Tin Biển Đông – 30/05/2018

Tin Biển Đông – 30/05/2018

Ba Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ

 kêu gọi hành động mạnh hơn ở Biển Đông

Một nhóm ba nghị sĩ Hoa Kỳ, thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, lên tiếng yêu cầu Chính phủ Mỹ phải mạnh mẽ hơn nữa chống lại hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.
Báo chí Mỹ vào ngày 30/5 cho biết trước khi tàu chiến Mỹ đi tuần tra sát các đảo Trung Quốc đang chiếm đóng ở Hoàng Sa vào ngày 27/5, ba thượng nghị sĩ Mỹ là Marco Rubio, Cory Gardner, và Ed Markey đã gửi một bức thư lên Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng phản ứng của Chính phủ Mỹ đối với những hành động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông là không thỏa đáng và đang gia tăng những rủi ro đối đầu.
Ba vị nghị sĩ này lặp lại lời của Đô đốc Philip Davidson, tân chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương, phát biểu hồi tháng tư rằng Trung Quốc đang chiếm lĩnh con đường chiến lược xuyên qua Biển Đông.
Họ còn nói rằng việc triển khai tên lửa của Bắc Kinh ở Biển Đông không phải để phòng thủ mà để tấn công, trong trường hợp xung đột khu vực với các đồng minh của Mỹ là Philippines, và các quốc gia như Việt Nam, và Indonesia.
Ba vị nghị sĩ vừa nêu đề nghị Chính phủ Mỹ phải làm việc hơn nữa với Quốc hội để giúp đỡ về mặt quân sự cho các quốc gia trong khu vực chống lại sự lấn lướt của Bắc Kinh.
Ba ông cũng tỏ ý hài lòng rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đã rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận sắp tới đây của Mỹ tại Thái Bình Dương mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC)
Ba vị thượng nghị sĩ muốn Chính phủ Mỹ phải tiến tới việc triển khai tàu chiến một cách thường trực trong khu vưc bằng việc thiết lập một Lực lượng hải quân đặc biệt trong vùng Thái Bình Dương. Lực lượng này có thể giúp đỡ các đồng minh của Mỹ, những quốc gia mong muốn bảo vệ sự tự do hàng hải qua Biển Đông.
Hồi tháng tư một nhóm các nghị sĩ Mỹ thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng đã bảo trợ cho một dự luật thúc đẩy vùng Ấn Độ- Thái Bình Dương thành khu vực mở và tự do dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế.
Nếu được thông qua, dự luật này sẽ tạo điều kiện cho việc chuyển giao vũ khí và hợp tác quân sự của Mỹ với các nước trong khu vực.
Trước đó, trong tháng ba một số nghị sĩ lưỡng đảng cũng đã đệ trình một dự luật có thể cấm vận những cá nhân và tổ chức từ Trung Quốc có dính dáng đến những hành động quân sự hóa phi pháp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Các vị dân biểu này nói rằng Washington phải làm hơn nữa để cho Bắc Kinh công nhận phán quyết của Tòa trọng tài thường trực Quốc tế La Haye hồi năm 2016 tuyên rằng Trung Quốc đã vi phạm luật quốc tế khi xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Mỹ: Sẽ tiếp tục

chống Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông

Sau các cử chỉ cụ thể để cảnh cáo Trung Quốc về việc đưa vũ khí hạng nặng xuống Biển Đông và quân sự hóa các đảo họ bồi đắp trong vùng đang có tranh chấp với các láng giềng, Mỹ tiếp tục cứng giọng với Bắc Kinh : Trên đường bay đến Hawaii để tham dự lễ bàn giao quyền chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis ngày 29/05/2018 tuyên bố: Washington sẽ tiếp tục đối đầu với các hành vi quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh.
Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu với các nhà báo tháp tùng theo ông đến Hawaii, rồi sau đó qua Singapore tham gia Đối Thoại An Ninh Shangri La vào đầu tháng Sáu, ông Mattis ghi nhận thực tế là cho đến nay « dường như chỉ có một nước duy nhất (là Mỹ) là đã có những biện pháp cụ thể để tố cáo các hành vi đó (của Trung Quốc) » trên Biển Đông.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục cho thấy sự hiện diện của mình tại Biển Đông vì « đó là vùng biển quốc tế nơi nhiều quốc gia muốn được quyền đi lại tự do ».
Theo ông Mattis, chiến hạm Mỹ đang duy trì những hoạt động hải quân đều đặn quanh các hòn đảo có tranh chấp, và cho đến nay cũng « chỉ có duy nhất một quốc gia » - ám chỉ Trung Quốc – là có dấu hiệu bị hoạt động thường lệ của tàu Mỹ làm phiền.
Đối với bộ trưởng Quốc Phòng Mattis, dù mở rộng hợp tác với các nước vùng Thái Bình Dương, nhưng Hoa Kỳ « sẽ đối đầu với những hành vi bị cho là không phù hợp với luật pháp quốc tế, với những gì mà các tòa án quốc tế đã nói về vấn đề này ».
Lời khẳng định được bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ nhấn mạnh khi ông trở lời câu hỏi của một phóng viên về vụ Bắc Kinh lên tiếng cực lực phản đối việc Hải Quân Mỹ, hôm 27/05, đã cho hai chiến hạm tiến vào thao tác bên trong vùng 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh đã chiếm trọn từ tay Việt Nam vào năm 1974, xây dựng trên đó nhiều cơ sở quân sự và bố trí chiến đấu cơ, tên lửa.
Giải thích về các quyết định cứng rắn mới đây của Mỹ đối với Trung Quốc, trong đó có việc không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018, ông Mattis cho rằng Bắc Kinh đã nuốt lời cam kết không quân sự hóa Biển Đông, và « khi người Trung Quốc hành động thiếu minh bạch với chúng ta, thì chúng ta không thể tiếp tục hợp tác với họ trong một số lĩnh vực ».
Ông Mattis cho biết thêm là các vấn đề kể trên cũng sẽ được ông đề cập một cách mạnh mẽ với phía Trung Quốc khi ông đến Singapore vào cuối tuần để dự Đối Thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á.
Trung Quốc sách nhiễu tàu hải quân Philippines trên Biển Đông
Theo hãng tin Mỹ AP, hai quan chức Philippines xin giấu tên đã tiết lộ ngày 30/05/2018 rằng Manila mới đây đã kín đáo phản đối Bắc Kinh về vụ tàu Trung Quốc đã cho máy bay trực thăng lượn sát bên trên một chiếc tàu của Hải Quân Philippines tại vùng Trường Sa.
Vụ việc xẩy ra ngày 11/05 khi một chiếc tàu Philippines chuyên chở hàng tiếp tế đến cho toán thủy quân lục chiến Philippines đồn trú trên bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), do Philippines kiểm soát tại Trường Sa, nhưng đang bị Trung Quốc bao quanh.
Theo nguồn tin trên thì gần đây, Philippines và Trung Quốc đã tổ chức đàm phán để ngăn chặn không cho sự cố như trên tái diễn.

Biển Đông: Quốc sách chủ bại trước Bắc Kinh

của TT Philippines

Ngày 28/05/2018 vừa qua, ngoại trưởng Philippines Cayetano cứng rắn cho biết là nước này sẵn sàng “chiến đấu” chống Trung Quốc nếu Bắc Kinh có những hành động mà Tổng thống Duterte xem là không thể chấp nhận được. Tuyên bố đanh thép hiếm hoi này được đưa ra ít lâu sau khi Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS ở Washington (Mỹ) công bố ảnh vệ tinh ngày 17/05 cho thấy quân đội Philippines đã bắt đầu sửa chữa một phi đạo và nâng cấp một số cơ sở hạ tầng khác trên đảo Thị Tứ, do Manila kiểm soát tại Trường Sa.
Đối với giới quan sát, đó là những động thái có mục tiêu trấn an dư luận Philippines, đang ngày càng lo lắng trước đường lối bị coi là chủ bại, thậm chí là đầu hàng Trung Quốc, của tổng thống Duterte trên vấn đề Biển Đông, để tranh thủ lợi ích trong lãnh vực kinh tế, thương mại.
Trong bài phân tích mang tựa đề “Cuộc đấu mờ nhạt của Philippines ở Biển Đông – Philippines’ lacklustre fight in the South China Sea”, trang mạng đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera ngày 22/05 đã dẫn lời một số chuyên gia Philippines cho rằng “nhân nhượng” Trung Quốc không phải là một giải pháp tốt cho đất nước Đông Nam Á này.
“Tôi không thể đi đến chiến tranh với Trung Quốc”: đây là những lời của tổng thống Philippines Duterte mỗi khi được hỏi về tranh chấp chủ quyền của Philippines trên một phần Biển Đông. Đây cũng là quan điểm ông từng nêu lên khi phát biểu nhân kỷ niệm lần thứ 120 ngày thành lập Hải Quân, vào hôm 22/05/2018. Mặc dù khen ngợi những nỗ lực ‘oai hùng’ của các lính thủy trong việc gìn giữ bảo vệ lãnh thổ Philippines, nhưng ông Duterte đã gián tiếp công nhận thế yếu của họ so với đối thủ Trung Quốc.
“Tôi không thể lao vào một trận chiến mà tôi không thể thắng”, ông đã nói như vậy trước những người lính Hải Quân và các nhân vật cao cấp.
Đối với giới chỉ trích, quả là tổng thống Philippines đã đưa ra những lập luận chủ bại, và ông phải gánh một phần trách nhiệm trong thái độ hung hăng của Trung Quốc, tiếp tục quân sự hóa Trường Sa và Hoàng Sa, bất chấp những lời kêu gọi từ biết bao quốc gia đòi Bắc Kinh ngưng ngay việc này.
Manila đã không cùng lên tiếng với họ, trong khi mà Philippines là quốc gia duy nhất nắm con chủ bài có thể giúp ngăn sức mạnh quân sự của Trung Quốc: Phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, và khẳng định đặc quyền kinh tế của Philippines trong vùng 200 hải lý tính từ bờ biển của mình.
Do việc ông Duterte đã chủ trương gác qua một bên phán quyết quốc tế với hy vọng tranh thủ được Trung Quốc, giới phân tích giờ đây đánh giá là Philippines đang thua trong cuộc tranh chấp, trước một láng giềng hung hăng hơn.
Trả lời đài Al Jazeera, chuyên gia Jay Batongbacal, thuộc Viện Nghiên Cứu Hàng Hải và Luật Biển thuộc Đại Học Philippines, cảnh báo rằng: “Nếu Manila cứ tiếp tục trên con đường hiện tại, thì phán quyết kể như sẽ không còn phù hợp với thực tế trên hiện trường trong một năm tới đây”.
Đối với ông Batongbacal, vì cho là phán quyết quốc tế luôn có giá trị, muốn dùng lúc nào cũng được, cho nên ông Duterte đã “nhượng cuộc chơi quá sớm” và chính quyền của ông chỉ có thể tự trách mình khi gác qua một bên và “lãng phí chiến thắng có ý nghĩa nhất của Philippines trong tranh chấp Biển Đông”.
Oanh tạc cơ và tên lửa Trung Quốc trên Biển Đông
Vào hôm thứ Sáu 18/05, Không Quân Trung Quốc thông báo triển khai oanh tạc cơ tại một tiền đồn ở Hoàng Sa, một nơi mà Đài Loan và Việt Nam cũng đòi chủ quyền.
Vào thượng tuần tháng 5 này, kênh truyền thông Mỹ CNBC trích nguồn tin tình báo Mỹ, nói rõ là Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm và hỏa tiễn phòng không ở Trường Sa, nơi mà cả Philippines, lẫn Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan, cùng tuyên bố chủ quyền.
Trong cả hai trường hợp, Philippines đều rơi vào bên trong tầm nhắm của vũ khí tấn công Trung Quốc đặt cả ở Hoàng Sa lẫn Trường Sa. Điều này đã làm dấy lên lo ngại trong dân chúng và tăng sức ép lên tổng thống Duterte, thúc giục ông hành động.
Bộ Ngoại Giao Philippines nói rằng họ “đang đưa ra hành động ngoại giao thích hợp” để bảo vệ tuyên bố chủ quyền của đất nước”, nhưng sẽ không “nói công khai về bất kỳ hành động đưa ra nào”. Đó không phải là phản ứng mà công luận Philippines chờ đợi.
Khác với Việt Nam đã công khai lên tiếng tố cáo Trung Quốc “làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn định trong khu vực” và yêu cầu Bắc Kinh ngưng quân sự hóa Biển Đông.
Quyền lãnh đạo Tư Pháp Philippines Antonio Carpio và cựu ngoại trưởng Alberto Del Rosario, hai người từng là tác nhân vụ kiện và bảo vệ đơn khiếu nại của Philippines trước Tòa Trọng Tài La Haye, đã chỉ trích phản ứng của chính quyền Duterte.
Ông Del Rosario cho là chính quyền phải “xem xét lại” chính sách ngoại giao của mình, quyết định xếp vào ngăn tủ phán quyết Tòa Trọng Tài sẽ làm Philippines mất đi “cơ may thúc đẩy lập trường của mình” và tạo điều kiện cho Trung Quốc “đi vào sân sau của Philippines”.
Từ năm 2015, Trung Quốc đã bồi đắp 7 đảo đá ở Trường Sa và biến chúng thành những cơ sở quân sự. Theo phán quyết của Tòa Trọng Tài thì những đảo đá đó nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines chiếu theo Luật Biển quốc tế.
Phần ông Carpio thì thúc giục chính quyền “chính thức phản đối” hành động của Trung Quốc và lôi kéo những quốc gia khác muốn hậu thuẫn cho phán quyết của tòa quốc tế. Không làm như vậy, Philippines sẽ trở thành “nạn nhân tự nguyện của chiến lược chiến tranh thứ 3 của Trung Quốc”, dùng sức mạnh quân sự để hù dọa đối thủ tranh chấp.
Để giải tỏa nỗi sợ hãi của ông Duterte về một cuộc chiến tranh với Trung Quốc, ông Carpio giải thích là việc chính thức phản đối được Hiến Chương Liên Hiệp Quốc công nhận là một hành đông đáp trả “hòa bình và chính đáng”, và do đó không thể trở thành cớ để gây chiến.
Người tích cực cộng tác với kẻ xâm lược
Tổng thống Duterte đã bị nhiều người chỉ trích vì đã nêu khả năng xẩy ra chiến tranh với Trung Quốc thành một cái cớ để không làm gì cả trên vấn đề Biển Đông.
Trong một tham luận vào tháng 7/2017, ông Carpio nhận thấy là tổng thống Duterte có “một thiếu sót kiến thức đáng ngạc nhiên về luật quốc tế và quan hệ quốc tế”, và ông nêu bật là Trung Quốc sẽ không mạo hiểm tấn công Philippines vì làm như thế sẽ khởi động hiệp định phòng thủ hỗ tương mà Manila đã ký với Mỹ.
Nói cách khác, một cuộc chiến với Philippines sẽ là một cuộc chiến với Mỹ mà ông Carpio cho rằng Trung Quốc không muốn.
Tuy nhiên đối với ông Jose Antonio Custodio, một nhà phân tích quân sự, từng là cố vấn cho Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Philippines, thì ông Duterte không đơn thuần là quá thận trọng.
Trả lời Al Jazeera, chuyên gia này phân tích: “Các hành động của chính quyền Duterte ngay từ ngày đầu đã cho thấy là họ từ bỏ việc lập một khối đồng thuận quốc tế chống lại tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc để chuyển qua cộng tác đắc lực với Bắc Kinh”.
Bên cạnh việc gạt qua một bên phán quyết thuận lợi cho Philippines của Tòa Trọng Tài, ông Duterte còn giảm nhẹ mức độ cứng rắn trong bản tuyên bố chung của ASEAN muốn nêu lên vấn đề tranh chấp Biển Đông lúc ông làm chủ tịch vào năm ngoái 2017. Ông Duterte vẫn tiếp tục ca ngợi, tâng bốc Bắc Kinh, mở cửa Philippines cho ảnh hưởng kinh tế và chính trị Trung Quốc thông qua các khoản trợ giúp, tín dụng.
Những điều đó, theo ông Custodio, cho thấy hình ảnh một Duterte năng nổ phục vụ cho quyền lợi của Trung Quốc, và “phổ biến một không khí chủ bại để biện minh cho chính sách thân Bắc Kinh”.
Trung Quốc chỉ là một mối quan ngại chứ không là đe dọa
Ê kíp truyền thông của ông Duterte ý thức rất rõ là chính quyền bị chỉ trích như thế, cho nên đã cố phô trương hình ảnh một Duterte yêu nước.
Vào trung tuần tháng 5, tổng thống Duterte đã viếng một tàu hải quân chuẩn bị đến Benham Rise, một vùng giàu tài nguyên và và có vị trí chiến lược ngoài khơi Thái Bình Dương, và đã được ông đặt tên lại là Philippine Rise sau khi phát hiện tàu Trung Quốc trong khu vực.
Con trai ông cùng với cộng sự viên cao cấp nhất của ông đã chạy môtô nước chung quanh chiếc tàu bỏ neo ngoài biển, như để nhắc lại tuyên bố của ông Duterte lúc vận động tranh cử là sẵn sàng chạy môtô nước ra Trường Sa cắm cờ Philippines trên một cơ sở của Trung Quốc.
Có điều hiện nay, ngay cả những phụ tá của ông Duterte cũng tỏ ra rất thận trọng khi nói về Trung Quốc. Khi được hỏi về quan điểm của tổng thống về những diễn tiến mới đây ở Biển Đông, phát ngôn viên của ông Duterte giải thích là tổng thống nhìn Trung Quốc như một “mối quan ngại chứ không là mối đe dọa”.
Ông Duterte luôn luôn nhấn mạnh là Philippines không có nhiều chọn lựa, nếu không muốn nói là không có bất kỳ chọn lựa nào khi xử lý vấn đề Biển Đông với Trung Quốc, do đó chỉ có thể “hy vọng nơi thái độ khoan dung” của Bắc Kinh.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện