Tin khắp nơi – 25/06/2017

Tin khắp nơi – 25/06/2017

Trump cáo buộc Obama vụ ‘Nga can thiệp’

Tổng thống Donald Trump cáo buộc người tiền nhiệm Barack Obama đã không có hành động khi biết Nga ‘can thiệp’ vào cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016.
Ông Trump nói ông Obama đã biết rõ trước cuộc bỏ phiếu ngày 8/11 về việc Nga ‘can thiệp’ và ‘không làm gì cả’.
Chính quyền Obama biết từ lâu trước ngày 8/11về việc Nga can thiệp vào bầu cử. Không làm gì cả. TẠI SAO?Tổng thống Trump trên Twitter
Những bình phẩm của ông đưa ra sau khi một bài báo trên tờ Washington Post nói ông Obama đã biết tin vào tháng Tám năm ngoái về “sự liên quan trực tiếp” của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Việc Nga được cho là có ‘can thiệp’ này là chủ đề của nhiều cuộc điều tra cấp cao ở Hoa Kỳ.
Tổng thống Putin đã nhiều lần phủ nhận bất kỳ sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.
Bài báo Washington Post nói ông Obama đã được những nguồn tin ở sâu trong chính phủ Nga cho biết vào đầu tháng Tám năm ngoái rằng ông Putin đã trực tiếp tham gia vào một chiến dịch không gian mạng để phá vỡ cuộc bầu cử, gây tổn thương cho Hillary Clinton và giúp đỡ chiến thắng của Trump.
Tờ báo nói rằng ông Obama đã bí mật thảo luận về hàng chục phương án trừng phạt Nga nhưng cuối cùng đã chọn giải pháp bằng những gì được gọi là các biện pháp mang tính tượng trưng – trục xuất 35 nhà ngoại giao và đóng cửa hai cơ sở của Nga. Các động thái xảy ra vào cuối tháng Mười Hai, rất lâu sau cuộc bầu cử.
Obama quan ngại gì?
Washington Post cho hay ông Obama quan ngại rằng bản thân ông có thể bị xem như đang cố gắng tác động vào cuộc bầu cử.
Bài báo trích lời một viên chức của chính quyền tiền nhiệm nói rằng đã có ‘cảm giác’ trong giới quan chức và nhân viên về an ninh quốc gia rằng ‘chúng ta đã làm hỏng chuyện này’.
Các biện pháp mà ông Obama đã xem xét nhưng không đưa ra hành động bao gồm việc đưa vũ khí không gian vào cơ sở hạ tầng của Nga và công bố các thông tin cá nhân gây tổn hại cho ông Putin.
Ông Trump viết trên Twitter vào hôm thứ Sáu:
Nếu ông ta có thông tin, tại sao ông ta không làm điều gì đó? Lẽ ra ông ta phải làm điều gì đó về việc ấy. Nhưng bạn đã không thấy thế. Thật buồnTổng thống Trump trên Twitter
“Chính quyền Obama biết từ lâu trước ngày 8/11về việc Nga can thiệp vào bầu cử. Không làm gì cả. TẠI SAO?”
Ông tiếp tục viết tiếp trên Twitter hai thông điệp nữa vào ngày thứ Bảy, một thông điệp trong đó viết: “Quan chức chính quyền Obama nói họ “nghẹn ngào” khi phải hành động về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử. Họ không muốn làm tổn thương Hillary chăng?”
Ông Trump lặp lại lập luận này trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Fox News, dự kiến được phát sóng vào Chủ nhật.
“Nếu ông ta có thông tin, tại sao ông ta không làm điều gì đó? Lẽ ra ông ta phải làm điều gì đó về việc ấy. Nhưng bạn đã không thấy thế. Thật buồn”.
Các cáo buộc về sự thông đồng giữa ê-kíp vận động của ông Trump và giới chức Nga trong cuộc bầu cử đã ‘phủ bóng’ năm tháng đầu của ông Trump trên ghế tổng thống.
Ông đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc, gọi các cuộc điều tra là “khủng bố chính trị”.
Các nhà điều tra Mỹ đang xem xét liệu tin tặc không gian mạng của Nga có nhắm tới các hệ thống bầu cử của Mỹ để giúp ông Trump giành chiến thắng hay không.
Truyền thông Hoa Kỳ nói cố vấn đặc biệt Robert Mueller cũng đang điều tra ông Trump vì có thể đã cản trở công lý theo các yêu cầu của Nga.
Các cản trở bị điều tra có thể liên quan đến việc tổng thống đã sa thải Giám đốc FBI ông James Comey, người từng lãnh đạo một trong các cuộc điều tra, và nỗ lực được cho là của ông Trump nhằm chấm dứt cuộc điều tra nhắm vào cố vấn an ninh quốc gia bị sa thải Michael Flynn.

Trump: Ít lựa chọn trong việc bãi bỏ Obamacare

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói ông và những người cùng đảng Cộng hòa ở Thượng viện đang đứng trước rất ít lựa chọn trong nỗ lực dài bảy năm của họ nhằm đại tu các cải cách chăm sóc sức khoẻ tầm quốc gia do cựu Tổng thống Barack Obama thúc đẩy.
Trong một cuộc phỏng vấn phát sóng hôm 25/6 trên Fox News, ông Trump nói: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ đi đến điều đó”, nhưng ông thừa nhận rằng để “chọn ra một kế hoạch mà mọi người đều sẽ thích” là một con đường phức tạp trong những ngày tới.
Nhưng ông cho rằng nếu không thay đổi chính sách chăm sóc sức khoẻ của Hoa Kỳ, người ta sẽ thấy sự sụp đổ của đạo luật vẫn thường được gọi là Obamacare.
Các nhà lãnh đạo Thượng viện dự định sẽ bỏ phiếu vào 29/6 về dự luật theo đó chấm dứt việc yêu cầu người Mỹ mua bảo hiểm sức khoẻ nếu không sẽ bị phạt, có lộ trình cắt giảm trợ cấp liên bang để giúp người có thu nhập thấp mua bảo hiểm, giảm thuế đối với người giàu và cắt hàng trăm đôla tài trợ trong vài năm tới cho chương trình chăm sóc sức khoẻ của chính phủ dành cho người nghèo và người tàn tật.
Nhưng đảng Cộng hòa chỉ giữ thế đa số 52-48 tại Thượng viện, trong khi có dự báo là tất cả các đảng viên Dân chủ sẽ bỏ phiếu chống lại đề xuất của đảng Cộng hòa.
Điều đó có nghĩa là những người đảng Cộng hòa chỉ có thể để mất hai phiếu, và Phó Tổng thống Mike Pence sẽ bỏ phiếu quyết định nếu hai bên chia nhau số phiếu 50-50 tại Thượng viện.

Các thành phố Mỹ đắt đỏ có nhiều người vô gia cư hơn

Nạn vô gia cư đang gia tăng ở Los Angeles. Tại quận hạt Los Angeles, số người vô gia cư đã tăng 23%, lên gần 58.000 người.
Lạm dụng chất gây nghiện là một trong những nguyên nhân của nạn vô gia cư. Một số nguyên nhân khác là bạo lực gia đình, hay khuyết tật về thể chất và thần kinh. Tuy nhiên, nguyên nhân thậm chí còn lớn hơn là các yếu tố kinh tế.
Peter Lynn, giám đốc điều hành của Sở Dịch vụ Người Vô gia cư Los Angeles, cho biết: “Khi nền kinh tế tăng tốc, khả năng chi tiêu tăng lên và chảy vào thị trường thuê nhà, và làm giá tiền thuê nhà tăng”. Ông nói thêm: “Giá thuê tăng lên 100 đôla, 200 đôla một tháng. Thu nhập của nhiều người không theo kịp tốc độ đó”.
Dữ liệu từ Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị Hoa Kỳ về giai đoạn 2015-2016 cho thấy nạn vô gia cư giảm 3% trên cả nước, nhưng đồng thời, số người vô gia cư tăng lên tại 13 trong số 50 bang và thủ đô nước Mỹ.
California là một trong 13 tiểu bang này, và bang có lượng người vô gia cư thuộc vào hàng cao nhất trong nước.
Để giảm số người vô gia cư, một phương pháp tiếp cận được Los Angeles và các nơi khác ở Mỹ áp dụng. Đó là mô hình Nhà ở trước hết.
Những chương trình này đưa những người vô gia cư vào ở lâu dài trong các khu nhà mà không yêu cầu họ dự các lớp học làm cha mẹ hoặc không bị nghiện.
Những người cổ xúy nói rằng bằng cách tập trung vào việc giải quyết vấn đề nhà ở mà không cần điều kiện tiên quyết, người ta có thể giải quyết tốt hơn các vấn đề khác trong cuộc sống của họ.

Mỹ đưa Miến Điện khỏi danh sách tuyển mộ lính trẻ em

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson dự kiến sẽ đưa Miến Điện và Iraq khỏi danh sách của Mỹ về các nước sử dụng binh sĩ trẻ em, bất chấp khuyến nghị của các chuyên gia và các nhà ngoại giao cấp cao.
Theo Reuters, quyết định mà ba quan chức Mỹ đã xác nhận này sẽ phá vỡ thông lệ lâu nay tại Bộ Ngoại giao Mỹ về cách thức xác định những nước vi phạm, và có thể dẫn tới các cáo buộc cho rằng chính quyền của Tổng thống Trump đặt các lợi ích về ngoại giao và an ninh lên trước nhân quyền.
Các quan chức ngoại giao nắm rõ sự việc được trích lời nói rằng ông Tillerson đã làm ngơ các đánh giá của của nhân viên về việc sử dụng binh lính trẻ em tại hai nước trên, cũng như bác bỏ các đề xuất của các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ ở châu Á và Trung Đông, những người vẫn muốn giữ Miến Điện và Iraq trong danh sách.
Ba quan chức Mỹ được Reuters trích lời nói rằng ông Tillerson cũng phản bác một đề xuất trong nội bộ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về việc đưa Afghanistan vào danh sách.
Mọt quan chức nói rằng các quyết định được đưa ra sau áp lực của Bộ Quốc phòng Mỹ về việc tránh làm phức tạp việc hỗ trợ quân đội Iraq và Afghanistan, các đồng minh thân thiết của Mỹ trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo.
Các nước trong danh sách có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt, trong đó có việc cấm nhận viện trợ quân sự của Mỹ.
Các quan chức nhân quyền bày tỏ ngạc nhiên về việc Miến Điện và Iraq được đưa khỏi danh sách. Quyết định dự kiến sẽ được công bố vào ngày 27/6.

Mỹ: Xả súng ở Florida, 5 người thương vong

Cảnh sát cho biết rằng họ đang truy tìm nghi can xả súng tại một bữa tiệc lớn tại một khu dân cư ở Fort Lauderdale, Florida.
Vụ việc xảy ra sáng sớm ngày 24/6 làm một người đàn ông thiệt mạng và khiến bốn người khác bị thương.
Năm người đàn ông độ tuổi từ 16 tới 27 đã trúng đạn trong khi tới tham dự một buổi tiệc lớn của khu dân cư, Reuters dẫn lời cảnh sát địa phương cho biết như vậy.
Theo phát ngôn viên của cảnh sát, một người đàn ông 22 tuổi tử vong ngay tại hiện trường.
Trong khi đó, bốn nạn nhân khác đã được đưa tới một bệnh viện ở địa phương nhưng chấn thương không đe dọa tới tính mạng.
Đây là vụ xả súng mới nhất tại Hoa Kỳ, nơi thường xảy ra các vụ bắn giết làm nhiều người chết hàng năm.

Máy bay trinh sát Úc giúp Philippines chống IS

Các quan chức quốc phòng ở Canberra nói chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan lan rộng ở khu vực Đông Nam Á tạo ra mối đe dọa trực tiếp đến các lợi ích của Úc. Chính phủ nước này sẽ điều hai máy bay trinh sát AP-3C Orion để giúp lực lượng Philippines xác định vị trí các phần tử vũ trang ở thành phố Marawi, nơi chúng đã chiếm hồi cuối tháng 5.
Khoảng 400 người, chủ yếu là phiến quân Hồi giáo, đã chết kể từ khi cuộc vây hãm bắt đầu. Một ngàn thường dân bị cho là đang mắc kẹt trong thành phố. Người ta sợ rằng một số người bị bắt làm lá chắn sống các lực lượng Philipin tiến quân. Hàng chục ngàn cư dân khác đã bị mất nơi ở.
Một phát ngôn viên của quân đội Philippin cho hay, các máy bay trinh sát của Australia sẽ giúp xử lý chủ nghĩa cực đoan trên đảo Mindanao, một hòn đảo với 22 triệu người ở miền nam Philippines, nơi các kẻ ly khai và các nhóm bắt cóc đã hoạt động trong nhiều thập kỷ.

Ông Tập Cận Bình tới Hong Kong

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Hong Kong từ ngày 29/6 tới 1/7 để đánh dấu 20 năm ngày đặc khu hành chính này được Anh trao trả cho Bắc Kinh.
Hong Kong được trao lại cho đại lục vào ngày 1/7/1997 và hoạt động độc lập ở mức cao theo phương thức “một đất nước, hai chế độ”.
Theo Reuters, chuyến thăm của ông Tập diễn ra trong bối cảnh có nhiều người Hong Kong cho rằng Trung Quốc đang ngày càng can thiệp vào công việc nội bộ của thành phố này, nhất là việc điệp viên từ đại lục tới bắt cóc các chủ cửa hàng sách chuyên bán tài liệu chỉ trích Bắc Kinh.
Trong khi có mặt ở Hong Kong, ông Tập dự kiến sẽ chủ trì buổi lễ nhậm chức của tân lãnh đạo đặc khu này.
Ngay sau khi Chủ tịch Tập về đại lục, một cuộc biểu tình thường niên đòi nền dân chủ thực sự cho Hong Kong sẽ diễn ra vào chiều ngày 1/7.
Một cuộc thăm dò ý kiến 120 thanh niên Hong Kong ở độ tuổi từ 18 tới 29, công bố hôm 20/6, cho biết rằng chỉ có 3,1% số đó tự nhận mình là “công dân Trung Quốc” hay “dân Trung Quốc nói chung”.
Theo Reuters, đây là mức thấp kỷ lục. Nơi được coi là trung tâm tài chính của châu Á từng rúng động vì các cuộc biểu tình đòi dân chủ do thanh niên lãnh đạo.

Trung Quốc dàn xếp thỏa thuận giữa Pakistan và Afghanistan

Trung Quốc làm trung gian để Pakistan và Afghanistan đạt thỏa thuận thiết lập một “cơ chế quản lý khủng hoảng” song phương để tránh bị đứt liên lạc và tiếp xúc với nhau trong trường hợp có các cuộc tấn công khủng bố ở cả hai bên đường biên giới dài giữa hai nước.
Ba nước cũng đã đồng ý thiết lập một diễn đàn đối thoại ba bên cấp ngoại trưởng, cho phép Bắc Kinh quan sát tiến bộ hướng tới bình thường hoá quan hệ an ninh của Kabul với Islamabad vốn đầy nghi kị và thúc đẩy hợp tác kinh tế.
Những diễn biến này đã được công bố hôm 25/6 khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kết thúc chuyến đi hòa giải dài hai ngày tới Afghanistan và Pakistan.
Những nỗ lực ngoại giao của Bắc Kinh diễn ra khi mối quan hệ giữa hai nước láng giềng đã xấu đi trong hai năm qua. Trong thời gian đó, cả hai đều cáo buộc lẫn nhau về tài trợ các cuộc tấn công khủng bố vào đất của nhau.
“Cơ chế quản lý khủng hoảng” sẽ giúp hai bên có thể duy trì trao đổi thông tin kịp thời và hiệu quả trong trường hợp khẩn cấp, bao gồm cả các cuộc tấn công khủng bố, cho phép hai bên giải quyết các vụ việc thông qua đối thoại và tham vấn, theo tuyên bố của ông Vương Nghị trong một cuộc họp báo cùng với cố vấn chính sách đối ngoại của Pakistan, Sartaj Aziz.

140 người chết trong vụ nổ xe chở dầu ở Pakistan

Các quan chức ở Pakistan nói một xe tải chở dầu bị lật bùng cháy hôm 25/6, làm chết ít nhất 140 người đã đổ xô đến hiện trường để hôi chỗ dầu bị rò rỉ. Nhà chức trách nói khoảng 80 người bị thương trong vụ nổ và nhiều người trong số họ đang trong tình trạng nguy kịch.
Tài xế đã mất điều khiển xe chở dầu khi xe đang đi trên xa lộ chính từ thành phố cảng phía nam Karachi tới Lahore, thủ phủ tỉnh Punjab.
Cảnh sát trưởng của vùng, Raja Riffat, nói khi xe chở bị lật, “những người dân ở làng Ramzanpur Joya gần đó đã đổ xô đến khu vực này cầm theo xô và các vật chứa khác, và một lượng lớn người đi xe máy cũng đến và bắt đầu hứng, vét chỗ nhiên liệu bị đổ ra”.
Chưa rõ nguyên nhân nào khiến xe chở dầu bùng nổ.
Tai họa xảy ra vào đêm ngay trước lễ Eid al-Fitr, đánh dấu kết thúc tháng chay Ramadan. Các con đường thường đông người vào thời điểm đó khi nhiều người đi gặp gia đình trong ngày lễ Eid.

Sứ quán Nga: Quan hệ Na Uy-Nga sẽ xấu đi

vì lính Mỹ được triển hạn đóng quân

Quyết định của Na Uy mở rộng sự hiện diện của Thủy quân lục chiến Mỹ trên đất của họ sẽ làm xấu đi quan hệ với nước láng giềng Nga và có thể làm leo thang căng thẳng ở cánh phía bắc của NATO, đại sứ quán Nga ở Oslo nói với hãng tin Reuters hôm thứ Bảy.
Khoảng 330 thủy quân lục chiến sẽ đồn trú tại Na Uy cho đến cuối năm 2018, chính phủ cho biết hôm thứ Tư, triển hạn gấp đôi khoảng thời gian ban đầu được mô tả là thời hạn thử một năm.
Việc triển khai binh sĩ vào tháng 1 vừa qua để diễn tập tác chiến mùa đông và trượt tuyết băng đồng, và tham gia vào các cuộc tập trận chung, đánh dấu toán binh sĩ nước ngoài đầu tiên trú đóng tại nước thành viên NATO này kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc.
“Chúng tôi cho rằng bước đi này mâu thuẫn với chính sách của Na Uy là không triển khai các căn cứ quân sự nước ngoài ở nước này vào thời bình,” đại sứ quán Nga viết trong một thông cáo gửi cho Reuters.
Nó còn “làm cho Na Uy trở thành một đối tác không hoàn toàn đoán định được, có thể làm leo thang căng thẳng và dẫn đến việc gây bất ổn cho tình hình trong vùng phía bắc,” thông cáo nói thêm.
Na Uy hạ giảm tầm quan trọng của việc triển khai binh sĩ, nhấn mạnh vào yếu tố huấn luyện và phủ nhận việc thủy quân lục chiến Mỹ đến đây là một hành động nhắm vào Nga. Binh sĩ Mỹ đóng quân cách biên giới Nga khoảng 1.500 kilômét.
“Sự hiện diện thường xuyên của quân liên minh ở mức độ cao tạo nên trạng thái bình thường có tính ổn định trong thời bình, góp phần răn đe và phòng vệ,” Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Ine Eriksen Soereide nói trong một thông cáo vào ngày 21 tháng 6.
Quyết định của chính phủ thiểu số trung hữu Na Uy nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các đảng đối lập của nước này, nhưng bị cách tả chỉ trích.

Giám đốc CIA:

các vụ rò rỉ thông tin tình báo mật tiếp tục tăng

Washington, DC. (CBS) – Giám đốc CIA Mike Pompeo cho rằng việc tiết lộ thông tin tình báo mật của Hoa Kỳ đang gia tăng, một phần do những người tiết lộ nổi tiếng giống như Edword Snowden.
Ông Pompeo cho rằng Hoa Kỳ cần tăng gấp đôi nỗ lực để phát giác ra những vụ rò rỉ thông tin mật. WikiLeaks gần đây công bố gần 8,000 tài liệu tiết lộ bí mật về công cụ gián điệp mạng của CIA để xâm nhập vào máy điện toán. WikiLeaks trước đây công bố 250,00 tài liệu của bộ Ngoại Giao, làm mất mặt quân đội Hoa Kỳ với hàng trăm ngàn tài liệu từ Iraq và Afghanistan.
Gần đây có một số trường hợp khác, bao gồm Chelsea Manning, cựu quân nhân Lục Quân Bradley Manning. Manning bị kết án vào năm 2013 vì rò rỉ hơn 700,000 tài liệu mật của quân đội và bộ Ngoại Giao cho WikiLeaks, trong lúc làm nhà phân tích tình báo tại Iraq. Manning cho biết rò rỉ tài liệu là để nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của chiến tranh đối với thường dân vô tội.
Năm ngoái, cựu nhân viên khế ước của NSA là Harold Thomas Martin, 51 tuổi, bị cáo buộc lấy đi tin tin mật, lưu trữ tại một kho chứa không khóa, cũng như trong xe và trong nhà ông. Tài liệu tòa án cho biết các nhà điều tra thu giữ được 50 terabytes thông tin, tương 200 lap top.
Ông Pompeo cho biết chính phủ của ông Trump đang tập trung vào việc ngăn chặn các vụ rò rỉ và truy tìm thủ phạm. (Nguyên Trân)

Tòa Bạch Ốc:

dự luật y tế của Thượng Viện không cắt chương trình Medicaid

Washington,DC. (CBS)  – Đảng Dân Chủ cho rằng dự luật y tế của Thượng Viện là một tai họa cho những cá nhân và gia đình hưởng Medicaid, một chương trình cung cấp bảo hiểm y tế của liên bang cho người Mỹ có thu nhập thấp.
Tuy nhiên phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer hôm Thứ Sáu 23/06 nói rằng, Tổng Thống Donald Trump bảo đảm rằng không ai hiện đang hưởng chương trình Medicaid bị ảnh hưởng theo bất kỳ cách nào. Điều này phản ánh trong dự luật của Thượng Viện.
Như vậy ai đúng, ai sai?
Dự luật của Thượng Viện thực sự ảnh hưởng tới Medicaid và những người phụ thuộc vào chương trình này như thế nào? Đề nghị của Thượng Viện không cắt ngân sách Medicaid. Chi tiêu sẽ tiếp tục tăng, nhưng dự luật sẽ làm chậm lại tỷ lệ chi tiêu cho chương trình, loại bỏ ngân sách bổ sung của chính phủ liên bang cấp cho các tiểu bang mở rộng chương trình Medicaid theo Obamacare. Các tiểu bang sẽ phải chịu chi phí nhiều hơn cho chương trình này.
Medicaid, khác với Medicare, là chương trình bảo hiểm y tế cho người cao niên, cấp cho khoảng 70 triệu người có thu nhập thấp, phụ nữ mang thai, người khuyết tật và người cao niên. Chương trình do tiểu bang điều hành, và chia đều chi phí với chính phủ liên bang. Theo Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội, vào năm 2016, Medicaid chiếm khoảng 368 tỷ Mỹ kim trong tổng ngân sách liên bang là 3,900 tỷ Mỹ kim. (Nguyên Trân)

Syria : Bachar Al Assad đến Hama cầu nguyện lễ Eid Al Fitr

Tổng chống Syria Bachar Al Assad đến thành phố Hama ngày 25/06/2017 dự lễ cầu nguyện Eid Al Fitr kết thúc mùa Ramadan. Đây là sự kiện chưa từng có vì tổng thống Syria thường ít khi xuất hiện ngoài thủ đô Damas.
Hãng tin AFP cho biết phủ tổng thống Syria đăng nhiều bức ảnh cho thấy ông Bachar Al Assad đang cầu nguyện lúc bình minh tại ngôi đền Al Nouri ở Hama (miền trung Syria).
Đi cùng với tổng thống có bộ trưởng đặc trách về Tôn Giáo Mohammad Abdel Sattar Sayyed và giáo sĩ có tiếng ở Syria Ahmad Badreddin Hassoun. Từ khi cuộc nội chiến nổ ra vào năm 2011, hiếm khi ông Assad rời thủ đô Damas và những lần xuất hiện trước công chúng cũng rất ít. Lần xuất hiện trước công chúng gần đây nhất ngoài Damas là vào tháng 07/2016, tại thành phố Homs, nhân lễ Eid Al Fitr.
Chỉ vài giờ trước đó, chính quyền Syria thông báo ân xá hơn 670 tù nhân, trong đó có cả trẻ em, bị giam tại các nhà tù trong vùng Damas.
Một ngày trước lễ Eid Al Fitr, khu chợ Al-Dana, tỉnh Idleb (gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ), đã bị tấn công khủng bố bằng xe cài bom. Theo tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, có 10 người chết và 30 người bị thương. Tỉnh Idleb nằm ngoài tầm kiểm soát của quân chính phủ và do lực lượng thánh chiến Tahrir Al Cham, một chi nhánh cũ của Al Qaida tại Syria, chiếm giữ.
Còn tại biên giới Syria-Israel, quân đội Israel thông báo đã bắn trả đũa vào một khu vực bên phía Syria ngày 24/06 vì trước đó, khoảng 10 quả đạn đã được phóng từ đây về phía cao nguyên Gola do Israel chiếm đóng. Không quân Israel cũng nhắm bắn hai xe tăng của chế độ Syria ở phía bắc cao nguyên Golan.
Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria cho biết hai quân nhân Syria thiệt mạng trong đợt phản công của Israel. Chính quyền Damas thì cáo buộc Tel Aviv ủng hộ quân nổi dậy.

Philippines :

Ngừng bắn ở Marawi nhân kết thúc mùa Ramadan

Quân đội Philippines đã ra lệnh ngừng bắn vài giờ ngày Chủ nhật 25/06/2017 tại Marawi để mừng lễ Eid Al-Fitr kết thúc mùa Ramadan của người Hồi Giáo. Marawi là thành phố Hồi Giáo lớn nhất Philippines và là nơi giao tranh giữa lực lượng chính phủ và quân thánh chiến tuyên thệ trung thành với Daech.
Thông cáo của tướng Eduardo Ano, tổng tư lệnh quân đội Philippines, cho biết, lệnh ngừng bắn kéo dài 8 tiếng tại Marawi « để tỏ lòng tôn trọng đức tin của đạo Hồi ».
Theo thị trưởng Marawi, rất nhiều tình nguyện viên đã tranh thủ thời gian hưu chiến để cứu trợ thường dân bị kẹt lại trong các khu giao tranh. Ông kêu gọi « mọi người tiếp tục cầu nguyện để cuộc khủng hoảng ở Marawi sớm kết thúc ».
Một số phóng viên của AFP có mặt tại chỗ ghi nhận ngay sau khi lệnh ngừng bắn kết thúc vào khoảng 14 giờ (6 giờ, giờ quốc tế), tiếng súng giao tranh lại nổ ra.
Bài trừ ma túy : Cuộc chiến đẫm máu nhưng không thắng lợi
Trong lĩnh vực xã hội, cuộc chiến chống buôn bán ma túy do tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiến hành từ một năm nay, được hãng tin Reuters ngày 25/062017 đánh giá là « đẫm máu hơn » nhưng « không thắng lợi ».
Theo chính quyền Philippines, nhờ chiến dịch này, tình trạng tội phạm giảm hẳn, vài nghìn kẻ buôn bán ma túy bị kết án tù, khoảng một triệu người nghiện đã đăng ký cai nghiện và thế hệ công dân tương lai của Philippines sẽ tránh được tệ nạn ma túy.
Tuy nhiên, chiến dịch bài trừ ma túy cũng khiến vài nghìn người chết, dù theo cảnh sát trưởng Manila, khi trả lời theo Reuters, « đúng là có vài nghìn người chết nhưng có hàng triệu người được sống ». Còn theo các cuộc điều tra, người dân Philippines ngày càng lo lắng hơn bao giờ hết về tình trạng tội phạm gia tăng.
Các nhà bảo vệ nhân quyền, luật sư và giáo hội Philippines cùng đồng thanh phản đối những tuyên bố thành công của chính quyền.

Mỹ: Rex Tillerson ngày càng bị cô lập trong bộ Ngoại Giao

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang phải giải quyết nhiều hồ sơ quan trọng, thế nhưng ông lại ra các quyết định mang tính chính trị, bất chấp những lời tư vấn của giới chuyên gia. Do vậy, ông ngày càng đơn độc tại bộ Ngoại Giao và tình trạng này bắt đầu làm cho Nhà Trắng khó chịu.
Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường trình:
«Xin hẹn gặp Rex Tillerson khó gần như xin gặp Donald Trump. Hiếm khi nào một ngoại trưởng Mỹ lại khó gặp đến như vậy. Hầu như không có cuộc các tiếp xúc của ông với các giới chức ngoại giao.
Mọi tiếp xúc với ngoại trưởng Mỹ đều phải qua chánh văn phòng, bà Margaret Peterlin. Thậm chí, bà có thể còn ngăn cản cả cấp trên của mình là tổng thư ký Nhà Trắng, Reince Priebus.
Ngoại trưởng Tillerson sống như trong một pháo đài với một nhóm cộng sự thân cận. Nhà Trắng trách cứ ngoại trưởng chậm trễ trong việc bố trí người vào những vị trí còn trống. Donald Trump có một danh sách các nhà tài trợ và giờ đây, tổng thống Mỹ muốn trả ơn bằng cách bổ nhiệm một số người làm việc trong các sứ quán ở nước ngoài. Thế nhưng, mong muốn của tổng thống Mỹ phải có được sự hậu thuẫn của bộ Ngoại Giao. Trong khi đó, Tillerson lại muốn đích thân phỏng vấn các ứng viên và mỗi vị trí thì có hai ứng viên.
Cựu lãnh đạo tập đoàn dầu khí Exxon-Mobile chưa quen với các đòi hỏi của thế giới chính trị. Với tư cách là một nhà quản trị tốt trong lĩnh vực tư nhân, ngoại trưởng Mỹ rất chú ý đến việc tái cơ cấu bộ Ngoại Giao để hoạt động có hiệu quả. Thế nhưng, trước mắt, chưa chắc ông có đủ nhân sự để bảo đảm sự vận hành của bộ Ngoại Giao».

Thổ Nhĩ Kỳ :

Tối hậu thư gửi Qatar đi ngược với luật pháp quốc tế

Hôm nay, 25/06/2017, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cho rằng tối hậu thư mà Ả Rập Xê Út và các đồng minh đưa cho Qatar là đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ, được hãng tin Anadolu trích dẫn, tuyên bố: «Chúng tôi ủng hộ lập trường của Qatar bởi vì chúng tôi cho rằng danh sách bao gồm 13 đòi hỏi (mà Ả Rập Xê Út và các đồng minh đưa ra» là trái ngược với luật pháp quốc tế.
Ngày 05/06, Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Yemen, Bahrein và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar cùng với hàng loạt các biện pháp như đóng cửa biên giới trên không, trên biển và đất liền, cấm thông thương đi lại với quốc gia này. Các nước này tố cáo Qatar « ủng hộ khủng bố », đồng lõa với Iran, quốc gia Hồi Giáo Shia, kẻ thù số một của các nước Hồi Giáo Suni.
Ngày 22/06, thông qua trung gian Koweit, Ả Rập Xê Út và các đồng minh đưa ra điều kiện dưới dạng một tối hậu thư mà Qatar phải đáp ứng trong vòng 10 ngày, để tái lập bang giao. Văn bản này bao gồm 13 điểm, trong đó có việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải rút khỏi Qatar.
Theo tổng thống Erdogan, đòi hỏi này thể hiện sự không tôn trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Qatar là đồng minh thân cận của Ankara. Hai nước đã ký thỏa thuận hỗ trợ quân sự, năm 2014, cho phép triển khai quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar.
Hôm qua, chính quyền Qatar cũng lên tiếng cho rằng tối hậu thư nói trên là không hợp lý.
Một đòi hỏi khác được nêu trong tối hậu thư là Qatar phải đóng cửa kênh truyền hình al-Jazira. Ngay lập tức, lãnh đạo kênh truyền hình này đã lên tiếng tố cáo đây là một sự vi phạm đến quyền tự do ngôn luận.
Đài truyền hình al-Jazira được thành lập năm 1996, đặt tại Qatar, được nước này tài trợ và là một trong những tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới.
Đây không phải là lần đầu tiên, các kênh truyền hình phát bằng tiếng Anh và Ả Rập phải đối mặt với các áp lực.
Bởi vì đường hướng biên tập của al-Jazira thường xuyên bị một số nước Ả Rập tố cáo là ủng hộ xu hướng Hồi Giáo chính trị, bóp méo thông tin, hoặc ủng hộ phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo, kẻ thù của chính quyền Ai Cập.
Theo ngoại trưởng Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, không thể chấp nhận được việc Qatar tiếp tục tài trợ cho «những cơ sở truyền thông và chính trị có quan điểm cực đoan».
Trước đòi hỏi của Ả Rập Xê Út và đồng minh muốn đóng của al-Jazira, lãnh đạo kênh truyền hình này đã ra thông cáo cho rằng đó chỉ là một ý đồ muốn bóp chết tự do ngôn luận trong khu vực.
Salah Najim, giám đốc phụ trách thông tin của al-Jazira, cho RFI biết, việc đóng cửa al-Jazira hay không là do Qatar quyết định. Nhưng điều này chưa hề xẩy ra trong 20 năm qua bất chấp tất cả các áp lực. Nhà báo này tố cáo đòi hỏi này của bốn nước vùng Vịnh giống như dưới thời trung cổ hoặc giống như thời kỳ McCarthy (truy lùng cộng sản trong những năm 1950 ở Mỹ).
Ông Najim khẳng định, al-Jazira có vị trí đặc biệt và thường xuyên bị «dò xét» bởi vì đây là một trong những đài truyền hình quốc tế có nhiều người xem nhất. Al-Jazira không nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Qatar và độc lập trong việc xử lý thông tin.
Lãnh đạo kênh tiếng Anh của al-Jazira thì ví von đòi hỏi của các nước vùng Vịnh giống như Đức yêu cầu Anh Quốc đóng cửa tập đoàn truyền thông BBC.
Vấn đề đặt ra là liệu lần này, al Jazira có đủ sức trụ lại được hay không trong bối cảnh Qatar bị Ả Rập Xê Út và các đồng minh gia tăng áp lực mạnh mẽ cả về ngoại giao và kinh tế.

Ukraina phản đối tổng thống Nga thăm Crimée

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Crimée ngày 24/06/2017, vùng đất của Ukraina bị Matxcơva sáp nhập vào lãnh thổ Nga năm 2014. Chính quyền Kiev lên án chuyến viếng thăm của nguyên thủ Nga là « vi phạm chủ quyền lãnh thổ » Ukraina.
Theo thông cáo của điện Kremlin, tại Crimée, ông Putin đến thăm khu trại hè Artek nổi tiếng của thanh niên và là biểu tượng của giới trẻ thời Xô Viết bên bờ Biển Đen. Trong diễn văn đọc tại đây, tổng thống Nga nhấn mạnh : « Cách đây không lâu, Artek phải trải qua giai đoạn khó khăn, nhưng giờ đang hồi sinh và Artek còn hồi sinh với tư cách là một khu nghỉ quốc tế ».
Bộ Ngoại Giao Ukraina ngay lập tức ra thông cáo phản đối chuyến viếng thăm Crimée của tổng thống Nga và cho đây là «hành động vi phạm thô bạo chủ quyền đất nước và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina».
Sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ vào năm 1991, Artek, nằm trên bán đảo Crimée, thuộc về nước Ukraina độc lập và đón nhận trẻ em Ukraina cho đến năm 2009. Bị sáp nhập vào Nga năm 2014, trại hè này đã mở cửa trở lại và đang được tôn tạo.
Tổng thống Putin ca ngợi điệp viên ngầm của Nga
Trong đoạn video được phát ngày 24/06 trên đài truyền hình Nhà nước Rossya 1, tổng thống Putin ca ngợi các điệp viên ngầm của Nga, đánh giá họ là «những người không giống người khác», dám «từ bỏ đời tư, xa người thân và rời khỏi đất nước trong vòng nhiều năm, hy sinh cuộc sống vì tổ quốc».
Tổng thống Nga còn ca ngợi lòng trung thành với tổ quốc của «những con người có một không hai này» là một tấm gương noi theo. Ông Putin từng là nhân viên của Cơ quan Tình báo Nước ngoài (SVR) thuộc KGB và làm việc tại Dresde (Đông Đức), từ năm 1985 đến 1990.

Giám đốc CIA :

Bắc Triều Tiên, quan tâm hàng đầu của Donald Trump

Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Mỹ MSNBC, được phát ngày 24/06/2017, giám đốc Cục Tình Báo Trung Ương Mỹ CIA Mike Pompeo, cho biết ông bị tổng thống Donald Trump chất vấn mỗi ngày về Bắc Triều Tiên và cách đối phó với đe dọa hạt nhân của chế độ Bình Nhưỡng.
Hầu như mỗi ngày“, giám đốc CIA Mike Pompeo đều dự trù một buổi làm việc từ “35 đến 40 phút” với tổng thống Donald Trump và Bắc Triều Tiên là mối quan tâm “hàng đầu” của chủ nhân Nhà Trắng.
Hiếm khi nào tổng thống Trump không đề cập tới Bắc Triều Tiên và câu hỏi Hoa Kỳ có thể làm gì để đối phó với mối đe dọa đó“. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh, Bình Nhưỡng liên tục bắn thử tên lửa trong thời gian gần đây, vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Chính quyền Kim Jong Un thường xuyên de dọa bắn tên lửa đến tận các thành phố của Hoa Kỳ.
Trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, lãnh đạo số một của cơ quan tình báo Mỹ cho rằng, trong 20 năm qua, Washington đã hy vọng Bình Nhưỡng sẽ thay đổi, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ xảy ra. Vẫn theo ông Pompeo, Mỹ chưa thực sự cứng rắn để buộc chế độ Bắc Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân. Thậm chí Bắc Triều Tiên đang “tiến gần” tới ngưỡng có vũ khí hạt nhân có thể đe dọa an ninh Hoa Kỳ.
Chính quyền Bình Nhưỡng đến nay vẫn khẳng định phát triển vũ khí nguyên tử là để tự vệ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện