Thủ tướng Yingluck qua ải bất tín nhiệm

Cập nhật: 05:46 GMT - thứ năm, 28 tháng 11, 2013



Yingluck
Thủ tướng Yingluck tỏ vẻ tự tin khi đến phiên họp Quốc hội sáng 28/11
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện vào sáng thứ Năm ngày 28/11.
Theo kết quả bỏ phiếu được chủ tịch Hạ viện công bố thì trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này có 134 phiếu thuận, 297 phiếu chống và 7 phiếu trắng.

Cuộc bỏ phiếu này diễn ra theo đề xuất của Đảng Dân chủ đối lập, nhưng Đảng Pheu Thái của bà Yingluck hiện đang kiểm soát Hạ viện đã bỏ phiếu chống đề xuất này.
Hiện chưa rõ những người biểu tình sẽ làm gì tiếp theo, phóng viên BBC Jonathan Head ở Bangkok cho biết.
Cho đến nay họ chỉ mới thành công trong việc làm gián đoạn hoạt động của các cơ quan chính phủ và chính quyền Thái Lan cũng rất thận trọng đối phó với họ.
Đến nay chính phủ vẫn không sử dụng vũ lực đối với người biểu tình.

'Sẽ không có đảo chính'

Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan nói với BBC rằng ông không tin sẽ có đảo chính trong lúc các cuộc biểu tình chống chính phủ bước sang ngày thứ năm.
Ông Chaturon Chaiseng mô tả tình hình hiện này là 'khá nghiêm trọng' và gọi mục tiêu đòi lật đổ chính phủ của những người biểu tình là 'vi hiến'.
Tuy nhiên, ông cũng nói "cho đến nay", quân đội vẫn chưa có dấu hiệu ủng hộ những người biểu tình, một yếu tố cần thiết để xảy ra đảo chính.
Những người biểu tình vẫn tỏ ra rất quyết tâm
Cục phòng chống tội phạm của nước này đã buộc phải sơ tán vào thứ Tư ngày 27/11.
Những người biểu tình muốn chính phủ giải thể đã nhắm vào trụ sở các cơ quan chính phủ ở ngoài rìa thành phố.
Thủ lĩnh biểu tình nói họ muốn đóng cửa các bộ để gián đoạn hoạt động của chính phủ.
Họ cáo buộc chính phủ hiện nay bị ông Thaksin Shinawatra, anh trai của thủ tướng Yingluck, thao túng.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nói ông quan ngại về "căng thẳng chính trị leo thang" ở thủ đô Thái Lan.
"Tổng Thư ký kêu gọi các bên hết sức kiềm chế, tránh sử dụng bạo lực và tuyệt đối tôn trọng pháp trị và quyền con người," phát ngôn viên của ông nói.

'Cân bằng'

Ông Chaturon Chaiseng thừa nhận trong cuộc phỏng vấn với BBC rằng chính phủ cần "lấy lại lòng tin của người dân".
Tuy nhiên ông cũng nói: "Việc một số người không tin vào chính phủ hoặc liên minh cầm quyền nữa không có nghĩa là họ có thể lật đổ chính phủ hoặc thay đổi chế độ."

"Chúng tôi cần phải cho mọi người thấy rõ rằng bất cứ ai là thủ tướng cũng phải cho thấy mình làm việc độc lập và tự ra quyết định."
Ông Chaturon, cựu phó Thủ tướng Thái Lan
Khi được hỏi về Thaksin Shinawatra, vị cựu thủ tướng gây nhiều tranh cãi, ông Chaturon nói Đảng Pheu Thai đang trong tình thế khó xử.
"Đảng cần tìm sự cân bằng trên vấn đề này," ông Chaturon, cựu phó thủ tướng và là một cựu lãnh đạo đảng của ông Thakskin Shinawatra, nói.
"Chúng tôi cần phải cho mọi người thấy rõ rằng bất cứ ai là thủ tướng cũng phải cho thấy mình làm việc độc lập và tự ra quyết định."
Ông nói thủ tướng hiện nay, bà Yingluck Shinawatra, đang "hết sức cố gắng để chứng minh bà không lệ thuộc vào anh trai."
Mặc dù cho rằng khó có khả năng xảy ra đảo chính, ông cũng nói "theo kinh nghiệm của tôi, đảo chính có thể xảy ra bất cứ lúc nào."

Chống đối quyết liệt

Những người xuống đường biểu tình ngày 27/11 tỏ ra khá thân thiện. Họ và cảnh sát đứng đối mặt nhau trên các con đường, phóng viên BBC Lucy Williamson tường thuật từ Bangkok.
Vào buổi chiều, hàng trăm người đã bao vây trụ sở Sở Điều tra Đặc biệt của Thái Lan, cơ quan tương tự như FBI của Hoa Kỳ. Người đứng đầu cơ quan này bị cáo buộc là đã tiến hành những cuộc điều tra thiên lệch nhằm vào những người chống chính phủ.
Bà Yingluck tuyên bố sẽ không từ chức hoặc giải tán Quốc hội
Các cuộc biểu tình bắt đầu hôm Chủ Nhật ngày 24/11 và cho đến nay đã nhằm vào trụ sở các Bộ Tài chính, Ngoại giao, Nội vụ và một số cơ quan chính phủ khác. Tuy nhiên chính phủ cho biết họ vẫn đang hoạt động bình thường.
Lãnh đạo cuộc biểu tình là ông Suthep Thaugsuban, cựu nghị sỹ thuộc Đảng Dân chủ đối lập. Hiện đã có trát bắt giữ ông này nhưng cảnh sát vẫn chưa động đến ông.
Bà Yingluck, người hồi thứ Hai, 25/11, đã sử dụng quyền đặc biệt để cho phép các quan chức ban hành lệnh giới nghiêm. Tuy nhiên bà cũng nói chính quyền sẽ không dùng vũ lực đối với người biểu tình.
Đây là lần biểu tình lớn nhất tại Thái Lan kể từ vụ bạo lực hồi đầu năm 2010, khi những ủng hộ viên của ông Thaksin làm tê liệt những khu vực chính của Bangkok.
Hơn 90 người, hầu hết là những người biểu tình, đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài hai tháng.
Sau lần đó, Đảng Pheu Thai và bà Yingluck được bầu lên lãnh đạo chính phủ, chủ yếu nhờ lá phiếu của những cử tri ở nông thôn, vốn được hưởng lợi từ các chính sách của ông Thaksin.
Tuy nhiên dân thành thị và tầng lớp trung lưu lại chống đối ông một cách quyết liệt.
Họ cho rằng ông vẫn đang kiểm soát chính phủ mặc dù đang sống lưu vong.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?