Tin Biển Đông – 30/03/2018

Tin Biển Đông – 30/03/2018

Biển Đông: Bắc Kinh trấn an

về cuộc tập trận của 40 chiến hạm

Bộ Quốc Phòng Trung Quốc vào hôm qua, 29/03/2018 đã lên tiếng trấn an về cuộc tập trận trên Biển Đông, huy động tàu sân bay Liêu Ninh cùng khoảng 40 chiến hạm và tàu ngầm. Đối với Bắc Kinh, đó chỉ là cuộc thao diễn bình thường không hề mang tính chất đe dọa.
Trả lời báo chí, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường (Ren Guoqiang), cho đây chỉ là một cuộc tập trận « thông thường », không nhắm mục tiêu cụ thể nào, phù hợp với chính sách « phòng thủ » của Trung Quốc, và nhất là « không đe dọa các quốc gia khác ». Đối với nhân vật này, cuộc tập trận quy mô lớn nói trên nhằm nâng cao « năng lực chiến đấu » của quân đội Trung Quốc và không đi ra ngoài chính sách phát triển hòa bình cố hữu.
Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc, tuy nhiên, đã tuyên bố mỉa mai rằng : « Chỉ những ai hay đe dọa người khác mới thấy người khác là một mối đe dọa ».
Tuyên bố nhằm mục tiêu trấn an trên đây được đưa ra sau khi ảnh vệ tinh, hôm thứ Hai 26/03 vừa qua, cho thấy là đã có ít ra 40 tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc cùng diễu hành trên Biển Đông, cùng với tàu sân bay Liêu Ninh, trong một động thái mà giới quan sát cho là nhằm mục tiêu thị uy, đáp trả lại việc Hoa Kỳ cho tàu sân bay USS Carl Vinson ghé cảng Việt Nam, rồi sau đó trở ra Biển Đông cùng tập trận với Hải Quân Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis sắp thăm Trung Quốc ?
Cũng trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc xác nhận khả năng bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis sắp sang thăm Trung Quốc. Theo ông Nhậm Quốc Cường, Trung Quốc đang « phối hợp » với Mỹ để tổ chức chuyến thăm này.
Nếu chuyến thăm diễn ra thì đây sẽ là chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của một bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ dưới thời chính quyền tổng thống Donald Trump. Theo hãng Reuters, truyền thông Nhật Bản dẫn lời bộ Quốc Phòng hồi tháng 1/2018, cho biết ông Mattis có thể đi thăm Trung Quốc vào mùa xuân năm nay.
Biển Đông là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng dai dẳng giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc. Vào tuần trước, Bắc Kinh đã tỏ thái độ bực tức và phản đối việc Hải Quân Mỹ phái khu trục hạm USS Mustin tiến hành cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải, bên trong vùng 12 hải lý quanh đá Vành Khăn mà Trung Quốc chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc chuẩn bị chạy thử

tàu sân bay tự đóng đầu tiên

Tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc đang trong quá trình chuẩn bị cho chuyến chạy thử nghiệm trên biển đầu tiên.
Mạng Hoàn Cầu Thời Báo, ấn phẩm tiếng Anh của Nhân Dân Nhật Báo, loan tin vừa nêu vào ngày 27 tháng 3. Báo này cho biết những hình ảnh mới nhất chụp được từ xưởng đóng tàu của Công ty Công Nghiệp Đóng Tàu Đại Liên tại tỉnh Liêu Ninh cho thấy tất cả dàn giáo trên con tàu đã được tháo hết thay vào đó là một dàn ra đa được lắp đặt.
Chủ tịch Lưu Chinh của Công ty Công Nghiệp Đóng Tàu Đại Liên được trang mạng của Đài Truyền Hình Trung Ương Trung Quốc- CCTV dẫn lời cho biết đây sẽ là một ngạc nhiên cho người dân Hoa Lục trong năm 2018.
Vào ngày 27 tháng 3, một chuyên gia hải quân từ Bắc Kinh cũng nói với Hoàn Cầu Thời Báo là tất cả mọi yêu cầu về mặt kỹ thuật cho thấy tàu sân bay Loại 001A do Trung Quốc tự đóng đều sẵn sàng cho chuyến chạy thử đầu tiên trên biển. Thời điểm cụ thể cho việc này tùy thuộc vào những yếu tố thời tiết và điều kiện biển khơi.
Tuy nhiên ngày thành lập Hải Quân Trung Quốc 23 tháng 4 có thể được xem xét.
Sau chuyến chạy thử nghiệm đầu tiên trên biển, thường còn mất từ 6 tháng đến 1 năm, đơn vị đóng tàu mới có thể giao cho Hải Quân Trung Quốc.
Chiếc tàu sân bay Loại 001A do Trung Quốc tự đóng được hạ thủy tại Đại Liên vào ngày 26 tháng tư năm ngoái. Từ đó đến nay công tác lắp ráp trang thiết bị được tiến hành.
Hoàn Cầu Thời Báo khoe rằng tốc độc xây dựng chiếc tàu sân bay Loại 001A của Trung Quốc là nhanh nhất trong lịch sử đóng hàng không mẫu hạm.

Trung Quốc sẽ tập trận hằng tháng tại Biển Đông

Quân Đội Trung Quốc sẽ thực hiện các cuộc diễn tập chiến đấu hằng tháng tại khu vực Biển Đông chứ không như những năm trước đây nữa.
Mạng báo Inquirer của Philippines vào ngày 28 tháng 3 dẫn lại phát biểu của một nhà phân tích quân sự trên Hoàn Cầu Thời Báo như vừa nêu. Cụ thể chuyên gia Tống Chung Bình (Song Zhongping) nói rõ là những cuộc diễn tập trong năm 2018 vẫn sẽ là thường lệ và được tổ chức hằng tháng; chứ không như những năm trước nữa.
Hoàn Cầu Thời Báo dẫn thêm lời của chuyên gia Vương Tiếu Bằng (Wang Xiaopeng) thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Trung Quốc là những cuộc diễn tập chiến đấu của Trung Quốc như thế không nhắm đến một quốc gia cụ thể nào mà tập trung nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền của Hoa Lục.
Những phát biểu được Hoàn Cầu Thời Báo trích dẫn như vừa nêu trong số ra vào ngày chủ nhật 25 tháng 3; sang đến đầu tuần tờ báo này loan tin lực lượng Quân Đội Trung Quốc vừa khởi sự đợt tập trận tại Tây Thái Bình Dương và Biển Đông.
Hãng tin Reuters vào ngày thứ tư 28 tháng 3 cho biết theo những ảnh vệ tinh do Công ty Planet Labs cung cấp thì có ít nhất 40 tàu và tàu ngầm của Hải Quân Trung Quốc dàn đội hình hàng dọc theo Hàng Không Mẫu Hạm Liêu Ninh.
Giới phân tích cho rằng đây là cuộc phô diễn bất thường về sức mạnh đang lên của Hải Quân Trung Quốc.
Hoạt động này được thực hiện ngay sau khi khu trục hạm USS Mustin của Mỹ đi qua vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn mà Trung Quốc chiếm đóng và bồi lấp thành đảo nhân tạo tại Quần Đảo Trường Sa thuộc Biển Đông.
Philippines giám sát Trung Quốc tập trận tại Biển Đông
Cũng vào ngày 28 tháng 3, Mạng báo Inquirer, loan tin dẫn lời Bộ Trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana, rằng Quân Đội nước ông đang giám sát những cuộc diễn tập chiến đấu tại Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines.
Vị Bộ Trưởng Quốc Phòng Philippines hiện nay bày tỏ tin tưởng là Trung Quốc sẽ không gây xáo trộn tại tuyến đường hàng hải chiến lược qua Biển Đông.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông trong đường đứt khúc do chính Bắc Kinh vạch ra. Tuy nhiên Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế- PCA vào tháng 7 năm 2016 bác bỏ giá trị pháp lý cũng như lịch sử của đường đó.
Ngoài Trung Quốc và Đài Loan, còn các nước gồm Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam tuyên bố chủ quyền tại khu vực Biển Đông.

VN cần hợp tác khai thác hay đưa ra LHQ?

Cách khẳng định chủ quyền an toàn nhất trên biển Đông của Việt Nam có lẽ là hợp tác khai thác dầu với Trung Quốc. Tướng Daniel Schaeffer, nguyên tùy viên quân sự của Pháp tại Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc, học giả cao cấp về tranh chấp trên Biển Đông của tổ chức tư vấn Asie21 (Pháp), chia sẻ nhận định này qua một phỏng vấn với Mỹ Hằng của BBC Tiếng Việt hôm 29/3.
Ông Schaeffer nói Việt Nam có thể tính đến việc hợp tác khai thác dầu với Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế của mình như một cách an toàn để khẳng định chủ quyền trên Biển Đông. Sự kiện dự án Cá Rồng Đỏ, theo ông Schaeffer, chỉ là ‘khởi đầu chiến lược xâm lược’ của Trung Quốc.
Hợp tác khai thác dầu với TQ?
Tướng Daniel Schaeffer đề cập ‘hợp tác khai thác dầu với Trung Quốc’ như một trong ba khả năng để Việt Nam và các nước Đông Nam Á giải quyết tình hình căng thẳng trên Biển Đông.
Thứ nhất, vấn đề biển Đông cần được quốc tế hóa bằng cách đưa ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc – “nơi hiện đang im lặng một cách đáng ngạc nhiên riêng về vấn đề này”.
Đề xuất này phải được thực hiện theo tinh thần chung theo hướng dẫn hiện nay khi các công ty Đông Nam Á mời các công ty nước ngoài tham gia vào hoạt động dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mìnhTướng Daniel Schaeffer
Nhắc tới phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế năm 2017 rằng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái pháp luật trên biển Đông, ông Schaeffer cho rằng quyền của các nước Đông Nam Á ở vùng biển này theo đó cũng được thiết lập theo luật pháp.
Do đó, Việt Nam và các nước cần “không ngừng thúc đẩy mạnh mẽ thực thi phán quyết này ngay cả khi Philippines đã đặt nó sang một bên”, đồng thời yêu cầu sự tham gia của phương Tây.
“Một tuyên bố chủ quyền đã bị Tòa án Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) tuyên bố trái pháp luật ngày 12/7/2016,” ông nhắc lại.
“Không nước nào nên chịu áp lực từ một Trung Quốc quyết liệt về Biển Đông và Biển Hoa Đông.”
“Ngay cả khi Trung Quốc không muốn vấn đề Biển Đông được quốc tế hóa, thì nó cũng đã được quốc tế hoá thông qua nhiều sự kiện khác nhau và cả trên luật pháp kể từ phán quyết của PCA.”
Thứ hai, bởi vì Biển Đông là biển quốc tế, các quốc gia Đông Nam Á nên khuyến khích hải quân từ bên ngoài khu vực qua lại trên vùng biển này để nhấn mạnh sự hiện diện và tính chất quốc tế của biển đó, đồng thời cũng để trình diễn diễn tập hải quân.
Thứ ba, một cách an toàn hơn, các nước có thể đề nghị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc hợp tác khai thác dầu ở các vùng đặc quyền kinh tế của mình, như Brunei đang làm, Philippines đang đàm phán.
“Đề xuất này phải được thực hiện theo tinh thần chung theo hướng dẫn hiện nay khi các công ty Đông Nam Á mời các công ty nước ngoài tham gia vào hoạt động dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình.”
“Điều đó có nghĩa là Trung Quốc phải nhìn nhận rằng công ty dầu lửa của họ sẽ hoạt động trong một khu vực dưới quyền chủ quyền của nước chủ nhà chứ không phải trong một khu vực bên trong ‘Đường chín đoạn’.”
“Đó là lý do tại sao văn bản thỏa thuận giữa Trung Quốc và nước chủ nhà phải được biên soạn kỹ lưỡng, như vậy nó sẽ không có vẻ như ngầm thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển mà hai bên hợp tác khai thác dầu.”
‘Cá Rồng Đỏ khởi đầu chiến lược xâm lược’?
Tôi vẫn cho rằng việc [các nước ASEAN trong đó có Việt Nam] đàm phán một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) trên biển Đông là sai lầm lớn, ít nhất khi Trung Quốc vẫn không từ bỏ ‘Đường chín đoạnTướng Daniel Schaeffer
Tướng Daniel Schaeffer cũng nêu vấn đề ông lưu ý trong sự kiện Việt Nam dừng hai dự án khai thác dầu mỏ, trong đó có Cá Rồng Đỏ, chỉ trong vòng một năm.
Đó là hai dự án Việt Nam hợp tác với công ty Repsol của Tây Ban Nha để khai thác tại lô 136-03 và lô 07-03 – mà theo ông là ‘hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế’ của Việt Nam.
Theo ông, đây là ‘âm mưu’ của Trung Quốc nhằm ‘tấn công gián tiếp Việt Nam thông qua tấn công vào các công ty nước ngoài hợp tác với Việt Nam”.
“Để cố gắng đòi chủ quyền bất hợp pháp của mình trong các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với lý do các lô này nằm trong ‘đường chín đoạn’, Trung Quốc gián tiếp gây áp lực lên Việt Nam thông qua các công ty nước ngoài mà Việt Nam đã ký kết hợp đồng hợp tác”, ông Schaeffer phân tích.
“Chúng ta cũng có thể cho rằng nạn nhân là một công ty Tây Ban Nha vốn không có khả năng như các công ty Mỹ để chống lại áp lực như vậy.”
Ông Schaeffer cho rằng các sự cố như vậy “sẽ tiếp tục xảy ra dọc theo đường biên giới các vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á”.
Ông nhấn mạnh, đây chỉ là khởi đầu ‘chiến lược xâm lược’ của ‘một Trung Quốc tuyệt đối kiên nhẫn’, cố gắng để lấy ‘từng phần từng phần’ các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á, ‘những vùng mà Trung Quốc cho là nằm trong ‘Đường Lưỡi bò’.
“Tôi vẫn cho rằng việc [các nước ASEAN trong đó có Việt Nam] đàm phán một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) trên Biển Đông là sai lầm lớn, ít nhất khi Trung Quốc vẫn không từ bỏ ‘Đường chín đoạn’”, tướng Schaeffer nhấn mạnh.
Năm 2017, trung tướng Schaeffer từng có bài viết “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông: Một sai lầm to lớn”.
Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành ‘ao làng’ của mình. Điều này là không thể vì đó là vùng biển quốc tếTướng Daniel Schaeffer
Qua đó ông cho thấy ‘mưu đồ của Trung Quốc’ trong quá trình đàm phán COC và những nguy hiểm mà các nước ASEAN có thể đối mặt một khi COC được thông qua và ký kết, mà không loại bỏ được ‘Đường lưỡi bò phi pháp’ do Trung Quốc tự ý vạch ra, ôm trọn hầu hết Biển Đông.
TQ diễn tập để ‘trả đũa’
Về cuộc trình diễn diễn tập quân sự mới đây của Trung Quốc ở biển Đông với hàng chục tàu chiến và chiến đấu cơ tham gia, tướng Daniel Schaeffer cho rằng mục đích là nhằm trả đũa “hoạt động tự do hàng hải lần thứ tư của Hoa Kỳ, và trả đũa mọi hoạt động của hải quân phương Tây trên vùng biển này”.
Ông đưa ví dụ về “cuộc tập trận mới đây giữa hải quân Nhật và tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ” như một trong những lý do khiến Trung Quốc muốn trả đũa.
Ông Daniel Schaeffer cũng cho rằng hoạt động diễn tập này nhằm ‘chứng minh và khẳng định chủ quyền’ của Trung Quốc đối với vùng Biển Đông, Tướng Daniel Schaeffer nói và nhấn mạnh với BBC Tiếng Việt rằng ông nêu quan điểm cá nhân với tư cách một học giả.

Việt Nam vào thế kẹt: Chiến hạm Mỹ

không dọa được Trung Quốc trên biển Đông

Không lâu sau khi hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson rời Việt Nam đã lọt ra thông tin Hà Nội phải dừng dự án thăm dò dầu khí trị giá 1,23 tỷ USD trên biển Đông vì sức ép của Bắc Kinh.
Các chuyên gia cho rằng điều này cho thấy Trung Quốc đang thắng lớn ở biển Đông và chiến lược hiện tại của Mỹ trên vùng biển nhiều tranh chấp này đang thất bại.
Đây là lần thứ 2 trong chưa đầy 1 năm, Việt Nam bị Trung Quốc ép ngưng các hoạt động thăm dò dầu khí trong khu vực gần đường lưỡi bò 9 đoạn trong đó Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hầu hết khu vực biển Đông.
Hôm 23/3, Reuters và BBC cùng loan tin rằng Việt Nam đã ‘xuống thang’ trong dự án Cá Rồng Đỏ, có tên tiếng Anh là Red Emperor, hợp tác với công ty năng lượmg Repsol của Tây Ban Nha ở biển Đông trước áp lực từ Trung Quốc.
Trước đó trong tháng, Mỹ đã lần đầu tiên đưa một hàng không mẫu hạm tới cập cảng Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh giữa 2 cựu thù kết thúc vào năm 1975 cùng với mối quan hệ đang nồng ấm hơn giữa Hà Nội và Washington. Tàu USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng từ ngày 5-9 tháng 3.
Với chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, “Việt Nam muốn làm cho Trung Quốc tin rằng mối quan hệ an ninh mật thiết với Mỹ có ý nghĩa rằng Washington sẽ hỗ trợ vị thế của Việt Nam trên biển Đông,” Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, Gregory Poling, nhận định với VOA.
Theo nhận định trước đó của Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc và chuyên gia về biển Đông Hill Hayton của Viện nghiên cứu Chatham House ở Anh, chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson tới Đà Nẵng có mục đích giúp Việt Nam ngăn Trung Quốc gây áp lực lên các dự án thăm dò dầu khí tại mỏ Cá Rồng Đỏ.
Tuy nhiên, sự hiện diện của hải quân Mỹ trên biển Đông không làm Trung Quốc sợ, theo các chuyên gia.
Nhà nghiên cứu của CSIS, Poling, cho rằng chiến lược hiện tại của Mỹ “đã thất bại.”
“Điều này cho thấy sự hạn chế của chiến lược hiện tại của Washington, gồm có chuyến thăm của hàng không mẫu hạm và mối quan hệ an ninh mật thiết với Việt Nam cũng nhưng một và hoạt động FONOPS (tự do hàng hải), không có tác dụng. Nó không đủ để ngăn Trung Quốc khỏi hành động chiếm đoạt biển Đông từng bước một.”
Mặc dù mối quan hệ giữa hai cựu thù Việt Nam và Mỹ đang nồng ấm hơn, nhất là kể từ chuyến thăm của cựu Tổng thống Barack Obama tới Hà Nội và việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí vào năm 2016, hai nước vẫn chưa có mối quan hệ đối tác chiến lược.
Trung Quốc lần đầu tiên ép Việt Nam ngừng thăm dò dầu khí trên biển Đông vào tháng 7 năm ngoái cũng trong một dự án cũng với Repsol. Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận điều này nhưng tập đoàn dầu khí của Tây Ban Nha sau đó nói họ đã ngừng khoan dầu cho Việt Nam trong khu vực tranh chấp với Trung Quốc.
Hà Nội chưa công khai lên tiếng sau khi thông tin về lần thứ 2 Việt Nam phải ngừng khoan thăm dò dầu khí với Repsol trước sức ép của Trung Quốc hôm 23/3.
Bộ Ngoại giao Việt Nam từng khẳng định vào tháng 8 năm ngoái rằng hoạt động khoan dầu với Repsol nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Cả 2 dự án bị treo của Việt Nam đều thuộc các lô nằm gần đường lưỡi bò chín đoạn mà Trung Quốc đặt ra. Bắc Kinh cho rằng nó “chồng chéo” lên các mỏ dầu khí mà Trung Quốc sở hữu trên vùng biển tranh chấp này.
“Hà Nội đang trong thế kẹt,” theo chuyên gia Poling của CSIS khi nói về sức ép của Trung Quốc trên biển Đông. “Điều này cho thấy một hàm ý lớn hơn rằng trật tự dựa trên luật pháp và các luật quốc tế đã không được công nhận.”
Tòa trọng tài quốc tế ở La Haye vào tháng 2/2016 đã bác bỏ tuyên bố đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc trong vụ kiện do chính phủ Philippines khởi xướng dưới thời Tổng thống Beniqno Aquino.
“Điều tốt nhất mà Hà Nội có thể làm là tìm cách thuyết phục thế giới về thực tế đó; tìm cách làm cho Mỹ, Úc, Nhật và châu Âu phải thức tỉnh và nhận ra rằng điều gì vừa xảy ra, và rằng họ chỉ ngồi đó trong khi Trung Quốc lật ngược và vi phạm luật pháp quốc tế,” theo nhà nghiên cứu của CSIS.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện