Tin Việt Nam – 30/03/2018

Tin Việt Nam – 30/03/2018

Giới xã hội dân sự ra tuyên bố về các trạm BOT

Một số tổ chức xã hội dân sự cùng nhiều cá nhân ngày 30 tháng 3 đã ra một bản tuyên bố tố cáo đa số các dự án BOT cầu đường có sự câu kết bất minh giữa các nhà đầu tư và một số quan chức chính quyền địa phương và trung ương.
Bản tuyên bố nhận định chủ đầu tư và một số quan chức chính quyền đã tìm cách móc túi người dân qua các hình thức như đặt trạm sai chỗ, đặt quá nhiều trạm và đặt trạm ở những nơi không cần thiết.
Nhiều nhà đầu tư chi tiền cho quan chức tham nhũng để chạy xin giấy phép thực hiện dự án, sau đó nâng khống vốn xây dựng để thu tiền của người dân.
Chính sự kết cấu để trục lợi giữa các nhóm lợi ích và quan chức đã khiến người dân phẫn nộ, phải đứng lên đấu tranh phản đối phi bạo động và hợp pháp. Đỉnh điểm của những phản đối của người dân bắt đầu từ tháng 11/2017 và kéo dài cho đến nay trên toàn quốc.
Theo bản tuyên bố, nhà nước đã có quy định cụ thể về xây dựng trạm BOT nhưng các quan chức tham nhũng đã phớt lờ hoặc tìm cách lách luật. Quy trình xây dựng trạm từ khâu lập dự án đến khi đấu thầu chưa công khai minh bạch. Ngoài ra, người dân không được biết lệ phí được tính bằng cách nào mặc dù họ là những người bỏ tiền chi trả.
Từ những bất cập trên, các tổ chức và cá nhân hoạt động xã hội dân sự đã yêu cầu Nhà nước phải nhanh chóng thanh tra tất cả các dự án BOT để làm rõ sự cấu kết giữa nhà đầu tư với các quan chức tham nhũng. Nếu phát hiện vi phạm phải dừng các dự án và khởi tố những người vi phạm. Việc xây dựng các trạm BOT phải được công khai minh bạch. Và cần khuyến khích người dân đấu tranh bất bạo động và hợp pháp khi thấy bất bình.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam

thăm nghĩa trang Quân đội Biên Hòa.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink cùng Tổng lãnh sự tại thành phố Hồ Chí Minh, bà Mary Tarnowka thăm viếng Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa và thắp hương ở Nghĩa Dũng Đài vào ngày 29 tháng 3.
Trên trang Facebook cá nhân, ông Kritenbrink cho biết thông tin vừa nêu. Ông Đại sứ Kritenbrink còn cho biết, hồi tháng Giêng vừa qua ông đến viếng những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh Việt Nam tại Sân bay Biên Hòa.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam chia sẻ trên trang fanpage của ông rằng “Trong quá trình chúng ta hợp tác để hàn gắn vết thương chiến tranh và như một phần của quá trình hàn gắn, chúng ta bày tỏ sự tôn trọng đối với tất cả những người đã hy sinh thân mình, bất kể họ đứng ở bên nào.”
Ông Kritenbrink nhấn mạnh rằng nếu Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục ghi nhận quá khứ qua những bước đi như thế, thì sẽ tiến đến một tương lai tươi sáng hơn trong mối quan hệ đối tác giữa hai quốc gia.
Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa được xây dựng vào năm 1967, nay được gọi tên là Nghĩa trang Bình An. Nơi đây chôn cất hàng ngàn ngôi mộ của binh sĩ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên trong hơn 4 thập niên qua, rất nhiều ngôi mộ bị xuống cấp nghiêm trọng, do không được chăm sóc, bảo quản vì việc thăm viếng ở nghĩa trang này thường bị chính quyền địa phương gây khó dễ.
Hội Người Mỹ gốc Việt (VAF), một tổ chức thiện nguyện ở Mỹ khởi xướng chương trình trùng tu các ngôi mộ ở Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa từ năm 2007. Giới chức ngoại giao và một số vị Dân biểu Hoa Kỳ kêu gọi Chính phủ Việt Nam hợp tác với VAF trong việc trùng tu toàn diện nghĩa trang này.
Theo số liệu của VAF, trong thời gian từ tháng 5/2014 đến hết tháng 12/2016, tổ chức này đã trùng tu tổng cộng hơn 5.800 ngôi mộ tại Nghĩa trang Biên Hòa.

Bản án của Đinh La Thăng

và hệ thống tư pháp Việt Nam

Diễm Thi, RFA
Phiên tòa xử các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh là một trong những phiên tòa đầu tiên được áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự mới có hiệu lực từ 1/1/2018, đó là chú trọng, đảm bảo tối đa quyền tranh tụng của những người tham gia tố tụng. Phiên tòa này cũng không có vành móng ngựa. Thế nhưng phần tự bào chữa của các bị cáo lại khiến dư luận đặt dấu hỏi về hệ thống tư pháp hiện nay ở Việt Nam.
Quan điểm án tại hồ sơ
Sau 5 ngày xét xử, sáng 29/3/2018, ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam – PVN bị tuyên mức án 18 năm tù và phải bồi thường 600 tỷ đồng về tội Cố ý làm trái trong vụ án gây thiệt hại 800 tỉ đồng của PVN đầu tư vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank).
Trước đó một tuần, trong phần tự bào chữa trước tòa sau khi Viện Kiểm Sát (VKS) công bố bản luận tội sáng 22/3/2018, ông Đinh La Thăng phủ nhận cáo trạng của VKS về việc ông đã có hành vi che giấu sai phạm trong việc PVN góp vốn vào OceanBank. Ông Thăng nói thêm rằng chỉ khi Thủ tướng đồng ý rồi thì PVN mới thực hiện đầu tư và ông đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét kỹ việc OceanBank bị Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng, vì đây là căn nguyên dẫn đến sự việc hiện nay.
Trong một phiên tòa khác diễn ra vào tháng 1/2018, ông Thăng khai rằng những quyết định của ông khi còn đứng đầu Tập đoàn dầu khí Việt Nam là do đường lối của Bộ Chính trị, trong đó có quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Thế như ng tòa án không triệu tập ông Nguyễn Tấn Dũng để đối chất.
Nhà nghiên cứu chính trị, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định:
Trước đây người ta cũng đưa ra văn bản viết rất rõ là ông Thủ tướng đồng ý cho làm thì việc ông Thăng bỏ 800 tỷ vô ngân hàng kia (Ocean Bank) là không sai. Rất tiếc họ tuyên án 18 năm tù. Đấy là cái mình nhìn từ bên ngoài vào thấy nó không ổn đâu. Bảo là Thủ tướng đồng ý cho làm thì lúc nào ổng chả đồng ý, nhưng cài thêm câu làm cho đúng pháp luật thì làm cũng chết mà không làm cũng chết. Hôm nay xử ông Thăng 18 năm tù và bồi thường 600 tỷ. Cá nhân tôi nói rõ là không đúng.
Còn theo quan điểm của luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông tại TPHCM thì ông thấy điều đó không đúng vì luật quy định rất rõ là tất cả những chứng cứ hoặc yêu cầu vừa gỡ tội vừa buộc tội của các bên phải được áp dụng một cách bình đẳng.
Ông cho biết chức năng của VKS là truy tố, buộc tội thì khi họ đề nghị những thành phần nào ra tòa thì hầu như tòa chấp nhận ngay. Vậy nên khi luật sư hoặc của chính bị cáo muốn yêu cầu ai ra tòa đối chất để chứng minh sự vô tội hoặc giảm nhẹ tội thì lẽ ra tòa án nên chấp nhận. Thí dụ ông Thăng khai có sự đồng ý của Thủ tướng chính phủ, thậm chí chủ trương của Bộ chính trị thì cần phải có sự đối chất tại tòa. Mọi việc phải được giải quyết tại tòa. Ông nói thêm:
Luật có quy định rất rõ rằng bản án tại tòa phải căn cứ vào quá trình thẩm tra toàn bộ đầy đủ các chứng cứ tại tòa chứ không phải tại hồ sơThông thường trong trường hợp tòa từ chối thì tòa sẽ nói đã có chứng cứ về việc đó hoặc đã có lời khai của thủ tướng, thí dụ vậy, cho nên không cần triệu tập ông thủ tướng nữa. Thật ra điều đó không đúng. Quan điểm đó là quan điểm án tại hồ sơ. Trong khi quy định của Bộ luật tố tụng hình sự là tất cả mọi thứ phải thẩm định, thẩm tra tại tòa và án thì căn cứ vào kết quả của quá trình đó mà tuyên, cho nên tôi thấy yêu cầu của ông Thăng là chính đáng và tòa không chấp nhận thì tôi cho là đáng tiếc. Và điều đó nó sẽ đưa đến hậu quả là bản án tòa tuyên người ta sẽ không tâm phục khẩu phục.
Khác với ông Đinh La Thăng, ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức cao cấp dầu khí Việt Nam, trong phần tự bào chữa trước tòa hôm 25/1/2018 đã rất kiệm lời và chỉ nói vắn tắt rằng “Có bào chữa cũng bằng không”. Luật sư Mạnh nhận định về điều này:
Ông Thanh là người từ chế độmà ra. Trước khi ra tòa ông từng leo lên chức Phó chủ tịch của một tỉnh cho nên ổng rất hiểu cái sinh hoạt của tư pháp Việt Nam, của tòa án Việt Nam. Do đó ông biết rằng việc tự bào chữa tại tòa có giá trị tới mức độ nào. Ông rất hiểu nên ông phát biểu dựa trên sự hiểu biết của ông.
Hệ thống tư pháp và yếu tố chính trị
Điều 2, Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân” nên “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Do đó, mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền ở Việt Nam không phải và không thể “Tam quyền phân lập”.
Vì không chấp nhận tam quyền phân lập nên dư luận cho rằng có yếu tố chính trị trong các vụ án xử các quan chức cao cấp. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận xét về hệ thống tư pháp ở Việt Nam hiện nay:
Theo tôi biết thì hệ thống tòa án ở Việt Nam nó không rõ. Những công bố từ tòa ra, hồ sơ điều tra và cả quá trình điều tra không ai biết cả. Một hệ thống tư pháp mà không độc lập với chính trị thì nó xảy ra những chuyện như vậy.
Phiên xử các quan chức cao cấp là chuyện không thường thấy ở Việt Nam trước đây. Nhà báo Nate Fischler từng nhận định trên trang web Asia Times ngay sau phiên xử ông Đinh La Thăng từ hôm 22/1/2018 rằng “xét đến chức vụ cao của ông Thăng thì việc kết án ông thật đáng ngạc nhiên vì các cựu ủy viên Bộ Chính Trị trước đây dù có tham nhũng đều được bỏ qua, không có ai bị đưa ra tòa.”
Dư luận cho rằng có yếu tố chính trị trong các phiên xử này, rằng đảng cộng sản xử chứ không phải tòa án xử vì Việt Nam hiện vẫn không chấp nhận thể chế “Tam quyền phân lập”. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói:
Bây giờ thanh trừng lẫn nhau thì nhìn đã thấy, thế nhưng ẩn đằng sau trị người này mà không trị người kia thì không rõ lắm bởi vì bản thân cái hệ thống tư pháp đã không rõ. Tham nhũng thì tràn lan và bây giờ người ta sờ vào đâu cũng thấy nhưng việc bắt thì lại không rõ, xử lại không rõ nên xử lý kiểu gì nó cũng vướng. Rồi liên quan đến chính trị. Người ta đem một cái thứ chính trị nào đó ra mà nó không đúng thì người ta lại xử lý hình sự một người nào đó. Nhìn vào là thấy ngay thôi à. Cái đó là cái mà bao nhiêu cải cách pháp luật Việt Nam chưa làm được cho tốt hơn.
Một khi tòa án là công cụ của đảng cộng sản thì chuyện người dân luôn bị những bản án bất công là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó là việc tuyên các bản án dựa trên hồ sơ chứ không phải trên kết quả thẩm định, thẩm tra tại tòa theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam.

Pháp đưa nhân quyền lên hàng đầu

trong tuyên bố chung, liệu VN có thay đổi?

Tuyên bố chung Việt – Pháp đưa ra sau chuyến thăm của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy hai bên đã thống nhất đặt vấn đề dân chủ nhân quyền lên mục thứ hai, nhưng có thể coi là mục đầu tiên bởi vì thực chất điều 1 thường chỉ mang tính chất ngoại giao.
Trong số 29 điều được nêu ra trong bản tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Pháp, có thể nhìn thấy ngay mục về nhân quyền nằm trong điều thứ 2 , nguyên văn như sau:
“Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản phù hợp với mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với những cam kết quốc tế mà hai bên cùng tham gia ký kết, vì sự phát triển của mỗi nước.”
Như vậy trong chuyến thăm lần này chuyện nhân quyền có vẻ như được Pháp quan tâm ưu ái hơn so với bản tuyên bố chung năm 2013 khi ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Paris, lúc đó nhân quyền được đặt xuống mục thứ 6.
Từ Hà Nội, nhà hoạt động dân sự Tiến sĩ Nguyễn Quang A đánh giá bản tuyên bố chung lần này là một bước tiến quan trọng cho thấy Pháp quan tâm hơn đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Mặc dù trong buổi họp báo, phía Pháp không hề nhắc đến nhân quyền, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng Pháp quan tâm đến kết quả thực chất hơn là sự quảng cáo rầm rộ.
Tôi nghĩ đó là điều đáng mừng về phía chính phủ Pháp và tôi nghĩ chắc chắn nó sẽ có tác động nào đó đến cách hàng xử của chính quyền Việt Nam. Bởi vì thực sự Hiệp định Tự do Thương mại song phương giữa Việt Nam và EU tuy đã đàm phán xong rồi nhưng vẫn chưa được ký và năm 2018 là một năm bản lề trong việc có ký hay thông qua được hay không.
Tôi nghĩ đó là điều đáng mừng về phía chính phủ Pháp và tôi nghĩ chắc chắn nó sẽ có tác động nào đó đến cách hàng xử của chính quyền Việt Nam. 
- TS. Nguyễn Quang A
Chuyến thăm Pháp của ông Nguyễn Phú Trọng lần này được nhận xét mục đích muốn thúc đẩy Hiệp định Tự do Thương mại với EU sẽ được ký trong năm nay. Khối EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ sau Hoa Kỳ. Nhưng kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng việc áp thuế lên nhiều mặt hàng của Việt Nam như nhôm, thép, và thậm chí cá ba sa bị đánh thuế lên đến hơn 100%.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhắc lại vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh được nói là bị Việt Nam bắt cóc từ Đức. Ông Nguyễn Quang A cho rằng đây là hành động làm mất hình ảnh của Việt Nam trong mắt cộng đồng châu Âu, mà theo ông chính ông Nguyễn Phú Trọng là người ra lệnh.
Ông Trịnh Xuân Thanh là một quan chức bị cáo buộc tham nhũng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, trốn sang Đức xin tị nạn vào năm 2016.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng Việt Nam đang muốn gỡ gạc lại những tiếng xấu bấy lâu nay lan truyền trong cộng đồng châu Âu, vì vậy có thể sẽ thay đổi một số chính sách về nhân quyền:
Tôi nghĩ rằng chắc chắn nó sẽ có tác động nào đấy nhưng bảo rằng nó sẽ có tác động quyết định hoặc rất lớn đến cách ứng xử của chính quyền Việt Nam thì tôi nghĩ rằng không, bởi vì đối với chính quyền Việt Nam họ cân nhắc rất nhiều yếu tố và chính quyền Việt Nam chỉ thay đổi khi áp lực ở nước ngoài như trường hợp này chứng tỏ tăng lên nhưng áp lực trong nước cũng phải tăng lên. Và bản thân họ thấy rằng nếu có thỏa mãn áp lực bên trong và bên ngoài đó thì họ mới giữ được vị thế của mình.
Cuối năm ngoái, Đại diện lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã lên tiếng yêu cầu EU không nên đưa nhân quyền vào nội dung Hiệp định Tự do Thương mại giữa hai phía, viện lý do là Việt Nam luôn phối hợp với quốc tế để bảo vệ tốt hơn quyền con người.
Trước khi ông Nguyễn Phú Trọng sang Pháp, một số tổ chức về nhân quyền như Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, và Hội Nhân quyền Pháp quốc, đã ký tên chung bức Thư Ngỏ gửi Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron yêu cầu Tổng Thống áp lực Việt Nam giải toả đàn áp nhân quyền và tôn giáo, huỷ bỏ các điều luật phản chống nhân quyền, và trả tự do cho các tù nhân lương tâm.
Ông Andrea Giorgetta, Trưởng Phòng Á Châu của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền nói với RFA:
Hiển nhiên Việt Nam là cựu thuộc địa Pháp, nhưng ngày nay ảnh hưởng Pháp vẫn còn trên các lĩnh vực văn hoá, chính trị và kinh tế. Thật là điều quan trọng khi Tổng Thống Macron gửi một thông điệp thẳng thắn tới Tổng Bí thư Trọng làm sáng tỏ tình trạng nhân quyền sa sút tại Việt Nam, đặc biệt về hoàn cảnh các tổ chức xã hội dân sự bị o ép trong một không gian khép kín, việc sử dụng các điều luật hạn chế nhân quyền, và không ngừng tiếp diễn đàn áp tự do ngôn luận, biểu tình và tự do tôn giáo.
Ngoài ra, Tổ chức Phóng viên Không biên giới cũng yêu cầu chính phủ Pháp đặt 3 câu hỏi bị cho là “cấm” về nhân quyền ở Việt Nam và yêu cầu ông Nguyễn Phú Trọng trả lời.
Khi họ đưa vấn đề dân chủ nhân quyền lên hàng thứ hai, điều đó chứng minh Liên minh châu Âu đã coi trọng nhân chủ nhân quyền của Việt Nam
- Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa
Chúng tôi cũng trao đổi với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức bảo vệ dân chủ nhân quyền ở Việt Nam thời gian qua bị đàn áp bắt bớ mạnh tay. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng Liên minh châu Âu nói chung và Pháp nói riêng đang thực hiện một chủ trương buộc Việt Nam phải thay đổi, đặc biệt là sau vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh và hàng loạt vụ đàn áp nhân quyền “khét tiếng” gần đây:
Chính vì vậy khi ông Trọng sang Pháp, việc đầu tiên là sự đón tiếp long trọng đã không có. Thứ hai, khi họ đưa vấn đề dân chủ nhân quyền lên hàng thứ hai, điều đó chứng minh Liên minh châu Âu đã coi trọng nhân chủ nhân quyền và đã thấy thực chất những tuyên bố của Nhà nước Cộng sản Việt Nam đối với dân chủ nhân quyền cho nhân dân Việt Nam là hoàn toàn không có, hoàn toàn giả dối.
Việt Nam thường xuyên cam kết thúc đẩy nhân quyền trước mắt quốc tế, và thậm chí còn đưa ra những bản công bố về thành tựu nhân quyền của họ trong thời gian qua. Nhưng giới hoạt động cho biết suốt năm ngoái và đầu năm nay, họ bị đàn áp và bỏ tù hết sức tàn bạo. Năm ngoái, chỉ trong vòng hai tuần lễ, 5 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ đã bị bắt.
Ngay khi ông Trọng còn đang ở Pháp, ca sĩ Mai Khôi, một nhà hoạt động vì tự do ngôn luận ở VN đã bị cơ quan chức năng câu lưu tại Hà Nội khi vừa đáp chuyến bay về từ châu Âu.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nhận thấy qua cách gián tiếp thúc giục thay đổi tình hình nhân quyền của Pháp, thời gian tới Việt Nam có thể sẽ nhẹ tay hơn với giới hoạt động để đổi lấy các lợi ích kinh tế.

Tổng Bí Thư VN:

‘Kinh tế thị trường không thể hủy hoại XHCN’

Tổng bí thư Việt Nam nói ông ủng hộ cải cách kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong chuyến thăm hai ngày ở Cuba, theo Reuters.
Ông Trọng cũng cho biết Việt Nam đang phải vật lộn để thoát khỏi nền kinh tế chỉ huy theo kiểu Xô Viết.
Bình luận về chuyến thăm, tờ Granma của Cuba ngày 29/3 viết:
“Cuba và Việt Nam, cách nhau hàng nghìn kilômét với những thực tế lịch sử và văn hoá khác nhau, là những ví dụ về thành công của chủ nghĩa xã hội, khi được bảo vệ và xây dựng với sự ủng hộ của đa số người dân.”
Việt Nam và Cuba thuộc số ít những nước cộng sản còn sót lại trên thế giới, nhưng Hà Nội đã mở cửa cho nền kinh tế tập trung vào những năm 1980, hai thập kỷ trước khi Havana bắt đầu thực hiện điều này một cách nghiêm túc dưới thời Chủ tịch Raul Castro, theo bài báo trên Reuters ngày 29/3.
“Bản thân nền kinh tế thị trường không thể hủy hoại chủ nghĩa xã hội,” Reuters trích bài phát biểu của Tổng Bí thư Trọng tại Đại học Havana.
“Nhưng để xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, cần phải phát triển nền kinh tế thị trường một cách đầy đủ và đúng đắn.”
Hà Nội đã nỗ lực đưa khoảng 30 triệu người Việt Nam thoát nghèo trong vòng 20 năm, Reuters trích lời ông Trọng.
Ông Raul Castro rời ghế Chủ tịch nước vào 19/4/2017 sau hai nhiệm kỳ liên tiếp không thể đưa Cuba phát triển kinh tế nhanh như Việt Nam. Tuy nhiên ông vẫn là lãnh đạo Đảng Cộng sản Cuba (PPC) cho đến năm 2021.
PCC tuần này thừa nhận sự tụt hậu trong cải cách thị trường nước này là do sự phức tạp của quá‎ trình cải cách, mức độ tham gia thấp của bộ máy hành chính quan liêu và những sai sót trong giám sát.
“Với tầm nhìn rõ ràng của đảng Cộng sản Cuba, Cuba chắc chắn sẽ đạt được những thành tựu to lớn và đạt được một chủ nghĩa xã hội thịnh vượng và bền vững,” ông Trọng nói trên Reuters.
Cũng theo Reuters, người Cuba than phiền nền kinh tế của họ bị hai loại phong tỏa, một từ nội bộ, là kiểm soát có tính kìm hãm của nhà nước, và từ bên ngoài: cấm vận thương mại của Hoa Kỳ.
Trang tin chinhphu.vn cho hay trong chuyến thăm này, ông Nguyễn Phú Trọng đã trao Huân chương Sao vàng cho “đồng chí Raul Castro Ruz, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba”.
Theo truyền thông Việt Nam, hiệu trưởng Đại học Tổng hợp La Habana trao bằng Tiến sĩ Danh dự ngành Khoa học Chính trị cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 29/3.
Hai bên đã ký kết nhiều văn bản, thỏa thuận hợp tác.
Trong đó có, thỏa thuận trao đổi hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Cuba giai đoạn 2018-2023, hợp tác về hàng không dân dụng…

‘Út trọc’ Đinh Ngọc Hệ đang bị điều tra án kinh tế

Bộ Quốc Phòng tuyên bố đang điều tra ông “Út trọc” Đinh Ngọc Hệ trong một vụ án kinh tế, truyền thông Việt Nam đồng loạt đưa tin.
Đại tá Nguyễn Văn Đức, phụ trách Cục trưởng Cục Tuyên huấn nói với báo giới hôm 29/3 rằng Bộ “đang điều tra” thượng tá Đinh Ngọc Hệ, người bị bắt vào 21/12/2017.
“Đây là vụ án kinh tế. Bộ Quốc phòng đang trong quá trình điều tra,” ông Đức nói.
“Về quan điểm, Bộ Quốc phòng sẽ là cơ quan đi đầu trong việc xử lý tất cả những vụ việc tiêu cực trong nội bộ sớm nhất và cương quyết nhất, không có du di.”
“Tuy nhiên, vụ việc này đang trong quá trình điều tra và khi có kết luận sẽ cung cấp thông tin chính thức cho báo chí,” ông Đức nói theo báo Thanh Niên.
Ông Hệ trước đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, được thành lập từ 2009, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như khai thác khoáng sản, vận tải hàng hóa, phân phối thức uống, kinh doanh nhà hàng, khách sạn…
Nhưng nổi tiếng nhất là các dự BOT với mức đầu tư lên hàng ngàn tỉ đồng, như dự án cầu Hạc Trì với mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng.
Ông Hệ còn được biết đến là “Út trọc” hay “Út bộ trưởng”, theo báo Tuổi Trẻ.
Cái tên này từng được Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nhắc đến vào 21/12/2017.
Khi đó ông Nghĩa nói: “Ở [Đà Nẵng] có Vũ “nhôm” mà mọi người đang nói thì ở ngoài bắc, trong quân đội có nói về Út “trọc”, cũng thượng tá cả. Quan điểm là người của ai thì đơn vị đó phải xử lý. Quân đội vừa xử lý, bắt Út “trọc” rồi. Công an hiện cũng đang làm và phải trả lời câu hỏi về Vũ “nhôm”,” ông Nghĩa nói khi báo chí đang xôn xao về vụ việc của ông Phan Văn Anh Vũ.
Liên quan đến Vũ Thị Hoan của Công ty Yên Khánh?
Báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên đều đồng loạt liên hệ giữa công ty Thái Sơn của ông Hệ với Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, có giám đốc là bà Vũ Thị Hoan.
Hai công ty Thái Sơn và Yên Khánh gần như luôn “song hành” tham gia các dự án BOT. Cụ thể dự án cầu Hạc Trì, công ty Cienco 1 góp vốn 20 %, công ty Yên Khánh và Thái Sơn mỗi công ty góp 40%.
Trong khi đó, Yên Khánh lại cũng sở hữu 28,28% cổ phần của Cienco 1.
Theo báo Tuổi Trẻ, ông Đinh Ngọc Hệ “‘có quan hệ mật thiết’ với bà Hoan, nên gần như nắm toàn bộ hoạt động của Yên Khánh”.
Đầu tháng 1/2018,vài tuần sau khi ông Hệ bị bắt, nhiều báo trong nước bắt đầu “truy tìm gia thế” bà Hoan.
Theo báo Nhà Đầu Tư, bà Vũ Thị Hoan, sinh năm 1985, thành lập công ty Yên Khánh vào 2005.
Vốn điều lệ hiện tại của công ty Yên Khánh là 1.800 tỷ với ba cổ đông chính là bà Hoan (69,5%), bà Đinh Thị Hiên (30%) và Đinh Thị Liên (0.5%).
Mẹ bà Hoan là bà Đinh Thị Lựu, nguyên quán ở Hà Nam Ninh, hiện không rõ có liên quan với hai cổ đông trên hay không.
Theo Tuổi Trẻ, công ty Yên Khánh cũng tham gia đầu tư nhiều dự án BOT cũng trị giá hàng ngàn tỷ, như mua lại dự án cao tốc TP HCM – Trung Lương có giá 2.004 tỷ vào 2014.
Yên Khánh cũng góp 30% vốn vào dự án cải tạo QL 20 ở Lâm Đông theo hình thức BOT và BT với Tổng công ty 319 của BQP và công ty Thái Sơn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?