“Hạ tầng đường bộ TP.HCM kém xa Hà Nội”

Thời sự  - CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
N.MẠNH
18:08 25/06/2017

BizLIVE - “Hạ tầng đường bộ của TP.HCM hiện kém xa Hà Nội. Ở thủ đô tất cả cửa ngõ đều thông thoáng, có đường cao tốc về các tỉnh, các tuyến đường vành đai khép kín. Còn ở thành phố, vành đai 3 đóng vai trò vực dậy kinh tế cả vùng nhưng chưa có đoạn nào làm trọn vẹn”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông nói.









“Hạ tầng đường bộ TP.HCM kém xa Hà Nội”
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông.
Cùng BizLIVE điểm lại phát ngôn ấn tượng tuần qua:
“Hạ tầng đường bộ TP.HCM kém xa Hà Nội
 Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TP. HCM ngày 23/6, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao những cố gắng thành phố đạt được trong 6 tháng đầu năm. Đặc biệt là duy trì hạ tầng, cải tạo kỹ thuật, giảm kẹt xe.
Tuy nhiên ông Đông cho rằng, dù là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước nhưng hạ tầng giao thông của TP HCM chưa tốt. Các dự án vành đai, metro chậm trễ làm ảnh hưởng đến tổng quan hạ tầng giao thông toàn vùng. Vì vậy, thành phố cần bổ sung quy hoạch, chủ động làm sớm các dự án quan trọng (như tàu điện ngầm), các dự án lớn ở nội đô và các đường vành đai.
“Hạ tầng đường bộ của TP. HCM hiện kém xa Hà Nội. Ở thủ đô tất cả cửa ngõ đều thông thoáng, có đường cao tốc về các tỉnh, các tuyến đường vành đai khép kín. Còn ở thành phố, vành đai 3 đóng vai trò vực dậy kinh tế cả vùng nhưng chưa có đoạn nào làm trọn vẹn”, ông Đông nói và giải thích so sánh như thế không phải có ý xấu, mà để thấy được thực trạng giao thông của thành phố đang chưa tốt... (Xem tiếp)
 “Quân đội sẽ không làm kinh tế nữa”
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TP.HCM sáng 23/6, thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định chủ trương của Bộ Quốc phòng là quân đội sẽ không làm kinh tế mà chỉ tập trung xây dựng quân đội vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ bảo vệ Đảng, nhân dân.
Liên quan đến dự án sân golf Tân Sơn Nhất, thứ trưởng Chiêm cho hay thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng ra lệnh dừng tất cả công trình ở sân golf Tân sơn Nhất để kiểm tra báo cáo với Bộ Quốc phòng. Thượng tướng Lê Chiêm cũng thông báo với TP.HCM là Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện nghiêm ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện đúng theo quy hoạch của Thủ tướng.
“Báo cáo với UBND thành phố, vấn đề này chúng ta yên tâm, không có vấn đề gì. Dự án này từ năm 2007 đã được 8 bộ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cho nên cái này (dự án sân golf  - PV) là do lịch sử để lại và cần được giải quyết, giải quyết như thế nào cho hợp lý. Quan điểm của Bộ Quốc phòng sẽ ưu tiên cho quy hoạch phát triển hàng không dân dụng”, ông Chiêm nói. (Xem tiếp)
“Doanh nghiệp cần cơ chế hơn là tiền”
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã cho biết như vậy tại Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ngày 19/6.
Cho rằng Nghị định 210 quá tập trung vào việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong điều kiện nguồn lực có hạn, theo Phó thủ tướng, phải thay tư duy làm Nghị định, thoát khỏi tư duy của Nghị định 210 liên quan đến cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào trong nông nghiệp, không đơn thuần chỉ là hỗ trợ đầu tư như hiện nay.
Bày tỏ sự lo lắng đối với một số bộ, ngành ngồi bàn giấy chưa quan tâm đến những vấn đề khả thi với doanh nghiệp và doanh nghiệp cần gì, theo Phó thủ tướng, điều các doanh nghiệp cần chính là cơ chế, chính sách tốt, hơn là hỗ trợ trực tiếp bằng tiền.
Trên tinh thần này, Phó thủ tướng nêu rõ quan điểm, mục đích cần đạt được là sau khi ban hành Nghị định mới, phải thu hút được mạnh mẽ làn sóng doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn... (Xem tiếp)
“Bàn xây cao tốc, sân bay mà bỏ qua đường sắt là bất thường”
Trước việc ngành vận tải đường sắt Việt Nam đang phát triển quá chậm so với đường bộ, hàng không, GS Lã Ngọc Khuê - Nguyên Thứ trưởng Giao thông Vận tải nhận định, điều này không bình thường và là một trong những nguyên nhân khiến chi phí vận tải ở Việt Nam rất cao.
Theo ông, Ngân hàng thế giới đã tính toán, chi phí vận tải ở Việt Nam chiếm 14% trong cơ cấu giá thành sản phẩm trong khi các nước Mỹ, Canada chỉ là 3,4-3,5%, Nhật Bản 2%, do các nước này dùng đường sắt và hàng hải vận chuyển hàng hóa là chủ yếu.
GS Khuê cho rằng: "Lẽ ra Quốc hội và Chính phủ phải sớm cải tạo hệ thống đường sắt hiện tại và đầu tư xây dựng thêm đường sắt tốc độ cao (160-200 km/h) từ nhiều năm trước. Bây giờ đã quá muộn, song còn hơn không".
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng nhận định, mấy chục năm qua ngành đường sắt tồn tại "lay lắt" là vì "đầu tư nhỏ giọt và chưa có giải pháp phát triển "đến nơi đến chốn".
Ông Thanh phân tích, việc các cơ quan chức năng đang bàn đến một số dự án lớn như sân bay Long Thành, mở rộng Tân Sơn Nhất, đường bộ cao tốc Bắc Nam..., mà không bàn thảo đến dự án phát triển đường sắt là bất hợp lý... (Xem tiếp)




N.MẠNH

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện