'Thái Lan sẽ không tổ chức bầu cử sớm'

Cập nhật: 07:22 GMT - thứ sáu, 29 tháng 11, 2013




Yingluck Shinawatra, thủ tướng Thái Lan
Trong phỏng vấn riêng với BBC, bà Yingluck Shinawatra nói tình hình ở Thái Lan chưa 'phù hợp' để thực hiện bầu cử.

Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.
Thủ tướng Yingluck Sinawatra nói với BBC sẽ không có bầu cử sớm để chấm dứt biểu tình chống chính phủ trong ngày biểu tình thứ sáu liên tục.
Trả lời phóng viên Đông Nam Á của BBC là Jonathan Head tại Bangkok, bà nói lý do không tổ chức bầu cử sớm là vì điều bà mô tả là "Do tình hình hiện nay thôi.

"Nếu chúng tôi thực hiện bầu cử, chúng tôi phải hỏi xem liệu những người biểu tình có thỏa mãn với điều đó hay không."
Thủ tướng Thái Lan nói rằng "Tình hình hiện nay rất nhạy cảm. Điều này không có nghĩa là chính phủ đang lùi bước mà tôi nghĩ là chúng tôi vẫn giữ được vị trí và quan điểm của mình.
"Hãy để cảnh sát tiến từng bước một, bước đầu tiên là đàm phán, thỏa thuận. Nếu bước đàm phán không thành, chúng tôi sẽ thực hiện các bước tiếp theo, từng bước một. Cứ để mọi người hoạt động và hãy kiên nhẫn với tình thế".
"Tôi yêu đất nước này và dành trọn cả đời mình cho đất nước. Và điều duy nhất cần làm cho đất nước là phải bảo vệ dân chủ. Chúng ta cần bảo vệ đất nước bằng những điều đúng đắn, đây là cách chúng ta nên thực hiện.
"Nên dù chuyện gì xảy ra đi nữa chúng tôi cũng sẽ giữ nền dân chủ, giữ cách làm hòa bình, tuân thủ luật pháp, và đó mới là câu trả lời".
Trong ngày biểu tình thứ sáu, người biểu tình chống chính phủ tràn vào bên trong đại bản doanh của Quân đội Hoàng gia Thái Lan nhưng sau đó đã rút đi.
"Tôi yêu đất nước này và dành trọn cả đời mình cho đất nước. Và điều duy nhất cần làm cho đất nước là phải bảo vệ dân chủ"
Thủ tướng Yingluck Sinawatra
Nhiều người khác vây quanh trụ sở chính của đảng cầm quyền trong nỗ lực đòi chính phủ từ chức.
Hôm thứ Năm 28/11, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã kêu gọi người biểu tình chấm dứt tuần hành. Bà Yingluck cũng vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội.
Thế nhưng thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đã bác bỏ lời kêu gọi của bà.
Cựu dân biểu cao cấp thuộc phe đối lập tuyên bố: "Chúng ta sẽ không cho họ hoạt động nữa".
Một người phát ngôn của quân đội được hãng tin Agence-France Presse dẫn lời nói rằng tại đại bản doanh của quân đội ở Bangkok, "người biểu tình đã giật toang cổng vào và hiện đã ở bên trong".
Tuy nhiên bà này nói người đứng đầu quân đội không có mặt trong văn phòng vào thời điểm đó.
An ninh đang được tăng cường xung quanh trụ sở chính của đảng cầm quyền Pheu Thai.
Phó cảnh sát trưởng Thái Lan Worapong Siewpreecha nói với hãng AFP: "Chúng tôi đang điều hai đội cảnh sát [khoảng 300 nhân viên] canh gác tại trụ sở của Pheu Thai sau khi họ yêu cầu bảo vệ".

'Không phải trò đùa'

Biểu tình Bangkok 'có thể sắp giải tán'
Biểu tình ở Bangkok
Nguyễn Lễ của BBC Tiếng Việt phân tích về cuộc biểu tình đòi lật đổ chính phủ kéo dài nhiều ngày ở Bangkok.

Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.
Người biểu tình đã bao vây và chiếm một số cơ quan nhà nước trong một thời gian ngắn vào tuần này nhằm làm gián đoạn hoạt động của chính phủ.
Trong các cuộc biểu tình, mà cho tới nay nói chung vẫn hòa bình, người tham gia đã cắt điện tới trụ sở cảnh sát và buộc nhân viên cơ quan chống tội phạm Thái Lan phải đi sơ tán.
Người biểu tình cáo buộc chính phủ của bà Yingluck bị anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin, người hiện đang lưu vong, giật dây ở đằng sau.
Bà Yingluck đã đưa ra các luật đặc biệt cho phép giới nghiêm và phong tỏa đường xá, cảnh sát cũng đã ra trát bắt ông Suthep nhưng chưa bắt giữ ông.
Trong một phát biểu được truyền hình hôm thứ Năm, bà Yingluck nói người biểu tình cần đàm phán với chính phủ.
"Chính phủ không muốn tham gia các trò chơi chính trị vì chúng tôi cho rằng điều này sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế".
Khoảng 100.000 người ủng hộ cho đối lập đã tham gia biểu tình ở Bangkok hôm Chủ nhật tuần rồi, tuy con số người tuần hành giữa tuần giảm đi đáng kể.
Số người này được trông đợi sẽ tăng lên vào cuối tuần.
Đây là đợt biểu tình lớn nhất ở Thái Lan kể từ năm 2010, khi hàng nghìn người thuộc phe áo đỏ ủng hộ ông Thaksin chiếm giữ một số khu vực trọng yếu của thủ đô. Hơn 90 người, chủ yếu là dân thường, thiệt mạng trong hai tháng diễn ra biểu tình ngồi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?