bắc Kinh thiếu vắng vị trí khi chưa có đại sứ thay thế nào được xác nhận vào thời điểm hai quốc gia đang căng thẳng trên nhiều lĩnh vực, từ luật an ninh mới ở Hồng Kông cho đến việc xử lý tắc trách đại dịch Covid của Bắc Kinh cho đến các vấn yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông.
Vị trí trống này có thể kéo dài nhiều tháng ngay cả khi ông Trump tái đắc cử vào ngày 3/11. Thượng viện Mỹ – chịu trách nhiệm phê duyệt quyết định bổ nhiệm đại sứ của Tổng thống – dự kiến ​​sẽ chỉ họp trong khoảng hai tuần trước Ngày bầu cử, do đó sẽ khó có thể tìm ra một nhân sự thay thế cho vị trí này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đây đã mô tả ông Branstad, người đóng vai trò quan trọng trong cái gọi là thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một với Trung Quốc, là “người bạn cũ của người Trung Quốc”. Ông đã tạo dựng mối quan hệ với Chủ tịch Tập Cận Bình vài thập kỷ trước khi ông Tập đến thăm Iowa.
Tuần trước, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có cuộc khẩu chiến xoay quanh việc tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ – từ chối đăng một bài báo của Đại sứ Branstad.
Theo Reuters
Quý Khải biên dịch

Mỹ hạ khuyến cáo du hành tới Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 14/9 loan báo đã giảm khuyến cáo du hành với công dân Mỹ muốn đi Trung Quốc hay Hong Kong lúc này từ ‘Không nên đi’ thành ‘Cân nhắc kỹ.’
Bộ viện dẫn đại dịch COVID và sự thực thi luật lệ tuỳ tiện ở địa phương khi ra khuyến cáo ‘Cân nhắc kỹ,’ nhưng cũng nói rằng tình hình ở Trung Quốc có cải thiện.
Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 6 ban hành khuyến cáo cao nhất, cấp 4, ‘Không nên đi,’ tới ngày 14/9 hạ xuống cấp 3.

Tổng Thống Trump

đến thăm khu vực cháy rừng tại California

Tin Sacramento, California – Tổng Thống Trump đã đến thăm quận Sacramento vào thứ Hai, 14 tháng 9, trong bối cảnh California vẫn đang phải đối phó hàng chục đám cháy rừng trên toàn tiểu bang.
Tổng thống hạ cánh tại Công viên McClellan, nơi từng là căn cứ của Không quân, nay đang được cơ quan Cal Fire dùng làm bãi tập trung các máy bay cứu hỏa. Tổng Thống Trump đã gặp gỡ các viên chức tiểu bang và liên bang, để nghe thông tin về tình hình cháy rừng. Thống Đốc California Gavin Newsom cũng có mặt trong cuộc họp.
Các tiểu bang California, Oregon, và Washington, đang trải qua đợt cháy rừng chưa từng thấy trong lịch sử, với các đám cháy mở rộng với tốc độ rất nhanh, gây ô nhiễm không khí tại nhiều khu vực. Thống Đốc Newsom nói các vụ cháy rừng hiện nay là hậu quả của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Tổng Thống Trump cho rằng tình trạng này là do chính quyền địa phương quá yếu kém trong việc quản lý rừng. Tổng thống Trump nói rằng: “hãy chờ xem, rồi khí hậu sẽ mát lại!”.
Trong khi đó ứng cử viên Joe Biden gọi tổng thống Trump là “kẻ đốt phá khí hậu”. Ông Biden nói rằng nếu nước Mỹ có thêm bốn năm không nhìn nhận biến đổi khí hậu của tổng thống Trump, thì bao nhiêu vùng ngoại ô sẽ bị thiêu rụi bởi cháy rừng? Bao nhiêu khu dân cư ngoại ô sẽ bị ngập lụt”.
Chuyến thăm hôm thứ Hai là lần thứ sáu Tổng Thống Trump đến California kể từ khi nhậm chức. Vào 2 năm trước, ông đã đến thăm khu tàn tích của đám cháy Camp Fire tại quận Butte. (Ngô Bảo)

Trump và Biden đối đầu

về nguyên nhân hỏa hoạn ở bờ tây nước Mỹ

Thụy My
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua 14/09/2020 đã đến California, trao đổi với những người có trách nhiệm và lính cứu hỏa. Ông nhấn mạnh đến việc quản lý rừng để kiểm soát hỏa hoạn. Trong khi đó, đối thủ Joe Biden cáo buộc ông Trump là « người phóng hỏa khí hậu » vì không chịu nhìn nhận vai trò của của biến đổi khí hậu trong các trận cháy rừng ở bờ tây nước Mỹ.
Từ tháng Tám đến nay, lửa rừng tại các bang California, Oregon và Washington đã thiêu rụi trên 1,6 triệu hecta, hàng ngàn căn nhà, làm 35 người thiệt mạng. Thống đốc Dân Chủ bang California, Gavin Newsom nhìn nhận chính quyền địa phương đã thiếu sót trong quản lý rừng, nhưng nói thêm là hiện tượng trái đất nóng lên đã khiến rừng làm mồi cho lửa.
Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki tường trình :
« Trong lúc thống đốc California vừa yêu cầu tổng thống tôn trọng các quan điểm khác nhau về biến đổi khí hậu, và nhất là việc California tin tưởng vào khoa học, ông Donald Trump vẫn chứng tỏ sự nghi hoặc khi Wade Crowfoot, người phụ trách về tài nguyên thiên nhiên của tiểu bang chất vấn về vấn đề này.
Ông Trump nói : « Rồi sẽ nguội đi thôi ». Crowfoot phản bác : « Giá như khoa học chứng minh là ông có lý ». Donald Trump trả lời : « Tôi không tin rằng khoa học thực sự hiểu biết điều này ».
Đây không phải là lần đầu tiên tổng thống Mỹ phủ nhận hiện tượng biến đổi khí hậu. Nhưng một số chính khách hy vọng trước trận hỏa hoạn dữ dội đang tàn phá California, Oregon và bang Washington, Donald Trump sẽ tránh những phát biểu kiểu này, nhất là ông đang có mặt tại hiện trường để ủng hộ chính quyền địa phương trong việc chống chọi với ngọn lửa.
Trong cùng thời điểm, ông Joe Biden có bài diễn văn cũng về hỏa hoạn và khí hậu. Ông cáo buộc tổng thống đã thất bại trong việc xử lý khủng hoảng môi trường, như đã thất bại trong cuộc khủng hoảng dịch tễ.
Biden tuyên bố : « Vụ hỏa hoạn này nằm trong số các cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất của thời đại chúng ta, cần phải hành động thay vì chối bỏ. Nếu chúng ta cho kẻ phóng hỏa về khí hậu thêm bốn năm nữa ở Nhà Trắng, thì không thể ngạc nhiên khi nước Mỹ lại bốc cháy ».
Phát biểu của Donald Trump về khoa học gây chỉ trích kịch liệt, nhưng Nhà Trắng từ chối bình luận. »

Hiếm thấy! Vòi rồng lửa khổng lồ,

khiến cảnh tượng California càng thêm kinh hoàng

Phụng Minh
Một “vòi rồng lửa” (firenado) đã xuất hiện ở California khi đám cháy rừng xé toạc các đầm lầy lớn ở bờ biển phía tây, giết chết ít nhất 35 người.
Đoạn video cho thấy một trận cháy rừng gặp một cột không khí bốc lên đã tạo ra hiệu ứng giống như một cơn lốc xoáy rực lửa. Đoạn video đã được đăng trên mạng xã hội vào thứ Năm (10/9) và lan truyền vào cuối tuần vừa qua.
Người dùng mạng xã hội đã đặt biệt danh cho bang California là “Hellifornia” (địa ngục California), và có người bình luận: “Năm 2020 nói rằng, Này! các người biết còn thiếu điều gì không? Một cái “vòi rồng lửa”! Điều đó thật kinh hoàng! Tôi cũng đã có một vị trí hoàn hảo. Tôi đã ở ngoài đó… “
Một người khác đăng trên Twitter: “Năm 2020 cứ như là thứ gì đó bước thẳng ra từ một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đen tối, các bạn đã bao giờ nhìn thấy một cơn lốc xoáy bốc cháy chưa?”
Đoạn video được quay khi các nhân viên cứu hỏa ở California đang chuẩn bị cho sự thay đổi thời tiết có thể mang đến gió mạnh hơn vào thứ Hai (14/9) và tiếp sức cho hàng chục đám cháy vẫn đang hoành hành khắp tiểu bang.
Trong một sự cố tương tự, một tweet khác về cháy rừng ở California cũng lan truyền trên mạng. Hình ảnh cho thấy San Francisco Giants và Oakland Athletics đang chơi bóng chày trên sân vận động nhưng bầu trời có ánh sáng màu cam kỳ lạ. Màu sắc kỳ lạ là do khói dày đặc từ đám cháy rừng, và màu cam xuất hiện do mặt trời phát sáng trong phông nền là đám khói bụi.
California tuần trước đã trải qua thời tiết được mệnh danh là ‘lò sưởi’. Dịch vụ Thời tiết Quốc gia Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo bằng cờ đỏ cho Bắc California đến tối thứ Hai, nói rằng gió đông nam mạnh và độ ẩm thấp sẽ dẫn đến điều kiện thời tiết hỗ trợ hỏa hoạn gia tăng trên toàn khu vực, theo Daily Mail.
Các đám cháy ở Bờ Tây là một trong những vụ cháy tồi tệ nhất từng được ghi nhận.
Một cảnh báo đã được đưa ra ở Oregon vào đêm Chủ Nhật (13/9) sau khi cơ quan thời tiết nói rằng gió, độ ẩm và nguy cơ hỏa hoạn sẽ “có khả năng góp phần vào sự lây lan đáng kể của các đám cháy mới và hiện có”. Andrew Phelps, giám đốc quản lý tình trạng khẩn cấp của Oregon, nói rằng tiểu bang đang chuẩn bị cho một “sự cố gây chết người hàng loạt”.
Theo Dailymail
Phụng Minh biên dịch

Tổng Thống Trump ký lệnh hành pháp

nhằm hạ giá thuốc tại Hoa Kỳ

Tin từ Washington, D.C. – Vào chủ nhật (ngày 13 tháng 9), Tổng thống Trump đã ký lệnh hành pháp nhằm hạ giá thuốc tại Hoa Kỳ bằng với giá thuốc tại một số quốc gia khác. Hành động này, được đưa ra 2 tháng trước ngày bầu cử tổng thống 11 tháng 3, sẽ thay thế lệnh hành pháp mà Tổng thống Trump đưa ra vào ngày 24 tháng 7 năm nay.
Phiên bản tháng 7 chỉ tập trung vào các loại thuốc thường được các văn phòng bác sĩ và phòng khám sức khỏe kê cho bệnh nhân theo Phần B trong Medicare, nhưng lệnh hành pháp mới sẽ mở rộng đến các loại thuốc kê toa có sẵn tại hiệu thuốc theo Phần D của Medicare. Cụ thể, giá thuốc tại Hoa Kỳ giờ đây sẽ bằng với mức giá thấp nhất mà các chính phủ nước ngoài phải trả.
Lệnh hành pháp cũng yêu cầu ban hành các quy định liên bang mới, một tiến trình phức tạp có thể không được thực hiện trước Ngày bầu cử. Việc xác định giá thuốc tại các quốc gia khác có thể là một thách thức vì các cuộc đàm phán giữa chính phủ và các nhà sản xuất thuốc thường được giữ bí mật.
Nhóm thương mại lớn nhất của ngành dược – PhRMA, hay Pharmaceutical Research and Manufacturers of America – đã tố cáo hành động của Tổng thống Trump là “một cuộc tấn công liều lĩnh vào chính những công ty đang làm việc suốt ngày đêm để đánh bại COVID-19”.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành PhRMA Stephen Ubl gọi chính sách này là “không thể thực hiện được,” đồng thời cho biết nó sẽ giúp các chính phủ ngoại quốc có tiếng nói trong việc Hoa Kỳ cung cấp các phương pháp điều trị cho người dân.
Ông Larry Levitt, nhà kinh tế học sức khỏe tại tổ chức nghiên cứu Kaiser Family Foundation, đã viết trên Twitter rằng lệnh hành pháp của Tổng thống Trump “tự nó không làm được gì cả. Nó phải kèm theo các quy định khác, và điều này sẽ mất thời gian.”  (BBT)

Tòa án Mỹ cho phép ông Trump

ngưng chương trình bảo vệ nhân đạo cho di dân

Một tòa phúc thẩm Mỹ ngày 14/9 đứng về phía Tổng thống Donald Trump trong quyết định của chính quyền chấm dứt bảo vệ nhân đạo cho hàng trăm ngàn di dân, nhiều người đã sống tại Mỹ trong nhiều thập niên.
Trong phán quyết 2 thuận 1 chống, một ủy ban 3 thẩm phán tại Tòa phúc thẩm liên bang khu vực số 9 ở California đảo ngược quyết định của một tòa dưới vốn ngăn hành động của ông Trump ngưng Tình trạng Bảo vệ Tạm thời (TPS) đối với người El Salvador, Haiti, Nicaragua và Sudan.
Phán quyết này cũng sẽ ảnh hưởng đến tình trạng của những người từ Honduras, Nepal vốn đã đệ đơn kiện riêng rẽ nhưng bị ngưng lại hồi năm ngoái chờ kết quả của vụ kiện kia.
Những người đăng ký chương trình TPS từ 6 nước hiện có giấy phép làm việc cho đến ngày 4/1/2021. Phán quyết của tòa phúc thẩm có nghĩa là những di dân này buộc phải tìm cách khác để được lưu lại Mỹ hợp pháp hay phải ra đi sau thời gian ít nhất 6 tháng. Tuy nhiên, vụ này chắc chắn sẽ lên tới Tối cao Phá[ viện Mỹ, có thể trì hoãn kết quả.
TPS cho phép người nước ngoài mà đất nước họ trải qua thiên tai, xung đột vũ trang hay những trường hợp đặc biệt khác, ở lại nước Mỹ và đệ đơn xin phép làm việc. Tình trạng này phải được Bộ trưởng An ninh Nội địa xét lại định kỳ và có thể gia hạn từ 6 đến 18 tháng.

Phóng viên đài phát thanh công cộng NPR

bị cảnh sát quận Los Angeles bắt giữ

trong cuộc biểu tình bên ngoài bệnh viện Lynwood

Các cảnh sát của sở cảnh sát quận Los Angeles đã bắt giữ một phóng viên đài phát thanh KPCC của NPR đang đưa tin về một cuộc biểu tình nổ ra vào đêm thứ Bảy (12 tháng 9) bên ngoài một bệnh viện ở Lynwood, nơi hai có 2 cảnh sát đang được điều trị vết thương do đạn bắn.
Video cho thấy một số cảnh sát kéo nữ phóng viên của KCPP và LAist, Josie Huang từ dưới đất lên và còng tay cô ở bên ngoài trung tâm y tế St. Francis. Trước đó, video cho thấy các cảnh sát viên đẩy cô ra  khi các cảnh sát khác đang bắt giữ một người đàn ông. Khi cô Huang bị bắt giữ và đưa vào một chiếc xe tuần tra, cô vẫn đeo thẻ phóng viên trên cổ.
Hôm Chủ nhật (13 tháng 9), cô Huang đã công bố video mà cô quay bằng điện thoại về những khoảnh khắc trước và trong khi cô bị bắt. Một video cho thấy cô đang tiến đến chỗ các cảnh sát đang bắt giữ một người đàn ông trước khi họ bắt đầu hét lên yêu cầu cô lùi lại. Một đoạn clip khác cho thấy tiếng cảnh sát đạp lên chiếc điện thoại, và đá chiếc điện thoại ra chổ khác,  và có tiếng nói của cô Huang cho rằng họ đang làm tổn thương cô.
Sau khi cô bị bắt, sở cảnh sát nói cô Huang bị buộc tội nhẹ về cản trở người thi hành công vụ, và được trả tự do vài giờ sau đó. Chưa rõ liệu văn phòng biện lý quận có thực sự nộp hồ sơ về các cáo buộc hay không. Tuy nhiên, sau khi cô Huang công bố các video mâu thuẫn với câu chuyện đó, đội trưởng Kerry Carter của sở cảnh sát trưởng đã tweet rằng họ có kế hoạch điều tra thêm về vụ bắt giữ nữ phóng viên này. (BBT)

Eli Lilly: 'Baricitinib phối hợp Remdesivir

rút ngắn thời gian hồi phục COVID'

Ngày 14/9, công ty Eli Lilly loan báo thuốc chữa thấp khớp của họ rút ngắn thời gian hồi phục cho những bệnh nhân nằm bệnh viện vì COVID-19 khi được dùng cùng với thuốc remdesivir của công ty Gilead.
Thuốc baricitinib, tên thương mại là Olumiant, cắt thời gian hồi phục trung bình khoảng 1 ngày nếu dùng chung với remdesivir, so với những bệnh nhân chỉ được chữa trị với thuốc remdesivir không thôi, hãng Lilly nói.
Remdesivir được chấp thuận sử dụng khẩn cấp vào tháng 5 sau khi các dữ liệu thử nghiệm cho thấy thuốc giúp rút ngắn thời gian phục hồi trong bệnh viện 31%.
Công ty Lilly nói đang có kế hoạch xin được sử dụng khẩn cấp thuốc baricitinib với Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, dựa vào kết quả thử nghiệm trên 1.000 bệnh nhân.
“Như là loại thuốc đã được chấp thuận và có sẵn, chúng tôi tin là baricitinib có thể dùng như một giải pháp chữa trị bổ sung quan trọng giữa lúc cộng đồng y học tiếp tục học hỏi về cách thức xử lý tốt nhất bệnh nhân COVID-19 đang nằm bệnh viện,” nhà phân tích Mizuho Vamil Divan nói.
Thuốc baricitinib có thể giúp khống chế sự đáp ứng miễn nhiễm có thể gây chết người đối với COVID-19 có tên là “bão cytokine.”
Các bệnh viện Mỹ đã hủy bỏ khoảng một phần ba việc được phân phối thuốc remdesivir kể từ tháng 7 khi nhu cầu giảm bớt, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ xác nhận hôm 11/9.
Sáu liều thuốc remdesivir có giá là 3.120 đô la.
Eli Lilly vào tháng 6 cũng bắt đầu nghiên cứu thử nghiệm giai đoạn cuối thuốc baricitinib như là cách điều trị cho bệnh nhân COVID trong các bệnh viện tại Mỹ, Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ Latin.

Phát hiện dấu hiệu của sự sống trên Sao Kim

Các nhà khoa học ngày 14/9 cho hay phát hiện trên đám mây acid của Sao Kim một chất khí có tên phosphine cho thấy vi sinh vật có thể cư ngụ trên hành tinh láng giềng của Trái Đất, một dấu hiệu nêu lên khả năng có sự sống bên ngoài Trái Đất.
Các nhà nghiên cứu không phát hiện các vi sinh vật thực thụ nhưng lưu ý rằng trên Trái Đất, khí phosphine được sản xuất bởi các vi sinh vật sinh sôi nảy nở trong những môi trường thiếu oxy. Nhóm khoa học gia quốc tế này thoạt đầu phát hiện khí phosphine bằng viễn vọng kính James Clerk Maxwell tại Hawaii và sau đó xác nhận bằng viễn vọng kính radio gồm 8 thấu kính với đường kính 6 mét có tên là Atacama ở Chile.
Sự hiện hữu của sự sống ngoài Trái Đất lâu nay là một trong những câu hỏi hàng đầu của khoa học. Các nhà khoa học đã dùng phi thuyền thăm dò và viễn vọng kính để tìm “chỉ dấu sinh học,” tức dấu hiệu gián tiếp của sự sống-trên những hành tinh và mặt trăng khác trong thái dương hệ của chúng ta và xa hơn nữa.
“Với những điều chúng ta biết hiện nay về Sao Kim, cách giải thích hợp lý nhất về phosphine, nghe tuyệt vời, là sự sống,” nhà vật lý thiên văn chuyên khoa phân tử tại Viện Công nghệ Massachusetts, đồng tác giả cuộc nghiên cứu, Clara Sousa-Silva, nói.
“Tôi nhấn mạnh sự sống, giải thích cho khám phá của chúng tôi, luôn luôn nên là giải pháp cuối cùng,” bà Soussa-Silva nói thêm. “Điều này quan trọng vì, nếu là khí phosphine, và nếu là sự sống thì nghĩa là
chúng ta không đơn độc. Cũng có nghĩa là bản thân sự sống là rất thông thường, và chắc hẳn có nhiều hành tinh có sự sống trong thiên hà của chúng ta.”
Khí phosphine bao gồm một một nguyên tử phốt-pho và 3 nguyên tử hy-dro kết hợp với nhau, rất độc đối với người.
Những viễn vọng kính đặt trên mặt đất như loại được dùng trong cuộc nghiên cứu này giúp các nhà khoa học nghiên cứu về hóa tính và những đặc tính khác của các vật thể trong không gian.
Cuộc nghiên cứu đang được tiếp tục để hoặc xác nhận sự hiện diện của sự sống hoặc tìm một cách giải thích khác.
Sao Kim là hành tinh láng giềng gần nhất của Trái Đất. Sao Kim có cấu trúc tương tự nhưng nhỏ hơn Trái Đất một ít và là hành tinh thứ hai tính từ mặt trời. Trái Đất là hành tinh thứ ba. Sao Kim được bao bọc bằng một bầu khí quyển độc hại dày đặc, giữ nhiệt. Nhiệt độ bề mặt lên tới 471 độ C, đủ làm tan chảy chì.
“Không sự sống nào có thể tồn tại trên bề mặt Sao Kim, vì hoàn toàn không thể ở được, ngay cả với các sinh vật hóa học hoàn toàn khác biệt với chúng ta,” bà Sousa-Silva nói. “Nhưng cách đây một thời gian khá lâu, Sao Kim có thể có sự sống trên bề mặt, trước khi ảnh hưởng của khí nhà kính làm cho đa phần hành tinh này hoàn toàn không thể cư ngụ được.”
Một số nhà khoa học nghi là các đám mây cao của Sao Kim, với nhiệt độ ôn hòa khoảng 30 độ C, có thể chứa đựng những vi sinh vật trong không gian chịu đựng được độ acid cực mạnh. Những đám mây này chứa 90% là acid sulphuric. Các vi sinh vật trên Trái Đất không thể sống trong môi trường acid như vậy.
Trên Trái Đất, các siêu vi sinh vật trong “môi trường không có oxy-hệ sinh thái không trông cậy vào oxy- sản xuất ra phosphine. Những môi trường này bao gồm những nhà máy chất thải, đầm lầy, ruộng lúa, và đất ngập nước, trầm tích ở đáy hồ và chất thải và ruột của nhiều động vật. Khí phosphine cũng xuất phát từ một vài bối cảnh công nghiệp phi sinh học.
Để sản xuất phosphine, vi khuẩn của Trái Đất dùng phốt-phát từ khoáng chất hay những chất liệu sinh học và thêm khí hydro vào.
Lẽ ra Sao Kim không thuận lợi cho phosphine. Bề mặt và bầu khí quyển của Sao Kim giàu hỗn hợp oxy có thể nhanh chóng phản ứng và tiêu hủy phosphine.
“Phải có chất gì tạo ra phosphine trên Sao Kim cũng nhanh bằng tiến trình nó bị hủy hoại,” đồng tác giả cuộc nghiên cứu bà Anita Richards đồng thời là một nhà vật lý thiên văn thuộc Trường đại học Manchester ở Anh nói.
Trước đây phi thuyền không gian robot từng lên thăm Sao Kim, có lẽ cần có một chuyến thăm dò mới bằng phi thuyền để xác nhận có hay không sự sống trên hành tinh này.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới báo cáo số ca nhiễm

 coronavirus kỷ lục trên toàn cầu trong một ngày

Vào hôm Chủ nhật (13/9), Tổ chức Y tế Thế giới báo cáo mức gia tăng số ca nhiễm coronavirus kỷ lục trong một ngày trên toàn cầu, với tổng số ca tăng thêm 307,930 trong 24 giờ.
Theo trang web của cơ quan này, mức gia tăng lớn nhất là từ Ấn Độ, Hoa Kỳ và Brazil. Số người tử vong tăng 5,537 người lên tổng số 917,417. Ấn Độ báo cáo 94,372 ca nhiễm mới, tiếp theo là Hoa Kỳ với 45,523 ca nhiễm mới và Brazil với 43,718 ca.
Cả Hoa Kỳ và Ấn Độ đều báo cáo hơn 1,000 trường hợp tử vong mới và Brazil báo cáo 874 người thiệt mạng trong 24 giờ qua. Kỷ lục trước đó của WHO về số ca nhiễm mới là 306,857 vào ngày 6 tháng 9. Cơ quan này báo cáo kỷ lục 12,430 ca tử vong vào ngày 17 tháng 4.
Theo thống kê của Reuters, Ấn Độ dẫn đầu thế giới về số ca bệnh mới được báo cáo mỗi ngày và lập kỷ lục toàn cầu vào tuần trước với 97,570 ca được báo cáo chỉ trong một ngày. Ở một số vùng của Ấn Độ, liệu pháp oxygen y tế đang trở nên khó tìm khi tổng số ca bệnh vượt quá 4.75 triệu. Hiện chỉ có Hoa Kỳ ghi nhận nhiều trường hợp hơn với 6.5 triệu ca bệnh.
Theo phân tích của Reuters, các ca nhiễm COVID-19 vẫn đang gia tăng ở 58 quốc gia, trong đó có Argentina, Indonesia, Morocco, Tây Ban Nha và Ukraine. Số ca bệnh mới đang giảm ở Hoa Kỳ và giảm khoảng 44% so với đỉnh điểm hơn 77,000 ca mới được báo cáo vào ngày 16 tháng 7. Số ca bệnh ở Brazil cũng đang có xu hướng giảm.

Bất đồng về thương mại, nhân quyền

và biến đổi khí hậu chi phối

hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Cộng

Tin từ London – Các viên chức EU và Trung Cộng đã gặp gỡ vào hôm thứ Hai (14 tháng 9) thông qua buổi họp hội nghị trực tuyến, sau khi các kế hoạch gặp gỡ trực tiếp không thể thực hiện do tình hình dịch bệnh cũng như do các cuộc đàm phán đạt ít tiến triển. EU và Trung Cộng thường xuyên xung đột về các vấn đề nhân quyền, thương mại và chính sách kinh tế.
Vào tháng 06/2020, chỉ vài ngày sau cuộc gặp các viên chức châu Âu, Trung Cộng đã thông qua luật an ninh mới cho Hồng Kông.  Trong khi đó, trong một chuyến công du gần đây đến 5 quốc gia châu Âu, Ngoại trưởng Trung Cộng, Vương Nghị đã bị EU nhắc nhở về sự phản đối của họ trước thái độ của Bắc Kinh với Hồng Kông và Đài Loan.
Trong cuộc họp, chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và chủ tịch Trung Cộng, Tập Cận Bình cùng xem xét các cuộc đàm phán đầu tư của họ, thảo luận về biến đổi khí hậu và cách họ ứng phó với coronavirus. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã tham gia. Tuy nhiên, các chuyên gia nghi ngờ khả năng hai bên đạt triển vọng lớn.
Hai bên đã bắt đầu đàm phán về thỏa thuận đầu tư từ năm 2014, EU muốn các nhà đầu tư của mình được tham gia thị trường Trung Cộng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, họ đã không đạt được tiến bộ đáng kể nào, và hiện còn nhiều nghi vấn cho khả năng họ đạt được thỏa thuận vào cuối năm như đã được lên kế hoạch. Ngoài ra, sự không chắc chắn về việc ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sắp tới, và lập trường nhiều hoài nghi hơn của EU đối với Trung Cộng cũng tác động đến các cuộc đàm phán giữa hai bên. (BBT)

Liên Âu đề nghị Trung Quốc chấp nhận

cho ‘‘quan sát viên độc lập’’ tới Tân Cương

Trọng Thành
Trong cuộc thượng đỉnh qua cầu truyền hình giữa chủ tịch Trung Quốc và các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, hôm qua 14/09/2020, Liên Âu đã trực tiếp nêu ra quan ngại về tình trạng nhân quyền bị chà đạp tại nhiều nơi ở Trung Quốc. Liên Âu đề nghị Bắc Kinh chấp nhận « các quan sát viên độc lập » đến khu vực Tân Cương, nơi chính quyền Trung Quốc bị tố cáo tổ chức các đàn áp quy mô lớn nhắm vào cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Trả lời báo giới sau hội nghị qua cầu truyền hình với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel cho biết, trong cuộc hội đàm với lãnh đạo Trung Quốc, Liên Âu nhấn mạnh « vấn đề nhân quyền cần phải rất được chú ý », và việc cử quan sát viên độc lập đến một số khu vực tại Tân Cương để làm sáng tỏ tình hình tại đây là « một trong những điểm quan trọng ».
Điểm được giới quan sát đặc biệt chú ý là, trước thượng đỉnh Liên Âu – Trung Quốc hôm qua, 27 thành viên Liên Âu đã thống nhất chuyển đến Bắc Kinh thông điệp : không thể duy trì các quan hệ kinh tế và thương mại song phương, nếu chính quyền Trung Quốc không chấp nhận thảo luận về các vấn đề chính trị và nhân quyền.
Chính quyền Bắc Kinh bị cáo buộc giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo tại Tân Cương, khu tự trị xa xôi nằm ở vùng tây bắc Trung Quốc, giáp biên giới các nhiều nước Trung Á. Đây là điều mà Bắc Kinh thường xuyên bác bỏ. Đề xuất cử « một phái đoàn quốc tế với quan sát viên độc lập », dưới sự chủ trì của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, tới khu vực này, đã từng được ngoại trưởng Pháp nêu ra hồi tháng 7.
Về thượng đỉnh hôm qua, thông tín viên Pierre Bénazet từ Bruxelles cho biết thêm :
« Nhân cuộc họp thượng đỉnh chủ yếu bàn về kinh tế, theo quan điểm của Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu đã nhấn mạnh nhiều đến các chủ đề chính trị. Căng thẳng với Đài Loan, trấn áp ở Hồng Kông, ức hiếp người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng : Việc đề cập đến các chủ đề như vậy chắc chắn đã  không
làm chủ tịch Trung Quốc hài lòng. Theo chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, Liên Hiệp Châu Âu cần bảo vệ không chỉ các lợi ích, mà cả các giá trị của mình. 
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel giải thích : ‘‘Cuộc thượng đỉnh này không phải là một thượng đỉnh mang tính nghi thức. Đây là một thượng đỉnh có nội dung thực chất, với các luận điểm được đưa ra nhằm mục tiêu thúc đẩy việc thực thi các giá trị mà chúng tôi tin tưởng. Chúng tôi không khoan nhượng. Chúng tôi khẳng định Nhà nước pháp quyền, nhân quyền, phẩm giá của con người, cũng như việc bảo vệ các nhóm thiểu số là các chủ đề cần được đề cập đến’’. 
Về mặt kinh tế và thương mại, Liên Hiệp Châu Âu vui mừng với một thỏa thuận được ký kết bên lề thượng đỉnh, theo đó Bắc Kinh thừa nhận các tên gọi (chỉ dẫn) địa lý được bảo hộ của Liên Âu. Tuy nhiên, Liên Âu cũng thừa nhận rằng còn nhiều việc phải làm trước khi đạt được mục tiêu có đi có lại trong việc thâm nhập thị trường. Liên Hiệp Châu Âu yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các rào cản và cho phép các doanh nghiệp châu Âu thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, với các điều kiện cạnh tranh công bằng, ví dụ như với quy định về bảo hộ đầu tư. Tuy nhiên, mục tiêu ban đầu có được một lộ trình để tiến tới một thỏa thuận về lĩnh vực này, từ đây đến tháng 12, hiện vẫn còn là vấn đề để ngỏ, sau thượng đỉnh ».
Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm qua ra thông báo sẽ không cho phép nhập khẩu một loạt hàng hóa, có nguồn gốc từ vùng Tân Cương Trung Quốc. Washington cáo buộc Bắc Kinh sử dụng « các lao động người thiểu số Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức ». Các cơ quan hải quan Mỹ ban hành bốn quy định mới cấm nhập vào Mỹ các mặt hàng vải, quần áo, linh kiện tin học hay hàng mỹ phẩm, sản xuất tại các nhà máy ở Tân Cương.

Hiệp định đầu tư Trung Quốc – Liên Âu :

Thanh Hà
Tại thượng đỉnh bất thường giữa Liên Hiệp Châu và Trung Quốc lãnh đạo đôi bên tuyên bố vẫn theo đuổi mục tiêu đạt được thỏa thuận về đầu tư song phương vào cuối năm 2020. Nhưng không chắc đây vẫn còn là ưu tiên của Bruxelles và Bắc Kinh, khi Liên Âu xem « Trung Quốc là một đối thủ có hệ thống ».
Dịch Covid-19 đã phá hỏng kế hoạch ngoại giao của thủ tướng Angela Merkel. Bà muốn lợi dụng cương vị chủ tịch luân phiên châu Âu mời chủ tịch Trung Quốc đến Leipzig dự thượng đỉnh đặc biệt với lãnh đạo của toàn khối Liên Hiệp Châu Âu tạo đà cho đối thoại Âu-Trung. Một trong những trọng tâm của sự kiện là thúc đẩy họp tác kinh tế giữa Liên Âu với đối tác thương mại quan trọng thứ nhì của mình.
Do hoàn cảnh dịch bệnh, cuối cùng hôm 14/09/2020 thượng đỉnh đã phải họp qua cầu truyền thình và thu gọn giữa một bên là chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von Der Leyen, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và thủ tướng Đức Angela Merkel đại diện cho 27 thành viên của Liên Âu và bên kia là chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị, Bruxellesghi nhận « một số tiến bộ » nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để cho ra đời hiệp định đầu tư song phương – Comprehensive Agreement on Investment (CAI).  Liên Âu một lần nữa nhấn mạnh đòi hỏi phía Trung Quốc tôn trọng nguyên tắc bình đẳng.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu thông báo đã đạt được một số tiến bộ với Trung Quốc trên ba điểm : « Ứng xử của các công ty Nhà nước Trung Quốc, chuyển giao công nghệ và chính sách trợ cấp cho các công ty quốc doanh ». Bất đồng vẫn tồn tại trên hai vế : việc « mở cửa thị trường nội địa Trung Quốc cho các doanh nhân châu Âu và dư thừa sản xuất » của các doanh nghiệp Trung Quốc. Thủ tướng Đức cho rằng tất cả tùy thuộc vào « quyết tâm chính trị » của các bên.
CAI nhiễu sóng vì virus corona và vế chính trị
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đã tránh đi sâu vào chi tiết liên quan đến những điểm vừa nêu nhằm để ngỏ khả năng CAI vẫn là các đích các bên nhắm tới.
Có điều, đối thoại giữa Bruxelles và Bắc Kinh ngày càng phức tạp vì nhiều hồ sơ chính trị khác từ luật an ninh quốc gia mà Hoa Lục đã áp đặt với đặc khu hành chính Hồng Kông đến những bằng chứng ngày càng nhiều về chính sách đàn áp thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, tình hình đang nóng lên tại Tây
Tạng …  Trên những điểm nhậy cảm này chủ tịch Hội Đồng Châu Âu cảnh báo Bruxelles sẽ không « nhắm mắt làm ngơ ».
Trở ngại kinh tế chưa thể vượt qua
Nhưng quan trọng hơn cả là châu Âu không còn cả tin vào Trung Quốc như trước đây theo phân tích của chuyên gia Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS của Pháp : « Điểm hết sức quan trọng là lập trường của châu Âu về Trung Quốc đang thay đổi rất nhanh và những bức xúc của châu Âu đối với Bắc Kinh đã thêm dồn dập. Điều này thể hiện một cách rõ ràng trên hồ sơ kinh tế mà đây là trọng tâm của thượng đỉnh Âu-Trung lần này. Liên Âu quá mệt mỏi trước những hứa hẹn trống rỗng của Bắc Kinh. Trung Quốc cam kết nhiều nhưng thực hiện thì không bao nhiêu.
Giờ đây Bruxelles mạnh mẽ đòi Bắc Kinh tôn trọng nguyên tắc đối đẳng, có qua có lại và đòi các doanh nghiệp châu Âu phải được đối xử bình đẳng trên nhiều lĩnh vực. Thí dụ như mở của thị trường của đôi bên cho các doanh nghiệp của nhau, về chính sách trợ giá cho các công ty quốc doanh hay liên quan tới vai trò trung tâm của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong các hoạt động kinh tế. Liên Âu và Trung Quốc đã đàm phán từ trước về tất cả những điều khoản này nhưng câu hỏi vẫn là đôi bên có thể ký kết được thỏa thuận đầu tư hay không ? Cần nói thêm là đàm phán đã kéo dài từ quá lâu rồi, từ năm này qua năm khác ».
Những khúc mắc quan trọng nhất mà Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc vẫn chưa san bằng được sau gần 30 vòng đàm phán như ông Bondaz vừa trình bày, cũng là nguồn gốc gây nên cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung.
Trước mắt Bắc Kinh không có dấu hiệu nhượng bộ chính quyền Trump trên tất cả những điểm từ chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước, đến vấn đề cưỡng bức chuyển giao công nghệ hay vai trò trọng yếu của các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc … vậy không lẽ ông Tập Cận Bình đã dễ dàng nhượng bộ các đối tác châu Âu ?
Nhiều nhà bình luận hoài nghi về thực chất trong thông báo của Bruxelles hôm 14/09/2020 khi nêu bật những tiến bộ đã đạt được với Bắc Kinh.
Trung Quốc kém « hấp dẫn » trong mắt châu Âu 
Trả lời báo Libération ngày 13/09/2020 nhà kinh tế Michel Fouquin thuộc trung tâm nghiên cứu CEPII (Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc Tế) của Pháp giải thích trong hoàn cảnh hiện tại rất khó để các công ty châu Âu mua lại các tập đoàn Trung Quốc trong khi đó Trung Quốc đã tham gia trực tiếp, thậm chí làm chủ nhiều tập đoàn then chốt của châu Âu. Đây là một điểm mà Bruxelles không còn chấp nhận nữa nhất là trong bối cảnh thị trường Trung Quốc có phần kém hấp dẫn so với hồi 2013 khi đôi bên khởi động đàm phán về một hình định đầu tư song phương.
Chuyên gia Antoine Bondaz cho rằng đây là thời điểm để Liên Âu áp đặt trở lại luật chơi của mình với một đối tác thương mại dù rất nặng ký như Trung Quốc. Ông giải thích : « Liên Âu cần ý thức được là đang có trong tay nhiều phương tiện để gây sức ép với Trung Quốc. Tôi cho rằng Bruxelles thiếu tự tin, đánh giá thấp về khả năng của mình, nhưng lại đánh giá quá cao về thực lực của đối phương. Ở thời điểm này Trung Quốc đang cần châu Âu, cần thị trường của châu Âu. Quan hệ giữa Bắc Kinh với Mỹ, Úc, Canada đang rất căng thẳng và cũng không tốt đẹp gì hơn với Anh Quốc. Rõ ràng chỉ còn lại có châu Âu.
Hơn bao giờ hết Trung Quốc đang cần đến khối này, từ mặt mậu dịch đến các hợp tác nghiên cứu, khoa học .. Vậy tại sao Liên Âu không tận dụng thời cơ này để đánh đổi lấy những gì mà Bruxelles từ lâu nay vẫn trông đợi ở Bắc Kinh ? Năm ngoái tổng trao đổi mậu dịch của Pháp với Trung Quốc chỉ bằng 10 % so với giữa Pháp và toàn khối Liên Âu. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc tuy là một bạn hàng quan trọng nhưng không có trọng lượng đối với Pháp như là đối với một số những quốc gia khác, như là Hàn Quốc, Úc và nhất với Đài Loan chẳng hạn ».
Tính toán của Trung Quốc 
Thế còn về phía Trung Quốc thì sao ? Cề mặt chính thức trong vòng công du năm nước Liên Âu cuối tháng 8/2020 ngoại trưởng Vương Nghị vẫn hy vọng CAI hoàn tất trong năm nay. Nhưng thực tế cho thấy quan tâm hàng đầu của Trung Quốc hiện tại có lẽ là giải quyết xung đột về kinh tế (và trên nhiều hồ sơ khác nữa) với Mỹ.
Ngoài ra, trong bài viết đăng trên Blog của Viện Nghiên Cứu Montaigne Paris từ tháng 4/2019,  Mathieu Duchâtel giám đốc trung tâm châu Á của Viện đã cảnh báo chớ « lạc quan thái quá » về một hiệp định đầu tư song phương với Trung Quốc.
Chuyên gia Pháp đã đưa ra những điểm chính như sau : tại Bắc Kinh các nhà bình luận Trung Quốc khá tin tưởng vào khả năng đạt được một thỏa thuận với châu Âu đồng thời phân biệt rõ ràng tầm nhìn « ngắn hạn » và « dài hạn ». Trong một tài liệu lưu hành nội bộ được ông Duchâtel trích dẫn cho thấy ngay từ 2018 Bắc Kinh đã ý thức được là ngày càng có nhiều yếu tố gây nhiễu quan hệ song phương, tức là đàm phán về CAI bước vào giai đoạn gay go hơn bởi một số yếu tố.
Các yếu tố đó gồm : điều kiện để doanh nghiệp châu Âu tham gia thị trường của Trung Quốc, chuẩn mực về phát triển bền vững vốn Liên Âu rất gắn bó, các điều khoản về trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với xã hội, và sau cùng là danh sách những lĩnh vực Bắc Kinh xem là nhậy cảm chưa thể mở cửa cho các công ty nước ngoài. Tuy nhiên giới chuyên gia Trung Quốc tin tương là vẫn có thể tìm ra những giải pháp để hóa giải từng điểm một những trở ngại vừa nêu. Nhưng vế chuyển giao công nghệ là một ngoại lệ. Phía Trung Quốc thậm chí xem đây lầ điều « không tránh khỏi » nhưng không đề xuất bất kỳ một giải pháp nào để trấn an đối phương.
Lợi dụng thời cơ và áp đặt luật chơi của kẻ mạnh
Điểm thứ nhì giám đốc trung tâm châu Á Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp nêu bật trong bài viết đó là Bắc Kinh muốn nhanh chóng đạt được một hiệp định với Liên Âu đề phòng Bruxelles thiên về các giải pháp bảo hộ mậu dịch gắt gao hơn. Chính sách đó sẽ đe dọa trực tiếp đến dự án Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc.
Mathieu Duchâtel trích dẫn nghiên cứu của một chuyên gia thuộc Viện Khoa Học Xã Hội tại Bắc Kinh theo đó phương tiện tốt nhất đề đối mặt với chính sách bảo hộ của Liên Âu là : « bắt các doanh nghiệp châu Âu hợp tác với Trung Quốc để phía châu Âu tự điều chỉnh thái độ ». Chuyên gia Trung Quốc này tin tưởng, sẽ đạt được mục đích đó bởi « Châu Âu cần vốn của Trung Quốc ».
Một thành viên khoa đặc trách châu Âu cũng của Viện Khoa Học Xã Hội tại Bắc Kinh được chuyên gia Pháp trích dẫn thẳng thừng cho rằng mấu chốt trong cuộc đọ sức giữa Trung Quốc với Liên Âu nằm ở chỗ áp « đặt các chuẩn mực » của mình với đối phương và chỉ có hai phương tiện để đạt đến đích : một là « tận dụng thời cơ và hai là áp dụng luật chơi của kẻ mạnh »
Mathieu Duchâtel trong bài viết « Vers un accord d’investissement avec l’UE : un optimisme surjoué ? » kết luận : đó là định hướng trong tất cả các bài phân tích từ phía Trung Quốc liên quan đến đàm phán đang diễn ra với Liên Hiệp Châu Âu để hướng tới một thỏa thuận đầu tư song phương.

Thượng đỉnh EU – Trung Quốc kết thúc

trong bất đồng

Đại Nghĩa
Cuộc họp Thượng đỉnh trực tuyến EU – Trung Quốc hôm thứ Hai (14/9) tiếp tục ghi nhận các bất đồng lớn như thương mại-đầu tư, an ninh, nhân quyền.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở cửa thị trường, tôn trọng các nhóm thiểu số và dừng đàn áp ở Hồng Kông, đồng thời khẳng định rằng châu Âu sẽ không còn bị lợi dụng trong các giao dịch thương mại, theo Reuters.
EU tỏ ra sẽ không đứng về phía nào trong cuộc đối đầu toàn cầu giữa Trung Quốc và Mỹ, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cùng chủ tịch Hội đồng và chủ tịch của Ủy ban Châu Âu đưa ra một thông điệp cứng rắn tới Bắc Kinh.
“Châu Âu là một người chơi, không phải một sân chơi”, chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, người chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tuyến, đã nói với các phóng viên về việc Châu Âu ngày càng ý thức được Trung Quốc đã không giữ lời hứa khi tham gia vào quá trình thương mại tự do và công bằng.
Với hơn một tỷ euro mỗi ngày trong thương mại song phương, EU là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là thị trường tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ lớn thứ hai của EU, chỉ đứng sau Mỹ.
Ông Tập không tham dự cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh và không có tuyên bố chung nào được đưa ra, nhưng Tân Hoa xã – cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh – đưa tin rằng ông Tập từ chối mọi hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề nhân quyền.
“Trung Quốc sẽ không chấp nhận ‘một người chỉ bảo’ cho chúng tôi về vấn đề nhân quyền và phản đối ‘tiêu chuẩn kép’. Trung Quốc sẵn sàng tăng cường trao đổi với phía châu Âu dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau để hai bên cùng đạt được tiến bộ”, Tân Hoa xã đưa tin ông Tập nói trong hội nghị thượng đỉnh qua video.
Liên minh châu Âu cáo buộc Trung Quốc vi phạm một loạt quy tắc thương mại toàn cầu, từ việc sản xuất thép quá mức cho đến ăn cắp tài sản trí tuệ của phương Tây, điều mà Bắc Kinh phủ nhận.
Thái độ của châu Âu cũng cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh trong vấn đề dịch Covid-19 và  Hồng Kông.
Áp lực từ EU
“Chúng tôi thực sự nghiêm túc đối với việc tiếp cận thị trường Trung Quốc và dỡ bỏ các rào cản”, chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết tại cuộc họp báo.
Bà Merkel cho biết bà và hai đồng sự tại EU đã thúc ép ông Tập phải nói rõ liệu họ có thực sự muốn một thỏa thuận đầu tư đang được đàm phán giữa hai bên hay không, điều mà sẽ buộc Trung Quốc phải mở cửa thị trường.
“Chúng tôi gây áp lực … để đạt được tiến bộ trong thỏa thuận đầu tư”, Bà Merkel trao đổi với các phóng viên tại Berlin.
Bà cho biết: “Nhìn chung, hợp tác với Trung Quốc phải dựa trên những nguyên tắc nhất định – có đi có lại, cạnh tranh bình đẳng. Chúng ta có các hệ thống xã hội khác nhau, nhưng trong khi chúng ta hướng tới chủ nghĩa đa phương, nó phải được dựa trên các quy tắc”.
Ngày nay, nhu cầu đối với một sân chơi bình đẳng là chính đáng khi nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển mình trong 15 năm qua”, bà Merkel nói thêm.
EU cũng muốn có những cam kết mạnh mẽ hơn đối với việc giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu từ Trung Quốc, quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu thế giới.
Theo Reuters
Đại Nghĩa biên dịch

Anh Quốc ra tuyên bố về Biển Đông –

Cuộc chiến pháp lý vẫn tiếp diễn

Hoàng Sa
Anh Quốc ra tuyên bố về Biển Đông
Ngày 3/9/2020, Vương Quốc Anh - một quốc gia không nằm trong khu vực biển Đông, đã ra một bản tuyên bố về các vấn đề pháp lý phát sinh tại khu vực biển Đông.
Bản tuyên bố này có các nội dung chính như sau:
- Lập trường của Vương quốc Anh về Biển Đông đã có từ lâu và được nhiều người biết đến. Vương quốc Anh không có quan điểm về các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh đối với các thực thể địa lý trong khu vực đó. Cam kết của Vương quốc Anh là tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS. Vương quốc Anh kêu gọi tất cả các bên kiềm chế các hoạt động có khả năng làm gia tăng căng thẳng, bao gồm bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa. Vương quốc Anh kêu gọi tất cả các bên thực hiện sự kiềm chế và cư xử có trách nhiệm phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của các bên đó…
- Năm 2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo UNCLOS để xem xét vụ kiện do Philippines khởi kiện chống lại Trung Quốc đã đưa ra các nhận định của mình trong Phán quyết Trọng tài Biển Đông. Như được quy định trong UNCLOS, các phán quyết của Tòa Trọng tài đó có giá trị ràng buộc đối với hai bên. Phán quyết Trọng tài không có hiệu lực ràng buộc ngoại trừ giữa hai bên, nhưng nó là một đóng góp quan trọng trong các án lệ về luật biển…
- Vương quốc Anh cũng đã xem xét các quyết định của Toà Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông liên quan đến quy chế của các thực thể khác nhau ở Biển Đông. Phán quyết của Toà cho thấy rằng các thực thể địa lý được xem xét trong trường hợp đó chỉ là bãi lúc nổi lúc chìm hoặc đá. Phán quyết này có tính ràng buộc đối với cả Trung Quốc và Philippines…
- Việc bồi lấp không làm thay đổi tính chất pháp lý của một thực thể địa lý tự nhiên cho các mục đích của UNCLOS. Nó không thể thay đổi bãi lúc nổi lúc chìm trở thành đá hoặc đá trở thành đảo…
- Sau Phán quyết Trọng tài về Biển Đông, một số tài liệu do Chính phủ Trung Quốc và các cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc xuất bản. Vương quốc Anh đã xem xét cẩn thận những tài liệu này. Các tài liệu này khẳng định các yêu sách ở Biển Đông của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dựa trên “các quyền lịch sử” và khái niệm “các quần đảo ngoài khơi”. Vương quốc Anh phản đối các yêu sách ở Biển Đông như vậy là không dựa trên nền tảng luật pháp, cũng như chúng không phù hợp với UNCLOS…
- Những khẳng định được biết nhiều nhất của Trung Quốc đối với một vùng biển ở Biển Đông là cái gọi là "đường chín đoạn", bao gồm tất cả các vùng biển của Biển Đông. Trung Quốc chưa bao giờ nói rõ cơ sở của yêu sách này. Trong phạm vi “đường chín đoạn” dựa trên “các quyền lịch sử” được tuyên bố đối với các nguồn tài nguyên bên trong nó, điều đó không phù hợp với các vùng biển được quy định trong UNCLOS.
Vấn đề này đã được xem xét tại Phán quyết Trọng tài Biển Đông. Tòa nhận thấy rằng, trong khi Trung Quốc chưa bao giờ trình bày rõ ràng bản chất của các yêu sách "đường chín đoạn" của mình, thì những yêu sách này không phải là yêu sách về danh nghĩa lịch sử hoặc chủ quyền. Đó là các yêu sách về quyền lịch sử, phái sinh từ danh nghĩa, ví dụ quyền chủ quyền để khai thác các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật của khu vực biển nằm trong "đường chín đoạn”…
Tòa cho rằng UNCLOS xác định phạm vi quyền lợi biển và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển ở Biển Đông. UNCLOS đã thay thế mọi quyền lịch sử, hoặc các quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán khác vượt quá các lĩnh vực được quy định bởi các điều khoản của nó…
Tòa nhận thấy rằng yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử không phù hợp với các quy định của UNCLOS. Yêu sách về "đường chín đoạn" của Trung Quốc đối với hầu hết các vùng biển ở Biển Đông là trái với việc phân bổ các quyền lợi biển theo UNCLOS và không có hiệu lực pháp luật ở mức độ vượt quá giới hạn địa lý và thực chất của các quyền lợi biển của Trung Quốc theo UNCLOS. Vương quốc Anh hoàn toàn đồng tình với lập luận của Tòa án…
- Trong một tuyên bố “được công bố sau Phán quyết Trọng tài Biển Đông năm 2016, Trung Quốc khẳng định chủ quyền của mình đối với bốn nhóm thực thể ở Biển Đông: Pratas, Hoàng Sa, Trường Sa và Macclesfield Bank. Trung Quốc khẳng định họ có quyền đối với nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên cái gọi là các nhóm “quần đảo xa bờ” này, thay vì dựa trên các đặc điểm riêng lẻ. Trung Quốc khẳng định một cách hiệu quả quyền vẽ đường cơ sở xung quanh cả bốn nhóm thực thể địa lý này. Điều quan trọng cần lưu ý là Trung Quốc chỉ công bố đường cơ sở thẳng bao quanh Hoàng Sa.
- Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là một quốc gia quần đảo, và cũng không tuyên bố là một quốc gia quần đảo. Do đó, nước này không được phép thiết lập “đường cơ sở quần đảo” như quy định trong UNCLOS.
Vương quốc Anh phản đối việc sử dụng đường cơ sở thẳng hoặc đường cơ sở quần đảo xung quanh cái gọi là "quần đảo ngoài khơi". Việc công bố đường cơ sở thẳng như vậy là không phù hợp với UNCLOS.
Chính phủ (Vương Quốc Anh) biết rằng Trung Quốc đang tìm cách tranh luận rằng có một phần của luật tập quán quốc tế ngoài UNCLOS ủng hộ yêu sách của họ đối với “các quần đảo ngoài khơi”. Đoạn 8 của Lời mở đầu UNCLOS nói rằng “các vấn đề không được điều chỉnh bởi Công ước này tiếp tục được điều chỉnh bởi các quy tắc và nguyên tắc chung của luật quốc tế”. Điều này có nghĩa là luật tập quán quốc tế vẫn có thể liên quan đến những vấn đề không được UNCLOS quy định. Tuy nhiên, UNCLOS đã đề cập toàn diện đến việc vẽ đường cơ sở, bao gồm cả đường cơ sở thẳng và chế độ của các quốc gia quần đảo. Do đó, câu hỏi về luật tập quán quốc tế không nảy sinh trong trường hợp này.
Chính phủ (Vương Quốc Anh) cũng nhận thức được rằng Trung Quốc có thể đang tìm cách dựa vào thực tiễn của Vương quốc Anh, đặc biệt là đối với quần đảo Falkland và quần đảo Turks và Caicos, để hỗ trợ nỗ lực của họ trong việc vẽ đường cơ sở thẳng quanh các nhóm thực thể ở Biển Đông. Các ấn phẩm học thuật của Trung Quốc đã đề cập đến các đường cơ sở xung quanh hai Lãnh thổ Hải ngoại của Vương quốc Anh này, cũng như các đường cơ sở của các Quốc gia khác. Đây là cố gắng chứng minh rằng có thông lệ nhà nước để hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền dựa trên tập quán quốc tế về “các quần đảo ngoài khơi” ngoài các quy định của UNCLOS. Chúng tôi từ chối phân tích này và bất kỳ tuyên bố nào dựa vào thực tiễn của Vương quốc Anh. Cách tiếp cận của Vương quốc Anh đối với các đường cơ sở thẳng hoàn toàn dựa trên các quy định tại Điều 7 của UNCLOS, và không phải là một chế độ đặc biệt đối với “các quần đảo ngoài khơi.”
Tòa Trọng tài cũng nhận thấy rằng các dự án cải tạo đất và xây dựng của Trung Quốc đã gây ra tác hại không thể khắc phục đối với hệ sinh thái của các rạn san hô. Điều này cho thấy Trung Quốc đã không tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo UNCLOS trong việc hợp tác và phối hợp với các quốc gia khác trong việc bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. Trung Quốc cũng không thực hiện việc đánh giá tác động môi trường về những tác động có thể xảy ra của các hoạt động này đối với môi trường biển. Với tư cách là nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực bảo tồn biển và là người sáng lập Liên minh Đại dương Toàn cầu, Vương quốc Anh rất coi trọng các phát hiện của Tòa án về mặt này. Vương quốc Anh kêu gọi tất cả các quốc gia trong khu vực tuân thủ các nghĩa vụ của mình để bảo vệ và giữ gìn môi trường biển.
Nhận xét về tuyên bố biển Đông của Chính phủ Vương Quốc Anh
Với tuyên bố ngày 3/9 của Vương Quốc Anh, chúng ta có thể nhận thấy cuộc chiến pháp lý tại biển Đông vẫn chưa tới hồi hạ nhiệt. Cuộc chiến pháp lý biển Đông lần này được khuấy động từ Đệ trình về thềm lục địa mở rộng của Malaysia hồi cuối năm 2019. Sau đó một loạt quốc gia Đông Nam Á đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc, bao gồm: Philippines, Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Ngoài ra, ngày 2/6/2020, Hoa Kỳ gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc về vấn đề biển Đông. Ngày 13/7/2020 Hoa Kỳ đã ra bản Tuyên bố về vấn đề biển Đông. Ngày 23/7/2020, Chính quyền Australia cũng gửi một bản công hàm về vấn đề biển Đông lên Liên Hợp Quốc. Và bản tuyên bố của Chính phủ Vương Quốc Anh ngày 3/9/2020 là bản tuyên bố thứ 3 của các quốc gia tuy không trực tiếp tham gia trong tranh chấp biển Đông nhưng cũng có các lợi ích và lo ngại đối với biển Đông.
Điểm chung trong tất cả các bản công hàm/công thư và tuyên bố của các quốc gia trong và ngoài khu vực Đông Nam Á về vấn đề biển Đông, đó là:
Yêu cầu UNCLOS là văn bản quan trọng của luật quốc tế quy định các vấn đề về biển và đại dương trên toàn thế giới. Các quốc gia Đông Nam Á trong tranh chấp biển Đông và Trung Quốc đều là thanh viên của UNCLOS nên phải có nghĩa vụ áp dụng và tuân thủ UNCLOS.
Tất cả các quốc gia này đều phản đối các yêu sách biển phi lý và trái ngược với UNCLOS của Trung Quốc.
Tất cả các quốc gia này, (ngoại trừ Malaysia ) đều công khai viện dẫn Phán quyết của Toà Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông năm 2016, và yêu cầu tất cả các bên tôn trọng Phán quyết này.
Trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực biển Đông ngày càng dâng cao, cùng với các hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông ngày càng nhiều. Việc Vương Quốc Anh - một quốc gia không nằm trong khu vực biển Đông nhưng cũng đưa ra tuyên bố về các vấn đề pháp lý cho thấy các yêu sách phi lý của Trung Quốc trên biển Đông ngày càng bị nhiều quốc gia chính thức lên tiếng phản đối. Liệu Việt Nam - Quốc gia giữ vai trò Chủ tịch ASEAN lần này, có thể tích cực vận dụng các yếu tố pháp lý vào trong lần đàm phán sắp tới với Trung Quốc về COC? Để có thể ngăn ngừa các khả năng xung đột tiềm tàng tại đây, đồng thời biến Biển Đông thành khu vực hoà bình, an ninh và phát triển.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Covid-19: Ngày Di Sản Châu Âu bị xáo trộn

Tuấn Thảo
Theo thông lệ, Ngày Di Sản Châu Âu thường được tổ chức vào hai  ngày cuối tuần vào tháng 9 hàng năm. Do bộ Văn hóa Pháp thành lập vào năm 1984, chương trình này cho phép công chúng vào thăm các di tích lịch sử, các công trình kiến trúc, mà ngày thường không tiếp đón khách tham quan. Năm nay, dịch Covid-19 đã làm xáo trộn toàn bộ chương trình sinh hoạt dự trù trong hai ngày 19/09 và 20/09/2020.
Hàng năm, Ngày Di Sản Châu Âu thu hút từ 10 đến 12 lượt khách thăm viếng. Các di sản kiến trúc được người Pháp đặc biệt yêu chuộng vẫn là các cơ sở hành chính cấp quốc gia, chẳng hạn như Phủ Tổng Thống Élysée, Phủ Thủ Tướng Matignon, Trụ sở Quốc Hội Palais Bourbon ….. các dinh thự này chỉ mở cửa cho công chúng vào viếng thăm miễn phí trong hai ngày mà thôi. Thế nhưng năm nay, mãi đến giờ phút chót, Bộ Văn Hóa Pháp mới thông báo các công trình nào sẽ mở cửa toàn bộ hay chỉ hoạt động bán phần, đi kèm với các quy định đặc biệt cũng như các điều kiện tiếp đón công chúng.
Trước mắt, do số ca lây nhiễm virus cornona đang có chiều hướng tăng mạnh trở lại, cho nên nhiều thành phố đã đơn thuần thông báo hủy bỏ chương trình sinh hoạt trong khuôn khổ Ngày Di Sản Châu Âu lần thứ 37. Trong số các vùng đông dân cư, Nice ở miền Nam nước Pháp là thành phố đi đầu, kế theo sau là thành phố Bordeaux. Thành phố này chẳng những hủy bỏ hai Ngày Di Sản 19/09 và 20/09 mà còn cấm tụ họp (hơn 10 người) trên đường phố cũng như trong công viên. Các sinh hoạt lễ lạc dù là trong khuôn khổ gia đình như đám cưới, sinh nhật, họp mặt sinh viên, khiêu vũ ngoài trời, liên hoan buổi tối,  quán nhạc vỉa hè hay uống rượu ngoài phố đều hoàn toàn bị cấm và việc đeo khẩu trang trở nên bắt buộc ở khắp nơi.
Trước các quy định nghiêm ngặt, việc duy trì Ngày Di Sản và như vậy để cho công chúng tụ họp, xếp hàng để vào thăm các công trình hoàn toàn phản tác dụng. Hai thành phố Marseille và Montpellier cũng vừa hủy bỏ sự kiện văn hóa này, trong bối cảnh các biện pháp phòng dịch ngày càng  trở nên gắt gao. Thành phố Reims tạm thời đóng cửa các di sản văn hóa, kể cả tòa tháp chuông của Nhà Thờ Đức Bà Reims, một trong những kiệt tác của dòng kiến trúc gothic.
Theo danh sách của bộ Văn Hóa Pháp, hiện giờ vẫn có hơn 10.000 địa điểm đã công bố tham gia vào chương trình Ngày Di Sản Châu Âu năm nay, tức tương đương với hai phần ba so với năm ngoái. Trong
năm 2019, 15.500 cơ sở và di sản đã mở cửa đón khách thăm viếng, giúp cho Ngày Di Sản Châu Âu lập kỷ lục với 12 triệu lượt khách chỉ trong hai ngày. Một số hội đồng thành phố chủ trương duy trì sự kiện, nhưng vào giờ chót lại không nhận được sự đồng thuận của tỉnh trưởng, vốn là người quyết định sau cùng.
Tùy cơ ứng biến ? Mỗi tỉnh thành dĩ nhiên thích nghi theo biến chuyển của tình hình tại chỗ, nhất là những địa phương đã đầu tư trong năm qua vào các chương trình phục hồi văn hóa hay trùng tu các di sản kiến trúc. Thế nhưng, một số tỉnh thành khác vẫn muốn nối bước 4 thành phố Nice, Bordeaux, Montpellier và Marseille, phần lớn cũng vì các hội đồng thành phố sẽ phải huy động thêm nhân sự để áp dụng tới nơi tới chốn các quy định giãn cách xã hội đối với lượng khách tham quan  đặc biệt đông đảo trong hai ngày cuối tuần.
Về phía thủ đô Pháp, Paris vẫn quyết định duy trì chương trình Ngày Di Sản Châu Âu lần thứ 37 với hai điều kiện quan trọng, đó là khách tham quan tuyệt đối phải đăng ký trên mạng để đặt chỗ trước, đồng thời khách phải tuân thủ ‘‘lối tham quan một chiều’’ cũng như đeo khẩu trang trong suốt thời gian thăm viếng.
Để tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc tiếp đón công chúng, bộ Văn Hóa Pháp đã vạch sẵn một lộ trình tham quan khoảng hai tiếng rưỡi đồng hồ để lần lượt viếng thăm dinh thự đường Valois tức là trụ sở bộ Văn Hóa, Văn phòng của Hội Đồng Bảo Hiến và Đoàn Kịch Quốc Gia Comédie Française ….
Về phía các cơ quan nhà nước khác như Phủ Thủ Tướng Matignon, Tòa Quốc Hội Palais Bourbon, Tòa Đô Chính Paris, Tòa Thượng Viện tọa lạc trong khuôn viên vườn Luxembourg cũng như văn phòng chính của các bộ Nội Vụ, Giáo Dục, Nông Nghiệp đều có cùng quy định đặc biệt trong năm nay.  Theo dự kiến, các chuyến viếng thăm bị hạn chế trong nửa tiếng đồng hồ, cứ 10 phút mới cho từng đợt khách tham quan vào bên trong, mỗi đợt là từ 10 người đến 15 người tối đa.
Tất cả các quy định nghiêm ngặt ấy hẳn chắc sẽ ‘‘tự động’’ hạn chế số lượng người tham gia vào chương trình sinh hoạt năm 2020. Dù vậy, một số công trình kiến trúc hay di sản văn hóa vẫn đắt khách, bất kể những điều kiện trong mùa dịch Covid-19, có khó khăn cách mấy. Bằng chứng là từ cả tuần trước Ngày Di Sản Châu Âu 2020, công chúng đã ồ ạt truy cập mạng để đặt chỗ trước, cho nên tất cả những ai muốn viếng thăm Điện Élysée, Điện Matignon, Marigny phòng tiếp khách của chính phủ hay Palais de l’Alma (trước đây là trụ sở Hội Đồng Thẩm Phán Cấp Cao), đều đành phải chờ cho tới năm sau.

Bà Merkel: Cần cân bằng sân chơi mới có thể

xúc tiến thỏa thuận thương mại EU-Trung Quốc

Đại Nghĩa
Các nhà lãnh đạo EU bày tỏ sự “lạc quan thận trọng” về kết quả các cuộc đàm phán kéo dài đã 7 năm với Trung Quốc, sau cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Hai (14/9).
“Ý chí chính trị phải có thì mới có thỏa thuận đầu tư này. Và ý chí chính trị đó phụ thuộc vào cả hai bên”, SCMP dẫn lời thủ tướng Đức Angela Merkel.
Nhưng vẫn còn “nhiều việc phải làm” để giải quyết vấn đề tiếp cận thị trường và các tiêu chuẩn phát triển bền vững, trước thời hạn cuối năm mà hai bên đặt ra. Bà Ursula Von Der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu, tổ chức đang  chủ trì các cuộc đàm phán thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc cho biết.
“Trung Quốc phải thuyết phục chúng tôi rằng họ xứng đáng có một thỏa thuận toàn diện về đầu tư”, bà Von Der Leyen nói thêm.
Các cuộc đàm phán nhằm loại bỏ các rào cản của Trung Quốc đối với các nhà đầu tư EU. Nó bao gồm việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường trong các lĩnh vực dành riêng cho doanh nghiệp Trung Quốc, giải quyết vấn đề chuyển giao công nghệ cưỡng bức và tạo ra một sân chơi công bằng với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.
Trong cuộc gặp hôm thứ Hai, ông Tập kêu gọi EU tuân thủ quy tắc chung sống hòa bình, đối thoại, cởi mở và chủ nghĩa đa phương, giúp quan hệ Trung-EU hòa giải hơn chống lại sự thù địch giữa Trung Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên, ông Tập cũng vấp phải những lời thúc giục mới từ EU về các vấn đề nhân quyền, với việc Brussels yêu cầu các quan sát viên quốc tế được phép đến thăm Tân Cương và các quan chức EU được phép tiếp cận Tây Tạng – hai khu vực rộng lớn nơi Trung Quốc bị nghi ngờ vi phạm nhân quyền đối với các dân tộc thiểu số.
Các nhà lãnh đạo EU cũng chỉ trích cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Hồng Kông. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cho biết: “Luật an ninh quốc gia của Hồng Kông tiếp tục gây ra những lo ngại nghiêm trọng”.
“EU và các quốc gia thành viên của chúng tôi đã phản ứng bằng một tiếng nói rõ ràng. Các tiếng nói dân chủ ở Hồng Kông cần được lắng nghe, các quyền được bảo vệ và quyền tự chủ được bảo tồn”. Ông Michel nói thêm. “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc giữ lời hứa của họ với người dân Hồng Kông và cộng đồng quốc tế.”
Ông Michel cũng thúc giục ông Tập trả tự do cho ông Quế Dân Hải (Gui Minhai), một chủ hiệu sách mang quốc tịch Thụy Điển,và hai người Canada bị Trung Quốc giam giữ sau vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu tại Canada hồi tháng 12/2018.
“Chúng tôi nhắc lại mối quan ngại của chúng tôi trước cách đối xử của Trung Quốc với các nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền. Chúng tôi cũng kêu gọi Trung Quốc kiềm chế các hành động đơn phương ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế và tránh leo thang căng thẳng”, ông Michel nói.
Cuối ngày, vị chủ tịch Hội đồng Châu Âu đăng trên Twitter: “Chúng tôi muốn có một mối quan hệ với Trung Quốc dựa trên sự có đi có lại, trách nhiệm và sự công bằng làm căn bản. Nói là không đủ. Đã đến lúc biến lời nói thành hành động. Biến cam kết thành hành động”.
Về các cuộc đàm phán đầu tư, bà Merkel cho biết Trung Quốc đã đưa ra các vấn đề “khó khăn” đối với EU, nhưng nói thêm rằng gần đây đã có một “động lực chính trị” để thoát khỏi “giai đoạn trì trệ” trước đó của các cuộc đàm phán.
Bà nói: “Chúng tôi cần phải có một cách tiếp cận cân bằng”. Bà nói thêm rằng một thỏa thuận sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ của EU với Mỹ, quốc gia đang phải giải quyết những lo ngại thương mại tương tự với Bắc Kinh. “Mỹ đã đàm phán một thỏa thuận với Trung Quốc trong một thời gian dài. Họ đã thống nhất về một số phần của nó. Họ đang đề cập đến những chủ đề rất giống nhau. Tôi không thấy rằng đây sẽ là một vấn đề với Mỹ”, bà Merkel nói.
Nhưng ở Brussels, có thể thấy rõ một bầu không khí thận trọng hơn trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc, khi bà von der Leyen nêu bật “những hạn chế về giới hạn vốn chủ sở hữu liên doanh” mà bà cho biết Trung Quốc phải dỡ bỏ.
“[Có] những lĩnh vực mà chúng tôi đang có những bước tiến hiện nay – nhưng tôi phải nói rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm”, bà von der Leyen nói.
Theo SCMP,
Đại Nghĩa biên dịch

Thủ tướng Đức đứng trước áp lực

tiếp nhận di dân trên đảo Lesbos, Hy Lạp

Thụy My
Tình hình trên đảo Lesbos, Hy Lạp, đang rất khó khăn đối với 13.000 di dân, đa số phải sống ngoài trời từ khi khu trại Moria bị hỏa hoạn tuần trước. Ngoài viện trợ nhân đạo khẩn cấp tại chỗ, việc chuyển một số người sang các nước châu Âu khác đang được bàn bạc.
Tại Đức, nơi từng tiếp đón nhiều người nhập cư từ năm 2015, chính phủ đang chịu áp lực khi nhiều tổ chức đòi hỏi tiếp nhận di dân từ trại Moria. Thông tín viên Pascal Thibault từ Berlin cho biết thêm chi tiết:
« Một thỏa thuận cần được tìm ra từ nay cho đến ngày mai – đảng Dân chủ Xã hội đưa ra tối hậu thư cho bà Angela Merkel. Các đồng minh của thủ tướng trong chính phủ liên minh đòi hỏi Berlin phải cam kết nhận một số đáng kể di dân trên đảo Lesbos. Đối với đảng SPD, việc tiếp đón khoảng 100 trẻ vị thành niên theo như đề nghị của Pháp và Đức tuần trước là chưa đủ.
Theo báo chí Đức, thủ tướng Merkel trong một cuộc họp nội bộ của đảng sáng hôm qua đã đề xuất việc chuyển một số di dân khác đến Đức. Được chất vấn trong cuộc họp báo chiều qua, Angela Merkel từ
chối đưa ra con số cụ thể, và cũng như những người có trách nhiệm trong đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo, bà nhắc lại rằng một mình nước Đức không thể gánh hết mọi thứ.
Bà Merkel nói : « Mỗi người đều biết rằng chỉ riêng Đức không thể giải quyết được chính sách nhập cư của Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng với tầm quan trọng của đất nước, chúng ta chắc chắn có thể đóng vai trò quyết định để tìm ra một giải pháp chung cho châu Âu ».
Angela Merkel ủng hộ đề nghị biến khu trại Moria thành một trung tâm tiếp đón được Hy Lạp và Liên Hiệp Châu Âu cùng quản lý. Một giai đoạn mà theo bà là một bước tiến về hướng một chính sách nhập cư chung cho 27 nước trong Liên hiệp. Bà nói thêm rằng tình hình hiện nay tại khu lán trại trên là không thể chấp nhận được. »

Belarus: Sang Sochi ‘cầu viện’,

ông Lukashenko được Nga giúp 1,5 tỷ USD

Cuộc gặp hôm 14/09/2020 giữa tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và người tương nhiệm Nga, Vladimir Putin tại Sochi diễn ra theo yêu cầu của phía Belarus.
Chỉ riêng động thái đó cho thấy chính sách ‘độc lập với Nga’ mà ông Lukashenko theo đuổi lâu nay nhằm đảm bảo quyền lực của riêng ông đã phải thay đổi.
Lý do là sức ép biểu tình trong nước đang đe dọa trực tiếp quyền lực của ông, theo trang Geopolitical Futures.
Nhiều nhà bình luận cho rằng hiện nay, ông Lukashenko đang gặp khó khăn nghiêm trọng và mọi tính toán chính trị sai đều có thể dẫn tới khả năng ông bị mất quyền.
Hôm 13/09, hàng nghìn người tiếp tục xuống đường ở Minsk, kêu gọi bầu cử lại.
Ngược lại, vào lúc này, nhìn từ phía ông Putin thì việc can thiệp vào Belarus bằng cách nào cũng có thể gây ra phản ứng xấu từ châu Âu và từ xã hội Belarus.
Tuy thế, cuộc gặp đầu tiên trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Belarus gặp nhiều đợt biểu tình, đánh dấu vị thế vượt trội của ông Putin.
Một mặt, Putin nói Nga muốn “người Belarus tự tìm ra giải pháp một cách êm ả cho tình hình này, thông qua đối thoại”.
Đây là chỉ dấu cho thấy Moscow vẫn không muốn loại hoàn toàn vai trò của phe đối lập và có các lãnh đạo đang “tỵ nạn” tại Moscow.
Mặt khác, ông cam kết ngay 1,5 tỷ USD tiền cho vay để cứu giúp chế độ Lukashenko về tài chính.
Về kinh tế, nếu như biểu tình ở Minsk chỉ đánh vào tâm lý giới chức trong chính quyền, các cuộc đình công ở những vùng khác đã và sẽ tác động xấu đến kinh tế.
Chế độ an sinh xã hội tuy không hào phóng nhưng ‘bao cấp’ khá đều các tầng lớp xã hội ở Belarus cho tới trước dịch Covid-19 đã là nền tảng cho sự ủng hộ mà ông Lukashenko có được, theo các báo khu vực.
Nhưng nay, Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Belarus 2020 sẽ sụt giảm ít nhất 2% vì Covid-19, vì căng thẳng chính trị và vì mất thị trường xuất khẩu.
Một số dự báo khác nêu con số đen tối hơn: 3,4%.
Chính quyền của ông Lukashenko cần tiền ngay lập tức để trang trải, gồm cả việc duy trì hoạt động an ninh, quân sự nhằm tỏ ra họ vẫn còn vững mạnh.
Trong lĩnh vực đó, ông Putin cũng đã hứa sẽ giúp Belarus.
Ông nói cảnh sát Nga “sẵn sàng can thiệp nếu biểu tình vượt ra ngoài tầm kiểm soát”.
Nhưng phía Nga còn dè dặt trước đề nghị của Lukashenko là mọi cuộc diễn tập quân sự của Belarus từ nay sẽ luôn mời quân Nga.
Hai bên cũng không ký kết văn bản gì ở Sochi, và theo ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Điện Kremlin thì các khoản nợ của Belarus với Nga đã được bàn thảo.
Đi dây và dọa cả hai bên không thành?
Đây là chỉ dấu Nga không muốn nhận lãnh hết các vấn đề gây cấn của Belarus mà theo một số đánh giá từ Nga, là do chính ông Lukashenko gây ra.
Hôm 22/08, nhà phân tích chính trị người Nga, Giáo sư Vladimir Kolotov từ Đại học Tổng hợp St. Petersburg, nêu quan điểm như vậy với BBC News Tiếng Việt.
Theo ông, “diễn biến chính trị hiện nay ở Belarus là do chính phủ của Lukashenko tự diễn biến, tự phá hoại, tự mục nát, tự dẫn tình hình đến khủng hoảng như bây giờ.
“Lukashenko cố gắng cùng một lúc ‘ngồi mấy ghế’ và đồng thời dọa Nga là phương Tây có thể lật đổ Belarus nếu Nga không ủng hộ và đồng thời dọa phương Tây là nếu phương Tây không ủng hộ thì Nga sẽ lật đổ.
“Đấy là cùng một lúc mâu thuẫn như thế và ‘xoay theo chiều gió’ thường xuyên và cuối cùng là làm mất lòng tin trong nước và nước ngoài.”
Trước mắt, Nga không muốn cam kết cụ thể là sẽ giúp chính quyền Belarus ‘giải tán biểu tình’ mà chỉ tiếp tục với các thỏa thuận diễn tập quân sự đã có từ trước.
Hôm 15/09/2020, Nga cho rút các đơn vị an ninh được lập ra hồi cuối tháng 8 khỏi biên giới với Belarus.
Trang Moscow Times cho hay điều này đã được ông Putin nói với ông Lukashenko ở Sochi một ngày trước.
Cùng lúc, quân Nga sang Belarus tham dự cuộc tập trận ‘Huynh đệ Slavơ’ (Slavic Brotherhood) ở gần Brest, giáp biên giới Ba Lan, nước thành viên Nato và EU.
Cuộc tập trận thường niên này được cho là để đối phó với các cuộc tập trận định kỳ của Nato trong vùng chứ không nhằm để đe dọa người biểu tình.
Tuy thế, các báo châu Âu tin rằng ông Lukashenko cho mở liên tục các cuộc diễn tập quân sự nhằm chứng tỏ sức mạnh của chế độ.
Mới trong tháng 8, các đơn vị liên binh chủng của Belarus đã tập trận ở gần Grodno, không xa biên giới Lithuania và Ba Lan.
Lúc đó, ông Lukashenko ra tận bãi tập của quân đội và lên án Ba Lan cùng Nato ‘có âm mưu xâm lược’.

Belarus : Tổng thống Nga

khẳng địnhhậu thuẫn Loukachenko

Minh Anh
Hôm qua, 14/09/2020, tổng thống Belarus Alexandre Loukachenko đã sang Nga và có cuộc gặp không chính thức với đồng nhiệm Vladimir Putin, tại Sotchi. Sau bốn giờ hội đàm với đồng nhiệm Belarus, nguyên thủ Nga tuyên bố « tin tưởng » ông Loukachenko có khả năng vượt qua cuộc khủng hoảng, đồng thời thông báo cấp 1,5 tỷ đô la tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế Belarus.
Tăng cường các mối quan hệ hợp tác song phương, kinh tế và quân sự là những chủ đề được hai lãnh đạo Nga và Belarus đề cập đến. Theo chủ nhân điện Kremlin, lãnh đạo Belarus cam kết sửa đổi Hiến Pháp, nhằm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị lớn chưa từng có. Nguyên thủ Nga tin rằng ông Loukachenko, với những « kinh nghiệm chính trường » có thể giúp đất nước « đạt được những biên giới mới »
Tổng thống Nga còn cho rằng việc triển khai « lực lượng an ninh dự bị » như thông báo trước đây chỉ sẽ được thực hiện trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, kể từ thứ Hai, 14/09, Nga gởi lực lượng lính nhảy dù đến Belarus, mở một chiến dịch tập trận chung mang tên « Tình bằng hữu Slave » từ đây đến hết ngày 25/09/2020, theo như thông báo của bộ Quốc Phòng Nga.
Theo AFP, ngoài thông báo cấp vốn vay, Nga còn đề nghị giúp tái cấu trúc nợ của chính quyền Minks và hỗ trợ hệ thống ngân hàng của nước này.
Reuters nhắc lại, một ngày trước khi đến Sotchi gặp Vladimir Putin để tìm kiếm sự hậu thuẫn, tại thủ đô Minks hơn 100.000 người đã xuống đường hôm Chủ Nhật 13/09, phản đối chính phủ tổng thống Alexandre Loukachenko, nắm quyền lãnh đạo đất nước từ 26 năm qua.
Bị một bộ phận người dân phản đối từ hơn một tháng nay, kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi, Alexandre Loukachenko đã phải vội vã cầu viện đến Vladimir Putin.
Phe đối lập Belarus đã có phản ứng về cuộc gặp Putin-Loukachenko ngày hôm qua. Bà Svetlana Tikhanovskaïa, một trong số ba nhà lãnh đạo phe đối lập, trong một cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho kênh truyền hình quốc tế France24 nhắc lại lập trường : « Chúng tôi muốn có một đất nước mới ».

Điện Kremlin giành chiến thắng bầu cử,

nhưng những người ủng hộ ông Navalny

 đạt được bước tiến hiếm hoi ở Siberia

Tin từ MOSCOW/TOMSK – Đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền sẵn sàng giành lấy một loạt các chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương vào hôm Chủ nhật, nhưng cũng đang đối mặt với một số trở ngại khi những người ủng hộ nhà phê bình Điện Kremlin Alexei Navalny đạt được những bước tiến hiếm hoi trong chính trường thành phố ở Siberia.
Các cuộc bầu cử địa phương được theo dõi chặt chẽ để phát hiện các dấu hiệu bỏ phiếu chống lại đảng cầm quyền ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin, giữa sự phẫn nộ về việc tiền lương giảm trong nhiều năm và cách chính phủ giải quyết đại dịch.
Các cuộc bỏ phiếu cũng diễn ra sau vụ đầu độc bằng chất độc thần kinh hiếm nhằm vào chính trị gia đối lập Navalny, người thúc đẩy một chiến lược bỏ phiếu chiến thuật nhằm gây tổn hại cho đảng nước Nga Thống nhất và đưa ra hàng chục ứng cử viên cho hội đồng thành phố ở Siberia.
Kết quả ban đầu chính thức cho thấy các chính trị gia ủng hộ Điện Kremlin được ông Putin hậu thuẫn đang tiến gần đến các chiến thắng áp đảo để đảm nhiệm cương vị thống đốc của các khu vực Komi, Tatarstan, Kamchatka và hơn một chục vùng khác. Các phiếu bầu vẫn đang được kiểm.
Nhưng những người ủng hộ ông Navalny giành được những chiến thắng hiếm hoi trong các cuộc bỏ phiếu của hội đồng thành phố ở Novosibirsk, thành phố thứ ba của Nga tính theo dân số, và thị trấn sinh viên Tomsk nơi đảng nước Nga Thống nhất, thống trị quyền lực trong khu vực, dường như đánh mất phần đa số hội đồng của họ. (BBT)

Tại Belarus,

tổng thống Nga từng bước tiến các quân cờ

Minh Anh
Ngày 14/09/2020, tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón đồng nhiệm Belarus tại Sotchi. Chủ nhân điện Kremlin hối thúc tổng thống Loukachenko thực hiện lời hứa cải cách Hiến Pháp. Một sự thay đổi tạo nhiều thuận lợi để Nga can thiệp nhiều hơn vào Belarus.
Sau « hạ nhục » là « ban ân huệ ». Nhật báo Thụy Sĩ Le Temps mỉa mai nhận xét. Vị thế của tổng thống Loukachenko chưa bao giờ bị hạ thấp như lúc này. Đón tiếp ông tại phi trường là một thống đốc bang cùng với một phái đoàn mặt đeo khẩu trang kỹ lưỡng. Loukachenko phải đợi mất ba giờ mới được gặp đồng nhiệm Nga. Lý do an toàn dịch tễ hay là một lời nhắc nhở đến mối tương quan lực lượng giữa hai nhà lãnh đạo ? Nhưng đây chính là cách nguyên thủ Nga tiếp đón đồng nhiệm Belarus, người vừa tái đắc cử với 80% phiếu bầu trong một cuộc bỏ phiếu bị phản đối mạnh mẽ ngày 09/8/2020.
Theo tờ báo Thụy Sĩ, những hình ảnh này cho thấy, « Vladimir Putin đang chiếm lợi thế đối với Loukachenko », một đối tác « khó bảo » đối với Matxcơva từ nhiều năm qua. Từ hơn hai thập niên nay, chủ nhân điện Kremlin đã không đạt được bất kể điều gì từ đồng nhiệm Belarus, từ việc lập một căn cứ không quân tại nước này cho đến việc hội nhập nhiều hơn giữa hai nước, như nhận xét của bà Tatiana Kastouéva-Jean, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) với kênh truyền hình TV5.
Việc nguyên thủ Nga nhấn mạnh đến lợi ích cải cách Hiến Pháp như ông Loukachenko có nói đến hồi trung tuần tháng 8/2020 nhằm giảm bớt quyền hạn của tổng thống, không hẳn vì lợi ích của người dân Belarus hay là vì nước Nga có cái nhìn cấp tiến. Vậy Matxcơva tính gì ?
Theo phân tích của bà Tatiana Kastouéva-Jean, Vladimir Putin hiểu rằng ông không thể viện cớ có can thiệp nước ngoài, tức ám chỉ đến phương Tây, để hợp pháp hóa quyền nước Nga bảo vệ chính quyền Minks. Hành động này sẽ còn là một thảm họa vì sẽ làm dấy lên cảm giác bài Nga, vốn dĩ hoàn toàn vắng bóng cho đến lúc này.
Do vậy, đối với chủ nhân điện Kremlin, xúc tiến cải cách Hiến Pháp là một giải pháp hữu hiệu nhất vừa có thể thỏa mãn mong đợi của phe đối lập, vừa có thể « cắm rễ các quan điểm của mình ». Ông Yauheni
Preiherman, giám đốc Minks Dialogue Council on International Relations, trên tờ Le Temps phân tích như sau :
« Từ 26 năm qua, Alexandre Loukachenko quyết định mọi lĩnh vực trong quan hệ song phương. Thế nên, Matxcơva nghĩ là nhờ vào cải cách Hiến Pháp, Nga có thể tăng cường hiện diện tại Belarus, thông qua một hay nhiều đảng chính trị, để hiện diện ở Nghị Viện và ngay trong nội bộ các chính quyền địa phương. Chính vào lúc một khi các đặc quyền của tổng thống Loukachenko được tái phân bổ cho các định chế khác thì Matxcơva sẽ tìm cách thay thế ông ta. »
Tóm lại, một dạng bản sao của những gì Nga đã từng làm với Ukraina trước khi xảy ra phong trào Maidan 2014.
Một điểm khác cũng rất đáng chú ý trong cuộc gặp này : Nga kêu gọi siết chặt hơn nữa mối hợp tác trong ngành công nghiệp vũ khí. Theo một chuyên gia quân sự xin ẩn danh được Le Temps trích dẫn, Nga thèm muốn các hệ thống gây nhiễu và chiến tranh điện tử của hãng KB Radar cũng như hệ thống quang học của tập đoàn Belomo tại Belarus. Yauheni Preiherman còn nói đến nhà máy MZKT chuyên sản xuất các phương tiện vận chuyển tên lửa đạn đạo của Nga.
Thế nên, trong ván cờ này, để có thể giữ chân người anh em « ngỗ ngược », điện Kremlin đã không đưa hết các quân cờ. Tổng thống Nga chỉ thông báo cấp 1,5 tỷ đô la để hỗ trợ kinh tế và tái cấu trúc nợ, nhưng không một lời nhắc đến việc có lại tiếp tục bán dầu hỏa Nga với giá rẻ cho Minks hay không.
Từ tháng Giêng năm 2019, nhằm trả đũa việc Loukachenko ngăn cản tiến trình hội nhập giữa hai nước, Matxcơva đã tiến hành một chính sách thuế khóa mới bằng cách hủy bỏ dần cơ chế cho phép Belarus mua dầu hỏa của Nga với giá rẻ (không tính thuế), để rồi có thể tinh chế lại trước khi bán lại cho thị trường châu Âu. Nguồn dầu tái xuất khẩu này mỗi năm mang lại cho ngân sách Belarus một nguồn thu quan trọng từ 2-3 tỷ đô la.


Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN đầy sóng gió của Việt Nam

Nguyễn Trường
Các nhà ngoại giao hàng đầu của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác quốc tế đã kết thúc 4 ngày họp bàn và thảo luận nghiêm túc, nơi căng thẳng Mỹ-Trung và những lo ngại về cuộc tranh chấp ở Biển Đông đã phủ bóng đen lên sự kiện hàng năm này.
Khoảng 19 cuộc họp – trong đó có Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ngày 12/9 – đã được tổ chức theo hình thức chưa từng có là trực tuyến trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) đang bùng phát. Trong bài phát biểu khai mạc ARF, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải “duy trì, thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”. Ông còn tuyên bố rằng Việt Nam “chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp, các vụ việc phức tạp cũng như các hành động vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven biển”. Mặc dù không nêu đích danh nhưng ông Phạm Bình Minh muốn nói đến những hành vi của Trung Quốc trong thời gian qua tại Biển Đông, khi Trung Quốc liên tục sách nhiễu các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí cũng như các hoạt động đánh cá của các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia. Ông Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh yêu cầu “thượng tôn pháp luật, tự kiềm chế, không có các hành động gây phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)”. ARF hoàn toàn ủng hộ quan điểm này, đồng thời cũng ủng hộ việc sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc trên cơ sở “phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982″ và tái khẳng định rằng “UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên các vùng biển và đại dương”.
Ngoại trưởng Mỹ và Ngoại trưởng Trung Quốc ban đầu được cho là cũng sẽ tham dự ARF ngày 12/9, nhưng do ông Vương Nghị phải tham dự cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Moskva nên Bắc Kinh đã cử Thứ trưởng Ngoại giao La Chiếu Huy tham dự ARF. Trong khi đó, về phía Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun được cử tham dự ARF năm nay. Thomas Daniel, nhà phân tích kỳ cựu làm việc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Malaysia, dự đoán rằng hai nhà ngoại giao nói trên (Vương Nghị và Mike Pompeo) có thể đã quyết định không tham dự ARF ngày 12/9 “để giảm thiểu thời gian đối mặt với nhau do căng thẳng giữa 2 nước đã gia tăng đến cực điểm”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Mỹ và Trung Quốc “nên nhớ rằng đối với ASEAN, sự xuất hiện của một ai đó mới chính là minh chứng hùng hồn nhất chứng tỏ cam kết hoặc sự chân thành của họ”.
Trước đó, tại các hội nghị của ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có những màn đấu khẩu gay gắt. Mặc dù các đại biểu tham dự đã nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa các nước nhằm phục hồi sau đại dịch là vấn đề lớn nhất trong các cuộc họp, song chính sự tham dự của các cường quốc trong một số cuộc họp đã thu hút được sự chú ý nhất từ các nhà bình luận ngoại giao. Đặc biệt, giới phân tích rất chú ý đến các phát biểu gay gắt của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo hôm 9/9 tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao cấp cao Đông Á – gồm các nhà ngoại giao ASEAN và 8 đối tác thương mại then chốt. Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), hội nghị mà ông Pompeo cũng tham dự, ông Vương Nghị nói rằng chính Mỹ là “tác nhân lớn nhất dẫn đến các hoạt động quân sự hóa tại Biển Đông”. Ông cũng nói rằng tình trạng hiện nay giữa Washington và Mỹ không phải là cuộc tranh giành quyền lực hay vấn đề đối lập về chế độ, “mà là về việc tuân thủ chủ nghĩa đa phương hay đơn phương, ủng hộ sự hợp tác cùng thắng hay cuộc chơi có tổng bằng 0″.
Trong khi đó, ông Pompeo nói với những người đồng cấp trong khu vực tại hội nghị bộ trưởng Mỹ-ASEAN ngày 10/9 rằng họ cần phải hành động, chứ không chỉ nói suông, để chống lại các hành vi “bắt nạt” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ông Pompeo nhấn mạnh: “Tôi cho rằng đừng nên chỉ nói mà phải hành động. Đừng để Đảng Cộng sản Trung Quốc lấn lướt chúng ta và người dân của chúng ta. Các bạn nên tự tin và người Mỹ sẽ ở đây để hỗ trợ các bạn thông qua tình bằng hữu”.
Một điều nữa khiến dư luận quan tâm là các ngoại trưởng ASEAN đã trì hoãn việc ra thông cáo chung gần 1 ngày, sau khi họ có các cuộc thảo luận nội bộ trong cuộc họp đầu tiên hôm 9/9. Tuyên bố chung này, không giống như cái gọi là các tuyên bố của nước chủ tịch ASEAN trong các hội nghị ASEAN khác, là một văn kiện có tính đồng thuận, yêu cầu tất cả 10 nước thành viên phải nhất trí với các ngôn từ và nội dung của tuyên bố. Sự trì hoãn này được cho là do 10 nước ASEAN bất đồng về các ngôn từ liên quan đến vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa 4 quốc gia thành viên ASEAN và Bắc Kinh. Cuộc tranh chấp này là một vấn đề phức tạp và đau đầu đối với các nước ASEAN. Các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và những nước khác trong khối không chấp nhận yêu sách “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra ở vùng biển này, nhưng đồng thời cũng không muốn đối đầu với đối tác thương mại lớn nhất này của khu vực. Các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông – gồm Malaysia, Việt Nam, Philippines và Brunei – đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ trong vấn đề này. Washington vẫn luôn tuyên bố rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đã đe dọa đến tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển giàu tài nguyên này.
Mặc dù hoan nghênh sự ủng hộ của Washington, song 4 nước nói trên – và cả Indonesia, một bên liên quan – không muốn tạo cho Bắc Kinh ấn tượng rằng họ đang hợp lực chống Trung Quốc. Phát biểu tại một cuộc họp báo tối 12/9, Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh cho biết các nước ASEAN đã nói rõ trong các hội nghị rằng họ không muốn bị “mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn vì điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực”. Việt Nam, Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay, ngày 12/9 cho rằng việc thực hiện thành công các hội nghị lần này là minh chứng cho thấy tình “đoàn kết và sự gắn kết” của các quốc gia thành viên trong bối cảnh cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đang lan rộng.Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, việc trì hoãn ra thông cáo chung gần 1 ngày là minh chứng rõ ràng cho thấy cuộc đối đầu Mỹ-Trung đang tác động mạnh mẽ đến nội bộ ASEAN. Nhà phân tích người Indonesia A. Ibrahim Almuttaqi – hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Trung tâm tư vấn Habibie ở Jakarta – cho rằng điều gây chú ý đối với thông cáo này “không phải là nội dung của nó mà là thực tế rằng phải mất hơn 1 ngày tuyên bố mới được đưa ra”.
Theo nhà nghiên cứu Aaron Connelly thuộc Viện nghiên cứu nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), Lào đã cố gắng xóa phần đề cập đến Công ước quốc tế về luật Biển (UNCLOS) trong tuyên bố chung nhưng không thành công.
Trong khi đó, thông cáo chung năm nay suýt nữa không đề cập đến UNCLOS, Aaron Connelly, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Anh và Singapore, cho biết: “Lào trước đó đã đề xuất về việc loại bỏ bất kỳ sự đề cập nào đến UNCLOS nhưng bị ASEAN từ chối”.
Mặc dù ASEAN thống nhất trong đa dạng nhưng xem ra đã 53 năm vẫn đồng sàn mà dị mộng.
Trước câu hỏi của báo chí Việt Nam là “Trung Quốc có tỏ dấu hiệu tích cực nào hay không?”, ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng “rất khó mà đánh giá thiện chí của Trung Quốc cũng như một nước nào khác qua hình thức họp trực tuyến”.
Tình hình này cho thấy nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của Việt Nam lần này không mấy suôn sẻ, vẫn chưa thấy có bước đột phá nào. Dự kiến trong tháng 11 tới đây, ASEAN và Trung Quốc sẽ nối lại các đàm phán về COC. Thế nhưng với cục diện thế giới và nội bộ ASEAN như vậy, những hy vọng về COC sắp tới sẽ còn lâu mới trở thành hiện thực. Mặt khác, COC không phải là chiếc đũa thần. Phải cảnh giác Trung Quốc sẽ lợi dụng COC để đẩy ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi khu vực Đông Nam Á và Biển Đông.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Mỹ đầu tư vào khu vực Mekong

cho chiến lược đối trọng với Trung Quốc

Chính phủ Mỹ sẽ dành hơn 150 triệu USD cho các dự án hợp tác tại khu vực Mekong, một phần quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nhằm đối trọng với sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.
Trong một thông cáo báo chí ra hôm 14/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết rằng việc khởi động quan hệ Đối tác Mekong-Hoa Kỳ phản ánh tầm quan trọng của khu vực Mekong đối với Mỹ trong lúc các hiểm hoạ từ Trung Quốc ngày càng gia tăng đối với khu vực này.
“Quan hệ của chúng tôi với các quốc gia đối tác Mekong là một phần không thể tách rời của tầm nhìn Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương và quan hệ đối tác chiến lược với khối ASEAN,” Ngoại trưởng Pompeo nói trong thông cáo.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo về khoản đầu tư hơn 150 triệu USD cho các chương trình trong khu vực dựa trên nền tảng tốt của cơ chế Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI) được thành lập từ năm 2009.
Đây là các khoản đầu tư ban đầu cho các dự án hợp tác tại khu vực Mekong, trong đó có 55 triệu USD cho các dự án phòng chống tội phạm xuyên biên giới; 1,8 triệu USD hỗ trợ Uỷ hội sông Mekong tăng cường chia sẻ dữ liệu nguồn nước phục vụ công tác hoạch định chính sách, và một số dự án về quản lý thiên tai, tổ chức đối thoại chính sách nhiều bên về phát triển khu vực Mekong.
Theo Ngoại trưởng Pompeo, khu vực Mekong đang đối diện với nhiều thách thức “trong đó có những thách thức từ Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện đang ngày càng gây hiểm hoạ tới môi trường tự nhiên và sự tự chủ về kinh tế của Mekong.”
“Các quyết định đơn phương của CCP (Đảng Cộng sản Trung Quốc) nhằm chặn dòng chảy trên thượng nguồn đã làm trầm trọng thêm đợt hạn hán lịch sử,” ông Pompeo nói. “Mỹ sát cánh với khu vực và Uỷ hội sông Mekong trong việc kêu gọi chia sẻ dữ liệu minh bạch. Chúng tôi khuyến khích các quốc gia trong khu vực sông Mekong buộc (Đảng Cộng sản Trung Quốc) phải chịu trách nhiệm trong các cam kết chia sẻ dữ liệu nguồn nước.”
Ngoại trưởng Pompeo nói rằng các dữ liệu này cần được công bố cho công chúng và cần được chia sẻ thông qua Uỷ hội sông Mekong (MRC), tổ chức phục vụ cho các quyền lợi của các nước trong khu vực Mekong, “chứ không phải cho những lợi ích của Bắc Kinh.”
MRC tháng trước cũng đưa ra một báo cáo trong đó nói các con đập trên thượng nguồn của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến dòng chảy dưới hạ nguồn và đưa ra những khuyến nghị, gồm sự minh bạch về dữ liệu và chia sẻ thông tin. Để tăng cường sự minh bạch về các hoạt động của các con đập ở thượng nguồn sông Mekong cũng như chứng minh sự hợp tác có tính thiện chí, MRC cho rằng Trung Quốc cần xem xét việc cung cấp dữ liệu cho các nước ở hạ lưu sông Mekong.
Trước áp lực này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cuối tháng trước khi phát biểu tại diễn đàn Lan Thương-Mekong, trong đó có Việt Nam, nói rằng Bắc Kinh sẽ bắt đầu chia sẻ dữ liệu thủy văn quanh năm của con sông này.
Để đối phó với các thách thức mà ngoại trưởng Pompeo nêu ra trong thông cáo, Mỹ đã nâng tầm mục tiêu của Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong để ứng phó với các tác động từ thượng nguồn do Trung Quốc
gây ra, tại Hội nghị Bộ trưởng Đối tác Mekong-Hoa Kỳ lần đầu tiên vừa được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội qua hình thức trực tuyến,.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hội nghị này khẳng định cam kết của Washington đối với tương lai của Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong “như một phần của tầm nhìn chung cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”

Đài Loan giam giữ

5 người Hong Kong vượt biên bằng thuyền

Tin từ Đài Bắc, Đài Loan – Từ tháng 8/2020 đến nay, Đài Loan hiện đang giam giữ 5 người chạy trốn khỏi Hong Kong bằng thuyền, sau khi được lực lượng tuần duyên của Đài Loan ở Biển Đông phát hiện.
Các nguồn tin thân cận với sự việc cho biết, 5 người này đã cố gắng di chuyển bằng thuyền đến quần đảo Đông Sa (Pratas Islands) do Đài Loan kiểm soát. Hiện họ đang ở một cơ sở bảo vệ bờ biển Đài Loan ở thành phố Cao Hùng.
Mặc dù Đài Loan mở cửa cho những người đến từ Hong Kong nhưng bất kỳ ai nhập cảnh đều phải thực hiện một cách hợp pháp. Cơ quan An ninh Hong Kong cho biết, họ không nhận được bất kỳ thông tin nào từ phía Đài Loan cũng như bất kỳ thành viên gia đình nào yêu cầu giúp đỡ.
Ông John Lee, Bộ trưởng An ninh Hong Kong cho biết, họ kêu gọi Đài Loan có trách nhiệm chống tội phạm xuyên biên giới. Nếu 5 người trên bị nghi ngờ đã phạm tội ở Hong Kong, họ không nên chứa chấp tội phạm.
Hôm chủ nhật (13/9), hãng thông tấn trung ương chính thức của Đài Loan đưa tin rằng, 5 người này có các quyền cơ bản bao gồm quyền tiếp cận luật sư, nhưng không đưa ra thông tin chi tiết. Chính phủ Đài Loan đã từ chối bình luận về sự việc, các đảng đối lập hiện đang chỉ trích chính phủ vì đã không có nhiều hành động hơn để giúp người Hong Kong chạy trốn khỏi các cuộc đàn áp chính trị. (BBT)

Hơn 20 nhà hoạt động Hồng Kông ra tòa

 vì tưởng niệm Thiên An Môn

Thụy My
Hôm nay 15/09/2020 hơn 20 nhà hoạt động Hồng Kông ra tòa vì đã tham dự lễ tưởng niệm Thiên An Môn. Đây là lần đầu tiên việc tưởng niệm vụ thảm sát năm 1989 bị cấm đoán tại Hồng Kông, với lý do đang có dịch bệnh.
Trong số 26 người bị khởi tố có các nhân vật nổi tiếng như Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), tỉ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai). La Quán Thông (Nathan Law) bị xử khiếm diện vì đã đi lưu vong ngay trước khi luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông bắt đầu có hiệu lực ; một người nữa là Trương Côn Dương (Sunny Cheung) vắng mặt, có lẽ cũng đã trốn khỏi đặc khu.
Cảnh sát lần đầu tiên không cho phép tổ chức tưởng niệm vụ đàn áp đẫm máu ngày 04/06/1989 trên quảng trường Thiên An Môn, nêu ra quy định cấm tập hợp đông người vì virus corona. Tuy nhiên khoảng mấy chục ngàn người vẫn thắp nến trong khắp thành phố để tưởng nhớ các nạn nhân một cách ôn hòa.
Trước tòa, ông Lý Trác Nhân (Lee Cheuk Yan), người tổ chức tưởng niệm hàng năm tại Hồng Kông nhấn mạnh « việc lên án vụ thảm sát Thiên An Môn không phải là tội phạm », tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh.
Hồng Kông vẫn tưởng niệm vụ thảm sát suốt 30 năm qua, và buổi lễ ngày 4 tháng Sáu vừa rồi đặc biệt ý nghĩa tại Hồng Kông trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt các quyền tự do tại đặc khu bằng cách áp đặt luật an ninh quốc gia.

Trung Quốc: Đến lượt vùng Nội Mông

đứng lên chống cưỡng bức đồng hóa

Mai Vân
Trong những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 2020 này, vùng tự trị Nội Mông của Trung Quốc đã đột nhiên sôi sục trở lại, với một phong trào phản đối chính sách bắt buộc dùng tiếng Hán trong các môn học chính trong nhà trường. Giống như ở Tây Tạng hay tại Tân Cương, Bắc Kinh đã dùng biện pháp đàn áp để đối phó.
Nội Mông là vùng đất ở phía nam nước Mông Cổ, đã bị Trung Quốc sáp nhập sau Thế Chiến II, để trở thành một vùng tự trị. Ngay từ đầu, Bắc Kinh đã tiến hành một chính sách đồng hóa nhắm vào thiểu số người Mông Cổ tại vùng lãnh thổ này, mà nổi bật nhất là chủ trương đưa người Hán đến định cư tại khu vực mà đa số cư dân vốn là người Mông Cổ.
Trong bài phân tích “Trung Quốc đàn áp văn hóa Mông Cổ – China’s Crackdown on Mongolian Culture” - đăng trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 04/09/2020 – tiến sĩ Antonio Graceffo, một kinh tế gia Mỹ làm việc tại Ulan Bator, thủ đô Mông Cổ, đã ghi nhận là hiện nay, số người Hán ở Nội Mông cao hơn người Mông Cổ tại chỗ đến gần 6 lần.
Chủ trương bắt buộc dùng tiếng Hán trong giáo dục
Song song với việc biến Nội Mông thành đất của người Hán, Bắc Kinh cũng tiến hành môt chính sách đồng hóa, xóa nhòa bản sắc văn hóa của người Mông Cổ, đặc biệt là trong lãnh vực ngôn ngữ. Số ghế trong các lớp học song ngữ Mông Cổ-Hán đã giảm mạnh, từ 190.000 xuống còn 17.000, thay thế bắng những lớp dành cho con em người Hán.
Kết quả nói trên vẫn chưa làm cho Bắc Kinh thỏa mãn. Vào tháng 08/2020, chính quyền đã quyết định là kể từ niên học mới bắt đầu vào tháng 9, các lớp học bằng tiếng Mông Cổ sẽ bị cắt giảm đáng kể, và các bộ môn văn học, chính trị và lịch sử sẽ chỉ được dậy bằng tiếng Quan Thoại. Đây là một chính sách đã từng được thực hiện ở Tân Cương vào năm 2017, và sau đó một năm là tại Tây Tạng.
Quyết định của chính quyền Bắc Kinh đã bị rất nhiều phụ huynh học sinh phản đối. Họ cho rằng thà để con ở nhà hơn là bị buộc phải chấp nhận học tập bằng tiếng Quan Thoại.
Bãi khóa để phản đối
Vào lúc các trường học mở lại vào tuần lễ đầu tháng 9, phong trào phản đối đã lan rộng, với hàng loạt những vụ bãi khóa. Ở hạt Nại Mạn (Naiman) chẳng hạn, bình thường có 1.000 học sinh Mông Cổ, thì chỉ có 40 ghi danh học và 10 em đi học vào ngày đầu tiên. Trên toàn lãnh thổ Nội Mông có đến 300.000 học sinh bãi khóa.
Video trên các mạng xã hội cho thấy cảnh cha mẹ người Mông Cổ cố gắng đưa con ra khỏi nhà trường trong lúc cảnh sát ra sức ngăn chặn. Tại một địa điểm, người ta thấy cảnh hàng trăm cảnh sát chống bạo động được triển khai, nhưng sau nhiều tiếng đồng hồ đối dầu thì phụ huynh học sinh đã vượt qua được rào cản vào đón được con của họ.
Những video khác cho thấy đám đông các em hô to những khẩu hiệu như: “Tiếng mẹ đẻ của chúng ta là tiếng Mông Cổ” và “Chúng ta là người Mông Cổ cho đến chết”. Một video còn cho thấy một người đàn ông mặc y phục cổ truyền giơ cao một lá cờ đen khar suld, cờ trên chiến trường của người Mông Cổ. Theo truyền thống lá cờ khar suld tượng trưng cho sức lực, tinh thần của người Mông Cổ để đánh bại kẻ thù. Đối với nhiều người Mông Cổ, giơ cao cờ khar suld tương đương với việc tuyên chiến. Một người đã nhận định: “Đó là một dấu hiệu quan trọng cho thấy là họ sẽ không từ bỏ mà sẽ đi đến cùng”.
Bắc Kinh treo thưởng để truy bắt người chống đối
Trước làn sóng phẫn nộ, Bắc Kinh đã tung ra một loạt biện pháp đàn áp, công bố tên những người cầm đầu phong trào phản đối và treo giải thưởng để tìm bắt. Đã có đến hàng ngàn lệnh truy bắt được đưa ra.
Ngoải biện pháp truy bắt hàng loạt, là những vụ “bắt cóc” như thường thấy. Theo tuần báo Anh The Economist, môt nhà chăn nuôi ở Nội Mông cho biết là hai người thân của bà lên tiếng phản đối chính sách ngôn ngữ mới đã bị mất tích vào ngày 31/08.
Các quan chức địa phương đã ra lệnh cho các giáo viên gây sức ép với phụ huynh để đưa con cái đến trường. Các đảng viên, công chức và giáo viên người Mông Cổ đã bị đe dọa là nếu tham gia phong trào tẩy chay chương trình giáo dục mới, họ có thể bị khai trừ đảng và sa thải.
Mạng xã hội duy nhất dùng tiếng Mông Cổ tại Nội Mông là Bainu thì bị chặn, trong lúc các nhà kiểm duyệt thì xóa các bài đăng về phong trào phản đối khỏi các mạng xã hội khác.
Đối với The Economist, người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ từ lâu đã phải chịu những hành vi đàn áp như vậy. Giờ đến lượt người Mông Cổ.
“Diệt chủng văn hóa” ở Nội Mông, như ở Tây Tạng, Tân Cương
Theo giới bảo vệ nhân quyền, đặc biệt là các nhóm bảo vệ nhân quyền của người Nội Mông, trụ sở ở ngoại quốc, Trung Quốc đang áp dụng tại Nội Mông một chính sách mà họ đã tiến hành trước đây ở Tây Tạng và Tân Cương: Đó là “diệt chủng văn hóa”.
Theo The Diplomat, Bắc Kinh không chỉ đánh vào vấn đề ngôn ngữ: Người Mông Cổ ở Nội Mông, cũng như những chủng tộc khác, còn bị tước quyền tự do tôn giáo. Ở Trung Quốc chỉ có một nhánh Phật Giáo được công nhận là Giáo Hội Phật Giáo trong Mặt Trận Thống Nhất. Thế nhưng nhiều người Mông Cổ lại theo đạo Phật Tây Tạng và nhìn nhận đức Đạt Lai Lạt Ma là lãnh đạo tinh thần. Việc Bắc Kinh kềm chế Phật giáo Tây Tạng và các cấm đoán liên quan đến đức Đạt Lai Lạt Ma không chỉ tác đông đến dân Tây Tạng mà cả dân Mông Cổ.
Có điều là trong lúc các vấn đề liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng đã công luận toàn thế giới biết đến, thì việc người Mông Cổ bị Bắc Kinh đàn áp không mấy được quan tâm. Một bản kiến nghị quốc tế mang tựa đề “Cứu vớt giáo dục ở Nội Mông”, chỉ nhận được 21.000 chữ ký ủng hộ.
Tại Hoa Kỳ, Chính Sách Nhân Quyền Duy Ngô Nhĩ đã được tổng thống Mỹ Donald Trump ký thành luật vào năm 2020, còn Chính Sách Hỗ Trợ Tây Tạng đã được thông qua ở Hạ Viện vào năm 2019. Mới đây, tổ chức Đại Hội Mông Cổ phía Nam, trụ sở ở Nhật Bản, đã viết một thư ngỏ yêu cầu Quốc Hội Mỹ cũng làm tương tự đối với vấn đề Nội Mông.
Người Mông Cổ ủng hộ đồng bào ở Nội Mông
Hành động vừa qua của Trung Quốc ở Nội Mông dĩ nhiên đã thu hút sự chú ý của nước láng giềng Mông Cổ, một nền dân chủ chỉ có vỏn vẹn 3 triệu dân, trong lúc vùng tự trị Nội Mông có đến 4 triệu người gốc Mông Cổ trên tổng số 24 triệu dân.
Không như ở Trung Quốc, người dân quốc gia không đông người này được hưởng đầy đủ các quyền tự do tín ngưỡng, văn hóa, báo chí. Và để ngăn ngừa việc người ở Nội Mông liên lạc với bên ngoài, thì mạng xã hội tiếng Mông Cổ Bainu ở Trung Quốc đã bị đóng.
Bất chấp đe dọa của chính quyền Trung Quốc đối với những người dám nói đến chính sách mới về ngôn ngữ, những người can đảm ở Nội Mông đã gởi video, thông tin cho những người  bên kia biên giới, để được đưa lên các mạng xã hội như Facebook và Twitter bị ngăn chặn ở Trung Quốc.
Rất nhiều công dân Mông Cổ phẫn uất trước cách đối xử của Trung Quốc với đồng bào của họ ở Nội Mông. Trên mạng có cảnh một người đàn ông Mông Cổ khóc trước hoàn cảnh ở Nội Mông và lời ghi chú: “Tôi cảm thấy rất đau lòng cho người Mông Cổ, chúng ta cần ủng hộ người Nội Mông. Tôi không thề kềm hãm cảm xúc. Cái gì có thể làm người Mông Cổ khóc? Nguyên nhân là Trung Quốc đã loại bỏ, truy bức người Mông Cổ từ nhiều năm qua”.
Người Nội Mông đã bất chấp đàn áp, gìn giữ mẫu tự Mông Cổ truyền thống, trái với quốc gia độc lập Mông Cổ, một vệ tinh của Liên Xô cũ, đang sử dung chữ cái kirin của Nga. Những bậc phụ huynh ở Nội Mông giờ đây lo ngại với những quy định giáo dục mới, việc sử dụng mẫu tự truyền thống sẽ biến mất.
Ông Elbegdorj Tsakhia, một cựu tổng thống Mông Cổ đã nói trong một tin nhắn Twitter: “Nếu không còn văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ  của mình, thì một người Mông Cổ không là người Mông Cổ nữa; 300 năm ô nhục đối với người Mông Cổ không thể tiếp diễn trong thế kỷ mới này !” Ông còn nói: “Tôi  biết rằng lãnh đạo láng giềng phương nam của chúng ta, Tập Cận Bình, tôn trọng ngôn ngữ và văn hóa của người khác. Việc loại bỏ ngôn ngữ và văn hóa Mông Cổ không phải là con đường nên đi của một nước lớn và có trách nhiệm”.
Nước Mông Cổ bất lực vì lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế
Trong bối cảnh người dân Mông Cổ bình thường có nhiều thiện cảm trước cảnh ngộ của người ở Nội Mông, thì chính quyền Mông Cổ không thể làm gì nhiều để phản đối, vì kinh tế bị lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Trung Quốc thu mua 80% hàng xuất khẩu của Mông Cổ và đã từng dùng kinh tế để trừng phạt Mông Cổ trong quá khứ.
Khi Mông Cổ cho phép đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm vào năm 2016, Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp thuế trên hành nhập khẩu. Cho nên lần này người Mông Cổ chỉ có thể bất bình mà đứng ngoài cuộc, nhìn qua mạng xã hội cái gì còn lại của văn hóa Mông Cổ ở phía nam trong lúc mà Trung Quốc tấn công.

Vụ án trùm địa ốc nổi tiếng Trung Quốc

khiến Tập Cận Bình ‘tiến thoái lưỡng nan’

Vũ Dương
…Khi làn sóng tẩy chay Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thế hệ “hồng nhị đại” ngày một mạnh mẽ và công khai.
Ngày 11/9, phiên tòa xét xử ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), trùm địa ốc nổi tiếng ở Trung Quốc và là “Thế hệ đỏ thứ hai” (hồng nhị đại) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhận được sự quan tâm theo dõi của đông đảo dư luận cả trong và ngoài nước. Ông Nhậm Chí Cường bị truy tố về 4 tội danh kinh tế, nhưng có phân tích cho rằng nhà chức trách đã tránh đề cập đến tội trạng then chốt nhất, và ông Nhậm bị xử lý thế nào sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến nhà cầm quyền, Tập Cận Bình bởi vậy mà lâm vào tình thế khó xử, theo NTDTV.
Nhậm Chí Cường bị trừng phạt vì tội “bất kính bề trên”
Vào lúc 9h30 ngày 11/9, phiên tòa xét xử Nhậm Chí Cường, cựu chủ tịch tập đoàn Hoa Viễn, Bắc Kinh với biệt danh “Nhậm đại pháo” (một nhân vật nổi tiếng với hơn 37 triệu lượt theo dõi trên Weibo), được mở tại Tòa án thứ chín của Tòa án Trung cấp số hai thủ đô Bắc Kinh. Ông Nhậm bị buộc tội tham nhũng, hối lộ, biển thủ công quỹ và lạm dụng chức quyền đối với các nhân viên doanh nghiệp nhà nước.
Nhưng nhiều nhà quan sát đã đặt câu hỏi rằng vụ án ông Nhậm Chí Cường đã bỏ sót “tội danh then chốt nhất”. Một luật sư Trung Quốc nói rằng ông Nhậm Chí Cường đã phạm “tội đại bất kính” – một đại tội điển hình thời nay.
Ngoại giới tin chắc rằng ông Nhậm Chí Cường đã bị “kết tội bởi lời nói”. Vào tháng Ba năm nay, ông Nhậm Chí Cường đã đăng một bài bình luận với tiêu đề: “Gã hề xấu dù đã bị lột sạch quần áo cũng muốn trở thành hoàng đế” được lan truyền rộng rãi trên mạng. Bài viết chỉ trích ông Tập Cận Bình và giới chức ĐCSTQ vì đã che giấu dịch bệnh, khiến dịch bệnh mất kiểm soát, tạo nên thảm kịch của nhân gian.
Sau đó, Nhậm Chí Cường đã mất tích, bị giam giữ và bị buộc tội. Nhà chức trách cuối cùng đã mượn tội danh kinh tế để trừng phạt ông. Vương Anh, nhà doanh nghiệp Trung Quốc và là bạn thân của Nhậm Chí Cường, từng chỉ trích rằng, “Đây rõ ràng là bức hại chính trị một cách trắng trợn”.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng tội danh thật sự của ông Nhậm Chí Cường trong con mắt của đảng cầm quyền chính là “xúc phạm bề trên”. Trong thông báo chính thức được đăng ngày 23/7 chỉ ra rằng ông Nhậm Chí Cường đã không nhất trí với Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những vấn đề lớn mang tính nguyên tắc trọng đại, công khai đăng bài viết làm xấu hình ảnh của đảng và quốc gia, vậy nên quyết định khai trừ khỏi đảng đối với ông. Những lối nói và trừng phạt này được ngoại giới coi là phản ứng trực tiếp của nhà chức trách và giới lãnh đạo ĐCSTQ về những chỉ trích công khai đó của ông Nhậm.
Tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của ông Tập Cận Bình
Có phân tích cho rằng, phía nhà chức trách xử trí ông Nhậm Chí Cường như thế nào sẽ có tác động rất lớn, ông Tập Cận Bình do vậy đã rơi vào tình thế khó xử. Về việc ông Nhậm Chí Cường rốt cuộc sẽ bị trừng phạt thế nào, ngoại giới có hai nhìn nhận khác nhau.
Một luật sư nhân quyền Trung Quốc đề nghị giấu tên nói với kênh đài hải ngoại rằng vụ án của ông Nhậm Chí Cường trong phiên sơ thẩm đã mở tại Tòa án Trung cấp, cho thấy đây là một “vụ án nghiêm trọng với xuất phát điểm thời hạn thi hành án khá cao”. Nếu bị kết tội, có thể sẽ phải đối mặt với ít nhất 10 năm tù.
Một luật sư nhân quyền khác ở Trung Quốc cũng cho rằng, rất có khả năng nhà cầm quyền sẽ thông qua một bản án nặng nề đối với Nhậm Chí Cường coi như là một sự răn đe đối với các phe phản đối bên trong thể chế, “lợi dụng mức án nặng nề hòng đạt mục đích giết gà dọa khỉ”, “mặc kệ họ thuộc thế hệ đỏ đời thứ mấy, xuất thân ra sao, có sức ảnh hưởng lớn thế nào, cũng đều phải đối mặt với mức án nặng như vậy”.
Tuy nhiên, kênh Deutsche Welle đưa tin rằng, tin tức về phiên điều trần với ông Nhậm Chí Cường, ngoại trừ thông báo liên quan do tòa án đưa ra vào ngày 8/9, các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, Sina, Baidu và truyền thông xã hội khác đều không đưa tin về vụ việc này, mà lại hoàn toàn yên ắng. Có chuyên gia quan sát nhận định, dường như phía nhà chức trách đã cố tình xử lý một cách âm thầm, đây là tín hiệu cho thấy ông Nhậm Chí Cường sẽ không bị kết án nặng.
Báo cáo trích dẫn các bình luận cho rằng nếu chính quyền Tập Cận Bình trừng phạt quá nặng đối với ông Nhậm Chí Cường, không loại trừ khả năng lực lượng chống Tập trong thế hệ đỏ thứ hai sẽ “vùng lên”, ít nhất nó sẽ làm trầm trọng thêm sự bất mãn bên trong “thế hệ đỏ thứ hai” và khuynh hướng không đoàn kết với ông Tập.
Phân tích cũng chỉ ra rằng sự im lặng của truyền thông đảng đối với trường hợp của ông Nhậm Chí Cường cho thấy giới lãnh đạo vẫn chưa dám hoặc không muốn hạ độc thủ với ông Nhậm Chí Cường dưới muôn vàn con mắt đang dõi theo, để ngăn chặn các lực lượng chống Tập trong thế hệ đỏ thứ hai “vùng lên” quyết một phen sống chết với ông Tập Cận Bình.
Làn sóng tẩy chay ĐCSTQ trong “hồng nhị đại” ngày càng công khai
Tuy vậy, có bình luận cho rằng bất kể nhà chức trách tuyên phạt ông Nhậm Chí Cường mức án nhẹ hay nặng, điều đó không thể thay đổi một điều thực tế chính là tiếng nói phản đối chính quyền ĐCSTQ trong thế hệ đỏ thứ hai đã trở nên công khai và ĐCSTQ vô cùng lo sợ về điều này, do vậy nó đã gắng hết sức đàn áp những phần tử bất đồng chính kiến.
Bà Thái Hà, cựu giáo sư trường Đảng Trung ương ĐCSTQ, và cũng là thế hệ đỏ thứ hai, ngày trước đã gắng sức ủng hộ ông Nhậm Chí Cường trên Twitter, đã công khai tuyên bố rằng ĐCSTQ đã là một “thây ma chính trị”, dù có cải cách thể nào cũng vô dụng, cách duy nhất chỉ có thể từ bỏ nó mà thôi. Bà cũng tố ông Tập Cận Bình là “trùm băng đảng xã hội đen”.
Bà Thái Hà sau đó vì ngôn luận này đã bị trường Đảng Trung ương khai trừ khỏi đảng, cắt bỏ chế độ lương hưu của bà. Nhưng bà đã công khai đáp lại rằng bà rất hạnh phúc vì đã thoát ly khỏi băng đảng xã hội đen này. Bà Thái Hà cũng cho biết, thực tế có khoảng 60% -70% người trong đảng có cùng quan điểm giống bà, chỉ là họ không dám nói ra mà thôi.
Ngày 12/9, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA đã dẫn đoạn phỏng vấn đặc biệt với bà Thái Hà, bà tiết lộ rằng từ sớm mấy năm trước, trong một bữa tiệc họp mặt của nhóm “thế hệ đỏ thứ hai”, mọi người đã có một lần suy xét một cách nghiêm túc về chính quyền ĐCSTQ.
Những thế hệ đỏ thứ hai này đã suy xét từ vụ thảm sát Thiên An ngày 4/6/1989, ngược dòng đến “thảm họa 10 năm” của Đại Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông phát động năm 1966, và tiếp tục suy ngẫm về chính quyền ĐCSTQ thành lập năm 1949 ở Trung Quốc có đúng hay không?
Thậm chí có người chỉ ra rằng, việc suy ngẫm lại thật sự phải bắt đầu từ năm 1920 – ngày ĐCSTQ chào đời và con đường mà dân tộc Trung Hoa đã đi qua trong một thế kỷ qua, thì logic lịch sử và mối liên hệ trong giai đoạn lịch sử này là gì, điều này rất đáng để suy ngẫm một cách kỹ lưỡng.
Cùng là “Thế hệ đỏ thứ hai” với nhau, nhưng bà Thái Hà cũng thừa nhận rằng cuộc thảo luận này khiến bà rất ngạc nhiên. Bà ấy nói, “Trên thực tế, những người bên trong ‘Thế hệ đỏ thứ hai’ này, suy xét của họ sâu sắc đến nỗi vượt xa sức tưởng tượng của người ngoài”.
Bà Thái Hà trong buổi phỏng vấn đã nhấn mạnh rằng, ĐCSTQ vốn không có tính hợp pháp, ĐCSTQ rốt cuộc đã gây ra bao nhiêu tội ác với mảnh đất Trung Hoa và người dân Trung Quốc, cái này phải được nhìn thấu và cần phải tính sổ với nó. Bà cũng hy vọng rằng giới tinh anh cả trong và ngoài thể chế có thể kết nối, hợp tác với người dân Trung Quốc để cùng hướng đến một xã hội tự do không có ĐCSTQ. Bản thân bà rất có niềm tin về điều này.
Theo Wen Hui, NTDTV
Vũ Dương biên dịch

Hạm đội ‘đánh cá mở rộng’ của Trung Quốc

đang làm cạn kiệt các đại dương thế giới

Hương Thảo
Trong nhiều năm, không ai biết tại sao hàng chục “con thuyền ma” bằng gỗ bị dập nát – thường có chứa xác của các ngư dân Triều Tiên bị chết đói – thường xuyên dạt vào bờ biển Nhật Bản…
Sau khi làm cạn kiệt các khu vực biển gần nhà, đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc đã tiến vào vùng biển của các quốc gia khác khai thác làm cạn kiệt nguồn cá. Không chỉ nguồn hải sản đang bị đe dọa khi Trung Quốc muốn khẳng định bản thân trên các vùng biển, mà xa hơn nữa là tham vọng địa chính trị, từ phía Đông Á đến Châu Mỹ La tinh, theo Yale Environment 360.
Một cuộc điều tra gần đây mà Yale Environment 360 đã thực hiện cho NBC News, dựa trên dữ liệu vệ tinh mới, đã tiết lộ những gì các nhà nghiên cứu biển hiện nay cho là lời giải thích khả dĩ nhất: Trung Quốc đang cử một đội tàu công nghiệp ‘vô hình’ đánh cá trái phép trong vùng biển của Triều Tiên, buộc các tàu thuyền nhỏ hơn của Triều Tiên ra khỏi vùng biển của họ, và dẫn đến sự sụt giảm nguồn dự trữ
mực dồi dào một thời tới hơn 70%. Các ngư dân Triều Tiên dường như đã mạo hiểm đi quá xa bờ để tìm kiếm mực một cách vô ích và đã bỏ mạng.
Đội tàu được chính phủ bảo trợ
Các tàu công nghiệp của Trung Quốc – hơn 700 tàu trong số đó vào năm ngoái – dường như đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc về việc cấm đánh bắt cá trong vùng biển của Triều Tiên. Các lệnh trừng phạt được áp đặt vào năm 2017 để đáp trả các vụ thử hạt nhân của nước này, nhằm trừng phạt Triều Tiên bằng cách không cho phép nước này bán quyền đánh bắt trong vùng biển của mình để đổi lấy ngoại tệ có giá trị.
Những tiết lộ mới đưa ra ánh sáng về sự thiếu quản lý nghiêm trọng đối với các đại dương trên thế giới và đặt ra những câu hỏi hóc búa về hậu quả của vai trò ngày càng bành trướng của Trung Quốc trên biển và cách việc này được kết nối với khát vọng địa chính trị của quốc gia.
Hầu hết các tàu đánh cá công nghiệp Trung Quốc đều lớn đến mức lượng cá họ đánh bắt được trong một tuần bằng một tàu địa phương có thể đánh bắt trong một năm.
Các ước tính về tổng quy mô của đội tàu đánh cá toàn cầu của Trung Quốc rất khác nhau. Theo một số tính toán, Trung Quốc có từ 200.000 đến 800.000 tàu đánh cá, chiếm gần một nửa hoạt động đánh bắt của thế giới. Chính phủ Trung Quốc cho biết đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc là khoảng 2.600, nhưng nghiên cứu khác, chẳng hạn như nghiên cứu này của Viện Phát triển Hải ngoại (ODI), con số là tới 17.000, với nhiều tàu trong số này là ‘vô hình’ như những tàu mà dữ liệu vệ tinh phát hiện được ở vùng biển Bắc Triều Tiên. Để so sánh, hạm đội đánh cá xa bờ của Hoa Kỳ có ít hơn 300 tàu.
Trung Quốc không chỉ là nhà xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, nước này còn chiếm hơn một phần ba tổng lượng cá tiêu thụ trên toàn thế giới. Khi các vùng biển gần quê hương đã cạn kiệt, đội tàu cá Trung Quốc đi xa hơn trong những năm gần đây để khai thác vùng biển của các quốc gia khác, bao gồm cả những quốc gia ở Tây Phi và Mỹ Latinh, nơi mà việc thực thi pháp luật có xu hướng yếu hơn do chính quyền địa phương thiếu nguồn lực hoặc không có khuynh hướng giám sát được vùng biển của họ. Hầu hết các tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc đều lớn đến mức họ bắt được nhiều cá trong một tuần hơn những gì tàu thuyền địa phương từ Senegal hoặc Mexico có thể đánh bắt trong một năm.
Nhiều tàu Trung Quốc đánh bắt hải sản ở Mỹ Latinh nhắm vào cá làm thức ăn gia súc, được nghiền thành bột cá, một loại thực phẩm bổ sung dạng viên giàu protein cho cá nuôi trồng thủy sản. Hạm đội Trung Quốc cũng tập trung vào tôm, và hiện nay là cá totoaba, loài được đánh giá cao ở châu Á đối với các đặc tính y học của nó, có thể bán với giá từ 1.400 đô la đến 4.000 đô la mỗi con.
Trung Quốc chiếm ưu thế trong đánh bắt mực, khi đội tàu của nước này chiếm từ 50 đến 70% lượng mực đánh bắt ở các vùng biển quốc tế, kiểm soát hiệu quả nguồn cung cấp hải sản phổ biến trên toàn cầu. Ít nhất một nửa sản lượng mực do ngư dân Trung Quốc đánh bắt từ biển khơi được xuất khẩu sang Châu Âu, Bắc Á và Hoa Kỳ.
Để đánh bắt mực, người Trung Quốc thường sử dụng lưới kéo căng giữa hai tàu, một hành động bị các nhà bảo tồn chỉ trích vì nó vô tình giết chết nhiều cá con. Các nhà phê bình cũng cáo buộc Trung Quốc giữ mực chất lượng cao để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu mực chất lượng thấp hơn. Ngoài ra, các nhà phê bình cho rằng, Trung Quốc áp đảo các tàu các nước khác tại các bãi nuôi mực lớn, và đang tìm cách gây ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán quốc tế về bảo tồn và phân phối nguồn tài nguyên mực toàn cầu vì lợi ích của chính họ.
Đội tàu đánh cá toàn cầu của Trung Quốc không thể tự mình phát triển thành một đội tàu khổng lồ hiện đại. Chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp mạnh mẽ cho ngành này, chi hàng tỷ nhân dân tệ mỗi năm. Các tàu thuyền của Trung Quốc có thể đi xa như vậy một phần là do trợ cấp nhiên liệu diesel tăng gấp 10 lần từ năm 2006 đến năm 2011 (Bắc Kinh dừng đưa ra số liệu thống kê tăng sau năm 2011, theo một Nghiên cứu của Tổ chức Hòa bình xanh).
Trong hơn một thập kỷ qua, chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ chi trả để đóng các tàu đánh cá vỏ thép lớn hơn, tiên tiến hơn, thậm chí đưa tàu y tế đến các ngư trường để đội tàu có thể bám biển lâu hơn. Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ đội tàu câu mực nói riêng bằng cách cung cấp cho họ dự báo thông tin về nơi có thể tìm thấy nguồn mực sinh lợi nhất, sử dụng dữ liệu thu thập được từ vệ tinh và tàu nghiên cứu.
Theo nghiên cứu của Enric Sala, người sáng lập và lãnh đạo dự án Pristine Seas của Hiệp hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ, đánh bắt mực xa bờ là một ngành kinh doanh thua lỗ. Giá bán mực thường không bằng chi phí nhiên liệu cần thiết để đánh bắt nó, nghiên cứu của Sala cho thấy.
Các nhà bảo tồn cho rằng, việc tàu cá Trung Quốc hoạt động quá mức và đánh bắt bất hợp pháp là nguyên nhân chính khiến các đại dương đang nhanh chóng cạn kiệt cá.
Gần đây hơn, chính phủ Trung Quốc đã ngừng kêu gọi mở rộng đội tàu đánh bắt xa bờ và đưa ra kế hoạch 5 năm vào năm 2017 hạn chế tổng số tàu đánh bắt xa bờ xuống dưới 3.000 tàu vào năm 2021. Daniel Pauly, một nhà sinh vật biển và điều tra viên chính của Dự án Biển quanh ta tại Đại học British Columbia, cho biết ông tin rằng chính phủ Trung Quốc có thể muốn hạn chế bớt hạm đội mặt nước của mình, nhưng “Liệu họ có thể thực thi các hạn chế đã lên kế hoạch đối với hạm đội của họ hay không là một câu hỏi khác”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, các nỗ lực nhằm kiềm chế đội tàu đánh cá của Trung Quốc đều diễn ra chậm chạp. Việc áp dụng các cải cách và kiểm soát họ gặp khó khăn, một phần do luật pháp còn lỏng lẻo, phần lớn lực lượng lao động trên các tàu không biết chữ, nhiều tàu không có giấy phép hoặc thiếu tên riêng hoặc số nhận dạng cần thiết để theo dõi, và các cơ quan nghiên cứu nghề cá của Trung Quốc thường từ chối chuẩn hóa hoặc chia sẻ thông tin này.
Dân quân trá hình?
Không chỉ hải sản đang bị đe dọa bởi quy mô hiện tại và tham vọng của đội tàu đánh cá Trung Quốc. Trong bối cảnh khát vọng địa chính trị lớn hơn của Trung Quốc, các ngư dân của nước này thường đóng cả vai trò là dân quân bán quân sự, dù chính phủ Trung Quốc coi đó là hoạt động của ngư dân. Tổ chức tư nhân bề ngoài này giúp chế độ Trung Quốc khẳng định quyền thống trị lãnh thổ, đặc biệt là đẩy lùi ngư dân hoặc chính phủ các nước khác dám thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc bao gồm gần như toàn bộ Biển Đông.
Huang Jing, cựu giám đốc Trung tâm Châu Á và Toàn cầu hóa tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, cho biết: “Những gì Trung Quốc đang làm là giấu hai tay ra sau và dùng cái bụng to của nó để đẩy bạn ra, để thách bạn dám đánh trước”.
Tàu đánh cá Trung Quốc nổi tiếng hiếu chiến, hung hãn và thường được bảo vệ bởi các tàu hải cảnh Trung Quốc trang bị vũ khí, kể cả trên biển khơi hoặc trong vùng biển của các nước khác. Nhóm báo cáo của chúng tôi buộc phải chuyển hướng để tránh va chạm nguy hiểm sau khi một trong những thuyền trưởng đánh cá Trung Quốc đột ngột chuyển hướng về phía thuyền của chúng tôi.
Từ vùng biển của Triều Tiên đến Mexico, các cuộc xâm nhập của tàu cá Trung Quốc ngày càng trở nên thường xuyên và hung hãn hơn.
Trung Quốc cũng đã tìm cách mở rộng phạm vi tiếp cận hàng hải của mình thông qua các phương tiện truyền thống hơn. Ví dụ, chính phủ đã mở rộng lực lượng hải quân của họ nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác, với ít nhất ba đội tàu hải quân được cho là đang được xây dựng, đồng thời điều động ít nhất một chục tàu nghiên cứu tiên tiến có triển vọng về khoáng sản, dầu mỏ và các tài nguyên thiên nhiên khác.
Nhưng sự hiện diện tích cực và phổ biến hơn trên toàn cầu là đội tàu đánh cá của Trung Quốc. Các tàu này thường được các nhà phân tích quân sự phương Tây coi là “lực lượng dân quân” tiên phong, hoạt động như “một lực lượng không chuyên, không chính quy, không được đào tạo bài bản và nằm ngoài khuôn khổ của luật hàng hải quốc tế, các quy tắc quân sự, hoặc các cơ chế đa phương được thiết lập để ngăn chặn các sự cố mất an toàn trên biển”, như Greg Poling đã viết gần đây trên Foreign Policy.
Không nơi nào ở Biển Đông mà đội tàu đánh cá của Trung Quốc không có mặt… Ở Biển Đông, quần đảo Trường Sa đã thu hút nhiều sự chú ý nhất khi chính phủ Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm và bãi cạn ở vùng biển này, quân sự hóa chúng bằng các dải đường băng, bến cảng và các radar. Thuyền đánh cá Trung Quốc tăng cường các nỗ lực làm tràn ngập khu vực, tụ tập và uy hiếp đối thủ cạnh tranh tiềm năng, như họ đã làm vào năm 2018, đột nhiên cử hơn 90 tàu đánh cá thả neo trong vòng vài dặm của đảo Thị Tứ ngay sau khi chính phủ Philippines đã bắt đầu nâng cấp khiêm tốn về cơ sở hạ tầng của đảo.
Để biện minh cho các quyền của mình đối với khu vực, Bắc Kinh thường đưa ra cái gọi là lập luận “đường chín đoạn”, bao trọn hầu hết Biển Đông. Hầu hết các học giả pháp lý và sử gia đều nói lập luận về đường chín đoạn không có cơ sở theo luật quốc tế và nó được cho là không hợp lệ trong phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016.
Các cuộc đụng độ về ngư trường liên quan đến Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Biển Đông. Nhật Bản và Trung Quốc đang có xung đột về quần đảo Senkaku, được gọi bằng tiếng Trung Quốc là quần đảo Điếu Ngư. Tàu Cảnh sát biển Argentina cũng đã bắn cảnh cáo ngăn chặn một tàu Trung Quốc chạy thoát ra vùng biển quốc tế vào tháng 3/2016. Khi tàu Trung Quốc, Lu Yan Yuan Yu, đáp trả bằng cách cố gắng đâm tàu ​​Argentina, tàu Cảnh sát biển đã lật úp tàu cá. Một số thuyền viên Trung Quốc đã trốn thoát. bơi ra phía các tàu Trung Quốc khác, trong khi những người khác được Cảnh sát biển vớt lên.
Từ vùng biển của Triều Tiên tới Mexico hay Indonesia, các cuộc xâm nhập của tàu đánh cá Trung Quốc ngày càng trở nên thường xuyên hơn, trơ trẽn và hung hãn hơn. Khó có thể tưởng tượng nổi để hình dung một cuộc đụng độ dân sự lại có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc xung đột quân sự lớn hơn. Các cuộc đối đầu cũng làm dấy lên lo ngại nhân đạo về việc ngư dân trở thành thứ tài sản thế chấp và các câu hỏi về môi trường về các chính sách của chính phủ đang đẩy nhanh sự suy giảm đại dương. Nhưng trên hết, tham vọng trên biển của Trung Quốc làm nổi bật một lần nữa rằng, cái giá thực sự của hải sản hiếm khi xuất hiện trên thực đơn.
Theo Dự án Đại dương Ngoài vòng pháp luật và Yale Environment 360
Hương Thảo biên dịch

Covid-19 : Hơn 1.000 người chết tại Ấn Độ

trong 24 giờ qua

Trọng Thành
Ấn Độ tiếp tục là tâm dịch của thế giới, với tổng cộng gần 5 triệu người dương tính với virus gây bệnh Covid-19, và hơn 1.000 người thiệt mạng, trong 24 giờ.
Ấn Độ là quốc gia gánh chịu tổn thất nhiều nhất về nhân mạng, trong ngày thứ Hai, 14/09, với 1.054 người chết. Hoa Kỳ đứng hàng thứ hai, với 410 người, tiếp theo đó là Brazil, 381 người. Tổng cộng trong ngày hôm qua, toàn thế giới có 4.433 người chết do Covid-19.
Tốc độ lây lan của dịch bệnh có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, trên toàn thế giới, chỉ riêng trong ngày Chủ Nhật 13/05/2020, số người dương tính với virus đạt mức kỉ lục, với 308.000 ca. Tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, thừa nhận đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài.
Tình hình càng đáng lo ngại hơn, bởi theo các chuyên gia, số lượng ca dương tính với virus chỉ là phần nổi của tảng băng. Nhiều quốc gia chỉ có điều kiện xét nghiệm đối với những người có triệu chứng rõ rệt. Đa số các quốc gia nghèo không có điều kiện xét nghiệm đại trà. Tính cho đến nay, tổng cộng trên toàn thế giới có hơn 29 triệu người dương tính với virus.
Khắp nơi trên thế giới, từ Pháp đến Canada, hay Anh quốc, chính quyền gia tăng biện pháp đối phó với nguy cơ dịch bệnh bùng phát lần thứ hai. Nhiều thành phố lớn ở Pháp, như Marseille, Bordeaux, kể từ hôm qua, 14/09, ban hành lệnh cấm tổ chức các cuộc tụ hợp hơn 10 người, các hội hè của sinh viên, hay các cuộc dã ngoại của học sinh phổ thông. Thành phố Birmingham, đông dân thứ hai tại Anh, kể từ hôm nay cấm tất cả các cuộc tụ họp bạn bè. Từ hôm qua, chính quyền Anh ban hành lệnh cấm các cuộc gặp mặt trên 6 người tham gia (thuộc nhiều gia đình khác nhau) trên toàn quốc.
Tại Trung Quốc, chính quyền phong tỏa một thành phố khoảng 100.000 dân ở tỉnh Vân Nam, sát biên giới với Miến Điện, sau khi phát hiện ba trường hợp dương tính với virus.

Ấn Độ đã tăng gấp đôi ngân sách phát triển hạ tầng

gần đường biên với Trung Quốc

Lục Du
Hôm thứ Ba (15/9), Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho biết, New Delhi đã tăng gấp đôi ngân sách cho các con đường và cây cầu quan trọng dọc theo biên giới với Trung Quốc để đáp lại việc Bắc Kinh không ngừng phát triển cơ sở hạ tầng ở bên kia đường giới tuyến.
Bắc Kinh nói rằng một trong những lý do chính khiến tình hình biên giới Trung-Ấn trở nên căng thẳng là do Ấn Độ gia tăng các hoạt động xây dựng đường xá và sân bay gần đường biên giới ở khu vực Ladakh giáp với Tây Tạng.
Trong khi đó ông Rajnath Singh nói với Quốc hội Ấn Độ rằng Trung Quốc đã xây dựng cơ sở hạ tầng ở những vùng núi hẻo lánh giáp biên giới trong nhiều thập kỷ và chính phủ đang cố gắng thu hẹp khoảng cách với đối phương.
“Chính phủ của chúng ta cũng đã tăng ngân sách cho phát triển cơ sở hạ tầng biên giới lên khoảng gấp đôi so với mức trước đây. Do đó, nhiều đường và cầu đã được hoàn thành ở khu vực biên giới”, ông Singh nói, tuy nhiên không cung cấp số liệu cụ thể.
Ông Singh cho biết quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã từng đối đầu ở biên giới trong quá khứ, nhưng quy mô triển khai quân và số lượng các khu vực tranh chấp hiện nay đã nhiều hơn so với trước đây.
“Tính đến thời điểm hiện tại, phía Trung Quốc đã huy động một số lượng lớn quân đội và vũ khí dọc theo LAC [đường biên thực tế] cũng như ở các khu vực hẻo lánh”, ông Singh cho biết thêm.
“Để đối phó với các hành động của Trung Quốc, các lực lượng vũ trang của chúng tôi cũng đã triển khai lực lượng tương thích ở những khu vực này để đảm bảo rằng các lợi ích an ninh của Ấn Độ được bảo vệ đầy đủ”, ông Singh nói trước nghị trường.
Theo Reuters

Đối phó uy hiếp từ Trung Quốc,

Ấn Độ nghiên cứu vũ khí laze công nghệ cao

Tâm Thanh
Thuận theo tình hình biên giới Trung – Ấn tiếp tục leo thang kể từ hồi tháng 5 năm nay, tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ đang đẩy nhanh việc nghiên cứu và phát triển vũ khí laser.
Theo Times of India (Ấn Độ Thời Báo), “Quan điểm kỹ thuật và vũ khí năng lực” do Bộ Quốc phòng Ấn Độ công bố gần đây đã xác định vũ khí năng lượng định hướng và vũ khí chống vệ tinh là lĩnh vực nghiên cứu và phát triển quan trọng trong 15 năm tới.
Chủ tịch tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO), ông V. K. Saraswat cũng đã liệt kê vũ khí năng lượng định hướng, an ninh không gian, an ninh mạng và máy bay siêu thanh là trọng tâm nghiên cứu và phát triển trong thời gian tới.
Anil Kumar Maini, giám đốc trung tâm công nghệ laser của tổ chức cho biết: Laser là xu hướng vũ khí trong tương lai. Nhiệm vụ hiện tại của trung tâm Công nghệ Laser là phát triển vũ khí năng lượng định hướng cho lực lượng quân đội Ấn Độ, chẳng hạn như sử dụng chùm tia laser để bắn hạ tên lửa đang bay tới.
Theo báo cáo, mục tiêu cuối cùng của trung tâm Công nghệ Laser là phát triển vũ khí dựa trên công nghệ laser để triển khai trên biển và trên không. Loại vũ khí này cho phép Ấn Độ tiêu diệt ngay lập tức các mối đe dọa (các tên lửa bên ngoài xâm lược).
Hiện tại, trung tâm Công nghệ Laser đang phát triển vũ khí laser có công suất 25 kilowatt, có thể bắn hạ tên lửa ở cách Ấn Độ từ 5 đến 7 km.
Theo kế hoạch phát triển của Ấn Độ, ước tính sẽ mất 2 năm để phát triển vũ khí laser chống lại máy bay và trực thăng của đối thủ trong phạm vi 10 km. Mất hơn 5 năm để phát triển vũ khí laser 25 kilowatt để tiêu diệt một tên lửa đang bay đến cách Ấn Độ từ 5 đến 7 km. Phải mất 10 năm để phát triển một hệ thống vũ khí laser thể rắn có công suất ít nhất 100 kilowatt có thể gắn trên máy bay và tàu thủy.
Xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ nổ ra vào hồi tháng 6 khiến Ấn Độ đẩy nhanh việc mua sắm vũ khí trang bị. Ấn Độ đã phê chuẩn mua 33 máy bay chiến đấu của Nga, đồng thời nâng cấp 59 máy bay khác vào hồi tháng 7.
Ngoài ra, hồi tháng 8, Ấn Độ cũng tuyên bố trong vòng 4 năm tới sẽ từng bước cấm nhập khẩu 101 loại vũ khí trang bị cho quân đội nhằm giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào vũ khí nước ngoài và thực hiện mục tiêu “Tự chủ quốc phòng”.
Danh sách cấm nhập khẩu bao gồm: Đại pháo, tên lửa đất đối không tầm ngắn, bệ phóng tên lửa, radar, thiết bị mô phỏng huấn luyện và quần áo bảo hộ, …
Ngày 9/8, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, ông Rajnath Singh cho biết: Đây sẽ là một bước tiến lớn nhằm đạt được khả năng tự cung tự cấp trong quốc phòng của Ấn Độ và ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ có thể chế tạo vũ khí để đáp ứng nhu cầu của quân đội”.
Theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) của Thụy Điển, từ năm 2015 đến năm 2019, Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai, chỉ đứng sau Ả Rập Xê Út (Saudi Arabia).
Theo Vân Thiên, Sound of Hope
Tâm Thanh biên dịch

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?