Tin Việt Nam – 26/06/2017


Tin Việt Nam – 26/06/2017

Giáo dân Quảng Bình biểu tình

Khoảng 500 người dân ở Giáo họ Yên Nghĩa, giáo xứ Liên Hoà, giáo phận Vinh, tỉnh Quảng Bình biểu tình đòi hỏi quyền lợi liên quan đến ô nhiễm môi trường biển, an ninh xã hội và việc hút cát bừa bãi gây ra tình trạng sạt lở trong thời gian vừa qua.
Một bạn trẻ có tên Xung Lâm Nguyễn cho Đài Á Châu Tự Do biết tin vào lúc 1 giờ 30 phút chiều ngày 26 tháng 6. Cuộc biểu tình diễn ra lúc 2 giờ chiều cùng ngày, dưới sự hướng dẫn của Linh mục Thân Văn Chính.
Những người tham gia gồm thiếu nhi và người lớn, mang cờ ngũ sắc và các băng rôn với khẩu hiệu như: “Formosa get out of Vietnam”, “Dối trời lừa dân, đủ muôn ngàn kế”, “Khởi tố Formosa vì Đồng bào”.
Trả lời chúng tôi qua điện thoại, bạn trẻ này cho biết rõ thêm về  ba nguyên nhân chính dẫn đến cuộc biểu tình.
“Thứ nhất là về cát, hút cát trái phép dẫn tới trường lợp sạt lở đất, mồ mả trôi hết. Vấn đề thứ hai là họ đòi về bồi thường lao động giống như Cồn Sẻ vừa rồi, chưa đền bù cho họ. Vấn đề thứ ba họ đòi muốn phải giải quyết về vấn đề an ninh xã hội, nông thôn mới.”
Theo lời bạn trẻ này giải thích, chương trình nông thôn mới sắp hoàn thành nhưng đường sá trong giáo họ bị tàn phá, chưa tu sửa khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong vấn đề đi lại.
Trong vài giờ đồng hồ diễn ra cuộc biểu tình, người dân giáo xứ Liên Hoà không gặp trở ngại hay cản trở nào.
Giáo xứ Liên Hòa do linh mục Phêrô Thân Văn Chính quản xứ với hơn 2.500 bà con giáo dân.

Công bố kết quả kiểm tra tàu vỏ sắt

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định vào chiều ngày 26 tháng 6 tổ chức cuộc họp công bố kết quả chính thức của Tổ Thẩm Định tàu 67 hư hỏng, sau khi kiểm tra 17 chiếc tàu hư hỏng tại tỉnh này được đóng theo chương trình tàu vỏ thép kiên cố cho ngư dân mà chính phủ Hà Nội đưa ra.
Một trong hai doanh nghiệp đóng những chiếc tàu bị tố cáo không đúng theo qui định trong hợp đồng là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đại Nguyên Dương không có mặt.
Những thành phần tham dự khác gồm lãnh đạo các ban ngành của tỉnh Bình Định, công an, ngư dân cũng như thành viên của Tổ Thẩm Định.
Tại buổi họp, Công an Bình Định lần đầu tiên lên tiếng về các sai phạm trong vụ việc 17 tàu vỏ thép đóng theo chương trình 67 của chính phủ Việt Nam.
Đại tá Trần Huy Giáp, phó giám đốc Công an tỉnh Bình Định, cho biết nhiều tàu cá không đảm bảo, có dấu hiệu sai phạm. Cơ quan Công an tỉnh Bình Định sẽ làm rõ vấn đề sai phạm và đề xuất xử lý những cá nhân liên quan; ngoài ra cơ quan này cũng phối hợp thu thập tài liệu, báo cáo cho Bộ Công an.
Nghị định 67/2014 của chính phủ Hà Nội khuyến khích ngư dân đóng mới tàu vỏ thép và cải tiến trang thiết bị để hiện đại hóa đội tàu đánh bắt cá.
Tuy nhiên sau khi tàu được bàn giao sau khi đi biển, ngư dân phát hiện tàu bị gỉ sét nhanh chóng. Thực tế cho thấy theo hợp đồng loại thép được ký là thép Hàn/Nhật nhưng phát hiện ra là thép Trung Quốc; máy tàu ký theo hợp đồng là máy Mitshbishi của Nhật nhưng không phải loại chính hãng…
Hai đơn vị thực hiện hợp đồng đóng tàu vỏ thép cho ngư dân Bình Định và bị hư hỏng nhanh chóng như bị khiếu nại là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đại Nguyên Dương ở Nam Định và Công ty Trách nhiệm Hữu Hạn MTV Nam Triệu thuộc Tổng Cục Hậu Cần, Bộ Công An.
Tại cuộc họp ngày 26 tháng 6, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, ông Trần Châu đề nghị chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện trong tỉnh nơi có tàu vỏ thép hư hỏng đóng tại Công ty Đại Nguyên Dương khẩn trương vận động ngư dân khởi kiện doanh nghiệp này ra tòa.

Ngư dân Việt bị Malaysia bắt ở Sarawak

Việt Nam đứng đầu danh sách các nước có ngư dân bị bắt vì đánh bắt cá bất hợp pháp tại vùng biển thuộc bang Sarawak của Malaysia.
Theo thông báo từ Cơ Quan Chuyên Trách Thực Thi Pháp Luật Biển  Malaysia, nhà chức trách bang Sarawak đã thức hiện 18 vụ bắt giữ với tổng cộng 196 ngư dân Việt trong 5 tháng đầu 2017.
Vẫn theo Cơ Quan Chuyên Trách Thực Thi Pháp Luật Biển của Malaysia, năm 2016 có 14 vụ bắt giữ với 189 ngư dân Việt đánh bắt trái phép tại vùng biển Sarawak.
Indonesia là nước thứ nhì có ngư dân bị bắt tại vùng biển Sarawak của Malaysia với 81 người. Thái Lan đứng hàng thứ ba trên danh sách với 28 ngư dân và 5 vụ bắt giữ.
Hôm 11 tháng 6, tàu cảnh sát biển Việt Nam đã chở gần 700 ngư dân Việt Nam về từ đảo Batam, Indonesia. Đây là những ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ với cáo buộc đánh cá bất hợp pháp trong lãnh hải, hoặc vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Phía Indonesia cũng cho biết là hiện còn có 198 ngư dân Việt Nam bị giữ trên đảo Batam, trong số đó có người bị giữ hơn hai năm.
Liên quan đến việc trao trả ngư dân Việt Nam từ Indonesia, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Việt Nam, bà Lê thị Thu Hằng trả lời hãng tin BBC của Anh quốc rằng Việt Nam không ủng hộ chuyện ngư dân xâm phạm vùng biển của các quốc gia khác, và bà cũng nói là Việt Nam đề nghị cùng các quốc gia có liên quan giải quyết vấn đề này, và đối xử với ngư dân xâm phạm lãnh hải trên tinh thần nhân đạo.
Theo một số nguồn tin từ ngư dân Việt Nam mà chúng tôi có được thì sở dĩ số lượng ngư dân Việt Nam bị bắt giữ ngày càng nhiều ở vùng biển Indonesia, vì vùng biển Việt Nam đã cạn kiệt hải sản.

Nhà báo bị gài bẫy

sau loạt bài về biệt phủ của các sếp sở Yên Bái?

Công an tỉnh Yên Bái vừa khởi tố và bắt tạm giam một nhà báo của báo Giáo dục Việt Nam về tội danh “chiếm đoạt tài sản”. Nhiều người tin rằng nhà báo đã bị gài bẫy sau khi tung ra loạt bài về biệt phủ của các giám đốc sở Yên Bái và các vấn đề đất đai trong tỉnh.
Tin trên báo chí Việt Nam cho hay ngày 26/6, công an thành phố Yên Bái đã ra quyết định khởi tố vụ án và bắt tạm giam 4 tháng đối với nhà báo Lê Duy Phong, Trưởng ban Bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Ông Phong bị cáo buộc đã “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Báo chí nhà nước dẫn thông tin của công an thành phố Yên Bái nói ông Phong bị bắt trưa ngày 22/6 khi “đang nhận tiền của một doanh nghiệp tại một nhà hàng”.
Phía công an cho rằng việc làm của ông Phong là “hành vi lợi dụng hoạt động báo chí để chiếm đoạt tài sản” của doanh nghiệp.
Thông tin ban đầu của công an nói ông Phong đã “chiếm đoạt” 250 triệu đồng của một số doanh nghiệp ở tỉnh Yên Bái.
Công an thành phố Yên Bái nói trước vụ bắt giữ, họ đã nhận tin báo của một số doanh nghiệp về việc một số người tự xưng là nhà báo yêu cầu các doanh nghiệp phải nộp tiền, nếu không sẽ xuất hiện các tin, bài ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của doanh nghiệp.
Nhà báo Lê Duy Phong bị bắt chỉ ít ngày sau khi báo Giáo dục Việt Nam đăng loạt bài của ông phản ánh những tiêu cực đất đai ở tỉnh Yên Bái, trong đó có nói đến các tư dinh hoành tráng của hai giám đốc Sở Công an và Sở Tài nguyên-môi trường tỉnh.
Trong hai vị giám đốc, ông Phạm Sỹ Quý, đứng đầu Sở Tài nguyên-Môi trường, là em trai của bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.
Loạt bài của ông Phong đã gây rúng động dư luận, mở màn cho nhiều báo khác cũng đăng các bài về cùng đề tài, tạo sức ép dẫn đến một cuộc thanh tra về đất đai, tài sản của các quan chức tỉnh.
Liên kết những diễn biến này lại với nhau, nhiều người kể cả nhà báo và luật sư, viết trên mạng xã hội rằng họ tin có nhiều khả năng ông Phong bị gài bẫy.
Vợ ông Phong, bà Nguyễn Quỳnh Nga, khẳng định với VOA chồng bà không phạm tội:
“Tôi tin chồng tôi vô tội vì tôi tin vào thói quen và tính cách lâu nay của chồng tôi, và sự cẩn thận, cẩn trọng trong lúc làm việc của chồng tôi. Cho nên tôi tin chồng tôi vô tội”.
Ngoài lòng tin của người vợ rất hiểu chồng sau 12 năm chung sống, bà Nga đưa ra bằng chứng trên trang Facebook cá nhân là lời tường trình bằng văn bản của một nữ nhân chứng có mặt trong suốt quá trình ông Phong đi đến và bị bắt ở Yên Bái.
Theo lời bà Nga, nữ nhân chứng đề nghị chưa nêu tên là một sinh viên thực tập. Cô viết bản tường trình một cách hoàn toàn tự nguyện để bà Nga biết những gì đã xảy ra với chồng mình.
Bản tường trình dài 5 trang nói ông Phong đi ăn trưa với hai người đàn ông khác hôm 22/6, trong đó một ông tên là Hoàng Trung Thực, 57 tuổi, từng làm ở công an tỉnh Yên Bái, nay là một doanh nhân.
Đến cuối bữa ăn, theo lời kể của nữ nhân chứng, khi ông Phong “gần say rượu”, ông Thực đã đến ngồi bên cạnh và cố “dúi tiền” vào túi quần ông Phong dù ông bảo “không nhận”.
Bản tường trình không nói ông Thực dúi tiền vì lý do gì, nhưng nhân chứng khẳng định cô “không hề nghe hai anh bàn chuyện công việc mà chỉ nghe họ đùa vui, nói chuyện tếu táo với nhau”.
Nhân chứng nói sau khi cố vài lần, ông Thực đã dúi được tiền vào túi ông Phong và ít phút sau công an “ập vào bắt”.
Sau hơn 2 tiếng, công an đưa ra một biên bản về vụ bắt giữ trong đó có chi tiết doanh nhân tên Thực cáo buộc rằng trong bữa ăn, ông Phong “đe dọa nếu không đưa tiền sẽ tiếp tục viết bài”. Nữ nhân chứng khẳng định “điều này là không đúng sự thật” vì cô “không hề nghe thấy anh Phong đe dọa phải đưa tiền”.
Ở thời điểm này, nhân chứng đề nghị được bảo vệ thông tin nhân thân song cô sẵn sàng tham gia đối chất tại tòa.
Trong một buổi thảo luận về vụ bắt giữ này được truyền trực tiếp hôm 26/6 trên trang Facebook có tên GTV của diễn đàn Góc nhìn Báo chí-Công dân, luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội, nói lời kể của nhân chứng cho thấy ông Phong vô tội:
“Trước mắt chúng ta cứ giả định là sự thật vụ án cứ căn cứ đúng bản tường trình của nhân chứng ở đây thì rõ ràng nhà báo Duy Phong đã không phạm tội và đang có dấu hiệu bị nghi ngờ và đang bị tạm giữ một cách oan sai”.
Luật sư Thu lưu ý nếu như trước cuộc gặp hôm 22/6, ông Phong đã từng nhắn tin hay nói chuyện để đe dọa, ép buộc ông Thực rồi nhận tiền, điều đó tạo ra đủ lý do để buộc tội ông. Nhưng bà Nga khẳng định trong buổi thảo luận là bà chưa bao giờ thấy chồng nhắc đến người nào tên là Thực, càng không có việc liên lạc, gọi điện, nhắn tin qua lại với người tên Thực.
Không phủ nhận thực trạng có một số ít nhà báo dọa dẫm doanh nghiệp để vòi tiền, nhà báo kỳ cựu Võ Văn Tạo nói với VOA ông thiên về hướng ông Phong bị “trả đũa”:
“Tôi nhận định có cái gì đó bất bình thường trong chuyện này. Cho nên tôi nghiêng về khả năng đây là sự gài bẫy là nhiều hơn. Tôi lại ít nghĩ đến khả năng là phóng viên Phong này có vấn đề tiêu cực, đi tống tiền, vòi vĩnh doanh nghiệp”.
Sau khi ông Phong bị bắt, trao đổi với báo chí trong nước hôm 26/6, ông Nguyễn Tiến Bình, Tổng Biên tập báo Giáo dục Việt Nam, nói ông sẽ “chính thức đề nghị” Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin–Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam gửi văn bản đề nghị cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp nhận vụ này “để đảm bảo tính khách quan”.
Nhiều luật sư đồng ý với quan điểm này. Họ viết trên mạng xã hội rằng việc công an ở Yên Bái bắt và khởi tố một nhà báo từng phanh phui các tiêu cực trong tỉnh có thể là sự xung đột lợi ích.
Vị Tổng Biên tập báo Giáo dục Việt Nam cho hay báo đã thuê các luật sư để bào chữa cho ông Phong. Ngoài ra, có nhiều luật sư cũng tình nguyện tham gia bảo vệ ông.
Với kinh nghiệm hai nhiệm kỳ là thành viên Hội thẩm Nhân dân, ông Võ Văn Tạo nhận định:
“Cần phải có những luật sư giỏi, tâm huyết vào cãi cho vụ này, bảo vệ quyền lợi cho anh phóng viên này. Bởi vì người ta vẫn nói ‘cái dù nó che cái cán’. Bộ Công an với công an tỉnh cũng là cấp trên cấp dưới thôi. Tôi biết qua những năm tôi làm bên tòa án, trong hội thẩm nhân dân, thì chuyện quen biết, gửi gắm nhau bao che lẫn nhau là có. Nó khá phổ biến đấy”.
Một số nhà báo không lạc quan về khả năng ông Lê Duy Phong sẽ thoát tội. Dẫn ra một số vụ bắt bớ nhà báo hay công an đánh nhà báo trong những năm gần đây, họ viết trên mạng xã hội rằng lại xảy ra “cuộc chiến” trong đó các nhà báo cầm chắc phần thua.

Thực trạng y tế ở Việt Nam

Lan Hương, phóng viên RFA
Người dân trong nước than phiền nhiều về ngành y tế; trong khi đó bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tuyên bố trước Quốc hội là gần 90% bệnh nhân được hỏi ý kiến nói họ hài lòng với thái độ của nhân viên chăm sóc y tế ở những cơ sở công.
Thực tế ra sao và cần có những giải pháp gì để thoát khỏi tình trạng lâu nay?
Công – tư trái ngược!
Ngược lại với tuyên bố của bà bộ trưởng Nguyễn thị Kim Tiến, một người dân nói với đài RFA rằng chị không dám đến bệnh viện công khám khi mang thai vì nhân viên ở đó không cởi mở và thủ tục quá rườm rà:
Bệnh viện công tôi không đến mấy đâu vì họ không nhiệt tình, niềm nở, không tận tâm chu đáo bằng ở ngoài. Đợt có bầu tôi toàn đi bệnh viện tư thôi vì bệnh viện công thủ tục rườm rà mà khám qua loa chứ không tận tình từng tí từng tí một như ở ngoài.
Bệnh viện công tôi không đến mấy đâu vì họ không nhiệt tình, niềm nở, không tận tâm chu đáo bằng ở ngoài.
-Một người dân
Một người dân khác thì nói rằng chị cảm thấy mệt mỏi vì phải chạy tiền “bồi dưỡng” cho bác sĩ, nhưng vẫn phải làm vậy là vì:
Vì cách ứng xử của bác sĩ luôn tỏ ra không hài lòng, hôm rồi tôi phải chờ bác sĩ đến hơn một tiếng song không thấy bác sĩ đâu cả. Nghe người ta bảo là phải biết đưa phong bì.
Một người khác lại phản ánh rằng nhân viên tại các bệnh viện công quá vô trách nhiệm:
Khi vào bệnh viện tư thì dịch vụ phục vụ tốt hơn, thái độ phục vụ của họ thì tốt và họ có trách nhiệm hơn. Bệnh viện công thì tồi quá, không tin tưởng, họ làm thất sách vô trách nhiệm lắm.Chỉ trách là dân nghèo thôi chứ còn là những người có tiền, quan chức họ cũng chẳng bao giờ đi khám ở đây đâu mà.
Lỗi tại ai?
Cuối tháng 3 vừa rồi, BV Nhi đồng 1 TP.HCM đưa ra kết quả khảo sát về những điều bệnh nhân không hài lòng khi đến khám tại bệnh viện này. Kết quả đưa ra 15 điều người dân không hài lòng nhất, trong đó 3 điều đầu tiên liên quan đến thủ tục rườm rà, và điều thứ 4 và 5 liên quan đến thái độ chăm sóc người bệnh của điều dưỡng, cách hỏi bệnh và thăm khám của bác sĩ.
Hồi giữa năm ngoái, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) công bố số liệu cho thấy chỉ trong vòng 2 năm có đến gần 16.000 nhân viên y tế bị bệnh nhân và người nhà phản ảnh qua đường dây nóng về thái độ phục vụ.
Nhận xét về nguyên nhân dẫn đến sự không hài lòng của bệnh nhân, ông Lê Đình Sáng, giảng viên đại học Y khoa Hà Nội cho rằng đó là do tư tưởng ban ơn của một số nhân viên:
Có thể là vì người ta chưa hiểu được rằng người bệnh là khách hàng của mình. Mô hình y tế bây giờ chính người bệnh mới nuôi sống các bệnh viện. Thứ hai, có thể họ sống quen trong tàn dư của bệnh viện cũ ngày xưa, vẫn theo tư tưởng ban ơn. Một số cá nhân thì do nhân cách của con người. Thứ 3, cũng có thể do áp lực công việc của họ quá lớn nên nhiều lúc họ bức xúc.
Trong khi đó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Thành, một giảng viên y khoa trường Đại học Y dược Hà Nội nay đã về hưu lại cho rằng nguyên nhân dẫn đến những thái độ chưa được đẹp của một bộ phận nhân viên y tế là do áp lực “cơm áo gạo tiền” khi đồng lương của họ không được xứng đáng:
Vấn đề tốt hay xấu phụ thuộc vào đồng lương và điều kiện làm việc của cán bộ, nhân viên. Muốn tốt thì sự đãi ngộ của xã hội với nhân viên đừng để họ thiếu thốn quá. Hi sinh đã quá nhiều nhưng không được đáp ứng lại nên đời sống của họ còn quá khó khăn.
Tuy nhiên Giáo sư Lê Văn Thành cũng nói rằng thái độ đáng chê trách trong ngành y không chỉ đến từ một phía nhân viên, mà ngay cả một số người dân cũng có thái độ quá khích, không tôn trọng đội ngũ y tế:
Hiện nay nhân viên y tế cũng bị người dân đối xử không tốt, đánh bác sĩ, nhân viên chỉ là vì chẩn đoán hơi sai hay chưa vừa ý cái gì. Hôm nay mới nghe nói mới thông qua luật rằng bệnh nhân đánh lại bác sĩ thì phải tù nhưng thực ra có bệnh nhân nào đánh đâu, mà là người nhà họ đánh bác sĩ. Luật phải sửa một câu là bệnh nhân đánh bác sĩ không được nhưng thân nhân đánh bác sĩ cũng phải bị pháp luật xử lý.
Bất ổn tại bệnh viện
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ 2010 đến nay, cả nước có không dưới 20 vụ điển hình về mất an ninh trật tự trong bệnh viện. Tính riêng các vụ vũ lực thì có đến 70% đối tượng bị tấn công là bác sĩ, 15% là điều dưỡng và 60% vụ việc xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh.
Hầu hết các vụ bạo lực xảy ra là do người nhà bệnh nhân bất mãn với một quyết định hay kết quả điều trị của bác sĩ.
Về vấn đề này, ngày 20/6 vừa qua Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung, theo đó tội hành hung người chữa bệnh cho mình có thể bị phạt tù 3 năm.
Cách giải quyết
Phải coi người bệnh thực sự là khách hàng để thay đổi thái độ phục vụ bởi vì nếu không người bệnh đi chỗ khác. Nếu họ mất khách hàng, thấy thuốc mà không có bệnh nhân thì chắc chắn là không hay nữa.
-Ông Lê Đình Sáng
Ông Lê Đình Sáng cho rằng để thay đổi thái độ của nhân viên y tế, trước hết cần giao quyền tự chủ cho các bệnh viện công để đội ngũ y tế tự gánh lấy hậu quả nếu số lượng bệnh nhân giảm:
Giao cho bệnh viện tự chủ và lãnh đạo mà làm gương cho nhân viên. Phải coi người bệnh thực sự là khách hàng để thay đổi thái độ phục vụ bởi vì nếu không người bệnh đi chỗ khác. Nếu họ mất khách hàng, thấy thuốc mà không có bệnh nhân thì chắc chắn là không hay nữa. Ngày xưa bệnh nhân tìm đến bệnh viện còn ngày nay họ có quyền lựa chọn ai cung cấp dịch vụ cho mình.
Quyền tự chủ ở các bệnh viện công được Chính phủ quy định từ năm 2006, có thể hiểu đơn giản là quyền tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của các bệnh viện. Tuy nhiên hiện tại còn nhiều bệnh viện công chưa thực hiện theo cơ chế này.
Còn theo Giáo sư Lê Văn Thành, ngoài biện pháp tăng thu nhập cho nhân viên y tế,  giáo dục là căn cơ gốc rễ nếu muốn thay đổi thái độ làm việc của họ:
Muốn thay đổi căn cơ phải thay đổi giáo dục ngay từ nhà trường, xã hội và gia đình. Con người đó mà được giáo dục tốt và trả đồng lương đầy đủ thì ít có chuyện làm sai lắm. Đừng cứng nhắc dạy vài khẩu hiểu, không thể giáo dục một con người như vậy được. Nếu giáo dục không nhìn rộng ra thì sẽ đưa đến chỗ xuống cấp.
Ngành Y tế đầu tháng 6 vừa qua đã chính thức áp dụng tăng giá 1.900 dịch vụ đối với những người không có thể bảo hiểm y tế. Người dân nói rằng đây là một chính sách ép họ phải tham gia bảo hiểm y tế trong khi dịch vụ này bộc lộ quá nhiều bất cập khiến họ không muốn tham gia.

Sự phát triển của ngành Việt Nam học tại Pháp

Nghiên cứu về Việt Nam được người Pháp chú ý ngay từ thế kỷ XVII, bắt đầu từ các nhà truyền giáo dòng tên để phục vụ công việc đến các nhà thực dân trong công cuộc xâm chiếm Việt Nam. Kể từ đầu thế kỷ XX, ngành Việt Nam học phát triển cùng với sự thành lập của trường Viễn Đông Bác Cổ (Ecole française d’Extrême-Orient, EFEO) nhằm mục đích nghiên cứu các nền văn minh phương Đông với các chủ đề chính là nghiên cứu văn khắc, khảo cổ học và ngôn ngữ. Ít nhiều đi theo hướng này còn phải kể đến Viện Quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông (Inalco, trước là Langues’O).
Sau khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, một xu hướng mới được hình thành tại Pháp, thiên về nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời kỳ cận đại, với một số tác phẩm tiêu biểu như Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952 (L’histoire du Vietnam de 1940 à 1952, 1952) của Philippe Devillers, Đóng góp vào sự hiểu biết về quốc gia Việt Nam (Contribution à l’histoire de la nation vietnamienne, 1955) của Jean Chesneaux và Việt Nam, lịch sử và văn minh (Le Vietnam, histoire et civilisation, 1955) của giáo sư Lê Thành Khôi sống tại Pháp.
Trả lời RFI tiếng Việt, giáo sư Trịnh Văn Thảo, từng giảng dạy tại đại học Provence, nhận xét giai đoạn này đánh dấu thời kỳ phát triển mạnh của ngành Việt Nam học tại Pháp, với những tên tuổi như Jean Chesneaux, Pierre Brocheux, Daniel Hémery hay Georges Boudarel.
« Ba người này là học trò của một ông giáo sư sử học, chuyên về Đông Phương học, ở trường Sorbonne, đó là giáo sư Jean Chesneaux. Ông là người đóng vai trò trung gian giữa hai thế hệ. Thời trước đó, hàng ngũ những người viết lịch sử cận đại Việt Nam là rất ít. Những người viết với mục đích hoan nghênh chủ nghĩa thực dân lại còn ít hơn nữa. Chỉ bắt đầu từ Paul Mus với Chesneaux là chớm manh nở hai nhân tài viết để chống lại chủ nghĩa thực dân.
Ông Paul Mus là một trong những giám đốc đầu tiên của trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO). Ông có một quá trình đào tạo căn bản ghê lắm, ông nghiêm khắc nhưng những gì ông phân tích về Việt Nam trong cuốn Vietnam : Sociologie d’une guerre (tạm dịch : Việt Nam : Xã hội học của một cuộc chiến, 1952), cho thấy rõ ông là người có cái nhìn về bề sâu chứ không đứng trên phương diện biến cố, sự kiện lịch sử. Ông phân tích những lý do văn hóa, lịch sử tại sao có cuộc cách mạng ở Việt Nam, bắt đầu từ năm 1952.
Sau khi Paul Mus dẫn đường khai lối, ông Chesneaux là người thứ hai, bắt đầu công việc đó. Ông Chesneaux có lợi khí chuyên về sử Trung Quốc cận đại và Việt Nam cận đại, thì Chesneaux viết cuốn sách mà tôi cho là quan trọng lắm trong giai đoạn đó, tên là Đóng góp vào sự hiểu biết lịch sử Việt Nam ».
Vẫn theo giáo sư Trịnh Văn Thảo, chính Chesneaux là người đào tạo ba « đệ tử » xuất sắc, được cho là đánh dấu thời kỳ vàng son của ngành Việt học tại Pháp, theo thứ tự tuổi tác là Georges Boudarel, Daniel Hémery và Pierre Brocheux. Sau này, cả ba nhà sử học đứng đầu nhóm nghiên cứu lịch sử Việt Nam cận đại tại trường đại học Paris 7 – Diderot, lúc đó mới vừa thành lập.
« Boudarel, hồi xưa, đi cộng tác trong khuôn khổ một chương trình huấn luyện. Ông đi Việt Nam khi vừa đỗ bằng cử nhân về Việt Nam và dạy học ở trường Chasseloup-Laubat. Ông dạy được vài tháng thì đi theo kháng chiến từ nam ra bắc nên biết rõ những nhân vật lịch sử của Việt Nam. Về bên Pháp, nhờ Boudarel mà nhiều sử gia sau này rút được kinh nghiệm và biết rõ hơn những nhân vật lịch sử của đảng Cộng Sản Việt Nam.
Người thứ hai là Hémery, ông chuyên về những nhân vật thuộc đệ Tứ. Ông theo dõi, phân tích một cách rất tỉ mỉ và chính xác phong trào La Lutte (Tranh Đấu) ở Việt Nam, khởi sự từ 1933 đến 1937-1938 thì rã ra. Đó là thời lịch sử giao thời, với kinh nghiệm gần như duy nhất về sự hợp tác giữa những người Cộng sản đệ Tam và đệ Tứ. Người cha tinh thần của tờ Tranh Đấu là ông Nguyễn An Ninh, một nhà lãnh tụ cấp tiến.
Đó là lần đầu tiên có một sử gia hiện đại nghiên cứu về một hiện tượng hiện đại với những tài liệu đầy đủ. Vì thế, ông đã viết cuốn sách về phong trào La Lutte xuất sắc.
Brocheux nhiều tuổi hơn Hémery một chút. Ông Brocheux dạy sử tại trường trung học Pháp Chasseloup-Laubat. Trong ba người, tôi cho rằng Daniel Hémery là người xuất sắc nhất, đứng về mặt học vị là đỗ thạc sĩ, và có cái nhìn rất sâu, tương đương với Paul Mus ».
Sau khi nhà sử học Jean Chesneaux rút lui, ba học trò tiếp tục kết hợp nghiên cứu lịch sử cận đại Việt Nam với kết quả « ngoạn mục » của cặp bài trùng Brocheux và Hémery là cuốn Indochine : Une colonisation ambigue (tạm dịch : Đông Dương, nền thuộc địa mơ hồ), được đánh giá là đánh dấu cho cả một thế hệ các nhà nghiên cứu. Ngoài ra, còn phải kể đến hai giáo sư Nguyễn Thế Anh và Charles Fourniau trong môi trường nghiên cứu khoa học bên Pháp.
« Giáo sư Nguyễn Thế Anh rất có nhiều uy tín, mặc dầu ông là một công chức cao cấp của chế độ miền nam, nhưng ông có bảo đảm đứng về mặt khoa học. Nguyễn Thế Anh là người ăn học rất xuất sắc, đỗ thạc sĩ, rồi làm một luận án rất xuất sắc về thư mục Việt Nam. Bây giờ người ta vẫn xem ông là người đáng tin cậy nhất. Một người khác thiên về đảng Cộng Sản Pháp hoàn toàn là ông Charles Fourniau.
Có năm người tất cả, trong môi trường khoa học bên Pháp, những người đó có ảnh hưởng lớn. Vì lúc đó, những chuyên viên về Việt Nam rất ít mà thanh niên, trí thức bên đây « châu » vào Việt Nam thôi. Kinh nghiệm chính trị của họ là Việt Nam, thành ra, những gì các ông này viết về Việt Nam có ảnh hưởng đến họ ghê lắm. Việt Nam là xứ duy nhất đương đầu với đế quốc Mỹ, đánh bại Pháp mà không bị đè bẹp, nên họ phục ghê lắm ».
Pháp có 70 luận án tiến sĩ về Việt Nam trong vòng 20 năm
Trong gần hai thập kỷ (1991-2008), có ít nhất 70 luận văn tiến sĩ chuyên về Việt Nam (hoặc về xứ Đông Dương thuộc địa) được bảo vệ tại Pháp, trong đó có 16 luận văn được bảo vệ tại trường Paris 7 – Diderot (theo tạp chí khoa học Mousson, số 13-14 (2009) dành riêng về Việt Nam : Lịch sử và triển vọng đương đại (Vietnam : Histoire et perspectives contemporaines).
Nghiên cứu và giảng dạy về Việt Nam tiếp tục được triển khai tại một số trường đại học Paris 1 Sorbonne-Panthéon, ở miền Nam phải kể đến đại học Provence (Aix-Marseille I), đại học Lyon 2, cũng như ở nhiều vùng trên khắp nước Pháp : đại học Montpellier III, Nantes, Reims, Toulouse II, Perpignan, Littoral…
Theo đánh giá của giáo sư Trịnh Văn Thảo, các nhà nghiên cứu về Việt Nam tại Pháp hiện nay rất xuất sắc, nhưng họ vẫn thiếu kinh nghiệm về những biến cố lịch sử mà thế hệ trước đã trải qua.
« Bởi vì, những nhà sử học trên có kinh nghiệm. Họ hiểu sự việc từ trong hiểu ra. Còn những người thuộc lớp trẻ về sau như David Mas hay Philippes Papin, họ cũng hiểu sự kiện nhưng hiểu từ ngoài vào trong. Vì vậy, họ vừa đóng vai trò sử gia, vừa đóng vai trò diễn viên.
Chỉ có mấy người trẻ bên Pháp, như Andrew Hardy, như tôi đã nói, lại không có kinh nghiệm bản thân. Họ nghiên cứu Việt Nam như một đối tượng khoa học. Còn lớp Hémery, Brocheux, họ đóng vai trò tiền phong để tố cáo những xứ đã đè bẹp Việt Nam bằng bom đạn ».
Về nghiên cứu sinh Việt Nam tại Pháp, giáo sư Trịnh Văn Thảo nhận xét :
« Cái khổ là thế hệ sau này kém. Kém là vì, thật ra, mình cứ chờ đợi những cán bộ, sử gia của Việt Nam gởi qua, họ còn có ý chí để đi xa hơn nữa. Nhưng cái khổ là sử gia mình kém quá, nhất là dưới chế độ cộng sản miền bắc. Sử Việt Nam chỉ khởi sự từ năm 1925 khi Bác Hồ lập ra Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội. Chứ về trước đó, họ không biết gì cả : thời nhà Nguyễn không biết, thời Pháp thuộc không biết, không cần biết, chỉ biết giai đoạn sau thôi. Thành thử, sinh viên qua bên đây, người nào giỏi về ngôn ngữ thì lại « thất » về phần sử học. Còn người có kiến thức sử học thì sử học lại bị méo mó ».
Vẫn theo giáo sư Trịnh Văn Thảo, cần hình thành được một đội ngũ cán bộ trẻ có nhiệt huyết, tin vào sử học và tin vào khoa học để ngành Việt Nam học có thể phát triển. Thế hệ sử gia tương lai của Việt Nam « cần phải được đào tạo lại hoặc phải cho họ ra xứ ngoài, chạm trán với những trường phái, nhờ thế họ mới tiến được ».
Một lưu ý khác là cần phải lựa chọn kỹ giáo sư Pháp hướng dẫn làm luận văn tiến sĩ vì có một số người thiếu kiến thức lịch sử Việt Nam : « Họ tử tế lắm, dễ thương lắm, họ sẵn sàng giúp đỡ học sinh Việt Nam để ngành sử học Việt Nam tiến bộ nhưng mình phải có sự phối hợp nhiều tiêu chuẩn mà căn bản nhất là tiêu chuẩn khoa học sử ».
Điểm cuối cùng mà nghiên cứu sinh Việt Nam tại Pháp chưa thực hiện được là nắm chắc ngôn ngữ để có thể đào sâu vấn đề, đọc được sách và truy cứu tư liệu một cách cẩn thận.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?