Tin khắp nơi – 29/03/2018

Tin khắp nơi – 29/03/2018

TQ và Bắc Hàn

xác nhận chuyến thăm của Kim Jong-un

Sau những ngày đồn đoán, tin lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un thăm Trung Quốc đã được xác nhận.
Tin đồn dấy lên hồi đầu tuần này sau khi có ghi nhận một nhân vật cấp cao đến Bắc Kinh trên một chuyến tàu đặc biệt, tương tự như chuyến tàu của cha ông Kim.
Chuyến thăm, được Trung Quốc và Bắc Hàn xác nhận, là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông Kim từ khi nhậm chức năm 2011.
Ông Kim đã “hội đàm thành công” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, Tân Hoa Xã cho biết.
Chuyến thăm được coi là bước quan trọng trong việc Bắc Hàn chuẩn bị cho cuộc gặp lãnh đạo Nam Hàn và Hoa Kỳ. Ông Kim dự kiến sẽ gặp Tổng thống Donald Trump vào tháng 5/2018.
Trước đó, các nhà phân tích đã dự đoán các nhà lãnh đạo Bắc Hàn và Trung Quốc có thể gặp nhau trước khi các cuộc gặp thượng đỉnh nêu trên diễn ra.
Trong chuyến thăm không chính thức này, Tân Hoa Xã nói ông Kim quả quyết với ông Tập rằng ông ta cam kết phi hạt nhân hóa.
‘Ba vấn đề lớn’
Hôm 28/3, Luật sư Vũ Đức Khanh từ Ottawa, Canada, bình luận với BBC: “Chuyến thăm Bắc Kinh “bí mật và bất ngờ” của ông Kim Jong-un đã làm nổi bật ba vấn đề lớn của khu vực.”
“Và liệu chuyến đi này có làm thay đổi cục diện cũng như “trật tự khu vực” với một vai trò ngày càng lớn mạnh hơn của Trung Quốc khi Hoa Kỳ bắt đầu “rút dần hoặc mất dần” ảnh hưởng trên thế giới để chỉ để cuối cùng co cụm về “bảo vệ bờ cõi nước Mỹ trước tiên”.
“Thứ nhất, cho dù ông Kim có nói gì và làm gì thì quyền quyết định cuối cùng cho số phận của “Bán đảo Triều Tiên” vẫn nằm ở Bắc Kinh. Điều đó một lần nữa khẳng định vai trò chính yếu của Bắc Kinh trong việc ổn định, gìn giữ hòa bình, an ninh, thịnh vượng cho khu vực.”
“Thứ hai, Tòa Bạch Ốc cho biết đã được Bắc Kinh tường thuật lại cuộc gặp gỡ hy hữu này và phía Trung Quốc cũng đã chuyển thông điệp cá nhân của Chủ tịch Tập đến Tổng thống Trump.”
“Tuy nhiên không rõ là phía Mỹ có được thông báo hoặc có tin tình báo biết trước cuộc gặp này không hay chỉ được thông báo ngoại giao một chuyện đã rồi. Và cuối cùng là thông điệp cá nhân của Chủ tịch Tập gửi Tổng thống Trump là gì?”
“Liệu chuyến đi này của ông Kim đến Bắc Kinh có làm giảm “giá trị” của gặp thượng đỉnh lịch sử sắp tới giữa hai ông Trump và ông Kim? Vì cuộc gặp Trump – Kim chưa được chính thức xác nhận cho nên tôi nghĩ sẽ khó mà diễn ra.”
“Theo tôi, đây là một đòn hạ “uy tín” Trump của Chủ tịch Tập. Trung Quốc muốn thế giới thấy rằng bất luận giải pháp nào cho bán đảo Triều Tiên đều phải xuất phát từ Bắc Kinh.”
“Thứ ba, cũng có nghi vấn và giả thuyết cho rằng sẽ có một cuộc “đổi chác” gì đó trong khu vực. Và hơn bao giờ hết, số phận lịch sử “nghiệt ngã” của Hàn Quốc và Việt Nam vẫn luôn gần giống nhau như thập niên 1950.”
“Bắc Kinh được cho là đã sẵn sàng cho một hòa bình nhất định ở Đông Bắc Á và một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân, phi quân sự hóa cao độ nhưng để đổi lại với một Đông Nam Á và một biển Đông trong tầm kiểm soát và ảnh hưởng của Bắc Kinh. Đối với Trung Quốc, Việt Nam luôn là cửa ngõ chiến lược và là nhân tố trọng yếu không những cho sự quân bình cán cân lực lượng trong khu vực mà còn là vấn đề an ninh quốc gia.”
“Liệu một lần nữa, Việt Nam có bị rơi vào vòng xoáy quyền lực, tranh giành ảnh hưởng của các siêu cường như cơn ác mộng của nửa sau thế kỷ XX?”

TT Trump cử bác sĩ riêng làm bộ trưởng

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố đề cử bác sĩ riêng của ông thành Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh thay thế ông David Shulkin.
Cảm ơn ông Shulkin trong một dòng đăng trên Twitter, ông Trump nói dự định đề cử Chuẩn Đô Đốc Ronny Jackson, người khám sức khỏe cho ông Trump lần đầu tiên vào hồi tháng Một.
Ông Jackson, 50 tuổi, từng làm bác sĩ tổng thống cho ba tổng thống, George W Bush và Barack Obama trước khi ông Trump chuyển đến Nhà Trắng.
Ông được bổ nhiệm vào một vị trí dành cho cựu chiến binh, quản lý một cơ quan lớn, với rất ít kinh nghiệm quản lý hoặc chính trị.
Tuy nhiên, ông có nhiều kinh nghiệm quân sự, vì đã từng phục vụ trong một đơn vị hải quân trong chiến tranh Iraq.
Ông thu hút sự chú ý của công chúng sau khi khám sức khỏe ông Trump, và nói tổng thống có “sức khoẻ tuyệt vời”.
Tại sao lại cho Shulkin từ chức?
Từng được tổng thống đánh giá cao trước công chúng, vị thế của ông Shulkin nay đang chịu nhiều áp lực.
Một báo cáo công bố hồi tháng Hai phát hiện ra “có một sự cố nghiêm trọng của nhân viên Bộ Cựu chiến Binh” trong một chuyến đi tới châu Âu vào năm ngoái.
Bản báo cáo cáo buộc Bộ trưởng đã nhận vé xem giải quần vợt Wimbledon trong chuyến công du và sử dụng chuyến đi để đi xem thắng cảnh.
Ông Shulkin bác bỏ các cáo buộc nhưng đồng ý tuân theo các khuyến cáo của báo cáo, bao gồm việc hoàn trả chính phủ vé máy bay cho vợ ông, giá trị hơn 4.300 đô la.
Đây là diễn biến mới nhất trong một loạt nhân sự bị thay thế trong nội các Trump.
Chỉ trong tháng này, ông đã thay thế Bộ trưởng Ngoại giao, ông Rex Tillerson, và Cố vấn An ninh Quốc gia, HR McMaster, trong khi cố vấn kinh tế hàng đầu của ông, Gary Cohn, cũng đang có những bất đồng với kế hoạch áp đặt thuế thương mại đối với thép và nhôm của ông Trump.

Khôi nguyên Nobel Hòa bình

trở lại Pakistan sau khi bị bắn

Malala Yousafzai, người đoạt giải Nobel Hòa bình trở lại Pakistan lần đầu tiên từ khi bị các chiến binh Taliban bắn.
Cô Yousafzai, 20 tuổi và là nhà hoạt động nhân quyền, bị một tay súng bắn vào đầu trong lúc đang đi vận động cho các bé gái được đến trường vào năm 2012.
Cô dự kiến có cuộc gặp với Thủ tướng Shahid Khaqan Abbasi.
Thông tin chi tiết về chuyến đi được giữ kín “vì lý do nhạy cảm”, giới chức nói với AFP.
Truyền hình Pakistan chiếu cảnh cô Yousafzai cùng bố mẹ xuất hiện tại sân bay quốc tế Benazir Bhutto ở Islamabad và được bảo vệ cẩn mật.
Chuyến đi dự kiến dài bốn ngày và cô đi cùng nhân viên tổ chức Malala Fund, báo địa phương cho hay.
Chưa rõ là cô có về thăm lại quê hương ở Swat, vùng nông thôn phía tây bắc của Pakistan.
Tại sao cô bị tấn công?
Năm 11 tuổi, Yousafzai bắt đầu viết nhật ký vô danh cho BBC Tiếng Urdu về cuộc sống của cô dưới thời Taliban.
Là người vận động cho các bé gái được đến trường trong bối cảnh đàn áp ở Pakistan, năm 15 tuổi, cô bị tấn công có chủ ý trên một chiếc xe buýt trường học. Câu chuyện của Yousafzai thu hút sự chú ý của quốc tế.
Thời điểm đó, Taliban nói họ bắn Yousafzai vì cô “ủng hộ phương Tây” và “quảng bá văn hóa phương Tây ở vùng Pashtun”.
Vết thương đe dọa tính mạng của thiếu nữ này và cô phải qua những ca phẫu thuật chỉnh xương sọ.
Sau khi được cấp cứu tại một quân y viện ở Pakistan, cô được chuyển tới Anh để phục hồi tại Birmingham, nơi gia đình cô tiếp tục sinh sống.

Venezuela:

68 người chết vì hỏa hoạn ở đồn công an

Một vụ hỏa hoạn tại một đồn công an ở thành phố Valencia, bang Carabobo, Venezuela, làm 68 người thiệt mạng, các quan chức chính phủ cho biết.
Ngọn lửa được cho là bùng lên sau khi các tù nhân đốt đệm để tìm cách trốn thoát hôm thứ Tư 28/3.
Công an đã dùng hơi cay để giải tán đám đông người nhà vây quanh đồn sau khi có tin vụ hỏa hoạn.
Công tố viên trưởng Tarek Saab nói sẽ lập tức mở cuộc điều tra về vụ việc.
Quan chức chính phủ Jesus Santander nói hiện nay tình hình đã được kiểm soát. Ông nói cả bang Carabobo đang để tang.
Chuyện gì xảy ra ở đồn công an?
Những chi tiết về vụ hỏa hoạn hiện vẫn chưa được xác nhận chính thức.
Hiệp hội Una Ventana a la Libertad (tạm dịch – Một Cửa sổ nhìn vào Tự do), một tổ chức theo dõi điều kiện trong các nhà tù, nói các nguồn tin cho thấy một sỹ quan công an đã bị một tù nhân bắn vào chân. Sau đó các tù nhân đã đốt đệm và ngọn lửa nhanh chóng lan ra.
Ông Santander xác nhận một sỹ quan cảnh sát đã bị bắn.
Lực lượng cứu hộ đã phá tường để cố giải thoát cho những người bị kẹt bên trong.
Gần như tất cả những người thiệt mạng đều là tù nhân nhưng ít nhất hai phụ nữ đang vào thăm người nhà cũng chết, ông Saab cho biết.
Phản ứng cho đến nay là gì?
Gia đình nạn nhân tức giận kéo đến tụ tập bên ngoài nhà tù và đụng độ với cảnh sát trong lúc họ tìm kiếm thông tin về người thân.
Bà Aida Parra, người vừa gặp con trai hôm trước, nói với hãng tin AP: “Tôi không biết con tôi còn sống hay đã chết. Họ không cho tôi biết gì hết.”
Bà Dora Blanco thì nói với truyền thông địa phương: “Tôi là một người mẹ tuyệt vọng. Con trai tôi mới vào đây được một tuần. Họ chưa đưa ra thông tin gì hết.”
Chính phủ đã mở một cuộc điều tra.
Thống đốc bang Carabobo, ông Rafael Lacava, chia buồn với các gia đình nạn nhân. Ông nói: “Một cuộc điều tra sâu và nghiêm trọng đã bắt đầu để tìm ra nguyên nhân và những kẻ chịu trách nhiệm cho các sự kiện đáng tiếc này.”
Tình trạng hệ thống nhà tù của Venezuela
Các nhà tù ở Venezuela nổi tiếng là quá tải, và bạo lực hay nổi loạn gây chết người là chuyện phổ biến.
Nhà nước không có đủ chỗ giam tù nhân trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, và phải sử dụng các địa điểm tạm giam như đồn công an ở Valencia.
Theo luật, tù nhân chỉ được giữ trong vòng 48 tiếng đồng hồ trong đồn cảnh sát.
Ông Carlos Nieto, người đứng đầu tổ chức Una Ventana a la Libertad, cho biết cơ sở tạm giam ở nhiều đồn cảnh sát bị quá tải và chứa số tù nhân gấp năm lần sức chứa.
Tổ chức này nói 65 người đã chết hồi năm ngoái trong các phòng tạm giam do tình trạng bạo lực, bệnh tật và suy dinh dưỡng.
Tháng trước, tại một nhà tù khác ở Carabobo, tù nhân nổi loạn và bắt một số lính gác và bạn tù làm con tin.

Facebook cải tiến việc cài đặt bảo mật sau vụ bê bối

Facebook cho biết việc nâng cấp các công cụ bảo mật sẽ giúp người dùng dễ tìm và chỉnh sửa thông tin cá nhân của họ mà Facebook đang nắm giữ.
Động thái này theo sau làn sóng chỉ trích sau khi lộ ra việc dữ liệu của khoảng 50 triệu Facebookers được thu thập và bán cho một công ty tư vấn chính trị.
Tuy nhiên, Facebook cho hay kế hoạch cải tổ này thực ra được lên kế hoạch trước vụ bê bối, nhằm tuân thủ các quy định mới của Liên minh châu Âu (EU).
Thông báo cải tổ của Facebook được phát đi trùng với thời điểm cơ quan giám sát quyền riêng tư của New Zealand cáo buộc Facebook vi phạm luật pháp địa phương.
Ba thay đổi chính gồm:
•Đơn giản hóa sự cài đặt: Hiện tại, người dùng di động phải đối mặt với danh sách khoảng 17 chọn lựa khác nhau, mỗi tùy chọn có một tên gọi ngắn. Phiên bản mới sẽ nhóm chúng lại và mô tả rõ hơn mỗi nhóm có chức năng gì.
•Một bảng quyền riêng tư ngắn gọn: Bảng tùy chọn mới tập hợp những gì mà Facebook tin là quan trọng nhất với người dùng. Ví dụ họ có thể xem lại các bài đã chia sẻ hoặc tương tác, đồng thời hạn chế các quảng cáo nhắm vào bài viết của họ.
•Nâng cấp việc tải dữ liệu và công cụ chỉnh sửa: Một trang mới ‘Truy cập thông tin của bạn‘ cho phép người dùng xem lại các tương tác trên Facebook của họ trong quá khứ – bao gồm các ‘like’ và ‘comment’- và có thể xóa chúng. Ngoài ra, Facebookers được tải các tập hợp dữ liệu chuyên biệt – bao gồm cả ảnh của họ – trong một khoảng thời gian tùy chọn, chứ không phải mất hàng giờ để tải một file duy nhất rất nặng.
Mặc dù không được đề cập, nhưng BBC hiểu rằng Facebook dự định sẽ tạo một đường link để xóa hoàn toàn một tài khoản.
Động thái của Facebook diễn ra trước khi trước Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của EU có hiệu lực vào 25/5. Luật mới quy định chặt hơn về cách các công ty xử lý dữ liệu của công chúng và phạt nặng hơn các vi phạm.

Tập Cận Bình và lời nguyền 60 năm

Tuấn Khanh, theo Nikkei Asian Review
Đối với người thích chuyện tâm linh ở Trung Quốc, đã có rất nhiều dấu hiệu để nói về mùa đông năm nay.
Một câu châm ngôn quen thuộc của Trung Quốc vẫn nói rằng tuyết rơi dầy cho thấy những vụ mùa bội thu. Nhưng mùa đông năm nay Bắc Kinh lại nhiều ngày không có tuyết, mặc dù trải qua nhiều ngày có nhiệt độ dưới 0 độ.
Các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc rất hứng thú với chuyện tuyết rơi vào ngày thứ Bảy, trùng vào ngày Tập Cận Bình và cánh tay mặt Vương Kỳ Sơn được bầu làm chủ tịch và phó chủ tịch, nhưng đó không phải là một hành động của Thượng đế. Chỉ có máy tạo tuyết đã được huy động để gây ẩm, và làm tuyết.
Một cơn động đất bất thường ở thủ đô không lâu trước Tết Nguyên đán, hay còn gọi là Lễ hội mùa xuân, cũng là một điềm chỉ.
Với những người thích tán chuyện ở Bắc Kinh, thì quả là nhiều điềm đáng lo ngại rồi.
Lịch hoàng đạo Trung Quốc mà phần còn lại của thế giới đã quen thuộc chạy trên một chu kỳ 12 năm. Nhưng cũng có một chu kỳ 60 năm. Đây không chỉ là Năm của Chó mà là năm của Vô Tích, con Chó đất (Wuxu). Lịch sử vẫn kể rằng năm của Chó đất thường mang theo một chấn động.
Năm 1898, triều đại nhà Thanh, triều đại cuối cùng của Trung Quốc, đã gần kết thúc. Có lẽ Hoàng đế Quang Tự, một người tiến bộ và trẻ, cảm thấy điều này. Một vài năm trước, ông đã bị sốc bởi sự thất bại lớn của Trung Quốc trong Chiến tranh Trung-Nhật đầu tiên (1894-1895).
Vì vậy, ông đã khởi xướng trào lưu Cải cách Wuxu, chọn lựa các quan chức trẻ tuổi, hướng về một phong trào tương lai mà ông đã lấy mẫu từ việc đổi mới và cải cách thời Minh Trị (Meiji) năm 1868 của Nhật Bản.
Tuy nhiên, Cải cách Wuxu chỉ kéo dài khoảng 100 ngày. Từ Hi Thái Hậu, đã huỷ bỏ trong cái gọi là Cuộc đảo chính Wuxu. Theo một nghiên cứu gần đây, Tây Thái Hậu là người chủ mưu đứng sau vụ ngộ độc của cháu trai mình.
Nỗ lực đày tính lịch sử để thay đổi Trung Quốc đã bị phá vỡ. Nhiều nhà cải cách đã bị bỏ tù. Những người tài trẻ tuổi đã bị giết và những người khác chạy trốn ở nước ngoài. Đó là những gì được bắt đầu nhằm để đưa đất nước lên một con đường mới thay vì biến thành một cuộc chiến chính trị.
Lịch sử quay vòng theo những cách kỳ lạ. Lời nguyền của wuxu quay trở lại 60 năm sau đó, năm 1958, khi Mao Trạch Đông đã đưa ra chương trình Đại nhảy vọt, một nỗ lực liều lĩnh nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và công nghiệp của Trung Quốc. Kết quả là nạn đói kéo dài và ước tính khoảng 20-30 triệu người chết.
Khoảng thời gian này, vô số trí thức đã bị trục xuất đến những vùng xa xôi trong phong trào chống tư tưởng hữu vi. Cuộc đàn áp các nhà bất đồng chính kiến ​​cũng khiến lấy đi vô số sinh mạng.
Bây giờ Trung Quốc đã thực hiện một vòng 60 năm nữa; năm mới nhất của điềm Vô Tích đã xảy ra vào tháng trước. Và đúng với truyền thống của đại chấn wuxu, cả Trung Quốc đã bị sốc bởi một thông báo tiếng Anh ngắn trong Tân Hoa Xã: Trung Quốc sắp sửa bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ của vị chủ tịch, và rõ là, cho phép Tập Cận Bình được quyền cai trị đến hết đời.
Người dân Trung Quốc không thể diễn đạt tự do trên internet do chế độ kiểm duyệt ngày càng ngặt nghèo. Các bài đăng trên các mạng xã hội như Weibo và WeChat có ý phản đối lưu nhiệm vô hạn của ngài chủ tịch đều bị xóa, và các chủ tài khoản đều nhận được thông báo về hoạt động không được phép của họ.
Trong số các thuật ngữ được kiểm duyệt trên mạng của Trung Quốc, là chữ Xidi, nghĩa đen là ‘Hoàng đế Tập’, thuật ngữ thông dụng được sử dụng bởi nhiều cư dân mạng Trung Quốc chỉ trích Tập và cách tập trung quyền lực của ông ta.
Nhưng người dân Bắc Kinh thì thích nói chuyện chính trị, do đó, họ vẫn xì xầm với nhau. Rồi họ đang bàn tán về lý do tại sao ông chủ tịch của họ phải có một biện pháp cực đoan như vậy.
Tập cũng là Chủ tịch Quân Ủy Trung ương, cơ quan quân sự hàng đầu giám sát Quân Đội Giải phóng Nhân dân, và là tổng thư ký của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi cầm nắm quyền lực thực sự trong nước.
Lời giải thích chính thức của Tập để đòi hỏi được cầm quyền lâu dài, theo ông ta là sự cần thiết phải hài hòa với vị trí của tổng thư ký đảng và người đứng đầu ủy ban quân sự, nên không hạn chế về mặt niên hạn.
Những người của Tập đã đi xa đến mức dùng Ý nghĩa Công giáo và Chúa ba ngôi để giải thích cho bước đi mới này. Trong Kitô giáo, Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa Con và Chúa Thánh Thần không phải là ba ngôi vị nhưng vẫn chỉ là một.
Điều này quả là không thuyết phục, và người dân Bắc Kinh không nuốt nổi. Họ vẫn nghi ngờ rằng có một lý do khác, và đó là Tập không thể chịu nổi chuyện rời chức.
Một Nhà quan sát thời sự nói rằng: “Tập có lẽ sợ những gì có thể xảy ra trong vòng ba đến bốn năm tới. Nếu giới hạn nhiệm kỳ của chức chủ tịch vẫn giữ nguyên, ông có thể đã trở thành một con vịt què trước kỳ đại hội đảng kết tiếp vào năm 2022”.
Nói cách khác, là “Nếu nền kinh tế Trung Quốc suy giảm đáng kể, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân bình thường, thì Tập rồi cũng sẽ trở thành con vịt què”.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tập đã sử dụng chiến dịch chống tham nhũng của mình để chế ngự các phe phái đối nghịch. Nhiều nhân vật có ảnh hưởng đã trở thành nạn nhân của cuộc thập tự chinh. Trên con đường đó, Tập đã tạo nên nhiều thù hận. Dĩ nhiên Tập sẽ phải đối mặt với sự trả đũa khắc nghiệt của những kẻ thù chính trị nếu ông ta mất quyền lực.
Năm năm qua là một ví dụ điển hình cho những gì xảy ra với những nhà lãnh đạo hàng đầu hạ cánh thiếu tính toán. Người trợ lý gần nhất của Hồ Cẩm Đào là Lệnh Kế Hoạch đang ở tù chung thân. Lý Nguyên Triều, từng là ngôi sao đang lên của Đoàn Thanh niên Cộng sản, một phe do Hồ Cẩm Đào lãnh đạo, đã không được tái nhiệm làm Ủy viên Trung ương và bị buộc phải từ chức chức phó chủ tịch.
Trong một hiệu sách nhà nước ở Vương Phủ Tỉnh (Wangfujing), một khu mua sắm bận rộn ở trung tâm Bắc Kinh, các cuốn tiểu sử về họ Tập, với hình bìa là bức ảnh đen trắng cũ của chàng trai Tập trẻ tuổi, chiếm các kệ trên. Còn cuốn sách về Chủ tịch Mao thì ngồi trên giá thấp hơn.
Cạnh tranh với một kệ thấp hơn là một cuốn sách về Đặng Tiểu Bình, người đã trở thành nhà lãnh đạo tối cao sau cái chết của Mao và là người đã bắt đầu chính sách ‘cải cách và mở cửa’ của Trung Quốc vào những năm 1970.
Không có cuốn sách nào về Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào, những người tiền nhiệm của Tập, có thể được tìm thấy, ít nhất là không có trong không gian chính của cửa hàng. Các thời đại của Giang và Hồ đang bị chìm xuống quên lãng, ít nhất theo dòng sách nói về lịch sử Trung Quốc.
Nhưng người mua sách ở Bắc Kinh có vẻ không chia sẻ sự phấn khích mà cận thần của Tập muốn thể hiện. Tiêu đề sách về Mao vẫn đang bán chạy hơn cuốn sách nằm kệ trên.
Vào đêm trước cuộc bỏ phiếu thay đổi hiến pháp, chính quyền Bắc Kinh nhấp nhổm, lo lắng với những phản đối của nhiều người về việc hủy bỏ hạn định.
Ngày 11 tháng 3, Quốc hội bãi bỏ điều khoản này, với 2.958 đại biểu bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết và hai cuộc bỏ phiếu chống lại nó. Ba đại biểu bỏ phiếu trắng.
Tập xuất hiện với vẻ nhẹ nhõm. Ngài chủ tịch đã chốt một số lượng cảnh sát chưa từng có trong suốt ngày hôm đó, nhằm đối phó bất kỳ trường hợp phản ứng nào, và phải dập tắt ngay.
Những người đi đến Vương Phủ Tỉnh bằng tàu điện ngầm, hoặc đi bộ phải bước qua những quan sát an ninh nặng nề khác thường bao gồm cảnh sát vũ trang, cảnh sát đặc biệt, cảnh sát mặc thường phục và quân lính; họ cũng phải được soi chiếu trước khi vào khu mua sắm.
Tại Quốc hội, cuộc bỏ phiếu được tiến hành theo hình thức kín, nhưng các đại biểu phải bỏ phiếu trước sự chứng kiến của những người khác trong quốc hội. Việc bị xem là chống lại sự thay đổi hiến pháp sẽ là nguy cơ cho sự nghiệp chính trị của họ.
Một quan chức phụ trách phiên họp nghị viện hiện tại đã phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 11 tháng 3, ngay sau cuộc bỏ phiếu lớn. Viên chức giải thích rằng không có sự phản đối nào trong việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ của ngài chủ tịch và thẳng thừng bác bỏ những mối quan ngại rằng một cái gì đó giống như một cuộc Cách mạng Văn hoá có thể xảy ra lần nữa.
Liệu đây có đúng là tình trạng đó không? Chúng ta sẽ chỉ biết  trong 5 năm, 10 năm, hoặc có thể là 20 năm nữa.
(Source:  Xi Jinping and the 60-year curse - Bài viết của KATSUJI NAKAZAWA trên Nikkei Asian Review)
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Các quốc gia dọc sông Mê Kong

sẽ họp bàn về vấn đề đập thủy điện

Các lãnh đạo của bốn quốc gia Đông Nam Á phụ thuộc vào dòng sông Mekong đang lên kế hoạch triệu tập một hội nghị thượng đỉnh vào đầu tháng tới để khẳng định lại “cam kết chính trị” của họ đối với hiệp định hợp tác năm 1995.
Ủy hội Sông Mekong (MRC) sẽ tập trung tại Siem Reap của Campuchia để bỏ phiếu về việc thông qua kế hoạch 4 năm tới cho các nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Đại diện của Trung Quốc và Myanmar, sẽ tham dự như là “đối tác đối thoại” mà không có quyền biểu quyết.
Hiện tại có 60 triệu người đang sinh sống phụ thuộc trực tiếp vào con sông Mekong dài 2.700 dặm, bắt nguồn từ Trung Quốc và đổ xuống Biển Đông.
Bất kỳ một biện pháp nào để điều chỉnh dòng chảy của sông, ví dụ như các con đập, bị cho có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước và hàng triệu người sống dọc dòng sông.

Trung Quốc câu lưu

giám mục giáo hội Công Giáo thầm lặng

An ninh Trung Quốc câu lưu một giám mục thuộc giáo hội Công Giáo thầm lặng tại Hoa Lục vào dịp Tuần Thánh năm 2018.
Hai hãng tin Reuters và AFP loan tin vào ngày 28 tháng 3 dẫn các nguồn tin thông thạo cho biết giám mục Vincent Quách Tây Tân ở Mân Đông, bị giới chức an ninh tỉnh Phúc Kiến bắt đi làm việc một ngày.
Vào ngày 27 tháng 3, mạng chuyên loan tin về Giáo Hội Công Giáo, Asia News, cho biết giám mục Vincent Quách Tây Tân bị câu lưu sau khi từ chối không chịu dâng các Thánh lễ Phục Sinh năm nay cùng người được chính phủ Bắc Kinh chỉ định.
Ngoài giám mục Vincent Quách Tây Tân còn có hai linh mục ở Phúc Kiến cũng bị câu lưu. Sau khi làm việc, an ninh cho giám mục Giuse Quách Tây Tân về.
Asia News nhắc lại vào mùa Phục Sinh năm ngoái, giám mục Vincent Quách Tây Tân bị giam đến 20 ngày.
Reuters cho biết đã nhiều lần gọi điện đến Cơ Quan An Ninh Thành Phố Trữ Đức cũng như Văn Phòng Phụ Trách Các Vấn Đế Tôn Giáo & Dân Tộc Tỉnh Phúc Kiến nhưng không ai trả lời máy.
Bộ Công An Trung Quốc cũng chưa phúc đáp câu hỏi của Reuters về vấn đề vừa nêu.
Trong khi đó thì phát ngôn nhân Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói không biết gì về vụ việc. Vị này lặp lại quan điểm của Bắc Kinh là bảo vệ đầy đủ quyền tự do tôn giáo cho người dân.
AFP liên lạc được với những giới chức địa phương nhưng tất cả đều nói không biết đến vụ câu lưu giám mục.
Vụ việc câu lưu giám mục Vincent Quách Tây Tân diễn ra vào khi có những nỗ lực được cho là chưa hề có tiền lệ đang diễn ra giữa Bắc Kinh và Vatican nhằm giải quyết vấn đề gai góc lâu nay là phía nào có quyền chỉ định các giám mục Công Giáo tại Hoa Lục.
Reuters dẫn nguồn một quan chức cấp cao Vatican cho biết vào những tháng tới Tòa Thánh và Bắc Kinh có thể sẽ ký một thỏa thuận khung. Động thái này giúp mở đường cho việc tái lập quan hệ ngoại giao từng bị cắt đứt giữa Vatican và Bắc Kinh gần 70 năm trước sau khi chế độ cộng sản lên nắm quyền ở Hoa Lục.
Một tương nhượng của Vatican đối với Bắc Kinh bị tiết lộ là Tòa Thánh yêu cầu giám mục Vincent Quách Tây Tân được Giáo Hội bổ nhiệm nhường chức lại cho người mà Bắc Kinh chỉ định. Người này từng bị Vatican kỷ luật ‘dứt phép thông công’.
Yêu cầu đó của Vatican bị Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân ở Hong Kong lên án là Tòa Thánh ‘bán đứng’ giáo hội Công Giáo thầm Lặng ở Hoa Lục cho Bắc Kinh.
Tín hữu Công Giáo La Mã tại Hoa Lục được ước tính có chừng 12 triệu trên tổng số dân hơn 1 tỷ 300 triệu. Số này phân chia ra hai nhóm: một nhóm trung thành với Tòa Thánh Vatican thường được gọi là ‘Hội Thánh Thầm lặng’, nhóm kia Thuộc Hiệp Hội Công Giáo Yêu Nước do chính phủ Bắc Kinh kiểm soát.

Phụ tá của Trump liên lạc

với cựu nhân viên tình báo Nga hồi 2016

Một cựu nhân viên tình báo của Nga; người từng làm việc với cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump, Paul Manafort, và Rick Gates; đã liên lạc trao đổi với ông Gates trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, theo hồ sơ tòa án do Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đệ trình.
Mối liên hệ giữa ông Gates và cựu nhân viên tình báo này, chỉ được xác định là “Người A” trong hồ sơ đệ trình vào cuối ngày thứ Ba, là rất đáng chú ý vì các cáo buộc hình sự chống lại ông Gates và ông Manafort chỉ liên quan đến công việc vận động hành lang của họ cho Ukraine trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và không đi sâu vào các hoạt động của họ trong chiến dịch.
“Việc một quan chức có vai trò quan trọng trong chiến dịch tranh cử của Trump ngoài (Paul) Manafort có trao đổi với một cá nhân mà ông ta biết là có liên hệ với tình báo Nga là chuyện hệ trọng, cũng như chuyện Mueller đã quyết định lật bài ngửa vào lúc này,” một người nắm rõ cuộc điều tra của ông Mueller nói với Reuters với điều kiện ẩn danh.
“Ông ấy đang chơi cờ, và việc ông ấy đi nước cờ đó cho thấy dù ông Trump có nói gì về sự thông đồng thì mảng điều tra nhắm vào vấn đề đó vẫn đang diễn tiến rất tích cực.”
Chính phủ Nga phủ nhận can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016, và ông Trump cũng phủ nhận bất kỳ sự thông đồng nào từ ban vận động tranh cử của ông.
Ông Gates đã nhận tội vào tháng trước về cáo buộc khai man với FBI và âm lừa đảo Hoa Kỳ, và ông đã đồng ý hợp tác với cuộc điều tra của ông Mueller về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 và về việc liệu ban vận động của ông Trump có bất kỳ sự thông đồng nào với Moscow hay không. Một luật sư của ông Gates không hồi đáp ngay tức thì yêu cầu bình luận, Reuters cho biết.
Ông Manafort đã tuyên không có tội trước những cáo buộc trong hai cáo trạng mà văn phòng của ông Mueller đã đệ trình.
Các cáo buộc bao gồm từ gian lận ngân hàng và khai thuế khống cho tới âm mưu lừa đảo Hoa Kỳ, âm mưu rửa tiền và không đăng ký làm đại diện nước ngoài khi ông ta vận động hành lang cho chính phủ thân Nga của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych.
Các luật sư của ông Manafort đang tìm cách bãi bỏ các cáo buộc này, lập luận rằng chúng không liên quan gì đến việc Nga can thiệp bầu cử và nằm ngoài phạm vi mà ông Mueller có thẩm quyền điều tra, cùng những lập luận khác.
Những trao đổi liên lạc được cho là của ông Gates với cựu nhân viên tình báo được tiết lộ trong một văn kiện kết án cho cựu luật sư của công ty luật Skadden Arps, Alex van der Zwaan. Anh ta nhận tội trước đó trong năm nay về cáo buộc khai man với FBI về những tương tác của anh ta với ông Gates và cựu nhân viên tình báo này. Anh ta sẽ bị tuyên án vào ngày 3 tháng 4.
Trong văn kiện này, các công tố viên nói ông Gates và anh van der Zwaan đã liên lạc với cựu nhân viên tình báo của Nga, người cũng làm việc cho công ty vận động hành lang của ông Manafort ở Ukraine, vào tháng 9 và tháng 10 năm 2016. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 năm 2016.
Họ cũng nói rằng khi anh van der Zwaan được văn phòng công tố viên đặc biệt phỏng vấn, anh ta “thừa nhận có biết” về mối liên hệ với Nga vì ông Gates đã nói với anh ta về điều đó.
Mô tả về Người A trong hồ sơ tòa án dường như khớp với mô tả về Konstantin Kilimnik, một người Ukraine từng làm việc cho ông Manafort.
Trước đây, ông ta đã phủ nhận có liên hệ tới các cơ quan tình báo Nga.
Ông Kilimnik cũng làm nhân vật trung gian giữa ông Manafort và nhà đầu tư Nga Oleg Deripaska, một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Vào tháng 7 năm 2016, ông Manafort, chủ tịch ban vận động tranh cử tổng thống của ông Trump khi đó, đã gửi email cho ông Kilimnik đề nghị cung cấp “những buổi báo cáo riêng tư” về chiến dịch tranh cử cho ông Deripaska, theo báo The Washington Post.
Ông Deripaska kể từ khi đó đã đệ đơn kiện dân sự ở New York chống lại ông Gates và ông Manafort, cáo buộc họ lừa đảo ông về một hợp đồng đầu tư.
Đơn kiện tuyên bố rằng ông Kilimnik tốt nghiệp Học viện Quân sự của Bộ Quốc phòng ở Moscow. Nó cũng cho biết ông Kilimnik đã làm việc suốt 10 năm trong văn phòng Moscow của Học viện Cộng hòa Quốc tế, một tổ chức phi lợi nhuận do chính phủ Mỹ tài trợ.

TQ, Mỹ chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Mattis

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 29/3 cho biết họ đang phối hợp với Hoa Kỳ về khả năng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis có thể sang thăm Trung Quốc. Nếu diễn ra thì đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên như vậy dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Được hỏi về vấn đề này trong cuộc họp báo hàng tháng, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Nhậm Quốc Cường, nói: “Về chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis đến Trung Quốc, bộ quốc phòng của cả hai nước hiện đang phối hợp việc này”.
Ông Nhậm nói thêm: “Các chương trình giao lưu khác giữa quân đội hai nước cũng đang được thúc đẩy trơn tru theo kế hoạch”. Nhưng ông không đi vào chi tiết.
Truyền thông Nhật Bản dẫn lời Ngũ Giác Đài hồi tháng 1 nói ông Mattis có thể đi thăm Trung Quốc vào mùa xuân năm nay.
Các phát biểu của ông Nhậm được đưa ra sau khi Bắc Kinh hồi tuần trước giận dữ phản đối các cuộc tuần tra “vì tự do hàng hải” do một tàu chiến Hoa Kỳ thực hiện gần một trong những đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây tại quần đảo Trường Sa.
Những căng thẳng đã âm ỉ giữa quân đội hai nước về các vùng biển đang trong vòng tranh chấp trên Biển Đông.

Thẩm phán cho xúc tiến

vụ kiện ông Trump mâu thuẫn quyền lợi

Một thẩm phán liên bang hôm thứ Tư đã cho phép xúc tiến một phần đơn kiện cáo buộc Tổng thống Donald Trump không tuân thủ các điều luật hiến định chống lại tình trạng tham nhũng qua việc duy trì quyền sở hữu đế chế kinh doanh của ông trong khi đang nắm quyền.
Thẩm phán Khu vực tư pháp liên bang Hoa Kỳ, Peter Messitte, tại thành phố Greenbelt, bang Maryland đã bác yêu cầu của Bộ Tư pháp để bãi bỏ vụ kiện, nhưng ông thu hẹp phạm vi các lập luận chỉ liên quan tới Khách sạn Quốc tế Trump ở Washington chứ không bao gồm các cơ sở kinh doanh của ông Trump bên ngoài thủ đô của Mỹ.
Đơn kiện đã được đệ trình bởi Địa khu Columbia (thủ đô Washington) và bang Maryland vào tháng 6 năm ngoái.
Phán quyết này đánh dấu một trở ngại cho các nỗ lực của chính quyền nhằm bác bỏ các tuyên bố nói rằng ông Trump đã vi phạm các điều khoản “thù lao” của Hiến pháp Hoa Kỳ, vốn đã đeo bám ông Trump kể từ trước khi nhậm chức vào năm ngoái. Một thẩm phán liên bang ở Manhattan, thành phố New York, hồi tháng 12 đã bác một đơn kiện tương tự nhắm vào ông Trump.
Các điều khoản này được thiết kế để ngăn ngừa tham nhũng và ảnh hưởng của nước ngoài. Một điều khoản cấm các quan chức Mỹ nhận quà tặng hoặc các khoản thù lao từ các chính phủ nước ngoài mà không có sự chấp thuận của Quốc hội. Điều khoản còn lại cấm Tổng thống nhận thù lao từ các tiểu bang riêng rẽ.
Đơn kiện nói rằng ông Trump đã không dứt bỏ những liên hệ giữa ông với các khách sạn và các cơ sở kinh doanh khác, và điều này khiến ông dễ bị cám dỗ bởi các quan chức muốn được ưu ái.
Ông Trump, một doanh nhân giàu có, thường xuyên thăm các khách sạn, khu du lịch và câu lạc bộ golf của chính mình trên cương vị Tổng thống. Ông đã nhường lại quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh hàng ngày cho những người con trai nhưng những người chỉ trích nói rằng như vậy vẫn chưa đủ.
Vụ kiện nói điều này làm suy yếu nền dân chủ bởi vì người Mỹ không thể biết chắc liệu ông Trump có đang hành động vì lợi ích tốt nhất của họ hay không, hay vì “những giao dịch kinh doanh quốc tế và nội địa ảnh hưởng tới tài sản cá nhân của Tổng thống Trump.”
Đơn kiện nói ông Trump đã nhận được hàng triệu đôla các khoản chi trả và lợi lộc nhờ cho thuê các bất động sản Trump do các thực thể chính phủ nước ngoài nắm giữ, nhờ mua các căn hộ cao cấp ở các bất động sản Trump, cũng như cho thuê phòng khách sạn, mua nhà hàng và việc sử dụng các địa điểm để tổ chức các sự kiện bởi các chính phủ nước ngoài và các nhà ngoại giao.
Địa khu Columbia và Maryland nói cư dân địa phương của họ, những người cạnh tranh với các cơ sở kinh doanh của ông Trump như Khách sạn Quốc tế Trump ở Washington, bị tổn hại vì mất khách, tiền lương và tiền boa.
Các luật sư của ông Trump nói những lập luận này có tính võ đoán và tỏ ra hoài nghi rằng bất cứ thiệt hại nào đối với sự cạnh tranh có thể truy trực tiếp về địa vị của ông Trump.
Trong phán quyết của hôm thứ Tư, Thẩm phán Messitte bác bỏ quan điểm này, nói rằng các cáo buộc của các nguyên đơn là đã đủ để cho phép vụ kiện được xúc tiến.
“Các cáo buộc của họ được củng cố bằng những tuyên bố thẳng thừng từ các quan chức chính phủ nước ngoài cho biết họ rõ ràng muốn lưu trú tại khách sạn của Tổng thống, bởi vì, như một đại diện chính phủ nước ngoài từng nói, họ muốn ông ta biết ‘Tôi rất thích khách sạn của ông,”’ thẩm phán viết.
Ông Messitte cũng lưu ý rằng kể từ cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, “các chính phủ nước ngoài đích thị là chuyển hoạt động kinh doanh từ các khách sạn Four Seasons và Ritz Carlton trong Địa khu đến Khách sạn của Tổng thống.”

Nhật Bản đề nghị họp thượng đỉnh với Triều Tiên

Nhật Bản đề nghị với chính phủ Triều Tiên họp thượng đỉnh song phương, và Bình Nhưỡng bàn về khả năng tổ chức cuộc họp giữa lãnh đạo của hai nước. Hãng tin Asahi của Nhật nói như vậy hôm thứ Năm 29/3.
Hãng thông tấn này dẫn lời một nguồn tin Triều Tiên không nêu tên nói rằng chính phủ của ông Kim Jong Un đã thông báo cho các nhà lãnh đạo của Đảng Lao động cầm quyền ở Bắc Triều Tiên về khả năng diễn ra cuộc họp thượng đỉnh với Nhật Bản.
Hãng tin Asahi trích đăng các thông cáo của Triều Tiên nói rằng “Chính phủ Nhật Bản bày tỏ mong muốn tổ chức một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo, thông qua Tổng hội Liên hiệp người Triều Tiên tại Nhật Bản,” – tổ chức được xem là sứ quán trên thực tế của Bình Nhưỡng tại Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản nói họ đã tiếp xúc với Triều Tiên, nhưng từ chối bình luận chi tiết về tin tức này.
Chành Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói tại cuộc họp báo thường lệ rằng: “Chúng tôi đã liên lạc với Triều Tiên qua một số kênh, chẳng hạn như thông qua đại sứ quán của chúng tôi ở Bắc Kinh, nhưng tôi xin phép không đi vào chi tiết cụ thể.”
Một người phát ngôn ở Tokyo của Tổng hội Liên hiệp người Triều Tiên tại Nhật Bản cũng từ chối bình luận về tin tức của Asahi loan tải.
Một nguồn tin chính phủ Nhật nói với hãng tin Reuters hồi giữa tháng 3 rằng Nhật Bản cân nhắc việc tổ chức cuộc họp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Shinzo Abe và lãnh tụ Kim Jong Un để bàn về chuyện các công dân Nhật bị gián điệp Triều Tiên bắc cóc cách đây mấy chục năm.
Vẫn theo Asahi, một bài báo được đăng tải ở Seoul nói chính phủ Triều Tiên đã đề cập đến các kế hoạch ngoại giao song phương với Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, theo thứ tự đó.
Ông Kim đã họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tuần này. Đó là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên kể từ khi ông lên cầm quyền năm 2011. Các cuộc họp thượng đỉnh giữ ông Kim với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang được dàn xếp để tổ chức vào tháng 4 và tháng 5.
Hãng tin Asahi nói thông cáo báo chí của Bắc Triều Tiên nói đến khả năng một cuộc họp thượng đỉnh với Nhật Bản có thể diễn ra vào đầu tháng 6.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono mở ngỏ khả năng Thủ tướng Abe sẽ có thể gặp ông Kim tại một thời điểm nào đó. Ông Kono trả lời phỏng vấn của Reuters hôm thứ Ba rằng Nhật Bản theo dõi sát các chuẩn bị cho thượng đỉnh liên Triều và cuộc họp Trump-Kim.
Một nhà lập pháp thuộc đảng đương quyền Nhật Bản nói triển vọng cuộc họp Abe-Kim tuỳ thuộc vào các cuộc họp thượng đỉnh trước đó diễn ra thế nào.
Nghị sĩ này nói với hãng thông tấn Reuters rằng: “Có các giai đoạn và các trở ngại. Cụ thể là chưa có gì bảo đảm là cuộc họp Trump-Kim sẽ diễn ra suôn sẻ.
Asahi trích lời một nguồn tin không nêu tên khác nói rằng “đối tượng đàm phán của Bắc Triều Tiên về các vấn đề an ninh là Mỹ” nhưng Triều Tiên “chỉ có thể trông mong viện trợ tài chánh lớn từ Nhật Bản.”
Vẫn theo hãng tin này, Bắc Triều Tiên hy vọng sẽ nhận được viện trợ tài chánh từ 20 tỉ đến 50 đôla từ Nhật Bản nếu hai bên bình thường hoá quan hệ. Tuy nhiên các thông cáo báo chí không đưa ra chi tiết nào về tiến trình bình thường hoá quan hệ, như từng được thỏa thuận vào năm 2002.
Tiến trình đó bao gồm việc giải quyết vấn đề những người Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc, và chương trình hạt nhân và phi đạn của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên hồi năm 2002 thừa nhận đã bắt cóc 13 công dân Nhật Bản trong thập niên 1970 và 1980 để huấn luyện điệp viên, và 5 trong số những người bị bắt cóc đó đã trở về lại Nhật Bản, nhưng Tokyo nghi ngờ có đến mấy trăm người Nhật bị Trều Tiên bắc cóc.

Nam-Bắc Triều Tiên

ấn định ngày họp thượng đỉnh lịch sử

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ họp thượng đỉnh song phương ngày 27 tháng 4.
Ngày họp thượng đỉnh lịch sử này được ấn định trong cuộc họp của đặc sứ hai miền Triều Tiên tại làng đình chiến Bản Môn Ðiếm nằm trong Khu Phi Quân sự (DMZ) ở biên giới ngăn cách hai nước thù địch kề từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-53. Lãnh đạo của hai bên từ khi Triều Tiên bị chia cắt tới nay mới chỉ gặp nhau có hai lần – lần thứ nhất vào năm 2000 và lần thứ nhì vào năm 2007.
Thỏa thuận tổ chức thượng đỉnh liên Triều đạt được chỉ vài ngày sau ông Kim Jong Un bất ngờ đi thăm Trung Quốc. Đó là chuyến công du quốc tế đầu tiên của lãnh tụ Triều Tiên kể từ khi ông lên cầm quyền sau khi cha ông – ông Kim Jong Il – qua đời năm 2011. Bắc Kinh cho hay trong các cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh tụ Kim cam kết giải trừ hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và sẽ đàm phán với Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Ðặc sứ hai miền Triều Tiên sẽ họp lại vào thứ Tư 4/4 tuần tới để hoàn thành chuẩn bị các chi tiết cho cuộc họp thưởng đỉnh Kim-Moon.

Anh, Pháp, Đức thúc đẩy chế tài Iran

Pháp, Anh và Đức hôm thứ Tư thúc đẩy các đối tác EU ủng hộ các chế tài mới đối với Iran để duy trì thỏa thuận hạt nhân với Tehran mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ rút khỏi vào tháng 5, các nhà ngoại giao nói với Reuters.
Các biện pháp mới được đề xuất bởi London, Paris và Berlin đã được 28 đại sứ của các nước EU thảo luận và có thể bao gồm các thành viên của lực lượng an ninh hùng mạnh nhất của Iran, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, các nhà ngoại giao này nói.
Ông Trump đã cho bên ký kết ở Châu Âu hạn chót là ngày 12 tháng 5 để “sửa chữa những sai sót khủng khiếp” của thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đạt được dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama, hoặc là ông sẽ từ chối triển hạn các biện pháp giảm nhẹ chế tài của Mỹ đối với Iran.
Liên minh Châu Âu bác bỏ những chỉ trích đó. Nhưng Anh, Pháp và Đức hy vọng các bước đi của họ có thể khuyến khích ông Trump đưa ra các biện pháp miễn trừ nhằm ngăn các chế tài của Mỹ, vốn được dỡ bỏ theo thỏa thuận, được áp đặt trở lại vào tháng sau.
Tại Brussels, trong các cuộc họp kín, cả ba nước đã thúc đẩy chấp thuận các lệnh cấm du hành khả dĩ và phong tỏa tài sản trước một cuộc họp của các Ngoại trưởng vào tháng sau, bốn nhà ngoại giao nói với Reuters. Một số nước EU cho biết họ cần thêm thời gian, và các cuộc thảo luận dự kiến sẽ tiếp tục vào tuần sau.
Tổng cộng 15 cá nhân và các công ty Iran có tên trong danh sách được chuyển cho các chỉnh phủ EU xem, nhưng tại cuộc họp hôm thứ Tư không có cuộc thảo luận trực tiếp nào về những đương sự cụ thể, một nhà ngoại giao nói.
Anh, Pháp và Đức đã đề xuất các chế tài bổ sung của EU đối với các chương trình phi đạn đạn đạo của Iran và vai trò của nước này trong cuộc chiến ở Syria, theo một tài liệu mà Reuters đã xem qua.
Các nhà ngoại giao đã chỉ ra cuộc họp kế tiếp của các ngoại trưởng EU tại Luxembourg vào ngày 16 tháng 4, cuộc họp chính thức cuối cùng trong nghị trình của EU trước hạn chót vào tháng 5 của ông Trump, dù các chính phủ có thể luôn triệu tập các phiên họp khác.
“Ý tưởng là có một quyết định cuối cùng về các chế tài Iran trước hoặc vào lúc họp Hội đồng Ngoại vụ vào tháng 4,” nhà ngoại giao này nói.
Nhưng một nhà ngoại giao khác nói: “Chuyện này sẽ phức tạp vì cần thời gian để thuyết phục các quốc gia thành viên.”
Các chế tài sẽ không bao gồm các biện pháp đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân, nhưng thay vào đó nhắm mục tiêu vào các cá nhân Iran mà EU tin là đứng đằng sau những vũ khí đạn đạo của Iran và sự hỗ trợ của Iran đối với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, vốn cũng đang chịu chế tài.
Bất kỳ người Iran nào bị nhắm mục tiêu sẽ bị phong tỏa tài sản và bị cấm du hành đến EU hoặc kinh doanh với các công ty đặt trong khối này.

Vụ Skripal: Cựu điệp viên Nga

đã bị đầu độc ngay trước cửa nhà

Lực lượng cảnh sát chống khủng bố Anh Quốc vào ngày 28/03/2018 xác nhận : Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và cô con gái đã bị trúng chất độc thần kinh được rải ngay trước cửa nhà của họ ở Salisbury, Anh Quốc.
Trong một bản thông cáo, cơ quan cảnh sát Anh Scotland Yard cho biết là các chuyên gia đã ghi nhận được nồng độ cao nhất của chất độc thần kinh mà hai nạn nhận bị trúng, là ở cửa vào nhà hai người. Ông Dean Haydon, điều phối viên cao cấp chuyên trách chống khủng bố, xác định : « Chúng tôi tin rằng ông Skripal và con gái đã tiếp xúc với chất độc thần kinh lần đầu tiên tại cửa nhà họ ».
Cảnh sát Anh tuy nhiên cho biết là vẫn sẽ tiếp tục tập trung điều tra quanh khu vực nhà của ông Skripal.
Ông Skripal và cô con gái Yulia 33 tuổi, hiện vẫn ở trong trạng thái nguy kịch sau khi được tìm thấy bất tỉnh trên một băng ghế ở thành phố Salisbury vào ngày 04/03. Một thẩm phán cho biết hai người có thể bị tổn thương não vĩnh viễn.
Vào tuần trước, tư pháp Anh đã cho phép lấy mẫu máu của hai cha con ông Skripal để các thanh tra vũ khí hóa học kiểm tra và xác nhận kết luận của Anh theo đó một loại chất độc thần kinh trong quân đội đã được sử dụng.
Bị Anh Quốc quy trách nhiệm trong vụ đầu độc, Nga đã phủ nhận cáo buộc đã sử dụng chất Novichok, một chất độc thần kinh do quân đội Liên Xô phát triển, để đầu độc ông Skripal. Matxcơva cho rằng rất có thể là tình báo Anh đang cố gắng quy kết Nga để khơi dậy tâm lý bài Nga trên thế giới.
Thổ Nhĩ Kỳ từ chối trừng phạt Nga dù là thành viên quan trọng của NATO
Vụ Skripal đã khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến Tranh Lạnh đến nay, với hơn hai chục nước phương Tây đã quyết định trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga.
Một sự kiện mang ý nghĩa biểu tượng là quyết định của khối NATO trục xuất 7 người Nga trong phái bộ của nước này bên cạnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Tổng thư ký NATO giải thích rằng đó là « một thông điệp rõ ràng gửi đến Nga để xác định rằng mọi hành vi nguy hiểm và vô trách nhiệm đều phải trả giá ».
Trong lúc nhiều nước NATO cứng rắn với Nga, thì thành viên Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có lực lượng quân sự đông thứ hai trong Liên Minh, đã có thái độ ngược lại, và sẽ không hành động chống lại Nga.
Theo giới phân tích, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hiện đang có một mối quan hệ rất tốt với tổng thống Nga Vladimir Putin, trong bối cảnh quan hệ của Ankara với hầu hết các nước phương Tây đã xấu đi đáng kể trong một năm rưỡi nay.

Bắc Triều Tiên: “Phi hạt nhân”,

vũ khí đối ngoại của Kim Jong Un

Ngày 28/03/2018, nhân chuyến thăm Bắc Kinh gây bất ngờ cho cộng đồng quốc tế, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un cam kết « phi hạt nhân hóa » bán đảo Triều Tiên. Theo quan điểm của giới chuyên gia, lãnh đạo Kim Jong Un đã khôn khéo sử dụng « phi hạt nhân » như là một « vũ khí ngoại giao » để đàm phán.
Một tuyên bố gây sốc ? Xin thưa rằng không. Đó chẳng qua là « bình mới rượu cũ ». Giới chuyên gia nhắc lại lập trường của Bình Nhưỡng rất rõ ràng và không thay đổi : Bắc Triều Tiên « phi hạt nhân » khi nào những điều kiện đưa ra được thỏa mãn. Thế nhưng, Seoul và Washington sẽ khó có thể chấp nhận những đòi hỏi của Bình Nhưỡng vì các bên không có cùng khái niệm về « phi hạt nhân », theo như giải thích của thông tín viên RFI Frédéric Ojardias tại Seoul :
« Phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên là điểm quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của chúng tôi và chúng tôi sẽ tập trung thảo luận vấn đề này. Trưởng phái đoàn Hàn Quốc, ông Cho Myong Gyon, bộ trưởng bộ Thống Nhất, đã tuyên bố như trên, trước khi tham dự cuộc gặp Liên Triều ở khu vực phi quân sự, biên giới giữa hai nước.
Thế nhưng, trước tiên, hai miền Triều Tiên phải thống nhất với nhau về định nghĩa thế nào là phi hạt nhân hóa. Khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, trong chuyến công du Bắc Kinh, nói đến việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ông ta sử dụng một công thức không phải là mới và đối với chính quyền Bình Nhưỡng, điều này trên thực tế có nghĩa là Hàn Quốc và Nhật Bản không còn được che chở bởi ô hạt nhân của Hoa Kỳ và quân lính Mỹ phải rút ra khỏi Hàn Quốc. 
Đối với Seoul và Tokyo, thì đó là những đòi hỏi không thể chấp nhận được. Điều này báo hiệu là các cuộc đàm phán sẽ khó khăn. Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều được dự kiến vào ngày 27/04 tới sẽ cho phép biết rõ hơn những ý định thực sự của Bình Nhưỡng và những thỏa hiệp mà chính quyền Bắc Triều Tiên sẵn sàng nhượng bộ ».
Giờ đây, vũ khí « phi hạt nhân » vẫn được đời thứ ba dòng họ Kim tiếp nối, nhưng một cách khôn khéo hơn. Kim Jong Un chủ động lên tiếng trước tiên muốn có một gặp thượng đỉnh Bắc Triều Tiên – Hàn Quốc, rồi sau đó là thượng đỉnh Kim Jong Un – Donald Trump, mà không cần điều kiện tiên quyết như các bậc tiền bối từng làm : Đó là chỉ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán khi nào Hoa Kỳ đáp ứng các điều kiện của Bắc Triều Tiên.
Sở dĩ, Bình Nhưỡng có thể thực hiện những bước đi ngoại giao ngoạn mục như vậy là vì Kim Jong Un đã chứng tỏ cho cộng đồng thế giới thấy được khả năng răn đe hạt nhân của Bắc Triều Tiên sau một loạt các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, đồng thời ông ta cũng khẳng định được vị thế của mình trong nội bộ ban lãnh đạo, theo như nhận định của chuyên gia Antoine Bondaz khi trả lời France 24.
Chiến lược ngoại giao này được lãnh đạo Bắc Triều Tiên mở màn bằng việc tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông tại Hàn Quốc, và tiếp đến có thể sẽ là các cuộc gặp thượng đỉnh với từng lãnh đạo các nước tham gia đàm phán 6 bên. Sau cuộc gặp bất ngờ lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra hôm thứ Hai (26/03), lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ gặp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (27/04) và có thể tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 5, vậy thì tại sao lại không có Kim – Putin, Kim – Abe ?
Ông Sebastian Harnisch, chuyên gia về Bắc Triều Tiên thuộc đại học Heidelberg của Đức, cho rằng mục đích giơ củ cà rốt « phi hạt nhân » của Bình Nhưỡng là nhằm lần lượt lôi kéo các bên ngồi lại vào bàn đàm phán và thúc đẩy các nước này phải có những nhượng bộ. Và điều này có thể sẽ mang lại cho chế độ một tính chính đáng trên trường quốc tế.
Một điều chắc chắn là Bình Nhưỡng đã rút kinh nghiệm bài học nhãn tiền từ Libya và Irak, nên sẽ không dễ dàng từ bỏ sức mạnh nguyên tử của mình. Tuy nhiên, có một câu hỏi lớn đặt ra và chưa có lời giải đáp : Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu như các cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều và thượng đỉnh Mỹ – Bắc Triều Tiên thất bại ?

Brexit : Một năm trước khi rời Liên Hiệp Châu Âu,

giới doanh nhân lo ngại

Còn đúng một năm nữa, nước Anh chính thức bước vào giai đoạn chuyển tiếp trong tiến trình rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Thế nhưng hiện nay, giới doanh nhân tại Anh luôn tỏ ra lo ngại. Trong bối cảnh chính phủ Anh không có những trả lời thỏa đáng trước những lo ngại của giới doanh nhân, một số quyết định di dời, số khác còn lưỡng lự.
Thông tín viên RFI Muriel Delcroix từ Luân Đôn tường thuật:
« Muriel Esposito quản lý một doanh nghiệp nhỏ, chuyên nghiên cứu thị trường và phát minh, đặt trụ sở tại Ashford ở thị trấn Kent. Phần lớn doanh thu của công ty này được thực hiện với các khách hàng châu Âu và người phụ nữ trẻ này tự hỏi liệu cô có nên mở một chi nhánh tại một trong 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu hay không, để tránh những phiền toái hành chính mà các nước ở bên ngoài Liên Hiệp Châu Âu phải hứng chịu. 
Cô nói : Trước đây, tôi đã có dịp thực hiện các dự án với Na Uy. Công việc này đòi hỏi nhiều chuẩn bị, hậu cần. Khi muốn gửi hàng hóa, thì phải khai nộp rất nhiều giấy tờ, các quy định về thanh toán cũng khác nhau. Nói tóm lại, có rất nhiều các vấn đề nhỏ, lặt vặt, không phải là không giải quyết được, nhưng nếu như 60% doanh thu của tôi được thực hiện tại châu Âu, thì tôi không muốn dành tới 60% thời gian làm việc trong công ty chỉ để giải quyết những vấn đề đó. 
Cho dù có vấn đề nan giải này, Muriel Esposito không hề nghĩ đến chuyện rời khỏi Anh và hơn nữa cô có hai quốc tịch. Tuy nhiên, cô cũng lấy làm tiếc là chính phủ Anh duy trì sự mập mờ, cho dù cách nay vài ngày, thỏa thuận về giai đoạn quá độ đã được thông báo rầm rộ. Bởi vì cả Bruxelles lẫn Luân Đôn không ngừng nhắc lại điệp khúc : Chưa có gì đạt được cả chừng nào tất cả mọi việc chưa được giải quyết. Các doanh nghiệp lớn đặt tại Anh, tỏ thái độ nghi ngờ và áp dụng các biện pháp đề phòng : 51% các doanh nghiệp này đã khởi động kế hoạch khẩn và sẽ chuyển nhân viên sang châu Âu ».

Syria : Quân đội chuẩn bị tổng tấn công Đông Ghouta

Báo chí Syria ngày 28/03/2018 cho biết, quân đội của chính phủ chuẩn bị tổng tấn công vào Đông Ghouta, thành phố cuối cùng do quân nổi dậy kiểm soát, trừ phi các chiến binh của tổ chức Jaich Al Islam rút khỏi nơi đây. Tối hậu thư mà quân đội Syria đưa ra đã hết hạn từ tối 28/03.
Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh tường trình :
« Quân đội Syria và các đồng minh dường như huy động gần 250 ngàn binh sĩ, với sự yểm trợ của hàng chục xe tăng và pháo binh để chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng nhắm vào khu vực cố thủ Douma, rộng 14 km vuông, tương đương 13% diện tích của vùng Ghouta. Quân nổi dậy đã kiểm soát nơi đây từ ngày 18/02, trước khi có cuộc tấn công của quân đội chính phủ.
Các nguồn tin thân cận với chính phủ Syria khẳng định rằng quân nổi dậy thuộc tổ chức Jaich Al Islam muốn rút về vùng núi Đông Qalamoun, ở phía bắc Damas.
Về phần mình, chính quyền Syria đã định ra ba nơi để quân nổi dậy rút về : đó là tỉnh Raqqa, hiện do các lực lượng dân quân, đồng minh của Hoa Kỳ kiểm soát, thứ hai là Jarablous, một thành phố trong khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, chịu ảnh hưởng của Ankara và thứ ba là tỉnh Idlib, ở phía bắc, hiện do nhóm nổi dậy và thánh chiến kiểm soát. Bất đồng về địa điểm đã làm cho các cuộc thương lượng thất bại.
Cho dù tối hậu thư đã hết hạn, các cuộc thương lượng vẫn tiếp tục thông qua trung gian là các chức sắc và trưởng bộ tộc. Theo các phương tiện truyền thông thân Damas, người dân dường như đã biểu tình ở bên trong Douma đòi các chiến binh phải rút đi nhằm tránh cho thành phố bị chiến sự tàn phá.
Trong khi đó, những chiến binh cuối cùng của nhóm Hồi Giáo Salafit Faylaq Al Rahmane và gia đình của họ tiếp tục rời khởi phía nam Ghouta, nơi quân đội Syria, lần đầu tiên kể từ năm 2012, sẵn sàng triển khai để kiểm soát ».

Pháp : Các quân nhân lại bị tấn công

Ngày 29/03/2018, một người đàn ông đã lái xe hơi toan đâm vào các quân nhân đang chạy bộ gần một doanh trại nằm kế dãy núi Alpes, Pháp, nhưng không gây thương tích cho một ai. Cảnh sát đã bắt giữ một nghi can. Vụ này xảy ra chưa tới một tuần sau các vụ tấn công khủng bố ở Trèbes, miền nam nước Pháp, khiến 4 người thiệt mạng.
Theo một nguồn tin được hãng tin AFP trích dẫn, vào lúc 8 giờ 45, giờ địa phương, một người đàn ông, không rõ vì lý do gì, đã toan lái xe tông vào một nhóm binh sĩ thuộc trung đoàn pháo binh Varces vừa ra khỏi doanh trại để chạy bộ, nhưng các quân nhân đã kịp thời nhảy lên lề đường để tránh, rồi kẻ này chửi bới những binh sĩ khác, trước khi chạy trốn.
Theo lời các bác sĩ ở địa phương, có thể là thủ phạm lái một chiếc xe bị ăn cắp hôm trước (28/03). Lực lượng hiến binh đã phong tỏa khu vực xảy ra vụ đâm xe và sau đó đã bắt giữ một nghi can. Phía quân đội cũng đã tăng cường bảo vệ an ninh.
Vụ này xảy ra đúng vào ngày diễn ra lễ tưởng niệm 4 nạn nhân bị tay thánh chiến Hồi Giáo Radouane Lakdim sát hại trong vụ tấn công khủng bố ở Trèbes, vùng Carcassone ngày thứ Sáu 23/03. Kẻ khủng bố đã bị cảnh sát bắn hạ trong siêu thị.
Vào tháng 08/2017, một chiếc xe hơi cũng đã đâm vào các quân nhân Pháp đang tuần tra trong khuôn khổ chiến dịch Sentinelle (được triển khai sau loạt khủng bố năm 2015) ở Levallois-Perret, ngoại ô Paris, khiến 6 người bị thương. Vụ này đã được giao cho viện công tố chống khủng bố. Nghi can đã bị bắt vài ngày sau đó ở miền Bắc nước Pháp.
Trong năm 2017, quân nhân và cảnh sát Pháp đã nhiều lần bị tấn công ở Paris, như vụ tấn công trên đại lộ Champs-Elysées, khiến một cảnh sát thiệt mạng. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã nhận trách nhiệm về vụ này.

Philippines: Một thủ lãnh

nhóm Hồi Giáo cực đoan Abu Sayyaf đầu thú

Một chỉ huy cao cấp của nhóm Abu Sayyaf, thuộc thành phần Hồi Giáo cực đoan ở miền Nam Philippines, thủ phạm nhiều vụ đánh bom và bắt cóc đòi tiền chuộc, vừa ra đầu thú chính quyền.
Theo hãng tin Mỹ AP, tư lệnh Quân Đội Philippines đã cho biết tin trên vào ngày 29/03/2018 và tỏ ý hy vọng rằng điều đó có thể khiến cho cứ địa của phiến quân “sụp đổ”.
Theo các quan chức quân sự Philippines, Nurhassan Jamiri đã ra đầu hàng quân đội chính phủ tại tỉnh Basilan vào hôm 28/03, cùng với 13 thuộc hạ, mang theo 10 khẩu súng trường và một số lượng lớn đạn dược.
Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines, ông Delfin Lorenzana, cho rằng sự đầu thú của Jamiri, sau nhiều cuộc đàm phán với chính quyền, rất có thể sẽ dẫn đến sự tan rã của nhóm Abu Sayyaf ở tỉnh Basilan, nơi đã sản sinh ra nhóm võ trang này, tuy nhỏ nhưng rất hung bạo.
Trong nhiều năm qua, Jamiri là người đã bị quy trách nhiệm tổ chức nhiều cuộc tấn công đẫm máu, trong đó có một vụ phục kích vào năm 2007 đã khiến 24 lính thủy quân lục chiến Philippines thiệt mạng, trong đó có một số người bị chặt đầu.
Nhóm Abu Sayyaf cũng bị cáo buộc là đã tiến hành nhiều vụ đánh bom tại các thành phố Isabela và Lamitan ở tỉnh Basilan, và thành phố cảng phía nam Zamboanga. Chúng còn khét tiếng với các vụ bắt cóc và tống tiền.
Nhóm Abu Sayyaf đã bị cả Mỹ lẫn Philippines liệt vào diện các tổ chức khủng bố.
Các quan chức quân đội Philippines không cho biết là liệu Jamiri và những người của ông có bị truy tố về các vụ tấn công đẫm máu trong thời gian qua hay không.
Theo hãng AP, trong những tháng gần đây, đã có ít nhất 216 thành viên Abu Sayyaf ra đầu hàng chính quyền, nhưng vẫn còn hơn 300 phần tử khác tiếp tục chiến đấu.

Ba Lan mua hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ

Ngày 28/03/2018, Ba Lan đã ký hợp đồng mua hệ thống lá chắn chống tên lửa Patriot của Mỹ, sẽ được triển khai từ năm 2022 trên lãnh thổ Ba Lan, tức là sát biên giới với Nga. Hợp đồng trị giá tới 3,8 tỷ euro được ký kết trong bối cảnh căng thẳng giữa các nước Âu – Mỹ với Nga.
Từ Vacxava, thông tín viên Damien Simonart tường trình :
« Còn bị ám ảnh về thời gian 50 năm bị Đức Quốc Xã, rồi bị Nga chiếm đóng, dân Ba Lan rất quan ngại khi thấy vùng Crimée bị Nga sát nhập vào tháng 3 năm 2014. Lo sợ cho an ninh của chính họ, các nước Đông Âu đã yêu cầu khối NATO phải có phản ứng. Cho nên, Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã triển khai một lực lượng đa quốc gia tại Ba Lan và ba nước vùng Baltic. Từ một năm nay, một lữ đoàn lính Mỹ đang đóng trên lãnh thổ Ba Lan, lần đầu tiên kể từ sau thế chiến thứ hai.
Matxcơva đã đáp trả ngay lập tức, với việc triển khai các tên lửa đạn đạo Iskander tại vùng Kilingrad, nằm ở phía bắc Ba Lan. Những tên lửa này có tầm bắn 500 km và có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.
Hệ thống lá chắn chống tên lửa Patriot của Mỹ mà Vacxava mua có thể bắn chặn các tên lửa đó, cũng như bắn chặn các tên lửa hành trình, chiến đấu cơ và máy bay không người lái.
Tổng thống Andrzej Duda đã cho rằng việc ký kết hợp đồng mua tên lửa Patriot của Mỹ là một sự kiện lịch sử. Đây là hợp đồng mua vũ khí lớn nhất trong lịch sử của Ba Lan, thể hiện rõ liên minh giữa Vacxava và Washington về mặt quốc phòng ». 

Iran hướng Đông tìm đối trọng với phương Tây

Iran dường như sẽ tăng cường quan hệ với Nga và Trung Quốc để làm đối trọng trước chính sách đối ngoại ngày càng cứng rắn hơn của Hoa Kỳ sau khi tổng thống Donald Trump bổ nhiệm ông John Bolton, một nhân vật được cho là “diều hâu”, làm cố vấn an ninh quốc gia vào ngày 23/03/2018.
Ông Bolton nổi tiếng là một chính trị gia thù nghịch với Teheran và thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015 giữa Iran và khối 5+1 (5 nước thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức). Trước đó vài ngày, cựu giám đốc CIA Mike Pompeo, một chính trị gia có lập trường cứng rắn với hồ sơ hạt nhân Iran và Bắc Triều Tiên, cũng được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Hoa Kỳ, thay ông Rex Tillerson.
John Bolton : Tín đồ của những phát ngôn “gây sốc”
Từng làm đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời tổng thống George W. Bush, ông John Bolton, 69 tuổi, là người ủng hộ đường lối cứng rắn với Iran và Bắc Triều Tiên.
Với Bình Nhưỡng, ông khẳng định trong một bài viết vào cuối tháng 02/2018 rằng “Hoa Kỳ hoàn toàn có thể đáp trả một cách chính đáng mối đe dọa bằng cách tấn công trước”. Trước đó một tháng, trên Twitter, ông cũng cho rằng phải sử dụng sức mạnh quân sự để ngăn Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.
Đối với Iran, năm 2015, ông John Bolton lên án “những nhượng bộ ngày càng quan trọng hơn” của Washington và của tổng thống Barack Obama để đạt được một thỏa thuận về hạt nhân với Iran. Cùng năm, ông còn gợi ý là Israel oanh kích các cơ sở hạt nhân của Iran và Hoa Kỳ sẽ ủng hộ đối lập để “thay đổi chế độ”.
Bổ nhiệm John Bolton: TT Mỹ sát cánh Israel và Ả Rập Xê Út
Ngay khi ông John Bolton nhậm chức cố vấn an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, nghị sĩ Alaeddin Borougerdi, đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Nghị Viện Iran, đã nhanh chóng lên án chính sách ngoại giao mạnh tay đối với Iran mà Mỹ nhắm đến.
Thông tín viên RFI Siavosh Ghazi tại Teheran cho biết :
“ “Với sự bổ nhiệm những thành phần cực đoan, ông Donald Trump muốn trấn an Israel và Ả Rập Xê Út”, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Nghị Viện Iran đã phát biểu như trên ngay khi ông John Bolton nhậm chức cố vấn an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Theo ông Alaeddin Borougerdi, những quyết định bổ nhiệm đó chứng tỏ ý đồ tăng cường sức ép của Mỹ nhắm vào Iran. 
Thực vậy, quyết định bổ nhiệm hai ông John Bolton và Mike Pompeo củng cố phe “diều hâu”, trong khi tổng thống Donald Trump dọa rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân vào ngày 12/05/2018, trừ khi thỏa thuận này có thêm những điều khoản cứng rắn hơn, điều mà Teheran kịch liệt bác bỏ.
Hoa Kỳ cũng kêu gọi Teheran chấp nhận hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo và thay đổi chính sách trong khu vực. Về điểm này, Iran cũng từ chối mọi thay đổi.
Đối mặt với những lời đe dọa trên, ông Alaeddin Borougerdi khẳng định rằng Iran phải tăng cường quan hệ với Nga và Trung Quốc. Hai nước cũng là đối tượng trừng phạt của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga từ nhiều năm nay. Tổng thống Donald Trump vừa mới cho phép tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc. Đây là biện pháp đầu tiên chống lại Bắc Kinh.
Trong bối cảnh này, Teheran muốn chuyển hướng sang Nga và Trung Quốc, hai nước mà Iran vẫn duy trì quan hệ quan trọng về ngoại giao và kinh tế”.
Iran luôn cho là Mỹ không thật lòng
Vào cuối tháng 02/2018, lãnh tụ tối cao Iran, đại giáo chủ Ali Khamenei, đã đưa ra tín hiệu mạnh mẽ ủng hộ phát triển quan hệ với phương Đông. Theo AFP, đây là một dấu hiệu hết kiên nhẫn của Iran trước việc quan hệ với phương Tây không tiến triển.
Năm 1979, một trong những khẩu hiệu nổi tiếng của cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran là “không theo Tây, cũng chẳng ngả theo Đông, chỉ có Cộng Hòa Hồi Giáo” đánh dấu ý đồ của chính quyền mới là không ưu tiên bất kỳ cường quốc nào thời kỳ đó, có nghĩa là Hoa Kỳ và Liên Bang Xô Viết.
Gần 40 năm sau, người đứng đầu Iran lại tuyên bố “về mặt đối ngoại, coi trọng phương Đông hơn phương Tây (…) là một trong những ưu tiên của chúng ta”. Các nhà phân tích cho rằng những phát biểu trên không thay đổi nguyên tắc căn bản của Iran, có nghĩa là bác bỏ ảnh hưởng của các cường quốc nước ngoài, dù là phe nào đi nữa.
Điều này cũng có thể được hiểu là nỗ lực giảm căng thẳng gần đây nhất với Washington, nhờ thỏa thuận hạt nhân, đã tiêu tan. Vì, theo nhận định của nhà nghiên cứu Ellie Geranmayeh, thuộc Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại (European Council on Foreign Relations), lãnh tụ tối cao Khamenei “nhiều lần nhắc lại rằng thỏa thuận năm 2015 là một bài trắc nghiệm để xem đàm phán với phương Tây có đem lại kết quả tích cực hay không”. Vẫn theo bàEllie Geranmayeh, “các nhà lãnh đạo Iran đánh giá là Hoa Kỳ hành động với tâm địa xấu (…) Vì vậy, tuyên bố của lãnh tụ tối cao Khamenei đã bật đèn xanh cho việc tập trung nỗ lực ngoại giao trong quan hệ với Nga và Trung Quốc”.
Thực ra, không phải chờ đến nhiệm kỳ của tổng thống Trump để Iran cho rằng Washington không tôn trọng những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân. Teheran đã cảm nhận được từ trước đó, thậm chí “ngay từ ngày đầu tiên, Hoa Kỳ, dưới thời chính quyền Obama, đã bắt đầu vi phạm”, theo khẳng định của ông Mohammad Marandi, nhà phân tích chính trị kiêm giáo sư tại đại học Teheran.
Iran cho rằng Washington đã lạm dụng khi áp dụng cả những biện pháp trừng phạt không liên quan đến hạt nhân, như cản trở quan hệ ngân hàng với phần còn lại của thế giới và đầu tư nước ngoài vào Iran. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo Iran luôn nhấn mạnh rằng thỏa thuận hạt nhân phải đi đôi với việc Hoa Kỳ “từ bỏ mọi chính sách tác động trực tiếp hoặc gây khó dễ cho việc bình thường hóa quan hệ thương mại và kinh tế của Iran” với phần còn lại của thế giới.
Nga, Trung Quốc và châu Á cư xử tốt với Iran
Những phát biểu của lãnh tụ tối cao Iran Khamenei nhấn mạnh đến quan hệ với các nước phương Đông và châu Á, trong đó rất nhiều nước hiện trở nên hùng mạnh hơn, đặc biệt là từ khi Nga và Iran xích lại gần nhau hơn trong cuộc chiến tại Syria.
Giáo sư Mohammad Marandi khẳng định : “Mối quan hệ của Iran với Nga, Trung Quốc và nhiều nước châu Á hiện tốt hơn rất nhiều so với các nước phương Tây vì họ đối xử với chúng tôi tử tế hơn”. Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế và thương mại hàng đầu của Iran từ nhiều năm qua. Theo số liệu thống kê chính thức của Teheran từ tháng 04 đến 07/2017 (quý I của Iran), Hàn Quốc đứng vị trí thứ 3 trong số các nước xuất khẩu vào Iran, Thổ Nhĩ đứng thứ 4 và Ấn Độ đứng thứ 5.
Cộng Hòa Hồi Giáo Iran từng tỏ ra rất linh hoạt về chính sách đối ngoại. “Iran đã thông qua cách tiếp cận thực dụng với Hoa Kỳ khi có chung lợi ích”, theo phân tích của chuyên gia Geranmayeh, như từng hợp tác với Washington vào năm 2001 khi quân Mỹ đổ vào Afghanistan để lật đổ phiến quân Taliban.
Thỏa thuận hạt nhân được ký vào tháng 07/2015 đã cho phép dỡ bỏ một phần cấm vận quốc tế. Nhờ đó, xuất khẩu dầu lửa của Iran đã tăng nhanh, trao đổi thương mại với châu Âu cũng khởi sắc.
Tuy nhiên, những lời đe dọa của Mỹ lại dội gáo nước lạnh vào các nhà đầu tư nước ngoài và các ngân hàng lớn quốc tế, trong đó các nước châu Âu dễ chịu tác động trước sức ép của Mỹ hơn là Trung Quốc và Nga.
Giáo sư Marandi nhấn mạnh : “Nếu các nước châu Âu không có dũng cảm để kháng lại Hoa Kỳ, họ đừng mong trở thành đối tác của chúng tôi. Nếu những cánh cửa này khép lại thì những cánh cửa khác lại mở ra, chúng tôi không thể nào mãi chờ trước cánh cửa đóng kín”.
Lời cảnh cáo dường như bị Liên Hiệp Châu Âu bỏ ngoài tai. Ngày 28/03/2018, theo đề xuất chung của ba nước Đức, Pháp và Anh Quốc, đại sứ các nước thành viên đã thảo luận về những biện pháp trừng phạt mới có thể được áp dụng nhằm chống lại Iran do chương trình tên lửa đạn đạo và vai trò của Teheran trong cuộc chiến ở Syria.

Tổng thống Pháp vẫn đi thăm Nga vào tháng 5

dù có vụ Skripal

Ngày 29/03/2018, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian thông báo là chuyến viếng thăm nước Nga của tổng thống Emmanuel Macron vào cuối tháng 05/2018 hiện giờ vẫn được duy trì, mặc dù đang có khủng hoảng ngoại giao giữa phương Tây với Nga do vụ đầu độc hai cha con cựu điệp viên Serguei Skripal vào đầu tháng 3 tại Luân Đôn.
Trên lịch trình dự kiến, tổng thống Macron sẽ đi thăm Nga trong hai ngày 24 và 25/5 và nhân dịp này sẽ dự Diễn đàn Kinh tế Saint-Petersburg. Nguyên tắc về chuyến đi này đã được quyết định khi tổng thống Vadimir Putin đến thăm Pháp vào năm 2017 và đã được tổng thống Macron mời đến lâu đài Versailles.
Hiện giờ Paris vẫn duy trì chuyến thăm Nga của tổng thống Macron, mặc dù nước Pháp, cùng với nhiều nước phương Tây khác, vào đầu tuần này, đã thông báo trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga để tỏ tình liên đới với Luân Đôn về vụ đầu độc bằng chất độc thần kinh Novitchok, hai cha con cựu điệp viên Serguei Skripal tại Anh Quốc, mà Matxcơva bị xem là có trách nhiệm. Cho tới nay, Nga vẫn khẳng định không có liên quan gì đến vụ này. Matxcơva đã báo trước là họ sẽ có biện pháp trả đũa tương tự đối với Pháp và các nước khác.
Trên đài phát thanh RTL ngày 29/03, ngoại trưởng Le Drian khẳng định : « Chỉ có Nga mới biết chế tạo chất Novitchok, cho nên không có giải thích nào khác cho vụ này ». Ngoại trưởng Pháp tuyên bố : « Chúng tôi muốn có một cuộc đối thoại thẳng thắn, rõ ràng với Matxcơva và chúng tôi yêu cầu Matxcơva phải tôn trọng luật pháp quốc tế ».

Bổ nhiệm giám mục:

Vatican và Bắc Kinh sắp đạt thỏa thuận

Một thỏa thuận lịch sử giữa Tòa Thánh Vatican và chính quyền Bắc Kinh về việc bổ nhiệm giám mục tại Trung Quốc có thể được ký ngay vào ngày 31/03/2018. Thông tin này đã được một tờ báo chính thức của Trung Quốc cho biết vào hôm 29/03, trích lời một chức sắc cao cấp thuộc giáo hội Nhà nước Trung Quốc.
Theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo, được AFP trích dẫn, đức giám mục Giuse Quách Kim Tài (Guo Jincai), tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc, xác nhận các cuộc đàm phán giữa Vatican và Bắc Kinh đã đạt đến “giai đoạn cuối cùng”, và thỏa thuận có thể được ký kết ngay trước ngày Chủ Nhật Phục Sinh sắp tới.
Theo giám mục Quách Kim Tài, một chức sắc Công Giáo được chính quyền Trung Quốc công nhận: “Nếu mọi việc êm xuôi, thỏa thuận này có thể được ký kết sớm vào cuối tháng này”.
Nhật báo Công Giáo Pháp La Croix hôm 26/03 cho biết là một phái đoàn Trung Quốc sẽ đến Rôma trong tuần này.
Cách nay ba năm, Tòa Thánh Vatican đã tái lập các cuộc đàm phán khởi sự từ rất lâu trước đó với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm giám mục, mà trở ngại chính liên quan đến vấn đề bên nào có quyền sắc phong giám mục: chính quyền Trung Quốc hay Toà Thánh Rôma.
Một nguồn thạo tin vào tháng Hai vừa qua đã cho AFP biết là theo thỏa thuận đang đàm phán, Vatican có thể đồng ý công nhận 7 giám mục được chính quyền Cộng Sản lựa chọn, với hy vọng rằng Bắc Kinh chấp nhận thẩm quyền của giáo hoàng trong tư cách là người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc.
Bắc Kinh và Vatican đã cắt đứt bang giao vào năm 1951, và dù cho quan hệ đã cải thiện rất nhiều do việc số dân Công Giáo Trung Quốc gia tăng, hai bên vẫn xung khắc với nhau về việc bổ nhiệm giám mục.
12 triệu giáo dân Trung Quốc bị chia rẽ giữa một bên là giáo hội chính thức, được chính quyền bảo trợ, nhưng không được Vatican công nhận, và bên kia là giáo hội gọi “thầm lặng”, bị Bắc Kinh nghiêm cấm và đàn áp.
Một giám mục Giáo Hội Công Giáo “thầm lặng” bị câu lưu
Ngày 28/03, hãng AFP đã nêu một ví dụ rõ nét về các hành vi đàn áp của chế độ nhắm vào Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc được Vatican công nhận: Công an Trung Quốc đã lại câu lưu một giám mục thuộc Giáo Hội Công Giáo “thầm lặng” vào dịp lễ Phục Sinh năm 2018.
Giám mục Vincent Quách Tây Tân ở Mân Đông, đã bị an ninh tỉnh Phúc Kiến bắt lên “làm việc” một ngày, sau khi từ chối không chịu dâng Thánh lễ Phục Sinh năm nay cùng với chức sắc được chính phủ Bắc Kinh chỉ định. Ngoài giám mục Quách Tây Tân, còn có hai linh mục khác ở Phúc Kiến cũng bị câu lưu.
Lần này giám mục Quách Tây Tân được thả sau 24 giờ bị câu lưu, trái với năm 2017, khi ông bị giam đến 20 ngày.
Giám mục Quách Tân Tây chính là một tâm điểm của các cuộc đàm phán Vatican-Bắc Kinh. Gần đây, ông đã bị Tòa Thánh yêu cầu nhường vị trí đứng đầu giáo xứ Mân Đông cho một giám mục được Bắc Kinh chỉ định, một người từng bị chính Tòa Thánh “rút phép thông công”.
Theo Reuters, quyết định liên quan đến giám mục Quách Tây Tân chính là một trong những nhượng bộ của Vatican đối với Bắc Kinh để cải thiện quan hệ. Động thái này của Vatican từng bị Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân ở Hong Kong lên án là hành vi “bán đứng” Giáo Hội Công Giáo “thầm lặng” cho Bắc Kinh.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện