SỰ THẬT KHÔNG ĐẸP SAU VỤ DI DÂN

Vũ Linh
23/06/2017

...Đuổi hết đám di dân lậu đi thì kinh tế Cali sẽ phá sản ngay...

Cải tổ chính sách di dân để ngăn cản di dân lậu cũng như để ngăn ngừa xâm nhập của các thành phần bất hảo và ngay cả khủng bố ngay từ đầu đã là cột trụ cho cuộc vận động tranh cử tổng thống của ông Donald Trump. Cho đến nay, ông đã bắt tay vào việc cải tổ, và như mọi người đã thấy, ông đã đụng chạm phải thực tế vô cùng khó khăn, một thực tế không mấy tốt đẹp mà truyền thông dòng chính che giấu.

Trước hết, phải phân biệt cho rõ hai vấn đề khác nhau: di dân bất hợp pháp từ Nam Mỹ và khủng bố len lỏi vào khối tỵ nạn hợp pháp.

Ta coi qua chuyện khủng bố trước.

Toà án liên bang tại Hawaii và Maryland –với hai quan toà cấp tiến- lại một lần nữa ra lệnh không cho áp dụng các biện pháp tạm ngưng cấp chiếu khán của TT Trump. Đây là lần thứ hai toà liên bang bác biện pháp của TT Trump. Cuộc chiến không dễ dàng này sẽ còn kéo dài. Nhất là sau lưng vấn đề còn có một chuyện lớn hơn nhiều: đó là việc tranh chấp quyền hành giữa Hành Pháp và Tư Pháp cũng như tranh cãi ý thức hệ cấp tiến và bảo thủ.

Trong khi TT Trump ra quyết định, cố gắng tuân thủ luật lệ hiện hành theo đúng văn bản, thì các quan toà ra quyết định chống lại dựa trên cái mà họ gọi là “ý định thực sự sau các quyết định”. Các quan tòa diễn giải các pháp lệnh của TT Trump có thể hợp pháp trên giấy tờ, nhưng họ cho rằng những quyết định đó nẩy mầm từ ý định “chống Hồi giáo toàn diện”, có tính kỳ thị, vi phạm Hiến Pháp của TT Trump, vì chính ông Trump đã từng tuyên bố khi tranh cử là ông sẽ “cấm cửa tất cả dân Hồi giáo”, dù sau đó ông có rút lại lời tuyên bố này.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, quan toà lấy quyết định dựa trên “ý định” –intent-, tức là trên những tuyên bố của tổng thống khi ông còn đang tranh cử. Một hậu quả tai hại của tính bốc đồng ưa tuyên bố sảng của ông Trump, nhưng phản ánh rõ ràng những cố gắng của phe cấp tiến đánh phá TT Trump bằng đủ mọi cách.

Cuộc tranh cãi hiện nay thực sự là việc các quan tòa có quyền diễn giải rộng các quyết định theo ý định –intent- của người đề xuất ra luật hay không. Đây chỉ là một khiá cạnh trong cuộc tranh cãi ý thức hệ giữa phe bảo thủ chủ trương tôn trọng văn bản nguyên thủy của các luật lệ, và phe cấp tiến quan niệm cần phải đào xâu vào ý định đằng sau quyết định, cũng như nhu cầu cập nhật việc diễn giải luật theo hoàn cảnh thay đổi. Hiển nhiên vấn đề đã đi xa hơn cuộc tranh cãi về các biện pháp tạm cấm cửa, để trở thành một cuộc tranh chấp quyền hành giữa Hành Pháp và Tư Pháp, trong khung cảnh một tranh cãi về diễn giải luật giữa hai phe bảo thủ và cấp tiến.

Cũng nên ghi nhận tại Virginia, toà liên bang bảo thủ đã phán TT Trump hành động hoàn toàn hợp pháp. Đồng thời, tất cả 5 quan tòa bảo thủ trong Tòa Phá Án Vùng 9 đã tuyên cáo “quyết định của TT Trump trong pháp lệnh giới hạn nhập cảnh Mỹ tuyệt đối nằm trong giới hạn quyền hành của Hành Pháp”. Như ta biết, họ là thiểu số nên đã bị đa số thẩm phán cấp tiến thân DC áp đảo. Hiển nhiên đây là một tranh cãi ý thức hệ, chứ không giản dị như vài báo tỵ nạn tố TT Trump không biết gì về luật hay coi thường luật pháp.

Chuyện gì sẽ xẩy ra? Không ai có câu trả lời khi các quan toà còn bất đồng ý với nhau. Có nhiều triển vọng sẽ phải do Tối Cao Pháp Viện quyết định.

Từ đây, ta thấy rõ tầm quan trọng của việc bổ nhiệm tân thẩm phán bảo thủ Neil Gorsuch vào TCPV. Về lâu về dài, việc ông Trump đắc cử mang ý nghiã cực kỳ lớn lao với hậu quả lâu dài xa hơn cả hai nhiệm kỳ của ông (nếu ông tái đắc cử). TT Trump sẽ bảo đảm TCPV không rẽ qua phiá tả trong cả thế hệ tới. Có thể có tới hai hay ba thẩm phán cấp tiến trong TCPV sẽ phải từ chức vì sức khỏe hay qua đời trong nhiệm kỳ đầu của TT Trump, tức là ông sẽ có dịp bổ nhiệm thêm hai hay ba thẩm phán bảo thủ nữa. Cán cân có thể nghiêng qua phiá bảo thủ hẳn, tới 6-3 hay 7-2 luôn, kéo dài hai ba chục năm nữa. Đó là lý do quan trọng nhất khiến khối cấp tiến thất kinh đến mất ăn mất ngủ khi bà Hillary thất cử, và đang chống việc bổ nhiệm ông Gorsuch kịch liệt.

Nhìn vào vấn đề này, ta thấy một hiện tượng mới lạ: ngành Tư Pháp từ trước đến giờ tuyệt đối không bị phe phái chi phối, chỉ phê chuẩn qua khả năng và kinh nghiệm, như TP Gorsuch năm 2006 được phê chuẩn vào Tòa Phá Án khi toàn thể Thượng Viện đứng lên vỗ tay hoan nghênh –voice acclamation-, không cần biểu quyết vì không có tới một phiếu chống, nhưng bây giờ thì cho tới nay, chỉ có 2 nghị sĩ DC hậu thuẫn, 46 vị chống, tố ông là người “quá khích” không thể làm quan tòa có công tâm!

Ngàng Tư Pháp đã nhẩy vào cuộc chiến ý thức hệ bảo thủ-cấp tiến, phê chuẩn theo phe đảng. Đáng lo hay đáng mừng?

Bây giờ, nhìn qua vấn đề di dân lậu từ Nam Mỹ. Nếu ta nhìn lại những thất bại của các TT Clinton, Bush con và Obama, thì sẽ thấy di dân lậu từ Nam Mỹ là cái gai vĩ đại, không thể một sớm một chiều giải quyết được. Cả ba ông, chẳng ai giải quyết được gì cho dù cả ba đều hứa sẽ giải quyết. Đó cũng là ưu tiên hàng đầu của TT Trump và những hứa hẹn trục xuất hết di dân lậu cuối cùng cũng có nhiều triển vọng là hứa hão.

Câu chuyện xây tường dọc biên giới Mễ có lẽ là chuyện chính trị hai mặt thô bạo nhất.

Ngay từ năm 1994, TT Clinton bắt đầu cho xây tường dọc biên giới trong khi tăng cường lính bảo vệ biên giới. Năm 1996, ông ra luật chống di dân khắt khe nhất: tất cả di dân lậu phải bị bắt và trục xuất qua những thủ tục mau lẹ nhất; nếu là di dân đã sống ở Mỹ bất hợp pháp trên một năm, sau khi bị trục xuất sẽ bị cấm vào Mỹ trong 10 năm sau đó. TT Obama năm 2009 bỏ ra hơn 7 tỷ đô để xây khoảng một ngàn cây số tường (650 dặm, hơn một phần ba chiều dài biên giới Mễ-Mỹ).

Ấy vậy mà bây giờ thiên hạ đại náo chuyện xây tường của TT Trump như bằng chứng của một chính sách kỳ thị nhất, tàn bạo nhất, vô nhân đạo nhất chống di dân gốc Nam Mỹ. Lãnh tụ DC tại Thượng Viện, Chuck Schumer lớn tiếng khẳng định toàn thể khối DC sẽ biểu quyết chống lại mọi kinh phí xây “bức tường vô nhân đạo” này. Cho dù chính khối này đã biểu quyết cấp tiền cho TT Obama xây 650 dặm tường trước đây. DC xây tường thì không “vô nhân đạo”, chỉ có CH xây tường mới là “vô nhân đạo”.

Dưới cả hai TT Clinton và TT Obama, chẳng thấy một anh nhà báo Washington Post hay New York Times hay CNN nào khua chiêng trống gì hết. Cũng chẳng thấy một chị sinh viên nào xuống đường dơ bảng “No Ban! No Wall!” hết. Càng không thấy anh nhà báo tỵ nạn Việt nào viết bài công kích TT Clinton hay Obama chà đạp lên tinh thần cởi mở dang tay đón nhận dân nhập cư theo đúng truyền thống của xứ Cờ Hoa này hết.

Trong thời gian qua, rất nhiều người, Mỹ cũng như Việt tỵ nạn, đã lên tiếng công kích TT Trump rất nặng nề, cho ông này là kỳ thị đủ thứ, sẽ thay đổi nước Mỹ mà cả thế giới vẫn ngưỡng mộ như một thiên đường hạ giới từ xưa đến giờ, thành một thứ Đức Quốc Xã tân thời lo chu diệt hay ít nhất cũng là cấm cửa di dân không phải là da trắng. Họ nặng lời đả kích TT Trump có chính sách di dân hoàn toàn đi ngược lại truyền thống mở cửa đón di dân từ ngày lập quốc đến giờ. Họ đặt câu hỏi nước Mỹ bây giờ có còn là “giấc mơ” của nhân loại không, có còn dang tay đón tiếp di dân nhập cư từ khắp nơi đến vì hy vọng có cơ hội tiến thân không, người nhập cư có còn là “chim hoàng yến” (?) nữa không,...

Kẻ này thật tình muốn được nghe những vị bỉnh bút một chiều này giải thích dùm sự khác biệt giữa bức tường của TT Obama và bức tường của TT Trump vì không hiểu các vị này phe đảng một cách thật trắng trợn, hay thật sự không thèm tìm hiểu vấn đề cho kỹ lưỡng, mà chỉ lo tìm cách đánh TT Trump, nhắm mắt dịch lại tin của CNN, bất kể sự thật lịch sử. Lịch sử bức tường tại biên giới Mễ có thể dễ dàng truy cứu trong Wikipedia, chỉ mất chừng 5 giây đồng hồ thôi.

Đối với tất cả những tâm tình lo lắng đó, kẻ này xin thẳng thắn hỏi ngay một việc cho rõ: trong tất cả các bài viết thật cảm động, đầy chân tình đó, có phải là thiếu một cụm từ chủ chốt định nghiã cho toàn bộ câu chuyện: đó là cụm từ “bất hợp pháp” không? Thiếu cái cụm từ này là câu chuyện đã bị bóp méo một cách không lương thiện lắm.

TT Trump đã và sẽ ra tay rất mạnh, không sai, nhưng là ra tay chống những di dân bất hợp pháp, cho dù họ được che dấu dưới cái dù “undocumented” –không có giấy tờ. Họ có khi nào xin giấy tờ đâu mà có? Ông chưa bao giờ lên tiếng sẽ trục xuất bất cứ những người nào không phải là da trắng, dù bất hợp pháp hay hợp pháp. Mà cũng chưa cấm cửa bất cứ ai không cho vào Mỹ hết. Chỉ là ra lệnh tạm ngưng cấp chiếu khán vào Mỹ trong 3 tháng cho dân từ 6 nước đang có chiến tranh loạn đả để cứu xét lại thủ tục thanh lọc chống khủng bố thôi, và tạm ngưng 4 tháng việc nhận di dân để duyệt xét lại tiêu chuẩn.

Trên thế giới này, tuyệt đối không có bất cứ một xứ nào mở toang cửa cho dân cả thế giới tự do ra vào hoàn toàn “vô tư thoải mái”, không cần giấy tờ gì hết. Tất cả những dân “undocumented” đều bị bắt và mau mắn trục xuất tại Pháp, Anh, Canada, Úc, hay Nhật,... Các xứ Đông Âu đang cấp bách xây hàng rào biên giới để cản làn sóng tỵ nạn Trung Đông. Như vậy sao lại chỉ trích TT Trump là kỳ thị? Hơn 200 tổng thống, thủ tướng khác có kỳ thị không? Khẩu hiệu “No Ban, No Wall” có lẽ sẽ đi vào lịch sử như khẩu hiệu chính trị ngu xuẩn nhất.

Cuộc tranh cãi về di dân lậu đã mang câu chuyện các “thành phố an toàn” cho di dân lậu –sanctuary cities- ra ánh sáng. Đây là các thành phố tìm cách giúp đỡ, che chở di dân lậu bằng cách không hợp tác với chính quyền liên bang truy lùng, giam giữ, và trục xuất di dân lậu. Chỉ là không hợp tác –như chính quyền địa phương không chỉ điểm cho liên bang, cảnh sát điạ phương không bắt, không giam- thôi, chứ không có quyền chống các cơ quan của chính quyền liên bang như FBI hay ICE đến bắt và trục xuất. Phong trào đang lan rộng khi tin mới nhất cho biết gần 500 thành phố đã tự ý xếp mình vào loại này. Chưa kể đã phát sinh ra những trường học an toàn, nhà thờ an toàn,...

Phải ghi cho rõ là chính quyền địa phương chỉ không hợp tác để bắt và trục xuất di dân lậu không phạm tội gì thôi, chứ nếu di dân lậu phạm tội thì cảnh sát địa phương vẫn bắt và truy tố ra tòa, đi tù như thường. Dù vậy, chuyện không hợp tác đã đưa đến những thảm hoạ lớn. Tại San Francisco, một di dân lậu bị bắt vì buôn ma tuý. Anh này đã phạm tội và bị trục xuất 5 lần, rồi cả 5 lần lại len vào lại. Lần cuối anh ta bị giam, liên bang yêu cầu thành phố San Francisco giữ anh ta cho đến khi ICE đến lãnh ra và trục xuất. Thành phố San Francisco nhân danh chính sách “thành phố an toàn”, bất hợp tác, thả anh ta ra ngay. Vài ngày sau, anh này vác súng đi bắn chết một phụ nữ trong một công viên. Gây công phẫn trên cả nước. Theo thăm dò của đại học Harvard, 80% dân Mỹ chống lại “thành phố an toàn”.

TT Trump đe dọa sẽ cắt hết mọi tài trợ của liên bang cho các khu an toàn này, trong khi một vài nơi đã thưa ngược lại chính quyền liên bang. Chúng ta chờ xem kết quả trận đấu.

Mới nghe thì câu chuyện sanctuary cities có vẻ như được đốc thúc bởi những động cơ cao cả nhất như tình người, lòng nhân đạo, truyền thống mở cửa đón di dân của nước Mỹ. Không ít người, nhất là giới trẻ dễ xúc động và nhiều lý tưởng, ủng hộ mạnh việc các thành phố can đảm đứng ra bảo vệ người di dân chống tay “độc tài kỳ thị” Trump. Trên thực tế, sự thật không hoàn toàn đẹp như vậy.

Trước khi đi xa hơn, một lần nữa, cần phải nhấn mạnh lại, ở đây ta bàn chuyện di dân bất hợp pháp và chuyện sanctuatry cities chỉ áp dụng cho di dân lậu, chứ không ai nói đến di dân hợp pháp. Ngay từ đó, ta đã thấy ngay việc thiết lập “khu an toàn” tự nó đã là hành động bất hợp pháp rồi. Trong lịch sử nhân loại, không kể tình trạng phiến loạn, chưa bao giờ có chuyện một địa phương nào đó công khai ra tuyên cáo sẽ bảo vệ những người phạm pháp chống lại luật cả nước. Một oái ăm chỉ có trong cái xứ oái ăm này.

Không ai chối cãi có nhiều người giàu lòng nhân đạo, muốn giúp đỡ di dân lậu, xúc động khi thấy TTDC đăng TT Trump có chính sách chia cắt gia đình khi bố hay mẹ hay cả hai bị trục xuất trong khi con cái sanh ở Mỹ được ở lại.

Dường như những người này đã đặt tình cảm không đúng chỗ. Vấn đề ở đây là di dân lậu là những người phạm tội, phải bị luật pháp xử lý theo đúng luật. Gia đình có bị ly tán thì đó là vì đã có người phạm luật. Lấy ví dụ cụ thể, một ông bố phạm tội, đi tù, bỏ lại vợ con ở nhà. Nhưng vậy có thể nói là quan toà đã chia cắt gia đình không? Có thể vì lý do “nhân đạo” không chia cắt gia đình, xí xoá tội của ông bố để ông bố phạm tội được ở nhà với vợ con không? Như vậy tất cả những người có gia đình đều tha hồ phạm tội mà không bị trừng phạt sao?

Hầu hết các thành phố an toàn này đều nằm gần biên giới Mễ, tại các tiểu bang Cali, Nevada, New Mexico, Arizona, Texas, nơi đại đa số cử tri là dân Mỹ gốc La-tinh, và một số khá lớn chính khách địa phương như dân biểu, nghị sĩ, thị trưởng,... cũng là dân Mỹ gốc La-tinh. Ngoài ra, vài thành phố lớn như Los Angeles, New York, Seattle, Chicago,... cũng đầy di dân lậu. Tại Los Angeles, người ta ước lượng có trên dưới 1 triệu di dân lậu. Gần 40% dân Cali là di dân gốc La-Tinh.

Bảo vệ khối di dân lậu dĩ nhiên là cách chắc chắn nhất kiếm phiếu trong tất cả các cuộc bầu bán địa phương. Trong những khu vực này, ai cũng hiểu chống di dân, kể cả chống di dân bất hợp pháp, là tự sát chính trị. Ở đây, chỉ là chuyện đếm phiếu cử tri, và những chính khách hô hoán chuyện nhân đạo hay bảo vệ hạnh phúc gia đình chỉ là những con buôn chính trị giả dối nhất.

Một khiá cạnh khác là kinh tế địa phương. Những khu vực “an toàn” này lệ thuộc khá nhiều vào khối di dân, lậu cũng như hợp pháp. Di dân lậu phần lớn làm việc trong ba khu vực: 1) xây cất nhà cửa, 2) dịch vụ như tiệm ăn, khách sạn, làm vườn, tài xế, vú em, và 3) canh nông giúp việc trồng trọt và gặt hái khi tới mùa.

Đặc biệt, tiểu bang Cali là nơi cần di dân lậu nhất. Theo nghiên cứu của đại học University of Southern California, di dân bất hợp pháp nói chung đóng góp hàng năm 130 tỷ đô cho kinh tế của tiểu bang. Nhân công bán thời bất hợp pháp chiếm khoảng 50% nhân lực canh nông –ngành trái cây- của Cali. Trong khi di dân lậu chiếm 15% nhân lực trong ngành xây cất. Hơn 30% nhân lực trong ngành dịch vụ là di dân lậu. Đuổi hết đám di dân lậu đi thì kinh tế Cali sẽ phá sản ngay. Cũng chẳng có gì liên quan đến nhân đạo hay phá vỡ gia đình.

xxx

Ở đây, kẻ viết này xin được bàn ra ngoài lề để trả lời câu hỏi của vài độc giả: khi có thẻ xanh, thì phạm tội gì sẽ bị rút thẻ xanh, không cho vào dân Mỹ, có thể bị trục xuất về VN? Như đã bàn, trên nguyên tắc, bất cứ phạm tội gì, nặng hay nhẹ, cũng có thể là lý do bị rút thẻ xanh. Tất cả do toà di trú quyết định, chứ không phải do TT Trump. Tất cả những việc như đi làm nail lãnh tiền mặt không khai thuế, khai gian hoàn cảnh gia đình để lãnh trợ cấp, cho thuê nhà/phòng “housing” không khai thuế, khai gian medicaid, medical, medicare, làm đám cưới giả, làm giấy đoàn tụ nhận họ hàng giả,... đều là phạm tội. Phần lớn quan tòa xí xoá những tội nhẹ cũng như châm chế vì nhiều yếu tố như hoàn cảnh gia đình, có công ăn việc làm tử tế, mối nguy bị chính quyền xứ gốc trừng phạt nếu bị trục xuất về xứ,... nhưng sẽ khó tha những tội hình sự, gia trọng, vi phạm từ nhiều năm qua. An toàn nhất là đừng phạm tội, đừng khai gian, làm giấy tờ giả, và nhất là đừng ỷ y khinh cảnh sát Mỹ ngu nên mình dư sức qua mặt họ. Nhìn vào những vụ xì tin bí mật của FBI, CIA thì biết Nhà Nước Mỹ có thể dễ dàng biết tất cả mọi chuyện chúng ta đang làm, từ điện thoại, email, tweet, chat với ai, khi nào, cho tới bật TV hay vào internet coi chương trình gì ngày nào.

Những khách du lịch hay du học sinh trốn ở lại không chịu về nước dĩ nhiên nếu bị bắt sẽ bị trục xuất ngay.

Với TT Trump, ta có thể tin chắc những vụ phạm pháp sẽ bị theo dõi và truy tố kỹ hơn. Nếu là nạn nhân thì đừng trách TT Trump kỳ thị mà hãy tự trách mình đã phạm tội.

Vũ Linh


TT Trump Làm Việc Như Thế Nào

...phe ta quậy tung như thể TT Trump sắp gửi tướng Lương Xuân Việt qua đánh Úc...


Cho đến nay, TT Trump là tổng thống đã gây ra tranh cãi nhiều nhất cũng như bị chống đối nhiều nhất trong lịch sử Mỹ. Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Trong bài về cuộc bầu cử năm con khỉ trên báo Xuân Việt Báo, viết từ trước bầu cử, kẻ này đã viết rõ ràng:

“... Hệ quả tất yếu là bất kể ai đắc cử, bà Hillary hay ông Trump cũng vậy, chỉ một ngày sau khi đắc cử đã thành tổng thống tân cử bị ghét nhất lịch sử, rồi sau khi tuyên thệ nhậm chức là bảo đảm sẽ lãnh mề đay vàng... tổng thống bị ghét nhất lịch sử Mỹ ngay lập tức.”

Khi bài này được viết, TT Trump đã làm việc được đúng 3 tuần. Quá sớm để có một nhận định đúng đắn, nhưng quá đủ để rất nhiều người có lý do đả kích ông như là đại họa lớn nhất của nhân loại, hay hoan hô ông như cứu tinh dân tộc Mỹ.

Rõ nét hơn cả là không khí chiến tranh cực nóng giữa TT Trump và phe đối lập là phe cấp tiến gồm có đảng DC, cử tri của bà Hillary, và... truyền thông dòng chính luôn (muốn viết TTDC cho đỡ tốn công đánh máy bằng hai ngón tay, nhưng bị độc giả khiếu nại, đành phải chịu!).

Đúng ra, ghép truyền thông, bất kể dòng chính hay dòng phụ, vào khối đối lập nghe hơi quá đáng. Truyền thông trên nguyên tắc phải đóng vai trò tứ quyền, đứng ngoài tam quyền là Hành Pháp, Lập Pháp, và Tư Pháp, để báo cáo lại cho dân những việc làm của tam quyền, để người dân có đủ hiểu biết thực thi quyền làm chủ của mình mỗi khi đi bầu bán. Nhưng thực tế của vài năm qua, nhất là của vài tháng qua đã cho thấy truyền thông dòng chính đã từ bỏ vai trò thông tin trung lập từ lâu rồi, để biến thành những “chiến sĩ bảo vệ thành trì cấp tiến” bằng mọi giá.

Tất cả các quyết định của TT Trump, nhất là quyết định hoãn cấp chiếu khán vào Mỹ 90 ngày cho công dân từ một số nước Trung Đông để tăng cường biện pháp thanh lọc, đã bị bóp méo để đánh tơi bời lá thu, cho dù những xứ này đều đã được TT Obama xếp loại vào khối những xứ cần quan tâm vì đe dọa khủng bố, và cho dù khi TT Obama xếp loại và tăng cường biện pháp thanh lọc thì “phe ta” nín thinh, không có ông thống đốc DC nào thưa kiện, không báo nào tung tin lên trang nhất, không có đài TV nào có phóng sự đặc biệt, không ai coi đó là kỳ thị gì hết. Nếu đó không phải là phe đảng thì khi nào mới là phe đảng?

Bây giờ “phe ta” lại thêm cách phá mới, từ nhân viên Nhà Nước do TT Obama để lại, chưa kịp thay thế.

TT Trump nói chuyện điện thoại với quốc trưởng các nước khác. Những câu chuyện thân thiện vui vẻ thì không ai biết, nhưng những câu chuyện kém vui, như tranh cãi về chuyện nào đó, như đối thoại với TT Mễ hay thủ tướng Úc, thì ngay hôm sau, CNN nhận được nguyên văn biên bản toàn bộ cuộc nói chuyện để mau mắn phổ biến cho công chúng, gây bối rối cho TT Trump ngay. Có nghiã là các viên chức Tòa Bạch Ốc chưa bị tân TT Trump thuyên chuyển đã xì hết biên bản cuộc nói chuyện cho truyền thông đói tin để đánh ông. Nói lên rõ ràng tư cách đáng ngờ của những viên chức DC: đảng quan trọng hơn quốc gia, đánh Trump là ưu tiên số một bất cần hậu quả. Đằng nào thì họ cũng sắp mất job hết rồi, đánh cho bõ ghét.

Ở đây, có chuyện lạ đáng biết. Úc có chính sách mang các dân tỵ nạn Hồi từ Bangladesh và Miến Điện [dân Hồi, gọi là Rohingya, sống tại Miến Điện bị chính quyền Miến “áp bức”] chạy trốn bằng thuyền qua Úc, bị bắt ngoài khơi Úc, mang nhốt vĩnh viễn tại vài đảo của Úc, không cho vào đất Úc [không biết truyền thông bên Úc có tố thủ tướng Úc kỳ thị Hồi giáo không?]. Trước khi mãn nhiệm, TT Obama nói chuyện với thủ tướng Úc, và nhận đâu hơn 1200 người vào Mỹ. Một trong những hành động bám víu giờ chót. TT Trump thấy chuyện lạ, bàn thảo với thủ tướng Úc. Hai bên cãi nhau. TT Trump tìm cách không nhận đám tỵ nạn này. Úc phản đối, cho là Mỹ đã có cam kết của TT Obama. Cuộc nói chuyện bị xì ra. Truyền thông dòng chính làm rùm beng “TT Trump sỉ vả thủ tướng Úc!!!”. Chẳng ai rõ hai bên nói với nhau những gì, chỉ biết sau đó thủ tướng Úc nói “không có cãi nhau gì hết, chỉ là thảo luận thêm vài chi tiết, TT Trump tôn trọng quyết định của vị tiền nhiệm”, và TT Trump “cám ơn thủ tướng Úc đã làm sáng tỏ vấn đề, và xác nhận Mỹ sẽ nhận đám dân đó”. Chỉ có vậy, nhưng phe ta quậy tung như thể TT Trump sắp gửi tướng Lương Xuân Việt qua đánh Úc vậy.

Câu chuyện nói lên một điểm, là quyết định lạ lùng của TT Obama: tại sao Mỹ lại phải nhận dân tỵ nạn bất hợp pháp mà Úc xua đuổi? Không biết dân Úc và báo Úc có sỉ vả Trump kỳ thị, ra sắc lệnh cấm dân tỵ nạn không nhỉ? TT Trump cho đây là quyết định “ngu xuẩn” của TT Obama.

Không may cho “phe ta” là họ lại đụng ngay một thứ Trương Phi không biết e lệ hay run sợ là gì, thẳng tay trả đòn, cũng bất cần hậu quả luôn. TT Trump không ngại dùng các phương tiện truyền thông đi thẳng vào quần chúng để bày tỏ phản ứng ngay.

Nhiều người cho rằng tổng thống mà tối ngày đấm đá qua Twitter coi bộ không tư cách chút nào. Có thể, nhưng cái cách đi thẳng vào quần chúng đã chứng tỏ rất hiệu nghiệm đưa ông đến thắng cử, tại sao bây giờ lại không tiếp tục sử dụng?

Bỏ qua chuyện đấm đá phe cánh, ta nhìn qua các quyết định để xem TT Trump là người như thế nào.

Trước hết, nói về cách làm việc: ông tổng thống này không... đi, mà là chạy bạt mạng. Chỉ trong hai tuần đầu, ông đã ra gần hai chục pháp lệnh và cả chục ký chú. Từ rút ra khỏi TPP đến chuẩn bị xây tường tại biên giới Mễ, cứu xét việc liên bang cắt tiền trợ cấp cho các khu bảo vệ di dân lậu (sanctuary areas), nghiên cứu thu hồi hay sửa đổi Obamacare, đóng băng số lượng công chức, cứu xét thu hồi luật tài chánh Dodd-Frank, nghiên cứu cắt giảm thủ tục hành chánh, đề cử cả mấy chục nhân viên nội các và ban tham mưu, thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, quyết định về di dân,... Chưa kể nói chuyện điện thoại với cả chục quốc trưởng, tiếp kiến thủ tướng Anh, Nhật, Canada,... Nhân viên chính quyền mới làm việc muốn tắt thở. Phe đối lập đánh không xuể.

Phải nhìn nhận, đây là điều có thể đáng mừng vì ít ra ông tổng thống này có vẻ sẽ làm việc nhiều hơn là “mượn” tiền thuế của dân đi tắm biển Hawaii hay đi đánh gôn ở Massachusetts. Nhưng việc ông tổng thống này chạy như bay cũng đáng lo ngại. Chuyện quốc sự trọng đại có hậu quả lớn mà ông lấy quyết định quá nhanh, có thể đưa đến tình trạng thiếu cân nhắc chín chắn, quyết định bốc đồng. Có khi sẽ rất nguy hiểm. Tổng thống bấm twitter nhanh không sao, cùng lắm bấm bậy, bị chửi, xin lỗi là huề. Nhưng bấm nút hộp mã số bom nguyên tử quá vội thì nguy to cho cả thế giới, trong đó có cả những người ủng hộ ông đấy.

Nhiều lần TT Trump đã bị bắt buộc phải de lui vì quyết định của ông trên thực tế không thực hiện được, hay vì bị chống đối quá mạnh.

Việc de lui đối với mấy tổng thống khác có thể là chuyện mất mặt, mất uy tín, nhưng với ông Trump này thì mang ý nghiã rất khác. Có thể là do cố tình. Ta đừng nên quên ông Trump là một nhà kinh doanh. Có thể làm chính trị đối với ông cũng chẳng khác nào đi... buôn bán. Ra giá cao rồi ngả giá xuống thấp? Như ông muốn bán món hàng 10 đô, thì ra giá 20 đô, kỳ kèo qua lại, giá cuối được định ở mức 11-12 đô, thế là ông vẫn được giá cao hơn ông muốn. Còn hơn là muốn giá 10 đô, ra giá 10 đô, kỳ kèo xuống còn 8 đô, thế là lỗ ngay 2 đô. Người ta đoán với TT Obama thì khác xa, ông muốn 10 đô, ra giá 5 đô, rồi bán 2 đô, thế là vui rồi. Không tin cứ xem cuộc thương lượng trao đổi 5 tù nhân lãnh đạo Taliban với một anh lính đào ngũ bị Taliban bắt.

TT Trump rất nhiều lần đã bị trách đi quá xa. Nhưng hình như đó chính là mô thức hành động của ông. Ông cố tình đi thật xa, rồi de lui khi cần, để thử xem mình có thể đi được tới bao xa.

Như chuyện xây bức tường biên giới Mễ. Ông hùng hổ tuyên bố bắt Mể trả tiền bằng cách tăng thuế hàng nhập của Mễ lên 20%. Rồi sau đó, lại nói đó có thể là một trong những cách tài trợ mà ông đang nghiên cứu, có thể thuế thấp hơn, hay có cách khác. Rõ ràng là ông đã tung ra giá cao nhất. Giá cuối cùng ra sao, chưa ai biết.

Hay qua vụ pháp lệnh tạm cấm di dân. Ông tung ra lệnh khắt khe nhất, bị chống đối kịch liệt, bây giờ cò cưa, chưa ai biết cuối cùng sẽ ra sao.

Thuần tuý trên phương diện luật pháp, kẻ này không phải là luật sư, chẳng thể hồ đồ nói bừa bên nào hợp pháp. Nhưng lại thấy bất thình lình có nhiều người tuy tiếng Anh chưa thông nhưng đã thành siêu chuyên gia luật, thao thao đả kích TT Trump vi phạm Hiến Pháp, vượt quá quyền hạn của tổng thống. Chắc trước khi đả kích cũng có đọc vội lại Cẩm Nang Nhập Quốc Tịch Mỹ nên hiểu rất rõ khúc mắc này, hiểu hơn cả các siêu luật gia cố vấn cho TT Trump.

Dù mù tịt về luật, nhưng ngay từ đầu, kẻ này nhìn vào các vị thẩm phán thì có thể đoán ngay TT Trump thua là cái chắc. Tại toà Seattle, ông chánh án James Robart trước đây là luật sư chuyên tình nguyện xét xử các vụ tỵ nạn miễn phí –pro bono- vì ủng hộ họ. Lên đến cấp tòa phá án, thì tòa phá án khu vực 9 District này nổi tiếng là toà cấp tiến nhất trong hệ thống tòa phá án Mỹ, trụ sở tại San Francisco, là nơi bà Hillary đã thu được 86% phiếu so với 9% của ông Trump. Trong khu vực tòa phá án này có tất cả các tiểu bang cấp tiến miền Tây đã bỏ phiếu cho bà Hillary: Washington State, Oregon, Cali, New Mexico, Nevada. Bây giờ cho dù lên đến Tối Cao Pháp Viện, thì kẻ này cũng tiên đoán TT Trump cũng vẫn thua vì ít nhất đã có 4 thẩm phán cấp tiến tại đây. Cùng lắm thì sẽ chỉ đạt được số phiếu 4-4, và như vậy quyết định của tòa cấp dưới vẫn có hiệu lực. Theo báo chí, TT Trump có ba bốn biện pháp có thể làm, kẻ này cũng chỉ biết vậy, miễn bàn thêm.

“Phe ta” khi quyết định thưa TT Trump đã lựa chọn tiểu bang Washington, chính vì ông quan tòa Robart này cho dù Washington State chỉ có lác đác vài ngàn người Hồi giáo và biện pháp của TT Trump chẳng ảnh hưởng một ly ông cụ nào đến tiểu bang này hết. Và TT Trump cũng đã biết trước sẽ thua rồi, nên mới đả kích quan tòa ngay từ khi chưa có quyết định của tòa phá án.

Vụ này chẳng đơn giản. Một quan tòa tại Boston phán quyết khác hẳn quan toà Seattle, chấp nhận quyết định của TT Trump. Nghiã là sao? Tóm lại là Yes hay No?

Những người nào ăn mừng việc TT Trump thua kiện nên cẩn thận. Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu.

Cho dù tòa án ngăn được lệnh tạm cấm của TT Trump, thì ông và phe CH trong quốc hội có thể sẽ cho ra nhanh hơn những luật mới ngăn ngừa khủng bố hoàn toàn hợp hiến. Hay ngược lại, cũng có thể chẳng làm gì nữa vì đã đạt được ý nguyện.

Có được luật mới khắt khe hơn là ông thắng. Không có được thì pháp lệnh của ông đã là cái áo giáp thủ thân tuyệt hảo, đỡ đạn cho ông nếu có khủng bố đánh vì khi đó, chẳng ai có thể đổ lỗi cho ông ta là đã không bảo vệ nước Mỹ. Trái lại, đó sẽ là lúc ông chiả tay vào truyền thông dòng chính, đám dân biểu tình, các dân biểu, nghị sĩ DC, và các quan toà: “Ơ hay, các vị trói tay tôi không cho tôi cấm cửa mấy tay khủng bố này, bây giờ khiếu nại gì nữa?” Khi đó sẽ là lúc “phe ta” giảng giải rằng thì là mà, tự bào chữa mệt nghỉ. Nếu vụ khủng bố tấn công đó xẩy ra gần ngày bầu cử 2018 hay 2020 thì DC sẽ thấy hậu quả ngay.

Toàn bộ câu chuyện có vẻ như cái bẫy của TT Trump cài ra cho khối cấp tiến.

Dù sao thì phe chống đối đã không lương thiện khi cố tình tố TT Trump kỳ thị cấm cửa di dân Hồi, rồi la hoảng chuyện TT Trump có thể trục xuất cả dân tỵ nạn Việt để hù dọa thiên hạ. Cả hai tin đều là … fake news.

Bây giờ ta nhìn qua việc bổ nhiệm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện. Đây là việc cực kỳ hệ trọng vì các vị này đều được bổ nhiệm vĩnh viễn tới chết hay tới khi tự ý từ chức.

TCPV trước đây tương đối cân bằng với 4 vị cấp tiến, 4 vị bảo thủ và 1 vị lửng lơ cá vàng: 4-4-1. Năm ngoái, vài tháng trước ngày bầu cử thì một vị bảo thủ bất ngờ qua đời. TCPV nghiêng ngay qua phe cấp tiến: 4-3-1. TT Obama đề cử một ông cấp tiến, hy vọng cán cân nghiêng qua cấp tiến thêm nữa: 5-3-1. Thượng nghị sĩ Mitch McDonnell, với tư cách lãnh đạo khối đa số CH, nhất định không mang việc phê chuẩn vào nghị trình để lấy quyết định. Ông lập luận bổ nhiệm thẩm phán mới, vài tháng trước bầu cử là không công bằng với tân tổng thống bất kể là bà Hillary hay ông Trump, đặt vị này trước chuyện đã rồi. Dĩ nhiên là đằng sau lý luận này, cũng có lý do thầm kín hy vọng ông Trump thắng và một thẩm phán bảo thủ sẽ lọt vào TCPV.

Bây giờ ông Trump thắng, đề cử ông Neil Gorsuch.
Ông này được ngay toàn thể khối bảo thủ và CH hoan nghênh cả hai tay. Ông Gorsuch sẽ tái lập cân bằng 4-4-1. Chẳng những vậy, ông này lại còn là trẻ nhất, 49 tuổi, bảo đảm sẽ ngồi trong TCPV ít ra 30 năm.

Khối cấp tiến lo sót vó. TCPV có ba vị thẩm phán đã qua tuổi bát tuần, kể cả cái ông lửng lơ cá vàng. Ông Trump ngồi 4 năm trong Toà Bạch Ốc có nhiều triển vọng sẽ bổ nhiệm thêm 2 hay 3 vị thẩm phán nữa, và cán cân sẽ chuyển qua phiá bảo thủ, 5-4, hay 6-3, hay thậm chí 7-2 luôn không chừng. Với tỷ lệ áp đảo như vậy, tất cả các luật cấp tiến đều có thể bị thu hồi hết, như Obamacare, hôn nhân đồng tính, phá thai, luật bình đẳng cơ hội affirmative action,... Mà toàn là những thẩm phán mới, trẻ, sẽ ngồi tại TCPV mấy chục năm nữa. Đó là hệ quả quan trọng nhất, có tác dụng qua cả thế hệ tới của cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.

Mà kinh hãi hơn cả, là phe DC nếu không chiếm lại được Thượng Viện thì sẽ chỉ bó tay ngồi nhìn, không cản được.

DC có hy vọng chiếm đa số lại tại Thượng Viện vào cuộc bầu tới, năm 2018 không? Dĩ nhiên mọi chuyện sẽ tùy thuộc TT Trump làm việc ra sao trong hai năm tới. Nếu quá bết, bị chống đối quá mạnh thì DC có hy vọng chiếm lại đa số. Nhưng bình thường thì hơi khó, nhất là khi năm 2018, 23 thượng nghị sĩ DC sẽ phải ra tranh cử lại, trong đó có 10 vị trong các tiểu bang đã bầu cho ông Trump. Bên CH, chỉ có 8 nghị sĩ phải ra tranh cử lại, tất cả đều tại những tiểu bang đã bầu cho ông Trump, tương đối an toàn. Các chuyên gia ước lượng DC có thể sẽ mất một chục ghế, đưa đến thế đa số tuyệt đối trên 60 cho CH, làm sao có chuyện DC chiếm lại đa số?

Qua cách đối xử với đối lập DC, với truyền thông dòng chính, và với khối dân chống đối, rõ ràng là TT Trump chẳng có một cố gắng nào để xoa dịu chống đối gì hết. Trái lại, tìm mọi cách để khiêu khích họ thêm, khiến họ chống đối mạnh hơn nữa, dồn họ vào chân tường chống đối để lộ mặt là một khối quá khích cực đoan chỉ biết nhắm mắt đánh phá, không hơn không kém. Cả nước sẽ thấy tổng thống làm việc và đối lập đập phá.

Nhiều người nghi ngờ cách hành xử này. Nhưng họ quên là ông Trump này, trước sau vẫn như một, từ ngày ông ra tranh cử trong nội bộ đảng CH cho đến nay, chẳng hề thay đổi chút nào hết. Ông chuyên môn khiêu khích, chọc giận thiên hạ. Mỗi lần có chuyện, cả nước lại lớn tiếng “xong rồi, ông Trump tiêu đời rồi”. Để rồi mỗi lần lại thấy hậu thuẫn của ông tăng lên thêm.

Trong kỹ thuật quản lý kinh doanh, có một trường phái gọi là “quản lý bằng xung đột” –management by conflict-, tức là quản lý qua việc tạo xung đột tứ tung, xung đột ban quản trị với nhân viên, ngay cả nhân viên với nhân viên, công ty với người ngoài,... Kết quả thường là nhất chín nhì bù. Ứng viên Trump áp dụng chiêu này, đại thắng trong cuộc bầu cử. Nhưng bây giờ, tổng thống Trump áp dụng, chưa ai biết kết quả sẽ như thế nào. Một là TT Trump sẽ là một trong những tổng thống vĩ đại nhất của Mỹ, hai là ông sẽ bị đàn hạch mất job, đi vào lịch sử, làm bạn với TT Nixon.

Nếu thực sự đây là sách lược của TT Trump mà phe đối lập không nhìn thấy hay không hiểu để mà thay đổi sách lược đối phó, cứ vùi đầu vào chống đối vô điều kiện, thì chỉ sợ là họ sẽ mắc bẫy của ông Trump và tự hủy diệt thôi. (12-02-17)

Vũ Linh

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện