Tin Việt Nam – 22/06/2017

Tin Việt Nam – 22/06/2017

Trung Quốc nói gì về ‘hủy giao lưu quốc phòng Trung-Việt’?

Báo Trung Quốc, Hoàn cầu Thời báo, hôm 21/6 đã xác nhận giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc bị hủy bỏ.
Tờ báo cũng xác nhận Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trung Quốc, cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam tuần này.
Tuy vậy, tờ báo không nói có hay không mâu thuẫn giữa hai nước, mà chỉ nói nguyên do vì “sự sắp xếp công việc”.
Rút ngắn hay bị mời về?
“Phía Trung Quốc quyết định hủy cuộc gặp quốc phòng ở biên giới vì nguyên do liên quan sự sắp xếp công việc,” tờ báo dẫn lời một viên chức thông tin của bộ quốc phòng Trung Quốc.
Hoàn cầu Thời báo nói phái đoàn Thượng tướng Phạm Trường Long, rời Bắc Kinh hôm 12/6, thăm Tây Ban Nha, Phần Lan rồi đến Việt Nam.
Tờ báo hoàn toàn không nhắc có mâu thuẫn gì dẫn đến việc cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam.
Trả lời thảo luận trên Facebook Live của BBC Tiếng Việt hôm 22/06, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu người Việt ở Singapore nói theo ông biết thì “phía Việt Nam đã mời Thượng tướng Trung Quốc về” vì các phát biểu của ông ta.
Tân Hoa Xã tường thuật rằng ông Phạm trong chuyến thăm đã nhấn mạnh rằng “toàn bộ các đảo ở Biển Nam Hải [là tên gọi Trung Quốc dùng để chỉ Biển Đông] đã thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời thượng cổ.”
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cũng nói tuyên bố của Tướng Phạm “như một lời đe dọa quân sự” đối với Việt Nam.
Ông cũng cho hay so với chuyến thăm lần trước (03/2016) của Bộ trưởng Thường Vạn Toàn thì chuyến thăm này còn cao cấp hơn vì ông Phạm Trường Long là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, và Ủy viên Trung ương Đảng CSTQ.
Trong khi đó, ngày 22/6, tờ báo lớn đặt tại Hong Kong, South China Morning Post, cũng dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc về sự việc.
Theo giới quan sát Trung Quốc, việc hủy giao lưu dường như thể hiện bất mãn của Bắc Kinh về việc Việt Nam định khai thác dầu khí ở Biển Đông, và nỗ lực gần hơn với Nhật.
Hồi tháng Giêng, Tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ ExxonMobil ký thỏa thuận khung phát triển và bán khí đốt từ mỏ Cá Voi Xanh ở Biển Đông với hai đối tác Việt Nam.
Hôm 13/6, tàu Echigo của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thăm Đà Nẵng và có các hoạt động huấn luyện chung trên biển với Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 2 tại Đà Nẵng.
Nhân dân không thích nhau
Ngô Sĩ Tồn, chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải đặt tại Trung Quốc, nói với South China Morning Post:
“Một nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc cắt ngắn chuyến thăm của ông Phạm có thể là vì Bắc Kinh xem Việt Nam nuốt lời hứa không khai thác dầu khí ở khu vực tranh chấp ở Nam Hải.”
Ông này nói: “Việt Nam gần đây cũng quan hệ nhiều hơn với Mỹ và Nhật.”
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc gần đây đã thăm liên tiếp Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Trong khi đó, GS Ngô Vĩnh Long nói với Diễn đàn Bàn tròn của BBC hôm 22/06:
“Điểm khai thác ExxonMobil ký với Việt Nam nằm trong thềm lục địa của Việt Nam nên không phải là vùng tranh chấp.”
Ông Trương Minh Lượng, chuyên gia từ Đại học Tế Nam, nói quan hệ hai nước có thể sẽ xấu đi.
“Trung Quốc và Việt Nam đang ở trong thế nghịch lý.”
“Về chính thức, hai chính phủ nỗ lực xây dựng quan hệ tốt hơn nhưng ở phía không chính thức, nhân dân hai nước đang có thái độ ngày càng tiêu cực về nhau.”

HRW: Luật tố giác ‘trừng phạt tự do ngôn luận’

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói luật mới thông qua về luật sư “tố giác thân chủ” của Việt Nam là “đe dọa quyền được bào chữa” và “trừng phạt tự do ngôn luận,” theo thông cáo của tổ chức này hôm 21/6.
HRW cũng yêu cầu Việt Nam “cần ngay lập tức hủy bỏ một điều khoản trong bộ luật hình sự sửa đổi”.
“Buộc luật sư phải vi phạm tính bảo mật giữa người bào chữa và thân chủ có nghĩa rằng các luật sư sẽ trở thành chỉ điểm cho nhà nước, và thân chủ sẽ không có lý do gì để tin tưởng luật sư của mình,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói.
“Việt Nam coi mọi ý kiến phê phán hoặc phản đối chính phủ hay Đảng Cộng sản là vấn đề “an ninh quốc gia” – điều này sẽ tước bỏ mọi cơ hội bào chữa pháp lý thực sự trong các vụ việc như thế.”
Hôm 20/6, 93% đại biểu chính thức thông qua Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự 2015 sẽ có hiệu lực từ 1/1/2018.
Ông Adams nói thêm rằng “Các nhà đầu tư và đối tác thương mại nước ngoài của Việt Nam cần hết sức lưu ý về điều luật bắt buộc các luật sư của mình phải trình báo thông tin riêng tư của thân chủ với chính quyền, nếu muốn tránh gặp phiền phức.”
HRW đặc biệt quan ngại với Điều 19, khoản 3 yêu cầu luật sư tố giác thân chủ vì các tội danh an ninh quốc gia được định nghĩa quá mơ hồ.
Bộ luật hình sự mới còn bổ sung Điều 14, khoản 2, trong đó sẽ bỏ tù “một đến năm năm” nếu “chuẩn bị phạm tội” Lật đổ chính quyền (Điều 109) hay Phát tán hoặc tuyên truyền thông tin chống nhà nước (Điều 117).
Tổ chức này nhận định: “Nhiều điều luật có nội dung mơ hồ liên quan tới an ninh quốc gia đã thường xuyên được vận dụng để kết án nhiều người chỉ vì họ thực hành các quyền cơ bản của mình, giờ đây lại có thể bị lợi dụng trong nhiều tình huống hơn.”
Bản thân giới luật sư Việt Nam cũng dậy sóng sau khi luật sửa đổi được thông qua.
Luật sư bất đồng chính kiến Lê Công Định, viết trên Facebook rằng ngày 20/6 “sẽ đi vào lịch sử nghề luật sư Việt Nam như một ngày điếm nhục nhất.”
Trong khi đó luật sư Nguyễn Văn Chiến, phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng là đại biểu Quốc hội Khóa XIV thì gửi “Lời cảm ơn và xin lỗi luật sư đồng nghiệp” trên Facebook.
Ông đề cập đến sẽ đưa văn bản đề nghị Ủy ban đào tạo LĐLS VN để “đào tạo, tập huấn nghiệp vụ miễn phí đối với các luật sư hành nghề tranh tụng hình sự để thực hiện việc tuân thủ pháp luật theo khoản 3 Điều 19 nhưng bảo đảm an toàn cho các luật sư hành nghề”.
Một số luật sư đã đề cập đến chuyện bỏ nghề. Tối hôm 20/6, Luật sư Hoàng Thị Hoa Thơm cũng đăng trên Facebook là bà tuyên bố bỏ nghề, “lương tâm không cho phép tôi tố cáo thân chủ của mình”
“Tuyên bố này hoàn toàn không phải vì tôi biết được thân chủ của mình đã, đang hoặc sẽ phạm tội mà đơn giản vì nếu tiếp tục làm Luật sư ở Việt Nam tôi thấy thật nhục nhã,” bà Thơm đăng trên trang cá nhân.
Cuối thông cáo, Giám đốc Ban Á châu của HRW nói “Bộ luật hình sự sửa đổi thể hiện tinh thần thiếu cam kết của Việt Nam đối với nỗ lực cải thiện thành tích về nhân quyền yếu kém của mình.”
“Nếu Việt Nam thực tâm muốn thúc đẩy chế độ pháp quyền, họ cần tạo điều kiện cho các luật sư làm công việc chuyên môn của mình chứ không phải đưa ra các điều luật mới khiến cho luật sư không thể làm việc được.”
Trước đó, HRW cũng vừa công bố phúc trình “Không chốn dung thân cho các nhà hoạt động vì nhân quyền: Các nhà vận động dân chủ và blogger ở Việt Nam bị hành hung,” liệt kê 36 vụ tấn công chống lại các nhà bất đồng chính kiến.

Quan chức Việt Nam lại khẳng định biển miền Trung an toàn

Ông Hoàng Văn Thức Phó Tổng cục trưởng tổng cục môi trường, thuộc Bộ Tài nguyên- Môi trường nói rằng biển miền trung đã an toàn tuyệt đối.
Ông Thức nói như vậy tại Diễn đàn nhà báo với môi trường và biển đảo diễn ra ngày 22 tháng 6 năm 2017.
Theo ông Thức thì Trung tâm quan trắc môi trường thuộc Tổng cục môi trường theo định kỳ lấy mẫu thử nước biển từ tầng nước mặt đến lớp nước sâu trên 12 tuyến tính từ bờ biển ra xa 12 cây số, tại bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế.
Ông Thức khẳng định môi trường biển tại bốn tỉnh này đã đạt những tiêu chuẩn an toàn, có thể tắm biển, và nuôi trồng thủy sản. Ông Thức cũng nói rằng tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, cá và mực cũng có giá bằng với thời gian trước khi xảy ra thảm họa môi trường tại những nơi đó.
Đây không phải là lần đầu tiên giới chức Việt Nam đưa ra tuyên bố biển bị ô nhiễm đã sạch; tuy nhiên theo người dân chịu tác động thì họ chưa tin vào những tuyên bố như thế.
Vào đầu vào tháng tư năm 2016, nhà máy Formosa do người Đài Loan làm chủ tại Vũng Áng Hà Tĩnh xả chất độc ra biển làm cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh bắc miền trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế.
Thảm họa môi trường này được xem là lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.
Công ty Formosa đã nhận trách nhiệm và bồi thường một món tiền là 500 triệu đô la Mỹ cho Việt Nam.
Thảm họa môi trường như thế dẫn đến nhiều cuộc biểu tình trong hơn 1 năm qua trong khu vực Bắc Trung Bộ đòi đóng cửa nhà máy Formosa, cũng như đòi nhà nước bồi thường thiệt hại cho ngư dân một cách thỏa đáng.
Nhà máy Formosa được chính thức công nhận đã khắc phục được 52 trên 53 sai sót về kỹ thuật của họ để tiến hành hoạt động, trừ sai sót về công nghệ lò cao được hứa là sẽ khắc phục.

Dân biểu Đức không được vào thăm blogger Nguyễn Hữu Vinh

Hai dân biểu Liên bang Đức, Martin Patzelt và Philip Lengsfeld, không được phép thăm tù nhân lương tâm Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh hiện phải thụ án tù với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, công dân…’ theo điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Tin được chính dân biểu Martin Patzelt đưa ra và trang mạng Dân Luận loan đi ngày 21 tháng 6.
Theo trình bày của dân biểu Martin Patzelt thì ông và dân biểu Philip Lengsfeld đến Việt Nam vào tháng 6 này với tư cách thành viên của Ủy ban Nhân quyền và Cứu trợ Nhân đạo của Quốc hội Liên Bang Đức.
Trọng tâm của chuyến đi là tiếp tục tìm hiểu và thu thập thông tin về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam; cũng như thăm blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh trong nhà tù.
Tuy nhiên mục đích đến thăm người đang bị cầm tù Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh không đạt được; mặc dù hai ông đến tại nhà tù nói với Ban quản lý về sự cần thiết đối xử bình đẳng giữa tù thường phạm và tù chính trị.
Hai vị dân biểu Đức còn cho biết hoạt động tiếp xúc với thân nhân của những tù nhân lương tâm tại Việt Nam chỉ thực hiện được một phần. Và hai ông nêu rõ thân nhân của tù chính trị tại Việt Nam phải chịu áp lực nặng nề từ cơ quan chức năng cũng như những thành phần ‘quần chúng tự pháp’.
Hai dân biểu Martin Patzelt và Philip Lengfeld còn tiếp xúc với đại diện các cộng đồng tôn giáo và các nhóm xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam như Tu viện Mến Thánh giá Thủ Thiêm- nơi đang đứng trước nguy cơ bị cưỡng chế để lấy đất; các hội thánh không theo chi phái do nhà nước lập nên…
Trong chuyến đi hai dân biểu Đức còn đến thăm các tỉnh chịu tác động bởi thảm họa môi trường.

Vì sao người dân tin mạng xã hội hơn báo chí nhà nước?

Cát Linh, phóng viên RFA
Đến tham dự hội nghị Giao ban báo chí vào ngày 20 tháng 6 vừa qua tại Hà Nội, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu rằng “báo chí trong nước đang bị mạng xã hội dẫn dắt”.
Lý do khách quan
Năm 2011 trong bài phát biểu đọc tại tại Hội nghị “Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đối với báo chí” tổ chức tại Brussells, Bỉ, nhà báo nổi tiếng người Pháp Jean Quatremer cho biết ông đã sử dụng các kênh truyền thông mạng như blog, Facebook, Twitter để đăng tải những nội dung bị tránh né, từ chối bởi các cơ quan truyền thông khác. Ông bảo thêm phải làm việc này vì rất nhiều độc giả cần những tin tức “bị chối bỏ”.
Do đó, nhận định của ông Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng có lẽ không phải là mới lạ trong thời đại có thể được xem là đỉnh cao của truyền thông mạng xã hội. Thế nhưng, thời gian không phải là vấn đề được mang ra tranh cãi trong phát biểu của ông Võ Văn Thưởng, thay vào đó, là những ý kiến về nguyên nhân vì sao có tình trạng như thế.
Nhà báo tự do Vũ Bình, người bất đồng chính kiến từng bị nhà nước Việt Nam tuyên án 7 năm tù giam vì cáo buộc tội gián điệp cho biết ông đồng ý với nhận định của ông Võ Văn Thưởng.
“Nhìn nhận khách quan điều đó là đúng. Lý do là những thông tin trên mạng xã hội thứ nhất là nó nóng hổi vì mỗi người có tin là người ta đăng lên ngay, họ không qua kiểm duyệt không mất thời gian.
Và thứ hai, phần lớn những người đăng tin có uy tín, có nhiều người theo dõi, nhiều bạn bè, thì thông tin tương đối là khách quan, trung thực.”
Theo nhà báo tự do Vũ Bình, khi có nhiều đối tượng đăng tin như thế thì việc dẫn dắt độc giả nghiêng về các trang mạng xã hội là điều tất yếu.
Giới hạn của tính khách quan
Một khía cạnh khác về từ “dẫn dắt” được hiểu theo phân tích của nhà báo tự do Vũ Bình, đó là nội dung thông tin trong bài viết của báo chí hiện tại không được xuất phát chính xác từ bản chất của thời sự.
Bây giờ báo chí cứ viết theo lối tuyên truyền thì sẽ rất ít độc giả, nên đành đi tìm những thông tin trên mạng xã hội … để viết theo, rồi bắt chước.
- Nhà báo Vũ Bình
“Tôi nghĩ từ dẫn dắt nó có cả khía cạnh khác, ví dụ như sự phân tích khách quan và trung thực (của mạng xã hội) chứ không bị định hướng chỉ bảo bởi Ban Tuyên giáo. Cho nên nói ‘dẫn dắt’ theo nghĩa đó tôi nghĩ rất là khả dĩ, rất là hợp.”
Ông cho rằng những cây bút tự do, trong đó có cả bloggers thường có những phân tích khách quan, trung thực và công bằng. Điều này đã thu hút độc giả và cả báo chí quốc doanh.
“Bây giờ báo chí cứ viết theo lối tuyên truyền thì sẽ rất ít độc giả, nên đành đi tìm những thông tin trên mạng xã hội rồi tìm những lập luận, những đánh giá khách quan trên mạng xã hội để viết theo, rồi bắt chước.”
Cũng tại hội nghị Giao ban báo chí, ông Võ Văn Thưởng có nêu lên tình trạng đưa tin, đăng bài rồi rút xuống ngay sau đó. Những động thái này càng làm cho độc giả đặt câu hỏi về tính khách quan của báo chí nhà nước. Liệu thông tin đã đăng có chính xác hay không? Hay vì không chính xác nên phải rút xuống?
Đây chính là điểm được nhà báo tự do Vũ Bình cho là giới hạn của tính khách quan mà người đọc được quyền đòi hỏi ở các hệ thống truyền thông, kể cả báo chí do nhà nước quản lý.
“Sự khách quan dừng lại ở định hướng của Ban Tuyên giáo, nói một cách chung hơn là của đảng cộng sản. Nó làm lợi cho nhà cầm quyền hiện nay.”
Nhà báo độc lập, blogger Trương Duy Nhất, chủ trang mạng Một Góc Nhìn Khác chia sẻ ý kiến của ông về định hướng của báo chí quốc doanh xưa nay.
“Báo chí Việt Nam lâu nay bị nhốt trong một cái lồng rồi. Hãy thả báo chí ra. Tôi nghĩ trong tình thế này báo chí cũng là một kênh bị tiết chế bởi chính truyền thông.”
Người ta cũng có thói quen theo kiểu bầy đàn, tức là dễ tin vào những điều có nhiều người tin – vì họ cảm thấy an toàn hơn. 
- Tiến sĩ Nguyễn Đức An
Gần đây nhất, những ai theo dõi chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều biết đến câu chuyện Cây đèn Hoa Kỳ, quốc phẩm được đề xuất thực hiện để mang tặng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Hình dáng, chi tiết của món quà được báo trong nước đăng tải trên mạng xã hội. Nhưng vài giờ sau đó, toàn bộ các báo mạng đồng loạt rút bài. Sự việc này tạo nên một làn sóng tranh luận khôi hài trên các trang mạng xã hội với những suy đoán về lý do vì sao tất cả những bài viết liên quan đến cây đèn Hoa Kỳ đều bị lấy xuống.
Một trong những suy đoán đó là của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, ông cho rằng thiết kế của cây đèn Hoa Kỳ có một chi tiết sai, chính là quốc kỳ của nước Mỹ trên thân đèn.
“Một chi tiết nữa theo tôi phải dỡ bỏ và có thể không tặng quà đó là lá cờ Mỹ trên cái đèn bị sai. Lá cờ Mỹ có 7 vạch màu đỏ, trong đó 4 vạch đầu tiên là bằng với khung xanh của các ngôi sao, trong khi lá cờ Mỹ trên cái đèn chỉ thấy 3 vạch màu đỏ bằng với khung xanh.”
Lý giải nguyên nhân của những tình trạng rút bài sau thời gian đăng tải không bao lâu, nhà báo tự do Vũ Bình cho rằng do ban Tuyên giáo chưa kịp định hướng.
“Ví dụ như giàn khoan HD981 vừa vào Biển Đông, chưa kịp định hướng thì cứ nghĩ là được đăng bình thường thì các báo đăng lên. Nhưng ở trên lúc ấy mới cập nhật tin tức, họp hành, biết là chuyện này không nên đưa, không có lợi cho nhà cầm quyền, thế là mới đưa ra những cấm đoán, thông báo sau.”
Trong tình huống đó, chính mạng xã hội lại là công cụ truyền thông đưa người dân đến với thông tin đó. Cư dân mạng chụp lại, hoặc sao chép lại nội dung của bài báo trước khi bị tháo khỏi mặt trận thông tin chính thống của Ban Tuyên giáo.
Và sau đó, họ truyền nhau bằng các công cụ mạng xã hội.
Phản biện
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Đức An, Giảng viên cao cấp ngành báo chí tại Đại học Bournemouth, Anh, có đăng tải một bài viết trên báo Tuổi trẻ trong nước chia sẻ quan điểm của ông về mạng xã hội. Ông đưa ra một cách nhìn khác từ cái bất lợi của những nguồn tin chưa được kiểm chứng do cộng đồng mạng truyền nhau.
Ông cho rằng vai trò của báo chí chính thống vẫn đặc biệt quan trọng trong thời đại công nghệ số.
“Thế giới mạng đang đi ngược lại truyền thống. Thường thì báo chí truyền thống lọc thông tin trước khi xuất bản, còn Facebook lại là nơi người ta có quyền xuất bản trước, rồi mới lọc ngược lại người đọc.
Người ta cũng có thói quen theo kiểu bầy đàn, tức là dễ tin vào những điều có nhiều người tin – vì họ cảm thấy an toàn hơn. Cứ thế, độc giả có xu hướng cuốn theo sự đồng ý hơn là bất đồng. Họ không thể, và có khi không muốn nghe ý kiến trái chiều”.
Phản biện của Tiến sĩ Nguyễn Đức An được đưa ra dưới góc nhìn chuyên môn của một ký giả trong một xã hội tự do báo chí. Bởi vì, theo nhà báo tự do Vũ Bình, ở Việt Nam hiện tại, như một lẽ tự nhiên, người dân không muốn xem và đọc thông tin trên báo chí truyền thống nữa, tạo cơ hội cho các mạng xã hội làm nhiệm vụ thay thế.

Tiến thoái lưỡng nan khi xuất khẩu sang Trung Quốc

Lan Hương, phóng viên RFA
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 22 tỷ USD vào năm ngoái, chiếm 12,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Mặc dù Trung Quốc lâu nay là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng khi xuất khẩu sang nước này Việt Nam thường xuyên phải chấp nhận giá bán rẻ mạt hơn khi xuất sang các quốc gia khác.
Giá bán rẻ mạt
Một trong những mặt hàng được Việt Nam xuất mạnh nhất sang Trung Quốc là khoáng sản. Tuy nhiên theo báo cáo của Tổng cục hải quan, trong 5 tháng đầu năm nay, thị trường Trung Quốc là bến đỗ của hơn 3/4 lượng quặng xuất khẩu nhưng lại có mức giá rẻ gần gấp đôi mức giá mà Việt Nam bán cho các thị trường khác.
Một doanh nghiệp xuất khẩu quặng cho Trung Quốc, xin giấu tên, cho Đài Á Châu Tự Do biết:
Bên khoáng sản bọn tôi thì thường khi Trung Quốc dôi nguồn hàng của các nước khác thì sẽ đẩy Việt Nam xuống. Khi mà các nước khác không có thì mới chấp nhận giá Việt Nam ngang với giá thị trường. Ví dụ ở châu Phi rẻ thì họ lấy hàng của châu Phi. Mà khi châu Phi rẻ thì họ ép Việt Nam xuống. Mặt hàng quặng cũng vậy, nó mua được của Sri Lanka nhiều thì sẽ cắt Việt Nam.
Thứ hai là chính sách vĩ mô, người ta không cho xuất khẩu quặng thô nữa mà bắt phải chế biến sâu, mà Trung Quốc có cần hàng chế biến sâu của Việt Nam đâu.
Mặc dù giá rẻ như vậy nhưng hiện tại Việt Nam vẫn đang xuất 11.000 tấn quặng sang Trung Quốc mỗi ngày.
Theo dữ liệu của Cục Thuế xuất nhập khẩu, thuộc Tổng cục Hải quan, hiện xuất khẩu quặng và khoáng sản của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu vẫn là quặng nhôm, quặng sắt, apatit và một số loại quặng khoáng phục vụ trong ngành vật liệu xây dựng, xi măng.
Ngoài xuất khẩu quặng và khoáng sản, hiện Việt Nam cũng xuất một lượng lớn dầu thô sang Trung Quốc. Trong 5 tháng đầu năm, lượng dầu thô mà Việt Nam xuất sang Trung Quốc chiếm 40% lượng dầu thô xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên giá bán cũng đang giảm so với các thị trường khác.
Đồ gỗ và thủy sản cũng là những mặt hàng thường phải chấp nhận xuất sang Trung Quốc với giá rẻ hơn thị trường. Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho chúng tôi biết nguyên nhân tình trạng này:
Thường thường yêu cầu chất lượng của Trung Quốc thấp hơn yêu cầu của các thị trường khác như EU, Mỹ, Nhật Bản,…Ngoài ra cự ly vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng gần hơn rất nhiều, cho nên chi phí vận tải thấp hơn. Tiếp theo là số lượng Việt Nam có thể xuất sang Trung Quốc thường là lớn hơn.
Một số nguyên nhân khác cũng gây ảnh hưởng đến giá cả khi xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc, theo ông Hoài, là do sản xuất quá nhiều, gây lượng hàng tồn đọng lớn nên các doanh nghiệp phải “bán tống bán tháo” với giá rẻ hơn. Đôi khi, các doanh nghiệp cũng phải xuất khẩu để thăm dò thị trường, chào hàng hoặc có các mặt hàng gỗ quý nhưng Trung Quốc đột ngột dừng mua nên cần bán giá rẻ hơn để tiêu thụ.
Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2017 tiếp tục là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 32,76 tỷ USD.
Tuy nhiên cũng trong năm nay, thị trường Trung Quốc đã cho người nông dân Việt Nam một “cú đấm đau” khi đột ngột ngừng mua heo, khiến giá thành heo ở Việt Nam xuống mức thấp kỷ lục trên toàn thế giới. Trong khi đó người dân vẫn phải vay ngân hàng để mua thức ăn cho heo vì không bán được. Hàng loạt các chương trình “giải cứu người nuôi heo” được chính người dân và chính phủ xây dựng lên để giúp đỡ bà con trong cảnh khốn cùng. Cuối tháng 4 vừa rồi, bộ Nông nghiệp Việt Nam đã phải sang Trung Quốc để “cầu cứu” xuất khẩu thịt heo sang nước này.
Trước đó, những người dân trồng chuối ở Đồng Nai, hay trồng chanh dây ở Gia Lai nói với chúng tôi rằng họ lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười khi bị thương lái Trung Quốc ép giá, thậm chí là ngừng mua. Chanh leo có thời kỳ lên đến 52.000 đồng/kg nhưng đã giảm chỉ còn 10.000 đồng/kg.
Vẫn phải bán!
Đáp lại câu hỏi của chúng tôi rằng vì sao thị trường Trung Quốc thường xuyên nhập hàng của Việt Nam với giá rẻ như vậy nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục xuất khẩu một lượng rất lớn, chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Ngô Trí Long cho biết:
Là vì hiện nay nó mang lại lợi nhuận rất lớn cho những người xuất khẩu mà thị trường trong nước khả năng không tiêu thụ được thì người ta phải đưa sang bên kia thôi.
Ông đánh giá nguyên nhân chính khiến Việt Nam mặc dù rất muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khác như khối EU chẳng hạn để được giá thành cao hơn nhưng không thể là do chất lượng sản phẩm Việt Nam không đảm bảo tiêu chuẩn của họ.
Chỉ tính riêng mặt hàng gạo, năm ngoái Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết chỉ trong vòng 4 năm qua Việt Nam đã bị Mỹ trả về khoảng 10.000 tấn gạo vì dư lượng chất bảo vệ thực vật. Cũng tính từ năm 2014 đến giữa năm 2015 đã có gần 32.000 tấn thủy sản bị các nước bạn hàng trả về do nhiễm bệnh và dư lượng kháng sinh.
Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng về lâu dài, việc tiếp tục xuất khẩu với giá rẻ sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam:
Nếu mà là tài nguyên thì sẽ khiến nguồn tài nguyên cạn kiện đi do xuất khẩu thô. Thứ hai là chất lượng sản phẩm kém và giá thấp như vậy sẽ làm hạn chế năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông Ngô Sỹ Hoài Phó tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, cho rằng riêng đối với mặt hàng gỗ Việt Nam vẫn cần phải tận dụng thị trường Trung Quốc là vì họ giải quyết một số lượng hàng lớn cho Việt Nam:
Nói chung chúng ta cũng đang đa dạng hóa thị trường. Thực sự Việt Nam cũng đang xuất khẩu nhiều đồ mộc sang châu Âu nhưng thị trường châu Âu có rất nhiều rào cản và cũng không thể tiêu thụ hết các mặt hàng gỗ Việt Nam làm ra. Ngoài ra thị trường Trung Quốc có một đặc điểm là họ tiêu thụ rất nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mặt hàng từ các loại gỗ quý hiếm mà giá trị cao. Cho nên chúng ta phải tận dụng thế mạnh của từng thị trường.
Hàng Việt đưa sang Trung Quốc hiện đang được hưởng thuế suất ưu đãi trong khuôn khổ Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN, nhưng Bắc Kinh vẫn áp dụng thuế giá trị gia tăng 13%-17% với Việt Nam, và đó cũng là một nguyên do khiến sức cạnh tranh về giá của sản phẩm Việt giảm đi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?