Tin Việt Nam – 26/02/2018

Tin Việt Nam – 26/02/2018

Nhà văn Nhã Ca: Huế 1968 – thảm khốc và hy vọng

Sau trận Tết Mậu Thân, phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa chiếm lại được một thành Huế tan hoang.
Bên cạnh việc dọn dẹp, tái thiết thành phố, những hố chôn người tập thể dần dần được phát hiện.
Trong số những tin tức, tường thuật, phóng sự, ghi chép được đăng tải ở miền Nam Việt Nam về ‘thảm sát ở Huế’ khi đó, bút k‎ý Giải Khăn Sô Cho Huế của Nhã Ca đã gây choáng váng dư luận. Một phần của sách sau này được dựng thành phim “Đất Khổ”, với Trịnh Công Sơn vào vai chính, người con nhạc sĩ Huế.
Tác giả cuốn sách nói bà đã có mặt tại cố đô trong những ngày Tết Mậu Thân, tận mắt chứng kiến và trực tiếp nói chuyện với các nhân chứng về cuộc giao tranh, về các cuộc bắt bớ, về những nấm mồ tập thể…
Cuốn sách bị cấm lưu hành tại Việt Nam sau khi Sài Gòn sụp đổ. Tác giả cùng chồng bị bắt giam, nhà cửa tài sản bị tịch thu. Là cây bút nữ duy nhất trong số cả trăm nhà văn nhà báo Saigon bị cầm tù, 14 tháng sau bà được phóng thích cùng 21 đồng nghiệp.
Nhân 50 năm trận chiến 1968, BBC phỏng vấn nhà văn miền Nam, người đã trực tiếp sống và viết với Huế Tết Mậu Thân.
Tác giả Nhã Ca: Là kẻ sống sót sau tàn sát thời chiến và tù đày hậu chiến, tôi luôn tin vào tương lai của Huế, tương lai Việt Nam.
Tôi tin vào tình yêu, tình người, tình gia đình, và tin là người Việt mình từng biết thế nào là ăn ở tử tế. Như Quốc Văn Giáo Khoa Thư đã dạy, tôi tin dân tộc mình cũng là một gia tộc. Anh em, con cháu một nhà có thể bất hòa hoặc tranh chấp, nhưng rồi sau cùng, tất cả cũng vẫn phải về đứng bên nhau trước bàn thờ chung trong ngày giỗ gia tiên.
Tại Huế cũng như tại Việt Nam, từ bao năm qua, mọi hình thức tập họp của dân chúng, dù chỉ tại đền chùa để tưởng niệm cầu siêu cho những hồn oan trong cuộc chiến, vẫn tiếp tục bị ngăn chặn và trấn áp thô bạo.
Với chính quyền trong nước, trận chiến Tết Mậu Thân đến nay vẫn chỉ là thứ đại lễ mừng chiến thắng. Năm mươi năm rồi vẫn vậy. Nhưng dù bao lâu đi nữa, vết thương vẫn sẽ đến lúc buộc phải mở ra chữa trị.
Một thế hệ hiểu biết hơn, khôn ngoan hơn, sẽ biết cách thu xếp gánh nặng ông cha họ bỏ lại. Niềm tin ở một Việt Nam tương lai và một Huế tương lai cho tôi hy vọng ấy.
BBC: Là người có mặt tại Huế trong thời gian xảy ra cuộc tấn công Tết Mậu Thân, lúc nào là thời điểm bà nhận ra lực lượng cộng sản đã vào chiếm thành phố?
Tác giả Nhã Ca: Cuộc tấn công bắt đầu lúc nửa đêm về sáng ngày mồng Một Tết. Với người dân tại miền Nam như tôi, đó là một đêm hưu chiến vốn vẫn được các phe tôn trọng nhiều năm trước.
Riêng Tết Mậu Thân, còn có tin phía Hà Nội và Mặt Trận Miền Nam xác nhận không chỉ hưu chiến ba ngày Tết như mọi năm, mà sẽ ngưng bắn luôn bảy ngày để đồng bào an tâm mừng Tết dân tộc.
Đêm Tết năm ấy pháo nổ ran khắp nơi. Tiếng súng thoạt đầu có thể lẫn vào tiếng pháo. Nhưng với gia đình tôi thì không thể lẫn được, vì súng nổ ngay trong vườn nhà, nghe buốt tai, buốt óc. Một người em bảo đó là tiếng súng AK, bọn họ đầy vườn.
Ngay sáng đầu năm, khi chạy ngoài đường, tôi thấy những người lính miền Bắc mặc quân phục mang súng AK hoặc ống thép gắn đạn gọi là B40. Thời đó, quân chính quy miền Bắc xâm nhập đã được trang bị hai loại vũ khí Liên Xô tối tân này, trong khi quân đội VNCH chưa có loại tương đương.
Nghe AK tróc tróc, nghe B40 ình ình rồi nhìn xe tăng phía VNCH và Mỹ bị bắn ở An Cựu, tôi được biết lực lượng cộng sản đã vào chiếm thành phố.
BBC: Bà đã trực tiếp nhìn thấy hoặc gặp gỡ những cảnh, những người như thế nào, đã chứng kiến chuyện gì trong những ngày đó?
Tác giả Nhã Ca: Ngay khi phải ra khỏi nhà, tôi thấy bên đường đầy xác người. Trong số người gục chết, có những bà mẹ mang áo dài, những cô gái mang áo mầu ngày Tết, có cả từng khúc chân tay người vương vãi.
Cùng đoàn người chạy giữa lằn đạn, tôi từng thấy chính mình ngộp ngụa trong máu khi bị xô đè bởi xác người vừa bị bắn đổ xuống, có lần không phải người, mà là một con chó không biết từ đâu tới. Xin lỗi lỡ lời là bị xô, bị đè. Lẽ ra, phải nói là được che phủ, che chắn, vì sau cùng tôi thấy mình sống sót.
Trong cảnh bom đạn chớp lóa, tôi thấy Cung An Định của bà Hoàng Thái Hậu bốc cháy, thấy Bà Từ Cung mẹ Vua Bảo Đại mặc áo gấm đeo trên lưng một người không biết nam hay nữ. Từ cầu thang cung điện ngộp khói lửa lao xuống, đoàn người theo phò bà Thái Hậu luôn miệng hô “Ngài Ngự, Ngài Ngự”, đạp cả lên đầu đám dân đang núp đạn để chạy.
Tuy là Phật tử nhưng từ chiều tối mùng Một Tết, nơi đầu tiên chúng tôi tới được lại là một nhà thờ Thiên Chúa. Đó là khu Dòng Chúa Cứu Thế nổi tiếng ở Huế.
Nhà thờ liên tiếp bị tràn ngập bởi cả người sống lẫn người chết. Không biết cơ man nào là người. Trong nhà giảng, ngay trên bệ thờ cao, bên chân tượng Chúa Cứu Thế, người lớn con nít nằm ngồi chen chúc. Khu nhà ngang đầy người bị thương và xác chết.
Từ mọi xó xỉnh trong nhà thờ tới hang đá ngoài sân, đủ thứ chuyện xẩy ra, lẫn lộn. Mọi lằn ranh hầu như bị xóa nhòa. Sự chết, sự sống không ngừng bị chấn động, biến hiện. Có bà mẹ ôm chặt bọc tã giấu xác con thơ đã bốc mùi. Có bà mẹ trở dạ và em bé sơ sinh chào đời.
Đó là cả một thế giới thu nhỏ bị dìm vào cuộc chiến. Không chỉ gia đình tôi, đồng bào tôi mà cả những người da trắng, tiêu biểu là hai người Pháp, một nam một nữ cầm cờ trắng ghi chữ “Báo Chí”, cũng đã bị đưa đẩy tới đây.
Đó là sơ lược cảnh tượng ba ngày Tết Mậu Thân tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế mà tôi đã chứng kiến, đã viết trong sách và dựng lại trong phim.
BBC: Bà nhắc tới hai nhà báo Pháp. Tâm trạng của bà khi thấy họ và trong suốt thời gian có giao tranh tại Huế ra sao? Bà cũng nói đã trực tiếp nhìn thấy binh sĩ Cộng sản. Bà có suy nghĩ, tiếp xúc, và đã viết về họ?
Tác giả Nhã Ca: Khi hai nhà báo Pháp cầm cờ trắng vào nhà thờ, tôi nghe Cha quản nhiệm nhà thờ nói chuyện với họ bằng tiếng Pháp nhưng tự mình thì không tiếp xúc mà chỉ nhìn.
Nhà báo nữ nhỏ thó, dù mặt mũi thất thần, đã nhanh chóng cầm lại máy ảnh hành nghề. Cô chụp người bị thương, em bé nhay vú mẹ cạn sữa, chụp sản phụ, hài nhi. Ống kính có đưa về phía tôi cùng nụ cười làm thân nhưng đã bị cản lại.
Hình như chính hình ảnh cô lúc ấy nhắc tôi nhớ mình là người cầm bút. Không có ống kính máy ảnh như cô, nhưng vẫn có thể ghi những hình ảnh tức thì bằng tai, bằng mắt để sẽ viết. Dù sao, việc viết sách, làm phim là một tiến trình dài.
Sau trận chiến 26 ngày tại Huế, sống sót trở về Sài Gòn, tôi biết tên cô phóng viên người Pháp là Catherine Leroy, từng bị cộng sản bắt giữ tại Huế trong Tết Mậu Thân nhưng thoát nạn. Tấm hình cô chụp hai chàng lính miền Bắc sau đó xuất hiện trên bìa báo Life với tựa đề “Một Ngày Đáng Nhớ. Kẻ thù để cho tôi chụp hình.”
Kẻ thù ư? Không. Không phải vậy. Hai chàng lính trẻ trong hình và những bộ đội miền Bắc khác, với cô cũng như với những người dân miền Nam như tôi không hề là kẻ thù của nhau. Giữa binh sĩ hai miền cũng vậy. Nơi họ bị đẩy đến, thay vì để giết và bị giết, lẽ ra phải là để được quen biết, để yêu và được yêu.
Tôi còn quay lại Huế nhiều lần, đứng với những hình ảnh được khai quật từ các hầm chôn người, dự các đám tang tập thể, cúng giỗ và có thêm 8 truyện ngắn viết cho Huế đổ nát, đau thươngNhà văn Nhã Ca, Tác giả bút ký Giải Khăn Sô Cho Huế
Chuyện Huế Tết Mậu Thân đầu tiên tôi đã viết và in là “Tình Ca Trong Lửa Đỏ”. Đó là chuyện tình yêu giữa chàng lính trẻ miền Bắc dễ thương với một cô gái Huế.
Để biết nhân vật chàng lính Bắc ra sao trước khi bị đẩy vào “chiến trường B”, ngay trong năm 1968, tôi đã có dịp trực tiếp thăm hỏi một số chiến binh miền Bắc trong cuộc tổng tấn công, những người đã rời bỏ cộng sản và đang sống tại hải ngoại mà tôi có gặp lại sau này.
Sau đó tôi còn quay lại Huế nhiều lần, đứng với những hình ảnh được khai quật từ các hầm chôn người, dự các đám tang tập thể, cúng giỗ và có thêm 8 truyện ngắn viết cho Huế đổ nát, đau thương.
Riêng “Giải Khăn Sô Cho Huế”, một bút ký chạy loạn, kể những chuyện tai nghe mắt thấy, có sao viết vậy.
BBC: Cuốn “Giải Khăn Sô Cho Huế”, như bà nói là viết chuyện tai nghe mắt thấy khi chạy loạn. Vậy các thông tin nêu trong đó, như các tên tuổi, địa danh, con số… có độ chính xác, xác thực đến đâu? Đã từng có ai được nhắc tới trong cuốn sách lên tiếng phản bác một phần hay toàn bộ nội dung hay không? Nếu có, thì những phản bác đó là gì, và bà đã tiếp nhận, phản hồi ra sao?
Tác giả Nhã Ca: Đây chỉ là bút ký, không phải sách nghiên cứu văn chương hay lịch sử, không có loại thông tin sử địa hay con số để đo độ chính xác. Chuyện tai nghe mắt thấy xác thực đến đâu là tùy phán đoán của người đọc hoặc sự đánh giá của các nhà phê bình, nghiên cứu.
Khi cùng các bạn văn nghệ sĩ Sài Gòn đi tù, có lần được công an cộng sản áp tải vào “Nhà Triển Lãm Tội Ác Mỹ Ngụy”, đối diện với sách vở miền Nam bị đóng đinh trưng bầy, trong đó có cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế được treo cao, chúng tôi đã đứng yên, nhìn thẳng, lặng lẽ chào tác phẩm của mình và bạn hữu.
Sách đã có đó, nhìn nhận nó như thế nào không còn là phần của người viết. Xin lãnh nhận mọi phần số thử thách. Cám ơn và lặng lẽ là đủ.
BBC: Theo bà, người Việt Nam học được gì khi đối diện với các vấn đề lịch sử có ít nhất ba bên, trong đó mỗi bên nói một cách?
Tác giả Nhã Ca: Chắc sẽ học được điều hay, chọn được cái tốt nhất. Trước mọi vấn đề, nếu được tiếp cận và chọn lựa giữa những thông tin đa chiều -”ít nhất ba bên, mỗi bên nói một cách” – thì đó là cơ hội tốt để nhận thức, chọn lựa.
Nhìn lại Việt Nam và các nước cùng cảnh ngộ một thời, sẽ thấy “Ba mươi năm nội chiến từng ngày” chỉ là một cuộc chiến oan nghiệt. Không cần có. Không đáng có. Càng không đáng kéo dài. Vậy mà ngay cả khi bom đạn đã im tiếng, đủ loại vết thương có thật từ cuộc chiến vẫn tiếp tục không được mở ra để chữa trị.
Trong lịch sử Hoa Kỳ, hai năm trước khi Nội Chiến Nam Bắc Mỹ kết thúc, Tổng Thống Abraham Lincoln đã chỉ định “ngày tủi nhục quốc gia” cho nước Mỹ, ngày 30/3/1863. Trong ngày đó ông kêu gọi cả nước cùng nhận chung “tội lỗi dân tộc của chúng ta”, cùng nhau xưng tội, cầu nguyện sự khoan dung, tha thứ.
Nội Chiến Hoa Kỳ chấm dứt vào tháng 4/1865. Tất cả tướng tá binh sĩ phe bại trận được giữ tài sản riêng, kể cả súng cá nhân, khi trở về quê quán làm ăn. Lá cờ, tượng đài và nghĩa trang miền Nam bại trận được tôn trọng. Không thấy có người tù đày hay vượt biển. Nước Mỹ mau chóng hàn gắn vết thương, và vững mạnh.
Tháng Tư 1865 của nước Mỹ cách tháng Tư 1975 của Việt Nam 110 năm.
Nước Mỹ đã bắt đầu hàn gắn vết thương ngay sau cuộc chiến. Còn ở Việt Nam, chúng ta đã chờ thêm 43 năm mà vẫn chưa thấy sự hòa giải thực sự. Đó là sự khác biệt dễ thấy.
Lịch sử nhân loại cho thấy mọi cuộc chiến đều yên nghỉ khi được nhìn nhận đúng vị trí của nó, và cuộc sống tiếp tục. Tôi tin sự khôn ngoan của nhân loại. Tôi tin dân tộc tôi từng biết thế nào là truyền thống, là văn hóa, lịch sử. Và tôi luôn vững tin rồi sẽ có một bó nhang chung, một bàn thờ chung, một ngày giỗ chung.
Nhà văn Nhã Ca tên thật là Trần Thị Thu Vân, sinh năm 1939 tại Huế. Hiện sống tại Hoa Kỳ, bà là nhà văn miền Nam đã viết hơn 40 cuốn sách về Cuộc chiến Việt Nam. Cuộc phỏng vấn được thực hiện trong tháng 2/2018, nhân 50 năm trậnTết Mậu Thân.

Vì sao nhiều ngân hàng nước ngoài tháo chạy khỏi VN?

Việt Nam đang chứng kiến số lượng ngày càng tăng các ngân hàng nước ngoài rút lui, dấu hiệu mới nhất cho thấy không phải tình hình như giới chức Hà Nội khẳng định, theo một chuyên gia kinh tế.
Ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập vừa có bài phân tích nguyên nhân của xu thế này trên tờ Asia Times.
Xu thế này bắt đầu từ năm 2015, và tăng tốc đang kể năm 2016, theo ông Dũng. Tháng 9/2016, HSBC Việt Nam thoái vốn khỏi Techcombank do không thu được lãi từ nguồn vốn bỏ ra.Tháng 4/2017, ANZ đóng cửa, chuyển giao chi nhánh, sáu văn phòng giao dịch và 125.000 khách hàng cá nhân sang Ngân hàng Shinhan.
Tháng 7/2017, Ngân hàng Commonwealth Bank của Úc (CBA) bán chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh cho Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (VIB), sau khi duy trì kể từ năm 2008.
Tháng 1/2018, BNP Paribas của Pháp bán hết 18,7% cổ phần từ Ngân hàng Phương Đông (OCB) thành phố Hồ Chí Minh sau một thập kỷ hợp tác.
Cũng tháng 1/2018, Standard Chartered bán toàn bộ 8,75% cổ phần trong ACB sau 12 năm hợp tác.
Các công ty con của Standard Chartered là APR Standard Chartered và Standard Chartered (Hong Kong) bán 154 triệu cổ phiếu cho một nhóm các công ty đầu tư. Trước đó, ngân hàng này rút các đại diện trong ban giám đốc của ACB vì những lý do không rõ ràng.
Các ngân hàng nước ngoài đang đổ xô đi tìm lối thoát ở Việt Nam bất chấp sự khởi sắc mạnh mẽ của thị trường chứng khoán năm qua, ông Dũng bình luận.
Nguyên nhân vì đâu?
Quản lý rủi ro kém, ngân hàng đe dọa vỡ nợ và rủi ro tài chính gia tăng là các nguyên nhân được Tiến sỹ Dũng đưa ra trong bài báo trên Asia Times.
Một số nhà phân tích tài chính cho rằng các ngân hàng nước ngoài rút trong bối cảnh Việt Nam triển khai Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, trong đó cho phép ngân hàng nộp đơn xin phá sản. Quy định này có hiệu lực vào ngày 15/1 năm nay.
Thoái vốn là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã thay đổi niềm tin vào hệ thống tài chính và triển vọng kinh tế của Việt Nam. Kỳ vọng lãi suất tăng ở Mỹ và Liên minh Châu Âu sau gần một thập niên duy trì gần bằng không cũng có thể là một yếu tố.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh tin rằng làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài rút lui bắt đầu năm 2016 khi các quỹ đầu tư nước ngoài bán tháo cổ phiếu lên tới 400 triệu đôla trên sàn giao dịch địa phương.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, tài chính độc lập cho rằng nguyên nhân chủ yếu do nợ xấu cao và quản lý rủi ro không hiệu quả tại các tổ chức tài chính địa phương.
Theo tờ Dân Việt, sự tháo chạy của ngân hàng nước ngoài còn có những nguyên nhân khác như thị trường không minh bạch, không ổn định, không công bằng trong việc đối xử giữa cơ quan chủ quản với ngân hàng nước ngoài và ngân hàng trong nước.
“Ví dụ như một Nghị định của Ngân hàng Nhà nước ban hành, ngân hàng nước ngoài sẽ tuân thủ 100% kể cả họ phải mất khách hàng hay mất thị phần. Nhưng các ngân hàng nội thì sẽ có độ trễ tuân thủ nhất định, hoặc không tuân thủ hoặc tìm đủ mọi kẽ hở để không tuân thủ, miễn là họ giữ được khách hàng, giữ được doanh thu, thị phần… mà điều này các cơ quan chủ quan hoàn toàn biết”, bài báo trên Dân Việt viết.
“Một lý do nữa là sự cạnh tranh không lành mạnh trong những năm trở lại đây giữa ngân hàng nước ngoài và trong nước, dẫn đến thị phần của ngân hàng nước ngoài giảm xuống, các khách hàng quốc nội dần dần chia tay họ để bén duyên trở lại với ngân hàng nội địa.”
Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ cho rằng nguyên nhân bao gồm cả hiểu biết không đầy đủ về môi trường kinh doanh tại địa phương và mức độ tuân thủ pháp luật cao hơn.
“Giám đốc bán lẻ của ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh giải thích: “Trong khi họ có công nghệ tốt hơn và cơ chế tài chính mạnh hơn, các ngân hàng nước ngoài không thể hoạt động giống như các đối tác Việt Nam vì phải tuân theo một số quy định cụ thể đối với các tổ chức tín dụng quốc tế.”
“Các ngân hàng nước ngoài không chú ý đến việc mở rộng mạng lưới ATM hoặc POS, làm cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh của họ trở nên khó khăn.”
Nhưng truyền thông nhà nước và giới chức Việt Nam lại xem việc ngân hàng nước ngoài thoái vốn là những động thái “cá nhân” chứ không phải xu hướng chung.
Rủi ro từ chiến dịch chống tham nhũng
Những rủi ro đối với ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng có thể gia tăng kể từ chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo Tiến sỹ Dũng.
Chiến dịch này đã khiến một số cán bộ cấp cao, bao gồm một thành viên Bộ Chính trị, bị bỏ tù, nhưng cũng cho thấy dấu hiệu thanh trừng đảng phái. Các báo cáo gần đây cho thấy các khoản nợ xấu tại các ngân hàng Việt Nam đã lên đến 6.00 nghìn tỷ đồng (26,6 tỷ đôla Mỹ), hầu hết không được khôi phục thông qua phá sản hoặc bán tài sản cố định.
Một số nhà phân tích dự đoán rằng có đến 10 trong số 30 ngân hàng thương mại chính của VN sẽ đệ đơn xin phá sản vì Luật về các Tổ chức tín dụng sửa đổi cho phép.
Các nhà phân tích suy đoán số đăng ký phá sản sẽ chiếm một nửa số tổ chức tín dụng hiện đang hoạt động.
Việc hợp nhất các ngân hàng nhất thiết là do nhà nước lãnh đạo, nhưng không rõ họ có thể duy trì được sự ổn định của hệ thống trong quá trình này hay không.
Vào cuối năm 2016, chính phủ đề xuất kế hoạch phá sản ngân hàng được Quốc hội chính thức thông qua vào tháng 6/2017.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 21/2017 về phí bảo hiểm tiền gửi, có hiệu lực từ ngày 5/8/2017. Quyết định này cho biết mức bồi thường cho mỗi cá nhân được bảo hiểm sẽ bị giới hạn 75 triệu đồng (3.300 đô la Mỹ) nếu ngân hàng phá sản.
Hơn nữa, các ngân hàng phá sản phải nộp tài sản cho cơ quan thuế trước khi giải quyết với người gửi tiền. Các nhà phân tích tài chính cảnh báo có rất ít hoặc không an toàn chút nào cho người gửi tiền tại các ngân hàng với vốn điều lệ nhỏ.
Với nợ công cao và dự trữ ngoại tệ thấp, Việt Nam có nguồn tài chính hạn chế để giải cứu các ngân hàng bị phá sản và duy trì sự ổn định của hệ thống.
Điều đó có thể giải thích tại sao Thủ tướng Phúc cảnh báo vào tháng 1/2017 rằng hệ thống tài chính quốc gia “có thể sụp đổ” nếu tình trạng nợ công gia tăng không được kiểm soát.
Không rõ có bao nhiêu ngân hàng nước ngoài gần đây đã chạy khỏi Việt Nam do lo ngại về nguy cơ chính trị tiềm ẩn của tình trạng phá sản ngân hàng đột ngột. Tuy nhiên, tất cả các ngân hàng nước ngoài đã hoạt động tại Việt Nam đều biết cân nhắc cẩn thận những rủi ro chính trị ở các quốc gia họ đầu tư.
Công ty Maplecroft, một công ty tư vấn rủi ro của Anh, trước đây liệt kê Việt Nam (cùng với Thổ Nhĩ Kỳ) là nước có nguy cơ chính trị cao nhất trong số 15 quốc gia có nguy cơ cao trên toàn cầu.
Sự kết hợp giữa phá sản ngân hàng, sự bất hòa trong nội bộ đảng và những dấu hiệu cho thấy sự bất mãn gia tăng ở cấp địa phương có thể đủ nguy cơ để nhiều ngân hàng nước ngoài tìm đường tháo thân.
Và mặc dù giới chức Việt Nam khẳng định tình hình đang được kiểm soát tốt, vấn đề đặt ra bây giờ là ngân hàng hay nhà đầu tư nước ngoài tiếp theo nào sẽ rời Việt Nam?

10 phụ nữ Việt liên quan đường dây mại dâm

bị bắt ở Đài Loan

Giới chức Đài Loan vừa bắt giữ 13 người bị tình nghi liên quan đến đường dây mại dâm ở khu vực Đài Bắc, trong đó có 10 phụ nữ mang quốc tịch Việt Nam.
Báo trong nước dẫn tin từ tờ Taiwan News hôm 24/2 cho biết sự việc xảy ra vào hôm 22/2. Ông Chiu Yao-yung, phó ban chuyên trách của Cục Di trú Đài Loan cho hay từ tháng trước, cơ quan này đã có thông tin và theo dõi 1 nhóm lao động người Việt nhập cư trái phép đang hành nghề bán dâm ở Đài Bắc.
Hôm 22/2 vừa qua, nhóm chyên trách đã đột kích chung cư ở quận Trung Sơn, bắt giữ 13 người, gồm 10 phụ nữ Việt Nam và 3 người Đài Loan. Nhóm người Việt này gồm 8 lao động, 1 người nhập cảnh Đài Loan trái phép và 1 người kết hôn với công dân Đài Loan. Tất cả từ 20 – 30 tuổi.
Những người này sẽ bị trục xuất về Việt Nam sau khi kết thúc điều tra.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn được đưa vào vận hành

Nhà máy lọc và hóa dầu thứ hai của Việt Nam Nghi Sơn sẽ được vận hành vào ngày 28/2, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) loan tin này hôm 26/2.
Nhà máy lọc và hóa dầu này trị giá 9 tỷ USD thuộc quyền đồng sở hữu của Kuwait Petroleum Europe BV và hai công ty Nhật Bản Idemitsu Kosan và Mitsui Chemicals được thiết kế để giúp Việt Nam đối mặt với tình trạng thiếu sản phẩm dầu tinh chế.
Nhà máy Nghi Sơn sẽ xử lý dầu thô để sản xuất khí hóa lỏng, xăng, dầu diesel, dầu hỏa và nhiên liệu máy bay, chủ yếu cho thị trường nội địa.
Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam Dung Quất hiện cung cấp 30% tổng nhu cầu nhiên liệu trong nước. Nhà máy Nghi Sơn với sản lượng dự kiến 200.000 thùng mỗi ngày cùng với Dung Quất sẽ giúp Việt Nam đáp ứng 80% nhu cầu nhiên liệu nội địa.
Theo Petro Vietnam, hoạt động tại Nghi Sơn, thuộc tỉnh Thanh Hoá ở phía Nam thủ đô Hà Nội, trước đây bị trì hoãn nhưng dự kiến từ tháng Tư năm nay ​​sẽ bắt đầu sản xuất các sản phẩm thương mại như paraxylene, cũng như từ tháng Năm đối với xăng A95 và dầu diesel.

Việt Nam bắt giữ 2,5 triệu đô la heroin buôn lậu

ở biên giới với Trung Quốc

5 người đàn ông quốc tịch Việt Nam vừa bị bắt giữ ở tỉnh Cao Bằng, trên biên giới với Trung Quốc do tình nghi buôn lậu 1 lượng ma tuý trị giá 2,5 triệu USD vào Trung Quốc.
AFP dẫn tin từ báo Thanh Niên trong nước hôm 26/2 về vụ việc này.
Những người này bị phát hiện khi mang theo gần 100 kg heroin trên xe tải từ Lào về
Khi bị công an Việt Nam phát hiện, 5 người đàn ông này đã cố trốn chạy. Lực lượng công an buộc phải nổ súng vào xe chở ma tuý của họ.
Cả năm người đã bị bắt vào khoảng trong ngày thứ sáu và thứ bảy tuần trước.
Hình ảnh được đăng tải trên truyền thông nhà nước cho thấy người chủ mưu là Trần Văn Bằng, 31 tuổi với một số lượng lớn các viên ma tuý.
Vào tháng trước, ở khu vực miền Bắc, công an Việt Nam đã tịch thu 170 kg ma tuý trị giá 3 triệu USD có nguồn gốc từ Lào. Theo báo cáo, đây là đường dây ma túy lớn nhất từ ​​trước tới nay ở Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam hiện có một luật về ma túy có tính khắc nghiệt nhất trên thế giới. Bất cứ ai bị bắt với hơn 600 gram (21 ounce) heroin hoặc hơn 20 kg thuốc phiện có thể nhận án tử hình.

Gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức

gửi đơn yêu cầu giảm án tù, theo luật hình sự mới

Tuấn Khanh
Tháng 2/2018, gia đình của anh Trần Huỳnh Duy Thức đi thăm anh, chuyến đầu tiên của năm.
Ở nhà tù tại Nghệ An, lúc này là những ngày rất lạnh.
Gia đình nói sức khỏe của anh Trần Huỳnh Duy Thức có vẻ khá hơn đợt trước, tức đợt vào năm 2017 mà anh bị giam trong buồng tối, ảnh hưởng nặng đến mắt.
Tháng 1/2010, anh Trần Huỳnh Duy Thức bị kêu án 16 năm tù. Trong phiên xử, anh Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyên bố mình bị bức cung và yêu cầu tái xét sự việc.
Anh và các đồng sự bị bắt vì cổ súy cho một cuộc đấu tranh bất bạo động, và cho đến bây giờ anh không nhận bất kỳ một tội danh nào mà tòa án Nhà nước VN gán cho anh. Đã đến lúc mà các bút lục của vụ án cần được mở lại với sự soi chiếu trước quốc tế để xét lại về tính hợp lý và hợp pháp của bản án 16 năm tù áp đặt cho anh.
Tính theo ngày tháng, 20/1/2018 vừa rồi, anh Trần Huỳnh Duy Thức đã chịu thời gian giam giữ 8 năm, phân nửa bản án của Nhà nước VN đưa ra. Trong suốt 8 năm ấy, anh đã chịu đựng nhiều sự đối xử khắc nghiệt, được gia đình cấp báo ra bên ngoài.
Anh Thức là người quyết liệt từ chối việc bảo trợ của quốc tế, để đi tỵ nạn nước ngoài, thoát khỏi sự cùng cực trong nhà tù. Nói với gia đình mình, anh khẳng định rằng muốn được sống và chết cho lý tưởng, trên quê hương của mình.
Những tin tức mới nhất, cho biết gia đình anh Thức đang cùng anh gửi đơn lên Tòa án nhân dân tối cao, yêu cầu giảm án tù, chiếu theo các điều khoản trong Bộ luật Hình sự mới (2015) vừa áp dụng
———————————–
Cám ơn anh Trần Huỳnh Duy Tân về cuộc trò chuyện này. Được biết gia đình vừa có chuyến thăm đầu tiên anh Trần Huỳnh Duy Thức trong năm 2018. Nhờ anh cho biết qua về tình hình sức khỏe của anh Thức cũng như tinh thần của anh Thức hiện nay ra sao?
Dạ, hôm mùng 3 Tết vừa rồi, tức vào ngày 18-2-2018, gia đình 5 người đi thăm anh Thức ở Nghệ An, gồm tôi, vợ con anh Thức, chị gái và em trai. Chúng tôi đến buổi sáng và được gặp anh Thức vào lúc 2g40 chiều. Thời gian thăm gặp được 1 tiếng đồng hồ.
Anh Thức đi ra gặp, gia đình nhận thấy sức khỏe ảnh bình thường. Còn tinh thần thì vẫn kiên định như mọi khi và vững tin vào con đường anh Thức đã chọn. Sự tự tin của anh Thức thể hiện trong từng lời nói và thông điệp về cho gia đinh rằng, đừng lo lắng và hãy tin vào công lý, cũng như hãy tin rằng anh sẽ sớm về nhà với gia đình.
Lâu nay, những người đi thăm nuôi các tù nhân lương tâm vẫn hay nói rằng nhìn cách đối xử của cán bộ trại giam thì có thể đoán được phần nào tình hình của người trong nhà tù. Anh Tân có để ý thấy thái độ của cán bộ trại giam như thế nào, đối với trường hợp của anh Thức?
Thật ra thì không khí thăm nuôi anh Thức lần này, cũng như một vài lần trước – khoảng 3 tháng trở lại thì ứng xử của cán bộ trại giam có dễ chịu hơn. Lần này, dù vẫn phải nói chuyện qua một vách bằng kính, tuy nhiên cánh cửa bên cạnh phòng nói chuyện lại để mở khi kết thúc buổi thăm gặp. Trước đây không bao giờ có chuyện đó, nhưng khoảng 3 tháng nay thì cửa mở. Nên vậy, cuối buổi trò chuyện anh Thức có thể bước qua bắt tay và ôm từng người trong gia đình trong thời gian thật ngắn. So với những lúc khó khăn thì thậm chí việc bắt tay, nắm tay cũng không được. Không khí hiện nay cũng không căng thẳng như trước.
Được biết gia đình từng có những đơn xin giám đốc thẩm, yêu cầu xét lại các tình tiết chưa được làm rõ, hoặc bất hợp lý của vụ án. Chuyển biến của các đơn từ đó hiện nay như thế nào, xin anh cho biết?
Trước đây, anh Lê Công Định, anh Lê Thăng Long và anh Nguyễn Tiến Trung – những người chịu chung một vụ án với anh Thức – đã cùng thảo, và đưa ra một lá đơn yêu cầu giám đốc thẩm vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm vào ngày 9-1-2015. Đơn đã được gửi đến ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Thế nhưng mọi thứ vẫn im lặng, không có phản hồi gì. Trong đơn đã nêu các lý do yêu cầu giám đốc thẩm là:
Thủ tục tố tụng vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự liên quan đến việc điều tra, truy tố và xét xử.
Việc xét hỏi tại phiên tòa phiến diện, không đầy đủ.
Nhận định và kết luận trong Bản án sơ thẩm và phúc thẩm không phù hợp với tình tiết khách quan của dự án.
Đó là phía những người bạn của anh Thức, còn về phía gia đình thì sao?
Trước khi có lá đơn đó, ba của anh Thức có làm đơn xin giám đốc thẩm với những chứng cứ cần được xét lại. Nhưng lúc đó Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân tối cao đã bác, và nói là không có gì để xét lại cả. Rồi đến đơn yêu cầu giám đốc thẩm của 3 anh như vừa nói, mọi thứ vẫn hoàn toàn im lặng.
Mới đây, anh Thức có gửi một lá đơn đến Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, yêu cầu xem xét lại án tù của mình, và giảm án chiếu theo Bộ luật Hình sự mới. Đơn được anh Thức gửi đi từ trại giam vào ngày 28-1-2018 vừa rồi với các căn cứ:
Khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2018) quy định “Một hình phạt nhẹ hơn và quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật có hiệu lực thi hành”.
Điểm b, Khoản 1, Điều 2 của Nghị quyết 41/2017/QH14 v6e2 việc thi hành BLHS 2015 cũng quy định: “Quy định hình phạt nhẹ hơn, giảm hình phạt và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tôi xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 1/1/2018 hoặc đối với người đang được xét giảm chấp hành hình phạt”.
Khoản 3 Điều 109 BLHS 2015 có quy định một hình phạt nhẹ hơn đối với “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” so với Điều 79 BLHS 1999 là “Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt từ 1 đến 5 năm”
Điều 63 BLHS 2015 quy định: Về việc giảm hình phạt đã tuyên; Không quy định người được giảm hình phạt phải nhận tôi; Người chấp hành án phạt tù được một phần ba bản án thì Tòa có thể giảm thời gian chấp hành hình phạt.
Chiếu theo những điều này, cũng như với thời gian đã chấp hành án thì anh Thức có đủ điều kiện để Tòa án giảm mức hình phạt đã tuyên.
Về phía gia đình cũng sẽ viết lại lá đơn này, với ba anh Thức là người đứng đơn, tiếp tục gửi thêm cho Tòa án Nhân dân tối cao. Đồng thời gia đình cũng sẽ làm việc với các luật sư để được tư vấn và hỗ trợ.
Dạ, cám ơn anh, mong được một ngày nghe tin tốt về anh Thức.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

‘Hoàng đế Tập Cận Bình’: Việt Nam mừng hay lo?

Việc Trung Quốc tìm cách sửa đổi hiến pháp, mở đường cho Chủ tịch Tập Cận Bình “nắm quyền vĩnh viễn”, và theo nhiều người, có thể “lên ngôi hoàng đế”, gây chú ý dư luận tại nước láng giềng Việt Nam.
Nếu đề xuất của Đảng Cộng sản Trung Quốc được thông qua, ông Tập sẽ tại vị sau nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2023.
Dưới thời kỳ nắm quyền của ông Tập, những năm qua, mối quan hệ “môi hở răng lạnh” giữa hai nước cộng sản “núi liền núi sông liền sông” trải qua không ít sóng gió, nhất là liên quan tới vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một người nghiên cứu về quan hệ Việt – Trung, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng sự kiện ở nước láng giềng phương Bắc cũng sẽ khiến “Việt Nam bị ảnh hưởng”.
Có ông Tập Cận Bình hay không thì nó vẫn có thách thức. Nhưng ông Tập Cận Bình còn giữ quyền thì thách thức nhiều hơn vì ông ấy cứng rắn.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói.
“Có ông Tập Cận Bình hay không thì nó vẫn có thách thức. Nhưng ông Tập Cận Bình còn giữ quyền thì thách thức nhiều hơn vì ông ấy cứng rắn”, sử gia nghiên cứu về Biển Đông nói.
“Tinh thần Đại Hán từ thời ông Mao Trạch Đông, chứ đâu có chỉ Tập Cận Bình. Ông Tập Cận Bình ông ấy làm ráo riết thôi. Tôi vẫn cho là càng có nguy cơ thì lại càng có thời cơ. Nguy ở Biển Đông tạo ra thời cơ nếu ta nắm được”.
Khi được hỏi thời cơ này là gì, ông Nhã cho rằng Việt Nam có thể trở thành một “cường quốc biển”, nhưng không nói cụ thể.
Những năm gần đây, Trung Quốc gia tăng củng cố chủ quyền trên Biển Đông, trong đó có việc quân sự hóa nhiều hòn đảo nhân tạo mới, gây quan ngại đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, quốc gia này cũng tái cơ cấu quân đội, tăng chi tiêu cho quốc phòng và theo báo chí Trung Quốc, ông Tập còn từng đưa một nhân vật thân tín tới đảm nhiệm trọng trách tại một tỉnh nằm ở vị trí chiến lược giáp với Việt Nam.
Nguy cơ Trung Quốc trở thành 1 nước phát xít ngày càng rõ ràng. Dù yếu, Việt Nam cũng phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với 1 nước Trung Quốc phát xít.
Bạn đọc Dương Ngô Quý viết.
Đề xuất trên đã làm bùng nổ cuộc tranh luận trên mạng ở Trung Quốc, và thậm chí có người còn ví ông Tập với dòng họ Kim ở Bắc Hàn, khiến Bắc Kinh phải ra tay xóa các chỉ trích, chặn một số bài báo và tung ra các bài viết ca ngợi đảng, theo Reuters.
Truyền thông nhà nước Việt Nam cũng đăng tải nhiều bài viết về quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Trung Quốc. Báo điện tử VnExpress chạy tít: “Sửa hiến pháp, Trung Quốc có thể giúp ông Tập nắm quyền lực tuyệt đối”.
Bạn đọc Dương Ngô Quý viết trên trang Facebook của VOA Việt Ngữ: “Nguy cơ Trung Quốc trở thành 1 nước phát xít ngày càng rõ ràng. Dù yếu, Việt Nam cũng phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với 1 nước Trung Quốc phát xít”.
Về tình thế mà nhiều người cho là “tiến thoái lưỡng nan của Việt Nam”, tiến sĩ Nhã nói: “Thời nào mà chả có Lê Chiêu Thống. Không sao bởi vì thời nào cũng có Quang Trung – Nguyễn Huệ mà”.
Thời nào mà chả có Lê Chiêu Thống. Không sao bởi vì thời nào cũng có Quang Trung – Nguyễn Huệ mà.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói.
Hà Nội dường như tìm cách hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh bằng các màn bắn đại bác để chào đón ông Tập tới Việt Nam, và lần mới nhất là cuối năm ngoái, khi nguyên thủ Trung Quốc chính thức thăm Hà Nội, ít giờ sau Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người chủ trì buổi lễ tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, với nghi thức được cho là dành cho lãnh đạo cấp cao nhất, và nhiều bức ảnh đăng tải trên truyền thông Việt Nam cho thấy ông đã nắm chặt cổ tay và cười tươi với nhà lãnh đạo Trung Quốc khi quan chức này bước ra khỏi xe.

Việt Nam ‘sẵn sàng’ chi bộn tiền để tổ chức Công thức 1

Cuộc đua Công thức 1 ở Việt Nam có thể sẽ diễn ra vào năm 2020, Reuters dẫn lời ông Bernie Ecclestone, cựu giám đốc điều hành phụ trách bản quyền của giải đấu này, cho biết hôm 24/2.
“Tôi nghĩ là sẽ có một cuộc đua ở Việt Nam”, ông Ecclestone, 87 tuổi, nói với các nhà báo được mời tới văn phòng của ông ở trung tâm London để trao đổi về nhiều vấn đề khác nhau trước khi mùa giải mới bắt đầu vào tháng tới.
Tỷ phú người Anh tháng trước đã được thuyên chuyển đảm nhiệm một vị trí khác, sau khi tập đoàn truyền thông có trụ sở ở Mỹ, Liberty Media, tiếp quản việc điều hành Công thức 1. Ông nói rằng nhiều khả năng một cuộc đua trên đường phố Hà Nội sẽ diễn ra.
Ông Ecclestone, hiện vẫn làm cho Công thức 1 với mức lương nhiều triệu bảng Anh, cho biết, chính phủ Việt Nam sẵn sàng trả một khoản tiền đáng kể để quảng bá quốc gia Đông Nam Á này bằng cách tổ chức một giải đấu Grand Prix. Nhưng ông nói rằng tới nay, Việt Nam “chưa làm hợp đồng”.
Giải Grand Prix ở Malaysia đã bị xóa khỏi lịch trình sau cuộc đua năm ngoái, nhưng các ông chủ của Công thức 1 cũng đang bàn về việc mở rộng giải đua này ở Trung Quốc.
Các cuộc đàm phán với Thái Lan cũng đã diễn ra nhưng không đem lại kết quả, trong khi Việt Nam đang là một thị trường quan trọng của các nhà tài trợ toàn cầu như hãng sản xuất bia Hà Lan Heineken.
Ông Ecclestone nói với Reuters hồi năm ngoái rằng ông đã nói chuyện với Việt Nam trong lúc đang điều hành Công thức 1 nhưng đã quyết định không đưa môn thể thao này tới đây, bất chấp khoản tiền đề nghị, vì ông cảm thấy đã có nhiều cuộc đua tại khu vực này.
Ông Ecclestone cũng đề cập đến những chỉ trích của Liberty sau khi tiếp nhận quyết định của ông là đến Azerbaijan, một đất nước không có lịch sử đua xe nhưng sẵn sàng trả tiền một cách hào phóng, và cuộc đua đã được đánh giá là thú vị nhất của mùa giải trước.
Tuy nhiên, tỷ phú người Anh cũng khuyến cáo về tương lai bất định của môn thể thao này.

GS Dũng tính đưa vụ bộ trưởng ‘tự đạo văn’ lên TBT Trọng

Ông Nguyễn Tiến Dũng, giáo sư gốc Việt ở Pháp, không loại trừ khả năng nêu vụ Bộ trưởng Nhạ “tự đạo văn” lên Tổng bí thư (TBT) Đảng Nguyễn Phú Trọng, sau khi một tờ báo Việt Nam mới đây lên tiếng về vụ này nhưng đã rút bài nhanh chóng sau đó.
Họ tìm mọi cách không minh bạch, không đàng hoàng để che lấp đi những sự giả dối trong khoa học. Tất cả những cách đấy chỉ chứng tỏ thêm họ thiếu tư cách.
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng trả lời phỏng vấn VOA
Bài báo có tên “Nói thẳng: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nên lên tiếng”, được báo Người Lao Động đăng hồi 7h sáng ngày 26/2, cho hay, trong những ngày gần đây, báo cáo của Giáo sư (GS) Dũng và cộng sự chứa đựng bằng chứng cho thấy Bộ trưởng Nhạ “tự đạo văn” đã gây sốt trên mạng xã hội.
“Báo cáo trên có mục đích làm rõ sự không bình thường trong việc phong hàm GS cho ông Nhạ hồi năm 2016 khi ông đã là bộ trưởng Bộ GD-ĐT [Giáo dục-Đào tạo]”, theo một đoạn của bài báo.
Bản báo cáo 10 trang của GS Dũng, thuộc Đại học Toulouse, Pháp, nói về “sự giả khoa học” cũng như “thiếu cả về đạo đức và trình độ” của Bộ trưởng Nhạ. Ông Dũng đã gửi báo cáo tới tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước của Việt Nam cách đây 10 ngày.
Hai vấn đề được nêu hàng đầu trong báo cáo là các hành vi “tự đạo văn” và “trích dẫn khống” của ông Nhạ.
Bài báo đăng trên Người Lao Động kêu gọi vị bộ trưởng GD-ĐT “nên lên tiếng chính thức” về báo cáo. Tác giả bài thậm chí còn đề xuất rằng “GS Nhạ cần có một báo cáo khoa học” để phản biện lại những vấn đề nêu trong báo cáo của GS Dũng và công sự”, và bình luận thêm rằng “đó là cách tốt nhất chứ không phải im lặng trước dư luận rất bất lợi như hiện nay”.
Câu kết của bài nhận định đó cũng là cách để GS Nhạ “bảo vệ” uy tín khoa học, uy tín cá nhân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và “đặc biệt là bảo vệ uy tín của Chủ tịch HDDCDGDNN [Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước]”, một chức vụ khác mà ông Nhạ kiêm nhiệm.
Trong vòng khoảng 8 tiếng kể từ khi được đăng, bài báo đã bị rút xuống. Báo Người Lao Động không công bố lý do rút bài.
GS Dũng cho biết VOA đến chiều 26/2, giờ Hà Nội, vẫn chưa có bất cứ hồi đáp chính thức nào từ cả hội đồng lẫn cá nhân ông Nhạ về báo cáo của ông.
Về sự xuất hiện và biến mất của bài báo liên quan đến vụ việc này trên một tờ báo trong nước, GS Dũng nói ông “không ngạc nhiên”, đồng thời nhận xét rằng “luôn có những nhà báo Việt Nam chuyên nghiệp muốn đưa những vấn đề như thế này ra để có thảo luận nghiêm túc”.
Giáo sư cho biết đã có một số nhà báo trong nước liên lạc để phỏng vấn ông, và điều đó cho thấy có mối quan tâm cao của báo giới trong nước.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng “ông Nhạ và phe của ông ấy” không dễ dàng chịu công nhận “cái sai, cái sự giả khoa học của mình”:
“Họ tìm mọi cách không minh bạch, không đàng hoàng để che lấp đi những sự giả dối trong khoa học. Tất cả những cách đấy chỉ chứng tỏ thêm họ thiếu tư cách”.
Vị giáo sư hiện mang quốc tịch Pháp mặc dù vậy bày tỏ niềm tin lạc quan rằng lãnh đạo chính trị cao nhất của Việt Nam, Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, sẽ không đồng tình với việc làm của Bộ trưởng Nhạ, theo cách gọi của GS Dũng là “dùng chính trị để lấp liếm, tiêu diệt khoa học”.
Đưa ra lý do về sự lạc quan của mình, ông Dũng nói giữa ông và TBT Trọng có thể khác biệt quan điểm về nhiều vấn đề, nhưng về việc “cán bộ phải trong sạch, phải trung thực”, ông tin rằng người đứng đầu đảng cầm quyền ở Việt Nam cũng đồng ý với ông.
Nhấn mạnh mình là nhà khoa học nghiêm túc và theo đuổi một việc cho đến cùng, GS Dũng không loại trừ việc sẽ đưa báo cáo về sự “tự đạo văn, giả khoa học” của Bộ trưởng Nhạ lên TBT ĐCSVN:
“Tôi không muốn dính dáng đến chính trị. Nhưng tôi làm việc này là vì khoa học, vì giáo dục. Tôi sẽ làm mọi biện pháp cần thiết để cho vụ này được làm sáng tỏ. Tất nhiên là có chuyện liên hệ trực tiếp với ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Và không chỉ là liên hệ với ông Nguyễn Phú Trọng, tôi sẽ còn có nhiều biện pháp khác”.
Người đi đầu trong việc đưa ra báo cáo về Bộ trưởng Nhạ không nói thêm các biện pháp khác là gì. Song ông cho biết thêm ông không đơn độc mà có sự tham gia của “các nhà khoa học nghiêm túc khác” và nỗ lực hiện nay của họ là “cơ hội để làm trong sạch nền giáo dục Việt Nam”.
VOA đã cố gắng liên lạc Bộ trưởng Nhạ, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước và Văn phòng Trung ương Đảng để tìm hiểu phản ứng của họHôiHooj, song không kết nối được.
Tất nhiên là có chuyện liên hệ trực tiếp với ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Và không chỉ là liên hệ với ông Nguyễn Phú Trọng, tôi sẽ còn có nhiều biện pháp khác.
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng
Giáo sư Dũng cho VOA kể từ khi ông công bố báo cáo hôm 18/2, ông đã nhận nhiều lời đe doa và bôi nhọ, tài khoản mạng xã hội của ông bị tin tặc tấn công nhiều lần.
Sau khi báo cáo được công bố, nó đã được chia sẻ rộng rãi bởi nhiều người sử dụng mạng xã hội, thu hút hàng nghìn “phản ứng” và hàng trăm ý kiến bình luận. Cùng thời gian, một số người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội như nhà báo Trương Huy San, còn biết đến với tên Huy Đức, thậm chí đã kêu gọi ông Nhạ từ chức bộ trưởng.

Thánh lễ nhà Thờ Thái Hà chào đón bà Cấn Thị Thêu,

cầu nguyện cho cô Phạm Đoan Trang

Vào ngày Chủ Nhật 25/02, tại nhà thờ Thái Hà đã diễn ra thánh lễ cầu nguyện cho Công Lý Và Hòa Bình dịp đầu năm mới Mậu Tuất 2018.
Nhiều nhà hoạt động đã gặp gỡ nhau tại đây. Trong đó, đáng chú ý là có bà Cấn Thị Thêu, người dân oan mất đất, người anh hùng giữ đất của Dương Nội, đã phải đi tù tận Pleiku, nay vừa trở về với người thân. Chính Linh Mục Nguyễn Nam Phong đã nói lời chào mừng Bà Cấn THị Thêu trở lại với cộng đoàn khi bắt đầu buổi lễ
Trong thánh lễ, Linh Mục Nguyễn Ngọc Nam Phong đã có bài giảng trong tinh thần phải “Sám hối với chính mình và canh tân đời sống” nhân Mùa Chay đã tới. Đặc biệt, thánh lễ đã hiệp ý cầu nguyện cho nhà báo, nhà hoạt động Pham Doan Trang, hiện nay đang bị công an quản thúc, nhà bị cắt internet, vì cuốn sách Chính Trị Bình Dân. Mọi người cùng cầu cho đất nước sớm có công lý và hòa bình thực sự, không còn bất kỳ ai bị vùi dập vì cất lên tiếng nói sự thật!
Trên trang Facebook cá nhân của mình, nhà báo Phạm Đoan Trang đã nhân cơ hội lúc có mạng đã gởi lời cảm ơn chân thành đến những người đã quan tâm đến sự an nguy của cô trong những ngày qua. Cô viết: “…Cảm ơn, xin muôn ngàn lần cảm ơn những anh em, bạn bè, độc giả, người thân đã ở bên và quan tâm lo lắng cho tôi lúc này. Sự ủng hộ và tấm lòng của các bạn là sự bảo vệ lớn nhất dành cho tôi lúc này, và không bao giờ tôi có thể quên được. Không bao giờ…”.
Đoàn Hưng / SBTN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?