Những cuộc di dân lặng lẽ




     Trong lịch sử Việt Nam, có rất nhiều cuộc di dân, nhưng có hai cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử cận đại. Đó là hai cuộc di dân năm 1954 và năm 1975. Cả hai cuộc di dân này đều có nguyên nhân trực tiếp, đó là tỵ nạn cộng sản. Một cuộc di dân thứ ba, về số lượng không kém hai cuộc di dân trước đây, nhưng diễn ra âm thầm, lặng lẽ và trải dài qua nhiều năm. Theo tờ báo Vietnam Finance online ra ngày 24/7/2016, từ năm 1990 đến năm 2015, đã có 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài (nguồn: số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế IMO lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên hợp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội). Như vậy, tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100.000 người Việt di cư ra nước ngoài. Ngân hàng Thế giới cho biết, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia di cư ra nước ngoài nhiều nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tính đến năm 2013.
     Những cuộc di dân lặng lẽ này là câu trả lời xác đáng nhất cho bản chất chế độ cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cần nghiên cứu toàn diện về bối cảnh đất nước, những nguyên nhân thúc đẩy người ra đi, các sắc thái di dân và cuối cùng là liệu có một sự trở về của những con dân Việt trong tương lai hay không?
     I/ Bối cảnh đất nước
     Chúng ta lấy năm 1990 là năm xuất phát để tìm hiểu bối cảnh đất nước. Lý do là, công cuộc đổi mới mà đảng cộng sản Việt nam phát động bắt đầu từ cuối năm 1986, nhưng để chuyển đổi toàn diện đời sống kinh tế - xã hội, cũng như các cơ chế, chính sách đổi mới đi vào cuộc sống cũng mất vài ba năm.
     Ở Việt Nam, nếu chúng ta lấy số liệu thống kê các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của nhà nước và báo chí để đánh giá, nhìn nhận thì không một ai hiểu nổi, tại sao với một cuộc sống ngày càng đi lên, thu nhập tăng liên tục, các mặt của đời sống xã hội đang phát triển tốt đẹp mà người dân lại bỏ nước ra đi với con số kinh hoàng như vậy. Đầu tiên là chỉ số về tăng trưởng kinh tế. GDP của Việt Nam tăng trưởng qua các năm là niềm mơ ước của nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 1990, GDP của Việt Nam tăng trưởng 5%, cho đến hết năm 2017, tức là 27 năm, tốc độ tăng trưởng GDP đều trên 5%,trừ duy nhất năm 1999, tăng trưởng 4,8%. Một nền kinh tế từ chỗ quy mô hạn chế, được đầu tư do mở cửa và đổi mới, tốc độ cao hàng năm cũng là điều bình thường. Nhưng khi đã đổi mới được 20-25 năm rồi, tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức 6-7% thì quả là điều kỳ diệu (tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,21%, năm 2017 là 6,81%).
     Từ tốc độ tăng trưởng GDP, chúng ta có mức tăng thu nhập bình quân đầu người tính theo GDP cũng thuộc diện ước mơ trên thế giới. Nếu như thu nhập bình quân đầu người tính theo GDP năm 1992 mới là 140 USD, thì năm 2012 đã là gần 1.600 USD, và năm 2017 là 2.385 USD. Ngoài ra, các chỉ số về phát triển con người, xã hội và môi trường đều chứng tỏ Việt Nam là nơi đáng sống, không chỉ với người Việt, mà còn cả của người dân các nước khác nữa. Vậy nhưng, người Việt vẫn cứ ra đi, thật là một nghịch lý!
     Sự phát triển của các quốc gia cộng sản sau sự kiện sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, mà đại diện là Việt Nam và Trung Quốc, là một điều khó hiểu đối với nhiều nhà quan sát. Có một số người, ngay từ đầu của những công cuộc cải tổ, đổi mới đã nhìn nhận ra vấn đề, nhưng họ quá lẻ loi và chưa có những số liệu để hỗ trợ nhận định của mình. Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây (2016, 2017), tất cả đã rõ ràng. Không chỉ là số liệu mà toàn bộ thực trạng của nền kinh tế, của đất nước đã chứng minh nhận định của họ.
     Công cuộc đổi mới của đảng cộng sản Việt Nam thực chất là một thủ đoạn để duy trì chế độ, duy trì độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Sự tăng trưởng, các con số tăng trưởng chỉ là kết quả của hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất, sự cởi trói của nền kinh tế từ kế hoạch - bao cấp sang thị trường tự do. Ở đây chúng ta cần hiểu đúng, cởi trói nhưng cởi đến mức nào? Cởi hoàn toàn hay chỉ là trong phạm vi nào đó? Đến thời điểm này, chúng ta có thể hình dung nền kinh tế Việt Nam được cởi trói như sau. Trước đây, nền kinh tế như một con người bị bó chặt dây thừng quanh người từ chân lên tới đầu, chỉ hở mũi để thở. Công cuộc đổi mới đã cởi cuộn dây thừng bó quanh người, chỉ còn trói từng tay, từng chân vào bốn sợi dây thừng mà đảng nắm giữ. Như vậy, con người từ chỗ bất động, đã đứng lên, đi lại, tay chân vung vẩy được cũng đã tạo ra một xung lực mới cho sự phát triển. Nhưng khi đi lại, vung vẩy hết tầm sợi dây thì phải dừng lại. Hoặc khi vung tay quá đà, chân bước quá xa đều bị sợi dây kéo lại. Sự đình trệ của nền kinh tế trong những năm gần đây đã chứng minh cho nhận định này.
     Yếu tố thứ hai, kết quả của những tăng trưởng ngoạn mục hóa ra là kết quả của những đầu tư bằng việc đi vay và đảo nợ. Những tiết lộ về số nợ công của nhà cầm quyền Việt Nam trong hai năm qua đã cho thấy rất nhiều vấn đề, mà đầu tiên là giải thích cho sự khó hiểu về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đến thời điểm này, không còn một ai tự hào về những con số tăng trưởng kinh tế 5-7% GDP, con số vài nghìn đô la thu nhập đầu người… khi mà tổng số nợ của Việt Nam hiện tại đang gấp 3 lần GDP, tức là khoảng hơn 600 tỷ đô la, và quan trọng hơn, không có một mảy may trả nợ lãi, chưa nói nợ gốc….
     (còn nữa)
Hà Nội, ngày 21/02/2018
N.V.B

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?