'Hiệp định Ukraine-EU là mối họa của Nga'

Cập nhật: 04:42 GMT - thứ tư, 27 tháng 11, 2013


Tổng thống Putin nói ông không gây sức ép với Tổng thống Ukraine

Hiệp định tự do thương mại giữa Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) sẽ là "mối nguy lớn" cho nền kinh tế của Nga, Tổng thống nước này Vladimir Putin nhận định.
Ông Putin nói hàng hóa châu Âu có thể tràn ngập thị trường Nga mà không bị đánh thuế do giữa Kiev và Moscow đã có chế độ mậu dịch tự do.

Kiev hồi tuần trước đã hoãn ký kết hiệp định này, khiến EU chỉ trích Moscow đã gây áp lực cho Ukraine.
Động thái này cũng đã châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình đông đảo ủng hộ châu Âu ở Ukraine. Tuy nhiên Tổng thống Ukraine nói ông muốn có một thỏa thuận tốt hơn trước khi ký kết.
"Ngay khi chúng ta đến được mức độ mà chúng ta thấy yên lòng, khi những lợi ích của chúng ta được đáp ứng, khi chúng ta đồng ý về các điều khoản, thì khi đó chúng ta sẽ bàn đến việc ký kết," Tổng thống Viktor Yanukovych phát biểu trên truyền hình Ukraine.
Những người biểu tình tuyên bố sẽ tiếp tục tập hợp cho đến ít nhất là đến ngày 29/11, ngày cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh EU ở Vilnius, Lithuania. Ukraine dự kiến sẽ ký kết hiệp định tự do thương mại và liên hiệp với EU trong hội nghị này.

'EU tống tiền'

Phát biểu khi đang công du đến Ý, Tổng thống Putin nói nền kinh tế của Nga sẽ thiệt hại nếu hàng hóa của châu Âu - được giới phân tích Nga cho là có chất lượng nhưng khá rẻ - được đưa vào thông qua ngõ Ukraine mà không bị đánh thuế.
Ông nói các ngành nông nghiệp, sản xuất ô-tô và hàng không của Nga sẽ bị ảnh hưởng và thất nghiệp sẽ tăng cao.
"Chúng tôi phải bóp nghẹt toàn bộ các khu vực của nền kinh tế mình để được họ yêu mến hay sao?"
Tổng thống Nga Vladimir Putin
"Chúng tôi chưa sẵn sàng mở cửa cho hàng hóa châu Âu," ông nói.
Ông kêu gọi giới chức châu Âu kiềm chế "những từ ngữ nặng nề" khi nói về vụ việc.
Ông gọi họ là "bạn của chúng tôi ở Brussels" và đặt câu hỏi: "Chúng tôi phải bóp nghẹt toàn bộ các khu vực của nền kinh tế mình để được họ yêu mến hay sao?"
Hôm thứ Hai ngày 25/11, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barosso nói họ phản đối mạnh mẽ "lập trường và hành động" của Nga.
Tuy nhiên ông Putin bác bỏ gây áp lực Ukraine, đồng thời cáo buộc EU đang 'tống tiền' để Ukraine phải ký các hiệp định này.

Đàm phán tay ba

Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov trước đó thừa nhận rằng Nga đã đề nghị hoãn ký kết hiệp định tiến hành một đàm phán tay ba giữa Kiev, Moscow và EU.
Ông nói Tổng thống Yanukovych vẫn sẽ đến Vilnius để bàn bạc về khả năng đàm phán ba bên và rằng đây là điều tốt nhất cho Ukraine.

Bà Yulia Tymoshenko 'tuyệt thực vô thời hạn' để ủng hộ những người biểu tình

"Chúng tôi hoàn toàn không muốn trở thành chiến trường giữa EU và Nga. Chúng tôi muốn có quan hệ tốt với cả hai," ông nói.
Ông cũng nói các cuộc đàm phán riêng lẻ với Nga nhằm khôi phục quan hệ kinh tế sẽ bắt đầu vào tháng tới và hiện vẫn chưa có thỏa thuận nào được chốt lại về các khoản hỗ trợ tài chính mới từ Kremlin.
Chính phủ Ukraine hồi thứ Năm hôm 21/11 đã cho hoãn các công việc chuẩn bị ký kết hiệp định với EU với quan ngại về tác động tiêu cực đối với giao thương với Nga và làm mất nhiều việc làm.
Kể từ đó, hàng chục nghìn người đã tham gia biểu tình tại các thành phố lớn của Ukraine.
Vào Chủ Nhật, hơn 100.000 người đã tập hợp ở thủ đô Kiev. Đây là lần thể hiện sự bất mãn của công chúng lớn nhất kể từ Cách mạng Cam hồi năm 2004, khi ông Yanukovych bị ra rìa và một chính phủ thân phương Tây lên nắm quyền.
Ông Yanukovych sau đó đã thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2010.
Các cuộc biểu tình đoàn kết với Ukraine cũng diễn ra ở thủ đô các nước châu Âu, Hoa Kỳ và Canada.
Những người biểu tình cáo buộc Tổng thống Yanukovych đã cúi đầu trước áp lực của Putin vốn muốn Kiev gia nhập Liên minh Thuế quan do Moscow đứng đầu và gồm cả Belarus và Kazakhstan.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?