Tin Việt Nam – 28/02/2018

Tin Việt Nam – 28/02/2018

Người Việt trẻ tôn vinh vật chất,

quay lưng với giá trị đạo đức: Lỗi tại truyền thông?

Mỹ Lan RFA
Thảo Linh, 27 tuổi, là biên tập viên, người dẫn chương trình của một cơ quan truyền thông lớn tại Việt Nam. Dù trẻ, đẹp nhưng cô lại thiếu sự duyên dáng, thông minh cần có của một người dẫn chương trình trên sóng truyền hình quốc gia thế nên các chương trình có sự xuất hiện của cô, khán giả thường không mấy mặn mà. Vì vậy mà thu nhập của cô cũng chỉ ở mức tương đối do ít được giao dẫn những chương trình quan trọng hay nhận được lời mời hợp tác từ các công ty bên ngoài.
Bạn bè của Linh cho biết cô vừa mới ly hôn, để lại đứa con gái 3 tuổi cho chồng nuôi, còn cô thì không chỉ đẹp rực rỡ mà còn giàu có nhanh chóng tới mức khó hiểu. Linh sở hữu một chiếc xe hơi nhập khẩu của Đức thuộc đời mới nhất với giá bán tại Việt Nam lên tới năm bảy tỉ đồng để làm phương tiện đi lại hàng ngày. Bên cạnh đó là hàng chục chiếc túi xách hàng hiệu, hàng chục đôi giày, đồng hồ và váy áo đồ hiệu của Italy mà có lẽ nhiều nhân viên văn phòng tại Mỹ cũng khó mà mua được. Thảo Linh hiện cũng sở hữu một căn hộ chung cư cao cấp tại Times City, một trong những khu đô thị đắt đỏ nhất Việt Nam với giá thành mỗi căn lên tới từ vài trăm ngàn cho tới cả triệu đô la.
Không lao động, không có công việc cụ thể, đi xe đẹp, dùng hàng hiệu, thời trang cao cấp… không hiểu nguồn tiền này họ lấy ở đâu ra -  chị Minh An, cư dân Times City
Thế nhưng, những trường hợp như Thảo Linh ở khu đô thị này lại hoàn toàn không phải là chuyện hiếm. Trong số những cư dân đang sinh sống tại đây, chủ nhân của rất nhiều căn hộ đắt tiền lại là những cô gái tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn công việc không ổn định nhưng điều kiện sống lại là niềm mơ ước của hàng triệu viên chức, trí thức hiện nay, những người cho dù có cống hiến cả cuộc đời cũng khó có thể có được một cuộc sống vật chất đầy đủ và xa hoa như vậy. Chị Minh An, một cư dân ở đây cho biết:
“Không lao động, không có công việc cụ thể, đi xe đẹp, dùng hàng hiệu, thời trang cao cấp… không hiểu nguồn tiền này họ lấy ở đâu ra? Việc không lao động mà lại được hưởng thụ cuộc sống cao cấp như vậy nó là vấn nạn của xã hội hiện nay mà giới trẻ đang có xu hướng như thế. Họ không tạo ra giá trị lao động mà chỉ sống dựa trên đồng tiền của những người mà họ quan hệ xã hội, và mối quan hệ này là mối quan hệ không được chính tắc. Mình thì cũng không dám đánh giá người ta là người tốt hay người xấu nhưng tình hình xã hội chung bây giờ là như vậy”
Trong thực tế, lối sống chạy theo vật chất đang là một trào lưu trong xã hội khi mà truy cập các trang báo mạng, những tin bài có số lượng người đọc cao nhất, tương tác nhiều nhất là các chủ đề liên quan đến giới showbiz hay các doanh nhân thành đạt. Chẳng thế mà fanpage của các ngôi sao ca nhạc như Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng MTP, Đàm Vĩnh Hưng, những chân dài như Ngọc Trinh, Thanh Hằng, Phạm Hương… có số lượng theo dõi lên tới cả vài triệu người.
Ngoài ra, những cô chiêu cậu ấm con của các đại gia bất động sản, chứng khoán hay con cháu của các vị quan chức lãnh đạo cao cấp cũng được một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ coi là biểu tượng của sự thành đạt và đẳng cấp. Cách đây không lâu, instagram của nhóm những cô chiêu cậu ấm với tên gọi Hội con nhà giàu Việt nổi lên như một hiện tượng mạng hội và thu hút được hàng chục ngàn lượng theo dõi. Lối sống xa hoa cùng thú tiêu tiền như nước vào các món đồ dùng hàng hiệu của những cậu ấm cô chiêu này khiến ngay cả nhiều tờ báo lớn tại nước ngoài như Business Insider, Daily Mail, Independent, The Sun… cũng thấy “tò mò”. Vậy mà nhóm người giàu này lại là thần tượng của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ. Họ tìm cách cập nhật thông tin mỗi ngày về từng thành viên nhóm con nhà giàu này, thay vì dành sự quan tâm tìm hiểu về các nhà khoa học, những nghệ sỹ hay những nhân vật có nhiều đóng góp cho xã hội. Rất nhiều người trẻ không còn quan tâm đến một tác phẩm văn học nào vừa được xuất bản, một nghệ sĩ điêu khắc nào vừa được trao giải thưởng quốc tế hay những sự việc đang diễn ra có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc kế dân sinh hiện nay.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, người có điều kiện tiếp xúc với nhiều bạn trẻ cho biết:
“Họ không đủ nhẫn nại, quyết tâm và phụ thuộc vào các hệ thống công nghệ thông tin, máy móc xung quanh họ, họ sống ảo nhiều hơn và coi sự học hành chăm chỉ là sự đáng nực cười. Thậm chí có một lớp người trẻ, ví dụ những cô gái chẳng hạn, họ nghĩ rằng chỉ cần chăm chút sắc đẹp, thân thể rồi những thứ trang sức là đã có thể tự tin bước ra ngoài đời với nụ cười trên môi và họ có thể gặp được những nhân vật có địa vị xã hội cao hơn họ và như thế họ có thể đổi đời”
Trao đổi với đài RFA về vấn đề này, một phụ huynh và cũng là một nhà báo giấu tên cho biết không phải ai cũng có thể trở thành ca sĩ, diễn viên, người mẫu hay doanh nhân. Thế hệ trẻ hiện nay thay vì làm những công việc hết sức bình thường lại mong muốn được sống cuộc sống của những người thành đạt mà không biết thực chất mình có khả năng hay không. Nguyên nhân là do họ chưa hiểu được vấn đề nhưng hàng ngày lại tiếp xúc với quá nhiều những thông tin về cuộc sống hào nhoáng, dẫn đến việc trong tâm trí họ sẽ hình thành mong muốn cũng sẽ được hưởng thụ cuộc sống tương tự. Và nếu như có điều kiện, họ có thể dễ dàng làm những việc không chính đáng để đạt được cuộc sống nhàn hạ sung sướng thay vì nỗ lực lao động như một người lao động chân chính và có ý thức đóng góp cho xã hội.
Những người làm nên mạch nguồn của văn hoá hiện đại thì các nhà báo trẻ đó bỏ qua, chưa nói đến bao nhiêu nhà văn hoá, xã hội học, nghệ sỹ khác – nhà văn Võ Thị Xuân Hà
“Nó làm cho thế hệ trẻ mất đi ý chí phấn đấu mà chỉ nghĩ đến cuộc sống hào nhoáng mà có thể không có thật trong cuộc sống. Vì khi đã lên báo chí hay các trang báo mạng thì nó đã được đánh bóng đi rồi. Mà cứ hàng ngày tiếp xúc thì nó phải ảnh hưởng trực tiếp đến lối sống, suy nghĩ, hành động của con trẻ rồi. Tôi cảm thấy thật sự lo lắng và thật sự tôi không muốn con tôi tiếp xúc với báo chí dạng như thế”
Không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới độc giả, ngay cả những người làm truyền thông, những nhà báo trẻ giờ đây nhận thức cũng có nhiều khác biệt so với thế hệ đi trước. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà chia sẻ nỗi buồn của một nhà văn nói riêng và một người lao động nghệ thuật chân chính nói chung:
“Tôi có tiếp một số bạn sinh viên năm thứ 2 khoa báo chí, khi hỏi cháu có biết nhà văn này, nhà văn kia không thì đều lắc đầu không biết. Những người làm nên mạch nguồn của văn hoá hiện đại thì các nhà báo trẻ đó bỏ qua, chưa nói đến bao nhiêu nhà văn hoá, xã hội học, nghệ sỹ khác… các bạn đó không quan tâm mà ra trường các bạn chỉ muốn “nhảy” vào những vị trí dễ kiếm tiền như vào ban kinh tế, vị trí tiếp xúc với các đại gia, những người mẫu chân dài, diễn viên nổi tiếng… các thứ đó trưng ra… chứ không hề quan tâm đến việc một bài báo mình viết ra sẽ có ảnh hưởng đến xã hội như thế nào?”
Tin người dân quan tâm thì họ không được phép đưa nên bắt buộc báo chí phải tìm cách đưa tin về người mẫu khoe thân, ca sỹ mắc nợ… để thu hút sự quan tâm của công chúng – một nhà báo giấu tên
Trước câu hỏi vì sao truyền thông trong nước lại ưu tiên đăng tải những thông tin mang tính giải trí thay vì nêu lên những vấn đề gây bức xúc trong cuộc sống, nhà báo trên cho biết:
“Bản thân tôi là một nhà báo ở trong nước thì tôi hiểu, báo chí trong nước khi đề cập đến vấn đề này, họ cũng ở trong tình trạng bị bó buộc. Bởi vì những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh, những vấn đề liên quan đến chính trị xã hội quan trọng của đất nước như đề xuất tăng thuế, xây nghĩa trang 1400 tỷ hay thảm hoạ môi trường Formosa trước đây thì tất cả các cơ quan báo chí trong nước đều bị cấm đưa tin và không được phép đưa tin, nói, phân tích cũng như bình luận về những vấn đề này. Tin người dân quan tâm thì họ không được phép đưa nên bắt buộc báo chí phải tìm cách đưa tin về người mẫu khoe thân, ca sỹ mắc nợ… để thu hút sự quan tâm của công chúng”
Trên thực tế, Việt Nam hiện nay có 982 cơ quan báo và tạp chí được Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cấp phép hoạt động, thế nhưng có một điều mà ai cũng nhận thấy, “vị” tổng biên tập duy nhất kiểm soát mọi nội dung thông tin của tất cả các cơ quan báo chí này chính là Ban tư tưởng văn hoá Trung ương.
Quay trở lại câu chuyện của Thảo Linh, dù cô không tiết lộ về lý do chấm dứt cuộc hôn nhân nhưng qua bạn bè, tôi biết được Thảo Linh bỏ lại đứa con gái nhỏ hoàn toàn cho người chồng cũ, thậm chí cả tháng trời không hề gặp con để còn dành thời gian cho những mối quan hệ xã hội, mà theo nhiều người, đã mang lại cho cô cuộc sống sung túc cũng như một vị trí công việc đáng mơ ước như hiện nay.

Đất đai mãi là vấn đề nhức nhối trong xã hội chủ nghĩa

Trong năm 2017 vừa qua, đất đai vẫn là một trong những vẫn đề nhạy cảm, chứa đựng nhiều mâu thuẫn giữa người dân với doanh nghiệp và chính quyền, dẫn đến nhiều sự việc đáng quan ngại điển hình như vụ ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Cho đến nay số lượng vụ việc khiếu nại về đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao và không ngừng tăng thêm.
Người dân khó khăn vì chính sách đất đai
Trước khi bị thu hồi 300 ha đất nông nghiệp vào năm 2010, người dân phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội  có cuộc sống ổn định, ấm no với nghề nông nghiệp truyền thống nhiều đời.
Theo ông Trịnh Bá Phương – một người kiên trì chống lại việc cưỡng chế đất đai tại Dương Nội, từ sau khi mất đất, những người nông dân này mất đi tư liệu sản xuất quan trọng bậc nhất, mà không có nghề nghiệp thay thế dẫn tới sinh kế bị đảo lộn, đời sống trở nên khó khăn và tệ nạn xã hội tăng lên.
Một số người nhận được một chút tiền đền bù đó thì quay sang làm ăn kinh tế, nhưng mà những người nông dân chỉ có trong tay cái cày, cái cuốc, không được tri thức hóa, cũng không có kinh nghiệm làm ăn, nên đa phần là thất bại.
- Anh Trịnh Bá Phương
“Thì độ tuổi lao động đó, đến nay chính quyền và doanh nghiệp chỉ bố trí công ăn việc làm được cho 26 người, còn lại là thất nghiệp hết. Một số người nhận được một chút tiền đền bù đó thì quay sang làm ăn kinh tế, nhưng mà những người nông dân chỉ có trong tay cái cày, cái cuốc, không được tri thức hóa, cũng không có kinh nghiệm làm ăn, nên đa phần là thất bại. Sau khi làm ăn thì thua lỗ. Đầu tư xe cộ cũng thua lỗ nặng nề. Còn một số nhà thì họ nhận một chút tiền đền bù thì họ chỉ xây nhà, mua được cái xe thì hết sạch. Đến nay họ rơi vào cảnh sống rất khó khăn.”
Trong khi đó, từ năm 2010 đến nay, phần đất bị thu hồi đã được xây dựng thành nhà ở liền kề, chung cư, đường xá chiếm phần nhỏ, và phần lớn là bỏ hoang, không sử dụng đến. Đây là một nghịch lý: người cần đất sản xuất thì không có, người được giao đất thì để hoang hóa bởi không bán được bất động sản.
Trái lại, trường hợp ông Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng, Hải Phòng, kể từ sau vụ việc trấn động cả nước với tiếng súng hoa cải giữ đất tháng 1/2012, mảnh đất của ông nay đã được giao lại, không bị thu hồi, và được tiếp tục sử dụng từ đó đến nay. Sau khi mãn tù vào tháng 9/2015, gia đình ông Vươn đã tiếp tục triển khai những ý tưởng sản xuất, kinh doanh và quai đê lấn biển.
“Sau khi sự kiện năm 2012 xảy ra, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, chính quyền địa phương đã giao lại toàn bộ đất cho gia đình tôi. Nhưng mà để làm thủ tục (sử dụng) ổn định, lâu dài thì đang vướng vấn đề quy hoạch của Sân bay quốc tế phía Bắc. Cho nên bây giờ, không những tôi và tất cả bà con ở cái vùng này, lên đến hàng ngàn hecta đất đều phải nằm trong tình trạng chung là quy hoạch. Không hiểu là quy hoạch sau này có được triển khai hay không thì chưa rõ. Trước mắt ở trong tình cảnh là treo. Rất là lãng phí cho đồng vốn, không những tôi mà bà con Tiên Lãng đã bỏ ra đầu tư.”
Tác động nhãn tiền về kinh doanh mà ông Vươn đang hứng chịu là những quả trứng vịt biển của ông đang gặp khó khăn trong thủ tục hành chính vì đất đai bị quy hoạch treo, dẫn đến hệ quả không thể được cấp chứng nhận truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Chính dự án Cảng hàng không quốc tế phía Bắc được phê duyệt dưới thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đến sự việc gia đình ông Vươn bị cưỡng chế đất năm 2012. Hiện gia đình ông Vươn và người dân Tiên Lãng chưa biết tương lai mảnh đất họ đang sử dụng sẽ thế nào, khi thời hạn sử dụng đã hết và không được giao lại.
Sự phản kháng của người dân
Trường hợp ở Dương Nội từ năm 2010 đến nay và Tiên Lãng năm 2012 hay xã Đồng Tâm năm 2017 hoặc nhiều câu chuyện đất đai khác đều có điểm chung là người dân đã cương quyết phản kháng, chống lại việc chính quyền tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất bằng bạo lực.
Không những tôi và tất cả bà con ở cái vùng này, lên đến hàng ngàn hecta đất đều phải nằm trong tình trạng chung là quy hoạch. Không hiểu là quy hoạch sau này có được triển khai hay không thì chưa rõ. Trước mắt ở trong tình cảnh là treo. 
- Ông Đoàn Văn Vươn
Tháng 10/2016, 30 nhân viên Công ty Long Sơn đã mang máy móc, hung khí vào san ủi, phá hủy cây điều, cà phê của nhà ông Đặng Văn Hiến và hai hộ dân khác tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông, dẫn đến việc các hộ gia đình này phản kháng lại bằng súng, gây nên hậu quả 3 người chết và13 người bị thương – đều là nhân viên công ty Long Sơn. Đây có thể nói là vụ việc cưỡng chế gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất về nhân mạng.
Và sau đó chính người bị hại là ông Đặng Văn Hiến lại bị mức án tử hình với cùng tội danh “giết người”. Về phía công ty Long Sơn một số nhân viên tham gia chỉ bị tù vài năm với cùng tội danh “hủy hoại tài sản”.
Người dân tại Đắc Nông, những người cùng cảnh ngộ với gia đình ông Hiến, cũng như giới quan tâm trong cả nước đã có những tiếng nói thể hiện sự bất bình về bản án này, đặc biệt là mức án tử hình đối với ông Hiến là quá nặng và Tòa án đã không xem xét vụ việc một cách toàn diện hơn.
Sự việc tại Đắc Nông được ông Trịnh Bá Phương cho là có nhiều điểm tương đồng với sự việc tại Dương Nội, nhất là sự phản kháng của người dân để bảo vệ đất đai, tài sản mà họ đã dày công vất vả gây dựng.
“Theo tôi, đó là sự phản kháng chính đáng của người dân khi bị dồn đến đường cùng. Khi mà đơn từ, thậm chí vụ của Đặng Văn Hiến đã lên đến ông Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có chỉ đạo giải quyết. Thế nhưng họ đã trì trệ, các cơ quan, doanh nghiệp – công ty Long Sơn và chính quyền địa phương cấu kết với nhau, cố tình cướp đoạt đất đai, không giải quyết khiếu nại của ông Đặng Văn Hiến, cũng như người dân tại Đắc Nông. Dẫn đến tình thế cuối cùng, ông Đặng Văn Hiến đã buộc phải nổ súng để bảo vệ cái mảnh đất của mình.”
Ông Đoàn Văn Vươn đặt vấn đề về vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong sự việc của ông Đặng Văn Hiến.
“Nếu như mổ xẻ ra, chắc chắn phải có chính quyền đứng đằng sau. Bởi vì công ty này không thể nào có được những công cụ như khiên chống đạn – cái này chỉ được trang bị cho lực lượng Cảnh sát cơ động, chống bạo động. Thế mà tại sao công ty này lại có để mà sử dụng cho việc tự động cưỡng chế, hủy hoại, chiếm đất của người dân. Qua thông tin, để mà mổ xẻ thì tôi thấy nó rất có vấn đề.”
Mong muốn của người dân về đất đai
Khi đưa ra đấu giá để bán đất cho người dân thì bằng hình thức đấu giá, nhưng khi thu hồi thì bằng định giá. Và dễ tạo ra kẽ hở cho người có chức có quyền tham nhũng đất đai, và những doanh nghiệp “sân sau” lợi dụng để sâu xé, nhằm làm thiệt hại đến quyền lợi người dân.
- Ông Đoàn Văn Vươn
Theo Hiến pháp Việt Nam, đất đai thuộc “sở hữu toàn dân”, do nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý và khi cần sử dụng nhằm mục đích “phát triển kinh tế – xã hội” thì luật cho phép chính quyền được thu hồi để giao cho doanh nghiệp.
Khi đưa ra đấu giá để bán đất cho người dân thì bằng hình thức đấu giá, nhưng khi thu hồi thì bằng định giá. Và dễ tạo ra kẽ hở cho người có chức có quyền tham nhũng đất đai, và những doanh nghiệp “sân sau” lợi dụng để sâu xé, nhằm làm thiệt hại đến quyền lợi người dân.
- Ông Đoàn Văn Vươn
Theo ông Đoàn Văn Vươn, chế định về sở hữu đất đai như vậy chính là mầm mống dẫn đến hệ lụy tham nhũng, khiếu kiện kéo dài, bất công trong lĩnh vực đất đai, kéo theo sự kìm hãm phát triển xã hội.
“Vì đa sở hữu thì đất của tư nhân thuộc tư nhân, của nhà nước thuộc nhà nước, của ai thuộc người ấy, rất rõ ràng. Chứ không thể có một khái niệm mù mờ (sở hữu toàn dân) như thế này. Khi đưa ra đấu giá để bán đất cho người dân thì bằng hình thức đấu giá, nhưng khi thu hồi thì bằng định giá. Và dễ tạo ra kẽ hở cho người có chức có quyền tham nhũng đất đai, và những doanh nghiệp “sân sau” lợi dụng để sâu xé, nhằm làm thiệt hại đến quyền lợi người dân. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hệ lụy, mâu thuẫn và đỉnh điểm đã xảy ra như vụ việc nhà tôi, hoặc Đắc Nông, hoặc Đồng Tâm, hoặc còn nhiều nơi khác. Một điều không đáng có.”
Chung quan điểm với ông Vươn, ông Trịnh Bá Phương cũng mong mỏi quyền sở hữu đất đai của người dân phải được tôn trọng, khi doanh nghiệp hay chính quyền muốn lấy đất thì phải thương lượng giá cả với người dân theo cơ chế thị trường, chứ không thể là sự áp giá bất công như hiện nay.

Lần đầu tiên Việt Nam có trạm BOT trên đường vào chùa

Chận đường đòi mãi lộ đã trở thành quốc sách ở Việt Nam khi lần đầu tiên trong lịch sử, người đi chùa cũng phải trả tiền tại các trạm thu phí tham quan, tương tự như hàng chục trạm BOT đang mọc đầy trên các xa lộ khắp nước.
Truyền thông trong nước đưa tin, tỉnh Quảng Ninh từ đầu năm 2018 bắt đầu tiến hành thu phí tham quan đối với người lên chùa Yên Tử với mức 40,000 đồng một lần cho người lớn và 20,000 đồng một lần cho trẻ em. theo báo trí thức Việt Nam, năm 2017, chùa Yên Tử đón nhận tới 1.5 triệu lượt khách. Dự tính trong năm 2018, con số này sẽ tăng lên tới 1.8 triệu. Với mức lộ phí được áp dụng, dự tính số tiền thu được từ phí tham quan trong năm 2018 có thể lên tới 70 tỷ đồng (hơn 3 triệu Mỹ kim). Con số thu nhập khổng lồ này đã dẫn đến sự hưởng ứng của các giới chức chính quyền và ban trị sự giáo hội Phật giáo nhà nước ở Quảng Ninh.
Vẫn theo tờ trí thức Việt Nam, thành phố Uông Bí đã tổ chức một hội nghị với sự tham gia của hơn 300 đại diện từ các hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, ban ngành trong chính quyền và từ ban trị sự giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh. Tại hội nghị này, 90% số người tham dự đã đồng ý với việc đặt các trạm thu lộ phí dọc đường lên chùa Yên Tử.
Đường lên chùa Yên Tử không giống như xa lộ chỉ có một đường. Do đó, nhà cầm quyền cho đặt trạm thu phí ở khắp các  ngả đường vào chùa, kể cả những con đường mòn trong rừng.
Huy Lam / SBTN

Blogger Phạm Đoan Trang nói

quyết ở lại Việt Nam để chống độc tài

Nhà hoạt động blogger Phạm Đoan Trang ngày 27 tháng 2 thông báo trên trang Facebook với bạn bè, độc giả của cô rằng cô hiện vẫn đang ở Việt Nam, bác bỏ thông tin đồn đoán cô ra nước ngoài.
Thông báo được nói đưa ra lúc cô vào được mạng khẳng định cô sẽ không bao giờ rời Việt Nam chừng nào Việt Nam chưa thay đổi. Cô cũng cho biết sẽ không đến Cộng hòa Séc vào ngày 5/3 tới đây để nhận giải thưởng Homo Homini (Từ Con người Đến Con Người) năm 2017 do tổ chức People In Need trao hồi giữa tháng 2 vừa qua vì sự can đảm của cô trong quá trình theo đuổi sứ mệnh đem lại dân chủ cho Việt Nam.
RFA vào chiều tối ngày 28 tháng 2 đã liên hệ với bà Bùi Thị Thiện Căn, thân mẫu của blogger Phạm Đoan Trang, để hỏi thêm thông tin. Bà Căn cho biết từ khi cô Trang được an ninh thả vào ngày 24 tháng Hai tới nay, bà chưa được gặp và không liên lạc được với con gái nên không biết tình hình sức khỏe cũng như tinh thần của cô ra sao.
Về thông tin nói rằng blogger Đoan Trang đã ra nước ngoài, bà Căn khẳng định:
Không bao giờ Trang đi nước ngoài. Trang khẳng định chắc chắn điều đó. Ở Việt Nam người ta nói cột đèn cũng biết đi, chừng nào cột đèn cuối cùng của Việt Nam rời ra nước ngoài thì Trang mới đi.
Thân mẫu của blogger Phạm Đoan Trang cũng chia sẻ suy nghĩ của bản thân về con đường đấu tranh mà con gái bà đã chọn:
Tôi nói thật lý tưởng của Trang rất đẹp. Nếu thực hiện được trên nước Việt Nam này thì tôi rất mừng. Tôi hoàn toàn ủng hộ suy nghĩ và hành động của Trang. Và tôi nghĩ đó là con đường rất đúng đắn.
Tôi tin tưởng con tôi không bao giờ nhụt chí. Hôm trước, trước lực lượng an ninh rất đông đảo, họ dụ dỗ và hăm dọa con tôi đầu hàng. Nhưng con tôi một mực vì lương tâm, nhân cách của cá nhân và dòng họ, Trang không thể và không bao giờ đầu hàng hay phản bội lại lý tưởng mình đã theo.
Cũng trên trang Facebook, blogger Đoan Trang đã kêu gọi người dân Việt Nam đứng lên đấu tranh vì một đất nước tốt đẹp hơn thay vì bỏ chạy ra nước ngoài.
Cách đây vài ngày, cũng trên trang cá nhân, nữ blogger đã tuyên bố cô đấu tranh chống độc tài, và vì nhà nước cộng sản ở Việt Nam hiện nay là nhà nước độc tài nên cô đấu tranh để xóa bỏ nó.
Xin được nhắc lại, ngày 24 tháng Hai vừa qua, nhà hoạt động Đoan Trang bị an ninh câu lưu và tra hỏi cô về các hoạt động cô tham gia cũng như cuốn sách “Chính trị bình dân” cô viết năm ngoái. Mãi đến nửa đêm cùng ngày, họ mới áp giải cô về nhà và bố trí an ninh canh gác.
Blogger Phạm Đoan Trang là một nhà hoạt động xã hội tích cực ở Việt Nam. Trước đây cô từng là một phóng viên và sau khi nghỉ làm việc cho truyền thông chính thức Nhà Nước, cô tham gia một số nhóm xã hội dân sự độc lập như Green Trees …..

Tên côn đồ Phan Sơn Hùng

lộ rõ quan hệ với quân đội CSVN

Phan Sơn Hùng, tên côn đồ từng hành hung một người phụ nữ hoạt động xã hội ở Sài Gòn vừa tiết lộ gốc gác thế lực bảo kê cho y, khi đăng tải những hình ảnh y mặc áo cờ đỏ đứng cùng với những quân nhân CSVN.
Tên côn đồ Phan Sơn Hùng vào ngày 2 tháng 5 năm 2017 cùng đồng bọn mang hung khí, xâm nhập một căn chung cư và tấn công nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh và người bạn của bà, cũng là phụ nữ và là chủ căn chung cư. Bọn côn đồ khoảng 10 tên xịt hơi cay rồi đấm đá hai người phụ nữ trong căn chung cư trên đường Trần Não ở quận 2, Sài Gòn. Sau đó tên Hùng còn tung đoạn phim hành hung hai người phụ nữ lên mạng xã hội.
Hôm 23 tháng 2, bà Lê Mỹ Hạnh đăng những bức ảnh tên côn đồ này mặc áo cờ đỏ, đứng dàn hàng cùng một nhóm quân nhân mặc quân phục gắn lon đầy đủ. Bà Mỹ Hạnh xem đây là bằng chứng tên côn đồ Phan Sơn Hùng được lực lượng quân sự ở Sài Gòn bảo kê.
Được biết sau khi vụ hành hung nói trên xảy ra, với bằng chứng do thủ phạm tự nguyện công bố đầy đủ, công an quận 2 đã từng tạm giữ tên côn đồ Phan Sơn Hùng. Nhưng vụ này rõ ràng sau đó đã bị công an quận 2 cố tình ém nhẹm. Tên Phan Sơn Hùng cho tới nay vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và không hề bị truy tố. Theo bà Mỹ Hanh, thậm chí những bài báo của các tờ Pháp Luât và Tuổi Trẻ về vụ hành hung cũng bị xóa mất.
Huy Lam / SBTN

Giám đốc bệnh viện ở Đồng Tháp mất chức

vì bổ nhiệm con trai bị động kinh làm phó khoa

Do bổ nhiệm con trai bị bệnh động kinh làm phó khoa, giám đốc của một bệnh viện ở tỉnh Đồng Tháp bị cách chức, về làm nhân viên tại trung tâm giám định y khoa.
Báo Pháp Luật hôm Thứ Hai 26/02 dẫn một nguồn tin từ Sở Y Tế tỉnh Đồng Tháp cho biết, sở này vừa quyết định cách chức giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Thanh Bình đối với ông Phạm Văn Nông. Ông Nông cũng bị buộc phải rời bệnh viện về làm nhân viên tại trung tâm giám định y khoa tỉnh Đồng Tháp.
Theo hồ sơ nội vụ, vào cuối tháng 10 năm 2012, Sở Y Tế Đồng Tháp phê chuẩn việc ông Nông tuyển dụng con trai mình là Phạm Trung Hiếu, khi đó 25 tuổi, vào làm việc tại khoa Chẩn Đoán Hình Ảnh – Xét Nghiệm, bệnh viện đa khoa huyện Thanh Bình. Sáu tháng sau, ông Nông ký quyết định bổ nhiệm con trai giữ chức phó trưởng khoa. Vụ bổ nhiệm này được cho là đã tạo dư luận không tốt, và Sở Y Tế đã cho kiểm tra lại vụ bổ nhiệm. Đoàn kiểm tra phát giác ông Hiếu được bổ nhiệm làm phó trưởng khoa ngay trong thời gian làm nhân viên tập sự. Ngoài ra, họ còn phát giác ông Hiếu mắc bệnh động kinh, nhưng không có giấy chứng nhận của cơ quan thẩm quyền để nắm giữ một chức vụ trong ngành y tế.
Bên cạnh đó, giám đốc bệnh viện Phạm Văn Nông cũng bị phát giác đã bổ nhiệm con dâu làm việc tại phòng Tài Chính – Kế Toán với nhiệm vụ quyết toán bảo hiểm y tế.

Campuchia sắp cấp ‘thẻ xanh’

cho người Việt không giấy tờ

Bộ Nội vụ Campuchia vừa thông báo có kế hoạch thừa nhận người gốc Việt không quốc tịch sinh sống tại Campuchia và sẽ cấp chứng nhận thường trú cho khoảng 70,000 người.
Theo báo Phnom Penh Post hôm 28/2, phát biểu trong cuộc họp ngày 27/2 của Bộ Nội vụ Campuchia, ông Nouv Leakhena – người đứng đầu Cục di trú Campuchia, nói kế hoạch này là sự thừa nhận của chính phủ Campuchia đối với những người không có quốc tịch đang sinh sống trên đất Campuchia, bao gồm cả người Việt.
Ông Sim Vichet, Tổng thư ký Uỷ ban Thường vụ Hội Ái hữu Khmer Kampuchia Krom nói ông rất vui mừng trước kế hoạch cấp thẻ thường trú nhân cho người gốc Việt sinh sống tại Campuchia.
“Chúng tôi rất mừng. Như vậy người Việt ở đây sẽ có giấy tờ hợp pháp. Trước đây khi kiểm tra người nhập cư người ta cũng đã cấp giấy quyền cư trú hợp pháp, và người Việt cảm thấy an tâm sinh sống ở đây.”
Chúng tôi rất mừng. Như vậy người Việt ở đây sẽ có giấy tờ hợp pháp.
Ông Sim Vichet, Hội Ái hữu Khmer Kampuchia Krom
Báo Phnom Penh Post nói có thể hiểu kế hoạch mới của chính phủ Campuchia đối với những cư dân không quốc tịch, không giấy tờ ở nước này giống như chương trình thẻ xanh của Mỹ.
Ông Leakhena nói: “Nhiều người sống 20, 30 năm ở Campuchia, thậm chí trước cả thời Khmer Đỏ. Họ đâu còn nhà cửa hay dòng họ gì ở Việt Nam. Việc này không nên ghép vào chuyện dân tộc. Chúng ta phải tôn trọng luật quốc tế.”
Theo các quan chức Campuchia, những người chứng minh được đã tới Campuchia trước năm 2012 có thể được cấp một loại giấy tờ có thời hạn 2 năm, cho phép họ trở thành “thường trú nhân” tương tự như chương trình thẻ xanh của Mỹ.
Tuy nhiên, “Không phải tất cả đều sẽ được công nhận là thường trú nhân. Khi những người này đến đăng ký, chúng tôi vẫn phải kiểm tra lý lịch các thứ. Nhưng tôi tin là gần như tất cả đều sẽ được”, ông Leakhena nói trong một cuộc họp báo.
Không phải tất cả đều sẽ được công nhận là thường trú nhân. Khi những người này đến đăng ký, chúng tôi vẫn phải kiểm tra lý lịch các thứ.
Ông Nouv Leakhena, Cơ quan Di trú, Bộ Nội vụ Campuchia
Nữ tu Lê Thị Thu Hồng thuộc giáo xứ Thánh An Tôn, giáo phận Battambang, khu vực Biển Hồ, nơi có đông người Việt sinh sống, cho VOA biết rằng vào tháng trước chính quyền tỉnh đã tập hợp nhiều người Việt và xét cấp giấy tạm trú mới cho họ, nhưng cũng không biết khi nào những người này được cấp thẻ thường trú nhân:
“Có những người làm thẻ tạm trú, giống như KT3 của Việt Nam, đến đây cách nay một tháng. Họ mượn nhà thờ làm trung tâm cấp thẻ, họ kêu hết những người trong khu vực đến đó để làm. Người Việt từ mọi ngóc ngách đều bị moi ra làm hết. Mấy ông xã trưởng yêu cầu người Việt ra làm hết, giống như ra đầu thú vậy.”
Tuy nhiên, tuyên bố của chính quyền Campuchia về việc cấp ‘thẻ xanh’ cho người Việt nhận được sự hoan nghênh của một số nhóm hoạt động nhân quyền. Thế nhưng họ cũng lo ngại rằng không rõ liệu những người này trong tương lai có được nhập quốc tịch Campuchia hay không.
Bà Lyma Nguyen, một luật sư đại diện cho các nạn nhân Việt nam trong phiên tòa xét xử Khmer Đỏ, Phnom Penh nói với tờ Phnom Pênh Post rằng chính quyền Campuchia nên linh hoạt trong cách xử lý vấn đề người Việt.
Theo bà Lyma, nhiều người Việt sở hữu giấy tờ hợp pháp và đã là công dân Campuchia hẳn hoi nhưng vẫn bị tước mất giấy tờ, mất thân phận hợp pháp. Và cho dù đáng lẽ họ đã là công dân Campuchia, họ vẫn sẽ mất ít nhất 7 năm để trở về thân phận cũ.
Trong một tuyên bố mang tính trấn an các tiếng nói phản đối của dư luận, ông Leakhena nói trọng tâm của chương trình “thẻ xanh Campuchia” không phải là bước đi nhằm hợp thức hóa thân phận của người Việt không quốc tịch ở Campuchia.
Ngoài ra, báo Phnom Penh Post trích lời ông Leakhena nói, trong vòng 1 tháng kể từ ngày 1/3, những người sử dụng lao động nước ngoài ở Campuchia phải đến trình báo và xin cấp giấy phép lao động cho lao động mà họ đang thuê. Quá thời hạn trên những lao động không đăng ký sẽ bị trục xuất về nước.
Trước đó, từ tháng 10 năm 2017, chính quyền Campuchia đã bắt đầu thu hồi giấy tờ bị cho là “bất bình thường” của 70,000 người, phần lớn là người gốc Việt và nhiều người lo sợ bị trục xuất về nước.
Có người còn cho rằng có thể việc tịch thu giấy tờ là một “chiêu bài chính trị” của đảng cầm quyền, tức Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), nhằm lấy lòng cử tri trước cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 5/2018.
Nhưng ông Sim Vichet bác bỏ nhận định này. Ông cho rằng việc tịch thu giấy tờ đã cấp sai quy định và sắp cấp thẻ thường trú nhân của Bộ Nội vụ Campuchia là một bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chánh ở Campuchia:
“Bây giờ chính phủ Campuchia chuẩn hóa các giấy tờ như vậy là một điều tốt, chứ không có liên quan đến cuộc bầu cử sắp tới.”
Bây giờ chính phủ Campuchia chuẩn hóa các giấy tờ như vậy là một điều tốt, chứ không có liên quan đến cuộc bầu cử sắp tới.
Ông Sim Vichet
Vào tháng 12 năm ngoái, trong vòng 8 ngày, Campuchia đã tước giấy tờ của 1.733 gia đình người Việt tại tỉnh Kampong Chhnang, hoàn thành một nửa mục tiêu đề ra trong chiến dịch thu hồi giấy tờ nhắm vào cộng đồng người Việt.
Kampong Chhnang là tỉnh đầu tiên thí điểm thực hiện chiến dịch vì là nơi có nhiều người Việt sinh sống trên các làng bè ở Biển Hồ, khu vực có hàng trăm trẻ em người Việt không được học ở hệ thống trường công lập Campuchia vì ‘không có giấy tờ hợp lệ’.
Trên thực tế, nhiều người Việt bị cho là có giấy tờ giả, thực ra đã được chính quyền sở tại cấp trước đây vì họ có nhà cửa hợp pháp. Nhiều gia đình đã sống tại đây qua nhiều thế hệ.

Hơn 70% cô dâu ngoại ở Hàn Quốc là người Việt

Gần 73% phụ nữ nước ngoài kết hôn với nam giới Hàn Quốc là người Việt Nam và có độ tuổi trẻ hơn nhiều năm so với tuổi trung bình kết hôn của các cô gái Hàn Quốc, Korea Times trích thống kê từ năm 2014-2016 của nước này cho biết hôm 28/4.
Theo số liệu của Bộ Bình đẳng giới và Gia Đình của Hàn Quốc, độ tuổi trung bình của các chú rể Hàn Quốc tại thời điểm kết hôn với các cô dâu ngoại là 43,6, cao hơn gần hơn 11 năm so với độ tuổi trung bình kết hôn lần đầu của đàn ông nước này năm 2017 (32,8 tuổi).
Ngược lại, tuổi trung bình của các cô dâu ngoại là 25,2, trẻ hơn 5 tuổi so với độ tuổi kết hôn trung bình của các cô gái Hàn Quốc (30,1).
Về trình độ học vấn, chỉ có 6,1% các ông chồng Hàn Quốc lấy vợ ngoại có bằng đại học, 54,8% tốt nghiệp trung học, và 6,1% chỉ mới phổ thông cơ sở.
Trong khi đó, 17,8% các cô dâu ngoại có bằng đại học, 52,4% tốt nghiệp trung học và 29,8% hoàn tất chương trình phổ thông cơ sở.
Ngoài ra, thống kê của Hàn Quốc cũng cho biết thu nhập trung bình của 41,1% chú rể Hàn Quốc là từ 2 triệu – 3 triệu won (khoảng 1.850 – 2.760 USD)/tháng. Khoảng 15,8% có thu nhập dưới mức 2 triệu won. Con số này cho thấy đa phần các ông chồng Hàn Quốc lấy vợ ngoại thuộc vào nhóm thu nhập thấp, vì mức thu nhập trung bình của nước này là 3,29 triệu won.
Thống kê cho biết thêm “khó khăn về giao tiếp” là nguyên nhân số một dẫn đến xung đột trong các gia đình đa quốc này.
Hàn Quốc là điểm đến hàng đầu của các cô gái Việt có giấc mơ đổi đời bằng cách lấy chồng ngoại. Đa số các cô gái lấy chồng Hàn đến từ các khu vực thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Thống kê cho biết có khoảng 40.000 cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc. Rất nhiều trong số này đã trở về Việt Nam sau khi ly dị với chồng vì những khác biệt và bất đồng về văn hóa, tuổi tác và các lý do khác. Thậm chí, một số trường hợp dẫn đến bạo lực gia đình và tử vong.
Theo thống kê mới của Hàn Quốc, Campuchia là nước có số lượng cô dâu ở Hàn Quốc đứng thứ 2 với 8,8%, tiếp theo là cô dâu Trung Quốc với 7,6% và cô dâu Philippines với 3,7%.

Việt Nam đệ đơn lên WTO

tố cáo Mỹ hạn chế nhập khẩu cá da trơn

Hôm 27/2 Việt Nam đã gửi hồ sơ đệ trình lên tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Hoa Kỳ hạn chế nhập khẩu cá da trơn từ Việt Nam, theo hãng tin Reuters.
Đơn kiện của Việt Nam nói cá tra, cá basa có ý nghĩa kinh tế quan trọng đối với Việt Nam. Loại cá này cung cấp một nguồn protein lành mạnh và phù hợp với người tiêu dùng Mỹ, nhưng Hoa Kỳ lại tìm cách hạn chế nhập khẩu loại cá này một cách thiếu công bằng và thiếu cơ sở khoa học.
Theo quy định của WTO, Việt Nam có thể yêu cầu WTO giải quyết tranh chấp nếu Hoa Kỳ không giải quyết trong vòng 60 ngày.
Theo báo CafeF, vào tháng 1 vừa qua, Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công thương Việt Nam đã chính thức gửi yêu cầu phía Hoa Kỳ đề nghị tham vấn trong khuôn khổ Cơ chế giải quyết tranh chấp WTO liên quan tới biện pháp chống bán phá giá mà Hoa Kỳ áp dụng đối với cá tra, basa nhập khẩu từ Việt Nam. Việc tham vấn là bước đầu tiên, bắt buộc trong quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp theo quy định của WTO.
Việt Nam cho rằng phương pháp quy về không (zeroing) mà Hoa Kỳ sử dụng để tính biên độ phá giá cho doanh nghiệp Việt Nam đã vi phạm ở hai khía cạnh: về mặt pháp lý và về mặt áp dụng quy định của Hiệp định Chống bán phá giá của WTO (ADA).
Truyền thông trong nước nói Việt Nam còn khiếu nại rằng Hoa Kỳ đã vi phạm quy định của Hiệp định ADA do không thực hiện việc dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá cho một số doanh nghiệp Việt Nam mặc dù các doanh nghiệp này đáp ứng tiêu chí được dỡ bỏ thuế do có biên độ phá giá bằng 0 trong ba lần liên tiếp.

Việt Nam dự họp nhân quyền ở LHQ giữa đợt đàn áp mới

Đại sứ Việt Nam Dương Chí Dũng hôm 26/2 đã cùng phái đoàn đến tham dự khóa họp lần thứ 37 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, giữa lúc đang có một đợt đàn áp mới nhắm vào các nhà hoạt động trong nước.
Tại kỳ họp kéo dài đến ngày 23/3 của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam được cho biết sẽ tích cực đóng góp vào quá trình đàm phán xây dựng các văn kiện của hội đồng, tổ chức tọa đàm quốc tế với chủ đề “Vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông trong việc thúc đẩy các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội và giảm bất bình đẳng” vào ngày 27/2, theo TTXVN.
Tuy nhiên trên thực tế, Việt Nam trong hơn một năm trở lại đây bị các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích về tình trạng gia tăng bắt bớ, đàn áp, phạt tù nặng các blogger, nhà hoạt động và những người lên tiếng ôn hòa.
Hồi đầu tháng này, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ra thông cáo cho biết có ít nhất 129 nhà hoạt động hiện đang bị Việt Nam giam giữ vì bày tỏ quan điểm phê phán chính quyền, tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa, gia nhập các nhóm tôn giáo không được chính quyền phê chuẩn hoặc tham gia các tổ chức dân sự hay chính trị mà đảng cầm quyền cho là có nguy cơ đe dọa quyền lực độc tôn của họ.
Theo tổ chức nhân quyền quốc tế này, “không có dấu hiệu cho thấy Việt Nam giảm tốc đợt đàn áp căng thẳng nhằm vào các nhà hoạt động nhân quyền trong 14 tháng qua”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà vận động xã hội dân sự nổi tiếng của Việt Nam, có cùng nhận định về tình trạng “xấu đi trông thấy” này. Ông nói:
“Rất đáng tiếc là trong năm 2017 và vài tháng đầu năm 2018, tình hình nhân quyền ở Việt Nam xấu đi trông thấy. Không những các tù nhân lương tâm bị bắt bớ, mà các nhà hoạt động cũng bị sách nhiễu rất nhiều. Điển hình nhất trong vài ngày qua là trường hợp cô Đoan Trang bị người ta bắt đi hạch sách đủ điều. Ngày hôm nay thì rất nhiều nhà hoạt động bị ngăn chặn, không cho đi ra khỏi nhà. Quyền tự do đi lại của người ta bị cản trở một cách nghiêm trọng”.
Theo phân tích của nhà hoạt động cư trú tại Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhân quyền Việt Nam xuống cấp nghiêm trọng trong những năm gần đây.
Thứ nhất là do tình hình chung về dân chủ, nhân quyền trên thế giới có chiều hướng đi xuống, trong đó một số quốc gia được xem là độc tài, có thành tích vi phạm nhân quyền lại đang trong xu thế mạnh lên.
“Và như thế, chính quyền độc tài ở Việt Nam họ thấy là trong xu thế như vậy, họ có nhiều bạn bè hơn, có nhiều người thông cảm hơn và họ có thể mạnh tay hơn một chút”, TS. Nguyễn Quang A nói.
Nguyên nhân tiếp, theo TS. Nguyễn Quang A, xuất phát từ chính những thay đổi trong nội bộ cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà trong đó phe “cứng rắn” có chiều hướng thắng thế, thâu tóm quyền lực kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ 12.
“Một nguyên nhân nữa mà tôi cho là rất quan trọng, đó là bản thân phong trào xã hội ở Việt Nam trong vài năm qua tiến triển mạnh, có những thay đổi về chất. Chẳng hạn như các cuộc phản đối thảm họa ô nhiễm môi trường Formosa trên cả nước, các cuộc phản đối các trạm thu phí BOT vẫn đang kéo dài đến bây giờ, rồi sự kiện Đồng Tâm bắt giữ gần 40 cảnh sát cơ động và cán bộ của Hà Nội trong hơn một tuần lễ… Đó là những chuyện mà tôi cho rằng nhà cầm quyền nghĩ là một sự leo thang rất nguy hiểm đối với họ”, TS. Nguyễn Quang A nói.
Để đối phó với “sự leo thang nguy hiểm” của các phong trào dân sự trên, nhà cầm quyền Việt Nam buộc phải sử dụng hai phương thức “rất quen thuộc”, mà theo TS. Nguyễn Quang A, đó là tuyên truyền (nói xấu) và đàn áp các nhà hoạt động và các phong trào dân sự. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất để có thể cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam là phải giúp cho người dân hiểu và ý thức được các quyền của mình để chính họ tự bảo vệ cho các quyền căn bản của mình.
Ngoài ra, theo nhà vận đồng xã hội dân sự này, vai trò của các tổ chức quốc tế về nhân quyền cũng rất quan trọng. Trong đó, Hội đồng Nhân quyền là một diễn đàn thế giới cần thiết để cho cuộc đấu tranh “khó khăn và lâu dài” về nhân quyền được diễn ra, trong đó kể cả “kẻ vi phạm nhân quyền cũng to mồm nói tình hình nhân quyền của họ là rất tốt”, theo lời TS. Nguyễn Quang A.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?