Đọc báo Pháp – 27/02/2018


Đọc báo Pháp – 27/02/2018

Chủ tịch Trung Quốc trọn đời Tập Cận Bình:

 1,4 tỉ người vì một người

Hầu như các báo Paris hôm nay 27/02/2018 đều chú ý đến sự kiện Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chuẩn bị bãi bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với chủ tịch nước. Le Monde chạy tựa trên trang nhất « Tập Cận Bình, chủ tịch vĩnh viễn », còn Le Figaro nhấn mạnh cũng trên trang bìa « Sự chệch hướng mao-ít của Tập Cận Bình ».
Thông tín viên Le Figaro tại Bắc Kinh mở đầu bài viết « Tập Cận Bình, sẵn sàng trở thành ‘hoàng đế trọn đời’ của Trung Quốc » bằng lời chế giễu của một cư dân mạng : « Mẹ tôi bắt tôi hứa phải cưới vợ trước khi ông Tập Cận Bình kết thúc nhiệm kỳ, bây giờ thì tôi khỏe re rồi… ».
Bóng ma Mao lại ám ảnh : Số phận hơn 1 tỉ người nằm trong tay một người
Được nói đến từ nhiều tháng qua, giờ thì khả năng ông Tập trở thành hoàng đế Trung Quốc vĩnh viễn đã trở thành hiện thực, khiến không ít người lo ngại quốc gia này quay lại với bóng ma mao-ít. Nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông đến nay, giờ đây có thể tại vị cho đến bao giờ tùy thích. Đề nghị của Trung ương Đảng, trừ khi có « động đất », sẽ được Quốc Hội thông qua.
Le Figaro cho biết, các chuyên gia lo ngại sự thiếu vắng mọi tiếng nói phản biện trước tình trạng tôn sùng cá nhân lãnh đạo, sẽ khiến chế độ Bắc Kinh trở nên độc đoán hơn. Nhà chính trị học Lâm Hòa Lập (Willy Lam) ở Hồng Kông cảnh báo, một sự quay lại với chủ nghĩa mao-ít sẽ là một thảm họa, khi một người duy nhất có toàn quyền quyết định số phận của gần 1,4 tỉ con người. Nhà chính trị học Trung Quốc Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou), trả lời Le Monde qua điện thoại, cũng có ý kiến tương tự.
Chuyên gia về Trung Quốc Jean-Pierre Cabestan cũng ở Hồng Kông  « hy vọng Tập Cận Bình sẽ lắng nghe các cố vấn, nếu không Trung Quốc sẽ đại nguy ». Nhưng thật rủi ro khi muốn phản đối một nhà lãnh đạo tập trung mọi quyền lực trong tay, và « tư tưởng » được ghi trong điều lệ Đảng.
Trước đó « hoàng đế đỏ » đã đưa ra dấu hiệu rõ ràng khi không chỉ định người kế vị trong Đại hội Đảng vừa qua, đi ngược lại quy định bất thành văn lâu nay của ĐCSTQ. Nhưng cũng theo ông Cabestan, Tập Cập Bình, đã gây thù chuốc oán quá nhiều với chiến dịch « đả hổ, diệt ruồi » đại quy mô, « không có chọn lựa nào khác ngoài việc bám chặt lấy quyền lực ». Và ông Tập cũng là người duy nhất, với bàn tay sắt, « có thể tiến hành các cải cách đã loan báo để tránh các vụ phản kháng của xã hội », trong lúc kinh tế đang chậm lại.
Đàn áp, cái giá cho « Giấc mơ Trung Hoa » ?
Hiện giờ Tập Cận Bình « khủng bố » các địch thủ, khiến họ chỉ mong mỏi một cuộc khủng hoảng kinh tế hay địa chính trị làm ông ta suy yếu đi. Còn dân chúng, ngày ngày bị guồng máy tuyên truyền nhồi nhét, thì ủng hộ một nhà lãnh đạo đã hứa hẹn « giấc mơ Trung Hoa » : một siêu cường « hiện đại », có đội quân « ngang tầm thế giới ».
Nhưng cái giá phải trả rất cao, nhất là khi Tập Cận Bình đã bóp nghẹt xã hội dân sự ngay từ khi mới lên cầm quyền cuối 2012. Chuyên gia về lịch sử Trung Quốc Sam Crane, thuộc Williams College, Hoa Kỳ cho rằng ông Tập sẽ tiếp tục chính sách đàn áp : báo chí, tôn giáo, tổ chức phi chính phủ đều bị giám sát nghiêm ngặt và tất cả những tiếng nói đối lập đều bị dập tắt hoặc bỏ tù.
Dù vậy vẫn có nhiều phản ứng trên mạng xã hội. Nhiều cư dân mạng đăng những lời bình cay độc – và nhanh chóng bị chính quyền xóa đi – so sánh với họ nhà Kim ở Bắc Triều Tiên, tại vị cho đến khi chết. Số khác đăng ảnh gấu Winnie, mà vóc dáng rất giống Tập Cận Bình, đội vương miện hoặc cắm đầu vào hũ mật, với chú thích « Nếu bạn thích gì thì cứ bám chặt vào ». 
Le Monde cho biết thêm, có người nêu ra những câu nói của triết gia Đức Hannah Arendt về chủ nghĩa toàn trị, người khác lại nhắc đến Viên Thế Khải (Yuan Shikai), viên tướng, đại thần nhà Thanh đã xưng đế vào năm 1915, trong nỗ lực thảm hại để tái lập nền quân chủ. Một bức ảnh trên WeChat thay chân dung Mao Trạch Đông trên Thiên An Môn bằng Tập Cận Bình.
« Đảng lãnh đạo » được chính thức ghi vào Hiến Pháp
Ngoài vấn đề nhiệm kỳ chủ tịch nước, Quốc Hội Trung Quốc sắp họp cũng chuẩn bị sửa đổi vài chục điều khoản trong Hiến Pháp, cho phù hợp với mục tiêu đầy tham vọng của ông Tập : « kỷ nguyên mới của chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa ». Bên cạnh đó là việc thành lập tân ủy ban giám sát. Siêu bộ chống tham nhũng này sẽ mở rộng ở tầm quốc gia các đặc quyền của Ủy ban Kỷ luật Trung ương Đảng. Là vũ khí thanh trừng của ông Tập, nay Ủy ban không chỉ có quyền đối với các đảng viên mà tất cả cán bộ nhà nước.
Vấn đề đối với Tập Cận Bình là bảo đảm vị trí lãnh đạo của Đảng trong Hiến Pháp, lâu nay chỉ được nói sơ qua trong lời mở đầu. Điều 1 Hiến Pháp nay ghi rõ « Vai trò lãnh đạo của Đảng là chủ chốt trong chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa ». Theo Le Monde, chừng như ông Tập đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh nội bộ, vì lúc mới nhậm chức ông đã kêu gọi đấu tranh chống Hiến Pháp kiểu phương Tây, được cho là « mối nguy hàng đầu trong bảy nguy cơ mà Đảng phải đối phó ».
Tập đại đế chuẩn bị đội ngũ cận thần
Les Echos ghi nhận « Đại đế Tập Cận Bình chuẩn bị bố trí người của mình » vào những chức vụ quan trọng – một hành động mà chiến dịch kiểm duyệt mạng xã hội và tuyên truyền về bỏ hạn chế hai nhiệm kỳ, đã khiến dư luận bị đánh lạc hướng. Trong số đó có chức thủ tướng và thống đốc Ngân hàng Trung ương.
Ông Lý Khắc Cường có thể tiếp tục được giữ chiếc ghế thủ tướng. Trong năm năm qua, ông chỉ là cái bóng bên cạnh ông Tập, và không có ảnh hưởng gì trên các hồ sơ kinh tế, mà theo truyền thống vốn là lãnh vực dành riêng cho thủ tướng. Ông Lý lại càng mất thế hơn trước sức mạnh đang lên của Lưu Hạc (Liu He), nhà kinh tế được đào tạo ở Harvard, thân cận với Tập Cận Bình. Theo South China Morning Post, Lưu Hạc có thể trở thành phó thủ tướng phụ trách kinh tế, và theo Reuters, còn có khả năng thay Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan) làm thống đốc Ngân hàng Trung ương.
Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), cánh tay mặt chống tham nhũng của ông Tập, dù đã quá tuổi làm ủy viên thường trực Bộ Chính trị, có thể lại tiếp tục đóng một vai trò quan trọng khác : phó chủ tịch nước, một chức vụ không bị hạn chế nhiệm kỳ. Một ủy viên thường trực mới lên là Lật Chiến Thư (Li Zhanshu) thì được cho là sẽ trở thành tân chủ tịch Quốc Hội.

Bắc Kinh hiện đại hóa, xua đuổi người nhập cư

Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trên lãnh vực xã hội, Le Monde trong bài « Công trường vĩ đại của Bắc Kinh mới », nói về các quận ngoại vi đang chuẩn bị mọc lên những thành phố mới toanh, nhằm làm giảm áp lực dân số và giúp thủ đô Trung Quốc bớt ô nhiễm.
Các đại đô thị phải đối mặt với cơ sở hạ tầng xuống cấp, vì chỉ tính toán theo số người có hộ khẩu, thấp hơn rất nhiều so với số cư dân thực sự. Vấn đề môi trường, thiếu nước và kẹt xe từ lâu vẫn là nỗi lo của các nhà quy hoạch Bắc Kinh. Nhưng lần này chính quyền đã dùng đến các biện pháp triệt để, trục xuất hàng trăm ngàn người nhập cư vào cuối năm ngoái.
Theo thống kê năm 2016, có khoảng 8,1 triệu người không có hộ khẩu Bắc Kinh, có giấy cư trú từ sáu tháng trở lên. Số lượng này trong năm 2017 đã giảm xuống vì các vụ trục xuất. Nhiều người vẫn giữ hộ khẩu ở quê để phòng thân, tuy nhiên có đến 40% người dân nông thôn bị mất đất vì chính quyền địa phương cưỡng chế.

Apple chấp nhận trữ iCloud tại Trung Quốc

Về công nghệ, phụ trang kinh tế của Le Figaro cho biết « Apple thuận theo yêu sách của Trung Quốc về dữ liệu » : Các thông tin về khách hàng Trung Quốc sẽ được lưu trữ tại Hoa lục.
Đây là điều kiện tiên quyết để thâm nhập thị trường trên 1,3 tỉ dân. Kể từ ngày 28/2, tập đoàn Mỹ sẽ chuyển các hình ảnh, tài liệu, tin nhắn…mà tất cả những người sử dụng Trung Quốc lưu trong iCloud cho Hoa lục, theo luật mới của Bắc Kinh về an ninh mạng.
Apple khẳng định « không ai có thể đột nhập vào hệ thống ». Tuy nhiên trên thực tế chính quyền Trung Quốc có thể dễ dàng tham khảo kho dữ liệu trên lãnh thổ của mình, nhờ thay đổi cách quản lý các chìa khóa mã hóa. Trong khi cho đến nay, những « hạt vừng kỹ thuật số » nàyluôn được lưu trữ tại Hoa Kỳ. Có nghĩa là bất kỳ chính phủ nào muốn xâm nhập một tài khoản iCloud đều phải được tư pháp Mỹ cho phép.
Được cho là nhằm « chống khủng bố », giới nhân quyền lo sợ Bắc Kinh sẽ sử dụng công cụ này để truy bức các nhà ly khai. Một nhà đấu tranh đồng thời là cổ đông Apple nói với Reuters, sự kiện Apple còn nguy hiểm hơn vụ Yahoo ! chuyển giao dữ liệu cho Trung Quốc hồi năm 2005. Đó là vì các dữ liệu iCloud rất đầy đủ, và được kích hoạt tự động.

Trung Quốc thả vòi bạch tuộc sang Ấn Độ Dương

Nhìn sang « Gwadar, hải cảng trong mơ của người Pakistan », Le Figaro nhận định, từ khi Trung Quốc quyết định bành trướng sang cảng Gwadar thuộc tỉnh Baloutchistan trên biển Ả Rập, chính quyền Islamabad bắt đầu mơ đến một tương lai đầy hứa hẹn. Tuy nhiên theo tờ báo, tương lai này không phải toàn màu hồng.
Cảng Gwadar được cho China Overseas Ports Holding Company thuê trong 40 năm. Số tiền 55 tỉ đô la được Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC – China Pakistan Economic Corrido) đổ vào không phải là viện trợ cho không, mà Pakistan phải trả nợ và cổ tức cho tập đoàn Trung Quốc, trong khi dự trữ ngoại hối của Pakistan không nhiều.
Hơn nữa, theo lời đồn đãi thì một quân cảng của Trung Quốc sẽ được thiết lập tại đây : Gwadar là vị trí rất tốt cho các tàu chiến từ Bắc Kinh, để tăng cường sự hiện diện tại Ấn Độ Dương.

SNCF, hậu Merkel, Syria : Tựa chính báo Pháp

Về thời sự nước Pháp, Le Monde chạy tựa trang nhất « Cải tổ công ty đường sắt Pháp SNCF: Sự cầu viện đến nghị định », còn nhật báo kinh tế Les Echos chú trọng đến « Cú sốc của một sự cải tổ cấp tốc ».
Tại châu Âu, Le Figaro cho biết « Cánh hữu Đức chuẩn bị cho thời kỳ hậu Merkel » : cuộc chạy đua giành chức vụ người kế nhiệm thủ tướng Angela Merkel đã bắt đầu. Về tình hình Trung Đông, La Croix giải thích « Vì sao cuộc xung đột Syria cứ kéo dài mãi » : với sự tham gia của rất nhiều nhân tố khu vực và quốc tế, cuộc chiến bắt đầu từ tháng 3/2011 đã vượt hẳn khỏi tầm tay người Syria.
Trên lãnh vực điện ảnh, Libération dành trang nhất cho bộ phim bom tấn « Black Panther », mà theo tờ báo là đánh dấu một bước ngoặt của điện ảnh Mỹ, với hầu hết diễn viên là người da đen.

Tin đọc nhanh
(AFP) – Afghanistan : Phe Taliban muốn « thảo luận » trực tiếp với Mỹ tại Qatar. Lời kêu gọi được đưa ra ngày 27/02/2018, một ngày trước hội thảo vì hòa bình và chống khủng bố mang tên « Tiến trình Kaboul », quy tụ 25 nước trong vùng, trong đó có Ấn Độ và Pakistan, cũng như Mỹ và Liên Hiệp Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ hai năm qua, phe nổi dậy tỏ ra muốn tham gia vào quá trình đàm phán nhằm chấm dứt cuộc khủng khoảng kéo dài từ năm 2001 với Hoa Kỳ.
(AFP) – Cải tổ đường sắt Pháp: Công đoàn dọa đình công dài hạn. Ngày 26/02/2018, sau khi thủ tướng Edouard Philippe loan báo là chính phủ sẽ ra các sắc lệnh để kế hoạch cải tổ Công ty Đuờng sắt Quốc gia Pháp SNCF được thông qua trước mùa hè năm nay, các công đoàn đã dọa sẽ có một « cuộc xung đột lớn ». Riêng công đoàn CGT ngành đường sắt dọa sẵn sàng đình công suốt một tháng để buộc chính phủ lùi bước. Chiều 27/02, các công đoàn sẽ họp lại để quyết định một đối sách chung. Trước mắt, CGT kêu gọi công chức và nhân viên đường sắt đình công biểu tình ngày 22/03.
(RFI) – Pháp ngăn một tập đoàn Trung Quốc kiểm soát sân bay Toulouse. Sân bay Toulouse, lớn thứ ba trong vùng, sẽ không bị tư nhân hóa, ít nhất là vào thời điểm này, sau khi các đại biểu địa phương gây sức ép để Nhà nước ngăn việc bán thêm 10% cổ phần. Cách đây ba năm, một quỹ đầu tư Trung Quốc đã chi khoảng 300 triệu euro để mua lại 49,99% vốn của sân bay Toulouse-Blagnac, song tỉ lệ này chưa đủ để nắm được toàn quyền.
(AFP) – Đức cấm xe hơi cũ chạy diesel trong trung tâm thành phố. Sáng 27/02/2018, Tòa án Hành chính Liên Bang Đức tại Leipzig đã xác nhận hai quyết định của tư pháp, buộc chính quyền cấp vùng cấm xe cũ chạy bằng diesel lưu thông ở hai thành phố Stuttgart và Dusseldorf. Tổ chức bảo vệ môi trường DUH, bên đệ đơn, tỏ ra hài lòng và cho rằng « đây là ngày quan trọng cho bầu không khí trong lành ». Thủ tướng Merkel cố giảm thiểu tác động của quyết định trên bằng cách nhắc lại rằng quyết định không áp dụng với mọi thành phố hay đối với mọi người lái xe.
(AFP) – Cảnh sát Slovakia mở điều tra về cái chết của một nhà báoCuộc điều tra được mở ra ngày 26/02/2018 về cái chết của nhà báo Jan Kuciak, 27 tuổi, đang phanh phui những vụ trốn thuế quan trọng. Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã treo thưởng một triệu euro cho ai cung cấp thông tin để bắt được thủ phạm vụ ám sát, trong lúc các hiệp hội quốc tế bảo vệ báo giới đòi chính quyền Slovakia phải làm sáng tỏ vụ giết người này. Chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Antonio Tajani cũng đưa ra yêu cầu tương tự, cho là không thể chấp nhận một nhà báo bị ám sát chỉ vì thực hành nhiệm vụ của mình.
(RFI) – Mỹ : Tòa án Tối cao bác một yêu cầu về các « Dreamers » của tổng thống Trump.Chính quyền của tổng thống Mỹ đã yêu cầu giải quyết chấm dứt ngay lập tức chương trình DACA bảo vệ khoảng 700.000 thanh thiếu niên nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ nhỏ theo cha mẹ. Tuy nhiên, yêu cầu đã bị Tòa án Tối cáo bác ngày 26/02/2018 vì cho rằng một tòa án phúc thẩm phải đưa ra quyết định trước. Nhà Trắng tái khẳng định rằng chương trình DACA là « bất hợp pháp » và mong muốn có một quyết định nhanh chóng.
(AFP) – Venezuela: Một nhà đối lập ra tranh ghế tổng thống với ông Maduro. Ngày 26/02/2018, ông Henri Falcon, một lãnh đạo trong phe đối lâp, đã được đảng của ông, Phong Trào Tiến Tới Chủ Nghĩa Xã Hội (MAS), chỉ định ra tranh chiếc ghế tổng thống trong cuộc bầu cử 22/04. Ông Falcon, một quân nhân về hưu, luật sư và cựu thống đốc bang Lara, đã ghi danh tranh cử. Việc đăng ký kết thúc vào ngày 27/02. Phong trào MAS, dù nằm trong liên minh đối lập, nhưng đã quyết định không tẩy chay bầu cử vì tin tưởng nắm được phần thắng, khi 80% dân chúng chống đối chế độ Maduro.
(RFI) – Ả Rập Xê Út cải tổ lãnh đạo quân đội. Sau loạt thanh trừng chống tham nhũng vào cuối năm 2017 trong nội bộ hoàng gia và giới doanh nhân, quốc vương Salman quyết định cải tổ quân đội với loạt sắc lệnh được ban hành ngày 26/02/2018 thay thế nhiều tướng lĩnh bị bắt. Quyết định được đưa ra vào đúng lúc cuộc xung đột đẫm máu tại Yemen, mà Ả Rập Xê Út tham gia, đang bị sa lầy. Một sự kiện hiếm hoi trong chính quyền hoàng gia là một phụ nữ được bổ nhiệm vào vị trí thử trưởng Lao Động.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?