Chúng ta có gì để không xấu hổ?


Kỳ Duyên

China1

 Ngày 20/1 mới đây, một sự kiện làm rưng rưng lòng người: Tp Đà Nẵng tổ chức Công bố hàng trăm bản đồ cổ về Hoàng Sa (VietNamNet, ngày 20/1), trong đó, gồm cả bản đồ cổ các nước phương Tây đã vẽ, kể cả Trung Quốc họa đồ, đều khẳng định Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam… Đó là những tư liệu rất quý khẳng định những cơ sở pháp lý của VN về vấn đề này.

Đó còn là một hiện thực chủ quyền bất di bất dịch hàng bao đời nay của VN.

Năm nay, cũng tròn 39 năm, Hoàng Sa đau thương và mất mát. Khi ngày 19/1/ 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm phi pháp toàn bộ quần đảo này.

Nhưng lịch sử đất nước sẽ tạc mãi trong tâm khảm, những người lính Việt đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo. Họ đã ngã xuống trong mưa đạn, trong nỗi đau khôn cùng trước chủ quyền biển đảo bị mất.

14 năm sau, lịch sử lại lặp lại ở cuộc chiến bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa, năm 1988. Giữa những người lính Việt của ba tàu vận tải HQ- 604, HQ- 605, HQ-505, với lính TQ tại các đảo Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin, những hòn đảo phía tây nam cụm đảo Sinh Tồn.

Cuộc chiến không cân sức lại tiếp tục nổ ra. Chúng ta giữ được đảo Cô Lin. Nhưng 64 người lính Việt đã ngã xuống trong chiến trận này. Đau đớn hơn, trong đó, chỉ còn tìm được hài cốt của vài người.

Dù khác nhau chiến tuyến, ý thức hệ, nhưng cuộc chiến đẫm máu và không cân sức ở Hoàng Sa- Trường Sa là minh chứng thiêng liêng- lòng yêu nước Việt của những con dân Việt, là duy nhất. Họ – những người lính Việt đã yên lặng vĩnh viễn trong sự thét gào mãi mãi của Biển Đông, những đêm giông gió, những ngày gió bão.

Vị mặn của nước Biển Đông gần 40 năm nay mặn đắng hơn. Vị mặn của muối, của máu và của nước mắt.

Khi đọc lại các tài liệu, bài báo để hiểu thêm cuộc chiến, người viết bài đã không sao cầm được nước mắt. Viết trong nỗi đau nghẹn…

Biển Đông – nguồn tài nguyên và vị trí chiến lược, mang trong lòng nó, cả phúc – họa liền kề với rất nhiều quốc gia. Bởi thế giới này, vẫn luôn tồn tại cụm từ lòng tham khiến con người ta tối mắt.

Dù vậy có phải lúc nào lòng tham của kẻ mạnh cũng chế ngự được tất cả?

Như Philippines chẳng hạn. Đất nước nhỏ hơn TQ rất nhiều về diện tích và số dân số (diện tích 300.000 km2, 92 triệu dân), vừa tuyên bố sẽ thách thức yêu sách chủ quyền của TQ ở Biển Đông tại tòa án quốc tế về Luật Biển (1982) mà cả hai nước đều là thành viên.

Ngay sau đó, Philippines chính thức bổ nhiệm Thẩm phán Rudiger Wolfrum, một chuyên gia luật quốc tế của Đức tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển làm thành viên đại diện cho Philippines tại tổ trọng tài. Luật sư Francis Jardeleza được lựa chọn phụ trách tư vấn cho Philippines để tiến hành các thủ tục tố tụng. Dân gian có câu Hành động đi liền với lời nói, là vậy!




Nhiều bạn trẻ đến triển lãm các tư liệu mới nhất liên quan đến chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Đăng Nam/ TTO


Được biết, ngày 22/1, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki- moon đã lên tiếng, cho biết luôn sẵn sàng cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật chuyên nghiệp cho việc giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Không biết, nguyên đơn, hay…bị đơn sẽ thắng ở vụ tranh chấp thế kỷ này? Nhưng nó cho thấy khí phách và sự khôn ngoan của một quốc gia!

Bởi theo các chuyên gia nghiên cứu, như ông Nguyễn Đăng Thắng (Khoa Luật Quốc tế của Học viện Ngoại giao): Philippines muốn lợi dụng việc kiện này để buộc TQ làm rõ hoặc giải thích “nội hàm” của mình ở Biển Đông, một điều mà họ đã không làm được thông qua đàm phán ngoại giao.

Còn một luật sư người Mỹ nhận xét: Trong những trường hợp thế này, đạt được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế có thể còn giá trị hơn nhiều so với kết quả pháp lý.

Trả lời báo chí, trước việc Philippines khởi kiện, đưa TQ ra tòa vì tranh chấp biển, theo ông Nguyễn Duy Chiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Bộ Ngoại giao: Các quốc gia hoàn toàn có quyền lựa chọn các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp phù hợp với Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982.

Một thông tin mới nhất của Nhật Bản cũng rất đáng chú ý. Nước này vừa tìm ra một tài liệu hồi đầu thế kỷ 17 cho thấy TQ hoàn toàn không kiểm soát quần đảo Senkaku (Điếu Ngư). Phó GS Nozomu Ishii (ĐH Nagasaki Junshin): Tài liệu lịch sử chứng minh rằng tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku là đúng về mặt lịch sử.

Ông Natsuo Yamaguchi, Chủ tịch Đảng New Komeito, trước khi lên đường sang Bắc Kinh, vẫn khẳng định, Tokyo không có kế hoạch thỏa hiệp với TQ về vấn đề quần đảo Senkaku mà nước này đang kiểm soát.

Cũng về vấn đề chủ quyền biển đảo, sau thông tin Cục Đo vẽ bản đồ quốc gia TQ dự kiến cho phát hành “Bản đồ toàn quốc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, “Bản đồ địa hình TQ”, trong đó vẽ yêu sách “đường lưỡi bò”, các đảo, đá, bãi ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN, ông Nguyễn Duy Chiến khẳng định:

Mọi bản đồ thể hiện thông tin sai lệch về chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN ở Biển Đông là phi pháp và vô giá trị.





Bản đồ Hải chiến Hoàng Sa 1974. Các chiến hạm VNCH (ảnh nhỏ) – Đồ họa: Hồng Sơn


Trước đó, trả lời phỏng vấn của TTXVN ngày 21/, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc lại: VN đã tuyên bố và khẳng định rất rõ ràng lập trường của mình, tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Luật Biển 1982.

Chủ quyền biển đảo, chủ quyền đất nước luôn là lửa thử vàng, với chí khí, sự can trường và lòng yêu nước Việt của mọi con dân, từ người lãnh đạo cao cấp đến thường dân.

Những người lính Việt năm xưa, những người lính Việt mới đây đã vĩnh viễn nằm dưới biển sâu, những ngôi mộ gió của những ngư dân, vì nghiệp nước, mãi đi không về, đã chứng minh tấm lòng, bản lĩnh vàng mười của họ.

Còn chúng ta, những người đang sống, chúng ta có gì để không xấu hổ? Khi nhìn thấy ngọn lửa- chủ quyền biển đảo, chủ quyền đất nước, cháy khôn nguôi…

Theo VNN, rút từ Hoàng Sa và ” âm binh“

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?