Chiến đấu cơ Trung Quốc tuần tiễu vùng phòng không

Tiêm kích J-10 của Trung Quốc cất cánh từ căn cứ không quân ở ngoại ô Thiên Tân (ảnh chụp 13/04/2010)

Tiêm kích J-10 của Trung Quốc cất cánh từ căn cứ không quân ở ngoại ô Thiên Tân (ảnh chụp 13/04/2010)
REUTERS

Thụy My
Tân Hoa Xã hôm nay 29/11/2013 loan báo, chính quyền Trung Quốc hôm qua đã gởi nhiều phi cơ tiêm kích và một phi cơ do thám bay vào « vùng nhận dạng phòng không » (ZAI) do Bắc Kinh đơn phương lập ra tại biển Hoa Đông.


Cũng trong hôm qua, Nhật Bản và Hàn Quốc đều cho phi cơ chiến đấu bay vào vùng này. Trước đó hôm thứ Ba 26/11, Hoa Kỳ cũng đã điều hai pháo đài bay B-52 bay qua, như một dấu hiệu chứng tỏ sự ủng hộ đồng minh Nhật Bản. Tất cả các máy bay chiến đấu trên đều không báo cho Bắc Kinh trước khi bay vào « vùng nhận dạng phòng không ».
Cuối tuần trước, Trung Quốc đã thông báo là các phi cơ ngoại quốc bay vào vùng nhận dạng phòng không do Bắc Kinh tự ý quy định, kể cả các máy bay dân dụng, phải báo trước cho chính quyền Trung Quốc. Vùng phòng không này bao phủ cả khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo quản lý nhưng Bắc Kinh yêu sách chủ quyền.
Ông Trầm Kim Khoa (Shen Jinke), phát ngôn viên Không quân Trung Quốc tuyên bố, nhiệm vụ của phi đội tuần tiễu được gởi đi hôm qua là « một biện pháp phòng vệ, phù hợp với thực tiễn quốc tế hiện nay ». Theo ông, các máy bay tiêm kích trong đó có những chiếc Sukhoi-30 do Nga sản xuất thực hiện việc tuần tiễu thường lệ và giám sát các « mục tiêu » trong vùng nhận dạng phòng không.
Trầm Kim Khoa tuyên bố : « Không quân Trung Quốc đang được đặt trong tình trạng báo động, và sẽ sử dụng các biện pháp để đối phó với các mối đe dọa trên không khác nhau, nhằm đảm bảo chắc chắn sự an toàn của không phận đất nước ».
Tuy vậy, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Dương Vũ Quân (Yang Yujun) lại tỏ thái độ ôn hòa hơn, nói rằng sẽ « không đúng đắn » nếu cho là Trung Quốc sẽ bắn hạ các phi cơ bay vào vùng nhận dạng phòng không mà không báo cáo.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm nay tuyên bố là không biết có các phi cơ Trung Quốc trong vùng nhận dạng phòng không này hay không, nhưng Nhật vẫn duy trì cảnh giác. Hai công ty hàng không chính của Nhật là ANA và Japan Airlines kể từ hôm thứ Tư đã không còn thông báo cho chính quyền Bắc Kinh khi bay qua vùng này.
Quan hệ Nhật-Trung đã trở nên căng thẳng từ hon một năm qua vì vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hoa Kỳ tuyên bố không đứng về phía nào, nhưng công nhận việc Tokyo đang quản lý hành chính, và bảo đảm rằng hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật cũng liên quan đến quần đảo này.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần tới sẽ đến thăm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhân chuyến công du, ông Biden sẽ cố gắng làm hòa dịu bớt tình hình cuộc khủng hoảng mới này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?