Người biểu tình cúp điện trụ sở cảnh sát Thái Lan

Hàng ngàn người biểu tình phong tỏa các trục lộ thủ đô Bangkok 28/11/2013 - REUTERS/Damir Sagolj

Hàng ngàn người biểu tình phong tỏa các trục lộ thủ đô Bangkok 28/11/2013 - REUTERS/Damir Sagolj

Trọng Nghĩa
Hàng ngàn người biểu tình đòi hỏi chính phủ Thái Lan hiện tạitừ chức vào hôm nay 28/11/2013, đã sáng tạo ra một cách đấu tranh mới. Họ đã cúp nguồn điện cung cấp cho trụ sở ngành cảnh sát ngay tại Bangkok. Họ đồng thời bác bỏ lời kêu gọi đàm phán của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.


Phát biểu với AFP, Prawut Thavornsiri, một quan chức lãnh đạo ngành cảnh sát xác nhận : « Chúng tôi phải cho chạy máy phát điện ». Bên ngoài, có khoảng một ngàn người phong tỏa con đường chính dãn vào tổng hành dinh của cảnh sát Thái Lan.
Hành động có thể gọi là « phá hoại » kể trên của những người chống chính phủ được tiến hành vào lúc nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra lên đài truyền hình kêu gọi những người biểu tình mở đàm phán với chính quyền. Bà nói : « Tôi đề nghị những người biểu tình đình chỉ phong trào phản đối, rời khỏi các dinh thự của chính phủ… để tìm ra một giải pháp ».
Lời kêu gọi của bà Yingluck đã không được lắng nghe. Akanat Promphan, một phát ngôn viên của những người biểu tình xác định : « Chúng ta không thể tin vào lời của bà ta ». Theo AFP, những người chống chính phủ hoàn toàn không có ý định rời khỏi những nơi họ đang chiếm đóng, chủ yếu là trụ sở Bộ Tài chánh, và một khu phức hợp gồm nhiều cơ quan, trong đó có Bộ Tư pháp.
Phong trào biểu tình đã bùng lên sau khi Quốc hội trong tay đảng cầm quyền đã thông qua một dự thảo luật ân xá bị những người chống đối cho là nhằm mở đường cho người anh của bà Yingluck là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra hồi hương. Bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006, phải trốn đi lưu vong, nhưng ông Thaksin vẫn được cho là nhân vật trung tâm trong đời sống chính trị của vương quốc Thái Lan.
Cho dù dự luật đã bị Thượng viện Thái Lan bác bỏ, nhưng những người biểu tình đã không đình chỉ phong trào đấu tranh và chuyển sang yêu cầu người đứng đầu chính phủ là bà Yingluck – bị họ coi là một con rối của người anh – phải từ chức. Họ cũng đòi phá hủy cái gọi là « hệ thống Thaksin », bị người biểu tình đồng hóa với nạn tham nhũng tràn lan.
Những lời tố cáo trên đây đã được đảng Dân chủ đối lập lấy lại trong bản kiến nghị bất tín nhiệm Thủ tướng chính phủ, được Quốc hội Thái Lan bỏ phiếu vào hôm nay. Đúng như dự liệu bà Yingluck đã thoát khỏi kiến nghị này một cách dễ dàng vì đảng Puea Thai của bà chiếm ưu thế tuyệt đối tại Quốc hội.
Sau nhiều tuần lễ, phong trào biểu tình chưa thấy có dấu hiệu xì hơi. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, phong trào này sắp tới đây có thể tạm lắng vì gần đến ngày 05/12 là sinh nhật vua Bhumibol, một sự kiện rất quan trọng ở Thái Lan, nơi nhà vua rất được tôn kính.
Từ nay đến đó, nhiều người vẫn lo ngại trước nguy cơ bạo động bùng lên, tại một thủ đô quen thuộc với bạo lực chính trị trong những năm gần đây.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện