Tin Việt Nam – 31/03/2018


Tin Việt Nam – 31/03/2018

Ngư dân chịu thảm họa Formosa

đang bị ngân hàng thúc ép đòi nợ

Đó là theo ghi nhận của Facebooker Trịnh Anh Tuấn, đăng trên báo Tiếng Dân hôm Thứ Sáu 30/03. Nhiều ngư dân ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, nơi có cảng cá Cửa Sót, một trong những cảng cá sầm uất nhất khu vực miền Trung, đã vay ngân hàng khá nhiều để mua sắm ngư cụ trước khi thảm họa môi trường xảy ra. Mỗi gia đình vay từ vài trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. Từ ngày thảm họa diễn ra, gần như họ không thể kinh doanh gì. Rất nhiều hải sản vẫn ở trong kho đến 2 năm trời.
Trong khi đó, nhà cầm quyền cộng sản vẫn chưa hoàn tất tiến trình bồi thường với 500 triệu Mỹ kim của Formosa. Tình trạng khiếu kiện vẫn diễn ra khắp nơi từ trung ương đến địa phương. Nhà cầm quyền còn tìm cách cắt xén những khoản tiền bé nhỏ của người dân. Tiêu biểu là quyết định 1826 hồi tháng 11 của thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc, giảm số tiền bồi thường hải sản bị hư hỏng cho ngư dân xuống còn 30%. Mỗi khi ngư dân nhận được số tiền bồi thường ít ỏi, thì họ bị ngân hàng liên tục dọa dẫm để đòi nợ.
Để vay tiền kinh doanh, nhiều người đã phải thế chấp nhà cửa và tài sản. Đến nay, họ đang khánh kiệt với những khoản nợ khổng lồ. Bị ngân hàng đe dọa, nhiều người sợ hãi nên đã phải vay tiền ngắn hạn để trả tiền lời. Facebooker Trịnh Anh Tuấn cho biết, có người còn nói với ông rằng họ tính bỏ xứ đi để trốn nợ.
Huy Lam / SBTN

Giới đấu tranh VN chia sẻ kinh nghiệm bị bắt tù

Năm 2017 đánh dấu một năm khắc nghiệt nhất đối với giới đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, khi số lượng lớn các nhà hoạt động, bloggers bị bắt giữ và bỏ tù.
Nổi bật là hai bản án 9-10 năm tù đối với bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh “Mẹ Nấm” và bà Trần Thị Nga. Trong khi đó nhà hoạt động Phạm Đoan Trang thì liên tục phải lẩn trốn vì sự kiểm soát và sách nhiễu gắt gao của công an.
Và sắp tới, hôm 5/4 sẽ diễn ra phiên tòa xét xử luật sư Nguyễn Văn Đài và 5 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ.
Vì vậy, luật sư Lê Công Định nói ông và các nhà hoạt động lâu năm khác quyết định chia sẻ kinh nghiệm ứng phó khi bị bắt giữ và giam giữ.
Trả lời BBC hôm 31/3, ông Định nói ông chính là người khởi xướng hoạt động này.
“Tôi thấy đây là kinh nghiệm rất quý giá đối với những người tranh đấu, vì việc các cơ quan công an trấn áp những người tranh đấu, bắt họ lên đồn xảy ra thường xuyên hơn.
“Chia sẻ từ những người từng trải qua những việc như thế rất quan trọng với những người mới, muốn tham gia phong trào phản kháng.”
Làm gì khi bị bắt lên đồn?
Trong một bài viết chung giới đấu tranh gửi cho BBC, bà Đặng Bích Phượng chia sẻ bà đã bị bắt lên đồn công an 9 lần, có một lần bị tạm giữ 5 ngày, bị giam ở Trại Giam B14 “Hỏa Lò” 3 ngày.
Bà Phượng khuyên, “khi bị bắt, không có nghĩa vụ phải trình bày, “,”không ký biên bản” và “không đồng ý khám người đồ đạc”.
“Dù việc đó chẳng làm thay đổi được điều gì, vì công an vốn cho họ có quyền ngồi lên pháp luật, nhưng ít nhất tôi đang thực hiện quyền của tôi.”
Luật sư Lê Công Định, cũng là nhà bất đồng chính kiế bị tuyên án 5 năm tù, 3 năm quản chế vào 2009 vì hoạt động bị cho là nhằm lật đổ chính quyền”, nói các loại giấy mời, giấy triệu tập chỉ có tính bắt buộc “nếu việc triệu tập thuộc phạm vi một vụ án hình sự đã khởi tố,” còn không thì người dân có quyền từ chối.
Người dân cũng có thể từ chối làm việc sau 5 giờ chiều, vì “cơ quan an ninh có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ sức khỏe của công dân”, ông nói.
Ông Định nhất mạnh, người bị thẩm vấn không nên khai nhận, ký kết văn bản gì và nhất là cần tận dụng quyền im lặng của mình.
“Quyền im lặng và, do đó, quyền từ chối trả lời mọi câu hỏi của cơ quan an ninh, bất kể có hay không có sự hiện diện của luật sư của mình, bởi vì đây là quyền luật định của mọi công dân.”
Làm gì khi bị điều tra, ra tòa?
Cựu tù nhân chính trị Phạm Thanh Nghiên, người từng bị tuyên án 4 năm theo tội tuyên truyền chống nhà nước, vào năm 2008 thì nói, qua bài viết chung:
“Không cần căm thù hay khinh ghét công an (điều tra viên) nhưng không bao giờ được tin họ.
“Một sự việc, một bài viết, một phát ngôn hoặc một hành vi của bạn có thể bị hỏi đi hỏi lại nhiều lần, mỗi lần có thể cách nhau vài ngày thậm chí vài tháng. Hãy nhớ những gì đã “khai” hôm trước để lặp lại vào những lần sau. Nếu lời “khai” khác nhau, là tự đem lại rắc rối cho mình.”
“Đừng sợ lời đe doạ của Điều Tra Viên cũng như lời hứa của họ.
Và “Thừa nhận hết các việc, các hành vi mình đã làm nhưng khẳng định những việc đó không phạm pháp.
“Chế độ cộng sản thường hay đánh tráo khái niệm. Họ sẽ buộc tội bạn chống lại nhà nước tức là chống lại đất nước và nhân dân. Hãy cắt nghĩa cho họ hiểu các khái niệm trên và nhiều vấn đề khác.”
Bà Nghiên khuyên rằng nên có một hoặc hai luật sư, dù ở Việt Nam các phiên tòa đều được xử kín với án bỏ túi, nhưng những luật sư sẽ giúp liên lạc với gia đình.
Và “hơn nữa, luật sư sẽ là người nói với công luận về diễn biến phiên toà cũng như thái độ của bạn khi đứng trước vành móng ngựa.”
Cuối cùng, bà khuyên, “hạn chế hoặc không nhìn xuống” nếu không muốn hình ảnh mình xuất hiện trên báo đảng với tư thế “cúi đầu”.
“Phe độc tài không muốn bạn xuất hiện với hình ảnh hiên ngang thì bạn càng phải thực hiện cho được điều đó.”
Làm gì khi ở trong tù?
Chia sẻ cụ thể và chi tiết nhất là ông Nguyễn Ngọc Già, cũng bị kết án tù 4 năm tù giam theo điều 88 vào 2014. Ông ra tù sớm một năm vào tháng 12/2017.
Ông có tôn chỉ: “Chăm sóc bản thân tức là đang chăm sóc cho người thân”.
Ông nhắc người tù cần phải chăm sóc tinh thần lẫn thể chất bằng cách tập yoga, đọc sách báo giải trí.
Vì ở tù lâu ngày, thiếu chất dinh dưỡng, nhiều người tù đều có vấn đề về răng, ông khuyên “ngậm nước muối” hàng ngày.
Không tiết kiệm, mà nên mua nước sạch để dùng cũng như thuốc “trị ghẻ” vì hầu hết tù nhân đều bị bệnh này vì tình trạng sống ẩm thấp, trật chội.
Ông nói thêm rằng cơm dù chán vẫn nên ăn ngay, và ăn đủ bữa, ngủ nghỉ đủ giấc.
Về việc tuyệt thực, ông nói ông không khuyến khích, nhưng nếu nếu người tù vẫn muốn làm thì nên tuyệt thực từ từ để tránh nguy hại cho sức khỏe.
Nên chuẩn bị tinh thần từ trước?
Nhiều nhà hoạt động đều căn dặn rằng những ai đã tham gia hoạt động đấu tranh, là “điều đầu tiên cần xác quyết rằng bạn có thể bước chân vào tù bất cứ lúc nào.”
“Nên vui vì có thể bản thân bạn ít được nhớ tới nhưng lý tưởng của bạn, khát vọng của bạn vẫn luôn được đồng hành,” bà Nghiên nói.
Và “hãy tự tin với suy nghĩ rằng: ‘Mình bị bắt chỉ vì dám nói lên sự thật. Mình đang tranh đấu cho chính nghĩa. Bởi vậy, hy sinh cho lẽ phải là một đặc ân số phận đã ban trao cho mình”. Ông Định nói ông dự định sẽ khuyến khích thêm nhiều người từng bị cơ quan công an bắt thẩm vấn thậm chí ở tù chia sẻ nhiều hơn.

TQ ‘sẵn sàng làm sâu sắc lòng tin chính trị

giữa các quốc gia’

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói sẵn sàng làm ‘sâu sắc lòng tin chính trị giữa các quốc gia’ tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong (GMS) hôm 30/3.
Báo Lao Động viết ông Vương Nghị “dành nhiều lời khen ngợi” chủ nhà Việt Nam vì sáng kiến tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS trong khuôn khổ Hội nghị.
Tại cuộc họp báo hôm bế mạc hội nghị GMS 31/3, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao nói ông lạc quan về tiềm năng của tiểu vùng Mekong “ngay cả khi không có các tỉnh của Trung Quốc”.
Tiểu vùng Mekong là nơi sinh sống của hơn 300 triệu người ở sáu quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc.
Ngoại trưởng Trung Quốc sang Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam lần thứ hai hủy bỏ dự án Cá Rồng Đỏ với hãng dầu khí Repsol, được cho là do sức ép của Bắc Kinh.
Trung Quốc cũng vừa tiến hành cuộc diễn tập quy mô lớn, được cho là động thái đáp trả trước việc Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson vào thăm Đà Nẵng đầu tháng 3.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thăm chính thức Việt Nam 4 ngày từ 30/3-2/4 và đồng thời dự Hội nghị thượng đỉnh hợp tác GMS 6, kết thúc hôm 31/3.
Nhấn mạnh kinh tế thị trường, chống chủ nghĩa bảo hộ
Tuy nhiên bài phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc hôm 30/3 không hề nhắc đến vấn đề tranh chấp trên Biển Đông mà tập trung nhiều vào vấn đề hợp tác kinh tế với các nước thuộc GMS.
Ông nói Trung Quốc “tiếp tục là nguồn động lực cho tăng trưởng cho khu vực và toàn cầu”.
“Chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ đi ngược lại lịch sử. Các biện pháp như vậy chỉ mang lại trái đắng mà thôi,” ông nói, đáp trả lại chính sách bảo hộ mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người vừa áp đặt thuế quan lên đến 60 tỷ đôla với hàng hóa Trung Quốc.
“Chúng tôi mong muốn thúc đẩy sự bao trùm, quan hệ đối tác hữu hảo với các quốc gia trong khu vực.
“Chúng tôi sẵn sàng làm sâu sắc hơn lòng tin chính trị giữa các quốc gia, vì sự phát triển của mỗi quốc gia, cũng như hạnh phúc của người dân,” ông Vương Nghị nói, theo báo Lao Động.
Tiểu vùng sẽ được đầu tư 66 tỷ USD
Hôm 31/3, tại cuộc họp báo về kết quả hội nghị GMS 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố 227 dự án có mức đầu tư khoảng 66 tỷ USD sẽ được thực hiện trong 5 năm tới.
Các dự án này nằm trong khuôn khổ Kế hoạch Hành động Hà Nội giai đoạn 2018-2022 và Khung đầu tư tiểu vùng 2022.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao, người đồng chủ trì cuộc họp báo, cho biết ADB sẽ cung cấp khoảng 7 tỷ USD cho các dự án hiện tại và tương lai trong 5 năm tới, theo trang tin Chính phủ.
“Vùng này có tiềm năng lớn, ngay cả khi không có các tỉnh của Trung Quốc. Năm quốc gia Việt Nam, Lào, Myanmar và Thái Lan có dân số 240 triệu người. Vùng này có nền kinh tế đáng kể và đang lớn mạnh, và tôi rất lạc quan về sự tăng trưởng trong tương lai của khu vực này,” ông Nakao nói.
Vùng này có tiềm năng lớn, ngay cả khi không có các tỉnh của Trung Quốc.Chủ tịch ADB Takehiko Nakao
Kế hoạch Hành động Hà Nội 2018-2022 là văn bản định hướng các lĩnh vực trọng tâm và biện pháp hợp tác trong 5 năm tới, bao gồm việc thúc đẩy mở rộng mạng lưới hành lang kinh tế.
Trước đó hôm 30/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với khu vực GMS và Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) hướng tới việc phê chuẩn hai hiệp định thương mại tự do CPTPP và EVFTA Việt Nam-EU.
“Mỗi kế hoạch phát triển quốc gia, hoạt động đầu tư, kinh doanh hay chương trình hợp tác GMS, CLV cần bảo đảm sự hài hòa, cân bằng lợi ích của các bên, của chính phủ, doanh nghiệp và người dân,” ông Phúc được truyền thông Việt Nam dẫn lời.
Theo trang Vietnamnet, Tiểu vùng Mekong là khu vực có diện tích 2,6 km2 và là nơi sinh sống của 340 triệu người, thuộc 5 quốc gia Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc.
Tổng quy mô kinh tế GDP của khu vực này lên đến 1.300 tỷ đô la.
Cũng theo báo Vietnamnet, mục tiêu của GMS là thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi hợp tác phát triển kinh tế giữa các nước thành viên.
Và một trong những nguyên tắc của GMS là “không làm tổn hại lợi ích của bất kỳ quốc gia nào, dù là lợi ích đã có hoặc sẽ có trong tương lai.”

Xin visa Mỹ, có thể phải khai lý lịch mạng xã hội

Chính phủ Hoa Kỳ muốn bắt đầu thu thập lý lịch sử dụng mạng xã hội của hầu hết những người xin thị thực nhập cảnh Hoa Kỳ.
Đề xuất này đến từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và sẽ yêu cầu người xin thị thực phải cung cấp chi tiết về tài khoản Facebook và Twitter của họ.
Họ cũng sẽ phải tiết lộ tất cả tài khoản mạng xã hội được sử dụng trong 5 năm qua.
Khoảng 14,7 triệu người một năm sẽ bị ảnh hưởng bởi đề xuất này.
Thông tin này sẽ được sử dụng để xác định và điều tra những người xin thị thực nhập cư cũng như thị thực không nhập cư.
Các ứng viên cũng sẽ bị yêu cầu cung cấp số điện thoại, địa chỉ email và lịch sử du lịch trong 5 năm trở lại.
Họ buộc phải khai liệu họ có từng bị trục xuất khỏi một quốc gia, hoặc có bất cứ người thân từng tham gia hoạt động khủng bố hay không.
Đề xuất này sẽ không ảnh hưởng đến công dân từ các quốc gia mà Hoa Kỳ miễn thị thực du lịch – trong đó có Anh, Canada, Pháp và Đức.
Tuy nhiên, công dân từ các nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Mexico có thể gặp chút khó khăn nếu họ muốn đến Mỹ để làm việc hoặc nghỉ lễ.
Quan điểm hiện tại về đề xuất này là gì?
Theo luật lệ được đưa ra tháng 5 năm ngoái, các quan chức được yêu cầu xác minh tài khoản mạng xã hội chỉ khi họ cảm thấy “những thông tin đó cần thiết để xác nhận danh tính hoặc tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt hơn vì lí do an ninh quốc gia”.
Đề xuất khắt khe hơn này được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump hứa sẽ “kiểm tra gắt gao” đối với người nước ngoài vào Mỹ, mà ông nói là để chống khủng bố.
Ai quyết định nếu điều đó xảy ra?
Ý tưởng này phải được Văn phòng Quản lý và Ngân sách phê duyệt.
Công chúng sẽ có hai tháng để bình luận về đề xuất này trước khi cơ quan này đưa ra quyết định.
Điều này ảnh hưởng như thế nào đến tự do ngôn luận?
Các nhóm tự do dân sự đã lên án chính sách như là một sự vi phạm quyền riêng tư có thể gây tổn hại đến tự do ngôn luận.
Hina Shamsi, thuộc Hiệp hội các Quyền tự do dân sự Mỹ, cho biết: “Giờ đây mọi người phải tự hỏi liệu những gì họ nói trên mạng có bị một quan chức chính phủ hiểu nhầm hay hiểu sai.
“Chúng tôi cũng quan ngại về cách chính phủ Trump định nghĩa ‘các hoạt động khủng bố’ một cách mơ hồ và chung chung, vì nó có ý nghĩa chính trị và có thể bị lạm dụng để phân biệt đối xử với những người nhập cư vô tội,” bà nói.
Các mạng xã hội được đề cập trong đề xuất bao gồm các công ty ở Hoa Kỳ như Instagram, LinkedIn, Reddit và YouTube. Tuy nhiên, New York Times cho biết mạng xã hội ở nước ngoài như Sina Weibo của Trung Quốc và mạng xã hội VK của Nga cũng sẽ được đề cập.

Phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất có hợp lý?

Ngày 28 tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính Phủ Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ quyết định sẽ thực hiện việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo phương án của Công ty Tư vấn Đốc Lập Pháp ADPI. Quyết định này được giới chuyên gia và các nhà quan sát nhận định thế nào?
Chính phủ đã thống nhất phương án
Phương án của Công ty Tư vấn Đốc Lập Pháp ADPI đưa ra là không xây dựng thêm đường băng thứ ba, nhưng xây dựng thêm một nhà ga mới với diện tích sàn lên đến 200.000 m2 ở phía Nam sân bay, tức khu vực nhà ga hiện hữu. Nhà ga mới này được cho rằng có thể phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm. Dự đoán tổng số vốn thi công cho dự án này là khoảng 18.000 tỷ đồng.
Phần diện tích đất phía Bắc sân bay hiện nay bao gồm sân golf và 16 hecta đất do Bộ Quốc phòng quản lý sẽ được dùng để xây công trình phụ trợ từ năm 2025 trở đi như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistic và chế biến suất ăn.
Thời gian sẽ trả lời quyết định này ảnh hưởng như thế nào tới khu vực kinh tế đô thị Thành phố Hồ Chí Minh trong thập kỷ tới.
-TS. KTS. Ngô Viết Nam Sơn
Tại buổi họp Thường trực Chính phủ hôm 28 tháng 3, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết phương án trên đã được thảo luận công khai minh bạch và Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng ý. Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Giao Thông Vận Tải chỉ đạo ADPI phối hợp tư vấn trong nước để hoàn thiện dự án và hồ sơ pháp lý cũng như tìm nguồn vốn để khởi công xây dựng nhà ga mới sớm nhất có thể.
Người đứng đầu chính phủ Hà Nội cho biết sau khi dự án này được hoàn thành, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có khả năng phục vụ tối thiểu 50 triệu hành khách mỗi năm, giảm tải cho sân bay hiện tại đã vượt 40% công suất tính đến năm 2020.
Mâu thuẫn giữa các phương án
Trước đây, nhóm chuyên gia của Sài Gòn sau 6 tháng nghiên cứu thống nhất đã đưa ra các phương án đề xuất trái ngược với nhóm tư vấn Pháp ADPI. Nhóm chuyên gia Sài Gòn cho rằng phải mở rộng sân bay theo hướng Bắc để đạt năng lực khai thác lên tới 70 triệu khách vào năm 2025.
Nhóm này đưa ra hai phương án cơ bản giống nhau là phải xây thêm nhà ga T4 ở đất phía Bắc, tức khu vực sân golf và đất Bộ Quốc phòng quản lý hiện nay, nhưng khác nhau ở việc xây thêm đường băng thứ ba dài 2.600 m hay chỉ giữ lại hai đường băng hiện có.
Thêm vào đó, cả hai phương án nhóm chuyên gia Sài Gòn đưa ra là đều phải xây dựng thêm cổng thứ 2 ở khu vực phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất trên đường Tân Sơn, Quang Trung.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa ĐH Quốc gia TP.HCM, Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu của TP.HCM nói với báo Zing.vn rằng:
“Mở thêm cổng vào ở phía bắc, rất gần với quốc lộ 1 nên hành khách các tỉnh về sân bay không phải đi vào nội đô, giảm ùn tắc, rất thuận lợi khi lượng khách bắt đầu tăng lên gần 50-60 triệu khách/năm.
Tuy nhiên, ADPI phản bác lại việc xây thêm đường băng số ba vì cho rằng sẽ tốn kém tới 36.000 tỷ đồng, chưa kể chi phí giải phóng mặt bằng (khoảng 45.000 tỷ đồng), cùng các cáo buộc bất lợi như tăng chi phí cho các hãng máy bay, tăng khoảng cách giữa các đường băng, tiếng ồn ảnh hưởng đến dân cư xung quanh, và đến năm 2025 thì sân bay Long Thành đã đi vào hoạt động.
ADPI đề xuất từ đây đến năm 2025 chỉ khai thác sân bay Tân Sơn Nhất ở mức 50 triệu khách mỗi năm bằng cách xây thêm nhà ga ở phía Nam và cải thiện hệ thống chức năng sân bay, sân đỗ cũng như phát triển hệ thống giao thông tiếp cận.
ADPI cũng cho rằng việc xây nhà ga ở phía Nam sẽ giảm diện tích đất phải thu hồi, khoảng cách ga gần hơn, vận hành đơn giản hơn, và giảm tiền đầu tư chỉ còn 18.000 tỷ đồng.
Tiến sĩ Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn từng nhiều lần lên tiếng trên các báo trong nước rằng Phương án của ADPI là không khả thi. Ông cho rằng cách tư duy của ADPi là cũ, tập trung cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất trong phạm vi đất sân bay và tách rời khỏi quy hoạch của đô thị. Do đó, kết quả ADPI đưa ra chỉ để việc tổ chức sân bay tiện nhất chứ không quan tâm đến ảnh hưởng bên ngoài.
Ông Ngô Viết Nam Sơn cũng nhận xét hiện nay khu vực phía Nam sân bay Tân Sơn Nhất đã ách tắc trầm trọng mà còn mở rộng về hướng này thì chắc chắn sẽ thêm nghiêm trọng.
Ngay sau khi có tin Thủ tướng chọn phương án mở rộng sân bay về phía Nam, Facebook của công ty ông Ngô Viết Nam Sơn NgoViet Architects & Planners hôm 28 tháng 3 cũng đăng tải thông tin và nhận định bằng tiếng Anh, tạm dịch như sau:
Thời gian sẽ trả lời quyết định này ảnh hưởng như thế nào tới khu vực kinh tế đô thị Thành phố Hồ Chí Minh trong thập kỷ tới. (Time will give answer for how this decision would affect the economy of Ho Chi Minh City Metropolitan Area in the next decade.)
Uẩn khúc đằng sau việc mở rộng?
Việc Chính phủ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh quyết định chọn phương án của ADPI làm dấy nên những nghi ngại đối với người quan sát sự việc. Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội nói quyết định này của chính quyền trọn vẹn nhiều đường:
Tôi nghĩ quyết định đó của chính phủ vẹn cả đôi đường. Nếu mà tính cả chuyện xây sân bay Long Thành là vẹn cả ba đường. Bởi vì thứ nhất là thỏa mãn nhu cầu của người dân, của xã hội là phải mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng mà đồng thời cũng thỏa mãn nhu cầu của các tướng lĩnh và quân đội là không lấn sang phía Bắc như một số người kiến nghị.
Đầu tư! Đầu tư! Cứ có đầu tư là có chén mà lại không đụng đến mấy ông tướng. Khôn lỏi đến thế là cùng.
-TS. Nguyễn Quang A
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng có một sự uẩn khúc đằng sau việc mở rộng sân bay nhưng tránh hướng Bắc khu vực sân golf và đất do Bộ Quốc phòng quản lý hiện nay.
Tôi nghĩ chắc chắn có một sự uẩn khúc, tức là nếu lấn lên phía Bắc thì sẽ phải tốn rất nhiều tiền để đền bù cho những công trình mang danh quốc phòng và như thế thì ngân sách không kham nổi.
Nhà ga Tân Sơn Nhất hiện hành nằm ở phía Nam sân bay bị cho là đã quá tải cùng với hệ thống giao thông ùn ắc kéo dài từ bấy lâu nay. Thế nhưng, phương án mở rộng lại tập trung hoàn toàn về phía Nam theo đề xuất của ADPI đã được chính phủ đồng ý liệu có mang lại hiệu quả?
Trên facebook cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng viết một dòng trạng thái vào hôm 28/3 nhận định:
Đầu tư! Đầu tư! Cứ có đầu tư là có chén mà lại không đụng đến mấy ông tướng. Khôn lỏi đến thế là cùng.

Việt Nam

sắp có trạm thu phí BOT đường thủy đầu tiên

Giữa lúc công luận bất mãn với tình hình trạm thu tiền mãi lộ mọc lên như nấm trên khắp các nẻo đường bộ của đất nước, thì nay Việt Nam sắp sửa có trạm thu phí BOT đường thủy đầu tiên.
Truyền thông trong nước đưa tin về trạm thu phí BOT đường thủy cầu Bình Lợi ở Sài Gòn, dự trù bắt đầu thu phí từ cuối năm nay nhắm vào các phương tiện có trọng tải từ 300 tấn trở lên. Báo Lao Động hôm Thứ Năm 29/03 cho biết, trạm thu phí BOT này đã được Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN chấp thuận. Dự án xây dựng của công ty đầu tư BOT Bình Lợi gồm xây cầu sắt Bình Lợi và nạo vét 70 km sông Sài Gòn, từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc thuộc tỉnh Bình Dương. Mức phí BOT dự trù là 70 đồng mỗi tấn mỗi km. Theo đó, một sà lan 500 tấn từ Bình Lợi cập cảng An Sơn đi chừng 20km, sẽ phải nộp tổng cộng khoảng 885,000 đồng (40 Mỹ kim).
Trạm thu phí BOT đường thủy dự trù hoạt động trong 20 năm 9 tháng để thu lại số vốn khoảng 47.8 triệu Mỹ kim.
Vẫn theo tờ Lao Động, trạm BOT đường thủy đang đặt ra “vô số vấn đề”, mà vấn đề đầu tiên là tên gọi trạm “thu phí” hay “thu giá”. Báo chí trong nước cách đây khá lâu đều viết là trạm “thu phí”, nhưng bất ngờ mọi công văn từ văn phòng thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đều gọi các trạm này là “trạm thu giá”. Có blogger đã bình luận rằng “trạm thu giá” là một cách gọi vô nghĩa và nhảm nhí.
Huy Lam / SBTN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?