Tin khắp nơi – 31/03/2018


Tin khắp nơi – 31/03/2018

Xung đột đẫm máu

giữa quân đội Israel và người Palestine tại Gaza

Tình hình tại dải Gaza tiếp tục nóng bỏng trong ngày hôm nay, một ngày sau vụ quân đội Israel nổ súng vào người Palestin biểu tình bất bạo động sát biên giới với Israel trong ngày 30/03/2018 đòi được quyền “hồi hương”. Phía Palestine có16 người thiệt mạng, 1.400 người bị thương. Đây là cuộc xung đột đẫm máu nhất trong những năm gần đây tại khu vực.
Đặc phái viên đài RFI Marine Vlahovic có mặt tại chỗ cho biết thêm :
Sau ngày thứ Sáu đẫm máu hôm qua, hôm nay là ngày lãnh thổ Palestine để tang các nạn nhân. Một cuộc tập hợp được dụ trù vào hôm nay tại dải Gaza, gần sát biên giới với Israel trong khuôn khổ phong trào tuần hành bất bạo động đòi quyền được trở về nguyên quán, kể từ khi Israel tịch thu đất đai của người Palestine.
Đây là lần đầu tiên tại dải Gaza diễn ra một cuộc tuần hành, được dự trù kéo dài trong sáu tuần lễ cho tới ngày 15/05/2018. Đó là ngày kỷ niệm 70 năm thành lập nhà nước Israel, mà người Palestine gọi là một ngày “Tai Họa”. 
Một lần nữa, dân cư tại Gaza lo ngại quân đội Israel sử dụng vũ lực quá đáng nhắm vào người biểu tình. Chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas lên án các vụ đàn áp thô bạo hôm qua, và một lần nữa ông kêu gọi Liên Hiệp Quốc can thiệp để bảo vệ người biểu tình Palestine. 
Họp khẩn ngay chiều qua, Hội Đồng Bảo An không tìm ra đồng thuận. Cuối cùng, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres yêu cầu cho mở điều tra độc lập và minh bạch về các diễn biến vừa qua”. 
Theo phát ngôn viên quân đội Israel, đã có khoảng 30.000 người biểu tình tại Gaza vào hôm qua và quân đội đã dùng drone để thả hơi cay vào người biểu tình.
Liên Đoàn các nước Ả Rập, Ai Cập và Jordanie lên án Israel cho quân đội nã súng vào người biểu tình Palestine. Hoa Kỳ đồng minh của chính quyền Tel Aviv lấy làm tiếc “trước những sinh mạng bị cướp đi tại Gaza”.

‘Trộm’ vào đào vàng ở nông trại của Grace Mugabe

Nhiều người lao động bất hợp pháp đột nhập vào nông trại của cựu đệ nhất phu nhân Zimbabwe Grace Mugabe để đào vàng.
Các phóng viên tờ báo Zimbabwe Newsday phát hiện thấy những người này nhổ cây chanh, đào hầm và chất quặng vàng lên xe tải.
Sau khi tìm cách ứng phó với những người này mà không thành hôm thứ Năm 29/3, bà Mugabe đã báo cảnh sát.
Nông trại của bà ở Mazowe, cách thủ đô Harare 40km về phía Bắc, nơi bà đã cưỡng ép đuổi dân làng đi hồi 2015, khi chồng bà còn đang cầm quyền.
Theo trang tin New Zimbabwe, bà Mugabe nói trong một thông cáo với cảnh sát rằng bà đang đi dạo trong nông trại của mình thì “sốc khi phát hiện thấy khoảng 400 người đàn ông đang đào vàng trái phép.”
Bà chất vấn họ tại chỗ, và nói họ “bắt đầu lớn tiếng chửi bới tôi và tiếp tục hành động bất hợp pháp của họ.”
Tờ Newsday đưa tin một công nhân quát bà: “Bà không còn quyền gì mà đuổi chúng tôi nữa. Đây là cách phân phối mới. Chúng tôi muốn làm gì thì làm.”
Năm ngoái có tin đồn rộng rãi rằng bà Mugabe chuẩn bị lên thay người chồng già cả của bà làm tổng thống Zimbabwe.
Nhưng một bộ phận trong đảng cầm quyền không thích những đồn đoán này. Ông Mugabe bị hạ bệ hồi tháng 11/2017, và được thế chỗ bởi người cộng sự lâu năm của ông, Emmerson Mnangagwa.
Cuộc đời của bà Grace Mugabe
Bắt đầu có quan hệ với Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, người hơn bà 41 tuổi, khi còn làm người đánh máy ở văn phòng nhà nước
Cưới ông Mugabe, chồng thứ hai của bà, năm 1996 trong một đám cưới xa hoa
Họ có ba người con – Bona, Robert và Chatunga
Được những người chỉ trích đặt cho biệt danh “Gucci Grace” vì thói quen xài hàng hiệu và tiêu tiền phung phí
Được bầu làm người đứng đầu hội phụ nữ của đảng Zanu-PF năm 2014
Được đồn là tìm cách thay thế chồng làm tổng thống Zimbabwe
Sau những tin đồn đó, đó ông Mugabe bị truất quyền sau 37 năm làm tổng thống.

Tường biên giới của Trump ‘đã khởi công’?

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Năm tuyên bố bức tường biên giới Mỹ-Mexco, một lời hứa từ lúc vận động tranh cử của ông, “đã khởi công” sau khi được Quốc hội cấp ngân quỹ một phần. Nhưng vấn đề là kế hoạch dựng bức tường này đã khởi sự từ năm 2009.
“Chúng ta đã khởi công xây dựng bức tường của mình, tôi rất tự hào về nó. Chúng ta đã bắt đầu. Chúng ta có 1,6 tỉ đôla. Bạn đã thấy những bức hình ngày hôm qua và tôi đã nói nó đẹp biết bao,” ông phát biểu trước một đám đông của công nhân theo công đoàn và người ủng hộ ở bang Ohio.
Những hình ảnh mà ông nói tới là những hình ảnh ông đăng trên Twitter vào ngày thứ Tư. Ông viết: “Một buổi báo cáo tuyệt vời chiều nay về việc khởi công xây dựng TƯỜNG Biên giới Phía Nam của chúng ta!”
Nhưng đó không phải là những gì Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) đã nói.
Dự án xây tường này khởi sự vào năm 2009 để thay thế một phần tường dài 2,25 dặm dọc theo biên giới ngăn cách bang California và Mexico, theo một thông cáo của cơ quan này vào tháng 2. Bức tường nguyên thủy, làm bằng kim loại phế liệu và các vật liệu khác, đã được dựng lên trong những năm 1990.
“Dù bức tường hiện thời đã chứng tỏ là hữu hiệu trong việc ngăn chặn các hoạt động xuyên biên giới bất hợp pháp, song các tổ chức buôn lậu đã làm hư hại và làm thủng bức tường biên giới lỗi thời này vài trăm lần trong suốt hai năm qua,” CBP nói trong một thông cáo.
Văn phòng Tuần tra Biên giới ở San Diego đã tweet những bức hình của dự án này vào tháng 2, và một số bức hình trong đó được ông Trump tweet lại.
“Dự án cuối cùng được cấp ngân quỹ dưới chính quyền hiện thời vào năm 2017, nhưng hoàn toàn không dính dáng gì tới bất cứ bình luận chính trị nào,” Justin Castrejon, một phát ngôn viên cho lực lượng Tuần tra Biên giới Khu vực El Centro (nơi dự án được thi công), nói với báo The Los Angeles Times trong tháng này.
Khu vực này được xác định là nguy cơ cao về mức độ hoạt động biên giới phi pháp. Một số nhân viên tuần tra đã bị tấn công trong khu vực này vào năm 2017, một nguyên nhân cho việc thay thế bức tường, ông Castrejon nói.
Một số cư dân sống gần khu vực biên giới hoan nghênh việc xây tường biên giới vì lý do an ninh.
“Tôi tích cực ủng hộ vấn đề này,” bà Liên Phạm, một cư dân thành phố San Diego, cho biết. Bà nói rằng những “vấn đề tiêu cực” liên quan đến di dân bất hợp pháp không những khiến cư dân địa phương mà còn du khách nước ngoài lo sợ.
“Ông Trump [xây tường] là cũng có cái ý tốt của ổng. Ổng muốn an toàn cho người Mỹ,” chị Mai Nguyễn, một cư dân khác ở San Diego, nói.
Chị chỉ ra thêm rằng nhiều trường hợp di dân lậu băng qua biên giới đã tử vong do đói khát và bị xe đụng, và bức tường này sẽ phần nào giúp ngăn ngừa những bi kịch này xảy ra.
Ông Trump được cấp ngân quỹ 1,6 tỉ đôla cho an ninh biên giới trong gói chi tiêu tổng thể mới được Quốc hội thông qua hồi gần đây, dù có một số giới hạn về việc chi tiền ra sao, với ngân quỹ cấp cho việc xây hàng rào và đê chắn. Số tiền này ít hơn nhiều so với 18 tỉ đôla mà ông đề nghị.
Năm ngoái, ông Trump đã miễn áp dụng một số luật môi trường để tăng tốc xây tường ở khu vực Calexico.
Một số tổ chức môi trường và bang California đã đệ đơn kiện, nhưng một thẩm phán liên bang hồi tháng 2 phán quyết rằng chính quyền liên bang có quyền bỏ qua luật môi trường để xây một số đoạn tường biên giới, bao gồm một đoạn dài 2 dặm gần Calexico.

Cà phê bán ở California

phải ghi khuyến cáo ung thư trên sản phẩm

Tập đoàn cà phê Starbucks và các công ty kinh doanh cà phê phải ghi khuyến cáo về bệnh ung thư trên sản phẩm tiêu thụ ở tiểu bang California, theo phán quyết đề ngày 28/3 của Thẩm phán tòa Tối cao Los Angeles, Elihu Berle.
Một tổ chức bất vụ lợi kiện 90 nhà bán lẻ cà phê, trong đó có Starbucks, với cáo buộc vi phạm luật California yêu cầu các công ty phải khuyến cáo người tiêu dùng về những hóa chất trong sản phẩm có thể gây ung thư.
Một trong những chất đó là acrylamide, một phó phẩm của các hạt cà phê rang, có nhiều trong cà phê pha phin.
Starbucks và các doanh nghiệp cà phê khác bị kiện có tới ngày 10/4 để kháng cáo quyết định của Thẩm phán Berle.
Vụ kiện được đệ nạp năm 2010 bởi Hội đồng Giáo dục và Nghiên cứu Độc tố (CERT). Tổ chức này kêu gọi mức phạt bồi thường lên tới 2500 đô la cho mỗi người đối với mỗi lần bị phơi nhiễm hóa chất tại các tiệm cà phê kể từ năm 2002 tới nay.
Theo Reuters

Tin tặc Nga khai vô tội trước tòa Mỹ

Một người đàn ông Nga ngày 30/3 khai vô tội đối với các cáo trạng về tội tấn công tin tặc 3 công ty công nghệ Mỹ có thể đã xâm nhập thông tin cá nhân của hơn 100 triệu người sử dụng.
Nghi can Yevgeniy Nikulin, 30 tuổi, cư dân Moscow, bị bắt ở Prague vào năm 2016 và bị dẫn độ tới Mỹ từ Cộng hòa Czech. Bộ trưởng Tư pháp Cộng hòa Czech quyết định cho dẫn độ Nikulin sang Mỹ, bất chấp yêu cầu của Moscow đòi dẫn độ nghi phạm về Nga để xét xử.
Bộ Tư pháp Mỹ tố cáo Nikulin tiếp cận bất hợp pháp các máy tính thuộc các công ty truyền thông xã hội có trụ sở tại Mỹ như LinkedIn, Dropbox và Formspring vào năm 2012.
Trước khi khai vô tội tại tòa án liên bang ở San Francisco hôm 30/3, nghi can Nikulin từng khẳng định với truyền thông ở Czech rằng không làm gì phạm pháp.
Theo Reuters

Nga trục xuất 59 nhân viên ngoại giao từ 23 nước

Nga ngày 30/3 trục xuất 59 nhà ngoại giao của 23 quốc gia và loan báo có thể có hành động chống lại 4 nước nữa trong bế tắc ngoại giao giữa Moscow với các nước phương Tây liên quan đến vụ hạ độc một cựu điệp viên hai mang người Nga và con gái ông này.
Nga nói họ đáp trả những gì mà họ gọi là những yêu cầu vô lý buộc các nhà ngoại giao của họ phải rời khỏi các nước phương Tây, những quốc gia đồng thanh cùng Anh và Mỹ chỉ trích Nga về vụ đầu độc điệp viên Sergei Skripal và cô con gái Yulia.
Một ngày trước, Moscow ra lệnh trục xuất 60 nhà ngoại giao và đóng cửa tòa lãnh sự Mỹ tại thành phố St. Petersburg.
Nga trong ngày 30/3 đã triệu tập một số nhà ngoại giao cấp cao phương Tây của các nước đã trục xuất nhân viên ngoại giao của Nga và thông báo rằng Moscow sẽ trả đũa với số lượng một-đối-một.
Bộ Ngoại giao Nga còn ra tối hậu thư cho Anh trong vòng 1 tháng phải cắt giảm số nhân viên ngoại giao tại Nga xuống tương đương số nhà ngoại giao Nga ở Anh.
Theo Reuters

Vợ của tay súng thảm sát hộp đêm Florida trắng án

Góa phụ của tay súng tấn công hộp đêm Pulse ngày 30/3 được ‘trắng án’ sau khi ban bồi thẩm quyết định rằng bà ‘vô tội’ trước các cáo trạng liên quan đến vụ thảm sát năm 2016 do chồng bà thực hiện khiến 49 người chết tại Orlando, Florida.
Bà Noor Salman, 31 tuổi, có thể lãnh án tới chung thân nếu bị kết án là có tội trong các cáo trạng của liên bang về việc cản trở công lý và tiếp tay cho chồng, Omar Mateen, trong việc cung cấp hỗ trợ cho nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Sau 12 giờ tranh luận, ban bồi thẩm tòa án liên bang ở Orlando cho bà trắng án và vài giờ sau, bà bước ra khỏi nhà tù Orange County.
Lúc chồng xả súng giết người hàng loạt tại hộp đêm Pulse hôm 12/6/2016, bà Salman đang ở nhà với đứa con trai 3 tuổi. Hung thủ Mateen chết trong cuộc đọ súng với cảnh sát.
Công tố viên nói bà Salman từng cùng chồng đi thăm dò các địa điểm có thể tấn công mà không hề có hành động ngăn cản kế hoạch của chồng.
Theo bên công tố, bà thoạt đầu khai rằng không hề hay biết gì về việc làm của chồng nhưng sau đó thừa nhận có biết rằng chồng xem các video của Nhà nước Hồi giáo, rằng ông ấy mua súng trường tấn công và rằng ông ấy có đi ‘thám thính’ ba địa điểm khả dĩ để thực hiện âm mưu tàn sát.
Tuy nhiên, Cục Điều tra liên bang không ghi âm lại buổi thẩm vấn và phía bị can nói bà bị ép buộc phải khai như thế.
Ban bồi thẩm dường như tin tưởng những lập luận từ luật sư của bị cáo rằng bà Salman là một người vợ bị chồng hiếp đáp và không được can thiệp hay hiểu biết về việc làm của chồng.
Theo Reuters

Trung Quốc nói chủ nghĩa bảo hộ

sẽ đóng lại cánh cửa dẫn vào nước này

Trung Quốc muốn chia sẻ những cơ hội phát triển của mình với các nước khác, nhưng chủ nghĩa bảo hộ sẽ khiến cánh cửa dẫn vào Trung Quốc bị đóng lại, nhà ngoại giao hàng đầu của nước này phát biểu, giữa lúc tranh chấp thương mại đang trở nên nghiêm trọng với Mỹ.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước loan báo kế hoạch áp thuế lên một số mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá lên tới 60 tỉ đôla đã khiến Bắc Kinh đưa ra cảnh báo rằng họ có thể trả đũa bằng các mức thuế nhắm vào 3 tỉ đôla hàng nhập khẩu của Mỹ.
Phát biểu tại một diễn đàn khu vực tại Hà Nội hôm thứ Sáu, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Nghị nói chính sách cải cách và mở cửa của Trung Quốc sẽ không bị thay đổi hay ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố bên ngoài nào, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một thông cáo ra ngày thứ Bảy.
“Công cuộc cải cách và mở cửa của Trung Quốc là phù hợp với lợi ích của người dân Trung Quốc và cũng sẽ đem lại lợi ích cho các nước khác,” thông cáo dẫn lời ông Vương nói, và nói thêm rằng Trung Quốc sẽ cung cấp một môi trường đầu tư còn tốt hơn nữa cho các công ty nước ngoài.
“Việc mở cửa phải diễn ra hai chiều. Trung Quốc mở cửa cho các nước khác và hy vọng các nước khác sẽ mở cửa cho Trung Quốc,” ông nói, không nêu đích danh bất cứ nước nào.
Dù những xích mích và tranh chấp về thương mại là điều bình thường, điều quan trọng là phải nỗ lực tìm các giải pháp hợp lý thông qua các cuộc tham vấn bình đẳng phù hợp với các luật lệ và quy định, ông Vương nói thêm.
“Bất kỳ biện pháp đơn phương hoặc mang tính bảo hộ nào đều là lối tiếp cận đi ngược lại xu thế của lịch sử, sẽ chẳng đi đến đâu và sẽ làm suy yếu lợi ích của chính họ.”
“Chủ nghĩa bảo hộ đồng nghĩa với việc đóng lại cánh cửa dẫn vào Trung Quốc, và họ sẽ gánh chịu hậu quả từ hành động của họ. Cả thời gian và dữ kiện đều chứng minh điều này.”
Trung Quốc đã nhiều lần hứa sẽ khai mở nền kinh tế của mình hơn nữa, nhưng nhiều công ty nước ngoài vẫn tiếp tục than phiền bị đối xử bất công.
Trung Quốc hôm thứ Năm cảnh báo Mỹ chớ mở Hộp Pandora ra (ý nói khởi sự một việc sẽ gây nên nhiều vấn đề rắc rối) và khơi ra một loạt các biện pháp mang tính bảo hộ khắp toàn cầu, ngay cả khi Bắc Kinh chỉ ra những mặt hàng của Mỹ mà họ có thể nhắm mục tiêu.

66 tỉ đô la đầu tư vào Tiểu vùng sông Mêkông

Các nhà lãnh đạo sáu quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mêkông hôm nay 31/03/2018 tại Hà Nội đã thông qua một kế hoạch đầu tư đầy tham vọng, với 227 dự án có tổng vốn 66 tỉ đô la cho năm năm tới. Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) đóng góp ít nhất 7 tỉ đô la, số còn lại từ các chính phủ và tư nhân.
Kế hoạch này được đưa ra nhân Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng lần thứ sáu họp tại Việt Nam, với sự tham dự của các thủ tướng Thái Lan, Lào, Cam Bốt, Việt Nam, phó tổng thống Miến Điện và ngoại trưởng Trung Quốc.
Chương trình Hợp tác Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng (GMS) được ADB khởi xướng từ năm 1992, đến nay đã huy động được 21 tỉ đô la, đa số dành cho các dự án hạ tầng.
Hãng tin AP dẫn phát biểu của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc: « GMS đang khởi đầu một kỷ nguyên phát triển mới, với những cơ hội và thách thức chưa từng có, đòi hỏi phải có phương cách sáng tạo với tầm nhìn toàn diện lâu dài, nhằm tận dụng sức mạnh của mỗi quốc gia (…) tạo sự cộng hưởng mạnh mẽ thông qua GMS để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, hài hòa với việc phát triển xã hội và bảo vệ môi trường ».
Tiểu vùng sông Mê kông mở rộng gồm năm nước nằm dọc theo lưu vực con sông này cùng với tỉnh Vân Nam và khu tự trị Quảng Tây của Trung Quốc, có 340 triệu dân và tổng GDB 1,3 ngàn tỉ đô la, là một trong những khu vực có kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Bế mạc hội nghị, ông Nguyễn Xuân Phúc nhận định việc hợp tác tiếp tục là động lực cho sự phát triển của khu vực.
Trung Quốc sẽ nhập 8.000 tỉ đô la hàng trong 5 năm tới
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm nay 31/0/2018 loan báo như trên, nhân hội nghị Tiểu vùng sông Mêkông tổ chức tại Việt Nam. Bên cạnh đó sẽ thu hút 600 tỉ đô la đầu tư ngoại quốc, đồng thời đầu tư 750 tỉ đô la vào các nước khác. Ông Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh ủng hộ « hệ thống thương mại đa phương, cổ vũ cho toàn cầu hóa kinh tế một cách rộng mở và thăng bằng (…), kiên quyết phản đối chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ». 

Mỹ vẫn có thể đạt mục tiêu khí hậu của COP 21

Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục phá dỡ dần các quy định bảo vệ môi trường, di sản để lại của thời Barack Obama. Mặc dù vậy những người ủng hộ thỏa thuận Paris về khí hậu vẫn tin Mỹ có thể hoàn thành mục tiêu giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính đã được ấn định tại COP 21 Paris 2015.
Bất chấp việc tổng thống Donald Trump đã quyết định đơn phương không tôn trọng các cam kết về khí hậu ký năm 2015 tại hội nghị khí hậu toàn cầu COP 21, nhưng nước Mỹ vẫn có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của thỏa thuận Paris. Tổng thư ký Liên hiệp Quốc, Antonio Guterres, hôm qua 30/03/2018 đã lạc quan nhận đính điều này.
Hồi tháng 6 năm ngoái, với việc tuyên bố đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris về bảo vệ khí hậu, tổng thống Trump không chỉ làm dấy lên làn sóng chỉ trích khắp thế giới mà cả sự phản đối ngay trong nước. Nhiều thành phố, nhiều tiểu bang như New York hay California đã bất chấp các quyết định được cho là vô trách nhiệm của tổng thống, vẫn tiếp tục tôn trọng các mục tiêu bảo vệ khí hậu của quốc tế. Gần một năm sau, các nỗ lực của những người ủng hộ COP21 ở Mỹ dường như đã đạt kết quả.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Gutteres nhận xét : « Chúng tôi quan sát thấy trong nhiều thành phố và tiểu bang của nước Mỹ, một sự cam kết mạnh mẽ đối với thỏa thuận Paris ».
Theo America’ Pledge, một hiệp hội bảo vệ môi trường mới ra đời tại Mỹ thì 20 trong 50 bang, khoảng 100 thành phố và hàng nghìn công ty đã triển khai mục tiêu ấn định con số cụ thể về giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Có điều là, các tiểu bang và thành phố Mỹ ủng hộ thỏa thuận Paris chỉ chiếm có 35% phát thải của cả nước. Bang gây ô nhiễm nhất là Texas thì đứng về phía Donald Trump. Ngoài ra, theo báo New York Times, Nhà Trắng sắp sửa nới lỏng thêm quy định phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để hỗ trợ cho các hãng chế tạo xe hơi.

Donald Trump khóa quỹ tái thiết Syria

AFP dẫn nguồn báo Wall Street Journal hôm qua, 30/03/2018, khẳng định Nhà Trắng đã ra lệnh đóng băng ngân quỹ hơn 200 triệu đô la dành cho công cuộc tái thiết Syria, một ngày sau khi tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ nhanh chóng rút khỏi Syria.
Theo nhật báo Mỹ, tổng thống Trump đã có chỉ thị trên với bộ Ngoại Giao sau khi đọc được một bài viết nói rằng Hoa Kỳ đã cam kết dành ngân quỹ đóng góp vào công cuộc tái thiết Syria, bị tàn phá tan nát bởi cuộc nội chiến kéo dài từ 7 năm qua.
Hôm 29/3, trong một phát biểu tại tiểu bang Ohio, ông Trump đã khẳng định Mỹ sẽ rời khỏi Syria « rất nhanh ». 
Nhiều quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng các phát biểu của tổng thống Trump là nghiêm túc, không có gì hớ hay nhầm lẫn vì từ nhiều tuần qua, ông Donald Trump đã phản đối ý tưởng theo đó Hoa Kỳ sẽ duy trì sự hiện diện dài hạn hoặc trung hạn tại miền đông Syria. Hiện có 2.000 quân Mỹ đã được triển khai tại khu vực này trong khuôn khổ cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, cách đây không lâu đã từng khẳng định Mỹ sẽ ở lại Syria cho đến khi quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo bị đánh bại hoàn toàn, đồng thời để ngăn chặn ảnh hưởng của Iran. Thực chất của chiến lược này là nhằm hậu thuẫn cho việc lật đổ chính quyền của Bachar Al Assad. Hệ quả là ông Tillerson đã bị mất chức.
Tổng thống Trump đã từng có những thông báo bất ngờ về chính sách đối ngoại của Mỹ mà không cần tham khảo ý kiến của các cố vấn cấp cao hay giới ngoại giao. Tại Ohio hôm 29/03, ông Trump khẳng định lại Mỹ đã đổ 7.000 tỉ đô la vào Cận Đông vô ích, không thu được gì, đáng ra phải dành tiền tập trung tạo công ăn việc làm và cải thiện cơ sở hạ tầng tại Mỹ, cho người Mỹ.

Hạt nhân Bắc Triều Tiên :

Liên Hiệp Quốc duy trì áp lực với Bình Nhưỡng

Ngày 30/03/2018 Liên Hiệp Quốc công bố danh sách trừng phạt nhắm vào gần 50 tập đoàn và chuyến tàu đã vi phạm lệnh cấm vận Bắc Triều Tiên.
Các biện pháp trừng phạt gồm: cấm các tàu liên quan cập bến bất kỳ một cảng nào trên thế giới, phong tỏa tài sản của 21 tập đoàn giao thông hàng hải và xuất nhập khẩu. Trong số này có hãng Huaxin Shipping, trụ sở tại Hồng Kông, bị tố cáo đã chở than đá của Bắc Triều Tiên bán cho Việt Nam vào tháng 10/2017.
Thái độ cứng rắn của Liên Hiệp Quốc được thể hiện trong bối cảnh, lãnh đạo Kim Jong Un vừa kết thúc chuyến công du nước ngoài đầu tiên tại Bắc Kinh, hai nước Triều Tiên chuẩn bị họp thượng đỉnh và nhất là đối thoại được dự trù giữa hai nguyên thủ Kim Jong Un và Donald Trump.
Thông tín viên Marie Bourreau từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York cho biết thêm :
“Các nhà ngoại giao tin chắc là các biện pháp trừng phạt nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng đã đem lại hiệu quả và góp phần thúc đẩy Bắc Triều Tiên nối lại đối thoại với Hoa Kỳ. Vài tuần lễ trước thượng đỉnh Liên Triều ngày 27 tháng Tư và thượng đỉnh với Donald Trump, quốc tế không thể tính tới chuyện nới lỏng các biện pháp để gây sức ép với Bắc Triều Tiên. Liên Hiệp Quốc đã nhấn mạnh tới quyết tâm ấy qua việc trừng phạt khoảng 30 chiếc tàu và khoảng 20 công ty bất chấp lệnh trừng phạt của quốc tế, đã tiếp tục giao than đá của Bắc Triều Tiên cho các khách hàng. 
Tài sản của các doanh nghiệp trong tầm ngắm của Liên Hiệp Quốc sẽ bị phong tỏa. 13 trong số các chiếc tàu trong danh sách nói trên không được quyền cập bến bất kỳ một hải cảng nào trên thế giới. Đây là một quyết định trừng phạt chưa từng thấy, nhưng tầm mức quan trọng cũng chỉ tương đối, do phần lớn các chiếc tàu và công ty liên quan đều đã có tên trong danh sách trừng phạt của bộ Tài Chính Mỹ”. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?