Tin khắp nơi – 30/03/2018


Tin khắp nơi – 30/03/2018

Nga trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ

Nga vừa trục xuất 60 nhà ngoại giao Hoa Kỳ và đóng cửa lãnh sự quán tại St Petersburg đáp trả lại động thái của Hoa Kỳ sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga ở Anh.
Đầu tuần này, Hoa Kỳ đã trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga rời khỏi Hoa Kỳ, đồng thời đóng cửa tổng lãnh sự quán Nga tại Seattle.
Hơn 20 quốc gia đã trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga.
Ngoại trưởng Nga cho hay những nước vừa trục xuất người Nga có thể sẽ nhận được một phản ứng “tương tự”.
Nhà Trắng cho hay, việc Nga trục xuất nhà ngoại giao Mỹ không phải là ‘không được lường trước’.
Hành động này cho thấy ‘mối quan hệ Hoa Kỳ – Nga xuống dốc hơn nữa’, tuyên bố của Nhà Trắng cho hay.
Sergei Skripal và con gái ông Yulia được bị phát hiện bất tỉnh trên ghế tại một trung tâm mua sắm ở thành phố Salisbury vào ngày 4/3.
Chính phủ Anh cho rằng Nga đứng sau vụ tấn công này.
Nga kịch liệt phủ nhận có bất kỳ vai trò nào trong vụ tấn công ở Salisbury.
Ông Skripal hiện vẫn nguy kịch nhưng ổn định trong khi tình trạng con gái ông có dấu hiệu được cải thiện.
Nga trục xuất ai?
Nga tuyên bố 58 nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở Moscow và hai nhà ngoại giao khác ở Yekaterinburg là “người không được chào đón” (personae non gratae).
Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói rằng đại sứ Mỹ Jon Huntsman đã được thông báo về “biện pháp trả đũa”.
“Đối với các nước khác, số lượng nhà ngoại giao Nga bị trục xuất cũng sẽ tương tự,” ông nói thêm.
Sau đó, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Washington sẽ có thêm các động thái khác.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga cũng cáo buộc Anh Quốc “đã buộc các nước chống lại Nga”.
Ông nói Moscow đáp trả “những hành động chống lại Nga hoàn toàn không thể chấp nhận dưới sức ép từ Hoa Kỳ và Anh với cái cớ cái gọi là vụ Skripal”.
Nga cũng dự kiến gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) để “chứng minh sự thật”.
Điện Kremlin cũng trả đũa việc Anhtrục xuất 23 nhà ngoại giao Nga bằng cách trục xuất một số lượng tương đương nhà ngoại giao Anh và đóng cửa Hội đồng Anh tại Nga.

Pháp: Sarkozy ‘sẽ phải ra tòa’

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy sẽ phải ra tòa vì cáo buộc tham nhũng và gây ảnh hưởng, theo báo chí Pháp.
Vụ án xoay quanh các cuộc gọi bị nghe lén năm 2014. Trong đó ông Sarkozy bị cho là muốn tác động tới quan tòa đang điều tra việc tài trợ chiến dịch tranh cử của ông.
Quan tòa này Gilbert Azibert và luật sư cho ông Sarkozy cũng có thể phải ra tòa.
Họ bác bỏ mọi sai trái.
Trong một vụ án riêng biệt, cựu tổng thống bị cáo buộc nhận tiền tranh cử từ cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi.
Báo Le Monde và hãng tin AFP cùng dẫn các nguồn nói ông Sarkozy sẽ ra tòa trong vụ gây ảnh hưởng.
Năm 2014, hai năm sau khi đã không còn là tổng thống, ông Sarkozy bị tố cáo liên hệ quan tòa Azibert.
Trong cuộc gọi, ông Sarkozy bị cho là dùng tên giả Paul Bismuth và hứa hẹn chức vụ ở Monaco cho ông Azibert để có thông tin về vụ điều tra.
Cảnh sát đã nghe lén cuộc gọi.
Tuần trước, ông Sarkozy bị chính thức điều tra vì cáo buộc ông nhận tiền tranh cử của cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi năm 2007.
Ông đã bác bỏ điều này, nói rằng những người Libay tố cáo chỉ muốn trả thù vì ông gửi máy bay chiến đấu Pháp tới trong cuộc nổi dậy năm 2011.
Ông Sarkozy cũng đang đối diện một cáo buộc khác rằng ông liên quan gian lận tăng mức chi tiêu cho chiến dịch tranh cử thất bại năm 2012.
Vụ này ở Pháp có tên vụ Bygmalion, theo tên công ty bị tố cáo cung cấp hóa đơn giả cho đảng của ông Sarkozy.
Ông Sarkozy đã bác bỏ mọi sai trái.

Michigan kích hoạt

Trung tâm Ứng phó Khẩn cấp vì Thiên Cung 1

Trạm vũ trụ Thiên cung 1 của Trung Quốc được dự báo sẽ rơi xuống trái đất cuối tuần này. Để chuẩn bị, bang Michigan mới kích hoạt Trung tâm Ứng phó Khẩn cấp của bang.
Thống đốc bang Rick Synder kích hoạt trung tâm hôm 30/3 để theo dõi việc trạm quay trở lại trái đất – nhưng vẫn chưa ai có thể biết rõ vị trí nó sẽ rơi.
Theo hãng tư vấn Aerospace Corporation, trạm vũ trụ nặng 8,5 tấn có thể rơi xuống đâu đó trong một vùng kéo dài từ bắc California đến Pennsylvania của Mỹ, bao gồm cả một phần ở miền nam Michigan.
Chỉ huy cảnh sát, ông A. Kelenske, kiêm chức Phó Giám đốc chuyên trách Quản lý Tình trạng Khẩn cấp và An ninh Nội địa, cho biết: “Mặc dù có rất ít khả năng là sẽ có bất kỳ mảnh vỡ nào rơi xuống Michigan, song chúng tôi đang theo dõi tình hình và sẵn sàng ứng phó nhanh chóng nếu điều đó xảy ra”.
“Tiểu bang sẽ dựa vào kế hoạch hiện có về ứng phó và tìm kiếm vệ tinh quay trở lại trái đất để thực hiện bất cứ thủ tục ứng phó cần thiết nào”.
Trạm vũ trụ Trung Quốc với thân chính dài 10,4 m được dự báo sẽ rơi xuống trái đất vào dịp cuối tuần giữa ngày 31/3 và 1/4.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho rằng trạm này sẽ “bốc cháy gần hết” và sẽ không có nguy cơ về nhân mạng.
Tuần trước, hệ thống Radar Theo dõi và Ghi hình – một trong những hệ thống có khả năng nhất thế giới do viện nghiên cứu Fraunhofer FHR của Đức vận hành đặt tại Wachtberg, gần Bonn, đã ghi được hình ảnh của trạm.
Trong các bức ảnh, trạm vũ trụ ở độ cao 270 km so với Trái Đất.
Ngay cả khi các mảnh vụn của trạm quả thật có thể rơi xuống bề mặt trái đất, ESA nói rằng họ không thể dự đoán chính xác nơi chúng rơi xuống cho đến tận giây cuối cùng.
Thiên cung 1 đã bị bỏ trống kể từ năm 2013 và trạm bị mất liên lạc từ năm 2016.
(Mirror, WoodTV)

Mỹ duyệt dịch vụ vệ tinh băng rộng của SpaceX

Cơ quan quản lý viễn thông hàng đầu của Mỹ hôm 29/3 đã chính thức phê duyệt kế hoạch của SpaceX về xây dựng một mạng lưới băng thông rộng toàn cầu sử dụng vệ tinh.
Trong một tuyên bố, Ủy ban Truyền thông Liên bang của Mỹ (FCC) nói: “Đây là sự chấp thuận đầu tiên đối với một tổ hợp vệ tinh được Mỹ cấp phép để cung cấp các dịch vụ băng thông rộng sử dụng các công nghệ mới về vệ tinh ở quỹ đạo tầng thấp của trái đất”.
SpaceX của ông Elon Musk, với tên đầy đủ là Space Exploration Holdings, đã đề xuất hệ thống này. Nó sẽ sử dụng 4.425 vệ tinh, theo FCC.
FCC cho biết SpaceX đã được cấp quyền sử dụng các tần số trong hai dải băng tần Ka (20/30 GHz) và Ku (11/14 GHz).
SpaceX muốn tạo ra một “hệ thống thông tin liên lạc toàn cầu” mà ông Elon Musk ví như là “xây dựng lại internet trong vũ trụ”. Ông nói nó sẽ nhanh hơn các kết nối internet truyền thống.
Giám đốc Vận hành của SpaceX, Gwynne Shotwell, cho biết: “Đây là một bước tiến quan trọng hướng tới việc SpaceX xây dựng một mạng vệ tinh thế hệ tiếp theo có thể liên kết toàn cầu với dịch vụ băng thông rộng đáng tin cậy và chi phí thấp, điều đặc biệt là nó phủ sóng đến những người chưa được kết nối”.
Khoảng 14 triệu người Mỹ ở vùng đồng quê và 1,2 triệu người Mỹ ở các vùng đất của bộ lạc thời xưa nằm sâu trong lục địa hiện vẫn thiếu thốn đường truyền di động băng rộng, kể cả ở tốc độ tương đối thấp.

Ông Trump muốn

quân đội giúp quỹ xây tường biên giới

Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã bàn với Tổng thống Donald Trump về khả năng sử dụng các nguồn quỹ quân đội để xây tường biên giới với Mexico, Ngũ Giác Đài loan báo ngày 29/3.
Ông Trump, tuần trước có được một phần ngân quỹ mà ông muốn từ Quốc hội để hoàn thành lời hứa xây tường biên giới, cuối tuần qua tỏ ý cho biết có thể quay sang quân đội ‘cầu viện’.
Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng, Dana White, cho biết sự bàn bạc giữa ông Trump với ông Mattis chỉ là ‘sơ khởi.’
Dự luật chi tiêu ngân sách 1,3 ngàn tỷ đô la được Quốc hội thông qua tuần trước có bao gồm 1,6 tỷ đô la cho nửa năm xây tường trong khi ông Trump muốn có 25 tỷ đô la cho dự án này.
Trong tháng này, ông Trump đã đi thị sát biên giới Mỹ-Mexico và xem qua 8 mẫu tường mà ông nói sẽ giúp ngăn dòng chảy ma túy và di dân lậu vào Mỹ.
Xây tường biên giới là chủ đề chính trong chiến dịch của ông Trump tranh cử Tổng thống 2016. Ông từng nhấn mạnh rằng Mexico phải chi tiền xây tường nhưng người láng giềng phía Nam này nhất mực nói không.
Theo Reuters

Cựu phó giám đốc FBI gây quỹ hỗ trợ pháp lý

sau khi bị sa thải

Cựu phó giám đốc FBI Andrew McCabe, người bị chính quyền Trump sa thải nhưng nói ông bị nhắm mục tiêu vì là một nhân chứng trọng yếu trong cuộc điều tra Nga, đang gây quỹ để giúp trang trải chi phí biện hộ cho ông trong khi đối mặt với các cuộc điều tra của chính phủ liên bang.
Trang web GoFundMe ra mắt hôm thứ Năm, ban đầu đề ra chỉ tiêu 150.000 đôla tiền quyên góp của công chúng, đã vượt quá chỉ tiêu này chỉ trong vòng 4 giờ đồng hồ. Con số này đã được nâng lên 250.000.
Bước đi này cũng cho thấy cuộc chiến đang leo thang giữa ông McCabe và chính quyền Trump liên quan đến việc ông bị sa thải giữa những chỉ trích nặng nề của Tổng thống Donald Trump. Nó cũng cho thấy ông McCabe có thể đệ đơn kiện chuyện ông bị sa thải.
“Sự nghiệp FBI của Andrew McCabe rất dài, xuất sắc và không tì vết,” trang web này nói.
“Phần thưởng của ông ấy cho sự nghiệp đó là bị sa thải một cách hoàn toàn không thỏa đáng, giữa những lời lẽ tấn công cá nhân liên tục của Tổng thống Hoa Kỳ.”
Trang này đăng hình ông McCabe cùng với vợ và hai người con, và con chó Jeremiah của gia đình.
Ngày 16 tháng 3, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions loan báo đình chỉ công tác ông McCabe sau khi Tổng thanh tra Bộ Tư pháp kết luận rằng ông McCabe, một nhân viên kỳ cựu của Cục Điều tra liên bang, đã tiết lộ thông tin cho báo chí và nói dối các nhà điều tra về các hành động của ông.
Bản báo cáo được dùng làm cơ sở cho vụ sa thải vẫn chưa được công khai. Sau khi ông McCabe bị sa thải, ông Trump đã lên Twitter hớn hở tuyên bố đó là một “ngày tuyệt vời cho Dân chủ.”
Việc ông McCabe bị sa thải xảy ra chưa đầy hai ngày trước sinh nhật thứ 50 của ông, thời điểm mà ông hội đủ điều kiện để nghỉ hưu và được hưởng đầy đủ hưu bổng.
Ông McCabe đã phản bác những kết luận của văn phòng tổng thanh tra. Ông nói ông tin rằng ông đang đối mặt với hành động trả đũa của chính quyền vì ông là một nhân chứng trọng yếu trong việc liệu ông Trump có tìm cách cản trở một cuộc điều tra hình sự hiện đang được dẫn dắt bởi Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 hay không.
Dù là quan chức cao cấp thứ hai của FBI, ông McCabe tham gia sâu trong việc giám sát các cuộc điều tra liên quan đến cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton sử dụng một máy chủ email cá nhân, và cuộc điều tra về nghi án Nga thông đồng với ban vận động tranh cử của ông Trump. Ông Trump đã bác bỏ mọi sự thông đồng và Nga phủ nhận can thiệp bầu cử Mỹ.

Yêu cầu của Stormy Daniels

đòi Trump khai chứng bị bác

Một thẩm phán liên bang hôm thứ Năm bác một yêu cầu mang tính trình tự thủ tục của diễn viên khiêu dâm Stormy Daniels muốn ông ra lệnh cho Tổng thống Mỹ Donald Trump phải khai chứng hữu thệ sớm và một phiên xử nhanh chóng trong vụ kiện mà cô đệ trình chống lại ông Trump.
Thẩm phán khu vực tư pháp liên bang, S. James Otero, ở Los Angeles phán quyết rằng yêu cầu khám phá bằng chứng và xét xử nhanh chóng của cô Daniels, tên thật là Stephanie Clifford, hãy còn “sớm” và do đó phải bị bác. Vụ kiện đã được chuyển lên tòa án liên bang từ tòa án cấp bang California theo yêu cầu của ông Trump.
Luật sư của cô Daniels, Michael Avenatti, trước đó đã yêu cầu tòa án ra lệnh sớm lấy lời khai hữu thệ của ông Trump và luật sư của ông, Michael Cohen.
Thẩm phán Otero cho biết ông Trump và công ty Essential Consultants, một công ty mà ông Cohen lập ra để trả cho cô Daniels 130.000 đôla vào tháng 10 năm 2016, ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống, đã nói với tòa rằng họ có ý định yêu cầu một lệnh trả vụ kiện này về cho trọng tài phân xử.
Trong vụ kiện của mình, cô Daniels nói thỏa thuận giữ im lặng mà cô ký để nhận 130.000 đôla là không hợp lệ vì ông Trump đã không ký vào đó. Cô và luật sư của cô cũng tố cáo rằng khoản chi trả này là một khoản đóng góp phi pháp cho chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump.
Thẩm phán Otero phán quyết rằng vì đơn của ông Cohen và ông Trump yêu cầu trọng tài trong vụ việc chưa được đệ trình, vì thế hãy còn sớm để ông chấp thuận yêu cầu của cô Daniels có một phiên xét xử nhanh chóng và tiến trình khám phá bằng chứng có giới hạn trong vụ việc.
Nhưng sau phán quyết của ông Otero, ông Avenatti viết trên Twitter rằng lời lẽ trong lệnh của tòa án “không dự báo điều tốt lành cho các bị can và cho thấy có nhiều phần chắc Tòa án cuối cùng sẽ đồng ý với yêu cầu của chúng tôi về khám phá bằng chứng và một phiên xét xử.”
Ông Cohen và các luật sư làm việc cho ông không hồi đáp yêu cầu bình luận tức thì.

Nữ tiếp viên Cathay Pacific

giành được quyền mặc quần dài

Hãng hàng không Cathay Pacific của Hong Kong sẽ cho phép nữ tiếp viên được quyền mặc quần dài khi làm việc thay vì buộc phải mặc váy như trước. Quy định mặc váy từng áp dụng 72 năm qua đối với nữ nhân viên.
Theo tờ Time, trước áp lực mạnh mẽ của nghiệp đoàn lao động, hãng hàng không Cathay Pacific đã đồng ý cho nữ tiếp viên được quyền chọn mặc quần dài, thay vì chỉ mặc váy.
Năm 2014, các tiếp viên hàng không của Cathay Pacific đã đề nghị thiết kế lại đồng phục của họ vì thấy rằng nó không kín đáo và dễ dẫn tới các hành vi lạm dụng tình dục.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Tiếp viên hàng không của Dragon Airlines Hong Kong (công ty con của Cathay Pacific), bà Pauline Mak đã hoan nghênh và đánh giá cao quyết định của công ty khi cho phép nữ nhân viên tự chọn đồng phục.
Theo bà Mak, rất nhiều nữ tiếp viên đồng nghiệp của bà đã bày tỏ lo ngại về việc mặc váy ngắn trong khi làm việc, đặc biệt khi đưa hành lý của khách vào các khoang chứa bên trên đầu, cũng như khi tham gia giao thông sau thời gian làm việc.
Bà Mak khẳng định, quy định mới “không chỉ cho phép tiếp viên có nhiều lựa chọn trang phục hơn mà còn bảo vệ họ.”
Theo tờ South China Morning Post, các tiếp viên của Cathay Pacific đã vận động hành lang về việc mặc đồng phục mang tính bình đẳng giới trong nhiều năm, lập luận rằng quy định về đồng phục cũ không chỉ không hợp xu thế, mà còn nhiều giới hạn, khó thao tác khi làm việc.
Thay đổi trên sẽ được áp dụng trong đợt may mới đồng phục sắp tới, sớm nhất là sau 3 năm nữa.

Nga lại thử tên lửa liên lục địa Sarmat

Nga mới tiến hành thêm một cuộc thử tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng mới Sarmat dùng nhiên liệu lỏng, tờ Krasnaya Zvezda của Bộ Quốc phòng Nga loan tin hôm 30/3.
Tờ báo cho hay cuộc thử mới nhất tại bãi phóng tàu vũ trụ Plesetsk “đã xác nhận các thông số của hệ thống trong phần chuẩn bị phóng và giai đoạn bay ban đầu của tên lửa”.
Bên cạnh đó, Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga đã đánh giá độ chuẩn của thiết kế và “các giải pháp kỹ thuật được sử dụng trong việc chế tạo khối phức hợp tên lửa liên lục địa”, tờ báo cho biết.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/3 đã thông báo về “các cuộc tập bắn vừa hoàn thành” diễn ra trên biển Baltic.
Bộ Quốc phòng Latvia cũng hôm 29/3 nói họ quan ngại về thông báo bất ngờ của Nga rằng nước này sẽ thử tên lửa ở Biển Baltic nằm giữa Latvia và Thụy Điển từ 06:00 đến 18:00 ngày 4 và 6/4.
Bộ đã triệu vị tùy viên quân sự Liên bang Nga đến và bày tỏ không hài lòng về tình hình.
Bộ đã yêu cầu Nga cung cấp thông tin chi tiết về các hoạt động dự kiến trong vùng đặc quyền kinh tế của Latvia cũng như về cách thức đảm bảo an ninh khi diễn ra việc phóng tên lửa.
Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc tuyên bố Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ đón tiếp các nhà lãnh đạo của Estonia, Latvia và Lithuania đến họp thượng đỉnh Baltic tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 3/4.

Tổng thống Trump tuyên bố

Mỹ sẽ nhanh rút quân khỏi Syria

Quân nhân Hoa Kỳ sẽ « nhanh chóng » rời khỏi Syria trong bối cảnh quân thánh chiến thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo gần như hoàn toàn bại trận. Thông tin được tổng thống Donald Trump đưa ra trong bài diễn văn tại Ohio ngày 29/03/2018 khi ông nhiều lần nhắc lại : « Chúng ta sẽ rời khỏi Syria, trong thời gian rất nhanh. Chúng ta sẽ về nước » nhưng ông không nêu thêm chi tiết.
Theo AFP, tuyên bố của tổng thống Mỹ dường như trái ngược với chiến lược của Mỹ tại Syria, được cựu ngoại trưởng Rex Tillerson công bố vào giữa tháng 01/2018. Hoa Kỳ đã triển khai gần 2.000 quân trên thực địa và chỉ rút khỏi Syria chừng nào tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo bị bại trận hoàn toàn, đồng thời cũng nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Iran và giúp lật đổ tổng thống Bachar Al Assad.
Trên thực địa, vùng Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damas, « gần như sạch bóng thành phần khủng bố », theo phát biểu của ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov trong buổi họp báo ngày 29/03 với ông Staffan de Mistura, đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria.
Ngoại trưởng Nga khẳng định « Cuộc sống của thường dân sẽ được tái lập ». Từ nay đến Chủ Nhật 01/04 hoặc thứ Hai 02/04, « người dân sẽ được đưa về nhà ở Đông Ghouta để bắt đầu cuộc sống bình thường ». Vẫn theo ông, hơn 130.000 người tị nạn và hơn 11.000 chiến binh đã rút khỏi Đông Ghouta thông qua các hành lang nhân đạo.

Mêkông : Ủy Hội MRC

dần thừa nhận hậu quả đáng sợ của thủy điện

Hội nghị thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mêkông mở rộng (GMS) lần thứ 6 tại Hà Nội vừa khai mạc ngày 29/03/2018, sẽ diễn ra đến ngày 31/3. Chính phủ Việt Nam coi đây là một sự kiện ngoại giao « quan trọng hàng đầu », cho phép mở rộng hợp tác giữa các nước trong tiểu vùng. Mêkông, « dòng sông mẹ » của dân cư Đông Nam Á lục địa, được hy vọng trở thành cầu nối cho hợp tác và phát triển bền vững của khu vực. Tuy nhiên, kế hoạch xây hơn 100 đập thủy điện trên dòng sông trong đó có 11 đập trên dòng chính, cộng với các đập khổng lồ đã có tại Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa… đe dọa tương lai của hạ lưu.
Một số nghiên cứu mới đây tái khẳng định viễn cảnh đen tối này. Phát triển thủy điện trên Mêkông có thể mang lại chút ít lợi nhuận, nhưng tổn hại là khôn lường. Tiếng nói của các nhà khoa học, giới bảo vệ môi trường, sau một thời gian bị gạt sang lề, dường như đang dần được giới cầm quyền lắng nghe.
RFI xin giới thiệu trước hết các nhận định của nhà báo Tom Fawthrop, người gắn bó từ 30 năm nay với vùng Đông Nam Á. Trong bài viết, được đăng tải trên trang mạng của viện tư vấn Lowy, nhà báo Anh nhấn mạnh đến nghiên cứu « tiên phong » của một ê-kíp quốc tế, đặt cơ sở tại Trung tâm nghiên cứu về quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường (NREM), ở Đại học Mae Fah Luang, Chiang Rai, Thái Lan.
Đánh giá quá cao lợi nhuận do thủy điện
Nghiên cứu về « Đánh giá hệ quả kinh tế của các dự án đập thủy điện tại vùng hạ lưu sông Mêkông », được tiến hành hồi năm ngoái, cập nhập đầu năm nay, cho thấy thiệt hại tổng thể về kinh tế cho 50 năm tới, nếu toàn bộ 11 dự án đập hoàn tất và đi vào hoạt động, là hơn 7 tỉ đô la. Nhà kinh tế Anh David Wood, một trong các thành viên của nhóm nghiên cứu, phê phán các nghiên cứu tiền khả thi của Ủy Hội Sông Mêkông (MRC – Mekong River Commission), là đã dựa trên « nhiều giả thuyết sai lầm » và đã « đánh giá thấp (các hậu quả), trong khi lại đánh giá quá cao thu nhập từ bán điện do các đập sản xuất ra ».
Hồi 2011, Ủy Hội Sông Mêkông – cơ quan tư vấn liên chính phủ của bốn nước hạ nguồn Mêkông, gồm Việt Nam, Lào, Cam Bốt và Thái Lan – đã đưa ra con số lợi nhuận 30 tỉ đô la, thu được từ các đập thủy điện, với 11 con đập được xây dựng. Theo nghiên cứu của nhóm Đại học ở Chiang Rai, Thái Lan, thiệt hại tổng hợp do mất nguồn cá, phù sa, và các tác động xã hội khác, là « cao hơn nhiều so với lợi nhuận từ thủy điện ».
Từ đó đến nay, Ủy Hội Mêkông đã có một số thay đổi trong đánh giá tác động . Năm 2016, Ủy Hội Mêkông đã công bố một nghiên cứu khác, điều chỉnh lại các tính toán, theo đó lượng cá sông tự nhiên đánh bắt tại bốn nước Mêkông trị giá 11 tỉ đô la. Cam Bốt có nguy cơ là nước bị thiệt hại nặng nhất về mặt này, bởi cá là 80% nguồn protein hàng năm của người dân xứ Chùa tháp, trị giá tới 12% GDP nước này.
Theo nhà báo Tom Fawthrop, Ủy Hội Mêkông đã tiếp tục có một số tiếp thu trong báo cáo đánh giá tác động mới, được công bố hồi tháng 2/2018. Báo cáo rất được trông đợi này cho thấy dường như Ủy Hội Mêkông đang dần dần hướng đến thừa nhận « các hệ quả thảm khốc » của các đập thủy điện, và dường như đang trên đường đi đến chỗ khẳng định các đánh giá lạc quan trước đây là sai lầm. Điều phối viên nghiên cứu của MRC, ông Suthy Heng, cho nhà báo Anh biết đã bổ sung thêm hai kết quả nghiên cứu mới vào điều tra của Ủy Hội, do nhiều ưu điểm « về phương pháp luận » cũng như « về dữ liệu ».
Cần tính đủ các « dịch vụ sinh thái » 
Nhà báo Tom Fawthrop nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phương pháp luận « dịch vụ sinh thái » có thể dẫn đến những thay đổi có tính quyết định trong việc đánh giá tác động của các đập thủy điện đến hạ lưu.
Trước đây trong các tranh luận về hệ quả của đập thủy điện, trong giới chuyên gia, người ta rất ít thừa nhận rằng, ngoài nguồn lợi về cá, dòng sông có thể mang lại « nhiều dịch vụ sinh thái » khác, như về chất lượng y tế, về phương tiện vận tải, du lịch, về môi trường thiên nhiên… Nghiên cứu về « các dịch vụ sinh thái » là một nhánh còn tương đối mới của khoa kinh tế học.
Nhà báo Tom Fawthrop nhấn mạnh là việc áp dụng tiếp cận « dịch vụ sinh thái », tính đến các lợi ích sâu xa và nhiều mặt của dòng Mêkông, cho phép mở ra một hướng đi mới, thách thức lập trường kinh tế và chính sách « chủ lưu », có khuynh hướng « chật hẹp » hiện nay.
Theo một chuyên gia về đập thủy điện trên dòng Mêkông, ông Apisom Intralawan, thì cho dù các nghiên cứu theo quan điểm « dịch vụ sinh thái » có thể còn thiếu dữ liệu chính xác, thế nhưng có một thái độ « thận trọng » trong đánh giá chắc chắn « vẫn tốt hơn nhiều » so với thái độ coi giá trị dịch vụ của dòng sông chỉ là số không. Mà trong khi chưa tính hết được các thiệt hại, thì quan điểm nên dừng lại để chờ đợi vẫn là khôn ngoan, sáng suốt hơn cả. Không đợi đến lúc mất bò mới lo làm chuồng.
Điện mặt trời hạ giá đẩy thủy điện vào thua lỗ
Bên cạnh tiếp cận dịch vụ sinh thái, một nhân tố mới cũng đang khiến vấn đề thủy điện và môi trường Mêkông có thể có những diễn biến đột phá trong thời gian tới. Đó là xu hướng các nguồn năng lượng tái tạo đang ngày càng trở nên phổ cập, bởi giá rẻ, dễ vận hành, có thể không xa sẽ là nguồn thay thế cho thủy điện. Đình hoãn các đập thủy điện là chính sách « ít mạo hiểm nhất » và « con đường duy nhất » để bảo vệ nghề cá và đời sống cư dân hạ lưu, nhà báo Tom Fawthrop kết luận.
Về ý tưởng này, trả lời RFI, nhà nghiên cứu độc lập về môi trường Nguyễn Hữu Thiện (Cần Thơ) giải thích thêm, ông đồng thời đặc biệt nhấn mạnh đến góc độ thiệt hại về phù sa do thủy điện đe dọa sự sống còn của đồng bằng Cửu Long, đến ổn định xã hội tại khu vực đầu tầu kinh tế của Việt Nam :
« Gần đây vào tháng 2/2018 chúng ta đều biết là Thái Lan đã tạm hoãn hợp đồng mua điện từ đập Pak Beng để rà soát lại Quy Hoạch Điện của Thái Lan. Kết quả chưa biết thế nào, nhưng nếu Thái Lan mà không mua điện từ các đập của Lào, thì các đập này khó mà xây dựng được thêm nữa, vì không có thị trường bán điện.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thiện (Cần Thơ) 30/03/2018 Nghe
Trong tình hình năng lượng mặt trời đang trở thành xu hướng trên thế giới hiện nay, thì giá thành giảm rất nhanh và công nghệ để lưu trữ năng lượng mặt trời và hòa vào mạng lưới đã có, tôi cho rằng chỉ trong vòng 5-10 năm nữa thì thủy điện sẽ không thể cạnh tranh được. Do đó, nếu các đập thủy điện vẫn được xây dựng, thì các nhà đầu tư sẽ thua lỗ và bỏ chạy, nhưng khi đó thì dòng sông Mêkông và đời sống hàng chục triệu người đã bị hủy hoại rồi, sẽ rất đáng tiếc. 
Đẩy mạnh điện mặt trời để cứu đồng bằng Cửu Long
Các chính phủ trong vùng Mêkông vì vậy nên nghiêm túc xem xét việc đầu tư vào phát triển năng lượng mặt trời và điện gió trong vùng này để thay thế cho thủy điện. 
Nếu vẫn tiếp tục xây dựng các đập thủy điện, đồng bằng sông Cửu Long sẽ gia tăng sạt lở, hiện nay đang sạt lở dữ dội rồi. Có thể đến cuối thế kỷ thì 50% diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ biến mất khỏi bản đồ do sạt lở. Tác động đối với đồng bằng sông Cửu Long có thể dẫn đến những bất ổn về xã hội, do đó điều này nên được xem như một vấn đề an ninh phi truyền thống của khu vực, trong đó ASEAN và cộng đồng quốc tế nên quan tâm. Các quốc gia là đối tác phát triển của khu vực Mêkông và các định chế tài chính quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng ADB, nên thành lập quỹ Mêkông để thúc đẩy đầu tư vào năng lượng mặt trời và gió, trong khu vực Mêkông để thay thế thủy điện ».

Trung Quốc siết gọng kềm

kiểm duyệt doanh nghiệp nước ngoài

Tại Trung Quốc, sử dụng phần mềm vượt tường lửa kiểm duyệt trở thành phức tạp hơn : người dân Hoa lục và các công ty quốc tế nhận thêm một vòng kim cô kể từ ngày 31/03/2018. Mạng ảo VPN bị nghiêm cấm. Muốn sử dụng phải thuê đường dây của….Nhà nước. Từ ngày Tập Cận Bình lên cầm quyền, không gian tự do tương đối của thời mở cửa khép lại dần dần.
Từ năm 2009, khi chính quyền Trung Quốc khóa chận các mạng xã hội như Facebook, Google, Twitter, Youtube…vẫn có hàng chục triệu cư dân mạng sử dụng mạng lưới ảo VPN (virtual private network) để vượt bức tường kiểm duyệt, nối kết, tiếp cận thông tin đa chiều.
Nhưng từ ngày 31/03/2018, những « con đường hầm thông tin » này sẽ bị đặt trong sự quản lý của « Tường thành lửa » Trung Quốc. Lệnh mới bắt buộc tư nhân và doanh nghiệp phải chọn một trong số dịch vụ VPN ít ỏi được chế độ Cộng Sản cho phép. Hồi tháng Giêng, giới phóng viên ở Bắc Kinh được một quan chức của bộ Công Nghiệp và Công Nghệ Thông Tin cho biết « mọi công ty nước ngoài muốn trang bị một hệ thống tiếp cận thông tin riêng phải gắn một đường dây « đối tiếp » hoặc thuê của cơ quan viễn thông Nhà nước ».
Cho đến nay, để tránh kiểm duyệt, nhiều công ty ngoại quốc thuê công cụ VPN riêng đặt ở ngoài Hoa lục. Nhờ vậy mà các doanh nghiệp này có thể liên lạc qua các mạng xã hội bị cấm hoạt động tại Trung Quốc và để quản trị công ty qua internet. Từ nay, họ phải qua dịch vụ trung gian của ba công ty Trung Quốc.
Chủ tịch Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải, Kenneth Jarret, dự báo : các doanh nghiệp nước ngoài và nhân viên của họ có nguy cơ bị thiệt hại do các biện pháp trói buộc mới này. Hầu hết các công ty nước ngoài, nhất là các doanh nhân và công ty nhỏ dùng công cụ kỹ thuật số của Google Analytics, Google Scholar. Họ càng thêm bất bình khi bị hạn chế sử dụng VPN giá rẻ.
Dụng ý của chính quyền Trung Quốc
Một chuyên gia « tường lửa » của GreatFire.org, nhóm tranh đấu chống kiểm duyệt cho rằng Bắc Kinh dùng chiến thuật « một công hai việc » : thứ nhất là loại trừ đối thủ cạnh tranh VPN giá thấp, một mình chiếm lĩnh lợi nhuận và thứ hai là để siết chặt hơn nữa quyền tự do thông tin. Nói cách khác, giới doanh nghiệp nước ngoài nằm trong quyền sinh sát của các công ty dịch vụ Trung Quốc.
Giới doanh nhân ngoại quốc phản ứng ra sao ? Một nữ giám đốc xin dấu tên nhìn nhận « là phải chịu thôi, nếu không muốn hoạt động bị xáo trộn, bị trừng phạt ».
Tháng 12/2207, một công dân Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng VPN « bất hợp pháp » và bị tuyên án 5 năm tù cộng thêm 500.000 tệ ( 70.000 đôla).
Nói và…làm ngược
Theo tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, gọng kềm kiểm duyệt thông tin từngười bước siết chặt từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền vào năm 2012. Vào năm 2013, tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc của Tập Cận Bình cam kết « tăng cường » các biện pháp bảo đảm tự do ngôn luận và tự do báo chí được manh nha xuất hiện dưới thời Hồ Cẩm Đào, phá rào đề cập đến ý kiến phản biện, thông tin đa chiều. Thế nhưng, thay vì « tăng cường tự do » thì Tập Cận Bình « củng cố kềm kẹp ». Ngay từ 2013, qua chiến dịch « chống tin đồn », chủ tịch Trung Quốc bắt đầu siết lại kiểm duyệt. Báo chí Nhà nước và tư nhân bị đặt dưới sự quản chế trực tiếp của Ban Tuyên truyền của đảng Cộng Sản, đầy thế lực. Mỗi ngày, cơ quan này triệu tập tổng biên tập từng nhật báo để trao một danh sách sự kiện nào cần đưa ưu tiên, thông tin nào bị cấm.
Đến tháng 7/2016, trong bối cảnh Panama Papers tiết lộ tên tuổi những người dấu tiền ở các thiên đường thuế, Bắc Kinh cấm trích dẫn thông tin trên mạng để viết bài.
Tháng 6/2017,Cơ quan không gian mạng Trung Quốc ACC buộc các cơ quan truyền thông mỗi khi muốn phổ biến thông tin trên các diễn đàn xã hội liên quan đến chính phủ, quân đội, kinh tế, xã hội…. đều phải xin phép. Một đạo luật mới được ban hành tăng cường sự thống trị của đảng Cộng Sản trên các cơ quan truyền thông trên mạng : Khóa chặt « con đường hầm vượt tường lửa » cuối cùng là điều tất yếu đối với chủ tịch Tập Cận Bình, sau khi chiếm được thế độc tôn với nhiệm kỳ không giới hạn. Lần này, giới đầu tư nước ngoài được thấm thía.

Pháp ủng hộ lực lượng Kurdistan-Syria

Tiếp phái đoàn đại diện Lực Lượng Dân Chủ Syria (FDS) tại điện Elysée ngày 29/03/2018, tổng thống Emmanuel Macron cho biết nước Pháp tiếp tục ủng hộ các chiến binh Syria Ả Rập và Kurdistan. Lực lượng võ trang này được Paris và Washington xem là thành phần nòng cốt trong cuộc chiến chống Daech ở miền bắc Syria, nhưng bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.
Trong bản thông cáo, tổng thống Pháp « khẳng định ưu tiên cho cuộc chiến đấu, khi mà nguy cơ Daech còn tồn tại. Nước Pháp sẽ ủng hộ lực lượng Dân Chủ Syria FSD, nhất là để ổn định tình hình an ninh ở vùng đông-bắc Syria đề phòng Deach hồi sinh ».
Sau cuộc gặp này, Asiya Abdella, một thành viên trong phái bộ FDS cho biết Pháp sẽ gửi quân sang Manbij, mục tiêu sắp tới của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sau khi đã chiếm được Afrin. Paris rất kín đáo về số quân thuộc lực lượng đặc biệt đóng tại Syria và nói là không có dự kiến một chiến dịch nào khác ở Syria, ngoài những cam kết trong liên minh quốc tế.
Để trấn an Akara, tổng thống Pháp tuyên bố Paris chống PKK, phong trào Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như quan tâm đến mối lo an ninh của Ankara. Khẳng định Lực Lượng Dân Chủ Kurdistan FDS ở Syria cam kết không liên quan gì đến các hoạt động khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Pháp đề nghị làm « trung gian hòa giải » giữa Ankara và FDS.
Tuy nhiên, đề nghị của Paris đã bị tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?