Mưu sát Skripal : phương Tây và Nga trong vòng xoáy trừng phạt-trả đũa



 




Mưu sát Skripal : phương Tây và Nga trong vòng xoáy trừng phạt-trả đũa

Thủ tướng Anh Theresa May (G), tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và thủ tướng Đức Angela Merkel (P) tại  thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles, ngày 22/03/2018.REUTERS/Francois Lenoir


    Từ khi cựu điệp viên Nga Serguei Skripal, 66 tuổi, và cô con gái Yulia 33 tuổi, bị mưu sát ngày 04/03/2018 ở Salisbury (Anh Quốc) bằng hóa chất gây tê liệt thần kinh do Nga chế tạo, căng thẳng giữa Matxcơva và Luân Đôn nhanh chóng trở thành cuộc đối đầu giữa Nga và Tây phương. Vì sao quan hệ Nga - châu Âu căng thẳng đến mức độ tác hại đến nỗ lực hợp tác song phương? Nga sẽ làm gì?

    Để bày tỏ tinh thần liên đới với đồng minh Anh Quốc, Washington tham gia vào chiến dịch rộng lớn trục xuất các nhân viên ngoại giao Nga, tổng cộng ít nhất 150 người. Hoa Kỳ ra tay mạnh bạo nhất, thông báo trục xuất « 60 nhân viên tình báo và đóng cửa toà lãnh sự ở Seattle »tọa lạc gần một căn cứ tàu ngầm nguyên tử Hoa Kỳ. Biện pháp trừng phạt này được Mỹ điều phối với 23 nước đồng minh, không đầy ba tuần sau vụ hai bố con cựu gián điệp đôi của Nga, hoạt động ngầm với tình báo Anh, bị đầu độc và đang ở trong tình trạng thập tử nhất sinh.
    Tây phương liên kết 
    Quyết định đầu tiên của Anh Quốc, sau khi kỳ hạn cho Nga 36 giờ để giải thích, là trục xuất 23 nhân viên ngoại giao Nga. Tuy nhiên, điều làm cho Nga tức giận là khi Luân Đôn cáo buộc « gần như chắc chắn tổng thống Putin đã đích thân ra lệnh thi hành ». Ngoại trưởng Anh Boris Johnson bồi thêm : Chỉ buộc tội điện Kremlin của Putin chứ ông biết dân Nga vô can.
    Ủng hộ lập trường Luân Đôn, ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz cũng tuyên bố gây sốc : Đây là lần đầu tiên từ sau Thế Chiến, một chất độc tê liệt thần kinh được sử dụng trên đường phố châu Âu... gần như chắc chắn do lệnh của Putin. 
    Khủng hoảng Nga - châu Âu nổ ra chỉ vài hôm trước cuộc bầu cử tổng thống Nga mà chủ nhân điện Kremlin nắm chắc phần thắng trước các đối thủ thiếu tầm cỡ và ba tháng trước một sự kiện thể thao trọng đại mà Nga là nước chủ nhà : Cúp Bóng đá Thế giới. 
    Vụ đầu độc Serguei Skripal và cô con gái Yulia có thể làm tiêu tan mọi nỗ lực của tổng thống Putin bảo đảm cho Cúp Bóng đá thành công.
    Liên Hiệp Châu Âu trong phiên họp thượng đỉnh ngày 22/03/2018 ra thông cáo chung đoàn kết với Anh Quốc, lên án vụ đầu độc và khẳng định với « xác suất cao » Nga là thủ phạm. 
    Điều không ngờ là tiếp theo những lời tuyên bố có vẻ thận trọng này, đồng loạt từ châu Âu cho đến Mỹ và Úc, tổng cộng 24 quốc gia trong Liên Hiệp Châu Âu và NATO thông báo hành động : trục xuất 147 « gián điệp » Nga. Một mặt trận chung được thành lập với Hoa Kỳ của tổng thống Donald Trump, vẫn có tiếng thân Putin, nhưng cũng có tiếng tâm cơ khó lường, đứng đầu gió.
    Phản ứng mạnh chưa từng thấy
    Chính quyền Nga dường như không lường được quy mô của biện pháp trục xuất từ việc phối hợp chặt chẽ chưa từng thấy giữa các nước Tây phương và cũng như danh sách nhân viên ngoại giao bị Mỹ trục xuất dài như thế, tổng cộng « 110 gián điệp ». Nhận định của ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov qua tuyên bố « Mỹ dùng áp lực không lồ làm vũ khí bắt chẹt » trên trường quốc tế.
    Trong ngắn hạn, chính quyền Nga sẽ phải đối phó như thế nào? 
    Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Cyrille Bret, chuyên gia quan hệ Nga - châu Âu, đại học chính trị Paris, phân tích:
    Nước Nga, khi bị trừng phạt, dù là trừng phạt ngoại giao, trừng phạt tài chính và kinh tế, thường đáp trả theo nguyên tắc được gọi là cân xứng và tỷ lệ. 
    Cân xứng như trong trường hợp cụ thể khi tổng thống Mỹ Barack Obama trục xuất hơn 30 nhân viên ngoại giao Nga vào cuối năm 2016, Nga đã đáp trả một cách tương tự. 
    Tỷ lệ, có nghĩa là không phát động, ít ra là trong hiện tại, một cuộc leo thang trong một vòng xoáy không giới hạn mà sẽ chờ xem quy mô của các biện pháp trừng phạt khác như thế nào rồi mới hành động. 
    Theo dự đoán thì Nga chỉ trục xuất các nhân viên ngoại giao Tây phương và sẽ làm cho công việc của các nhà đại diện ngoại giao của Mỹ và của Liên Hiệp Châu Âu tại Nga trở thành phức tạp hơn, như là đóng cửa các cơ sở bất động sản, đặt thêm nhiều thủ tục hành chánh nhiêu khê, giới hạn quyền tự do đi lại của thành viên ngoại giao đoàn. Như thế, chính quyền Nga có thể chứng tỏ là không khoanh tay ngồi yên, không đánh trả lại điều mà họ xem là bị quốc tế lăng nhục.
    Nỗ lực thoát cấm vận tiêu tan
    Không riêng gì quan hệ Nga - Tây phương bị tác hại, hệ quả nghiêm trọng nhất của vụ đầu độc là làm tiêu tan những thành quả mà chính quyền Putin cố gắng đạt được trong chiến lược phục hồi vị thế đại cường có tiếng nói ngang hàng với Mỹ và đặt châu Âu vào thế bị động, đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác, cụ thể là trong hồ sơ bán đảo Crimée hay cản trở Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và NATO.
    Theo chuyên gia Cyrille Bret, mục đích của Putin là thúc đẩy Liên Hiệp Châu Âu tái lập quan hệ bình thường và bỏ cấm vận : « Nước Nga cần nguồn vốn đầu tư và công nghệ châu Âu. Sức mạnh kinh tế của Nga dựa trên dầu khí, quặng mỏ, xuất khẩu vũ khí nhưng Nga là anh khổng lồ chân đất sét. Sáng kiến chủ động của Nga về chiến tranh Syria và những động thái chuẩn bị sưởi ấm quan hệ với châu Âu nhân Cúp Bóng đá 2018 hoàn toàn bị tê liệt do vụ đầu độc ».
    Một chất độc, hai giả thuyết
    Nga vẫn chối, vẫn xem những cáo buộc của Anh Quốc và của Tây phương là « vô căn cứ, không có giá trị ». Chuyên gia Cyrille Bret nêu ra hai giả thuyết :
    - Thứ nhất : Điện Kremlin e ngại tỷ lệ cử tri tẩy chay bầu cử 18/03 quá cao, theo vận động của đối lập, đe dọa tính chính danh của người đắc cử, tức tổng thống Putin. Diễn văn sắt thép ngày 01/03 thông báo Nga có nhiều tên lửa và vũ khí hạt nhân « vô địch » cũng như điệp vụ 04/03 tại Salisbury có cùng một mục đích « kích động tinh thần dân tộc » trong nước và đào sâu hố ngăn chia xung khắc giữa Nga và Tây phương. Giả thuyết này nghe có lý nhưng tổng thống Putin, với bộ máy bầu cử trong tay và được nhiều người Nga tin tưởng, có lẽ không cần phải lấy rủi ro chọc giận châu Âu. Tổng thống Nga, cần khai thác những lời chúc mừng nồng nhiệt của cộng đồng quốc tế để làm sức bật cho vai trò chủ động giải quyết các hồ sơ nóng như Syria hơn là bị lên án là kẻ sát nhân.
    - Giả thuyết thứ hai : Vụ ám sát hụt có thể là một điệp vụ bất toàn nhưng cũng có thể phản ánh sự bất đồng trong nội bộ chế độ Putin : một phe muốn hòa với Tây phương còn một phe muốn duy trì tình trạng căng thẳng như thời Chiến tranh lạnh. Trước vụ điệp viên Skripal, quan hệ Nga - Anh đã xấu đi nhiều vì vụ ám sát cựu điệp viên KGB Alexander Litvinenko, bằng chất phóng xạ, năm 2006 và cái chết bí ẩn của nhà tỷ phú Nga Boris Berezovsky, từng là bạn thân của Putin trước khi chạy sang Anh tị nạn.
    Ngã ba đường
    Nước Nga và Tây phương từ nay bước vào vòng xóay « trừng phạt trả đũa trừng phạt » như từ năm 2014, sau khi Nga dùng thủ đoạn chiếm Crimée của Ukraina, phá vỡ « trật tự thế giới »của phe Tây phương.
    Theo Cyrille Bret, nước Nga của Putin là một thế lực khuynh đảo hơn là xây dựng. Vấn đề là cường quốc này có muốn dung hòa với thế giới hay muốn tiếp tục thách thức với Tây phương với hy vọng phân hóa đối phương để thắng : 
    Nước Nga hiện nay đang ở ngã ba đường. Từ nhiều thập niên qua và cho đến hiện nay, Nga là một cường quốc gây rối loạn trong quan hệ quốc tế. Matxcơva chống lại trật tự thế giới và ngoài ra còn liên kết với Trung Quốc để chống lại trật tự này. Nếu thật tâm muốn chứng tỏ là một cường quốc có tinh thần trách nhiệm thì Nga phải giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria.
    Nga cũng phải làm thế nào để hiệp định ngưng bắn ở miền đông Ukraina được tôn trọng và tổ chức Cúp Bóng đá Thế giới vào tháng 6 và tháng 7. Nói cách khác, Nga có tự do lựa chọn. 
    Một là trong trung hạn, phải tìm cách hòa dịu với Tây phương để chuyển hóa từ một cường quốc phá bĩnh thành một cường quốc có tinh thần xây dựng. Hai là tiếp tục con đường cũ từ năm 2014, lên gân với Tây phương, lao vào vòng xóay mà nhiều người dự báo là sẽ dẫn đến chiến tranh lạnh theo ý nghĩa chiến tranh cân não và tranh giành ảnh hưởng địa chính trị với Liên Hiệp Châu Âu.
    Chiến tranh lạnh tái diễn
    Matxcơva tiếp tục phủ nhận là tác giả vụ mưu sát. Bộ Ngoại Giao Nga chỉ trích Tây phương « khiêu khích » khi trục xuất hơn cả trăm nhà ngoại giao Nga và đe dọa « sẽ có phản ứng trả đũa ». Matxcơva đã đóng cửa Trung Tâm Văn Hóa Anh British Council và buộc 23 nhân viên ngoại giao Anh hồi hương trong phản ứng « ăn miếng trả miếng » đầu tiên.
    Báo chí Nga ngày 27/03/2018 cho là quan hệ Nga - Tây phương bước vào một « chiến tranh lạnh mới ». Trên báo Vedomosti, nhà phân tích Fiodor Lukianov thẩm định « các vụ trục xuất gây thiệt hại cho quan hệ Mỹ - Nga » và căng thẳng không dừng lại ở đây mà còn « tiếp tục leo thang ».
    Cũng theo chiều hướng này, đài phát thanh độc lập Ekho Moskvy (Tiếng vọng) lập luận : « Quan hệ Nga - Tây phương càng xấu thì Vladimir Putin càng có lợi. Là người cố thủ trong pháo đài bị bao vây thì phải luôn luôn khiêu khích cho người ta đánh mình, nếu không thì tính chính danh của mình sẽ mất đi ».
    Vụ đầu độc bằng hoa chất gây tê liệt thần kinh đã gây « sốc » trong các nước Tây phương, kể cả những quốc gia cho đến nay vẫn có thái độ thận trọng nhất không muốn gây hiềm khích với Matxcơva, theo giáo sư chính trị Thorniké Gordadzé, Paris. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, tình hình ngày nay đã khác so với thời xảy ra vụ ám sát trung tá KGB Alexander Litvinenko năm 2006. Từ đó đến nay đã xảy ra nhiều vụ làm cho Tây phương « hiểu rõ sự thật » chế độ Nga : chiến tranh Gruzia, sáp nhập bán đảo Crimée, thanh toán đối lập và can thiệp vào bầu cử nước ngoài. 
    Từ Bruxelles, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk cảnh báo « không loại trừ nhiều biện pháp trục xuất mới » sẽ được ban hành.
    Đề phòng mọi tình huống, NATO, qua tổng thư ký Jens Stoltenberg tuyên bố « không muốn tái diễn chiến tranh lạnh » nhưng vụ tấn công bằng chất hóa học vào một thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương là « cực kỳ nghiêm trọng ». Nếu Nga tìm xung đột thì NATO « đủ sức bảo vệ tất cả thành viên » của mình.
    Sau những đòn bất ngờ của Nga từ Ukraina đến Syria và chiến thuật ảnh hưởng cử tri, có lẽ từ nay Matxcơva không còn được Tây phương nương tay nữa.

    Nhận xét

    Bài đăng phổ biến từ blog này

    Xứ Sở Hận Thù

    Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?