Tin Việt Nam – 04/01/2017

Tin Việt Nam – 04/01/2017

Người có bằng đại học thất nghiệp tràn lan

Tỷ lệ lao động thất nghiệp có bằng cấp cao đẳng, đại học, trên đại học  tăng cao. Nhiều người đã phải tiếp tục đi học nghề, thậm chí làm công nhân.
ại sao lại có tình trạng nói trên và làm thế nào để khắc phục vấn đề đó? Các chuyên gia nói gì về tình trạng này?
Không đủ kỹ năng làm việc
Theo báo cáo mới nhất về tình hình thị trường lao động trong quý 3 năm 2016 của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, cả nước hiện có 1.117.700 người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 29.000 người so với quý 2/2016.
Đáng chú ý, tỷ lệ lao động thất nghiệp có bằng cấp tăng cao ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, trình độ Đại học và trên Đại học. Hiện tại đã có hơn 202.300 lao động có trình độ Đại học trở lên thất nghiệp chiếm 18,1%.
Theo báo Người lao động cho biết, hiện tượng có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, nhưng không đáp ứng đủ yêu cầu của nhà tuyển dụng đành phải chấp nhận ở nhà chờ việc, hoặc làm các công việc khác, thậm chí cá biệt còn có người phải chọn lao động tay chân để trang trải cuộc sống, đó là điều hết sức phổ biến. Cũng có những người bỏ bằng Đại học để đi học nghề với hy vọng để có việc làm.
Chị Thu, một người đã tốt nghiệp đại học hơn 10 năm nay, nhưng do không xin được việc làm đúng ngành học, hiện nay đang kinh doanh nhỏ tại Hà Nội cho biết:
Trước tôi nghĩ rằng mình học đại học có tấm bằng sẽ được hưởng mức lương cao hơn. Song khi tốt nghiệp thì mãi cũng chẳng tìm được việc làm phù hợp với tấm bằng mà mình học.
- Chị Thu, Hà Nội
“Trước tôi nghĩ rằng mình học đại học có tấm bằng sẽ được hưởng mức lương cao hơn. Song khi tốt nghiệp thì mãi cũng chẳng tìm được việc làm phù hợp với tấm bằng mà mình học. Chính vì thế mà tôi lựa chọn một nghề phổ thông khác phù hợp với khả năng của tôi.”
Một chuyên viên thuộc Viện Khoa học Lao động và Xã hội yêu cầu giấu danh tính thấy rằng, với một số lượng lớn những người tốt nghiệp đại học và cao đẳng là một sự lãng phí vô cùng lớn. Tiếc rằng, vấn đề này theo bà chưa được nhà nước quan tâm giải quyết. Bà cho biết:
“Khi mà họ đã tốt nghiệp đại học song lại đi làm các công việc phổ thông, mà không sử dụng đến năng lực đại học thì đơn giản nó cũng là vấn đề lãng phí chi phí của gia đình dành cho các em để theo học. Vậy mà các em học được rất nhiều kiến thức mà không được sử dụng thì theo tôi đó là vấn đề rất lãng phí?”
Ông Phạm Viết Bình, một người phụ trách công tác tuyển dụng cho một tập đoàn kinh doanh lớn ở Hà nội cho biết, tình trạng đa phần mọi người trong xã hôi nghĩ rằng có tấm bằng đại học, cao đẳng sẽ dễ xin việc. Với kinh nghiệm của một người làm công tác tuyển dụng lao động trên 20 năm, ông chia sẻ:
“Câu chuyện xin việc thật ra là việc đánh giá phẩm chất và kỹ năng của sinh viên. Vì thế nếu anh có tố chất hay phẩm chất gì không phù hợp, mà anh cứ cố xin vào một cơ quan nào đó không phù hợp với mình. Không xin được việc còn phù thuộc vào ngay chính bản thân con người đó, tôi nói thật có những người có học đến 10 bằng đại học rồi cũng sẽ không có cơ quan nào muốn nhận.”
Nói về nguyên nhân của tình trạng này, bà Kim Anh một nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Giáo dục thấy rằng, về góc độ xã hội thì ở VN, việc chọn nghề phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của các bậc phụ huynh, cộng với tâm lý muốn có bằng đại học để lấy tiếng. Sau nữa, chương trình đào tạo không sát với thực tế, nhà trường chỉ dạy cho sinh viên những gì họ có, chứ không dạy điều xã hội cần.
Theo bà vấn đề giáo dục kỹ năng là yếu tố quan trọng và cần thiết, song đã không được quan tâm. Bà nói:
“Tôi nghĩ rằng với sự hướng dẫn của các thầy cô giáo và nhà trường phải trang bị cho các em một kỹ năng sống cũng như về trình độ, khả năng, năng lực và phẩm chất. Những cái đó hiểu được sẽ giúp cho các em tự tin và khi đó các em sẽ tự lựa chọn được những nghề phù hợp với khả năng của mình.”
Trả lời câu hỏi, cần có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?
Bà Kim Anh thấy rằng, chương trình giáo dục phổ thông hiện tại thiếu sự phân luồng học sinh, lẽ ra hết bậc THCS, cần phải phải chia luồng học sinh, sao cho số lượng học tiếp để vào đại học chỉ chiếm khoảng 40-50%, còn lại theo trung học học nghề, ở đó vừa học văn hóa vừa đào tạo công nhân lành nghề. Theo bà nhà trường cần giáo dục cho sinh viên biết rằng, trong môi trường công việc đầy cạnh tranh và năng động, trang bị tốt cho mình các kỹ năng sống khác ngoài kiến thức sách vở, đó là yếu tố quyết định. Bà nhận định:
“Nếu muốn giải quyết được việc này thì chúng ta phải giải quyết thật tốt việc dự báo thì trường lao động, cụ thể là dự báo nhu cầu ngành nghề để hướng dẫn cho các em ngay từ khi còn đang họ ở các trường phổ thông.”
Hướng giải quyết
Nữ chuyên viên thuộc Viện Khoa học Lao động và Xã hội, bà Kim Anh thấy rằng VN thiếu một quy hoạch lâu dài về nhu cầu lao động để có các kế hoạch đáp ứng. Theo bà, nếu quy hoạc tốt sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu lao động cho nền kinh tế, thì sẽ cơ bản khắc phục được tình trạng này. Hơn nữa, việc tạo điều kiện có các chính sách ưu đãi, khuyến khích cho các sinh viên mới ra trường tổ chức và khởi nghiệp các doanh nghiệp vừa và nhỏ là vấn đề cần được chú ý xem xét, để tăng thêm công ăn việc làm. Bà cho biết:
Nếu công tác đào tạo có một quy hoạch tốt, đáp ứng nhu cầu của xã hội thì tôi nghĩ sẽ không xảy ra các hiện tượng dư thừa và lãng phí nguồn nhân lực. 
- Bà Kim Anh
“Nếu công tác đào tạo có một quy hoạch tốt, đáp ứng nhu cầu của xã hội thì tôi nghĩ sẽ không xảy ra các hiện tượng dư thừa và lãng phí nguồn nhân lực. Vì nếu các em được giáo dục chuyên môn trong thời gian 4 năm là điều các em cũng đã mất rất nhiều thời gian của bản thân, mà không làm được những việc khác.”
Theo tạp chí Khoa học Giáo dục, trước thực trạng này Bộ Giáo dục và Đào tạo  đã quyết định ra lộ trình giảm đến dừng hẳn tuyển sinh hệ cao đẳng và trung cấp. Theo đó, hệ cao đẳng sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh 30% mỗi năm và dừng tuyển sinh trước năm 2020; Cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo trung cấp phải dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017.
Các chuyên gia và các nhà nghiên cứu mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều có chung nhận định cho rằng, quyết định nói trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm hạn chế tỷ lệ sinh viên thất nghiệp ngày càng cao, nhưng đồng thời cũng cho thấy sự khủng hoảng trong hệ thống giáo dục hiện nay.

Vụ công an bị tố đánh chết người ở Bình Định:

Chết do chạy quá sức?

Cơ quan pháp y tỉnh Bình Định hôm nay ra kết luận liên quan đến vụ tử vong của một người dân chơi bầu cua ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định hôm 2/1/2017, anh Phạm Đăng Toàn là chết do chạy quá sức.
Cụ thể, kết quả khám nghiệm tử thi được công bố cho báo giới xác định anh Toàn tử vong do chạy quá sức dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho phổi, phổi không cung cấp được oxy cho não dẫn đến phù phổi, phù não, hoàn toàn không có dấu vết của tác động ngoại lực.
Kết quả khám nghiệm tử thi trước đó cũng cho thấy phổi và não bị phù. Có một số vết xây xước trên trán và gò má được xác định là do ngã xuống nền xi măng. Khám nghiệm không phát hiện tổn thương xương khớp.
Kết luận này không thuyết phục được nhiều người nhất là cư dân mạng xã hội. Một số facebookers cho rằng kết quả xét nghiệm như thế là phi lý.
Xin được nhắc lại, vào tối ngày 2 tháng 1, anh Toàn tham gia chơi bầu cua ở chợ Định Thiện, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Tổ tuần tra công an huyện Tuy Phước tiến hành vây bắt sòng bầu cua. Gia đình anh Toàn cho báo chí biết thành viên tổ tuần tra đã truy đuổi và đánh anh toàn bất tỉnh. Người dân địa phương yêu cầu đưa anh Toàn đến Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn nhưng anh đã tử vong trên đường đi cấp cứu.
Những đoạn video được đưa lên mạng vào rạng sáng ngày 3 tháng 1 cho thấy nhiều người dân địa phương bắt giữ và hành hung 2 thành viên trong tổ tuần tra, bắt hai người này phải quỳ gối xin lỗi. Đoạn video đã được lan truyền rộng rãi trên mạng gây bức xúc trong cộng đồng mạng.
Đến khoảng 11 giờ đêm ngày 3 tháng 1, bà Nguyễn Thị Thắm, người đưa đoạn video lên trang facebook cá nhân đã lên tiếng xin lỗi cộng đồng mạng với lý do đưa tin sai sự thật. Bà Thám thừa nhận mình là người quay và đăng tải 2 clip cảnh 2 công an huyện Tuy Phước bị hành hung. Những đoạn video clip sau đó cũng được gỡ khỏi facebook của bà này.

Nghi công an Bình Định đánh chết người,

dân phản ứng mạnh

Vào đêm 2/1, người dân ở một xã của tỉnh Bình Định đã vây đánh 2 nhân viên công an vì nghi họ đã đánh chết một người địa phương.
Thông tin trên mạng xã hội và một số báo Việt Nam cho hay vụ việc xảy ra trong khoảng 22h15 đến 22h30 ngày 2/1, khi công an bắt một nhóm đánh bạc tại một khu chợ thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước.
Tin cho hay khoảng 20-30 người đánh bạc đã “bỏ chạy tán loạn” khi thấy 6 nhân viên công an, nhưng không có thông tin chi tiết về diễn biến cụ thể nào đã làm anh Phạm Đặng Toàn, 29 tuổi, bị thiệt mạng trong vụ này.
Mạng xã hội và báo chí nói người dân đã đưa nạn nhân đến một bệnh viện và bắt giữ hai công an có tên Trần Đức Thuận và Nquyễn Ngọc Khánh vì nghi hai người này đã đánh chết anh Toàn. Có thông tin là nhiều người không kiềm chế tức giận đã đánh và bắt hai nhân viên công an quỳ gối.
Sáng 3/1, thượng tá Võ Quý Tuấn, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Bình Định, cho báo chí biết nhà chức trách “đang làm rõ nguyên nhân tử vong của anh Phạm Đặng Toàn” và “điều tra những người vây đánh 2 chiến sĩ công an để xử lý theo quy định pháp luật, đảm bảo khách quan”.
Không có con số thống kê chính thức về các vụ dân tử vong liên quan đến các vụ bắt bớ của công an Việt Nam song tin tức về các vụ như vậy xuất hiện khá thường xuyên trên báo chí và mạng xã hội.
Hồi tháng 3/2015, Bộ Công an Việt Nam ra báo cáo cho biết có 226 người chết trong các nhà tạm giam, tạm giữ vì “bệnh lý và tự sát”. Những người này chưa bị coi là tội phạm.
Từ Hà Nội, anh Trịnh Bá Phương, một người đấu tranh vì quyền đất đai, nói với VOA về hành xử bạo lực của công an Việt Nam:
“Tình trạng chung ở Việt Nam thì do thể chế độc tài, và cái thể chế lấy công an để cai trị người dân, trong thời gian vừa qua, trong những năm gần đây đã xảy ra rất nhiều vụ người dân bị công an đánh chết. 260 người chết trong vòng ba năm thì tôi nghĩ con số báo cáo đó chỉ là một phần nổi thôi. Trên thực tế, rất nhiều người bị chấn thương, thương tật, rồi nhiều người ở những nơi không có thông tin, truyền thông, mạng xã hội, thì hầu hết các vụ đó không được thông tin. Ở Việt Nam tôi thấy là đặc biệt trong các nhà tù nhiều người bị chết và các con số đó chưa được thống kê”.
Anh Phương, con của nhà hoạt động Cấn Thị Thêu đang ngồi tù, cho biết thêm bố mẹ, em trai anh và bản thân anh nhiều lần bị công an đánh đập dã man khi đấu tranh về quyền đất đai trong những năm qua.
Theo Báo cáo Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ phát hành đầu năm 2016, nhiều nhân viên Bộ Công an Việt Nam có hành động giết người tùy tiện hoặc trái luật cũng như lạm dụng bạo lực gây chết người. Báo cáo Nhân quyền nói trong hầu hết các trường hợp, nhà chức trách Việt Nam chỉ cung cấp rất ít thông tin về việc điều tra, và có một vài vụ chính quyền buộc một số quan chức phải chịu trách nhiệm.
Nhà đấu tranh Trịnh Bá Phương nói với VOA nhiều người Việt Nam hy vọng Luật Magnitsky của Mỹ về trừng phạt các quan chức đàn áp hoặc vi phạm nhân quyền có thể tác động thay đổi cách hành xử của các quan chức Việt Nam, kể cả giới công an. Anh nói trong thời gian tới nhiều người sẽ ghi lại các bằng chứng về những quan chức, nhân viên nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền để chuyển cho phía Mỹ và mong Mỹ có các biện pháp trừng phạt.

Phim cấm được phép chiếu rạp ở Việt Nam

Bắt đầu từ năm nay, Việt Nam cho phép trình chiếu các phim cấm người xem dưới 18 tuổi tại các rạp phim nhưng liệu việc kiểm duyệt và cắt phim có còn diễn ra nữa không là vấn đề đang gây tranh cãi.
Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch Việt Nam vừa thông qua bảng tiêu chí phân loại phim cho phép Cục Điện Ảnh phân loại và gắn nhãn phim chiếu rạp bắt đầu từ 1/1 năm nay. Trong 4 mức phân loại dựa trên mức độ bạo lực và những cảnh “nóng” trong phim, những phim cấm người xem dưới 18 tuổi giờ đây sẽ được trình chiếu tại các rạp trong nước.
Theo truyền thông trong nước, nhiều đạo diễn và diễn viên ủng hộ việc phân loại phim và cho rằng đây là “một điều tiên tiến và đáng mừng cho điện ảnh Việt Nam”.
Diễn viên Hồng Ánh, người nổi tiếng trong các phim Người Đẹp Tây Đô, Đời Cát và Người Đàn Bà Mộng Du, cho rằng việc này đáng ra phải được thực hiện từ lâu:
“Cái này là một tín hiệu vui vì trên thế giới người ta đã có những phân loại phim theo từng độ tuổi rồi mà Việt Nam mình bây giờ mới có áp dụng cái này. Với những người làm nghề, tôi thấy điều này lẽ ra nên làm từ lâu rồi.”
Cục trưởng Cục Điện Ảnh Ngô Phương Lan được Dân Trí trích lời nói bảng phân loại phim của Việt Nam được làm dựa trên bảng phân loại phim của Singapore và tham khảo các bảng phân loại phim của Mỹ, Anh và Australia để hoàn thiện. Theo bà Lan, trong năm 2016 có hơn 30 phim không được ra rạp sau khi thẩm định của các nhà chuyên môn về điện ảnh.
Đạo diễn Bảo Nhân của bộ phim mới ra mắt Chạy Đi Rồi Tính được trích lời nói việc phân loại sẽ làm cho “dòng phim nào cũng có khán giả của riêng mình” và “việc này cũng giúp người làm phim cảm thấy dễ thở hơn.”
Trước đây các đạo diễn phim ở Việt Nam luôn than phiền về sự cắt cúp phim một cách bất hợp lý của bộ phận kiểm duyệt. Theo Tuổi Trẻ, đã có không ít bộ phim Việt và phim nước ngoài không được cấp phép phổ biến tại Việt Nam và các yêu cầu chỉnh sửa nội dung hình ảnh của phim “dường như đã thành chuyện ‘cơm bữa’ đối với một số phim sau khi đã hoàn thành.
Diễn viên Hồng Ánh, người từng giành nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế, sức ép từ những nhà làm phim và đạo diễn, diễn viên đã dẫn tới việc thực hiện phân loại này:
“Không có những thanh phân loại như vậy thì nhiều khi việc kiểm duyệt cũng khá cảm tính. Cho nên từ những bộ phim có lẽ đã gặp những vấn đề về kiểm duyệt trước đây đã dẫn đến việc người ta bắt buộc phải đi theo quy chuẩn chung mà các nền điện ảnh của các nước trên thế giới đã làm.”
Tuy nhiên đạo diễn Phan Đăng Di nêu câu hỏi trong bài phỏng vấn với Tuổi Trẻ rằng liệu “khi mức phân loại 18+ được áp dụng thì việc cắt phim có còn được áp dụng nữa hay không?” Diễn viên Hồng Ánh nói ít nhất thì việc ban hành quy chế dán mác quy định độ tuổi người xem đã “mở ra vấn đề tôn trọng sự tự do sáng tác của những người làm ra tác phẩm điện ảnh nhiều hơn trước đây.”
Còn việc kiểm soát người vào rạp xem như thế nào cũng đang gây nhiều tranh luận bởi không giống như ở Mỹ khi cho phép người xem và rạp chiếu phim tự quyết định việc phân loại phim theo độ tuổi, ở Việt Nam hội đồng thẩm định phim quốc gia là người quyết định cấp phép và dán nhãn. Do đó, để kiểm soát các phim có dán nhãn C16 và C18 (cấm người xem dưới 16 và 18 tuổi), ông Vương Thế Phong của cụm rạp CGV nói qua trích lời của Tuổi Trẻ rằng rạp sẽ yêu cầu khán giả phải xuất trình chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc thẻ học sinh.

Đài Loan phản đối Việt Nam

trục xuất nghi phạm Đài Loan sang TQ

Đài Loan ngày 3/1 mạnh mẽ phản đối việc Việt Nam trục xuất sang Trung Quốc bốn công dân Đài Loan bị tình nghi gian lận viễn thông. Đài Loan cho rằng việc này do áp lực từ Bắc Kinh.
Vụ trục xuất mới nhất này diễn ra sau một loạt các trường hợp tương tự trong năm khi công dân Đài Loan ở Kenya, Malaysia, Armenia, và Campuchia bị bắt vì cáo buộc dính líu tới các nhóm chuyên lừa đảo viễn thông xuyên biên giới và bị trục xuất tới Trung Quốc.
Các vụ trục xuất này dựa trên chính sách “một nước Trung Hoa” đang áp dụng tại hầu hết các nước duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng không có quan hệ chính thức với Đài Loan, một hòn đảo tự trị bị Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai.
Trong vụ việc mới đây, bốn nghi phạm quốc tịch Đài Loan và một nghi phạm quốc tịch Trung Quốc bị bắt tại Hải Phòng hồi tháng 12. Bộ Ngoại giao Đài Loan cho hay dù đặc phái viên của họ tại Việt Nam liên tục yêu cầu trục xuất bốn người mang quốc tịch Đài Loan về Đài Loan, nhưng các nghi phạm này vẫn bị cưỡng ép đưa sang Trung Quốc.
Hôm 3/1, hãng tin CNA dẫn lời Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết việc Việt Nam quyết định trục xuất 4 nghi phạm này cho Trung Quốc là việc rất đáng tiếc.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đài Loan viết: “Trung Quốc nói các nạn nhân trong vụ này hầu hết ở Trung Quốc và yêu cầu Việt Nam phải dẫn độ tất các nghi phạm tới Trung Quốc (dựa trên một hiệp ước pháp lý song phương), gây cản trở nỗ lực của chúng tôi trong việc tìm hiểu sự việc và thăm các nghi phạm Đài Loan.”
Cùng ngày, cơ quan quyết định các chính sách của Đài Loan về Trung Quốc, Hội đồng Đại lục Sự vụ (MAC) kêu gọi Bắc Kinh đối thoại càng sớm càng tốt và nói rằng hành động của Trung Quốc không giúp ích cho công tác truy tìm nguồn gốc các nhóm lừa đảo xuyên biên giới và làm ảnh hưởng đến sự tin tưởng lẫn nhau của hai bên trong nỗ lực chống tội phạm.
Trung Quốc đã đình chỉ đối thoại với Đài Bắc kể từ tháng 6, một tháng sau khi Tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn, nhậm chức. Bà Thái là người không chấp nhận nguyên tắc “một nước Trung Hoa” do Bắc Kinh đề ra.
Theo các quan chức MAC, trong năm nay có hơn 200 người Đài Loan bị tình nghi gian lận viễn thông đã bị trục xuất từ các nước thứ ba tới Trung Quốc.

2016 – năm các triệu phú Việt lộ diện

Năm 2016 được coi là năm nhiều triệu phú tiền đô la ở Việt Nam xuất đầu lộ diện.
Truyền thông trong nước tường thuật rằng trong năm qua, đã có nhiều tên tuổi mới sở hữu ngàn tỷ đồng.
Với sự phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm qua, những người giàu nhất Việt Nam chủ yếu là những đại gia của sàn chứng khoán. Theo công bố của Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước (UBCKNN) trong năm qua, Việt Nam đã lọt vào Top 5 thị trường chứng khoán Đông Nam Á tăng trưởng cao nhất. VNMedia trích lời chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết mức vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam đạt hơn 1.76 triệu tỉ đồng trong năm 2016, tương đương với 42% GDP.
Theo đánh giá của kinh tế gia Lê Đăng Doanh, “số tỷ phú Việt Nam gần đây đã xuất hiện đông đảo hơn và tất cả họ đều liên quan đến bất động sản.”
Nguyên viện trưởng viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương còn cho rằng nhiều người giàu lên nhanh nhờ vào chứng khoán bằng những cách thức rất “khôn ngoan.”
“Cách của họ là họ lập ra nhiều công ty sân sau của chứng khoán – nhiều công ty con. Các công ty đó lại phát hành chứng khoán rồi họ mua bán lẫn nhau – tức là công ty mẹ mua ở công ty con, công ty con mua ở công ty mẹ. Vì vậy số tài sản, số cổ phiếu mà họ sở hữu đã tăng lên một cách rất nhanh chóng và đó cũng là một mẹo để họ làm giàu nhanh.”
Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2016, theo báo Pháp Luật, có 4 đại gia lần đầu tiên được ghi tên trên danh sách tỷ phú đô la. Một nửa trong số những người này là những doanh nhân kinh doanh bất động sản và số còn lại trong ngành thép, bán lẻ, thủy sản, ô tô…
Nổi bật trong năm qua là sự thăng tiến của chủ tịch Hội Đồng Quản Trị tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, chiếm lĩnh ngôi vị cao nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, đánh bật chủ tịch tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng ra khỏi vị trí này. Tổng tài sản thính theo trị giá cổ phiếu của ông Quyết, theo truyền thông trong nước, ước tính lên tới hơn 33.800 tỷ đồng. Với hàng loạt dự án bất động sản, tập đoàn FLC được xem là một trong số ít công ty kinh doanh đình đám nhất trên thị trường địa ốc tại Việt Nam.
Ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú đầu tiên của Việt Nam được tạp chí Forbes đưa vào danh sách những người giàu nhất thế giới khi có tổng tài sản trị giá 1,5 tỷ đô la vào năm 2013.
Tiến sỹ Doanh nhận định rằng “những tỷ phú Việt Nam là những người khôn ngoan trong việc vun đắp các mối quan hệ với giới quyền lực để chia sẻ “địa tô”, tức chênh lệch giá đất, khai thác khoáng sản, đốn gỗ phá rừng.” Ông Doanh nói:
“Họ làm giàu bằng bất động sản, tức là họ ăn chênh lệnh giá đất. Rồi họ được thuê với giá đất tương đối thuận tiện. Rồi họ đầu tư bất động sản và họ ăn lãi. Điều đó có liên quan đến việc đất đai là sở hữu toàn dân mà toàn dân không phải là pháp nhân. Và nhà nước thực hiện quyền người sử dụng và vì vậy cho nên bộ máy nhà nước có thể thu hồi đất của nông dân với một giá rất thấp rồi dùng quyền của mình biến đất đó trở thành đất xây dựng và trao lại cho người là nhà đầu tư và nhà đầu tư đó chắc sẽ phải có một động thái gì đó để làm vừa lòng phía chính quyền.”
Một người kinh doanh bất động sản đã có “bước nhảy ngoạn mục” trong năm qua để lọt vào Top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu Tư Dịch Vụ Tài Chính Hoàng Huy, ông Đỗ Hữu Hạ. Theo báo Pháp Luật, tổng tài sản chứng khoán của ông Hạ lên tới hơn 2.430 tỷ đồng.
Mặc dù một số tỷ phú mới nổi của Việt Nam được đánh giá là có góp phần đẩy mức tăng trường của thị trường chứng khoán và bất động sản ở Việt Nam, nhưng theo kinh tế gia Lê Đăng Doanh, “những tỷ phú mới giàu lên rất nhanh nhưng không có đóng góp gì vào công nghệ, “họ không có bằng sáng chế, phát minh”, và năng lực cạnh tranh quốc tế của họ “rất hạn chế.”
Ông Doanh cho rằng “họ là sản phẩm của thể chế hiện hành, của chủ nghia tư bản hoang dã”, “khác hẳn với Bill Gates hay Elon Musk.”
“So họ với Bill Gates, so họ với Elon Musk, thì rõ ràng Bill Gates là người có bản quyền có sáng chế và phần mềm Microsoft là một đóng góp rất quan trọng cho tiến bộ của xã hội. Còn Elon Musk, với ô tô Tesla và với nhiều dự án khác như SolarCity của anh ta thì cũng có những đóng góp rất là quan trọng. Đấy là 2 loại hình (giữa tỷ phú thế giới và tỷ phú Việt Nam) rất xa nhau và rất khác nhau.”
Theo tạp chí Forbes, Việt Nam quyết tâm trở thành một “con hổ kinh tế” mới của châu Á và Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình với mức thu nhập bình quân đầu người ít nhất là 1.200 đô la Mỹ, theo Ngân Hàng Thế Giới.
Nhưng Tiến sĩ Lê Đăng Doanh lưu ý về mức chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam hiện rất cao và sẽ ngày càng tăng nếu không có thay đổi liên quan tới “bất động sản và quyền sở hữu đất đai” và không kiểm soát được “chế độ tư bản thân hữu.” Khoảng chênh lệch giàu nghèo quá lớn, theo ông Doanh, “sẽ dẫn đến những diễn biến rất phức tạp”.

Việt Nam – Campuchia thỏa thuận

miễn thuế nhập khẩu một số mặt hàng

Các nhà sản xuất và xuất khẩu gạo, thuốc lá của Campuchia được miễn thuế nhập khẩu đối với 300.000 tấn gạo và 3.000 tấn lá thuốc lá khô bán sang Việt Nam mỗi năm.
Đây là thỏa thuận được hai nước ký kết từ nhiều năm trước và được gia hạn định kỳ mỗi hai năm. Người phát ngôn Bộ Thương mại Campuchia Soeung Sophary cho biết tin này hôm nay.
Theo Bộ Thương mại Campuchia, nước này cũng đồng ý cho thuế suất ưu đãi là 0 đối với 39 sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam trong năm nay theo thỏa thuận xúc tiến thương mại song phương. Thỏa thuận này được cho là nhằm khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân hai nước trong quan hệ thương mại song phương.
Vào tháng 12 vừa qua, hai nước cũng đã ký một thỏa thuận thương mại biên giới để thúc đẩy thương mại hai nước tiếp theo sau chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen đến Việt Nam.

Ba trang tin điện tử bị phạt

do đưa tin không phù hợp vụ Minh béo

Ba trang báo điện tử tại Việt Nam vừa bị phạt với cáo buộc tuyên truyền, cổ xúy, đưa tin không phù hợp về diễn viên hài Minh béo người vừa trở về Việt Nam sau khi mãn hạn tù ở Mỹ với án phạt tội ấu dâm. Trang facebook của Chính phủ Hà Nội loan tin này hôm nay.
Ba trang bị phạt là Soha.vn, kênh14.vn và baomoi.com.
Quyết định vừa nêu do Cục trưởng Cục Phát thanh và Truyền hình ký nêu rõ ba trang tin bị phạt với số tiền cao nhất 30 triệu đồng vì thực hiện không đúng quy định ghi trong giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng và cung cấp nội dung thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Hộ chiếu Việt ‘không mạnh bằng hộ chiếu Cuba’

Bảng phân hạng hộ chiếu trên toàn cầu dựa vào số quốc gia cho phép miễn thị thực xếp Việt Nam vào vị trí 77/95, kém Cuba và Zimbabwe.
Bảng phân hạng The Passport Index cho năm 2016 được công ty tư vấn tài chính Arton Capital đưa ra vào cuối tháng 12.
Theo đó, hai quốc gia có hộ chiếu ‘mạnh’ nhất là Đức (đi 158 nước không cần visa) và Thụy Điển (157 nước).
Anh quốc đứng thứ ba cùng 5 nước khác, trong đó có Hàn Quốc, mà công dân được 156 quốc gia miễn thị thực.
Các nước Á châu đứng thứ hạng cao khác là Singapore, Malaysia, Nhật Bản.
Việt Nam đứng thứ 77, cùng hạng với Campuchia, Madagascar và Ai Cập, đi được 50 nước mà không phải xin visa.
Tuy nhiên hộ chiếu Việt Nam ‘yếu’ hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan (xếp thứ 57), Philippines (66) hay Indonesia và Trung Quốc (đồng hạng 72).
Việt Nam nằm trên Ấn Độ và Bhutan, đồng thời hơn một số quốc gia đang gặp chiến tranh ở Trung Đông như Syria hay Iraq.
Nằm cuối bảng xếp hạng là Afghanistan. Hộ chiếu nước này chỉ cho phép đi 24 nước không cần thị thực.

Hướng dẫn viên du lịch người Hoa bôi bác Việt Nam

Theo South China Morning Post (SCMP), năm qua là một năm kỷ lục về số du khách từ Hoa lục đến Việt Nam. Tuy nhiên, vấn nạn hướng dẫn viên “chui” người Hoa đang gây căng thẳng : không chỉ làm các công ty du lịch địa phương mất mối, họ lại còn trắng trợn xuyên tạc lịch sử và chủ quyền Biển Đông.
Ở đầu bài viết, tờ báo Hồng Kông mô tả, đó là một ngày du ngoạn dài tại thành phố duyên hải Đà Nẵng. Nhóm du khách xung quanh chùa Linh Ứng và tượng Quan Thế Âm Bồ Tát khổng lồ đã mệt mỏi, hướng dẫn viên của họ bèn tuôn ra một phiên bản khác về lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Trời đã về chiều và nóng, phải trở về những căn phòng máy lạnh trong khách sạn, thể nên nhóm người Hoa có thể bỏ qua những sai sót về địa chính trị mà hướng dẫn viên không giấy phép nói. Anh ta bảo rằng Việt Nam không còn là một bộ phận của Trung Quốc, đã đòi độc lập, nhưng vẫn còn lệ thuộc vào Bắc Kinh và tiếp tục triều cống. Hoặc bãi biển Mỹ Khê, bãi biển cát trắng xinh đẹp mà trước đây lính Mỹ gọi là China Beach, thực sự thuộc về Trung Quốc.
Những tuyên bố trơ trẽn như thế có thể không gây ngạc nhiên. Cùng với sự bùng nổ khách du lịch Trung Quốc tại Việt Nam, nhiều người đã hành nghề hướng dẫn một cách bất hợp pháp để đáp ứng nhu cầu. Những hướng dẫn viên “chui” này cho rằng họ sẽ làm hài lòng một công chúng vốn luôn nghĩ rằng Trung Quốc là trung tâm thế giới, hoặc đơn giản là họ rập khuôn theo tuyên truyền của Bắc Kinh về Đông Nam Á, đặc biệt về Biển Đông – mà Đà Nẵng nằm sát cạnh.
Nhưng vấn đề là sự kiện như thế lại diễn ra ngay trên đất Việt Nam, gây ra nhiều tranh cãi. Đây chỉ là một trong những ví dụ về tình trạng căng thẳng đang tăng lên cùng với làn sóng khách du lịch Trung Quốc, mà theo tờ SCMP, đã giúp làm đầy két tiền của thành phố, nhưng lại khiến cho ngành du lịch trong nước phải vất vả để cạnh tranh.
Theo Tổng cục Du lịch, trong năm 2016 Việt Nam đã đón lượng khách Trung Quốc kỷ lục là 2,7 triệu người, tăng 55% so với năm trước. Du khách từ Hoa lục chiếm đến 30% tổng số khách ngoại quốc đến Việt Nam. Đa số khách Trung Quốc thích đến Đà Nẵng hay Nha Trang, hai thành phố miền Trung nổi tiếng với những bãi biển, các di tích lịch sử và hải sản. Hiện tượng này làm ngành du lịch nội địa nhức đầu, và đặc biệt là các hướng dẫn viên người Việt.
Một số hướng dẫn viên người Hoa hoạt động tại Việt Nam nói với các nhóm khách rằng Việt Nam ghét Trung Quốc, không nên tin bất cứ những gì người hướng dẫn tại chỗ nói. Các hướng dẫn viên chui này còn bị cáo buộc sử dụng thổ ngữ để những người hướng dẫn Việt nói tiếng quan thoại hay Quảng Đông không thể hiểu được.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, giám đốc bán hàng của In-Our Tour Company có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh nói : « Gần đây, một số hướng dẫn viên chui người Hoa cung cấp những thông tin sai lạc về tranh chấp biển đảo tại Biển Đông. Họ xuyên tạc sự thật, gây phiền nhiễu cho người dân và chính quyền Việt Nam ».
Không chỉ những lời hướng dẫn viên chui nói, mà còn cả những việc họ làm đã khiến các công ty du lịch địa phương giận dữ. Ông Trần Trà, chủ tịch Câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng, cho biết : « Theo luật pháp, người nước ngoài không được phép hành nghề hướng dẫn du lịch trên đất nước chúng tôi ».
Ông tâm sự : « Ban đầu, các hướng dẫn viên người Việt vui mừng trước sự gia tăng du khách Trung Quốc trong năm 2016, vì nghĩ rằng sẽ có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn và mức sống sẽ tăng lên ». Nhưng ngược lại, họ bị mất mối vì « Các công ty du lịch Trung Quốc chỉ định trưởng đoàn người Hoa làm hướng dẫn, một cách bất hợp pháp ». Còn ông Cao Trí Dũng, chủ tịch Hiệp hội lữ hành Đà Nẵng nói rằng ngoài khía cạnh luật pháp, hướng dẫn viên địa phương còn cảm thấy bị coi thường.
Căng thẳng lên đến tột bực hồi tháng Bảy, khi chính quyền Đà Nẵng và Nha Trang phải ra tay trước nạn hướng dẫn chui. Đà Nẵng trục xuất bốn hướng dẫn viên người Hoa vì làm việc bất hợp pháp, phạt 4.200 đô la, công ty thuê mướn họ bị rút giấy phép và phạt 560 đô la. Cùng trong tháng đó, tỉnh Khánh Hòa trục xuất 66 người Hoa hoạt động bất hợp pháp trong ngành du lịch.
Theo SCMP, xung đột trong hướng dẫn du lịch có thể được coi là một phần của bối cảnh rộng lớn hơn trong quan hệ hai nước. Mặc dù liên hệ chặt chẽ về kinh tế, Trung Quốc và người dân nước này thường không được người dân Việt bình thường có cảm tình. Các tranh chấp ngoại giao, đặc biệt tại Biển Đông, đã khiến nỗi oán giận càng trầm trọng hơn.
Người Việt vốn tự hào về lịch sử và đất nước mình, nên các nỗ lực xuyên tạc của hướng dẫn viên người nước ngoài không thể coi là chuyện nhỏ. Bên cạnh đó, thái độ của một số khách du lịch Trung Quốc lại càng không giúp ích được gì.

Nhận xét

  1. This blog is really helpful to deliver updated affairs over internet which is really appraisable. US EB5

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Xã Hội - https://kienthuc.net.vn

Tin Việt Nam - Google VN

Xứ Sở Hận Thù